Thời Gian Với Sư Phụ Là Quý Báu

Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị tại San Jose, Costa Rica
Ngày 4 tháng 2, 1991 (Nguyên văn tiếng Anh)



Có lẽ không một ai, kể cả Minh Sư, có quyền trách cứ chúng ta. Nhưng có lẽ chúng ta phải trở lại để học nữa, hoặc có lẽ phải học một cách khổ cực hơn, hoặc phải qua những đau khổ. Hoặc có thể phải đợi một thời gian, nhiều kiếp, để gặp Minh Sư khác nữa, vì chúng ta đã từ chối cơ hội bằng vàng, khi chúng ta có một cách dễ dàng. Như vậy không thuận tiện lắm, thế thôi.

Suốt ngày chúng ta làm việc tám, mười tiếng, chỉ để làm một chút công việc của thế gian, những thứ vô thường, không tồn tại mà chúng ta không phàn nàn. Dù chúng ta chỉ đổi lấy một chút tiền còm - chỉ vừa đủ ăn, đủ quần áo mặc và đủ có mái che trên đầu. Nhưng khi muốn trở thành một người hoàn mỹ, trở thành giống như Thượng Đế, và chỉ làm có hai tiếng rưỡi mỗi ngày mà chúng ta không muốn. Nhiều quá! Lý do gì kỳ vậy?

Nếu quý vị từ San Jose đến đây - một tiếng, nửa tiếng để gặp người gọi là "Sư Phụ", nếu quý vị gọi tôi là "Sư Phụ", và quý vị nói: "Ồ! Dài quá!" Vậy tại sao mời tôi đi suốt từ Formosa tới đây? Hàng ngàn, hàng ngàn dặm đường và hàng ngàn, hàng ngàn Mỹ kim! Tất cả đều là tiền túi, công sức, thời giờ của tôi. Mà tôi không bao giờ phàn nàn. Và nếu đến gặp tôi, quý vị nói: "Ôi, dài quá! Xa quá! Mất công quá! Mệt quá! Không có xe. Ồ, xe buýt tệ lắm."

Chính phủ phải trả tiền cho xe buýt, bảo trì xe buýt, làm đường xá đẹp đẽ mà quý vị vẫn không chịu tới trạm mà bước lên nữa. Rồi quý vị than phiền. Có thể quý vị nói chính phủ không chăm sóc quý vị. Quý vị không muốn dùng dịch vụ đó chỉ vì quý vị phải đi bộ năm, mười phút từ trạm đến đây. Nhưng nói quý vị hay, tôi cũng phải đi bộ; từ máy bay tới chỗ quan thuế, và có khi rất lâu, mười phút, hai mươi phút không sao hết, và tôi cũng đi bộ ra máy bay. Tôi đi bộ khắp mọi nơi. ừ, tôi đi từ cổng máy bay ra máy bay, đi tới đi lui và đi ngược trở lại, và đi ra chỗ hành lý, lấy hành lý ra, hành lý vào, làm qua làm lại, gửi vào nhận ra, đi bộ tới phòng bán vé, đi bộ tới tòa Đại Sứ. Tôi năn nỉ mọi nơi để có thể tới đây.

Quý vị có bao giờ quan tâm tới điều đó không? Có khi nào quý vị để ý tới chuyện đó không? Tôi nghĩ là không. Nếu có, quý vị đã không nói hoặc nghĩ rằng đi xe buýt xa quá, lạnh quá hay bất cứ điều gì. Hoặc nghĩ quý vị không có tiền mua gối thiền - nói giỡn chơi! Nếu quý vị có tiền mua trà, cà phê thì có tiền mua gối thiền. Đừng viện cớ với tôi, vì tôi sẽ phát ngấy, thấy quý vị hiểu biết quá ít. Rồi quý vị gọi mình là bác sĩ, giáo sư, thầy... Cử Nhân gì, gì, gì... thư ký, quản lý của một văn phòng chính quyền lớn và văn phòng luật sư ly dị -- mọi thứ danh hiệu mà quý vị tự khoác lên cho mình. Quý vị cũng không đối xử với một người bạn tốt một cách xứng đáng, mà quý vị lại đòi Thượng Đế ban cho quý vị đủ thứ ơn huệ. Bất cứ xin cái gì, Thượng Đế cũng phải cho quý vị ngay lập tức, hoặc cho hôm qua. Thượng Đế đáng lẽ cho từ khi sinh ra mới tốt, sinh ra với đủ mọi đặc ân!

Bây giờ quý vị nói là quý vị không cần học với Minh Sư nào cả. Có cần không? Hay là không cần? Quý vị có đủ trí huệ không? Quý vị là người hoàn mỹ chưa? Sanh ra đã hoàn mỹ rồi sao? Biết cách sống làm người? Đúng vậy, ngay cả làm người quý vị còn chưa biết, huống chi là làm Thánh. Quý vị chưa biết làm một người bạn tốt mà đã muốn dạy người. Quý vị không có đủ lý trí để dạy chính mình cách xử sự tốt trong xã hội mà dám dạy người ta. Như vậy làm sao phục vụ họ được chứ? Lý lẽ như vậy mà thông minh cái gì? Ồ, chắc quý vị tưởng tôi không đủ giỏi để làm một Minh Sư. Tôi chấp nhận điều đó. Tôi không bao giờ nói là tôi giỏi đủ để làm Sư Phụ của quý vị. Có thể là không.

Tình Thương Chân Thật Truyền Trong Yên Lặng

Tất cả đều là vì họ có quá nhiều trí thông minh nhưng lại quá ít tình thương. Những người có nhiều trí huệ và trí thông minh, họ biết nhận, biết bảo vệ chính họ, biết lấy, biết tấn công, biết trộm cắp, nhưng không biết cho. Cho nên, có trí thông minh không giúp cho chúng ta trong đường lối tốt đẹp. Vì vậy, chúng ta đến với người có tình thương để học cách thương yêu. Vì tình thương không thể dạy trong trường, không thể đọc trong sách vở. Nó chỉ truyền qua trong yên lặng, qua tấm gương sáng, qua từ trường, qua năng lực của người có tình thương.

Bây giờ, nếu chúng ta nghĩ chúng ta có đủ trí thông minh, chúng ta biết đủ thứ, chúng ta có thể lo cho đời sống chúng ta, không cần học gì cả, vậy là chúng ta lầm. Phải, đã lầm. Bởi vì, nếu xem xét kỹ lối sống của chúng ta, chúng ta sẽ biết mình thiếu nhiều thứ lắm; thiếu rất nhiều tình thương.

Nếu chúng ta chỉ kiếm tiền đủ ăn, đủ mặc cho gia đình, có đủ mọi tiện nghi mà không màng phục vụ quần chúng, không đếm xỉa tới việc xem xét sự thanh bạch bên trong chúng ta là chúng ta vẫn chưa trọn vẹn; chúng ta chưa hoàn mỹ. Chúng ta thiếu nhiều cái gọi là lòng từ bi. Chúng ta còn thiếu trí huệ, vì nếu nhìn vào đời sống loài thú, chúng không làm giống vậy sao? Chúng tự lo cho chúng, cho gia đình chúng và chúng cảm thấy sung sướng. Vì thế chúng được gọi là loài thú, nhưng chúng ta là "loài người", là người. Chúng ta nên khác một chút? Quý vị có nghĩ vậy không? Chỉ vì chúng ta có xe đi làm, còn thú vật phải đi bằng chân, như vậy không có nghĩa là chúng ta tốt hơn chúng, nếu mục đích của chúng ta không tốt hơn. Bây giờ, nếu chúng ta học thiền, muốn ăn chay, rồi muốn thành một người thánh thiện, rồi cảm thấy giỏi hơn người khác, không có lý! Những thứ bên ngoài này có lợi gì không?

Nếu đôi khi quý vị tổ chức một buổi họp mặt lớn, muốn tất cả Minh Sư vĩ đại hoặc những thiền sư quốc tế gì đó tới Costa Rica để quý vị được phụng sự cho họ, gặp họ, học hỏi từ họ; như vậy rất tốt. Thậm chí còn muốn cho họ tiền để tới, có người không có tiền tới, quý vị thấy tội nghiệp, chăm sóc cho họ và có thể còn kiếm cách cúng dường tiền để họ mua vé máy bay tới đây; như vậy rất là cảm động. Bây giờ, quý vị không thèm lo tới người đã đến bằng đồng tiền và vé của họ. Như vậy là nghĩa lý gì? Nhất là khi quý vị đã tới học với người đó và đã nhận người đó là bạn của mình.

Có người nào tốt chỉ nghĩ tới dân chúng của quốc gia khác mà không nghĩ tới dân của nước họ không? Có ai như vậy không? Quý vị có đi ra lo cho quốc gia láng giềng mà không bao giờ lo cho nước của mình không? Như vậy có được không? Ông Tổng Thống nên làm kiểu đó không? Quý vị có gửi nhiều tiền và sự chăm sóc, gửi bác sĩ, y tá tới quốc gia bạn thật xa nhưng không để ý tới người hàng xóm bên cạnh sắp chết không? Đây là lý lẽ mà quý vị muốn mang theo mỗi ngày, mà không bao giờ nghĩ coi nó có lý hay không.

Cũng tốt là tôi không ở lại đây lâu, nếu không tôi sẽ làm phiền quý vị. Quý vị phải tới gặp tôi mỗi ngày, thỉnh thoảng tới, hoặc tới thường. Nhưng con người là vậy đó. Đôi khi, lúc người đó không ở gần lắm, thì chúng ta lại quý vẻ đẹp của họ hơn. Cũng như ngọn núi đàng kia, trông rõ hơn là lúc leo lên. Nhưng dù vậy, khi lên tới nơi chúng ta mới khám phá ra nhiều cái đẹp mà không thể thấy được từ đàng xa. Cho nên, đừng nghĩ là từ xa thì đẹp hơn. Tựu trung nó có thể rõ hơn, nhưng chúng ta không thể khám phá ra được nhiều chi tiết đẹp mắt, vui tai, làm cho trái tim chúng ta cảm thấy vô cùng sảng khoái.

Thí dụ như, những ngọn đồi trước nhà chúng ta đang phủ đầy hoa dại rất đẹp. Khi chạy qua, chúng ta chỉ thấy một chút. Chúng ta thấy hoa đàng kia, hoa trên đồi, nhưng khi đi bộ lên, leo lên đồi, tôi chứng kiến cả một cảnh rộng thênh thang, đẹp tuyệt vời. Đẹp quá, đẹp quá! Khác với lúc nhìn từ xa rất nhiều. Chúng ta chỉ biết và quý nó khi vào tận bên trong, vào trong khu vườn trên đồi.

Đẹp tới nỗi tôi rán vẽ ba ngày rồi mà chưa được. Tôi không vẽ được. Có thể Thượng Đế không muốn tôi vẽ, (Sư Phụ cười). Ngài sợ tôi làm hư khu vườn đẹp của ngài. Ngài không tin tài nghệ của tôi. Cho nên, khi tôi lên đồi thì trời mưa và gió, khi xuống thì trời lại năng " trêu tôi hoài " khi tôi xuống thì Ngài cười. Ngày mai tôi sẽ thử làm một lần nữa, nếu không được thì tôi cám ơn Ngài, rồi chào.

Thượng Đế Luôn Lắng Nghe Chúng Ta, Nhưng Chúng Ta Đôi Khi Không Để Ý Tới Ngài

Bất cứ khoa học nào, nếu muốn giỏi, chúng ta phải học, phải thực tập và phải gần những người dạy dỗ chúng ta, nếu chúng ta thích ngành đó. Dĩ nhiên, nếu chúng ta không thích, không ai nói gì cả, nhưng đừng trách thầy, hoặc đừng trách Thượng Đế tại sao chúng ta không giỏi về ngành đó. Nhiều người có đời sống khó khăn, gặp nhiều vất vả, hoặc mệt mỏi, tuyệt vọng về thể xác, lời nói, và trí óc, rồi tự hỏi tại sao. Hoặc là họ nói: "Thượng Đế không giúp tôi," hoặc "Thượng Đế không lắng nghe tôi." Nhưng không đúng, chính chúng ta là người không nghe Thượng Đế. Chúng ta không chịu nghe thông điệp của Ngài mỗi ngày.

Thí dụ, chúng ta phải đến trường khoảng bốn tiếng một ngày hoặc tám tiếng một ngày để học những gì thầy cô muốn dạy chúng ta và trở nên ngày càng khôn ngoan hơn, thông minh hơn và được tốt nghiệp hoặc có văn bằng cử nhân. Và mỗi ngày mỗi học. Mỗi ngày mỗi thông minh, biết thêm nhiều thứ hơn, làm được nhiều việc hơn, có thể giải quyết mọi việc, và đời sống ngăn nắp hơn, hiểu biết nhiều hơn, có việc làm dễ chịu hơn và một đời sống thoải mái hơn. Cũng giống vậy, nếu như chúng ta không tọa thiền một, hai, hoặc ba tiếng mỗi ngày và lắng nghe lời giáo huấn của Thượng Đế, hoặc đến để được gần thầy, người đại diện cho giáo lý từ Thượng Đế, mang thông điệp của Thượng Đế tới chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể nhiều trí huệ hơn? Làm sao đời sống chúng ta thoải mái hơn được?

Đôi khi chúng ta cầu nguyện, nói rằng: "Thượng Đế ơi, sao Ngài không đến với con? Nếu Ngài hiện hữu thì xin Ngài tới!" Nhưng nếu Thượng Đế tới, chúng ta có thời giờ cho Thượng Đế không? Tôi nghi lắm. Tôi không nghĩ là chúng ta có thời giờ cho Thượng Đế. Vì thế, đừng trách cứ, nếu Ngài không tới. Chúng ta sẽ nói: "Mẹ tôi mới tới. Cha tôi mới chết. Con cái tôi bịnh. Nghề nghiệp tôi! Ông chủ của tôi! Trương mục của tôi! Giấy đòi tiền điện của tôi! Trời ơi, Trời ơi, xin ông đi đi, tôi không có thời giờ cho ông. Trời ơi!" (Sư Phụ cười)

Quý vị có hình dung được nếu Thượng Đế tới, chúng ta đối xử với Ngài như thế nào không? Thượng Đế đã tới với chúng ta nhiều lần. Thượng Đế tới hoài hoài trong hình dáng xác thịt, trong hình dáng những con người.

Phải đó, cũng giống vậy, khi chúng ta gần người có trí huệ, chúng ta sẽ có trí huệ hơn. Nếu gần nguời ngu si hoài, chúng ta sẽ ngu si hơn. Chúng ta phải theo đẳng cấp của người đó, nếu không họ không hiểu chúng ta. Chúng ta bị kéo xuống bằng cách đó. Cho nên, chúng ta chọn bạn. Vì thế, người ta đến với những Minh Sư trí huệ cao là để trí huệ bên trong của chính họ được tỉnh giấc. Rất là hợp lý. Nếu tôi biết tiếng Anh rồi và bây giờ nếu tôi ở nước Anh hoặc nước Mỹ hoặc luôn luôn với những người nói tiếng Anh, thì Anh văn của tôi tiến bộ, mỗi ngày mỗi tiến bộ. Nhưng nếu tôi ở chung quanh những người không nói tiếng Anh hoặc nói tiếng Anh như bửa củi, thì dĩ nhiên Anh văn của tôi sẽ thành giống họ. Tôi nhận thấy như vậy, Anh văn của tôi đang trở thành như bửa củi, vì hai mươi năm nay, tôi không sống ở nước Anh. Tôi luôn luôn đi khắp nơi và chỗ nào người ta cũng không nói tiếng Anh giỏi.

Cho nên, tài nói tiếng Anh của tôi đã trở thành... cùn - không tiến bộ. Ngày nào cũng nói tiếng Tàu hoặc tiếng Tây Ban Nha hoặc Âu Lạc (Sư Phụ nói bằng tiếng Tây Ban Nha và cười)

Cho nên, quý vị thấy chưa, điều này thấy rất rõ. Cho nên, nếu chúng ta nghĩ chúng ta đã khôn lắm rồi, thì chúng ta không cần Minh Sư. Nhưng nếu chúng ta xét mình cho kỹ và biết rằng chúng ta có thiếu sót gì đó thì chúng ta nên đi kiếm người nào có phẩm chất đó và cố gắng bồi đắp lại. Nếu Thượng Đế có thể dạy chúng ta trực tiếp từ bên trong, thì chúng ta không cần Minh Sư. Nhưng chúng ta biết Thượng Đế không thể liên lạc với chúng ta một cách trực tiếp, dù Ngài ở trong chúng ta. Vì thế, Chúa Giê Su xuống, Đức Phật xuống, Mohammed xuống, Socrates v.v...

Đúng là chúng ta có thể học hỏi từ mọi người, nhưng từ người này có thể chúng ta học nhiều hơn và từ người kia chúng ta học ít hơn. Có người chúng ta học điều tốt, có người chúng ta học điều xấu, hoặc ít nhất học không nên làm xấu như họ, họ cũng là thầy của chúng ta. ít ra, họ cũng dạy chúng ta đừng làm chuyện xấu, miễn sao chúng ta có đủ khả năng phân biệt điều gì phải, điều gì trái. Có người với Thượng Đế, có người với thế gian, có người hơi nghiêng về phía cạnh phủ định của loài người. Nếu chúng ta sống với những người gần Thượng Đế thì chúng ta sẽ được ảnh hưởng những phẩm chất Thượng Đế của họ. Nếu chúng ta sống với những người có phẩm chất thế gian thì chúng ta hấp thụ nhiều phẩm chất thế gian hơn. Nếu chúng ta sống với những người có khuynh hướng không tốt thì chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi những điều không tốt của họ.

Mỗi ngày chúng ta tiếp xúc với rất nhiều nhân vật, nhiều người và chúng ta thật tình không biết ai là không tốt - có khi không biết rõ lắm - ai có khuynh hướng con người. Cho nên, đôi khi chúng ta hoang mang và bị họ ảnh hưởng, dù biết hay không biết. Cho nên, đôi khi chúng ta thấy mệt mỏi, hoang mang và tinh thần cảm thấy vô cùng chán nản. Vì thế, nếu biết người nào có phẩm chất như Thượng Đế, trí huệ như Thánh, bằng mọi cách, bất cứ lúc nào làm được, chúng ta phải gần người đó để được ảnh hưởng một chút về khía cạnh khác và để được kéo lên thay vì kéo xuống hoặc đứng lại ở đẳng cấp thấp hoài hoài, mỗi ngày.

Đặc biệt là khi cơ hội đó rất hiếm có, vì chúng ta có thể tiếp xúc với bất cứ người nào, ngoại trừ những người thánh thiện. Được bao lâu? Có bao nhiêu người là thánh thiện? Có mấy dịp được gặp những người như vậy? Trên thế giới này có bao nhiêu người thánh thiện? Nếu chúng ta không tin vào người đó, nếu chúng ta nghĩ người đó không đủ giỏi cho chúng ta, không sao. Nhưng nếu chúng ta tin, nếu biết người đó rõ ràng là có lợi cho chúng ta, cho loài người, là thánh thiện, có trí huệ cao, thì chúng ta phải chạy tới cho lẹ. Chúng ta phải lấy cớ để đến, không phải lấy cớ tránh xa vì điều đó tốt cho chúng ta; cho chúng ta và chỉ chúng ta mà thôi.

Linh Hồn Đói Cần Phải Được Ăn

Nếu chúng ta biết thức ăn là tốt cho chúng ta, chúng ta có kiếm cớ tránh xa nhà bếp không? Chúng ta có thể đói một ngày, hai ngày nhưng không đói lâu. Khi đói, không đủ dinh dưỡng, chúng ta biết sẽ bị gì hả? Thân thể mệt mỏi, lê lết không cử động nổi, không thể suy nghĩ được nhiều và chúng ta không thể làm việc. Đôi khi linh hồn chúng ta cũng đói, nếu không được chăm sóc đúng đắn. Làm sao biết được khi nào linh hồn đói? Khi chúng ta không thể sống trên thế giới này, khi đầu óc mệt mỏi, khi buồn bã chán nản, khi không thể suy nghĩ đúng đắn, khi không đối phó nổi với áp lực của đời sống. Thân thể bịnh hoạn cũng vì linh hồn bị đè nặng; khuynh hướng xấu áp đảo khuynh hướng tốt. Nếu chúng ta thành thật với chính mình và xem xét mỗi ngày thì sẽ biết linh hồn chúng ta rất, rất là mệt mỏi, kiệt quệ và đói. Khi chúng ta không thể nhận ra phải trái, vấn đề nào là quan trọng nhất hoặc quan trọng nhì trong đời sống, thì biết là linh hồn chúng ta đang bị đè nặng.

Đừng nghĩ những người ra ngoài giết người, trộm cắp, làm đủ mọi chuyện bạo lực, hoặc phá hoại hàng xóm, là người xấu. Chắc chắn chúng ta không nói là họ tốt, nhưng họ có thể tỉnh ngộ bất cứ lúc nào. Hoặc họ có thể sẽ thay đổi khi hoàn cảnh của họ khá ra. Nhưng nếu chúng ta phá hoại linh hồn chính mình, đó mới là tội nặng nhất. Chúng ta phá hoại chính mình bằng cách từ chối sự dạy dỗ tốt cho linh hồn, bằng cách từ chối thức ăn tâm linh cho linh hồn, bằng cách từ chối sự hiện diện và bầu bạn với những người đạo đức, thánh thiện. Giống như khi chúng ta lấy cớ từ chối không cho thân thể thực phẩm mà nó cần, để được khỏe mạnh. Cũng vậy, chúng ta đình trệ sự tiến bộ của tâm linh bằng cách không cho linh hồn thức ăn mà nó tối cần. Phá hoại người khác còn dễ tha thứ hơn là phá hoại chính mình. Đôi khi chúng ta hại người khác vì không thể tránh được, vì người đó làm chúng ta khó chịu, giận dữ, hoặc từ chối gì đó, nên chúng ta có cớ; và vì sự vô minh của chúng ta và vì đôi khi khó mà thương người đó vì tính tình khác biệt. Nhưng không thương chính mình là tội ghê gớm nhất.

Khi làm việc, khi cho chúng ta ăn, mặc, là chúng ta chỉ thương thể xác mà thôi, không thương linh hồn, mà linh hồn là con người thật của chúng ta. Sao chúng ta tiến bộ về tâm linh được nếu lúc nào cũng không trà trộn, bầu bạn với những người tu hành có cùng lý do, cùng lý tưởng, cùng mục đích, cùng lối sống, cùng lối suy nghĩ? Vì chúng ta chưa đủ mạnh để đi một mình, nếu không chúng ta đã trở thành Thánh, thành Minh Sư rồi. Nếu chúng ta tự kiểm điểm chính mình và hành động của mình mỗi ngày, chúng ta sẽ biết mình chưa phải là Minh Sư, nếu thành thật. Chúng ta biết mình hãy còn rất ích kỷ, rất vô minh không thể đạt tới đẳng cấp Minh Sư, Chúa, hoặc Phật.

Con Đường Tu Hành Cần Phải Có Sự Cố Gắng

Sau khi xem xét và biết đẳng cấp của mình, chúng ta phải học, phải tu nhiều hơn nữa, phải mở rộng trái tim nhận đủ mọi ảnh hưởng cao cả, đủ loại bạn bè cao thượng. Chúng ta phải lợi dụng những cơ hội này. Nếu chúng ta còn tin rằng được thanh bạch hơn, trí huệ hơn là mục đích cao cả nhất của con người, thì chúng ta phải cố gắng. Nhưng nếu không tin như vậy, nếu nghĩ rằng làm người chỉ là khôn lớn, ăn, đi làm, kiếm tiền và chết, thì không sao, không cần cố gắng. Chúng ta chỉ sống như vậy rồi tiếp tục ngày này qua ngày khác: làm việc, ăn, ngủ, làm tình, đẻ con, kiếm tiền rồi chết. Không cần thiền, không cần ăn chay, không cần đọc sách đạo đức, không cần làm những việc này. Đừng nói ai - đừng lấy cớ là mệt quá, mất công quá, này quá, kia quá, nọ quá.

Chúng ta không cố gắng trong mọi công việc sao? Nỗ lực rất cần thiết trong mọi việc làm. Sự cố gắng cần có trong việc học, cần trong việc làm, cần trong việc bảo tồn hôn nhân, cần để bảo trì thân thể này, ngay cả cần cho tóc nữa! Vài bện tóc mất hai tiếng trong tiệm uốn tóc! Đừng nói với tôi là quý vị không cần cố gắng trong việc tọa thiền và không cần đi gặp Minh Sư vì mệt quá, xa quá, này quá, kia quá. Còn tóc quý vị thì sao hả?

Tự hỏi mình coi quý vị mất bao nhiêu thời giờ cho thân thể vô thường này - tất cả tám, mười tiếng làm việc chỉ vì thân thể này. Tất cả học vấn - nhiều năm trời - chỉ vì thân thể này. Quý vị học mười, hai mươi năm vì muốn có việc tốt, bảo vệ thân thể của quý vị và của gia đình. Gì nữa? Và quý vị làm việc ba mươi năm nữa sau khi học xong cũng chỉ vì thân thể này hoặc thân thể của người nhà hoặc thân thể của người dân thương mến của quý vị. Như vậy sao có thể nói rằng chúng ta không cần cố gắng?

Chúng ta từ chối không cố gắng cho linh hồn - không hữu lý gì cả! Linh hồn là quan trọng nhất. Không có linh hồn, thân thể không ích lợi gì! Cứ đi ra nghĩa địa thì thấy rất nhiều xác chết ở đó. Khi người ta chết, họ cũng trang điểm, thoa son cho môi đẹp, làm đầu, mặc quần áo đẹp, nhưng lúc đó, cái xác đó có ích lợi gì không?

Có cần cố gắng không? Thậm chí cái môi cũng cần cố gắng. Nếu muốn môi đỏ, quý vị phải đi tiệm thẩm mỹ chọn màu đẹp mà quý vị cần. Có khi mất hai hoặc ba tiếng, mà quý vị chịu được vì muốn đẹp. Nó là thứ vô thường. Hôm nay có đó, có thể ngày mai lại mất. Chúng ta mất hai, ba tiếng một ngày, hoặc tới gặp thầy vì linh hồn vĩnh cửu, mà chúng ta lại nói là nhiều quá.

Đau Khổ Hay Giải Thoát Chỉ Là Vấn Đề Chọn Lựa

Rồi chúng ta tự hỏi: Tại sao Thượng Đế lại làm thế giới như vầy? Tại sao con người phải khổ đau quá vậy? Tại sao tôi khổ quá vậy? Rõ quá mà! Chúng ta chọn như vậy! Chúng ta chọn đau khổ, chọn vô minh, chúng ta chọn không xoay chuyển, không tiến bộ, chúng ta chọn không thay đổi, chúng ta chọn không bị thúc giục, không văn minh. Tất cả đều là lỗi của chúng ta. Thế giới đau khổ vì nó muốn đau khổ. Vì chúng ta cố gắng - bỏ quá nhiều thời giờ cho những việc vô thường và quá ít thời giờ cho trí huệ vĩnh cửu. Vì thế chúng ta không có trí huệ, chúng ta làm công việc với trí khôn ngược đời, vì thế chúng ta không thể thoát khỏi luân hồi sinh tử. Hiểu không?

Nếu ai cũng cố gắng một chút để học hỏi thêm trí huệ, học để nhận ra sự thông minh tối thượng bên trong của chúng ta và dùng nó vào đời sống hàng ngày, thì thế giới đã không đau khổ như vầy, mọi người đã trở thành có trí huệ. Và mọi người đã biết làm gì là đúng, biết kính trọng người khác, tất cả mọi người đều hợp tác trong trí huệ và không một ai phải đau khổ.

Nếu người nào cũng đợi hàng xóm: Ồ, tại sao? Bà ta đâu có đi thiền đâu? Bà không tìm Minh Sư, sao tôi lại tìm? Sao tôi cần đi gặp Minh Sư? Sao tôi cần đi học với Minh Sư? Sao tôi cần tọa thiền, ăn chay, đâu có ai làm vậy đâu? Rồi ai cũng đợi nhau, thế là hết. Những người khác là vô minh, quý vị là người giỏi hơn. Quý vị đã biết cách thiền, biết ăn chay, đang hướng về Ánh Sáng và Trí Huệ. Quý vị phải là tốt hơn phân nửa của loài người, mà lại đứng một chỗ làm lãng phí thời giờ! Vậy sao đòi người khác noi gương quý vị được?

Tôi quá khắc khe với quý vị không? Nếu có, xin tha lỗi cho tôi, nếu quý vị tha thứ tôi, Thượng Đế sẽ tha thứ quý vị - nghiệp tốt. Nhưng nếu không ai nói ra, quý vị sẽ không bảo nhau.

Dùng Thời Giờ Một Cách Khôn Ngoan

Ai cũng muốn bỏ học. Không đứa trẻ nào vui lòng đi học. Tất cả cha mẹ đều phải thúc đẩy chúng, thầy cô phải nghiêm khắc, còn không, nếu quý vị để trẻ con muốn làm gì thì làm, chúng sẽ không bao giờ làm điều đúng vì trẻ con không biết. Để một mình thì chúng sẽ đi chơi công viên suốt ngày, hoặc coi truyền hình, hoặc chơi trò chơi trên truyền hình. Dĩ nhiên, thầy cô không phải lúc nào cũng nghiêm khắc, họ cũng dẫn học trò đi công viên và chơi với chúng; và cha mẹ đôi khi cũng chơi với chúng, nhưng có lúc chơi và có lúc học. Có phải vậy không? Cho nên, có thời giờ cho gia đình, thời giờ cho bạn bè, thời giờ làm việc kiếm tiền và chăm sóc cho những nhu cầu của thân thể, nhưng thời giờ cho nguyện vọng tâm linh cũng phải có. Dĩ nhiên, chúng ta không thể làm vậy ngày 24 tiếng, hoặc mỗi ngày, nhưng khi có cơ hội, chúng ta phải chụp lấy.

Chúng ta làm như vậy là quá ít cho sự tiến triển tâm linh. Bất cứ công việc gì, học vấn gì, tiện nghi vật chất gì, chúng ta bỏ vào đó cả ngày - mỗi ngày tám tiếng, mười tiếng và có khi còn thêm buổi tối nữa. Có khi quý vị phải đi học thêm lớp tối - ngoài việc học ngày thường, chỉ vì muốn có bằng cử nhân về Anh ngữ hoặc hóa học. Đó là một, hai môn, chỉ vì những thứ rất, rất ngắn ngủi, vô thường. Học để được vĩnh cửu, học để làm một vị Thánh, như Thượng Đế, chúng ta chỉ bỏ ra một hay hai tiếng mỗi ngày và gặp thầy lâu lâu mới một lần, mà chúng ta đã kiếm cớ. Quý vị nghĩ đó là lý lẽ gì vậy?

Làm đệ tử hoặc người tu hành ăn chay chưa đủ, Tâm Ấn chưa đủ. Ăn chay - con bò cũng ăn chay từ trong bụng. Còn Tâm Ấn - ngay cả bò cũng tới Tâm Ấn khi tôi truyền Tâm Ấn. Bất cứ lúc nào chúng cũng tới dự Tâm Ấn. Mỗi khi tôi đến đây, bò cũng tới gặp tôi. Chúng tới từ thật xa, mãi cánh đồng bên kia đến đây, đứng phía trước hoặc ngồi trong chánh điện, đợi Tâm Ấn. Có, chúng có làm vậy! Người ta nói là chúng không bao giờ tới trừ khi tôi tới. Chúng cũng điền đơn Tâm Ấn! Chúng điền theo cách riêng của chúng. Chúng không viết được, nên nuốt luôn.

Quý vị biết chuyện hả? Khi tôi tới đây lần đầu tiên, có một xe cam nhông chở đầy rau và một số đơn xin Tâm Ấn để phía sau. Chúng không ăn rau, mà chỉ nuốt đơn Tâm Ấn và mấy bài khai thị. Chúng ăn cắp, đồng tu rượt theo lấy lại, chúng sợ quá nuốt đại (Sư Phụ cười).

Chúng tôi không lấy lại, nên chúng nghĩ chúng cũng được Tâm Ấn. Vì vậy, mỗi khi tôi tới, chúng cũng tới cộng tu (Sư Phụ cười). Chúng có sự kính trọng, chúng nhìn tôi. Cho nên, khi chúng tới đây, bị đồng tu đuổi đi nhưng chúng không chịu đi, cứ nhìn người đó như nói: "Tôi và anh bình đẳng - là đồng tu - sao lại đuổi tôi đi?" Chẳng hạn vậy.

Cho nên, đừng nghĩ quý vị được Tâm Ấn, ăn chay là đủ. Nếu nghĩ làm vậy đủ thì giống như nghĩ ghi danh vào đại học là đủ, không cần đến trường hoặc gặp thầy mỗi ngày, mỗi tuần hoặc mỗi hai, ba ngày. Hoặc giống như những con bò đó, chỉ nuốt đơn xin Tâm Ấn, ăn chay là đủ. Nhưng chúng còn giỏi hơn, bất cứ khi nào tôi tới đây, chúng đều đến gặp tôi - đệ tử rất trung thành (Sư Phụ cười) và lúc nào cũng ăn chay, không bao giờ sai. Điều này tôi khỏi phải lo. Chúng không bao giờ giả bộ ăn nhầm bánh có trứng, hoặc uống nhầm nước có chút rượu. Hiểu không? Chúng thiền mỗi ngày, có hay không có mặt thầy. Sau khi ăn no, chúng ngồi xuống thiền trên cỏ. Chúng thiền như vậy.

Chúng ta cũng vậy, nếu sau khi đi làm về, ăn uống, chúng ta ngồi xuống thiền trước máy truyền hình hoặc thiền về những ước muốn, những vấn đề của thế gian. Như vậy thì sao? Không sao. Ai cũng thiền về những gì họ yêu thích. Như vậy, tôi nên về hưu được rồi! Không cần tới đây nữa. Không cần làm phiền quý vị. Cả hai chúng ta đều vui hả?

Hay là quý vị nghĩ Minh Sư chỉ ở đó để làm nhiệm vụ mỗi khi quý vị cần và quý vị không bắt buộc phải làm gì cả? Đối với Minh Sư thì cũng được, nhưng quý vị không tiến. Quý vị làm uổng phí thời giờ làm người, thời giờ quý báu để phát triển trí huệ... không phải, để nhận ra trí huệ của chúng ta. Trí huệ không thể phát triển, trí huệ đã hoàn mỹ rồi và chúng ta chỉ cần nhận ra và dùng nó. Nhưng nếu chúng ta không để thời giờ để nhận ra và dùng nó, thì chúng ta bỏ phí nó. Thượng Đế đã cho chúng ta thân thể con người và giao cho chúng ta trí huệ ngõ hầu chúng ta có thể phục vụ bản thân mình và thế giới, trong lúc chúng ta ở đây. Nếu không làm là chúng ta thiếu bổn phận đối với Thượng Đế và đối với chúng ta, vậy thôi. Có lẽ không một ai, kể cả Minh Sư, có quyền trách cứ chúng ta. Nhưng có lẽ chúng ta phải trở lại để học nữa, hoặc có lẽ phải học một cách khổ cực hơn, hoặc phải qua những đau khổ. Hoặc có thể phải đợi một thời gian, nhiều kiếp, để gặp Minh Sư khác nữa, vì chúng ta đã từ chối cơ hội bằng vàng, khi chúng ta có một cách dễ dàng. Như vậy không thuận tiện cho chúng ta lắm, thế thôi.