Chương 10


Trở về căn phòng quen thuộc với những giấc mơ chập chờn đứt quản, tôi vẫn mơ trong khi ngủ và mơ cả trong khi thức. Tôi mơ thấy tôi và Chi, cả hai đứa bỗng trở thành những kẻ lạ hoắc đi vào một làng mạc quạnh hiu, chỉ có những đứa trẻ đứng hai bên đường, đầu kế đầy lá ngây ngô nhìn chúng tôi ngang qua. Tôi mơ thấy tôi và Chi là những kẻ bất hạnh bị xua đuổi ra khỏi thành phố, cả hai vừa dắt nhau chạy vừa khóc tức tưởi, không ai thương xót bênh vực. Tôi mơ một buổi sáng bỗng thấy Chi đội khăn xanh, mặc áo xanh mang tượng thánh giá trước ngực và quỳ nghiêm trang trong nhà nguyện. Và tôi, kẻ đánh rơi mất trí nhớ về một cõi nào, chẳng còn ý niệm được thời gian, ngày giờ và năm tháng. Chỉ còn lại một chu kỳ độc nhất là những buổi sáng chủ nhật tìm về lang thang tron sân nội trú trường Chi, ngơ ngẩn ngó từng khung cửa sổ màu nâu, lạ lẫm ngó từng người qua lại.

Những buổi sáng thức dậy với một chút mệt mỏi của giấc ngủ còn sót, hai cánh môi ngậm vào nhau đắng ngắt. Thường là như vậy, nếu không phải vội vàng tới trường để kịp giờ học đầu thì tôi vẫn thường kéo ghế ra ngồi ở gần cửa sổ. Bằng ba ngón tay, tôi miết trên mặt kính làm vỡ những hạt nước nhỏ còn bám trên cửa của một mùa sương đêm qua, làm thành một lối nhìn trong suốt. Qua đó tôi có thể thấy con dốc và đám cỏ ướt se mình bên đường, những gốc cây sần sùi và đám sương mù lãng đãng trên mặt hồ đặc sệt như một chén thạch, giờ này chắc lạnh buốt như nước đá tan. Tôi quấn người trong chiếc chăn dày, thường là như thế, cho đến lúc hơi thở làm mờ dần mất lối nhìn, tôi đứng dậy và tự pha lấy một phin cà phê sữa trước khi rửa mặt. Có khi cô Ngàn sắp sẵn mọu thứ, có khi cô quên hay còn nằm nán lại trên giường vì đêm qua ngủ muộn. Tôi có thể sửa soạn lấy được những bữa ăn sáng, hoặc không thì trên đường tới trường tôi vừa đi vừa gặp khúc bánh mì.

Cô Ngàn đến bên tôi, giọng nói đục của giấc ngủ còn thâm quầng mắt. Tôi vẫn thấy cô là cái bóng dĩ vãng, của mười năm về trước chẳng hạn, trôi lờ đờ trong sương mù hiện tại. Ðôi khi cô lại là hình ảnh đậm nét nhất của những đường hằn chịu đựng quất trên tuổi già một đời người, mát đang ngó xuống trên những ngón chân nhòa nhòa.

- Ðêm qua cháu ngủ được không?

- Chút chút cô ạ.

- Hèn chi nghe cháu trở mình vật vã hoài.

Hơi thở xoải dài ở cuối câu nói, cô Ngàn yên lặng thu vén những giấy má, sách báo bừa bộn trên bàn và ngay dưới chân. Tôi nói, cháu cảm thấy hơi mệt cô ạ. Dí mũi sát mặt kính trong trạng thái hững hờ, đầu tôi lênh đênh với những đoạn ngủ rời và giấc mơ vụn đêm qua. Là tôi, luôn luôn sống bỏ quên chung quanh mình. Là tôi, sống bới đời sống riêng không lúc nào vắng hơi thở, tiếng nói và hình bóng Chi. Chi đến thăm tôi trong cơn mưa mù mịt. Nước mưa ướt sũng đôi mắt em. Nước mưa ướt sũng linh hồn bệnh tôi. Chúng tôi ôm nhau khóc ròng.

- Sao tay chân em lạnh ngắt thế này?

- Tại vì em vắng anh. Còn anh, sao mắt anh buồn quá thế?

- Tại vì anh nhớ em.

Chi ngã đầu trên ngực tôi. Có lần tôi đã tưởng ra hình ảnh nồng nàn ấy. Tôi ôm em trong lòng và chúng tôi cùng đọc chung một cuốn sách lớn có đầy hình ảnh và màu sắc mà mỗi chữ là một viên kẹo nho ngọt ngào.

- Em là cọng cỏ non.

- Anh là con kiến vàng.

- Con kiến vàng có cắn ai bao giờ không anh?

- Không bao giờ. Con kiến vàng hiền lắm, nó chỉ thích quanh quẩn bên ngọn cỏ thôi.

- Anh là con kiến lười.

- Ừ, anh là con kiến lười. Kiến lười đau ốm quanh năm rồi một hôm nó nằm chết rũ dước chân cỏ.

Tiếng cô Ngàng ho khan sau lưng tôi, cô nói:

- Huy này, tự dưng đêm qua cô ngủ mơ kinh khủng quá. Sáng dậy cứ bị ám ảnh hoài…

Cô kể cho tôi nghe giấc mơ của cô. Giấc mơ có máu me và nước mắt đầm đìa cùng Hiện, đứa con độc nhất của cô đang ở một chiến trường nào. Giọng kể có lẫn những giọt nước mắt nghèn nghẹn. Thực sự tôi cũng chỉ biết nghe, câm lặng nhìn người đàn bà đang khóc mòn mỏi bên mình mà nhọc nhằn cả lời an ủi. Tôi nghĩ, điều mà tôi vẫn tin tưởng là, giấc mơ thường trái ngược với sự thật sắp xảy ra, thỉnh thoảng là một điềm báo lành hay báo dữ mà ngườ ta có thể liên tưởng tới. Nhưng chẳng nói ra ý nghĩ ấy. Tôi đứng dậy theo cô xuống bé sửa soạn phụ với những công việc buổi sáng. Lúc này tôi mới để ý có một sự sắp xếp mới mẻ ở tất cả mọi nơi trong nhà. Từ bếp cho tới phòng ăn và nơi ngồi làm việc của cô, một đám bụi cũ từ bao giờ được phủi đi để chờ một đời bụi nào đó, sáp sửa phủ trên khắp tất cả?

- Sao lâu rồi không thấy cháu đón em Chi về chơi. Chủ nhật vừa rồi nghe cháu nói đến nội trú, cô cứ tưởng cháu đưa em ấy về chứ.

Tôi chao chiếc muỗng trong tách cà phê sữa thành những đợt sóng dập dềnh xô vỡ, tiếng muỗng thỉnh thoảng va vào thành tách là tiếng gầm thét của những cơn sóng ấy. Tôi nhìn mãi tay tôi và những con sóng.

- Em Chi đau hơn một tuần lễ nay cô ạ.

Miếng bánh mì bỏ rơi trên mặt bàn khô, cô Ngàn ngẩng lên nhìn tôi, hỏi vội:

- Ðau chi vậy?

- Cháu cũng chẳng biết nữa.

- Nằm bệnh hơn một tuần lễ là bệnh nặng chứ không thường đâu.

- Cháu cũng chẳng biết nữa.

Tôi thở hơi vào hai lòng bàn tay mình khum lại rồi ấn những ngón tay vào đôi mi thì hình ảnh Chi hiện ra. Em nằm ngoan ngoãn trên giường, hai tay ấp trước ngực, mắt nhắm nghiền trong một giấc ngủ rất bình yên với môi hoa như sắp cười. Hình ảnh tượng thánh nữ Thérèse nằm chết thánh thiện trong tủ kính của nhà nguyện dòng kính mà dạo nào Chi đã dẫn tôi tới, chết với bông hoa hồng hờ hững trong cánh tay sắp rã. Rồi tất cả những cánh hoa hồng rã ra làm thành cơn mưa hoa hồng rắc ngợp trời đất.

- Như thế rồi sao?

Cô Ngàn lo lắng nhìn tôi. Miệng tôi buông bờ sứ ngọt:

- Cháu có vào thăm. Em ấy nói là vài bữa sẽ khỏi…

Cô Ngàn bật cười nhỏ:

- Bệnh chi mà biết được mình sẽ khỏi trong vài ngày tới.

- Cháu cũng chả biết nữa. Tự dưng thấy mình bất anh quá cô ạ. Sao cái tuần lễ này nó dài lê thê.

- Hôm nay là thứ sáu rồi. Chủ nhật sẽ là ngày cách cách ngày thứ sáu một ngày thôi mà “anh Huy”.

Trong giọng nói của cô có một nụ cười lẫn trêu đùa. Anh Huy. Nhưng tôi không cảm thấy rộn rã như những lần trước. Tách cà phê sữa của tôi đã cạn cả hơi ấm, còn lại một hớp cặn đáng ngắt tôi cũng muốn nuốt hết. Tự dưng trên môi tôi có một nụ cười héo hắt.

- Nếu tính kỹ thì bây giờ mới là đầu ngày, nghĩa là còn đầy đủ hai ngày dài cô ạ.

- Chụ nhật nhớ đưa em Chi về chơi và ở nhà trọn ngày nhé.

- Vâng, có lẽ thế. Em ấy mới ốm dậy chắc chả dẫn đi chơi đâu được. Cô định đãi bọn cháu gì nào?

- Ăn trưa thật linh đình, chịu không. Cô sẽ đi chờ từ ngày hôm nay.

- Cháu sẽ đi kiếm một chai rượu.

Cô Ngàn ngó sững tôi:

- Rượu nữa cơ à. Cháu uống rượu dữ lắm hở?

- Ðâu có. Cháu chỉ ngửi hơi rượu đã đỏ mặt, nhấp một ngụm đã say kềnh.

- Sao cháu đề nghị rượu nữa?

Cái nhìn của tôi rớt vào đôi mắt cô Ngàn một nỗi say nào, thật lạ:

- Cháu thích thế. Tiệc là phải có rượu. Rót rượu đặt trước mặt mỗi người dù không uống. Hay chỉ uống một chút cho đỏ mặt, cho say, cho nhìn nhau không phải là mắt thường, tâm tưởng thường như mọi lúc.

Khi đứng bên cửa sổ nhà bếp, bên cạnh chiếc lavabo ngập nước trên những cái phin và chén tách hỗn độn, tôi đã tưởng tượng ra bữa tiệc linh đình với những ly rượu say ấy. Bàn tiệc có mình tôi và Chi ngồi đối diện với nhau và những ánh nến ấm. Có thể chúng tôi là hai con chuột con mang khăn ăn trước ngực nói chuyện “chút chít” với nhau ở hai mép bàn trong một phim hoạt họa dễ thương nọ. có thể chúng tôi là đôi tình nhân rất kiểu cách trong một quán hẹn sang trọng và trên không trung của một thành phố thơ mộng nào đó. Và hai ly rượu. Tôi nói, em uống một chút cho đỏ căng đôi má nhé. Còn tôi nốc cạn ly rượu mình một hơi. Say ngất ngư, nhưng không ăn nói lảm nhảm, mà chỉ nhìn Chi mỉm cười, cười hoài. Trong đầu đã rỗng không trí nhớ, rỗng không nghĩ ngợi. Như thế là một hạnh phúc, chỉ cần biết ở bên mình có người yêu dấu mà không cần biết phải lo sợ chi cả. Không, hay là tôi chỉ nên nhắp một chút thôi. Ðôi môi của những người yêu nhau phải có rượu. Ðó là một bước nhỏ của tình. Rượu giúp những lời nói. Rượu đưa những bàn tay mạnh dạn lồng vào nhau. Rượu có men, làm say ngất tình yêu. Một chút thôi cho tình ấm.

Tôi vung tay vươn vai ở những bậc cửa phòng mình cho một buổi sáng thứ sáu đi qua. Những buổi sáng không phải tới trường làm như căng dài ra từng giờ. Và căng dài ra từng phút là thời gian chờ đợi. Tôi đi ra vào hoài với ý định này nhọ xếp đặt trong đầu của một ngày chủ nhật mới của Chi. Có lẽ thế, tôi sẽ mua tặng em một đóa hoa, như hoa marguerite trắng của vườn nhà Chúc chủ nhật nào. Sao tôi yêu hoa trắng thế không biết nữa. Yêu tất cả những người con gái mặc áo trắng nghiêm trang trong thành phố này. Với mắt nhìn thánh thiện. Yêu em. Yêu vũ trụ bỗng trở thành một đám mây. Bước chân em dẫm trên linh hồn anh đày đọa một kiếp mê mải. Ðể anh bỗng trở thành một đóa hoa trắng ngủ trên ngực thơm. Hoá kiếp một đời tội lỗi.

Còn ba tuần lễ nữa tôi thi. Bài vở xếp từng núi trước mặt. Từng cuốn, từng cours dày cộm đặt nghịt chữ. Những chữ nghĩa thật hờ hững. Bây giờ thì mất hẳn c’ai nôn nao, lo lắng của những lần thi đầu. Tôi bây giờ, tưởng như chả học được gì, chẳng nhớ được gì. Dù đằng sau của một kỳ thì còn có một nỗi ám ảnh vô cùng chờ chực chụp tới với tất cả những người con trai không may mắn trên đường khoa bảng. Ðó là chuyện phải bỏ ngang việc học hành để đi lính. Với tôi, tất cả chỉ mơ hồ. Sách vở và kỳ thi. Sự việc thi rớt và sau kỳ thi đó. Rất mơ hồ như thể tôi chẳng có trách nhiệm gì với chúng. Là tôi bây giờ chỉ có Anh Chi yêu dấu. Tất cả chỉ là những bóng nhoà nhạt của ảnh ảo trên những gương kính ghép soi mặt vào nhau, nhỏ dần và biến mất. Ðể khởi đầu bằng một châm đên lan rộng là đầy đủ hình ảnh Chi hiện ra choán hết trong đầu tôi.

Một ngày thứ sáu qua đi. Tôi muốn điên lên nỗi bồn chồn khó tả. Bắt đầu của một ngày đợi khác, tôi lại ngồi dí môi dí mũi vào mặt kính cửa sổ nhìn xuống con dốc buổi sáng. Ðến chiều thứ bảy tôi nghĩ mình không còn đi lại bình thường ở trong phòng mãi được nữa. Phải thoát khỏi căn phòng và nỗi bồn chồn này. Tôi tìm đến nhà Trường, nói chuyện sách báo, văn nghệ và những “hiện tượng” với chị em Chúc và Liên đến tối mịt mù mới trở về.

Trở về với ảo giác đầu mình còn là một đám khói mỏng. Ðám khói tan đi để bỗng cảm thấy mình trống không. Ðà Lạt đang cơn mưa cuồng điên như muốn rũ sạch một mùa. Tôi nằm nghe cơn mưa, nghe trong đêm hơi lạnh ngập phòng mà bỗng thèm hơi thuốc. Không còn một điếu thuốc nào sót lại trong hộc tủ đầu giường. Tôi thất vọng. Ngay lúc này tôi có ý định tung cửa bước ra ngoài, đội mưa đội đêm của Ðà Lạt lạnh mà đi. Kỳ lạ thế kìa. Ði đâu đó hay đi tới tìm Chi ở sân nội trú. Ði đâu đó hay để quên căn nhà mà hồn mình bỏ trống không đã bắt đầu dột nát, hoang lạnh. Huy ơi, Huy ơi. Tôi gọi mình trong giấc ngủ chập chờn, gãy rời từng đoạn mà tôi không hề mơ được thấy Chi.

Tôi biết, có một chủ nhật rồi sẽ không giculuống như bất cứ một chủ nhật nào khác. Là những tiếng chuông vang lên, trong buổi sáng hôm nay làm như không có tiếng ngân nga nặng nề như một giọng nói đục của người bện. Thời khắc có thấm mệt đến mấy rồi cũng phải trỗi dậy, theo đúng hạn kỳ của nó. Ngày thứ bảy mời ngày chủ nhật đến. Chủ nhật là những tiếng chuông. Tôi thức dậy và nghe chủ nhật đỗ rã rời từng tiếng buồn sầu lạ lẫm. Những âm vang nào đó thoát đi, theo gió theo thời gian rồi loãng mất, chết trong hư không. Lòng ta sẽ không bao giờ còn rung lại tiếng chuông của một ngày vàng trong quá khứ. Lòng ta rồi một ngày nào khô lại như khối đồng nặng nề, muôn năm rêu ẩm, muôn năm sống trong màu xanh lạnh ngắt của khí trời thở, bao phủ. Tôi nhìn thấy đôi mắt Chi sũng ướt trên đinh mùng. Em là một tàu lá xanh đang sống trong mùa bệnh, run rẩy trong cơn mưa lũ. Em nhìn tôi, trời ơi, con mắt in những hàng cây khô gầy guộc trong đó, và bầu trời, mặt nước hồ cùng đám sương mù trắng như sữa. Em nhìn tôi, rồi những hạt nước mắt rớt xuống làm nhòe nhoẹt tất cả các hình ảnh, vỡ ra thành những miếng thủy tinh cạnh sắc nhọn hoắt, như một bức tường chắn ngang tầm nhìn của tôi.

- Huy à, cháu dậy rồi chứ?

Tôi trở mình, tiếng dép lẹp xẹp củ acô Ngàn kéo tới bên giường.

- Ðêm qua cháu nghe thấy gì không?

- Một tiếng động lớn ở phía sau nhà. Có chuyện gì vậy cô?

- Cành cây ở sau bếp gãy xuống. Cô vừa ra xem, mái hiên nhà bếp bị sập một góc.

Tôi bò dậy nhưng vẫn chưa chịu rút chân ra khỏi chăn, nhìn ra cửa sổ:

- Ðêm qua đâu có mưa lớn phải không cô? Mà gió cũng chẳng có nhiều nữa. Thế sao…

- Chắc tại nó mục lâu ngày rồi. Làm cô sợ hết hồn. Từ lúc bấy giờ cho tới sáng, cô đâu có ngủ được.

Giúp tôi công việc xếp mùng xếp chăn, cô Ngàn ngồi xuống mép giường, hai tay ôm lấy vai trong dáng co ro rét mướt. Chiếc áo len đen mà tôi thấy hình như không lúc nào thôi bám trên người cô, vài chỗ đã rách, xổ tung. Ở một thế ngồi mà người già thường để lộ c’ai vẻ tội nghiệp, chịu đựng của mình, đó là cái lưng hơi còng xuống. Rồi là mắt không thấy rõ được những gì ở ngoài dăm bước, đang mất đi dần những màu xanh còn xót lại mong manh của một đời người thường hay cúi xuống tối tăm. Cô nói sao mấy hôm nay cô mất ngủ liền liền. Toàn mơ những giấc mơ hãi hùng không thôi.

Tôi nói:

- Cháu thấy cô dạo này hình như không được khỏe. Không khỏe mà lại mất ngủ, thường kéo theo suy nhược tâm thần. Cô đừng nghĩ ngợi gì nhiều nữa. Chả sao đâu cô, lo lắng nhiều cực nhiều ích gì.

Tôi không nghĩ là mình có được những lời như vừa nói với cô Ngàn, ý nghĩ làm tôi cảm thấy tỉnh người và bước ra khỏi giường với những tiếng động nhỏ trong đầu.

Chi ơi, có bao giờ em biết.

Cô Ngàn ho lụ khụ đứng dậy đi lại chậm chạp, vẫn nguyên cái dáng co ro rét mướt cũ:

- Nhưng đã lâu lắm rồi, cô không nhận được tin tức gì về thằng Hiện cả. Lo quá.

Tôi vặn mình khi đứng ở bậc cửa nói rằng cô lo quá đáng, lo mất phần của ông trời ông ta sẽ phiền cô đấy. Ông trời sinh ra con người nên có toàn quyền về hắn mà cô. Ðể mặc ông ấy lo cho cả chính mình, lo chi nhiều mệt sức.

- Bây giờ cháu sửa soạn đi đón em Chi về ăn bữa tiệc đãi của cô đấy.

- Ăn sáng đã chứ.

- Có gì hở cô?

- Thùng mì của cháu chở về hôm nào hãy còn cả chục gói mà.

- Thôi, cháu dành bụng để lát nữa ăn sáng với em Chi. Hôm nay cháu sẽ đưa em ấy lên phố ăn phở.

- Vui nhỉ.

- Người ta bảo kẻ ốm dậy ăn trả bữa nhiều lắm phải không cô?

- Ừ, ăn để bù những bữa không được ăn. Hay ăn chóng lớn mà.

Tôi cười trong ngụm nước súc miệng:

- Sao mãi chả thấy em ấy chịu lớn lên một chút nào.

- Coi chừng trở thành giống chim chích.

- Nói vậy chứ, con gái lớn mau như gió, lớn không kịp nhận ra. Cháu sợ em ấy lớn cô ạ.

- Sao vậy?

- Bởi vì lớn lên em ấy sẽ là một người khác.

Tôi làm tất cả nhưng công việc buổi sáng mau lẹ hơn thường lệ rồi lên nhà thay quần áo.

- Hôm nay anh Huy diện nhỉ.

- Mới may cả đó cô.

- Hôm nào chọn len về cô đan cho một chiếc áo dày hơn mà thay đổi. Những hôm lạnh hơn mặc thế sao chịu nổi.

Tôi đem khoe cô chiếc áo tôi đã chọn được ở chợ, trên lầu bán quần áo cũ. Chiếc áo dạ còn mới nguyên, tôi rất ưng ý về cái màu xanh ngả khói nhưng tiếc rằng hơi rộng đối với tôi.

Mặc chiếc áo vào, tôi xoay nửa vòng trước mặt cô Ngàn:

- Hơi rộng phải không cô?

- Ừ, hơi rộng. Chiếc áo mặc chung thì vừa ấm.

Tôi thọc tay vào túi chiếc áo:

- Cháu sẽ bỏ em Chi vào trong này.

Tôi cười, trở vào bỏ lại chiếc áo trong phòng. Họa chăng khi người ta có thể trở thành một loài chim. Họa chăng khi người ta có thể trở thành một tờ giấy trắng xếp vuông vắn lại.

Ðứng ở đầu bậc cửa đã bước thấp xuống, tôi ló đầu vào hỏi cô Ngàn:

- Cô cần cháu mua gì ở phố không?

- Khỏi, cô cũng sắp lên chợ bây giờ mà.

- Cô nhất định đãi tiệc lớn à?

- Nhất định chứ.

- Vậy cháu cũng nhất định sẽ vác về một chai rượu.

Xuống con dốc tôi bỗng muốn chạy. Chủ nhật ơi. Chủ nhật ơi. Em Chi đang đợi tôi. Mặt trời đang điểm tâm một cách ngon lành, mau lẹ những giọt sương bên bờ cỏ. Mặt nước hồ đã có màu xanh và dãy núi ở xa kia đang vuốt mặt cho đám sương mù tan dần. Hứa hẹn một ngày nắng ấm. Thay vì thường leo bộ lên hết dốc con đường trước cửa nhà thờ tôi mới đứng lại đón xe hoặc đi bộ tiếp theo thì sáng nay khi vừa đi hết khúc đường bờ hồ, đến ngã rẽ qua cầu lên phố tôi đứng lại chờ một chiếc taxi. Chờ lâu quá tôi lại đi bộ thêm một đoạn đường nữa. Lúc ấy có tiếng còi xe nhận inh ỏi ở phía sau, tôi quay lại thì cũng vừa đúng giáp mặt với Chúc. Chiếc xe của Trường đậu sát chân tôi.

Trường nghiêng người ra:

- Bọn này đi tìm cậu.

- Vừa ghé nhà hở?

- Gặp bà cô, nói cậu mới ra khỏi. Leo lên đây đi chơi với bọn này luôn thể.

- Xứ nào?

- Có công chuyện phải xuống Ðơn Dương ghé nhà ông bác. Nhân dip đi chơi luôn.

Chúc nói:

- Có thể đi săn nữa anh Huy. Nhà ông bác Chúc có súng săn.

Tôi cười cười để thay một câu từ chối. Chúc thò cả hai tay ra vẽ một vòng trước mặt tôi:
- Anh Huy đi rừng bao giờ chưa. Ðẹp tuyệt vời luôn.

- Thôi để khi khác. Bữa nay tôi mắc bận.

Liên réo lên:

- Hôm nay chủ nhật mà Chúc.

- Ừa há, mình quên mất.

Có xứ nào đẹp bằng xứ người yêu mình sống. Có chốn nào dễ thương bằng chốn người yêu mình ở. Có con đường nào quen thuộc bằng con đường dẫn tới nhà người yêu. Tôi nghe tiếng Chúc và Liên cười khi xe của họ lao vút qua mặt.

- Chúc hai người một chủ nhật uyên ương.

Câu nói đùa của Chúc khi đã xa rồi còn ngoái lại làm tôi nóng bừng cả mặt. Chủ nhật uyên ương. Chủ nhật của hai người. Chủ nhật của hai kẻ yêu nhau. Tôi vẫy một chiếc taxi leo lên và hối người tài xế chạy vội. Ðến Domaine de Marie vừa lúc giờ lễ cuối cùng ở đây tan. Những người nữ tu khép nép trên lối về tu viện. Ðám trẻ con tung ra khỏi sân nhà nguyện như vừa thoát khỏi lớp, cười nói đùa giỡn đuổi bắt nhau.

Sân nội trú vắng tanh qua khuôn cửa vòng cung tôi nhìn thấy. Những đứa tẻ mồ côi (được nuôi học ở đây lẫn với những học sinh nội trú gửi từ xa đến) ngồi xô lại với nhau ở một góc sân. Khi tôi vừa bước vào phòng khách có một vẻ gì ẩm thấp nặng nề ngay khi tôi đặt chân vào. Những người nữ tu phụ trách tiếp đón thân nhân đứng và ngồi sau chiếc bàn dài, đều hướng mắt về tôi một lượt. Soeur giám thị ngưng giòng chữ trên cuốn sổ bìa đen một cách đột ngột, ngó sững tôi một lúc. Sắp có chuyện gì quan trọng xảy ra, tôi linh cảm thấy thế. Nhưng bình tĩnh một cách lạ thường, tôi bước những bước chững chạc tới trước mặt người nữ tu mang kính trắng đang ngó tôi chờ đợi.

- Thưa sơ, tôi tới đón em Chi.

Thay vì đưa cho tôi một tấm phiếu tiếp thân nhân như mọi khi thì sơ giám thị chậm rãi gỡ mắt kính ra lau, một cữ chỉ hờ hững làm tôi khó chịu hết sức.

- Ông Nguyễn Thanh Huy?

Câu hỏi làm tôi chao người đi một giây. Trước mặt tôi bây giờ là hình ảnh của một cô giáo tiểu học và tôi là học trò, khi vừa bị kêu tên đưa vở lên trả bài. Tôi gật đầu nhẹ:

- Vâng.

Xếp cuốn sổ bìa đen lại, sơ giám thị đứng lên:

- Chúng tôi có câu chuyện hơi dài muốn nói với ông trên văn phòng sơ giám đốc.

Những ngón tay tôi bấu chặt trên mép bàn:

- Thưa sơ, có chuyện gì quan trọng lắm không?

- Kể ra là quan trọng. - Giọng người nữ tu có chút gì mỉa mai ở trong đó. Tôi tinh lắm, khẽ nhìn là biết mà.

Nỗi lo sợ từ bao giờ đã đến như lời hẹn. Mọi vật trong phòng tưởng như chao nghiêng một vòng trước mặt tôi và chực đổ xuống. Tôi biết những gì sắp xảy tới. Tôi biết bây giờ tôi là tôi, là Nguyễn Thanh Huy phải nhìn thẳng vào một chuyện thực tìm đến ngay trước mắt mình. Sự thật khi đã dài đường nhận ra, nó sẽ làm hoa mắt mình, bắt mình chóng mặt. Sự thật sẽ kéo rũ những dối trá bất ổn của tôi từ những ngày đặt chân tới sân nội trú này thành nỗi ê chề. Bây giờ, tôi không còn nghĩ là mình sẽ phải đối phó với sự việc xảy đến ra sao. Bất ngờ trong đầu tôi như có tiếng bỡ của một tảng đá khô cứng nặng nề nào vang động. Những tiếng động rền chắp nối nha, và dội vào nhau tưởng như không bao giờ dứt. Tôi đứng chôn chân nơi phòng khách lặng người đi một lát. Cơn đau đầu đã ba bốn năm nay hình như bắt đầu tái phát. Tôi ho rũ trong hài bàn tay mình úp lấy miệng và cảm thấy muốn nôn quá sức. Tôi nhìn người nữa tu, hai hàng nước mắt trào ra sau cơn ho như một sự khẩn cầu nào đó cần thiết. Nhưng tôi không nhìn ra bà mà tôi nhìn thấy Chi đang đứng trước mặt. Hai mắt mở rộng nhưng miệng thì không hề nói hay cười, em đứng nghiêm trang xuôi hai tay theo người. Tôi chớp mắt, những hạt lệ lăn đi. Hình ảnh người nữ tu hiện ra với nụ cười thương hại và giọng nói mỉa mai cũ:

- Ông có vẻ bệnh hoạn.

Ngay lúc này tôi có thể tự ý quay gót sau khi ném lại một nụ cười khinh bạc nhất của mình trong dáng điệu bất cần, bỏ phòng khách nội trú này với những cặp mắt soi mói rình rập và khắt khe đang dồn hết cả về tôi. Có thể bỗng dưng cười lên khanh khách như một tay kịch đóng vai kẻ say kẻ dại. Hoặc là ghê gớm hơn nữa tôi sẽ chỏ tay vào mặt từng người chung quanh mà cất lời mắng nhiếc họ như một kể điên khùng. Tảng đá trong đầu tôi đã vỡ vụn thành một đống sỏi, đang bị hàng trăm bước chân dẫm lên kêu lạo sạo.

- Mời ông theo tôi.

Tôi không còn kiểm soát nổi tôi đã có những cử chỉ bất thường nào lúc này. Hành lang nội trú dài như vô tận. Tôi theo sơ giám thị đi lên văn phòng của sơ giám đốc. Cũng là cái phòng này tuần trước tôi đã đến. Cũng cái phòng này đầy ắp những nỗi hồi hộp khi tôi được chấp thuận vào thăm Anh Chi trong bệnh thất. Sơ giám đốc không có mặt trong phòng. Tôi ngồi đợi với sơ giám thị nơi salon phía ngoài. Hai tay tôi bây giờ nắm chặt lấy nhau.

Câu chuyện tiếp nối hay bắt đầu. Câu chuyện cở mở xã giao hay là những lời điều tra, gạn hỏi. Tôi bắt đầu thấy sợ lối nói chuyện này:

- Gia đình ông ở đây?

- Không, gia đình tôi ở Sài Gòn.

- Ông lên đây học?

- Vâng.

- Chắc ông học sư phạm.

- Có một vài người thân cũng khuyên tôi thế.

Người nữ tu giấu một nụ cười nhỏ trên gương mặt cúi xuống, bà gợi cho tôi hình ảnh cô Ngàn, nhưng thiếu vắng nét chịu đựng. Những tư tưởng khói đen về bà đang loãng dần. Tôi nghĩ thế, cũng có lúc một người mà ta thường yên chí những điều không hài lòng về họ sẽ cho ta một chút gì thoải mái và yên lòng.

- Ông có vẻ con nhà mô phạm đấy.

- Cám ơn bà, tôi nói, miệng cay cay chát chát khổ sở, tôi lại không ưa gì cái nghề khả kính ấy chút nào.

- Ông lên Ðà Lạt lâu chưa?

- Vừa vặn một niên học, thưa Sơ.

- Ở xứ lạnh này chác ông hợp lắm?

Tôi thấy trong giọng nói ngọt ngào của sơ giám thị đang đối diện với tôi rõ ràng không bình thường. Người ta có thể đặt chiếc khăn lên miệng khi nói chuyện điện thoại để làm lạ giọng nói. Người tao có thể uốn nắn lưỡi mình để phát ra những âm ngọ ngào, xếp đặt câu nói để đưa câu chuyện tới ý người ta muổn. Có thể tôi sẽ bực mình vì lối nói chuyện quanh co này. Thà bà hằn học chỏ tay vào mặt mắng nhiếc hay đe dọa lời này lời nọ về sự dối trá của tôi đối với bà từ bao tháng nay. Thà như thế.

Tôi bậm môi. Mình có nên sửa soạn mình để trở thành một con người khác. Một con người kịch?

- Thưa sơ, tôi đến đây là tôi chọn.

- Ông chắc thế không?

Nếu sơ cũng có một đời sống bình thường của một người bình thường.

- Ông nghĩ tôi khác biệt lắm?

- Tôi muốn nói tới đời sống tu trì.

- Ðó là một đời sống riếng. Tôi lại có ý nghĩ ngược lại, chính ông mới có những gì khác biệt, như là sự bất thường.

- Có lẽ.

- Ông có hay đau ốm không?

- Thường vậy. Cơ thể là thời tiết, thời tiết là cơ thể.

- Ông có vẻ là một con người bệnh hoạn.

- Có lẽ.

- Ông có bao giờ phải chịu những sự phiền phức về luật lệ, về những người xung quanh chưa?

- Như thế có nghĩa là sao ạ?

- Tôi muốn nói tới những rắc rối như về cảnh sát, về tòa chẳng hạn.

Dựa hẳn lưng vào ghế, toôi nhìn người đối diện mình với đôi mắt bất thường và giọng nói cũng chợt bất thường trong nụ cười khó hiểu:

- Tôi sắp giết người, sơ ạ…

Sơ giám thị hất ngón tay sửa lại gọng kính:

- Ông viết truyện trinh thám nữa à?

- Tôi là nhân vật trinh thám mới đúng.

Câu chuyện chúng tôi bị cắt ngang một vài phút khi có người nữ tu bước vào hỏi sơ giám đốc, sau đó lại tiếp tục khi người nữ tu ấy đi ngược trợ xuống, tôi nói:

- Tôi sắp được kêu ra toà và nhận án tù.

- …

- Có thể người ta sẽ đem tôi ra xử bắn.

- Ông nói chi mà ghê.

- Ông nói gì vậy?

- Tôi sắp giết người, thật mà.

- Ông làm tôi sợ

Tôi cười thầm, vai kịch của tôi thật xuất sắc trong vở kịch mà người nữ tu đã kéo màn lên bà đóng vai kịch không trọn vẹn nên để lạc mất ý. Thay vì bà khiến tôi bị căng thẳng với những lời gạn hỏi thì bà lại bị ám ảnh lo sợ về những lời nói đùa, nói khùng của toôi. Lúc sau đó khi tôi ngồi ngay ngắn lại, cơn mưa lũ của ký ức trôi về, lên đên trên dòng sông cỏ non, đưa sạch những đá sỏi lạo sạo trong đầu tôi. Tôi ngồi lặng thinh mà nhớ tới Chi, nhớ đến đắng miệng, xót môi.

Chi ơi, Chi ơi. Tôi gọi em hồn nặng nề mệt mỏi. Âm thanh bị nuốt gọn không còn tiếng dội lại. Cánh đồng cỏ xanh mướt ngút tầm mắt lẫn vào với màu trời không đường phân định, đưa tiếng gọi tôi đi biệt mất. Chi không đến. Cửa thiên đường khép lại, tối sầm một góc đời, che khuất lấp những mơ mộng ngu ngơ một thời. Tiếng gọi của tôi rồi như một tảng đá không cất mình lên nổi, chìm sâu dưới vực thẳm tối mò của tâm hồn mình, kẻ bắt đầu đi kiếm tìm một thứ hạnh phúc và bắt đầu biết màu sắc của thứ hạnh phúc mà mình kiếm tìm. Rồi mơ hồ sương khói. Rồi đằm đắm xót xa. Chi à, nếu bây giờ anh có thể tan biến đi, nếu bây giờ chúng ta bỗng tìm ra được một thế giới hẹn riêng. Không biết anh có đến và có còn đủ những bước dài rộng chưa mòn bởi mộng tưởng. Không biết rồi cỏ cây có còn xanh lại, biển có còn gọi và núi có còn chờ đợi. Lúc ta chết đi, hẳn đám mây trắng vẫn còn rong chơi suốt đời vô tình của nó. Em có bao giờ nghĩ như thế. Em có bao giờ biết nghĩ như thế. Lúc chúng ta mất hẳn trên cõi đời này, sự sống của muôn loài muôn sự vẫn tiếp tục cả đời sống của ngôn ngữ vẫn tiếp tục. Chỉ có ký ức rồi mòn phai, nhạt nhòa dần. Sẽ chẳng còn hơi thở nồng nàn của môi đỏ những câu vòi vĩnh, hờn dỗi. Sẽ chẳng còn những ngón tay ấm lồng vào nhau của những chủ nhật đưa đón hạnh phúc. Chẳng còn gì. Hai linh hồn lạnh tanh. Hai thể xác thủy tinh trong suốt lặng câm gục đầu vào nhau, lạnh tanh.

Tôi cảm thấy hai mí mắt ran nóng và nghĩ rằng mình có thể òa khóc to lên bất ngờ trong lúc này nên phải vội quay đi. Căn phòng hơi tối lại khi một người nữ tu bước vào tới cửa. Người nữ tu ngồi đối diện với tôi đứng bật dậy. Câu chuyện của chúng tôi đã trở về vị trí bắt buộc của nó.

- Thưa sơ. - Soeur giám thị ngập ngừng quay sang vừa lúc tôi sửa soạn đứng dậy để chào soeur giám đốc bước vào. – Chúng tôi đợi sơ chừng được mười lăm phút.

- Tôi mắc bận ở trên phòng các em.

- Hồi nãy có soeur Huyền kiếm soeur.

- Ðã gặp tôi ở trên đó rồi.

Người nữ tu lớn tuổi xếp nếp áo ngay ngắn trước khi ngồi chững chạc vào chỗ ngồi của mình, hai tay đặt trên bàn, mắt ngó thẳng. Bà buông rơi từng tiếng, giọng nhàn nhạt hờ hững:

- Tôi vừa mới nói chuyện với mẹ em Chi...

Tất cả đều chao nghiêng một lượt. Bây giờ tôi bị đẩy rớt từ trên cao xuống, chới với, hốt hoảng. Lời thông báo về sự hiện diện của một người đàn bà ở đây đã khiến tôi sửng sốt, rụng rời. Mẹ Chi. Và đôi mắt của bà ám ảnh tôi từ bao lâu nay bây giờ đã tìm đến. Bà là một vị quan tòa kinh hãi nhất luôn luôn rình rập, đang sửa soạn dọi một tia sáng phũ phàng vào sự dối trá của tôi, những gì tôi lo sợ rồi xảy tới. Tiếng thủy tinh đã tan nát dưới chân. Những mảnh thủy tinh nhọn sắc ấy rồi tôi sẽ phải lượm lên đầy đủ những đau buốt xót xa.

- Bà đang ở trên phòng và sửa soạn đồ đạc cho em Chi.

- Em Chi về nghỉ hè đấy ạ?

- Ðáng lẽ phải hết tuần tới chứ gì. Nhưng tôi đã chấp nhận cho em ấy về sớm.

Hai người nữ tu đối thoại với nhau tự nhiên như tôi không có mặt và can dự gì tới câu chuyện. Nhưng thực ra, tôi biết, họ muốn tôi nghe rõ ràng và đầy đủ chi tiết mà họ nhắc tới. Bản án được sửa soạn một cách quanh co và hết sức khó khăn. Hình như họ không biết phải bắt đầu như thế nào và mắt nhìn về phía tôi như để thăm dò thái độ, phản ứng của bị cáo dối trá. Tôi ngồi nắm chắc tay trên chiếc ghế rộng và có một chút bình tĩnh để chờ đợi mọi chuyện xảy tới. Kể cả sự việc kinh khủng nhất đối với tôi bây giờ, là sự giáp mặt với mẹ Anh Chi.

- Có thể lát nữa tôi sẽ mời bà lên đây.

- Thưa sơ, tôi muốn gặp bà ấy trước một chút.

- Tùy sơ. Nếu có gặp sơ Catherine nhắn lên phòng tôi ngay nhé.

Soeur giám thị trao cuốn sổ bìa đen bà cầm theo cho soeur giám đốc rồi quay trở ra để mình tôi ở lại. Căn phòng hẹp bây giờ như đang nới rộng kích thước, cái không khí ẩm sũng nước của một cơn mưa sắp kéo về quanh đây làm căn phòng tối hẳn lại. Người nữ tu bật đèn bàn lên và cúi sát kính trên cuốn sỏ bìa đen mở đôi có những tờ giấy kẹp rời trong đó. Lúc lâu sau bà mới ngẩng lên khi chìa về phía tôi những tờ giấy mà bà xem nãy giờ:
- Ông có nhận ra những nét chữ này?

Nét chữ của ngày chủ nhật mang tên tôi và tên Chi, trên tấm phiếu tiếp thân nhân có ghi rõ liên hệ giữa hai người. Tôi cầm lấy và lặng đi trong giây lát. Hàng trăm triệu quả chuông của những buổi sáng chủ nhật cùng gióng lên một lượt rền vang bầu trời thành phố. Hàng trăm triệu quả chuông làm náo động thành phố này. Thành phố là trái tim tôi, cuối cùng chỉ còn lại tiếng ngân nga của một quả chuông cô độc rớt lại, chết lạnh trong từng mạch máu buồn. Tôi ngồi nhìn ngây những ngày chủ nhật nằm rã rời trên tay.

Giọng người nữ tu hơi có vẻ gì diễu cợt khi lập lại câu hỏi:

- Chắc ông không lạ với nó?

Tôi gật đầu nhẹ:

- Vâng, tôi nhớ. Những nét chữ này của tôi.

Giọng diễu cợt bỗng trở thành nụ cười khan:

- Ông có nét chữ bay bướm quá.

-...

- Ông có vẻ là một người lãng mạn.

-...

- Mà này, tôi thắc mắc sao ông ưa viết tắt tên mình thế nhỉ.

Cái lối nói chuyện tra khảo quanh co đã làm tôi dằn lòng không được sự bực bội. Cơn nhức đầu lại kéo về, nhưng tôi không thể sắm vai một vai kịch diễu cợt cũ. Khi hài kịch biến thành bi kịch sau đó, sẽ là một sự trơ trẽn thảm hại.

Tôi đưa mắt nhìn thẳng thắn người nữ tu. Tôi thấy mình không có chuyện gì để chịu sự dằn vặt từ phía ngoài đưa tới, kéo dài mãi vậy. dù là sự dối trá mình, tôi sẵn sàng nhìn nhận nó như sẵn sàng xác quyết trước mọi người tình cảm giữa tôi và Chi. Mặt nóng ran, tôi nói chắc từng tiếng:

- Thưa sơ, tôi biết sơ sắp nói điều gì. Xin sơ cứ nói thẳng.

Hai bàn tay người nữ tu nắm lấy nhau ngay ngắn trên mặt bàn. Ðôi mắt bà thắp sáng lên sau làn kính trắng:

- Ông không sợ sự thật?

- Tôi có mặt ở đây bây giờ là đại diện cho một sự dối trá trước mặt mọi người. Tôi lấy làm tiếc. Nhưng đó là một điều mâu thuẩn, vì chính tôi nghĩ tôi phải sống thực với tâm hồn mình.

- Thế nào là một sự sống thực với tâm hồn mình?

- Nghĩa là sẵn sàng theo đuổi một hạnh phúc, tìm kiếm một thứ thiên đường theo ý mình.

Người nữ tu hơi nhíu mày khi tôi nhắc tới hai chữ “thiên đường”, có thể vậy. Bởi đời sống tu trì người ta nhắc tới “thiên đường” là một danh từ, còn tôi nhắc tới là một trạng từ.

- Ông tin có thiên đường à?

- Ðó là một điều mộng tưởng phải không sơ?

- Chúng tôi tin, đó là một giáo điều. Thiên đường ở ngoài hiện tại. Thiên đường là nơi hẹn của mai sau, khi đã chấm dứt một đời sống đày đọa ở trần gian này.

- Tôi lại cho rằng thiên đường ở trong chính tâm hồn mình. Ðó là một trạng thái hạnh phúc.

- Tôi hiểu, nhưng thứ hạnh phúc đó không thể là một sự vĩnh cửu.

Ði tìm một sự vĩnh cửu, đây là những bước tôi chưa hề nghĩ tới. Một thứ hạnh phúc gần mình nhất đã là một sự nhọc nhằn phức tạp. Thiên đường của tôi nhỏ nhoi bó mọn thế, rồi bây giờ cũng khép lại. Cửa thiên đường đã khép lại sau lưng chôn theo những mộng tưởng rã rời cánh mỏi. Tôi nói với người nữ tu, có thể đời sống ở hai phía mang những cách biệt đó. Ðời sống của những tâm hồn bị gò bó khắt khe ngược lại với bản tính tự nhiên (tôi nói sự ngược lại với bản tính như là sự cố gắng thái quá, để chết những xúc động và chết hiện tại) nên nhìn chung quanh với con mắt của lề luật nghiêm khắc.

- Tôi nghĩ hình như tôi đã là nạn nhân.

Chợt lời nói của người nữ tu là một cơn mưa dữ dội đổ xuống:
- Thật sự ngược lại. Từ qua tới nay trong này đang ồn ào dao động về chuyện của ông và em Chi. Ông có biết là ông đã phá tan sự bình lặng của nội trú chúng tôi không? Thật là một điều phiền quá đáng không thể ngờ tới hậu quả của nó. Những nét chữ của ông viết đây là một sự dối trá nghiêm trọng. Chúng tôi bắt buộc phải nhận trách nhiệm bất chu đáo với gia đình em Chi. Ông hiểu rằng suốt buổi chiều hôm qua tôi đã bị dằn vặt hoài về chuyện ấy. Tôi đã nói chuyện rất lâu với mẹ Anh Chi hôm trước đây khi bà tới thăm em, để chúng tôi khám phá ra sự liên hệ bất bình thường giữa ông và em ấy. Thú thực đây là một “tai nạn” lớn đối với cả tu viện chúng tôi. Ngay sau đó Mẹ Bề Trên đã được thông báo và chúng tôi được lệnh giữ kín đáo chuyện này để khỏi gây xúc động trong chị em. Nhưng hình như đã muộn. Ông hiểu là ông đã làm cực lòng chúng tôi đến chừng nào không. Sơ giám thị hôm qua đã mất bình tĩnh đến độ suýt gây lộn với sơ Catherine. Bà đã đề nghị với tôi những biện pháp như có thể quy ông vào một tội để ông bị chế tài bởi pháp luật. Ông có thể bị tố cáo với cảnh sát nếu phía gia đình em Chi yêu cầu.

Cơn mưa dữ dội chợt ngưng đọng. Người nữ tu gỡ kính và ấn những ngón tay vào hai hốc mắt sâu, im lặng trong dáng mệt mỏi. Và tôi thì không kịp một giây để vuốt mặt, lặng câm như đá cúi gầm xuống. Vẫn y nguyên dáng ấy, những ngón tay úp trên mặt, người nữ tu để rơi giọng mình nhỏ xuống:

- Nhưng đến sáng nay khi gặp lại mẹ của em Chi thì tôi cảm thấy thoải mái được đôi chút. Bà tỏ ra là một con người rất tình cảm và tế nhị khi nói chuyện với tôi vè ông. Bà cũng yêu cầu chúng tôi đừng gây rắc rối chi cho ông nếu gặp. Chỉ tội cho em Chi, (giọng bà lạc hẳn đi, nghe lạ như tiếng vang vào một bờ gỗ mục nào) em ấy còn quá nhỏ để biết mọi chuyện. Ông Huy này, (đôi mắt hoẵm sâu không mang kính của bà lờ đờ nhìn tôi) nếu có thể được khuyên ông một điều, xin ông nghĩ thêm đó là một điều cầu khẩn nữa, không nên dắt vội một trẻ nhỏ ra khỏi cánh đồng thơ ấu. Ông đi dựng một thiên đường mà ông mộng tưởng nhưng ông lại vô tình phá vỡ một thiên đưòong hồn nhiên quý giá hơn gấp bội. Ông có biết xót xa?

Người nữ tu đưa tôi trở về thăm lại khu vườn ngày nào mà tôi đã đến. Tiếng nói của bà âm theo cả gió cả mây của bầu trời quá khứ mang mang một nỗi nhớ. Tôi nhớ, cũng một lần mẹ Anh Chi đã khuyên tôi như vậy, lần Chi đau vùi trong cơn sốt. Khác chăng những sự thân thiết mà tôi được sống ở khu vườn ấy, cây cối vỏ non và những sỏi trắng, nước hồ và những âm động quen thuộc. Tôi nhận ra rằng sao mội người cứ cố tình xô đẩy tôi mãi xa Chi. Ðã mẹ em và bây giờ người nữ tu già ở nội trú này, họ đều lên án và nhìn tôi với sự chăm chú lẫn nghi ngại, khe khắt. Họ đẩy tôi xa Chi hay là làm công việc trái ngược lại mà họ vô tình không biết, xô lại gần Chi hơn.

- Mời ông theo tôi.

Tôi lững thững bước theo sơ giám đốc ra ngoài. Hồn tôi đã trốn đi đâu đó. Tôi bước với bóng tôi đổ trên những phiến gạch xám hành lang. Nắng buổi sáng chủ nhật hỡi, rồi sẽ vô tình. Ðà Lạt là cơn mưa vội, nắng vội, rồi sẽ không còn gì nữa cả. Nhưng hạt nắng uống những hạt mưa và những hạt mưa vỡ tan đi những hạt nắng ấm. Ta rồi sẽ bỗng dưng. Em rồi sẽ bỗng dưng.

Ðứng lại ở chân thang, sơ giám đốc nói với tôi:

- Trên này là phòng của các em nội trú.

Bước theo bà và tiếp tục đi thêm một đoạn hành lang nữa, tôi đoán là bà sẽ bà sẽ đưa tôi đến gặp mẹ Chi. Ngoài nỗi hồi hộp của một người sắp gặp một người quen đã xa lâu ngày, tôi còn nỗi hồi hộp của một tội phạm. Rồi tôi sẽ cúi đầu, sẽ lặng thinh để nghe thêm những trách móc những dày vò, luận tội. Không làm sao tôi quên được đôi mắt của mẹ Anh Chi đã nhìn tôi đã rình rập tôi như không rời những lần tôi chợt nhận ra mình đang đứng bên Anh Chi. Có khi bà đứng sừng sững rên đầu một con dốc mà chúng tôi vừa leo tới. Có khi bà ở ngay trước mặt giữa đất trời thên thang nơi chúng tôi đang hớn hở vui đùa. Bây giờ, đôi mắt ấy sắp đối diện thực với tôi bằng cả những lời nói. Tôi nghĩ, không biết một lời nói sẽ bắt đầu như thế nào. Suốt những căn phòng im vắng, đám trẻ nội trú hình như đã được lùa hết xuống dưới sân và dưới vườn ngày chủ nhật. Những hàng giường đồng loạt kê sát nhau nằm im lặng như những cuốn sách đặt ngay ngắn trên giá. Chăn mùng gối nệm thứ tự đồng loạt. Ðứng lại trước một cửa phòng, tôi để ý chiếc giường không “đồng phục” nằm lạc lõng hẳn với những chiếc giường khác. Chăn mùng đâu mất, đồ đạc xếp ở chiếc tủ thấp ở đầu giường cũng đâu mất. Chỗ trống vừa được bỏ lại. Tôi nghĩ tới Chi và chiếc giường bất hạnh, rồi sẽ lạnh không hơi thở thơm của một người con gái nhỏ dễ thương. Suốt một mùa hè này hay mãi mãi.

- Ở đâu cả rồi nhỉ?

Nói với căn phòng trống sau khi đã đưa mắt tìm kiếm một lược các nơi, sơ giám đốc hơi chau mày:

- Chả lẽ họ đi vòng lối trước xuống phòng tôi rồi.

Ở phòng kế đó chúng tôi gặp sơ giám thị, bà đang dỗ một đứa trẻ nằm lười không chịu xuống sân chơi.

- Con nhỏ nằm lười suốt ngày như đau.

- Có nắng, cần phải đưa nó xuống sân.

- Em cũng nghĩ vậy.

- Họ đâu cả rồi hở, sơ?

- Bà mẹ của em Chi phải không ạ, mới vừa xuống rồi.

- Tôi có ý đợi bà ở trên phòng tôi nãy giờ.

- Em mời rồi và nói có cả ông Huy ở dưới đó nữa. Hình như bà to không muốn nói rằng phải vội để kịp có người nhà tới đón lát nữa.

- Hiện giờ bà đâu rồi?

- Bà hẹn sẽ trở lại gặp sơ sau.

- Ban sáng bà có nói với tôi vèe khu viện mồ côi mà bà mới vừa lập ở một vùng ngoại ô Sài Gòn tuần trước. Hình như bà có ý muốn nhờ tu viện nữ tiếp tay.

- Em cũng nghe bà nói tới ban nãy.

- Có những người sống một đời với một lý tưởng, thật đáng quý như bà.

Tôi bị bỏ quên trong câu chuyện của hai người. Sau đó thì tôi để mặc họ, ra đứng vịn tay ở ngoài ban công nhìn xuống sân, nhìn xuống đám trẻ đang nhở nhơ xung quanh những gốc bích đào lớn đơm đầy hoa đỏ, cả những vũng nước nhỏ mà tôi thấy trên sân sau một cơn mưa vội. Những vũng nước ngập nắng nằm loang lỗ trên sân gạch nhỏ trông như những tảng màu lỡ tay của người họa sĩ trên khung vải, một màu vàng nhợt nhạt vô hồn buồn tênh. Có những cơn gió đã cúi mình xuống trên những vũng nước ấy, vẽ những sợi sóng nhỏ trên mặt sân tưởng như bắt đầu trở thành hoang lạnh, quang cảnh của một nơi chốn rồi sẽ đóng rêu phảu bụi. Tự nhiên tôi nghĩ thế, rồi những khung cửa vòng cung và mái ngói đỏ quạch kia, sẽ chẳng còn màu sắc chẳng còn hình dáng gì nữa trước mắt tôi. Khi nơi này đã vắng bóng Chi, tất cả đều vô nghĩa vô âm.

Ðám trẻ đang chơi ở giữa sân bỗng dạt ra làm tôi chú ý nhìn chăm chú xuống phía dưới. Tô bấm chặt những đầu ngóntay mình trên bờ lan can khi nhận ra ba người đang đi ra phía cổng: Sơ Catherine, Chi và mẹ Chi với những chiếc vali nặng. Buổi sáng chủ nhật hỡi, em sẽ xa ta. Chi mặc áo măng tô màu xám khăn quàng đỏ. Có thể em hãy còn đau, làm sao tôi biết được. Và làm sao em có thể biết được tôi đang đứng lặng ngưòoi trên này để nhìn theo. Buổi sáng chủ nhật hỡi, rồi ta sẽ mất em. Em đi khép nép bên mẹ từng bước nhỏ, trông như con chim lần đầu tiên xuống sân, theo mẹ đi tìm ăn. Hình ảnh của một thuở tôi đã liên tưởng tới nơi thành phố cũ những lần gặp Chi theo mẹ đi lễ. Thuở mà em chỉ có mỗi một màu áo trắng và tôi thì thường hay có những viên kẹp ngủ trong túi mỗi lần sang chơi với em, học với em và giận dỗi vu vơ với nhau suốt buổi. Thuở mà mẹ Chi nhìn tôi bên Chi với hình ảnh dễ thương không chút nghi ngại. Người đàn bà ấy, bấy lâu thường có một màu áo củi gỗ giờ cũng dã thay đổi. Chiếc áo màu hồng hoa rắc đầy cho tôi hình ảnh một đời sống hạnh phúc của bà.

- Kìa, họ đã ra gần tới cổng.

- Có lẽ tôi phải xuống gặp bà ấy một chút.

Sơ giám đốc lật dật đi về phía cầu thang xuống. Bà đôi khi cho tôi thấy một sự nhiệt thành quá đáng trong những công việc, trong những hơi nói dài. Khoảng dăm ba phút sau tôi đã thấy bà đứng nói chuyện với mẹ Anh Chi ở cổng. Tôi đã được nhắc tới, hẳn thế, vì sau đó tôi thấy họ cùng hướng mắt về phía tôi. Những tia mắt thật xa, làm sao có thể thấy rõ được nhau, dò được lòng nhau. Dù thế tôi vẫn đứng run rẩy khuất nửa người sau cái cột lớn của hành lang. Tôi quan sát kỹ từng cử chỉ của họ trong từng câu nói. Cho đến khi chia tay, những chiếc vali được chất lên chiếc xe màu trắng vừa đậu lại.

- Tôi tưởng ông cũng nên xuống gặp họ một chút chứ.

Sơ giám thị đứng ngay sau lưng tôi, bà ném tôi một cái nhìn ân huệ hiếm hoi của bà mà từ bao tháng nay tôi mới nhận được.

- Cám ơn sơ.

Tôi còn một chút may mắn là được thấy Chi thêm lần nữa ở đây, rồi em lên xe khuất mất. Con chim nhỏ khuất mất trong bầu trời yêu dấu của tôi. Chiếc xe tung lên một đám bụi đỏ trước cổng nội trú rồi xa dần. Ở một góc ngực tôi nhói đau. Cánh cửa nào đó vừa đóng lại tối sầm hồn tôi, lao đao. Trong một phút sững người ở trên cao nhìn xuống, tôi đâu nhận ra mình đang đứng bên cạnh người nữ tu nãy giờ.

- Chào sơ.

Tôi bước đi như chạy về phía cầu thang. Chào một khuôn mặt nữ tu nghiêm nghị của nội trú, tôi không quay lại với tiếng gọi đuổi theo của bà.

- Ông Huy, ông không thể đi lối đó.

Mặc. Tôi cứ xăm xăm bước đi. Lúc lâu sau thì tôi biết mình đã lạc, tôi đi lung tung khắp nơi trong khu nội trú. Qua các hành lang, qua những căn phòng cử sổ im lìm đóng lại, qua những lớp học thênh thang bỏ trống, qua dãy hành lang khu bệnh thất. Tôi đi như người vô hồn trước những cặp mắt ngó nhìn và những tiếng xầm xì chỉ trỏ của các người nữ tu ở đây. Cuối cùng tôi cũng bước xuống được tầng dưới. Thay vì đi dọc theo hành lang thì tôi lại băng ngang sân để một lần nữa bị bao vây bởi mắt nhìn và tiếng xôn xao của mọi người.

Ở phòng khách tôi bị chặn lại bởi sơ giám đốc đã chực sẵn.

- Cám ơn sơ.

Tôi cúi đầu chào bà. Và không kịp để bà nói gì, tôi lặng lẽ bước ra cổng. Ở đây tôi đứng lại để nhìn khắp khung cảnh nơi em yêu dấu đã sống qua một lần chót, nhìn những khung cửa vòng cung, vuông sân rộng và đám ngói quen thuộc, những người nữ tu áo xanh và dáng đi khép nép. Cám ơn những ngày chủ nhật. Cám ơn tất cả. Bầy sẻ cũ vẫn ríu rít bay nhảy trên mái hiên nhà nguyện. Tấm kính màu nơi ô cửa nào đã vỡ vẫn vỡ. Ðám thông vẫn xanh trên đồi như những mùa nào đã xanh. Tình cờ tôi còn được ban thêm chúc hạnh phúc nhỏ là đã đặt chân đến tất cả những lối, những nơi thân quen mà hằng ngày em yêu dấu dã qua. Cám ơn ngôi trường vôi hồng, cám ơn những người nữ tu nội trú. Tôi chỉ tiếc là sao mình không được gặp lại sơ Catherine thêm một lần, như một lần từ giã biết ơn. Một mình lầm lũi bước xuống con dốc, tôi nghe rõ từng tiếng sỏi lăn khô rời rã dưới chân. Miền này rồi rất lạ. Domaine de Marie chìm khuất trong thế giới mơ hồ của tôi, mai kia sẽ chỉ còn là một đốm xanh trong quê hương ký ức. Em đã xa, tất cả vô nghĩa, vô hồn và vô sắc. Em để lại cho tôi những bước chân như bước vào khoảng không chết đuối giữa trời.

Trên đường vê tôi nghe tiếng chuông mười hai giờ vang lên trên đồi nhà thờ Chính tòa. Tiếng chuông đánh vỡ tan ngày chủ nhật của thành phố. Tôi thèm mình có thể khóc được, khóc ngất giữa một ngày đã chết. Nhưng sao hồn tôi bỗng khô như đá.

Trở về nhà tôi gặp cô Ngàn vui vẻ la lớn lên: Thằng Hiện đã về rồi, không thể ngờ được. tôi cười với vô và hớn hở dắt tay người thanh niên cao lớn là Hiện đang đứng chốgn tay nhìn mái hiên bếp bị cành cây mục gẫy xuống chém một góc đêm qua. Cô Ngàn trố mắt hỏi tôi khi sực nhớ ra:
- Em Chi đâu?

Tôi đùa:

- Cháu bỏ quên áo măng tô ở nhà nên không có túi để mang em ấy về. Tiếc quá, chắc trưa nay cô định cho ăn ngon lắm.

Nhìn tôi là lạ rồi cô Ngàn bỏ xuống bếp dọn cơm. Suốt bữa ăn tôi nói chuyện luôn miệng và luôn bày trò cười. Hiện bảo không ngờ tôi vui tính quá và bữa ăn trở nên ồn ào tiếng nói cười của chúng tôi. Buổi chiều tôi theo Hiện lên phố đi nhậu, hắn uống chừng nào rượu tôi uống chừng nấy. Khuya về say khướt. Rồi nhớ tới Chi, tôi nằm khóc thút thít như đứa trẻ con.