Minh Sư - Một Điển Hình Của Tình Thương Vô Điều Kiện

Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng trong buổi cộng tu tại Texas, USA
Ngày 12 tháng 11, 1993 (Nguyên văn tiếng Anh)



Minh Sư Chịu Khổ Vì Chúng Sanh Vô Minh


Chúng ta đồng nhất. Nhưng chúng ta vẫn phải bày tỏ bằng một cách nào đó, không phải chỉ nói mà thôi. Chúng ta không phải chỉ nói rằng: "Tôi thương người láng giềng của tôi, hay, tôi và anh là một." Nhưng khi họ đang đau khổ: "Ồ, không sao. Không liên quan gì tới tôi." Cho nên khi quý vị bệnh, tôi cũng bệnh. Trong lúc tôi còn ở đây, tôi bị những gì quý vị bị. Nếu không, tôi chỉ có sự hỷ lạc mà thôi, làm Phật rất sướng. Và ai cũng có thể làm được. Cũng có người nói với tôi rằng: "Nếu Sư Phụ đang bị giải phẫu, Sư Phụ cứ việc rời thân thể và trở về hưởng thụ thiên đàng". Là đệ tử thì quý vị có thể làm vậy được. Nhưng tôi thì không thể. Vì nếu tôi làm vậy, thì tôi sẽ chỉ hưởng thụ mà không cùng đau khổ với quý vị. Nếu tôi không đau khổ thì quý vị phải chịu khổ đau nhiều hơn. Cho nên, tôi không bỏ chạy.

Bây giờ, quý vị thường có ảo tưởng về một vị Minh Sư, cho rằng sẽ hưởng thụ nhiều hơn lúc còn vô minh, còn làm đệ tử. Không đúng. Nếu càng khao khát Thượng Đế, quý vị càng gần với Thượng Đế, càng gần với quả vị Minh Sư, và càng hiểu hơn về địa vị của Minh Sư. Có nghĩa là quý vị hy sinh. Làm Minh Sư có nghĩa là hy sinh, không có nghĩa sung sướng. Có, quý vị có niềm vui. Đó là một niềm vui bền vững, không bị hoàn cảnh hỗn độn của thế giới ảnh hưởng. Nhưng quý vị phải chịu đau khổ, chịu khổ vì mọi người. Và nếu quý vị không muốn ở trong hoàn cảnh đó, thì phải mong muốn Thượng Đế ít hơn. Phải hưởng thụ thế giới này nhiều hơn và quên Thượng Đế, quên Minh Sư đi. Như vậy quý vị sẽ xa hơn, xa "lò lửa" hơn một chút nữa. Xa nhà máy phát điện hơn. Và xa địa vị của một con cừu hy sinh hơn. Rồi quý vị sẽ không phải đau khổ nhiều và sẽ hưởng thụ nhiều hơn.

Cũng giống như người đầu bếp, phải nấu ăn cho chúng ta. Nếu người đó muốn hưởng thụ như chúng ta, thì phải rời nhà bếp, để cho người khác nấu. Cho nên, phải có người nào đó nấu để tất cả những người khác được hưởng. Đối với Minh Sư cũng giống vậy. Hoặc nếu có ai thương Minh Sư quá, không phải là thương tôi quá, hoặc thương bất cứ vị Minh Sư nào. Ý nói là quý vị thương Chân Lý quá, ngoài Thượng Đế ra không muốn gì khác nữa, lúc đó là quý vị rất gần với Minh Sư, gần lực lượng Minh Sư, phẩm chất Minh Sư. Đó là lúc quý vị không hưởng thụ. Rất tiếc, tôi phải nói vậy, rất là ngược đời. Nhưng nó là vậy.

Nên nếu quý vị không có ý muốn tất cả những sự hy sinh này, quý vị muốn những thứ như thiên cung hay hào quang trí huệ của thiên đường, những thứ màu mè như vậy, thì đừng mong ước nhiều quá. Vì thế trong thiền tông, họ nói rằng: "Càng muốn khai ngộ, càng được ít." Bởi chính sự ao ước của quý vị cản trở chính mình. Nhưng nói một cách hợp lý, đó là vì quý vị quá gần, muốn quá sức nên quá gần. Quý vị muốn điều đó quá, nhiều tới nỗi nó trở thành quý vị. Quý vị bị nó ám ảnh, nên phải mang phẩm chất đó. Kiểu quý vị muốn Thượng Đế nhiều như vậy là sự mong muốn của một thánh nhân.

Minh Sư Không Bao Giờ Hưởng Thụ Thế Giới Này

Bây giờ, nếu quý vị là thánh nhân, là Minh Sư, là một linh hồn Minh Sư, thì quý vị không thể hưởng thụ, vì cả thế giới đau khổ. Và linh hồn bên trong của quý vị sẽ phải gánh chịu những khổ đau của người khác, của những kẻ vô minh, bần cùng, chịu đựng sự tăm tối của thế nhân. Cho nên, bây giờ tôi không hưởng thụ như hồi trước nữa. Bây giờ là quý vị hưởng thụ. Bây giờ tôi là người nấu bếp. Lúc nào tôi cũng nấu cơm trong nhà bếp, không thể ngồi cùng bàn với quý vị, mặc y phục màu mè, có người hầu hạ như vậy. Khi nấu ăn, tôi cũng không gặp được quý vị nữa. Cho nên, Minh Sư cũng vậy.

Càng mong muốn Thượng Đế, lại càng ít được gặp. Rất tiếc tôi phải nói vậy, nếu mọi người nói với quý vị khác. Nếu mong muốn một nửa, thì được một nửa. Nếu mong muốn nhiều quá thì không thấy nhiều. Quý vị đau khổ vì quý vị sẽ quá gần với Thượng Đế. Thượng Đế biết mọi thứ, biết sự đau khổ của loài người. Và trong thế giới này, đau khổ nhiều hơn là hạnh phúc. Cho nên, nhiều vị Minh Sư không bao giờ hưởng thụ thế giới này. Như vậy cũng tốt. Vì các Ngài tới đây không phải để hưởng thụ. Nếu muốn hưởng thụ, quý vị phải trở lại nữa, làm người vô minh và bắt đầu hưởng thụ lần nữa.

Nếu quý vị là giáo sư toán hay Anh ngữ, mà muốn ngồi trong lớp, được giảng dạy, được phục vụ, được thầy thương yêu lần nữa thì thật là kỳ cục. Đó là cách duy nhất quý vị có để được chú ý tới giống như khi quý vị làm học trò. Hầu hết chúng ta đều đã làm học trò trong cuộc đời, và sau đó lại nuối tiếc là đã không hưởng thụ tuổi học trò. Sư Phụ cũng như vậy. Ai cũng nói chúng ta rằng tuổi học trò là thời kỳ sung sướng nhất, nhưng chúng ta không hề biết. Chúng ta không quý trọng nó. Chúng ta muốn làm giáo sư ngay bây giờ, hay từ hôm qua thì còn tốt hơn nữa (mọi người cười). Tới khi thành giáo sư, chúng ta lại nghĩ: "Chao ôi, làm học trò sướng quá!" Không lo nghĩ, mọi việc đều dễ dàng hơn, trẻ trung nữa. Không trách nhiệm gì, cứ việc tiệc tùng chỗ này, chỗ kia, bạn gái này, bạn trai kia. Cái gì cũng dễ. Nhưng quý vị không thể trở lại làm học trò nữa, vì đã thành giáo sư rồi. Dù bây giờ quý vị có cởi áo, vất văn bằng, đến ngồi lại với học trò, quý vị cũng không thể nghiệm giống như vậy, rồi quý vị lại than phiền, tại sao? Quý vị nói "Sao tôi không được hưởng thụ như người đó, như những học trò đó, tại sao tôi không được?" Vì quý vị đã qua những hưởng thụ đó rồi, không thể trở lại, không thể đi ngược giòng thời gian.

Ba Giai Đoạn Khai Ngộ

Cho nên quý vị phải nhận biết chính mình, mình là người mới vào con đường này, đang thụ hưởng nhiều hơn những người khác, hoặc là mình chưa đến giai đoạn khởi đầu của sự tu hành, hoặc là mình đã qua khỏi giai đoạn hưởng thụ. Dùng ngôn ngữ mà nói thì có ba giai đoạn khai ngộ. Đầu tiên là giai đoạn vô minh. Quý vị chưa muốn tu, thậm chí chưa thoát khỏi chủ thuyết duy vật. Giai đoạn thứ hai là khai ngộ. Quý vị thấy hào quang, thấy Thượng Đế, thấy thiên cung, thấy đủ thứ trong lúc nhập định, thưởng thức đủ loại chân phúc. Còn đoạn thứ ba là quý vị qua khỏi cái đó.

Cũng như trong trường học, đầu tiên quý vị chưa ghi danh vào đại học, quý vị không là ai cả, chỉ là một người bỏ bậc trung học hoặc không là gì cả. Bây giờ, thứ đến là quý vị ghi danh, đúng không? Ghi danh là con đường thứ hai, và quý vị bắt đầu học hỏi ở trường. Con đường thứ ba là tốt nghiệp đại học. Cho nên, chúng ta, những người tu hành, có những đẳng cấp khác nhau. Hãy thong thả với chính mình, đó là đẳng cấp của quý vị. Đừng đòi hỏi nhiều hơn những gì quý vị có thể tiêu hóa được trong cùng một lúc. Và đừng đòi những thứ kỳ quặc, thí dụ như, làm giáo sư rồi mà còn muốn hưởng thụ đời sống sinh viên. Vì tuổi tác khác nhau, tinh thần khác nhau.

Nếu quý vị hỏi tôi, làm một vị Minh Sư, tôi có thể làm mọi thứ cho quý vị không? Có chứ. Nhưng để làm gì? Quý vị muốn thiên đàng để làm gì chứ? Chúng ta nên biến thế giới này thành thiên đàng chớ không phải chạy trốn nó. Khi quý vị ngồi, tự nhiên có được thiên đàng thì không sao, tốt. Nhưng nếu luôn luôn ao ước thì cũng kỳ. Chúng ta không phải ăn mày. Nếu Ngài không cho thì đừng bận tâm tới. Có lẽ Ngài không rộng lượng cho lắm. Đó là lỗi của Ngài. Và nếu một Đấng Tạo Hóa có thể làm lỗi lầm như bỏ quên quý vị, thì chúng ta lại càng không cần gặp Ngài.

Phục Vụ Vô Ngã

Bây giờ tôi không thấy gì hết. tôi chỉ ở đây 24 tiếng. Thậm chí đôi khi tôi không có thì giờ gặp tất cả quý vị, nếu tôi đi phớt qua thôi. Tôi cũng không có thì giờ để ý tới tất cả những dấu hiệu thiên đàng này, vì tôi dùng thời giờ của mình phục vụ cho quý vị. Nhưng cho dù tôi chỉ thấy màn đen hoặc không thấy gì cả, quý vị vẫn kính trọng tôi như một vị Minh Sư, tại sao? Đâu phải vì những gì tôi thấy. Nó đâu còn nữa. Mà là vì tình thương của tôi, vì tôi không đòi hỏi gì cả, chỉ cho mà thôi. tôi không muốn gì nơi Thượng Đế, và không muốn gì từ quý vị. Điều này rất quan trọng.

Cho nên, chúng ta phải phục vụ một cách vô ngã, thì mọi thứ khác sẽ đến. Rất khó nói với quý vị những điều này, vì quý vị thường nghe câu: "Hãy tìm Thiên Quốc trước, rồi mọi thứ sẽ đến với con." Nhưng Thiên Quốc là gì? Thiên Quốc đâu phải cho một mình quý vị. Nếu tôi có một Thiên Quốc, mọi người phải vào được. Nếu không tôi không tới đó, mà sẽ đợi mọi người. Tôi ngồi trong đó một mình, hay với quý vị, hay với với một vài đệ tử hưởng thụ Thiên Quốc trong khi nhân loại đang bò lết lăn lóc trên mặt đất vì đau khổ đủ thứ, vậy thì có tốt gì cho tôi đâu? Cho nên, Thiên Quốc tới sau khi mọi người đều khai ngộ, nếu điều này có đến.

Tôi tin vào sự làm việc vì hạnh phúc người khác, hơn là làm việc cho chính mình. Cho nên, nếu quý vị tiếp tục con đường đó, quý vị sẽ được viên mãn nhiều hơn là bất cứ thể nghiệm ánh sáng nào. Cho nên, đừng đi lạc hướng. Quý vị vậy là được rồi. Cứ làm như vậy. Cứ phục vụ người khác, quý vị sẽ mãn nguyện hơn là bất cứ cảnh giới, bất cứ thể nghiệm ánh sáng nào hoặc sự xuất hiện nào của Phật có thể cho quý vị. Tôi nói thật.

Cho nên, hãy làm người nấu bếp, không phải lúc nào cũng làm khách. Ồ, đôi khi chúng ta cũng có thể làm khách. Nhưng quý vị đã từng làm khách, và quý vị không hài lòng, nghĩ rằng khách phải được hơn như vậy nữa. Vì quý vị thường nấu bếp. Và đôi khi quý vị đi nhà hàng, tưởng tượng một vị khách phải như vầy, như vầy. Nhưng khách tới đó chỉ để ăn thôi. Có vậy thôi, và quý vị trả tiền rồi về nhà, không có gì quan trọng.

Tu Hành Thật Ra Rất Nhẹ Nhàng Và Thanh Nhã

Tương tự vậy, nếu chúng ta có thể nghiệm cảnh giới, đôi khi vì trông mong quá nhiều, chúng ta tưởng cảnh giới phải như thế này, thế kia. Không phải vậy. Đó là một chuyện rất bình thường. Nó không phải như một luồng điện mà quý vị biết khi nào nó tới, khi nào nó đi. Nó rất là nhẹ nhàng. Sự chuyển tiếp từ phạm vi vật chất sang tâm linh rất, rất là nhẹ nhàng. Vì vậy, nó không phải là một loại xuất hồn mà quý vị biết khi quý vị ra khỏi thân thể. Vì như vậy không phải là tu hành đúng. Tu hành đúng là nhẹ nhàng đưa mình vào những cảnh giới khác nhau một cách rất nhẹ nhàng và thanh nhã, đến nỗi quý vị không biết mình ở nơi đó. Vì lúc ở đó quý vị không còn ngã chấp nữa.

Nếu không quý vị đã biết "Bây giờ ta đang ở bậc thứ nhất, đang ở bậc thứ hai, đang ở bậc thứ ba, ta là thánh, cấp ba, hoặc năm thứ ba. Như vậy không tốt. Bởi vì tôi nói cho quý vị hay. Bởi vì chúng ta đã luôn luôn ở đó rồi, nơi chúng ta muốn. Cho nên, biết quý vị đang đi tới đâu, đến cấp bậc nào để làm gì? Đối với một số người thì không sao, dụ họ vào con đường tu hành. Nhưng không phải cho tất cả mọi người, và không phải lúc nào cũng vậy được.

Thí dụ, có lẽ lúc đầu mới tốt nghiệp trường luật, quý vị hãnh diện. Có lẽ nói cho mọi người biết, tổ chức tiệc ăn mừng tốt nghiệp văn bằng tiến sĩ luật sư. Nhưng sau vài năm, thậm chí quý vị cũng không nhớ mình là luật sư nữa. Thỉnh thoảng có người hỏi thì quý vị nhớ tới, nhưng không một hãnh diện, không hoan hỉ, không sung sướng, không gì cả. Vì quý vị đã là vậy rồi. Không có gì mới lạ đối với quý vị.

Khi Trống Rỗng, Tức Là Tràn Đầy

Tương tự vậy, một số chúng ta quá quen với sự hoan hỉ tâm linh, nó trở thành như hơi thở vậy. Thật ra là phải như vậy đó. Không phải lúc nào tôi cũng ngồi đây, nhìn cảnh giới Phật. Như vậy là chúng ta hãy còn chia cách. Chúng ta không ở trong cảnh giới Phật, mà đang nhìn cảnh giới Phật. Chúng ta và cõi Phật là hai. Càng gần với quả vị phật, quý vị càng trở lại vô minh. Thế mới ngược đời. Vì vậy trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử có nói rằng: "Người khôn giống như người dại, người vô minh." Phải, quý vị như đi vòng trở lại.

Nhưng không có nghĩa là quý vị vô minh giống như hồi xưa. Không giống vậy. Trước kia, quý vị vô minh, và bây giờ quý vị đúng thật là vô minh, vô minh theo nghĩa thật của nó. Trước kia quý vị vô minh, nhưng tưởng rằng mình khôn ngoan. Tự lừa dối mình là khôn ngoan, nghĩ rằng mình biết mọi thứ. Nhưng bây giờ quý vị biết mình thật sự là vô minh, đó là lúc quý vị có trí huệ. Bởi vì khi quý vị trống rỗng là quý vị tràn đầy. Vũ trụ thuộc về quý vị. Khi quý vị đầy những rác rến, là quý vị ở bên ngoài. Tôi nói với cả mọi người, kể cả những chúng sanh vô hình và tôi nữa.

Tôi cũng có cảm giác như vậy hồi trước. Làm Minh Sư cực lắm.. Vì quý vị tự từ chối tất cả mọi thứ, kể cả thể nghiệm cảnh giới, kể cả kiến thức về những cái gọi là dữ kiện điện toán. Tôi chỉ biết những gì phải biết vào đúng giờ, đúng lúc. Vậy thôi. Đó là tất cả những gì cần thiết lúc bấy giờ. Nếu không, quả là một gánh nặng khi phải mang theo tất cả những trí huệ này bên mình và cho mọi người biết mình là Minh Sư. Đó không phải là cách.