Lời Chúc Tân Niên Của Sư Phụ

Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại đạo tràng Tây Hồ, Formosa
Ngày 29 tháng 1, 1995 (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)



Nhiều người hiểu lầm ý nghĩa của năm mới và ngày lễ. Mỗi lần có dịp lễ lớn hay năm mới, chúng ta đều nên suy nghĩ, kiểm điểm lại bản thân nhiều hơn, xem mình có những gì tốt hơn để cúng dường thế giới, cống hiến cho người thân bạn bè hay tổ quốc. Không nên mỗi lần có cơ hội là kiếm cớ để ăn uống chơi bời, thay vì đó chúng ta nên sửa đổi cử chỉ và lời nói thô kệch của mình. Dĩ nhiên là quý vị đã biết hết cả rồi! Sư Phụ nhân cơ hội này để nhắc nhở quý vị. Nếu quý vị đã thi hành rồi thì không cần nghe, nếu chưa làm hay quên làm, thì dĩ nhiên phải ghi nhớ!

Trưởng Dưỡng Phong Độ Nhã Nhặn

Những gì nên nói Sư Phụ đã nói rồi. Điều chủ yếu là mọi người thực hành giáo lý là được! Năm mới dĩ nhiên phải tiến bộ, không phải mỗi năm mỗi "lão", mà là mỗi năm mỗi "lão luyện" về mặt tâm linh và càng có trí huệ, như vậy mới thật sự là "lão nhân", càng già càng tốt. Chẳng hạn như năm vừa qua chúng ta làm những điều mà mình không thích hay người khác không thích, trong năm mới chúng ta sẽ sửa đổi! Cố gắng sửa đổi, để hành vi và lời nói của chúng ta trở nên tốt hơn, càng ngày càng tốt đẹp.

Trong sinh hoạt hàng ngày, nhất định sẽ có những giây phút mà chúng ta phản ứng hơi thái quá, không sao tránh khỏi. Nhưng ngày thường đừng để cho phẩm chất đó bám víu chúng ta mãi, nghe hiểu không? Dĩ nhiên lúc có phản ứng thì khác: Thí dụ như quý vị đang giận người nào đó, bởi vì người đó làm quý vị giận, hay đôi khi chúng ta không thể kiểm soát cơn giận của mình, trong trường hợp đó chúng ta có thể được mọi người tha thứ. Sau này chúng ta biết mình sai thì phải xin lổi, hay sửa mình, như vậy chúng ta mới được tha thứ.

Tuy nhiên chúng ta không thể trưởng dưỡng phẩm chất đó, để bình thường cũng đem ra sử dụng. Điều này khác với lúc chúng ta giận nên nói quá lời, hai tình trạng không giống nhau. Sau đó chúng ta sẽ biết, hơn nữa tình trạng đó cũng tạo nên bởi hoàn cảnh, cái đó khác với phẩm chất thô lổ. Nếu ngay cả trong lúc nói đùa, hay nói chuyện phiếm với người ta chúng ta cũng thô kệch, khiến người ta cảm thấy khó chịu, cái đó thì khác. Đó là phẩm chất xấu của chúng ta. Nếu biết mình có phẩm chất đó thì chúng ta phải sửa đổi, đừng khiến người ta hễ nghĩ đến mình là khó chịu, hễ nhớ đến tên mình là có những ký ức không tốt. Như vậy chúng ta sẽ phá hoại tình bằng hữu, bầu không khí đầm ấm trong gia đình, và việc buôn bán mà chúng ta cần.

Sư Phụ không phải bắt quý vị đi đâu cũng nói những câu tâng bốc: Chẳng hạn như tán thán người khác, nhưng trong lòng lại không nghĩ như vậy; hay vì muốn lấy lòng người khác, để cho họ vui, nhưng thực tế trong lòng chúng ta lại nghĩ khác. Tâm và khẩu chúng ta phải là một, nội ngoại hợp nhất tức là thiền. Nếu không chúng ta sẽ biến thành một thứ quân tử giả. Chúng ta phải tự nhiên, nhưng cũng phải có lễ độ, nhã nhặn. Như vậy cho dù người khác không nhã nhặn, sau khi thấy mình như vậy, chính họ cũng sẽ mắc cở mà không dám ăn nói bất lịch sự với chúng ta.

Năm Mới Người Mới

Năm mới là để cho chúng ta có cơ hội trở thành một con người mới. Nếu năm qua chúng ta rất tốt, năm mới càng phải tốt hơn; nếu năm qua không tốt, thì năm mới phải sửa đổi một chút, có thể tốt hơn thì càng tốt.

Nhiều người hiểu lầm ý nghĩa của năm mới và ngày lễ. Mỗi lần có dịp lễ lớn hay năm mới, chúng ta đều nên suy nghĩ, kiểm điểm lại bản thân nhiều hơn, xem mình có những gì tốt hơn để cúng dường thế giới, cống hiến cho người thân bạn bè hay tỗ quốc. Không nên mỗi lần có cơ hội là kiếm cớ để ăn uống chơi bời, thay vì đó chúng ta nên sửa đổi cử chỉ và lời nói thô kệch của mình. Dĩ nhiên là quý vị đã biết hết cả rồi! Sư Phụ nhân cơ hội này để nhắc nhở quý vị. Nếu quý vị đã thi hành rồi thì không cần nghe, nếu chưa làm hay quên làm, thì dĩ nhiên phải ghi nhớ!

Chúng ta phải làm một tấm gương tốt cho thế giới, bất luận là cứu trợ hay tu hành, bất luận là tình cảm bạn bè hay quan hệ giữa thầy trò, chúng ta đều phải làm một tấm gương sáng. Trong trường hợp bất đắc dĩ chúng ta mới áp dụng biện pháp cứng rắn hơn. Ngày thường nếu chúng ta có thể đối đãi với nhau một cách cao nhã không phải tốt hơn sao? Muốn xây dựng thiên đàng thì phải bắt đầu từ đây!

Đặc biệt là những người có địa vị, phải chăm sóc phẩm chất của mình. Làm quan phải thanh liêm, làm việc cho chính phủ phải cố gắng, phải biết hy sinh, luôn luôn nghĩ đến đất nước, vì quốc gia mà làm. Người tu hành hay làm liên lạc viên cho Sư Phụ v.v... cũng phải giữ gìn phong độ và phẩm chất cử chỉ và lời nói, hy sinh vì mọi người, không nên chỉ nghĩ đến sự hưởng thụ của bản thân. Nếu làm cha mẹ, dĩ nhiên phải chăm sóc con cái, cho chúng sự an lạc, nhưng không được chìu chuộng quá đáng, khiến chúng hư hỏng. Làm con cái dĩ nhiên phải hiếu thuận, nghe lời cha mẹ và người lớn.

Làm thầy thì phải có trách nhiệm, dạy học trò những bài học đạo đức, luân lý, không phải chỉ dạy A B C căn bản là đủ, cái đó ai cũng có thể dạy được. Trách nhiệm quan trọng nhất làm thầy là dạy trẻ em những chuyện đạo đức, phẩm chất cao cả. Làm cha mẹ cũng vậy, không phải chỉ cung cấp cơm ăn áo mặc cho con là đủ. Nếu mỗi một người đều làm tròn trách nhiệm của mình, làm cha mẹ biết che chở cho con cái, làm con rất hiếu thảo với cha mẹ, như vậy thế giới sẽ hòa bình - hòa bình từ trong gia đình, sau đó những thiên tai, chiến tranh, dĩ nhiên càng ngày càng ít.

Lãnh Đạo Quốc Gia An Bình

Chiến tranh hay thiên tai đôi khi không phải chỉ vì địa thế mà thôi, mà còn vì bầu không khí của thế giới. Nếu nhân loại chúng ta nếu đối xử bất công với nhau, sẽ tạo nên một bầu không khí giao động, hung ác như chiến tranh. Rồi từ bầu không khí đó sẽ sinh ra rất nhiều tai nạn hoặc là chiến tranh.

Gần đây tai nạn thế giới gia tăng. Đây là một sự nhắc nhở của Thượng Đế. Ngài muốn chúng ta trở về với phẩm chất chân thiện mỹ của chúng ta, đừng nên chìm đắm trong cảnh giới phủ định. Con người chúng ta có hai lực lượng: Khẳng định và phủ định. Lực lượng khẳng định ban cho chúng ta sự sung sướng an lạc, cũng ban cho người khác sự sung sướng an lạc, phẩm chất này chúng ta phải luôn luôn bảo tồn và tiếp tục phát triển. Nếu chúng ta chìm đắm trong lực lượng phủ định, thế giới dĩ nhiên sẽ càng ngày càng rối loạn.

Chẳng hạn như, cả nước chúng ta ăn chay, vì từ trường lương thiện nên không có nghiệp sát, tự nhiên sẽ không có tai nạn, cuộc sống sẽ rất thoải mái, thân thể khoẻ mạnh, nước nhà sẽ càng thêm phú cường. Bởi vì khi thân thể chúng ta khỏe mạnh, tinh thần sẽ rất minh mẫn, chúng ta sẽ có rất nhiều sáng kiến thông minh, có thể kiến quốc an dân. Nếu mỗi một quốc gia đều như vậy, thế giới sẽ hòa bình, sẽ khỏi cần họp với nhau bàn tán quá nhiều như vậy, uống quá nhiều rượu sâm banh, ăn quá nhiều thịt bò, rốt cuộc thế giới cũng chẳng hòa bình; hay là hôm nay hòa bình, ngày mai sẽ chiến tranh; bên này hòa bình, ngày mai lại có một quốc gia khác xảy ra chiến tranh. Cho nên trong thế giới này không phải chỉ lý luận suông là có thể giải quyết vấn đề, mỗi người phải thực hành bài mình đã học.

Cho đến bây giờ Sư Phụ chỉ biết có mỗi chính phủ Tân Gia Ba là dạy dân chúng ăn chay. Loại chính phủ trị "nhân" chứ không trị "quả" như vậy rất hiếm. Có lẽ chính phủ khác có dạy, nhưng Sư Phụ không biết. Chính phủ Tân Gia Ba hình như là chính phủ duy nhất, một chính phủ anh minh quan tâm đến đạo đức và sức khỏe của dân chúng như vậy, hy vọng các chính phủ khác sẽ noi gương.

Mọi Người Đều Là Thầy Của Chúng Ta

Chúng ta nói, nếu có thiện trí thức hướng dẫn, đời sống của chúng ta sẽ tiến bộ, càng thêm cao nhã. Đồng tu chúng ta có thể làm thiện trí thức cho nhau, làm người bạn tốt. Ngay cả những người bên ngoài không phải là đồng tu, đôi khi cũng có thể làm thầy của chúng ta, nhắc nhở chúng ta những sự tốt đẹp. Chẳng hạn như, chúng ta thấy họ làm việc tốt, hay là có khi họ nói một vài câu, tâm chúng ta cũng khai mở. Nếu chúng ta thấy họ làm điều xấu, ít nhất chúng ta cũng học được một bài học, là chúng ta không nên làm như vậy!

Cho nên Thánh Nhân đời xưa mới nói: "Ba người đi chung, sẽ có một người có thể làm thầy chúng ta." Sư Phụ nói ba người đều là thầy chúng ta cả. Bởi vì mỗi người sinh ra trên thế giới này đều có trách nhiệm và nghĩa vụ của họ. Nếu chúng ta gần người nào, có quan hệ với ai, nhất định họ có nhiệm vụ gì liên quan đến chúng ta; không cần biết tốt hay xấu, họ có một chút trách nhiệm giáo dục chúng ta. Cho nên mọi người mắt phải mở lớn một chút, tai phải nghe rõ một chút, để xem Thượng Đế, qua người bên cạnh, sẽ dạy chúng ta điều gì. Tuy nhiên, dạy gì chúng ta cũng nên ứng dụng, không phải lần nào cũng học thuộc lòng, rồi nhắc lại như con vẹt hay băng thâu âm, như vậy dĩ nhiên vô dụng.

Gần đây Sư Phụ thường kêu gọi mọi người đi cứu tai nạn, hoặc tổ chức những công việc cứu trợ nạn nhân. Dĩ nhiên chúng ta vì lòng thương, thấy người ta khổ nạn trong lòng không yên, cho nên chúng ta muốn giúp đỡ họ. Tuy nhiên chúng ta không phải chỉ vì những nạn nhân đó mà thôi; tham gia công tác cứu trợ cũng là đồng thời giúp đỡ chính mình, phát triển lòng thương của mình, làm tròn bổn phận của mình, và từ đó học hỏi sự thích ứng với hoàn cảnh.

Không phải chỉ đem gạo đi phân phát là xong. Đến khu tai nạn quý vị sẽ gặp một số người, phản ứng và tình cảm của họ, đời sống nhu cầu của họ không khác gì quý vị. Quý vị sẽ trực diện với khó khăn của họ. Sau khi nói chuyện với họ, quý vị sẽ hiểu nhiều hơn những điều mong muốn trong tâm mỗi người, lúc đó quý vị phản ứng ra sao, an ủi họ bằng cách nào, cố vấn họ như thế nào, khiến họ có thể vượt qua sự khó khăn trong đời sống của họ, đó chính là bài học của quý vị. Nếu quý vị không ứng dụng thực tế, nghe Sư Phụ nói bao nhiêu năm cũng vô dụng; trên thực tế, quý vị chưa thật sự đem ra làm lợi cho người khác.

Thôi, Sư Phụ đã nói Sư Phụ không muốn nói nhiều nữa. Năm mới chúc quý vị vui vẻ, vạn sự như ý, sớm khai ngộ giải thoát.