Kỳ 2

TUỔI THƠ U UẨN

Liêm ôm cái giỏ vào bụng và đứng nhìn cái bảng hiệu cửa tiệm. Tiệm ảnh Tân Tân. Tấm bảng hiệu cũ. Nước sơn bạc thếch. Chữ “Tiệm Ảnh” mờ nhạt và tróc luôn nước sơn nên rất khó đọc. Liêm nhớ lời thím nó dặn: “Xuống xe đò. Hỏi người ta đi về cái chợ chồm hổm. Kiếm cái tiệm chụp hình Tân Tân. Ở trước tiệm Tân Tân có cái gốc cây bự”. Liêm nhìn sang thấy cây cổ thụ bên kia đường. Đúng là bự thiệt bự. Nó mới mạnh dạn bước vào tiệm chụp hình.

Một người đàn ông ngồi lúi húi trên ống kính ở phía sau. Bên cạnh là một đứa con trai cũng đang chăm chú trên một cái máy gì đó. Liêm mừng rỡ reo lên:

- Ơ đúng cái tiệm này rồi.

Đứa con trai nghe tiếng người, quay ra. Nó bỏ cái kính đeo trên con mắt xuống và cũng mừng rỡ:

- Ủa. Liêm. Ra hồi nào vậy.

Người đàn ông ngẩng đầu. Ông ta vội đứng dậy.

- Đứa nào đó. Người đàn ông nói.

- Cháu là Liêm. Liêm lập lại lời thím nó dặn. Bữa ni cháu ra gặp chú Soạn trao cái ni của thím Hội gửi cho chú.

Người đàn ông lật đật bước ra. Kéo Liêm vào phía sau nhà. Liêm đưa cái giỏ mây cho người đàn ông. Người đàn ông cấp tốc cầm chiếc giỏ vào trong cái buồng con sau nhà. Kéo sập cánh cửa sổ lại. Một lát sau người đàn ông trở ra và nói với Liêm:

- Bà thím dặn cháu tối nay ngủ lại đây. Sáng mai đưa đồ của chú gửi về cho thím.

Ông ta thay áo quần, rồi quay sang nói với thằng nhỏ:

- Coi tiệm nghe Tý. Hễ cô về thì nói là chú đi thăm anh Định. Tối nay chú ngủ lại bên đó. Sớm mai sáng chú về.

Người đàn ông đi rồi. Tý ngồi lại trước cái máy phóng ảnh. Liêm lại gần. Nó nhìn vào bàn ảnh. Tý vừa cầm cây viết sửa hình vừa nói chuyện:

- Người nhỏ mà đi xa rứa. Tý nói vui vẻ.

- Bà thím sai đi. Liêm nói.

- Má tui có nhắn gì không.

Liêm chợt nhớ ra, sờ vào túi áo.

- Có gửi hai miếng kẹo đậu phọng nè.

Liêm kể chuyện trong quê cho Tý nghe. Có lần Liêm ghé sát vào tai Tý và nói nhỏ:

- Thằng Thành nhảy núi rồi.

- Biết rồi. Tý nói.

- Sao biết.

- Hồi đó hắn rủ đi một lần. Mà không đi.

Khi Tý chăm chú đưa cây cọ sửa một tấm hình. Liêm chúi đầu nhìn Tý tôi đôi mắt của một người con gái.

- Làm cái chi rứa. Liêm hỏi.

- Sửa hình.

- Sửa làm chi.

- Sửa hình xấu cho thành đẹp. Già sửa cho thành trẻ.

Liêm đưa tay lên che miệng vừa bật cười.

- Tại răng cười. Tý cũng mĩm cười và nói. Chú Soạn dạy sửa như rứa mới ăn khách. Ở đây chụp hình ai xong là chú cũng bắt sửa hết.

Liêm cầm tấm hình Tý vừa sửa xong nhìn một lúc rồi hỏi:

- Có cái chi sửa không được không.

- Có. Tý đáp. Có một cái không sửa được. Là buồn sửa cho thành vui.

Vài thiếu nữ ngấp nghé vào cửa tiệm. Tý đi ra tiếp khách.

Liêm đi ra sau vườn. Đến dưới gốc cây có cái xích đu. Nó Ieo lên sợi dây và đu qua đu lại. Nó nghĩ đến câu chuyện nó muốn nói với Tý mà nãy giờ nó vẫn chưa nói.

Ở trong Phú Thuận, Tý và Liêm học chung một lớp. Tý to cao nhất lớp. Tuổi Tý cũng lớn nhất. Nên năm nào Tý cũng được bầu làm liên đội trưởng. Tý có cặp mắt to và long lanh. Cái miệng của Tý hay cười. Khi nào cũng sẵn sàng nhoẻn miệng cười. Tý chỉ mới học hết lớp nhì đã phải nghỉ học để đi làm thuê kiếm tiền nuôi mẹ. Mẹ Tý có đến tám con. Hồi ra giêng, bà thím của Liêm sang nhà Tý và hứa với mẹ Tý sẽ giúp gửi Tý ra quận học nghề chụp ảnh. Tý ra học nghề đã được mấy tháng nay. Ở trong quê nhà Liêm gần nhà Tý nên hai đứa hay chạy qua chạy lại. Hay kể cho nhau nghe nhiều chuyện.

Tý chụp hình cho mấy người khách xong thì lại đến ngồi chỗ cũ sửa hình. Liêm cũng lại đến gần và kể chuyện. Chuyện nào đã xảy ra trong mấy tháng Tý xa nhà, Liêm đều kể cho Tý nghe hết. Cả chuyện thầy Đăng chết.

- Ông thầy Đăng bị ai bắn không biết.

Tý giật mình, quay sang nhìn Liêm và hỏi:

- Răng lạ rứa.

Tý không cười nữa. Mắt Tý chớp chớp. Thầy Đăng dạy lớp nhì. Hồi đó thầy Đăng rất thương Tý. Cho Tý cộng điểm hoài.

Liêm ghé sát vào tai Tý nói nhỏ:

- Thím Lang nói là thằng Phú đi du kích về bắn thầy Đăng.

- Má tui nói thiệt sao. Tý nói.

- Ừ. Má anh nói tại thầy Đăng không chịu cho treo cờ giải phóng lên cột cờ.

Mãi lâu lắm. Kể hết chuyện rồi Liêm mới bộ tỉnh và nói:

- Nói chuyện ni nghe.

- Chuyện chi. Tý nói.

- Sắp ra ngoài Đà Nẵng rồi.

- Nữa. Đi xe rứa.

- Bà thím biểu đi.

- Ra làm cái chi ngoài đó.

- Bà thím bắt ra ngoài đó học.

Tý ngồi im.

Một lát sau, Liêm mới nói.

- Lâu lắm mới về Phú Thuận.

Tý chăm chú nhìn lên cái ống kính phóng ảnh. Tý không nhe hàm răng ra cười như thường lệ.

Sáng ngày hôm sau trước khi Liêm ra xe đò, khi thấy không có người quanh quẩn, Tý rút một tấm hình ra cho Liêm và nói.

- Tặng Liêm đó.

Liêm cầm tấm hình lên nhìn, rồi nói:

- Hình này sửa lại chưa.

- Hình chụp hồi mới ra đây. Tý nói. Chưa có sửa.

Liêm ngắm hình Tý nhe răng cười. Liêm nhe răng cười lại.

- Về nghe.

Tý gật đầu. Và nhìn đi nơi khác.



Liêm ngồi cạnh bà thím Lang, nhìn bà nhai và đút cơm cho thằng nhỏ trên tay. Thằng Hải và con Sửu ngồi bệt dưới đất, cạnh chiếc võng của mẹ. Trên tay mỗi đứa một chén cơm. Thằng Hải ba tuổi mũi chảy thò lò. Vừa ăn vừa quệt mũi. Con Sửu lớn hơn miệng nhai chóp chép gọn gàng hơn. Trên chén cơm mỗi đứa chỉ vỏn vẹn tí canh bí đỏ và đậu phọng. Liêm nhìn thằng Hải xúc những muỗng cơm rơi ra ngoài.

- Đưa chị đút cho Hải. Liêm nói.

- Ừ. Bà Lang nói. Đưa chị Liêm đút cho ăn mau lên con.

Rồi bà hỏi tiếp Liêm câu hỏi hồi nãy đang để dỡ:

- Cháu thấy thằng Tý ra răng. Kể cho thím nghe với.

- Cháu thấy anh Tý cũng vậy.

- Hắn có khỏe không.

Liêm nhoẻn mệng cười.

- Thím muốn coi hình không.

Liêm rút trong túi áo ra cái hình của Tý.

Bà Lang đưa ra ngoài sáng để coi. Bà trầm trồ:

- Cha. Coi hắn cắt tóc lớn lên hỉ.

- Anh Ba hả má. Con Sửu chồm lên.

- Cho con coi hình anh Ba với. Thằng Hải cũng chồm lên.

May mà mấy đứa lớn đang chơi ngoài xóm, chưa về ăn cơm. Chứ không thì tấm hình của Tý cũng rách mất vì đứa nào cũng dành xem hình của anh.

Thằng Hải và con Sửu ăn xong bèn chạy ra ngoài sân chơi. Đứa nhỏ ngồi một lát rồi gục ngủ. Liêm ngồi cạch thím Lang một lúc lâu rồi mới thắp thỏm nói:

- Thím Lang, cháu muốn hỏi thím một chuyện.

- Hỏi cái chi.

- Có phải cha cháu tên Nhiêu. Mẹ cháu tên Cầm không?.

- Tên chi. Thím Lang nhíu mày. Tên chi lạ rứa.

- Chớ thím nói cha mẹ cháu tên chi.

- Tao chỉ biết tên cha mi là Sinh. Hình như là Trần văn Sinh. Mẹ mi tên Mai. Chớ bà Hội không nói rứa hả.

- Dạ thì mọi khi cháu nghe như rứa.

- Chừ thì răng.

Liêm quàng hai tay ra sau gáy, nhìn thím Lang và nói:

- Tự nhiên sáng hôm qua đưa cho cháu tờ giấy khai sinh có tên cha là Nguyễn văn Nhiêu, mẹ là Lê thị Cầm. Tên cháu cũng đổi luôn.

- Tên mi cũng đổi luôn.

- Tên mới là Nguyễn Thi Thu Hồng.

- Đổi làm cái chi rứa.

- Để cho cháu ra Đà Nẵng học.

- Bộ mi ra ngoài nớ rồi người ta không kêu mi tên Liêm như cha mẹ mi đã đặt nữa à.

Liêm lắc đầu.

Bà Lang đi ra sân rồi trở lại nhà bếp. Liêm chờ thím ngồi xuống rồi lại hỏi:

- Hồi đó thím thấy mẹ cháu chết thiệt hả thím.

- Chết chớ sống chi nổi. Bà Lang nói.

Bây giờ bà mới có một chút rảnh rỗi. Không có đứa con nào bên cạnh. Bà sổ mái tóc ra chảy và búi lại. Bà nhìn ra cái cửa phên và nói với Liêm:

- Mi ra đóng cái cửa lại đi.

Liêm le te chạy đi đóng cái cửa. Nó nhìn trước ngó sau như dò chừng có người nào ngoài kia không. Liêm đi trở lại bếp và ngồi xuống chỗ cũ, cạnh cái cửa bếp ra vào.

Bà Lang đun bếp nấu nước uống. Hơi nóng từ trong lò củi tỏa ra. Hai má của bà Lang đỏ lên. Hai má của Liêm cũng hồng hồng.

- Có biết mi sang đây không. Bà Lang nói.

- Không biết đâu. Liêm nói.

- Tao nói cái chi. Mi đừng nói lại. Bà mà biết được là tao ở không yên với bà.

Liêm nhìn bà Lang với cặp mắt không chớp. Con bé bó hai tay quanh đầu gối. Nó nhích người lại ngồi gần bà Lang hơn.

- Cháu không nói đâu thím. Giọng nó khẩn khoản. Thím kể chuyện về cha mẹ cháu đi.

- Tao biết chừng nớ. Kể đi kể lại mấy lần cho mi nghe rồi. Chừ mi muốn nghe cái chi.

- Thím nói tại răng mẹ cháu chết.

- Chỉ vừa sanh xong mi đươc hai tuần là mất. Mẹ mi bị làm băng. Máu ra nhiều lắm. Tao thương chỉ nên lặn lội chạy sang tuốt bên Đại Lộc mượn ông thầy cái sừng con tê giác để mài nước cho chỉ uống mà cũng không cầm máu. Tội nghiệp mẹ bay mất ai cũng nói người hiền lành lại chết sớm.

- Bữa trước cháu nhớ thím có nói là mẹ cháu bị cái chi sản sản đó mà.

- Tao nói hồi nào.

Bà Lang nhìn sang Liêm. Con nhỏ ốm nhoi xương vai. Khuôn mặt nó sáng sủa. Mắt mũi miệng đều rộng. Nhìn cũng được có điều khi nào cũng thấy nghiêm và hơi buồn.

- Lâu rồi. Liêm nói. Hồi đó có lần thím kể má cháu giận cái chi uất lên mà làm băng ồi mới chết.

- Con ni nhỏ mà nhớ dai. Bà Lang nói. Mi nhớ thì để trong đầu chớ mi mà hỏi bà Hội là chết. Tao coi mi như con cháu. Tao thương mẹ mi chết tức tưởi nên nói cho mi nghe cái chi thì mi để trong đầu. Lớn lên còn biết người này người kia. Cả như thằng Tý đây cũng vì nghèo khổ nên thím phải nhờ cậy người ta. Chớ dư ăn dư mặc thì thím cũng không để cho hắn đi. Ở đời người ta dò sông dò biển chớ ai dò được lòng người. Hồi nớ ai mà biết được bà Hội ra tay nuôi hai anh em bay bây chừ. Hồi nớ chị Mai mất ai cũng nói chỉ ghen lên rồi bị sản hậu mà chết. Mà tao cũng khuyên chỉ ghen làm chi cho khổ. Mà chỉ không nghe. Chồng mình đã như rứa ghen làm chi cho khổ thân mình. Ai đời mẹ mi đẻ mi còn nằm trong buồng. Mà ở nhà trên cha mi ngồi với bả sát rạt trên cái chõng tre giỡn với nhau như chỗ không người. Chướng chi lạ. Bả thì cười ra rả họng còn cha mi thì câm thin thít. Tao ra buồng sau thấy mẹ mi nằm cho con bú mà hai hàng nước mắt như mưa. Tao tức lắm mà cũng không biết nói cái chi an ủi. Mi nói cái chi. Ôi cái bà Hội mà ngán ai. Đến khi mẹ mi ghen lên cơn bả còn xuống chăm chút hỏi han cho một chục hột gà nữa.

Bà Lang dập tắt thanh củi trong bếp rồi tiếp:

- Tao cũng ớn bả luôn. Mẹ bay chết. Lập tức bả dẫn hai đứa bay về nuôi không nói năng nửa lời. Cha bay dọn sang ở với bả. Rứa mà đến lúc cha bay đi tập kết ra Bắc. Bả cũng không cho cha bay dẫn hai đứa bay về bên ngoại. Bả dành nuôi.

- Thím có biết bà ngoại cháu không?.

- Tao không biết. Có lần nghe mẹ mi nói ở chỗ mô trong Quảng Nghĩa xa lắm. Đi cả ngày mới đến.

Bà thở ra và tiếp:

- Tao thương mẹ bay. Hồi chỉ còn sống tao với chỉ miếng bánh ú cũng bẻ ra làm hai. Hồi chỉ sắp mất chỉ có nhờ tao trông coi hai đứa bay. Nghĩ mà thương hai đứa bay. Thân tao một bầy con sáu đứa còn nuôi chưa nổi. Biết làm răng mà làm theo lời chỉ trối trăn. Tao nói để cho mi biết mà liệu lấy thân sau này. Chớ bả gớm lắm. Hồi đó bà đi đặt bom cho Việt Minh. Đó cái bàn chân bả cụt hết mấy ngón là vì đặt bom đó. Nghe nói bả bị bắt người ta đổ xà bông vô miệng bả mà bả nhất định không khai. Bả được phong cho cái chức nữ anh hùng chi chi đó. Được đưa lên báo lên truyền đơn đọc trên loa phóng thanh cho bà con nghe. Nội cái xứ ni nói đến chị Sáu Hội ai không ớn.


Ở nhà thím Lang về, Liêm đi thơ thẩn ngang cái ngõ chè của ông Dậu. Liêm vừa quất quất lên hàng rào chè vừa nghĩ ngợi về những điều bà Lang vừa kể lại. Cả làng này, chỉ có bà Lang mới nói cho nó nghe về cha mẹ nó. Nhưng lần nào hỏi thím Lang cũng chỉ kể lại bấy nhiêu chuyện.

Bà Lang có một bầy con. Ông Mất, chồng bà Lang là người làm công cho bà Hội. Nhà thím Lang tường đất chớ không phải nhà tường gạch như nhà bà Hội. Liêm hay sang nhà thím Lang chơi. Có khi Liêm giấu bánh ú bánh in cho những đứa con bà Lang. Nó thích qua nghe bà Lang kể lại những chuyện xưa giữa mẹ nó và thím Lang. Thím Lang kể hoài không biết chán. Nó nghe hoài vẫn cứ muốn nghe. Chỉ có bà Lang mới kể những chuyện mà không ai kể. Chỉ có bà Lang mới tâm sự với nó những lời mà không ai dám tâm sự. Cả cái làng này, ai gặp Liêm cũng nói rặt một câu: “Bà Hội tử tế. Nuôi hai đứa bay mồ côi mồ cút rứa là bà tử tế lắm rồi đó”. Hoặc khi có bà Hội trước mặt, nó được nghe người ta ca ngợi bà Hội: “Anh em thằng Hạo con Liêm ở với chị vậy là có phước lắm rồi. Được chị nuôi nấng đầy đủ sung sướng rứa là may mắn lắm”. Liêm thấy dường như ai cũng nói tốt về bà Hội khi đứng trước mặt bà Hội. “Chớ không nói tốt sao được”. Bà Lang đã có lần nói nhỏ với Liêm. “Bả vậy đó. Ai mà dám mở miệng. Làm cái chi trái ngược ý bả có nước bỏ xứ mà đi. Chết ở đây dám không mồ chôn như cha con thằng Tèo đầu xóm”.

Liêm nghĩ đến cha con thằng Tèo mà mọi người vẫn truyền với nhau trong làng. Cha thằng Tèo là ông Bang ăn rồi uống rượu say sưa tối ngày. Ông chí có một con là thằng Tèo. Thằng Tèo đi làm công để nuôi một ông cha nghiện ngập. Không may thằng Tèo bị trúng gió chết. Bà Hội mua cái xác thằng Tèo. Đem về mổ bụng ra rồi dồn đạn vào trong đó. Chở đi tiếp liệu cho mấy người trong bưng, nên ở làng thằng Tèo chết mà không có cái mả của nó.

Có những chuyện Liêm chỉ nghe xầm xì mà không được chứng kiến tận mắt. Nhưng cũng có những chuyện mà Liêm có thể nhìn thấy trong những năm tháng nó lớn lên cạnh bà Hội.

Cái nghề bán thuốc tễ của bà Hội thực ra chỉ là cái nghề che đậy bên ngoài. Với cái nghề đi bán mấy viên thuốc đen trộn đường có mùi vị hăng hăng mà bà Hội thường quảng cáo là uống vào bổ lắm, mục đích của bà Hội là đi khắp làng này qua làng nọ, nhà này qua nhà nọ để tìm hiểu. Nhà nào bà Hội cũng biết có bao nhiêu con, chồng làm gì, vợ tên chi.

Bà Hội đã ngoài bốn mươi, to con mập mạp. Bà có một búi tóc to ở sau gáy, luôn luôn chải gọn gàng và bôi dầu dừa láng lẩy. Khuôn mặt người bà bẹt, hai con mắt sắc mỗi lần bà trợn trừng nhìn Liêm là Liêm phải nhìn đi chỗ khác. Hai hàng lông mày của bà luôn luôn được cạo láng sạch, rồi tự tay bà vẽ lên hai đường bút chì theo ý bà để giả làm lông mày.

Người đàn bà này không chồng, nuôi toàn con nuôi. Người ta đồn là thủa còn trẻ, cô Sáu Hội cũng có chồng và một con. Thời Pháp bỏ bom, hai vợ chồng và con đang ăn cơm trong hầm thì bị một quả bom nổ ở trên miệng hầm. Chồng và con của cô Sáu Hội bị trúng bom chết. Cô Sáu Hội thoát chết nhưng bị một mảnh bom vào trong bụng. Nên từ đấy cô không còn sanh đẻ gì được nữa.

Hai đứa con nuôi lớn của bà Hội đã đi theo Cách Mạng từ ba bốn năm nay bây giờ đã lên đến chức bí thư huyện. Còn Hạo, anh của Liêm, cũng theo Cách Mạng và được bà Hội gửi ra vùng Cát ở ngả Điện Dương hoạt động. Chỉ còn mình Liêm lâu nay vẫn ở quanh quẩn với bà Hội.

Liêm lớn lên trong ngôi nhà này, với người đàn bà mà nó gọi là thím này. Liêm đã chứng kiến nhiều chuyện mà nó biết nó không thể thố lộ được với ai. Từ khi nó có trí khôn, đã bao nhiêu lần bà Hội dí tay vào trán Liêm và cảnh cáo: “Đi ra ngoài nhà, ai hỏi chi thì mi phải nhớ im lấy cái miệng nghe chưa. Mi mà hé răng ra nói cái chi là bọn Ngụy hắn bắt mi bỏ tù đày ra Côn Đảo ở cho đến rục xương. Mi phải nhớ cái khẩu hiện Ba Không: Không Biết, Không Nghe, Không Thấy. Mi phải nhét vô trong đầu mi, in vô trong óc mi câu nói của Cách Mạng là ‘Kín miệng để cứu nước’ nghe chưa”. Mỗi lần dặn xong là bà thường lấy ngón tay trỏ dí mạnh lên trán Liêm một cái. Thiếu điều Liêm muốn té ngửa ra sau.

Ở sau vườn kia, nơi cái bụi chuối cạnh chuồng gà là mấy người Cách Mạng đang nằm dưới hầm. Cái hầm trú ẩn xây bằng gạch âm u ấy là chỗ chứa du kích xã. Có khi bốn năm người “Cách Mạng” trốn dưới đó. Chờ đến ban đêm họ mới đi ra khỏi hầm, đến những nhà trong làng kêu đi học tập. Cái hầm đó đã từng chứa truyền đơn, chứa cờ Giải Phóng. Và có khi là nơi dấu súng ống của mấy người du kích nữa.
Cứ ba tuần hay một tháng, bà Hội lại đi xa. Liêm không biết bà đi đâu, chỉ biết là bà Hội đi cất thuốc. Nhưng có những đêm đêm ở trong ngôi nhà này, bà Hội là đồng chí Cách Mạng. Vất mấy bao thuốc tễ qua một bên, bà Hội gặp người cán bộ này, giao xấp truyền đơn khác, đi giao liên chuyến này, giao phó trách nhiệm cho người kia. Từ năm Liêm học lớp ba, thỉnh thoảng Liêm đã phải làm giao liên, dẫn mấy người Cách Mạng từ xóm này sang xóm khác.

Cũng chính Liêm thường xuyên chứng kiến có những lúc cái miệng bà Hội thiệt tới ngon ngọt và trơn tru với mấy người lính Quốc Gia. Như bữa nọ, đang giữa trưa, trời nắng chang chang, có mấy người lính đi hành quân ngang nhà. Họ mới đi ngoài ngõ, bà Hội đã chạy ra đon đả: “Để tui hái buồng chuối hương ni biếu mấy chú. Các các chú về đây luôn, rứa mới yên được. Mấy cái thằng Cách Mạng mới không dám bén mảng về. Ta nói hễ mà bọn hắn về đây kêu dân đi học tập đi dân công một đêm mà nghe lính Quốc Gia các chú ngày mai lên là bọn hắn lo cút lẹ”. Đã có lần bà Hội ưu ái để cho cả tiểu đội địa phương ngủ lại trong sân vườn nguyên đêm. Bà còn nấu chè đâu đen mang ra tiếp đãi nồng hậu.

Lẩn thẩn ngoài ngõ một lát, Liêm đã về đến nhà. Mở cánh cửa khép hờ bước vào trong nhà, Liêm thấy có người đàn ông ngồi ở bàn ăn. Một người cao lớn ngồi phía trong và một người đeo mắt kiếng đen ngồi ngoài. Bà Hội thấy Liêm vừa về thì nói:

- Vô trong nhà ăn uống, tắm rửa, lo đi ngủ. Sáng mai đi với chú Bảy ra ngoài đó sớm.




MÙA HÈ KHÍCH ĐỘNG


Quảng đi ngang phòng giáo sư thì gặp ông Bích, giáo sư sử địa, kêu vào:

- Cậu này vào đây. Ông Bích nói.

Ông Bích và Quảng đi qua một phòng học trống. Ông hỏi thăm Quảng:

- Dạo này cậu học hành thế nào?.

- Dạ cũng thường, thưa thầy. Quảng nói.

Ông Bích ngoài địa vị là giáo sư sử địa của Quảng, ông còn là bạn đồng đảng với cha Quảng ngày ông Thạch còn sống. Hai người cùng quê. Ông Bích hoạt động ở vùng Quảng Nam lâu ngày. Ông còn là một khuôn mặt trí thức có tiếng ở quê nội Quảng.

Môn sử địa của ông Bích bao giờ Quảng cũng được điểm cao. Quảng là một học sinh xuất sắc, có trí nhớ tốt, và đặc biệt là thường xuyên chất vấn giáo sư về những biến cố lịch sử. Ông Bích thường dùng thành ngữ nổi tiếng về dân Quảng Nam để gọi cậu học sinh nhiều ý kiến nhất lớp “Cái cậu Quảng hay cãi bữa nay đâu rồi”, ông Bích thường nói hôm nào Quảng nghỉ học. Vì tuy Quảng nói lai tiếng Bắc của mẹ nhưng cậu có gần hết đặc tính nổi bật của quê cha. Một xứ nổi tiếng hay tranh luận, có tính tiếu lâm và có truyền thống bất khuất. Ông Bích vẫn thường nói trong lớp rằng ông thích những học sinh biết đặt vấn đề chứ ông không thích những học sinh chỉ học thuộc bài như vẹt. Quảng tuy bị ông hỏi thăm luôn nhưng là một trong những học trò cưng của ông Bích.

- Tôi mới gặp bác của cậu hôm trước, ông Bích nói. Nghe nói dạo này cậu bận rộn gì ghê lắm hả. Bây giờ cậu làm gì?.

- Dạ em đi dạy tư thêm chút đỉnh, thưa thầy.

- Phải cậu dạy ở cái trung tâm Sao Băng không.

- Dạ phải. Sao thầy biết hay quá vậy.

Ông Bích mỉm cười.

- Cậu dạy ở đó lâu chưa?.

- Dạ cũng gần một năm.

- Cậu biết gì về tay Bảy đó nhiều không?.

- Ông ta cũng kém. Ít học. Mà sao ở dưới tay ông ta cũng có nhiều người học hành đàng hoàng hùn hạp mở trung tâm luyện thi. Ông ta tài thật. Nước lã mà vã nên hồ là vậy.

- Ờ. Ông Bích bật một điếu thuốc, hít một hơi, rồi nói. Tay đó còn uy tín trên chùa lắm nữa phải không?.
- Dạ phải. Các thầy trên chùa cũng nể lắm, Quảng gật gù.

- Tay đó làm ăn cũng giỏi. Nổi tiếng làm chứng chỉ giả bán cho học sinh hay lắm mà.

Quảng ậm ừ:

- Dạ, cái vụ này em không biết.

- Cậu có biết năm ngoái trường này lộn xộn cái vụ cho mấy đứa học trò vào Đệ Thất là do cái trung tâm của tay này gây ra hay không?.

- Dạ cái này thì em hoàn toàn không biết, Quảng nói.

- Cái gì cậu cũng không biết, ông Bích gắt giọng. Cậu không biết thì cậu dạy làm quái gì.

- Dạ đâu có sao thầy. Mình sợ chi ai.

Quảng đã quen với cái lối thỉnh thoảng lên giọng gắt gỏng của ông Bích trong lớp.

Nhìn đứa học trò đang nhìn lại mình với con mắt đầy tự tin, ông Bích dịu giọng nói:

- Cậu làm tôi nhớ lại hồi bằng tuổi cậu tôi cũng coi trời bằng vung. Cũng thường dấn thân không màng nguy hiểm. Tốt. Tuổi trẻ như vậy là tốt.

- Thầy là người đầu tiên khen được một câu. Quảng hạ giọng. Ông bác em hễ mở miệng ra là chê tụi em ngu dại, bị dụ dỗ. Dụ dỗ cái gì. Ông bác em ưa xía vào chuyện của em. Em lớn rồi mà ông cứ xem như con nít.

- Rồi cậu sẽ học lấy bài học kinh nghiệm của chính mình, ông Bích tiếp. Với riêng cậu thì tôi thì tôi nói cho cậu là cái bài học thường tự mình học lấy. Có sờ vào lửa mới biết nóng là bài học đắt giá. Đời này nó vậy. Mấy ai học được kinh ngiệm của người khác.

- “Không vào hang hùm làm sao bắt được cọp”, đề luận của thầy Linh mới cho làm tuần trước đó thầy. Quảng cười và cắt ngang lời người thầy giáo. Vào hang hùm cũng có cái thú phải không thầy. Không sao đâu thầy. Em có nghe người ta xầm xì về chỗ em dạy thêm. Nhưng em thấy không sao đâu thầy. Em liệu được mà.

- Cậu biết gì để mà liệu. Giọng người thầy giáo bỗng trở nên kiên nhẫn.

- Không biết mới nhào vô cho biết, Quảng nói. Thầy sao bi quan.

Ông Bích đứng lên. Đứa học trò đang đứng trước mặt tuổi chưa đầy đôi mươi. Mặt mũi tay chân người ngợm chưa trổ hết mã mà từ nãy giờ nó cười khì khì về những điều ông nói. Xem những lời nói này chẳng ăn nhậu gì hết đến nó. Xem kinh nghiệm của ông là của ông. Chuyện của nó là của nó.

- Tôi chỉ muốn nhắc nhủ cho cậu biết rằng phải cẩn thận. Nguyên tắc làm việc đòi hỏi người ta phải ở trong guồng máy. Không có guồng máy công việc không chạy và khó đạt được kết quả. Tuy nhiên giữ được một đầu óc minh mẫn để nhìn ra guồng máy mình đang vướng mắc là tốt hay xấu là một điều không phải luôn luôn dễ làm. Tôi đã nói những điều tôi trải qua cho cậu nghe. Bác cậu nhờ. Phần còn lại là tùy cậu.

Quảng đứng lên, mĩm cười, chào ông Bích và nói:

- Bác của em vậy đó thầy ơi. Em chán ông này lắm. Ông ấy chỉ lo thủ thân. Lo thân mình nhà cao cửa rộng thiên hạ sống chết mặc bây. Lại còn muốn con cháu bắt chước như ông ấy. Ai mà muốn cả đời cạo giấy văn phòng như ông ấy đâu.


Thu Hồng mở giỏ, lấy trao cho Quảng một gói thuốc bắc và nói:

- Chú Bảy biểu đưa cho anh.

Rồi chào Quảng và vội vàng quay ra. Quảng nhìn theo vạt áo dài trắng thô sơ và cái nón lá không được mới lắm. Lòng nghĩ thầm con nhỏ ít nói và nghiêm trang quá.

Quảng vào trong bàn học. Sách vở ngổn ngang trên bàn. Sắp sửa đến kỳ thi tú tài hai. Thế, người bạn ở chung, vừa về quê sáng nay. Chỉ còn lại một mình Quảng đang học bài.

Quảng mở gói thuốc bắc ra. Bên trong không phải là thuốc mà là một xấp giấy ronéo vàng khè xấp xỉ màu giấy gói thuốc bắc. Quảng cẩn thận đi đóng cánh cửa lại. Những bài thơ chép tay, nét chữ nắn nót rất kiểu cọ và khép tay. “Mảnh Đất Nuôi Anh”, bài thơ đầy ắp tình tự quê hương. “Hai Thế Hệ Một Tấm Lòng”, đoản văn của người trẻ vô danh viết về nỗi khoắc khoải trước những vấn đề của đất nước, Quảng đặc biệt chú ý đến một đoạn văn: “Họ là những thanh niên trên dưới hai mươi. Những người thanh niên hai mươi tuổi ấy tuy chưa có nhiều kinh nghiệm ở đời, nhưng biết rất rõ những nguyên nhân đau khổ của dân tộc và của nhân dân lao động là chế độ thực dân phong kiến. Họ sớm tìm được con đường đúng, có tinh thần anh dũng cao độ, trong tay không có một khẩu súng, kiên quyết đứng dậy đấu tranh đánh đổ những kẻ thù hung ác, giành lại độc lập tự do cho tổ quốc. Họ lập ra chính đảng của giai cấp công nhân và định ra cương lĩnh giải phóng dân tộc Việt Nam. Họ từ bỏ gia đình, trường học, đi vào nhà máy, xóm thợ, thôn xóm vận động tổ chức lãnh đạo công nhân, nông dân đấu tranh. Họ phát động những cuộc đấu tranh của hàng nghìn hàng vạn quần chúng, làm lung lay chế độ thực dân, gây nên tiếng vang lớn trên thế giới.
Cao trào kháng Pháp cứu nước trong thời kỳ trên đã thu hút hàng vạn thanh niên thành thị và nông thôn. Thanh niên đóng một vai trò quan trọng. Vinh dự lớn của thế hệ chúng ta là thực hiện những mơ ước của ông cha và anh chị chúng ta. Bao nhiêu thế hệ trước chúng ta đã phấn đấu và hy sinh cho độc lập tự do của tổ quốc. Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, và còn biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ vô danh khác đã chiến đấu vô cùng oanh liệt đến hơi thở cuối cùng nhưng chưa giành được thắng lợi…”.

Quảng xếp xấp giấy lại và nhìn lên bức tượng trên bàn học. Cái bàn học của Quảng kê sát vào tường. Không cánh cửa sổ. Sát ngay trước mặt Quảng là những công thức toán, những công thức hóa học và vật lý, xen kẽ giữa những biến cố lịch sử đáng nhớ. Giữa những mớ bài vở luyện thi ấy là những tấm hình của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Hưng Đạo, Quang Trung mà Quảng đã cắt xén từ những quyển sách sử và đem dán lên tường. Những tấm hình tuy nhỏ và màu giấy cũ kỹ, đôi khi chẳng ra hình thù nào nhưng Quảng vẫn luôn treo giữ chúng một cách trân trọng.

Quảng dừng lại. Không đọc tiếp nữa. Chàng thanh niên đôi mươi nghe như những nhịp tim chạy thình thịch trong lồng ngực. Những dòng chữ đầy kích thích. Không hiểu sao mỗi khi đọc đến những đoạn văn thế này Quảng đều thấy như những giòng máu trong người rạo rực lên. Quảng nắm lấy xấp giấy trong tay mà tưởng chừng như nắm lấy trái tim của mình. Thanh niên. Tiên quyết. Thế hệ. Dân tộc. Anh dũng. Những danh từ vang dội và hùng vĩ bao la. Ôi có cái gì hấp dẫn và quyến rũ như cuồn cuộn những con sóng trong những danh từ trên. Nó khều lên những ngọn lửa dưới má dưới môi dưới da chàng. Nó mời gọi, thách thức và hứng đỡ được những bực dọc vô cớ trong người. Trong một lúc Quảng bỗng bật dậy, thở phào như tìm được lối thoát.

Quảng đứng dậy đi về phía cửa sổ. Nắng chiều đổ hơi nóng xuống. Quảng nhìn ra những mái tôn hàng xóm cũ kỹ nhấp nhô. Hiếm hoi lắm mới thấy được một góc nhà ngói.

Căn gác của Quảng ở một khu dân cư nghèo. Phần lớn là những căn nhà gỗ èo ẹp, hoặc phên thưa, nằm san sát nhau. Trẻ con và chó thay phiên nhau khóc và sủa. Buổi trưa ở cái xóm này không bao giờ là những buổi trưa êm ả mà là những buổi trưa đầy tiếng động. Tiếng la mắng con. Tiếng vợ chồng cãi cọ. Tiếng máy hát mở lớn. Tiếng chó sửa. Cộng với những tấn nắng trên trời đổ xuống trên những lưỡi tôn bùng vỡ ra làn nóng rung rinh mặt đất. Cái xóm đã nghèo trông còn khốn khó hơn.

Đã nhiều buổi trưa, Quảng đã phải ngưng giòng tập trung đầu óc để ôn bài thi. Chàng thanh niên thấy dậy lên những bực dọc khó hiểu. Tại sao người ta phải sống và phải chịu đựng những cảnh đời nghèo khổ như thế này mãi. Làm sao để mang đi sự khốn khó trước mặt.

Chàng thanh niên so sánh cảnh sống của người bác mình với cảnh sống của khu xóm này. Nhà của ông Ty là một cái biệt thự có cổng sắt, có người hầu, có xe hơi. Ông bác của Quảng luôn hãnh diện về sự đầy đủ của mình. Ông không màng đến những kẻ nghèo khó chung quanh. Đã bao nhiêu lần Quảng chứng kiến ông thản nhiên trước những người ăn mày đứng chờ trước cổngï Đã bao nhiêu lần Quảng chứng kiến ông xài xể và sai bảo những người làm trong nhà một cách trịch thượng. Người đàn ông này còn nổi tiếng dê xồm.

Bao nhiêu người đàn bà làm việc trong nhà ông cũng không chừa. Cho đến cái ngày biến cố ấy xảy ra. Một chị người làm đã lất tất ôm khăn gói bỏ đi. Trước khi đi, chị Dung đã khóc lóc tâm sự với Quảng rằng chị không thể chịu đựng nổi nữa những sàm sỡ của ông chủ. Cứ thỉnh thoảng nửa đêm, lợi dụng lúc đi ngang qua nhà tiêu, người đàn ông ấy thường mò vào buồng của chị. Chị Dung bỏ đi ngày hôm trước, Quảng cũng dọn ra khỏi nhà ngày hôm sau. Không một lời giải thích.

Khi dọn về đây, Quảng đã tưởng thoát được cảm giác bực bội về một chỗ ở. Nhưng cái nơi chốn Quảng đang ở trọ có lẽ gây nên trong người thanh niên nhiều cảm giác phức tạp hơn. Ở nơi này Quảng thường xuyên bị khích động bằng một sự chống trả vô hình. Tại sao người ta lại khổ cực đến thế này nhỉ? Tại sao người ta lại khổ vì miếng cơm manh áo, vì nơi ăn chốn ở đến thế này? Mỗi lúc nghĩ đến những điều này, Quảng thấy nổi lên trong lòng một nỗi giận dữ khó chịu.


Lúc ấy vào khoảng đầu tháng sáu.

Thành phố Đà Nẵng nóng như một lò lửa.

Mùa hè năm nay có những tin tức đang loan truyền và có những biến cố đang xảy ra trong thành phố, khiến cho trời đất đang mùa nắng nóng lại càng say cơn lửa hạ hơn.

Người ta loan tin Phật giáo bị đàn áp sau vài vụ biểu tình của phật tử ở Huế, thành phố thủ cựu mạn bắc Đà Nẵng. Trong mùa phật đản, chùa Từ Đàm ở Huế tranh chấp với chính quyền về việc treo cờ trong chùa. Sau đấy các sư và phật tử phát động những cuộc biểu tình chống đối chính quyền đã can thiệp vào tôn giáo.

Tin chính quyền đàn áp phật giáo lan đi khắp nơi, lan ra các tỉnh miền Trung vào đến thủ đô Sài Gòn. Các ngôi chùa lớn bỗng trở thành những nơi tấp nập người ra kẻ vào. Các phật tử đến hỏi thăm về tình hình rất nhiều, mà cả những kẻ lâu nay không bao giờ đến chùa, nay nghe tình hình chính trị giữa các chùa với chính quyền đến hồi gay cấn, cũng đến chùa tham dự những cuộc biểu tình ủng hộ phật giáo.
Chùa chiền ở Đà Nẵng cũng nhập cuộc.

Những buổi tập họp. Những lên án chính quyền. Biểu ngữ giăng đầy đường phố. Sư sãi và phật tử kéo nhau ra đường. Từ chùa ra đường phố, ra sân vận động, ra bến xe, ra chợ, đã trở thành một biến cố lớn trong những ngày qua.

Ở bất cứ cuộc nói chuyện nào, đề tài sốt dẻo được mọi người bàn tán là những cuộc biểu tình đang xảy ra ngoài đường phố.

Cả đến những người đàn bà bán hàng trong chợ chũng nhập cuộc. Bà cụ Thục có gian hàng xén mấy hôm nay đi quyên tiền để cúng chùa. Đi đến đâu bà cụ cũng kể: “Các bà biết không, phật giáo mình bị đàn áp. Các thầy với phật tử đi biểu tình bị xe cán lớp chết lớp bị thương ở trong chùa Phước Tường ấy. Tôi phải vào trong làng quyên tiền. Tôi đi quyên được cả trăm ngàn đây để mua quan tài chôn mấy người chết”. Chị Hiếu bán chè góp ý: “Nghe nói biểu tình là tại vì tổng thống theo đạo Công giáo, đạo ngoại quốc. Còn các sư nói đạo Phật mới là đạo Việt Nam. Nên hai bên chống nhau. Nghe nói ở Cầu Đỏ lính Trung Đoàn Sáu ở trong nhà thờ bắn ra. Làm mấy người phật tử bị thương chi đó”. “Khổ thế! Bà Năm bán bún riêu bên cạnh cũng thêm lời. Chuyện người ta làm trong chùa sao cũng đến cấm cản làm chi cho sinh sự”.

Ồn ào nhất là khu chợ cá. Một đám cãi nhau chỉ vì mấy mụ giao cá là người Công giáo di cư Tam Tòa, Thanh Bồ. Còn những người bán cá lại là người Quảng Nam phật tử địa phương. “Tui theo đạo của tui. Người đầu nậu bán cá Tam Tòa vén quần lên và chỉ vào mặt người bán cá. Mụ theo đạo của mụ. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Chuyện sư sãi rập rượng mặc kệ họ. Mụ không muốn mua cá của tui nữa thì thôi chớ răng lại nói tui theo đạo thằng Tây mũi lõ”. “Mi nói ai rập rượng. Người đàn bà địa phương đứng dậy. Người ta ở trong chùa tu hành mà mi ăn nói như rứa”. “Tu chi rứa mà tu. Một người trong cái bang Tam Tòa xé giọng. Tu hú thì có. Tu chi mà không ở trong chùa. Tu chi mà còn biểu tình lên đường với xuống đường”. “Đồ cái thứ súc sanh ngạ quỷ. Cái bang kia trả đũa. Mi còn nói nữa ra đây tao vặn họng xé xác mi ra…”.

Đến cả bọn con nít trong trường học cũng chia phe. Đứa phật giáo ê a: “Chúa Giê Su đánh đu gãy cẳng”. Đứa công giáo đáp lại: “Phật Thích ca mười ba bà vợ…”.

Những cuộc biểu tình ở chùa Từ Đàm và bến Ngự Huế đã lan rộng lớn mạnh khắp miền Nam. Nhất là sau cuộc tự thiêu của thượng tọa Thích Quảng Đức ở Sài Gòn. Cơn sốt phật giáo trở thành cao độ. Ở các tỉnh người ta bắt đầu thấy có những cuộc tự thiêu của các sư ở Ninh Hoà, ở Huế.

Ngày thứ ba, một cuộc biểu tình vĩ đại chưa từng thấy diễn ra trên đường phố Đà Nẵng. Một rừng cờ phật giáo, biểu ngữ, áo lam, áo vàng. Những cánh tay đeo băng vẽ hình hoa sen. Đàn bà, đàn ông, trẻ con, sư sãi kéo ra đầy đường diễn hành khắp đường phố suốt ngày. Đến chiều lịnh giới nghiêm của chính quyền ban ra. Trong cuộc biểu tình đã có những vụ xô xát giữa cảnh sát và những người tham dự.

Trong số những người bị đưa về ty cảnh sát có Quảng.

Thường thì ông Bảy đã rất thân cận với các thầy. Nay xảy ra vụ biến động phật giáo, ông Bảy trở thành một cánh tay mặt của các thầy. Ông túc trực ở chùa để huy động phật tự tham dự những cuộc biểu tình. Ông đi từ chùa này sang chùa nọ, đi đến các chùa ở ngoại ô hoặc các quận các xã xa xôi để chuyển những kế hoạch của các chùa lớn về các chùa nhỏ. Ông lôi kéo được nhiều người vào sinh hoạt phật sự vào dịp này. Trong số đó có Quảng.

Bà Hòa ra Đà Nẵng gặp cậu con thứ.

- Mẹ van con. Bà Hòa nói với Quảng khi kéo được thằng con về bên nhà người bà con ở đường Hùng Vương. Con thi đỗ rồi. Vào Sài Gòn với anh cả lo thi cử vào đại học cho rồi.

- Mẹ để yên cho con. Quảng nói dịu giọng với mẹ.

- Mày làm sao mà không về nhà nữa.

- Con lớn rồi mẹ ạ. Mẹ đừng lo cho con nữa.

- Mày phải làm gương cho các em mày. Làm cái gì mà anh em bây giờ không nhìn mặt nhau. Mày với thằng Hưng đấm đá nhau trên trường làm sao mà bây giờ mỗi đứa hầm hầm một cái mặt.

- Nó là em. Sao can dự vào chuyện của con. Con làm gì mặc kệ con.

- Nó cũng chỉ nghe bác Ty nói lại. Mà không phải chỉ một mình bác Ty nói thôi con ạ. Bác mai cũng nói với mẹ là mấy người con giao thiệp ấy đều có hồ sơ bên ty cảnh sát hết.

Quảng nghiêm giọng:

- Con không muốn ai nhảy vào chuyện của con cả. Con đã bảo là mẹ đừng nhắc đến mấy ông bác gì đó trước mặt con nữa. Toàn là những ông già khiếp nhược thủ thân.

Bà Hòa nhìn con. Thằng con to cao hơn cả ông Thạch. Người nó đang tuổi lớn nên có phần thô kệch, tay chân lều khều, mặt đầy những vết mụn. Nhưng cái mũi hở, mái tóc rậm cứng, khuôn mặt trệt, mắt xếch. Nó giống ông Thạch quá. Nếu có phần không giống là cái phần khi nó mở miệng ra. Ông Thạch nhanh nhẹn liến thoắng. Ăn nói hoạt bát. Miệng lưỡi đỡ tay chân. Ai cũng mến cũng yêu cũng thích. Còn thằng con thì lầm lì ít nói, hay cãi, lại còn cộc. Nên ông Thạch dễ kết bạn bao nhiêu thì Quảng khó kết bạn bấy nhiêu.

- Mày không được như bố mày. Bà Hòa nói. Bố mày ra ngoài đời giao thiệp không mất lòng một ai. Thế mà rồi còn xôi hỏng bỏng không. Đi hoạt động bao nhiêu năm cuối cùng phải bỏ. Về nhà chết bệnh chết tật. Còn mày, mày không biết ăn biết nói. Nói ai nghe.

- Thôi, Quảng cắt lời mẹ. Mẹ đừng nói nữa.

Nhưng bà Hòa cũng đến sờ cái vết bầm trên mặt con.

- Đau không con. Khổ. May mà nhờ bác Ty mày xin.

Quảng quắc mắt nhìn mẹ:

- Cái gì.

- Mẹ nói may mà nhờ bác Ty mày xin. Không thì giờ này còn đuổi muỗi trong tù.

Mặt Quảng đanh lại. Quảng nói:

- Con không cần ai xin xỏ cho con cả. Xin xỏ. Hừm. Tởm.

Bà Hòa không hiểu được tại sao đứa con của bà lại xung khắc người anh rể đến như vậy. Bà không hiểu được lòng tức giận ông Ty ở đâu trong người nó mà lắm thế.



Sài Gòn cũng không khác gì Huế và Đà Nẵng. Thủ đô miền Nam giờ này cũng trằn mình vào những cuộc biểu tình Phật giáo. Cái chết của cô nữ sinh Quách Thị Trang bơm vào những náo loạn của thủ đô. Những tin tức sốt dẻo chạy tít trên báo hàng ngày. Chùa Ấn Quang bị khám xét. Chùa Xá Lợi hết làm lễ cầu siêu cho thượng tọa này xong lại nghe tin đạo đức khác vừa tự thiêu. Xen lẫn trong những tin tự thiêu là những tin mìn nổ. Lựu đạn nổ ở rạp chiếu bóng Vĩnh Lợi. Ngoài đường Lê Lợi kẻ chết người bị thương. Mìn nổ ngay chợ Bến Thành năm người chết. Sinh viên học sinh xuống đường lia lịa. Lệnh giới nghiêm được ban hành từ chín giờ tối đến năm giờ sáng.

Quảng vào Sài Gòn theo yêu cầu của mẹ. Sài Gòn trước mặt Quảng bây giờ là một hoạt cảnh náo loạn tò mò. Quảng lấy cớ là đi đến các đại học để xin đơn rồi la cà suốt ngày ngoài đường phố. Quảng có mặt hầu hết ở các cuộc biểu tình trước chợ Bến Thành, trường Luật, ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng… Có hôm thanh niên sinh viên biểu tình lớn trước chợ Bến Thành. Quảng nhập vào đám biểu tình. Cuộc biểu tình có xô xát ẩu đả. Cảnh sát hốt hơn ngàn thanh niên về Trung tâm Huấn Luyện Quang Trung. Quảng cũng bị hốt. Nhưng chỉ một ngày hôm sau là được thả vì số giam giữ quá đông.

Ra khỏi chỗ giam, Quảng không về nhà người cô họ. Mà đến nhà bạn ở. Thời, anh đầu của Quảng, vào Chợ Lớn tìm thằng em.

- Bác Ty có chuyện muốn nói với mày.

- Tôi không ở đây nữa đâu, Quảng nói. Tôi ra Huế học.

- Còn cái bourse bác ấy xin cho mày đi Pháp thì sao.

Quảng nhìn Thời và nói tỉnh:

- Anh là cháu cưng của bác. Lại hãnh diện là mình giỏi tiếng Tây. Sao anh không đi đi.

Thời lên giọng:

- Bác Ty xin cho mày vì muốn tống mày đi cho rảnh nợ mẹ. Biết chưa. Mày ở đây ăn rồi cứ sinh hoạt với biểu tình. Học hành không lo.

- Anh thì biết cái gì mà nói. Thằng em đáp lại. Đâu phải ai sống cũng ngập mặt nhìn xuống chỉ thấy bóng mình, chỉ thấy hạnh phúc sung sướng be bé của mình thôi. Đời của tôi không phải là một đời tầm thường. Tôi không bao giờ muốn làm một người tầm thường như người khác. Anh biết chưa. Anh cứ chống mắt lên mà xem. Rồi tôi sẽ làm những gì cho anh thấy.