Chương 6


Trường nói hôm nọ nhìn thấy tôi ở trên phố đã định gọi, nhưng biết tôi đi với ai nên lại thôi. Ðám em gái Trường nhao nhao lên, cô ấy xinh lắm hoở anh Trường. Tôi vội vàng lên tiếng, em gái tôi đấy. Trường nheo mắt khi cúi đầu trên que diêm mồi thuốc. Liên và Chúc lại được dịp tấn công tôi, người em khác họ hả anh Huy. Và bấm nhau cười khúc khích, bọn này biết mà. Tôi chia một điếu thuốc với Trường, hắn lanh lẹ mồi lửa cho bạn. Bạn ta, lạ không ngờ đấy nhé. Tôi chậm rãi thả những ngụm khói lớn rồi nói với Trường, cậu kể đã nhìn thấy gì nữa, kể kỹ hơn đi. Có phải một cô bé đứng vừa tới vai, đi phố với một trái bóng đỏ trên tay. Cô bé hiện giờ đang ở trong nội trú, lúc này là mười giờ, chắc em đã bắt đầu ngủ ngon. Liên, Chúc la to lên: dễ thương quá, bao giờ anh Huy cho tụi em gặp mặt chị ấy với nhá. Tôi cười, người ta đứng tới vai tôi, sao lại gọi là chị. Chứ cô ấy bao nhiêu tuổi hả anh Huy? Mười ba tuổi rưỡi. Ồ! Cả Liên và Chúc cùng kêu lên. Trường chỉ nhìn tôi khó hiểu. Người con gái mười ba tuổi rưỡi, hẳn em đã bị giật mình trong đầu giấc ngủ đêm ấy, khi tôi nhắc tới em với một người khác. Thực sự tôi cũng chẳng muốn chút nào, để ai xen vào khuấy động trong thế giới của tôi và Anh Chi. Nhưng nghĩ rồi cũng chẳng giấu giếm gì được trước những con mắt mở lớn của thiên hạ, tôi cho rằng, biết đâu chả là một điều thú vị. Khi Trường gợi cho tôi nhắc tới Chi trước Liên và Chúc, ở nhà họ về tôi cảm thấy tiêng tiếc như bị mất mát một đièu gì mà mình giữ gìn, nâng niu từ lâu. Tôi có bị dằn vặt nhưng cuối cùng chính tôi lại muốn la lớn: Anh Chi dễ thương của tôi cần được khoe cho khắp thiên hạ biết. Tô đã nhận lời chủ nhật tới đưa em Chi tới chơi nhà Trường, vì chị em Chúc, Liên cứ nhất định đòi xem mặt. Tôi nói, cô ta bé bỏng lắm đấy nhé, nhát hơn thỏ. Chúc nói, bọn em không ăn thịt mất đâu mà anh sợ. Liên hỏi, cô bé tên gì vậy hanh Huy. Tôi với cây viết rồi viết lên tờ giấy trước mặt chữ A và chữ C hoa thật lớn rồi thêm vào sau những mẫu tự nhỏ đầy đủ một cái tên. Chị em Chúc, Liên kêu lên: ồ, một cái tên tuyệt đẹp. Cám ơn, cám ơn. Ðó là tên một loài hoa, loài cỏ hay tên một loài chim, một vì sao nào đó ở góc trời. Tôi xếp miếng giấy vừa viết lên những mẫu tự yêu dấu ấy thành hình một chiếc máy bay. Nhưng chiếc máy bay bằng giấy hình thù kì dị khi được phóng lên không chao lượn mà đâm thẳng xuống chỗ cất cánh. Tôi đưa cả hai tay vội chụp lấy, có lẽ đó là tên của một loài chim nhỏ đây. Con chim nhỏ bé của đời tôi. Sau đó là Liên và Chúc cứ nhất định đòi xem mặt cho bằng được, Anh Chi chắc phải xinh lắm, anh Huy mà giấu bọn này là xấu. Tôi cười cười, mời người ta tới nhà phải tiếp đãi nồng hậu đấy nhé. Chúc nhổm lên, miệng con nhỏ liếng thoắng, em sẽ trải lụa từ ngoài cổng vào tới tận nhà, rắc hoa kín lối đi. Ðừng đùa, người ta hay khóc, nói lớn là người ta cũng khóc chẳng ai dỗ được đâu. Mắt Liên longlanh, cô ta thật dễ thương. Dù sao cũng không dám hứa chắc với các cô chủ nhật tới, phải để “xin phép” người ta đã. Người ta không chịu thì khó lòng chiều được.

Hôm tết tôi định dẫn Anh Chi tới nhà bạn chơi nhưng em sợ không dám đi nên những ngày tết chúng tôi cũng chỉ quanh quẩn trong ngôi biệt thự rêu ẩm, cắn hạt dưa đỏ cả môi, chơi trò chơi ráp hình và nhìn ánh lửa lò sưởi lung linh trong mắt nhau. Cũng có một trò chơi ngày tết là cô Ngàn tìm được bộ bài tam cúc cũ đã bao nhiêu năm rồi chôn vùi dưới đáy rương quần áo. Chúng tôi chơi tam cúc. Tôi dạy Chi cầm bài xòe ra trên tay như quạt trầm. Tôi nắm tay em, đầu chúng tôi chụm vào nhau hạnh phúc. Tôi dạy Chi những quân Tướng Sĩ Tượng “ăn” những Xe Pháo Mã, những quân Tốt đen, Tốt đỏ cầm giáo xếp hàng thành “tứ tử”, “ngủ tử” để “trình làng”. Ðó là những ngày chúng tôi được quán quýt bên nhau thật hiếm quý. Hết ba ngày tết tôi đưa Chi trở lạị nội trú, cô Ngàn tặng chúng tôi chiếc khăn quàng cổ, công trình chăm chỉ của cô trong mấy ngày qua. Chiếc khăn quàng màu khói, dài tới ngoài hai thước, Anh Chi ôm đầy một lòng. Chiếc khăn quàn ấy chúng tôi đã quấn chung nhau trên quãng đường từ nhà tới Domaine mà hai đầu khăn chia nằm trên vai mỗi đứa. Lần ấy trở lại nội trú Chi khóc đẫm hai mắt, tôi đã sợ em đau. Những ngày ở gần em tôi đã để ý biết được, em vẫn thường bị giật mình và hay xúc động quá đáng. Ðiều này đã làm cho tôi xót xa như lần nghe em nói những hôm đầu ở đjay em không chịu nổi lạnh, máu đã ứa ra ở cửa mũi mấy lần. Có một sợi dây mơ hồ nào đã ràng buộc giữa tôi và em thân thiết đến thế, khi nỗi đau đớn đã được chia sẻ. Hay đúng là tình yêu, những ràng buộc giữa chúng tôi. Nếu là một sự thật, hẳn là chúng tôi đã có một lối hẹp, hẹp đến nỗi mà Chi phải đi trước và tôi theo sau mới vừa. Lối đi rẽ giữa những người thân, lối đi cô đơn, lạc lõng. Tôi đã linh cảm thấy gì? Và tôi khờ khạo hết sức, nước mắt xuống môi mình lúc nào không hay. Cũng là một nỗi nhớ. Buổi chiều tôi đã cúi xuống nói thần trên mái tóc Chi trước khi xoay lưng trở về: Rồi anh sẽ tha hồ mà nhớ em, suốt một tuần.

Chủ nhật tôi tới đón Chi, vẫn là kẻ sớm nhất đã tới nội trú, sương mù còn dày đặc ở những con dốc thưa vắng. Chi gặp tôi, đôi môi xám ngắt. Hai đứa không cười nổi với nhau một nụ tươi. Tôi chi một đầu chiếc khăn quàng qua vai Chi và cố nói thật to cho ấm được một chút.

- Chi ơi, hôm nay bọn mình tới nhà Trường nha.

Chi đi sát vào người tôi:

- Trường nào ạ?

- Ông bạn mà hồi tết anh rủ Chi không chịu đi đó.

- Thôi, em sợ nhà người lạ lắm.

- Lạ gì, bạn anh mà.

- Thôi, em sợ lắm.

- Sợ gì nhỉ?

- Nhà ông ấy đông người không anh?

- Có hai cô em ông ta hỏi thăm Chi hoài.

Chi giật mình:

- Sao họ biết em?

- Anh nói.

Chi phụng phịu:
- Anh Huy nhiều chuyện ghê.

- Ðâu có, tại hôm nọ Trường thấy bọn mình cầm bong bóng đi phố chứ bộ.

Chi “vậy hở” làm tôi yên tâm. Chi có những điều không ngoan nho nhỏ thật đáng quý mà tôi sợ có thể mình vô tình đến đáng tiếc. Cũng như cái trí nhớ cỏ non của tôi vẫn thường là điều đáng tiếc.

Tôi kêu một chiếc taxi, sau khi hai đứa đã ăn sáng dọc đường, nơi gốc cây thông già đốn ngang mà chủ nhật nào tôi đã kể chuyện công chúa Sissi cho Chi nghe. Tôi nói, trông Chi như một con sóc. Hai con sóc ngậm hai khúc bánh mì và hai con sóc chui vào chiếc taxi màu đen. Chúng tôi chu miệng sóc nói chuyện với nhau.

- Em Chi là con sóc em.

- Anh Huy là con sóc anh.

- Coi chừng con sóc anh cắn con sóc em bây giờ.

- Coi chừng con sóc em khóc to bây giờ.

Ông tài xế taxi xoay chiếc kính chiếu hậu cười chung câu chuyện của chúng tôi, miệng ông ngậm cái ống “pip” thật lớn phì phà hơi ấm cho ha hành khách nhỏ. Tôi chỉ Chi nhìn vào tấm kính xe để thấy hình hai đứa in trong đó, Chi hơi ngượng, đôi má em ửng đỏ. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi bỗng dưng thèm một tấm hình chụp giống một tấm hình nào đó, mái tóc của người con gái ngả trên vai người con trai. Ðiều này làm tôi muốn lịm đi trong cơn say bất ngờ.

Chiếc xe đi qua con đường trước cửa Bưu Ðiện, ngang qua nhà thờ Chính toà, rồi đổ xuống con dốc bờ hồ vòng lên đồi khu Ðại Học. Khi bước xuống xe thì chúng tôi đã quên mất những câu chuyện vui vẻ của con sóc anh và con sóc em ở bên những gốc thông và suốt quãng đường. Tôi chỉ cho Chi xem ngôi nhà có nhiều hoa mimosa vàng nằm trên lưng chừng con dốc.

- Nhà bạn anh đó.

Chi hơi vẻ ngại ngùng khi đi bên tôi. Thật tiếc là chúng tôi đã không có hai trái bóng bay cầm trên tay để tung tăng những bước chân vô tư như buổi chiều ở trên phố. Làm sao mà mua lại được những trái bóng hồn nhiên ấy để cầm trên tay cả đời, để lúc nào cũng như cảm thấy chân mình lướt trên mặt đất. Thiên thai ở một cõi, ở một góc đời sống mình. Những đêm khuya ngồi lặng thinh tôi vẫn thường dẫn Chi đi dạo chơi khắp nơi trong trí tưởng tôi. Ở đó tôi có một đời sống riêng, căn nhà tôi dựng lên để sống với Anh Chi. Ở đó tôi đã trú ngụ, như được tách riêng ra một góc đời mình. Anh Chi và tôi và một thế giới không tưởng.

- Chi này, rồi hai trái bóng hôm đó đâu rồi.

- Em về buộc ở đầu giường bị tụi bạn cắt dây cho nó bay lên trần nhà, sáng hôm sau ngủ dậy em thấy nó dưới chân giường mình. Nó xẹp hết bay nổi anh ạ. Tụi bạn em xấu ghê.

- Phải cám ơn bạn em mới đúng.

- Sao vậy?

- Này nhé, vì nếu chúng không cắt cho trái bóng bay lên thì khi đêm em ngủ quên trái bóng sẽ kéo cả giường, cả em bay lên trời luôn. Em cứ thử tưởng tượng xem: hai trái bóng cột hai đầu giường và một cô bé vươn vai thức dậy trong buổi sáng, đôi mắt ngỡ ngàng thấy mình đang lơ lững trên không.

Hai hàng mi Chi chớp chớp:

- Dễ thương ghê. Anh Huy kể tiếp đi, rồi sao nữa anh?

- Tôi hướng câu chuyện chiều theo ý Chi, thay vì nói rằng như thế anh sẽ mất em Chi.

- Cô bé dễ thương lắm kìa, thay vì khóc nhè thì cô ta lại quỳ lên đầu giường, hai tay chống lên cằm nhìn ngắm những cụm mây trắng trôi lơ lửng chung quanh. Này nhé, cô ta mặc chiếc áo ngủ in hình những bông hồng nhỏ li ti chùng tới gót chân, có cả cái xây ren trắng ở trước ngực nữa nè, y như Chi vậy. Mái tóc cô ta có vài sợi lòa xòa trước trán và cả mái tóc đằng sau bị vén nhẹ lên bởi những cơn gió. Ôi, những sợi tóc mai trên gáy nõn nà dễ thương... và còn dễ thương hơn nữa kìa. Chi biết cô bé nói gì không?

- Anh kể tiếp đi anh, cô bé nói gì ạ, chắc cô bé nói chao ơi nhớ mẹ quá hở anh?

- Không. Cô bé nói, chà, bây giờ ta thèm một ly sữa. Và tức thì có một ly sữa nóng mang đến từ một cụm mây đậu ngay bên đầu giường. Cô bé cầm ly sữa bằng cả hai tay, hai bờ mội ngậm trên miệng ly sữa, xong một bữa điểm tâm. Cô bé bắt đầu ca hát cùng với nắng nhảy múa trên các cụm mây. Bài ca của cô bé như thế này: Ta là Công Chúa Hồn Nhiên, tung tăng tháng ngày trên những phiến mây hồng. Chân tao là gió, mắt ta là sương, và tâm hồn ta là những vì sao. Hỡi kẻ lãng tử đang lần mò trong đêm tối tăm của trần gian, hãy hát lên cùng ta... Ta là Công Chúa... Ca hát suốt một buổi sáng thấy mệt. Cô bé kêu lên: Chà, ta buồn ngủ quá. Tức thì những cụm mâk gần đó kéo nhau phủ đầy quanh giường của cô ta. Cho đến chiều lúc tỉnh dậy, em biết cô bé thấy gì không?

- Một ly sữa khác chăng?

- Lầm rồi, cô bé chỉ cần uống một ly sữa cho một ngày thôi. Vừa mở mắt ra cô bé đã thấy một con chim bồ câu trắng đậu ngay trên đầu giường.

Chi tròn mắt kêu khẽ:

- Dễ thương quá há anh.

Ðó là buổi chiều. Buổi chiều thật êm đềm bên một bạn mới. Thoạt tiên thế này, cô bé mở mắt và chớp mắt mấy lần khi thấy Bồ Câu Trắng. Cô bé không dám cử động mạnh vì chỉ sợ bạn có cánh bay đi mất. Trỗi dậy rất nhẹ nhàng, cô bé nhổm người lên và với những động tác rất chậm, rất rụt rè, cô bé đưa những ngón tay trên thành giường, đến dần chỗ Bồ Câu Trắng đang đậu. Bồ Câu Trắng chỉ giương to đôi mắt nhìn cô bạn thôi. Mỏ bồ câu đỏ, đôi chân bồ câu cũng đỏcòn toàn thân thì trắng toát như một nắm bông gòn. Ðến khi một ngón tay của cô bé chạm nhẹ vào chân của Bồ Câu Trắng thì Bồ Câu Trắng khẽ cúi đầu xuống như chào cô bé. Ðây là cuộc đối thoại giữa đôi bạn nhỏ.

- Chào Công Chúa Hồn Nhiên.

- Chào em Bồ Câu Trắng.

- Em có lắng nghe chị hát ban sáng. Em chưa từng nghe một giọng hát nào ngọt đến thế. Chị dễ thương quá.

- Em mới thật là dễ thương. Có phải em đã được đi khắp nơi?

- Em đã được đi khắp nơi nhưng em chưa bao giờ thấy có một nơi nào đậu êm ái như cái nơi chi đang sống.

- Em thật dễ thương, Bồ Câu Trắng ạ. Ôi những cánh mịn màng của em, ước gì chị được ôm em vào lòng.

Cô bé muốn là được chiều ngay. Ðó là một hình ảnh tuyệt vời, người con gái nhỏ và chim bồ câu trắng.

Rồi chuyện của ly sữa và những khúc hát, chùm bong bóng bay và chiếc giường như một chiếc nôi mây trắng lờ lững trong không trung, tất cả tan biến mất trước cổng nhà có mimosa vàng trên lưng đồi.

Tôi nói với Chi:

- Ðừng sợ gì nhé, phải nhớ là có anh Huy luôn luôn bên cạnh.

Chi vâng nhỏ. Cả hai chúng tôi cùng giật mình ngước lên. Chúc đang ở trên ban công trước nhà, ý chừng nàng đã đợi từ sớm, khi nhìn thấy chúng tôi, nàng reo to lên:

- Chị Liên ơi, công chúa tới.

Họ làm chúng tôi hơi ngượng. Dù đã quen thuộc với chiếc cổng, với vuông sân nhà bạn nhưng bỗng dưng tôi thấy lạ, thấy bối rối, Chúc ở trên lầu chạy xuống, Liên ở trong nhà bước ra ríu rít:

- Bọn này dậy từ chuông lễ nhất để đợi.

- Ðã tưởng anh Huy không dẫn công chúa đi được chứ.

- Anh Truưoờng hồi nãy rủ lên phố ăn sáng mà hai đứa không chịu đi chỉ sợ lỡ mất.

Tôi đưa một ngón tay lên ra dấu cho hai người con gái nhớ lời dặn, em tôi mỏng như trứng coi chừng em nhè bây giờ đấy. Tôi nói với họ:

- Ðây là người mà Trường đã thấy đi với tôi trên phố.

Quay sang Chi tôi cũng làm một cử choỉ kh’ach sáo giới thiệu:

- Ðây là Liên và Chúc, em của Trường, bạn anh.

- Chi lí nhí chào hai người. Bốn con mắt chị em Chúc nhìn Chi không chịu chớp. Và Liên bỗng kêu lên với Chúc:

- Mi quên gì rồi?

Ðược nhắc, Chúc giật mình:

- Một chút nữa thì quên, hai người đứng yên đợi Chúc, đừng bước vào vội nhé. Vừa nói Chúc vừa chạy nhanh vào trong, lúc sau nàng ôm ra một bó marguerite còn nguyên những giọt nước bám đầy trên cánh hoa trắng, như mới vừa cắt ở vườn nào về.

- Ðây là những bông hoa trắng đầu tiên nhà Chúc trồng được.

Tôi phải đỡ giùm bó hoa cho Chi. Chúc nheo mắt nhìn tôi, Liên mỉm cười nhìn tôi. Cám ơn hai người. Cám ơn những người đã cho tôi những đóa hoa hạnh phúc nhỏ mà chẳng bao giờ tôi tưởng tới. Anh Chi và những bông cúc trắng của buổi sáng chủ nhật, em thật dễ thương bên tôi.

- Hai người định sửa soạn đi đâu phải không Chúc?

Chúc vẫn tíu ta tíu tít chuyện:

- Bọn này có chương trình đàng hoàng. Trước là diện vào đón khách...

- Chà quý hóa quá nhỉ. Còn sau đó?

- Bọn này định đi picnic, mời hai người tham dự luôn.

Tôi khẽ nhìn sang Chi:

- Còn tùy.

Liên và Chúc bấm nhau cười nhỏ.

Liên nói:

- Anh Huy hạnh phúc nhỉ, đã có người để nhận chỉ thị.

Tôi suỵt Liên:

- Nhảm nào.

Liên giơ một ngón tay:

- Chối nhé.

Tôi trừng mắt:

- Ðừng có lộn xộn.

Liên cười:

- Lại chối nữa nhé.

Tôi gây bừa:

- Rồi có sao không?

- Còn sao nữa, khi người ta nhất định chối là người ta đáng để nghi ngờ.

Nói rồi Liên và Chúc khúc khích cười với nhau khiến tôi nóng bừng mặt. Tôi được họ đặt đúng vị trí của người con trai đứng bên người con gái theo ý họ. Ngượng cũng có và tôi đã sợ là họ có thể sẽ gây hoảng hốt bất ngờ cho Chi. Ðiều mà tôi không muốn một chúc nào hết, lúc nào đó Chi sẽ mất tự nhiên khi đứng bên tôi.

Tôi xoay hẳn câu chuyện đi một lối khác, hỏi Chúc:

- Trường đâu hở?

- Anh ấy lên phố uống cà phê, hẹn trở về ngay.

Ngay lúc ấy tiếng xe của Trường vừa về tới, hắn nhấn còi khi vào cổng. Vừa bước xuống xe, Trường ngửa mặt lên trời kêu to:

- Bạn ta!

Hắn lúc lắc cái đầu tóc bờm xờm sau khi ném tới tôi một cái nhìn, như một lần nào đó, thật khó hiểu.

Tôi bắt tay Trường:

- Sao, những khuôn nhạc kẻ xong rồi chứ?
- Xong. Ta mới kiếm được một tay kẻ nhạc tài hoa lắm.

- Ðịnh đến bao giờ thì bắt đầu in?

- Có lẽ phải xoay tiền đủ đã. Cậu có quen nhà in nào ở Sài Gòn?

- Một vài nơi nhưng thường lắm.

- Cậu biết bổn phận của cậu rồi chứ ?

- Ðể liên lạc với họ xem sao.

- Chưa nói tới chuyện đó, tôi muốn bạn ta lo giùm cho cái bìa.

- Gì chứ chuyện đó bạn muốn là có ngay.

Cười vui vẻ với Trường, tôi chợt nhớ để Anh Chi đứng với Liên nãy giờ. Hai người con gái vây lấy Chi để hỏi chuyện:

- Cái khăn của Chi đẹp quá.

- Mái tóc của Chi dễ thương quá.

- Chi có hay về Sài Gòn không?

- Chi thích ăn gì nhất?

Tôi la lên:

- Bắt nạt em tôi vừa thôi chứ.

Tôi trở lại mặt Chi xị xuống, khẽ nhìn trách móc, vậy mà Huy bảo không rời em nửa bước. Cái miệng Chúc oang oang:

- Em đang thuyết phục công chúa của anh đi chơi với bọn em.

- Kết quả ra sao?

- Công chúa nói để hỏi anh Huy.

Liên tủm tỉm cười:

- Hạnh phúc ghê, người ta sống để mà xin phép nhau.

Tôi vội nhìn Liên một cái đầy dọa nạt, vừa thôi nàng ơi, đừng đầu độc tư tưởng thủy tinh của người ta chớ.

- Các cô bắt nạt em tôi hoài.

Trường vác cây đàn guitar rất là lãng tử từ trong nhà bước ra:

- Chương trình tới đâu rồi. Huy dẫn Chi đi chơi với bọn này chứ?
Chúc nhanh miệng:

- Xin một phút để người ta còn xin phép nhau đã.

Tiếng cười tung lên giữa sân, nở rực giữa đám hoa vàng trên lối đi. Tôi và Chi theo anh em Trường vào nhàn, dù sao thì cũng mời quý vị vào nhà chơi đã. Chúng tôi được coi như hai người khách trịnh trọng. Nơi phòng khách, tôi để ý hình như có sự sửa soạn của bàn tay chị em Liên. Ðám sách báo gọnghẽ khác thường ngày, bình cẩm chướng đủ màu ở trên bàn, những chiếc gối màu đặt ngay ngắn trên salon. Và thật là tinh nghịch, Chúc leo lên chiếc ghế dùng ngón tay gạt chiếc đồng hồ đang từ hơn chín giờ tới đúng mười giờ để phát ra một giọng chim gáy “cúc cu, cúc cu” làm cả bọn phải bật cười.

Liên hỏi:

- Chắc anh Huy chưa ăn sáng.

- Hồi nãy mỗi đứa có gặm một khúc bánh mì ở dọc đường rồi.

Chúc pha mỗi người một ly sữa nóng. Tôi chợ nhớ tới ly sữa và những trái bóng bay, chiếc giường và cô bé thức dậy trong buổi trong buổi sáng lơ lửng trên không trung. Tôi nói và chỉ Chi mới hiểu, hai đứa nhìn nhau cười:

- Chà, lại thèm một ly sữa.

Liên nói:

- Hôm nay nhỏ Chúc nó ngoan ghê vậy đó anh Huy, bởi vì hắn ít khi đợi ăn sáng với mọi người.

Chúc ngậm miếng bánh mỏng trong miệng.

- Anh Huy thấy hôm nay em trịnh trọng lắm đấy chứ. Vì thế anh cũng không được quyền từ chối lời yêu cầu đi chơi với bọn này nghe.

Tôi nghiêng đầu nói với Chi:

- Ði nhé Chi.

Chi nhìn tôi ngập ngừng một giây rồi đáp:

- Vâng.

Trong năm người Chi bỗng trở thành một nhân vật quan trọng. Chúng tôi cùng đổ dồn mắt vào chờ đợi Chi “vâng” một tiếng nhỏ. Thế là chúng tôi có một buổi sáng chủ nhật ở ngoài trời. Trường đã sẵn sàng đợi ngoài xe hối Chúc và Liên sửa soạn mau mau giùm.

- Ðợi các cô chải xong tóc, vẽ xong cái mặt thì trời mưa to ở nhà là vừa.

Ngoài sân trời mưa hạt nhỏ. Trường chui vào trong xe gẩy đàn phừng phừng hối thúc. Tôi lo ngại hỏi Trường:

- Liệu trời mưa to không?

- Nắng mưa là bệnh của trời, biết sao được. Có thể lát nữa nắng không chừng. Ông trời ở đây ho hen cảm cúm luôn.

Lúc Chúc và Liên sửa soạn xong ra xe thì mưa dứt hạt. Mưa không kịp ướt đất. Mưa chỉ là đám bụi nhỏ rắt tặng những cành lá những cánh hoa vài giọt nước ngọt ngào rồi nắng lại lên, trải những sợi vàng trên các ngọncỏ. Nắng quý hóa như hơi thở ấm áp gần nhau, sưởi ấm nhau. Chúc và Liên ném lại những áo khoác, những dù che.

Nhí nhảnh trong chiếc pull vàng ôm lấy người, giọng con gái Chúc vừa vỡ tiếng:

- Anh Trường thấy không, khi em vừa ra khỏi nhà thì trời bắt đầu nắng.

Trường nói với tôi cho mọi người cùng nghe:

- Cậu nhận ra không, chúng ta vừa có một nhà thơ nữ.

- Câu thơ ấy đáng cho cậu phổ thành mười bản nhạc. Khi em vừa ra khỏi nhà thì trời băt’ đầu nắng trên áo. Em mang nắng vào đời. Em mang nắng đi dạo phố phường...

Liên chen vào:

- Hay tuyệt. Anh Huy cũng là một nhà thơ nhà thơ lớn nữa.

Vài ba thứ lỉnh kỉnh được dồn lên xe. Tôi đã ngồi băng trước với Trường để chi ngồi băng sau với Liên và Chúc nhưng bị cả hai phản đối.

- Không thể được đâu anh Huy ơi.

- Anh phải ngồi với người ta chứ.

Chi hiền như một con búp bê để mọi người chiều chuộng. Em chỉ nhìn tôi thôi. May quá mọi người cũng biết giùm tôi những gì tôi phải làm. Liên đổi chỗ ngồi sau với Chi, nàng luôn thích cột bóng bay vào lời nói:

- Có khi người ta mất cả đời để chuộc một chỗ ngồi bên nhau cơ mà anh Huy, sao lại để lỡ.

Tôi cũng bắt chước nàng cột một cái bóng bay theo.

- Neếu thế thì có thể tôi cũng bắt đầu với phần đời còn lại của mình đấy cô Liên ạ.

Trường lao vút xe xuống con dốc, cười thích thú:

- Không ngờ xe ta hôm nay hội ngộ nhiều thi sĩ lớn.

Chúc đập tay vào mặt đàn:

- Và một nhạc sĩ lớn nữa chứ.

Cô nhỏm lên khi nhớ ra điều phải hỏi Trường:

- Anh Trường có mang theo máy hình đó không?

- Có đây.

- Tốt quá, hôm nay anh phải dạy em chụp hình mới được. Anh Huy biết không, anh ấy chụp hình cho bao nhiêu là cô gái, phóng lớn bằng cái mặt bàn tặng thiên hạ ầm ầm, thế mà mấy đứa em gái năn nỉ muốn hụt hơi anh ấy cũng chẳng chịu chụp cho một “pô”.

- Ðừng có xạo quá nghe nhỏ.

- Thì xạo vừa thôi, xạo như anh hứa suông hoài. Em không biết, bữa nay anh phải dạy em chụp hình.

- Ðể mai mốt đi, ta đang dở dang cuộn phim.

- Em không biết.

- Cứ biết đi.

- Anh phải giữ máy cho kỹ, em báo trước là em sẽ phá hư ráng chịu đó nghe.

- Ðừng đùa.

- Cứ đùa.

- Ðừng bướng.

- Cứ bướng.

Liên lên tiếng:

- Tôi làm trọng tài. Thôi xin huề đi hai người. Hôm nay chúng ta có khách mà.

Thỉnh thoảng tôi thấy đôi mắt Liên trong tấm kính chiếu hậu. Tôi nhận ra nàng có vẻ mang nhiều thay đổi so với lần trước, cách đây ít tháng. Tôi đã tới nhà nàng trong những ngày cuối của mùa hè khi vừa thi xong. Dạo ấy nàng nói chỉ thèm mặc có một thứ áo dài trắng đi học. Nàng cười nói luôn miệng. Và thỉnh thoảng tôi cũng thấy nàng khóc khi hốt hoảng quá một điều gì, như vừa lỡ tay đánh vỡ một chiếc ly chẳng hạn. Người con gái đơn sơ đến thế. Dăm bảy tháng sau, tôi thấy nàng lạ hẳn. Từ cách ăn mặc đếncách xếp đặt câu nói, đều chứng tỏ tâm hồn đang có những biến đổi quan trọng. Duy có mái tóc nàng vẫn ưa lối “tết” lại thành một sợi bỏ về phía sau. Lối chải tóc ấy mà một lần tôi nói, trông Liên lãng mạn hết sức. Liên bắt tôi giải thích nhưng tôi không diễn tả được tại sao tôi lại nghĩ như thế. Có những điều ta bất chợ nhận thức được, khó mà giải thích nổi. Chẳng lẽ tôi nhắc tới những sợi tóc mai mềm mại trên gáy ngà của nàng khi cả mái tóc được vén gọn lại, kẹp cao lên.

Tôi vẫn nhìn vào tấm kính xe, nói:

- Thay mặt khách quý, tôi cám ơn cô Liên.

Liên vẽ tay lên mặt kính bám hơi nước:

- Ông lấy tư cách gì mà đại diện?

- Người hầu cận, kẻ dẫn đường.

- Vậy thì ông dẫn đường nè, ông phải hãnh diện là có một cô chủ rất là dễ thương.

- Cám ơn. Tôi quay sang nói chuyện với Anh Chi:

- Anh Chi là cô chủ nhỏ của anh, bằng lòng không?

Chi không nói, chỉ ngả đầu vào vai tôi. Chúng tôi ra khỏi thành phố chừng mười phút đường Trường mới nghĩ tới là sẽ ngừng ở đâu. Chương trình của các cô ra sao đây?

- Trại Hầm đi anh Trường.

- Xa quá xa.

- Vòng về Valleé d’ Amour nghe.

- Không ham chút nào hết, chọn nơi khác đi các cô.

Liên đập khẽ vào vai Trường, hồi nãy em quên mất, đáng lẽ mình phải ghé rủ Miêu Miêu đi cùng. Trường nheo mắt trong tấm gương chiếu với Chúc nói rằng, các cô, các cậu nghe nói “thung lũng tình yêu” tưởng thơ mộng lắm, tới rồi thấy sản. Ấy thế mà vẫn cứ thích nhắc tới. Ðặt chân tới đó mà không phải là tình nhân thì coi chừng đấy.

Chúc ngây thơ hỏi:

- Coi chừng sao anh Trường?

- Sẽ bị đọa đày.

- Ðọa đày sao?

- Trời phạt sống cô đơn suốt đời.

Chúc bĩu dài môi:

- Anh xạo. Bộ tới đó ngắm thiên hạ không được sao.

- Cấm, nơi đó chỉ dành cho những người yêu nhau. Thế giới của những người yêu nhau.

Chúc cười, mắt long lanh. Anh Trường làm em nhớ ông nhà thơ nọ kể huyền thoại Lang và Biang, đôi tình nhân khóc nước mắt chảy thành hồ, voi phục thành núi.

Liên lên tiếng:

- Nhưng chúng ta đi ké thiên hạ được không?

- Ði ké là đi làm sao?

Liên liếc tôi, đuôi mắt sắc:

- Thí dụ như có đôi tình nhân nào đi thì mình đi theo.

Trường cười, điều đó thì không biết. Tôi ngượng lắm nhưng làm như chẳng để ý gì đên câu chuyện của họ. Chúc cũng vậy, con bé chồm lên tay lái nhận còn inh ỏi khi có con bò băng qua đoạn đường trước mặt. Con bò nghe tiếng còi hay không, nó vẫn đủng đỉnh đi ở giữa đường. Trường phải vội lách xe sát vô bờ cỏ. Hắn ló đầu ra mắng mỏ con vật:

- Ngu như bò.

Cả bọn cười, tạm ngắt câu chuyện đang nói. Co đi đâu chăng nữa thì tôi vẫn là Huy, rất mơ hồ khi ở bên Anh Chi. Rất mơ hồ khi nghĩ đến tình yêu. Hôm nay, ta đang sống ở một góc bé mọn của quả địa cầu mà mọi phức tạp nhất cũng có thể xảy ra. Ta như một dấu chấm (đôi khi là một dấu chấm than muộn phiền). Nhỏ, rất nhỏ mà tưởng như là có thể tách biệt ra được. Và tình yêu, tất cả những ngang trái éo le, sẵn có tự bao giờ, chưa bao giờ lại phức tạp đến thế. Trong cơn lốc, có vật nào nhỏ lại không bị cuống hút theo. Trong cơn lốc của mọi thứ tiếng động đang vây quanh, chúng tôi là nạn nhân thảm hại. Thiên đường trăm triệu lối thênh thang, nhất định tôi phải tìm ra được một lối riêng cho tôi và Anh Chi. Cứ gì phải là tình yêu. Thiên đường có thể sẽ mang một tên nào đó. Thiên đường Anh Chi chẳng hạn. Thiên đường của những tâm hồn dễ thương. Thương yêu nhau hồn nhiên như cây cỏ, trong suốt như thủy tinh.

Khi phải lách vào bờ cỏ để tránh con bò, Trường đậu xe luôn ở lề đường, hét lớn:

- Giải quyết đi chứ.

Liên quay lại phía tôi và Anh Chi:

- Thôi, để tùy nhị vị khách quý của chúng ta vậy.

Tôi hơi ngả đầu sát đầu Chi, cười nhỏ:

- Chúng tôi muốn lên trời.

Lên trời mà không có cánh. Tôi trách Liên,thật buồn cười khi một hướng đạo sinh phải nhờ một người khác dẫn đường. Liên lên tiếng xin lỗi rối rít. Cuối cùng Liên, Chúc và Trường đã thoả thuận với nhau được một nơi sẽ đưa chúng tôi tới. Ðó là trang trại của ông chú ở xa vùng ngoại ô, tới cả một giờ đường dốc. Chi say xe, mặt tái mét. Lúc bước như muốn không vững. Chúng tôi phải đi bộ một quãng ngắn trước khi lọt vào một cái cổng xây cầu kỳ qua một con mương nhỏ. Căn nhà lợp tôn đỏ nổi bật giữa vùng cây cối xanh trông như một cái chuồng bồ câu khi đứng ở xa. Chỉ khác là các cửa đóng kín.

Liên nói:

- Không chừng ông chú hào hoa nhà mình hôm nay chủ nhật lại nổi hứng bò về Sài Gòn rồi.

Tiếng chó sủa từ phía nhà chòi ở góc vườn. Con chó lớn như một con ngựa nhảy xổ ra. Chúc reo lên:

- Chú Thuyên có nhà mà.

Người đàn ông khoảng chừng năm chục, dong dỏng cao, đôi mắt bò rậm trên mép mà Chúc gọi là chú Thuyên. Ông lừng khừng từ trong nhà chòi bước ra với điều gì gà lớn ngậm lệch khóe miệng.

- Ðã lâu lắm mới nhìn thấy các cháu.

- Sợ làm phiền chú đó chứ. Bọn này bảo nhau, dám ông chú bay bướm nhà mình dọn về Sài Gòn cũng nên.

- Vài tháng trước đây thì có thể nhưng bây giờ chú tu rồi.

Người đàn ông cười với đám khói thuốc. Trường nói chú tu thì tận thế tới nơi. Chúc cười phụ hoạ, chú tu với ai đó chú. Liên nói, cháu nghi ngờ nhà đạo diễn quá, thế người đẹp liêu của chú giấu đâu rồi?

Chú Thuyên hỏi:

- Nhỏ Liên bữa nay không dắt theo cô bạn nào sao?

Chúc và Liên cùng la to lên. Trời ơi, thế mà chú bảo tu. Tu kiểu chú thì lên thiên đàng cả giường lẫn chiếu. Tôi và Chi được Trường giới thiệu với chú Thuyên, ông nhìn chúng tôi với đôi mắt quan sát kỹ lưỡng. Trường nói với tôi:

- Ðây là nhà đạo diễn của chục cuốn phim sắp chiếu đó cậu, ghê gớm lắm. Nhưng kẹt là nhà đạo diễn khó tính quá nên chưa kiếm được tài tử nào ăn ý cả.

Chúng tôi được đưa vào trong nhà chòi. Lối nhà hình tròn, mái lợp tranh với những bờ tường thấp vây bằng mây và những bàn ghế cũng được làm bằng mây. Một tủ rượu đầy nhóc xếp ở góc. Vài ba tấm hình cưỡi ngựa, chắc hẳn là hình chú Thuyên, treo bên những lẵng lan rừng. Chú Thuyên đến ngồi ở chiếc ghế cao bên tủ rượu, con chó đi một vòng ngửi chân tất cả mọi người rồi nằm ghếch mõm dưới chân chủ.

Chi khều tay tôi nói nhỏ:

- Em sợ quá anh ơi.

- Sợ gì hả?

Chi khẽ nhìn về phía người đàn ông đang ngồi bên tủ rượu:

- Ông ấy cứ nhìn em chằm chằm nãy giờ, đôi mắt dễ sợ ghê đi ấy.

Tôi cười, nắm lấy tay Chi:

- Kệ ông ấy. Anh lại sợ con chó kia kìa, nó lơn như một con ngựa con.

Câu chuyện giữa mọi người làm ngắt câu chuyện nhỏ của tôi và Chi, Trường hỏi với nụ cười giễu cợt của hắn:

- Cuốn phim đầu tay của chú khởi quay chưa hở chú?

Chú Thuyên mắt vẫn không rời phía chúng tôi. Ðôi mắt như một ống kính thu hình, chú nói:

- Còn kẹt vấn đề chọn vai chính. Chú vừa mất mấy trăm thước phim để quay thử. Rốt cuộc vẫn thất bại nên còn chờ.

Chúc nhanh miệng:

- Ðể bọn cháu bỏ học đóng phim cho chú nha.

Liên hỏi:

- Chú cần chọn tài tử theo kích thước, tiêu chuẩn nào để cháu giới thiệu cho chú. Trong trường cháu có khối đứa ham đóng phim, cháu chỉ khẽ hô một tiếng là tha hồ cho chú chọn.

Chú Thuyên dụi tắt đầu thuốc vào gót giầy rồi lui cui tìm rượu, rót vào một ly cổ cao cầm trong tay ra vẻ trầm ngâm:

- Có ông bạn nhà văn vừa trao cho chú một cốt truyện vô cùng lạ lùng. Nhất quyết chú phải thực hiện cho bằng được cuốn phim này chiếu vào năm tới, hạ gục tất cả những phim Việt Nam từ trước tới giờ. Hiện nay chú đang cần một nữ diễn viên. Một nữ diễn viên lạ lùng cho một cuốn phim lạ lùng.

Nói rồi ông dốc cạn ly rượu một cách ngon lành. Liên nói, trông chú bảnh trai thế kia mà cứ nhất định ế vợ. Chúc đong đưa chân trên chiếc ghế cao cạnh tủ rượu bất chợt với tay vuốt hai mép râu ông chú già cười khúc khích, có lẽ đã khối kẻ mê chú vì bộ râu này. Trông chú giống Doctor Jivago ác ôn.

Rồi trời mưa, đám mây đen từ đâu đó về đậu trên đầu chúng tôi. Những hạt mưa tròn to rơi trên mái tranh. Cả bọn nhìn nhau. Trường kêu:

- Uổng quá, hôm nay tưởng được chú cho cưỡi ngựa. Sao cháu mê cưỡi ngựa qua.

Chú Thuyên rời tủ rượu, đứng thọc sâu tay trong túi quần nhìn lên trời:

- Mưa hương mưa hoa vậy mà, tạnh bây giờ đấy. Nhưng nếu cháu thích thì cưỡi ngựa mưa cũng là một điều thú khác không chừng.

- Thôi đừng xúi dại chú ơi. Ai điên gì mà tắm lạnh.

Chú Thuyên cười không phát thành tiếng, chú gõ gõ cái tẩu thuốc vào cạnh chiếc bàn gây một chuỗi tiếng động nhịp nhàng:

- Cháu yếu quá, khi người ta thích thì không có gì ngăn cản được.

Câu nói của ông chú làm tôi chú ý. Câu nói rành mạch, để cắt nghĩa sự đam mê của một nhà nghệ sĩ xứng đáng. Ðám con gái lục lọi các ngăn tủ thấp và chăm chú nhìn các thứ trong căn nhà. Còn tôi và Chi ngồi xoay người nhìn ra trời mưa.

Chi đưa tay hứng những giọt nước mưa.

- Trời mới nắng đây mà đã mưa ngay anh nhỉ.

Tôi cũng bắt chước Chi, hứng nước mưa rơi từ hành tranh trên cao xuống đầy cả hai lòng bàn tay chụm lại.

- Ông trời giống Chi đó.

- Giống Chi sao ạ?

- Giống Chi hay khóc.

Chi chu môi:

- Tự nhiên chứ bộ, ai muốn bao giờ

Tôi đong nước từ bàn tay tôi sang bàn tay Chi và Chi đong nước từ bàn tay phải sang bàn tay trái. Chúng tôi nhìn nhau cười, Chi nhắc tới những đứa bạn, những soeur áo xanh, ở trong trường giờ này chắc họ đang đọc Sách Thánh trước giờ cơm trưa. Tôi nhắc tới cô Ngàn giờ ở nhà đang mong, dù trước khi đi tôi đã dặn có thể trưa cháu không về.

- Cô Ngàn hỏi thăm em hoài đó Chi.

Bỗng Chi quay lại, hay tay đang hứng nước mưa bỗng hốt hoảng rụt về bám chặt lấy tay tôi:

- Anh Huy ơi, ông ấy cứ nhìn em dễ sợ quá.

Lần trước tôi tưởng vì là người lạ nên chú Thuyên làm Chi sợ. Nhưng để ý kỹ, tôi thấy thật sự ông đang đứng sau chúng tôi có cái nhìn soi mói thật dễ sợ. Và khi biết rõ rằng đôi mắt sáng quắc đó hướng riêng về phía Chi tôi lại thấy khuôn mặt của ông kỳ dị và đáng sợ gấp bội. Trong dáng điệu của ông, hàng ria mép và nụ cười nửa miệng đã gợi ra một hình ảnh của thứ đàn ông không đàng hoàng chút nào hết. Tôi bắt đầu thấy khó chịu và chỉ mong cho trời dứt hạt mưa là tôi và Chi có thể phóng ra khỏi căn nhà chòi này, tránh cặp mắt kỳ cục của người đàn ông có vẻ bất thường kia ngay. Tôi đưa khăn cho Chi lau nước và hai bàn tay chúng tôi ủ sâu trong túi vì lạnh. Tôi ghé sát tai Chi:

- Ðừng thèm nhìn ông ấy nữa, Chi.

Nhắc Chi như thế nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn liếc chừng người đàn ông mà Chúc và Liên gọi là chú Thuyên và đang tíu tít chuyện trò. Ðến lúc trời mưa tạnh, tôi hỏi Trường:

- Chương trình của bọn mình đi đến đâu rồi?

Trường quay sang Chúc và Liên:

- Các cô này cho ý kiến đi.

Liên nói:

- Mưa làm tụi em lạnh quá, chỉ thèm ăn thôi.

Chúc nói to với chú Thuyên:

- Chú có gì nóng cho bọn này ăn đi chú, bọn cháu đói quá rồi chú.

Chú Thuyên bước ra khỏi nhà chòi, vừa đi vừa nhét thuốc vào “píp”.

- Mời các cô các cậu theo chú lên nhà đi, dĩ nhiên là sẽ tìm ra thức gì để đãi các cô các cậu một bữa, như thịt nai chẳng hạn. Các cháu thích ăn thịt nai không, ở đây lâu lâu lại có người mang tới báng thịt rừng tươi nguyên.

Cả bọn đi theo chú Thuyên, qua những bậc đá bước lên một đồi cỏ vào nhà. Tôi và Chi đi sau cùng. Con chó cao lớn quanh quẩn chúng tôi như canh chừng. Nó cũng thật là đáng sợ, như đôi mắt chủ nó.

Tôi cười với Chi:

- Con chó này dám ngoạm anh hoặc Chi tha đi được lắm à.

Chi không dám rời tôi nửa bước. Chúng tôi bước lên lầu trong khi chị em Chúc còn lo dòm ngó mọi thứ, lục lọi mọi thứ. Tấm hình hai con gà con đứng trên những phím đàng dương cầm chú treo ở đầu tủ đằng kia cháu thích ghê, chú cho cháu nhau chú. Cả cái giỏ hoa khô đựng trong cái mũ cỏ bé tí nữa, trông dễ thương ghê. Chú Thuyên ừ ừ, cho cháu cả căn nhà này, cả chú luôn. Chúc đấm vai chú, chú tầm bậy. Tiếng cười khan của người đàn ông với khói thuốc và đam con gái làm tôi khó chịu. Tôi mở một cánh cửa sổ, gió ùa vào lay động các màn cửa. Tôi chỉ cho Chi xem đám cây khô đằng sau nhà, những cành cây tưởng như đã chết sau mùa xuân mới bắt đầu nhú những ngọn lá xanh.

- Ðứng ở đây làm anh nhớ tới đám hoa sứ nhìn từ cưả sổ ra sau vườn nhà em.

- Nhưng em chưa bao giờ pha cho anh được một ly cà phê sữa.

Tôi nhìn Chi lạ lùng, sững người một lúc. Một lúc sau tôi xòe bàn tay mình đặt bàn tay em nằm trong bàn tay tôi. Rồi bàn tay em bị siết chặt. Tôi nói thật nhỏ, trong hơi thở nóng:

- Chi làm anh thèm muốn chết.

Tôi thèm muốn chết một ly cà phê sữa nóng. Và những miếng đường bẻ vỡ, chiếc muỗng nhỏ khuấy đều vào thành tách sứ vang lên như những tiếng cười nhỏ. Trong buổi sáng chủ nhật dưới giàn hoa quỳnh anh nơi vườn nhà em, thành phố ấy bây giờ cả hai chúng tôi đã xa, đã ngậm ngùi qua một thời. Em lớn lên và em đẹp hơn bao giờ. Tôi lớn lên và đang đếm trên tay thêm những muộn phiền, mệt mỏi.

Chi hỏi tôi:

- Sao anh lại thèm chết, dại dột thế?

Tôi cừơi. Ừ, thèm chết. Chi là điều hạnh phúc nhất. Chết là sự trọn vẹn nhất mà cõi sống không có điều gì trọn vẹn hơn.

- Anh nhảm ghê đi.

- Ừ, anh nhảm ghê.

Hơi khói thuốc tỏa ra khiến tôi quay lại, giật mình khi thấy chú Thuyên đang đứng ở đằng sau chúng tôi. Ông hỏi:

- Gió quá hở?

- Vâng, gió quá.

Tôi khép cánh cửa lại. Bữa ăn trưa được dọn ra trong căn phòng cạnh bếp. Chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn gỗ không phủ khăn. Tôi ăn chẳng ngon. Ðôi mắt người đàn ông ngồi đối diện không rời Chi lúc nào, ông hút thuốc cả trong bữa ăn. Ông ta khi thì ngậm xì gà khi thì ngậm “píp” trông thật khó chịu. Buông đũa sớm trước hết mọi người, rời khỏi bàn là tôi và Chi tung người ra khỏi nhà, khỏi tầm mắt của người đàn ông khó chịu kia ngay. Trường khoác cây đàn trên vai, hắn leo lên ngựa và la lớn, bao giờ chú quay cho cháu một đoạn phim như thế này nha chú.

Chúc tìm được chiếc máy ảnh của Trường, nàng đeo trước ngực chạy đến bên tôi, tíu tít:

- Anh Huy chỉ Chúc chụp hình đi.

- Tôi không rành.

- Anh nói xạo.

- Thật mà.

Chúc đưa máy ảnh lên mắt, ngắm. Cô ta kêu lên:

- Sao tối om thế hở anh Huy?

Tôi cười chỉ vào cái nắp đậy ống kính:

- Phải mở cái nắp này ra đã chứ.

Chúc nói thế mà bảo anh Huy không biết chụp hình. Cô ta hướng ống kính về phía tôi và Chi, ông bà để tôi chụp cho. Ðừng đùa. Cứ đùa. Cười lên chứ. Tôi thấy Chúc bấm máy lia lịa nhưng cản nàng không được. Ðứa con gái thật bướng, nàng đã chủ tâm phá máy của ông anh là nàng phá. Nàng đã nhất định hướng ống kính về phía chúng tôi là nàng làm. Tôi nghĩ, có để cho chụp thì cuộn phim cũng bỏ đi vì chẳng cần ngắm, cần điều chỉnh ống kính cô ta cứ đưa lên bấm bừa. Chừng hết nửa cuốn phim, Chúc ném máy ảnh trở lại xe và chạy ra phía đồi đằng sau đòi cưỡi ngựa với Trường và Liên.

- Em thích cưỡi ngựa không Chi?

- Thôi, em sợ lắm. Nhỡ nó hất em ngã thì sao?

- Anh ngồi trước cho Chi bám lấy.

- Anh đã cưỡi ngựa bao giờ chưa?

- Chưa.

- Nhỡ nó hất cả em lẫn anh ngã thì sao?

Hai đứa nhìn nhau chưa kịp vỡ ra tiếng cười thì có tiếng động phía sau. Chú Thuyên đến bên chúng tôi, ông đã thay chiếc sơ mi sọc xám, tay măng găn, hình như ông mới vừa bước xuống lưng ngựa trở lại. Không còn khói thuốc thở ra ở cửa miệng người đàn ông ấy, mỗi lúc chúng tôi lại thấy ông với một khuông mặt lạ, dễ sợ. Chi nép sát lấy tôi.

- Không lên đồi sau cưỡi ngựa với Trường, các cháu?

Tôi cố ý làm ra vẻ tự nhiên, trả lời người đàn ông:

- Không, tụi này không biết cưỡi ngựa chú ạ.

Bắt chước anh em Trường, tôi nói “chú ạ”. Thực ra tôi cảm thấy không muốn thân thiện với ông ta một chút nào. Bởi mắt nhìn dị thường, bí hiểm của ông ta. Nhất là khi ông nhếch mép cười, tôi chịu không nổi, hoặc phải lẩn xa hay nghĩ rằng mình có thể có một cử chỉ bất lịch sự nào đó, chống đối với ông bất ngờ trong lúc này. Ông đã đến sát bên Chi:

- Cưỡi thử một lần, thú lắm các cháu. Không sợ ngã đâu.

Ông đưa tay vuốt tóc Chi.

- Con bé này có đôi mắt đẹp quá.

Thật là không chịu đựng nổi nữa, tôi nắm tay Chi kéo về phía mình và nhìn người đàn ông trân trân:

- Cám ơn ông, chúng tôi không thích.

Người đàn ông nhếch mép cười, hỏi tôi:

- Hai người là... là anh em với nhau hả?

Tôi gật đầu, đáp nhanh:

- Vâng, chúng tôi không thích cưỡi ngựa.

Nhất định không thích cưỡi ngựa à, mắt người đàn ông không bỏ cái nhìn soi mói về hướng Chi, để cho cô bé này ngồi ngựa với tôi đi. Có con ngựa trắng đẹp lắm, hiền lắm, chỉ có bao giờ có khách quý tôi mới đưa nó lên đồi. Mặc người đàn ông nói giì, tôi lôi Chi bước xuống những bậc đá ra chỗ đậu xe. Tôi nói vậy và vội vàng đến suýt té trên những bậc đá ấy.

Chi kêu lên:

- Anh Huy!

Tôi đứng lại:

- Hở?

- Anh làm sao thế?

- Làm sao đâu?

Chi vùng vằng:

- Anh đi như chạy.

Tôi nhìn lên trời, cố gắng nở một nụ cười:

- Có lẽ trời sắp mưa.

Chi và tôi ngồi sau xe đợi anh em Trường. Tôi muốn về ngay, rời khỏi nơi đây ngay và nghĩ rằng sẽ không bao giờ trở lại chốn này thêm một lần nữa.