Chương 12


Tuần lễ thi qua đi, tôi đã bỏ. Dù biết như thế là để lỡ một phần của đời mình, nhưng sao tôi không thể cố gắng được. Sách vở buồn tẻ đến nỗi mấy tuần lễ liền tôi không động tới, có cuốn bị gió hất tung từ trên bàn xuống đất vẫn không được nhặt lên. Cô Ngàn hỏi cháu đau hả, tôi trả lời: Cháu muốn chết quá. Thỉnh thoảng cơn nhức đầu tìm đến, làm căng các dây thần kinh hai bên thái dương buốt tới nỗi tôi không còn thiết đến gì nữa hết, nằm ôm đầu ngu ngơ như người mất trí. Trường đến tôi, hắn đã lo ghi danh, nặp đơn thi và bây giờ lo cả việc lấy số báo danh và thời khóa biểu thi cho tôi nữa.

Hắn nói nhu là hắn có trách nhiệm được cho người khác: Cậu không thi, tôi không yên lòng chút nào hết, thà ràng thi rớt. Nếu biết chắc mình sẽ rớt tôi không chơi trò may rủi. Chỉ có ly do đó để nói với Trường, bởi tôi có học gì đâu trong những tuần lễ cuối năm. Tôi bỏ thi. Tôi quyết định thêm một lần nữa, tôi sẽ rời bỏ nơi đây.

Ðà Lạt của buổi sáng hôm tôi đứng chờ ghi vé máy bay là những đợt nắng vàng ấm áp trên vệ cỏ bên đường, ngọn gió vừa đủ lạnh để thấy nhớ một bàn tay quen thuộc. Ðà Lạt đúng là quê hương để người ta tương tư nhau. Tôi cầm cái vé máy bay vẫy trước mặt cô Ngàn nói rằng ngay lúc này cháu đã cảm thấy nhớ Ðà Lạt rồi. Buổi chiều tôi bắt đầu thu dọn mọi thứ. Dồn cái vali những quần áo, sách vở vào đầy nhóc một thùng giấy cao. Cái thùng sách nặng nên gửi xe dò, cô Ngàn cho tôi ý kiến đó.

Tôi hỏi:

- Cháu về cô có buồn không?

Ðứng quay mặt ra phía cửa sổ, quay mặt ra phía buổi chiều, giọng cô có chút gì gắng gượng:

- Cô quen mà. Rồi bao giờ cháu lại lên?

- Chắc là không cô ạ.

- Sao vậy?

Cô quay phắt lại. Tôi vẫn tiếp tục nhét những cuốn sách vào những thùng giấy một cách lơ đãng:

- Cháu về luôn.

- Bỏ học à?

Trong cái im lặng sau đó hình như có sẵn tiếng thở dài. Người đàn bà quay lưng lại với buổi chiều, mắt đựng đầy bóng tối. Tôi hiểu, cô đang nghĩ tới Hiện. Một sợi dây còn quá chắt để buộc vào chân đứa con trai vừa vặn trưởng thành với ngón tay của người mẹ cô độc. Tôi hiểu, cô đang liên tưởng tới sự bỏ học ngang của tôi và đời sống quân ngũ tôi phải chấp nhận sau đó. Cái cảm giác thắt lòng khi tôi nghĩ đến ba mẹ, chị Hà và những người thân yêu. Rồi tôi sắp là những lo âu khổ tâm cho họ. Rồi sẽ lao đao khi chân mình bước hụt một bước ngay ở ngưỡng cửa mới này.

Biết đến bao giờ … Chi yêu dấu, chúng ta mới tìm thấy thiên đường. Khúc rẽ này rồi sẽ quan trọng lắm, lối này rồi sẽ lầy lội vất vả lắm. Biết em còn hẹn anh?

Khi đứng ở cửa bật cái công tắc đèn phòng cô Ngàn quay lại hỏi tôi bất ngờ:

- Còn em Chi thì sao?

Tôi cúi xuống trên chiếc vali mở chợt nhớ tới mảnh thủy tinh vỡ của Chi cho tôi hôm gặp lại em ở nội trú, mảnh thủy tinh ấy tôi bỏ vào một bao thuốc lá để sâu trong ngăn bàn đầu giường. Nó sẽ trở thành kỷ vật của một thời thơ mộng nhất đời tôi, tôi nghĩ thế và đứng lên tìm.

- Còn em Chi thì sao, cô Ngàn vẫn còn đứng ở cửa, đã lâu cô không nghe thấy gì tới em nữa.

Ðưa mảnh thủy tinh lên mắt, tôi cười thành tiếng nhỏ:

- Em ấy… lên trời rồi cô ạ.

- Buổi chiều tối đen. Tối đen cả cây cối và ngọn đồi phía bên kia hồ. Qua lớp thủy tinh, tôi chỉ thấy một màu tối ảm đạm trước mặt. Em đâu rồi Chi, tôi hốt hoảng kêu thầm trong thế giới mơ hồ của tôi. Rồi hướng mảnh thủy tinh về phía ngọn đèn, để thấy ánh sáng oà ngập chói mắt, tôi cứ ngỡ như mình vừa bị xúc động mạnh. Ðến độ, mắt tôi hoa lên và nhịp đập trái tim như cũng mất bình thường. Tôi ngồi xệp xuống nệm giường, hai tay buông thõng, hai chân duỗi dài ra.

- Sao vậy cháu?

Cô Ngàn đến bên giường, lấy làm lạ lùng:

- Cháu cầm trên tay cái gì vậy?

Tôi nắm chắc mảnh thủy tinh trong tay, cố tìm lại nụ cười nhỏ hồi nãy:

- Cái viễn vọng kính đó cô.

- Thế nghĩa là sao?

- Cháu nhìn lên trời.

Cái chau mày của cô Ngàn có nghĩa là cô chẳng hiểu chi cả. Bữa cơm tối dưới ánh điện vàng lù mù tôi để ý thấy cô thỉnh thoảng lại ngó tôi như một người lạ. Ðến lúc đứng lên dọn những món ăn thừa trở lại tủ thì hình như mắt cô ngấn lệ. Cô nhắc tới Hiện và những ngày về phép ngắn ngủi vừa qua. Cô nói, nếu có gặp Hiện nhớ bảo hắn viết thư về cho cô. Cả cháu nữa, có dịp nhớ trở lại đây.

- Vâng, thế nào cũng còn nhiều dịp, cháu nghĩ đây là quê hương đẹp nhất, sẽ còn sống mãi trong đời cháu.

Sáng sớm nhờ Trường chở thùng sách ra hãng gửi về Sài Gòn tôi đã muốn ghé bưu điện gửi cho chị Hà vài dòng điện tín báo tin tôi sẽ về chiều này. Cuối cùng lại thôi. Chẳng quan trọng gì một chuyện đưa đón. Một chuyến trở về không có một chút háo hức nào, tôi cảm thấy mình đang rớt xuống từ một độ cao ngoài sự ước lượng.

Khi bàn chân chạm xuống mặt thực tế chắc là sẽ đau đớn lắm, sẽ ê chề lắm đấy. Tôi nói với Trường vậy, buổi sáng chúng tôi ngồi chờ đợi cà phê ở một mái hiên trên phố. Mãi lúc ấy hắn mới biết là tôi có cái vé máy bay trong túi.

- Nhất định quay về ngay à?

- Còn gì khác hơn. Về và đợi một cái giấy gọi nhập ngũ cho xong.

Trường cười gằn: cho xong làm sao được. Chúng tôi chia nhau điếu thuốc duy nhất còn sót lại trong bao và buổi sáng đang vỡ đi những đám men lạnh lẽo chung quanh.

- Ngay sáng nay sao?

- Không, 5 giờ chiều.

- Cái thùng gì ở ngoài xe vậy?

- Mớ sách đem gửi xe đò. Bây giờ cậu cho ra hãng xe rồi sau đó đưa tớ đi một vòng nhỏ giã từ Ðà Lạt nhé.

Bến xe buổi sáng đầy tiếng người và tiếng động cơ, chúng tôi phải vất vả lắm mới kiếm được chỗ đậu xe để khiêng cái thùng sách nặng nề xuống. Trong khi tôi đứng đợi ghi một cái biên nhận thì Trường phóng xe đi tìm thuốc lá ở một nơi bán quen thuộc.

- Phải đúng nơi, thuốc mới thơm.

- Lúc nào mi cũng vậy thôi.

- Chờ chút đừng có biến đi xa nghe.

Trường vừa đi khuất, tôi nghe có tiếng con gái ngay sau lưng, khẽ gọi: Ông Huy. Không khỏi hoảng hốt khi tôi nhận ra đôi mắt kính trắng của soeur Catherine trong đám đông người chờ mua vé ngay sát đó. Bà ra dấu h nhuaaaong tay, cocho tôi lách khỏi đám đông. Sự xuất hiện bất ngờ của người nữ tu này làm tôi bối rối. Nhưng giáp mặt vơi một thanh niên ở nơi công cộng, hình như người nữ tu trẻ còn bối rối hơn.

- Ông về Sài Gòn bây giờ à?

- Thưa sơ, tôi chỉ gởi đồ thôi. Hình như sơ đang đợi ghi vé.

- Không đâu. Sáng nay tôi đi chợ với sơ quản lý. Hồi nãy thấy ông đi ngang mặt đã định gọi nhưng lại ngại. May quá còn có dịp gặp lại ông.

- Thưa sơ, chắc có chuyện gì quan trọng?

- Không, thực sự chẳgn có chuyện gì quan trọng cả. Nhưng…

Thấy người nữ tu quay nhìn đám đông tỏ vẻ ái ngại, tôi đỡ lời bà:

- Xin phép được mời sơ vào quán nước gần đây, có sợ bất tiện lắm không ạ?

- Thôi. Cám ơn ông - người nữ tu cúi mặt xuống trên những ngón tay mình, cuống quýt. Tôi chỉ muốn gặp ông để trao lại một mẩu giấy nhỏ.

- Của em Chi phải không ạ?

Trái tim tôi như vừa cựa mình lạ lùng trong lòng ngực. Hồi hộp đến nỗi khi đỡ lấy mẩu giấy xếp nhỏ từ tay người nữ tu đưa cho, những ngon tay tôi run trông thấy.

- Chuyện gì vậy, thưa sơ?

Người nữ tu mỉm cười trấn an tôi:

- Không có một chút gì gọi là quan trọng cả, ông Huy đừng lo. Ðây là mẩu giấy em Chi viết ngay sau khi tôi chuyển những thứ ông gửi vào cho em ấy, nghĩa là trước hôm mẹ em lên thăm một ngày.

Tôi định mở tờ giấy ra xem Anh Chi viết gì trong ấy, nhưng soeur Catherine đã vội đưa tay ra dấu ngăn lại, miệng vẫn giữ nụ cười hoa nhỏ:

- Tôi đề nghị với ông, đừng mỏ ra xem ngay mà hãy để dành sau một khoảng thời gian nào đó, nếu ông thích. Tôi tưởng tượng như thế sẽ thú vị lắm.

Có một tâm hồn đã đi gần bên thế giới mộng tưởng của mình, tôi nghĩ người nữ tu trẻ đang đứng trước mặt tôi, nếu bà không tự khoác vào những khăn những áo của đời sống tu trì, hẳn bà phải có một đời sống con gái thật lãng mạn. Tôi biết có những tâm hồn lãng mạn một cách dễ thương, đó cũng là một cách làm dáng cho đời sống.

Tôi bỏ mẩu giấy vào túi áo, lấy những ngón tay chặn lấy. Cám ơn soeur, tôi nói. Trước khi vội vã băng qua đường, người nữ tu áo xanh còn quay lại dặn tôi:

- Tôi mong ông sẽ để dành lâu được hơn một vài tuần.

Theo tiễn tôi ở phi trường là anh em Trường, dù tôi khẩn khoản với họ cách mấy để đòi được một mình như là khi đến. Chúc và Liên sửng sốt về chuyện tôi đột ngột dọn về Sài Gòn, họ trách tôi quá gấp gáp để chẳng kịp sửa soạn gì, ngoài một bó marguerite cắt vội ở vườn nhà họ cho tôi. Bốn giờ thành phố, tôi chỉ còn kịp quay nhìn lại ngọn tháp chuông nhà thờ Chính tòa trong bầu trời lắm mây trắng buồn tênh. Tôi nói thần: thèm nghe một tiếng chuông như tiếng chuông ngày chủ nhật quá Chi ơi. Ðến 5 gio, giờ hẹn của hãng hàng không bị lỡ, chuyến bay ở Sài Gòn vì lý do kỹ thuật nào đó không thể ra kịp, hành khách được hẹn chờ đến 7 giờ tối. Chúng tôi kéo nhau vào ngồi đợi trong câu lạc bộ của phi trường và gọi những thức uống. Chúc nói:

- Mong sao cho anh Huy lỡ tàu luôn hổng về được.

Trường nói:

- Dù sao thì hắn cũn đã có sẵn cái vé rồi.

Liên không đóng góp gì trong mọi câu chuyện, hình như nàng luôn tránh né, giới hạn đến cả những lần chạm mắt với tôi. Tôi có để ý như vậy nhưng mẩu giấy đang nằm trong túi áo mới là những quan tâm lớn đối với tôi. Suốt từ sáng tôi đã sống một đời sống riêng với mẩu giấy đó. Hình như nó là Chi. Em nằm trong túi ao tôi như một con gà con, em theo tôi từng bước và áp chặt vào ngực tôi để nghe rõ từng tiếng động của trái tim: từ nay anh nghĩ gì em cũng biết hết.

- Anh Huy ơi, bây giờ anh đưa em Chi đi đâu?

- Anh cũng không biết nữa.

- Và mai và mốt, rồi sao hở anh?

- Anh cũng không biết nữa.

- Sao đôi mắt anh buồn quá vậy?

- Ừ, anh buồn chết người. Sao em không nói gì với anh? Em đi, vô tình những bước chân không biết hẹn. Anh theo em, xưa còn những nôn nao rộn rã. Nay, như một ngọn lá trở về đất, xót xa vô vọng. Anh chả biết rồi mình sẽ đi đâu, bởi luôn mơ hồ trước mặt. Rồi anh sẽ còn theo em suốt cuộc đời này, Chi ạ.

Tôi nhắm mắt trong đêm tối bắt đầu sụp xuống ở chung quan. Tôi nhắm mắt để tưởng tượng tới mẩu giấy của em Chi viết cho tôi. Có chín chữ, soeur Catherine đã đếm, không biết em đã viết gì. Nói thương anh nha Chi. Thương anh như anh đang thương nỗi buồn này.

Hơn hai giờ ngồi đợi, tôi đã tưởng phải trở về thành phố đi chuyến bay ngày mai. Chúc kêu đó quá, thèm một cái gì bỏ bụng. Liên yên lặng chúi đầu trên một tờ báo. Tôi và Trường đốt nối tiếp những điếu thuốc. Cuối cùng máy bay cũng tới. Tiếng động cơ quạt gió từ xa dội lại như mang một tin mừng, đám hành khách ùa ra khỏi hàng hiên nhìn lên, thở mạnh.

Liên buông tờ báo:

- Trong đám hành khách đợi hôm nay, anh Huy phải là người bồn chồn nhất. Ðúng thế không ạ?

Dụi tắt đầu thuốc vào đế giày, tôi nhìn xuống những thứ xách theo, bắt chước lối nói chuyện của người con gái đã yên lặng nãy giờ.

- Vâng, đúng thế. Tôi chỉ lo đám hoa trắng này héo mất thôi.

Khoảng thời gian giữa hai chuyển bay, phòng đợi ồn ào mọi thứ tiếng động. Ðám hành khách mới tới và đám hành khách sửa soạn đi chen chúc nhau với những xách, những vali trẻ con. Trường đề nghị cả bọn kéo nhau ra ngồi ngoài sân cho dễ thở. Chúng tôi còn nói với nhau vài câu về trời đêm, thời tiết, những vì sao ở gần, hàng đèn sáng biền hai bên phi đạo và chuyện về một niên học sắp sửa.

- Cám ơn mọi người. Cám ơn Ðà Lạt. Không biết đến bao giờ tôi mới có dịp thăm lại tất cả.

Trừơng nắm chắc tay tôi:

- Vừa thôi, làm như xa xăm lắm vậy.

- Xa thì chẳng xa gì, nhưng đã bước sang một con đường khác thì dễ gì tìm lại được con đường cũ.

Chúc gỡ những thứ tôi vừa xách trên tay, đặt xuống:

- Bắt tay cái đã chứ, anh Huy.

Tôi nhìn đôi mắt Liên rưng rưng trong bóng tối.

- Chu

- Các cô học giỏi và xinh đẹp thêm mỗi ngày.

Mãi đến khi tôi vừa định quay đi, Liên mới nói vội một câu để tôi vừa đủ nghe:

- Cho Liên gởi lời thăm Anh Chi.

- Cám ơn Liên.

Tôi nối đuôi những người đợi bước lên phi cơ với một tâm trạng rời rã khó diễn tả. Khoảng thời gian ngắn chờ phi cơ rời phi đạo, tôi bỗng cảm thấy nhớ Anh Chi và những ngày chủ nhật quá đổi. Thế là mất hết. Mất hết Anh Chi và tôi. Mất hết một tuổi người thơ mộng. Cánh đồng cỏ đã cháy vàng, sẽ chẳng còn bước chân nào tìm lại. Nơi đây, quê hương mật ong của đời tôi , rồi chỉ còn mịt mù trong trí tưởng. Mịt mù Chi và tôi. Chín tầng thiên đường đổ xuống rồi tan biến. Yêu thương của chúng tôi biến thành một đám mây sống bồng bềnh trên trời, trôi mãi. Ðời sống không một ước hẹn.

“Vĩnh biệt tất cả”.

Qua ô cửa kính nhỏ, tôi chỉ nhìn thấy đêm. Và khi tiếng động cơ máy bay vừa bắt đầu rú lên thì tôi oà khóc nức nở trong hai bàn tay mình. Khóc đến mệt lịm người, tôi ngồi ngớ ngẩn nhớ Chi. Trong đời, tôi nghĩ không biết còn lần nào mình sẽ khóc nhiều như vậy. Một đứa con trai yếu đuối là tôi, không biết đến bao giờ mới trưởng thành được. Tôi khóc no hai mát, khóc đắng ngắt môi miện. Và chỉ trong chốc lát đầu tôi lại căng lên cơn nhức, khó chịu vô cùng. Chi ơi Chi ơi. Tôi gọi em, và khi máy bay đã giữ ở độ cao bình thường, tôi ngã người ra ghế ngủ được một chút. Trong giấc ngủ chập chờn đó, tôi như bắt gặp tất cả những hình ảnh quen thuộc của tôi ngày nào, cùng đôi mắt Chi. Ðôi mắt tròn to và ướt, em nhìn tôi là một câu nói ngọt ngào. Em thương anh nhất đời, anh ạ. Lúc tỉnh dậy, như một phản ứng tự nhiên, tôi đưa tay lên túi áo tìm mẩu giấy của Chi. Vẫn còn đó, mẩu giấy xếp vuông vức làm tư vừa bắng chiếc kẹo. Ðể dành khi về tới nhà. Tôi thầm nhắc mình vậy và nắm chắc mẩu giấy trong tay. Những hình ảnh một nơi chốn cũ trong thành phố đầy bụi bặm và căn phòng với nỗi buồn đã trở thành thân thiết. Tôi bắt đầu nhớ tới tất cả mội thứ trong phòng mình, rõ như sắp đặt ở trước mặt. Trở về với tất cả những thứ đó, với một khoảng tường rộng mà mỗi lần đẩy cửa vào là thấy nó trước hết. Tôi đã băn khoăn từ lâu, thắc mắc từ lâu là không biết một khoảng rộng như thế có nghĩa gì. Kỳ cục, suốt mấy năm thi tôi đã bị một cái thắc mắc mơ hồ ấy ám ảnh. Và kỳ cục hơn nữa, trong lúc này tôi lại chợt có cái cảm giác sợ hãi khi tưởng ra nó, một khoảng tường rộng bỗng rộng mênh như vùng trời trải ra trước mặt. Ơ kìa, tôi dụi mắt liền để cố đánh thức mình, tâm hồn bỗng lao đao, hồi hộp trong nỗi hỗi hộp đâu đâu. Chi ơi, Chi ơi. Tôi gọi em như một lời cầu nguyện ngọt ngào, thành kính. Hồn tôi trở thành quê hương của hàng trăm triệu quả chuông cùng rung lên một nhịp khua động khắp trời. Cửa trời rộng mở, bầy chim trắng vụt tung cánh bay cùng khắp.

“Có em ở trên đó không Chi?”
Tiếng tôi vang trong không trung. Chi hiện ra, cùng đôi mắt, mái tóc và chiếc khăn quàng màu đỏ trên vai em bay bay trong gió.

“Tới bên anh, em yêu dấu. Hãy ngồi xuống trên thảm cỏ xanh mộng tưởng của chúng ta, và ngả đầu trên vai anh…”

Chi chỉ nhìn tôi, đôi mắt em là cả một rừng cây đằm đằm yêu thương trong đó.

Chi theo đàn chim trắng bay mất, lúc cửa trời khép lại. Còn hai bàn tay tôi xòe ra ở trước mặt, mẩu giấy nhỏ vẫn nằm trong đó:

- Chủ nhật nhớ tới đón em nhé, anh Huy.