Lão Trang và Âm Nhạc Thiên Đường

Do Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại viện Quốc Phụ Đài Bắc ngày 28/2/1993



Thanh Hải Vô Thượng Sư đang chuẩn bị chuyến đi hoằng pháp toàn cầu, lẽ ra cần phải nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe cho những chuyến bay liên tục đầy mệt mỏi, nhưng lòng từ bi của Sư Phụ và sự thành tâm khát khao cầu phước cầu pháp âm của mọi người, Sư Phụ đã đặc biệt dành một buổi chiều trước ngày xuất ngoại, để giảng pháp trước công chúng tại viện Quốc Phụ; trong đêm hôm ấy còn có buổi truyền Tâm Ấn. Sự ưu ái của Sư Phụ đối với người Đài Loan thật vô hạn.

Người Xưa Cũng Tu Pháp Môn Quán Âm

Mỗi người đều có vô lượng vô biên phước báu, nếu quý vị nói rằng Sư Phụ có phước báu thì quý vị cũng có giống y như vậy. Chẳng qua quý vị không dùng phước báu này cho nên mới có sự phân biệt giữa Sư Phụ và đệ tử, nếu không chúng ta vốn bình đẳng, không có gì khác biệt.Vì nguyên do này, chúng ta mới cần phải tọa thiền, tu hành. Có rất nhiều phương pháp tọa thiền, nhưng tại sao chúng tôi đề cao pháp môn Quán Âm? Vì từ xưa đến nay chỉ có pháp môn này mới đưa chúng ta đến cảnh giới cao nhất, để chúng ta hiểu rõ lực lượng vĩ đại nhất của chúng ta. Phật Thích Ca Mâu Ni cũng nó những phương pháp khác đều hữu dụng, nhưng chỉ là phương tiện mà thôi. Ý nói rằng có thể tạm dùng, nhưng không có cứu cánh. Mấy ngày hôm nay Sư Phụ có đọc sách của Đạo gia, Trang Tử và Khổng Tử. Hồi còn nhỏ Sư Phụ đã đọc qua những sách này, nhưng bây giờ đọc với sự hiểu biết khác. Trong sách có đề cập đến ánh sáng và âm thanh bên trong. Đêm hôm qua vì sợ quên nên Sư Phụ đã đọc sách suốt đêm, bây giờ Sư Phụ trích ra một vài đoạn để quý vị nghe,có muốn nghe không? (mọi người vỗ tay) Pháp môn Quán Âm không phải làmột điều gì mới mẻ, từ xưa đến nay quốc gia nào cũng đều có Minh Sư, có người tu pháp môn Quán Âm. Vì bây giờ chúng ta đang ở Trung Quốc, cho nên Sư Phụ đưa ra những chứng minh của những người Trung Quốc tu hành thuở xưa.

Ví dụ có một đoạn trong sách Trang Tử viết rằng, có một người tên là A Khuyết hỏi một người tên là Bị Y:"Đạo" là gì? Bị Y trả lời rằng:"Nếu anh ngồi với tư thế chính xác, ý nói là ngồi rất đúng cách, rồi anh đem sức chú ý đặt ở chỗ "nhất", ý muốn nói là "Thiên" hoặc là "Đạo", thì tiếp theo đó sự hòa bình của trên Trời sẽ giáng xuống. Lúc đó anh cần phải bảo vệ định lực bên trong của anh, sau đó mới cùng đạo đồng một thể. Lúc đó Thượng Đế sẽ ngự bên trong anh, anh biết được điều này; rồi anh sẽ ngự bên trong đạo, ý nói rằng đồng một thể với đạo. Khi anh đạt được cảnh giới này, bên trong anh sẽ thấy pháp hỷ tràn đầy, vô cùng sung sướng, anh sẽ giống như một con bò vừa mới sinh, ngây thơ đưa mắt nhìn khắp nơi nhưng không cầu khẩn một điều gì cả. Đây là lời dạy chúng ta nên ngồi thiền như thế nào. Lúc chúng ta thọ Tâm Ấn cũng sẽ được dạy tọa thiền như thế.

Nhưng chúng ta không thể nhờ đọc sách mà khai ngộ, vì trong sách không có lực lượng của pháp mạch, điều này mọi người đã biết. Cũng giống như một cuốn sách nói về tình mẫu tử sẽ không sao thỏa mãn được các em bé, bởi vì tình cảm này không phải từ cuốn sách mà có. Vì vậy mới cần có một người mẹ thực sự, hoặc một người thay mặt mẹ để yêu thương chúng ta, chúng ta mới có thể cảm nhận được thứ tình cảm viết không ra, nắm không được ấy. Mọi ngưòi có hiểu không? (mọi người vỗ tay) Tiếp theo, cũng trong sách Trang Tử có viết rằng khi có một người tu hành rất tinh tiến thì Thượng Đế hoặc ánh sáng của Trời sẽ xuất hiện. Khi người nào có được ánh sáng này, nhìn thấy được ánh sáng này thì có nghĩa là đã thấy được con người thật, nhìn thấy chính mình. Bất cứ người nào vọng nội tu hành, tu bổn tâm, sẽ đạt được lực lượng cao nhất. Lúc họ đạt được lực lượng cao nhất thì phẩm chất người của họ sẽ ra đi; sau đó phẩm chất trời sẽ đến giúp đỡ họ để thay thế phẩm chất của con người.

Chúng ta còn nhớ đọc sách Trang Tử thấy ông miêu tả Lão Tử như một con rồng vậy, có không? Trang Tử nói: "Lão Tử ngồi đó bất động như một xác chết, nhưng chúng ta sẽ cảm thấy ông giống như một con rồng. Trong giây phút tĩnh lặng thần thánh ấy sẽ vọng lên một âm thanh rất lớn giống như tiếng sấm vậy. Âm thanh này dường như là từ trên trời dội xuống hoặc từ một nơi đất sâu trổi lên, hoặc do Trời đất hợp lại tạo nên âm thanh này. Chúng ta, những người tu pháp môn Quán Âm đọc hai đoạn sách này của Trang Tử, có hiểu ông nói gì không? (Đáp: Hiểu) Sách nói đến ánh sáng bên trong, nói đến âm thanh trên trời. Bình thường Trang Tử hay nói đến âm nhạc trên trời, nếu chúng ta không tu pháp môn Quán Âm, chúng ta sẽ cảm thấy khó hiểu bởi vì chúng ta không đích thân thể nghiệm.

Âm nhạc thiên đường là gì? Khi nói đến âm nhạc trên thiên đường là ám chỉ điều gì? Chúng ta, những người tu pháp môn Quán Âm, không cần phải đọc sách gì mà tự mình có thể đích thân thể nghiệm. Chúng ta biết quả thật chúng ta có những âm nhạc thiên đường, ánh sáng thiên đường này. Không cần phải lên trời để xem, chúng ta ngồi ở đâu cũng đều nhận được bởi chúng ta vốn đã cùng với vạn vật cùng với đạo đồng một thể. Nếu chúng ta không đích thân thấy được ánh sáng bên trong hoặc nghe được âm thanh bên trong, chúng ta sẽ không biết được quả thật chúng ta đã cùng với đạo đồng một thể. Còn có rất nhiều nơi đề cập đến điều này. Trong một chương khác, có một người hỏi Ly Thất:"Âm nhạc trên thiên đường là gì vậy?" Ông trả lời: "Âm nhạc trên thiên đường à! Giống như có một vạn nhạc cụ từ một vạn nơi đổ đến, nhưng lại không cần bất kỳ một nhạc cụ nào, ý nói không cần bất kỳ một loại nhạc khí nào. Nếu chúng ta nghe lời nói này sẽ lấy làm lạ. Tại sao âm nhạc lại không cần nhạc khí? Nếu tu pháp môn Quán Âm thì sẽ không cảm thấy lạ nữa. Lúc nào chúng ta cũng nghe thấy âm nhạc của thiên đường mà không có ai ở bên cạnh đánh lên một nhạc khí nào. Còn rất nhiều nơi trong sách, ông chỉ nói đến âm nhạc thiên đường, quý vị về nhà từ từ đọc, lúc này chỉ nói với mọi người những điều ghi lại từ những người tu hành thời cổ xưa.

Còn có một số nhà tu hành như Liệt Tử, cùng thời với Trang Tử, trình độ tu đạo đại khái cũng như một vị Minh Sư, ông nói rằng:"Sau chín năm tu hành, thân tâm của tôi mới hoàn toàn được tự tại. Tôi muốn nói điều gì đều có thể diễn đạt ra một cách tự do, không gặp một chướng ngại gì. Tôi không biết thế nào nào tốt, là xấu; thế nào là thành công hay thất bại; vật nào là của tôi, vật nào là của họ. Ý nói rằng ông không có lòng phân biệt. Ông đã đạt được một thứ cảnh giới rất tự tại. Ông còn nói rằng:"Ông hoàn toàn thay đổi từ trong lẫn ngoài, khác hẳn với ngày trước." Ông còn nói thật kỳ lạ, mắt của ông trở thành tai của ông, giống như tai của ông là có thể nghe được âm thanh. Rồi tai của ông thành như mũi của ông, có thể ngửi được mùi vị; rồi mũi của ông lại giống như miệng của ông, không có sự phân biệt giữa các giác quan. Ông còn nói ông không biết thân thể của ông đi đứng như thế nào, không biết ở bên trên ông đi như thế nào, có phải là do gió thổi ông lên hay là chính ông ở trên gió. Cảnh giới này là gì vậy? Chúng ta, những người tu pháp môn Quán Âm thường thường sẽ được cảnh giới này, ý nói rằng không còn có cảm giác sự hiện hữu của thân thể. Tu một thời gian thì sẽ có được những cảnh giới này. Dù chúng ta chưa tu hành giỏi, nhưng lúc Tâm Ấn cũng có thể có cảnh giới này. Không phải người nào cũng được. đương nhiên là mỗi người đạt được cảnh giới khác nhau, nhưng sẽ có một số người đạt được những cảnh giới mà Liệt Tử đề cập đến.

Nếu chúng ta không tu hành, không tọa thiền, không tự mình đích thân thể nghiệm, chúng ta sẽ cảm thấy rất xa lạ với những loại sách này phải không? Tuy là viết chữ Trung Hoa và chúng ta cũng là người Trung Hoa, lúc nhỏ có đọc qua, lên đại học cũng học đến, nhưng chúng ta sẽ không hiểu rõ những ý nghĩa bên trong mà ông muốn nói đến. Rất nhiều người sẽ hiểu lầm, cho rằng bên trong làm gì có âm thanh, ánh sáng, âm nhạc thiên đường..v..v..Sau đó rất có thể họ sẽ cho rằng đó là những âm nhạc bên ngoài, để rồi chúng ta sẽ đi nghe Karaoke. Nhưng âm nhạc bên ngoài cũng hữu ích. Có những lúc Sư Phụ thích đánh đàn dương cầm hoặc là đàn tranh và cảm thấy rất thoải mái. Lúc làm việc mệt mỏi hoặc cảm thấy bị áp lực, thì dạo lên một bản nhạc, cũng cảm thấy thoải mái, tuy nhiên không sao bằng được âm nhạc bên trong. Nhưng không nhất thiết vì có âm nhạc bên trong mà bỏ âm nhạc bên ngoài. Chúng ta vẫn cứ sống một cuộc sống bình thường. Quý vị có tin rằng trước đây có người tu pháp môn Quán Âm không? Nếu vẫn chưa tin thì Sư Phụ sẽ đọc thêm một câu chuyện nữa. Sư Phụ không ép buộc quý vị phải tin tưởng đâu! Thử đọc thêm một câu chuyện nữa xem sao.

Có một người tên là Tử Tư hỏi một người tên là Nữ Ngẫu: "Cô lớn tuổi rồi, tại sao da dẻ lại giống như một đứa bé vậy, vì sao đẹp như thế?" Nữ Ngẫu mới trả lời rằng: "Bởi vì tôi đã đắc đạo." Bà quả thật kiêu ngạo (Sư Phụ cười) Chúng ta, những người đắc đạo, có trả lời như vậy không? (Đáp: Không) Không à? Người ta hỏi quý vị có đắc đạo không, quý vị sẽ trả lời như thế nào? Đã hỏi thì phải nói chứ! Nếu không hỏi đương nhiên là không nói, người ta đã hỏi rồi, nếu không trả lời tức là thiếu lễ phép, phải không? Nếu người ta hỏi quý vị đắc đạo chưa, quý vị nói chưa, thế là thế nào? Đó là nói dối (Sư Phụ cười) vẫn trả lời một cách bình thường. Chúng ta không kiêu ngạo nhưng có gì thì nói nấy, cho nên mới nói là bà đã đắc đạo. Chỉ một lời nói ngắn ngủi như vậy thôi, sau đó bà mới tiếp tục giải thích cho Tử Tư nghe:"Có một người tên là A Lư Kỳ, là một thiên tài, nhưng vì ông chưa đắc đạo nên không đạt được sự hoàn mỹ, ông vẫn chưa thành một người hoàn mỹ nhưng tôi đã dạy ông một phương pháp có thể trở thành một người hoàn mỹ. Dạy ông được ba ngày, ông có thể buông bỏ thế giới, sau bảy ngày thì không một ngoại cảnh nào có thể quấy nhiễu ông, ông bỏ được những phiền não và quấy nhiễu của bên ngoài. Được mười ngày thì ngay cả sự tồn tại của ông cũng không có, lúc đó ông thấy được một cảnh giới: có một mặt trời."

Quý vị thấy không, nhìn thấy mặt trời. Chúng ta, những người tu pháp môn Quán Âm có biết cảnh giới của mặt trời không? (Đáp: Biết) Biết, ở đâu vậy? (Đáp: Thấy ở bên trong) Thấy ở bên trong,đúng! Đúng! Vậy không cần phải tham công án nữa. Nếu thấy được thì không cần phải tham công án. Sau khi nhìn thấy cảnh giới mặt trời, ông tiếp tục tu hành, ông đạt được cảnh giới vạn vật đồng một thể, không còn phân biệt quá khứ, hiện tại và vị lai nữa; về sau ông đạt một cảnh giới khác, cảnh giới này bất sanh bất tử, lúc đó ông biết được sinh ra không thật sự là sinh, ý nói rằng không sinh ra thật sự; tử cũng không thật sự là tử. Lúc đó ông lo liệu mọi việc rất bình thường và ông tiếp nhận mọi hoàn cảnh", ý nói rằng Thượng Đế tự nhiên an bày điều gì thì ông tự nhiên tiếp nhận, bất kỳ vạn vật sinh ra điều gì đều có hủy diệt. Sau khi hủy diệt, mới sinh ra những điều mới. Cho nên chúng ta ở trong một thế giới rất loạn mà vẫn cảm thấy rất hòa bình, lúc đó chúng ta đã đắc đạo rồi, ý nói rằng chúng ta thấy sự hỗn loạn của thế giới này không hỗn loạn, chúng ta nhìn thấy thế giới này có rất nhiều cảnh giới đau khổ và hủy diệt, sự thật đó không phải là sự hủy diệt thật sự.

Nắm Được Mấu Chốt Của Trí Huệ

Bình thường Sư Phụ đi giảng kinh đều không viết bài trước. Nhưng đêm hôm qua không ngủ được nên có đọc một vài quyển sách, e rằng quý vị là những người Trung Quốc thích đọc sách, lại không tin tưởng Sư Phụ là người ngoại quốc nói chuyện, nên Sư Phụ tạm mượn người Trung Quốc của quý vị. Bây giờ quý vị đã tin rằng có người Trung Quốc tu pháp môn Quán Âm chưa? ít nhất cũng tin rằng sự tu hành và tọa thiền là hữu ích. Trang Tử và Lão Tử của quý vị đều là những bậc tu hành, chưa nói đến những vị tổ sư thiền tông xưa nay đều có tọa thiền. Tọa thiền là gì? Hôm qua dường như Sư Phụ có nhận được những luồng sóng của quý vị gởi đến - những câu hỏi đó mà - cho nên hôm qua Sư Phụ có viết ra một vài điều để trả lời những câu hỏi bên trong của quý vị. Ý nghĩa của sự tọa thiền là gì? Không phải chúng ta ngồi một chỗ là đủ mà cần phải biết một phương pháp để bắt lấy trí huệ bên trong của chúng ta. Thường thường mỗi người chúng ta đều biết tọa thiền, quý vị không có cảm giác quý vị có tọa thiền sao? (Đáp: Có) Mỗi ngày đều có tọa thiền. Ý nghĩa của sự tọa thiền không phải là chúng ta ngồi một chỗ mà là sức chú ý của chúng tập tại một chỗ hoặc là một vấn đề gì.

Cho nên có người mới tham công án là để toàn bộ lực lượng đã phân tán của họ được tập trung vào một chỗ, sau đó mới đem ra dùng. Bình thường khi quý vị tọa thiền, thật ra Sư Phụ không muốn dùng chữ tọa thiền, có thể gọi là nghiên cứu hoặc tham khảo một vấn đề gì. Lúc chúng ta nghiên cứu, chúng ta tập trung sức chú ý ở một điểm nào. Cũng như trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều khó khăn, xẩy ra một số vấn đề, lúc đó chúng ta tập trung tất cả tinh thần vào vấn đề đó để tìm cách giải quyết, lúc đó cũng được kể là tọa thiền, nghe hiểu không? Khi chúng ta tham khảo một điều gì, chúng ta tham khảo hết sức sâu sắc, đột nhiên chúng ta tìm được câu giải đáp. Cứ như vậy, chúng ta tham khảo từng vấn đề một, dùng rất nhiều phương pháp để tham khảo, đó cũng được gọi là tọa thiền. Nhưng làm vậy chúng ta chỉ đạt được một góc cạnh nào thôi mà không đến trọng điểm. Nếu chúng ta ngồi ngay tại trung tâm điểm thì chúng ta sẽ quản trị được rất nhiều góc cạnh, không cần phải giải quyết từng vấn đề một.

Phần đông những người trên thế giới chỉ tọa thiền hoặc nghiên cứu một vấn đề nào mà thôi. Cho nên dù họ có thành công cũng chỉ được điều đó. Nếu chúng ta đem hết tinh thần tập trung vào trung tâm trí huệ của chúng ta, thì bất kỳ lời giải đáp nào cũng đều đạt được một cách dễ dàng, lúc đó rất nhiều vấn đề tự nhiên được giải quyết. Trước đây chúng ta chỉ tập trung sức chú ý vào một vấn đề, sau đó chúng ta chỉ nhận được câu giải đáp cho vấn đề đó mà thôi. Nhưng có những lúc chưa chắc chúng ta nhận được lời giải đáp bởi vì chúng ta sửa lầm chỗ. Cũng giống như chúng ta tưới hoa vậy, chúng ta cần phải tưới dưới gốc thì hoa mới nhận được nước, cây mới trưởng thành, rễ tự nhiên hút nước lên rồi sau đó dẫn nước đến từng chiến lá, từng cành cây bên trên. Còn nếu chúng ta tưới từng lá một có được không? (Đáp: Không được) Tốt, tốt, tốt, đã hiểu rồi.

Cũng vậy, tại sao chúng ta phải tu hành tọa thiền? Bởi vì chúng ta cần phải giải quyết vấn đề từ cội rễ của thế giới chúng ta. Thân thể hoặc đời sống của chúng ta cũng giống như một thân cây vậy, nếu chúng ta tưới nước vào gốc, thì toàn thân cây sẽ khỏe mạnh, không cần hải tưới từng chiếc lá từng cành cây, vừa phí thời giờ vừa không được kết quả tốt. Cho nên từ xưa đến nay người của thế giới chúng ta rất bận rộn. Quý vị đều biết, làm việc từ mười mấy đến hai mươi mấy tiếng; có những lúc quên ăn quên ngủ, nhưng thế giới của chúng ta vẫn chỉ như thế này mà thôi. Khoa học khá hơn trước đây rất nhiều, nhưng những phương diện khác không có gì tốt hơn. Dù chúng ta tốt ở điểm này, xấu ở điểm khác, khoa học tiến bộ thì đạo đức suy đồi, về phương diện đạo đức tốt thì xã hội lại lạc hậu, quốc gia này tốt thì quốc gia khác không tốt; quốc gia này hòa bình thì một nơi nào đó lại có chiến tranh. Thế giới của chúng ta chưa đạt đến tiêu chuẩn mà chúng ta ưa thích, không được hoàn toàn hòa bình. Thế giới vẫn còn đầy dẫy những người không yên vui, vẫn còn trộm cướp và bạo lực, còn rất nhiều điều đau khổ, không vui chút nào. Sở dĩ như vậy là vì phần đông chúng ta tưới lá mà không tưới gốc, cho nên chúng ta mới cần phải tu hành.

Trong mỗi chúng ta đều có một trung tâm trí huệ, từ đó tất cả các mệnh lệnh được phát ra, điều khiển thế giới, điều khiển đời sống của chính mình và chăm lo các vấn đề khác xung quanh chúng ta. Nếu chúng ta biết được vị trí trung tâm trí huệ ở đâu thì hãy chú ý ở nơi ấy, chúng ta có thể nhìn thấu suốt mọi nơi. Cũng giống như trong nhà chúng ta có một bộ phận tổng quát kiểm soát điện, nếu chúng ta bật mở nút này thì cả nhà đều có điện. Nếu bộ phận kiểm soát tổng quát này không mở, chúng ta lại đi mở từng chỗ một, đương nhiên cũng có ích lợi. Ích lợi ở chỗ có một ngày bộ phận tắt mở ấy bị hư đi, chúng ta sẽ ra ngoài mua cái khác, khiến cho những hãng chế tạo bộ phận này kiếm thêm một chút tiền. ích lợi là ở điểm này, nếu không thì cũng vô ích. Cũng vậy, bên trong chúng ta cũng có một bộ phận kiểm soát tổng quát, nếu chúng ta bật mở bộ phận này thì những bộ phận khác dễ được kiểm soát hơn.

Có một số người hỏi Sư Phụ, nếu chúng ta tọa thiền cả ngày, bỏ mặc thế giới có được không? (Đáp: Không được) Được chứ! Tại sao lại không. Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ ngồi mà thôi, ông có làm điều gì không? Lẽ ra ông phải làm vua nhưng ông buông bỏ tất cả đất nước, để ngồi dưới gốc cây Bồ Đề một thời gian lâu, không màng đến bất cứ một chuyện gì. Quý vị cho là không được sao? Quý vị phỉ báng Phật rồi! Ha, ha, thật là to gan! Được không? (Đáp: Được) Không được! (Sư Phụ và mọi người cùng cười) Không được, vì lúc đó ông chưa khai ngộ nên mới hành động như vậy. Chúng ta không nên ngồi cả ngày như thế, tu trung đạo là hay hơn cả. Hiểu không? Nếu không mọi người ai cũng buông bỏ thế giới, công việc để qua một bên, ngồi dưới gốc cây Bồ Đề thì toàn thế giới cũng được hòa bình. Ý nói là sớm muộn gì mọi người cũng đều chết cả, chết vì đói. Rồi các em bé không được sinh ra, chúng ta tự diệt vong. Rồi sẽ có hòa bình, không còn có ai để đánh nhau, cũng tốt! Nhưng Sư Phụ nghĩ rằng làm như vậy không lý tưởng lắm.

Những Người Tu Hành Có Tiềm Lực Vô Hạn

Thế giới đã hiện hữu rồi, quả địa cầu này thật đẹp, thật bất khả tư nghị. Trăm ngàn vạn kiếp mới tạo được một tinh cầu, lại rất là trù phú có thể trồng cây, và con người có thể ở được. Đây là một thành quả lâu dài mới có thể tạo dựng được một tinh cầu đẹp đẽ như vầy. Chúng ta đã sống ở nơi đây, cũng không nên tự sát như thế. Chúng ta có thể làm đẹp thế giới của chúng ta, có thể làm việc, nhưng cũng có thể tu hành. Tại sao phải tu? Bởi nếu không tu hành, chúng ta sẽ không tìm thấy bộ phận kiểm soát tổng quát do đó sẽ có nhiều vấn đề mà chúng ta không biết cách giải quyết hoặc giải quyết không hoàn mỹ. Thế giới của chúng ta hiện nay khá hơn trước rất nhiều vì có rất nhiều nhà tu hành ở nhiều thời đại. Nếu không có Minh Sư ở Trung Quốc thì cũng có ở Ấn Độ, hoặc ở Đức, ở Hy Lạp. Rồi không nhiều thì ít, mỗi góc cạnh của thế giới đều lóe lên những ánh sáng của thiên đường, cho nên thế giới của chúng ta mới không hoàn toàn đen tối. Nhưng thế giới của chúng ta cũng chưa hoàn mỹ bởi vì không phải ai cũng tu hành, chỉ có một số người tu hành, còn một số người vẫn chưa tu. Những người tu hành có thể giúp đỡ người khác rất nhiều. Những người không tu hành không thể giúp đỡ được ai mà còn quấy rầy đến người khác, làm phiền thế giới. Dù chúng ta biết rằng thế giới của chúng ta là ảo tưởng, nhưng trong lúc chúng ta chưa bừng tỉnh từ ảo giác này, Sư Phụ nghĩ rằng chúng ta cần phải tu hành, nếu không chúng ta sẽ rất đau khổ. Không phải người nào cưỡng ép chúng ta tu hành hoặc chúng ta tu hành có ích lợi gì cho ai.

Nhân tài trên thế giới của chúng ta không ít. Mọi người đều biết về phương diện nào cũng có rất nhiều chuyên viên; nhưng có lúc cũng gặp thất bại. Cho nên đôi khi chúng ta thấy có phi cơ bị nổ tung hoặc xe lửa bị hư hoại, hay xe hơi bị trục trặc..v..v.., bởi vì chúng ta dù có giỏi đến thế nào đi nữa, thông minh đến thế nào đi nữa, có thiên tài tới bậc nào thì chúng ta cũng chỉ mới dùng một phần của trí huệ mà thôi. Nếu chúng ta xử dụng tại cơ quan mấu chốt thì toàn bộ trí huệ đều là của chúng ta, sau đó chúng ta làm gì cũng tốt. Sư Phụ có đích thân thể nghiệm. Lúc Sư Phụ còn nhỏ nghe nói rất thông minh, thầy của Sư Phụ nói lại tháng nào cũng được lãnh bằng khen đứng thứ nhất hoặc thứ nhì. Nếu đứng thứ ba thì phụ thân của Sư Phụ đã nhíu mày rồi, ông nghĩ rằng Sư Phụ không nên đứng thứ ba. Nhưng không phải vì vậy mà Sư Phụ làm gì cũng tốt. Sư Phụ cảm thấy tuy lúc nhỏ khá thông minh, nhưng làm việc cũng không tốt như bây giờ. Tu pháp môn Quán Âm rồi làm việc mới tốt, tốt hơn, sắc bén, rõ ràng hơn, hiểu rõ ngọn nguồn nhanh chóng và biết phải làm gì. Đệ tử của Sư Phụ cũng vậy, người nào tu hành tốt, cảnh giới cao, họ làm việc gì cũng hợp ý Sư Phụ, tương đối hữu dụng cho nhiều người. Nếu họ tu hành không tốt, đẳng cấp thấp, chấn động lực chậm, họ làm việc thường hư hỏng, cho dù họ rất thành tâm giúp đỡ, nhưng lúc làm việc không sao tránh được sự phá hỏng đại sự của mọi người hoặc quấy nhiễu đến công việc của Sư Phụ.

Có lúc chúng ta thấy một số người làm việc có lúc tốt, lúc xấu. Bởi vì kiếp trước họ đã tu một thời gian, nhưng chưa tu đến chỗ hoàn mỹ. Do đó lúc họ có trí huệ thì làm việc rất tốt, khi họ rơi xuống đẳng cấp thấp hơn thì làm việc không ra gì, bởi vì trí huệ của họ vẫn chưa ổn định, họ vẫn chưa hoàn toàn nắm vững bộ phận kiểm soát tổng quát bên trong; hoặc có những lúc tình cờ chạm phải bộ phận này, sau đó lại không mở ra được, cho nên có lúc tốt lúc không tốt. Đệ tử của Sư Phụ cũng vậy, Sư Phụ kinh nghiệm rằng nếu họ tu hành một thời gian, đột nhiên có những việc họ làm rất sắc bén khiến quý vị tin tưởng họ, quý vị đưa họ làm những công việc khác thì tự nhiên họ không còn làm tốt nữa. Bởi họ vẫn chưa đủ trí huệ, chúng ta nói không đủ định lực nên có lúc tốt lúc không tốt. Cho nên chúng ta, những người tu hành, cần phải tiếp tục tu hành; sau này chúng ta nắm giữ được toàn bộ trí huệ của mình thì làm việc lúc nào cũng tốt, ngày nào cũng tốt, giờ nào cũng tốt, không xẩy ra vấn đề gì.

Những người tu hành hoàn toàn tốt có vấn đề gì xẩy ra không? Quý vị hãy nói đi! (Đáp:Có) Tại sao lại có? (Đáp:Bị người khác ảnh hưởng) Đúng! Cho nên Phật Thích Ca lúc còn tại thế, khi đi hoằng pháp vẫn bị người khác quấy rầy, vẫn bị người ta ám sát. Chúa Jésus Kitô cũng bị người ta đóng đinh mà chết. Còn có rất nhiều vị Minh Sư khác bị hãm hại, bởi vì họ bị thế giới gây phiền toái, vì người tu thì ít, người không tu thì nhiều. Không phải Sư Phụ nói những người không tu hành là không tốt, không phải vậy. Không phải Sư Phụ nói quý vị không tốt. Nhưng lúc chúng ta không tu, chúng ta dễ đau khổ, rồi chúng ta không biết tại sao chúng ta đau khổ cho nên muốn giải tỏa những sự đau khổ này. Vậy Sư Phụ đề nghị quý vị nên tu hành, chỉ như vậy mà thôi. Nếu nghĩ rằng có thể chịu đựng nổi những đau khổ này thì không cần phải tu. Sự khác biệt là ở điểm này, hiểu không? Không phải sau khi tu hành rồi chúng ta cảm thấy có điều gì, hoặc trước khi chúng ta chưa tu hành thường gặp nhiều vấn đề tranh chấp và đau khổ mà không tìm được lời giải đáp; cho nên chúng ta mới đi tìm một phương pháp. Để giải quyết những vấn đề này chúng ta mới đi tìm một phương pháp để tu hành, sau này chúng ta cảm thấy đời sống tốt đẹp hơn, càng ngày càng tốt, chúng ta mới nghĩ đến việc đem phương pháp này giới thiệu cho người khác, bởi vì chúng ta biết rằng trong thế giới này nhất định còn có nhiều người đau khổ tranh chấp như chúng ta trước kia, chỉ có vậy mà thôi.

Tài Sản Bên Trong Của Mỗi Người Đều Giống Nhau

Nhưng có một số người không muốn tu hành, họ cảm thấy đời sống của họ không đến nỗi tệ, tranh đua một chút có quan hệ gì, sống thêm vài ngàn năm ở thế giới này cũng chẳng sao. Sự thật chúng ta có tu hành hay không đều đã có đạo ở bên trong, có lực lượng vô thường ở bên trong chúng ta. Quý vị nói công đức của Sư Phụ vô lượng thì công đức của quý vị càng vô lượng hơn, bởi vì tài sản bên trong của chúng ta đều giống nhau. Sư Phụ không biết phải dùng cách nào để chứng minh, nhưng điều này Sư Phụ biết thật rõ ràng. Chỉ vì cách dùng của chúng ta khác nhau cho nên mỗi người đều khác nhau. Không phải Sư Phụ muốn quảng cáo pháp môn Quán Âm này, chỉ vì đồng tu sau khi tu tập cảm thấy sự lợi ích bất khả tư nghị của pháp môn, rồi nghĩ rằng có thể người khác cũng thích, cho nên mọi người mới đem cống hiến pháp môn này ra. Nếu không, thời xưa, nếu muốn đạt được pháp môn này là phải trăm vạn ngàn khổ, phải vượt núi qua sông, phải làm việc cực nhọc với vị Minh Sư suốt mấy năm, họmới chịu dạy cho quý vị. Thời đại của chúng ta khác hẳn, cho nên không cần thiết phải như thế. Vừa rồi Sư Phụ có nói Phật Thích Ca tu như vậy là không được, một mình ông thì không sao, nhưng chúng ta thì khác, chúng ta khác với ông; chúng ta không thể bỏ vợ con của chúng ta, còn ông có bỏ thì cũng có cả một quốc gia chăm nom, vì ông là hoàng tử mà. Còn chúng ta bỏ thì ai chăm nom họ? Cho nên, như vậy không được, không thể theo gương của ông mà làm.

Đời sống của chúng ta cũng giống như mọi người trên thế giới vậy, nhưng trí huệ của chúng ta thì khác hẳn, đó mới hay. Nếu chúng ta tu một cách lạ lùng khiến cho người khác cảm thấy là mình khác biệt, người ta sẽ sợ hãi. Thời đại này ai có thể buông bỏ tất cả để ngồi dưới gốc cây Bồ Đề? Vả lại cây Bồ Đề ở Đài Loan rất ít (mọi người cười) Nếu mỗi người đều đi tìm một gốc Bồ Đề thì sẽ ra sao? Thì lại xẩy ra chiến tranh rồi. Tốt, chúng ta không cần phải ngồi dưới gốc cây Bồ Đề, chúng ta có thể ngồi dưới mái nhà của mình mà vẫn có thể khai ngộ. Đệ tử của Sư Phụ có thể chứng minh điều này, họ đều là những người tại gia; có một số người xuất gia, nhưng Sư Phụ không chú trọng điều này. Xuất gia hay tại gia Sư Phụ đều coi như nhau, chủ yếu là cảnh giới bên trong của quý vị, tu hành đến mức độ nào, đó mới là điều quan trọng. Không phải quý vị mặc bộ áo bên ngoài khác với người là quan trọng. Tu hành là dựa vào công đức, vào sự cố gắng, vào trí huệ, không phải dựa vào bên ngoài. Từ xưa đến nay các vị Minh Sư đều đã giảng qua. Quý vị đọc kinh Pháp Hoa đều thấy có giảng về việc tu hành pháp môn Quán Âm, trong kinh có giới thiệu đến phạm âm, hải triều âm, thắng bì thế gian âm, có tiếng sấm, tiếng âm nhạc, và rất nhiều thứ tiếng. Ngoài ra còn có ánh sáng, kim sắc kim quang, hoàng sắc hoàng quang, bạch sắc bạch quang, đều có giới thiệu đến. Vừa rồi Trang tử cũng có giới thiệu qua trong sách. Ngoài ra trong Thánh Kinh còn giảng đến: tiếng nói của Thượng Đế giống như tiếng sấm, tiếng nước biển..., lúc Thượng Đế xuất hiện giống như một khối lửa lớn, rất chói sáng..v..v.. đều có nói đến.

Cho nên Sư Phụ nói với mọi người trọng điểm là chúng ta tu pháp môn Quán Âm thì thực sự sẽ đạt được lợi ích, không phải chỉ riêng cho mình mà còn cho quốc gia, sau đó còn tịnh hóa thế giới của chúng ta. Không có một thời đại nào giống như thời đại này, có nhiều người tu pháp môn Quán Âm như vậy. Cho nên quý vị thấy thế giới của chúng ta càng lúc càng tốt. Ngay cả những chủ nghĩa cứng rắn cuồng bạo cũng đã bị lật đổ, chúng ta không cần phải đánh nhau.Trước đây điều chúng ta sợ nhất là sự xung đột giữa các chủ nghĩa, sợ những quốc gia giàu mạnh khác chủ nghĩa cùng nhau phá hoại thế giới của chúng ta; họ chỉ cần nhấn mấy cái nút là cả thế giới không còn nữa. Thật sợ hãi phải không? Mấy năm trước đây, quả thật chúng ta lo sợ nhiều, nhưng bây giờ tương đối an tâm hơn. Dường như thế giới gần đi đến hòa bình rồi. Chúng ta không cần phải nhìn đâu xa (mọi người vỗ tay), chúng ta thấy cuộc sống ở Đài Loan ngày nay tương đối thoải mái hơn so với lúc đầu Sư Phụ mới tới. Sư Phụ có cảm giác như vậy, có phải không? (Đáp: Phải) Sư Phụ không đọc báo chí, không xem truyền hình, nhưng Sư Phụ có cảm giác như thế. Ngoài ra ở Đại Lục cũng mỗi lúc một khá hơn. Không phải khá như chúng ta mong muốn, như so với trước đây thì đã khá nhiều rồi, hãy từ từ mà!

Tốc độ của thế giới này rất chậm chạm, cho nên có nhiều lúc quý vị không có kiên nhẫn là như vậy. Không phải tính khí của quý vị không tốt, mà là thế giới này thật đáng chán; làm điều gì cũng nhiều khó khăn, rất nhiều chỗ không hợp ý, thành quả lại chậm chạp. Bây giờ tương đối nhanh hơn rồi, nhưng vẫn còn chậm chạp. Có những lúc chúng ta là những người chủ khá hoặc một vị giám đốc khá thông minh, nhưng lại có những người dưới quyền hoặc những nhân viên không đủ thông minh hoặc không hợp tác, khiến cho chúng ta nhức đầu mỗi ngày. Rồi người ta nói tính tình người ấy không tốt. Sự thật không phải vậy, rất có thể họ thông minh hơn, làm việc tận tâm, nhanh chóng hơn, nhưng những người xung quanh phối hợp không được, theo không kịp, nên họ cảm thấy buồn, uổng phí rất nhiều lực lượng và thời gian của họ. Thời gian lãng phí ấy lẽ ra có thể dùng vào việc khác, sức lực phí phạm ấy có thể dùng để giúp đỡ những người khác. Cho nên sống ở thế giới này phải có rất nhiều dũng cảm và lòng nhẫn nại. Sư Phụ hiểu rõ nỗi lòng của quý vị. Nếu đứng ở cương vị một người chủ hoặc đảm nhận một phần trách nhiệm hay giữ một địa vị nào đó trong xã hội thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây có một vị quan lớn ở Đài Loan, là phụ nữ, cô đến gặp Sư Phụ, ngồi đó rơi nước mắt. Chức vị của rất lớn, Sư Phụ không muốn nhắc đến tên của cô, cô rơi nước mắt và nói với Sư Phụ: "Sư Phụ ơi, không biết kiếp trước tôi làm điều gì không đúng mà kiếp này làm việc gì cũng gặp chướng ngại, bị quấy nhiễu, và rất khó khăn". Sư Phụ trả lời: "Vì khó khăn nên mới cần cô làm, nếu dễ dàng thì đã có người khác làm rồi". Đại khái cô hiểu được. Dù có cô có tài năng và đạo đức, được chính phủ tín nhiệm, được dân chúng tin tưởng, nhưng cô cũng có rất nhiều nỗi đau buồn. Làm việc không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi, không phải làm một vị quan lớn là huy hoàng, họ có những khổ ải mà chúng ta không hiểu rõ.

Nguy Cơ Của đời Sống Bình Thường

Nếu chúng ta là một người bình thường, tương đối không có nhiều áp lực. Chúng ta chỉ cần kiếm đủ tiền cho mình và cho gia đình dùng là đủ. Nhưng như vậy cũng nguy hiểm, bởi khi chúng ta không nhận áp lực, không thấy đau khổ thì không muốn tu hành, không muốn biết đến những cảnh giới đẹp hơn. Thế giới của chúng ta quá hòa bình, cuộc sống của chúng ta lại bình thường, chúng ta sẽ không muốn nâng cao mức sống tiêu chuẩn của chúng ta, cho nên rất nguy hiểm. Có những người quá giàu có, đời sống quá tốt đẹp thoải mái nên không còn muốn đến những cảnh giới tốt đẹp hơn; cho nên cả hai đều không tốt. Cho dù thoạt trông qua, cuộc sống rất có nhiều phước báu, nhưng đối với chúng ta chưa đủ tốt. Nếu chúng ta vừa có tiền vừa tu hành thì chứng tỏ rằng trước đây chúng ta có rất nhiều trí huệ. Nếu nghĩ xa một chút thì chúng ta sẽ hiểu cuộc đời và tiền bạc không phải vĩnh viễn tồn tại mãi. Dù chúng ta có thoải như thế nào, cuộc sống ra sao, cũng sẽ có một ngày chúng ta phải ra đi; hoặc những tài sản, cuộc sống thoải mái này sẽ rời chúng ta. Chúng ta lại không biết ngày đó bao giờ sẽ đến với chúng ta.

Pháp môn Quán Âm hay là pháp môn tọa thiền là để - hiểu rõ bên trong chúng ta có những lực lượng vĩ đại như thế nào, tài năng của chúng ta có chỗ nào chưa xử dụng tới, trong thế giới còn có những cảnh giới nào đẹp đẽ hơn, thoải mái hơn, vĩnh viễn hơn, vì thế chúng ta mới tu hành. Có một số người vẫn còn lưu luyến thế giới này, cho rằng nơi đây đủ tốt rồi, đương nhiên với họ, thiền không có gì hứng thú cả. Nhưng Sư Phụ cũng muốn nhắc nhở rằng thế giới này là không vĩnh viễn. Nếu không có chiến tranh, thiên tai, bệnh hoạn cùng những nỗi đau khổ khác, thì chính chúng ta cũng có một ngày sẽ chết. Vừa rồi chúng ta nói đến Liệt Tử, ông cho biết đã đạt đến cảnh giới bất sanh bất tử, như vậy tại sao chúng ta còn cần phải tu hành nữa? Bởi vì đó là cảnh giới của ông, kinh nghiệm của ông; chúng ta vẫn chưa đạt đến, chúng ta vẫn còn sanh, còn tử, còn đau khổ. Nếu tu pháp môn Quán Âm thì sẽ được tự giải thoát, vấn đề sanh tử sẽ do chúng ta thay đổi. Muốn sanh thì sanh, muốn tử thì tử, muốn ở một góc nào trong vũ trụ thì đến đó ở, không muốn ở đó thì chúng ta có thể đến một nơi khác tương đối tự do hơn. Chúng ta sống ở thế giới này vẫn chưa đủ tự do, chúng ta muốn đi nước Mỹ, muốn đến những nơi khác không phải là một chuyện dễ dàng; cũng như Sư Phụ muốn ở lại Đài Loan cũng không phải chuyện dễ, ngày mai Sư Phụ phải đi rồi. Nhân tiện Sư Phụ cảm ơn tất cả mọi người mấy năm nay đã đối với Sư Phụ rất tốt, Sư Phụ vô cùng cảm tạ. Còn những người có ngộ nhận về Sư Phụ, có những ấn tượng không tốt với Sư Phụ, Sư Phụ xin lỗi họ, thế giới của chúng ta rất khó cảm thông với nhau, chỉ như vậy mà thôi.

Mỗi lần Sư Phụ xuất ngoại thì không biết có trở về Đài Loan hay không; cũng không biết bao giờ mới có dịp công khai nói những chuyện tu hành này trước công chúng, nên nhân tiện cảm ơn tất cả mọi người. (mọi người vỗ tay) Không phải Sư Phụ muốn ở Đài Loan, nhưng dường như có duyên với Đài Loan, cho nên từ lúc đặt chân đến là ở luôn cho tới bây giờ. Nhưng Sư Phụ cũng rất thích người dân Đài Loan, thích vô cùng. (mọi người vỗ tay) Quý vị có những cảm tình rất đơn thuần và cố gắng làm việc. Nếu chúng ta chịu khó bổ xung thêm trí huệ bên trong của chúng ta một chút nữa thì chúng ta sẽ không thua bất cứ một ai, ý nói là không ai có thể qua mặt được người Đài Loan quý vị. Cho nên chúng ta tu pháp môn Quán Âm không phải để giải thoát cho riêng mình; lúc còn tại thế giới này có thể dùng trí huệ đó để giúp đỡ thế giới một chút, làm đẹp địa cầu của chúng ta. Người Đài Loan mà tu hành thì hay vô cùng, Sư Phụ còn thích hơn nữa! Nhưng như vậy sẽ thêm phiền phức vì Sư Phụ sẽ trở lại (mọi người vỗ tay)