Kỳ 3

BÍCH CHI

Ngôi nhà của gia đình Bích Chi ở ngay trung tâm thành phố. Từ nhà Bích Chi đi lại trường học không xa. Đi bộ ra bờ sông khoảng mười phút. Đi đến chợ cũng gần. Những công sở mặt trên mặt dưới đầy rẫy.

Suốt hơn một năm qua, Bích Chi chứng kiến vô số những cuộc biểu tình. Thoạt đầu Phật giáo biểu tình chống chính phủ. Học sinh biểu tình loạn xạ. Rồi Công giáo cũng biểu tình. Chỉ hơn một năm mà biết bao nhiêu là biểu tình và nghỉ học.

Bích Chi có con bạn mới. Gia đình nó vừa từ quê tản cư ra. Liễu và Bích Chi học cùng lớp. Nhà gần nhau nên thường đi học chung. Liễu mới dọn nhà ra, đi học chưa được một tháng mà nghỉ học liên miên. Nó chép miệng:

- Biểu tình. Biểu tình hoài. Sao người ta không chịu dẹp đi cho rồi.

- Mấy bà lớp lớn thích nghỉ học tha hồ đi ăn chè. Bích Chi nói. Đi biển Nam Ô hẹn hò bồ bịch. Mày không thích sao.

- Không. Liễu nói. Trong quê tao ở không yên. Ba mẹ tao phải dẫn tụi tao ra đây cho tụi tao yên ổn học. Ở đây cũng không yên nốt. Liễu chép miệng. Thời buổi này chẳng còn chỗ nào yên nữa.

Hai ngày qua những cuộc biểu tình của thanh niên sinh viên lên cao độ. Học sinh thanh niên Phật giáo chia phe với học sinh thanh niên giáo chống nhau. Xóm di cư Công giáo ở phía dưới kia phủ trùm một không khí rùng rợn. Những thanh niên đi rảo quanh xóm với gậy có khi cả súng. Họ nhìn những người lạ mặt với vẻ khiêu khích dò hỏi. Trong khi đó phía ngoài kia, ở trên phố, các nhóm thanh niên học sinh giăng đầy những khẩu hiệu của Mặt Trận Cứu Quốc chống Cần Lao, cũng biểu tình la hò và cầm theo gậy gộc và đá. Ở gần cổng xóm đạo một cơ sở của người Mỹ có đầy lính Mỹ đứng canh. Súng ống sẵn sàng.

Buổi trưa đã nghe phong phanh nhóm biểu tình sẽ kéo về hướng Thanh Bồ. Đến chiều. Trời tháng tám nhưng không nắng. Không khí nóng nực u ất.

Cả nhà Bích Chi đang dùng cơm chiều. Bỗng nghe những tiếng nổ hướng căn cứ Mỹ. Rồi tiếng la hét. Mọi người bỏ đũa chạy ra trước hiên. Đám biểu tình chạy tán loạn. Lính Mỹ trước cổng xóm đạo bắn chỉ thiên bắn thật không ai biết. Có tiếng người cầu cứu chạy về hướng nhà Bích Chi. Dưới kia thanh niên trong xóm tiến ra. Thanh niên ở ngoài tấn công vào.

- Đi. Đi vào trong nhà hết. Chị An kéo các con vào nhà.

Bích Chi đang đứng sau lưng cha. Trố mắt nhìn khói bốc lên ở phía xóm di cư.

- Cháy ở đó kìa cha, Bích Chi chỉ về hướng nhà cháy.

Một thanh niên chạy như băng về hướng nhà Bích Chi. Anh ta ôm lấy vai, mất cả dép. Ba thanh niên khác cắm cúi rượt theo. Thanh niên bị đuổi chạt tông đại vô nhà Bích Chi. Ra tận sau bếp. Anh ta nép vào sau cửa bếp. Cả nhà Bích Chi tá hỏa tam tinh. Im lặng thin thít. Ba thanh niên chạy vào đến hiên nhà. Vào đến phòng khách thì dợm chân.

- Hắn mô rồi.

- Ra đây con.

Rồi như ngượng vì tông vào nhà người lạ, ba thanh niên rút ra khỏi nhà. Chạy băng trở lại xóm đạo.

Người thanh niên mặt đầy khủng khiếp. Vai áo rách. Chân anh ta dẫm mảnh chai. Máu ứa ra dưới chân. Khi thấy những thanh niên kia chạy mất anh ta lấm lét đi về phía phòng khách nhà Bích Chi. Cả nhà đổ túa ra nhìn người thanh niên.

- Chân cậu chảy máu. Cha Bích Chi nói. Để tôi đưa cho miếng băng băng lại.

Bích Chi chạy vào trong mang hộp băng cứu thương ra. Cả nhà Bích Chi lùi ra phía sau đứng ngó. Bích Chi phụ cha lấy mảnh chai trong chân người thanh niên ra. Người thanh niên lẩm nhẩm cám ơn. Rồi bước ra hiên. Bích Chi đi với cha ra ngoài.

- Mẹ. Bích Chi trở vào và nói. Cho anh ta đôi dép. Không có dép đau chân chết.

Mẹ Bích Chi đi kiếm đôi dép. Trong khi Bích An thầm thì vào tai em:

- Mày lanh chanh. Con gái con giếc mà chỗ người ta ẩu đả cứ bương ra mà ngó với nhìn.

- Chớ người ta bị thương rồi làm sao. Bích Chi nói.

- Ở đó mà nói. Bà chị lớn lên giọng với cô em út. Tao muốn đứng tim luôn. Lỡ tụi nó phang nhau trong nhà này thì sao với trăng cái gì. Đã biểu đi vô nhà đóng cửa lại. Để cửa mở cho nó chạy vào.

Buổi tối khi leo lên giường nằm. Bích Chi nằm nghiêng một bên mới thấy nhức ở bên mông trái. Mới chợt nhớ ra khi người thanh niên chạy băng ra sau bếp nhà, anh ta đã tông vào người Bích Chi làm Bích Chi té xuống sàn nhà. Bây giờ mới thấy đau nhức. Đứa cháu gái nằm cạnh Bích Chi đang ôm gối ngủ ngon lành. Bích Chi muốn ngủ nhưng đầu óc sao mà nó tỉnh quá. Cuốn phim quay lại. Khuôn mặt người thanh niên đầy vẻ hãi hùng. Những người thanh niên kia hung tợn với những nhánh củi. Khói bốc lên sau buyn đinh Mỹ. Bầu trời ảm đạm. Khuôn mặt Liễu buồn rầu: "Không còn một nơi nào bình yên nữa". Bích Chi bỗng cảm thấy một chút lành lạnh và xao xuyến lướt qua trong đêm tối, lướt qua trong đầu óc bé nhỏ này. Lần đầu tiên Bích Chi cảm thấy có một điều gì bất ổn, lung tung, không trật tự gì cả. Nó không êm ả như trong tâm hồn người con gái nhỏ bấy lâu nay.



GUỒNG MÁY

Năm đầu tiên của Quảng ở Huế đầy hào hứng với lên đường và xuống đường. Quảng được ông Bảy giới thiệu đến ở trọ chung với Định, người cùng quê với ông. Định và Quảng ở Bến Ngự. Ông Bảy thỉnh thoảng ra Huế và ở lại đây vài ngày. Dạo sau này ông Bảy ăn mặc chỉnh tề hẳn ra. Áo sơ-mi trắng bỏ trong quần, nịt niếc gọn gàng. Nhưng ông vẫn mang đôi dép lạch bạch. Ông còn thỉnh thoảng đi Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Sài Gòn nữa.

Ông Bảy và Định hay nói chuyện về những người đồng quê, mà Quảng nghe mãi rồi cũng phải nhớ những cái tên ông Tề, bà Hội… Định Quảng cùng ghi tên học Khoa học. Nhưng suốt ngày bàn chuyện thời sự với Quảng. Định có khuôn mặt hô. Hô từ con mắt cho đến gò má, cho đến hàm răng. Định nói nhiều, hay nói về những gì liên hệ đến xứ Quảng. Mỗi lần có câu nhuyện nào liên hệ đến người xứ Quảng là Định thường nói: "dân cách mạng chứ giỡn à". Cha Định tập kết ra Bắc. Bây giờ chỉ còn mẹ Định ở quê. Ông Bảy là người chú đỡ đầu Định. Ông cung cấp tiền bạc cho Định ăn học.

Ông Bảy ra hai ngày thì ông đã hợp tác với các thầy trên chùa để làm biểu ngữ biểu tình. Ông đi mua vải và sơn về cho Quảng và Định viết khẩu hiệu bằng tiếng Anh. Ông rút trong túi quần ra mấy câu "Long Live Fighting Central Vietnam. Down With Colonialism. Defend National Sovereighnty. Long Live Democracy".

- Sao lại phải viết tiếng Anh. Quảng nói. Viết tiếng Việt người mình mới đọc được cjứ.

- Viết. Cứ nghe lời tao viết đi. Ông Bảy ông dục.

Quảng hơi ngạc nhiên. Nhưng rồi cũng hì hục viết.

Sau mấy tuần lễ, ông Bảy từ Đà Nẵng ra mang theo một bài báo tiếng Anh. Không rõ ông lấy từ đâu. Ông trao cho Quảng và Định.

- Tụi bây thấy nè, ông nói. Lên báo Mỹ rồi nè. Đứa nào dịch ra thử coi.

Quảng thấy quả thật có những khẩu hiệu tiếng Anh do chính tay mình viết. Những câu biểu ngữ đi trước những rừng người biểu tình. Nhưng cả Quảng và Định không đứa nào giỏi tiếng Anh nên không buồn dịch xem thử trong đấy nói gì.

Nhưng có một tấm hình khác làm cho Quảng nổi cơn giận.

Một ngày chủ nhật, bà Hòa đột ngột từ Hội An ra. Bà mở ra từ túi áo, trao cho Quảng một tấm hình đen trắng nhỏ. Tấm hình Quảng đang làm loa tay lên miệng hô to khẩu hiệu trong một cuộc biểu tình.

- Bác Ty mày trao lại. Bà Hoà nói.

- Ai chụp đây, Quảng hỏi.

- Mẹ không biết. Bác Ty nói người ta trao cho bác ấy để về dặn với mẹ là lo bảo cho con nên để ý chuyện học hành. Đừng đi biểu tình nữa. Tránh xa những vụ gây náo loạn. Người ta cảnh cáo cho biết như vậy.
Cả một buổi chiều, bà Hòa hết ngồi rồi đứng. Hết khóc rồi im. Bà kể lể với con. Bà năn nỉ với con: "Con ơi con, con nghe lời mẹ. Con đừng theo đám biểu tình ấy nữa. Ở nhà học hành đi con".

Chiều tối, bà Hòa sưng đỏ mắt. Ra bến xe. Về lại Hội An.

- Tụi mật vụ chó đẻ ấy chụp chớ ai nữa. Ông Bảy nói khi ba người ngồi bàn về bức hình mẹ Quảng mang ra. Mày bị theo dõi rồi.

- Tôi làm gì mà họ theo dõi, Quảng nói. Ai cũng biểu tình. Cả trăm ngàn người biểu tình chứ đâu phải một mình tôi.

- Chú em nghe đây này. Ông vỗ vai Quảng và nói. Chú em đừng có lo. Có cái gì thì nói cho qua biết.

Ông Bảy không đeo kính. Con mắt mù của ông ta mấp máy. Con mắt không mù của ông liếc ngang.

- Mười tuổi qua đã đi tù. Ông ta nói nhỏ với Quảng và Định. Đời qua vô tù vào khám sơ sơ hơn hai mươi lần.

Quảng nhìn ông Bảy. Ông ta mặc cái quần đùi và cái may-ô bẩn. Đi chân không. Ngồi chồm hổm trên cái ghế và xúc cơm ăn. Trên cánh tay ông ta có một vết sẹo dài mà ông nói là bị người ta chém hụt. Cởi bỏ hết lớp áo quần bên ngoài, người đàn ông này hiện rõ là một thân hình lùn, lực lưỡng của một người lao động tay chân. Người đàn ông này vẫn thường tuyên bố ông chỉ mới biết đọc biết viết. Vậy mà người đàn ông này mở trường dạy học. Người đàn ông này năm ngoái bị bắt hai lần mà vẫn được thả. Người đàn ông này có mặt ở mọi nơi. Đà Nẵng biểu tình cũng có mặt. Huế biểu tình cũng có mặt. Người đàn ông này thật nhanh nhẹn và tháo vát. Ở người đàn ông này có cái gì kỳ cục. Cái gì đó mạnh mẽ. Có gì đó bí mật. Đầy tò mò. Khó hiểu nhưng lôi cuốn.

Kể từ ngày ông ta trao cho Quảng một bản đánh máy mà ông ta cười và nói: "Tao có biết nó viết cái gì ở trong đó đâu". Sau đấy không thấy Quảng nói gì, ông Bảy mới bạo dạn nói chuyện với Quảng về những chuyện thời sự và những câu chuyện có lập trường của phía "bên kia" hơn.

Quảng có nghe những tin đồn đãi rằng ông là cộng sản nằm vùng. Nhưng một người như Quảng thì chẳng bao giờ sợ hãi một sự thật nào. Tại sao người ta lại nói về cộng sản như một thứ gì kinh hoàng ghê gớm, Quảng nghĩ. Quảng chưa biết con người cộng sản là gì. Nhưng không bao giờ Quảng tin những điều người khác nói. Quảng chỉ có thể tin chính mình. Chính cái lúc mà Quảng nhìn rõ, va chạm và nắm bắt những sự việc của thực tế bằng tất cả thể xác và linh hồn chàng, lúc bấy giờ Quảng mới chứng thực được những ý nghĩ, hoặc những mơ hồ trong chàng. Đó là mối đam mê của Quảng. Một điều mà chàng đã kiêu hãnh từ những ngày còn bé nhỏ.

Buổi tối khi hai thằng nằm cạnh nhau, Quảng nói:

- Ba mày ở "bên kia". Mày đang ở bên này. Vậy mày theo bên nào.

Định trầm trầm giọng và nói:

- Nếu mày đã từng là một thằng nhà nghèo như tao. Từng có thời tuổi nhỏ ăn cơm với đậu phụng và nước mắm cả tuần lễ. Được một cái quần đùi và áo cánh để đi học quanh năm. Về đến nhà là phải ở trần để dành áo đi học. Mày mới thấy nỗi căm hận với những thằng nhà giàu. "Bên kia" dù sao cũng là một xã hội không có vấn đề giàu nghèo.

Trong bóng tối, Quảng nằm co người lại. Quảng nhớ tới khuôn mặt người bác. Quảng nói:

- Tao cũng thấy có những người hơi giàu có một tí là đã hưởng thụ, an thân, ích kỷ. Tao không biết thế giới này ra sao nếu mọi người đều giàu có. Nhưng có vẻ như con người thích hợp với sự nghèo khổ. Sự nghèo khổ cho con người ta sự tranh đấu, hy vọng và mơ ước.

- Mang tiếng là sinh viên, Định nói, là thành phần trí thức, mày phải đi tiên phong dẫn đường. Mày nhìn coi, trí thức mình thiếu anh hùng. Anh hùng của mình toàn anh hùng áo vải kiểu Lê Lợi. Ở trong quê tao, tao đã từng gặp những người không học hành già cả. Mà họ anh dũng hành động nhiều việc làm mình phải ngưỡng mộ. Đó. Những người học hành giỏi giang, những bậc trí thức không dấn thân, không dám đi tiên phong lãnh đạo quần chúng. Sau này những kẻ hy sinh gian khổ sẽ lên lãnh đạo là chuyện thường. Bởi vậy mày mà không dám dấn thân, rồi mày cũng sẽ trở thành như bọn họ. Thử tưởng tượng mày cứ hoc hành đều đặn, đỗ đạt bằng này bằng kia. Ra trường khéo thì khỏi đi lính. Không khéo thì nướng thân cho chiến trường này chiến trường nọ. Rồi đến năm mày bốn mươi lăm tuổi, chắc mày cũng là ông quan cạo giấy văn phòng hay không xanh cỏ thì đỏ mai hay trở thành ông giáo sư ê a trong lớp mà về nhà thì sợ vợ hơn trời…

Một hôm Định cầm về một tờ báo "Vì Nhân Dân Chống Mỹ" do Hội Liên Hiệp Học Sinh Sinh Viên Giải Phóng Thành Phố Huế phát hành. "Của mấy anh em sinh viên ở Huế đây. Định nói nhỏ. Mày coi đi. Nếu thích tao sẽ dẫn đi giới thiệu".

Quảng đọc đi đọc lại mấy lần và không nói gì.

- Mày chưa muốn đi gặp thì khoan đã. Định nói. Nhưng trí thức mà không dám làm dấn thân cho những điều mình tin tưởng như vậy ở xứ Huế này có được một số khá đông.

Mấy ngày sau, Định lại trao cho Quảng những bản ronéo và những quyển sách in giấy vàng khè do nhà xuất bản Giải Phóng phát hành.

- Mày đọc thử những thứ này. Định nói. Nhớ bảo mật tối đa.

Định đưa tay cắt ngang cổ. Cái dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng. Quảng mĩm cười.

Một buổi tối khoảng tháng mười. Miền Trung vừa qua một cơn bão lụt. Quảng đang nằm ngủ một mình trong phòng. Định về quê chưa ra. Cảnh sát ào ập vào khám xét. Họ tìm được một thùng tài liệu sách báo cộng sản dưới gầm giường. Quảng nói đó là những thùng sách của Định mà chàng không hề hay biết nó là những thứ gì trong đó. Nhưng người ta vẫn giải Quảng về Lao Thừa Phủ Huế.



Ở MỘT GÓC VƯỜN KHÁC

Trong căn phòng khách. Hai người đàn ông, một già một trẻ ngồi ở chiếc bàn ăn.

- Tình hình dạo này gay quá, thưa anh. Người thanh niên trẻ khoảng hai mươi mấy nói.

- Em mới ngoài Huế về à. Người đàn ông này lớn tuổi nói.

Rồi ông quay vào trong nhà và gọi:

- Bích Chi.

Người đàn ông lớn tuổi chính là ông Hoài Sơn, cha Bích Chi. Người đàn ông nhỏ tuổi là Kỉnh, giáo sư của con gái ông.

Bích Chi bước và nhìn vị thầy giáo.

- Chào thầy ạ.

- Mang ấm trà ra đây con, ông Sơn nói.

- Học khá lắm anh. Kỉnh nhìn theo cô học trò, mĩm cười và nói.

Tuy hai người một già một trẻ – người đàn ông lớn tuổi đã ngoài năm mươi nhưng họ vẫn xưng hô anh em. Lối xưng hô của những người cùng đảng phái chứ không phải lối xưng hô theo địa vị hoặc tuổi tác.

- Em đi ngoài đó về thấy thế nào. Người đàn ông lớn tuổi hỏi.

Kỉnh xoay người trên chiếc ghế.

- Em thấy sao kỳ kỳ. Kỉnh lắc đầu.

Ngừng một lát, Kỉnh tiếp.

- Anh em thì quyết định ủng hộ các thầy bên chùa Từ Đàm và Diệu Đế. Thứ bảy này lại đại hội Miền Trung ngoài đó. Nhưng em kiếu từ về.

Một lúc sau, lại tiếp:

- Tối hôm qua em ở nhà thằng Thành Mập. Tụi em ngồi nói chuyện tổ chức lại lực lượng trong anh em sinh viên. Thằng Thành hắn nói về vụ nổ ở trước Đài Phát Thanh Huế tuần trước.

- Nghe nói Thành cũng bị thương sơ sơ phải không. Ông Hoài Sơn nói.

- Hắn nói bị người ta xô đập đầu vào xe cảnh sát. Bị thương sơ sơ trên đầu. Giờ cũng đỡ rồi.

- Hắn nói cái chi?.

- Hắn thắc mắc vụ nổ này lắm. Thành nói trong đời hắn cũng đã nghe súng đạn nổ nhiều. Nhưng chưa bao giờ hắn nghe tiếng nổ lớn và lạ như vậy. Hắn nói hắn nghi ngờ tiếng nổ này, Kỉnh nói. Phải có bàn tay bí mật. Ai là bàn tay bí mật quăng trái nổ này. Và hắn cứ nghi ngờ hoài. Mấy hôm nay không còn hào hứng đi biểu tình như trước. Em ra mấy hôm, hắn nằm nhà.

- Chắc có bàn tay khá hoại của bọn nào đây. Không bên kia thì cũng bên này. Không cộng sản thì cũng bọn Mỹ đây.

- Tại sao người Mỹ.

Người đàn ông lớn tuổi điềm tĩnh nói:

- Ở đời chuyện gì cũng có mặt sấp và mặt ngửa. Khi suy nghĩ chuyện gì, chúng ta cũng nên đặt giả thuyết cả hai mặt em ạ.

Bích Chi bưng ấm nước trà ra và nghe cha nàng nói.



KẺ ĐI NGƯỜI Ở

Tin Quảng bị bắt và bị biệt giam bay về đến Hội An những ngày vừa tạnh cơn lụt. Mùa đông ở đây thường xuyên lụt lội. Gió liên miên cả tuần lễ. Mưa giông trời giông đất. Nước sông lên cao. Cả khu phố gần sông ngập nước. Chợ búa phố xá trường học ngưng đọng. Năm nay miền Trung bị cơn bão nặng thiệt hại lớn lao. Cả thành phố Hội An ra sức dọn lụt.

Tin Quảng bị bắt về đến nhà làm bà Hòa đang cảm cúm trở thành liệt giường luôn. Thanh phải thay mẹ chăm sóc hết mọi việc ngoài cửa hàng.

Mọi người trong nhà đã quá quen với những tin đồn đâu đâu liên quan đến Quảng kể từ ngày Quảng dọn ra khỏi nhà ông Ty. "Chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngỏ đã tường", bà Hòa thường chép miệng nói như thế mỗi khi nghe người từ Huế hoặc Đà Nẵng về mang theo những tin tức động trời về đứa con trai nay đã tung cánh xổ lòng bay xa. Lần này thì chính đứa cháu gái đưa tin: "Cô Hòa, Bé nói, người ta đồn anh Quảng bị bắt vì hoạt động cho Cộng Sản". Bé cũng đang học ngoài Huế với Quảng, khi nghe tin này đã hớt hơ hớt hãi nhanh chân lẹ cẳng chạy về báo tin cho bà Hòa hay.

Thanh và Hưng đang học thi. Thanh viết thư cho Huấn, người yêu đang học ở Sài Gòn.
"Anh Huấn, có lẽ em phải nghỉ học. Hết ôm mộng vào Sài Gòn đi học với anh. Mấy tuần lễ nay lụt lội chắc anh đã nghe tin. Cửa hàng nhà em buôn bán ế ẩm. Mẹ em lại đang bệnh. Em muốn giúp gia đình. Có lẽ em phải hy sinh việc học quá.

Em cũng mơ ước thi đỗ để vào Sài Gòn học thành cô dược sĩ. Em thính thành cô dược sĩ mặc áo trắng ngồi bốc thuốc trông thanh tao sang trọng chứ không lam lũ như cô hàng xén ngồi bán đường bán gạo bán dép cao su ngoài chợ. Nhưng thôi bây giờ thì đành phải dẹp hết. Hết Sài Gòn hết Huế hết đi đâu nữa. Em thương mẹ thương anh thương em thương mọi người trong nhà này nên em xung phong biếu hết tình thương cho người nhà em trước khi dành cho anh và cho em! Thôi em ở lại Hội An. Ai đi đâu thì đi đi. Anh muốn đi đâu thì anh cứ đi. Nhưng anh học ra trường rồi mà không xin đổi được về Hội An là coi chừng đấy nhé! Chúng mình hết tái hồi Kim Trọng luôn. Em nói là em làm dù anh có viết mười tờ pelure xanh nói thương em nhất đời…".

Thanh thấm nước miếng sau phong bì, lấy xe đạp chạy ra bưu điện bỏ cái thư xong. Vừa về đến nhà thì thấy Trọng, người thanh niên nhà hàng xóm lù lù kéo guốc sang.

- Về bao giờ, Thanh nói. Vậy mà không sang nói để người ta nhờ chuyển cái thư hộ. Làm mới chạy ra bưu điện bỏ thư.

- Nghe Hội An lụt trôi nhà trôi cửa, Trọng cười và nói, nên về thăm. Chớ ai biết chuyện chi mô hè. Mà gửi thư cho ai rứa. Gửi cho thằng Huấn hả. Bữa hôm kia có gặp hắn. Hắn lăng xăng nói để gửi thư gửi quà chi đó cho Thanh. Mà rồi tôi quên mất.

Thanh ngúng nguẩy. Cô gái dậy thì trắng trẻo mịn da mát thịt. Khuôn mặt tươi tỉnh vô ưu. Điệu nghệ thường ngày là ưa vén cao mái tóc sau gáy bằng một cái kẹp mới và có tiếng bắt mắt nhất trong bọn con gái là thân hình nhấp nhô nẩy nở chín đều dưới những lớp áo cánh mỏng đơn giản.

- Vậy mà cũng nói. Thanh nguýt dài.

- Đi mô mà lẹ rứa. Trọng nói. Có cái ni cho Thanh.

Trọng cắp hai tay sau lưng bây giờ mới xòe ra.

- A ổi xá lị, Thanh reo lớn.

Thanh vân vê trái ổi. Trọng mĩm cười nhìn cô bạn ở trước nhà cùng lớn lên cạnh nhau, gần như biết rõ mọi chuyện của nhau ngay cả đến những sở thích.

Buổi tối ngày hôm sau, một bọn con trai con gái tụ họp trước nhà Thanh.

- Đi dọn lụt. Trọng nói. Tối ni xuống nhà thằng Báu dọn lụt.

- Để Thanh đi nấu chè đậu xanh. Dọn lụt xong về đây ăn chè nghe.

Thanh ngồi với Mai và Cúc trước nhà trong khi chờ bọn con trai đi dọn lụt trở về.

- Chắc Thanh nghỉ chơi với anh Huấn quá. Thanh tâm sự với bạn.

- Nữa. Cúc nói. Đổi ý nhanh rứa. Bữa trước nghe mi nói định vô Sài Gòn học với anh Huấn mà.

- Mi đưa thư anh Huấn nói muốn cưới mi vô Sài Gòn ở mà. Mai nói.

Thanh cúi đầu xuống tựa lên đầu gối, nói nhỏ:

- Anh Huấn nói thương Thanh mà lại không muốn về sống ở đây. Mà Thanh thì không thể bỏ Hội An đi. Thanh bỏ nhà này lại cho ai đây. Thanh còn mẹ còn gia đình Thanh nữa.

- Thanh nói vậy. Mai nói, chứ con gái lớn lên lấy chồng theo chồng là chuyện thường.

- Nhưng Thanh không đi đâu hết. Giọng cô gái quyết liệt. Thanh ở Hội An này đến già đến chết thì thôi chứ không đi đâu hết.

- Vậy rồi ai thương mi muốn cưới mi thì làm răng. Cúc nói.

- Ai thương Thanh ai muốn cưới Thanh thì phải về Hội An này ở. Thanh vậy đó. Ai thương thì thương không thương thì thôi.

Phương ở trong nhà đi ra, nói với chị:

- Em xong việc của em rồi. Bây giờ em đi lại nhà bạn.

- Mẹ ngủ chưa.

- Ngủ rồi.

- Ấm thuốc của mẹ đến đâu rồi.

- Chị vào xem hộ. Em không biết sắc thuốc làm sao.

Thanh hờn mát giọng:

- Đi. Đi cho hết đi. Ai cũng đi hết đi.



Hưng đang học năm cuối trung học, đang chuẩn bị thi tú tài hai. Niên học bị gián đoạn bởi những cuộc biểu tình thời cuộc ngoài đường. Ban đầu Hưng cũng như nhiều bạn đồng lớp, leo cửa sổ ra hò hét với đám biểu tình, tụ tập bạn bè trong sân trường hoặc đầu đường phố bàn chuyện thời sự nào nóng hổi sốt dẻo nhất, nhét vỏn vẹn một quyển vở vào túi quần đến lớp ngồi mà mắt dớn dác ngó chừng ngoài đường hô hoán là bên trong ứng.

Từ hơn hai ba tuần nay Hưng không còn đi theo đám biểu tình nữa.

Kể từ khi nghe tin Quảng bị bắt ngoài Huế, Hưng tránh những đám đông, xa hẳn những biểu ngữ với biểu tình. Có đứa bạn thấy vậy thì tra hỏi:

- Lạ thật! Thằng Hưng mà lại tránh biểu tình. Rét rồi hả mày.

Hưng nhìn thằng bạn và nói:

- Im nghe mày.

Thằng bạn còn cưới to lên:

- Hô hô. Thằng Hưng nhát gan. Thằng anh mày ngon hơn mày nhiều nghe Hưng.

Hưng nắm lấy ngực áo thằng này:

- Mày câm miệng lại. Có muốn ăn quả đấm không.

Bà Hòa thường nhìn thằng con cao gần đụng nóc cửa nhà, mặt mũi tươi tỉnh, nước da ngăm ngăm ïTrên miệng luôn luôn sẵn một nụ cười. Nói to và ăn khỏe là Hưng. Học giỏi nhất nhà cũng là Hưng. "Thằng Hưng có cái chân đi. Bà thường nói. Ăn xong là đi mất đất. Chả bao giờ phụ cho mẹ được cái gì". Hưng ham đi chơi và ngủ nhà bạn có khi đến sáng sớm mới về. Có hôm Hưng mang về xâu cá hồng, hí hửng nói với mẹ: "Con biết mẹ thích cá hồng. Con và mấy thằng bạn đi Cù Lao Chàm bắt được cá mang về cho mẹ". "Gớm, bà Hòa nói, cậu làm như cậu thương mẹ lắm". "Thương chứ. Hưng ôm vai mẹ và nói. Con thương mẹ nhất đời". Bà Hòa cảm động nói giọng ngùi ngùi: "Đừng cứ như hai thằng anh mày. Một thằng thì chả còn nhớ gì đến mẹ. Một thằng thì chỉ làm cho mẹ lo tối ngày".

- Trời. Hưng nói. Con thế này làm sao mà giống hai ông kia được.

Vào một ngày giữa mùa hè, Hưng vừa thi xong kỳ thi tú tài. Chiều cuối cùng Hưng làm xong bài sớm, ra bến xe về Hội An. Hưng đi thẳng ra cửa hàng của mẹ.

- Thi cử thế nào. Thanh vừa đong gạo cho khách vừa hỏi em.

- Dễ lắm, Hưng nói. Thế nào cũng ưu hay bình. Muốn thi không em kèm cho chị thi khóa hai.
- Hàng quán thế này ai trông cho mà thi với cử.

- Mẹ đâu.

- Ủa. Mẹ ra ngoài ấy mà. Hưng không ghé nhà bác Ty sao.

- Có. Nhưng không nghe bác Ty nói mẹ ra.

- Lạ nhỉ. Mẹ đi đâu sao không nói vậy kìa.

Thanh ngẫm nghĩ một lát, rồi lẩm bẩm:

- Thôi đúng rồi. Thế này là mẹ đi Huế rồi. Hôm trước bà cụ Tiệm đến rủ mẹ đi chùa. Nghe bà ấy thầm thì với mẹ rằng bà ấy có người con rể làm lớn lắm ở ty cảnh sát Thừa Thiên. Kiểu này là mẹ ra Huế lo cho anh Quảng rồi.

- Sao chị không ngăn mẹ.

- Ngăn thế nào được. Mẹ khóc mẹ nhắc anh ấy tối ngày. Chẳng chịu ăn uống thứ gì cả. Thuốc bổ hốt về rồi cũng không uống. Mấy hôm nay hen nói không ra tiếng nữa.

Hưng đứng dậy, bỏ áo trong quần. Thanh lật đật hỏi:

- Hưng định đi đâu đấy.

- Đi Huế. Hưng đáp cộc lốc.

Hưng ào ào đón xe ra lại Đà Nẵng. Ra đến ngã ba đón luôn xe đi Huế.

Ngày hôm sau Hưng gặp mẹ đang ngồi ở cửa hàng một người lạ trong cửa chợ Đông Ba. Hưng nắm tay mẹ và cố nói giọng nhẹ nhàng:

- Con đưa mẹ về.

- Con làm gì mà nóng thế Hưng. Mẹ đâu đã gặp anh con.

- Người như vậy còn đi tìm đi kiếm làm gì nữa. Con bảo mẹ về. Về ngay lập tức.

- Ai sinh đẻ ra con thấy con tù tội mà không đau xót. Người mẹ nói. Nó là anh mày chứ ai xa lạ gì ngoài đường đâu.

- Không anh em gì nữa. Con mà gặp thì biết tay con.

- Mày làm gì nó. Bà Hòa nói.

- Giết được con cũng giết.

Đứa con trai của bà nói.



Người đầu tiên Hưng báo tin là Bích Chi.

Bích Chi bây giờ đã là thiếu nữ mười sáu. Mảnh mai và cao trung bình. Mái tóc đen sợi mượt mà ngang vai. Mắt nhỏ mà môi cũng nhỏ. Miệng không tô son mà môi bao giờ cũng hồng. Trời nắng nóng là hai má Bích Chi ửng au lên. Bích Chi được các bạn tặng cho biệt hiệu là Chi Búp Bế vì có khuôn mặt nhỏ nhắn mà lóng lánh hoàn hảo như búp bế biết khép và mở mắt.

Hưng đến bất ngờ. Buổi chiều hè, nắng xiên chiếu qua các thảm bóng mát của những tàn cây trong vườn cũng đã đủ đổ mồ hôi nhem nhép khắp người. Bích Chi mặc áo cánh ngắn đang nằm đong đưa trên võng dưới bóng lá cây đọc truyện Tự Lực Văn Đoàn.

- Đi chơi với anh không. Hưng rủ.

- Không có mẹ ở nhà. Bích Chi chưa xin phép.

- Tí xíu nữa về anh xin phép sau cho.

Hai người đi ra khỏi nhà. Bích Chi hỏi:

- Đi đâu mà ra tận bến xe đây.

- Đi biển chơi. Hưng nói. Bữa nay đi chơi xa xa một chút.

Ngồi ở hàng nước ngoài bãi. Sóng nước bạc trắng vỗ xào xạc những nhịp trầm đều ru ru. Ngoài không vẫn còn nắng chiều oi ả. Những làn gió biển xanh trong từng cơn từng đợt ùa lên tóc tai mặt mũi. Ngồi một lát đã thấy ngây ngây duỗi người ra với gió và sóng quạt mát hầu hạ no nê da thịt. Người con trai ngồi cạnh người con gái im im.

- Sao hôm nay anh Hưng lặng im lạ thường. Bích Chi nở nụ cười và bắt chuyện.

Hưng gọi một ly bia.

- Còn gọi bia nữa. Lại tiếp.

Người con trai lúc lắc ly bia vàng sóng sánh bọt, nói:

- Anh đi lính.

Bích Chi tròn mắt:

- Hả!.

- Xong xuôi thủ tục hết rồi. Thứ hai tuần tới đi trình diện.

- Hết việc làm rồi sao.

Hưng im lặng uống một hớp bia. Bích Chi cũng nhấp một ngụm xá xị.

Cho đến khi chiều xuống. Đã êm ả làn cát biển dưới chân. Bích Chi bỏ guốc ra. Hai người đi dạo bộ dọc theo bãi biển. Bích Chi nói ít và thỉnh thoảng đưa mắt nhìn cái khuôn mặt đỏ kè, biến mất những bắt còng những chòng ghẹo như thường lệ mà hôm nay lại còn làm ra vẻ nghiêm trang dễ sợ.

- Vào trong ấy thế nào anh cũng viết thư về cho Chi. Người con trai nói.

Bích Chi thỏ thẻ hỏi sang chuyện khác:

- Nghe nói bác Ty cũng định xin cho anh cái bourse đi du học như anh Thời mà.

- Đi xa vậy lỡ nhớ nhà hoặc nhớ ai quá về không được. Hưng giỡn lên chút chút.

Bích Chi làm tới:

- Anh Hưng đi lính thật sao.

Hưng mĩm cười quay sang xoa mái tóc dài một cái.

- Hỏi lần thứ mấy rồi đấy. Hưng nói. Thật chứ. Chi tưởng anh nói đùa sao.

- Lính có gì hấp dẫn.

- Có chứ.

- Cái gì.

- Chi là con gái. Không hiểu nổi đâu.

Bích Chi quay sang và nói:

- Anh đi vậy mẹ buồn lắm nhỉ.

- Hm. Sao Chi biết hay vậy.

- Em biết. Vì em là con gái.

Cả hai cùng bật cười.

Câu hỏi vẫn không rời. Lần cuối cùng Bích Chi lại hỏi:

- Tại sao anh Hưng lại đi lính. Anh vừa đậu cao. Cả nhà đang mong anh vào Sài Gòn học y khoa hay kỹ sư mà.

Hưng bỗng bất ngờ nói lớn:

- Thôi. Không được bàn đến chuyện này nữa.

Bích Chi khựng lại. Lần đầu tiên thấy Hưng bất ngờ giận dỗi. Một điều chưa bao giờ Hưng tỏ lộ trước mặt nàng từ trước đến nay.

Trên đoạn đường rời bãi biển để về lại thành phố. Người con trai hạ giọng và nói với đôi chút ngập ngừng:

- Không phải Bích Chi là người đầu tiên hỏi câu hỏi này. Không hiểu sao anh lại nổi nóng với Chi. Anh chỉ có thể nói riêng với Chi một điều là vào lúc này anh chỉ muốn rời khỏi nơi này tức khắc. Anh không còn chịu được cái cảnh nhìn thấy bà mẹ khốn khổ vì những chuyện đâu đâu. Một thằng con bị bắt vì bị tình nghi là theo Việt Cộng. Làm cái gì mà phải dấu dấu diếm diếm. Làm cái gì mà phải sợ hãi Việt Cộng đến như thế. Việt Cộng là cái quái gì mà ai nhắc đến cũng có vẻ run rẩy vậy…

Rồi cũng là bất ngờ của lần đầu choàng cánh tay qua vai Bích Chi:

- Anh xin lỗi Bích Chi. Người con trai nói thật gần trên mái tóc.

Bích Chi ngỡ ngàng. Nhưng tiếp theo là một bàn tay to lớn mạnh mẽ khác đã như trăn vây quấn quanh người. Không còn kịp một lời nói nào nữa. Hơi thở nồng nàn quyện kín trên mặt, trên tóc váng vất hương vị mằn mặc của muối biển trên môi.


Qua khỏi niên học lớp đệ ngũ. Kim Oanh nằng nặc đòi đổi trường.

- Con nhất định ra Đà Nẵng học. Oanh nói với mẹ. Con thích ra ở nhà bác Ty trọ học như các anh vậy.

- Mày đi nữa, bà Hòa nói, lấy ai phụ việc nhà. Vả lại nhà này còn ai nữa đâu. Sao mà vắng vả thế này.

- Con đi. Oanh nói. Con nhất định đi.

Bà Hòa cản không nổi đứa con gái út. Mùa tựu trường năm ấy Oanh dọn ra ngoài Đà Nẵng vào học đệ tứ trường tư thục Sao Mai.

Trong thâm tâm Oanh thích Đà Nẵng hơn Hội An. Ra đây tha hồ ăn diện, tha hồ rong chơi với bạn bè khắp nơi. Oanh mê nhất là nhảy đầm. Không còn gì hào hứng hơn là một tối thứ bảy hoặc một chiều chủ nhật được ăn diện thật vừa ý, nhập với một bọn con trai con gái cùng gu đi bát phố rồi về nhà mở ball riêng nhảy nhót xả láng với nhau. Oanh trở nên ghiền mấy mục này. Gặp lúc lính Mỹ vừa đổ quân lên đây. Những điệu nhạc thịnh hành từ bên trời Âu trời Mỹ du nhập vào với bước chân của người lính viễn chinh. Oanh học nhảy thật nhanh. Nhảy giỏi thật lẹ. Một hai ba bốn. Oanh lột xác liền liền. Tống hết mấy cái áo dài. Giờ chỉ đầm ngắn. Giờ chỉ quần ống túm bó đùi bó mông cho gồ ghề lên.

Mỗi lần về lại Hội An, dù đã dấu bớt son phấn và áo quần thời trang nhất, Oanh vẫn nghe mẹ phàn nàn:

- Con à. Cái váy đầm con đang mặc nó ngắn quá.

Hoặc Thanh la lên:

- Mày ăn mặc hở hang vừa vừa thôi. Ra ngoài kia mà mặc. Mày phải nhớ là xứ Hội An này không có tới nửa cái bar Mỹ nghe chưa.

Về là đi. Về là đi. Oanh không muốn, không chịu nổi cái thành phố êm ả hiền lành này được nữa. Ngoài kia Đà Nẵng xô bồ đông đảo náo nhiệt quay cuồng. Ở đấy Oanh sống thỏa thuê tung hê sao mà dễ chịu, sao mà hấp dẫn vô cùng.

Những quả đạn Việt Cộng pháo kích đêm đêm bay về thành phố dạo chơi. Trúng nhà nào nhà ấy ráng chịu. Đêm trước cách nhà Thanh bốn căn, một quả đạn pháo kích rơi vào sập nửa căn nhà. Người mẹ và đứa con gái bị thương nặng.

Những cuộc tụ họp bạn bè trước nhà Thanh bây giờ cũng thưa thớt hẳn đi. Bạn bè Thanh và Hưng qua khỏi trung học lớp học xa, lớp đi lính, lớp lấy vợ lấy chồng. Bạn bè Oanh không còn đến kiếm. Chỉ thỉnh thoảng Phương vẫn còn ngồi đàn hát với một hai người bạn thân trước nhà.

Thanh chỉ còn Mai hay lê guốc sang nhà chơi. Ngọc Mai cũng ở nhà phụ ba mẹ buôn cửa hiệu. Vị hôn phu của Mai vừa học xong sư phạm và đang xin đổi về gần Hội An nhưng chưa được. "Chắc Mai bắt chước Thanh. Mai tâm sự với bạn. Lấy chồng Hội An. Cắm đất Hội An. Anh Vinh đổi đi tận Phan Thiết. Đổi chi mà xa rứa ai đi theo được. Còn chàng Huấn của Thanh bộ thôi luôn rồi sao".

- Dạo sao này tụi Thanh không liên lạc thường xuyên nữa. Anh Huấn nói sự nghiệp của anh chỉ thành tựu được ở thủ đô Sài Gòn. Không thể nào về lại xứ Hội An nhỏ bé này đâu. Nên Thanh thôi rồi.

Hai người con gái cùng đồng tình biểu quyết giữ vững lập trường, ngồi êm đềm trước hiên nhà hứng gió sông với nhau, an ủi nhau.

- Thôi để cho người ta đi Thanh ơi. Mai nói.

- Giữ người ở lại chứ ai giữ người đi đâu nhỉ. Thanh nói.

Và khi chợt nhớ ra một điều đắc ý, Mai vỗ vai Thanh một cái đau điếng.

- Hay là để tao giới thiệu ông anh họ cho mi. Ông Châu đó. Thanh nhớ cái ông chuẩn úy mới ra trường mà Thanh gặp bữa trước ở nhà Mai không. Gia đình ở Tiên Phước. Ông ấy đóng ở Vĩnh Điện về Hội An dễ như chơi.

Mai dẫn Châu đến giới thiệu. Châu quen Thanh thì chiều chiều hay về Hội An. Ít lâu sau họ trở thành một đôi.

Khi đã thân nhau hơn. Họ cũng hay ngồi dựa vào cái cổng gỗ trước nhà Thanh trò chuyện và hứng gió.

- Anh là lính, Châu nói, nghèo rớt mồng tơi lại bất an. Em không ớn sao.

Thanh ngước mắt nhìn lên bầu trời đêm. Mắt chớp chớp, khuôn mặt không gợn chút suy tư, giọng bình thản vang vang:

- Sống chết có số. Ông trời ổng làm nhiều chuyện mình đâu biết được. Lo sợ làm gì cho khổ tấm thân. Chuyện duyên nợ cũng thế. Hễ có duyên có nợ thì thành. Không duyên không nợ thì lo mấy cũng không thành.

Số Thanh vậy mà nên duyên vợ chồng với Châu.

Châu và Thanh làm một cái đám hỏi nhỏ. Chờ mãn tang bên nhà trai xong, qua tết mới làm đám cưới.

Những ngày cận tết, bạn bè đi học đi làm ở khắp nơi đổ về. Ai cũng xúm lại hỏi thăm đám cưới của Thanh.
- Sao Thanh không báo sớm cho tụi này hay. Cúc nói. Đợi được thiệp mới biết.

- Thì ông Châu, Thanh nói, ông anh họ của con Mai đấy chứ ai lạ đâu.

- Sao Thanh làm nhanh thế.

Thanh cười lỏn lẻn:

- Tiền lính tính liền mà.

Cúc nhìn Thanh và bỗng ngâm thơ Hàn Mặc Tử:

- "Ngày mai trong đám xuân sanh ấy.

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi".

- Cái này không phải con Cúc tự động ngâm đâu. Kim Xuyến, cô bạn cùng đi học xa về nói. Thanh biết không, hôm nhận được thiếp của Thanh ở trong Sài Gòn có người buồn lắm Thanh ơi. Người ngâm hai câu này tê tái lắm đó.

- Cái ông Huấn đấy hả. Thanh nói. Ông ấy bây giờ du dương ở trong Sài Gòn với con Kim Nhỏ học dưới lớp tụi mình. Thanh ở đây mà Thanh biết hết. Thôi đừng bộ tịch. Buồn làm cảnh ấy mà.

Kim Xuyến tủm tĩm cười:

- Không phải ông Huấn đâu.

- Cái ông hàng xóm mi đó. Cúc nói.

Mai chỉ sang ngôi nhà bên kia đường và nói:

- Tụi hắn nói cái người ở trước nhà Thanh kia kìa. Ngày hôm qua ông Trọng đến nhà Mai chơi với anh Mai. Mấy ông tụ họp có Mai ngồi đó. Ông Trọng uống rượu quá trời. Coi thảm lắm Thanh ơi. Mấy ông trách Mai quá chừng. Mai nói làm răng Mai biết ai thương ai.

Cúc nói:

- Bữa trước ngồi trên máy bay ông Trọng tâm sự với tao là định nói mà chưa kịp.

Thanh tròn xoe mắt nghe mấy con bạn kể đầu đuôi câu chuyện. Rồi vừa cười vừa nói giọng như mếu:

- Trời đất ơi. Cái ông Trọng. Thương người ta thì phải nói chứ ai mà biết. Ở gần quá. Không nói làm sao người ta biết.

Đêm hôm ấy, khi các bạn ra về hết, Thanh khép cánh cổng lại và đang định đi vào trong nhà ngủ. Chợt nghe vang vang tiếng đàn và giọng hát của ai từ bên kia đường. Đúng là giọng lồ ồ của chàng hàng xóm: "Hôm nay trời xuân bao tươi thắm. Dừng gót phiêu lưu về thăm nhà. Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi. Tôi đã hình dung nét ai đang cười…".(nghe MP3)

Thanh quay ra sân. Ghé mắt nhìn qua cái lổ con của chiếc cổng gỗ. Trọng ngồi trước cổng nhà, ôm cây đàn và nhìn xuống hướng bờ sông. Nhưng Thanh có cảm tưởng như người thanh niên hàng xóm đã ngó thấy Thanh đang nhìn sang đấy từ bao giờ.

- "Cô láng giềng ơi. Giọng hát lồ ồ lại vang lên trong đêm khuya. "Tuy cách xa phương trời tôi không hề. Quên bóng ai bên bờ đường quê. Đôi mắt đăm đăm chờ tôi về…".

Đám cưới Thanh và Châu xong, Châu dọn về nhà vợ. Sáng sáng ra đơn vị ở Vĩnh Điện, chiều chiều về Hội An phụ vợ trông nom cửa hàng.



Đứa cháu gái từ ngoài Huế bắn tin về nghe nói Quảng đã ra khỏi tù. Bé nhắn rằng có nguồn tin Quảng đã được thả. Không gặp không thấy ở Huế. Nhưng không ai biết hiện giờ đang ở đâu.

Nhận được tin bà Hòa vội vàng ra Huế hỏi tin con. Một người bạn của Quảng cho biết là Quảng đã về Đà Nẵng. Nhưng khi tìm đến cái địa chỉ bên Hòa Vang thì người ta nói với bà là không thấy không biết Quảng là ai.

Bà Hòa vừa về đến nhà. Bà đang nằm ở trong giường. Bát cơm bà nuốt cũng không nổi, chỉ muốn đi nằm.

Oanh lù lù về nhà. Oanh mặc một cái váy đen cũn cỡn và một chiếc áo thun đỏ bó sát người. Tóc chải đầu phồng cao. Đi vào sau bếp kiếm một cái gì ăn.

- Ăn với mặc. Bà Hòa chép miệng nhìn con gái và nói.

Bà ngồi xuống cạnh Oanh ở bàn ăn. Bà nói:

- Hôm trước tao gặp con bé Chi ngoài chợ Hàn. Thấy nó mà tao nghĩ đến mày. Con nhà người ta sao mà đoan trang nết na thuần thục…

Oanh bỏ dở chén cơm. Đứng dậy đi rót nước uống.

Chờ cho mẹ nói hết. Oanh đứng tựa cửa và nói:

- Con sắp đi làm.

- Cái gì. Bà Hòa nói.

- Con xin được việc thư ký trong sư đoàn. Con đi làm khỏi xin tiền mẹ.

- Bấy nhiêu tiền không đủ cho mày xài à.

- Con không ở nhà bác Ty nữa.

Bà Hòa lại chép miệng:

- Con với cái. Khổ!.

Người đàn bà nhìn con gái đang đứng thu lu một đống. Cái lưng áo thun đỏ mới chói bật bên cánh cửa gỗ nâu điêu khắc cầu kỳ lưng con phượng hoàng. Bà xuống giọng dịu dàng với đứa con gái út:

- Oanh à, con đừng nhìn đi đâu xa. Con cứ nhìn sang Bích Chi. Mẹ chỉ mong con được một góc như nó. Nó còn biết nắm bàn tay mẹ hỏi thăm một câu: "Bác, sao dạo này bác ốm thế". Sao con không học bạn nói một câu nghe cho đằm thắm…

Kim Oanh đi vào trong, đá tung cái ghế.

- Bích Chi. Bích Chi. Oanh la lớn. Cái gì cũng con Chi. Nó là cục cứt gì mà nhà này ai cũng khen cũng nhắc đến nó hoài vậy.

Oanh nhét áo quần vào xách tay. Ra bến xe. Ra lại Đà Nẵng.

Và đi một mạch đến nhà Kim Trắng.

Kim biệt hiệu là Kim Trắng có một căn phòng nhỏ trong một cao ốc đầy đủ tiện nghi. Đã ba giờ chiều, Kim Trắng mở cửa cho Oanh vào. Kim mới ngủ dậy, còn nằm trên giường, vận một bộ đồ mỏng tua ren màu hồng phấn thơm phức mùi nước hoa hiệu Tabu.

- Mày đi đâu vậy. Kim hỏi.

- Không còn chỗ nào để đi nữa nên tìm đến mày. Oanh nói.

Căn phòng của Kim Trắng chỉ có chiếc giường ngủ là to lớn. Oanh leo lên, thả người một cái bịch xuống giường.

- Tối nay papa không đến. Kim nói. Mày ở lại đây ngủ với tao.

- Tao chỉ muốn ngủ một giấc ngàn thu. Oanh duỗi dài chân, nằm nghiêng người một bên và nói.

- Chuyện gì ghê gớm vậy.

- Đủ thứ chuyện.

- Ông tàu bay đâu.

- Không biết.

- Dũng đâu.

- Về Huế đám tang ông nội. Mà lúc này dẹp chuyện bồ bịch sang một bên.

Kim Trắng ngồi dậy, dựa lưng vào vách tường và ngó Oanh. Mảng ngực của đứa con gái vun lên, căng đầy. Kim Trắng lớn hơn Oanh hai tuổi, thân hình rắn chắc tròn trịa, khuôn mặt hơi giống cô đào cải lương Thanh Nga nhưng làn môi cong dày và mộng mỵ hơn.

Kim là con gái của một hạ sĩ quân nhu trong một khu gia binh. Từ những năm mười bốn mười lăm Kim Trắng đã nổi bật ở quán nước xẹp của ông bố dựng lên để kiếm thêm tiền nuôi một bầy con chín miệng ăn. Lính tráng độc thân ra vào tấp nập ở quán của hạ sĩ Tiên. Giao thiệp sớm nên Kim Trắng bồ bịch sớm. Nhan sắc của Kim Trắng càng lớn càng gió thổi khắp các đồn lính. Kim Trắng cũng theo làn tiếng tăm đó mà leo lon bồ bịch. Bắt đầu bồ thiếu úy rồi trung úy rồi đại úy. Và một ngày đẹp trời nọ tin nổ ra rằng người đẹp Kim Trắng bỏ học bỏ nhà đi theo làm bé một ông trung tá đã có con trai con gái lớn hơn tuổi nàng.

Oanh ngắm nhìn Kim Trắng và bỗng nói:

- Mày đẹp thật đấy Kim.

- Mày đang buồn chuyện gì vậy. Kim Trắng hỏi giọng ân cần.

- Có một chuyện mà tao chưa bao giờ nói cho ai nghe.

- Chuyện gì vậy.

- Kim à, Oanh nằm ngửa người lại, mắt nhìn lên trần nhà và nói. Ông trời thật bất công khi sinh ra con gái mà cho người này đẹp người kia không đẹp. Mày là một đứa con gái đẹp nên mày đâu bao giờ biết tâm trạng của một đứa con gái trời bắt xấu.

- Tao cũng có những chuyện buồn khác vậy. Kim nói. Nhà tao nghèo. Tao muốn thoát ra khỏi cảnh nheo nhóc lụp xụp ở cái khu gia binh ấy nên tao đã làm một chuyện không suy nghĩ là bỏ nhà ra đi. Bây giờ mọi chuyện đã lỡ làng. Nhiều khi tao nhớ mấy đứa em, muốn về thăm nhà quá mà cũng không dám về.

- Không. Oanh nói. Mày không thể buồn hơn tao. Mày không thể nào hiểu được một đứa con gái như tao đâu Kim. Tao ghét cái khuôn mặt của tao thậm tệ. Bởi vì tao không đẹp nên tao không bao giờ được ai chú ý. Bởi vì tao không đẹp nên tao luôn luôn chìm nghỉm giữa đám đông. Tao là một đứa con gái luôn luôn phải nhìn lên, nhìn sang bên cạnh, nhìn đi bốn hướng để thấy không có ai nhìn mình cả. Tao ước gì tao chết đi cho rồi để khỏi để đừng bao giờ phải so sánh mình với người khác. Sao tao ghét tao quá. Sao tao thù cái mặt của tao quá.

Hai giòng lệ lăn tràn trên má đứa con gái. Oanh thổn thức trên giường bạn. Đây là lần đầu tiên trong đời Oanh đã tuôn những lời này với một người khác. Và nó đã khóc một cách bất ngờ.

Kim đi lấy khăn cho bạn lau nước mắt. Một lát sau thấy Oanh hơi dịu lại, Kim mang hộp son phấn ra và nói:

- Tao mới học được mốt làm mặt mới. Để tao thử cho mày nhé.

Oanh không buồn để ý Kim đang đánh phấn vẽ mặt vẽ môi vẽ lông mày cho nó như thế nào.

- Mày có cái miệng là hấp dẫn nhất. Kim nói. Phải biết cách trang điểm cho nó nổi bật lên. Đâu. Nhìn vào gương xem.

Oanh nhìn mình trong gương. Son phấn bôi trét đầy một mặt nạ. Rồi nhìn sang Kim Trắng. Sao mà một trời một vực. Mắt Kim Trắng mơ mơ màng màng mắt nó rậm mí. Mũi Kim Trắng thanh thon mũi nó bẹt bành. Oanh vất cái gương soi mặt xuống giường.

Kim như chợt nhớ ra điều gì.

- A, phải rồi. Kim nói. Hay là mày vào Sài Gòn đến mỹ viện người ta sửa cho. Tao nghe nói ở mấy tiệm sửa sắc đẹp người ta mài sẹo mài rỗ, sửa mắt thành hai mí, sửa mũi cho cao, sửa ngực nhỏ thành ngực to. Thứ gì họ sửa cũng được hết.

Oanh nhìn Kim Trắng, chớp chớp mắt nói:

- Chắc là tốn nhiều tiền.

- Chừng mười ngàn chứ gì.

- Đào đâu ra mười ngàn hả Kim.

Kim đứng dậy thay áo quần và nói là đi mua xôi chè về ăn. Kim vừa gài nút áo vừa nói:

- Để tao nghĩ cách.

Oanh bật cười:

- Làm như mày tài ba lắm, để mày nghĩ cách.

- Chỉ sợ mày không chịu cách của tao thôi.

Oanh ngó theo Kim Trắng và mạnh giọng:

- Cách gì mày cứ nói đi Kim. Bất cứ cách gì tao cũng làm. Bất cứ cách gì tao cũng sẵn sàng. Miễn là cho có tiền để tao đi Sài Gòn. Thứ gì trên khuôn mặt này mà sửa được là tao sửa ngay. Bây giờ tao chỉ mơ ước điều này. Bao nhiêu năm trời tao cứ phải chịu đựng nó thế này. Mày tin tao đi Kim. Bất cứ cách gì mà mày biết làm ơn chỉ cho tao đi.

Kim Trắng nói trước khi mở cánh cửa bước ra ngoài:

- Mày biết papa tao chứ gì. Ông đã chịu khó chi tiền cho tao mà tao biết có mấy ông già của ổng lâu lâu hễ kiếm được một em bé là còn chịu khó chi tiền hơn thường lệ. Muốn kiếm tiền lớn phải gặp mấy ông già hồi xuân mê con gái nhỏ nhỏ cỡ bọn mình mày mới móc túi được.


Bích Chi gấp lá thư với câu cuối "…Đời sống ở quân trường, sau những giờ luyện tập mệt mỏi, vào những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi cuối tuần, không hiểu sao anh thấy hơi buồn và hơi hối hận mỗi khi nhớ nhà và nhớ Bích Chi…".

Kể từ ngày Hưng vào lính thư bay về nhà Bích Chi tới tấp. Bích Chi bỏ những phong thư này vào trong một hộp bánh bisquit cất kín một nơi không ai thấy.

Bích Chi bắt đầu chú ý những người lính hiện diện trong thành phố đông đảo hơn. Họ mặc áo quần đồng phục một màu xanh lá cây và càng lúc càng thấy nhiều khuôn mặt trẻ hơn trước.

Và cái biến cố vĩ đại Bích Chi không bao giờ quên được. Là có một buổi chiều nọ, trong lúc cả nhà đang ăn cơm chiều, bỗng nghe tiếng máy bay lạ tai rầm rầm trên không. Mọi người đổ túa ra xem. Từng đàn máy bay quân sự đủ loại không biết từ đâu bay ra inh ỏi khắp bầu trời. Những người tỏ ra rành rẽ đưa tay chỉ trỏ và nói:

- Lính Mỹ đổ bộ.

- Tàu há mõm ngoài khơi Sơn Chà nhiều lắm.

- Máy bay trực thăng đấy.

- Máy bay bà già đấy.

- Mỹ tối tân thật. Việt Cộng làm gì được Nga viện trợ loại võ khí tối tân như thế này.

Bích Chi nghe nói lính Mỹ lính Mỹ. Lúc đầu chỉ nghĩ họ là người Mỹ. Đến khi họ tràn ngập thành phố Đà Nẵng mới để ý thấy toàn lính là lính.

Một lần Bích Chi và Liễu rủ nhau sang nhà Sáu ở bên An Hải chơi. Bích Chi hỏi Liễu:

- Anh con Sáu đi lính gì vậy.

- Lính chi mà mặc đồ rằn ri coi ớn lắm. Liễu nói.

- Dạo này con trai đi lính nhiều ghê hả Liễu.

- Khỏi nói. Thời buổi chiến tranh leo thang mà.

Bích Chi trầm ngâm một lát, rồi gật gù:

- Bây giờ tao mới cảm nhận được điều mày thường nói là chiến tranh.

Hai đứa xuống xe đi bộ đến nhà Sáu. Nhà Sáu cũng mới dọn từ Duy Xuyên ra đây lánh nạn Cộng Sản. Cả ba hẹn nhau đi biển chơi.

Sắp đến con hẻm nhà Sáu. Từ đàng xa một đoàn xe lính tiến lại. Liễu và Bích Chi dừng lại đứng áp sát vào nhau tránh gió và bụi đang thổi tốc áo dàu của cả hai. Bích Chi thấy những người lính Mỹ đang đứng lổn ngổn tren xe. Họ nhìn xuống đường và nói từng tràng tiếng ngoại quốc. Những đứa con nít từ trong xóm chạy ra cười giỡn nói xi la xi lô theo đoàn xe nhà binh. Bỗng. Bốp. Bốp. Bốp. Có cái gì đánh bộp vào nón của Bích Chi. Còn cái nón của Liễu thì rơi tuột xuống đất.

- Úi già. Đau quá. Liễu ôm đầu và la lên.

Liễu lượm cái nón lên. Dưới đất những lon đồ hộp, những thỏi kẹo chô cô la và kẹo cao su rải rác la liệt. Đám con nít bu lại tranh giành và xô lấn Liễu và Bích Chi dạt ra.


Cả hai đứng sang một bên và cầm cái nón lên xem. Hai cái nón đều thủng lỗ. Bích Chi nhìn cái nón làm quà của người cô mới đi Huế về tuần trước. Cái nón bài thơ. Nón mỏng. Đội rất nhẹ. Giữa hai liếp lá mỏng là hai câu thơ Hàn Mặc Tử. "Sao anh không về chơi thôn Vỹ Dạ. Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên". Cảnh tháp Thiên Mụ và cầu Trường Tiền cũng được tỉa xén công phu. Bây giờ cái nón bị thủng bấy cả cảnh bên trong, hai câu thơ cũng bị chột.

Sáu ở trong nhà vừa ra đón bạn. Thấy cảnh vậy, Sáu nhìn theo đoàn xe công voa và lẩm bẩm:
- Mả mẹ nó. Tụi bây trúng có đau không.

- Cái nón của mẹ tao, Liễu nói, tao mượn đội đỡ bữa nay.


- Bọn lính Mỹ tưởng ai cũng thèm mấy cái thứ bánh kẹo đó chắc. Sáu nói.

- Họ cho bọn con nít. Bích Chi nói.

- Cho. Sáu nói. Cho cái kiểu chi lỗ mãng rứa ai mà chịu được.

- Lính. Liễu nói. Tụi lính ở xứ mô cũng rứa hết mi ơi.

Bích Chi nhìn Liễu. Thấy mặt bạn đẫm mồ hôi. Chi đưa tay vén tóc, mồ hôi cũng ướt đẫm trán nàng. Sáu và Liễu đứng nói lung tung về những người lính Mỹ. Cái chữ "lính" phát ra từ miệng Liễu đầy giọng miệt thị. "Tao sẽ không bao giờ thèm bồ lính. Không bao giờ thèm lấy lính". Liễu nói. Bích Chi đứng im. Nghe những giọt mồ hôi rịn ra từ chân tóc, từ lưng áo và trên trán như đang chảy từng giòng nặng nề.



Oanh đến nhà Bích Chi, rủ bạn ra phố.

- Mai tao đi Sài Gòn. Oanh nói. Hôm nay đến rủ mày đi ăn chè.

- Nghe nói mày đã nghỉ học. Đi làm.

- Ừ. Oanh đáp.

Hai đứa đi sóng sánh bên nhau. Oanh và Chi bây giờ mỗi đứa có một đời sống khác nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp nhau. Bích Chi học trò, áo trắng, nón bài thơ. Kim Oanh tóc phồng, kính mát to gọng, móng tay dài sơn đỏ, nhún nhấy với những áo quần thời trang nhất.

Những nồi chè bắp chè đậu xanh mới thổi chín, mùi ngọt ngào của đường nâu quyện với hương vị của bắp non đầu mùa bay lên. Bích Chi và Oanh sà vào háo hức với những chén chè bày ra trước mặt. Quán chè quen thuộc ngày nào còn bé mỗi lần hai đứa đi chợ chơi cũng đều ghé ăn. Vẫn người đàn bà với búi tóc như cũ. Bây giờ tóc đã điểm thêm những sợi tóc bạc đầu trán, và cô gái phụ mẹ bán hàng nay đã tay nách thêm hai đứa con.

Trong khi ngồi ăn chè, Oanh nói:

- Hôm trước ông Hưng về phép hai người đi chơi vui không. Ê ông Hưng đi lính về coi phong độ và đẹp trai phết. Mày nhớ con Phương bạn tao không. Nó gặp ông Hưng mấy lần giờ tương tư lắm. Nó hỏi địa chỉ của ông Hưng để viết thư đấy.

Bích Chi nhìn bạn. Đã lâu không gặp. Con bạn thân ngày nào bây giờ một cõi cách xa. Nhưng nó vẫn để ý đến mình cũng như mình để ý đến nó. Oanh đang sống với ai, thay đổi bồ bịch đến đâu. Mỗi lần gặp Bích Chi Oanh mang ra kể vanh vách không giữ lại điều nào cả.

Ăn cạn ly chè, Oanh bỗng nói:

- Chi, mày thấy ai sửa sắc đẹp chưa.

- Có thấy. Bích Chi gật đầu.

- Mày nghĩ sao.

Bích Chi mĩm cười, khoe cái miệng tiếu hoa nhất con gái.

- Mày hỏi tao nghĩ sao hả. Chi nói. Khó nói quá. Nhưng tao nghĩ khi người ta có ước muốn làm đẹp. Làm đẹp cho người hay làm đẹp cho mình cũng đều tốt thôi. Tao không rõ lắm nhưng dù sao đó cũng là một ước muốn đẹp, một cử chỉ đẹp.

- Ngày một tao vào Sài Gòn sửa mặt.

- Mày đâu đến nỗi nào.

- Thế mày nghĩ một người đàn bà đẹp không ăn thua à. Oanh đăm đăm nhìn bạn và nói.

Bích Chi ngập ngừng nói:

- Tao không biết. Nhưng tao nghĩ cái đẹp của thể xác chỉ là cái vỏ bên ngoài. Ai rồi cũng phải già. Có ai trẻ đẹp mãi bao giờ đâu.

- Thôi đi mày ơi. Đừng có giở cái giọng bà cụ non ấy với tao.

- Thật sự tao cũng không rõ nữa Oanh ơi. Người ta thường nói con gái cần phải có nhan sắc. Nhưng tao muốn tin rằng chỉ một tâm hồn đẹp mới thách thức lại được với cái thân xác mà đàn bà con gái phải đeo mang những kỳ vọng của người ta. Nhưng mà thôi. Tao không biết. Tao không rõ. Mày thích làm thì cứ việc làm.

Oanh nhìn Bích Chi vén tóc lên tai. Nó vén tóc lên cũng xinh. Để tóc xuống cũng xinh. Chiếc miệng của nó chúm chím hồng hồng. Hai con mắt nhỏ lung linh trong sáng. Đôi lông mày như hai lá liễu vắt ngang khuôn mặt. Không nhổ không tô không vẽ mà vẫn thanh thanh mắt bồ câu lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền.

- Tao hỏi mày một điều.

- Điều gì.

- Có bao giờ mày bất chợt soi gương và có cảm giác là mày xấu. Xấu thậm tệ. Xấu muốn đập bể gương luôn. Nói tóm lại là có bao giờ mày ở vào trường hợp một đứa con gái cảm thấy bị ông trời đối xử bất công chưa.

- A. A. Chi nói. Tao không biết. Nhưng hôm nay sao bọn mình nói cái gì đâu vậy.

Oanh nhìn Bích Chi, nói:

- Mày biết không Chi. Mày không ở trong trường hợp như vậy nên mày mới nói được cái giọng sang trọng ấy. Mày phải ở vào một trường hợp bất hạnh oan ức mày mới hiểu được.

Oanh đứng dậy, làm một cử chỉ xua tay và nói:

- Mà tại sao tao lại đi hỏi mày chứ. Tại sao tao lại phải tìm đến mày? Thôi đi về.


Cái chỗ ngồi này, trước cánh cổng gỗ này. Trời mùa hè, không gió. Phương ngồi một mình và dạo nhẹ vài bản nhạc.

Con đường dẫn ra bờ sông. Bờ sông như ẩn như hiện dưới kia. Đêm đêm chàng vẫn ngồi nhìn về hướng ấy. Nó rất quen thuộc. Nó rất cũ kỹ. Nó gây nên trong lòng chàng một nỗi thân mật không lời.

Và cả cái lề đường Phương đang thõng chân xuống. Đất cát bốc lên như cựa quậy sau một ngày nắng gắt xông mùi đất rêm hương khô ngai ngái. Hoa sứ vườn nhà ai thoang thoảng lan nhẹ một màu thanh khiết. Và mùi nhang đèn từ trong nhà từ đường cứ bay ra quyện với gió sông dâng lên. Phương rít lấy một hơi.

Có tiếng sột soạt. Rồi tiếng của mẹ chàng sau lưng:

- Con chưa ngủ sao Phương.

Bà Hòa ngồi xuống cái sạp gỗ kê sát cổng tường phía trong. Bà mặc bộ đồ ngủ trắng, tay cầm cái quạt phe phẩy.

- Hai cái tay, bà nói, hai cái chân của mẹ sao mà nhức quá. Mẹ không ngủ được.

Phương dí tàn thuốc lá xuống đất, đến ngồi cạnh mẹ.

- Mẹ đưa con bóp chân cho.

Bà Hòa lôi sẵn trong túi áo chai dầu cù là và đưa cho thằng con. Phương vẫn thường bóp chân cho mẹ từ khi cậu lên ba lên bốn. Những đứa con trong nhà đều trải qua những lúc bóp chân bóp tay mẹ để được trả công bằng những đồng bạc cắc ăn quà. Nhưng bà Hòa thường nói: "Chỉ có thằng Phương là bóp chân mẹ nhẹ nhàng. Còn đứa nào tay cũng như dùi đục. Bẻ chân mẹ thì có".

- Con nghe bạn con ai có kết quả gì chưa. Bà Hòa hỏi.

Phương đang chờ kết quả kỳ thi tú tài hai.

- Cũng vài ngày nữa mới có mẹ ạ.

- Buổi chiều mẹ ngồi trong phòng mẹ nghe phong phanh Tân với con bàn nhau hai đứa tính thi vào cùng một trường đại học à.

- Con chưa tính gì cả. Để xem. Phương nói.

- Thế con có tính vào Sài Gòn không.

- Sài Gòn có nhiều trường hơn Huế đấy mẹ.

Bà Hòa thở ra. Một lát sau bà nói:

- Con Oanh bấy lâu nay chẳng thấy mặt mũi nó đâu cả. Mẹ đã hết nước bọt với nó mà nó không còn nghe mẹ nữa. Nó muốn đi là đi muốn về là về. Như con ngựa không cương. Con với cái.

- Mẹ đưa tay kia con bóp cho.

- Còn thằng Hưng, bà nói tiếp, từ ngày ra đơn vị đến nay chỉ viết về cho mẹ một lá thư.

Bà khom khom người nhìn xuống cái nền sân. Trong bóng đêm, ánh sáng mờ mờ từ bóng điện đường dọi qua bờ tường. Phương thấy làn da mẹ nhăn hóp. Khuôn mặt này ngày nào nổi tiếng trắng trẻo xinh xắn nhất họ ngoại. Đôi môi của bà khô teo. Mất rồi nụ cười tươi tắn của một người đàn bà trẻ xông xáo bán buôn một thuở nào mà chàng đã nhìn thấy ở mẹ. Không biết bà đang nhìn gì dưới cái sân gạch thẻ mà bà đã nhìn không biết bao nhiêu lần.

- Mấy hôm nay con mắt trái của mẹ cứ mấp máy. Bà Hòa nói. Không biết có điềm gì đây. Không biết cái tin người ta đưa về hôm trước ấy có đúng không.

Phương im lặng. Không nói gì.

- Mẹ không tin. Bà tiếp tục nói như nói một mình. Mẹ không tin là người ta thả nó ra Bắc.

- Ai mà thả. Phương nói. Đi theo người ta thì có chứ ai mà thả sang bên kia. Vả lại tin đồn nhảm không căn cứ ấy mẹ tin làm gì.

- Mẹ không tin là nó đi Bắc. Bà tiếp tục nhìn xuống cái nền sân và nói. Mẹ không ngủ được. Cứ mỗi lần nghĩ đến Quảng là mẹ không ngủ được con ạ. Mẹ thương nó quá. Không biết giờ này nó sống chết ra sao. Ăn uống những gì. Sống chết ra sao.

- Thôi mẹ. Phương nói. Mẹ vào nhà nghỉ đi.

Bà Hòa đứng lên. Bà đưa cánh tay lau giòng nước mắt đang lăn tràn trên gò má. Bà nói giọng nghẹn ngào:

- Hễ mẹ nhắm mắt lại là nước mắt mẹ cứ muốn trào ra. Con với cái. Sao mẹ khổ thế này. Mẹ khổ tâm lắm con ạ. Mẹ chỉ còn mỗi mình con thôi Phương.

Mùa tựu trường đại học năm ấy, Phương ra Huế học. Huế chỉ cách Hội An khoảng hai giờ xe. Khác với Sài Gòn xa Hội An gần hai ngày đường quốc lộ.



CON NGƯỜI MỚI

Cảnh sát đã lục soát và tìm thấy ở dưới gầm giường Quảng một thùng tài liệu còn dán kín. Gồm những xấp cương lĩnh của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, quyển sách Vấn Đề Rèn Luyện Tư Tưởng Thanh Niên của Hoàng Tùng do nhà xuất bản Nhân Dân Hà Nội ấn hành. Một số tài liệu Việt Cộng từ Miền Bắc bí mật gửi vào. Họ giam Quảng vào lao Thừa Phủ. Ở đấy Quảng bị thẩm vấn, lấy khẩu cung và biệt giam.

Quảng khai theo sự thật khi người ta tra hỏi đường giây, những kẻ liên hệ, và những sinh hoạt bấy lâu nay của Quảng. Quảng nói chưa gia nhập một tổ chức nào. Quảng chỉ là một học sinh sinh viên, thấy bất công đàn áp thì đi biểu tình. Còn những thùng tài liệu kia không phải của Quảng mà là của người bạn cùng ở trọ. Quảng chưa bao giờ mở những thùng ấy ra nên không biết chúng là những thứ gì.

Không có một cuộc xét xử vào những ngày tiếp theo. Vào trong lao Thừa Phủ sau trường Đồng Khánh, Quảng gặp những sinh viên hoạt động cho phe bên kia thứ thiệt. Họ hoạt động trong các tổ chức sinh viên và công đoàn Giải Phóng Thành Ủy Huế. Trong khi những người này bị giải đi trại giam chính trị ở thung lũng Ba Lòng, Quảng chỉ bị giam ở Thừa Thiên mấy tháng. Bỗng được chuyển về một trại giam ở Đà Nẵng. Rồi sau đó cũng bỗng dưng được thả ra. Kẻ tù nhân như Quảng không hiểu được vì sao mình bị giam và cũng không hiểu vì sao mình được thả ở đây.

Trong thời gian bị giam, Quảng nghe tin ông Bảy cũng bị bắt ở Quảng Nam. Nhưng chỉ một thời gian ngắn là ông ra khỏi nhà giam. Ông vẫn tiếp tục mở các lớp luyện thi, tiếp tục đi công việc khắp nơi.

Thời gian trong tù, người ta nhiều lần hỏi Quảng về gia thế chàng. Quảng không trả lời. Người ta hỏi Quảng có muốn liên lạc với thân nhân không. Quảng trả lời không. Điều này Quảng phải trả cái giá là tên đại úy thẩm vấn đá cho mấy đá gãy mất một cái răng. "Đ.M. Cha mẹ mày sao mày không muốn gặp hả". Tên đại úy nổi đóa.


Một ngày kia Quảng bỗng được gọi lên phòng giám đốc và được phát cho giấy tờ phóng thích. Hùng, đứa cháu họ của ông Bảy đón và chở Quảng về căn nhà có ông Bảy đang chờ sẵn ở đấy.

Ngồi sau chiếc xe gắn máy Suzuki mới tinh do ông Bảy lái, Quảng thấy dửng dưng. Kẻ đón chàng ra không ai khác hơn lại chính là người đã đưa chàng vào vòng tù tội.

Ông Bảy chở Quảng về một ngôi nhà khuất trong xóm Mỹ Thị ở bên kia thành phố. Khu này ngày nay mọc đầy những tiệm giặt ủi và bar Mỹ. Những người lính Mỹ đã đổ bộ ngay trên bãi biển Mỹ Khê trước mặt trong thời gian qua. Căn cứ Mỹ mọc lên đầy một giải đất từ Sơn Chà đến Non Nước. Xe nhà binh Mỹ chạy rần rật trên đường. Thỉnh thoảng có những người Việt ngồi xen vào. Họ là lớp công nhân mới làm việc trong các trại lính Mỹ. Đi ngang một ngôi trường tiểu học sơ sài mới được dựng lên dọc đường cái, Quảng thấy trên đầu lái, một soeur áo trắng ngồi giữa hai người lính Mỹ. Khi cả ba bước xuống, họ khiêng theo những thùng đồ ăn thừa của lính Mỹ vào để trong sân trường. Đám học trò túa ra bâu quanh.

Người đàn ông dừng xe lại cho Quảng chứng kiến hoạt cảnh trước mặt. Và rồi vừa rồ máy xe, ông ta vừa nói:

- Em đừng có ngạc nhiên. Đ.M. Bọn hắn chừ đầy ra. Lâu nay em ở ngoài đó không biết chớ ở đây một ngày bọn hắn cán không biết bao nhiêu người trên đường này. Cán xong rồi bỏ chạy. Cả cái bãi biển Mỹ Khê này chỗ mô ngon chỗ mô đẹp là bọn hắn chiếm làm đồn lính để tắm biển phơi nắng hết. Y như tụi thực dân Pháp sang đô hộ nước mình ngày xưa. Hễ chỗ mô tốt là bọn Pháp xây ngay một cái nhà thờ để dụ dân theo đạo. Ở bên phố chừ người ta biểu tình chống bọn hắn quá. Biểu tình còn hơn thời Diệm Nhu nữa.
Kể từ hôm đó Quảng về ở nhà ông Nhất.

Ông Nhất cạo đầu, bận áo nâu, tu tại gia, có vợ và bốn con đã trưởng thành hết. Ngôi nhà gạch đúc đã lâu đời, nhỏ bé nhưng rắn chắc, khuất bóng giữa vườn cây. Ở phía ngoài bà Nhất và cô con gái mở một gian hàng xén bán gạo và đồ khô. Phía trong vườn, căn nhà ở nối qua căn nhà thờ phật bằng một cái hành lang trống vách.

Ngôi nhà thờ phật trông như là một cái đình nhỏ nay được dùng làm chỗ thờ phượng. Có chính điện và phía sau có nhà trai hẳn hoi. Ngôi chính điện có bàn thờ tượng Phật Thích Ca trên bệ chính, hai bên tả hữu có tượng Đức Bồ Tát Văn Thù ngồi trên sư tử xanh và Đức Bồ Tát Phổ Hiền ngồi trên con voi trắng. Nhà trai phía sau lưng chính điện rộng rãi có thể chứa đến cả bốn mươi năm mươi người.

Những người Phật tử ở quanh quẩn đấy thường đến đây lễ Phật vào những ngày mồng một và mười lăm nếu họ không muốn lên chùa. Cách đấy không bao xa, chùa và động Non Nước nổi tiếng với những thắng cảnh tu thiền rất thoát tục.

Những ngày đầu, Quảng ngủ vùi trong căn nhà nhỏ vừa chứa đồ vừa có căn phòng cho một tăng sinh tên là Mạnh. Mạnh là một thanh niên ngoài hai mươi. Trước đây Quảng đã có dịp gặp Mạnh một hai lần ở trung tâm luyện thi của ông Bảy. Mạnh cũng xuống tóc, hiện là học sinh đệ nhị bên trường Bồ Đề. Mạnh thường lên chùa Non Nước ngày một nhưng sống với ông Nhất để lo việc phật sự cho bà con lối xóm.

Sang đến tháng thứ hai, Quảng khám phá ra một thế giới mới.

Một đêm mùa hè, khoảng mười hai giờ khuya, Mạnh bươi một đống gỗ cũ và vụn sang một bên. Lật miếng vải bố, và lật nắp lên. Mạnh kéo Quảng xuống. Chui qua một ống cống giếng, dẫn vào một nơi thật kín đáo. Một căn hầm nhỏ xíu. Căn hầm có cửa thông lên ngay sau lưng tượng phật.

Ở đây năm tháng, Quảng mới biết trong căn vườn này có đến ba cái hầm bí mật.

Một thứ tổng hành dinh.

Nơi đây chứa vô số tài liệu của Ủy Ban Cách Mạng Xã. Đủ thứ truyền đơn. Tài liệu biểu tình chống Mỹ hàng xấp. Những tài liệu học tập của trung ương đảng gửi về. Một mớ sách xuất bản từ Hà Nội gửi vào và một mớ khác do nhà xuất bản Giải Phóng Miền Nam ấn hành.

Quảng nhớ lại người bạn cùng trọ học ngoài Huế với những tờ chứng chỉ trên tay. Ngày đó Định thường về Đà Nẵng mang ra những tờ giấy hoãn dịch gia cảnh và học vấn giả mà Quảng không biết Định moi ở đâu ra. Những con dấu và chữ ký rất tinh xảo trông không khác gì là chứng chỉ thật. Định bán lại và kiếm được nhiều món tiền lớn.

Quảng gặp lại Định dưới căn hầm này mấy lần khi Định về đây công tác. Định bắt chước chữ ký rất tài tình. Chữ ký của ai Định cũng giả được. Từ ngày xảy ra vụ bắt bớ, Định ở lại luôn trong quê, thay căn cước và đổi tên khác. Quảng mới hiểu tại sao những ngày ở Huế Định chỉ có hai cái áo sơ mi và hai cái quần để thay đổi. Ngoài tật hút thuốc ra, Định không tiêu xài một thứ gì và ăn uống thì khắc khổ nhất mùa đông. Thì ra bao nhiêu tiền kiếm được trong những vụ buôn bán giấy tờ giả ấy, đồng chí Trần Minh tên nữa là Định đã mang về đây dùng vào việc in ấn những tài liệu truyền đơn Cách Mạng.

Thì ra bấy lâu nay, đây chính là nơi cung cấp tất cả những chứng chỉ học trình mà ông Bảy đã bán cho những ai muốn có chứng chỉ học trình để đi thi. Một cái bàn ở một góc với những con dấu. Những con dấu được đục đẽo sắc sảo tinh vi mang dấu ấn của những trường học, những cơ quan chính quyền phe Quốc Gia với nhiều địa danh từ Sài Gòn đến Đà Lạt đến Cần Thơ.

Ông Nhất và Mạnh làm việc ban đêm. Họ là những người hết sức khéo tay, làm việc rất tỉ mỉ và chăm chỉ. Mỗi khi bắt tay vào việc họ trở nên im lặng và làm bất cứ việc gì từ nhỏ cho đến lớn.

Gặp lại Quảng ở đây, Định vỗ vai Quảng và nói một câu cụt ngủn: "Cứu cánh biện minh cho phương tiện". Khác xa với những ngày sinh viên ngoài Huế hai thằng nằm tranh luận sôi nước miếng mồm thâu đêm suốt sáng về bất cứ đề tài nào.

Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt khô héo mụn của Định trong một lần Quảng xiết chặt tay bạn. Đôi con mắt của Định liếc đảo suốt khuôn mặt của Quảng và thoáng lên niềm mãn nguyện khi thấy Quảng gật gật đầu nhìn bạn không nói một lời nào.

Trước khi ra về, Định trao cho Quảng một tập sách con con bằng lòng bàn tay, tập Điều Lệ Đoàn Thanh Niên Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam. Ở trang đầu tiên Quảng đọc thấy: "Đoàn Thanh Niên Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam là tổ chức quần chúng tiên tiến của thanh niên Việt Nam, là cánh tay và đội hậu bị của Đảng Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam. Đoàn gồm những thanh niên giác ngộ, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng phấn đấu dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Cộng Sản ở Việt Nam. Đoàn Thanh Niên Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam là trường học chủ nghĩa Mác-Lê Nin của thanh niên. Đoàn lấy việc giáo dục chủ nghĩa Mác-Lê Nin kết hợp với thực tiễn đấu tranh cách mạng làm nhiệm vụ chủ yếu của mình…".

Những lúc một mình, Quảng thường nằm trên cái ghế bố ở dưới hầm, cạnh ngọn đèn dầu tù mù, Quảng ngấu nghiến đọc hết tất cả những thứ gì chứa dưới hầm. Chàng đọc đi đọc lại bộ Những Cơ Sở Của Chủ Nghĩa Lê Nin mấy lần.

Trong những ngày ấy ông Bảy đi biệt dạng. Quảng có dịp trò chuyện nhiều với ông Nhất.

- Em đã sống qua hai chế độ ở Miền Nam, ông Nhất nói với Quảng, em thấy chế độ này có thể nào khá hơn không. Chú em biết bây giờ có bao nhiêu lính Mỹ ở Miền Nam không? Nửa triệu. Chế độ trước đã tệ bây giờ còn tệ hơn. Toàn là những thứ tay sai của ngoại bang. Toàn là thứ phản quốc. Chú em có biết tên Nguyễn Văn Thiệu này được đào tạo ở đâu không. Từ trường thực dân Coequideau ra đó. Chú em tin đi, hễ những tên lãnh tụ nào đã từng bám vào ngoại quốc như vậy trước sau gì cũng đi làm tay sai cho ngoại quốc, đưa đất nước vào vòng nô Iệ ngoại bang.

Dưới tấm áo nâu sòng ăn chay niệm phật đơn sơ mộc mạc ấy, người đàn ông này là một cán bộ lão luyện từng ra Bắc tập kết nhồi nhuyễn thông suốt đường lối ông ta đi. Ông Nhất nói năng hòa nhã nhẹ nhàng, không cộc cằn bình dân như thuộc cấp của ông ta là ông Bảy. Người đàn ông này ngày ba bữa ăn chay đạm bạc xì dầu với rau đậu chiên nhưng dưới hầm đã giảng cho người thanh niên trẻ tuổi nghe những chiến thắng Điện Biên Phủ và những tham vọng ngoại nhân âm mưu làm chủ đất nước này. Người đàn ông này có khuôn mặt trắng trẻo xương xương, một cái nhìn chầm chậm, một nụ cười hiền hậu, mà là một tay chỉ huy một mặt trận ngầm trong một thành phố lớn. Bí mật. Bí mật. Phiêu lưu. Phiêu lưu. Quỷ thần ơi. Một thế giới mãnh liệt đầy phiêu lưu đầy lôi cuốn. Quảng như đi lạc vào một mê đồ và chàng say sưa ngồi và nằm trong căn hầm ngày này qua ngày nọ để lắng nghe người đàn ông thuyết minh. Nếu ông Bảy là người tạo cho Quảng cái ấn tượng hiếu kỳ về lòng gan dạ của một kẻ bình dân thô sơ dám làm những điều nguy hiểm thách thức thì ông Nhất lại còn lôi cuốn hơn về một cuộc phiêu lưu nào đó với tất cả khối óc sắc bén và con tim mạnh mẽ của một người đàn ông có lý tưởng, có lối đi rõ ràng.

- Tôi nhìn trên khuôn mặt chú em thấy thất sắc và bất ổn. Ông Nhất nói. Làm như mất hồn và vô định. Chú em biết tại sao không. Tại chú em không định được hướng đi cho đời mình. Không biết mình phải theo con đường nào. Không thuộc về một tập thể nào. Thanh niên đàn ông là cần phải thuộc vào một tập thể. Khi mình đã thuộc vào một tập thể nào rồi nó đỡ lắm chú em à. Hết phải băn khoăn lo lắng lông bông bất định. May mắn là nếu con đường ấy lại là một con đường lớn lao, một lý tưởng tốt đẹp phục vụ đất nước dân tộc. Đó là lý do tại sao ở ngoài đó đã thu hút được bao nhiêu thành phần trí thức và thanh niên đi tập kết ra. Thanh niên Miền Bắc khác với thanh niên Miền Nam. Ở ngoài đó họ sống đoàn kết có tình đồng chí bộ đội đầm ấm lắm. Tất cả được hướng dẫn và lãnh đạo bởi một tập thể có thành tích Cách Mạng rất tốt là Đảng. Thanh niên ngoài đó không cô đơn lạc lõng như thanh niên Miền Nam. Lông bông như các chú đây thật là uổng phí đời trai trẻ…

Người thanh niên lắng nghe và lắng nghe những lời của người đàn ông lớn tuổi suốt ba tháng trời ở dưới căn hầm ấy.

Quảng sống trong căn hầm bảy tháng. Ăn uống ngủ nghỉ nội trong khu vườn của ông Nhất. Mồng một mồng hai mồng ba tết không bước chân ra lên khỏi hầm. Từ lúc bước chân vào cho đến lúc cất bước ra đi không hề đặt chân ra đến đầu ngõ.

Một đêm mùa hè. Trời không gió. Đã khuya mà ngọn cây mít không rung rinh một hớp hơi thở nào của trời. Những thân hình mồ hôi nhễ nhãi cả khi đang đánh giấc ngủ, những cánh tay liên tục phe phẩy quạt.

Ở một căn nhà đất sâu trong xã Hòa Vang, có chàng thanh niên cầm cây bút viết bản kê khai lý lịch vứt bỏ cái tên Phan Quảng.

Tờ kê khai lý lịch gồm những chi tiết như: Thành phần tiểu tư sản trí thức, trình độ chính trị, thành phần bản thân, thành phần gia đình, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, quá trình hoạt động, nguyện vọng.

"Đến lúc ra khỏi tù, người thanh niên viết, tôi xét thấy với với chế độ này không thể nào phục vụ cho đất nước này được nữa. Dù cho tôi muốn phục vụ đất nước này đến đâu thì một ngày kia tôi cũng sẽ bị rơi vào cái tròng trí thức an thân sẵn sàng biến thành một con cừu trong bầy cừu trí thức lơ mơ ở Miền Nam này. Nên tôi sẵn sàng vứt bỏ cái điều người ta gọi là trí thức. Tôi tình nguyện tham dự một cuộc cách mạng giai cấp. Sẵn sàng đứng về đứng lên với những thành phần cơ bản, thành phần lao động, thành phần bị áp bức. Tôi sẵn sàng nhận bất cứ công tác nào tùy nhu cầu của cuộc Cách mạng hiện nay đòi hỏi.

Làm tại huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà, ngày… tháng… năm…

Người đồng chí đặc ủy đặc khu Quảng Đà nói: "Không phải là chỉ tay sai ngoại bang. Anh phải nói là tay sai của Đế Quốc Mỹ Xâm Lược". Năm Ròm yêu cầu sửa lại rồi mới viết tấm giấy giới thiệu: "Ủy ban huyện Hòa Vang chứng nhận C15 chúng tôi đã nhận xét bản lý lịch của đồng chí Phan Quảng bí danh Phan Văn Tiếng là đúng sự thật. Vậy C15 chúng tôi đề nghị về tỉnh ủy chứng nhận và giao công tác cho đồng chí này.