Chương 7


Cả lớp hét to như vỡ chợ khi nghe lớp trưởng thông báo giờ Sinh nghỉ vì cô bị bệnh đột xuất.

Ðan Nghi tươi cười mang vở đến để trên bàn Khôi:

- Cám ơn Khôi nha! Ơn chúa! Hôm nay cô bệnh rồi, nếu không Khôi ngồi xa quá làm sao đọc cho Nghi được.

Mặt của lão cận lạnh lùng, dửng dưng y như Bill Gates thứ thiệt đang chờ nghe phán xét sau cùng của tòa án về vấn đề độc quyền. Hãy đợi đấy đi Bill, để rồi xem Ðan Nghi sẽ … bảnh cở nào khi không bị lão kềm kẹp.

Tuấn “vẫu” nhảy nhót lên đứng trước bảng, thái độ lăng xăng như hề Xuân Hinh đang hát chèo:

- Thầy giám thị không cho phép ra khỏi lớp, vậy mình sẽ … xả hơi tại chỗ. Tui xung phong làm speaker điều khiển chương trình thư giãn cuối tuần. Các bạn có đồng ý không?

Nghĩa gân cổ lên:

- Cứ … vô tư đi, hỏi ý kiến, ý ruồi làm chi cho tốn thời gian. Ai thích thì nghe, thì nhìn, hỏng thích thì mở vở ra dò bài … Nào! Bắt đầu nhanh…

Tuấn “vẫu” nghiêng người:

- Tuấn M.C… kính chào các bạn… xin một tràn pháo tay.

Ðan Nghi đang tủm tỉm nhìn Tuấn diễn trò thì nghe Lãm hỏi mình:

- Tuấn điều khiển chương trình thư giãn cuối tuần gì vậy?

Nghi quay xuống giải thích:

- À! Lớp này vẫn thích văn nghệ, văn gừng, những lúc trống tiết thường diễn vài màn cho vui để hưng phấn học tiếp. Tuấn dẻo mồm lắm đấy.

Trên bảng, Tuấn bắt đầu mở cuốn Mực Tím ra và ỉ ả lẩy Kiều:

- “Trăm năm trong cõi người ta
Bích Tuyên, Diễm Uyển khéo là ghét nhau
Ðức “cống” có một… chùm dâu
Hai nàng tranh hái thật đau đớn lòng.
Chẳng cần biết ngọt hay không
Miễn sao dâu ấy nằm trong tay mình…

Bọn con trai cười rũ rượi trong khi Bích Tuyên hầm hầm đứng dậy xỉ vào mặt Tuấn:

- Bậy bạ vừa thôi nghen! Coi chừng ăn dép đó!

Tuấn tỉnh rụi:

- Ủa! Bà qua cầu rớt dép rồi mà! Còn đâu nữa để hăm dọa.

Diễm Uyển nhỏ nhẹ nhưng hết sức chanh chua:

- Vừa vô duyên vừa phi nghệ thuật, xuống cho rồi. Lớp mình đâu thiếu những tay văn chương. Mời người lên nói chuyện văn học không hay hơn sao?

Tuấn cười như không biết mình vừa bị mắng:

- Vâng! Ý kiến hay! Xin cám ơn và xin mời phiến lá mới Hoàng Thiên Lãm tác giả truyện ngắn từng làm xôn xao bạn đọc lên… sân khấu để phục vụ những người ái mộ mình.

Mặc Tuấn nhắc lại lần thứ hai, Lãm thản nhiên ngồi nhai chewing- gum.

Tuấn “vẫu” không bỏ cuộc. Nó tằng hắng lấy giọng và chuyển hệ lưu loát… bác học chả thua gì Lại Văn Sâm:

- Vâng! Thưa các bạn. Người xưa thường nói “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán” để ca ngợi tài nghệ văn chương của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát. Ngày nay chúng ta cũng ca tụng “Văn như Ánh như Vinh” để khen tặng Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh, những cây bút quen thuộc của tuổi mới lớn.

Im lặng một … giây để tập trung hơn nửa sự chú ý của cả lớp, Tuấn “vẫu” … quậy tiếp:

- Nhưng chúng ta có một người bạn được xem là cây bút trẻ tài năng trong mọi tài năng. Bạn ấy sẽ toả sáng như ngôi sao mai trên nền trời hoàng hôn. Tương lai không thua gì bậc đàn anh Vinh, Ánh. Ðó chính là … là …

Bọn con gái ré mồm lên khi Tuấn “vẫu” vờ đưa micro về phía chúng:

- Hoàng Thiên Lãm!

Tuấn “vẫu” toét mồm:

- Vâng! Chính là anh, Hoàng Thiên Lãm. Cái tên ba chữ này nhắc chúng ta liên tưởng đến các tài danh cải lương như Kim Tử Long, Vũ Minh Vương… Nhưng anh không thuộc giới cải lương mà là nhà văn trẻ. Các bạn rất mong được giao lưu với Hoàng Thiên Lãm. Một lần nữa xin mới Thiên Lãm lên sân khấu.

Ðan Nghi cười vì cái mép dẻo quẹo của Tuấn. Cái thằng có khiếu làm M.C. thật!

Quay ra sau, cô thì thầm:

- Lên đi Lãm…

Lãm nhìn Nghi:

- Nếu Nghi thích!

- Ờ! Nghi thích! Nói gì cho vui nhe!

Lãm khoan thai bước lên bục giảng. Kín đáo liếc về phía Khôi, Nghi thấy lão cận cũng rời mắt khỏi quyển tập dày cộm trên bàn để nhìn lên trên. Thế đấy! Hai người đang là đối thủ nặng ký của nhau, Nghi kiêu hãnh khi nghĩ họ kình nhau vì mình.

Lãm mỉm cười khiến bọn con gái đang xù xì phải im phăng phắc.

Tuấn “vẫu” xoa hai vai vào nhau:

- Lãm này! Bạn có thể cho lớp biết đôi điều về … quá trình hoạt động văn học nghệ thuật của mình không?

Lãm chưa kịp trả lời đã nghe Nghĩa ré lên:

- Dao to búa lớn quá Tuấn ơi! Không khéo đứt tay, lỗ đầu đó!

Bình tĩnh vững vàng như một tay chuyên nghiệp, Lãm nói:

- Ðúng như Nghĩa nói. Tuấn dùng từ … kêu quá khiến tôi ngại vì mình có quá trình hoạt động văn học nghệ thuật gì đâu …

- Nhưng Lãm là một cây bút trẻ mà. Hãy nói vì sao bạn đến văn chương đi! – Mai Ly cắt ngang.

Lãm tủm tỉm cười:

- Tất cả do tình cờ thôi! Một sớm mai nào đó vừa thức dậy, tôi chợt thấy mọi vật chung quanh ta sao đẹp quá thế là tôi buột miệng:

“Vươn vai buổi sáng
Nắng trôi vào nhà
Ðôi mắt nhắm lại
Thấy trời bao la
Vươn vai buổi sáng
Then cài giọt sương
Gió quên đóng cửa Giấc mơ dang dở
Tràn ra mặt đường”.
(Thơ Phạm Tiến Ngọc)

Thế là tôi đến với thi ca.

Diễm Uyển tấm tắc một cách thật ngây thơ:

- Một tình cờ mà không thể trong chúng ta ai cũng có được. Lý thú thật!

Bích Tuyền tò mò:

- Thế còn truyện ngắn? Lãm đã viết bao nhiêu truyện rồi?

Ðan Nghi có cảm giác mắt Lãm đang ấm áp dành cho riêng mình, dù nó đang đứng trước mấy chục đứa bạn. Cũng như những con nhỏ khác trong lớp, cô cũng háo hức nghe Lãm trả lời, và tiếc là sao trước đây, khi ngồi với nhau trong quán, cô chưa bao giờ nghĩ ra những câu cụ thể như vậy để … phỏng vấn Lãm.

Với vẻ ung dung tự tại, Lãm trả lời:

- Thật tình tôi không nhớ mình đã viết bao nhiêu truyện, vì ngoài những tác phẩm được trình làng, tôi đã xé biết bao nhiêu tác phẩm không được xử dụng.

Hoàng Lan ồ lên tiếc rẻ:

- Sao lại xé uổng thế! Dầu thì cũng là chất xám cơ mà!

Nghĩa vọt miệng:

- Không phải chất xám. Nói theo kiểu nhà văn thì tác phẩm là máu thịt, là con cái … Nhưng đông con khổ mẹ, chất lượng kém dần khi số lượng tăng phải không?

Thấy Lãm lúng túng vì câu hỏi độc của Nghĩa, Bích Tuyền vội cứu bồ:

- Lãm thích truyện nào nhất trong những truyện đã viết?

Lãm chấn phấn thấy rõ, nói màu mè:

- Khi ý tưởng còn trong đầu, tôi đều thích chúng như nhau, nhưng khi đã trải lòng ra trên giấy, được đông đảo người yêu thích, tôi lại thấy chán vì không hài lòng với những gì mình đã viết. Thú thật tác phẩm tôi yêu nhất vẫn chưa ra đời.

Ðang Nghi chống tay dưới cằm. Cách trả lời này cô vẫn thấy nhan nhản trên các bài báo, chả chút gì đặc biệt, nếu không muốn nói là nhàm chán. Cô hướng mắt mình về phía Khôi và bắt gặp cái nhếch mép của nó. Hừ! chắc là ganh tỵ rồi!

- Bạn đã viết “Ngõ Vắng” trong tâm trạng nào? – Hoàng Lan thắc mắc.

Lãm trầm giọng:

- Ðó là một câu chuyện có thật hết chín mươi phần trăm. Hai nhân vật đều là bạn, tôi chỉ là người ghi chép lại những gì mình thấy.

Mai Ly tiếp tục phỏng vấn:

- Lãm nghĩ như thế nào về nhân vật nữ trong “Ngõ Vắng”?

Lãm cười duyên:

- Giống như mọi chúng ta, cô gái ấy thật vô tâm, nhưng dễ yêu. Nếu không anh chàng bánh giò sẽ không thầm thương trộm nhớ.

Diễm Uyển tò mò:

- Thế cô ấy bây giờ ở đâu?

- Vẫn lẫn khuất đâu đó … Nếu tinh ý bạn sẽ nhận ra cô ấy ngay.

Thái … “giám” vỗ bàn:

- Nói dài, nói dai, và nói dỡ. Chuyển mục đi Tuấn ơi!

Bích Tuyên hầm hầm:

- Bất lịch sự!

Quay sang nhìn Lãm, Tuyên nói nghẹn ngào:

- Tụi mình rất muốn nghe Lãm đọc thơ …

Bọn con gái nhao nhao:

- Ðúng rồi, đọc thơ đi Lãm.

Mặc kệ cho bọn con trai khó chịu ra mặt, Lãm thản nhiên bám trụ. Nó từ tốn bảo:

- Tôi sẽ đọc thơ dịp khác, còn hôm nay tôi sẽ kể chuyện cười cho các bạn đỡ buồn ngủ.

Ðan Nghi khá ngạc nhiên khi nghe Lãm nói thế. Cô không nghĩ nó thích chuyện tiếu lâm trong khi cô ghét. Mỗi khi ngồi chung, bọn con trai nhắc tới tiếu lâm là Nghi đứng lên ngay. Lãm không biết bọn con gái thích nó vì nó thuộc dạng lãng mạn hay sao? Kể chuyện tiếu lâm nó sẽ bị mất điểm ngay. Nhưng cũng tại lúc này Nghi bảo Lãm “Nói gì cho vui”. Nó muốn làm vừa lòng cô, và đang hạ giá mình mà không hay.

Nghi rất muốn ngăn Lãm nhưng chưa biết bằng cách nào, anh chàng đã cất giọng:

- “Trên một máy bay có năm người: viên phi công, Michael Jordan, Bill Gates, Ðạt Lai Lạt Ma và một gã bụi đời có vẽ lãng đãng như một nhà thơ.

Nghe tới Bill Gates và nhà thơ bụi đời, bọn con trai bắt đầu chú ý. Lãm nắm được điều đó nên ung dung kể tiếp:

- Bỗng một bình oxy trong khoang hành lý phát nổ, khói lan khắp máy bay. Cửa buồng lại bật mở, viên phi công xộc vào trong khoang hành khách và hổn hển nói:

- Tôi có một tin tốt và một tin xấu cho các người. Tin xấu là máy bay chúng ta sắp rơi. Tin tốt là có bốn cái dù và tôi đã mang một cái đây.

Dứt lời anh ta giơ tay chào và nhảy ra khỏi máy bay.

Michael Jordan vội bật dậy:

- Tôi là vận động viên vĩ đại nhất thế giới. Thế giới cần có những vận động viên vĩ đại. Tôi nghĩ vận động viên vĩ đại nhất thế giới nên có một cái dù!

Dứt lời anh ta chộp một lấy một cái dù nhảy nhanh qua cửa. Bill Gates đứng lên sửa gọng kính và nói:

- Tôi là người khôn ngoan nhất thế giới. Thế giới bao giờ cũng cần những người khôn ngoan. Tôi nghĩ người không ngoan nhất cũng nên có một cái dù.

Bill chộp lấy một cái và nhảy ra khoảng không.

Hai người còn lại nhìn nhau. Ðạt Lai Lạt Ma nói:

- Này con trai, tôi đã sống một đời an lạc, đã giác ngộ lẽ vô thường. Con còn trẻ lắm, con hãy mang dù, để ta rơi theo máy bay.

Gã nhà thơ bụi đời tươi cười đáp:

- Ồ! Thầy không phải lo. Người khôn ngoan nhất thế giới vừa nhảy ra ngoài với cái ba lô thơ của con…”

Ðan Nghi là đứa cười to nhất. Vừa cười cô vừa liếc Khôi và thấy nó cũng cười, không chỉ để cười, nó còn đứng dậy vỗ tay khen Lãm, dù Lãm vừa chơi nó một vố khá đau.

Không ngờ Hoàng Thiên Lãm… thâm đến thế. Chuyện tiếu lâm nó vừa kể độc lắm chớ đâu phải vừa. Ðan Nghi không hiểu lão cận đang nghĩ gì trong đầu, nhưng bỗng dưng cô hết muốn cười. Ðứng lên cô bỏ ra khỏi lớp trước cái nhìn ngạc nhiên của Lãm.

Giờ về. Lãm kề theo một bên xe Nghi. Giọng săn đón:

- Nghi sao thế?

Cô trả lời nhát gừng:

- Có sao đâu!

- Rõ ràng là không được vui.

- Sao lại không, lúc nãy tôi cười đau cả bụng, mỏi cả miệng.

Mắt Lãm sáng rỡ:

- Nghi thích truyện đó chứ?

Ðan Nghi lắc đầu:

- Không! Tôi thích những truyện vui thuần túy kìa.

Lãm nhíu mày:

- Thế nào là chuyện vui thuần túy?

Ðan Nghi nói:

- Ðó là những chuyện để cười nhưng không mỉa mai, châm chọc ai.

Lãm nhẹ nhàng:

- Nghi muốn nói tới Khôi à? Thật ra tôi chả có ý gì mỉa mai, châm chọc bạn ấy cả. Tôi kể chuyện tiếu lâm cho vui như Nghi muốn, câu chuyện ấy đăng lên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, ai cũng có thể đọc được.

Ðan Nghi bướng bỉnh:

- Nhưng nếu Lãm kể một chuyện khác vẫn hơn.

- Lần sau tôi sẽ chú ý, vừa lòng Nghi chứ! - Lãm đấu dịu.

Hai đứa cùng cười, Ðan Nghi biết ơn Lãm, cô có một vị trí quan trọng. Lãm tôn trọng cô chứ không như Khôi. Nghĩ tới lão Bill, Ðan Nghi vẫn ấm ức không ngui.

Rồi thì bài thơ “Giờ Toán” của Ðan Nghi cũng được lên báo. Lần này cô không làm đình, làm đám, đãi đằng như những lần trước nữa, mà lặng lẽ cùng Lãm vào quán cà phê để … đàm đạo về văn chương. Cô cảm thấy mình người lớn hẳn ra và tức cười khi nhớ lại những trò trẻ con, ấu trĩ trước kia khi có bài đăng nhí nhố.

Với ai, Ðan Nghi cũng ngẩng cao đầu hãnh diện, riêng với Khôi, cô vẫn thấy có điều gì đó như mặc cảm khi điểm số của cô ngày càng một nhỏ dần.

Lão cận mặt mày lúc nào cũng lạnh tanh, lão tránh gặp Nghi. Ðã đôi lần cô chủ động hỏi, Khôi cũng trả lời nhát gừng, kiểu không chút hứng thú. Nó làm như ngoài nó ra, Nghi chẳng chơi với ai được.

Chắc Khôi cũng như mẹ, luôn nghĩ rằng “May mà Nghi có Khôi, nếu không…”

Hà! Bây giờ Ðan Nghi có Lãm chẳng thích hơn sao? Ngoài cái rơ cùng mê nhạc Rock ra, mỗi lần trò chuyện với Lãm, cô đều hiểu thêm đôi điều gì đó về một nhà văn, nhà thơ. Ví dụ như trong vấn đề viết lách.
Nghi vẫn chưa đồng ý hết những lời Lãm nói. Nhưng với cô thế đã quá tốt, vì Khôi chẳng bao giờ quan tâm tới văn học nghệ thuật. Lão Bill chỉ là một con mọt sách dễ chán. Trong khi Lãm lại có khối cái hay cái lạ, đã vậy lại không bao giờ làm cô phật ý.

Người ta phải biết chọn bạn mà chơi. Khôi đã rẽ ngang, đã không chọn cô. Ðã thế thì thôi, dầu sao chăng nữa, Ðan Nghi cũng vẫn là một đứa con gái kia mà. Sao Khôi lại chấp nhất con gái kia chứ?

Ðan Nghi nuốt tiếng thở dài. Cô nhớ cách đây một tuần. Kẹt cầu chữ Y, cả hai cùng về trễ.

Ðụng mặt nhau ở hành lang, Khôi đã nhận xét rất khẽ.

- Nghi đã thay đổi nhiều quá!

Cô chưa kịp hỏi:

- Thay đổi về mặt nào?

Hai đứa đã vào lớp.

Mãi tới hôm nay cả hai vẫn chưa tự nhiên, thân thiện lại với nhau như hồi lớp mười, lớp mười một.

Ôi! Cái thời ấy sao vui thế nhỉ?

Ðang đạp xe ngon lành, Nghi vỗng thấy cái bàn đạp quay nhưng xe không đi.

Lại bể bi, hư bạc đạn hay hổng con chó gì rồi!

Cô nhảy xuống dáo dác tìm chỗ sửa, nhưng chẳng thấy ai. Thế là đành dắt bộ qua cầu, cầu bao nhiêu mét, em rầu bấy nhiêu.

- Ðan Nghi!

Nghe gọi, Nghi quay lại đúng lúc Khôi trời chiếc Cub cũ mèm tới:

- Xe hư hả?

Nghi thiểu não gật đầu. Khôi hỏi tiếp:

- Hư cái gì vậy?

Nhớ tới thái độ phớt tỉnh ăng-lê của lão cận hổm rày, Nghi bỗng giận.

Cô cộc lốc:

- Con chó!

Khôi sửa gọng kính:

- Cái gì?

Nghi gắt:

- Hư con chó!

- Vậy mà Khôi tưởng mình bị mắng chứ! – Khôi bình thản.

Ðan Nghi bĩu môi:

- Ai dám đụng tới ông.

Vừa nói cô vừa hất mặt dắt xe đi nhanh hơn. Tan học, trưa nắng như đổ lửa, mới dắt xe chừng hơn một trăm mét Ðan Nghi đã mệt muốn xỉu. Nghĩ tới đoạn đường trước mặt mà kinh hãi.

Giọng Khôi dịu dàng:

- Ðể xe đạp Khôi dắt, nghi lên chiếc Cub rồ đi!

Ðan Nghi liếm đôi môi khô vì khát nước.

- Sao tự nhiên tốt thế lão cận?

- Từ nhỏ tới giờ Khôi luôn tốt với Nghi. Nào! Ðưa xe đạp đây!

Ðan Nghi dài mồm:

- Thôi! Tui không thể … bóc lột ông.

Khôi gắt:

- Ðừng nhiều lời nữa. Miệng để nhai chewing-gum vẫn hay hơn.

Dứt lời lão Bill xuống dựng chống và dằn lấy ghi-đông xe đạp của Nghi.

Cô khoái rơn trong bụng nhưng vẫn múa mép:

- Tự Khôi chuốc lấy cái khổ chứ không phải tại Nghi nhe!

Lên xe chạy được một đoạn, Nghi dừng lại chờ Khôi và đề nghị:

- Hay là để Nghi kéo Khôi?

Khôi lên … đời cụ ngay:

- Vi phạm luật giao thông, Khôi không muốn.

Ðan Nghi liếc xéo lão cụ non một cái rồi rồ ga. Về nhà, bà Huyền ngơ ngác khi thấy cô dẫn xe vào:

- Sao lại thế?

Nghi ngồi phịch xuống ghế:

- Xe con hư, Khôi dắt bộ về sau.

- Mày chỉ giỏi nước đày đọa thằng bé. – Bà Huyền lắc đầu.

- Nó tự nguyện chớ con không hề yêu cầu. – Nghi gân cổ lên.

Thay quần áo xong, Nghi vào bếp làm hai ly nước cam to và nôn nóng ra sân đợi Khôi. Cả nửa tiếng sau mới thấy nó lót tót đạp xe về.

Giọng Khôi từ tốn:

- Sửa xong rồi đấy!

Nghi ngạc nhiên:

- Khôi sửa à?

- Không, thợ sửa ấy chớ!

- Mất bao nhiêu tiền, để Nghi … xin mẹ …

Khôi xua tay:

- Chỉ đáng giá một chầu cà phê thôi. Cứ xem như Khôi và Nghi vừa uống xong cà phê không có nhạc.

Nghi ngập ngừng:

- Nhưng Khôi có uống tí nào đâu.

Cô ngập ngừng:

- Ngồi nghỉ mệt đi… Bill.

- Khôi đâu có mệt.

Nghi vênh mặt lên:

- Không mệt cũng nghỉ.

Trở vào bép, Nghi bê hai ly cam vắt to đùng lên:

- Mỗi đứa một ly. Nãy giờ Nghi khát muốn chết…

Mắt Khôi lấp lánh sau tròng kính:

- Sao Nghi không uống?

Ðan Nghi cười dễ thương hơn bao giờ hết:

- Nghi chờ Khôi cùng uống không được hả?

Khôi ực một cái hết nửa ly, nó bảo:

- Xe chỉ sửa tạm thôi, thợ nói phải thay vài món, nếu không sớm muộn gì cũng hư nữa.

Bà Huyền bước ra truyền lệnh:

- Vậy thì ngày mai hai đứa đi chung. Con Nghi không được cãi mẹ đâu. Con đi học một mình mẹ chẳng yên tâm chút nào.

Giọng yếu xìu:

- Xe hư thì đành nhờ vả người khác thôi! Nhưng khi bố đi công tác về, con sẽ nhờ bố sửa …

Bà Huyền trừng mắt:

- Có sửa xong, con cũng phải đi học cùng Khôi. Nghe chưa?

Ðan Nghi ấm ức!

- Vâng!

Quay sang Khôi, bà Huyền nhẹ giọng:

- Ở đây ăn cơm nhé. Bác có nấu canh sườn dưa cải cháu thích đấy!

Khôi từ chối:

- Dạ thôi ạ! Hôm nay bố cháu cũng đi công tác, cháu muốn ăn cùng mẹ cho vui ạ.

- Vậy bác không ép, nhưng chờ bác một tý.

Ðợi mẹ vào khuất trong nhà, Nghi nói ngay:

- Nghi biết Khôi không thích chở Nghi …

- Khôi chưa nói vậy bao giờ.

- Cần gì phải nói, chỉ cần nhìn Nghi đã hiểu Khôi nghĩ gì trong đầu rồi. Hôm trước Khôi bảo “Nghi thay đổi nhiều quá”. Nhưng Khôi đã soi gương chưa? Người thay đổi không phải là Nghi đâu. Vào lớp Nghi vẫn ngồi chỗ cũ, vẫn hòa đồng vui vẻ với tất cả …

Khôi ngắt lời Nghi:

- Chính vì không thay đổi nên Khôi mới xin cô chuyển chỗ ngồi. Khôi không muốn thấy những chuyện chướng tai gai mắt…

Mặt Nghi nóng lên, cô gắt:

- Chuyện chướng tai gai mắt nào hở Bill. Lão ganh tỵ với Lãm phải không?

Khôi gằn:

- Không!

Bà Huyền xách cà-mên canh chua dưa cải ra, giọng ngơ ngác:

- Hai đứa lại gây à?

Bưng ly nước cam chỉ còn đá không lên uống Ðan Nghi lánh câu trả lời. Trong khi Khôi ấp úng nói dối:

- Vâng! Bọn cháu gây về … bài văn sắp làm ạ.

- Bài văn ấy thế nào?

Nghi nhịp tay chờ nghe lão Bill nói láo, đây không phải nghề của chàng, thế nào cũng lòi đuôi cuội.

Nào ngờ giọng lão Bill tỉnh queo:

- Cháu nhắc Nghi nhớ làm bài, Nghi bảo dễ òm, chỉ cần một tiếng trước khi đi ngủ là xong. Cháu cho rằng Nghi quá chủ quan vì không phải viết được một bài thơ, các truyện ngắn rồi xem thường những đề luận trong lớp của thầy cô.

Ðan Nghi dẫy nảy:

- Con không có ý như vậy à!

Khôi tủm tỉm:

- Thế thì tốt, hy vọng bài văn cô sắp phát ra Nghi sẽ được điểm tám.

Bà Huyền chép miệng:

- Có thế cũng um sùm! Ðúng là trò trẻ con.

Bà dặn dò Khôi:

- Bác giao Ðan Nghi cho cháu trông chừng. Nó ham chơi, lười học cháu phải thông báo với bác, cũng như nhớ nhắc nó học mỗi ngày.

- Làm như thế người ta bảo sao biết không? – Ðan Nghi le lưỡi trêu Khôi.

Không đợi Khôi kịp trả lời, Nghi cao hứng đọc luôn hai câu Lãm từng đọc cho cô nghe:

“Chân mình lấm tấm bùn mê
Mà cầm bó đuốc đi rê chân người”.

Bà Huyền mắng:

- Ranh con! Ðiêu ngoa vừa thôi! Nào! Thằng Khôi về đi kẻo mẹ mong.

Mang cà-mên ra giỏ xe, Ðan Nghi hầm hừ:

- Ông nói dối như thật đấy. Ngày trước ngồi gần tôi, ông… hiền khô. Ðúng là con người thay đổi khi… chỗ ngồi thay đổi.

Khôi điềm tỉnh:

- Nếu có thay đổi, Khôi cũng vì Nghi. Hôm qua phụ cô cộng điểm, Khôi thật thất vọng khi thấy trung bình đợt này của Nghi có bốn phẩy tám.

Ðan Nghi tái mặt:

- Sao … sao thấp dữ vậy? Chắc lão lộn với thằng Nghĩa rồi lão cận ơi!

- Thằng Nghĩa chẳng có cây gậy nào cả. Ðiểm kiểm tra Sử, Anh văn của nó toàn trên năm, Toán, Lý, Hóa, nó cũng không có điểm hai, ba. Nghi cứ … để tâm hồn treo ngược trên cành cây mãi, đến lúc hối hận cũng muộn rồi.

Ðan Nghi nuốt nước bọt. Trung bình bốn phẩy tám. Thế thì … tiêu tùng. Nhớ tới những lời cằn nhằn thấu xương của mẹ, cô ớn lạnh. Rồi bố nữa, ông mà biết cô sắp đội sổ chắc bố buồn lắm.

Cô lo lắng nhìn Khôi:

- Giờ phải … phải làm sao đây?

Khôi nhẹ nhàng:

- Học! Học nữa! Học mãi! Khôi chỉ có thể nói như vậy thôi. Còn Nghi là người quyết định. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu” “Chớ nói hôm nay không học còn có ngày mai”. Khôi e rằng ngày mai của Nghi đã thành ngày hôm qua, hôm kia mất rồi.

Rồ ga, Khôi còn dặn dò:

- Phải cố lên! Ngày mai kiểm tra mười lăm phút Hóa, Khôi về đây kẻo Nghi lại nổi nóng vì Khôi nói dai quá.