Title: Lấy chồng xứ lạ (2)
Tác giả: LM Nguyễn Hữu Thy


Trong bài «Lấy chồng xứ lạ» trước, đã được đăng trên mạng điện toán Vietcatholic.net, chúng tôi đã trình bày về hoàn cảnh trớ trêu và cuộc sống đầy đau thương của những cô dâu Đài Loan, những người con gái trong trắng Việt Nam lấy chồng ba tàu xa lạ, để rồi đa số trong họ phải chôn vùi cả cuộc đời thanh xuân trong cảnh nô lệ cay đắng và tủi nhục. Nhưng hôm nay trong những dòng sau đây - «Lấy chồng xứ lạ (2)» - chúng ta thử tìm hiểu hoàn cảnh và cuộc sống của những cô dâu Việt kiều, những người con gái Việt Nam lấy chồng đồng hương đang định cư và sinh sống ở ngoại quốc.

Về các cô dâu Việt kiều, người ta có thể phân ra làm hai loại :

1. Lấy chồng giả

Trong số các cô gai Việt Nam trong nước, mà người ta cũng gọi là các cô Việt cộng - dĩ nhiên danh từ «Việt cộng» ở đây không được hiểu theo nghĩa chính trị, nhưng chỉ để phân biệt với các cô Việt kiều, những cô gái Việt Nam, hay gốc Việt Nam, đang sinh sống ở ngoại quốc mà thôi – làm cô dâu Việt kiều, không luôn luôn là những nguời vợ thực sự của những người đàn ông Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. Nhưng họ lấy Việt kiều chỉ vì muốn được ra ngoại quốc làm ăn sinh sống hay với những mục đích cá nhân thầm kín nào khác mà thôi. Nên tờ giấy hôn thú giữa họ và người đàn ông Việt kiều chỉ là một phương tiện cho họ nhận được phép xuất cảnh Việt Nam và phép nhập cảnh quốc gia thứ hai họ muốn đến. Do đó, những cô gái Việt Nam này chỉ là những cô dâu Việt kiều lấy chồng giả mà thôi.

Nhưng trong số các cô dâu Việt kiều «lấy chồng giả» này lại được phân ra làm hai loại.

1.1. Những cô lấy chồng giả có hợp đồng

Đó là trường hợp những cô gái muốn xuất cảnh ra ngoại quốc vì mục đích riêng nào đó, nên đã làm giấy kết hôn giả với một người đàn ông Việt Nam ở ngoại quốc với sự đồng ý của đương sự, hoặc trực tiếp với đương sự hay qua trung gian của những người làm dịch vụ «giao liên». Dĩ nhiên, trong việc «lấy chồng giả» này, các cô dâu Việt kiều chẳng những không nhận được quà sính lễ của các chú rể như trong các cuộc hôn nhân bình thường, nhưng trái lại còn phải trả cho các «chú rể» hờ kia một khoản tiền nào đó, ít nhiều tùy vào sự thoả thuận giữa đôi bên.

1.2. Những cô dâu lấy chồng giả «chiến lược»

Đó là những cô gái Việt Nam muốn xuất cảnh ra ngoại quốc để làm kinh tế hay vì một lý do nào đó, nên đã chấp nhận lấy chồng Việt kiều thực sự; nghĩa là cũng làm đủ các thủ tục cưới hỏi như một đám cưới bình thường, nhưng trong thâm tâm các cô và dĩ nhiên với sự đồng lõa của gia đình các cô, là các cô chỉ muốn lợi dụng tờ giấy hôn thú như một phương tiện để xuất cảnh với bất cứ giá nào mà thôi, chứ không có ý kết hôn thực sự với những người đàn ông Việt kiều mà các cô làm giấy hôn thú. Và đó chỉ là kế hoạch sắp xếp có tính cách chiến lược giữa các cô và gia đình mình mà thôi, chứ các chú rể Việt kiều hoàn toàn không hề biết. Đây quả là một sự lừa đảo thực sự và nạn nhân đầu tiên phải là các chú rể Việt kiều, những chàng trai chỉ mong về Việt Nam lấy được vợ còn « rin », chưa bị lây nhiễm thói phóng đãng Âu Mỹ. Nhưng nào ngờ lại mang họa vào thân mà không hay.

Điểm giống nhau giữa hai loại «lấy chồng giả» này là các cô dâu lấy chồng mà không yêu «chú rể», lấy chồng mà không chủ ý ăn đời ở kiếp với chồng. Hôn thú đối với các cô chỉ là phương tiện hữu hiệu cho các cô đạt mục đích riêng tư cá nhân mà thôi.

Còn điểm khác biệt giữa họ là một bên thì công khai tuyên bố với «chú rể» là các cô chỉ muốn lấy chồng giả, tức chỉ làm giấy kết hôn với họ trên giấy tờ mà thôi; và các cô cam đoan trả một khoản tiền nào đó cho các «chú rể» hờ để đền ơn đã chịu đứng ra làm «thí vật» cho các cô. Còn một bên khác thì lại âm mưu lừa dối các «chú rể» để trục lợi, để khi xong việc, tức lúc đã xuất cảnh khỏi việt Nam và tới được quốc gia họ định đến là họ liền đổi mặt, xé tờ hôn thú mà họ vừa ký tên vào chưa kịp ráo mực và nói lời chia tay «bye-bye», thế là xong.

1.3 Những hậu quả rắc rối khó lường

Trong thâm tâm của cả hai loại cô dâu Việt kiều «lấy chồng giả» thuộc loại như vừa nói trên, cứ đơn thuần nghĩ rằng mọi sự sẽ dễ dàng xuôi chảy như kế hoạch các cô đã vạch ra. Nhưng trong thực tế, mọi sự không đơn giản chút nào.

Trước hết, một khi các cô đã lấy chồng, đã cầm trong tay tờ giấy giá thú, và nhờ thế mới tới được các quốc gia Âu Mỹ, thì dù theo phương diện chủ quan: các cô chỉ «lấy chồng giả», nhưng trước mặt chính quyền của nước sở tại, các cô vẫn là những người đàn bà có chồng, nên nếu muốn bỏ chồng thì phải làm giấy ly dị. Nhưng muốn ly dị phải ra hầu tòa, thuê luật sư rất tốn kém, trường hợp không thông hiểu ngôn ngữ địa phương thì còn phải thuê thông dịch viên, và phải chờ đợi lâu ngày, v.v… Còn trường hợp các cô ra khai báo với chính quyền nước sở tại là mình chỉ «lấy chồng giả» để khỏi phải làm giấy ly dị lôi thôi rắc rối như trên, thì lại là chuyện khác. Trong trường này, các cô sẽ bị truy tố về tội lừa đảo, tội nhập cảnh bất hợp pháp, và sẽ bị bỏ tù, bị trả tiền phạt và bị tống khứ về Việt Nam lại.

Đàng khác, khi đến được quốc gia nơi các ông «chồng giả» của các cô định cư, dĩ nhiên các cô chưa được nhập quốc tịch liền hay được cấp bất cứ giấy tờ tùy thân nào cả, nhưng còn phải chờ đợi ít là 2, 3 năm sau hay còn lâu hơn nữa. Trong trường hợp này, nếu như các cô không có thân nhân và lại thiếu ngôn ngữ cũng như tài chánh, và lại không muốn sống cảnh bơ vơ một mình nơi đất khách quê người với bao thử thách khó khăn, thì chỉ còn lại một lựa chọn cuối cùng là các cô đành bất đắc dĩ phải sống chung với các ông «chồng giả» của mình trong thời gian chờ đợi. Nhưng kinh nghiệm cổ nhân đã cho hay: «Lửa gần rơm lâu ngày sẽ cháy». Đó là chưa nói đến chuyện hai loại «chú rể» được nói ở trên, là một khi họ đã cầm được bông hoa trong tay thì ít nhất họ cũng phải «thưởng thức» chút hương hoa đã, chứ đâu dễ dàng để cho những cánh bướm xa lạ khác vồ vập bay lượn. Và từ đó sẽ có những đứa con «không do tình yêu» được sinh ra.

Kể từ đây, sự việc vốn đã rắc rối phức tạp, nay càng trở nên rắc rối phức tạp hơn bội phần. Và vì từ đầu - hai bên hay ít là một bên - đã không thương nhau, cuộc sống chung chỉ là một điều bất đắc dĩ, chỉ vì «đã lỡ đâm lao thì phải theo lao», nên bầu không khí gia đình luôn nặng nề, cãi vả, xung khắc và bất hạnh.

Thật cả là một cảnh sống tiến thoái lưỡng nan, «bỏ thì thương vương thì tội»: chẳng những «người kia», nhưng còn cả con cái nữa, những khúc ruột của mình cắt ra, chúng nó có tội tình gì! Cái rắc rối là ở chỗ đó và nỗi vấn vương ràng buộc cũng là ở chỗ đó!

Sau cùng, còn một điều quan trọng khác do vấn đề «lấy chồng giả» này gây ra nữa. Đó là, đúng như người ta vẫn nói «đi đêm có ngày gặp ma», việc lấy chồng giả cốt để được nhập cảnh các quốc gia Âu Mỹ lâu ngày rồi cũng đã lọt tai chính quyền các nước địa phương. Vì thế, đã gây ra một sự nghi kỵ và bất tín nhiệm nơi các cơ quan chính quyền địa phương đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại các quốc gia liên hệ.

Do đó vấn đề «lấy chồng giả» này không những làm thương tổn đến thanh danh cộng đồng Việt kiều đang sinh sống tại chỗ, mà còn làm thương tổn dến danh dự của cả dân tộc Việt Nam nữa.

2. Lấy chồng thật

Trên đây chúng ta vừa nói qua về vấn đề rắc rối của các cô dâu Việt kiều «lấy chồng giả». Nhưng một cách khách quan, người ta có thể nói được rằng thật là một điều đáng mừng, vì số cô dâu Việt kiều «lấy chồng giả» như thế chỉ là một thiểu số rất ít.

Trái lại, các cô dâu Việt kiều «lấy chồng thật», nghĩa là những cô gái Việt Nam trong nước lập gia đình thực sự với những người đàn ông Việt kiều, mới là đại đa số. Nhưng người ta không khỏi thắc mắc và tự hỏi tình trạng của những cuộc hôn nhân này như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi được nêu lên, trước hết chúng ta thử tìm hiểu:

2.1. Quan niệm lấy chồng của các cô dâu Việt kiều

Người Việt Nam chúng ta vốn coi trọng gia đình, nên các bậc cha ông chúng ta ngày xưa đã lấy việc hôn nhân, việc dựng vợ gã chồng cho con cái làm quan trọng vô cùng, quan trọng vì nó có liên quan đến cả một đời người. Do đó, người ta khuyên các thanh niên nam nữ khi đến tuổi cập kê muốn dựng vợ gã chồng rằng: «Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống»; nghĩa là khi lập gia đình thì đôi nam nữ phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng về con người và tông giống của nhau trước khi đi đến quyết định sống chết với nhau suốt đời trong cuộc sống hôn nhân.

Cụ thể hơn, người ta phải tìm cho được «môn đăng hộ đối» giữa hai bên. Nhưng «môn đăng hộ đối» không chỉ được hiểu về gia cảnh của hai gia đình, như giàu nghèo, danh giá, tình trạng sức khõe-bệnh tật gia truyền, v.v… nhưng còn về tính tình, hạnh kiểm, trình độ văn hóa, học vấn, nghề nghiệp, giai cấp xã hội, v.v… Nói tóm tắt là người ta cần tìm cho mình người vợ/người chồng tương lai thuộc giống tốt, con nhà danh giá, đạo đức, dáng người cao ráo dong dải, có một quan niệm sống hợp với mình, cũng như có khả năng bảo đảm được tương lai cho gia đình sau này. Do đó, bốn nhược điểm bên ngoài nơi người phụ nữ, nhất là nơi người nam, mà các cụ thường khuyên phải tránh khi đi chọn ý trung nhân, là: «Nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ sún.»

Trên đây là quan niệm thường tình của người Việt Nam chúng ta thường áp dụng trong việc chọn vợ chọn chồng. Thế nhưng đa số các cô dâu Việt kiều ngày nay, đặc biệt các cô dâu thuộc các gia đình miền quê nghèo khổ, có lẽ lại quan niệm khác. Đối với họ kinh tế là tiêu chuẩn hàng đầu để chọn chú rể. Do đó, cái «mác Việt kiều» của chú rể là tất cả, nó có một ma lực lôi cuốn khủng khiếp, bởi vì đa số những người sống trong nước, nhất là những người thuộc tầng lớp bình dân, đều quan niệm rằng tất cả Việt kiều, những người Việt Nam làm ăn sinh sống ở nước ngoài, đều giàu có sung sướng cả. Dẫn chứng là chính mắt họ đã từng chứng kiến cảnh người Việt kiều nào về thăm quê hương cũng xài tiền nước cả. Vì thế, cứ Việt kiều là đủ, chứ họ không cần phải tìm hiểu thêm con người chú rể trong các lãnh vực khác nữa. Còn những nhược điểm như mắt lé, chân lùn, miệng hô, răng sún, v.v… đều chỉ là thứ yếu, không quan trọng, miễn sao các cô cũng như gia đình các cô đạt tới được những mục đích mong muốn là đủ, đó là:

* Được xuất ngoại, được đi ra nước ngoài;

* Bản thân thoát được cảnh nghèo khổ, bầm dập;

* Và rồi hy vọng sẽ có được điều kiện giúp đỡ được gia đình.


Nhưng đây quả là một quan niệm và một việc làm liều lĩnh, hoàn toàn phó mặc cho định mệnh quyết định: may hưởng, rủi thua! Đúng là:

« Thân em như tấm lụa đào,

« phất phơ giữa chợ, biết vào tay ai?»



Và quan niệm đó không chỉ liều lĩnh mà còn sai lầm nguy hiểm, vì chứa đựng trong đó những khả năng có thể đưa tới những đổ vỡ không kém phần đau thương. Bởi vì, Việt kiều cũng có năm bảy thứ Việt kiều. Có thứ Việt kiều thông minh giỏi giang, chịu khó chịu khăn, biết lợi dụng các điều kiện thuận lợi ở xã hội Âu Mỹ để lo học hành trau dồi kiến thức để tiến thân, lo làm ăn lương thiện; nhưng cũng có thứ Việt kiều dốt đặc cán mai, vô lo, lười biếng, lại chỉ biết ăn chơi, nghiện ngập đủ tứ đổ tường, hay còn tệ hơn nữa: thuộc các thành phần bị cảnh sát hình sự quan tâm đặc biệt. Vì thế, có thứ Việt kiều thuộc thành phần trí thức, là bác sĩ, kỷ sư, công chức hay tư chức, có nghề nghiệp nghiêm túc; nhưng cũng có thứ Việt kiều thiếu học thức, không muốn lao động, chỉ sống bằng tiền trợ cấp xã hội, hay chỉ làm được các nghề vừa kiếm đủ cơm ăn hằng ngày cho bản thân mà thôi; và rồi sau vài ba năm cũng chắt chiu dành dụm được một vài ngàn đô-la dùng làm lộ phí về thăm cố hương một chuyến, thế là tự nhiên được lên giá, được các bạn và người thân quen cũ trong nước trọng vọng, nhất là lọt được mắt nâu của các cô dâu tương lai.

Nhưng ở đây, chúng ta không dừng lại ở điểm này. Trong những dòng tiếp sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về những khó khăn trong cuộc sống gia đình của những cuộc hôn nhân Việt cộng-Việt kiều, mà người ta có thể nói được là thành công, hầu giúp cho các cặp dự bị hôn nhân tương tự có thêm kinh nghiệm.

2.2. Những khó khăn của những cuộc hôn nhân Việt kiều-Việt cộng

Những khó khăn của đời sống vợ chồng hỗn hợp Việt kiều-Việt cộng này tuy khác với hoàn cảnh của những cặp «vợ chồng giả», nhưng cũng không kém phần phức tạp và rắc rối.

Vâng, ngoài những khó khăn bình thường mà các cặp vợ chồng mới cưới không tránh khỏi trong những năm tháng đầu của đời sống lứa đôi như xưa nay vẫn xảy ra, những cặp vợ chồng Việt kiều còn phải đối mặt với bao khó khăn phức tạp thuần túy «Việt kiều» khác nữa.

Những vấn đề khó khăn này thì rất đa dạng, nhưng chúng ta thử nêu danh một vài vấn đề làm tiêu biểu thôi. Chẳng hạn:

• Quan niệm sống: Vì hoản cảnh xã hội, hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh địa lý, khí hậu, v.v…nên kinh nghiệm sống hằng ngày của những người Việt Nam trong nước nói chung và của những cô dâu Việt kiều nói riêng, rất khác với kinh nghiệm sống của những người Việt kiều đã lâu năm sống ở các nước Âu Mỹ. Từ cách ăn uống, nói năng, giao tiếp bạn bè, giờ giấc sinh hoạt, công ăn việc làm, nhà cửa, v.v… đều xa lạ và ít có vẻ «việt nam». Dĩ nhiên, các cô dâu Việt kiều tuy vừa chân ướt chân ráo đến các nước Âu Mỹ, cũng đã biết trước được những xa lạ khác biệt đó nơi xã hội Tây Phương và điều đó cũng ít làm các cô quá bỡ ngỡ, bởi lẽ các cô cũng đã dư biết là: «Đáo giang thì tùy khúc, nhập gia thì tùy tục.» Nhưng nay, nếu tất cả những xa lạ khác biệt đó lại được thu gọn vào trong con người của người chồng mình, mà mình hằng ngày phải thực thi luật «tam cùng», thì lại hoàn toàn khác, nhất là còn được cộng thêm dòng máu ghen vốn vẫn lưu chuyển xen kẻ trong thân thể mỗi người phụ nữ nữa, thì sự thể càng rắc rối khó xử bội phần. Và một loạt câu hỏi «tại sao» thường được các cô đặt ra cho đức lang quân, như: Tại sao anh đi làm việc lâu thế? Tại sao anh về muộn vậy? Tại sao anh phải cứ đi họp hoài vậy? Tại sao anh cứ vắng nhà cả ngày nhà hoài vậy? Tai sao vừa rồi anh bắt tay và nói chuyện vui vẻ với cô đầm tóc hoe kia vậy? Tại sao anh ngồi uống cà-phê với bà đầm kia vậy? Tại sao áo khoác anh dính sợi tóc hoe dài vậy? v.v… Trong trường hợp này mà lại gặp phải ông chồng nóng tính, vừa đi làm việc vất vả cả ngày vế tới nhà chưa kịp thở mà đã bị tra khảo đủ điều như thế, thì dù ông ta có yêu vợ đến bao nhiêu đi nữa cũng không thể chịu nỗi. Dĩ nhiên, nếu một vài lần xảy ra qua loa, thì cũng không sao. Nhưng nếu người vợ không chịu tìm hiểu sự thể một cách khách quan của cuộc sống ở Tây phương, mà chỉ cố chấp bảo thủ lấy số vốn kinh nghiệm sống của mình mang từ Việt Nam qua, và cứ thế ghen hành ghen tỏi chồng, xét đoán nghi ngờ chồng, thì những hậu quả tiêu cực, kể cả những nguy hiểm cho hạnh phúc gia đình sẽ khó tránh khỏi.

• Vấn đề tài chánh: Như chúng ta nói đến ở trên là một trong những mục đích các cô dâu Việt kiều nhắm tới khi lên xe hoa theo chồng về xứ lạ, là việc giúp đỡ cha mẹ, anh em của các cô còn ở Việt Nam. Vì hơn ai hết chính các cô cũng đã từng trải qua những kinh nghiêm tủi nhục của kiếp nghèo khổ của gia đình cha mẹ mình, nên nay có chút điều kiện là các cô cố tận dụng ngay để thực hiện cho bằng được mục đích kia. Khách quan mà nói, việc thương cha mẹ, thương gia đình và tìm cách giúp đỡ họ là chuyện thảo hiếu, tốt lành và đáng làm. Nhưng việc giúp đỡ đó có tốt, có chính đáng hay không, lại còn phải tùy thuộc vào cách thức và hoàn cảnh giúp đỡ nữa. Ở đây, một nguyên tắc quan trọng mà các cô không được phép quên khi muốn giúp đỡ gia đình cha mẹ mình, đó là : Các cô đừng bao giờ quên rằng nay mình là người đã có gia đình riêng rồi, chứ không còn độc thân nữa; và mọi của cải trong gia đình - dù do chồng làm ra hay do vợ kiếm được – đều là của cải chung của hai vợ chồng. Vì thế, mọi chi tiêu hay biếu xén đều phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Có được như thế thì «cơm mới lành, canh mới ngọt». Còn cảnh chắt bóp dành dụm riêng, hay còn tệ hơn nữa là việc tự tiện lấy tiền bạc của vợ chồng đem gửi về giúp đỡ gia đình mình là một việc làm không thể chấp nhận được và không thể tiếp tục được, nếu không muốn ngước lấy những hậu quả bất hạnh tệ hại khác. Đàng khác, có những cô dâu Việt kiều không hề lấy tiền bạc chung của vợ chồng đem giúp gia đình, nhưng các cô lại đi làm thêm để có tiền giúp gia đình. Đây cũng không thể là một cách giải quyết hay và đáng khuyến khích, vì nó cũng ngầm chứa một nguy hiểm có thể đe dọa đến sự đầm ấm vợ chồng và gia đình, đó là sự nghi ngờ và phân bì trong gia đình.

• Vấn đề giao tiếp xã hội : Xã hội Tây phương là một xã hội mở, tự do dân chủ và pháp trị, vì thế có đầy đủ cả hai khía cạnh: Tích cực và tiêu cực của nó. Nhưng tích cực hay tiêu cực đều tùy thuộc vào quan niệm sống và thái độ cư xử của từng cá nhân. Cụ thể hơn, người ta có thể nói : Xã hội Tây phương giống như con dao hai lưỡi sắc bén. Nếu biết sử dụng hợp lý thì là một dụng cụ rất hữu ích, nhưng nếu sử dụng vụng về thì nó có thể làm hại đến chính bản thân người sử dụng nó. Vâng, sống trong xã hội Tây phương, người ta cần luôn phải sống hợp lý và văn minh, nghĩa là không nên khép kín và bảo thủ cách cố chấp đến tự cô lập, lẻ loi và lạc hậu, nhưng cũng không nên phóng khoáng cởi mở quá lố, đến chỗ bị lợi dụng và làm trò cười cho thiên hạ, nhất là liều mình đánh mất đi những đức tính và phẩm chất đáng quý của con người Việt Nam của mình và sau cùng là hạnh phúc gia đình. Nói cách khác, các cô dâu Việt kiều cần phải có thái độ sống hợp lý để có thể hội nhập được vào cuộc sống nơi quê hương thứ hai của chồng và cũng sẽ là quê hương thứ hai của mình. Sau cùng, các cô cũng cần phải biết phân biệt được sự khác biệt quan trọng giữa hội nhập và hòa tan vào đời sống xã hội Tây phương.

Còn bao nhiêu khó khăn khác mà người ta còn có thể nêu lên trong đời sống các cô dâu Việt kiều, nhưng ở đây chúng ta chỉ đề cập tới ba khó khăn tiêu biểu trên, để chúng ta có thể hiểu, thông cảm và giúp đỡ các cô dâu này mau biết hội nhập vào xã hội mới, nơi họ đang sinh sống.

Kết luận

Qua những dòng trình bay trên đây, chúng ta có thể tạm kết luận được rằng điều đầu tiên phải tránh và phải lên án là việc «lấy chồng giả», bởi vì dù dưới bất cứ hình thức nào, việc «lấy chồng giả» là một điều bất chính, phạm pháp và làm thương tổn đến quốc thể Việt Nam.

Tiếp đến, qua các kinh nghiệm cụ thể thu lượm được, thì những cuộc hôn nhân giữa người Việt kiều và những người Việt Nam sống trong nước không hẳn là vấn đề bất khả, hay chắc chắn sẽ bị đổ vỡ và bất hạnh. Trái lại, những cuộc hôn nhân đó rất có thể thành công và hạnh phúc. Nhưng muốn được như thế, họ cần phải tuân thủ điều kiện tiên quyết của vấn đề; đó là: trước khi quyết định thành hôn, họ cần phải có thời giờ tìm hiểu nhau đến nơi đến chốn đàng hoàng, chứ không thể cứ lấy đại, cứ thụ động «nhắm mắt đưa chân» được.

Dĩ nhiên, những cặp vợ chồng này phải ý thức được rằng, cuộc sống hôn nhân của họ ngoài các khó khăn bình thường như nơi các cặp hôn nhân khác, họ còn phải đối mặt với những khó khăn phụ trội khác nữa, do hoàn cảnh xã hội khác biệt Âu-Việt gây ra, ít là vào những năm tháng đầu.

Nhưng việc họ có thể xây dựng cho mình được một gia đình hạnh phúc đầm ấm hay không, đều tùy thuộc vào thái độ của họ có biết cùng nhau vượt lên khỏi những dị biệt, những bất đồng và những khó khăn thử thách đó bằng tình yêu vợ chồng chân thành, bằng sự thông cảm, bằng sự tha thứ, và sau cùng bằng đời sống đức tin sống động và sốt sắng vào Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, và bằng những tương quan gắn bó chặt chẽ với cộng đoàn Công Giáo địa phương cũng như với Mẹ Giáo Hội hay không, vì trong cộng đoàn Công Giáo nơi họ đang ở, họ sẽ tìm gặp được nhiều an ủi và nâng đỡ tinh thần cần thiết.
Lm Nguyễn Hữu Thy