Nguyễn Tấn Hưng

Phàm sinh ra làm người, ngoại trừ những kẻ thờ chủ nghĩa vô thần, hầu như ai ai cũng tin tưởng đến thần quyền. Hễ tin tưởng đến thần quyền thì tin tưởng rằng ngoài cõi hữu hình là nơi chúng ta đang sống còn có thế giới vô hình. Và tương tự như vậy, hễ tin tưởng đến thần quyền thì cũng tin tưởng rằng ngoài thân xác hữu hình chúng ta đang đi đứng, nói cười, ăn ngủ v.v... còn có cái gọi là linh hồn vô sắc tướng. Mặc dù đã nói là tin tưởng, tức là đôi lúc không thể giải thích được, nhưng khoa học cũng đã từng chứng minh rằng... có thế giới bên kia mà bằng mắt phàm ta không thể nào, không tài nào nhìn thấy!

Thật ra, cũng chẳng cần chi đến khoa học tân tiến hiện đại của thế kỷ 21, từ ngàn xưa, người ta đã chứng minh được sự hiện hữu của thế giới bên kia bằng cách tạo mối liên lạc giữa hai thế giới hữu hình và vô hình. Mối liên lạc dễ hiểu, dễ nhận hơn hết có thể nói là: sự cầu cơ và sự lên đồng .

Cầu cơ có nhiều cách. Cách dễ nhứt mà ngay từ hồi còn nhỏ chúng ta thường làm là cắt miếng ván (lựa ván hòm từ các mả lạn thì tốt hơn, theo kinh nghiệm) hình trái tim để lên trên một mảnh giấy có viết sẵn các mẫu tự ABC... và năm dấu sắc huyền nặng hỏi ngã trên một vòng cung hình bán nguyệt. Cộng thêm hai chữ "Thăng", "Giáng" phía bên dưới là xong. Kinh cầu cơ cũng có nhiều bài, hoặc như bọn nhỏ tôi ở những năm đầu thời trung học, vẫn lấy một đoạn trong "Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh" của cụ Nguyễn Du làm lời cầu mời:

Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc, biết đâu bây giờ
Hoặc hồn ẩn dọc bờ, dọc bụi
Hoặc hồn nương ngọn suối, chân mây
Hoặc là bụi cỏ, bóng cây
Hoặc là cầu nọ, quán nầy bơ vơ
Hoặc hồn tựa Thần từ, Phật tự
Hoặc hồn nương đầu chợ, cuối sông
Hoặc là thơ thẩn đồng không
Hoặc nơi gò đống, hoặc vùng lau tre
Mấy thu chịu nhiều bề thắm thiết
Dạ héo khô, gió rét căm căm
Dãi dầu biết mấy trăm năm
Khóc than dưới đất, ăn nằm trong sương
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn
Tắt mặt trời, lẩn thẩn dò ra
Lôi thôi ẵm trẻ, dắt già
Có khôn thiêng hỡi, lại mà chứng minh
...

Lẽ dĩ nhiên, có thể đọc ra tiếng hay đọc thầm trong miệng cũng được miễn là niềm tin và lòng dạ của các người cầu cơ đang đặt ngón tay trỏ của mình lên hình cơ (ba, bốn hoặc nhiều càng hay vì điển càng mạnh, cơ chạy càng nhanh) có thành khẩn hay không mà Thánh, Thần (giả hay thiệt cũng khó biết) hay yêu, tinh, quỉ, ma... oan hồn uổng tử sẽ nhập vào... Cơ chạy vòng vòng rồi mũi cơ (chót trái tim) chốc chốc sẽ ngừng lại, chỉ vào từng mẫu tự một để mình ráp vần thành từng chữ mà hiểu cơ muốn nói gì...

Ðó là cầu cơ ma! Còn các cách cầu cơ khác có tính chất thiêng liêng thường được áp dụng trong các hội thánh trên khắp thế giới, nhất là các hội thánh, thánh thất Cao Ðài, chưa hề thấy ngoài dân dã. Bằng cách kê một cái bàn con nghiêng nghiêng (hai chân cao hai chân thấp), để khi các đấng thiêng liêng, Trời Phật Tiên Thánh Thần, giáng điển thì sẽ nhắc hai chân thấp lên mà gõ xuống nền... Tùy theo ước hiệu, gõ 1 tiếng là A, hai tiếng là B, v.v..., mà ráp lại thành chữ. Hoặc cao hơn một bực là sử dụng "ngọc cơ" hoặc "đại ngọc cơ" (một cái giỏ tre đan có gắn ngòi viết hình con chim loan bằng cây ở đằng đầu) để cơ viết thẳng ra từng chữ một lên mặt kiếng có rải bột gạo, bột phấn hay tưới một lớp rượu mỏng...

"Lên đồng" thì tùy theo căn cơ của "đồng tử" mà cũng chia làm hai thành phần. Một là đồng bóng của mê tín dị đoan ở các nơi cầu hồn, nhập xác trong thôn, xóm, nhà riêng mà các đồng cốt, bà bóng thường là kẻ phàm tục chẳng phải người tu hành. Ðiều này hầu hết chúng ta ai ai cũng đều, ít nhứt một vài lần, đã từng chứng kiến hay kinh nghiệm qua. Hai là "đồng tử thứ thiệt," không phải là một người con trai còn nhỏ, mà là những người đã trường chay, tuyệt dục, đạo hạnh cao... nam cũng như nữ, được các đấng thiêng liêng chọn lựa để dùng vào vai trò "thủ cơ chấp bút." Viết thẳng ra từng chữ (như trình bày bên trên) hoặc nói ra thẳng ra từng tiếng (dễ cảm nhận hơn vì không bị mất thời gian tính)! Và, trong trường hợp này, từ ngữ "lên đồng" không còn mang ý nghĩa thông thường nữa, mà phải hiểu là một "đàn cơ" với nhiều người có từng nhiệm vụ khác nhau như "Chứng đàn, Pháp đàn, Hộ đàn (tất cả mọi người tham dự), Ðồng tử, Ðộc giả, Ðiển ký...," v.v...

Ðặc biệt, qua sự "cầu cơ" hay sự sử dụng "đồng tử" theo chiều hướng "huyền diệu thiêng liêng," kể từ năm 1926, trên mặt quả địa cầu này, toàn thể nhân loại trên thế giới có thêm một đạo mới: Ðạo Cao Ðài! Qua đức Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát, tá danh của đức Huyền Khung Cao Thượng Ðế, tức Trời nhưng vẫn thường hay xưng là Thầy! Và đương nhiên, riêng đối với người Việt Nam chúng ta, hầu như ai ai cũng biết qua cơ đạo này, không nhiều thì ít. Lịch sử thành lập đạo từ buổi sơ khai đến hồi phổ độ, truyền bá trong dân gian, và rồi chia chi lập phái... rất là dông dài nếu muốn đi sâu vào chi tiết! Nhưng, đại khái, bằng những lời cơ lúc nhặt lúc khoan, lúc như ra lịnh lúc như đùa vui, các vị Thần Thánh Tiên Phật và Thầy đã dìu dắt và chiếm trọn lòng tin của mười hai đệ tử đầu tiên, toàn là những người học thức cao, có địa vị trong xã hội đương thời. Tên của mười hai vị này được lồng trong ba câu đầu (viết chữ hoa) của bốn câu thơ:

CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh
BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành
HẬU ÐỨC TẮC CƯ thiên địa cảnh
HƯỜN MINH MÂN đáo thủ đài danh...

Ba vị sau trong câu cuối, mặc dù không có mặt trong buổi cầu cơ này, nhưng Thầy đã cho biết trước rồi họ sẽ có dịp "nhập cuộc" ở những ngày sắp tới trong một tương lai gần.

Và, qua kinh nghiệm của vị đệ tử đầu tiên CHIÊU, ngài NGÔ VĂN CHIÊU, Thầy còn dạy thờ thánh tượng Thiên Nhãn với ngụ ý như sau:

Nhãn thị chủ tâm
Lưỡng quang chủ tể
Quang thị thần
Thần thị thiên
Thiên giả ngã giả

Tạm hiểu là... mắt làm chủ cái tâm, hai luồng sáng làm chúa tể, ánh sáng là thần lực, thần lực là thiên lực, thiên lực là ta, tức Trời, tức Thầy...

Ðó là chuyện xa xưa đã 76 năm qua, ngày nay vào thời buổi 2002, nếu ai có "computer" và hay "surf the net," muốn tìm hiểu điều gì về Việt Nam, chỉ cần "search" (qua Yahoo.com hoặc Google.com chẳng hạn) chữ "Viet Nam" không dấu là có đủ mọi thứ, từ ăn chơi đàng điếm cho đến tu tâm dưỡng tánh... đều được trình bày, bàn thảo công khai bởi người Việt lẫn người ngoại quốc, mặc sức mà nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi...

Hiển nhiên, trong khi "search" chữ "Viet Nam" sẽ có "Du Lich Viet Nam"! Và trong "Du Lich Viet Nam", ngoài Huế, Sài Gòn, Hà Nội..., ngoài vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, China Beach (ở Ðà Nẵng, vùng Ngũ Hành Sơn), Nha Trang Beach, v.v... ta lại thấy địa phận tỉnh Tây Ninh với Thánh Thất Cao Ðài được vẻ kiểu, xây cất do lời chỉ dạy của Bề Trên qua cơ bút, hiện ra như một kỳ quan thế giới cho mọi người cùng chiêm ngưỡng, nhất là đối với người ngoại quốc...

Rồi trong chữ "Cao Dai" hay "CaoDai" lại có thêm "Caodai.com," "Caodai.net," "Caodai.org," v.v..., nói chung, Cao Ðài Mỹ, Cao Ðài Canada, Cao Ðài Pháp, Cao Ðài Ðức, Cao Ðài Úc Châu, v.v... lần lượt hiện ra, mỗi nơi mỗi vẻ, ôi thôi muôn hình vạn trạng! Mà, tình cờ, trong một ngày đẹp trời hôm đó, tôi có dịp lướt qua! Ðể rồi sau cùng tôi dừng lại ở "homepage" Thiên Lý Bửu Tòa * , vì nơi đây có mục... "thỉnh kinh miễn phí" xem ra rất phù hợp với tánh của tôi là thích đọc kinh, sách cầm trên tay hơn là đọc trên NET! Download và in ra cũng được nhưng... hơi phiền toái và không đẹp đẻ cho lắm!

Well, nói theo đạo Phật thì có lẽ do thập nhị duyên sanh, còn nói theo đạo Cao Ðài thì có lẽ do... thiên cơ dĩ định, vì tôi cũng cứ đinh ninh rằng Thiên Lý Bửu Tòa lại là một chi phái nào đó mà mình chưa biết, chưa từng nghe qua, ai ngờ..., lại hai chữ ai ngờ, đây là nơi Thầy và các chư Phật, Tiên, Thánh, Thần... về cơ trở lại. Ở San Jose ngay trên xứ Mỹ văn minh tột cùng này mới là điềm lạ, điềm lành cho nhơn loại, chúng sanh. Ðể Thầy mở Ðệ Nhị Thiên Khai, Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ ngoài xứ Việt Nam thân yêu của chúng ta. Bên ngoài xem ra không có gì bề thế nhưng bên trong lại tiềm ẩn nhiều điều đáng nói, đáng nêu! Quả đúng là "chùa rách có Phật vàng," như chính Thầy đã ban:

Bửu-tòa CAO chẳng mấy thước đo,
Thiên-lý ÐÀI Tiên ý chẳng dò,
Chùa rách THƯỢNG Nguơn nhồi Ðức-Thánh,
Phật vàng ÐẾ Ðạo dựng nền Nho.

Thì ra cơ Trời vẫn luân chuyển, máy Tạo vẫn vần xoay... như đã "tiên tri" trong kinh sách, rằng Ðạo Cao Ðài sẽ lan truyền khắp năm châu bốn bể. Trong âm thầm, lặng lẽ nên ít người để ý tới. Trong số đó có tôi. Ngoại trừ những ai có căn cơ tiền kiếp, sớm tìm ra lẽ Ðạo (vốn không là món hàng rao bán vì Trời Phật vốn chẳng phải con buôn - Thánh Ngôn Hiệp Tuyển), chớ còn hầu hết chúng ta ngay từ lúc sinh ra cho đến lúc trưởng thành, đã bị dồn dập cuốn lôi vào dòng đời phong ba bão tố, mạnh được yếu thua. Bằng những học tập nhồi nhét kiến thức vào đầu, hầu làm hành trang để bương chải tìm kế sinh nhai. Lắm khi chẳng còn thì giờ nhìn lại những đoạn đường đã đi qua. Ðến lúc giựt mình tỉnh ngộ thì bóng xế, chiều tà. Mới chợt nghe văng vẳng bên tai tuồng như tiếng kêu thảng thốt của Phật Trời hằng bao năm qua đang từ xa vọng lại:

Hảo Nam bang, hảo Nam bang!
Tiểu quốc tảo khai hội Niết bàn...

Mà, nương vào biến cố có một không hai trong lịch sử nhân loại đó, người Việt chúng ta tự cảm thấy, không ít thì nhiều, hãnh diện về đạo đức, căn cơ của dân tộc mình, xứ sở mình.

Vũ trụ, vạn vật luôn luôn đổi thay và mỗi người chúng ta, do thời thế đẩy đưa, thường hay bắt gặp những hoàn cảnh mới, những hạnh ngộ mới, những vận hội mới... như những khúc quanh lịch sử của cuộc đời, để có thể tạo nên những cơ nghiệp mới. Nhưng, theo thiển ý của riêng tôi, việc bắt gặp... một phương trời mới, hướng ta về nơi nuôi dưỡng mạch sống tâm linh, mới là điều ta đáng quan tâm hơn hết...
(Bài kế: Một vài điều đáng suy nghĩ)