Title: Lấy chồng xứ lạ (1)
Tác giả: LM Nguyễn Hữu Thy

Xét về phương diện xã hội, bản tính người Việt Nam thường là vui vẻ, cởi mở, khoan dung và thông thoáng, chứ không cố chấp và quá khích như một số dân tộc khác, chẳng hạn như đại đa số các dân tộc thuộc khối Ả-rập hay một số dân tộc bị ảnh hưởng Hồi Giáo. Hiện tượng đó có lẽ một phần là do bản tính tự nhiên của người Việt Nam và một phần khác là do chịu ảnh hưởng nền luân lý và triết học của Tam giáo - Phật, Lão, Khổng - những nguồn tư tưởng triết học vốn trọng đức tính khoan dung.

Nhưng cũng vì chịu ảnh hưởng sâu xa của nền luân lý và triết học của Tam giáo, nhất là của Khổng giáo như thế, nên xét về lãnh vực tương quan làng xã và gia đình, quan niệm người Việt Nam lại khá khắt khe. Quan niệm khắt khe đó được diễn tả một cách tế nhị và khéo léo qua câu ca dao :

« Ta về ta tắm ao ta.

« dù trong dù đục,

« ao nhà vẫn hơn. »


Quan niệm đó, có lẽ bắt nguồn từ tổ chức chặt chẽ của gia đình và làng xóm của người Việt Nam nói chung và của hai miền Bắc-Trung nói riêng, những nơi hệ thống tổ chức làng xóm trải qua hàng ngàn năm nay rất ngăn nắp và chu đáo : Tất cả đều cùng quay quần với nhau sau lũy tre xanh khép kín. Và mỗi làng không những có những tập tục, thói quen mà còn có những luật lệ nghiêm ngặt khác nhau, đến nỗi : « Lệnh vua thua lệ làng » là thế. Tiếp đến, vì mỗi làng có những nghề nghiệp truyền thống riêng và muốn giữ kín cho bà con trong làng mà thôi, chứ không muốn cho người làng khác học đòi bắt chước. Cũng vì thế, các thanh niên thiếu nữ, nhất là các thiếu nữ, khi đến tuổi cập kê thì thường chỉ lập gia đình với người quen biết trong làng mà thôi; trường hợp có ai xé lẻ, đi lấy chồng ở làng khác thì không những phải nộp cho làng tiền cheo mà còn cả tiền phạt nữa, nhiều ít bao nhiêu tùy theo Trưởng làng và các cụ bô lão trong làng ấn định.

Từ chỗ đó, tức nếu một người thiếu nữ đi « lấy chồng xứ lạ » trong nước đã bị quan niệm xã hội đối xử khắt khe như vậy, thì một người thiếu nữ lập gia đình với một người ngoại quốc càng bị lên án và bị coi khinh. Ðúng vậy, quan niệm truyền thống người Việt Nam thường cho những thiếu nữ lấy chồng người nước ngoài là hạng người thiếu đoan trang, thiếu luân lý. Và để tỏ thái độ khinh dể những người đàn bà Viêt Nam làm vợ người nước ngoài, người ta gọi họ là « me Tây » hay « me Mỹ », dù cho người chồng ngoại quốc của họ có chức bậc hay địa vị cao sang trong xã hội đến đâu đi nữa. Vì thế, khi lật lại trang sử Việt Nam chúng ta đọc thấy chuyện công chúa Huyền Trân, con của vua Trần Nhân Tông, tức em ruột của vua Trần Anh Tông, được gả cho vua Chiêm Thành là Chế Mân vào năm Bính Ngọ 1306 với quà sính lễ là hai Châu Ô và Châu Rí, tức miền đất rộng lớn từ phía nam tỉnh Quảng Trị cho đến phía bắc tỉnh Quảng Nam bây giờ. Tuy vua Chế Mân lúc đó là một vị vua tài danh của một nước Chiêm Thành hùng mạnh, và qua cuộc hôn nhân đó, đất nước Việt Nam được mở rộng về phía nam, nhưng quan niệm dân gian chẳng những không đồng tình mà còn mỉa mai bằng hai câu thơ :

« Tiếc thay cây quế giữa rừng,

« để cho thằng mán thằng mường nó leo ! »


Tiếp đến, chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên câu chuyện « cô bé lọ lem » được đăng tải trên các báo chí Miền Nam VN vào thập niên bảy mươi. Số là vào thập niên năm mươi, có một chàng lính lê dương da đen tên là Jean Bedel Bokassa, dan díu tình tứ với một cô gái người Việt; và năm 1954, sau khi hiệp định Genève được ký kết, thì anh lính lê dương gốc Phi Châu phải từ giã cô gái, để lại « giọt máu mòng hóng » của mình tại Việt Nam và theo đoàn quân đô hộ trở về Pháp. Sau khi trở lại mẫu quốc Pháp, anh ta đã xin hồi hương về quê anh ta là nước Trung Phi. Và rồi do tài năng hay do định mệnh đưa đẩy thế nào, anh lính lê dương năm nào nay đã trở thành Tổng thống và ít lâu sau đó, tự xưng Hoàng đế nước Trung Phi.

Nhưng khi leo lên được tột đỉnh của vinh quang và giàu có như thế với đầy đủ cung phi tỳ nữ xinh đẹp, anh ta vẫn không quên người tình năm xưa và đứa « con rơi » của mình còn ở Việt Nam. Vì thế, anh ta đã cử cả phái đoàn sang xin phép chính quyền Việt Nam được rước hai mẹ con, đang sinh sống bằng nghề bán lạc rang bên lề chợ, về dinh thự của mình ở Trung Phi. Quả thật là một tấm lòng đầy tình người hiếm có; và trong trường hợp này người ta có thể nói : « Niger sum sed formosus ! » - da tôi tuy đen, nhưng lòng tôi lại đẹp ! Thế nhưng báo chỉ Việt Nam lúc bấy giờ lại có dịp mỉa mai trêu chọc, nào là : ông vua « cột nhà cháy », hai mắt lồi ra như « hai con ốc nhồi », lưỡi đỏ lòm lòm, còn hai môi như « hai quả chuối hột », v.v… và gọi cô bé từng ngồi bán lạc rang bê lề chợ ngày nào, nay bổng chốc trở thành cô « công chúa », là « con bé lọ lem ».

Qua đó, chúng ta thấy rằng quan niệm người Việt Nam trong quá khứ về việc người đàn bà lập gia đình với người nước ngoài, đi « lấy chồng xứ lạ » là hoàn toàn bất đồng, là rất khắt khe.

Còn ngày nay ? Ở trong nước : Sau nhiều cuộc di cư và tản cư hay vì nghề nghiệp, dân chúng bỏ làng đi xa làm ăn, tiếp xúc với đủ thứ tầng lớp người thuộc mọi miền trên khắp đất nước, nên tuy óc địa phương và tâm thức làng mạc cũng như « đất lề quê thói » vẫn còn, nhưng không mạnh và khắt khe như xưa kia nữa. Còn đối với người nước ngoài : Nay là thời mở cửa, thời hội nhập quốc tế, thời hoàn cầu hóa, người Việt Nam ta - dù muốn hay không - cũng phải tiếp cận với mọi dân tộc trên thế giới. Do đó, quan niệm cũng không còn khép kín và phân biệt như trước kia nữa. Các hôn nhân dị chủng giữa người Việt Nam với người nước ngoài, tuy vẫn chưa được đại đa số đồng tình, nhưng cũng không còn bị phê bình hay kỳ thị khắt khe nữa, vấn đề quan trọng là miễn sao những hôn nhân đó phải đàng hoàng đứng đắn và hạnh phúc.

Nhưng sự khoan dung chấp nhận đó không có nghĩa là đồng lõa với với phong trào băng hoại đi lấy chồng người nước ngoài, hiện tượng « làm cô dâu » vô luân lý hiện nay. Vâng, tình trạng của đại đa số cô dâu Ðại Hàn, cô dâu Thái Lan, nhất là cô dâu Ðài Loan, không chỉ vô luân lý, xúc phạm đến đạo lý cha ông, mà còn làm xỉ nhục cho người Việt Nam nói chung và cho người phụ nữ Việt Nam nói riêng. Sự xỉ nhục và làm hạ giá người phụ nữ Việt nam ngay từ khâu tuyển chọn cô dâu cho tới suốt đời làm dâu ở xứ người.

1. Việc tuyển chọn cô dâu

Bình thường những người thanh niên thiếu nữ đến tuổi lập gia đình, họ thường làm quen với một người khác phái - trong các trường hợp khác nhau : hoặc do học cùng trường, làm cùng một hãng, ở chung trong một xóm hay khu phố, dịp họp bạn, hay trong bất cứ dịp nào khác, v.v… - từ đó họ tìm hiểu nhau, liệu con người, tính tình và quan niệm sống có phù hợp với nhau không; tiếp đến là tình yêu và chặng sau cùng là hôn nhân.

Chúng ta biết rằng cuộc sống hôn nhân chân chính phải được đặt trên nền tảng tình yêu. Không có tình yêu, không có hôn nhân. Không có tình yêu, hôn nhân chỉ là một sự trao đổi có tính cách thương mại, chứ không phải là hôn nhân thực sự. Và tình yêu hôn nhân chân chính phải được đồng hành bởi sự trung thành, sự chung thủy vợ chồng và lòng tôn trọng lẫn nhau, vì tình yêu hôn nhân thiếu sự trung thành và lòng tôn trọng lẫn nhau, thì chỉ là một sự lợi dụng nhau mà thôi.

Thế nhưng các « cô dâu Ðài Loan » lại không được may mắn nằm trong trường hợp đó. Họ không hề quen biết và cũng không có quyền được tìm hiểu người chồng tương lai của mình. Con đường dẫn họ tới « hôn nhân » là do sự trung gian của các dịch vụ hoàn toàn có tính cách thương mại, chứ không phải là ông mai bà mối hay ông tơ bà nguyệt như trong các cuộc hôn nhân bình thường khác, tức những người chỉ giúp xe kết duyên phận hai người nam nữ lại với nhau nên vợ thành chồng. Trái lại, những cô gái trạc tuổi trên dưới 20 tuổi này là con của những gia đình nghèo, đại nghèo, ở các miền quê, được những đại diện các dịch vụ ở Saigon đi tuyển chọn và mang về thành phố khi có « chú rể » từ Ðài Loan sang. Mỗi lần như thế người đại diện của dịch vụ tuyển chọn vào khoảng 9,10 cô « ứng cử viên ». Các cô được trau chuốt, được mặc áo quần đẹp và có lẽ là lần đầu tiên trong đời được thoa son đánh phấn lên mặt sạm nắng của mình. Xong, các cô lần lượt được dẫn vào một căn phòng và phải đi qua đi lại trước mặt « chú rể » đang ngồi ở chiếc ghế Sa-lông, vừa uống rượu vừa ngắm nghía và lựa chọn một trong các cô làm vợ, theo tiêu chuẩn cá nhân của ông. Một điều quan trọng ở đây : Bình thường « chú rể » không phải là một người thanh niên cùng lứa tuổi với cô dâu, nhưng là những ông ba tàu bụng phệ, tuổi tác vào lứa tuổi bố hay tuổi ông nội ông ngoại của cô dâu, và thường là một người đàn ông đã góa vợ, bệnh hoạn hay thuộc loại không thể tìm được vợ ở Ðài Loan.

Và một khi một cô nào đã « may mắn » hay « bất hạnh » lọt được mắt nâu « chú rể », thì chú rể sẽ bỏ ra khoảng 3000USD. Số tiền đó được dùng vào các chi phí : khoảng 300 hay 400USD biếu gia đình cha mẹ cô gái; số còn lại để lo các thủ tục giấy tờ xuất cảnh, mở tiệc từ biệt gia đình, trả tiền thuê phòng của dịch vụ, v.v...; còn cô gái đó đương nhiên trở thành « cô dâu », chứ không có vấn đề cưới hỏi hay xe hoa gì cả, và rồi cùng chú rể « được » hay « phải » xem những phim tục tỉu, cùng chú rể khai mạc lễ « động phòng ».

Thỉnh thoảng trong số đó cũng có một vài cô người Công Giáo; và từ bản chất một người con gai quê vốn hiền lành trong trắng, nhất là nhờ đức tin dạy cho biết đâu là tội, làm gì là lỗi luật Chúa, mà nay phải rơi vào hoàn cảnh vừa đau thương nhục nhã vừa vô luân đồi tụy như thế, thì khóc lóc xấu hổ và bị lương tâm người có đạo dày vò cắn rứt, chạy đi tìm các vị Linh mục trong xứ đạo kế cận xin an ủi giúp đỡ. Nhưng mọi sự đã quá muộn, « ván đã đóng thuyền rồi » : tiền cha mẹ ở quê đã tiêu rồi, và còn các khoản tốn kém khác, đào đâu ra để trả lại cho người ta. Vị Linh mục có nhân từ đến đâu đi nữa cũng không thể giúp được gì hơn là giới thiệu gửi gắm cô ta cho các vị Linh mục khác đang làm Mục vụ ở Ðài Loan nhờ giúp đỡ mà thôi.

Thật là đau thương và tủi nhục ! Khi phải từ giã đời một người con gái trong trắng để bắt đầu làm vợ, làm mẹ, làm một người đàn bà, mà không hề được sờ tới chiếc áo cưới, không được một lần bước lên xe hoa ! Những cô dâu đó cảm thấy mình như một bông hoa giữa cánh đồng nội bao la ngày nào, nay bổng dưng bị bóp nát bởi bàn tay của một gã đàn ông xa la; tương lai cuộc đời mình không biết sẽ trôi dạt về đâu ! Thật thân phận của các cô chỉ là thân phận của những kẻ « bán thân nuôi gia đình » bằng một giá rẻ mạt, không hơn không kém ! May hay rủi, sung sướng hay đau khổ, hoàn toàn tùy số phận, đúng là :

« Cũng nhắm mắt đưa chân,

« thử xem con tạo xoay vần đến đâu ! »


chứ các cô không có quyền chọn lựa. Hôn nhân của các cô không do tình yêu, nhưng là do hoàn cảnh sống éo le bó buộc; và các cô đi lấy chồng không do cưới hỏi đúng với đạo lý và truyền thống dân tộc, nhưng là do mua bán, do những con « buôn người » thời đại dàn dựng, thu xếp.

Tiếp sau đó là làm giấy thông hành và xin chiếu khán sang Ðài Loan. Nhưng tất cả chỉ là vấn đề thủ tục, vì mọi sự đều đã có người của dịch vụ phụ trách với sự bảo trợ của những kẻ đầy quyền lực. Dĩ nhiên là ai nấy đều có phần, đều được chia chác đồng đều. Thế là xong khâu chọn cô dâu và bắt đầu đời làm dâu ở xứ lạ.

2. Ðời làm dâu ở xứ lạ

Từ giã gia đình cha mẹ, từ giã quê hương xứ sở đi theo « chồng » về xứ người ngàn trùng xa cách, mà chưa hề biết được người làm chồng mình, chưa biết được người đàn ông mà mình trao thân gửi phận là ai, tuổi tác tính tình ra sao, không nói được tiếng của chồng, không nói được tiếng của quê hương chồng, v.v… thì tương lai của một người như thế ra sao, chắc ai cũng có thể đoán trước được phần nào rồi.

Như đã nói trên, hầu như tất cả các « cô dâu » Ðài Loan khi lên máy bay theo chồng về xứ người chỉ biết là mình đã được « trúng cử » và gia đình cha mẹ mình đã nhận được một số tiền nào đó, thế thôi. Còn trong tất cả mọi lãnh vực khác đều vô tri, kể cả đến hoàn cảnh gia đình nhà chồng giàu nghèo, sướng khổ, gia giáo hay thuộc tầng lớp vô lại, v.v… cũng đều mù tịt. Thật là một việc làm liều lĩnh, vô ý thức và vô trách nhiệm, trước hết là của cha mẹ các cô dâu, tiếp đến là của các dịch vụ « buôn người » và sau cùng là của chính các cô dâu. Và đương nhiên là khó tránh khỏi tình trạng « họa vô đơn chí ! » Trong trường hợp này, thân phận người phụ nữ Việt Nam trong cuộc chỉ là thân phận bọt bèo :

Gửi thân ngọn sóng ba đào,

đắng cay em chịu, ngọt ngào em vui.

Chồng em là đứa què đui,

Em đành phải chịu chôn vùi tấm thân !


Về tình trạng các cô dâu Ðài Loan đau thương và éo le thế nào nơi đất khách quê người đã được Linh mục Nguyễn Trung Tây, SVD, diễn tả và trình bày rất đầy đủ trong một bài viết tựa đề « Bên ni bên nớ :Công dân và cô dâu Việt Nam tại Ðài Loan »(1). Ở đây, chúng tôi chỉ xin nhắc lại một vài hoàn cảnh để độc giã có thể thông cảm cho những mãnh đời bất hạnh đang phải trôi dạt nơi đất lạ xứ người

Theo như lời kể của Linh mục Nguyễn Văn Hùng đang công tác Mục vụ tại Ðài Loan và là giám đốc Trung Tâm Tình Thương của văn phòng VMWBO (Vietnamese Migrant Worker’s & Brides Office) để săn sóc và giúp đỡ những người Việt Nam đi lao động hay lấy chồng tại Ðài loan, thì vào thời điểm tháng 9 năm 2005 đã có khoảng 100.000 cô dâu người Việt nam lấy chồng Tàu Ðài Loan. Một số lớn trong họ bị coi như những món hàng đắt giá trong tay bọn buôn người vô lương tâm trục lợi : « Các cô bị bán làm nô lệ không công, hoặc bị ép buộc hành nghề mãi dâm cho dân bản xứ, hoặc bị bán cho các ổ điếm ở Thái Lan ». Một số các cô khác thì quả thực được đem về làm vợ, nhưng không phải làm vợ cho một mình người đàn ông đã sang Việt Nam mua cô về, mà là phải lần lượt làm vợ cho tất cả những người đàn ông sống trong gia đình; và trong cuộc sống hàng ngày thì các cô bị đối xử như một đứa ở hay một đứa nô lệ : phải thức khuya dậy sớm, phải làm đủ mọi công việc phục dịch hầu hạ cho cả gia đình, từ khi thức dậy sớm cho tới khi mọi người đã đi ngủ. Có những cô lại được mua về để phục vụ những người bệnh hoạn tật nguyền trong gia đình. Chỉ có một số ít thực sự là làm dâu đúng nghĩa. Tuy nhiên, ngay cả đối với những cô dâu này, hai từ « hạnh phúc » vẫn là những tiếng xa lạ; phẩm giá và nhân vị của các cô không được tôn trọng; các cô không có tiếng nói trong gia đình và chỉ được coi như sở hữu của chồng và của cả gia đình nhà chồng, ai cũng có quyền sai khiến và bắt cô phải phục dịch. Thật đau đớn và nhục nhã cho đời người đàn bà Việt Nam, con cháu của Bà Trưng Bà Triệu !

Trong dịp Tết Ðinh Hợi vừa rồi, Ðại sứ quán Việt Nam ở Ðài Bắc đã tổ chức ngày họp mặt mừng Tân Xuân và nêu đích danh là « cho những công nhân lao động và cho các cô dâu ». Trong lời giới thiệu vị đại diên của Ðại sứ quán đã ca ngợi và cám ơn số ngoại tệ to lớn mà các cô dâu đã gửi về nước giúp gia đình, và qua đó đã gián tiếp giúp cho công tác ngoại thương của nhà nước.

Nhưng ở đây, người ta tự hỏi là khi phát biểu như thế, liệu vị đại diện của Ðại sứ quán Việt Nam ở Ðài Bắc có ý thức được rằng đồng tiền mà các « cô dâu » kiếm được và gửi vể quê hương cho gia đình của họ như thế đã phải trả bằng giá nào không ?

Ðó là giá máu, giá mồ hôi nước mắt của họ, và còn hơn thế nữa, đó là giá nhân phẩm, giá nhân vị, giá danh dự, giá mạng sống họ ! Vâng, những đồng tiền mà những « cô dâu » chắt chiu dành dùm được và gửi về giúp gia đình họ, đều ướt đẫm nước mắt của sự nhục nhã, của danh dự và của phẩm giá người phụ nữ của họ. Do đó, nếu các cơ quan, các ban ngành liên hệ trong nước không ý thức được điều đó, nhất là không có được sự thông cảm và trân trọng đủ đối với hoàn cảnh những cô dâu bất hạnh này, thì sẽ gây nơi các cô cái mặc cảm bị xúc phạm và bị lợi dụng lần thứ hai.

Nhưng ở đây, một câu hỏi cơ bản được nêu ra là liệu các nhà chức trách, các cơ quan liên hệ trong nước có quyền được phủi tay trước những hoàn cảnh đầy đau thương và nhục nhã này của những người công dân phái nữ của chúng ta ở Ðài Loan hay không ?

-----

(1) www.nguyentrungtay.com; www.vietcatholic.net/news/