Chương 10


Đã gần hai tháng rồi, Phúc với cô Lý sống trong cảnh đời tiêu diêu đầm ấm, tuy phần xác thì lam lụ mệt nhọc, song phần trí thì vui sướng vô cùng.

Có bữa thừa trời mát Phúc dắt vợ xuống sở mía mà coi chừng cho sắp bạn làm việc và cắt nghĩa cách thức trồng tỉa cho vợ nghe, có bữa Phúc mướn xe ngựa mà đi với vợ lên Đường Long là chỗ phúc có khẩn 10 mẫu đất, đặng thăm chừng coi mình mướn người ta trồng tiêu, trồng nghệ mà họ có nong nả hay không.

Đi theo chồng, cô Lý thường đội một cái nón nan (#46) cho mát, thường mặc đồ cũ đặng chịu bụi bặm đất cát, mà y phục lam lụ càng làm tỏ rõ sắc đẹp của cô, lại chịu nắng gió mà khí sắc của cô hân hoan, bởi vậy cô đi đứng trong chốn điền viên coi chẳng khác tiên nga mắc đọa.

Mà việc cô Lý thích hơn hết, không có ngày nào cô không thích làm, là hễ trời mát là cô ra ngoài vườn mà trồng rau trồng đậu, hoặc tưới cây tưới cải, hoặc kiếm trái chín mà hái. Cô làm việc gì cũng có Phúc theo một bên đặng chỉ cho cô hiểu cách giâm rau (#47), cách tỉa đậu, đặng khuyên cô thứ nào nên tưới ít, thứ nào phải tưới thường, đặng cắt nghĩa cho cô biết trái nào mới già, trái nào gần chín.

Ăn cơm trưa rồi vợ chồng Phúc thường dắt nhau đi ra nhà mát, rồi mỗi người nằm một cái võng mà lóng nghe tiếng nước chảy, giọng chim kêu, hoặc nói chuyện chơi đặng trao đổi tình tứ với nhau, hoặc vợ đọc sách cho chồng nghe đặng thúc giục giấc ngủ.

Bà giáo Viễn thấy dâu biết yêu thú điền viên, thấy con hết âu sầu áo não, thì bà mừng thầm, bà thường vái van niềm vợ chồng dan díu ấy bền vững luôn luôn, cảnh trời thanh bạch ấy đừng có một khóm mây nào phưởng phất.

Bà là người tôn trọng lễ nghĩa, mà bà lại có trí lo xa, bà thầm lo dâu bà buồn rồi hư hỏng cảnh vui vẻ trong nhà bà, bởi vậy bà thường khuyên Phúc phải dắt vợ xuống Sài Gòn, đặng trước thăm cho trọn niềm phụ tử, sau thăm vợ chồng Trường rồi đàm luận vui chơi mà giải trí.

Cô Lý lại không muốn rời Bến Súc, bà giáo nhắc lại hai ba lần cô mới chịu viết thơ xin cha cho xe lên rước một lần. Mà hễ đi sớm mơi thì chiều tối vợ chồng Phúc trở về, không chịu ở đêm dưới Sài Gòn. Bà giáo hỏi tại sao không ở đặng coi hát chơi cho vui, thì cô Lý đáp rằng cô bỏ bà ở nhà một mình quạnh hiu nên cô không muốn ở. Nghe lời ấy bà giáo lấy làm cảm động, mừng thầm có con thảo lại gặp dâu hiền, hạnh phước nầy chẳng còn hạnh phước nào hơn nữa.

Tiếc thay ở trên thế gian có nắng mà cũng có mưa, có phước mà cũng có họa. Đã vậy mà kiếp của con người là kiếp khổ, nào có ai được hưởng hạnh phước hoàn toàn trọn đời.

Bà giáo Viễn rước hạnh phước về nhà mới được vài tháng, rồi coi mòi hạnh phước ấy lần lần muốn tan rã!

Tại ai phá cái hạnh phước của bà như vậy? Tại Phúc.

Phúc thấy rõ vợ không chê cái thú điền viên của mình, Phúc biết chắc vợ thương mình thiệt, bởi vậy Phúc quên cô Hạnh được, ngặt vì những lời pha lửng của Hườn nói hôm đám cưới, nó khắn vào trí rồi Phúc không thể quên đụơc. Hễ Phúc nhớ những lời ấy thì trí bắt suy nghĩ, suy nghĩ riết rồi sanh nghị Tại sao cô Lý có chồng mà Hườn tiếc? Tại sao lúc từ giả mà về, mà Hườn lại dám nói Sài Gòn trông đợi cô Lý và xin cô Lý đừng quên Sài Gòn? Hườn là bạn thiết của cha vợ mình, tới lui chơi thường rồi có lẽ giao tình với vợ mình! Vì Hườn lỡ có vợ con, vợ mình không thể tính cuộc trăm năm với Hườn được, nên vợ mình mới ép bụng mà ưng mình. Có lẽ tại như vậy nên lúc ăn tiệc ở đàng gái, Hườn tỏ ý tiếc, rồi lúc từ biệt mà về, Hườn mới kín đáo mà bày tình như vậy chớ gì.

Cha chả! Mà sự nghi của mình nó can hệ đến danh giá của vợ mình nhiều lắm. Mình có nên tỏ thiệt với vợ mình, rồi buộc vợ mình phải giải nghi cho mình hay không? Nếu mình nghi trúng thì còn gì hạnh phước gia đình nữa. Còn nếu mình nghi lầm, thì vợ mình phiền muộn rồi hạnh phước ấy cũng giảm bớt. Khó nói ra lắm! Hễ nói ra thì tổn danh giá của vợ mình, mà cũng hại hạnh phước của mình nữa!

Bởi Phúc nghi mà phải ôm ấp trong lòng, không dám nói ra, nên nhiều khi đang dan díu vui vẻ với vợ, rồi Phúc nhớ lại sự ấy, thì trí lơ lửng, sắc hân hoan liền đổi ra sắc buồn bực.

Cô Lý tuy thông minh, tuy hiểu tâm hồn của chồng nhiều, song chỗ nghi của chồng, cô có dè đâu mà định phương giải phá được. Cô thấy chồng khi vui khi buồn, thì cô tưởng chồng nằm ngồi với cô mà vẫn còn nhớ cô Hạnh, là tình nhơn trước nhứt, khó quên được. Cô lo giữ lời hứa, quyết đổi tâm hồn áo não của chồng ra tâm hồn hỉ lạc. Hễ thấy chồng buồn thì cô mơn trớn, kiếm thế làm cho chồng vui. Bịnh một đường mà cho thuốc một ngã thì làm sao mà lành mạnh được. Cô Lý gia công làm hết sức, mà không phá nổi khối buồn ngầm ngầm của chồng. Lần lần rồi cô thất chí ngã lòng, bởi vậy hễ thấy chồng buồn thì cô ứa nước mắt, tức giận vì mình hết sức thương chồng mà chồng không đền đáp trọn tình, cứ nhớ cô Hạnh hoài.

Có bữa vợ chồng ngồi chơi ngoài nhà mát, rồi chồng nhớ việc Hườn nên buồn hiu. Vợ thấy vậy tưởng chồng nhớ cô Hạnh nên cũng buồn. Vợ chồng nhìn nhau mà mỗi người nghĩ một ngã, thành ra xác gần trong gang tấc mà trí cách xa muôn dặm.

Mùa mưa đã tới rồi. Nhiều khi trời mưa, cô Lý ngồi ngó giọt mưa trót giờ, không nói một tiếng chi hết.

Ban đêm Phúc thường chong đèn ngồi đọc sách, có bữa đọc tới gần rựng (#48) đông mới đi nghỉ.

Tại thương nhau quá rồi sợ người ta chia cái thương của mình nên sanh ghen, chớ chẳng có chi lạ. Ghen mà không chịu nói ra, cứ ôm ấp trong lòng để nghi nhau, tự nhiên phải gây cái bầu không khí buồn bực trong nhà như vậy.

Bà giáo Viễn vì thương con thương dâu, nên bà để ý đến cách cử động của con dâu luôn luôn. Cái không khí buồn bực vừa phát hiện thì bà đã thấy liền, song bà tưởng dâu bà buồn là tại chán ngán thú quê mùa, bởi vậy lúc ăn cơm chiều với con và dâu bà nói: "Lúc nầy trời mưa gió, ở trên nầy bùn lầy dơ dáy lắm, mà lại ban đêm nhái ếch dưới bưng nó kêu thiệt là buồn. Vậy má muốn hai con xuống thăm anh rồi xin phép anh đặng ở dưới chơi ít tháng, chừng bớt mưa rồi sẽ trở về trên nầy."

Phúc nghe mẹ dạy như vậy thì châu mày, song liếc mắt ngó chừng coi vợ có vui mà vưng lời hay không.

Cô Lý bình tỉnh đáp với mẹ chồng:

- Con đợi trời mưa đặng con trồng bông chơi. Con đã có biểu thằng Biện kiếm củ huệ đặng con giâm mà trồng.

- Như con muốn trồng thứ bông gì thì con nói cho má biết rồi má kiếm giống mà trồng chọ Con về ở dưới chơi ít tháng, chừng nào con trở lên má trồng đủ hết.

- Con thấy họ trồng môn, họ mua củ bên tây, thứ nào lá cũng đẹp lắm. Con đã viết thơ mua 12 thứ khác nhau đặng con trồng thử. Nếu lên tốt thì con sẽ mua thêm nữa. Nội tháng nầy củ môn sẽ qua tới. Nếu con đi chơi, thì làm sao mà lãnh đồ đó.

- Má lãnh cho.

- Anh Phúc tính ít bữa nữa mướn cày đất đặng giâm mía lại. Nếu vợ chồng con đi rồi ai coi làm. Con nhắm đi chơi không tiện.

- Có má ở nhà mà con lo nỗi gì. Vậy chớ hồi thằng Phúc còn bên Tây, ai vô đây mà coi. Thầy con mắc dạy học, có một mình má mà cũng xong vậy.

- Bây giờ má già rồi. Có vợ chồng con thì vợ chồng con phải lo đặng cho má nghỉ chớ.

- Chỉ cho người ta làm, có mệt nhọc gì lắm mà phải nghỉ.

- Vợ chồng con không đành đi chơi mà để cho má làm việc.

Bà giáo ép dâu không được thì bà day qua nói với con:

- Tuy hai con nói vậy, song con cũng cứ dắt nó đi chơi. Ở trên nầy nó buồn, má chịu không được.

- Nó không muốn xuống Sài Gòn thì thôi, má ép làm chị Con cũngkhông muốn đi đâu hết.

- Má coi lúc nầy sao bộ con cũng không vui như mấy tháng trước. Như không muốn xuống Sài Gòn, thôi thì dắt nhau đi Đà Lạt, hoặc đi Hà Nội mà chơi.

Phúc lặng thinh, ăn hết chén cơm rồi đi rửa tay, không trả lời mẹ nữa.

Sáng bữa sau Phúc đi Đường Long, vì sợ mắc mưa dọc đường ướt lạnh, nên không dắt vợ theo.

Cô Lý ở nhà cô biểu thằng Biện xúc phân đặng cô rải vô đám rau rồi cô dọn một liếp mà giâm huệ. Cô lui cui làm đến nổi nắng, cô mới đi rửa mặt rồi vô phòng nằm nghỉ. Cô nhớ tới tâm sự của cô thì trong lòng bát ngát, không vui chút nào hết. Mình thương chồng, mà chồng không thương mình, cứ nhớ người khác! Trước kia mình tưởng dùng thang thuốc ái tình mà giải tâm bịnh cho chồng được, té ra thang thuốc ấy không công hiệu.

Bây giờ phải làm sao? Vì mình có cái óc lãng mạn, nên ngày nay mới phải chịu vô duyên bạc phận như vầy, chớ nếu mình làm theo chị em, mình chọn người tâm hồn bình tịnh, tình ái trong sạch mà trao thân thì niềm vợ chồng dầu không được nồng nàn cho lắm, song cũng không đến nỗi phải chầm ngầm (#49) ức uất.

Mình thấy anh Phúc thống khổ về tâm bịnh mình động lòng thương xót, mình tính làm quen với cô Hạnh rồi lập thế đem tình của cô mà trả lại cho anh Phúc ấy là kế hay quá. Mình đi lên trên nầy làm chi cho anh Phúc tỏ tình với mình và xin cưới mình mà dẫu ảnh muốn cưới, biết rõ ảnh nặng tình với cô Hạnh, thì mình từ phức đi, mình động lòng từ bi, mình làm mặt can đảm mà ưng ảnh làm chi rồi bây giờ mình bức tức.

Tại sao mình bức tức? Tại sao mình ghen... Phải. Tại mình ghen, nên mình mới phiền não. Sao mình phiền? Tại anh Phúc nhớ cô Hạnh. Tuy trước khi cưới mình, anh Phúc có hứa ảnh sẽ quên cô Hạnh, không thèm nhớ nữa, song sự quên hay sự nhớ không phải muốn được, nó xảy ra trong trí thình lình, không ai có tài nào mà ngăn cản. Ấy vậy anh Phúc không có lỗi gì hết, mình không nên phiền trách ảnh. Ảnh là người bịnh, mình vô duyên bất lực nên mình trị bịnh cho ảnh không được thì mình chịu, chớ mình trách ảnh thì không công bình... Lỗi tại mình chớ nào có tại ai. Tại mình muốn đoạt tình của cô Hạnh, mà tình ấy không chịu về tay mình, vậy mình phải trả lại cho cô Hạnh mới công bình... Làm sao mà trả?... Nhơn dịp má ép mình về ở Sài Gòn mà chơi ít tháng, mình xúi anh Phúc vưng lời má đặng mình đem ảnh xuống ở Sài Gòn cho ảnh gần cô Hạnh... Được... Cha chả! Mà nếu anh Phúc chấp mối tình xưa lại với cô Hạnh, rồi phận mình phải làm sao?... Khó lắm, khó hơn nữa!

Cô Lý suy nghĩ tới đó rồi cô buồn hiu, cô nằm im lìm mà nước mắt chảy dầm dề. Cô khóc một hồi rồi cô ngồi dậy, vói tay mở cửa sổ trong phòng cho sáng, lại bàn viết mà ngồi và lấy viết một bức thơ cho cô Mỹ, cô và viết và suy nghĩ, viết trót giờ mới rồi. Cô niêm lại kín đáo đề ngoài bao đặng gởi cho cô Mỹ, rồi kêu thằng Biện biểu đi bỏ dùm thơ.

Cô Lý vừa trao thơ cho thằng Biện thì Phúc về tới, Phúc bước lên thềm, gặp thằng Biện cầm phong thơ đi ra, Phúc chận lại mà coi ngoài bao rồi trả cho nó và khoát tay biểu đi.

Cô Lý thấy chồng thì đổi buồn làm vui, tuy vậy mà sắc mặt vẫn còn vấn vít nét tư lự nên Phúc thấy liền.

Ăn cơm trưa rồi Phúc một mình ra sau vườn đi thơ thẩn mà suy nghĩ, không quyết định đi đâu. Đi quanh quất rồi cũng ra nhà mát. Phúc lên võng mà nằm. Phúc nghĩ đến tâm sự rồi trong lòng cũng bồi hồi như cô Lý, không vui chút nào hết. Vợ mình có tình với Hườn hay không?...

Trước khi mình xin cưới, mình có dọ tình ý vợ mình. Vợ mình nói nhiều câu đáng quý đáng phục lắm. Mà từ ngày kết nghĩa vợ chồng với mình, thì cử chỉ của vợ mình cũng đúng đắn luôn luôn, không có chỗ nào để cho mình phiền trách được. Người cao thượng như vậy không lẽ gạt mình, người đúng đắn như vậy không lẽ có ngoại tình.

Mình nghi quấy cho vợ mình thì mình có lỗi nặng lắm... Mà nếu vợ mình không có ngoại tình, sao ở với mình mà lại buồn? Sao Hườn nói nhiều câu nghe trái tai như vậy? Mình quê mùa lam lụ, lại có tâm bịnh. Hườn lỗi lạc rực rỡ lại đẹp trai. Vợ mình ưng mình rồi bây giờ nó ăn năn hối hận nên nó buồn chớ gì... Mình quấy lắm, mình như vầy, mình không nên cưới một người vợ như vậy. Trèo cao tự nhiên té nặng. Mình đã thất vọng một lần rồi mà chưa tởn, còn đèo bồng nên mới khổ tâm... Phải... Chắc vợ mình hồi trước có tình với Hườn. Có tình mà không tính việc trăm năm với nhau được, nên phải kiếm nơi khác trao thân đặng tránh tiếng. Mình thật thà mới dễ gạt. Bến Súc là xứ quê mùa, lên đó mà trốn tự nhiên tiếng thị phi không theo được. Tại như vậy nên vợ mình vừa gặp mình thì chọc ghẹo liền. Tại muốn che đậy những tiếng không tốt, nên mình xin cưới thì cha vợ mình chịu gả liền, gả mà còn cho cưới mau mau, không đòi lễ vật nữ trang chi hết... Ạ! Đời nầy người ta khôn lanh quá! Mình giữ thói chơn chánh, nghĩ lại thiệt mình dại không biết chừng nào.

Phúc suy nghĩ tới đó kế thấy cô Lý ra gần tới nhà mát. Phúc đương bồi hồi bực tức, không muốn nói chuyện với vợ, nên nhắm mắt giả đò ngủ.

Cô Lý bước lên thang thấy chồng nằm im lìm, tưởng chồng ngủ thiệt, nên đi nhè nhẹ lại cái võng thứ hai mà nằm.

Cũng như mọi bữa, nước suối vẫn chảy ro re, gà rừng vẫn gáy te tét, lá cây gió đùa vẫn lúc lắc, quanh nhà nắng dọi vẫn sáng lòa.

Phúc đem những thói xấu xa đê tiện mà trút cho vợ rồi Phúc ăn năn, nên giả đò ngủ một giây lâu rồi Phúc mở mắt ngồi dậy ngó vợ mà hỏi:

- Em ra đây bao giờ qua không hay?

- Em mới ra!

- Ăn cơm rồi nực quá, qua ra đây nằm hứng mát té ra ngủ quên.

- Em ra em thấy anh đương ngon giấc, em không giám đi mạnh sợ anh giựt mình.

- Từ sớm mơi tới giờ qua bỏ em ở nhà một mình, chắc em buồn lắm há?

- Không. Anh đi, em ở nhà em vô phân đám rau, em giâm một liếp huệ, rồi em viết thơ thăm chị Mỹ. Em có công việc làm luôn luôn nên em không buồn.

- Trưa nay em không buồn ngủ hay sao?

- Hồi nãy nói chuyện với má rồi em buồn ngủ. Em tính đi ngủ, té ra vô phòng em không thấy anh. Em không biết anh đi đâu, nên em đi vòng ra vườn mà kiếm anh đây.

- Nếu vậy thì trở vô nhà đặng em nghỉ một chút.

- Bây giờ hết buồn ngủ rồi. Để em nằm đây chơi cho mát.

Phúc ngó vợ trân trân mà suy nghĩ. Người có tư cách ôn hòa khả ái như vầy không lẽ trắc nết. Người có nét mặt hiền lương chơn chánh như vầy không thể giả dối được. Ngặt vì gái đời nay khôn ngoan xảo quyệt lắm, làm sao mà mình dám tin.

Cô Lý liếc thấy bộ chồng lo ra, thì cô bát ngát trong lòng, nước mắt muốn tuôn ra cô phải ráng cầm nó lại, rồi cô mơn trớn rủ chồng với cô qua phía vườn trà mà thăm coi hàng mít Tố nữ mới trồng mấy bữa trước có héo hay không.

Phúc đi với vợ mà bộ không hăng hái, sắc không hân hoan. vợ chồng đi giáp vườn rồi trở vô nhà.

Chiều mát cô Lý đi tưới rau.

Phúc vô phòng ngồi tại bàn viết ngó ra cửa sổ mà suy nghĩ. Có tâm sự mà không tỏ bày ra được, cứ ôm ấp trong lòng, thiệt là khó chịu. Phúc không thể chịu nữa được, ngó trên vách thấy cái khuôn kiếng lộng hình vợ chồng Trường thì nhớ tới bạn nên cũng làm như cô Lý hồi sớm mơi, lấy giấy viết một bức thơ gởi cho Trường mà tỏ nỗi nghi ngờ áo não. Viết thơ rồi Phúc bỏ vào túi áo, bổn thân đi lên chợ mà gởi, chớ không sai ai hết.

Đến tối Phúc trở về nhà thì cơm dọn sẵn rồi. Có lẽ nhờ viết thơ bày tỏ được nỗi lòng rồi trong mình nhẹ nhàng nên ngồi ăn cơm với mẹ và vợ, Phúc vui vẻ nói chuyện không ngớt. Ăn cơm chưa rồi thì trời nổi giông rồi mưa một đám thiệt lớn.

Cô Lý nói: "Huệ mới giâm bị mưa lớn chắc ngã hết." Bà giáo Viễn cười mà đáp: "Sáng mai con phải trồng lại. Trồng rau, trồng bông kỵ mưa lớn, hễ mưa rồi thì phải sửa soạn lại hết thảy ."

Mưa lớn một hồi rồi mưa nhỏ, song rỉ rả mưa hoài không dứt. Ăn cơm rồi Phúc coi chừng cho đứa ở đóng cửa rồi vợ chồng rút vô phòng.

Phúc nằm ngay trên giường và biểu vợ lấy bộ truyện "Nặng gánh cang thường" đọc nghe chơi. Cô Lý để cái đèn trên bàn viết rồi cô ngồi mà đọc truyện.

Phúc nằm ngó vợ một hồi, rồi trong lòng cảm xúc khó chịu. Phúc quyết định phải giải nghi mới đươc, dầu hư dầu thiệt cũng nên biết cho minh bạch, chớ không nên ôm ấp rồi phiền não ngầm ngầm.

Phải xuống Sài Gòn ở ít ngày cho vợ mình gần gụi Hườn đặng mình dọ tình ý hai người. Nếu hai người có tình với nhau thì dầu giấu giếm kín đáo thế nào cũng khó thoát khỏi cặp mắt quan sát của mình được. Ví như thiệt vợ mình có tư tình với Hườn thì mình lên án về tội gạt gẫm mình rồi mình trừng trị bọn giả dối đặng làm gương cho kẻ khác sợ mà tránh.

Phúc nghĩ như vậy rồi kêu vợ mà nói:

- Em đừng đọc nữa. Em ngừng lại đặng qua nói chuyện một chút. Cô Lý day qua ngó chồng mà hỏi:

- Anh nói chuyện chi?

Phúc dụ dự một chút mới đáp:

- Qua buồn quá. Qua muốn vợ chồng mình xuống Sài Gòn ở chơi ít ngày.

Cô Lý chưng hửng rồi chua xót trong lòng nên cô châu mày. Cô muốn hỏi: "Anh nhớ con Hạnh lắm chịu không nổi, nên anh muốn kiếm nó phải hôn?“

Nhưng mà cô dằn lòng, không nỡ hỏi như vậy, cô chậm rãi nói:

- Hôm qua má biểu đi, anh nói anh không muốn đi đâu hết. Sao bữa nay anh lại muốn đi xuống Sài Gòn mà ở?

- Qua đổi ý rồi.

- Em không hiểu tại sao mà anh đổi ý.

- Có lẽ xuống Sài Gòn ở ít ngày rồi em sẽ hiểu. Em không muốn đi hay sao?

Cô Lý muốn nói: "Nếu anh chắp mối tơ tình lại với con Hạnh thì chắc em phải chết. Vì em thương anh quá, nên em không muốn chết“. Nhưng mà cô cũng ráng dằn lòng nữa, cô gượng mà đáp:

- Em muốn ở trên nầy đặng trồng bông chơi. Nhưng nếu anh muốn đi thì em

cũng phải làm cho vừa ý anh.

- Lúc nầy trời mưa ở nhà buồn quá. Phải xuống Sài Gòn ở chơi cho bớt buồn.

- Tự ý anh. Anh muốn bữa nào đi?

- Bữa nào cũng được. Em viết thơ xin ba gởi xe lên đi. Ba cho xe lên rước bữa nào thì mình đi bữa nấy.

- Để em viết thơ đặng sáng mai em gởi.

Phúc day mặt vô vách nằm im lìm.

Cô Lý lấy giấy mà viết thơ cho cha, cô ngồi viết mà hai hàng nước mắt rưng rưng.

Ngoài tường giọt mưa vẫn rỉ rả rớt hoài không dứt.

Chú thích:

(46-). nón đương bằng nan tre

(47-). nhơn cây bằng cũ, cành hay thân

(48-). rạng

(49-). chầm vầm : cau có, buồn bực