Gương Mẫu Mực Của Bào Thúc Nha Và Quản Trọng !

Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại Đạo Tràng Tây Hồ,
Formosa Ngày 7 tháng 1, 1996. (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)



Đây là đất nước Trung Hoa! Sư Phụ thấy Trung Hoa thời xưa có rất nhiều bậc Thánh Nhân. Nếu quý vị không noi gương họ để học hỏi thì uổng quá! Bây giờ có thì giờ, Sư Phụ nhắc cho quý vị biết, chẳng hạn như chúng ta xem thời xưa Bào Thúc Nha giới thiệu Quản Trọng như thế nào? Cách hành sự của ông rất đẹp.

Cặp Nhân Tài Trong Thời Loạn

Trước kia Quản Trọng đã từng bắn Tề Hoàn Công một mũi tên. Tuy không mất mạng, nhưng Hoàn Công giả chết. Về sau Hoàn Công lên làm vua nước Tề, Quản Trọng bèn trốn sang nước khác. Bào Thúc Nha biết Quản Trọng là một người có tài, muốn bắt ông về để Tề Hoàn Công trọng dụng. Bào Thúc Nha biết Quản Trọng là một tể tướng có thể bình thiên hạ. Không có Quản Trọng, nước Trung Hoa thời bấy giờ không thể thống nhất được, không thể hòa bình được. Cho nên Bào Thúc Nha dùng mọi cách cứu mạng người bạn của mình, để ông có thể về nước. Bào Thúc Nha bèn sai thuộc hạ đi tìm ông. Quản Trọng lánh nạn bên nước Lỗ.

Nước Lỗ có một vị quan thấy được tài của Quản Trọng, bèn nói với Lỗ Vương rằng: "Bệ hạ, Ngài không thể cho người này về nước, nếu Ngài không thể dùng ông ta, thì hãy giết ông ta đi."

Lỗ Vương hỏi tại sao phải dùng Quản Trọng? Và tại sao phải giết ông?

Vị quan rất thông minh này tức thì thưa rằng: "Quản Trọng là một nhân tài vào hạng bậc nhất thế giới, bây giờ nếu Ngài để ông về làm việc cho Tề Hoàn Công, ông nhất định sẽ được trọng dụng, như vậy thì vương nghiệp của Ngài sẽ không còn gì nữa. Nếu Ngài không dùng ông, thì giết ông đi, đừng để ông rơi vào tay người khác, như vậy rất nguy hiểm!"

Việc chính trị thật quá khủng khiếp. Không dễ gì được một nhân tài. Nhưng nếu quý vị không dùng, cho người khác dùng cũng được vậy, đâu có hề gì? Chắc tại họ không tu Pháp Môn Quán Âm, không có tinh thần phân hưởng, không có lý tưởng cao cả, cho nên mới hành xử như vậy.

Sau khi nghe những lời đề nghị của vị quan lớn có trí huệ này, Lỗ Vương vốn muốn giết Quản Trọng. Nhưng thuộc hạ của Bào Thúc Nha lại thông minh hơn.

Ông cho biết rằng: "Nếu bệ hạ giết chết người này, sau đó trả thi hài cho chúng tôi, làm như vậy cũng giống như là không trả vậy. Như vậy tức là coi quốc vương của chúng tôi không ra gì. Quản Trọng trước đây từng lấy tên bắn quốc vương của chúng tôi, quốc vương nhất định trả mối thù này, nếu không sẽ chết không nhắm mắt (khổ nhục kế ấy mà!)

Nếu bệ hạ không trả phạm nhân này cho Tề Vương đích thân hành xử, e rằng sẽ gây rắc rối giữa hai nước chúng ta."

Lỗ Vương nghe nói vậy thấy không còn cách nào khác nữa. Nước của ông yếu hơn, hơn nữa không có lý do giết người của đối phương, mặc dầu biết không có lợi đối với mình, nhưng cũng không còn cách gì hơn, quốc vương và quan lớn chỉ còn cách nhường nhịn, cho Quản Trọng về nước. Quản Trọng cũng rất tinh lanh, ông biết các quan lớn nhất định đuổi theo đòi giết ông, nên ông soạn rất nhiều bài ca để lính áp giải vừa đi vừa hát, đi rất nhanh, rất nhanh. Quan quân nước Lỗ đuổi theo sau muốn giết Quản Trọng, nhưng không kịp!

Hay thật! Người nào người nấy đều rất hay, nếu chúng ta cũng giỏi như vậy thì tốt biết mấy! Ở đây có ai giỏi như vậy không? Chắc không có, Sư Phụ là người duy nhất. (Sư Phụ và mọi người cười)

Bào Thúc Nha cứu được bạn mình một cách thành công, Quản Trọng cũng cứu được mạng của mình trong xe tù. Xe tù đến biên giới nước Tề thì ngưng lại. Bào Thúc Nha nghe nói Quản Trọng đã về đến nước Tề, liền ra nghênh đón. Ông mở xe tù phóng thích Quản Trọng.

Quản Trọng nói rằng: "Chưa nhận được lệnh, xin ông đừng mở cửa quá sớm."

Bào Thúc Nha trả lời: "Ông đừng lo, tôi sẽ giới thiệu ông với Tề Hoàn Công."

Quản Trọng giả bộ khiêm tốn: "Chủ nhân tôi đã chết, tôi không thể bảo vệ chủ nhân, còn mặt mũi nào nhìn cố nhân dưới cửu tuyền?"

Ông ngại không dám nhận lời ngay, phải để cho người ta khuyên lơn một chút mới ưng thuận, không thể đứng ra nói một cách đột ngột: "Tôi có thể làm tể tướng."

Bào Thúc Nha cũng làm ra vẻ tin tưởng mà nói rằng: "Không sao cả, đây là chuyện nhỏ, người có tài phải lấy việc nước, hòa bình thế giới làm trọng, không thể chấp vào một khía cạnh hay một người đã quá cố. Chúng ta phải phụng sự thế giới, chứ không chỉ phụng sự một hai người mà thôi."

Ông khiến Quản Trọng cảm thấy mình rất quan trọng, sẽ không còn muốn chết nữa! Có lẽ ông vốn muốn chết, Sư Phụ không biết, nhưng nếu ông thật sự muốn chết, thì tại sao lại còn dạy binh sĩ ca hát để nhanh chân lên đường? (Mọi người cười) thôi chúng ta hãy tin ông!

Anh Quân Cần Hiền Thần Phò Hộ

Sau khi hai người đồng ý lẫn nhau, Bào Thúc Nha bèn đi nói với Tề Hoàn Công rằng: "Hạ thần có hai điều muốn bẩm cùng quốc vương. Thứ nhất, vì đại sự quốc gia, Ngài phải chặt đứt ân tình thân thuộc cá nhân, về điểm này hạ thần rất thông cảm và rất lấy làm buồn cho chúa công; điều thứ hai hạ thần phải chúc mừng chúa công, nhân tài bậc nhất thế giới Quản Trọng đã được cứu về nước. Kể từ ngày hôm nay chúa công sẽ có hiền sĩ giúp đỡ."

Tề Hoàn Công nói rằng: "Người này bắn ta một tên, mối thù này ta chưa quên, mũi tên ta vẫn còn giữ, làm sao có thể dùng hắn được? Đợi hắn về đây, ta sẽ xé hắn ra trăm nghìn mảnh."

Đường đường là bậc nhất quốc chi quân, một chút thù hận cũng không quên được. Khen ông một câu, ông nhớ rất lâu; ai nói xấu ông, tam tộc đều siêu sanh (tru di tam tộc) (mọi người cười).

Độ lượng rất nhỏ, cho nên quốc vương cần rất nhiều hiền sĩ, rất nhiều nhân tài, rất nhiều cao tăng đại đức cố vấn, càng nhiều càng tốt.

Nhưng phần đông cao tăng đại đức không muốn ra làm quan. Họ biết thế giới là một hí trường, không muốn tham gia diễn xuất. Có lẽ đôi khi thấy buồn nên ra đóng một hồi, nhưng đa số cao tăng đại đức không đến những chỗ dầu sôi lửa bỏng.

May ra có Quản Trọng và Bào Thúc Nha, có lẽ số của hai ông này phải làm tể tướng, phải giúp đỡ quốc vương, nếu không, quốc vương chẳng làm nên được chuyện gì. Có phước nhưng không có đức, có phước báu nên mới làm vua, nhưng không trí huệ và đức độ nên không thể xử lý việc nước và bình thiên hạ. Những tể tướng thì lại có đức, nhưng không có phước báu của một vị quân vương; chỉ có phước báo làm quan. Họ đem phước báu làm quan ra giúp đỡ quốc vương thì vừa đúng. Thật ra, họ đều xuống thế giới này để chơi thôi, một người chọn làm quốc vương, một người chọn làm tể tướng.

Cũng giống như truyện phim, một người thủ vai chính, một người khác tuy rất nổi tiếng, nhưng đóng vai phụ, không sao cả, tiền hơi ít thôi (mọi người cười), không khác biệt gì. Không có vai phụ, vai chính cũng không thể diễn. Không có vai chính, vai phụ cũng không xong, người đạo diễn càng không làm nên được trò gì. Cho nên nếu không có chúng ta, Thượng Đế cũng vô dụng! Đừng sợ Ngài. (Mọi người vỗ tay)

Bào Thúc Nha nói rằng: "Trung thần đều một lòng vì chúa công của họ."

Trước kia Quản Trọng chỉ biết có công tử Củ (công tử Củ và Hoàn Công là anh em, hai người tranh giành ngôi vua). Công tử Củ là chúa công của Quản Trọng mà!

"Dĩ nhiên vì công tử Củ, ông đã bắn bệ hạ, bây giờ nếu bệ hạ trọng dụng ông, ông sẽ vì bệ hạ mà đem mũi tên đó bắn thiên hạ."

Có được một người như vậy, Tề Hoàn Công mừng vô cùng. Ông nghe hiểu nên sau này mới được việc. Sư Phụ đã nói rồi, làm một vị vua rất dễ, làm tổng thống cũng rất dễ, chỉ cần nghe lời là được! Chỉ cần nghe lời đề nghị của người thông minh, có trí huệ và có tài hoa là có thể làm vua rất lâu, cai trị đất nước trong thái bình an lạc.

Tương tự như vậy, nếu một người tu hành không nghe theo chỉ thị của những bậc thánh hiền, không nghe lời dạy của cổ nhân, như vậy đến bao giờ mới có thể làm cho tốt công việc nhỏ nhặt của mình? Vì chúng ta không biết, cho nên mới nghe lời của những người có trí huệ hơn, nghe lời của những người hiểu biết hơn. Từ xưa đến nay, bất cứ quốc vương nào có cố vấn và tham mưu tốt ở bên cạnh giúp đỡ đều rất anh minh.

Bản thân quốc vương không cần phải có tài hoa hay trí huệ, chỉ cần họ đủ khiêm tốn, thông minh, sẵn lòng nghe ý kiến tốt của người khác, là có thể làm vua. Làm vua dễ dàng như vậy đó, quý vị có muốn thử không? (Sư Phụ và mọi người cười) kiếm vài người có trí huệ họp lại với nhau, là có thể làm vua, ở nhà làm là được rồi!

Tề Hoàn Công nghe Bào Thúc Nha nói như vậy, bèn tha cho Quản Trọng. Nhưng cũng vẫn chưa muốn dùng Quản Trọng. Nghe Bào Thúc Nha nói Quản Trọng có tài, nhưng ông không biết tài Quản Trọng lớn đến đâu, ông chỉ muốn đem tất cả công việc triều đình giao cho Bào Thúc Nha.

Nhưng Bào Thúc Nha từ chối: "Không được! Chúa công đã gia ân cho cả gia tộc hạ thần đầy đủ những gì cần thiết trong đời sống, hạ thần đã rất mãn nguyện, rất cảm kích. Bản thân hạ thần cũng tự thấy không đủ khả năng, cho nên không dám gánh vác việc nước."

Tề Hoàn Công cứ ép nài Bào Thúc Nha phải chấp nhận, Bào Túc Nha bèn tâu rằng: "Quả thật không được, hạ thần rất biết lễ nghi, biết qui củ, rất tôn trọng quốc vương. Nhưng xử lý công việc liên quan đến chính trị, thì hạ thần không làm sao làm giỏi bằng Quản Trọng. Nếu bệ hạ miễn cưỡng dùng hạ thần, nhất định hại nhiều hơn lợi. Muốn làm chính trị hiền minh, trên phải vì thiên tử lập công, dưới phải thi ân chư hầu nhiều hơn, khiến quốc gia ổn định, khiến quốc vương ngày càng vinh quang, lưu danh thiên cổ. Đây là việc của kỳ nhân, kẻ phàm phu không thể làm được."

Bào Thúc Nha cho rằng mình là một người tầm thường, không đủ khả năng,

"Nếu chúa công thật sự cần nhân tài trị nước, duy chỉ có một người là Quản Trọng, hạ thần chưa thấy người nào hơn ông ta."

Bào Thúc Nha có cái nhìn rất sắc bén. Nếu bên này chúng ta có được một người như vậy thì tốt biết mấy, quý vị thấy ở đâu có, hãy bắt anh ta về đây (mọi người cười).

Làm Việc Công Phải Buông Bỏ Tình Cảm Cá Nhân

Tề Hoàn Công rất tin Bào Thúc Nha. Bào Thúc Nha thường vào sinh ra tử với ông, tựa như bạn bè anh em vậy, có gì tốt ông cũng muốn cho Bào Thúc Nha. Cho nên khi Bào Thúc Nha từ chối, ông đương nhiên không vui, ông cũng không tin tưởng vào người nào khác.

Con người chúng ta đều như vậy, thích người thân quen chung sống với chúng ta hơn, vì tình cảm cá nhân nợ nần với nhau, cho nên công việc mới không trôi chảy. Chúng ta làm việc công phải công bằng, thấy người nào có tài, chúng ta phải giới thiệu họ, trọng dụng họ, vì lợi ích đại chúng, không thể vì họ là bạn tốt của chúng ta, chị em hay anh em chúng ta, chúng ta mới dùng họ, như vậy là sai rồi! Chúng ta làm việc thường vì tình cảm cá nhân nên khiến cho công việc thêm rắc rối.

Rất nhiều quốc vương vì nuông chiều vương phi, mỹ nữ, xem việc nước như một trò đùa, để rồi quốc gia sụp đổ, nhà tan cửa nát. Từ xưa đến nay đều như vậy. Người tu hành chúng ta học được những bài học này cũng rất tốt. Khi chúng ta chưa thành Phật, tạm thời dùng những binh pháp này cũng rất hữu dụng.

Mặc dù Bào Thúc Nha đã nói rất nhiều, nhưng Tề Hoàn Công vẫn còn do dự, sau đó mới nói: "Thôi được, vậy hãy dẫn ông ta đến đây, ta thử xem tài hoa của ông ta như thế nào."

Thái độ Tề Hoàn Công như xem Quản Trọng chẳng ra gì, Bào Thúc Nha nói như vậy không được, phải dựa theo khả năng của Quản Trọng mà sắp đặt. Nếu một người địa vị thấp kém, thì không có cách gì điều khiển được một người có tiền, ý nói rằng người nghèo không thể kiểm soát người giàu, vì không có khả năng kinh tế, sẽ không thể can thiệp vào vấn đề của một gia tộc giàu sang. Một người địa vị thấp kém sẽ không có đủ tư cách để nói chuyện với người cao quý hơn mình, huống chi bắt họ phải vâng lời? Nếu chúa công cần Quản Trọng, thì nên cho ông địa vị của một tể tướng, phải đối xử với ông như anh em hoặc cha mẹ mới được. Quý vị nghĩ sao? Đối đãi ông như huynh trưởng, cha mẹ, như vậy người ta mới giúp đỡ mình, cũng không trách gì quý vị gọi Sư Phụ là Sư Phụ.

Bây giờ Sư Phụ mới biết! (Mọi người cười) Vì lợi ích bản thân, tên gì cũng tặng cho Sư Phụ, cho Sư Phụ danh lợi hư ảo, khiến Sư Phụ làm việc đến muốn chết, thân già này ngu quá, trúng kế rồi! Hôm nay đọc chuyện cổ nhân, mới biết thì ra Sư Phụ trúng kế đã lâu, sau này Sư Phụ sẽ gọi quý vị là Sư Phụ cho rồi (mọi người cười), chúng ta trao đổi công việc với nhau (mọi người trả lời: Thôi).

Địa Vị Càng Cao Càng Phải Khiêm Tốn

Bào Thúc Nha nói tiếp, "Đã muốn dùng Quản Trọng làm tể tướng, chúa công lại sai người đi kêu ông như kêu một đứa trẻ, hoặc như đi kiếm một kẻ vô danh tiểu tốt, một kẻ phàm phu tầm thường, như vậy làm sao được? Quả là không xem trọng người, quả là cẩu thả. Quản Trọng là một nhân vật tài hoa siêu việt, chúa công phải chọn ngày lành, đích thân đi mời ông về mới được."

Mời một vị tể tướng phải làm như vậy, hèn chi về sau Tề Hoàn Công đã trở thành bá chủ trung nguyên, ông rất xứng đáng được như vậy.

Làm vua có thể khiêm tốn như vậy rất tốt. Hôm nay trên thế giới có bao nhiêu quốc vương, chính trị gia, người lãnh đạo quốc gia có thể khiêm tốn như vậy? Có lẽ có, chúng ta không biết, nếu có thì tốt quá, chúng ta chúc mừng thế giới, mừng cho những quốc gia có quốc vương hay tổng thống như vậy. Càng có nhiều quốc vương như thế, càng nhiều người lãnh đạo quốc gia như vậy, thì thế giới chúng ta càng hòa bình, thoải mái. Làm vua phải khiêm tốn, địa vị càng cao càng phải kiêm nhường, huống chi chúng ta không có địa vị gì, chỉ là những củ khoai lang nhỏ, thì càng phải khiêm tốn.

Sư Phụ có thể kiêu ngạo không sao (Sư Phụ cười, mọi người vỗ tay), Sư Phụ là Sư Phụ mà! Đa số sư phụ đều như vậy, nếu không, hình như không giống một vị thầy, đóng kịch một chút vui hơn. Bên trong Sư Phụ rất khiêm tốn, dù quý vị nhìn không ra, nhưng cũng phải tin. (Sư Phụ và mọi người cười)

Bào Thúc Nha Trung Trực Hiền Minh

Bào Thúc Nha tiếp tục khuyên Tề Hoàn Công, ông nói: "Nếu chúa công hậu đãi hiền sĩ như vậy, thiên hạ tứ phương sẽ rất khâm phục, càng kính trọng chúa công. Vì chúa công không những không vì mối thù cá nhân, ngược lại vì quốc gia, vì thiên hạ, mà hậu đãi hiền tài, sau này thế giới sẽ thuộc về chúa công."

Lời nói của ông như đoán số thần kỳ, về sau quả nhiên ứng nghiệm. Tề Hoàn Công gật đầu đồng ý. Vua Tề này thật rất tốt. Sau đó ông làm bá chủ của Trung Quốc, cũng rất xứng đáng.

Từ đó chúng ta có thể thấy Bào Thúc Nha là một người rất vĩ đại, ông không dựa trên công lao mà giành giật danh lợi, vùi dập nhân tài, không giấu Quản Trọng, nói xấu ông, ngược lại còn tìm hết mọi cách cứu ông về, dâng cho chủ nhân. Làm quan mà được như vậy thì là một vị quan trung hậu nhất thế giới; làm người mà được như vậy thì là một người hiền minh nhất thế giới; làm bạn mà được như vậy thì là một người bạn tốt nhất thế giới. Thế giới chúng ta nếu có được nhiều người như vậy thì tốt biết mấy. Trong lúc tu hành, phải nhắc nhở bản thân, làm người ít nhất cũng phải như vậy. Xử lý công việc phải công bằng, không được vì thù riêng mà áp bức người khác hoặc chôn vùi nhân tài. Phải khiến cho quốc gia và thế giới càng ngày càng sung túc, càng ngày càng hòa bình.

Thời đại này nếu ai có một chút tài ba thì rất nguy hiểm. Rất nhiều thời đại cũng vậy. May thay còn một số người biết trọng dụng nhân tài. Cho dù Bào Thúc Nha nói rằng ông không có một chút tài ba gì về chính trị, nhưng Sư Phụ thấy ông là một người rất tốt. Biết mình tức là có trí huệ. Biết mình biết người trăm trận trăm thắng. Nếu ông đã biết khuyết điểm của mình, thì chứng tỏ rằng ông rất tốt, ông là một người hoàn mỹ.

Chúng ta cho rằng hoàn mỹ là ngồi ở đó, mắt nhắm lại hoặc mở ra, bất luận như thế nào cũng không nhúc nhích. Ai la mắng, tán thán cũng không sao cả, không có cảm tình, không có sự giao tiếp giữa người và người, không biết làm bạn với người khác, không có một chút cảm tình nhân loại v.v..., quan niệm hoàn mỹ như vậy không đúng, nếu vậy thì đem một khúc gỗ hay một viên đá để ở đó là hoàn mỹ rồi! (Mọi người cười)

Người Hoàn Mỹ Biết Phát Huy Ưu Điểm

Người hoàn mỹ biết ưu điểm và khuyết điểm của mình. Họ đè khuyết điểm họ xuống, gác sang một bên hoặc kiểm soát cẩn thận, lúc cần thiết mới lấy ra dùng; ưu điểm thì họ tiếp tục phát triển, vì lợi ích người khác, lợi ích cá nhân, như vậy mới là một người hoàn mỹ. Nếu một người hoàn mỹ, cái gì cũng tốt, không có một chút cảm tình, đời sống không có gì thay đổi, thì sẽ rất nhàm chán.

Cho nên thỉnh thoảng Sư Phụ mới la mắng quý vị, thêm một chút gia vị, quý vị mới thích (mọi người vỗ tay), nếu không thích, Sư Phụ có thể bỏ. Sư Phụ có thể làm Phật gỗ, mỗi lần quý vị đến Sư Phụ đều rờ đầu: "Tốt quá!" Thật ra như vậy cũng tốt, rất tốt cho Sư Phụ, Sư Phụ sẽ càng ngày càng mập (mọi người cười).

Nhưng Sư Phụ thấy trên thế giới này đã có quá nhiều loại thầy vô trách nhiệm này, rất nhiều Phật gỗ trong chùa, Sư Phụ không cần đóng thêm một pho tượng nữa. Thế giới chúng ta cần một vị Phật biết làm việc hơn và uyển chuyển một chút (mọi người vỗ tay).

Người tu hành làm việc nếu không được khiêm tốn, thông minh như Bào Thúc Nha, thì nên sám hối. Trung Quốc có một vài nhân vật như vậy, cho nên Sư Phụ mới nhắc nhở quý vị hãy ghi nhớ. Thay vì học người khác, chẳng thà chúng ta học người xưa của mình.

Thánh Nhân nói: "Ba người cùng đi với chúng ta, trong đó nhất định có một người là thầy của chúng ta." Có thể cả ba người đều là thầy, ba người đều có thể dạy chúng ta một vài điều khác nhau.

Bào Thúc Nha ca tụng Quản Trọng như thế, chắc quý vị cho rằng điều gì ông cũng phục Quản Trọng. Không nhất định là như vậy! Ông là một người rất có độ lượng, vì quốc gia, việc gì ông cũng gác qua một bên. Về sau Quản Trọng và quốc vương suốt ngày ăn chơi, cung điện của quốc vương cực kỳ xa xỉ hào hoa, Quản Trọng cũng tương tựa vậy; Bào Thúc Nha không thích phẩm chất này của bạn, thường nói với Quản Trọng rằng: "Quốc vương xa xỉ, ông làm quan mà không khuyên can, ngược lại còn xa xỉ với vua, như vậy là nghĩa lý gì?"

Quản Trọng cho rằng Tề Vương nhiều năm bôn ba cực nhọc, khó khăn lắm mới lấy được vương vị, đương nhiên phải nghỉ ngơi một chút, hưởng thụ một chút, không sao cả. Bào Thúc Nha tuy không biện bạch với ông, nhưng bên trong không phục. Bào Thúc Nha là một người hơi bảo thủ, đời sống đơn giản hơn, không có nhiều xa xỉ phẩm, không xảo quyệt như Quản Trọng. Vì ông thua về phương diện này, cho nên Quản Trọng có thể làm tể tướng, còn ông thì không. Mặc dầu ông biết được như vậy, nhưng lòng người thường hay chấp vào một khía cạnh nào đó, nếu không thì đâu phải là người! Cho nên ông vẫn thường trách bạn của ông là Quản Trọng quá xa xỉ, hào hoa, bày đầu cho các quan khác cũng làm theo.

Rất nhiều người nghèo khó sống một đời khắc khổ chật vật, họ cũng không thể xử lý việc nước, không thể thống nhất Trung Quốc, để mọi người có thể sống trong hòa bình yên ổn. Dù Tề Hoàn Công có xa xỉ chút đỉnh, nhưng chỉ cần ông có thể làm việc, như vậy có sao đâu? Cả một nước Trung Hoa chỉ có một mình ông xa xỉ cũng sẽ không khác biệt bao nhiêu, cho dù ông đem hết tất cả tài sản ra cống hiến cho quốc gia, nước nhà cũng không vì vậy mà càng hưng thịnh. Không sao cả! Có thể làm việc nước là được!

Tề Hoàn Vương Bá Chủ Một Thời

Quản Trọng và Bào Thúc Nha là đôi bạn rất tốt, vậy mà quan niệm của họ còn có sự khác biệt. Cho nên sống trên thế giới này chúng ta phải hiểu, chúng ta và bạn bè đôi khi cũng sẽ có một vài sự va chạm, điều này không sao, chúng ta phải chấp nhận mọi người đều có quan niệm riêng của mình, có tư tưởng riêng của mình, bạn bè không nhất thiết phải giống nhau, như vậy sẽ rất chán, nếu không thì một mình là đủ rồi, cần gì phải có bạn? (Mọi người cười) không có ích lợi bao nhiêu. Giữa bạn bè có thể đồng ý với nhau về đa số cách nhìn là được rồi. Vì Quản Trọng biết phân biệt nặng nhẹ, ông nhìn rất rõ, cho nên quốc vương xa xỉ một chút ông cũng không phiền hà, không làm khó dễ với quốc vương.

Tề Hoàn Công cũng rất thẳng thắn, lần đầu gặp Quản Trọng, Tề Vương đã bàn việc nước, cách dùng binh v.v... với ông, Quản Trọng đều trả lời lưu loát. Tề Hoàn Công không chỉ nghe lời giới thiệu của Bào Thúc Nha mà thôi, sau khi biết một cách chắc nhắn là Quản Trọng có tài, ông mới chịu đem ngôi vị tể tướng trao cho Quản Trọng. Còn gọi Quản Trọng là Trọng Phụ, rất tôn quý, tựa như phụ thân của quốc vương vậy.

Tề Hoàn Công rất khâm phục Quản Trọng, hơn nữa ông còn rất thẳng thắn, ông nói với Quản Trọng rằng: "Trẫm có tật hơi thích nữ sắc, điều này có tai hại gì đối với quốc gia không?" Quản Trọng trả lời: "Không, ham mê nữ sắc không gây tai hại gì cho quốc gia, không nghe lời khuyên của những bậc thánh hiền mới có hại cho quốc gia và thiên hạ." Ông nói cũng đúng, nếu một vị quốc vương không có khuyết điểm gì, thì sẽ không dùng người tốt, quốc vương điều gì cũng biết, mọi người sẽ không còn việc gì để làm nữa!

Nếu một người quá hoàn mỹ, tâm trạng của họ sẽ rất căng thẳng, nhìn sự việc sẽ không được rõ ràng. Bào Thúc Nha không tinh ranh thông minh như Quản Trọng, vì Bào Thúc Nha quá đạo đức, quá ngay thẳng, quá thanh liêm, quá tốt, quá hoàn mỹ.

Kỳ Nhân Quản Trọng Vô Ngã Vô Tư

Quản Trọng thì khác, ông biết làm như thế nào là hoàn mỹ, nhưng ông không màng tới. Thấy cần làm gì thì ông làm, vì lợi ích của đại chúng, ông không cần biết bản thân có hoàn mỹ hay không, ông không chịu để cho sự hoàn mỹ trói buộc, ông buông bỏ qui củ, cách làm việc hẹp hòi, ông hoàn toàn buông bỏ, vì muốn phụng sự quốc gia. Sự khác biệt là ở chỗ đó.

Quốc vương cũng vậy, nếu mỗi ngày chỉ biết xử lý việc nước, 24 tiếng không ngừng, gái đẹp không nhìn, sơn hào hải vị không đụng, rượu không uống, cái gì cũng không, quý vị nghĩ ông có thể duy trì được mấy ngày? Nhiều lắm ba ngày là ông chết mất; nếu không, tinh thần của ông cũng sẽ bị băng hoại, trở nên một người bất bình thường, không quân bình. Ông sẽ không thể hiểu được bất cứ điều gì, vì ông quá tập trung vào một chỗ, cho nên tầm nhìn không rộng.

Cũng giống như chúng ta đi thi, ngày mai thi, hôm nay bất cứ bài gì cũng sẽ học không vô, cho nên tốt nhất là thả lỏng. Tinh thần thả lỏng mới có thể suy nghĩ thông suốt; trong lúc tinh thần quá căng thẳng, có thể nghĩ thông suốt chuyện gì không? (Mọi người trả lời: Không!)

Cho nên phương pháp tọa thiền là hợp lý nhất. Chúng ta mỗi ngày hấp tấp vội vàng, mắt, trí huệ, đầu óc đều để ở một chỗ, rất eo hẹp, không làm sao nghĩ ra được câu giải đáp. Bất cứ vật gì, nếu chúng ta nhìn gần quá có thấy rõ được không? (Sư Phụ để một cái gì đó sát mí mắt) (Mọi người đáp: Không!) Cho nên vẫn cần phải có khoảng cách, có không gian, có thời gian, chúng ta mới có thể xử lý rất nhiều công việc.

Người tu hành chúng ta cũng vậy. Trước đây, khi Sư Phụ chưa có đệ tử nhiều như vậy, mọi người đều cùng nhau dựng lều, Sư Phụ ở một bên, quý vị ở một bên. Có người nhìn thấy Sư Phụ uống trà, còn ở một bên phê bình, nghi ngờ: "Quái lạ! Sao minh sư cũng uống trà trò chuyện?"

Minh sư mới nên uống trà trò chuyện (mọi người cười), không "minh" mới không dám uống trà trò chuyện, Sư Phụ đã "minh" rồi tại sao không thể làm được? (Mọi người vỗ tay)

Thầy giáo có thể chơi banh, đá túc cầu, đánh golf, có thể lái xe đi chơi, vì ông đã tốt nghiệp rồi, cái gì cũng biết, cho dù có điều gì không biết, ông có thể từ từ học không sao cả. Học trò mới phải đi thi, làm bài một cách vất vả, còn thầy giáo có thể điều chỉnh thời giờ của mình, không cần làm bài vất vả như các học sinh.

Làm thầy cũng có chỗ vất vả, buổi tối có lẽ phải đọc sách, sửa soạn bài vở cho học sinh ngày hôm sau, nhưng không vất vả như học sinh, thầy giáo biết điều chỉnh thời giờ như thế nào, học sinh thì không được điều chỉnh tùy ý, họ bị ràng buộc bởi bài thi và thời giờ.

Thả Lỏng Mới Suy Nghĩ Thông Suốt

Tuy nhiên cũng không nên học quá vất vả. Cho nên chúng ta tọa thiền, mỗi lần Thiền Thất đều có nướng thức ăn ngoài trời, có chương trình văn nghệ, khiêu vũ v.v.... Gặp lúc có chương trình văn nghệ, chúng ta mặc quần áo đẹp chơi một lát, việc tu hành vẫn tốt, có người nào bị ảnh hưởng không? Giơ tay cho Sư Phụ xem, càng tốt thêm phải không? Có tiến bộ không? (Mọi người trả lời: Có!) Thỉnh thoảng có thể thả lỏng, nhớ quay trở lại là được!

Trâu ngựa cũng chịu không được sự quá vất vả, huống chi con người? Cứ bắt chúng làm việc mãi, cày mỗi ngày 24 tiếng, chúng chịu được không? Không được, chúng sẽ chết. Máy móc cũng vậy, xe, máy bay cũng cần thời giờ bảo dưỡng nghỉ ngơi mới được.

Nước Mỹ có một vị tổng thống, khi việc nước quá phiền phức, ông bèn nghỉ một hai ngày đi chơi, không ngó ngàng tới công việc nữa! Thật ra trong lúc nghỉ mát ông làm việc mới tốt hơn.

Ngày thường chúng ta có vấn đề là mãi suy nghĩ, cứ dồn ép mình, vì phải tranh thủ thời giờ làm cho xong công việc, kết quả lại làm không tốt. Nhưng khi chúng ta buông xuống đi ngủ, coi truyền hình, lúc đó tiềm thức của chúng ta sẽ không coi truyền hình, linh hồn trí huệ vẫn tiếp tục làm việc. Khi nó có thì giờ, nó sẽ từ từ cho chúng ta biết trong vô hình, chúng ta phải xử lý vấn đề đó như thế nào. Cho nên sau khi coi xong truyền hình chúng ta đã biết phải làm như thế nào!

Sư Phụ luôn luôn như vậy (mọi người vỗ tay). Đa số các công việc, Sư Phụ giải quyết trên giường. Giống như bây giờ mặc quần áo chính thức và đẹp đẽ như vậy, nhưng Sư Phụ không xử lý bao nhiêu công việc. Lúc không làm mới thật sự xử lý công việc, lúc đó có thời giờ, yên tĩnh hơn, đó là chỉ công việc thế tục, còn công việc vô hình thì bất cứ lúc nào Sư Phụ cũng đang xử lý (Sư Phụ cười, mọi người vỗ tay).