Ý Nghĩa Chân Thực Của Không Bạo Lực

Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị tại Hội Nghị Thế Giới về Tình Thương Đối Với Muôn Loài tại Pune, Ấn Độ
Ngày 23 tháng 11, 1997 (Nguyên văn tiếng Anh)




Kính thưa quý vị Linh Mục, quý vị Minh Sư, quý Thầy, các nhân viên và viên chức cao cấp đại diện trong chính quyền Ấn Độ, xin cám ơn sự gia trì của quý vị.

Cám ơn quý vị đã kiên nhẫn đối với một người học trò ngoan như tôi. Vì chúng ta đã quen biết nhau ngày hôm qua và quý vị đã hài lòng với tôi, một học trò giỏi về triết lý của Ấn Độ, nên tôi đã hiện diện nơi đây một lần nữa, thể theo lời yêu cầu, qua sự ưu ái của những người trong ban tổ chức. Và hôm nay tôi xin làm một bài thi tường trình nữa để gửi đến quý vị, những vị thầy của tôi. Tôi hy vọng quý vị sẽ chấp nhận.

Như quý vị biết, khi dạy một người học trò nào, quý vị đều muốn biết kết quả coi người đó có hiểu những điều quý vị đã dạy hay chưa, và quý vị luôn luôn cho bài thi để đo lường sự tiến bộ của người đó. Cho nên, bây giờ, đây là bài báo cáo sự tiến bộ của tôi. Xin cho tôi điểm cao. Hôm nay tôi nói về lòng từ bi.


Không Bạo Lực Có Ba Chiều


Không bạo lực có ba chiều. Thứ nhất và rõ rệt nhất là chiều hướng về vật chất. Thứ hai là chiều hướng về tinh thần, kể cả tình cảm. Thứ ba là chiều hướng tâm linh. Như vậy không bạo lực, theo thiển kiến của tôi, không những có nghĩa là không sát sinh, không làm hại chúng sinh hay loài người, mà còn có nghĩa bảo vệ đời sống của họ. Không phải chỉ thụ động hay không làm - như là "Được, ta không giết, ta không la mắng, ta không làm thiệt hại thể xác," nhưng cũng phải bảo vệ, che chở nữa. Những điều này người Ấn Độ biết rõ phải làm sao rồi, nên tôi sẽ không dài dòng.

Chúng ta hãy nói về phần tinh thần. Điều thứ hai là khía cạnh tinh thần. Giả sử chúng ta làm hại một người nào đó, kể cả chính mình, về mặt tinh thần hay tình cảm, theo sự hiểu biết thiển cận của tôi, đó cũng là bạo lực. Đúng vậy. Cho nên, không bạo lực có nghĩa là chúng ta không cố tình làm đau lòng kẻ khác. Dĩ nhiên, không thể nào tránh được nếu chúng ta không hiểu lòng của người đó, điều này có thể tha thứ được. Khi nào tránh được thì chúng ta hãy cố tránh. Điều này có thể có lợi rất lâu dài. Thật ra, tất cả những giới luật trong Ấn Độ Giáo gồm năm hay mười điều răn, gồm có: Không sát sinh, không nói dối, không tà dâm, và không rượu chè, hút thuốc này nọ. Tôi nghĩ tất cả đều tựu chung ở chữ "Không bạo lực". Thí dụ, hút thuốc uống rượu sẽ làm người khác đau khổ và khiến họ buồn bã, lo lắng. Như vậy cũng là bạo lực.

Giả sử chúng ta lấy vợ của người khác, và không được người đó đồng ý, tôi không biết, vì tôi không chen vô chuyện riêng của người khác. Nhưng nếu không được sự đồng ý, chúng ta sẽ gây phiền não, đau khổ cho người hôn phối kia, rồi tới con cái và những người có quan hệ trong gia đình đó, họ sẽ bực tức và đau khổ về tinh thần. Cho nên, tôi nghĩ đó cũng là sự bạo lực. Vì thế triết lý Ấn Độ luôn luôn nhấn mạnh về không bạo lực. Đó là nói về phương diện tinh thần và tình cảm.

Về phương diện tâm linh, giả sử chúng ta không hiểu giáo lý của một bậc đại thánh thời xưa, và chúng ta cứ giảng nghĩa sai để thích hợp với mục đích riêng, với lợi ích cá nhân, có thể là về chính trị, tiền bạc, thanh danh, hay bất cứ điều gì. Đó cũng là bạo lực, vì chúng ta làm người khác chậm lại trong việc tu hành. Chúng ta làm họ giảm mất giá trị của chính họ, mất sự vẻ vang của họ đối với Thượng Đế, giảm bớt phẩm tính Thượng Đế bên trong họ. Đó là sự bạo lực trầm trọng nhất, theo ý kiến thiển cận, rất là thiển cận của tôi. Nếu sai, xin quý vị cho tôi biết. (Vỗ tay) Cám ơn. Ở Ấn Độ có một vị đại sư, tôi không nhớ tên, ông kể một chuyện vui như vầy: Có một hôm, ông hỏi học trò: bức tường trước mặt họ cao bao nhiêu. Mọi người nhanh tay viết xuống rồi đưa cho ông, nói rằng: "Nó cao khoảng 2 thước rưỡi." Ai cũng nói vào khoảng, chừng, cỡ. Vị thầy nói: "Ai trả lời cũng sai. Câu trả lời đúng là ậtôi không biếtđ." Như vậy mới đúng. Khi không biết, chúng ta nói là không biết. Khi biết thì chúng ta nói là biết, đó mới là biết.

Cho nên, những gì tôi học được từ những vị thánh vĩ đại thời xưa hay thời nay của Ấn Độ, những gì tôi hiểu thì tôi nói với người khác rằng tôi hiểu, tôi biết, và rồi tùy quý vị có thể nghe hoặc không nghe. Những gì khác không hiểu thì tôi nói "tôi phải tìm hiểu thêm, khi nào hiểu tôi sẽ trả lời." Rất là cẩn thận, vì tôi không muốn gây tội về phương diện tâm linh. Tôi nghĩ điều này tai hại hơn là tội về mặt tình cảm hay vật chất. Như vậy có đúng không quý vị? Đúng? Cám ơn quý vị.



Con Đường Tốt Nhất Để Câu Thông Với Thượng Đế Là Pháp Môn Nhấn Mạnh Về Ánh Sáng và Âm Thanh Bên Trong


Phần thứ nhất tôi làm xong rồi. Phần thứ hai là đời sống vui. Mọi tôn giáo đều nhấn mạnh rằng thiên đàng là tại đây, ngay lúc này. Nó có ngay bây giờ, nếu chúng ta biết, nếu chúng ta câu thông với Thượng Đế bên trong thì lúc nào chúng ta cũng vui vẻ. Thiên đàng ngay tại đây. Điều đó đúng, có thật. Niềm vui thật sự là như vậy, nếu chúng ta câu thông với Thượng Đế. Những vị thánh Ấn Độ luôn luôn nói như vậy: "Hãy hướng nội, thiền bên trong." Quý vị có thể thiền quán về một câu chú nào đó, có thể thiền quán về danh hiệu Thượng Đế, có thể hôn hòn đá, hay hôn cây cỏ, làm bất cứ điều gì để được câu thông với Thượng Đế. Làm sao cũng được. Ngài không bảo quý vị phải làm một việc gì đặc biệt. Nhưng qua sự tìm hiểu của tôi, qua tấm lòng khao khát trí huệ của tôi - tôi đã đi khắp mọi nơi, học với nhiều thầy - tôi đã khám phá ra rằng những phương pháp mà các vị thánh Ấn Độ thời xưa và thời nay truyền xuống là tốt nhất. Phương pháp này nhấn mạnh về ánh sáng và âm thanh nội tại, là pháp mau lẹ nhất. Nếu quý vị thiền quán về đủ mọi câu chú hoặc tập trung vào những thứ khác, quý vị cũng sẽ thấy ánh sáng và âm thanh. Nhưng nếu gặp được một vị minh sư có thể truyền cho quý vị một cách trực tiếp, mở cửa ra một cách nhanh chóng, quý vị sẽ thấy nó ngay lập tức. Không cần phải cố gắng nhiều quá. Từ đó về sau quý vị cứ tiếp tục hoài. Đó là những gì tôi đã may mắn được truyền. Tôi chỉ thuật lại cho quý vị, dầu sao quý vị cũng đã biết rồi.

Sau đó chúng ta được chọn. Luôn luôn được chọn, nhưng chỉ chọn những điều phải, những điều cao thượng; chọn nhưng không làm đau lòng người khác, chọn nhưng không làm người khác thiệt thòi, chọn chung thủy với vợ, với chồng; và thật tình biết người hôn phối của mình là Thượng Đế và biết làm kẻ khác đau khổ tức là làm mình khổ đau; vì quý vị chọn biết Thượng Đế, là biết rằng quý vị phải cư xử như Thượng Đế. Thầy tôi đã dạy tôi như vậy. Tôi đã kinh nghiệm những điều đó qua cuộc hành trình khiêm tốn đi tìm Chân Lý của tôi. Đàn ông, đàn bà khác với thú vật. Thú vật chỉ ăn, ngủ, và làm chuyện sinh lý. Chúng không biết đạo đức, bổn phận. Có thể chúng có tình yêu lứa đôi, có những con như vậy, rất chung thủy. Nhưng nhiều thú vật không giống như đàn ông, đàn bà; chúng không biết gì về Thượng Đế. Tất cả chúng ta là Thượng Đế, như chúng ta đây, các vị đại đức, mục sư, và các vị diễn giả đáng kính khác. Chúng ta đều có Thượng Đế bên trong, tất cả chúng ta là Thượng Đế, ngay cả đá sỏi cũng có. Nhưng mỗi loài được ban cho mỗi đẳng cấp hiểu biết khác nhau, và loài người là cao nhất. Cho nên con người cư xử giống như Thượng Đế, thú vật thì không. Chúng ta là loài người, cho nên chúng ta khác rất nhiều - chúng ta có tình thương.

Tình dục đi đôi với tình thương khác với tình dục chỉ vì hưởng thụ, theo thiển ý của tôi. Bởi vì Thượng Đế là sự hỷ lạc, là tình thương. Nhưng Thượng Đế không làm đau lòng kẻ khác. Giả sử chúng ta ăn nằm với vợ hay chồng của người khác vì muốn hưởng thụ về thể xác; đối với Thượng Đế không sao. Thượng Đế không phán xét chúng ta, nhưng còn người kia thì sao? Chúng ta đã làm đau lòng họ, chúng ta không muốn như vậy. Là Thượng Đế, chúng ta muốn tiêu biểu cho những tư tưởng cao thượng nhất của sự thánh thiện, vì thế chúng ta chọn sống cho phải đạo. Chúng ta sống cuộc đời từ bi. Chúng ta chọn như vậy vì biết chúng ta là Thượng Đế, chứ không phải là Thượng Đế sẽ phán xét chúng ta. Dĩ nhiên quý vị có thể làm bất cứ gì mình muốn; quý vị có thể lấy năm mươi bà vợ, năm mươi ông chồng. Thượng Đế sẽ không bao giờ nói gì cả, nhưng chúng ta muốn tiêu biểu Thượng Đế như vậy sao? Tôi không nghĩ vậy.

Tình thương ở đẳng cấp cao hơn là tình thương đối với tất cả loài người. Quý vị có thể thương năm mươi người đàn bà, có thể thương năm trăm người, có thể thương mười lăm triệu giải ngân hà đầy chúng sinh, nhưng điều đó khác với tình thương cá nhân. Có hai trình độ: riêng và chung. Về phần riêng tư, chúng ta phải chăm sóc cho gia đình, thương yêu chồng, vợ và con cái, và hết lòng làm tròn bổn phận của chúng ta. Đó là phần riêng. Về phần chung, chúng ta phải phụng sự cho loài người bằng tình thương rất, rất là không phân biệt và vô điều kiện. Đó là điều mà các thánh nhân ở Ấn Độ, hàng ngàn năm nay, từ khi thế giới thành hình, đã dạy và làm gương cho chúng ta. Những thánh nhân là hiện thân của tình thương và lòng hy sinh vô điều kiện. Họ không bao giờ dạy chúng ta làm hại những chúng sinh khác, trong tinh thần từ-bi. Đó là ba cấp bậc của sự từ-bi. Mặt khác, Thượng Đế dĩ nhiên là cho chúng ta tự do chọn lựa.


Phải Giữ Mình Cao Thượng và Trong Sạch


Còn một điểm nữa mà tôi vừa mới nhận thấy từ những diễn giả lúc nãy. Họ đều nói chúng ta nên sống phải đạo - tất cả những vị diễn giả đáng kính này đây. Tại sao phải làm như vậy? Nếu Thượng Đế không phán xét chúng ta, nếu Thượng Đế không có tâm phân biệt, thì quý vị muốn làm gì thì làm, điều đó đúng. Có lẽ quý vị chỉ biết có cuộc đời này thôi, tại sao lại phải lo làm chuyện đạo đức, có bổn phận thương yêu, phải chung thủy, thương yêu, tử tế? Hưởng thụ thì tốt, nhưng phải hưởng thụ trong một đường lối cao thượng, chứ không phải đường lối của thú vật. Những nhà tu hành dạy chúng ta như vậy. Chúng ta có thể làm bất cứ gì mình muốn rồi tự hạ phẩm giá chính mình xuống trình độ của loài thú; đó là quyền tuyệt đối của chúng ta. Nhưng chúng ta có muốn sống như thế không? Tôi không nghĩ những nhà tu hành Ấn Độ lại dạy chúng ta như vậy. Tôi nói đúng không? (Thính giả gật đầu tán đồng). Cám ơn quý vị.

Còn một điểm nữa về vấn đề tại sao chúng ta phải giữ mình cao thượng và trong sạch. Bởi vì người khác có thể thấy chúng ta - những người tiên tri, nhà tu hành, và những người tâm hồn trong sạch có thể thấy hào quang phát ra từ chúng ta. Nếu làm điều đúng, là chúng ta ngộ được Thượng Đế, chúng ta thương Thượng Đế và đồng thể với Thượng Đế, chúng ta phát ra hào quang màu vàng kim, rất sáng. Nếu làm điều sai quấy - khiến người khác đau khổ về thể xác, tinh thần, tình cảm hay tâm linh - chúng ta phát ra hào quang màu cà phê. Người khác có thể thấy, thành ra không thể đánh lừa được. Do đó chúng ta phải giữ mình đẹp. Giống tôi. (Cười và vỗ tay)

Tôi không biết hào quang của tôi như thế nào, nên tôi phải cố gắng làm cho nó vàng với những áo thêu Ấn Độ. Tôi không quen mặc bộ y phục này lắm, nhưng tôi cố mặc. Vì thế tôi mới tới đây trễ; xin quý vị tha lỗi. Tôi phải đi đứng cho giống một người đẹp...

Bên ngoài, chúng ta trang điểm, thắt ca vát, mặc đẹp nhiều bao nhiêu, tiêu biểu cho Thượng Đế để thế giới nhìn, thì bên trong, chúng ta cũng phải trang điểm, mặc bộ y phục thanh bạch, đạo đức và tình thương cao cả, thì mới có thể biểu hiệu Thượng Đế thật sự đang ngự trong chúng ta.

Cám ơn rất nhiều sự kiên nhẫn của quý vị. (Vỗ tay) Trả bài xong. Xin cho tôi mười điểm!