TỬ BIỆT SINH LY

Thường thường, trong xã hội cũng như trong gia đình, hễ cứ thịnh vượng quá thì càng dễ bị suy vong; cũng như một vết trên bánh xe, khi lên đến đỉnh tuyệt cao rồi thì tự nhiên tụt dần xuống dưới. Hạnh phúc trong nhà không bao giờ hoàn toàn mỹ mãn quá; hoàn mỹ quá tức là một cái mầm tai nạn, bởi lẽ Hóa công hình như hay đùa ghen với sự sung sướng tuyệt đích của loài người.

Oanh Cơ từ ngày về làm dâu họ Lê, đem về cho họ ấy đủ mọi sự phong lưu nhàn hạ. Cửa nhà ngăn nắp thóc lúa đầy kho, tiền bạc chật hòm. Lê mẫu không còn phải lo toan gì nữa. Gia dĩ Oanh lại sinh hạ được một đưa con nhỏ, sự vui vẻ trong gia đình thực quả như pha lê không vết, ai ai cũng đều sinh hoạt đầy đủ, mãn nguyện, chẳng có nỗi gì oán thán hay ước muốn viển vông. Hoàn cảnh yên vui êm ấm đó tưởng đâu có thể lâu bền vĩnh viễn, bởi lẽ anh em cậu ấm không hề làm sự gì ám muội phạm pháp, cũng không vì bon chen danh lợi mà bôn tẩu, sinh ra các mối oan thù.

Ai ngờ đâu Trời Già không để cho yên, bỗng run rủi vạ gió tai bay đến phá nát hạnh phúc nhà họ Lê trong nhột sớm. Căn nguyên tai vạ đó rất là vô lý thế mà cũng xui nên hai kẻ mất đầu!

Số là trong buổi sơ khai, nước ta còn nhiều đấng giang hồ trộm cướp tụ tập binh lính quấy nhiễu lương dân và kháng cự cùng nhà nước. Cứ chỗ nào có rừng cao núi cả khó lòng mang quân đến tiễu trừ được là chúng quần tam tụ ngũ, bầu một tên chánh sai, rồi lập ngay một sào huyệt, một cơ sở để làm nghề không vốn muôn lời. Những nơi hiểm trở như các miền Yên Thế, Chợ Ghềnh, Đồng Giao, Phồ Cát, các mạn thượng du xứ Bắc kỳ và các hạt giáp giới với dải núi giăng màn xứ Trung kỳ, phần nhiều là có giặc cỏ, kẻ cướp ẩn nấp ở trong các truông lau, bãi sậy, các thung lũng eo hẹp ở chen vào những lớp núi cao ngất, gồ ghề dựng đứng như bức tường cheo leo, thẳng vút, các nơi hoang vu cô tịch ở phía tây hạt Đồng Giao như mấy vùng Thạch Thành, Cẩm Thủy, La Hán, Hồi Xuân, toàn là các trường mai phục có địa thế, có thắng lợi, giúp cho một tên giặc mang súng ống nấp trong hang hốc bờ bụi có thể một mình địch nổi vài chục binh linh nhà nước.

Thủa ấy, trong muôn ngàn đảng giặc cỏ lau nhau chui rúc trong kẽ rừng hốc đá, như ở các vùng núi non hiểm trở tả trên đây, có một vài đảng rất cường thịnh hiển hách, quân nhà nước lùng bắt trừ khử mãi không xong.

Có một đảng, trong các bọn tho khấu cường thính đó, gồm độ vài trăm tên lâu la dưới mệnh lệnh của một tay cuồng nho phẫn chí tên là Nguyễn Quán hoành hành ở biên giới hai xứ Bắc và Trung kỳ, nhất là ở các vùng Thạch Thành, Cẩm Thủy, Phố Cát Đồng giao; thanh thế lan dọc từ Bỉm Sơn, đến Chợ Ghềnh, ngang từ Phát Diệm tới mãi Nho Quan, Hồi Xuân và La Hán.

Đám giặc cỏ ấy thường thường vào các làng cướp bóc lương dân, hãm hiếp đàn bà con gái, phá nhà thờ, bắt cố đạo, ngang tàng đốt phá, đến đâu thì xưng hùng xưng bá, sát hại khổ chủ dọa nạt dân nghèo, bắt trâu dê gà lợn mổ xẻ làm tiệc linh đình chè chén với nhau, xong rồi vơ vét đầy túi, kéo cả đàn lẩn tránh tản mát vào các hang sâu khe hẻm trong núi, không tài nào tróc nã được. Quan quân truy tầm lùng bắt đã riết lắm, thế mà chúng vẫn chưa bị sa vào pháp luật bao giờ.

Tên đầu sỏ, Nguyễn Quán, là một kẻ không chỉ lắm mưu gian kế quyệt, lại còn giỏi võ nữa. Hắn có mặt khẩu súng hỏa mai thập bát hưởng, nghĩa là bắn luôn được 18 phát không cách xa nhau mấy, lại có một con dao găm hai lưỡi rất lợi hại, rạch người như mổ lợn, không hề khó nhọc chút nào. Ngoài hai thứ khí giới đó, Quán còn biết sử dụng một ngọn roi gân hổ mà hắn múa vù vù, trông không thấy người đâu nữa, khiến tên bắn khó lòng trúng hắn được. Có thế mà thôi đâu, hắn lại còn sở trường môn ném chuỗi tiền; chuỗi tiền hắn tung ra bách phát bách trúng, phi đoạt được gươm giáo côn đao của bên địch, cũng làm cho kẻ thù ngã quỵ xuống bị trọng thương. Võ nghệ của Quán thực là gần tới chỗ tuyệt đích. Nếu không giỏi như vậy, hắn đã làm sao thâu phục được lũ đầu trâu mặt ngựa làm lâu la giúp hắn?

Hắn cứu tụi con em trong đảng đã nhiều phen, trong những trường hợp cực kỳ nguy khốn, hóa nhiều đứa từng chịu ơn cứu tử nên hết sức trung thành tận tụy với hắn. Tuy giỏi đến đâu thì giỏi, Quán cũng có ý gìn giữ phòng thân, sợ có khi bị người ta ném ám khí thì thiệt mạng. Bởi vậy hắn bèn chọn trong bọn lâu la, bốn tay giỏi võ nghệ nhất để làm bốn kiện nhi hộ vệ theo hầu.

Bốn tên kiện nhi đó, đáng lẽ bổn phận là phải bảo trợ chủ tướng trong cơn nguy biến; ai ngờ lại chính là Nguyễn Quán phải giữ gìn tính mạnh cho chúng, mỗi lần có những cuộc xung đột gay go! Bảy tám phen, giá Quán không giở đến tài nghệ bắn súng, ném đao, quất roi, hay ném tiền, bốn tên hộ vệ ắt bỏ mạng từ lâu.

Chúng chỉ được mỗi một việc là giúp chủ tướng mà thôi, là vây bọc chủ lại, tả một đứa, hữu một đứa, tiền một đứa, hậu một đứa, để ngăn người ngoài ném trộm các ám khí. Ngoài sự che chở dó, chúng không được việc gì nữa. Bởi thế Nguyễn Quán vẫn có ý phàn nàn chưa chọn được cặp tả hữu nào có nghệ thuật siêu quần để được nhờ mà khỏi bị hao công tổn lực, để mỗi lần có cuộc huyết chiến thì chúng gánh vác hộ cái phần nguy hiểm gian nan. Mỗi lần đi cướp bóc ở đâu, Quán xem chừng công cuộc phải làm to, thì thân đi đốc suất lâu la đánh phá; nếu đoán là "tiếng bạc" hôm ấy bé thì chỉ nằm một chỗ, phái một hai tên thủ túc thay mình quản lĩnh là xong. Cũng do lẽ ấy, hắn cần phải có bọn tay chân xứng đáng. Bốn tên hộ vệ lúc ấy chưa phải là những người đáng mặt thay quyền Quán mà cai quản được bọn lâu la, dầu bọn ấy không lấy gì làm đông cho lắm. Quán có ý muốn tìm hai võ sĩ có bản lĩnh, có can tràng để rủ vào phe đảng mình, rồi giao cho cái chân phó soái họa may hắn sẽ được an nhàn đôi chút.

Có kẻ mách hắn ở vùng Gôi có hai thiếu niên tráng sĩ dòng dõi võ tướng, vì lỗi thời nên không lĩnh ấn công khanh. Hai người đó chính là hai cậu ấm con quan lãnh Lê, võ nghệ đều siêu quần xuất chúng, tính tình thì cương trực anh hùng.

Nguyễn Quán nghe tiếng hai anh em Khôi, Việt đã lâu vẫn có lòng hâm mộ và cảm phục tài năng của hai chàng song chưa có dịp nào làm quen cả. Nay nhân người tiến cử, hắn bèn tự thảo một phong thư sai kẻ tâm phúc đưa đến Gôi cho họ Lê, trong thư đại ý nói rằng:

"Bỉ nhân trộm nghe đại danh hai công tử đã lâu, thường ao ước được một phen tương ngộ. Đấng hào kIệt tất phải lấy nghĩa xứ nhân; bực anh hùng lẽ đâu chẳng lấy ân xử với hai người trí thức? Từng mảng hai túc hạ là người khoáng đạt, cỏ chí cao xa; vậy nên bỉ nhân đây, cơm Mạnh Thường mong đải khách hiền lương, vàng Trịnh Bá rắp tặng người tuấn kiệt. Bằng hai túc hạ sẵn lòng giúp bỉ nhân cho hùm thiêng thêm cánh, thì ngoài giữ chân tay, trong làm lòng dạ, chúng ta tuy Nguyễn Lê khác họ, rồi sẽ như Hồ Việt một nhà; nghĩa vườn đào rạng tiếng khách ngàn xưa, chúng ta há chẳng biết noi theo để cùng gây sự nghiệp?... xin hai công tử xét cho lòng thành thực này chớ có từ nan: được như thết bỉ nhân sẽ lấy làm vạn hạnh! Vạn hạnh!"

Hai anh em Lê Mạnh Khôi và Lê Trọng Việt được thư ấy vội vàng trả lời cho sứ giả đem về. Trong tờ phúc đáp, lời lẽ ngọt ngào khiêm tốn; hai cạu ấm tỏ ý rất ân hận, không thể cùng Nguyễn Quán cộng tác được viện cớ rằng mẹ già vợ dại, lại "tông đường chút chửa cam lòng" nên không thể dứt tình bỏ cửa nhà vào núi để đeo roi cắp kiếm theo hầu dưới trướng Nguyễn Quán được. Vậy xin ông chủ tướng kìa hãy tìm những người phò tá khác. Vả chăng, hai anh em lại tự lượng mình không có tài cán gì, không có thao lược gì để giúp cho Nguyễn gây nên cơ đồ lộng lẫy cả. Muốn cho Nguyễn khỏi bị thất vọng về sau, chi bằng ngay lúc đầu tiên, đừng để cho nhau tưởng tượng quá sâu xa về những công cuộc vĩ đại hay về một cuộc hiệp tác hão huyền.

Hai cậu ấm Lê tuy đối phó một cách quyết liệt với sự mời mọc của tên đầu đảng cướp, nhưng bề ngoài vẫn dùng lời lẽ thanh tao lịch sự, không ai bắt bẻ nổi hoặc giận dỗi vào đâu được.

Tưởng như thế tất là yên câu chuyện, không xảy ra điều gì rắc rối, khó khăn; ai ngờ đâu vì mảnh thơ vô tình kia hai anh em bỗng lâm vào một tình thế gian nan, càng ngày càng nguy hiểm, không tài nào gỡ thoát...

Ở một làng cách núi Gôi chừng hai ba mươi dặm, một đêm kia bỗng xảy ra một vụ cướp tọ Quân cướp đề phòng không được cẩn mật, để mưu kế chúng bị bại lộ, khiến quan quân biết trước, đến mai phục chung quanh nhà sự chủ và căng lưới sẵn sàng để dụ cường đạo vào trong. Quả nhiên sau một trận xung đột kịch liệt mười lăm tên gian phi bị thương chịu cho quan quân trói lại, mười hai tên khác thì tử trận, duy có tên đầu đảng và một ít lâu la trốn thoát được mà thôi. Hỏi ra mới biết tay chủ tướng khôn ngoan ấy là Nguyễn Quán. Y sở dĩ tẩu thoát được, một là vì có súng, hai là nhờ bốn tay thị vệ hết sức xông xáo che chở hộ ỵ Trong bốn tên ấy, ba tên bỏ mạng trong trường xung đột; đứa thứ tư thì bị bắt vì mang một vết trọng thương giữa đùi. Cớ sao bốn thằng kiện nhi đó lại hy sinh tính mệnh cho chủ một cách anh hùng như thế? Căn nguyên sự hy sinh này mới kỳ dị làm sao! Chính là bức thư Nguyễn Quán đã viết cho hai anh em chàng họ Lê đó! Vốn từ lâu, Nguyễn Quán vẫn có ý phàn nàn về những tay hầu cận mình không được giỏi, bời thế mới viết thư dụ dỗ hai anh em họ Lê vào phe đảng giúp mình. Bốn tên hắu cận bị chủ tướng khinh rẻ, lấy làm căm tức ngấm ngầm trong lòng, nên kịp khi lâm sự, chúng mới hết sức trổ tài thi nhau che gươm đỡ đạn cho Quán, để tỏ rằng nghệ thuật của chúng nào kém gì tài cán hai gã họ Lệ Ngờ đâu vì hăng hái quá, chúng đều bị những miếng đòn độc ác cua quan quân mà chết, chỉ còn một đứa sống thì rồi cũng bị què và tàn tật suốt đời. Cái kết quả của một sự tức giận nhất thời đó là như thế. Kết quả ấy càng chua cay thê thảm bao nhiêu, nó càng làm cho tên kiện nhi sống sót nghĩ thương tiếc anh em đồng chí, bực tức số phận hẩm hiu mà thâm thù thâm oán hai anh em Khôi, Việt bấy nhiêu.

Bởi thế, khi giải về dinh Án sát để lấy khẩu cung, tên gian tặc ấy không ngập ngừng gì cả, khai ngay rằng muốn bắt được Nguyễn Quán, cứ việc đem tra tấn hai chàng thiếu niên võ sĩ đã giúp ngầm y trong các cuộc cướp của đốt nhà. Hai thiếu niên đó là con quan lanh Bắc Ninh: Lê Mạnh Khôi, Lê Trọng Việt...

Tai nạn nhà họ Lê bắt đầu từ buổi ấy; đương lúc cả nhà chung hưởng hạnh phúc thái bình vui vẻ, hai anh em bị bắt đem đi, ngơ ngác không hiểu vì đâu lại xảy ra cơ sự lạ lùng như vậy. Lê mẫu kinh khủng lo lắng, bỏ ăn bỏ ngủ; Oanh Cơ thì khóc lóc suốt ngày. Về phần Nguyễn Đức Tiêu, cháu Oanh Cơ, sau khi hai công tử bị giải lên tỉnh rồi tống lao, chàng bèn vội vã thu xếp hành lý theo lên Nam Định để đem cơm nước quà bánh cho hai người bị nạn và dò la xem tin tức thế nào.

Việt và Khôi bị bắt vừa được hai ngày thì sáng hôm thứ ba, các quan trên tỉnh về khám nhà họ Lê tại núi Gôi. Trong cuộc khám xét, chẳng bắt được giấy má gì quan trọng cả, duy chỉ tìm ra được bức thư của Nguyễn Quán mà thôi. Thầy thư ký thông ngôn theo quan Chánh cẩm đến khám nhà Oanh Cơ, thấy nàng thùy mị dịu dàng, cứ chòng chọc ngắm nhìn nàng mãi, khiến nàng phải sượng sùng e lệ, cúi gằm mặt xuống không dám ngửng lên nữa. "Gái một con, trông mòn con mắt", gia dĩ nàng Oanh lại có sắc đẹp tự nhiên vẹn vẻ, hóa nên thầy Thông ngôn càng mê đắm mê say, thầy tiến đến bên cạnh nàng, lộ ra vẻ hiền từ phúc hậu bảo nàng rằng:

- Bà chớ lo! Tôi xin tình nguyện làm giấy má hộ bà, để bà đầu đơn khiếu nại cùng nhà nước!

Oanh Cơ tưởng đấy chỉ là lời nói đãi bôi cho đẹp chuyện ai ngờ thầy Thông nói sao làm vậy, ngày hôm sau vội đến nhà họ Lê thảo các đơn từ tử tế rồi đọc cho Oanh Cơ và Lê mẫu nghe. Xong thầy xin hai mẹ con ký tên vào đơn rồi đệ trình lên quan Án. Khi thầy Thông ra về, hai mẹ con Oanh Cơ cảm chút tình săn sóc đến người có nạn, đem gạo tiền ra tiễn, song thầy Thông một mực chối từ nhất định không nhận.

Cách đấy ít lâu, chẳng biết Tòa xử và tuyên án ra làm sao, chỉ rõ ngày 26 tháng ba, đầu giờ Mão, anh em công tử họ Lê bị điệu về núi Gôi, trói vào hai chiếc cột đóng thấp thấp ở một sườn đồi. Mười hai tên đạo tặc đồng đảng với Nguyễn Quán cũng bị trói như thế chung quang mình hai cạu ấm.

Trên sườn đồi, trước mặt lũ tội nhân, nền đất bị san phẳng để dựng một cái rạp lớn, chung quanh có tinh kỳ đỏ ốI, gươm giáo sáng quắc, tàn quạt uy nghị Trong rạp, trên một chiếc ghế bành đằng trước có bày hương án, một ông quan áo mũ chỉnh tề,cân đai bối tử trịnh trọng, ngồi chễm chệ uy nghi, sắc mặt nghiêm nghị đượm vẻ sát khí lạnh lùng. Diện mạo cứng cỏi đó thực là hợp với vẻ long trọng thê thảm của pháp trường. Bên mình Giám trảm quan có các viên bộ hạ, các lính tráng theo hầu và một bộ đàn sáo bát âm. Hai bên trước cửa rạp, một bên là giá trống cái, một bên là giá chiêng đồng; hai tên lính mặc quần áo chẽn vàng nẹp đỏ, chân thắt xà cạp điều, cầm dùi đứng chực sẵn.

Trong hoàn cảnh lạnh lùng nghiêm nghị ấy bỗng thấy một người đàn bà vừa khóc sướt mướt như mưa gió, vừa thất thểu tiến đến. Thiếu phụ đó mặc đồ sô gai trắng, bỏ tóc xõa, đội mũ mấn che lấp cả mặt mũi hóa nên không ai nhận rõ được dung mạo nàng. Nàng bồng một đứa con thơ, rẽ đám người đi xăm xăm vào tận giữa pháp trường, tới gần một tội nhân nâng đứa hài nhi cho anh ta hôn hít, đoạn phủ phục dưới chân anh ta khóc nức nở, nói không ra tiếng.

Phạm nhân đó nào phải ai xa lạ, chính là công tử Lê Trọng Việt mà thiếp phụ kia, ấy là nàng Oanh Cợ Nàng Oanh Cơ ngồi xệp xuống đất, bên cạnh chồng, ruột gan quằn quại như đứt ra từng đoạn một, cảnh sinh ly tử biệt, tự nhiên đến hủy hoại gia đình êm thấm nhà nàng, nó tàn ác quá, đau đớn quá, khiến nàng không còn tâm hồn nào nữa, không còn đủ trí giác và tinh thần sáng suốt để tìm ra một lời lẽ gì thống thiết khóc chồng và từ giã anh chồng. Nàng cứ quỳ móp dưới đất. Cậu ấm hai, trông thấy vợ con, lòng cũng tan nát, không thể cầm được nước mắt. Nhưng đã đến trường hợp này cậu đành phải cúi đầu nhẫn nhục trước sắc lệnh cay nghiệt của định số, thổn thức bảo vợ rằng:

- Em khá mau về đi, đừng ở chốn rơi thịt đổ máu này làm gì! Ngày nay anh sở dĩ đương tuổi thanh niên mà bỏ vợ con, chịu bất đắc kỳ tử một cách thảm thiết thế này, chẳng qua chỉ vì tiền oan nghiệp trái đó mà thôi, có cưỡng cũng vô ích! Thân phụ chúng ta, xưa xông pha trong vòng khói lửa, chém giết tàn sát cũng nhiều, các oan hồn bởi thế mới theo dõi dòng họ ta mà trả thù, báo óan! Đến lúc vận trong nhà suy bĩ, lại có cả hai con ma rừng thủa trước cũng hùa vào tác quái, mạng anh nghĩ cho kỹ, thực là khó nỗi bảo toàn! Em còn nhớ câu chuyện ma rừng anh thuật lại cho em nghe trong cái đêm vắng vẻ, khi hai ta mới bắt đầu gặp gỡ nhau không? Thôi, em khá về đi! Anh sống khôn chết thiêng, sẽ theo dõi bóng em, phù hộ cho em mãi mãi! Em còn trẻ, có nhan sắc; đời em còn chứa chan hạnh phúc, em chớ nên nghĩ luôn luôn tới kẻ khốn nạn này làm gì! Anh phúc mỏng đức bạc, không được cùng em thủy chung trọn nghĩa; một mai anh chết rồi em nên quên hẳn anh đi, chọn lấy một kẻ xứng đáng trao thân gửi phận, may ra sau này sẽ không đến nỗi khổ nghèo hèn! Còn như đối với anh, duyên số hai ta chỉ còn đến đây là đoạn tuyệt! Em đùng nên quá câu nệ, nghĩ vẩn vơ mà chịu thiệt thòi cả một đời xuân trẻ tốt tươi! Thôi, anh nói thế đủ rồi, em đứng dậy về đi đừng bịn rịn dùng dằng nứa.

Lê Trọng Việt căn dặn vợ vừa xong, thì có một tốp lính vâng lịch Giám trảm quan, cầm roi đến xô đuổi Oanh Cơ ra ngoài. Nàng bèn đạt phịch đứa con thả xuống bãi cỏ, bỏ mặc nó khóc oe oe, thụp xuống lạy anh chồng hai lạy, rồi lạy chồng hai lạy, vừa lạy vừa khóc lóc rất thảm thương. Đoạn nàng bế cháu lại hôn bác, nâng con cho hôn cha, rồi bồng nó lủi thủi bước ra khỏi vùng cấm địa của pháp trường. Nàng đi mưới được vài bước đã nghe tiếng loa nổi dậy như một hiệu còi thảm thiết, bi ai, tiếp đến một tiếng trống trầm trầm và một tiếng chiêng lanh lánh. Tùng! Bi ly! Nàng ngoái đầu lại, hốt nhiên hoa mắt choáng váng, ngã gục trên thảm cỏ...

Thì ra mỗi tiếng loa, tiếng trống chiêng báo hiệu như thế là một mệnh lệnh khai đao. Đao phủ mặc áo chẽn đen, thắt dây lưng điều buộc thành tua ra phía tả múa may giữa đám tử tù, cứ mỗi lần nghe dứt tiếng chiêng sau cùng là hắn khoa thanh mã tấu đưa một linh hồn về chín suốI!... Bãi chân đồi núi Gôi ngày nay chỉ còn là một cảnh hiền lành phẳng lặng có ai hay nó đã làm sân khấu cho một tấn tuồng cực kỳ bi đát mà những vai đào kép bấy giờ đều đã khuất, chi còn lại sự tích thương tâm của họ, và hai mảnh hồn oan nghiệt phiêu phiêu tán tụ, thỉnh thoảng lại hiện lên chốc lát để kỷ niệm lại cho đỡ tiếc cuộc đời trai trẻ đầy hy vọng, một sớm mai chẳng may bị cắt đứt dưới lưỡi gươm tên đao phủ vô tình!

Hai cậu ấm chết rồi, chẳng mấy chốc Lê mẫu cũng buồn thảm mà chết theo, Oanh Cơ trước kia sống nghèo nàn cô độc nay củng lại sống nghèo nàn cô độc, cùng một đứa con th ấu và một đứa cháu vị thành niên. Bao nhiêu sản nghiệp trong nhà, lúc hai cậu ấm Lê bị tù tội, đã đem bỏ cả ra lo lót, thậm chí bán cả vườn cả ruộng mà gỡ cũng không xong! Những đơn từ và mọi công việc chạy chọt, bởi cớ cậu Nguyễn Đức Tiêu còn bé dại nên nhờ ơn thầy Thông ngôn coi sóc hộ từ trước đến sau. Thầy Thông ngôn thực quả là người quí hóa. Giữa khi trong nhà lâm biến, thầy một lòng tình nguyện đến đỡ đần dù khó nhọc thế nào cũng chẳng từ nan. Những buổi lấy khẩu cung ở giữa tòa, thầy đã cố ý bênh vực che chở cho hai anh em họ Lê, song quan trên nghiêm khắc quá, nên không tài gì làm giảm tội được chút nào! Kịp đến khi chồng nàng và anh chồng nàng bị hành hình rồi, thầy lại tự đứng lên giúp đỡ mọi việc ma chay tống táng rất là tươm tất.Thấy cô cháu Oanh Cơ lâm thế quẫn, nghèo nàn chả có tý gì thầy nhiều phen giúp tiền, giúp gạo, đối với gia đình nàng rõ ra một vị ân nhân hào hiệp. Thầy Thông không những chỉ phúc hậu, từ tâm, thầy còn là người đứng đắn nghiêm trang nữa; trước mặt một quả phụ trẻ đẹp như Oanh Cơ, không hề bao giờ thầy có một lời bờm xờm bợm bãi cả.

Mãi đến khi nàng hết tang chồng đã hơn một năm, lúc ấy thầy thấy gia đình nàng quẫn bách quá, mới sai mối lái lại hỏi nàng và đưa cho nàng một lá thơ đại ý như sau này:

"Tôi xem chùng cái thế bà không thể đứng một mình như thế này được mãi, vì cứ thế, bà lấy kế gì mà sinh nhai và nuôi hai cháu còn thở Như bà không có lòng tục huyền thì thôi, tôi không dám nói. Còn nếu bà liệu phải bước đi bước nữa bởi tình thế bó buộc thì tôi có một lời này tâm sự mong bà rộng lượng xét cho! Tôi đây cũng góa vợ đã lâu không có con; ở trong cảnh cô tịch quạnh hiu mãi lấy làm buồn lăm. Chi bằng có sự này là lưỡng toàn hơn cả: chúng ta cùng họp nhau lại để gây một gia đình tươi vui đằm thắm, tưởng nhừng kẻ nơi chín suối cũng hiểu tình thế mà tha thứ cho ta! Bà nghĩ thế nào?"

Thực ra Oanh Cơ cũng muốn thủ tiết với chồng cho trọn nghĩa ái ân và đền tấm ơn tri ngộ, nhưng trong buổi khốn khó này, nàng còn có đứa con thơ phải nuôi nấng gây dựng nên người cho khỏi phụ lòng kẻ khuất. Nàng là một phụ nhân hèn yếu, không có gia tư điền sản, cũng không nghề nghiệp sinh nhai, chả lẽ cứ ỷ lại mãi mãi vào lòng tốt của thầy Thông để cô cháu mẹ con được no thân lành áo? Vả lại, gia đình nàng thụ Ơn thầy Thông quá nặng, nay cũng là một dịp để đền đáp chút ơn ấy. Bởi thế nàng nhận lời gá nghĩa cùng thầy, mong rằng sẽ có thể tựa vào thầy được để gây dựng cho đứa con gái bé nên người tử tế. Nàng có lấy thầy chăng nữa, cũng chỉ là vì đứa con thơ, đứa cháu bé mà phải cải giá; chớ lòng nàng đã héo khô rồi, còn có ái tình đâu nữa? Ái tình của nàng nó đã theo cậu ấm Lê cùng xuống Tuyền đài, nàng không thể một đời yêu đến hai lần, nếu người đó không phải chàng thứ tử họ Lê sống lại...