Chương 10


Hoa cườm thảo vàng vẫn rụng ngập sân trường. Bọn con gái nhặt cánh hoa về ép thành bướm kiểu như ép cánh phượng. Ðan Nghi cũng muốn có những con… bướm vàng xòe đôi cánh ấy lắm, nhưng cô lại không thích điệu hạnh ra nhặt cánh hoa rơi thảy tung tóe vào nhau, trước khi ép chúng vào vở như bọn Bích Tuyên, Diễm Uyển. Cái trò ấy không hợp với dân du côn như cô. Bởi vậy giờ ra chơi này Nghi cũng ở hành lang nhìn tụi bạn đùa với nhau như những giờ ra chơi trước.

Giọng Lãm vang lên:

- Nghi đang tìm thi hứng đấy à?

Ðan Nghi nhếch môi:

- Tôi quên chuyện thơ thẩn lâu rồi!

Lãm gật gù:

- Những người làm thơ thường hay nói như thế.

Nghi khịt mũi:

- Lãm quen nhiều người làm thơ lắm à?

- Không nhiều, nhưng đủ hiểu chút chút về họ. Trừ Ðan Nghi, bạn vẫn còn là một dấu chấm hỏi, khiến tôi luôn phải bận tâm.

- Trời! Ðừng nói thế, tội nghiệp tôi mà Lãm!

Lãm cười”

- Sao lại hốt hoảng vậy? Tôi đùa mà!

Ðan Nghi hóm hỉnh:

- Tôi cũng vậy. Mình đúng là những người thích đùa, đúng không?

Lãm bỗng hỏi:

- Nghi và Khôi dạo này ra sao rồi?

Ðan Nghi thản nhiên:

- Vẫn bình thường, ngày hai buổi cùng nhau đến trường.

Lãm nhấn mạnh:

- Nghĩa là vẫn có nhiều cái chung?

Nghi nói:

- Tụi tôi là bạn bè thân thiết từ trước tới giờ vẫn vậy. Sao tự nhiên Lãm hỏi thế nhỉ?

Lãm ngập ngừng:

- Tôi thấy ngại khi Khôi chuyển chỗ ngồi và có lúc bỏ mặc Nghi đi về bằng xe đạp.

Ðan Ngi bật cười:

- Chuyện ấy lâu lắm rồi sao bây giờ Lãm mới ngại?

Lãm ngập ngừng:

- Trước đây tôi không biết Khôi đổi chỗ vì lý do tôi quá thân với Nghi …

Ðan Nghi cắn môi làm thinh. Lại chuyện … yêu quái gì nữa đây? Hết Khôi lộn xộn bây giờ lại tới Lãm. Bọn họ sao rắc rối quá hà!

Cô nhăn mặt:

- Lãm nghĩ cái gì vậy?

Lãm đáp:

- Tôi nghĩ tới Nghi và tới mối quan hệ chúng ta. Cả hai đứa đều lớn rồi, không thể là bạn như thế này mãi được.

Ðan Nghi cố tình hiểu sai ý Lãm:

- Ðã là bạn nhau thì mười năm, hai mươi năm sau cũng là bạn. Sao lại không được nhỉ? Tôi và Khôi là bạn từ hồi mẫu giáo tới giờ, tính ra hơn mười năm rồi, vẫn tiếp tục là bạn dầu tụi tui khắc khẩu, hay tranh luận.

Lãm liếm môi:

- Nhưng tình bạn giữa tôi và Nghi khác với giữa Nghi và Khôi.

Ðan Nghi gật đầu:

- Có thể! Vì chúng ta chỉ vừa biết nhau đây thôi. Tôi rất muốn tụi mình là một bộ ba ăn ý. Lãm nghĩ sao?

Mặt Lãm khó chịu:

- Tôi thấy chẳng có gì hay, tay ba càng phiền phức hơn. Tôi hổng muốn theo đuôi Khôi.

Nghi nhún vai:

- Tôi không hiểu lắm ý của Lãm. Mỗi người có một cách riêng mà.

Lãm im lặng trong khi xung quanh ồn ào. Giờ ra chơi vẫn đang cao điểm. Nghi thấy bọn học sinh lớp mười đang rượt nhau chạy vòng vòng quanh gốc bàng. Dường như tụi nó tranh giành món gì, như tờ Mực Tím thì phải. Ước gì Nghi được trở lại thời như tụi nó bây giờ nhỉ?

Lãm lấy trong túi áo ra tờ giấy gấp tư ngay ngắn đưa cho Nghi:

- Ðây là bài thơ tôi định đọc cho Nghi nghe trong quán cà phê hôm trước. Nghi mang về nhà xem thử. Sắp thi rồi, chắc tôi cũng không dám thơ thẩn vẩn vơ nữa đâu. Lỡ đậu cành mềm đâu dám nhìn ai.

Nghi hóm hỉnh:

- Biết đâu nhờ thi rớt Lãm lại trở thành một Tú Lãm nổi tiếng chả thua gì Tú Xương.

Lãm gượng gạo:

- Tôi chỉ muốn là tôi thôi. Nào! Nghi có nhận bài thơ không?

Ðan Nghi ngạc nhiên vì vẻ khác thường ngày của Lãm, cô đưa tay ra:

- Nhận chứ! Tôi sẽ đọc kỹ từng câu, từng chữ. Nhưng Lãm đừng bắt tôi cho ý kiến đó nha.

Lãm xa xôi:

- Chỉ mong Nghi cảm nhận hết tất cả những gì tôi muốn gởi vào thơ.

Dứt lời Lãm đủng đỉnh vào lớp.

Mãi đến tối, khi ngồi vào bàn học, Ðan Nghi mới sực nhớ đến bài thơ của Lãm.

Cô ngần ngừ một thoáng mới mở tờ giấy gấp tư ra đọc:

“Lưng chừng mùa thu tới
Lưng chừng lá vàng rơi
Lưng chừng em và tôi
Tình yêu hay tình bạn?”

Mắt Ðan Nghi không rời bốn câu thơ ngắn được Lãm viết bằng mực tím với kiểu chữ thật bay bướm trên tờ giấy trắng.

Ôi! Sao Lãm lại … dám viết cho Nghi như thế nhỉ?

Bài thơ ngắn với những từ nhẹ nhàng này xem ra nặng ký gấp mấy lần câu “Everything…” của Khôi.

Nhưng có phải Lãm muốn hỏi Nghi điều tế nhị đó không? Hay đây là một bài thơ mới viết, nó đưa cho cô … tham khảo giống như trước đây Nghi đã đưa bài “Giờ toán” cho Lãm xem để góp ý?

Nhưng dù thế nào điều cốt lõi Nghi muốn đề cập là ý tưởng. Lãm đã… rung động với… em nào để tiếng lòng có thể ngân nga như thi sĩ chính cống?

Ðan Nghi xốn xang, ray rứt với những cái lưng chừng của Lãm. Ðây quả là một câu hỏi khó mà người đặt câu hỏi lẫn người bị hỏi đều không dám trả lời.

Nghi chưa thật lớn để phải thay tình bạn bằng một thứ tình cảm khác. Lãm phải hiểu như vậy chứ. Mùa thi sắp đến. Lần thi này rất quan trọng, nó đánh dấu một bước rẽ mới cho cuộc đời mỗi đứa sau mười hai năm đèn sách.

Ngưỡng cửa vào đời cao hay thấp, rộng hay hẹp cho từng người đều quyết định từ kỳ thi này. Không hiểu phải nhờ Khôi thường xuyên… tụng kinh gõ mõ những lời phải quấy vào tai Nghi hay không, mà cô đã nhận ra bổn phận và trách nhiệm của mình. Dạo này Nghi rất ngoan, cô chăm chỉ học thật khuya và sáng cũng dậy thật sớm.

Nhưng tối nay chắc Nghi học không vào vì bài thơ như một lời “tỉnh tò” dịu êm này rồi.

Cầm quyển vở, Nghi vào phòng mẹ. Ðang xem tivi, bà Huyền nhíu mày:

- Vào đây làm sao học bài được?

Nghi bó gối trên salon:

- Con học không vô mẹ à!

Bà Huyền dịu dàng:

- Có chuyện gì vậy?

Nghi rầu rĩ lắc đầu. Cô không biết phải thổ lộ những điều làm mình bận tâm như thế nào. Xưa nay mẹ quen nghĩ cô là con trai. Mà đã là con trai thì đâu có chuyện rúc vào nách mẹ để rỉ rả tâm tình.

Bà Huyền dò dẫm:

- Thằng … cận và con lại gây lộn nữa hả?

Ðan Nghi chép miệng:

- Phải cứ gây lộn hoài như ngày xưa thì đỡ khổ. Sao bọn con trai rắc rối thế cơ chứ!

Bà Huyền trợn mắt:

- Bọn con trai à? Còn đứa nào rắc rối nữa?

Thấy Nghi im, bà Huyền hỏi tới:

- Phải … thằng hay điện thoại tới nói chuyện thơ văn với con không?

Ðan Nghi ấp úng:

- Mẹ … mẹ cũng biết nữa sao?

Bà Huyền phì cười:

- Mẹ có biết gì đâu … nhưng mẹ dám chắc một điều là con đang gặp phiền phức gì với thơ văn đúng không?

Ðan Nghi chống tay dưới cằm:

- Phải chi trước kia con chỉ chơi với con gái, và thân với tụi nó thôi thì bây giờ hay biết mấy!

Quay sang mẹ, cô ngập ngừng:

- Hồi đi học, mẹ thân với con trai hay con gái?

Bà Huyền trầm giọng:

- Ngày xưa con trai và con gái học riêng nên mẹ không có bạn trai như tụi con bây giờ để mày tao, mi tớ nghe loạn cả lên. Sao con lại hỏi mẹ chuyện này nhỉ? Mấy thằng bạn con có vấn đề à?

Ðan Nghi nhìn lên màn hình:

- Có một đứa nó làm thơ và muốn con cảm nhận hết những gì nó muốn gởi vào trong thơ.

Bà Huyền hỏi:

- Thế con thấy sao?

Nghi liếm môi:

- Con sẽ bảo với nó bài thơ này khá, đăng báo được.

- Vậy thì còn gì không ổn mà con không học bài được?

- Con vẫn chưa biết nếu thân với con gái thì sẽ khác thân với con trai thế nào? - Nghi thắc mắc.

Bà Huyền mỉm cười:

- Ðúng là người ta thường thân với bạn cùng phái hơn. Nhưng đã nói là bạn thì trai hay gái cũng tốt. Quan trọng là phải đối xử với nhau như thế nào để giữ tình bạn được trong sáng và lâu dài. Bạn bè thời cắp sách đến trường là dễ thương nhất. Mẹ nói thế không có nghĩa là tất cả những người bạn đều giống nhau.

Ðan Nghi chớp mắt:

- Họ khác nhau ở điểm nào hả mẹ?

Bà Huyền ngần ngừ một chút rồi nói:

- Dĩ nhiên là ở cá tính rồi. Trời sinh mỗi người một tính cách. Những bạn bè hay còn gọi là tri âm tri kỷ là người chia xẻ với ta khi vui hoặc buồn. Nhưng có những người bạn chỉ đến với con khi con vui. Lúc con buồn hoặc gặp khó khăn sẽ chẳng đời nào thấy họ.

Nhìn con gái, bà Huyền hạ giọng:

- Ngược lại có những người bạn không hề vồ vập, thân tình, nhưng lúc nào họ cũng nghĩ tới con, âm thầm lo lắng cho con. Dầu con gặp bất cứ hoạn nạn gì họ cũng không bỏ mặc con. Ðó mới đúng là tình bạn thật sự. Họ sẵn sàng tất cả chỉ vì con. Còn con? Con đối xử với chúng thế nào? Có đáng là một người bạn tốt chưa?

Bất ngờ với câu hỏi của mẹ, Ðan Nghi ấp úng:

- Con … con đương nhiên là bạn tốt rồi. Nếu không tụi nó … nghỉ con ra từ lâu.

- Mẹ nghĩ con nên tìm cho mình một đứa bạn gái thân để tâm sự những chuyện không thể nói với bọn con trai.

- Con cũng muốn, nhưng chưa tìm ra mẹ à?

Mắt lóe lên tia ranh mãnh, Ðan Nghi nói:

- Tạm thời mẹ là bạn gái thân nhất của con đi. Ðược không mẹ?

Bà Huyền dễ dãi:

- Ðược! Thế con muốn tâm sự gì đây?

Ðan Nghi lắc đầu:

- Dạ đâu có mẹ. Con hỏi đùa mà! Nhưng mẹ nè. Nếu người ta muốn chuyển từ tình bạn sang một thứ tình cảm khác thì sao hả mẹ?

- Thì phải xem người ta của con là người như thế nào, và con suy nghĩ sao nữa. – Bà Huyền nheo mắt.

- Không phải người ta của con. Cái lão cận ấy khô như đá … Con ưa không vô … - Mặt đỏ ửng lên, Nghi chối.

Bỏ lửng câu nói, Nghi vơ vội quyển tập chạy về phòng.

Cô đọc lại lần nữa bốn câu thơ của Lãm và hiểu ra: sẽ không có một thứ tình cảm nào lưng chừng giữa anh chàng và Nghi hết. Với Lãm, Nghi chỉ có tình bạn đơn thuần. Lãm là người luôn chia sớt với Nghi niềm vui và cả sự vinh quang hão huyền mỗi khi cô có thơ đăng báo. Trong đời ai cũng cần một người bạn đem tới cho mình những phút giây hứng thú như thế. Nếu không có Lãm, Nghi có thể còn có những người bạn khác gần giống anh. Nhưng nếu không có Khôi, cô sẽ khó tìm được… tri kỷ thứ hai.

Tự nhiên Ðan Nghi buột miệng hát nho nhỏ:

“Everything I do, I do it for you”.

Vâng! Mọi điều tôi làm, tôi đều dành cho bạn. Dễ yêu làm sao ấy! Có lẽ đó là điều Khôi muốn nhắn nhủ với vô. Riêng Ðan Nghi thì sao?

Cô bâng khuâng nhìn cây xương rồng và tự hỏi không biết bao giờ nó mới nở hoa.

Ðan Nghi đứng tần ngần mãi trước gương. Cô le lưỡi, hỉnh mũi cười với chính mình. Hôm nay sinh nhật thứ mười tám của Nghi và cô đang háo hức chờ đón nó.

Những lần sinh nhật trước mẹ hay cho tiền để cô rủ Khôi đi ăn kem và hát “Happy birthday to you” bằng giọng nghẹt mũi và lạnh.

Với Nghi như thế là đủ rồi, cô chẳng đòi hỏi gì thêm. Nhưng năm nay lại khác, Nghi rất muốn một điều gì đó mới lạ xảy đến với mình. Nhưng đó là điều gì nhỉ? Có ngắm nghía mãi cô vẫn là Ðan Nghi luôn thích ra vẻ ta đây nhưng lại chưa đủ sức, nên cuối cùng trẻ con vẫn hoàn trẻ con. Ôi chao! Sao cô buồn bản thân mình thế nhỉ?

Giọng mẹ chợt vang lên:

- Khôi tìm Nghi ơi!

Xỏ chân vào dép, cô nhẹ nhàng bước ra, chớ không ào ào trong gió như thường ngày. Dầu sao hôm nay cũng là sinh nhật cơ mà. “Phải dịu dàng đằm thắm, không sẽ hết duyên con gái”. Mẹ luôn nhắc Nghi vậy và bắt đầu từ hôm nay Nghi muốn mình phải như lời mẹ bảo. Cô không muốn … chết duyên con gái đâu.

Khôi đưa Nghi một gói nhỏ thật dễ thương. Mắt ấm áp, giọng nồng nhiệt, lão cận nói:

- Mừng Nghi thêm một tuổi khôn, một năm vui nhiều và tràn đầy hạnh phúc.

Cô chớp mi, giọng dài ra:

- Sao giống chúc tết quá vậy?

- Có khác ấy chớ! Tết thì mọi người đều thêm một tuổi, nhưng hôm nay chỉ có mình Nghi thôi. – Khôi nói.

- Cái gì thế nhỉ? Nghi mở ra được không? – Ðan Nghi săm soi gói quà.

- Của Nghi kia mà! Mở lúc nào lại không được.

Nhưng Nghi chưa kịp mở đã nghe điện thoại reo. Cô nhấc máy lên và nghe giọng Lãm thật rõ:

- Sinh nhật vui vẻ. Mong tất cả mọi điều tốt đẹp sẽ đến với Nghi.

Cô ngập ngừng:

- Cảm ơn Lãm…

- Sao lại cám ơn. Mình là bạn mà.

Nghi thở phào khi nghe Lãm nói thế.

- Ờ! Bạn tốt. Nghi rất quý tình bạn.

- Lãm cũng vậy! … Thôi nhé …

Nghi gác máy, cầm gói quà trong tay, cô nói:

- Mình đi ăn kem rồi! Nghi sẽ mở quà.

Khôi hỏi với một chút thấp thỏm:

- Với một mình Khôi thôi sao?

Ðan Nghi thản nhiên:

- Thì năm nào chẳng vậy.

- Nhưng ngoài Khôi ra, Nghi vẫn còn bạn khác.

- Mỗi người bạn đều có một vị trí khác nhau trong tâm tưởng của Nghi. Vị trí của Khôi không ai thay thế được đâu … - Ðan Nghi cong môi.

Nghi thấy lão cận cười. Nụ cười của lão khiến cô liên tưởng đến… quả cầu gai góc nằm trong chậu men đỏ nhỏ xíu trên bàn học.

Cuối cùng cây xương rồng cũng ra hoa. Những cái nụ bé xíu của nó đã xòe tung những cánh hoa đỏ rực. Ðó là điều tự nhiên của cuộc sống. Hoa xương rồng nở chứng tỏ chẳng gai góc khô khan tí nào.

Năm nay, Lãm, Khôi, và Nghi điều mười tám tuổi. Giữa những vẫn đục, xô bồ của dòng đời xung quanh, trong tâm hồn nhạy cảm của cả ba vẫn dạt dào một tình cảm trong sáng, đằm thắm hồn nhiên, như vừa bất chợt có một chút gì của người lớn.


Hết