Làm Chủ Đời Sống Mình

Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị trong buổi cộng tu tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ
Ngày 13 tháng 3, 1996 (Nguyên văn tiếng Anh)



Có một câu chuyện vui về tình thương giữa những người thân trong gia đình. Một nhà triệu phú nọ bị tai nạn xe hơi. Ông được chở vô phòng cấp cứu. Và ba người con trai của ông đi tới đi lui ngoài hành lang - lo lắng đợi chờ bác sĩ ra. Khi ông bác sĩ bước ra, cả ba chạy tới và nói: "Bác sĩ, có hy vọng gì không?" Rồi ông bác sĩ trả lời: "Không, không có hy vọng. Ông ta chỉ bị gãy tay một chút và sẽ bình phục trong vòng một tuần." (mọi người cười).

Câu hỏi và trả lời này là một thí dụ thật hoàn mỹ, giống như cách quý vị phản ứng với tôi. Vì đôi khi tôi trả lời câu hỏi của quý vị không như cách người ta trông đợi -- không phù hợp với câu hỏi, nhưng mà có. Tôi trả lời câu hỏi bên trong, không phải bên ngoài. Đôi khi quý vị hỏi thành một câu dài lê thê và cứ vòng vòng quanh quẩn mãi, và rồi tôi biết rõ quý vị muốn gì (mọi người cười).

Giống như ông bác sĩ vậy, trong hoàn cảnh bình thường chúng ta sẽ nghĩ là ba người con trai hỏi về sự bình phục của người cha, nhưng ông bác sĩ biết. Có lẽ ông biết quá rõ (mọi người cười). Phải, những người tu hành khai ngộ cũng giống như những ông bác sĩ, họ có thể đoán được căn bệnh của chúng ta mà chúng ta không biết - biết những điều mong ước thầm kín nhất của chúng ta. Đôi khi còn rõ hơn là chúng ta. Vì thế chúng ta sống theo cách của chúng ta bây giờ. Chúng ta đang tự phỉnh gạt mình hàng ngày. Chúng ta nghĩ là mình được. Chúng ta nghĩ là mình hay, mình cao thượng, mình hoàn hảo, vì thế không ai được đụng đến chúng ta. Không ai được sai chúng ta điều gì. Không ai được la mắng hay sửa chữa quý vị vì chúng ta đã hoàn mỹ. Chúng ta đã biết phải làm gì. Chúng ta chỉ biết mà không làm. Đó là sự khác biệt giữa một vị thầy và những người khác.

Vị thầy khi sanh ra không hoàn mỹ, tôi phải nhắc cho quý vị nhớ. Trong cuộc đời tôi, tôi đã làm nhiều chuyện điên rồ. Tôi đã làm những chuyện điên rồ ở tuổi trẻ. Tôi dại dột, đã tự làm mình điên rồ. Tôi bỏ học và đi coi chiếu bóng vào lúc mà tôi phải ngồi làm toán, v.v... và v.v... Tôi cũng làm nhiều chuyện không hay nữa. Tôi đã lái xe gắn máy 120 cây số một giờ, chỉ với chiếc Honda, tôi tháo ống khói xe, chiếc Honda có thể chạy nhanh hơn nhưng rất ồn. Tôi không cần biết tới người khác, tôi chỉ biết rằng mình vọt hơn người bên cạnh.

Tôi không nói là mình sinh ra hoàn mỹ. Nếu ở trường tôi có học giỏi, có lẽ vì tôi sinh ra với một chút trí thông minh nhiều hơn, nhưng như vậy không có nghĩa là tôi gắng sức để làm một người tốt hay ý thức mình là một người tốt.

Cho nên Minh Sư không phải là một người hoàn hảo. Không bao giờ và cũng sẽ chẳng bao giờ là người hoàn mỹ. Quý vị phải biết như vậy. Nhưng Minh Sư là người có thể làm chủ được những lỗi lầm của họ, có thể học hỏi từ những lỗi lầm đó, và nguyện mỗi ngày tốt đẹp hơn. Hoặc cũng giống như một thiên tài, là một người làm việc chăm chỉ liên tục để duy trì tài năng. Tương tự như vậy, làm Minh Sư cũng thế. Làm Minh Sư tất cả chỉ là sự tự làm chủ lấy chính mình, không có gì khác hơn. Và nếu có ai theo quý vị cũng chỉ là nhân tiện mà thôi. Chỉ tại vì cái tinh hoa của quý vị. Sự chân thành của quý vị đã thu hút họ từ bên trong. Vì vậy mà quý vị không cần phải nói, cũng không cần phải bảo họ điều gì. Họ tin tưởng quý vị. Cho nên làm Minh Sư là như vậy.

Đừng tin rằng tôi sinh ra đã hoàn mỹ rồi, hoặc lúc đó tôi hoàn hảo, hay tôi sẽ là người hoàn mỹ. Không đâu! Tôi cũng đang học như quý vị, nhưng tôi làm chủ chính mình. Tôi không để cho đầu óc ra lệnh cho tôi phải làm điều gì, vì tôi hiểu nó. Tôi làm bạn với đầu óc mình, chúng tôi giao ước với nhau "Nhà ngươi làm việc này, ta làm việc kia. Hai ta không được làm phiền nhau. Nếu nhà ngươi làm tốt thì ta sẽ thưởng. Ta cho nhà ngươi ăn đầy đủ?" Tôi nói với nó: "Ta cho nhà ngươi bất cứ thứ gì mà nhà ngươi muốn." Cho nên bây giờ nó không muốn nhiều nữa, vì nó biết nó không thể được nhiều với tôi, nên nó bỏ qua. Ngay cả khi nó muốn đi ngủ, tôi nói không, hãy dậy làm việc, và nó phải làm. Cứ như vậy, sau mười năm, nó quen đi. Nó nói: "Nói với bà này chẳng ích gì. Bà ta bướng bỉnh lắm, chỉ làm những điều bà ấy muốn thôi. Có nói cũng chẳng ích gì."

Đó là tất cả những gì về một vị Minh Sư, liên tục cố gắng để tạo một cá tính hoàn mỹ, tốt đẹp, cao thượng hơn. Một tư tưởng hay hơn thực ra không phải là cá tính, vì khi quý vị nói đến cá tính, ý quý vị vẫn còn muốn danh vọng và đủ thứ. Quý vị biết mình vẫn còn ngã mạn, muốn được tự hào về mình, điều này không đúng. Chỉ khi quý vị nghĩ bất luận điều gì mình muốn làm, bất cứ chuyện gì nghĩ là cao thượng, rất có lý tưởng, có lợi cho người khác, và quý vị nghĩ đó là tốt thì quý vị phải hết sức cố gắng làm cho được việc đó, bất kể tốn kém ra sao, chỉ làm mà không nói. Đó là sự khác biệt duy nhất mà thôi. Bằng không còn có gì là khác biệt?

Nếu chúng ta được giải phẫu ngay bây giờ, cả hai bộ óc đều không cho điều gì tốt lành hơn. Có thể tôi có độ thông minh cao hơn một chút hay quý vị cao hơn một chút, nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta khác nhau xa. Đầu óc chúng ta cũng như nhau; và ý chí tự chủ của chúng ta cũng giống nhau. Ngoại trừ quý vị có tập luyện khiến cho ý chí mạnh hơn hay không. Đây là ý chí tự do của quý vị. Và phần lớn chúng ta lạm dụng ý chí tự do của mình theo cách có hại, theo cách phát triển chậm, làm chậm sự tiến bộ của chúng ta lên tâm thức cao hơn.

Xin đừng hỏi tôi tại sao chúng ta phải cố gắng được cao hơn. Bởi vì nó sẽ thoải mái hơn khi làm một chúng sanh cao thượng, một chúng sinh khôn ngoan hơn, có trí huệ hơn thì thoải mái hơn là một chúng sinh cứ vô minh hoài, trễ nãi, lười biếng, "ù lì như củ khoai", chỉ nằm ỳ ra đó và đợi mọi chuyện xảy ra. Tốt hơn là đừng tôn sùng tôi, tốt hơn là đừng theo tôi, hãy chỉ theo gương tôi. Hãy tôn sùng kết quả từ sự cố gắng của tôi và làm theo. Hãy làm giống như vậy, tương tự như vậy, rồi quý vị sẽ trở thành Minh Sư chẳng mấy chốc.

Hãy dạy mình làm điều gì hay hơn người bình thường. Hãy làm những chuyện mà người khác không thể làm được, khi nó đem lại lợi ích cho nhân loại và cho bản thân mình. Hãy chịu đựng những điều người khác không chịu đựng được, khi có lợi cho người khác, và khiến sự phán đoán cũng như trí huệ của quý vị tốt đẹp hơn. Hãy làm bất cứ điều gì trong quyền lực của mình để tự biết rằng mình có thể làm được. Khám phá ra rằng sức mạnh dũng mãnh nhất của mình vẫn còn cần được khám phá thêm nữa; rằng quý vị còn cao thượng hơn hiện tại; rằng quý vị có thể làm rất nhiều chuyện khác nữa có lợi ích rất nhiều cho bản thân và người khác. Đến khi chết quý vị sẽ biết. Đến lúc đó thì có lẽ đã quá muộn để nhìn lại sau lưng và hối tiếc. Nhưng quý vị sẽ cảm thấy rất đau đớn. Đó là lý do tại sao đa số những người khi chết họ khổ sở, vì họ chưa làm hết những điều mà lẽ ra họ phải làm tròn, và lương tâm họ cắn rứt họ vì trí óc họ đã kiểm soát thân thể, lương tâm ảnh hưởng đến thân xác con người. Cho nên, nếu lương tâm quý vị không yên, quý vị cảm thấy mình bệnh, cảm thấy đau đớn.

Đôi khi quý vị cảm thấy quá buồn rầu trong một vài cảnh ngộ nào đó, rồi quý vị cảm thấy thân thể đau đớn và những bắp thịt nữa. Hoặc có khi người ta đặt quý vị vào một hoàn cảnh hãi hùng hay kinh khủng, thế là tất cả các bắp thịt đều đau nhức. Thoạt đầu nó rất lạ, rồi về sau nó trở nên đau đớn cùng khắp cả. Có lúc quý vị đi không nổi. Hoặc có lúc quý vị đang đau thương quá đỗi, toàn thân quý vị mệt mỏi như vừa chạy hàng trăm ngàn dặm, không ngừng. Có khi quý vị gặp chuyện rắc rối, quý vị khóc ròng trong nhiều giờ, rồi sau đó quý vị cảm thấy thế nào? Thấy vơi nhẹ nhưng rất mệt mỏi. Có đúng thế không? (Phải) Nhất là khi chuyện rắc rối đó cứ dằn vặt trong tâm quý vị, khiến cho quý vị cảm thấy rất đau thương sầu muộn. Rồi thể xác cảm thấy rã rời. Và nếu quý vị không có một ý chí tự chủ mãnh liệt để thầm nhủ rằng điều đó chẳng hề gì, chuyện gì xảy ra đã xảy ra. Bây giờ hãy tiếp tục đứng lên, hãy quên nó đi! Hãy đi làm những chuyện khác. Hãy tự khích lệ mình, làm cho mình vui lên, kiếm chuyện gì khác hay hơn để làm, thì quý vị sẽ quên.

Rất nhiều người không có ý chí cương quyết này cũng như sự thông minh để phân biệt giữa những tâm trạng đang đi qua này. Họ tự đắm mình vào trạng thái đó và như vậy càng khiến cho họ ngày càng đau khổ hơn, càng yếu đuối hơn và trở nên đau đớn, tâm thần tan nát. Phải mất một thời gian dài mới khỏi. Đôi khi còn không thể lành được. Họ đã bị vùi dập, nát tan hoàn toàn hệ thống phòng thủ tinh thần của họ - rồi phải vào bệnh viện, hoặc ở lại đó luôn, trở thành một con người bất lực về tinh thần, là một gánh nặng cho chính bản thân mình, cho những người thân, cho bạn bè và xã hội.

Cho nên rất nguy hiểm nếu buông lơi ý chí tự chủ và mục đích hy sinh cao cả của mình. Phải luôn luôn cố gắng làm mình tốt đẹp hơn, lúc nào cũng vậy. Đừng viện lý lẽ bào chữa cho mình. Quý vị có thể kiếm cớ cho người khác nhưng đừng bao giờ kiếm cớ cho mình. Hãy kiểm thảo, tự vấn quý vị mỗi ngày, để xem mình có tiến bộ gì không. Bằng không đừng nói gì với tôi cả. Đừng nói với tôi điều gì rằng quý vị muốn giúp đỡ nhân loại, quý vị muốn quảng bá Chân Lý và cho rằng quý vị hiểu Chân Lý.

Có một câu chuyện vui nữa về Chân lý. Một vị thiền sư nọ có một số đệ tử. Một trong số những đệ tử, sau khi thọ Tâm Ấn, thỉnh thoảng thường viết thư đến thầy mình. Dĩ nhiên cũng như quý vị viết nhật ký tu hành gửi cho tôi, hoặc đôi khi báo cáo cho tôi biết quý vị đã "tiến bộ" được điều gì. Người đệ tử đó viết thư cho ông thầy rằng: "Thưa Sư Phụ, con hiện nay thực sự đang bị lôi cuốn trong vấn đề khai ngộ. Con dành hết thì giờ của con vào việc tìm kiếm chân ngã bên trong của con". Ông thầy chỉ đọc hàng đầu tiên thôi rồi ném thơ vào thùng rác.
Một thời gian dài sau đó, người đệ tử lại viết một bức thư khác cho thầy: Ồ Sư Phụ, bây giờ toàn vũ trụ đều đáp lại những tư tưởng sâu kín nhất của con. Chân Lý thật kỳ diệu! Trí huệ con người thật tuyệt vời. Lực lượng của vũ trụ vĩ đại biết bao!" Và vị Minh Sư chỉ hỉ mũi vào thư (mọi người cười) rồi thẩy vào cầu tiêu.

Lá thư thứ ba, người đệ tử kể: "Ôi Sư Phụ ơi! Bây giờ con có sự từ bi với tất cả nhân loại và cả những sinh vật yếu đuối. Ngay cả con kiến con cũng nghe được tim nó thổn thức, con cảm nhận được linh hồn nó đang phấn đấu! Ôi sư phụ, thật là một khám phá diệu kỳ. Con sẽ cố gắng hơn nữa, con xin hứa với sư phụ sẽ là một đệ tử giỏi nhất của ngài, rồi ngài sẽ thấy." Thế là vị Minh Sư dùng thư này để chùi chỗ nào đó (mọi người cười). Quý vị biết chỗ nào rồi, tôi không nói (Sư Phụ và mọi người cười). Rồi ông vứt vào cầu tiêu. Thế là xong. Ông cảm thấy thất vọng.

Lần thứ tư, người đệ tử báo cáo: "Thưa sư phụ, bây giờ con đã đồng nhất thể với vũ trụ! Mọi vật là con, con là mọi vật! Không có gì không phải ở trong con và con là tất cả. Ôi! Con tự chúc mừng cho mình!" (Mọi người cười)

Đến lúc này vị Minh Sư chẳng còn buồn đụng đến lá thư nữa. Ông chỉ để cho gió thổi bay thư đi đâu thì đi và bây giờ không muốn nói gì thêm nữa. Lúc bấy giờ, đã lâu lắm, vị thầy mới nói: "Đừng viết thư cho ta thêm nữa. Nhà ngươi chỉ làm tốn giấy mực." Thế là từ đó người đệ tử thôi viết thư.

Rồi sau rất nhiều năm trôi qua, vị Minh Sư như cảm thấy hơi ân hận là lần trước đã hơi phũ phàng với người đệ tử, ông cũng nhớ người đệ tử đặc biệt này, mà đã lâu ông không gặp, không nghe tin tức gì, nên ông đã gửi một mẩu tin cho người này rằng: "Này, con độ này ra sao?" (Mọi người cười) Có lẽ ông nhớ những bức thư vô duyên về chuyện "đại vũ trụ" này, nên hỏi thăm "Ra sao rồi? Sự tiến bộ về tâm linh của con đến đâu rồi." Người đệ tử chỉ viết hai chữ trên một trang giấy lớn: "Ai cần?" (Mọi người cười và vỗ tay)

Đó quý vị thấy không, quý vị biết bây giờ vị thầy phản ứng ra sao không? Ông đi uống cà phê hoặc trà hay bia không có chất rượu và 7 up (Sư Phụ và mọi người cười). Đó là con đường.

Chỉ khi nào quý vị biết rằng mình được, thì quý vị mới không cần, có phải không? Nếu không, không cần biết quý vị có viết nhiều cho tôi rằng "con thương Ngài, lực lượng vũ trụ, ta từ bi" và gì gì đi nữa, tất cả đều vô nghĩa, đều là lý thuyết. Quý vị thấy, vì thế nhiều vị thầy về lý thuyết khi mở miệng là họ nói về từ bi, khai ngộ, trí huệ và đủ thứ hết, nhưng họ không làm một chút gì về những điều đó cả. Chưa chắc đã biết, mà họ chỉ nói về sự việc này thôi. Như thế rất nhàm chán. Rất khó cho họ hiểu được là chúng ta không cần nói.

Tôi nói hoài là vì quý vị thích (Thính chúng: Phải). Hơn nữa tôi nói không phải để dạy quý vị. Nếu quý vị nghĩ tôi đang dạy quý vị là sai rồi, vì với quý vị tôi cũng vô dụng. Tôi biết mình không thể dạy quý vị được điều gì. Tôi chỉ làm vui quý vị thôi, hy vọng rằng quý vị có thể đón nhận được vài điều mình thích và giữ lấy. Rồi quý vị nhớ tôi và không quên tu hành. Rồi một ngày nào quý vị tự biết hết mọi việc, không phải qua sự dạy dỗ của tôi, có thể 30% qua sự dạy dỗ của tôi. Nhưng không nhiều thì ít, chỉ là để quý vị nhớ đến tôi và chúng ta có thể câu thông bên trong.

Thành thực mà nói, tôi không tin rằng ai có thể dạy được ai. Nhưng những gì tôi có thể làm được, tôi sẽ làm, hết sức mình, vì quý vị yêu cầu. Không phải vì tôi tin rằng mình có thể dạy dỗ quý vị bằng chữ nghĩa, bằng lời nói, bằng ngôn từ. Nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta tạo dựng một sự câu thông sâu xa với nhau, và qua sự câu thông đậm đà đó, chúng ta nói chuyện với nhau từ bên trong. Và đó là sự dạy dỗ duy nhất có thể xảy ra. Nếu không quý vị vốn đã là Phật rồi. Quý vị cũng như tôi. Tôi cần gì phải nói với quý vị phải làm gì? Quý vị cũng có mọi thứ như tôi. Chỉ qua sự câu thông nội tại với nhau, quý vị sẽ được nhắc nhở đến chân ngã của mình qua chân ngã nội tại của tôi, và rồi chân ngã của chúng ta sẽ thành một thể, hòa với nhau trong toàn thể. Và rồi không có sự dạy dỗ gì hết.

Khởi thủy thì không cần và bất cứ linh hồn nào cũng không bao giờ cần phải học điều gì cả, vì linh hồn sinh ra vốn hoàn mỹ. Chỉ có chúng ta, những bộ óc con người, ngã chấp, là không hoàn mỹ thôi. Vì thế chúng ta tạo lầm lỗi và chúng ta phải học hỏi để chế ngự những khuynh hướng cứ rơi rớt vào những sai lầm mãi, vì nó thoải mái, vì nó dễ dàng, đi với nó dễ dàng hơn là tự kiểm thảo mình. Vì thế những tư tưởng cao thượng trong xã hội không thể thực hiện được vì đa số mọi người đi theo chiều hướng của đại đa số quần chúng, không muốn bị bỏ rơi, và không muốn theo những gì mà họ nghĩ là lối sống tốt nhất, cao thượng nhất.

Nhiều người, họ nói họ thích giáo lý của tôi; họ muốn được khai ngộ; muốn này muốn kia, nhưng ăn chay, "Ồ, bất tiện: Người ta sẽ nghĩ sao? Cha mẹ tôi nghĩ sao? Con cái tôi nghĩ sao? Vợ tôi nghĩ sao? Bạn bè tôi nghĩ sao? Đồng nghiệp tôi nghĩ sao? Ông chủ sẽ nói gì?" Mọi thứ đều rất quan trọng đối với quý vị ngoại trừ sự giải thoát của chính quý vị; ngoại trừ sự sinh tồn của chính mình, và đó thật là tức cười. Sau đó chẳng ai giúp quý vị được nếu ngày mai quý vị có chết. Và nếu đi địa ngục, ông chủ, bà vợ, bà mẹ, ông bố, không cần biết bao nhiêu người xung quanh quý vị, quý vị vẫn ra đi một mình. Đây là sự thật mà mọi người đều biết. Có lẽ quý vị biết mà không ai khác biết được.

Cho nên hãy cẩn thận! Hãy nhớ. Ngày mai chúng ta có thể chết. Tôi đã có nhiều đệ tử chết rồi, không phải tôi buồn cho họ, chỉ là cuộc đời sẽ chấm dứt. Hãy tin tôi, nó sẽ là như vậy. Cuộc đời của tôi cũng vậy. Và tôi sung sướng khi nó tới. Tôi không chờ đợi, nhưng nếu nó đến, cũng được. Ý tôi nói là chúng ta không thể sống mãi và chúng ta không có thì giờ cho ngày mai. Nếu quý vị không có thì giờ cho ngày mai, khi nó đến thì sao?

Thường chúng ta nghĩ rằng ngày mai chúng ta sẽ có nhiều thì giờ hơn hôm nay, và chúng ta không bao giờ làm. Ngày mai chúng ta chỉ có thêm nhiều việc để làm, và ít thì giờ hơn vì việc ngày hôm qua chúng ta không làm, việc ngày mai đang chờ đợi, và việc của ngày mai thì ở đó. Cho nên chúng ta luôn phỉnh gạt mình hàng ngày rằng chúng ta tạm được, rằng bây giờ mình có thì giờ. Chúng ta có thể gạt chúng ta, được, nhưng cuối cùng thì không thể. Cuối cùng chúng ta sẽ hiểu rằng mình là kẻ thất bại nếu cứ nghe theo đầu óc.

Tôi sợ rất nhiều điều. Tôi đã nói với quý vị, kể cả các chuyến bay. Tôi không thích bay. Tôi không sợ chết trên máy bay nhưng tôi ghét sự chật hẹp trên máy bay. Tôi ghét khói thuốc bay khắp nơi - không cần biết là hạng nhất, hạng nhì, không hút thuốc hay hút thuốc cũng thế. Khói thuốc chẳng cần biết gì cả! "Quà tặng miễn phí" cho mọi người, một điếu thuốc cho tất cả (Sư Phụ và mọi người cười). Rất tiết kiệm. Tôi ghét tất cả điều này. Tôi không thích. Nhưng nếu tôi phải làm việc gì, tôi sẽ làm. Không có nghĩa là tôi thích, tôi không cần biết là mình thích hay không. Nếu là việc phải làm, tôi làm. Tôi có thể có ý kiến, dù là thích hay không thích, cũng được. Tôi nói với đầu óc của mình "Được rồi, nhà ngươi không thích nó, ta chấp nhận. Nhưng chúng ta phải làm." Tôi không nói với đầu óc là phải thích sự việc. Tôi không cần biết đầu óc có thích hay không; tâm tình có thoải mái hay không, để làm công việc đó. Tôi chấp nhận mọi việc mà nó càu nhàu bên trong, nhưng tôi làm những gì mình muốn. Và đó là sự khác biệt giữa một vị Minh Sư và một người đệ tử. Chỉ có thế thôi.

Nếu quý vị muốn sớm làm một vị Minh Sư thì hãy làm chủ lấy chính mình; làm chủ quyết định của mình; làm chủ những gì mình muốn trong cuộc đời này; những gì quý vị mong muốn, vì sự thân thương và ích lợi nhất cho sự trưởng thành của mình và những người theo mình. Vì linh hồn luôn luôn sáng suốt, thông thái và thuần khiết. Nhưng nếu nó cứ bị giam cầm trong tấm thân ô uế với những người bạn đáng sợ như đầu óc thì nó không thể xử dụng lực lượng tối thượng của nó được.

Cũng giống như quý vị tự giam mình trong căn nhà của mình vậy. Làm sao quý vị ra được? Ngay cả nếu chính quý vị tự giam mình trong một ngôi nhà, thì vẫn là bị nhốt. Không cần biết là ai nhốt. Quý vị vẫn bị giam ở trong đó và quý vị ở trong đó. Nếu quý vị không muốn mở cánh cửa bằng chính chìa khóa của mình và ra ngoài, đó là lỗi của quý vị. Không cần biết quý vị khôn khéo chừng nào; nếu bị nhốt bên trong là quý vị vẫn bị nhốt. Quý vị không thể nói "Ồ, tôi tự giam mình, điều này khác chứ." Không có gì khác biệt nếu ở trong đó một tháng không có thức ăn, nước uống, bạn bè, điện thoại, liên lạc, quý vị vẫn bị nhốt và rồi sẽ chết.

Tương tự, nếu chúng ta không đứng lên cho những gì chúng ta nghĩ là đúng, hoàn hảo và chính đáng, thì chúng ta không bao giờ thắng, và không ai có thể làm điều này, ngay cả một vị Minh Sư. Vị Minh Sư chỉ có thể nói cho quý vị biết con đường, nhưng quý vị phải bước đi. Lẽ dĩ nhiên, khi quý vị đau ốm, vị Minh Sư sẽ cõng quý vị. Nhưng Ngài không thể cõng quý vị mãi mãi. Không tốt cho quý vị - khiến quý vị thành một người què. Hãy nghĩ tới điều này.