Quý Vị Là Phật

Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại Trung Tâm Raising, Campuchia, ngày 19 tháng 7 năm 1996 (Nguyên văn tiếng Anh)


Tôn Kính Nhưng Giữ Tự Nhiên



Tôi hy vọng rằng càng khai ngộ quý vị càng phải tự nhiên, nhưng khổ nỗi quý vị càng khai ngộ lại càng tôn kính tôi, không biết tại sao vậy. Kính trọng cũng được, nhưng giữ được tự nhiên thì hay hơn. Hãy giữ lòng tôn kính trong trong tâm hồn, một sự kính trọng bình thường như quý vị kính trọng một vị Bồ Tát đang ngồi cạnh quý vị vậy, vì mọi người đều là Bồ Tát. Giống như tôi kính trọng những cô y tá và bác sĩ, có vậy thôi. Thế là đủ rồi! Tôi kính trọng họ nhưng vẫn yêu cầu họ làm những công việc mà họ nên làm cho tôi. Tôi vẫn hỏi họ về những điều mà tôi không rõ - ngành chuyên môn của họ là gì và họ sẽ làm ra sao, có hiểu ý tôi không? Chứ không phải kính trọng họ tới nỗi tôi không dám hỏi họ bất cứ điều gì, hoặc để mặc họ muốn làm gì thì làm. Hay là không nói cho họ biết tôi không vừa lòng về việc này việc kia, để giữ lịch sự. Cho nên, chúng ta có lòng kính trọng, nhưng cũng phải có lòng tự trọng và sự tự nhiên. Chúng ta phải sống với nhau, sống đời sống của chính mình, dù sống với nhiều người hay một mình cũng thế. Chúng ta phải sống một cách tự nhiên để còn có nơi để thở, để cựa quậy, hưởng thụ cuộc đời cho tới ngày cuối cùng. Bằng không chúng ta sẽ trói buộc nhau, hay xây ngục tù cho nhau, như vậy thành Phật có hay gì, để rồi bị tù túng, ngăn cách nhau. Đâu có gì đáng vui!

Sống chung với quý vị tôi không cảm thấy bị quấy rầy gì cả, nhưng lúc này thì có. Xin quý vị đừng tìm nơi tôi ở, như vậy là tốt nhất cho tôi và luôn cả quý vị. Nếu không, tôi sẽ gặp phiền phức, quý vị sẽ tập trung tư tưởng vô chỗ đó, nghĩ rằng chỗ đó là đất thánh rồi ra đó nhặt mấy cục đất, chẳng hạn như vậy.

Đâu cũng là thánh địa, bởi vì mọi vật đều do Thượng Đế tạo ra. Không có gì là nhân tạo cả, ngoại trừ bầu không khí khủng khiếp do chúng ta tạo ra bằng thói quen, sự lựa chọn sai lầm, hay là sự phó mặc. Trong cuộc sống của chúng ta, mỗi sự lựa chọn sẽ đưa chúng ta vào một hoàn cảnh khác nhau. Tất cả chúng ta đều là Thượng Đế, là Phật, nhưng vì mỗi người chọn lựa một đời sống mà chúng ta trở thành mỗi cá nhân khác biệt. Cho nên, bây giờ nếu quý vị muốn chọn con đường thành Phật trở lại, hay là nhận ra Phật tính của mình lần nữa, thì rất giản dị! Chỉ cần quay đầu lại. Thay đổi đời sống của mình lựa chọn một cuộc sống khác, nghĩ xem nếu là một vị Phật thì bây giờ làm sao. Một chúng sinh từ bi hỉ xả như Phật thì Ngài sẽ làm sao trong trường hợp này, hoàn cảnh này. Lúc nào cũng nghĩ như vậy? Chỉ cần hành động như đức Phật, suy nghĩ như đức Phật, nói chuyện như đức Phật, thì quý vị là Phật vậy.


Hãy Hành Động Như Một Vị Phật


Quý vị đã là một vị Phật! Chỉ vì quý vị làm cho mình khác đi, tự chọn làm những hành động không giống Phật. Quý vị chọn hành động như một kẻ ngu muội, một con quỷ sứ, hay bất cứ gì đi nữa, đó là quyền chọn lựa của quý vị. Sao cũng được, nhưng chớ trách Thượng Đế hay Phật khi quý vị phải chịu hậu quả của sự lựa chọn đó. Và đừng trách tôi vì sao đã truyền Pháp Môn Quán Âm rồi mà quý vị vẫn chưa thành Phật và chưa tìm được bản lai diện mục của mình. Quý vị đã có nó rồi. Sao lại phải tìm? Đâu có gì để mà tìm nữa? Quý vị là Phật rồi! Đó chính là quý vị! Quý vị chỉ cần nhận ra mình và hành động như một vị Phật.

Hãy chọn con đường của Phật, chọn đường lối nguyên thủy của chúng sanh, làm người có phẩm chất, một người mà quý vị hằng mong muốn, chẳng hạn như đức Phật vậy. Nếu quý vị không muốn là Phật, đối với tôi không sao hết. Bởi vì đó là quyền chọn lựa của quý vị. Đời sống quý vị muốn làm gì đó thì làm. Nhưng nếu quý vị thật sự chọn làm Phật thì quý vị phải làm như vậy. Phải thực hành những phẩm chất của Phật. Có vậy thôi. Không cần phải thành Phật nữa, vì quý vị đã là Phật. Quý vị phải thi hành quyền lực của mình, phải nhận thức phẩm chất của mình. Thật sự chỉ có bấy nhiêu đó thôi.

Ví dụ về vấn đề năm giới luật. Không phải là tôi ép buộc quý vị phải thực hành, mà đó là thước để đo xem quý vị thế nào, đã đi tới đâu, đạt tới mức nào rồi. Đó là phẩm tính của Phật, hay ít ra cũng là của chúng sanh cao thượng. Quý vị không thích giết chóc nữa. Nếu là Phật thì không còn muốn giết ai nữa. Quý vị đâu có thích hủy hoại sinh mạng mà quý vị đã tạo ra hay có lẽ của Thượng Đế tạo ra? Thượng Đế sinh ra mạng sống không phải để lấy mất đi, điều đó quý vị biết. Và nếu đó là tạo vật của chính quý vị, bởi vì chính quý vị cũng là Thượng Đế hay Phật, thì quý vị càng không muốn phá hủy những gì do mình tạo ra. Như vậy có nghĩa là không sát sinh trong những trường hợp có thể tránh được. Nếu quý vị còn suy nghĩ và trong tâm hãy còn phẩm chất độc ác, còn thích giết người, hay hãy còn thích phá hoại tinh thần của kẻ khác vì lợi ích riêng tư, thì phải biết rằng quý vị chưa tới đẳng cấp Bồ tát hay Thánh Nhân. Chỉ vậy thôi. Quý vị lấy nó mà đo lường. Nếu thấy rằng nhờ may mắn, nhờ vào sự suy nghĩ, hay thói quen mà quý vị giữ được giới luật trong suốt cả cuộc đời, hay ít ra từ sau khi Tâm Ấn cho đến bây giờ, thì biết rằng phẩm chất của mình đã được trau giồi. Bây giờ quý vị đã cao thượng hơn, đã đạt gần tới phẩm chất hằng hữu nguyên thủy, như Phật tính hay phẩm chất của Thượng Đế.

Không có chuyện là nếu quý vị không giữ giới, Phật sẽ trừng phạt quý vị, mà thật ra chính quý vị sẽ tự trừng phạt mình. Bởi vì là quý vị là Phật, quý vị biết điều gì phải, điều gì trái. Và nếu quý vị cố ý làm ngược với ý chỉ của Thượng Đế hay Phật tính, quý vị sẽ cảm thấy rất đau khổ, cảm thấy như vô Phật, vô Thượng Đế. Điều này làm cho quý vị đau khổ. Đó là Địa ngục. Lâu hay mau tùy theo mức độ cố ý của quý vị trong lúc phạm tội, làm trái ngược lại sự trong sạch tuyệt đối của chính mình. Địa ngục là như vậy. Không có địa ngục nào làm sẵn chờ quý vị cả. Không có Thượng Đế nào ngồi đó, chỉ tay nói là quý vị tốt, quý vị xấu, quý vị có đủ thói hư tật xấu. Quý vị chính là Thượng Đế. Cho nên ráng đừng phạm phải điều gì kém cao cả hơn Thượng Đế, kém cao cả hơn Phật. Đó là cách làm Phật, cách làm chủ cuộc đời của chính mình. Hãy lựa chọn con đường mà quý vị muốn đến!

Không nhất định vào mỗi khi bế quan tôi cũng phải ngồi nhắc nhở quý vị phải tốt, thánh thiện, phải là Phật chẳng hạn vậy. Bởi vì chính quý vị phải làm. Không còn sự chọn lựa nào khác. Nếu muốn thành Phật, nếu muốn nhận ra lại phẩm chất cao thượng của mình thì không còn có cách nào khác ngoại trừ tự kỷ luật đi trở lại con đường cao thượng mà quý vị đã lạc bước.


Thành Phật Rất Dễ


Không cần người nào bảo quý vị phải làm gì. Quý vị biết rõ ràng phải làm gì. Chỉ cần tự hỏi mình. Luôn luôn kiểm soát bên trong, và luôn luôn hòa mình với nội tại để coi mình có phẩm chất nào. Vì vậy mà quý vị có nhật ký tu hành, để quý vị biết mỗi ngày mình đã tu tới đâu rồi và muốn tu đến bao xa nữa. Rất là dễ.

Làm Phật rất dễ. Chỉ cần hành động như Phật, nghĩ như Phật, nói như Phật là được, bởi vì quý vị đã là Phật rồi. Chỉ còn phải làm Phật thôi. Nếu quý vị tự từ chối mình tức là quý vị từ chối tấm lòng từ bi, tình thương, lực lượng vạn năng, địa vị cao nhất của chính mình, thì đương nhiên cho dù có một vị Phật chân chính, tối cao và vạn năng hay Thượng Đế vạn năng, một đấng độc nhất vô nhị, cũng không thể nào cứu quý vị được, nếu quý vị từ chối chính mình. Đó là lý do tại sao chúng ta xa rời Thượng Đế, tại sao chúng ta xa rời Phật tánh và xuống đời sống thấp kém hơn. Chúng ta bị sa địa ngục, sa vào đau khổ v.v... vì tự từ chối mình. Nhưng không sao. Đây là một tiến trình học hỏi. Quý vị muốn học bằng cách đó cũng không sao.

Nhưng nếu quý vị đã sẵn sàng để trở về, đã chán chường đời sống trước mắt và không muốn sống như thế nữa, thì phải biết rằng bây giờ là lúc phải thay đổi, phải trở về, hãy quay đầu và đi ngược lại. Đi trở về nguồn cội. Chỉ có vậy thôi. Chẳng hạn như trước kia, chúng ta cư xử không tốt, giết người, cướp của, nhục mạ người khác, làm đủ mọi chuyện xấu thì bây giờ phải quay lại. Đừng làm những chuyện này nữa và quý vị sẽ thành Phật trở lại. Vì vậy mà quý vị có thể thành Phật tức khắc, khai ngộ tức khắc. Cũng vì thế mà những người Phật tử mới nói: Nếu bỏ con dao đồ tể xuống là thành Phật. Chỉ cần quay đầu lại, thế thôi. Đi nhớ lại. Rất dễ. Không cần phải làm gì thêm để thành Phật, ngoại trừ trở lại nơi quý vị đã ra đi, bởi vì quý vị là Phật rồi. Tôi phải nói bao nhiêu lần với quý vị nữa đây. Tôi sẽ còn nói hoài cho tới khi nào quý vị nhận ra được mới thôi. Giống như niệm chú: "Ta là Phật, Phật, Phật..." (Cười và vỗ tay) Nhưng có ích lợi bao nhiêu đâu, chỉ ích lợi cho tôi thôi. Tôi lập đi lập lại: "Ta là Phật! Ta là Phật!" Rồi chỉ có một mình tôi thành Phật (Sư Phụ cười). Thôi, ráng mà nhớ. Ráng tự nhắc nhở quý vị là Phật, đừng để bị thua kém.

Dĩ nhiên là khó. Tôi không nói với quý vị, không gạt quý vị, rằng điều này dễ, bởi vì đầu óc quý vị không cho phép quý vị nghĩ như vậy. Thói quen của quý vị trói buộc quý vị, vì quý vị sẽ nghĩ rằng: "Ồ, ta hèn kém quá! Ta quá ư là tội lỗi! Ta xấu xa, sao ta lại có thể là Phật được hay làm sao ta có thể thành Phật được?"


Hãy Quay Lại Và Trở Về


Quý vị có thể thành! Chỉ cần đi ngược lại, thế thôi. Bất kể quý vị đi phía Bắc bao xa đi nữa, chỉ cần quay đầu đi về hướng nam, một ngày nào đó quý vị sẽ tới đích. Nếu quý vị không quay lại thì sẽ không bao giờ đến. Nếu không quay đầu và đi trở lại, sẽ không bao giờ quý vị đi tới. Bất kể tôi đi theo quý vị bảo quý vị về hướng Nam bao lâu đi nữa, quý vị sẽ không bao giờ đến miền Nam nếu quý vị cứ tiếp tục theo hướng Bắc. Rất giản dị. Chỉ cần quay lại.

Trước kia chúng ta có thói quen xấu, bây giờ có thói quen tốt. Trước kia chúng ta nghĩ một cách thấp kém, bây giờ chúng ta nghĩ một cách cao thượng. Trong bất cứ tình trạng nào, cũng hành động y như một vị Phật. Phải cao thượng. Phải làm con người thật của mình. Cũng không có nghĩa là quý vị phải đưa đầu cho ai muốn chặt thì chặt. Không phải như vậy. Quý vị phải biết một vị Minh Sư sẽ ra sao, trong bất cứ tình trạng nào, và họ sẽ làm gì. Nếu quý vị là một vị Minh Sư thì sẽ làm gì trong trường hợp đó hay hoàn cảnh đó. Một vị Minh Sư của vũ trụ sẽ làm sao. Suy nghĩ điều đó rồi làm. Có lẽ sẽ không giống y như vị Minh Sư sẽ làm, nhưng ít ra quý vị cũng tự tuyên bố với chính mình quý vị là Minh Sư, bởi vì quý vị đúng là Minh Sư. Nếu không thì quý vị là gì? Hay là quý vị nghĩ mình từ quỷ sứ sanh ra như một số giáo điều tuyên bố sao? Như vậy Thượng Đế để làm gì chứ? Ngài không đủ lực lượng để tạo chúng ra hay sao mà lại để quỷ sứ phải làm? Quỷ lực lượng cao hơn Thượng Đế hay sao mà tạo ra con người như vầy, còn Thượng Đế thì không làm được? Như vậy Thượng Đế làm gì suốt ngày suốt đêm, và suốt đời Ngài? Ngài làm gì trong cõi vĩnh hằng? Không làm gì sao? Thượng Đế gì mà vô dụng vậy? Cho nên đừng nhận quỷ là cha của quý vị.

Chúng ta phải nhận diện Thượng Đế. Dầu vậy, chúng ta cũng không có Thượng Đế để làm Cha nữa. Chúng ta là Thượng Đế! Chúng ta từ Thượng Đế phân ra. Chúng ta là một phần Thượng Đế, nhưng vẫn là Thượng Đế. Quý vị có chiếc bánh sinh nhật, cắt ra làm mười miếng để mời mười người bạn. Quý vị nghĩ miếng bánh này khác miếng kia hay sao? Không! Quý vị cắt nó ra, vì không khéo tay, có thể miếng này nhỏ hơn hay lớn hơn miếng kia, nhưng đều là bánh sinh nhật, cùng một chiếc bánh và cùng một phẩm chất, cho nên quý vị mời tất cả các bạn quý vị cùng ăn. Tương tự như thế, mọi vật chung quanh đây, chung quanh quý vị, phía dưới quý vị, phía sau quý vị, bên trên, bên dưới quý vị, mỗi một vật chung quanh quý vị đều là Thượng Đế. Chỉ vì phân chia nhiều cách khác nhau, giống như chiếc bánh sinh nhật. Có khi có câu "Mừng Sinh Nhật" trên miếng bánh và người lấy chữ "M", người thì lấy chữ "S", người thì chữ "T" hay chữ "¿", chẳng hạn vậy. Hay là "Mừng Sinh Nhật Michael", thí dụ vậy. Người lấy chữ "Mi", người kia lấy chữ "chael". Nhưng không khác gì cả. Vẫn cùng chiếc bánh, cùng phẩm chất. Không có gì khác.

Tương tự như vậy, một người ngồi bên cạnh quý vị, dù người đó là người lùn, người đen, người trắng, người vàng, người đỏ đi nữa - thì tất cả cũng đều là Thượng Đế, đều có phẩm chất Thượng Đế. Nhưng vì cách họ chọn để bày tỏ kinh nghiệm của riêng họ, làm nên sự khác biệt. Cho nên, có người chọn làm kẻ xấu, chẳng hạn vậy, ngay cả việc đi ra ngoài giết người nữa. Đó là lúc quỷ sứ được tạo ra. Bởi vì đối với loài người, hành động đó là quỷ, không thể nào nói rằng quỷ sứ không có đó. Quỷ là bất cứ chuyện gì làm trái ngược với phẩm chất Thượng Đế, ngược với với lực lượng sáng tạo nội tại của chúng ta. Vì Thượng Đế chỉ sáng tạo chứ không phá hủy. Cho nên, nếu chúng ta chọn con đường phá hủy, con đường trái ngược tai hại đó, lúc đó chúng ta hành động như một con quỷ vì chúng ta muốn chối bỏ lực lượng vạn năng của Thượng Đế, chối bỏ chính mình. Chúng ta thích vậy. Có người thích làm như vậy. Họ cứ chối bỏ, chối bỏ mãi tới khi hết chối bỏ được nữa, chán nản quá rồi và quay lại và nhận ra lại phẩm chất Thượng Đế của họ. Rồi họ nói: "Thôi, thôi, thôi. Điều đó không tốt. Kinh nghiệm đó không tốt. Ta đau khổ, người khác cũng vì đó mà đau khổ. Nên tốt nhất là ta phải thay đổi."


Hãy Tha Thứ Cho Mình Bởi Vì Mình Là Thượng Đế


Tương tự như vậy. Nếu bất cứ gì chúng ta làm trong đời sống chúng ta nghĩ là sai lầm, thì chỉ việc thay đổi. Có vậy thôi. Có thể chúng ta phải chịu hậu quả đó, nhưng thay đổi càng sớm thì hậu quả càng ít, sự trầm trọng mà chúng ta phải chịu càng giảm thiểu. Đó là sự sám hối tốt nhất. Không cần ngồi đó cầu nguyện Phật hay Thượng Đế tha thứ cho quý vị. Không ai tha thứ quý vị cả. Những gì quý vị đã làm quý vị đã làm. Không cần xin tha lỗi, chỉ cần thay đổi. Đó mới là sự hám hối tốt nhất, thành tâm nhất. Vì lúc đó quý vị tha thứ cho mình. Vì quý vị là Thượng Đế. Còn ai nữa để tha thứ cho


Thượng Đế nếu không phải là Thượng Đế ?


Nếu quý vị trong tâm sám hối, thì Thượng Đế bên trong quý vị biết: "Được rồi! Tốt! Tốt lắm. Trở lại là tốt lắm". Chúng ta trở về nơi chốn của chúng ta. Như vậy là tốt rồi, đó có nghĩa là tha thứ, hiểu không? Vì chúng ta trở về hướng Nam thay vì tiếp tục đi hướng Bắc. Chúng ta sẽ đối diện phía Nam và mỗi ngày mỗi gần hơn. Đó là sự tha thứ quý vị đã tạo ra cho mình.

Không một ai có thể bắt quý vị quay về Nam nếu quý vị không muốn, dù có cầu nguyện hàng trăm năm trên đường cũng vậy thôi. "Làm ơn làm phước, xin đưa tôi về Nam. Xin dẫn tôi về Nam!" Có lợi gì không? Chỉ việc quay đầu, đi trở lại, có phải dễ hơn không? Đúng vậy, chúng ta phải làm như vậy. Nếu điều gì chúng ta nghĩ là không tốt hay sai lầm, quên nó đi, không làm nữa và làm ngược lại. Trước kia quý vị ăn cắp ăn trộm, ghét kẻ khác, thì bây giờ bố thí, tha thứ kẻ khác. Vậy thôi. Thượng Đế là vậy đó! Thượng Đế là tình thương, luôn luôn khoan dung. Giản dị vậy thôi! Không cần sám hối và làm gì rắc rối cả, không cần nhịn đói bảy ngày để rửa tội. Không có cái gì rửa tội được ngoại trừ chính quý vị, với lòng quyết tâm thay đổi của quý vị. Rửa tội rất là giản dị, bằng cách nhận ra nó rằng điều đó là sai lầm, là không cao thượng, Phật không làm như vậy. Và quý vị chỉ cần sửa đổi và làm ngược lại.

Tôi chỉ đề nghị quý vị cách sám hối đó thôi. Đó là cách sám hối có hiệu quả nhất, không còn cách nào khác. Đừng có nói với tôi rằng quý vị tệ hại như thế nào và cầu xin tha thứ. Tôi không tha! Sẽ không bao giờ tha! Vì tôi không có liên quan gì tới sự tốt xấu của quý vị. Tôi không nợ quý vị, đời sống quý vị, tôi không có nợ phải phán xét ai cả, chỉ có quý vị nợ quý vị mà thôi.


Đi Cho Đúng Hướng


Bất cứ khi nào quý vị muốn sửa đổi, tình trạng sẽ thay đổi. Nếu quý vị quay trở lại và đi hướng nam, thì càng ngày càng thấy miền nam. Không ăn nhằm gì tới việc tôi tha thứ, đi theo con đường của quý vị hay là giúp đỡ, gia trì cho quý vị. Không có gì cả! Quý vị chỉ cần đi đường khác, đó là lúc đời sống của quý vị thay đổi. Cho nên sau khi Tâm Ấn, quý vị quyết định sửa đổi đời sống của mình bằng cách dựa theo giới luật mà đo lường chính mình. Có biết tại sao sau khi Tâm Ấn, đời sống quý vị tốt đẹp hơn không? Bởi vì chính quý vị, quý vị đã nhất quyết quay lại, đi về phía Nam. Cho nên, đương nhiên càng ngày sẽ càng thấy phong cảnh phía Nam, rồi nói: "A! Bây giờ ta đi đúng hướng rồi!" Dĩ nhiên là quý vị đi đúng hướng! Nếu quay lại đi đúng hướng tức là quý vị đúng hướng. Chỉ có bây nhiêu đó thôi, hiểu không? Dĩ nhiên, nếu quý vị trở lại phẩm chất của Phật, dùng giới luật để tự đo lường chính mình, và cố gắng tĩnh tâm để nhớ lại phẩm chất nội tại của mình bằng cách tọa thiền mỗi ngày, đó quý vị đang nhắc nhở chính mình, rồi càng ngày càng giống như Phật hơn.

Phật được quyền hưởng những gì tốt nhất, chỉ có vậy thôi. Càng gần Phật, quý vị càng trở nên cao thượng hơn, quý vị càng có địa vị cao hơn, nghĩa là quý vị càng lúc càng gần tới ngôi vị nguyên thủy, ngôi vị tối thượng của mình, lẽ dĩ nhiên đời sống quý vị sẽ tốt đẹp hơn lên, chứ sao? Giản dị quá mà. Không cần tôi gia trì gì cả! Tôi sẽ gia trì bất cứ khi nào quý vị cần, nếu tôi có sức gia trì, xin cứ lấy. Nhưng phải nhớ, sự gia trì vĩ đại là quý vị, rằng quý vị đã quyết định tự gia trì cho mình bằng phẩm chất cao thượng nhất, bằng ngôi vị cao nhất trong vũ trụ của quý vị.

Nếu không làm vậy, quý vị sẽ luôn luôn là kẻ ăn mày, xin tôi gia trì, xin bất cứ ai gia trì, xin Phật chết gia trì, đến với bất cứ ai quý vị cũng phải xin như một kẻ ăn mày. Nhưng nếu quý vị trở lại với bản lai diện mục của mình và luôn luôn nghĩ mục đích cao cả của mình, luôn luôn ráng nhớ ngôi vị cao thượng, phẩm chất cao thượng của mình thì quý vị xứng đáng được những điều tốt hơn, tốt hơn, tốt hơn nữa và tốt nhất.


Lực Gia Trì Từ Đâu Đến ?


Rất là hợp lý. Không cần nghĩ rằng tôi là Phật, gia trì cho quý vị để đời sống quý vị tốt đẹp hơn. Không nên làm thế. Chúng ta đồng một thể. Tôi gia trì, hay quý vị gia trì thì cũng thế thôi. Nếu quý vị không gia trì cho mình, mà để tôi gia trì, thì cũng như nhau, cũng là Phật. Phật tính gia trì cho quý vị, chứ không phải là từ tôi, cũng không phải từ bất cứ người nào. Đó là Phật tính trong toàn cõi vũ trụ mà chúng ta đã dùng và gia trì cho chính chúng ta.

Cho nên không cần phải thờ phụng tôi, và làm cho tôi thành thần tượng của quý vị. Quý vị làm cũng được nếu muốn vì tôi sẽ không muốn tự ý chen vào sự tiến triển hay sự trưởng thành, hoặc thời điểm của quý vị và bảo quý vị phải làm gì, nhưng tôi chỉ muốn nói với quý vị rằng kết cuộc quý vị cũng phải công nhận quý vị là Phật. Như vậy là tốt nhất cho quý vị. Trong giai đoạn đầu quý vị có lẽ phải tìm kiếm sự gia trì của Phật hay bất cứ Minh Sư nào. Như vậy cũng được. Nhưng quý vị sẽ nhớ lại hết, để rồi biết quý vị là ai. Như vậy là tốt nhất cho quý vị, thay vì cứ mãi kiếm sự gia trì của tôi.

Tôi không biết gì khác để nói quý vị. Còn gì nói nữa đây? Nhưng quý vị có hiểu gì không? (Sư Phụ cười). Quý vị nói đó nhưng rồi lại quên (mọi người vỗ tay) Giá mà quý vị thật tình hiểu được điều này thì tốt cho quý vị biết bao. Nhưng thôi kệ, cứ từ từ. Nếu quý vị muốn ngu, cũng được. Cứ việc chơi, cứ việc chơi, cũng được. Như thế tôi mới có việc để làm. (Sư Phụ cười) Nhưng vấn đề là cho dù tất cả Minh Sư đều nói cùng ý: "Các con là con cái Thượng Đế. Bất cứ gì ta làm được, con làm còn hay hơn nữa. Các con là Phật sẽ thành. Các con và ta đều bình đẳng v.v..." Chúng ta vẫn không thể nào hiểu được. Khó nhất là chỗ đó. Không phải chúng ta không biết, mà chúng ta không thể nhai nó, không thể tiêu hóa nó, không thể biến nó thành một sự thật hoàn toàn bên trong con người chúng ta, tại vì đầu óc này, vì những kiến thức thế gian thu thập được về tất cả mọi thứ về chúng ta - chúng ta xấu xa như thế nào, chẳng hạn vậy.

Cho nên quý vị phải tha thứ chính mình, hãy quên hết hành trình quý vị đã đi qua, chỉ cần quay lại. Quý vị không làm điều gì tội lỗi tới nỗi không thể tha thứ được. Chỉ cần tha thứ chính mình. Vì hồi đó quý vị muốn thể nghiệm như vậy, bây giờ biết điều đó là không tốt và muốn thử cái khác. Như vậy là được rồi. Quý vị là Thượng Đế, muốn làm gì thì làm. Quý vị có quyền thể nghiệm sự đau khổ, xấu xa, tình trạng tệ hơn nếu muốn. Vì quý vị có tự do, quý vị là Thượng Đế. Quý vị có thể tưởng tưởng một Thượng Đế mà không có tự do để làm những gì Ngài muốn, dù đó là việc tốt hay xấu dưới mắt phán xét của phàm phu không? Dĩ nhiên là không rồi.

Thượng Đế, Phật đều tự do. Cho nên quý vị cứ làm việc những gì mình muốn, nhưng quý vị biết hậu quả sẽ khác nhau, thế thôi.


Nghiệp Chướng Vốn Là Không


Giờ đây quý vị không muốn hậu quả đó nữa, cứ việc bỏ đi. Quý vị không cần phải vì nó mà lãnh nghiệp. Có lẽ nếu quý vị còn lảng vảng ở đó thì sẽ lãnh một số hậu quả, nhưng nếu nhảy ra ngay, sẽ không bị. Quý vị làm cháy nhà rồi cứ ở đó nói: "Ồ! Làm lỗi rồi! Khủng khiếp quá!" Nhà đang cháy rất nóng. Hãy nhảy ra. ít nhất cũng cứu được chính mình. Cho nên bất cứ điều gì quý vị làm sai trong quá khứ, hãy quên đi. Quý vị phải chịu một số hậu quả, nhưng đã qua rồi, đừng chịu khổ nữa. Đừng ở lại và chịu thêm đau khổ nữa. Thế là tốt rồi. Một khi đã nhảy ra khỏi tình trạng nào đó là quý vị tự do, không còn hậu quả nào có thể ảnh hưởng quý vị được nữa, hiểu điều đó không? Cho nên, nghiệp chướng vốn là không (mọi người vỗ tay).

Xin lỗi tôi không cho quý vị có cơ hội vỗ tay (Sư Phụ cười) để làm thể dục. Nhưng tôi muốn quý vị tập trung để nghe những đều này vì rất tốt cho quý vị. Tốt cho quý vị, tốt hơn những lời khen của quý vị dành cho tôi, hay những tràng vỗ tay cổ võ này nọ. Quý vị tập trung và hiểu thì tốt hơn. Nhưng tôi biết điều đó đôi khi rất khó, tôi biết. Nhưng đừng làm nó khó hơn bằng cách nói với quý vị rằng quý vị không thể nào làm được, rằng quý vị tội lỗi, quý vị xấu xa, chẳng hạn vậy. Chúng ta không phải vậy! Chúng ta là Phật! Quả vậy, chúng ta đã lầm lỗi, bây giờ chúng ta bắt đầu trở lại, chúng ta đã gánh chịu hậu quả và nó đã qua đi. Bây giờ không còn đau khổ nữa nếu quý vị bước ra và quay lại. Nhưng nhiều người không làm được, tôi biết vì vậy mà quý vị tới đây. Vì vậy mà thế giới còn đang đau khổ như vậy, vì họ không thể tự bảo chính họ quay lại.

Cho nên Phật rất hiếm có. Không phải vì mọi người không phải là Phật. Mọi người đã là Phật. Chỉ vì họ không chọn như vậy, không cố gắng ra khỏi vũng nước, ra khỏi sình lầy và rửa sạch sẽ cho tươi mát lại. Họ tưởng họ không thể làm được. Sình lầy quá sâu, nước đọng quá nhiều và sự cố gắng của họ quá ít ỏi và họ còn quá yếu đuối v.v...


Hãy Bước Ra Và Gội Rửa Sạch Sẽ


Càng ở lại đó, họ càng yếu, càng dơ dáy, càng khó thuyết phục họ đi ra. Vì vậy mà Phật phải tới, để cứu một vị Phật khác, (Sư Phụ cười) ra khỏi sình lầy và bảo Ngài đi tắm rửa. "Đi tắm rồi nhìn trước gương coi. Ngươi không phải như vậy, không dơ dáy như vậy. Phải! Uống vài viên thuốc bổ, ăn uống, khỏe trở lại rồi nhìn mình coi, trông được lắm".

Nhưng đôi khi họ đã ở trong bùn quá lâu, bị đông lạnh ở dưới nước nên phải một thời gian mới hồi tỉnh được. Có vậy thôi. Vấn đề là ở chỗ đó. Sau khi Tâm Ấn phải mất một thời gian. Có khi lâu hơn vì chúng ta đã ở trong nước lâu quá nên bị đông cứng rồi. Mọi hệ thống đều cứng ngắc. Khó làm nó sống lại. Khó không có nghĩa là không thể được. Cho nên cứ việc tiếp tục công việc dưỡng bịnh của quý vị và sẽ có bác sĩ, y tá ở đó giúp cho. Nhưng quý vị phải uống thuốc bổ, phải ăn đồ ăn, phải uống thuốc bác sĩ cho quý vị.

Ngay cả hai tuần trước lúc tôi nằm nhà thương, tôi cũng phải uống thuốc vậy. Bác sĩ bảo sao thì tôi làm vậy. Không thành vấn đề. Thế là khỏi bệnh, không sao cả. Nhưng nếu quý vị không chịu uống thuốc theo toa hay theo lời khuyên của bác sĩ, thì sẽ lâu khỏi hơn, thế thôi. Không phải là bác sĩ sẽ giết quý vị hay làm gì đó. Ông ta sẽ không làm vậy, có lẽ ông ta sẽ tội nghiệp quý vị và phải làm việc cực khổ hơn, lâu hơn để dưỡng quý vị khỏe lại. Một số người trong chúng ta cũng bị vấn đề đó vì chúng ta không cố gắng giúp đỡ chính mình. Hoặc vì chúng ta lười hoặc là nghĩ rằng chúng ta yếu đuối quá không làm được, hay chúng ta thích bị bịnh. Có người thích bịnh, tôi không biết tại sao. Để họ được tội nghiệp, được để ý tới (có lẽ vậy).