Tại Sao Chúng Ta Phải Tọa Thiền ?

Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị tại Hồng Kông
Ngày 20 tháng 2, 1992 (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)



Chiến tranh, bão lụt, đói kém và dân tỵ nạn có khắp nơi trên thế giới, tất cả là vì chúng ta quên không xử dụng trí huệ của mình, thay vào đó lại lệ thuộc vào cái ngã, vào đầu óc, vào những thói quen có tính cách ngạo mạn của mình. Chúng ta nghĩ nó cũng giống như cái kia không khác. Khác chứ! Ngay cả quần áo nhiều khi còn khác nữa. Mặc vải khác cho ra những cảm giác khác. Không khí mát từ máy lạnh khác với không khí mát bên ngoài; không thể nói nó giống nhau vì nhiệt độ giống nhau. Nó không giống nhau! Nó là những vật liệu khác nhau.

Thí dụ như khi leo núi, chỗ đó lạnh hơn, có thể có tuyết, nhưng chúng ta không cảm thấy quá mệt bởi vì không khí trên đó thiên nhiên. Có thể trên đó rất lạnh, nhưng sau khi hít thở dưỡng khí trong không gian, nhiệt sẽ phát ra và cơ thể dần dần thích ứng. Trái lại, khi ở trong phòng máy lạnh không thoáng khí, chúng ta cảm thấy mệt dù không khí mát. Nó không tốt cho cơ thể. Khi ra khỏi phòng máy lạnh, chúng ta dường như là không thích ứng được một cách mau lẹ, ngủ dậy mặt mày nhợt nhạt. Nếu làm việc hoặc sống trong phòng máy lạnh lâu, mặt mày có thể xanh xao. Nhưng nếu ở trên vùng đồi núi, dù lạnh hơn đi nữa, mặt mày cũng hồng hào.

Dĩ nhiên là chúng ta nên phát triển tự do của mình, nhưng phải xem coi làm cái gì thì tốt hơn. Tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Khi hành động cũng phải nên dùng đầu óc và trí huệ của mình; có nó thì phải dùng. Không nên hành động một cách mù quáng, bướng bỉnh. Mua đồ tốt hay xấu cũng mất bấy nhiêu đó thời giờ, thường thường phải trả cũng khoảng đó tiền, có thể mấy thứ xấu còn đắt hơn. Thành ra, làm gì cũng phải cố gắng xử dụng đầu óc, trí huệ của chúng ta; như vậy mới có nhiều thời giờ, sức lực và được nhiều lợi ích cho người và cho mình. Vì lý do đó mà chúng ta cần phải theo đuổi việc tu hành; chuyện đó rất là hợp lý.

Tập Trung Sinh Lực

Nếu dùng kính lúp để tập trung ánh sáng mặt trời, chúng ta có thể bắt được lửa ở phía dưới, chỗ tia sáng tụ lại. Nếu không, thì dù có thật nhiều ánh sáng mặt trời cũng không thể xử dụng được. Tương tự như vậy, sinh lực chúng ta tản mát khắp nơi trong cơ thể và ngay cả bên ngoài. Khi để ý tới một cái gì, chúng ta cho cái đó năng lực, cho nó sinh lực của mình. Cho nên, nếu tập trung tất cả sự chú ý của mình vào một điểm, chúng ta có thể giải quyết bất kỳ vấn đề gì. Chúng ta có thể làm ra lửa, thiêu đốt mọi chướng ngại. Chuyện đó rất là hợp lý, không có gì là huyền bí cả.

Phải tránh mê tín trên con đường trau dồi tâm linh. Hãy hiểu một cách rõ ràng rằng tại sao chúng ta tu pháp này, và tại sao phải tập trung vào điểm này. (Sư Phụ chỉ tay vào mắt trí huệ.) Khi suy nghĩ, không phải chúng ta dùng điểm này, cau mày lại hay sao? Chúng ta cau mày bởi vì muốn tập trung, và làm một cách rất tự nhiên. Cũng vậy, chúng ta biết rằng mình nên tập trung vào điểm này để năng lượng khỏi thoát ra ngoài hoặc không bị mất đi vì những cái chung quanh. Không phải lực lượng mạnh hơn khi chúng ta tập trung vào chỗ này sao? Nó làm cho chúng ta vượt qua được lẹ hơn, có không? Có! Thí dụ, với một tay quý vị chỉ có thể đẩy cửa mở, nhưng với hai tay, quý vị có thể đập bể nó luôn nếu muốn. Điều này rất là hợp lý, giản dị, không có gì là huyền bí. Tu là một vấn đề khoa học; thành ra đừng nghi ngờ gì cả.

Có thể quý vị sẽ chống đối, cãi với tôi là: "Chỉ nhìn những cái bên ngoài thôi làm sao năng lực có thể tiêu tan được?" Nó có mất chứ, nếu không, tại sao những nhà thôi miên họ có thể sai khiến chỉ huy người khác? Họ dùng năng lực của họ để điều khiển người kia. Làm sao có thể nói rằng họ không dùng lực lượng? Họ có dùng! Có những người luyện pháp tập trung tư tưởng, làm đồ vật bay lên rớt xuống trong không khí theo ý họ. Thậm chí có những người có thể giết người khác từ đàng xa bằng ý nghĩ. Những người này chúng ta có thể thấy ở Tây Tạng, có thể bên Trung Quốc. Ý nghĩ tập trung của chúng ta rất mạnh. Đừng nghĩ rằng để ý tới những cái bên ngoài mà không mất sinh lực. Có, có mất! Có uổng phí trí huệ của chúng ta.

Thí dụ, nếu muốn làm hoàn hảo một công việc gì đó, chúng ta phải nhìn nó hoặc nghĩ tới nó một cách chăm chú. Điều này áp dụng cho tất cả mọi việc, ngay cả chuyện chơi đàn hay giặt quần áo. Khi giặt đồ, chúng ta phải nhìn kỹ càng những vết nhơ trước khi quyết định giặt, chà, lau như thế nào. Trường hợp một người họa sĩ, họ phải tập trung đầu óc để có thể sáng tác được một bức họa đẹp hay một tác phẩm chạm trổ đẹp. Có những lúc quý vị nhìn một người đàn ông hay một người đàn bà nào đó mà quý vị rất thích, làm sao có thể nói rằng quý vị không đang bỏ phí năng lực? Có chứ! Nếu quý vị cứ nhìn hoài, người đó sẽ cảm thấy một cái gì đó, rồi một hồi sau cũng có thể bị quyến rũ bởi quý vị nữa. Quý vị đang dùng năng lực của mình quyến rũ người kia. Không thể nói rằng quý vị không đang lãng phí năng lực của mình được!

Thành ra chúng ta nên tập trung tất cả lực lượng mà chúng ta có thể uổng phí, để dành càng nhiều càng tốt, giống như để dành tiền vậy. Nếu chúng ta tiêu tiền một cách phí phạm ngay cả những lúc không cần thiết, chúng ta sẽ không bao giờ có đủ. Nếu chúng ta tiêu một cách thích đáng, một đồng để dành được là một đồng kiếm được. Khi tiền tiết kiệm gia tăng, đời sống chúng ta sẽ khá lên, và chúng ta sẽ không phải làm việc cực khổ. Sau khi dành dụm được một số tiền lớn, chúng ta có thể dễ dàng mua bất cứ những gì cần thiết và quan trọng. Không có tiền thì ngay cả những thứ lặt vặt cũng không mua được. Cho nên, hãy dành dụm trước rồi sau đó muốn mua gì cũng được.

Thật vậy, mỗi ngày chúng ta lãng phí năng lực vào thế giới bên ngoài, chúng ta lấy lại bằng cách tọa thiền. Khi nào để dành thời giờ được thì để dành; còn hơn là không có gì cả. Trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, chúng ta phải để ra hai tiếng rưỡi, tức là một phần mười thời gian mình có, để bồi đắp sinh lực và tập trung năng lực, như vậy chúng ta mới có đủ để xài cho ngày hôm đó. Cũng như có thời giờ tiêu tiền thì cũng nên có thời giờ để kiếm tiền. Chúng ta làm ngày tám tiếng để cung ứng tiêu pha trong hai mươi bốn tiếng.

Bây giờ chúng ta chỉ để dành có hai tiếng rưỡi ngồi thiền để cung ứng tiêu thụ trong hai mươi bốn tiếng, tôi thấy không có gì là vô lý. Thật ra, tôi nghĩ như vậy là quá ít! Cho nên, truyền Tâm Ấn không có nghĩa là xong xuôi mọi việc; quý vị vẫn còn phải về nhà làm tiếp.

Thọ pháp cũng giống như ghi danh vào làm trong một công xưởng. Ông chủ đã mướn quý vị rồi, nhưng không có nghĩa là quý vị sẽ được trả lương hàng tháng. Quý vị vẫn phải đến đó làm mỗi ngày; phải có trách nhiệm đối với ông chủ, rồi mới được trả tiền cho mỗi ngày làm việc. Tương tự như vậy, chúng ta tọa thiền mỗi ngày để có trí huệ và lực lượng, rồi mới được chứng kiến những diễn biến thần kỳ. Đây không phải là thần thông hay là phần thưởng gia trì, mà nó là năng lực mà quý vị đã dành dụm được. Nó hội tụ khiến quý vị có thể giải quyết nhiều vấn đề mà trước kia không thể nào làm được. Rất là hợp lý!

Hồi trước chúng ta giàu, nhưng tiêu hoang, bạ đâu mua đấy dù nó không cần thiết. Chúng ta bỏ tiền ra mua nhiều thứ không có chỗ để. Dần dần, chúng trở thành cục nợ. Chúng ta có quá nhiều đồ đến nỗi chật chỗ ở, rồi cảm thấy bực mình, khó chịu. Bây giờ đã bỏ hết những thứ đó, chúng ta sẽ không mua bậy bạ nữa. Bây giờ có thêm chỗ trống và dành dụm thêm tiền. Sau này, nếu thấy cái gì rất quan trọng, rất đẹp, dễ chịu, hợp ý, chúng ta có thể dùng tiền tiết kiệm này mua. Khi mua, biết mình thật sự thích, cảm thấy dễ chịu, món tiền được tiêu xài đúng cách, món đồ đó tốt, chúng ta nghĩ "hết xảy"! "Tại sao hồi đó không bao giờ mua được?" Có thể chúng ta tưởng cái đó từ trên trời rơi xuống. Không phải! Đó là do đồng tiền của mình. Chúng ta đã để dành được nhiều tiền, cho nên bây giờ mới mua được món đồ giá trị này. Hồi trước khi còn tiêu xài bậy bạ, nhìn mấy món đồ quý giá đó còn không dám, huống chi là mua!

Trước kia chúng ta uổng phí quá nhiều sức lực, năng lực, mãi nhìn ra ngoài, nghĩ rằng nó sẽ mang lại cho chúng ta những an ủi, dễ chịu. Nhưng thật tình, nó chỉ mang lại cho chúng ta thất vọng. Giống như mua quá nhiều đồ đạc, mua một cách bừa bãi làm nhà cửa chật chội đến nỗi không còn chỗ cho mình nữa. Chúng ta sẽ cảm thấy ngột ngạt, tức tối. Chúng ta có nhiều đồ quá không biết phải làm sao, nhiều nghiệp chướng quá không thể loại trừ, hoặc nhiều nhân quả không thể nào chạy thoát. Lực lượng lớn lao mà chúng ta đã để dành sẽ giúp lo liệu những nghiệp chướng không đo lường được trước kia, giảm bớt nó xuống một chút, làm chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn, hoặc giúp cho chúng ta lo liệu bằng những phương cách khác. Cho nên, khi tu hành tiến bộ thì đời sống thường trở nên dễ chịu hơn.

Tuy nhiên, chúng ta phải tu hành với tất cả tấm lòng và sự thành tâm thật sự. Sự thành tâm có thể giúp chúng ta tập trung; nếu không thành tâm, chúng ta sẽ tu tà tà, lười biếng, hay không tu gì cả. Nó rất có lý. Tôi phải đưa ra một thí dụ ngoài đời cho quý vị hiểu. Thí dụ như, khi tha thiết yêu một người nào đó, quý vị sẽ không nề hà gian khổ. Dù nhà người đó xa xôi cách mấy quý vị vẫn đến thăm; dù tính tình người đó nóng nảy như thế nào, quý vị cũng chấp nhận. Quý vị có thể chịu đựng tất cả để được lấy người đó. Nếu không có lòng thành đối với người đó, quý vị sẽ thấy họ giống như là không thấy, không một cảm giác gì cả, không nhớ nhung hoặc cảm thấy muốn đi gặp, cũng không cảm thấy muốn cưới hay chiếm đoạt cảm tình người đó. Không cố gắng hết lòng thì dĩ nhiên quý vị sẽ không được họ, bởi vì đó không phải là cái mà quý vị muốn. Có thể quý vị muốn một người nào khác hay một cái gì khác. Có lẽ quý vị muốn đi nghỉ hè hay muốn vui chơi. Quý vị không nhớ người đó thì đương nhiên sẽ không chiếm được lòng họ. Mặt khác, người kia cũng không để ý đến quý vị. Bởi vì quý vị không thành tâm, không thu hút được họ, hoặc không làm họ cảm động.

Trí huệ và lực lượng bất khả tư nghì của chúng ta cũng giống vậy. Chỉ khi nào thật sự muốn, chúng ta mới cố gắng hết sức để được. Tâm trí, linh hồn của chúng ta sẽ cố gắng để mà có nó. Nếu không muốn, chúng ta sẽ không được. Thấy có lý không? (Dạ) Khi nào thật tình muốn có một cái gì đó, chúng ta mới tập trung. Nếu không, chúng ta không cần biết nó đến hay không. Cho nên, điều quan trọng nhất là chúng ta phải thành tâm trong sự tu hành. Đừng tỏ ra cho người khác thấy. Nói vậy không có nghĩa là quý vị dấu diếm sự hành thiền của mình, mà là tránh không khoa trương gì về chuyện đó.

Tại Sao Không Nên Tiết Lộ Thể Nghiệm Bên Trong

Khi người khác hỏi quý vị tu hành pháp gì, thì nên trả lời rằng: "Tôi đang tu Pháp Quán Âm, và tôi cảm thấy rất thích. Tôi ngồi thiền bao nhiêu đó tiếng mỗi ngày, và tôi ăn chay trường." Đừng nói họ biết thể nghiệm bên trong của mình. Tại sao? Nếu nói ra, có thể họ sẽ không tin quý vị. Có thể họ sẽ chế nhạo quý vị. Đa số người ở đời này sẽ không tin quý vị! Như hôm qua, khi tôi nói chuyện với quý vị về các tinh cầu, người ta hỏi tôi: "Làm sao chứng minh được là những hành tinh này hiện hữu? Có thể đó là tưởng tượng không?". Có quá nhiều tin tức báo chí, truyền hình tường thuật chuyện dĩa bay và người ngoại tinh, vậy mà con người vẫn không tin! Tưởng tượng họ sẽ nghĩ sao khi chúng ta kể thể nghiệm bên trong. Không thể cho họ thấy dĩa bay (Sư Phụ cười) thì làm sao họ tin chúng ta được?

Tôi "không may" bị chọn làm công việc Minh Sư, nên phải nói ra đủ thứ và tự làm trò đùa. Nhưng một người phải hy sinh! Vì Thượng Đế đã giao cho tôi công việc này, hay "cái nghề" này thì tôi phải làm. Nếu không, khi chúng ta tiết lộ thể nghiệm bên trong và đẳng cấp tu hành của mình thì thường thường chỉ làm trò cười cho thiên hạ, và hậu quả sẽ trái ngược. Chúng ta nói ra vì muốn người khác tin mà tu hành; nhưng trái lại họ có thể chê cười, công kích chúng ta. Điều nầy có thể làm giảm bớt niềm tin của chúng ta. Khi bị người khác luôn luôn nói rằng đó là một sự tưởng tượng, lần lần chúng ta cũng sẽ tin chuyện đó thật là do tưởng tượng. Kết cuộc chúng ta muốn bỏ thì phiền phức lắm! Không phải nói về những chuyện đó là sái quấy, nhưng sau khi nói ra, thường thường chúng ta sẽ không còn thể nghiệm nữa, rồi tu hành thụt lùi. Cho nên tốt hơn là giữ kín thể nghiệm bên trong, cố gắng đừng nói mình thấy Phật này Phật kia, hoặc ánh sáng, âm thanh này nọ.

Nếu người khác hỏi, có thể nói là: "À, trong những người tu Pháp Quán Âm, có những người thấy ánh sáng và có những người nghe âm thanh nào đó." Cho họ biết sơ sơ thay vì nói rằng chính quý vị nghe thấy âm thanh. Có thể nói rằng: "Tôi cũng có một số thể nghiệm này. Dĩ nhiên là tôi có một số thể nghiệm, nhưng tôi không thể nói ra." Như vậy là đủ rồi. Chúng ta không cần ngậm miệng hẳn. Nếu không nói gì cả, thì làm sao người ta biết về Pháp Quán Âm và những lợi ích của nó trong việc tu hành? Và làm sao họ muốn tu với chúng ta nữa? Cần nói gì thì nói, nhưng đừng kể thể nghiệm bên trong và những chi tiết hướng dẫn trong lúc truyền Tâm Ấn. Không có sự cho phép của tôi, quý vị không được tiết lộ bởi vì quý vị chưa học đủ. Nói ra những điều này không ích gì cho quý vị. Thí dụ, nếu mới học vài mẫu tự đầu tiên trong bộ chữ cái tiếng Anh mà đã đi ra dạy người khác thì có lợi gì không? Lý do là như vậy. Tôi không cấm cản quý vị điều gì, cũng không làm ra vẻ huyền bí. Nhưng có một điều quý vị phải nhớ: khi làm công việc gì trong thế giới này, nếu chúng ta khoe khoang, hầu hết là sẽ không thành công. Nếu điều này đúng đối với những hành động ở thế gian, thì giữ bí mật việc tu hành của chúng ta cũng là chuyện đúng. Thế giới này thuộc về Ma Vương (vua của ảo ảnh) và tay sai của hắn đang ở khắp mọi nơi chuẩn bị tấn công, cản trở những kẻ tu hành. Khi nghe nói chúng ta có kho tàng ở bên trong, có những cảm giác vui tươi dễ chịu và những cái như là Niết Bàn này nọ, chúng nó sẽ cố cản trở chúng ta. Chúng ganh tỵ, chúng không tu bởi vì không muốn. Một khi biết tu pháp môn này rất có lợi cho chúng ta, chắc chắn chúng sẽ tấn công. Thế giới này là như vậy.

Khi có tiền của, địa vị, quý vị sẽ bị người khác ganh ghét; hoặc khi quý vị thành công dạy được ai và có rất nhiều đệ tử, người ta cũng công kích. Nhiều tôn giáo xung đột, cãi cọ, là vì các môn đồ tu hành không tốt. Cho nên, thay vì trở thành con cái của Thượng Đế, thì họ trở thành những kẻ nô lệ, những công cụ của Ma Vương. Vì vậy chúng ta nên để ý đến những điểm khó khăn trên bước đường tu học; vậy thôi! Không phải tôi đặt ra luật lệ cấm cản nghiêm khắc gì quý vị. Không, không phải! Mấy điều này chỉ là những mánh khóe đơn giản bí mật mà chúng ta phải biết để bảo vệ chính mình trên con đường tu hành.

Du Hành Đến Những Hành Tinh Khác Bằng Linh Thể

Dĩ nhiên nằm xuống thiền thì cũng được, nhưng ngủ cũng rất dễ. Ngồi thẳng mà còn ngủ, tưởng tượng nằm xuống thì nó sẽ như thế nào. Tôi cũng gặp vấn đề như vậy, vì nằm xuống tôi cũng ngủ. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là ngủ không ích lợi; chúng ta cần phải ngủ đủ. Cơ thể chúng ta cần được bồi dưỡng trở lại, và linh hồn chúng ta cũng cần phải nghỉ ngơi. Nên chọn giờ nào thích hợp để tọa thiền những lúc không mệt mỏi quá. Tại sao chúng ta thích thiền vào buổi sáng, buổi tối hơn? Tọa thiền buổi sáng thì tốt hơn, sau khi ngủ đủ. Dĩ nhiên là chúng ta miễn cưỡng ngồi dậy, nhưng cũng phải nên dậy, vì đó là giờ thiền tốt nhất. Dĩ nhiên chúng ta cần phải có can đảm, lòng thành tâm, bằng không rất khó mà làm được!

Có những lúc đang ngủ quý vị sẽ được kéo lên. Bình thường quý vị không biết chuyện này. Thỉnh thoảng cũng biết, nhưng biết thì chỉ rắc rối thôi. Thí dụ như hôm qua, một đồng tu nói với tôi rằng: "Sư Phụ, nhiều lần trong lúc ngủ, linh thể của con đi ra, con thấy con nằm đó. Con nói đó là xác của mình, thấy vậy con sợ quá chạy vô trở lại!" Tôi trả lời rằng chúng ta ở trong thân thể hoài rồi, chạy ra chơi một hồi cho vui chứ! Thân xác này không thể chạy đi đâu được khi mình không có đó. Khi nào mình ở trong đó nó mới chạy lung tung. Chúng ta chạy chứ không phải thân thể chạy. Nếu không, khi một người chết đi, thân thể không có gì thay đổi, mắt mũi vẫn còn nguyên đó, thì tại sao nó không đi lung tung? Đánh nó, nó cũng không la, mắng nó, nó cũng không phản ứng. Điều này cho thấy cơ thể không thể tự nó hoạt động. Nó chỉ cử động được khi nào chúng ta ở trong. Cho nên, khi quý vị đi ra thấy thân thể nằm đó, như vậy là tốt quá. Nó không đi đâu được, thành ra đừng có lo. Nếu sợ thì gọi tôi giúp đỡ: "Sư Phụ, xin che chở cho con!" Nếu quý vị để tôi đưa lên thì tốt!

Vì thế cho nên nhiều khi tôi không cho quý vị biết là tôi đang đưa quý vị đi ra ngoài trong lúc quý vị ngủ. Quý vị mà biết được thì phiền phức lắm! Tôi không thể kéo quý vị ra được. Nó chỉ là một đống thịt hôi thối mà quý vị cũng hết sức bám víu vào. Đã ở trong đó cả cuộc đời rồi, và lâu lắm mới đi ra chỉ một lần mà cũng bám chặt vào cái thân. Ai tin được, khi quý vị nguyện: "Tôi thật tình muốn giải thoát sinh tử luân hồi." Bỏ da thịt hôi tanh này còn không được thì có thể đi đâu được?
Trong vũ trụ của chúng ta có nhiều tinh cầu. Không nên nghi ngờ chuyện này. Những lúc nhìn lên trời, quý vị thấy sao! Có các hành tinh, một số có chúng sinh ở, một số không. Một số rất là văn minh, một số khác rất là lạc hậu. Địa cầu của chúng ta không thể nào là tinh cầu duy nhất trong toàn thể vũ trụ; nếu vậy thì thật là uổng phí! Tạo Hóa có ngu si chỉ tạo ra một Địa Cầu thôi không? Tinh cầu vô số kể! Gần đây các khoa học gia có lên đó thám hiểm, hình như họ có chứng minh cho thấy một số tinh cầu có người sống, nhưng họ không vào được. Những người sống trên những tinh cầu gọi là tinh cầu tâm linh, họ không có thân thể như chúng ta, cho nên chúng ta không thấy người nào ở đó. Nhưng như vậy không có nghĩa là họ không hiện hữu.

Những tinh cầu tâm linh này giỏi hơn Địa Cầu của chúng ta hay những Địa Cầu khác. Khi nói chữ "Địa Cầu", ý chỉ những tinh cầu giống như Địa Cầu, thế giới của chúng ta. Chúng ta gọi những tinh cầu vật chất này là "Địa Cầu", vì mọi thứ ở đó đều có tính cách vật chất, hữu hình, nhìn thấy được, sờ mó được. Loại tinh cầu kia tôi gọi đó là tinh cầu tâm linh, vì tôi không biết đặt tên mấy thế giới tâm linh này làm sao. Trong những cảnh giới của những chúng sinh phát triển cao về tâm linh, họ không có thân thể vật chất. Chúng ta phải nâng cao chấn động của mình lên cho bằng y như chấn động của họ thì mới có thể cảm thấy hoặc trông thấy được sự hiện hữu của họ. Chúng ta không thể nhìn thấy họ vì chúng ta quá thô thiển.

Đừng nói chuyện về những cảnh giới cao, mà hãy lấy một thí dụ gần với thế giới chúng ta hơn. Có những người nhìn thấy được linh hồn của những người đã chết, nhưng những người khác lại không thấy được, bởi vì chấn động của họ khác với chấn động của cơ thể chúng ta. Họ vẫn có thân thể, nhưng là thân thể khác. Cái lều cũng như cái nhà, nhưng vật liệu nó khác, chúng ta có thể dùng dao, ngay cả dùng tay không, rạch nó ra một cách dễ dàng. Nhà gỗ được làm bằng chất liệu khác, cứng cáp hơn; và những căn nhà bằng xi măng lại còn chắc chắn hơn nữa.

Người Hồng Kông xây nhà bằng kính, trông đẹp, nhẹ nhàng, dễ chịu. Từ trong nhìn ra rất thoải mái. Nếu tất cả nhà cửa ở Hồng Kông đều xây bằng xi măng, thật cao và thô thiển thì tôi sợ không ai chịu nỗi. Sự chật hẹp sẽ làm cho con người điên loạn, cảm thấy tù túng. Do đó nhà cửa ở Hồng Kông rất giống như nhà cửa ở những thế giới văn minh hơn. Có những thế giới nhà của họ được xây bằng pha lê. Nhà cửa có đó nhưng không cảm thấy tù túng. Người có thể đi qua tường vì họ không thật sự hiện hữu mặc dù họ ở đó. Chúng rất mềm và rất dễ chịu. Không có những bức tường cao vây quanh chận trước mặt. Bên trong rất rộng rãi nhờ những bức tường không thể sờ thấy được. Những tòa nhà làm bằng cửa sổ kính thật lớn mà chúng ta xây ở đây gần giống như nhà cửa ở những thế giới văn minh hơn, mặc dầu những thế giới văn minh hơn này vẫn không hẳn là những thế giới tâm linh. Không phải tôi nói những thế giới này là cao nhất; chúng ta có thể nói rằng những thế giới này là thuộc về cảnh giới thiên đàng.

Chỉ có những người ở cảnh giới này mới muốn xây những ngôi nhà như vậy, và thích sống trong những căn nhà như vậy. Nó giống những thế giới như vậy hơn, thế thôi. Trong tiềm thức họ nhớ là có những tòa nhà như vậy trên cảnh giới mà họ đã sống hồi xưa. Con người ở những nơi khác không hề nghĩ đến việc xây những loại nhà này; ngay cả nghĩ tới cũng không, huống chi là xây. Chỉ có những người gần với thứ thế giới văn minh như vậy họ mới có quan niệm và xây những loại nhà này, và thích sống trong đó. Nhưng tôi chỉ kể những chuyện này để lấy thí dụ về sự hợp lý. Những người tu hành sống ở đâu cũng được. Nhà pha lê chưa phải là đẳng cấp cao nhất. Nhà không quan trọng. Khi hoàn tất công việc tu hành, chúng ta có thể xây nhà lấy cho mình. Nghĩ tới ngôi nhà gì, ngôi nhà đó sẽ hiện ra. Chúng ta có thể xây bất cứ cái gì, tùy vào trí tưởng tượng và tài nghệ xây cất của mình. Ngôi nhà sẽ được xây ngay cả trước khi chúng ta lên tới cảnh giới đó. Những phần thưởng gia trì của chúng ta sẽ quyết định loại nhà nào chúng ta sẽ được.

Khi Phật Thích Ca Mâu Ni còn sống, một người anh em họ của Ngài là một trong những đệ tử xuất gia. Ông không chịu tu hành mà lại chìm đắm trong thú vui trần thế. Rất nhiều lần ông lén về gặp bà vợ đẹp. Phật Thích Ca không còn cách nào khác nữa vì vị sư này không chịu nghe lời khuyên của Phật. Một hôm khi vị sư này đang ngủ hoặc đang thiền, ông thấy mình đang ở trong một cảnh giới thật đẹp, có nhiều tiên nga, thiên thần đón rước, tiếng nhạc du dương, quang cảnh tuyệt vời và lầu đài lộng lẫy. Ông được mời vào trong một cung điện có tiên nga hầu hạ, ca múa giúp vui, dâng cho ông rượu và thức ăn ngon nhất thiên đàng. Ông hỏi các nàng: "Xin cho biết tôi đang ở đâu? và cung điện này là của ai? Đẹp quá! Và quý vị người đẹp từ gia đình nào đến vậy?"

Các tiên nga đáp: "Cung điện này dành riêng cho người em họ của Phật Thích Ca, tên là như vậy như vậy." Họ giả bộ không biết ông này là ai. "Nếu ông ta tu hành tốt, ông sẽ được lên đây sống. Chúng tôi là những người hầu hạ cho ông ấy." Ông sung sướng nhận thấy những nàng hầu này đẹp hàng trăm hàng ngàn lần hơn vợ ông. Rượu và thức ăn thật ngon; đào và các loại hoa quả hương vị tuyệt vời, lớn hơn trái cây dưới trần gian gấp mấy lần. Ông hỏi: "Từ bây giờ tôi có thể ở đây được không. Tôi là người đó. Ngôi nhà này và tất cả quý nương là thuộc về tôi. Tôi ở lại đây luôn!" Họ trả lời: "Không, không thể được. Ông chưa tu hành xong xuôi. Chỉ khi nào tu xong ông mới được lên đây ở. Chúng tôi sẽ đợi ông ở đây. Hôm nay chúng tôi chỉ muốn cho ông nhìn thấy chỗ ở tương lai của ông sẽ như thế nào." Cũng giống như đi xem nhà trước coi có thích không rồi mới quyết định mua. "Bây giờ được thấy ngôi nhà mơ ước rồi, sau này ông có thể trở lại, và chúng tôi sẽ chờ ông. Không bao lâu nữa đâu, chỉ còn vài ngày thôi."

Ông ta hỏi: "Cái gì? Vài ngày? Không phải cô đã nói tôi phải tu ở dưới đó vài chục năm nữa hay sao?" Họ đáp: "Đúng vậy! ở đây vài ngày bằng vài chục năm dưới đó!" (Sư Phụ cười) Ông buồn quá té xuống bất tử. Ông không thể ở lại vì tu hành chưa đủ, tâm chưa vững. Hơn nữa, thời gian ông chưa tới. Ông tức quá vì thương nhớ nơi này vô cùng.

Bỗng nhiên Phật Thích Ca đá ông xuống thăm địa ngục. Mới ra khỏi thiên đàng, bây giờ đã ở địa ngục. Ông thấy ở đó có rất nhiều ma quỷ ghê gớm, răng nanh dài, mũi to, mắt đen thui, tóc thật là dễ sợ, và mặt mày kinh khủng không thể nào tưởng tượng. Có thể quý vị đã thấy trong phim xi-nê. Ở đó chúng nó trừng phạt con người bằng cách cưa họ ra từng mảnh, nướng trên lửa, và trị tội họ bằng nhiều phương cách khủng khiếp khác nữa. Những người bị hành hạ la lối om sòm trong đau đớn.

Mấy con quỷ đưa người em họ kia tới một cái nồi lớn đựng dầu sôi. Ông hỏi: "Sao cái nồi này trống không vậy? Không có người nào ở trong!" Câu trả lời là nồi đó để dành cho em họ của Phật Thích Ca tên là như vầy như vầy! Nếu người đó tu hành không đàng hoàng, địa ngục sẽ đợi! Rồi họ cho ông thấy nhiều dụng cụ dùng để chặt, cưa, thái thịt người trước khi bỏ vào nồi nấu. Họ giải thích từng bước một phương cách phức tạp mà họ sẽ làm thịt ông, phần nào sẽ chiên, phần nào xào, và ông sẽ phải chịu bao nhiêu lần như vậy. Họ đọc nguyên một thực đơn, làm râu tóc ông dựng ngược. Ông hoảng hốt: "ối! đừng! Tôi không muốn xuống đây đâu! Chỗ của tôi không phải ở đây! Chỗ của tôi ở là thiên đàng." Câu trả lời là: "Nhà ngươi phải tu hành chăm chỉ thì mới được lên thiên đàng, nhưng địa ngục lúc nào cũng sẵn sàng chờ đón." Người em họ kia bây giờ sợ quá, la ó om sòm. Rồi Phật Thích Ca đưa ông về.

Thành ra, thiên đàng địa ngục đều ở trong tay chúng ta. Chúng ta là người quyết định. Đừng trách ai không tốt đối với mình, hoặc trách Thượng Đế không cứu chúng ta, bởi vì Thượng Đế là mình, là bản lai của mình. Nếu chúng ta không muốn cứu mình thì ai cứu mình đây? Chung quanh không còn người nào khác!

Trong vũ trụ này, mỗi một người là một linh hồn riêng biệt. Chúng ta biết những cái tốt, cái xấu của mình; biết mình cần gì và nên làm gì. Không ai sẽ đếm xỉa tới chúng ta. Nếu làm điều lành, chúng ta sẽ hái quả lành. Nếu làm điều ác, chúng ta sẽ bị nghiệp xấu. Điều này rõ như ban ngày; chúng ta là thầy của chính mình, quyết định tương lai cho chính mình.

Nếu lỡ phạm lỗi trong quá khứ, mặc nó; chúng ta vẫn có thể chọn một tương lai khác để bù lại cho quá khứ. Sau buổi truyền Tâm Ấn ngày hôm nay, tôi đã rửa nghiệp chướng của nhiều tiền kiếp cho quý vị. Công việc này được thực hiện một cách vô hình, giống như nhấn nút máy điện toán cho nó tiêu đi. Tuy nhiên, nếu chúng ta lập lại cùng lỗi đó nữa, nó sẽ bị ghi vào sổ nữa. Muốn không gây nghiệp xấu cho tương lai, chúng ta phải giữ giới luật và ăn chay nghiêm chỉnh để tránh những cơ duyên không tốt với những chúng sinh khác. Làm điều lành là tốt cho chính mình. Thương yêu lo lắng những người đang khổ đau cũng giống như thương yêu lo lắng chính mình, vì đó là gây nhân tốt. Tuy nhiên, bất chấp mọi nghiệp xấu tốt mà chúng ta đã gây ra, nếu không vướng mắc, ràng buộc vào nó thì chúng ta vẫn có thể thoát khỏi hậu quả của nó. Dù nghiệp xấu hay tốt chúng ta vẫn phải trở lại. Tốt nhất là đừng có nghiệp xấu hay nghiệp tốt gì cả, như vậy mới có thể trở về Thiên Quốc.

Đạt Được Quả Vị Mà Không Phải Là Quả Vị

Quý vị ngồi ở đây lâu rồi mà không cảm thấy cựa quậy, sốt ruột gì cả. Có thể quý vị đã thể nghiệm được lực lượng tĩnh lặng. Dĩ nhiên, lực lượng của Phật hay của Thượng Đế sẽ không giáng xuống như điện giựt. "Chà, nó sắp sửa tới! Lực gia trì sắp tới!" (Sư Phụ làm giống như điện giựt) [Mọi người cười] Nó rất êm đềm. Vì nó là lực lượng của chính chúng ta, nên không có gì lạ cả. Nó dễ chịu và tự nhiên đến nỗi chúng ta không cảm nhận là nó có đó. Chúng ta có cảm nhận sự hiện hữu của mình không? Dĩ nhiên là không! Chúng ta đã quá quen thuộc với chính mình! Chỉ khi nào có người lạ hiện diện, chúng ta mới thấy sự khác biệt trong bầu không khí.

Cho nên, thường thường quý vị không biết sự lợi ích đạt được qua việc tọa thiền. Cảm thấy như là không có. Nó rất thiên nhiên, nhẹ nhàng tới nỗi quý vị phải để ý, chăm chú thật nhiều mới có thể biết được là mình đã đạt được cái gì. Như Tâm Kinh nói rằng không có quả vị nào phải đạt. Tuy nhiên, sách Khổng Tử nói rằng chúng ta sẽ "đạt được quả vị". Thật ra, họ muốn nói cùng một thứ; không có gì trái nghịch giữa cả hai! Giữa Tâm Kinh và Giáo Huấn Phi Phàm kia không có sự xung khắc, ngoại trừ cách diễn đạt là khác nhau. Hai bên đều đúng khi nói rằng "đạt quả vị" hoặc "không có gì để đạt". "Vật để đạt được" này không phải là một cái gì mà chúng ta có thể tính toán hoặc cho người khác thấy, cho nên không thể nói là "đạt được quả vị".

Đó không phải là một cảm giác về thể xác như một luồng điện va chạm hay một sự sợ hãi khủng khiếp nào đó; nhưng đôi khi cũng đúng. Nếu có nghiệp chướng nặng nề hay từ trường không tốt, chúng ta sẽ bị rúng động khi lực gia trì Thượng Đế tới để đánh phá lực âm. Lúc đó chúng ta sẽ cảm thấy một sự va chạm, bởi vì đó là một hiện tượng mới lạ. Lực lượng của Thượng Đế và của Ma Vương là hai lực hoàn toàn khác hẳn, vì lực Ma Vương là lực hoặc thực thể từ bên ngoài. Lực lượng của mình sẽ cảm thấy khác lạ đối với nó. Chúng ta sẽ cảm thấy rúng động như vừa mới trải qua một cuộc đánh nhau. Bằng không, nếu không nặng nghiệp hoặc không bị những thực thể hay những năng lực bên ngoài nhập vô, chúng ta sẽ cảm thấy rất là dễ chịu, như không có gì thay đổi. Nó tuyệt đối bình lặng, khó mà nhận ra được. Nhưng chúng ta sẽ cảm nhận được nó khi thấy ánh sáng và nghe âm thanh.

Thỉnh thoảng, những lúc nghe âm thanh, chúng ta kỳ vọng một cái gì đó cảm động sẽ xảy ra. Thí dụ, khi họ cho biết trong buổi truyền Tấm Ấn rằng quý vị có thể sẽ nghe tiếng sấm, thế là quý vị cứ đợi tiếng sấm tới. "Sao tôi vẫn không nghe thấy tiếng sấm?". Nghe những âm thanh khác cũng rất là tốt! Thậm chí tiếng sấm bên trong cũng không giựt mình như tiếng sấm bên ngoài. Nó ầm ầm, to rất giống tiếng sấm, nhưng không phải là tiếng sấm. Không thể so sánh với âm thanh bên ngoài được. Nếu không, quý vị sẽ thắc mắc: "Ông nói tới tiếng sấm. Có phải tiếng này không?" Những nghi vấn của quý vị sẽ làm phân tán sự tập trung, tiếng sấm cũng sẽ mất luôn! (Sư Phụ và mọi người cười.)

Hồi nãy có một đồng tu nói rằng ông không nghe thấy gì cả ngoại trừ tiếng "Ôm..." Đây không phải là một trong những âm thanh sao? Nó là âm thanh. Đôi khi quý vị đòi hỏi nhiều quá! Cứ từ từ hả? Hôm nay mới là ngày đầu. Còn nhiều cái hay hơn sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới. Nếu quý vị tu hành chăm chỉ và để dành năng lực của mình, thì nhiều chuyện bất khả tư nghì sẽ xảy đến. Quý vị sẽ thể nghiệm hiện tượng "lửa đốt không cháy, gươm đâm không chết" như đã nói trong chương Vũ Môn. Quý vị sẽ hiểu nghĩa của câu này là gì. Có thể quý vị niệm câu này mỗi ngày, nhưng vẫn bị lửa đốt dễ dàng và vẫn bị chết vì gươm ngay lập tức. Quý Vị chưa bao giờ thể nghiệm được điều này. Thật ra đây chỉ là một hiện tượng tiêu biểu, không thể diễn đạt được bằng ngôn ngữ. Người xưa chép lại vì chính họ thể nghiệm chuyện đó.

Bây giờ chúng ta cứ niệm tới niệm lui đoạn này trong chương Vũ Môn: "Lửa đốt không cháy, gươm đâm không chết", nhưng nó không thật sự xảy ra. Đó không phải là thể nghiệm của mình mà sao cứ niệm? Vô ích mà thôi. Đó chỉ là thể nghiệm của người khác. Thí dụ, có người đang ăn bánh nói rằng: "Bánh này rất ngọt và dòn. Thật là ngon!" Nếu chúng ta lập lại câu nói đó thì có phải là tức cười không? Người kia ăn, nên họ biết, rồi họ viết xuống bày tỏ cảm tưởng của họ. Vì chúng ta không ăn, không biết gì về cái bánh đó thì diễn tả nỗi gì? Đọc lên thể nghiệm của người khác có lợi gì không? Thành ra, niệm vô ích!

Bây giờ thì niệm chương Vũ Môn có lợi cho quý vị, vì quý vị đã hiểu ý nghĩa bên trong. Trước nhất, nó tả trông thấy Phật Bà Quán Âm và những thể nghiệm đẹp khác, nói đến phước báu của Phật Quán Âm. Rồi tiếp đến tả thể nghiệm những âm thanh của Phạm Âm, hải triều âm và những âm thanh siêu thế giới và những âm thanh rất hay khác. Phần đầu tả thiền quán quang, còn phần hai tả thiền quán âm; nó là một bài tường thuật rõ ràng chi tiết về những thể nghiệm bên trong. Nhưng về sau người ta chỉ có niệm mấy câu này mà không biết ý nghĩa của nó.

Thí dụ, vị đồng tu này lúc nãy nói bà trông thấy hóa thân của tôi. Bà thấy tôi trong giấc mơ suốt đêm hôm qua, sáng nay bà muốn đến thật sớm. Mới vừa rồi ngồi thiền trong buổi truyền Tâm Ấn, bà lại thấy hóa thân của tôi chói sáng, rất giống Sư Phụ bên ngoài, ngoại trừ xinh đẹp hơn, và mặc quần áo đẹp hơn. (Vỗ tay). Trước khi tôi đến đây, bà nhìn hình của tôi nghĩ rằng bà đã thấy tôi trước kia rồi, nhưng mặc y phục khác. Bà đã thấy tôi mặc y phục đỏ, nhưng trong khi thuyết pháp tôi lại mặc y phục vàng, nên bà cảm thấy cái gì đó không đúng. Bây giờ, hôm nay tôi mặc y phục này, và bà nhớ lại! Đây là bộ y phục bà đã thấy! Tôi có nhiều quần áo khác nhau, màu sắc khác nhau, có những bộ rất khích động, để làm vừa lòng những người khác nhau. Nhiều khi họ thấy tôi bên trong với những hình dáng khác nhau. Quần áo không quan trọng, nhưng tôi mặc là để người ta nhận ra tôi. Rất nhiều lần họ thấy tôi bên trong, ngay cả trước khi gặp mặt. Nếu tôi không mặc những bộ đồ nào đó thì họ sẽ không nhận ra tôi hay là không câu thông được với tôi, rồi họ quên đi nhân duyên của họ với tôi từ tiền kiếp. Khi gặp tôi trong những bộ quần áo này, họ sẽ nhớ lại trong tiềm thức và sẽ tu hành nhanh hơn, vững vàng hơn. Có rất nhiều chuyện như vậy, nhưng một chuyện cũng đủ rồi; ở đây chúng ta không có thời giờ để nghe nhiều.

Giả sử chúng ta không thấy ánh sáng, nhưng có thể ngồi đây và cảm thấy rất dễ chịu, thanh thản như đang nhập định, thì đó cũng là một thể nghiệm rất tốt. Càng ngày, chúng ta sẽ phát triển tình thương, trí thông minh và trí huệ. Đời sống chúng ta trở nên ổn định hơn, khi chúng ta cảm thấy được nâng đỡ, tự tin và an toàn; đây cũng là một thể nghiệm và lợi ích từ sự tu hành mà ra. Không phải chúng ta theo đuổi tu hành chỉ để nhìn ánh sáng. ánh sáng có đó là để đảm bảo rằng chúng ta đang trên con đường tâm linh, đang được câu thông đúng, để chúng ta cảm thấy yên tâm. Nếu không thấy ánh sáng mà chúng ta vẫn cảm thấy yên tâm, biết mình an toàn và có một chỗ để đến, thì đó là một thể nghiệm rất tốt. Không cần phải so sánh mình với người khác. Thành ra, tôi khuyên quý vị đừng tiết lộ thể nghiệm bên trong với người khác, ngay cả đồng tu, trừ khi tôi nói được.