Chương 12

Như một sự sắp đặt quái ác của số phận, chiếc xe tốc hành đi về miền Tây hôm ấy đáng lẽ bon thẳng theo xa lộ Đại Hàn, nó lại cắt chéo vào đường rừng để đón thêm khách.

Thế là, dù muốn hay không, một lần nữa tôi phải nhìn lại, sống lại cái mảnh đất ngột ngạt những ký ức này. Lại gốc cây ấy, ngã ba kia, thằng này sống, đứa kia chết… Lại ong ong những nhức nhối và hờn tủi trong đầu và lại buộc phải xin các bạn độc giả kiên tâm dừng lại với tôi một chút mà chưa thể về ngay cái vùng sông nước, nơi mà tôi hy vọng rằng cuộc hành trình của tôi sẽ vào hồi chung cuộc. Dù thuận hay nghịch.

Vâng! Từ đầu câu chuyện đến giờ, tôi đã cố né tránh để khỏi phải nghĩ, phải nhắc đến cái đêm… Không! Sao lại là đêm? Chả lẽ cứ động đến buồn đau là nhất thiết phải gắn chặt với bóng đêm cho thêm phần bi luỵ ư? Vâng! Đúng ra là vào chính cái buổi sáng mùa khô năm ấy…

Những ngày sau hiệp định Pa ri 73 là những ngày tột cùng cô đơn và cũng tột cùng khốc liệt đối với đám lính bám trụ vùng giáp ranh chúng tôi. Cái dòng gian nan, chết chóc thà cứ chảy suốt một luồng lại còn dễ chịu đựng. Đang chảy, chạm khắc 73 thái bình, tưởng rằng thế là xong, là không còn chết chóc ở phía trước nữa nhưng rồi nó lại tiếp tục chảy, gian nan hơn, chết chóc hơn, thật là kinh khủng. Ấy vậy, không hiểu do thần phật độ trì hay do nghệ thuật bám trụ đã thành tinh, hay do chính cái ý chí duy vật kiên cường chống lại điềm tâm linh bi thảm khi dính dáng chuyện tình ái với Sương mà tôi vẫn tồn tại, chưa chết, chưa tự sát, tự thương? Đúng là một điều kỳ lạ, một kỷ lục hiếm có về khả năng kéo dài sự sống trên vùng đất ít ai giữ được cái gông trên cổ ngoài sáu tháng này. “Tại vì anh yêu em và được em yêu lại. Tại vì thần chết, dù có chai sạn nhất cũng chẳng nỡ chia lìa lứa đôi một khi cái lứa đôi ấy yêu nhau đã gần trọn năm năm mà vẫn chưa có dịp hiểu về nhau ở nơi tận cùng xác thịt. Đúng không?” Tôi thường trả lời Sương như thế mỗi khi lâu lâu gặp lại vẫn còn nhìn thấy nhau sống sót nguyên lành trước mắt mình. Khi ấy, em chỉ khẽ gật gật đầu, để mặc cho nước mắt trào ra…

Thời gian này, cùng với độ dài chiến tranh tưởng chừng như vô tận, Sương đã thay đổi, đã cứng cáp hơn lên chút ít nhưng vẫn thế, rụt rè, bé bỏng và hay tha thẩn ngồi một mình. Riêng đôi mắt em nhìn ra cửa rừng có nhiều nắng là hơi già đi. Sau khi Hai Hợi chiêu hồi, Sương rơi người vào một khoảng lắng chìm khá lâu. Rồi em bừng tỉnh, nhận làm xã đội trưởng thay chị. Đánh được vài trận, trên đề cử làm bí thự Em lắc đầu. Và xin thôi chức xã đội trưởng luôn để tiếp tục trở về làm cô y tá như xưa kia. Tại sao vậy? Một lần tôi hỏi, em trả lời: “Ráng đánh thắng ít trận để chuộc tội lỗi cho chị Hai thôi, Sương không ham”.

Còn đơn vị tôi, không biết đã bị xoá phiên hiệu đi, xoá lại đến lần thứ mấy nữa? Bi kịch được lặp đi lặp lại nhiều lần nó cũng trở thành nhàm, thậm chí thành hài kịch. Sau hiệp định Pa ri, thực sự những kẻ cầm súng trực tiếp như chúng tôi sống trong một màn bi hài kịch đẫm máu. Mỗi lần bị xoá là mỗi lần mấy đứa còn lại lủi thủi theo giao liên ngược lên rừng già nhận thêm quân ở ngoài kia mới vào. Có quân là có việc làm, có mục tiêu để nổ súng và để lại tiếp tục ngã xuống, ngã xuống đến người chót cùng. Nhưng trận đánh ngày càng xa dần cái bến sông hiu quạnh đã ngậm ngùi chôn nhau ngót nghét không dưới năm chục mang người, xa dần em để xuống sâu hơn nữa. Ai chết cứ chết, đơn vị nào bị xoá phiên hiệu cứ xoá, nhưng đường đi bao giờ cũng vươn về phía trước, chỉ có phía trước, nơi vầng sáng đô thành Sài Gòn đang hắt lên không trung những ánh màu đầy ma quỷ song cũng thật là quyến rũ. Do đó mà suốt độ dài năm năm dằng dặc, tôi và Sương chẳng mấy khi được gặp nhau, được có dịp chiến đấu bên nhau như cái thời kỳ trước, trong và sau Mậu Thân hồi nào. Phải chăng, tôi lặng người đi trong một suy nghĩ, phải chăng chính sự xa cách đó đã cưỡng lại được cái lời tiên tri độc địa của Viên. Tôi chưa chết và em cũng chưa làm sao. Nhưng còn em, em lại nghĩ khác. Giụi đầu vào ngực tôi một lần gặp lại, em đã nói: “ Tại vì ở đâu, lúc nào, gần anh hay xa anh, đêm cũng như ngày, Sương đều cầu nguyện cho anh, nhớ về anh nên thần phật thương, thần phật không nỡ bắt anh Hùng phải đi như những người khác. Thần phật không nỡ để em lủi thủi một mình trong những cánh rừng trụi lá toàn bom đạn…”. Tôi hôn em, nụ hôn giữa rừng trộn nước mắt mặn chát. Trong những trường hợp như thế, tôi phải gồng mình làm giá đỡ tinh thần cho em: “Nếu mai mốt còn sống, anh và Sương sẽ kết hợp làm một luận chứng khoa học nhằm đả phá tan tành bọn duy tâm bói toán mà bằng chứng hùng hồn là sự tồn tại nghiễm nhiên của cả anh và em đây. Số má ư? Làm gì có. Chả lẽ hàng trăm người chết trong một trận B52 rải thảm, một trận bị phục kích cỡ trung đoàn lại cùng chung một số, một ngôi sao chiếu mệnh ư? Láo toét hết. Cứ mời các vị chiêm tinh phòng khách ấy vào đây một lần, nếm qua bom đạn một tí, chôn nhau một tí, nã súng vào ngực thằng thù một tí là mọi mớ lý thuyết han rỉ, sản phẩm của một trái tim yếu đuối, một bộ não phù nề bị phá sản ngaỵ Ví như anh. Số anh cầm tinh con gì? Ngày sinh tháng đẻ ra sao? Ai là quý nhân phù trợ mà có muốn cũng chả dễ gì chết được. Nào! “Đừng… Đừng nói trước điều gì hết, anh. Em sợ lắm! Chiến tranh còn dài, đã biết bao giờ kết thúc đâu. Nhưng nếu ở đời có cái chuyện quý nhân phù trợ ấy thì em xin là người phù trợ cho anh. Phù trợ bằng cả tính mạng mình…”.

Song, chuyện tình của hai đứa tôi không phải khi nào cũng một màu sắt son lãng mạn pha cả ngậm ngùi bi thương như thế. Mặt trận chuyển động không theo quy luật, có bận chúng tôi phải hoạt động xa nhau cả năm trời. Và cũng cả năm trời ấy, em không thèm viết cho tôi lấy một chữ, nhắn nhe cho tôi lấy một câu. Nhớ em quá! Và lòng dạ cũng nghi hoặc quá, nhân lúc rảnh rang chưa vào mùa đánh giặc, tôi liều mạng một mình cắt rừng hai đêm, vượt qua ba con lộ máu, chục cái bốt gác dữ dằn để đến với em nhưng em lại giữ bộ mặt thản nhiên như chuyện gặp nhau vẫn xảy ra cơm bữa. Sao vậy? Cái gì đang xảy ra trong cái đầu nhỏ nhắn của cô thế? Tôi trợn mắt hỏi, em chỉ lắc đầu cười buồn: “ Em mệt! Em mệt lắm! Đừng hỏi, đừng hành hạ em thêm nữa”. Thế là về! Lại hai đêm cắt rừng, ba con lộ… Gió sông gió đồng thổi vào đầu lồng lộng mà sự tê tái bao phen cứ chực ứa ra thành nước mắt!

Gần đây, theo những nguồn tin vừa tin cậy vừa không tin cậy, người ta bảo em đang dính dáng đến một sĩ quan ở ban tham mưu quân khu đẹp trai, cấp hàm cao, vừa học ở Nga về, lại có gia đình làm ăn khá giả tại Sài Gòn, mỗi lần móc nối được, tiền của xài cả mùa không hết. Lần khác lại nghe nói em đang quan hệ với chính ông tỉnh đội trưởng chưa đầy bốn mươi tuổi. Ông này dự kiến đưa em ra Hà Nội đào tạo bác sĩ hay trường Đảng cao cấp, đặng trở về làm rường cột cho quê nhà một mai khi bước vào thời hậu chiến. Lần khác nữa lại có tin đồn em công khai gắn bó tình cảm với một cậu du kích kém mình năm tuổi, vốn là sinh viên luật mới ở Thành chạy vào, gắn bó trên danh nghĩa em nuôi. Em nuôi!… Mẹ, chao ôi sao chỉ một mình em là lắm lời đồn đại thế? Cái nào đúng cái nào sai? Đúng cả hay sai cả? Sự thật hay miệng đời khốn nạn dệt thêu? Cao cấp uy quyền ư? Trẻ trung học vấn ử… Phải thôi! Toàn những miếng thăn miếng nạc, thơm da thơm thịt cả. Bì làm gì với cái thằng tôi ở dưới này, sần sùi, cóc cáy, dai nhanh nhách, chân tay hồi nào cũng nhớp nháp máu người và ngày một ngày hai sẽ đến phiên chết giúi giụi trong bờ trong bụi hay chết banh xác trên mặt đường. Dại gì! Đúng thôi. Nước đời bao giờ chẳng thế! Mẹ!… Tôi ném tiếng chửi ra mặt sông nhạt thếch màu hoa bèo. Hoá ra trong những cánh rừng bom đạn, cái sống cái chết cách nhau không tày gang tấc, ái tình cũng được cân đong cẩn thận đáo để. Tôi chỉ là một hình ảnh loà nhoà đi qua cánh rừng bên sông ấy. Qua rồi là biến nhẹm, là thôi luôn sau khi đã góp phần lấp đầy một phút trống trải cho đứa con gái ấy. Sau tôi lại tiếp tục những kẻ khác, lại lấp đầy rồi lại qua đi, chỉ có cô ta là còn lại như là cái nơi tập kết của những tình yêu giả trá khoác màu thống khổ. Khốn nạn! Vậy thì cóc cần, cả mạng sống, cả cuộc đời còn dám quăng vào ngang ngửa, một chút tình bạc nhạc con con, sá gì. Tốt nhất là tiếp tục vùi đầu vào công việc chém giết cho khuây.

Nhưng quái lạ! Càng thế càng không làm sao khuây được. Càng ác liệt, càng gian truân, càng mỏng manh sự sống, đêm về mắc võng nhìn lên khoảng trời nhỏ bé đầy gió và sao, hình ảnh em lại càng níu buộc, thuốn xoáy, giằng ra chừng nào, lại xô vào chừng ấy, ngấm chìm, lặn hụp vào trong…

Tình trạng chông chênh lúc có lúc không ấy làm tôi mệt nhoài, thậm chí dẫn đến sự héo tàn rồ dại chưa lường được nếu một ngày kia phân đội trinh sát chúng tôi không được lệnh trở lại chính cái địa bàn đó...

... để kết hợp với cơ sở nội tuyến tìm diệt đám thám báo, gián điệp có nợ máu vừa thực hiện xong hành vi chỉ điểm đánh phá có hiệu quả vào căn cứ ba xã trọng điểm.

Nhận nhiệm vụ, chúng tôi nhìn nhau im lặng. Lại tổn hại! Lại teo tóp! Sau hiệp định hoà bình, ai dè sự tổn hại, sự teo tóp lại diễn ra thê thảm hơn cả hồi Mậu Thân? Nản lắm, nhiều khi muốn lỏng tay cầm súng lắm mà không thể nói ra. Tuy vậy ở riêng tôi, tôi cũng có một chút bồi hồi khi biết rằng mình sẽ trở về nơi ấy, sẽ gặp lại con người ấy. Rất bồi hồi.

…Chuyến đi diệt ác này, tất nhiên, có cả bán đội du kích của Sương đi cùng với tư cách là lực lượng địa phương dẫn đường. Sương vẫn làm y tá nhưng do cậu xã đội trưởng mới ngã xuống khi đêm nên cô ấy lại phải tạm thay, làm luôn cả hai chức năng.

Buồn quá! Lâu lắm mới gặp nhau mà em chỉ lạnh nhạt khẽ chào. Chào như chào một đồng đội không hề quen biết đến làm nhiệm vụ phối thuộc. Bị chạm tự ái nặng nề, tôi cũng khinh khỉnh quay đi. Cả hai giữ nguyên trạng thái căng thẳng cố tạo đó, ít nhất cũng là ở tôi, cho đến khi dẫn được đám tù binh trở về.

Họ gồm bảy người, cả chủ lực lẫn bảo an, cả nam lẫn nữ, cả cảnh sát lẫn tình báo phượng hoàng. Họ bị bắt gọn trong lúc đang tụ tập ở tại nhà viên trung úy xã trưởng để bàn tính chỉ điểm đánh ta một đòn chí mạng nữa vào ngay căn cứ tỉnh uỷ. Trong số đó, tôi thoáng để ý thấy một thanh niên dong dỏng cao, đeo kính trắng, trán đẹp, mặt đẹp, khôi ngô, có dáng một sinh viên hay giáo sư trung học hơn là một tên thám báo, chỉ điểm. Hắn ngồi hơi tách riêng ra một chỗ, mắt nhìn xuống đất, đăm chiêu chứ không đến nỗi đờ đẫn, cóm róm vì một ám tượng hãi hùng đang có khả năng ập xuống như sáu người kia. Có một cái gì đó rất lạ không gọi được tên bất chợt nhen lên trong tôi như một sự mách bảo, lại như một giao cảm vô hình, bảng lảng thường xuất hiện trong chiến tranh giữa hai kẻ nằm hai bên chiến tuyến hận thù. Tôi gọi hắn riêng ra một chỗ.

- Tên anh là gì? - Tôi hỏi vừa đủ nghe.

- Dạ… Thưa tôi tên Tường - Tiếng trả lời nhỏ nhẻ, thanh thoát, rung nhẹ.

- Anh người ngoài đó?

- Dạ… Ba má tôi người Hải Dương.

“Thì ra anh ta là đồng hương với tôi!”. Một chút nữa tôi buột miệng thốt lên điều đó nếu không chợt nhìn thấy con mắt hắn sau đôi kính loé lên một tia sáng khó hiểu. Tuy vậy, giọng tôi cũng chùng xuống:

- Anh là cái gì trong đám ác ôn sặc máu này? Tại sao anh lại có mặt giữa bọn họ?

Cái ngây ngô của tôi, một gã lính chiến quen đánh vỗ mặt mà không biết đường dò tìm ngóc ngách trong nghệ thuật hỏi cung, nằm chính trong câu hỏi gần như nối giáo, gần như gợi ý cho đối phương này. Hắn nhìn nhanh sang đồng bọn, một cái cúi đầu trả lời khẽ khọt:

- Dạ… Chỉ là một sự ngẫu nhiên. Tôi… Tôi về thăm nhà rồi chẳng may… Tôi thực sự không biết những người kia là ai. Dạ…

Về thăm nhà? Chả lẽ hắn là người bà con hay anh em họ hàng ruột thịt gì đó với thằng cha trung úy xã đội trưởng trông giảo hoạt kiả Thăm nhà? Rất có thể lắm chứ. Cái gì chả có thể xảy ra trong cuộc chiến tương tàn này. Tôi định hỏi thêm hắn mấy câu nữa nhưng lại thôi vì lúc đó Sương đang đi tới. Thì ra, trời ạ, vừa rồi chẳng qua tôi hỏi chỉ để mà thôi, chứ thực ra hỏi để khỏi phải nhìn thấy ánh mắt trống trải xa lạ của em và cũng vì tôi thấy hắn có cái gì đó là lạ, không giống những tù binh khác.

Một tiếng nổ đầu nòng bất thần vang lên ở phía thị xã bên kia sông.

Tiếng Sương cất lên mệt mỏi:

- Sắp đến giờ pháo kích. Mấy em cho tù binh xuống hầm lẹ đi!

Như bị cái tiếng nói dửng dưng ấy xúc phạm, bỏ quên, tôi cũng ẩy mạnh vào vai gã đeo kính, quát trở lại:

- Xuống hầm! Lẹ lên!

Giây phút đó tôi đã không biết rằng hắn chưa hề bị trói trở lại như đứa khác. Và thưa bạn đọc, cái không biết đó có đúng là không biết thật chưa? Mãi sau này, mỗi khi kiểm nghiệm lại, chính tôi, tôi cũng không thật rõ nữa.

Sau đợt pháo kéo dài gần một giờ đồng hồ, trời lại bắt đầu hửng sáng.

Tuấn, khi đó đã là đội phó của tôi, từ chạc cây gác nhảy xuống, lắc đầu chán nản:

- Chúng nó đã lố nhố đen đặc của cửa rừng rồi, anh Hai? Thế là bị bao vây con mẹ nó rồi. Nhanh thật! Chúng tính trả đũa cái vố bị hốt gọn đám thám báo khi đêm đây. Tính sao anh?

Tôi biết tính sao là ý hắn muốn hỏi cái khoản tù. Theo nhiệm vụ, nếu bắt sống được số này, bọn tôi bằng giá nào cũng phải giải được lên trên để điều tra xét hỏi. Bây giờ tình thế xoay chuyển bất ngờ, ngay đến chúng tôi cũng chưa chắc đã lên trên được huống chi là chúng nó!

Tuy vậy, tôi vẫn nói Tuấn dẫn một tổ tinh nhuệ cắt thử một đường rõ thật bất ngờ xem có lọt không. Nửa giờ sau, nghe có tiếng súng nổ rộ rồi Tuấn trở về, quần áo rách bươm, kêu hết xí quách rồi! Một con chồn lùn cũng chẳng thể lọt quạ Chưa hết hy vọng, tôi xách tiếp một tổ đi nữa. Cũng không ăn thua! Chúng nắm tay nhau đứng giáp vòng như đi xem hội, khó lắm! Ai đời, một khoảnh rừng bé xíu chưa đầy hai sào ruộng mà chúng rùng rùng kéo đến án ngữ tới ba tầng, cả bộ binh, thám kích và cơ giới. Đúng là đánh nhau kiểu công tử con nhà giàu cũng nhàn thân thật.

Tình thế mới đẩy tôi phải bước đến hầm của Sương mặc dù tôi chưa hề muốn đến lúc này.

- Chào đồng chí! - Tôi đứng nghiêm như một chú lính kèn. Sương nhìn lên tôi khẽ rùng mình một cái.

- Anh... Chào anh! Có việc gì không... anh?

- Tất nhiên là có việc. Tôi đến để bàn với đồng chí một việc hệ trọng (Đôi mắt đen im lặng của Sương chỉ hơi nhướng lên). Nếu bây giờ ta quyết định giải tù binh đi theo phương án thì chết hết. Chết cả người giải lẫn người bị giải. Đó là điều chắc chắn.

- Dạ!... Tiếng dạ rõ ràng tỏ ra lơ đễnh.

- Cho nên, nếu đồng chí đại diện chính quyền địa phương thống nhất (những tiếng này tôi nhấn mạnh đến nỗi vầng trán xanh xao của em phải chau lại) tôi chính thức đề nghị, xét theo tội trạng đã rõ mười mươi của từng tên và căn cứ vào hoàn cảnh đặc biệt của địa bàn, ta có thể tiến hành xử tử hình ngay tại chỗ.

Có lẽ đến lúc này Sương mới nghe thủng câu chuyện, vẻ mù mịt trong đôi mắt biến mất, em đứng dậy, ngỡ ngàng:

- Tử hình?... Tử hình ai?... Sao lại tử hình, anh Hai?

Trời! Hỏi nghe mới sướng chưa? Như cái kiểu hỏi đối với một thằng cha trẻ trung, cấp hàm cao, lắm tiền nhiều của nào đó. Tôi càng nhấn giọng:

- Đơn giản: Có thể không trúng như lệnh trên nhưng lại bảo toàn được lực lượng. Vô lý khi chỉ vì ba cái đứa ác ôn có nợ máu này mà ta phải hy sinh thêm nữa, thậm chí hy sinh tất cả. Đồng chí có hiểu tôi nói không? Nếu bất cứ ai vào địa vị tôi, dù là ông tư lệnh Miền hay ông tư lệnh Bộ, chắc cũng phải hành động như tôi thôi. Hết!

- Khoan đã - Sương chới với trước những loạt đạn bắn thẳng dồn chứa mọi sự ấm ức từ lâu của tôi - Em... Em thấy chưa cần phải làm như thế. Đề nghị đồng chí xem xét lại coi. Biết đâu...

- Trong chiến tranh không thể có cái chuyện gọi là biết đâu ấy - Cáu vì tiếng 'đồng chí' khô khốc của cô hơn là những lập luận ấp úng đó, tôi càng áp đảo.

- Là người chỉ huy cao nhất ở đây, tôi muốn đồng chí trả lời chính xác. Trong hai khả năng, ta chỉ có thể chọn một.

- Không! - Bất thần nét mặt em đanh lại dễ sợ - Tôi sẽ chọn cả hai. Tại sao đồng chí không tiến hành mở một trận tập kích nhỏ như tập kích chiến đoàn 52 Mỹ ngày trước, thu hút lực lượng của chúng để dãn cách vành đai án ngữ ra?

- Hả?...

Tôi thoáng chột dạ. Chột dạ vì cái giọng nói đột biến trở nên uy lực kia hơn là nội dung câu nói, dẫu rằng dù muốn hay không, cũng phải công nhận rằng đó là một sáng kiến có giá. Chà! Gớm cho đàn bà chân yếu tay mềm một khi đã đi qua chiến tranh đều có thể trở thành đáo để, sắt thép hết. Sắt thép từ khi nào thế này, cô bé? Đã vậy thì tôi chỉ còn cách phải... mềm lại thôi.

- Đúng, tôi đã nghĩ đến điều đó. Nhưng ngày trước chúng chỉ có một vòng vây mà lại vòng vây lính Mỹ ngơ ngáo, còn bây giờ là ba vòng toàn bọn sư 5 lọc lõi, ranh mãnh đã quá quen với các ngón nghề của ta rồi. Muốn tập kích hay phục kích, lực lượng ta đòi hỏi phải gấp mười hay chí ít cũng gấp năm thế này.

Sương im lặng. Trước kia, thường những lúc tôi cố ý lái sang những vấn đề, những thuật ngữ quân sự rắc rối thì bao giờ em cũng im lặng. Trong thoáng chốc, cô lại trở về cái hình hài con chim sẻ tội tình ưa ngồi nơi râm mát ngày nào. Em gượng lên một lần nữa:

- Giả du... Giả dụ ta cứ trụ lại, trụ lại cùng với tù binh vài ngày nữa rồi lựa thế tìm cách ra sau? Được không?...

- Thế là tự sát! - Tôi cười không thèm giấu đi vẻ giễu cợt cứ lồ lộ hiện ra - Nhúm người chúng ta sẽ rơi vào tình trạng thù trong giặc ngoài, hết đường chống trả.

Lại im lặng. Im lặng rất lâu... Thực lòng tôi khao khát được chìm mãi vào vùng không khí lặng tờ này mà không phải nghe, không phải nói gì hết. Dường như trong im lặng mông lung, em mới có dịp trở lại là em, yếu mềm, cây cỏ... Sương bẻ ngón tay, bẻ thầm, bởi vì còn có cái gì trong xương trong cốt nữa mà kêu.

- Thôi thì tuỳ... tùy anh. Tuy vậy tôi... tôi...

- Yên tâm đi! - Tôi cười nhạt - Tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự việc này. Nếu sau đây có gì rầy rà, tôi sẽ trả lời rằng, đây hoàn toàn là hành động đơn phương mặc dù đồng chí đại diện địa phương đã khăng khăng phản đối.

- Không... Không phải thế! Anh không...

Giọng nói cô khổ não như sắp khóc. Kệ! Tôi muốn trả thù. Lấy câu chuyện tù binh để trả thù chứ chưa hẳn câu chuyện này là nguyên cơ gay gắt áp đảo nhau.

- Tuấn đâu! - Tôi gọi khẽ.

Tuấn đi đến, nét mặt vẫn tỏ ra căng thẳng:

- Anh Hai gọi.

- Cậu thay mặt bà con và thay mặt cách mạng khử chúng đi! Khử hết!

Nét mặt nó rạng lên:

- Em biết trước là thế nào anh cũng phải buộc lòng quyết định như thế. Nhưng... Khử bằng gì ạ? Bắn vào sọ thì không ổn rồi. Ở đây có đánh rắm, địch cũng nghe thấy. A... Xin lỗi chị Ba...

- Bằng gì tùy cậu. Miễn là gọn. Xong chôn cất từng người đàng hoàng. Nhớ đánh dấu từng tên để sau này nếu trong chúng ta thằng nào còn sống, biết đường mà báo cho gia đình người tạ Nói rằng đây là việc làm bất đắc dĩ, ta muốn họ chết ở đây hơn là để họ chết lăn lóc bởi chính những viên đạn của phía bên họ trên mặt lộ. Thế thôi.

- Rõ!

Tiếng rõ của hắn nghe không được mạnh mẽ lắm. Cũng như câu ra lệnh của tôi cũng cố gồng lên mà ra lệnh. Nói đùa, nếu vừa rồi Sương tỏ ra thương cảm hơn một chút, bất lực và yếu đuối hơn một chút thì chưa biết chừng tôi đã thay đổi ý định rồi, dẫu biết rằng phải trả một cái giá thật đắt cho sự thay đổi đó.

Để mặc Sương ngồi đó với ánh mắt nhìn lên tôi đượm vẻ ngỡ ngàng, ai oán, tôi quay lưng bước đi, lòng dạ không thể không cộm lên một chút xốn xang, day dứt. Xót ruột lắm ư cô gái? Xót ruột hộ những người ở phía bên kia vừa gây thương tổn không lấy gì bù lại được của đồng đội cô à? Cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh gì vậy? Sự thương xót từ trong vô thức mờ mịt không thể hiểu được kia là thế nào đấy? Thế còn hàng trăm, hàng ngàn những người đồng hương của chúng tôi thay nhau ngã xuống bón đất cho vùng sông này thì sao? Chuyện đùa, chuyện trẻ con chắc, hở cô đảng viên nòng cốt của Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam?

Tuấn huỳnh huỵch chạy đến, mặt mày ngơ ngác:

- Anh Hùng!... Sao chỉ còn có 6 đứa? Hồi hôm ta tóm gọn cả 7 cơ mà?

- Hả? - Tôi chột dạ - Thằng nào thoát?

- Không thấy cái thằng đeo kính trắng nói giọng Bắc đâu hết.

- Thằng Tường?... Tôi bất giác thốt lên và định nhào đến cái hầm khi đêm tôi vừa đẩy nó xuống đó nhưng rồi vẫn đứng lặng. Không cần thiết nữa. Chắc chắn là hắn đã trốn mát rồi. Và một ý nghĩ chớp sáng rất nhanh trong đầu, tôi cả cười, nói át đi - Sáu đứa là đủ. Cái thằng kia là giáo học hay sinh viên gì đó, vô hại, cho nó sống, giữ lại làm gì.

- Anh thả nó ư? - Tuấn tròn mắt nhìn tôi.

- Không thả nhưng... Cũng coi như thả. Chặc! Nó về thăm nhà ấy mà. Biết đâu lại đỡ đi được một oan hồn vất vưởng?

Đến đây thì cái thân hình con gái đang xiêu lả kia lẳng lặng đi tới, tiếng nói cô nặng nề dội vào tai tôi như dội vào tôn thiếc:

- Trời đất ơi! Đồng chí có biết đồng chí vừa làm một việc rất vô nguyên tắc không? Tên Tường ấy chính là một tên nguy hiểm, phái viên của tiểu khu phái xuống chỉ đạo bọn này.

- Thế à?...

Tôi buông một tiếng hỏi vô nghĩa rồi chết lặng. Đã trót nói là thả thì không thể nói lại là vô ý. Nhục lắm! Tôi lảng mắt đi để tránh cái nhín không thể chịu được của Sương, rồi đột nhiên tôi nổi khùng:

- Vâng! Rất có thể tôi đã vô nguyên tắc và tôi cũng xin chị trách nhiệm luôn về cái vô nguyên tắc này. Đồng chí Tuấn! Tiến hành đi! Lẹ lên! Không còn thời gian để tranh cãi nữa đâu.

Nhìn theo cái bóng chắc đậm của Tuấn khuất đi rồi, tôi mới thấy lọ Lo vì chuyện khử tù binh tắt đã đành nhưng cái đáng lo hơn lại thuộc về sự bảo toàn căn cứ và sinh mạng của anh em một khi thằng phái viên kia đã từ trong ruột mình chạy ra và dứt khoát sẽ dẫn quân đánh trở lại. Đúng là tự dưng lại dâng gọn cả sơ đồ phòng thủ căn cứ cho nó xơi ngon lành! Khốn nạn!... Bất giác tôi đưa mắt nhìn về phía Sương... Em đang ngồi đó, quay mặt ra sông, nước mắt lưng tròng, giống một bé gái bị mẹ mắng đang tủi thân tủi phận.

Tôi ngần ngừ định đến nói với em một câu gì đó để trấn tĩnh cho em, trấn tĩnh cả cho tôi nhưng chẳng ngờ, như đón bắt được những suy nghĩ chộn rộn trong đầu tôi, em chủ động đứng dậy, bước đến gần, tiếng nói rầu rầu cam chịu:

Anh... Việc đã rồi, đành vậy. Cái cần trước mắt là ta phải xé vòng vây chuyển đến dự bị ngay không thì chết hết.

Tôi im lặng không nói gì chỉ nhìn chăm chú vào mắt em. Chao ôi! Tất cả những cái vừa rồi vớ vẩn và vô nghĩa làm sao trước cái nhìn buồn phiền, hun hút, thật hư không rõ rệt này. Cái nhìn hoàn toàn tách khỏi thực tại. Cái nhìn của đàn bà đang khắc khoải... Nếu cái nhìn này đã thuộc về kẻ khác, thuộc về ai đó mà không còn là của riêng tôi nữa, vĩnh viễn không phải là của tôi nữa thì cái căn cứ này, đám tù binh kia và cả cái án kỷ luật chắc rằng sẽ rất khắc nghiệt đang treo lơ lửng trên đầu ấy, tất cả sẽ trở nên nhạt thếch hết.

- Yên tâm đi Sương! - Lần đầu tiên kể từ lúc gặp em đến giờ, tôi mềm giọng - Thằng này sẽ không chỉ điểm dẫn lính vào đây đâu. Nhìn vào trong mắt nó, nghe giọng nó nói, tôi biết chắc điều đó...

... Những thằng lính cầm súng thực thụ, dù ở bên nào, cũng có cách đọc trong mắt nhau mà không mấy khi sai. Và dù nó có dẫn thì đã sao? Ta sẽ tương kế tựu kế, đặt bẫy ngay trên đường nó đi vào.

Tôi khoát tay, cắm một điếu thuốc rê ướt nhoét lên miệng ra ý bảo câu chuyện trao đổi công việc đến đây là chấm dứt và thực chất cũng chỉ là trao đổi công việc.

Lúc ấy, cả tôi và Sương đều không ngờ rằng cái con người đeo kính trắng một lần đến rồi đi tưởng như mờ nhạt này lại đã gắn bó với chúng tôi mãi đến những năm tháng sau này!

Nhưng đó là sau này. Còn bây giờ, công việc xử giảo khủng khiếp ấy đã xong. Tuấn đang ngồi bên sáu cái ụ đất đỏ tươi vừa được đắp điếm bằng những xẻng đất vội vàng. Một trong sáu ụ đất đó, trên bề mặt vẫn còn vương lại mấy lọn tóc dài của đàn bà. Một ngọn gió thổi qua, máy lọn tóc dính đất quằn lên, vật vờ nhưng vẫn không chịu rời khỏi chỗ. Tôi hất hàm ra ý hỏi. Tuấn nhìn lên, hai tròng mắt âm u, thất thần và bợt bạt, như không phải đang nhìn tôi mà là nhìn vào một cái gì đó mịt mùng lắm! Tiếng nói của nó cũng âm u không thoát ra được:

- Con phượng hoàng tóc dày quá... Đập mãi không chết... Phải...

- Thôi, không nói nữa! Đứng dậy, về hầm!

Tôi gắt. Thực ra là gắt với chính mình để xoá đi cái hình ảnh ghê rợn vừa rồi.

*

Cái buổi sáng hôm ấy...

Vâng! Tôi vẫn nhớ cái thời điểm ấy nhưng chưa thể kể về nó liền mạch được. Tôi muốn nói lướt qua những buổi sáng chiến tranh bình thường khác để dẫn đến cái buổi sáng chiến tranh cuối cùng tôi còn được gặp em. Và trước khi để đi vào mảng ký ức đau buồn cuối cùng kia, tôi không thể dừng lại một chút với những gì đã xảy ra sau lần tìm và diệt gọn tốp thám báo nguy hiểm đó.

Đúng như tôi đã dự đoán bằng trực giác, thằng đại úy Tường đó đã không hề chỉ điểm cho lính đánh thốc trở lại. May cho tôi và cũng may cho nó. Bởi lẽ, nếu nó thực hiện hành vi này thì biết đâu cả hai đứa đều rất có thể ngã xuống và như vậy còn có gì để mà kể, còn ai mà kể nữa? Thêm một lần tôi khẳng định tính chính xác trong trực cảm của người lính, thứ trực cảm thường xuất hiện giữa lằn ranh mỏng tang của cái sống và cái chết mà không thể có bất cứ một luận thuyết khoa học thần bí nào lý giải nổi. Cái chết tức tưởi của Viên là một ví dụ.

Năm ngày sau, vào giữa ngày rằm, để thoát ra được khỏi vòng vây và quật lại chúng một đòn đáng kể, khiến cho ba vành đai án ngữ tan tác, gây vụn, khiến cho phong trào chiến tranh nhân dân toàn địa bàn tồn tại thêm được ít ngày, đơn vị tôi lại mất thêm gần một phần ba quân số. Phần còn lại, ngơ ngáo có chín thằng, phải nói là đã bại hoại sức chiến đấu, chỉ có thể làm được một động tác duy nhất là ôm nhau ngồi thở.

Chưa kịp thở cho hoàn hơi, ngay chiều hôm ấy, cái dáng đi chúi về phía trước của ông tham mưu phó phân khu đã đột nhiên xuất hiện ở cửa rừng. Không hiểu ở các địa bàn khác, ở các quân binh chủng khác thì sao chứ ở đây, cứ mỗi lần có cấp trên xuống là mỗi lần có ác liệt, chết chóc xuống theo. Đó là một con người đánh giặc đến cùng, một anh hùng quân đội, trưởng thành từ thằng lính lầm lũi mà lên. Y như rằng, chưa kịp uống cạn ca nước, ông đã chính thức truyền đạt mệnh lệnh của Bộ chỉ huy: tìm mọi cách san bằng bằng được cái chi khu Phú Thuận, nơi xuất phát của mọi cuộc hành quân phá hoại hiệp định hoà bình của đối phương.

Mới nghe tôi đã thấy nhợn sống lưng. Hít một hơi thở thật sâu vào ngực để lấy lại bình tĩnh, tôi nói:

- Báo cáo! Mệt mỏi, mất mát có thể khắc phục được, dẫu rằng cái mất mát này đã lên đến mức quá sức chịu đựng nhưng có một trở ngại không phụ thuộc vào ý chí tuyệt đối của con người là ánh trăng. Bí quyết tác chiến của chúng tôi là bóng tối. Giữa đêm rằm, chín mống, mống nào cũng chỉ còn nửa sức lực, phải đánh vào một vật rắn hàng trăm quân có dư thừa phương tiện phòng thủ thì có nghĩa là tự sát. Thưa, tôi nói thật lòng.

- Biết! - Ông tham mưu phó còn một mắt trả lời nhẹ nhàng, thấu hiểu, theo cái kiểu trả lời của những người lính chiến với nhau - Rất biết nhưng tình hình quá gấp, để chậm hơn, chúng nống ra, ta sẽ mất hết đất.

- Mất một ít đất còn hơn mất toàn bộ con người...

Tôi chợt dừng lại khi thoáng gặp ánh mắt của Sương. Một ánh mắt đau đáu, không nói lên điều gì. Cô ta muốn cái gì trong cái nhìn ấy? Khích lệ à? Hay dè bỉu? Hay thương tình?... Được thôi! Tính bất cần và kiêu hãnh nhiều khi đến cuồng dại đã trở thành cố tật sau mọi gian truân của bọn lính chiến ven đô trong tôi trỗi dậy mãnh liệt, tôi bật ngón tay cái rốp:

- Được! Tôi chấp hành lệnh dù cái lệnh này không có chút xíu nhân đạo nào.

Ông tham mưu khẽ gật đầu và đến lúc ấy, vẫn với thái độ không vui vẻ gì hơn, ông lôi từ trong bồng ra một chai rượu nếp thang gọi là quà của Bộ chỉ huy mừng chiến công đã phá tan vành đai án ngữ địch của chúng tôi. Uống ly rượu như ly máu. Khốn nạn! Vì một chút danh dự mà thí thân đồng đội đã chả ra làm sao, vì ánh mắt trống rỗng của một con đàn bà mà nhào vô bất kể sống chết, lại còn tồi tệ hơn. Thôi, đã trót rồi, thử thời vận một keo nữa xem sao? Chết trẻ khoẻ mạ Đằng nào cũng chết. Không chết vô lý trận này thì cũng chết vô lý trận khác, vậy cả thôi, hơi đâu mà tranh luận, đắn đo sau trước. Uống! uống đi bọn baỵ Còn sống phút nào cứ uống cho đã phút đó. Mắt tôi mờ đi và chắc là lúc ấy trông ghê rợn lắm nên ánh mắt đàn bà quái ác kia tuy đã hai, ba lần tìm bắt nhưng không gặp.

- Trận này tôi sẽ đi cùng với các cậu - Ông tham mưu nói - Chết cùng chết nhưng làm thằng lính cách mạng, ráng đừng để chết mới ngon. Nào, làm hết đi rồi ta bàn công chuyện.

Tôi ngước nhìn ông giây lâu. Chà! Đến lúc đó tôi mới chợt nhớ ra cái ông sĩ quan tham mưu một mắt này vốn đã từng có thời kỳ tập kết và người vợ hiện giờ của ông đang sống ở ngoài đó là một người đàn bà thắt khăn mỏ quạ. Tự dưng tôi nắm lấy bàn tay xương xẩu của ông, siết nhẹ.

Nhưng rút cuộc, chúng tôi đã trả giá tức thì cho tính kiêu hùng nhưng thực chất là tính nhu nhược hàm nghĩa vị kỷ của mình. Ngay đêm đầu tiên đi nghiên cứu, bộ đội của tôi, dù đã lựa những đứa thiện chiến, còn sức lực nhất nhưng vẫn có người ngất xỉu ngay trong vòng rào gai đầy mìn trái của cái chi khu quái quỷ ấy. Cả chục ngày vắt kiệt sức mình lo diệt ác, phá vây, lo tập kích, phục kích... Lại cả chục năm (Nếu ai đó may mắn sống sót được chục năm) luôn luôn đói ăn, đói muối, luôn luôn chỉ vận độc một chiếc xà lỏn đánh hết trận này qua trận khác, hết mùa mưa qua mùa khô, hết ngày tạnh sang ngày ướt, cái chuyện đang bò mà giụi đầu ngất đi kia, âu đó cũng là chuyện dễ hiểu.

Lạ thế! Khi đã vào cuộc rồi, mọi cái hỗn mang đều vất lại đằng sau hết, trong đầu chỉ phừng lên ngọn lửa quyết chiến xen lẫn hận thù tàn bạo. Đêm thứ hai, hệt một con thú bị thủng ruột, say máu, liếm máu, chính tôi dẫn hai tay súng nữa ra đi.

Lần này có khá hơn một chút ở giai đoạn đầu. Nhưng rồi cái kết cục bi thảm vẫn không thể tránh khỏi. Sắp vào đến hàng rào chót cùng, tức là sắp sờ được vào gan ruột phổi phèo của nó để chuẩn bị thọc dao kết liễu thì bất ngờ người lính bò đầu bật ho lên một tiếng. Trời ơi, giữa đêm khuya vắng lặng, nằm sát ngay chân thằng gác, chỉ cần sôi bụng, đánh rắm lên một cái cũng đủ bỏ mạng huống chi đây lại là ho! Lạnh quá mà ho, yếu quá sinh ho hay kiệt sức, chán đời, mệt mỏi quá mà ho lên một tiếng rồi chết đi cho đỡ khổ? Chưa ai đoán chắc được điều gì và cũng có thể có tất cả mọi điều, chỉ hay rằng, lôi được cậu ta ra ngoài hàng rào thì mặt mày đã tím bầm, sưng tấy, mồm miệng nhoe nhoét những dãi dớt trộn máu, trộn đất. Ở giây phút cuối cùng, cậu ta đã âm thầm tự nhét đất, nhét cỏ vào đầy cổ họng mình đến tắc thở để cho tiếng ho thứ hai khỏi phụt ra kéo theo cái chết của bạn bè!

Tôi gằn giọng nói vào mặt ông tham mưu phó tuy hai đêm vừa rồi có đi theo nhưng không quyết định được điều gì:

- Ông thấy cả rồi chứ, ông trung tá? Nữa hay thôi?

- Tuỳ! - Ông ta trả lời như người bị mộng du bệnh hoạn.

- Tùy hả? - Tôi bấu chặt tay vào hai đùi để tránh một hành động bột phát không kiềm chế được - Vậy thì đồng chí có thể báo cáo thẳng lên trên, tôi, Lê Văn Hùng, đội trưởng đội đặc nhiệm quyết định huỷ bỏ mục tiêu. Rút!

Đi sau cái cáng tử sĩ trên đường về cứ, cái bóng gầy guộc của ông ta cứ ngã lên ngã xuống, thỉnh thoảng lại làu bàu: “Cái cậu này... Cái cậu này... Đã có gì đâu mà dữ vậy... ”.

Rất may là hai đêm nay không có Sương đi theo - Cô ấy đang lên cơn sốt rét - Nếu không, bằng cái nhìn nhức nhối không thể hiểu nổi của em, bằng sự mệt mỏi, chán ngán đến tận kẽ răng và bằng cái nỗi đau hai sinh mạng đi tong không nguyên cớ, tôi dám quay lại xách cổ ông ta dậy quẳng mạnh về phía trước lắm. Nhưng một khi đã không quẳng thì lại thấy thương. Nói cho cùng ông ta cũng chỉ là chi tiết máy trong một guồng máy chiến tranh không thể cưỡng được. Nghĩ vậy, tôi lui lại, giúi vào tay ông ta cái đèn pin và không muốn nói thêm một lời nào nữa.

***

Năm 73 là năm xấu chơi của kẻ thù, là năm trục trặc nếu không muốn nói là bất hạnh của dân tộc, cũng là năm quá đỗi nhọc nhằn của riêng tôi, tất nhiên đối với kiếp lính thì năm nào chả nhọc nhằn, ê ẩm.

Mười ngày sau cái đêm ho hen ấy, cậu bé giao liên nhanh nhẹn và sống dai nhất trong màng lưới giao liên toàn địa bàn đã làm một cú cắt rừng tuyệt vời để đến được nơi tôi với cái lệnh triệu tập khẩn không mấy tuyệt vời trên taỵ Cùng được triệu tập lên trên với tôi, cậu ta cho hay còn có Ba Sương và ông Ba Tiến.

Cuối cùng cậu ta ghé tai tôi nói nhỏ: “Bình tĩnh nghe anh Hai!... Em nghe xì xào kỳ này mấy chú ở trên tính mần thịt anh đó. Anh Hai tính sao thì tính nhưng ráng giữ cái đầu cho ngon nhen! Em cũng nghe người ta nói, không có anh Hai chịu chơi thì ba cái cụm rừng giáp ranh này sức mấy mà giữ được. Em phục lắm. Cánh giao liên ngang dọc tụi em cũng phục lắm. Cho nên không ai muốn anh Hai gặp khó dễ trong vụ này đâu”. Tôi ôm ghì lấy cậu bé, thơm vào má nó một cái rõ kêu mà lòng dạ trào lên cái mùi vị cay đắng xen lẫn chút bùi ngùi. Tới đây, dù số phận tôi có hẩm hiu như thế nào, dù còn sống hay chết, song ít nhất tôi cũng có một số đông bạn bè hiểu tôi, thương tôi và tin cậy ở tôi. Cậu bé giao liên đáng yêu này tên là Quân, mười bốn tuổi, cha mẹ đều chết hết trong phong trào đồng khởi. Sau lần này, Quân được trên cho đi học văn hoá ở đâu không biết, tôi không có dịp gặp lại nữa.