Chương 3

Mặc dù châm biếm, nhưng anh Hai nói rất đúng đó!

Chi bị bệnh béo phì, căn bệnh của thời đại dư thừa món ăn ngon, thức uống ngọt.

Sáng tu ừng ực sữa bò, trưa ăn trứng gà luộc, chiều nhấp nháp bánh quy bơ, tối mút kem lạnh lạnh, khuya uống nước ngọt đóng chai...

Ấy là thí dụ vậy thôi!

Ấy là những bữa phụ ngoài ba bữa chính, mà kể lại được vì có giờ giấc. Còn ăn vặt vãnh, linh tinh, lẻ tẻ thêm nữa thì không nhớ nổi. Làm sao mà đếm cho hết. Bởi vậy, khỏi kể ra đây.

Tóm lại, Chi đã mắc phải căn bệnh của những đứa con được thương yêu, cưng chiều quá mức, được nuôi nấng vượt quá điều kiện cần và đủ để cho một đứa con nít phát triển, lớn lên bình thường.

Ba trách má hoài, hai anh em nghe riết, tới thuộc lòng luôn:

- Con hư tại mẹ. Mẹ nó phải chịu trách nhiệm về hình dạng xấu xí của nó, không lo kềm chế nó, để nó ăn ngủ thả dàn. Tôi chỉ có một đứa con gái mà nó xấu xí, thiệt là tủi thân. Không biết mai mốt có hân hạnh làm một ông cha vợ không nữa...

Má cũng than:

- Nó cũng là con gái duy nhất của tôi nữa chứ bộ. Tôi cũng lo cũng buồn, còn hơn ba nó nữa. Ai biểu hồi đó, ông hết nhờ bác sĩ này lại cậy bác sĩ nọ tẩm bổ, bồi dưỡng cho nó làm chi để bây giờ nó ra nông nỗi ú na ú nần...

Ba tiếp tục buộc tội má:

- Ai biểu bà ốm yếu nặn không ra một giọt sữa mẹ nào cho nó bú, để nó bị suy dinh dưỡng. Không chữa chạy tích cực, thì giờ này nó thành con ma chết đói rồi.

Má kể:

- Hồi Chi một tuổi, má đi làm suốt ngày. Chi bị suy dinh dưỡng nặng, người bèo nhèo như con mèo của nhà nghèo...

Chi đảo mắt tìm con mèo tròn quay của nhà mình, thắc mắc:

- Ủa, tại sao mèo nhà nghèo lại ốm?

Má giải thích:

- Nhà nghèo không có thừa đồ ăn thức uống, chuột không có gì gặm nhấm, chuột kéo nhau bỏ đi hết, không thèm ở. Mèo không có chuột mà ăn nên mới ốm nhách.

Chi gật gù, nói:

- Con hiểu rồi, kể tiếp đi má!

Giọng má đều đều:

- Rồi Chi được gởi vô nhà nuôi trẻ suy dinh dưỡng loại xịn.

Giọng Chi hồi hộp:

- Rồi sao nữa?

Má cười tươi, sung sướng:

- Chi dần dần có da có thịt.

Anh Hai chêm vào. Vừa đúng ý, vừa ác ý.

- Có mỡ.

Chi còn nhớ, hồi bắt đầu học mẫu giáo, khi làm đơn xin nhập học, má dắt Chi đi chụp hình. Rửa hình ra, ai cũng kinh ngạc nói:

- Coi nè, con nít mới có ba bốn tuổi thôi mà ngồi chần vần, đầy hết tấm hình luôn! Che mất tiêu tấm vải nền căng phía sau, không còn thấy một miếng màu xanh nào nữa...

Chi cũng còn nhớ hồi học cấp một, đồng phục con gái là mặc váy. Lúc đó Chi ú ù, múp míp như cái nấm rơm chưa nở bung dù nên cái váy xòe ra càng làm cho Chi giống như cái nấm biết đi. Lúc đó thì còn dễ thương, bởi vì không ai tính đến chuyện con nít phải đạt đủ ba vòng đo lý tưởng. Con nít mập mạp là con nít hay ăn, chóng lớn, khỏe mạnh...

Chi chưa quên, cấp hai chuyển sang đồng phục con trai con gái giống nhau. Đứa nào cũng mặc quần tây áo sơ mi, đóng thùng đóng hộp như nhau, không phân biệt nam nữ. Trời ơi! Lúc đó Chi phải đi may quần áo chớ không có số nào vừa cho Chi hết. Cái thì quá chật, cái lại quá dài. Bỏ áo trong quần thì nhìn Chi thấy giống như cái hột gà, ở chính giữa thân người phồng ra, tròn vo như chữ o, không eo không ếch gì hết, không thua gì mấy ông tây già bụng bự trong phim!

Anh Hai nói:

- Bảo đảm Chi nhìn xuống không thấy ngón chân cái của mình. Vì cái bụng che mất tiêu còn đâu...

Nhưng Chi tỉnh bơ, không nao núng, chỉ thấy mình hơi lớn hơn các bạn. Và bạn nào cũng sợ bị Chi... đánh. Đấm một cái chắc bầm mình.

Chi vô tư, hồn nhiên, vui vẻ, trong mọi hoạt động ăn ngủ học hành, ngày càng tấn tới.

Cái khổ chỉ xuất hiện, bám víu và đeo đẳng khi Chi ì ạch leo lên tới cấp ba.

Điều gì khiến bàn dân thiên hạ đi trên đường biết được cô bé kia, con nhỏ nọ học cấp ba chứ?

Câu trả lời đang tung bay phất phới ngay trước mắt đấy! Bộ áo dài trắng tinh khôi mà mấy nhỏ đang mặc trên người đấy! Hơi sức đâu mà đếm bao nhiêu bài thơ, câu hát đã được viết ra nhằm ca tụng, khen nức nở, trộm nhớ thầm thương, tán tỉnh… những tà áo dài trắng bong, ngày ngày chấp chới đầy ngập cổng trường.

Ở trường cấp ba, nếu gọi theo đúng công văn giấy tờ là trường trung học phổ thông, tất cả nữ sinh đều phải mặc áo dài.

Mấy đứa bạn thân xôn xao, hồi hộp, nao nức về cái bộ đồng phục mới lạ ấy.

- Quần trắng! Giặt đồ phê lắm! Nghe thím tao nói, ở dưới quê đồng phục là quần đen. Tại ở đó là vùng sâu vùng xa, nước phèn, đường đất, ống quần trắng mà dính đất, chỉ có nước khóc hu hu...

- Trắng xác từ trên xuống dưới, thấy ghê! Chắc bị thấy luôn bên trong quá!

Tuyền đếm trên ngón tay, tính toán:

- Áo lá nữa. Một hai ba bốn năm... Bận bây nhiêu thứ đó vô thấy mình nặng nề, ngộp thở gì đâu!

Tuyết cãi:

- Thì lớp chín cũng đã mặc tới bốn thứ rồi. Ngộp là tại hai cái tay dài với cái cổ dựng lên kín mít. Như đàn ông đi ăn tiệc mặc áo dài tay, cài nút cổ tay, thắt cà vạt bít cổ họng.

Minh Tâm tố khổ thêm:

- Hai cái ống quần rộng rinh, dài lê thê quét đất. Đi không khéo là vấp té mệt nghỉ.

Thanh lùn thích thú ra mặt:

- Ý, đừng chê cái ống quần dài đó chứ. Tao sẽ được mang giày cao gót bảy tám phân. Đã đã à nghe. Ống quần che luôn xuống tới đất. Đâu có ai thấy mà biết mình lùnđi-truyền?

Than thở mấy thì cũng phải đi sắm thôi. Mỗi đứa hai hay ba bộ, tùy theo hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình.

Mấy đứa hỏi nhau:

- Nè! Mày may hết mấy thước?

- Nguyên một bộ hả?

- Ừa.

- Ba thước rưỡi.

- Mày?

- Sáu thước.

- Hả? Hai bộ hả?

- Một.

- Thiệt hông?

Đứa nói tiếng “Một“, đó là Chi!

Mọi chuyện bắt đầu từ đây. Rắc rối và bức bối và tức tối...

Anh Hai hầu như ngày nào cũng thúc hối, bắt má đem Chi đi chữa bệnh. Anh nói:



- Nhìn nó mặc áo dài thấy thương luôn. Không giống ai hết! À, có. Nó giống mấy... bà già đi chùa. Áo không có eo, không có nhấn ben, không có ôm vòng cua gì hết.

Rồi anh lẩm nhẩm:

- Ờ, mà thiệt ra có gì đâu để ôm chớ. Người nó như trái dưa hấu dài, như cái bánh mì bự Ở tiệm thịt quay, như cái gối, như cuốn tự điển tám chục ngàn chữ...

Má than ké vô:

- Mua vải may áo dài cũng gần gấp đôi con người tạ Mà còn không đủ khổ vải, phải nối thêm ở nách. Áo dài có chỗ nối riêng đặc sắc của nó. Bây giờ nối ở chỗ khác. không giống ai hết. Thử nghĩ coi, học trò chớ có phải là người mẫu đâu. Nhìn là biết cái áo bị lỗi.

Nhưng lỗi đến đâu thì vẫn phải mặc, không còn cách nào khác. Có may đến mấy cái nữa, cũng phải nối mà thôi.

Ngày đầu tiên đi khai giảng ở trường mới, Chi muốn bệnh. Chân nặng không muốn bước ra khỏi cửa. Mắt hoa lên từng chùm đom đóm, không muốn nhìn thấy mình soi hình trong gương. Đầu váng vất vì nghĩ đến cảnh mà anh Hai đã lải nhải nói mấy hôm rồi.

- Bảo đảm, Chi sẽ nổi bật như cái bánh bao giả chưng để quảng cáo, lớn như trái bưởi, bên cạnh hàng ngàn cái bánh bao thiệt, chỉ lớn bằng trái cam!

Tụi con trai ở lớp mới không e ngại gì mà không chỉ trỏ, nói Chi hồi nhỏ uống nhằm sữa voi. Hồi mang bầu Chi, chắc má Chi có lỡ đạp trúng dấu chân... voi khi đi chơi ở... Sở thú. Thằng lớp trưởng láu cá tâu hót với thầy chủ nhiệm:

- Thưa thầy! Cử luôn bạn mập này xả giẻ lau bảng suốt năm đi thầy, cho bạn leo lên xuống ba tầng lầu, cho bạn tập thể dục...

- Thầy tưởng nó nói thiệt, bèn chỉnh:

- Không được ép. Người mập thường bị cao huyết áp. Phải kiêng cữ vận động mạnh quá sức. Bắt bạn đi lên xuống một lượt mười hai khúc cầu thang, một ngày đi ba bốn lần, lỡ có chuyện gì, ai chịu trách nhiệm?

Thầy vừa dứt lời, tụi nó hùa nhau hả họng cười nguyên cả lớp. Về sau, có đứa kể lại: “Cười tới mỏi hết hai cái hàm!”.

Nhưng ở đời, trước lạ sau quen. Riết rồi tụi bạn mới cũng thấy Chi bình thường. Giống như đi qua một loạt mấy hàng chậu trồng cây kiểng trong sân trường, đâu có ai ngừng lại mà ngạc nhiên: “Ủa, sao có cái chậu này tròn quá xá?”. Thỉnh thoảng, tụi bạn hét gọi ong óng trong lớp, trên lầu, dưới sân, ngoài đường:

- E, con voi học lớp mười!

Chi cũng quay lại, thản nhiên hỏi:

- Hả? Chuyện gì?

Chẳng nổi sùng. Không rủa xả.

Chỉ cười toe...

Biệt hiệu nghe độc đáo đấy chứ?

Loài voi mù chữ truyền kiếp, có biết đi học là cái gì đâu nên con voi học tới lớp mười có thể xếp vào hàng những nhà thông thái rồi. Thông thái ai mà chẳng khoái?

Nghĩ vậy nên Chi chẳng còn nổi giận vì cái tên mới có ấy nữa...