Quán Âm Pháp Là Khoa Học Hàng Đầu

Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị tại Đài Bắc, Formosa
Ngày 25 tháng 10, 1988 (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)



Pháp Môn Quán Âm cho chúng ta một khả năng thông tin bất khả tư nghì. Với khả năng này, quý vị không cần điện thoại. Thậm chí không cần động tới ngón tay hoặc viết xuống một cái gì. Một ý nghĩ nảy lên là đường dây được nối. Đây là tình trạng của Tịnh Thổ (cảnh giới thiên đàng cao). Người khác có thể lập tức cảm nhận được ý nghĩ của mình. Quý vị không cần phải nói hoặc cho người khác biết tên. Đó là trạng thái của cảnh giới cao. Giả sử mình muốn một điều gì đó, người khác biết ngay. Nếu quý vị cần cái gì, vị giáo chủ của cảnh giới đó lập tức phóng hào quang tới chỗ quý vị và giúp đỡ. Ngài không cần biết tên quý vị, bởi vì trong cảnh giới cao, không có tên tuổi và không có cá nhân riêng biệt. Mọi chúng sinh là một thể. Dầu rằng chúng ta hiện thân thành những hình dáng khác nhau, hoặc có những đẳng cấp tu hành khác nhau, nhưng bên trong giữa chúng sinh với nhau không có sự khác biệt.

Giống như đài truyền thanh, nó không cần biết địa chỉ của quý vị. Miễn sao có máy phát thanh, vặn đúng làn sóng đó là có thể nhận được dấu hiệu từ tổng đài. Truyền hình cũng vậy. Nó không cần biết địa chỉ của quý vị, không cần biết kích thước hay hiệu máy truyền hình hoặc mua hồi nào. Đài truyền hình không để ý tới hãng nào chế ra máy của quý vị, ai là người mua hoặc bây giờ ai làm chủ. Miễn là vặn đúng đài của nó là tiếp xúc được với tổng đài. Tương tự như vậy, truyền Tâm Ấn cũng giống như vặn "radio" của mình để thuận tiện câu thông với "tổng đài" mỗi ngày. Đây là "hệ thống điện thoại" bên trong của chúng ta. Bất kể sống chỗ nào quý vị cũng có thể câu thông được với Sư Phụ mỗi khi nghĩ tới tôi. Quý vị biết là có thật mà? (Mọi người đáp: Phải!) Không phải là tôi đi đâu cả, chỉ là tầng số chấn động của quý vị đã thay đổi mà thôi.

Trạng thái có vô số hóa thân này được gọi là Như Lai, có nghĩa là "vô lai vô khứ" hay là "vô sở bất tại". Nó rất là khoa học. Chỉ việc thay đổi chấn động. Về mặt khoa học, ánh sáng là điện tử ở thể cao hơn. Thể phổ thông đó là điện, được xử dụng dưới sự điều khiển của con người. Tuy nhiên, khi đụng vào máy điện, thì đèn sáng lên ngay lập tức. Cái đó văn minh hơn, nhưng ánh sáng là thể cao nhất của điện tử. Ngày nay, với những tiến bộ lớn về khoa học, nhiều thứ được làm thành điện tử hoặc được điều khiển bằng điện tử. Họ dùng hình thức ánh sáng gì đó.

Chơi đàn dương cầm theo lối xưa đòi hỏi rất nhiều tác dụng bằng tay. Nhưng ngày nay, chúng ta có đàn điện. Tuy nhỏ hơn về kích thước, nhưng có thể phát ra nhiều loại nhạc cụ, như tiếng sáo, tiếng dương cầm. Rất là hay, đúng không? Đó là một thứ đồ bằng điện tử. Âm nhạc ở cảnh giới cao cũng tương tự như vậy, chỉ văn minh hơn mà thôi. Văn minh tới nỗi nhạc trổi lên mà không cần nhạc cụ. Đây là thể cao nhất của âm nhạc, chấn động cao nhất, máy điện tử tối cao. Ánh sáng và âm thanh bên trong là mức độ cao nhất của điện tử mà những khoa học gia tài ba nhất đã từ lâu muốn tìm kiếm nhưng chưa đạt được.

Cho nên tu hành là khoa học tối cao. Nếu tu Quán Âm Pháp với tôi là quý vị sẽ tu luyện môn khoa học cao nhất. Nó không phải là một sự mê tín dị đoan hoặc lễ bái Thần Thánh để được phước. Nó không có gì là huyền bí, mơ hồ. Một người không cần phải nhảy cỡn lên hoặc nói nhảm mà không biết rằng mình đang nói bậy bạ cái gì. Đó là bị nhập ma. Ma là gì? Đó là một thứ lực lượng ít kiến thức. Phật là gì? Là lực lượng có trí huệ khoa học. Vậy thôi. Càng tu nhiều, chúng ta càng hiểu khoa học hơn. Nếu chỉ nghiên cứu khoa học mà không có tu hành, sự hiểu biết khoa học đó sẽ chỉ có giới hạn mà thôi. Tu hành sẽ đưa chúng ta xa khỏi khoa học, đi trước các khoa học gia. Họ đã lên đến mặt trăng, nhưng chúng ta có thể đi xa hơn mặt trăng nữa. Họ muốn khám phá nhiều hơn nữa, du hành đến những tinh cầu khác nhưng không thành công. Nơi xa nhất mà bây giờ người ta tới được đó là mặt trăng. Họ đem về vài cục đá, và nhiều khoa học gia họp lại với nhau để nghiên cứu mấy cục này. (Cười) Họ cắt nó ra nghiên cứu: "Ừ! Mấy cái này là đá thiệt!" (Cười) Sau đó nhiều khoa học gia khác lại tới nhìn. Cũng chỉ thấy đá thôi. Thậm chí đối với khoa học gia tài giỏi nhất, chúng cũng chỉ là đá. Đâu có gì vui đâu. Họ tốn biết bao nhiêu tiền bạc, rất nhiều nhân lực. Nếu bỏ những nỗ lực, tiền bạc và sự cống hiến này vào chuyện tu hành thì... (Sư Phụ búng tay) họ đã biết nhiều điều khoa học và thành Thánh lâu rồi.