Nhận Thức Thượng Đế Tính Trong Chúng Ta

Thanh Hải Vô Thượng Sư thuyết pháp tại
Đại Học Irvine, CA. Mỹ Quốc
Ngày 2 tháng 6, 1998 (Nguyên văn tiếng Anh, không cắt xén)




Những Câu Hỏi Khó Từ Ngàn Xưa


Chúng ta phải bắt đầu một chỗ nào đó và cuộc sống của chúng ta đã khởi sự từ lâu lắm rồi. Đó là câu hỏi duy nhất mà chúng ta không thể trả lời, cho hầu hết chúng ta, cho nhiều người trong chúng ta. Những việc khác, chúng ta có đủ thông minh để hiểu. Chúng ta học hỏi từ sách vở, có thể thử trong phòng thí nghiệm, có thể dùng chất hóa học hoặc kiến thức khoa học để giải đáp, trả lời. Nhưng câu trả lời cho câu hỏi duy nhất, khó nhất đó là: "Chúng ta từ đâu tới?" Một câu hỏi khác cũng khó như vậy là: "Chúng ta sẽ đi về đâu sau cuộc đời này?" Đối với nhiều người thì rõ ràng đời sống không phải kết thúc trong quan tài. Chúng ta biết nhưng không thể chứng minh. Đối với nhiều bậc thánh nhân đầy trí huệ từ ngàn xưa thì những câu hỏi này rất giản dị. Họ biết họ từ đâu đến, và họ biết họ sẽ đi về đâu. Đối với họ, câu hỏi về cái chết không có gì đáng quan tâm hay đáng kinh sợ cả, vì như lời của các thánh nhân trong Thánh Kinh, đã nói rằng: "Tôi chết mỗi ngày."

"Chết mỗi ngày" có nghĩa là gì? Khi chúng ta hướng nội để bước vào Thiên Quốc, đó là lúc chúng ta chết. Chúng ta chết một thời gian ngắn rồi sống lại. Cho nên việc tái sanh này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong đời sống thường ngày, nếu chúng ta theo tiến trình của Chúa Giê Su, của những vị thánh nhân thời xưa. Khi chết một lần hoặc mỗi ngày như vậy, chúng ta biết là có đời sống khác, có thế giới khác ngoài thế giới vật chất này. Lúc đó chúng ta tha hồ rong chơi vòng quanh vũ trụ, thám hiểm những bí ẩn trong giải ngân hà. Chúng ta biết cái chết không có gì là quan trọng, mà thật sự biết rằng mình không bao giờ chết. Chúng ta cũng biết rằng ngay cả thể xác mình cũng không có. Nghe thì thấy lạ lùng, nhưng đó là sự thật.

Vì thế, khi Chúa Giê Su bị đóng đinh trên thánh giá, Ngài không sợ hãi, không khóc lóc, không năn nỉ để được sống, không bỏ chạy. Ngài cũng có thể làm như vậy, nhưng Ngài không muốn làm, không cần phải làm. Ngài hằng thuận tất cả, chiều theo Thánh ý. Bởi vì Ngài biết mình sắp sửa đi đâu, luôn luôn biết. Ngài biết không có điều gì gọi là chết hay đau khổ. Nỗi đau khổ thật sự là khi chúng ta không biết mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Vì đã biết rồi, nên Chúa Giê Su không tìm kiếm sự dễ chịu về thể xác, không sợ cái chết và Ngài ra đi. Bởi vì Ngài biết rằng dầu sao đi nữa Ngài cũng đã luôn luôn ở nơi đó rồi. Và chỉ có thể xác là bị hư thối theo cái nhìn của người phàm phu. Nhưng trong trí huệ của Chúa Giê Su, thậm chí không có cái gì gọi là nhục thể cả.


Điều này rất khó chứng minh trừ phi chúng ta theo cùng một con đường như những bậc Đại Sư đã qua, như Đức Phật, Chúa Giê Su. Họ đã đi cùng một con đường. Vì thế họ dạy cùng một thứ, mặc dù chúng ta đặt tên là Đạo Phật, Đạo Cơ Đốc Giáo, đặt ra quá nhiều danh hiệu, chia Chân Lý ra hai loại khác nhau, làm lộn xộn. Nhưng thật ra, các Minh Sư luôn luôn dạy cùng một thứ. Nếu chúng ta cắt bỏ sợi dây buộc và tờ giấy gói bên ngoài, bỏ phương cách khác nhau mà các Minh Sư xử dụng tùy theo khả năng, tài ăn nói của từng người, thì nó giống như nhau. Nhất là sau khi đã khai ngộ, theo cùng một con đường, tu cùng một thứ, chúng ta sẽ biết nó giống hệt như nhau, vì cả hai đều đi cùng một lối. Giả sử tất cả chúng ta tới đây, trong hội trường này và ngồi đây một hồi, sau đó đi ra. Tất cả chúng ta lúc đó sẽ tả cùng một căn phòng đó. Không có sự khác biệt.


Khai Ngộ Là Trạng Thái Tự Nhiên Của Chúng Ta


Khai ngộ là gì mà nhiều người đã khiến nó quá ư huyền bí, ca tụng nó rất nhiều, và khuyến khích chúng ta tiến tới để nhận nó lại như vậy? Cái đó không phải là sự khai ngộ gì hết, mà chỉ là Chân Lý, là đường lối phải nên như vậy. Nó là vậy đó. Nếu không biết khai ngộ, chúng ta sẽ tiếp tục đau khổ rất nhiều, cho tới khi nào nhận thức được rằng mọi thứ khác đều không quan trọng, ngoại trừ nhận biết Thượng Đế. Khi chúng ta bắt đầu muốn biết Thượng Đế, Ngài sẽ gửi người nào đó, một người bạn, một anh em đã có kinh nghiệm rồi, chỉ chúng ta biết phải làm gì. Sau khi biết phải làm gì, đó là lúc khai ngộ. Có thể chúng ta không khai ngộ nhiều, ngay lập tức, như Đức Phật, Chúa Giê Su. Nhưng chúng ta khai ngộ đôi chút. Rồi ngày này qua ngày khác, tiếp tục tu hành, chúng ta cũng sẽ trở thành vĩ đại y như vậy. Lúc đó chúng ta hiểu lời chúa Giê Su: "Những gì ta làm, các con có thể làm hay hơn, hoặc các con cũng làm được như vậy." Và "Ta và Cha Ta là một." Chúng ta sẽ hiểu rằng tất cả chúng ta đều là con cái của Thượng Đế, hiểu rằng mình là ngôi giáo đường của Thượng Đế và chỉ có Đức Thánh Thần ngự trong chúng ta.

Nếu Thượng Đế ngự trong chúng ta, vậy chúng ta là gì? Là Thượng Đế! Nếu chỉ có đây là căn nhà, và Thượng Đế sống ở trong. Như vậy còn ai khác trong đó? Có thể nào ta và Thượng Đế sống cùng một nhà? Ngài không nói rằng ta và Thượng Đế sống trong đó. Mà nói rằng: "Ta và Cha Ta là một." Và nếu Ta và Cha Ta là một, thì tại sao chúng ta không biết Ngài? Nếu Đức Thánh Thần ngự trong giáo đường này, trong nhục thể này, ngôi chùa duy nhất này, và Thượng Đế là người duy nhất ngự ở trong, vậy thì ai ở trong đó? Chỉ có một người, chỉ có Thượng Đế!

Trước kia, đôi khi điều này đã khiến tôi khóc. Tôi nói: "Nếu tôi là Thượng Đế, tại sao tôi hèn mọn như vầy? Tại sao tôi lại yếu đuối như vầy? Tại sao tôi lại nhỏ bé như vầy? Tại sao tôi vô minh như vầy, đau khổ như vầy? Quê Hương tôi ở đâu?" Đó là lúc chúng ta bắt đầu tự hỏi làm cách nào để phục hồi sự vinh quang đó. Đó là lúc sự khai ngộ đang từ từ tiến về chúng ta, hoặc chúng ta đang bò dần đến sự khai ngộ, hoặc có thể chạy, hoặc bay. Tùy theo, có người bay, có người đi bộ, có người đi xe lửa. Vì thế, trong lúc gọi là truyền Tâm Ấn, có người khai ngộ nhiều hơn, có người khai ngộ ít hơn. Vì đôi khi chúng ta chọn đi nhanh hơn, chọn đi chậm hơn.

Chọn bằng cách nào? Chúng ta chọn trước khi sinh ra đời, chọn trước khi con tạo bắt đầu đóng vai trò của chúng ta trong thế giới vật chất này, hay bất cứ nơi nào trong vũ trụ. Chúng ta lan ra khắp mọi nơi. Chúng ta là một và rồi trở thành nhiều bao nhiêu cũng được tùy theo ý muốn của Thượng Đế. Chúng ta chia xẻ một phần kế hoạch to lớn của tạo hóa, để chơi thảm kịch muôn màu của cuộc đời. Rồi bây giờ khi thời điểm tới, vai trò của chúng ta đã xong, không cần nữa, hoặc chúng ta đã mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi, muốn về nhà. Những người khác, hay những linh hồn khác sẽ tiếp tục vai trò của chúng ta, sẽ tiếp nối, rồi chúng ta bắt đầu về nhà. Đó là lúc khai ngộ xảy ra. Rất giản dị. Chúng ta là Thượng Đế. Chúng ta chọn bị vô minh để chơi thảm kịch cuộc đời, để tạo vật có được nhiều màu sắc, sống động, được khác nhau, có nhiều loại, cho vui, và cũng để biết chúng ta thật sự là ai. Trên thiên đàng, chỉ có Thượng Đế, không gì khác. Vì là Thượng Đế nên chúng ta không biết Thượng Đế. Cho nên phải là cái gì khác với Thượng Đế. Thành ra chúng ta đã chọn tới đây, chọn khác với Thượng Đế, để có thể nhìn, so sánh và biết rằng chúng ta là Thượng Đế.

Khai ngộ là mục đích của mọi người khi đến vũ trụ vật chất này, vì muốn biết Thượng Đế. Cho nên chúng ta đã chọn đóng vai trò vô minh này, để có thể thật sự nhận ra Thượng Đế, nhận ra chính mình. Giống như, nếu ở đời chỉ có đàn ông, chúng ta sẽ không biết sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà; không biết mình là đàn ông, trừ khi có đàn bà. Nếu không có đêm, chúng ta sẽ không nhận ra ngày. Nếu lúc nào cũng sống trong ánh sáng mặt trời, chúng ta sẽ không biết tối là gì. Đó là câu trả lời mà tôi đã tự tìm ra. Nhưng muốn tìm thấy ý nghĩa thật sự của nó, nhận thức được ý nghĩa thật sự, mỗi người phải kiếm cách tìm ra cho chính mình. Không phải chỉ bằng cách nghe nói, lắng nghe người khác, và nói rằng chúng ta biết mình là Thượng Đế. Mặc dầu chúng ta tin vào Thánh Kinh, nhưng trong lúc đó, chúng ta vẫn không biết mình là Thượng Đế, hay là có biết? Quý vị có biết quý vị là Thượng Đế không?

Tôi đoán, có người biết, vì quý vị đã khai ngộ. Có người đã học những minh sư khác, thầy khác, dĩ nhiên nhận thức một phần nào rằng mình không phải chỉ là cái thân thể này, hoàn toàn không phải là nhục thể này.

Đôi khi trong lúc nhập định, quý vị thấy thân thể không còn nữa. Biết rằng quý vị hiện hữu, nhưng thân thể thì không. Quý vị không thấy có thân thể nào cả, không thấy có một dấu vết gì là thể chất, cái được gọi là thịt, xương, thân xác, tóc hay bất cứ cái gì. Tất cả đều là ánh sáng. Tất cả là Thượng Đế. Đó là lúc chúng ta thật sự ngộ ra rằng mình là Thượng Đế, rằng chỉ có Thượng Đế ngự trong ngôi chùa này, và cuối cùng, cả ngôi chùa cũng biến mất luôn. Chỉ có sự nhận thức này mới khiến cho chúng ta được hạnh phúc, hạnh phúc thật sự. Nếu không, dù đọc nhiều kinh sách bao nhiêu, dù những vị minh sư khác có bảo rằng chúng ta là Thượng Đế bao lần, chúng ta cũng không bao giờ tin, sẽ không bao giờ biết rằng mình thật sự là con cái Thượng Đế hay Thiên Quốc ở trong quý vị.

Chúng ta đọc Kinh Thánh mỗi ngày, thuộc lòng Kinh sách, có thể nhắc lại được từ trang đầu tới câu cuối cùng, nhưng chúng ta vẫn không biết Thượng Đế. Mỗi ngày chúng ta cầu Thượng Đế - một vị Thượng Đế mình không hề hay biết - trả lời câu hỏi, làm thỏa mãn lời yêu cầu, đáp lại những nguyện ước của mình. Và trong lúc ấy chúng ta lại chính là cái đó, là người mà mình đang cầu nguyện. Đôi khi chúng ta tức giận Thượng Đế, vì nghĩ rằng Thượng Đế đã không phúc đáp, không thỏa mãn lời yêu cầu của mình. Nhưng chỉ khi nào biết mình là Thượng Đế, chúng ta mới thôi trách móc. Thậm chí cũng không cần cầu nguyện nữa. Nghĩ gì là được cái đó. Muốn gì là được thứ đó. Nhưng chúng ta sẽ không muốn nữa.

Lúc đó chúng ta mới có thể nói rằng Đức Chúa là người hướng đạo của ta. Ta sẽ không muốn. Bởi vì chúng ta đã thỏa mãn quá rồi. Dù lái xe Mercedes, hay xe đạp, hay đi bộ, chúng ta cũng rất sung sướng, đầy đủ quá rồi. Bên trong chúng ta giàu có tới nỗi không một điều gì có thể khiến cho mình buồn bực được nữa. Dù làm vua hay một kẻ ăn xin, chúng ta cũng sung sướng. Trong bất cứ tình trạng nào cũng sung sướng như nhau. Vì chúng ta thật sự biết hạnh phúc. Lúc đó, hạnh phúc là chúng ta. Đó là cái mà sự khai ngộ sẽ mang lại. Chúng ta không nên nghe theo giả thuyết, mà phải thể nghiệm, hiểu biết, nhận thức, thấy được. Nếu không, chúng ta không thể hiểu được nhiều thứ mà mình muốn hiểu. Nếu không, chúng ta sẽ cứ tiếp tục hiểu lầm nhau và chịu đau khổ rất nhiều trong quan hệ tình cảm cá nhân, trong nghề nghiệp, hay trong quan hệ yêu thương đối với Thượng Đế. Chúng ta sẽ không thật sự hiểu biết, không có tình thương phi thường để có thể tha thứ kẻ thù. Bởi vì lúc đó, chúng ta sẽ nhận thấy rằng không có kẻ thù.

Chúng ta đọc rất nhiều trong kinh sách, như là phải tha thứ kẻ thù, thương yêu hàng xóm. Nhưng không bao giờ hiểu tại sao, cho tới khi chúng ta thật sự nhận thức được chúng ta là gì hoặc chúng ta là ai. Lúc đó không cần giải thích gì nữa cả. Tình thương trong chúng ta tự nhiên phát ra, ánh sáng tự nhiên bao trùm chung quanh chúng ta. Chúng ta trở thành cái đó, trở thành tình thương, thành ánh sáng, thành những gì chúng ta luôn luôn muốn thành, những gì mà chúng ta luôn luôn cầu nguyện. Chúng ta trở thành như Thượng Đế vậy. Vì thế Minh Sư như Chúa Giê Su, chúng ta thờ phụng, vì Ngài giống như Thượng Đế. Vì thế đức Phật, mọi người yêu chuộng, vì Ngài giống như Thượng Đế. Ngài là tất cả những gì mà chúng ta tưởng tượng là Thượng Đế. Nhưng điều đó chúng ta cũng trở thành được. Chúa Giê Su đã nói như vậy, và chúng ta phải tin Ngài. Không có lý do gì mà Ngài phải nói dối chúng ta cả. Ngài không lấy tiền bạc của ai, không xây nhà thờ, lúc đó ngay cả nhà ở cũng không xây. Ngài đi bộ, không có của cải gì. Không có lý do gì mà Ngài phải nói dối bất cứ một linh hồn nào trên trái đất này. Ngài nói rằng: "Những gì Ta làm được, các ngươi cũng làm được. Tất cả các ngươi đều là con cái Thượng Đế." Ngài nói như vậy và chúng ta phải tin. Bây giờ, việc duy nhất của chúng ta là ngộ được điều Ngài đã nói, chứng minh cho chính mình. Bởi Ngài đã hứa như vậy rồi, chúng ta phải tìm cách. Làm sao nhận thức được những lời hứa này. Đó là ý nghĩa của sự khai ngộ. Rất giản dị.


May Mắn Cho Những Ai Đã Tìm Được Chân Lý


Khai ngộ đã có trong chúng ta rồi. Thiên Quốc ở trong chúng ta. Thiên Quốc đang ở trong tầm tay. Trong tầm tay có nghĩa là chúng ta luôn luôn có thể lấy được. Nó không xa, chỉ cần biết cách. Những minh sư quá khứ đã qua đời, nhưng giáo lý của họ, dòng dõi khai ngộ của họ vẫn luôn luôn hiện hữu tại một nơi nào đó, một cách nào đó. Nó không cần phải tồn tại ở Jerusalem. Không cần phải tồn tại ở Bodh Gaya, Ấn Độ. Nó đi sâu vào lòng đất của sự hiện hữu như giòng sông, chảy đi khắp nơi, chia làm nhiều nhánh. Nó ẩn tàng ở một nơi nào đó, rồi một nơi khác lại bất ngờ trồi lên. Cho nên chúng ta phải kiếm coi giòng sông đó bây giờ đang trồi lên ở chỗ nào, và đến nguồn nước cam lồ ấy. May mắn cho những ai đã biết giòng sông đó trồi lên ở đâu, sau khi ẩn sâu dưới lòng đất hoặc chảy đến những ngõ ngách của địa cầu.

Giáo lý Minh Sư thời xưa cũng tương tự như vậy. Nó không biến mất. Khi nào sẵn sàng, chúng ta sẽ tìm lại giòng sông đó. Qua một người bạn, một người quen, đôi khi nhờ một sự thay đổi ngộ nghĩnh, một sự ngẫu nhiên kỳ lạ, chúng ta tìm lại được giòng giáo lý ấy. Có khi rất dễ như tìm trong siêu thị. Có khi khó hơn, phải đi Hy Mã Lạp Sơn. Có khi gặp nó trong thư viện hay trong một tiệm kẹo. Không biết được. Đường lối Thượng Đế làm việc vô cùng huyền bí, nhưng luôn luôn lợi ích cho chúng ta. Không phải tất cả chúng ta đều phải đi Hy Mã Lạp Sơn hay một nơi nào vô cùng xa xôi để tìm sự khai ngộ. Thượng Đế an bày mỗi người mỗi khác, tùy theo sự ước muốn, lòng thành tâm của chúng ta. Tùy vào định mệnh ghi sẵn trong quyển sách của vũ trụ, chúng ta có thể gặp một cơ hội khai ngộ ở đây hoặc ở một nơi khác.

Tôi cũng may mắn gặp được giòng sông mới trồi lên, tôi cũng đã uống nước cam lồ, và nó rất ngon. Tôi biết nó ngon vì tôi đã uống thử. Cho nên tôi trở lại nói cho quý vị biết. Tôi cũng có thể chỉ cho quý vị biết chỗ nào lấy nước và tự mình uống thử (Vỗ tay). Tình cờ tôi đã tìm thấy nó trước quý vị. Quý vị cũng có thể là người ngồi đây và nói với tôi. Nhưng Thượng Đế muốn như vầy. Ngài chọn một người đàn bà nhỏ con, di chuyển dễ dàng, (Sư Phụ và mọi người cười), vật nhỏ cho đường dài. Tôi rất dễ len lỏi để tìm giòng sông cho quý vị. Cho nên đừng hỏi tại sao lại "tôi"? Tôi cũng không biết nữa (Sư Phụ cười). Người nào đó phải khám phá ra một cái gì đó, bằng cách nào đó, một chỗ nào đó, vào một lúc nào đó. Mọi người không cần phải khám phá ra cùng một thứ trong cùng một lúc. Như Einstein, có được lý thuyết của ông, và là người duy nhất. Hoặc Newton chẳng hạn, một người là đủ rồi, và ông có thể chia sẻ sự hiểu biết của mình cho toàn thế giới, và cả thế giới được lợi. Cho nên không nhất thiết là phải có hai Einstein hoặc hai Newton, và nếu có hai mặt trời thì chắc là nhiều quá, nóng quá. Ở California mùa hè rất nóng, nếu có hai mặt trời thì quá dư, quá nhiều. Thành ra một mặt trời là đủ. Cho nên, tôi đến đây, từ xa tới, mang tin này đến cho quý vị. Nếu quý vị nhận, nếu muốn tìm hiểu, chúng tôi rất sẵn lòng chia sẻ với quý vị. Không tốn tiền, không thù lao, không một ràng buộc nào. (Sư Phụ cười) Không có trước, sau và ở giữa. Nó là vậy đó, giản dị thôi. (Vỗ tay)

Lâu lắm rồi tôi không ra trước công chúng như vầy. Tôi có ra, nhưng chỉ trong giới đồng tu. Tôi không ra hẳn trước quần chúng như vầy, nên cũng giảm đi tài ăn nói, tôi đoán vậy. Nhưng nó giản dị quá, đôi khi tôi thấy không cần phải nói, dường như quý vị cũng hiểu, ai cũng biết, vì quý vị là Thượng Đế. Tôi ngồi đây nhìn những vị Phật Bồ Tát. Vì thế tôi vô cùng sung sướng (Sư Phụ cười) Không cần phải nói. Nhưng nếu quý vị có câu hỏi, có lẽ tôi có cơ hội giải thích rộng rãi hơn cho những người khác cùng hiểu. Vậy, quý vị cứ hỏi tự nhiên, hoặc có thể chia sẻ với tôi sự hiểu biết của quý vị cũng được.


Phần Vấn Đáp


Xướng Ngôn Viên: Chúng tôi vô cùng hân hạnh có được một vị Minh Sư khai ngộ để đặt câu hỏi và được những câu trả lời chân thực. Sư Phụ là một người hiểu biết Chân Lý, và tôi, một sinh viên tốt nghiệp đại học Irvine này, rất lấy làm vinh dự được một vị Minh Sư đến trường của chúng tôi.

Câu hỏi thứ nhất: Xin Sư Phụ giải thích về nguồn gốc của Pháp môn Quán Âm và làm cách nào để tu?


Đ: Như tôi đã nói hồi nãy, nó từ Thượng Đế mà ra, chỉ có trời mới biết lúc nào, từ rất xa xưa, từ khi sự sáng tạo mới bắt đầu. Từ khi chúng ta bắt đầu đóng vở kịch của cuộc đời, Thượng Đế đã ban cho cách này để chúng ta trở lại với Ngài. Đó là lúc nó khởi sự có. Cách tu, tôi sẽ giải thích sau này, nếu quý vị muốn biết chi tiết hơn, nếu ở lại đây. Vì cần phải được giải thích cặn kẽ, khi về nhà sẽ không bị lộn xộn nếu không có tôi. Quý vị chỉ cần biết một lần và vĩnh viễn. Như vậy sẽ không bao giờ quên. Quý vị có thể làm một mình ở nhà, dù vị thầy còn sống hay chết, ở đây hay ở kia, hay không bao giờ gặp lại. Cho nên chúng ta phải học cho cẩn thận. Không lâu lắm, giải thích tất cả vào khoảng hai tiếng đồng hồ nhưng cho cả đời. Ở đây không có nhiều thời giờ, tôi chỉ nói vắn tắt rằng Pháp Môn Quán Âm không hẳn là một pháp môn, mà là lực lượng nội tại đã sẵn có; đó là lực lượng Thượng Đế để chứng minh cho chúng ta biết mình là Thượng Đế. Vì chúng ta có lực lượng Thượng Đế đó, nên lúc được truyền Tâm Ấn, Minh Sư chỉ giúp quý vị nhớ lại. Quý vị sẽ nhớ và nhớ ngay lập tức, lúc đó sẽ cảm thấy được. Quý vị sẽ cảm thấy lực lượng ấy, đôi khi nó làm quý vị run. Nhưng về sau sẽ bình tĩnh lại và biết mình là Thượng Đế. Mới đầu có thể rất thích thú, nhưng về sau thấy cũng được, đâu có gì đâu? Ai cũng là Thượng Đế, không có gì quan trọng cả. (Cười)


V: Tại sao cần phải rửa nghiệp chướng quá khứ?


Đ: Nếu muốn tiếp tục sống ở đây thì không cần. Nhưng nếu muốn trở về nơi chốn của chúng ta, thì cần phải trả hết nợ nần, hoặc bằng cách chịu đựng đau khổ hay bằng thuốc khai ngộ. Một khi khai ngộ rồi, nghiệp quá khứ được xóa sạch, nhưng nghiệp hiện tại vẫn còn đó. Nghiệp tương lai không có, nhờ vậy chúng ta được tự do trở về Thiên Quốc. Cái cầm giữ chúng ta ở lại đây là nghiệp quá khứ tồn kho.

Nghiệp chướng nghĩa là gì? Theo tiếng Phạn nghĩa là nhân quả, chỉ sự "gieo nhân nào thì gặt quả đó" như trong Kinh Thánh. Chúng ta đã gieo quá nhiều, quá nhiều những hành động tốt, xấu từ hàng vạn thế kỷ, từ lúc ban đầu. Vì thế chúng ta tiếp tục hiện hữu nơi đây, vì cứ vay trả, trả vay hoài. Luôn luôn trở lại, rồi trở lại để trả nợ kiếp trước. Cho nên muốn sạch nợ và thoát khỏi những ràng buộc, chúng ta phải rửa hết nghiệp quá khứ. Cách duy nhất có thể rửa nghiệp quá khứ một lần rồi hết luôn là sự khai ngộ. Khi khai ngộ rồi thì quá khứ ra đi. Giống như khi bật đèn lên, dù trong phòng bị bóng tối bao trùm bao nhiêu ngàn năm đi nữa, trong khoảnh khắc nó biến mất. Không còn cách nào khác có thể rửa sạch nghiệp chướng quá khứ, vì có quá nhiều. Quá nhiều! Vì vậy khai ngộ rất cần thiết.


V: Kính thưa Sư Phụ, tôi rất thương Ngài. Tôi xin hỏi về sự nghiên cứu thú vật, Ngài nghĩ thế nào về việc này? Ngài có thấy rằng nghiên cứu thú vật là vô đạo đức không?


Đ: Quý vị muốn nói về mục đích y học, thí nghiệm trên thú vật trước? Ai vậy? (Người viết câu hỏi này không đứng ra giải thích câu hỏi.) Quý vị muốn tôi nói sao đây? Muốn tôi làm mất lòng tới cả hệ thống y học hay sao? Và họ sẽ giết tôi hả? (Cười) Có người cho rằng làm thí nghiệm trên thú vật để giúp loài người là một việc cần thiết. Nếu chủ ý tốt, chúng ta không có quyền phán đoán người nào. Nhưng từ quan điểm thú vật mà nói thì việc đó rất, rất là tàn nhẫn, vô lương tâm. Ước gì chúng ta không phải làm những việc đó. Ước gì tất cả chúng ta được khai ngộ và chữa bịnh cho chính mình từ bên trong ra. (Vỗ tay)


V: Tôi có linh hồn không? Nếu không có làm sao đầu thai lại được?


Đ: Kinh Thánh nói là quý vị có linh hồn, cho nên quý vị chắc hẳn là có linh hồn. (Sư Phụ cười) Thật ra khi đầu thai, không phải là linh hồn đầu thai. Linh hồn mãi mãi sống. Nó không chết, không sống, không đầu thai, mà là kinh nghiệm cuộc sống, là tiến trình giao hợp giữa thể xác và tâm linh khi chúng ta thử nghiệm cái gọi là cuộc sống ở đây mà bám vào kiến thức của sự hiện hữu của chúng ta, cái đó đầu thai lại. Nếu không tách rời khỏi thử nghiệm này, mà chúng ta gọi là cái ngã, chúng ta sẽ luân hồi trở lại. Thật ra, chúng ta không đầu thai, không bao giờ chết. Chúng ta chỉ đau ốm, bịnh hoạn với những sự việc này, những tai ương này, mà bám vào chúng ta. Và nếu không cắt đứt ra khỏi những ràng buộc đó, thì dĩ nhiên chúng ta sẽ mãi mãi dính với nó; và nhân quả tiếp tục biến hóa, xoay chuyển, thêm vào, bớt ra, và nói rằng chúng ta luân hồi, nếu chúng ta không khai ngộ đủ. Có vậy thôi.

V: Kính thưa Sư Phụ, khi người ta muốn diễn đạt trong hoàn cảnh làm việc nhưng cảm thấy bị áp bức, đàn áp, vậy khi đi làm nên có thái độ nào? Ta phải làm sao? Tham vọng trong nghề nghiệp có phải là sai quấy không? Xin Sư Phụ soi sáng vấn đề này.

Đ: À, bây giờ trở lại thực tế, làm việc! (Sư Phụ cười) Tham vọng trong nghề không có gì là sai quấy. Tham vọng rất cần thiết trong khi làm việc. Nếu không, làm sao làm việc? Làm sao tiến bộ? Làm sao để hài lòng ông chủ và chính mình? Làm sao lấy được lợi tức cho hãng của quý vị? Đó là bổn phận. Tham vọng là một bổn phận. Tham vọng không có nghĩa là phải bước lên đầu, lên cổ người khác để tiến lên. Tham vọng và độc ác hoặc ganh tỵ khác nhau. Chúng ta có thể có tham vọng, có thể luôn luôn cải tiến chính mình mà không cần phải đàn áp kẻ khác. Nếu cảm thấy bị đàn áp một mức nào đó, thì chúng ta phải tìm coi lý do gì mà người kia đàn áp chúng ta, có phải mình không đủ giỏi chăng? Hay là vấn đề tính tình? Hay là người kia ganh ghét chúng ta? Nếu được thì hãy nói chuyện với người đó. Nếu biết chúng ta phải, người kia trái thì nói chuyện với họ. Nếu họ khá hơn thì tha thứ cho họ.

Nếu họ không khá hơn thì cũng tha cho họ luôn; tiếp tục công việc của mình. Ở đời không thể nào tránh khỏi tranh chấp. Đó là sự thật. Ngay cả trong tình cảm riêng tư, nhiều khi vợ chồng cũng ganh tỵ lẫn nhau, nếu một người thành công quá. Đó là vấn đề của đầu óc con người, không phải của linh hồn, không phải của những người khai ngộ. (Vỗ tay)


Linh Hồn Cần Trưởng Dưỡng Về Tâm Linh


V: Tại sao chúng ta phải thiền hai tiếng rưỡi mỗi ngày?

Đ: Cũng như thỉnh thoảng chúng ta phải ăn hai, ba cái ham-bơ-gơ. (Mọi người cười và vỗ tay). Dù ít hay nhiều, đó là phần ăn mà chúng ta phải tiêu thụ mỗi ngày để nuôi dưỡng cơ thể. Cũng vậy, tâm linh của chúng ta mỗi ngày cũng cần một phân lượng dinh dưỡng nào đó để có thể trở nên vững mạnh trong Thượng Đế, trong phẩm tính Thượng Đế. Quý vị không cần phải làm như vậy, nhưng đó là mức quy định, là toa bác sĩ. Số lượng nhất định rồi, khoảng chừng đó, không gắt lắm. Hơn nữa, chúng ta cũng có thể thiền trong lúc ngủ, thiền trên xe buýt, thiền trên máy bay, thiền trong phòng vệ sinh, xin lỗi! (Mọi người cười) Thật vậy, cũng có thể làm như thế. Chúng ta có thể làm nhiều việc cùng một lúc. Luôn luôn tìm thời gian để thiền. Giảm bớt những chương trình truyền hình không hay, chỉ đọc những tiết mục cần thiết trên báo, nói điện thoại ít đi, thì quý vị sẽ có rất nhiều thời giờ. Ngủ bớt đi một chút.

Có khi chúng ta đâu có ngủ, mỗi sáng chỉ nằm nán lại trên giường, trở mình. (Mọi người cười) Đó là lúc thiền rất tốt. Thay vì trăn trở trên giường thì thiền, tập trung tư tưởng. Chỉ vậy thôi. Rất đơn giản. Thay vì nghĩ những chuyện vớ vẩn, thì tập trung tư tưởng. Thiền là những lúc đó. Không cần phải ngồi xếp bằng như Phật. Quý vị chỉ cần nằm đó, tập trung tinh thần. Tôi chỉ quý vị cách xử dụng thời giờ biếng nhác của mình, ồ! Xin lỗi... thời giờ rảnh rỗi của mình, những lúc nghĩ ngợi lung tung, không có việc gì làm. Chúng ta có thể gom góp lại những lúc đó và tưởng nhớ đến Thượng Đế. Rất dễ. (Mọi người vỗ tay)

V: Ngài có tin rằng một ngày nào đó thế giới sẽ hòa bình không?

Đ: (Sư Phụ cười) Quý vị có tin không? (Mọi người cười) Có thể là vào năm 3000. Không, thế giới sẽ không có hòa bình. Không bao giờ. Bởi vì nếu được như vậy, nó sẽ không còn gọi là thế giới nữa, mà gọi là thiên đàng. (Vỗ tay)

V: Sư Phụ kính mến, cám ơn Ngài đã tới đây. Trực giác từ đâu mà có? Làm sao chúng ta biết quyết định cái nào? Đôi khi tôi vô cùng hoang mang. Tôi có hai sự chọn lựa, nhưng khó quyết định quá, bởi vì mỗi sự chọn lựa đều bao gồm việc bổ túc cho cuộc sống của và tôi thực sự không biết nên chọn quyết định nào? Tôi muốn tới nơi mà tôi biết chính xác nên chọn quyết định nào?

Đ: Cái này phải cần thời gian. Thật vậy. Vì thế chúng ta phải khai ngộ. Chúng ta phải tìm lại trí huệ vô thượng mà mình đã quên. Chúng ta để quá nhiều phiền não thế tục làm che mờ trực giác. Cho nên không biết quyết định. Chúng ta không thể quyết định vì chúng ta không biết, không minh bạch. Thành ra chúng ta phải rõ ràng. Hai tiếng rưỡi tọa thiền được dành ra mỗi ngày để làm chúng ta sáng suốt, để trở lại với cội nguồn, để trở thành như Thượng Đế. Rồi chúng ta sẽ biết rõ hơn là phải làm gì! Mọi việc sẽ rõ ràng, sẽ rất minh bạch. Trong lúc này, nếu quý vị không thiền được nhiều, nếu không muốn thiền, và nếu quý vị có trực giác, là những gì còn sót lại của cái được gọi là trí huệ Thượng Đế. Đôi lúc nó bị những lo âu ở đời và những nỗ lực sinh tồn che mờ đi. Nhưng có khi cũng rõ. Chúng ta gọi đó là trực giác. Thôi được, bây giờ nếu quý vị không rõ ràng, thì phải liều, phải coi sự chọn lựa nào thích hợp hơn. Quyết định nào chiếm nhiều tỷ lệ hơn, cái nào thấy thích hợp hơn thì làm cái đó. Phải đánh liều. Không ai có thể bảo quý vị nên làm gì. Cầu Thượng Đế rồi chọn. Đúng vậy. Còn không thì xé hai miếng giấy, miếng bên phải, miếng bên trái, rồi bốc một cái. Cách nào cũng là liều cả. Cho nên quý vị phải tìm ra trí huệ của chính mình, vị Minh Sư, lực lượng Minh Sư của chính mình.

V: Kính thưa Sư Phụ. Nếu tôi thành tâm cầu Ngài, tôi có được vĩnh viễn giải thoát không?

Đ: Tôi nghĩ vậy. (Sư Phụ cười) Nhưng chỉ được một người thôi. Còn nếu chính quý vị khai ngộ, thì quý vị có thể đem những người khác theo. Chẳng hạn như một người khai ngộ, thì nhiều thế hệ bà con, bạn bè, ngay cả chó mèo mình nuôi cũng sẽ được giải thoát luôn.

Nếu quý vị cầu một người Thượng Đế, thì chỉ được một vé, nếu thật sự thành tâm. Thậm chí quý vị cũng không biết mình có thành tâm hay không nữa. Đôi khi, cũng khó mà biết.


V: Địa ngục có thật như trong Thánh Kinh đã nói không?

Đ: Quý vị nghĩ sao? Có không? Hãy nhìn thế giới chúng ta là biết câu trả lời. Không cần phải nhìn đâu cả. Có một chuyện vui nói về địa ngục, quý vị muốn nghe không? (Muốn!) (Mọi người cười) Đừng giận nghe. Có một cô gái, khoảng 18, 19 tuổi, về nhà khóc với mẹ rằng: "Mẹ ơi, con không muốn lấy John nữa. Con đã hủy bỏ lễ cưới." Mẹ cô hỏi: "Tại sao vậy con? Nhưng con đã đính hôn rồi. Tuần sau là đám cưới. Có chuyện gì vậy?" Cô gái đáp: "Con không thích ảnh nữa. Anh ta là một người vô đạo. Ngay cả địa ngục ảnh cũng không tin." Nghe vậy, bà mẹ nói: "Đừng lo, con à. Sau khi cưới, nó sẽ tin ngay." (Mọi người cười, vỗ tay) Chuyện vui bậy. Không phải là lúc nào cũng đúng đâu.


Tại Sao Chúng Ta Xuống Thế Giới Này ?


V: Sư Phụ, tại sao chúng ta rớt xuống đây? Tại sao chúng ta không thể ở lại cảnh giới thanh tịnh, đối với những người ngay từ lúc đầu đã không muốn đầu thai? Tôi đã hiểu nghiệp chướng. Nhưng nghiệp là vay trả, trả vay hay nó là một phần trong kế hoạch của Tạo Hóa? Tại sao Thượng Đế muốn chúng ta chịu nhiều nghiệp chướng đau khổ quá vậy?

Đ: Không phải Ngài, mà là chúng ta. Đó là một phần trong giao ước để chúng ta học hỏi, để biết sự khác biệt giữa Thượng-Đế và Vô-Thượng-Đế, để chúng ta nhận ra ánh sáng khi trở về lại với ánh sáng. Chúng ta cố tình vào bóng tối để có thể biết được ánh sáng với ý nghĩa trọn vẹn, huy hoàng của nó. Đối với những người không muốn rời thiên đàng, họ đã không đến đây. Cũng có những người không bao giờ ra khỏi thiên đàng, dĩ nhiên là có, có những vị minh sư rời thiên đàng đến đây để dạy dỗ chúng ta. Có những vị cũng đã đầu thai nhiều lần, và trở thành Minh Sư. Chúng ta có thể chọn. Chúng ta đã muốn như vầy.

Có nhiều câu trả lời cho điều này, nhưng nói tóm tắt thì có hai mục đích chính mà chúng ta có nghiệp chướng. Thứ nhất, vì muốn biết Thượng Đế, nên chúng ta đã cố tình đến đây. Có những lúc sống trên thiên đàng, đầy ánh sáng, ai cũng là thánh, ai cũng là Thượng Đế. Rồi chúng ta nói: "Thượng Đế ơi, Thượng Đế là gì?" Thượng Đế trả lời: "Ngươi là Thượng Đế. Thượng Đế là ngươi. Thượng Đế là vậy đó." "Tôi không biết Thượng Đế là gì. Thượng Đế là gì vậy?" Ngài đáp: "Các ngươi là thế này. Thượng Đế là như vậy." Nhưng linh hồn vẫn không hiểu rõ, nên linh hồn hỏi Thượng Đế: "Làm sao con biết Thượng Đế? Làm sao con có thể biết rằng mình là Thượng Đế?" Và Thượng Đế nói rằng: "Vậy trước hết ngươi phải trở thành khác với Thượng Đế, khác với chính ngươi. Khi đó nhìn lại, ngươi sẽ biết." Vì thế mà chúng ta đến đây. Mục đích chúng ta đến đây là để tự biết mình rõ hơn. Và một câu trả lời nữa là, từ lúc vũ trụ chưa bắt đầu, không có gì xuất hiện trong thế giới này hay thế giới nào khác. Rồi Thượng Đế đặt ra một kế hoạch. Ngài muốn tạo vật mọc lên, hiện hữu, và chúng ta tham dự. Chúng ta vui vẻ chơi mọi thành phần trong chương trình to lớn này, cho vui, để đời sống thêm mầu sắc. Có người cố ý đóng vai trò của họ, hoặc cũng có mục đích là một ngày nào đó họ sẽ trở thành Thượng Đế lại, sẽ biết lại Thượng Đế.

Để biết Thượng Đế, họ phải đóng nhiều vai trò khác nhau. Vai này có liên quan đến vai kia. Giống như trong phim, có vai chánh, vai phụ này nọ. Nếu không sẽ không thành. Cho nên, nghiệp chướng chúng ta bây giờ thấy rất nặng nề và vô lý. Nhưng lúc đó, đối với chúng ta, chẳng gì là quan trọng. Bởi vì chúng ta là Thượng Đế, chúng ta không thấy khổ. Chúng ta không biết phiền não, không coi những chướng ngại của mình là những điều không ưa thích. Đối với chúng ta tất cả chỉ là một vở kịch. Khi thật sự đóng kịch, lúc đó chúng ta mới cảm thấy đau khổ. Nhưng đó cũng là một phần của trò chơi, một phần kế hoạch của vũ trụ. Nếu không đóng vai trò của mình, chúng ta đã không hiện hữu, không có gì ở đây cả. Tôi đã không ngồi đây, quý vị không ngồi đó. Quý vị không là người tóc vàng hoe, tôi không tóc đen. Có gì nữa đây? Mọi thứ đều tẻ nhạt. Không sao. Vì thế tất cả những vị Minh Sư hoàn mỹ đều nói rằng: "Vạn sự đều hoàn hảo dưới ánh mặt trời." Và Chúa Giê Su đã nói: "Tất cả các ngươi đều là con cái của Thượng Đế". Các Ngài nhận thấy không có gì phải làm cả; mọi người đều hoàn mỹ. Nhưng chúng ta chưa ngộ được, thành ra mới đau khổ. Chúng ta phải liễu ngộ như các Ngài, rồi sẽ biết tại sao. Lúc đó chúng ta sẽ thấy sự đau khổ không có gì là đau khổ. Vẫn thấy khổ, vẫn thấy đau khi có người nhéo mình, nhưng quý vị hiểu rằng nó có một mục đích gì đó. Quý vị không đau khổ, không bị chìm trong đau khổ, mà chỉ đi phớt trên mặt thôi.

V: Kính thưa Sư Phụ, vợ tôi hiện giờ đang chờ thọ Tâm Ấn tại đây. Cô ấy đã ăn chay lâu rồi. Tôi cố gắng, nhưng không ăn được. Xin cho tôi biết tại sao và phải làm cách nào.

Đ: Không sao! Có thể vợ anh nên đi học thêm về cách nấu ăn chay. Tội nghiệp cho ông chồng không ăn nổi những món không ngon. Cho nên, thật ra, sự khai ngộ cũng bắt đầu từ chỗ này đây (Sư Phụ chỉ vào bụng), không phải chỉ có ở đây thôi (Sư Phụ chỉ mắt trí huệ) (Mọi người cười). Khi mới gặp nhà tôi (chồng cũ của tôi, bây giờ đã lấy vợ khác rồi). Tôi ăn chay, còn ông thì không. Ông là bác sĩ và rất thực tế. Ông thuộc sao Kim Ngưu (trâu). Trong 12 con giáp Á Đông, ông thuộc về tuổi Sửu (trâu), thành ra ông có tới hai con trâu. Cho nên ông không tin những chuyện vớ vẩn. Nhưng vì tôi nấu ăn rất khéo, chao ôi, ngày nào ông cũng ăn với tôi và không hề phản đối chuyện ăn chay. Sau khi tôi bỏ ra đi, với ý định "cứu rỗi thế giới" (Sư Phụ nói đùa) ông đã gom góp tất cả các cách nấu ăn của tôi, nấu cho bạn bè. Ông hay quảng cáo: "Vợ tôi thường làm thế này, hay làm thế kia ..., rau cải rất nhiều chất bổ". Ông nấu đúng theo công thức mà tôi để lại. Cho nên ngay cả một người Tây phương, người Đức, một vị bác sĩ với đầu óc khoa học như vậy, mà còn trường chay được, thì quý vị cũng làm được. Nếu tất cả bà vợ đều nấu ăn ngon, quý vị sẽ không mất mát một cái gì. Thí dụ, quý vị ăn một tô canh, như món súp Tàu, có mì và vài miếng thịt trong đó. Thay vì thịt thì dùng mì căn, đậu hũ, hay ham chay, bất cứ thứ gì, ngay cả cá chay, cái gì họ cũng làm được giống y như món mặn. Cho nên chỉ cần nấu ăn khéo là được. Tôi nghĩ con đường khai ngộ đi ngang qua bao tử. Thành ra mấy bà vợ, hãy lo nấu ăn cho khéo để chồng cũng ăn chung được. Mấy bà thì dễ hơn. Khi tin rồi thì ăn cái gì cũng được. (Sư Phụ và mọi người cười). Nhưng mấy ông thì khoa học hơn, thực tế hơn, không tình cảm ướt át như đàn bà. Đàn bà có thể sống bằng tình cảm, tình thương. Cho nên họ tin là họ ăn, không cần biết ngon dở gì? (Mọi người cười) Nhưng đàn ông thì kén chọn hơn. Cho nên, để họ khoái khẩu trước, rồi khai ngộ sẽ đến. (Mọi người cười)

V: Sư Phụ Thanh Hải, xin Ngài giải thích về sự quan hệ tâm linh giữa Ngài và chúng tôi. Sau khi Ngài chết, thì cuộc hành trình về Nhà của người đã thọ Tâm Ấn có còn được Linh Hồn của Ngài bảo đảm không?

Đ: Bảo đảm. (Mọi người vỗ tay) Như đã nói lúc nãy rồi, chúng ta không phải là thân thể này. Chúng ta là linh hồn. Cho nên thân thể này còn hay mất không ăn nhằm gì. Không có sự cách biệt giữa chúng ta. Tôi cũng đã nói rồi. Lúc thọ Tâm Ấn, pháp môn sẽ được giải thích, và có thể dùng nó suốt đời. Không có gì có thể ngăn cách giữa nó và quý vị được nữa, trừ khi quý vị không muốn và bỏ nó. Nhưng hột giống vẫn còn đó cho kiếp sau.

V: Thưa Sư Phụ, năm đứa con của tôi đã thọ Pháp Quán Âm. Nhưng tôi già quá rồi. Sự khai ngộ có dành cho tất cả mọi người không? Cần phải có những điều kiện gì hay thành tâm là tiêu chuẩn duy nhất?

Đ: Đúng vậy. Thành tâm là đủ. Nhưng khi già rồi, qua cỡ tuổi nào đó, thân thể, trí nhớ có khi không còn bén nhạy nữa. Lúc đó chúng tôi có thể bảo họ trở lại lần nữa, kỳ sau, kiếp sau, hoặc tu pháp Phương Tiện. Như vậy cũng ích lợi cho người đó, không cần Tâm Ấn trọn vẹn. Nhưng việc đó chỉ bảo đảm được cho một người. Còn thọ Tâm Ấn sẽ bảo đảm cho nhiều đời, nhiều thế hệ. Khác nhau ở điểm đó. Nhờ thọ Tâm Ấn và tự tu hành, quý vị cũng có thể trở thành Minh Sư khai ngộ và cũng giúp được cho rất nhiều linh hồn khác.

V: Thưa Sư Phụ, tại sao Cơ Đốc Giáo nói chung không có khuynh hướng tin vào luân hồi sinh tử? Kinh Thánh có nói về luân hồi không?

Đ: Có, nhưng đã bị cắt bỏ. Hơn nữa, có người hỏi Chúa Giê Su Ngài có phải là Elias không? Có phải Ngài là vị này, này, một vị Minh Sư hồi xưa trước Ngài -- nghĩa là Ngài có phải là hiện thân của những vị Minh Sư trong quá khứ kia không -- Ngài yên lặng. Đó là phần trong Kinh Thánh mà người ta quên không kiểm duyệt. Giả sử không có sự đầu thai, thì Chúa Giê Su đã nói: "Không, không. Không có chuyện Minh Sư trở lại. Ta, chỉ một mình ta, một lần, không bao giờ có nữa, không bao giờ có trước kia, không bao giờ có sau này." Ngài đã yên lặng, và vào thời đó, yên lặng có nghĩa là phải, là đồng ý, là nhận. Nếu không Chúa Giê Su đã giải thích để đệ tử khỏi lầm lẫn. Ngài đã yên lặng.

V: Thưa Sư Phụ, nếu một người thọ Tâm Ấn, năm đời sẽ được cứu rỗi. Còn những thân nhân còn sống, họ ăn thịt uống rượu thì sao? Họ cũng được cứu không?

Đ: Đáng buồn thay, nhưng may thay họ cũng được cứu. (Sư Phụ và mọi người cười) Nếu họ cố tình không muốn giải thoát, Minh Sư cũng không ép buộc. Dĩ nhiên, vì mỗi người đều là Thượng Đế. Quý vị phải nhớ rằng mỗi người trong chúng ta là Thượng Đế, là Phật. Không ai có thể bảo Thượng Đế phải làm gì - dù là một Thượng Đế khác. Họ xấu thế nào, tốt thế nào, đó là quyết định của người ấy, là con đường trong cuộc đời mà họ chọn. Họ chọn đóng vai trò đó. Họ không sao cả, dù có xấu đi nữa. Vì thế Kinh Thánh dạy chúng ta là "đừng phán đoán".

V: Trước khi thành Minh Sư khai ngộ, chúng ta nguyện sẽ làm việc này, việc kia cho nhân loại, nguyện sẽ phục vụ cho họ. Nhưng nếu sau khi thành Phật, chúng ta đổi ý vì lý do nào đó, vì bấy giờ chúng ta có một cái nhìn khác. Câu hỏi là: Chúng ta có được tự do bỏ lời hứa đó không, hay phải thực hiện lời hứa vì luật nhân quả?

Đ: Chúng ta được tự do. Chúng ta tự do làm theo ý muốn của mình.

V: Kính chào Thanh Hải Vô Thượng Sư. Xin cho biết quan điểm của Ngài về địa cầu như một chúng sinh vĩ đại với tình thương giúp chúng ta thăng tiến.

Đ: Vạn vật đều được Thượng Đế tạo ra. Kinh Thánh nói vậy. Vạn vật đều từ "Ngôi Lời" mà ra, nghĩa là chấn động của vũ trụ. Chấn động đó là Thượng Đế. Đó là Pháp Môn Quán Âm. Đó là điều mà chúng tôi dạy quý vị để nghe thấy chấn động này của vũ trụ, của nguồn gốc vạn vật. Cho nên, con người từ Thượng Đế mà ra, trái đất to lớn và mọi vật trong vũ trụ này đều như vậy. Nó cũng có phẩm chất Thượng Đế, nhưng có lẽ trong một hình thức khác, tỷ trọng hay độ đặc khác. Trong trường hợp đó, địa cầu cũng là một chúng sinh to lớn như quý vị đã nói. Chúng ta sống ở đây, sống nhờ trái đất. Dĩ nhiên là phải tôn trọng Người Mẹ vĩ đại này. (Vỗ tay)


Trả Nghiệp Trong Mơ


V: Chúng ta có trả nghiệp trong giấc mơ không? Chúng ta trả nghiệp bằng cách nào?

Đ: Chúng ta trả nghiệp trong mơ nếu đó là ân điển của Thượng Đế. Đa số là phải trả về phương diện thể xác. Như là "lấy mắt trả mắt, răng trả răng." Khi được truyền Tấm Ấn, hay khai ngộ, chúng ta sống nhờ ân điển Thượng Đế. Không sống theo luật nhân quả nhiều nữa, ngoại trừ một số nghiệp chướng đã định, như là phải có một vài nghiệp chướng nào đó để sống trong đời này. Nghiệp đó phải tiếp tục có. Nhưng nó vẫn có thể được xóa bớt một phần nào, được làm trơn tru hơn, được giảm bớt rất nhiều hoặc được trả trong mơ, chỉ lúc đó thôi.

V: Thưa Sư Phụ, nếu một người thọ Tâm Ấn rồi nhưng sau đó không thể thiền được ngày hai tiếng rưỡi như điều lệ thì sao?

Đ: Thì chắc phải ở lại lớp thêm một thời gian. (Cười) Giống như quý vị sinh viên, nếu ghi danh học một lớp nào đó mà không học hành đàng hoàng thì sao? Sẽ bị ở lại! (Sư Phụ và mọi người cười) Thay vì được hạng "A" thì bị hạng "C". Như vậy đó. Nhưng dầu sao quý vị vẫn là sinh viên đại học không phải học sinh tiểu học hay những đứa mẫu giáo. Chắc chắn là như vậy, có điều trình độ thấp hơn thôi.

V: Tôi muốn biết thêm về người đã truyền pháp Quán Âm cho Ngài. Người đó có phải là Chúa Giê Su đầu thai không, hay là Ngài? Ngài có thể cho chúng tôi biết tên người ấy không?

Đ: Được. Tôi đã nói trong một cuốn băng, lâu rồi. Tên của ngài là Khuda Ji. Ngài đã trở về với Thượng Đế. Chúa Giê Su không bao giờ đầu thai, những Minh Sư khác cũng thế. Luân hồi chỉ là cho chúng ta - những người phàm phu, những người có nghiệp chướng. Quý vị có thể nói Chúa Giê Su đầu thai lại hay cũng có thể nói ngài không đầu thai lại. Không phải Giê Su là người đầu thai, mà lực lượng của Kitô cứ trở lại, truyền xuống cho nhiều người khác theo thánh ý để giúp loài người. Cho nên quý vị có thể nói là có, có thể nói là không. (Vỗ tay)

V: Giáo lý của Ngài có liên quan gì tới tôn giáo nói chung? Có làm gia tăng đức tin vào tôn giáo mà chúng ta đang theo không?

Đ: Có, có làm gia tăng. Quý vị biết rồi. Tôi khiến quý vị hiểu thêm hơn về tôn giáo của quý vị, hiểu sâu hơn. Nếu chính quý vị đã khai ngộ, quý vị sẽ trở thành tôn giáo đó, trở thành Chân Lý, có thể viết một quyển kinh khác. Nhưng không cần phải làm như vậy, một quyển Kinh Thánh là đủ rồi. Quý vị chứng minh nó, hiểu nó. Như vậy là tốt rồi.

V: Xin Ngài nói về giấc mộng.

Đ: Giấc mộng có nhiều loại, có khi là ác mộng, có khi là mộng đẹp. Có khi giấc mộng thành sự thật, có khi chỉ là những mảnh tin vụn vặt khác nhau thâu thập trong cuộc sống hàng ngày. Đủ thứ lẫn lộn. Đôi khi giấc mộng cho biết trước tương lai hoặc nhìn lại quá khứ, hoặc là những thèm khát sâu xa, những ước vọng của mình. Đó là những giấc mơ sáng suốt, một loại thể nghiệm. Nhiều người tu pháp môn Quán Âm, hay những thiền gia, họ có những giấc mơ này, như một thể nghiệm. Họ nằm mơ, nhưng thấy rất rõ ràng, thấy đủ màu, mọi thứ ánh sáng, rực rỡ, chói lọi. Đó không phải là một giấc mơ nữa, mà là một thể nghiệm, chẳng hạn như đi lên thiên đàng này nọ. Khi tọa thiền, quý vị đi lên thiên đàng, gần giống như trong mộng vậy, ngoại trừ khi tỉnh dậy quý vị rất là hăng say, rất phấn khởi, tràn trề năng lực, đầy sức sống và tình thương tới nỗi không biết phải làm sao với chính mình, muốn ôm hết mọi người hôn họ. Nhưng đừng có làm như vậy. (Cười) Người ta sẽ tưởng mình khùng.

V: Thú vật, cây cỏ có Thượng Đế của chúng không?

Đ: Chúng ta chỉ có một Thượng Đế. (Cười) Giống nhau. Một Cha cho tất cả mọi người. Chúa Giê Su đã nói như vậy: "Hãy nhìn hoa bách hợp ngoài đồng, Cha chăm sóc chúng bằng cách nào?" (Matthew 6:28). Thành ra chắc là cùng một Cha đó. (Cười) Quý vị đọc Kinh Thánh mà hỏi tôi nhiều quá. Mọi chuyện đều có trong Kinh thánh rồi, có không?

V: Làm thế nào để cắt đứt mọi kinh nghiệm trong kiếp trước?

Đ: Kinh nghiệm kiếp trước? Tôi đã nói rồi, Tâm Ấn. Khi thọ Tâm Ấn, nghiệp chướng trong kho Minh Sư sẽ xóa hết. Cho nên không còn nghiệp quá khứ nữa. Nhưng nếu quý vị muốn lãnh nghiệp chướng thì hoan nghênh. (Sư Phụ cười) Nếu quý vị muốn trở lại đời sống này thì hoan nghênh.

V: Xin Sư Phụ giảng rõ thêm khi Ngài nói rằng "Chúng ta là con cái Thượng Đế và tất cả chúng ta là Thượng Đế." Có phải như vậy nghĩa là không cần thờ phượng Thượng Đế nữa vì chúng ta là Thượng Đế rồi?

Đ: Không. Điều đó cần. Chúng ta thờ phượng Thượng Đế còn nhiều hơn nữa sau khi biết Thượng Đế là ai, nhân vật đầy tình thương đó là gì và gần chúng ta như thế nào, gần hơn cả người bạn thân nhất trên đời, gần hơn cả da thịt chúng ta. Lúc đó quý vị mới thật sự thờ phượng Thượng Đế, thờ phượng với ý nghĩa thật của nó. Bây giờ chúng ta chỉ sai khiến Thượng Đế. "Ồ, xin cho con tiền, xin cho con một bà vợ, xin cho con việc làm, xin, xin, xin..." Chúng ta không thật tình biết Thượng Đế. Chúng ta là Thượng Đế, nhưng chưa, chưa phải là Thượng Đế. Cho nên hãy biết Thượng Đế trước, rồi sau này hỏi tôi câu đó. Sau khi biết Ngài, quý vị sẽ nói tôi biết.

V: Tình thương của con người đóng vai trò gì trong sự khai ngộ?

Đ: Tình thương của con người? Được người thương hay thú vật thương đều rất là tốt. Mỗi khi được thương, bất luận bởi người nào hay cái gì, đó là Thượng Đế thương chúng ta. Nó không phải là tình thương của con người, không phải tình thương của mẹ, không phải tình thương của anh em. Thật ra tất cả đều là tình thương của Thượng Đế được chia ra, làm nhỏ lại hoặc thay đổi. Thành ra người nào thương chúng ta tức là Thượng Đế thương chúng ta. Cho nên không có hại, chỉ giúp mà thôi. Khi người nào thương chúng ta, khi hai người yêu nhau, cùng khai ngộ thì rất có lợi, rất tốt.

V: Sư Phụ nghĩ thế nào về Thuyết Tiến Hóa? Vấn đề của nó là gì?

Đ: Trời! Tôi đâu có phải là khoa học gia. Quý vị muốn nói là chúng ta từ loài khỉ mà ra? (Sư Phụ và mọi người cười) Tất cả chúng ta từ Thượng Đế mà ra. Có thể có một liên quan gì đó giữa người và thú. Bởi vì đôi khi người và thú sống với nhau. Đôi khi họ gây giống với nhau vì một may rủi nào đó, cơ duyên nào đó, nên chuyện đó có thể xảy ra. Nhưng người là một giống khác hẳn. Chúng ta không tiến hóa. Chúng ta được sinh ra trong hình ảnh của Thượng Đế. Chỉ có vậy thôi. Thượng Đế cũng sinh ra thú vật. Ngài có nói vậy trong chương đầu tiên, có không? Câu đầu tiên, trong Kinh Cựu Ước, trang 1 nói rằng: "Thượng Đế sinh ra con người và tất cả các trái cây, rau cỏ." Nhân tiện nói thêm. Thỉnh thoảng Ngài có nhắc đến việc ăn chay. Ngài nói rằng: "Ta sinh ra tất cả những thứ trái cây, rau cỏ ngoài đồng, rất đẹp mắt và ngon miệng. Chúng sẽ là thức ăn cho các con." Ngài cũng nói rằng: "Đối với thú vật, ta cũng sinh ra thức ăn cho từng con." Thấy không? Ngài không nói chúng ta từ loài thú tiến hóa lên. Ngài nói chúng ta là những người cai trị thế giới loài vật. Chúng ta là vua của chúng. Cho nên không có lẫn lộn gì về sự tiến hóa. Chúng ta là loài người. Loài thú cũng từ Thượng Đế mà ra. Nhưng chúng không phải là người.

V: Có thể nào đạt được sự khai ngộ hoàn toàn trong một đời mà không cần phải đi núi Hy Mã như Ngài không? Chúng tôi có thể nào mất ít hơn bảy năm vì Ngài là một Minh Sư từ bi và hoàn mỹ không?

Đ: Quý vị không cần phải đi núi Hy Mã. Tôi đã nói rồi. Đó là nghiệp của tôi, tôi phải tới đó. Nghiệp của quý vị đỡ hơn. Quý vị ngồi đây cũng được khai ngộ - ngồi sa-lông! (Sư Phụ và mọi người cười). Nó có thể mất bảy năm, mất bảy tháng, tùy theo quý vị, tùy theo định mệnh của quý vị, có nghĩa là tùy theo sự lựa chọn của quý vị trước khi hiện hữu ở đây. Điều đó tôi không thể xen vô, chỉ quý vị biết thôi. Quý vị hài lòng với chính mình, với quyết định mà quý vị đã chọn trước khi tới đây. Cho nên đừng vội vã, mất bao lâu cũng là sự chọn lựa của quý vị. Quý vị và Thượng Đế đã thỏa thuận với nhau rồi, rằng sẽ mất bảy năm, mất mười bảy năm, mất hai mươi năm chẳng hạn. Chúng ta sống tới vĩnh viễn. Bao nhiêu năm không thành vấn đề, nhưng khai ngộ xảy ra ngay tức khắc trong lúc thọ Tâm Ấn. Khai ngộ hoàn toàn thì khác, tùy thuộc vào người đó, tùy theo sự siêng năng của quý vị, muốn về mau hay lâu.

Nếu có xe chạy nhanh, cũng có xe chạy chậm. Đừng hỏi tôi bảy năm hay bao nhiêu năm, không thành vấn đề. Sau khi khai ngộ, quý vị sẽ càng ngày càng hạnh phúc, sẽ không thắc mắc là bao nhiêu năm. Thậm chí lúc đó quý vị cũng không nghĩ tới khai ngộ nữa, vì đã biết Thượng Đế, biết hạnh phúc. Quý vị thỏa mãn, tự tại.

V: Có thể nào nghiệp chướng xấu hay sự xấu xa trong thế giới được biến đổi thành nghiệp tốt hay sự tốt, bằng cách dùng lửa tím và ánh sáng vàng kim của năng lực Mahatma?

Đ: Năng lực âm cần thiết để cho chúng ta nhận ra Thượng Đế. Chúng ta chọn biết bóng tối để có thể nhận ra ánh sáng. Đó là cách có thể nói rằng chúng ta đã biến âm thành dương, nếu không, âm là âm, dương là dương. Quý vị không thể nói bóng tối là ánh sáng. Nhưng có bóng tối đó để giúp ánh sáng có thể chiếu trong bóng tối, để quý vị biết nó. Ồ, chắc quý vị muốn hỏi rằng ánh sáng trông thấy trong lúc thiền định có thể trung hòa lực âm kia được không? Dĩ nhiên, nó là vậy đó. Khi ánh sáng đến, thì bóng tối biến mất. Dù đó là lửa tím hay lửa vàng, tùy đẳng cấp tu hành của quý vị. Lửa tím là đẳng cấp thấp hơn một chút. Lửa vàng, đẳng cấp cao hơn một chút. Sau này khi tọa thiền sẽ biết.

V: Sư Phụ đã du hành ra ngoài vòng thiên đàng và ánh sáng chưa? Nếu đi rồi thì có gì ở đó? (Sư Phụ và mọi người cười)

Đ: Quý vị muốn nếm thử kẹo sô cô la của tôi và không thể làm vậy được. (Cười, vỗ tay) Bởi vì tôi là người ăn, đúng không? Nhưng tôi có một miếng kẹo sô cô la nữa, mời quý vị ăn thử. Tôi có thể nói rằng nó ngọt, dầy, và béo. Nhưng quý vị chỉ nghe nói thôi, mà không hiểu. Quý vị phải ăn. Ăn kẹo, thọ Tâm Ấn, tọa thiền thì sẽ biết. Không có gì không thể làm được đối với loài người chúng ta.


Khai Ngộ Là Bí Quyết Cho Mọi Vấn Đề


V: Cách nào hiệu nghiệm nhất để cởi bỏ những thói quen xấu trong đời? Nó trói buộc tôi giống như xiềng xích vậy.

Đ: Điều đó khó lắm. Nhưng nếu chúng ta khai ngộ mọi việc sẽ đổi và đổi lẹ, đổi một cách đột ngột. Thánh nhân ra đời bằng cách đó. Vì thế trong văn chương quý vị có câu: mọi thánh nhân đều có một quá khứ, và mọi tội nhân đều có một tương lai. Hãy tin tưởng Thượng Đế, tiếp nhận ân điển của Thượng Đế qua việc tu hành chăm chỉ, qua ánh sáng hướng đạo bên trong quý vị, qua Thượng Đế bên trong, thì việc gì cũng có thể làm được. Thậm chí quý vị cũng có thể cải tử hoàn sanh, có thể chữa mình khỏi bệnh. Bệnh nan y mà còn chữa được, huống chi là thói quen. Trong hào quang của Thượng Đế thì việc gì cũng có thể làm được. Vì thế tôi mới tới đây để nói cho quý vị biết tin vui này, một tin rất vui.

V: Nếu làm con nuôi thì thế hệ của gia đình nào được cứu rỗi? Gia đình ruột hay gia đình nuôi?

Đ: Gia đình ruột. Nhưng gia đình nuôi cũng được. Vì tôi đã nói rồi, ngay cả chó mèo của quý vị cũng được lợi ích. Quý vị sẽ thấy. Tôi không nói giỡn đâu. Quý vị sẽ thấy chó của mình khai ngộ, mèo của mình khai ngộ. Chúng sẽ thay đổi. Chúng sẽ ngồi cạnh quý vị, sẽ thiền với quý vị. (Cười) Đúng vậy. Chúng sẽ thành mèo thánh. Thậm chí chúng cũng ăn chay. (Cười) (Vỗ tay) Đúng vậy. Đọc Bản Tin thì biết, có nhiều chuyện có thật trong đó. Mọi chuyện trong đó đều có thật. Tất cả những nhân chứng đó đều còn sống.

Quý vị sẽ gặp những thánh nhân thời nay trên những trang báo đó. Ngay cả chó mèo nữa, rất dễ thương. Pháp Môn Quán Âm! Ngay cả bạn bè, tình nhân không có liên hệ máu mủ cũng được lợi ích từ quý vị, qua sự tu hành của quý vị, ánh sáng của quý vị. Bởi vì ân điển Thượng Đế vô cùng rộng lượng. Không thể tưởng tượng được.

V: Nếu được truyền Tâm Ấn và theo tu hành, như vậy có nghĩa là mình không được giết hay diệt trừ sâu bọ, chuột v.v... xâm nhập vào nhà? Còn nhổ cỏ dại thì sao? (Cười)

Đ: Ồ, có những trường hợp mối mọt sẽ dọn ra. Nếu quý vị giữ nhà cửa sạch sẽ, vệ sinh thì không cần phải giết chúng. Quý vị có thể nhổ cỏ dại, chỉ niệm danh Thượng Đế rồi cần làm gì thì làm. Quý vị không sát sinh vì bạo lực, không giết vì sân hận, nhưng phải bảo vệ sức khỏe của mình, của gia đình, nếu việc đó tuyệt đối cần thiết. Nếu không, trong nhiều trường hợp đồng tu chúng tôi thiền, tất cả con vật trong nhà đi hết, bọ này nọ không đến gần. Rất thuận tiện, không tốn kém. Mọi vật đều bỏ đi.

V: Sư Phụ nghĩ thế nào về ly dị?

Đ: Không tốt. Ly dị là giải pháp cuối cùng trong hôn nhân. Không nên để nó xảy ra. Nhưng hòa giải được rất khó, vì nam và nữ rất, rất là khác nhau. Đàn ông trầm tĩnh hơn, thẳng thắn, giản dị hơn; còn đàn bà thì giàu tình cảm hơn, lãng mạn hơn. Cho nên anh hùng và người đẹp thường thường không hạp nhau cho lắm. Nhưng có nhiều cách để giải hòa. Có cố vấn khuyên giải về hôn nhân, các loại sách làm người nói về vấn đề này. Và dĩ nhiên là có sự tọa thiền, điều này sẽ hòa giải được rất nhiều sự khác biệt. Quý vị sẽ thấy hai người thay đổi, yêu nhau hơn, hiểu nhau hơn, bớt đòi hỏi. Đó là nếu hai người đẳng cấp tương tự như nhau, nếu không vẫn đụng độ như thường. Nhưng vẫn thương yêu nhau. Quý vị sẽ không hay tìm đường ly dị như những người không tu. Họ ly dị nhiều hơn. Nếu hồi đó khai ngộ thì tôi đã không ly dị nhà tôi. Nói quý vị hay ông là người tốt nhất, và bây giờ vẫn như vậy, nhưng là người tốt nhất của bà khác rồi. (Sư Phụ ra dấu tay chỉ tình nghĩa đã dứt.) Sau khi khai ngộ sẽ thấy quý người bạn đời của mình hơn trước. Rất nhiều gia đình hết xích mích, sau khi thọ Tâm Ấn, nếu cả chồng lẫn vợ đều cùng hành thiền. Rất có lợi, vì quý vị ngộ ra rằng cả hai đều là Thượng Đế. Tình yêu trong quý vị sẽ nẩy mầm, nẩy nở, che hết những sự khác biệt giữa người đàn ông và người đàn bà. Quý vị biết thương yêu nhau, thậm chí còn tôn trọng nhau như Thượng Đế vậy. Ngoài tình yêu trần tục, còn có một tình yêu khác siêu phàm gắn bó giữa hai người, khiến quý vị càng nhiều tình thương, có tinh thần trách nhiệm, mẫn cảm hơn trước những nhu cầu của nhau.

V: Tại sao khi một người đã có bí quyết khai ngộ nhưng lại không thể nhận thức được Thượng Đế?

Đ: Nếu vậy về sau quý vị có thể thử lại một lần nữa, khi thời điểm tới. Mỗi người có một thời điểm riêng của họ. Không sao, không gì vội. Chúng ta có đến vô tận mà.

V: Có phải lên khỏi đẳng cấp thứ hai thì chúng ta sẽ không còn nghiệp chướng nữa? Nếu đời sống trong thế giới này tùy theo nghiệp của chúng ta, vậy thì chúng ta còn sống ở đây nữa không nếu hết nghiệp?

Đ: Chúng ta không có nghiệp là sau đẳng cấp thứ ba, khi đến cảnh giới không nghiệp chướng. Quý vị sẽ không bao giờ phạm vào nghiệp chướng nào nữa. Nhưng nghiệp hiện thời khiến cho quý vị hiện hữu trong kiếp này vẫn phải tiếp tục cho tới khi nào ngày giờ quý vị hết. Và khi ngày giờ hết là nghiệp cũng hết, không phải ở lại nữa. Nhưng khi đạt được cảnh giới thứ ba, tức là loại người của quý vị, tâm trạng quý vị lúc bấy giờ, sẽ không bao giờ để mình phạm vào bất cứ nghiệp nào nữa. Mọi việc quý vị làm đều tự động chính đáng, như không có nghĩa là quý vị chết ngay, bởi vì nghiệp hiện tại vẫn còn. Nghiệp đã định cho quãng đời này, phải đi bao nhiêu bước, phải hít thở bao nhiêu lần, phải ăn bao nhiêu, phải sống bao nhiêu ngày. Những việc đó đã định sẵn. Chúng ta không xóa bỏ điều đó; cũng được, nếu muốn, nhưng tại sao? Chỉ sống thêm một vài năm hay một vài ngày nữa, vội vã làm gì? Dầu sao đây cũng là lần cuối.


Minh Sư Chỉ Cho, Không Bao Giờ Nhận


V: Thưa Sư Phụ, tôi muốn hành thiền và dạy thiền, đồng thời cũng được dồi dào về vật chất. Tôi nên làm sao để được như vậy? Tôi không muốn làm nghề gì khác hơn là dạy thiền, xin ngài chỉ bảo.

Đ: Hay quá nhỉ? Ai vậy? Vị này! Bây giờ anh còn dạy không? Anh kiếm sống bằng nghề này hả?

V: Dạ, nhưng không đủ.

Đ: Không đủ, vậy làm sao đây? Quý vị phải mở rộng phạm vi của mình. Anh hỏi lầm người rồi. Tôi không lấy tiền.

V: Ngài kiếm sống bằng cách nào?

Đ: Tôi tự kiếm sống! Tôi vẽ kiểu quần áo, vẽ tranh, tôi làm... Không biết, tôi làm gì nữa nhỉ? Nữ trang. Làm rất nhiều thứ.

V: Vậy là Ngài khuyên tôi nên làm những việc khác ngoài việc dạy thiền để kiếm sống hả?

Đ: Tôi sẽ khuyên như vậy. Tôi nghĩ là nếu luôn luôn dạy con đường của Thượng Đế một cách miễn phí thì cao cả hơn, vì nó vốn đã ở trong mỗi chúng ta rồi. Nếu được, chúng ta không nên kiếm tiền bằng chuyện đó. Nhưng nếu quý vị cần tiền và người ta cúng dường thì không sao. Coi như là quà của Thượng Đế. Nhưng riêng cá nhân tôi, thì tôi không đòi một đồng nào cả. Tôi rất sợ lấy tiền của người khác. Ngay khi còn nhỏ tôi đã không thích. Và ngay cả những Minh Sư từ xưa tới nay, họ đều không được phép nhận tiền. Đúng lẽ họ phải bố thí chứ không lấy. Nhưng chỉ là một vị thầy dậy thiền bình thường thì tôi chắc là không có hại. Nhưng là một Minh Sư, tôi nghĩ tốt hơn là đừng lấy gì cả. Đức Phật chỉ ăn mỗi ngày một bữa, vì Ngài không đi làm, thành ra đó là mức tối thiểu Ngài có thể lấy. Nhưng lúc đó, Ngài phải làm như vậy. Lúc đó Ngài không có phương tiện để vừa đi bộ vừa kiếm tiền cùng một lúc. Hơn nữa, Ngài là thầy chùa. Mà truyền thống của thầy chùa là đi khất thực. Người ta kính trọng mình ở chỗ đó. Trong thời đại văn minh, nếu đi xin ăn, cảnh sát sẽ "xin" mình vào tù. Cho nên tôi không thể làm việc đó. Không phải là tôi thiên về vật chất. Vẽ kiểu để kiếm tiền sinh nhai không phải là một quan niệm vật chất. Mà đó thực tế. Chúng ta sống thời đại mới, thì phải ăn mặc đàng hoàng, đúng đắn, tiêu biểu cho người thời nay. Bởi vì con người không chấp nhận bề ngoài như ăn mày nữa. Quý vị không thể đi ra đường ăn xin được. Người ta sẽ đem quý vị đến sở cư trú cho những kẻ không nhà. Họ không kính nể nữa, điều thứ nhất. Làm sao có thể dạy họ được? Cho nên phải đàng hoàng, phải như những người khác. Hồi trước tôi làm thầy chùa, nhưng cũng kiếm tiền. Lấy tiền của người khác tôi không cảm thấy dễ chịu cho lắm. Tôi kiếm tiền bằng nhiều cách. Tôi trồng rau, lúc đó tôi làm nghề đan, vì chỉ có một mình, tôi không phải tốn quá nhiều tiền đi đây đi đó. Và lúc đó tôi cũng chỉ ăn ngày một bữa. Cho nên làm rất ít tiền cũng đủ. Nhưng bây giờ, tôi phát triển thêm, phải đi rất nhiều nơi, nên phải kiếm thêm tiền. Thành ra phải kiếm những phương cách khác, như là mấy thứ trang hoàng nhà cửa như đèn, đồ gốm, tranh, các kiểu thời trang, kiểu nữ trang. Mấy thứ này kiếm được rất nhiều tiền từ khắp nơi trên thế giới. Vì thế tôi mới du hành được chỗ này chỗ kia, và sống một cách thoải mái. Thành ra lấy đồng nào là tôi trả đồng đó. Thậm chí đồng tu cho mượn xe, tôi cũng trả tiền xăng. Tôi không lấy, không muốn lấy. Tôi nghĩ mình nên trả tiền cho đời sống của mình, vì mình làm được. Cho nên dù đệ tử của tôi cho tôi cái gì, tôi cũng không lấy. Trừ phi tôi thật tình không biết gì về chuyện đó. Nếu biết là tôi không lấy. Tôi sẽ trả lại bằng tiền, giá trị đó hoặc trả bằng cái khác. Phải, làm vậy thấy dễ chịu hơn. Nhưng không sao. Nếu người ta cúng dường quý vị mà quý vị không còn phương tiện gì khác, quá bận rộn dạy học kiếm sống, thì quý vị lấy. Lấy vừa đủ cho mình.

V: Tôi xin hỏi một câu nữa được không?

Đ: Được chứ!

V: Như vậy Sư Phụ vừa lo làm ăn vừa dạy tu hành cùng một lúc được hả?

Đ: Ừ. Bây giờ như vậy đó. Tôi dạy về tu hành. Nhưng trong những lúc rỗi rảnh, tôi vẽ kiểu quần áo, nữ trang.

V: Cám ơn Sư Phụ rất nhiều.

Đ: Và những người giúp tôi bán, tôi trả tiền cho họ. Những người giúp may quần áo này nọ cũng được tiền. Đôi khi chúng tôi có một nhà hàng nhỏ chỗ này chỗ kia, chúng tôi cũng kiếm được tiền. Tôi trả lương cho những người làm việc trong đó. Tất cả đều hoàn toàn là thương mại.

V: Cám ơn Sư Phụ.

Đ: Chúc Thượng Đế gia trì cho anh!

V: Nếu không có nhục thể, thì tại sao Chúa Giê Su khóc khi người bạn thân nhất của Ngài, John the Baptist, bị chém đầu?

Đ: Ngài nên cười sao? Một vị Minh Sư đầy từ bi bác ái, giống như Thượng Đế nên cười hả? Hay như cục đá? Hay lạnh lùng đối với người bạn thân nhất, như John the Baptist? Quý vị nghĩ cử chỉ hành động của Ngài phải như thế nào? Một người khai ngộ phải như thế nào? Một cục đá? Khai ngộ nhưng phản ứng hóa học trong người vẫn không thay đổi. Nước mắt vẫn chảy, khi tình cảm bị khích động, nó phải như vậy. Ngài thành giống như đàn bà, mềm yếu, đầy tình thương. Như vậy là tốt nhất. Ngài như vậy, chúng ta như vậy. Khi một người bạn chết đi, quý vị khóc là tốt lắm. Đó là một điều rất là tự nhiên. Ngài rất bình thường và rất khai ngộ.

V: Thấy giống như là mọi con đường tôi đi đều đang bị chặn lại, vì vậy tôi không đạt được mục đích. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy mỗi lần tiến một bước tới mục tiêu là một cái gì đó kéo tôi trở lại, xa ra. Tôi phải làm sao để dọn đường đi?

Đ: Người này nói về con đường nào? Xin cho khán giả biết. Ai vậy? (Xướng Ngôn Viên: Ai hỏi xin dơ tay lên?)

V: (Có người dơ tay lên) Tôi không viết câu hỏi này, nhưng cũng thích hợp đối với tôi. Tôi nghĩ chúng ta luôn luôn gặp trở ngại trong đời sống, rất là bực mình. Tôi nghĩ đây là một chuyện đại đồng....

Đ: Được, tôi biết rồi. có nghĩa trong công ăn việc làm và liên hệ tình cảm. Câu trả lời duy nhất là khai ngộ. Tôi không có câu trả lời nào khác. Sự khai ngộ sẽ dẫn đường cho quý vị, sẽ trả lời quý vị, cho quý vị sức mạnh để bắt đầu lại, hoặc để vượt qua những khó khăn cũng như bỏ qua những lo lắng không cần thiết về những vấn đề khác nhau. Quý vị sẽ giải tỏa vấn đề một cách nhanh chóng hơn. Cho nên khai ngộ là cách duy nhất. Ở đời không còn gì khác phải làm ngoại trừ đạt được khai ngộ trước nhất, rồi mọi thứ khác sẽ theo sau. Vì thế Kinh Thánh có câu: "Hãy tìm Thiên Quốc trong con trước", nghĩa là tìm được khai ngộ, "thì con sẽ được mọi thứ." Đúng thật như vậy. Bây giờ tôi kiếm được nhiều tiền hơn lúc không khai ngộ. Đúng thế, nếu cần thiết. Thượng Đế sẽ chỉ đường cho quý vị, ngay cả về vật chất. Tôi không phải khai ngộ để kiếm tiền, nhưng tự nhiên nó xảy đến, tự nhiên mọi chuyện khác thành trôi chảy, không cần xin xỏ. Đúng như vậy đó.

V: Làm sao để có một đời sống khai ngộ?

Đ: Cứ sống như lúc trước. Sống với vợ, với chồng, con cái. Cứ tiếp tục. Làm tròn bổn phận của mình, hưởng thụ đời và thiên đàng cùng một lúc. Không có gì thay đổi cả. Không cái gì thay đổi ngoại trừ sự hiểu biết bên trong, niềm hạnh phúc.

V: Tại sao Ngài không tin vào sự chữa bệnh bằng linh lực..

Đ: Lý do tôi không tin là họ nên học cách chữa bệnh cho chính họ. Chúng ta không nên đóng vai Thượng Đế. Lý do là như vậy. Chúng ta đứng giữa Thượng Đế và người bệnh. Mỗi người đều có khả năng chữa bệnh cho chính mình. Thượng Đế ban bố cho họ có bệnh tật, là một ân điển che đậy, để họ có thể thấy Thượng Đế. Khi một người thật thành tâm, Thượng Đế sẽ xuất hiện cho họ. Nếu không, chúng ta đã có rất nhiều những phương pháp chữa trị bằng y-tế mà nên dùng để giải quyết những chuyện vật chất. Và xen vào linh thể của người ta và lực lượng chữa bịnh của họ thì không nên. Chỉ một cái sờ tay không thể nào rửa được nghiệp chướng. Sau đó nó sẽ trở lại nặng gấp mười lần hơn. Người đó sẽ khổ hơn và không bao giờ biết Thượng Đế. Nếu quý vị chỉ tin vào người chữa bệnh mà quên đi Thượng Đế, nhất là vị Thượng Đế bên trong quý vị, thì sẽ gặp khổ còn nhiều hơn là bị bệnh nữa. Tôi tin như vậy đó. Đó là điều tôi biết và chia sẻ với quý vị. Nhưng đương nhiên đây là ý kiến và sự hiểu biết của tôi, không hẳn là của quý vị. Quý vị không cần phải chấp nhận. Vì hỏi nên tôi phải nói những gì mình biết, chứ tôi không chống báng sự chữa bệnh hay những việc tương tự. Nếu muốn tiến cao hơn, thì phải ngưng làm những việc này. Cũng như nếu muốn học bác sĩ, quý vị phải tiếp tục học bác sĩ, không thể ngừng lại giữa đường và trở thành y tá, rồi đồng lúc muốn thành bác sĩ được. Không thể làm vậy được, phải không? (Vỗ tay)

V: Sư Phụ, tại sao phải cần thiết được hướng dẫn qua sự thiền định?

Đ: Không còn cách nào khác hơn. Thiền định chỉ là một danh xưng thôi. Thật ra đó là sự câu thông bên trong với lực lượng của Thượng Đế. Chúng ta phải ăn ba bữa một ngày để nuôi dưỡng thân thể cũng giống như cần phải thiền để nuôi dưỡng tâm linh. Chúng ta cần phải tiếp nhận lực lượng Thượng Đế để thoát khỏi những trói buộc của trần gian, để làm Thượng Đế trở lại, để làm Thầy của chính mình.

V: Cám ơn Sư Phụ.

Đ: Cám ơn. (Vỗ tay) Cám ơn rất nhiều sự chú ý, sự ủng hộ và bầu không khí khai ngộ của quý vị, những nụ cười yêu thương của quý vị. Tôi rất vui. Gặp lại quý vị tại phòng truyền Tâm Ấn. (Vỗ tay) Những người không muốn thọ Tâm Ấn tối nay hoặc muốn suy nghĩ lại, hãy về nhà cầu nguyện. Cầu Thượng Đế, đừng quên, hãy luôn luôn cầu nguyện. Lúc nào cầu được thì cầu. Cầu nguyện với cả tấm lòng cho tới khi nào khai ngộ mới thôi. Tôi sẽ gặp quý vị trên đó. (Sư Phụ chỉ tay lên) (Vỗ tay)