Chương 13

Tới thủ phủ miền Tây kỳ này, vì là để mở một trận đánh cuối cùng với quá khứ nên tôi quyết định sẽ cải biến con người mình thành một hình hài khác hẳn. Và tôi cũng quyết định huỷ bỏ cái ý định lần tìm về quê quán thật của Cô ta như trên mộ chí đã ghị Tìm về làm gì khi tôi biết chắc ở đó thông tin lại còn mù mờ hơn.

Để có thể đối diện và đối thoại, trước hết tôi cần phải biết chắc chắn cô ta có mặt ở cái thành phố này không đã. Đơn giản thôi: Gần tới giờ làm việc buổi sáng, tôi đón lõng một cô gái mặc áo dài xanh vừa xuống xe đạp ở trước cửa nhiệm sở rồi bằng một giọng Nam Bộ rặt mà chưa đến nỗi quên nhiều lắm, tôi hết sức lễ độ hỏi:

- Thưa cô! Da... Nếu có thể được, cô cho phép tôi hỏi bà giám đốc đây đi họp ở Hà Nội về chưa? - Thoáng thấy con mắt khá đẹp sau gọng kiếng mát nhìn tôi nghi ngại, tôi tiếp luôn - Mong cô bỏ lỗi! Tôi vừa ở Rạch Giá lên, tàu xe vất vả dữ quá!

- Về rồi. Có việc chi vô trỏng mà hỏi, ai lại đi hỏi ở giữa đường giữa phố thế này.

Nói rồi cô ngoắt người dắt xe tọt vô cổng luôn. Cha! Tôi hơi nhếch mép. Gớm cho cái ngữ cán bộ thời nay, nói năng với thiên hạ mới bảnh choẹ làm sao chứ. Cứ làm như là phu nhân tổng thống hay thủ tướng cả một giuộc không bằng. Thôi, thế cũng xong.

Sau khi đã kiểm kỹ lại toàn bộ số tiền chẵn, tiền lẻ còn lại trong túi, tôi khoan thai ghé vào một cửa hàng quần áo cũ bày bán ngay vỉa hè để chọn một bộ cánh kiểu ký giả màu cà phê sữa đặng hợp với thời trang quan dạng bây giờ. Một ý nghĩa chợt loé: Khéo không lại si đa thì bỏ mẹ! Nhưng một ý nghĩ khác chồm lên phủ nhận ngay: muốn mắc si - đa tưởng dễ à? Phải nhiều tiền, nhiều của, phải nghễu nghện vào được những hotel sang trọng, nơi có những con điếm cỡ quốc tế hành nghề thì hoa. may mới mong dính được cái bệnh rửng mỡ con nhà giầu này. Chứ còn cái anh nhà nghèo ấy ư? Giỏi lắm thì cũng chỉ mắc được ba cái bệnh giang mai, hậu lậu của gái đứng đường. Còn lâu. Lo bò trắng răng. Vớ vẩn. Thế là sau gần nửa giờ đồng hồ nhấc lên, hạ xuống, găng một tý, mềm một tý, giả vờ bỏ đi rồi lững thững quay lại, lại bớt lại lộn... cuối cùng tôi cũng có càu nhàu, thậm chí té tát của thằng cha chủ hàng. Vậy là trúng. Bán mà còn chửi, còn càu nhàu tức là mua được giá. Chỉ sợ trao hàng xong nó cười toe toét, khen mình đẹp trai, mặc vào trẻ đến hai chục tuổi thì mới bỏ mẹ! Trừ đi bốn chục, trong túi vậy vẫn còn gần hai chục ngàn. Rủng rẻng chán. Làm tới luôn. Ăn chơi là phải tốn kém. Cuộc đời là cái chó gì. Tôi bỗng phì cười vì câu nói cách điệu quen thuộc ám chỉ dân xứ nghèo đó rồi tạt thẳng vào cái nhà vệ sinh công cộng có những bãi phân hoang to bằng cả cái vành nón mà bất cứ kẻ nào bị đại tràng táo bón đều nhìn mà phát thèm... Năm phút sau, không phải tôi mà là một lão già khác hẳn, nom vừa đỏm dáng vừa nát nhàu từ nhà vệ sinh bước ra và vẫn bằng cái dáng đó, hắn khủng khỉnh rẽ vào một tiệm hớt tóc bình dân có lấy ráy tai nhưng không có mát-xa thông thường.

Thêm nửa giờ đồng hồ nữa, chỉ mất có năm ngàn cả tắm lẫn gội, khi bước ra đường, lén nhìn vào tấm kính của một cửa hàng mỹ phẩm, tôi mới thấy mình bắt đầu có vẻ có hình hài một con người thật sự. Tóc húi cao vừa phải, vầng trán rộng và đẹp ra dáng, lại thêm những lọn tóc bạc thanh cao điểm xuyết hai bên thái dương, quần áo thẳng ly, màu thật trang nhã chứng tỏ chủ nhân của nó là người có gu, có chữ nghĩa và dưới chân là một đôi dép dự án màu mận chín, cái màu lịch sự nhất cho những người đứng tuổi, có quai hậu đàng hoàng. Tóm lại cái thằng tôi, sau khi vứt ra có chưa tới năm chục ngàn mà đã thấy nhân cách, nhân quyền lên nhiều đáo để huống chi là người khác. Giờ đây, nói mình là thanh tra, là trưởng phòng, là giám đốc chứ là bộ trưởng thì thiên hạ cũng cứ tin. Vải vóc! Mẹ nó, phải nói là hay thật! Ấy! Hình như vẫn còn thiếu thiếu một cái gì nữa? Đây rồi! Làm tới cho nó đủ comple luôn! Tôi xỉa mười ngàn nữa lấy một cây kiếng đổi màu biết chắc là thứ rởm của một gã vận quần áo bò lẵng nhẵng bám theo tôi từ nãy.

Đâu đó, tôi hắng giọng, nhúc nhích người một cái cho thứ gì vào thứ ấy rồi ngẩng cao đầu bước vào quán cà phê nằm xế trước cửa toà nhà năm tầng. Tôi lặng lẽ kiếm một chỗ khuất ngồi xuống rồi gọi một ly đen để nhìn nó nhỏ giọt đếm thời gian. Thời gian bây giờ là của tôi. Bao giờ cũng là của tôi. Từ giờ đến tối còn cả một buổi trưa và buổi chiều, thong thả chán. Ấy, sau ly cà phê cho thư giãn thần kinh này, tại sao tôi lại không tự cho phép mình húp thêm một tô hủ tiếu hoặc một ổ bánh mì chấm thịt bò kho nhỉ? Chả dại gì mang cái bụng sôi óc ách vào trận đánh cuối đời, thua hay được nó cũng khổ sở ra. Dẫu rằng do cuộc sống lang bạt bấy lâu, một ngày ăn một bữa, hai ngày, ba ngày ăn một bữa, rồi cả tháng không tắm giặt, cả tuần không đặt lưng xuống giường ngủ... đối với tôi cũng chả lấy làm điều. Đó cũng là dấu vết một thời đánh đấm còn lưu lại. Giống như cái dấu vết ấy giờ đây đã làm sống dậy trong cái đầu óc lười nhác mụ mị của tôi những thủ đoạn tiếp cận, những biện pháp an ninh lắt nhắt, và cả những ngón tấn công, phòng thủ gọi là để thực hiện cú đột nhập khá phiêu lưu sẽ xảy ra ngày hôm nay, đúng hơn là tối nay, đêm nay.

Tôi vẫn ngồi. Ôi chao! Đối với cô ấy, với người đàn bà đã có một thời gian gắn bó hơn máu thịt ấy, ai dè lại có một ngày phải ngồi rình rập như rình rập quân hằn thù trong vùng căn cứ lõm thế này!

Tôi gọi thêm mấy điếu Hêrô và rít thật sâu từng khói. Kệ! Cứ hút cho đã đời. Chỉ cần đủ tiền xài từ giờ đến chiều, còn ngày mai, nếu ngã ngũ, dù theo chiều hướng nào, có phải đi ăn mày cũng cam. Gần năm chục tuổi đầu, đã nếm trải đủ mọi vinh nhục, đắng cay, nghèo tàn nghèo mạt có, sang trọng chức quyền cũng có, khốn khổ khốn nạn hơn thế này, đã nếm... Để rồi lúc này đây, tôi chỉ một chiều khát thèm sự yên tĩnh trong tâm, yên tĩnh tối thiểu và cái sự yên tĩnh này lại phụ thuộc một phần đáng kể vào sự thật về người đàn bà kỳ bí kia.

Thế đấy! Nếu cuộc đời của tôi suôn sẻ hơn, nếu tôi biết lựa thời mà sống, mà mềm mại đi đôi chút thì giờ này tôi đâu có phải ngồi com róm ở đây, biết đâu tôi chả là thượng khách của bà ta, là thượng khách của cả cái ban lãnh đạo tỉnh này. Biết đâu? Vâng! Biết đâu...

Từ lúc vào đây đến giờ, tôi đã để ý nhưng tịnh không thấy bóng dáng ông cựu đại tá thường trực đâu. Ông nghỉ ca, nghỉ phép hay nghỉ hẳn vì không được lòng bà chủ, không được lòng cái gã Phản ngực kiả Càng tốt. trở lại lần này, tôi thực lòng không muốn gặp ông. Người xấu không muốn gặp đã đành nhưng lạ thế, người tốt quá ta cũng ngại ngần khi phải giáp mặt lần thứ hai. Không muốn gặp lại cái giây phút thảm hại của chính mình. Trận đấu thô bỉ này tôi muốn chỉ mình tôi được biết và nếu có thua thì chỉ mình tôi lãnh đủ. Có một ai đó, dù thân thiết thế nào chứng kiến cũng không ổn. Bởi lẽ gọi là trận đấu nhưng nó có ra cái hình hài trận đấu đâu. Gặp ông, tôi rất ngại ông lại buông ra những lời can gián, những lý lẽ thương tình có thể khiến tôi ngã lòng hoặc nổi khùng lên, nhỡ việc.

... Buổi chiều, sau ly cà phê thứ năm, tôi lại tự thưởng cho mình thêm một đĩa sườn nữa. Chao!... Phải nói rằng đã khá lâu rồi tôi mới lại có một buổi ăn ung dung thong thả như thế này! Nếu trong số bạn đọc một ai đó có chút xíu máu lãng du thì tôi thành thực khuyên hãy cố tạo cơ hội để có một bữa ăn đầu hè xó chợ trong một vùng đất thật xa lạ như tôi lúc này. Ngon ư? Dĩ nhiên. Lạ ư? Dĩ nhiên. Nhưng cái chính là qua đĩa cơm xa xứ, trong lòng mình bỗng nhen lên nhiều suy nghĩ lạ lẫm về cuộc đời, về con người, về ý nghĩa sự sống mà nhiều khi toàn bộ giá trị của nó chỉ là một thìa cơm nóng và vào miệng...

Bà chủ quán thấy tôi ngồi quá lâu, lại ngó không chớp mắt sang toà công sở phía bên kia đường, cũng tỏ ý ngại, cứ bồn chồn đi ra đi vào nhưng không tiện nhắc. Thấy vậy, tôi mỉm cười trấn an: “Bà yên tâm đi. Tôi có đứa con gái đang làm việc ở toà nhà kia, nhân viên tài vụ, tính chờ cháu cùng về luôn. Chặc! Có chút việc gia đình”. Bà ta gật đầu chả rõ có tin thật hay không nhưng sau đó kêu cô con gái mặt tàn nhang có bộ ngực khổng lồ mang cho tôi phích nước và bộ đồ pha trà.

Tối. Đèn đường, đèn nhà dường như cùng một lúc bật sáng. Thành phố về đêm giống một ả đàn bà dạn dày bỗng trở nên bí hiểm và thơ mộng hơn. Tôi nhìn lên và đột nhiên chột dạ. Căn phòng quen thuộc nơi tầng năm, căn phòng mà suốt mười giờ đồng hồ qua, dù cố căng mắt nhưng tôi vẫn không hề thấy một khuôn mặt, một cái đầu đàn bà nào ló ra giờ đây vẫn tối om om! Thế là thế nào nhỉ? Bà ta chưa một lần ra khỏi nhà, kể cả đi bách bộ buổi chiều hay đi chợ kia mà? Hay đi rồi mà trong một tích tắc lơ đãng, tôi đã không biết? Còn nếu vẫn ở nhà thì chỉ có người hủi mới ưa ngồi trong tăm tối giờ này. Tôi hơi hẫng trong dạ. Chết cha! Kiểu này mà phải nán lại thêm một ngày nữa thì quá căng. Căng cả thần kinh lẫn túi tiền. Chờ thêm nửa tiếng nữa vẫn không có gì khác hơn, tôi quyết định cứ sang, vào trận rồi thì tối hay sáng đâu có nhằm nhè gì.

Vừa lúc đó, như động lòng trắc ẩn với kẻ tha phương, cửa sổ căn phòng đột ngột bừng sáng cái ánh sáng của cửa thiền. Thế là thắng bước đầu. Thở ra một hơi dài để nén sự hồi hộp, tôi chỉnh lại quần áo, nhằm thẳng cổng toà nhà bước tới. Trời đất! Mới có thế mà chân tay đã muốn ríu vào nhau như cái anh bị phong giật. Nửa đời trận mạc, hàng trăm lần ngửi thấy cái chết nhưng khốn khổ, đã có lần nào chân tay tôi lóng ngóng như thế này? Bình tĩnh! Bình tĩnh lại đi! Nào, thẳng cái lưng già nua lên mà bước tiếp! Chú mình!...

Cánh cổng sắt sơn nhũ đóng kín như cửa khám Chí Hoà. Nhìn qua khe cửa, tôi thấy một cô gái mặc áo dài xanh, tóc xù, khá xinh, đang nâng tô mỳ lên ngang miệng nhai nhồm nhoàm. Cô bé ăn ngon đến nỗi, đang trong trạng thái bồn chồn đó mà tôi cũng buộc phải nuốt nước miếng theo ừng ực. (Thì ra cái giới đàn bà kiêu sa e ấp như thánh thần, nếu chỉ có một mình, họ cũng nhồm nhoàm, ngấu nghiến như bất cứ một đấng mày râu hoặc kẻ tà dục nào). Tôi thầm nghĩ và sau một chút ngần ngừ, đưa tay lên định bấm chuông thì một tiếng quát dường như có cả hành cả tỏi nhừa nhựa bay ra, khiến tôi giật nảy người:

- Ai đó? Ai hỏi chi đó?

- Tôi. Tôi đây đồng chí. Đồng chí giám đốc có nhà không?

- Không có giám đốc giám điếc gì giờ này cả. Có chuyện chi, mời mai tới.

- Tôi nhắc lại: Cô Tư Lan có nhà không?

Có lẽ bị ngợp bởi cái giọng đầy oai vệ của tôi, cô ta vội buông tô mỳ, lấy đũa quệt ngang miệng cái rẹt rồi nhon nhót đi ra. Nửa khuôn mặt thanh thanh ló ra ở khoen tròn cánh cổng:

- Ai? Ai đó ạ?

Tốt! Chí ít cũng phải thế chứ. Tôi dấn thêm ga:

- Mở cổng đi! Tôi là thanh tra trên thành phố mới xuống, muốn gặp cô Tư có việc cần.

... Biết ngay mà. Cái cụm từ “thanh tra” lâu nay đã trở thành chiếc chìa khoá vạn năng cho cái lưng của các vị quan chức biết gập xuống, đã trở thành con ngáo ộp, ông ba bị, vừa là hung thần vừa là đấng cứu tinh của ráo trọi mọi cơ quan, xí nghiệp trong cả nước và chính tôi cũng từng là nạn nhân của cái đấng toàn năng ấy cho nên mới nghe vậy, cô ta đã dạ dạ rối rít rồi cánh cổng nặng nề được từ từ mở ra. Tôi nhanh chóng lọt vào, làm bộ phiền muộn:

- Chết thiệt! Thế cô Tư không dặn gì đồng chí à? Việc như lửa cháy mà lần khân quá! Coi chừng đổ bể hết bây giờ.

Ý này tôi lựa theo thông tin của Quân mới cung cấp mà phát nổ. Cô bé càng cuống cà kê, vội đánh lưỡi chẹp chẹp cho cái cọng rau thơm hay một sợi mỳ nào đó lẩn ra đằng sau răng.

- Dạ! Dạ!... Bà giám đốc đang nghỉ ở trên lầu, mời... mời đồng chí thanh tra lên. Ý! Hay là để em kêu điện thoại mời bả xuống?

- Thôi khỏi! Chuyện này đâu có thể trao đổi bậy bạ chỗ nào cũng được. Để tôi lên. Có ai hỏi bả, cứ nói đi vắng nghe!

- Da... Cứ nói... đi vắng ạ!

Cầu thang xoáy trôn ốc màu huyết dụ hiển nhiên mà mắt tôi lại toàn nhìn ra màu xám tro, y hệt ngày xưa, càng gần nguy hiểm, lòng dạ càng yên tĩnh. Rõ thê thảm chưa? Chả lẽ đến với em hôm nay lại như đến với kẻ thù thật sự hôm qua ư? Tuy vậy tôi vẫn bước những bước dài theo nhịp thở yoga để tránh cho lồng ngực ọp ẹp khỏi quặn lên vì cơn hen suyễn có thể nổ ra bất thần do phải vận sức leo cao...

Rồi tầng thứ năm cũng hết. Tấm biển con kẻ chữ vàng óng ánh chắn ngang mặt đã báo cho tôi biết đang đứng trước cửa phòng giám đốc. Cửa phòng cũng đóng kín như suốt đời chỉ đóng kín. Đây là phòng làm việc. Phòng ở chắc là nằm bên trong hoặc chỉ ngăn cách nơi làm việc bằng một tấm ri- đô kín đáo theo thói thường mà một giám đốc độc thân ưa xếp đặt. Giống như tôi của bảy năm về trước, cũng một tầng lầu lộng gió Hồ Tây, cũng một phòng làm việc kiêm phòng ở như thế này. Tôi thoáng lưỡng lự giây lát và thấy rõ ràng trái tim mình co thắt chậm lại. Ở trong kia, sau cái cánh cửa quyền uy ảm đạm này, em đang làm gì? Đọc kinh điển hay rà soát lại đống công văn giấy tờ? Sắp đặt bài tham luận ngày mai cần đọc trong một buổi hội thảo khoa học về rừng hay tường trình những vấn dề nhân sự gay cấn trước phiên họp thường vụ sắp tới? Hoặc em đang không làm gì cả, không nghĩ suy gì cả, chỉ tần ngần ngồi bên cửa sổ chải tóc và vơ vẩn nghĩ tới thời con gái tóc rụng từng đám ở rừng mà trạnh lòng cho thân phận đàn bà quan chức chẳng chồng con, chẳng gia đình hôm nay?

Ôi!... Một lát nữa đây khi đẩy cửa bước vào, khi buộc phải giở thói côn đồ bạo liệt, cớ sao lòng dạ ngổn ngang, vừa muốn đấy là em lại vừa muốn không phải là em!

Không thể sử dụng cái lối gõ cửa trịnh trọng thông thường, tôi đưa tay xoay nhẹ nắm đấm... Cánh cửa hé mở vừa đủ cho một vệt sáng xanh lét tựa luồng đạn B40 bay ra, bên tai tôi chợt vang lên chói lói một cái giọng đàn ông khẽ nồng: “... Tôi cần ngay cái giấy đó. Vấn đề chỉ là một chữ ký của em. Hai trăm héc-ta điều đang bị hoang hoá, công nhân bỏ việc, cỏ đang mọc lút đầu, không tìm cách bán đổ bán tháo đi thì mất hết!”. “Bán cho ai?”. Một giọng phụ nữ khẽ khàng hỏi lại. Vẫn cái giọng mềm ấm, vuốt nhọn ở âm tiết cuối cùng tại nhà hàng đêm ấy. “Thiếu gì thằng ngu chui đầu vào để mong kiếm được món hời, ví như thẳng, liên hiệp trồng lúa phía bắc sông của tỉnh bên cạnh chẳng hạn. Họ chưa nắm được cái thông tin về giá điều trên thế giới đang tụt xuống thảm hại như thế nào. Còn dụ được họ”. “ Vậy ử”. Giọng nói càng khẽ khàng hơn. “Thôi đi! Đến lúc này mà em còn mất công đi lo giùm cho thiên hạ. Thời buổi chụp giật này, thằng nào biết cách nhích lên trước thằng khác nửa bước thì thằng ấy tồn tại”. “Thôi... Tôi không thích nghe mãi một thứ lập luận ấy. Tôi chỉ ngại hai trăm héc-ta đất ấy bán được rồi, trồng cà phê, bạch đàn trở lại liệu có ăn không hay lại thất thu, lại bị động với giá thị trường?”. “Thất thu hay bội thu, thây kệ! Hơi đâu mà chạy theo các ngón chơi của mấy cha tư bản. Đó thuộc về cái ngây ngô của Nhà nước, cái trách nhiệm cụ thể của mấy tay giám đốc dưới quyền, em là cấp chỉ đạo chung, lấy gì làm bằng. Mà, đến lúc ấy, biết đâu em đã lên ghế chủ tịch rồi?”.

Tiếp liền là một tiếng cười vón cục, tiếng cười quen quen, nghe một lần thấy ngứa ngáy mãi. Hành lang đang trống không. Tôi ghé mắt nhìn vào... Cha! Thảo nào! Không ai khác mà chính là thằng Phản ngực đang đứng trước mặt cô ta, ngực áo mở toác, mồ hôi mồ kê, mặt mũi đỏ gay, chiếc quần bò ôm cứng lấy cặp giò căng mẩy. Chao! Giá đừng phải nghe, đừng có đối thoại gì cả thì gã đàn ông râu ria, to tát và gân guốc kia đúng là một con đực chính hiệu, chắc chắn sẽ luôn luôn gợi nhắc nỗi thèm thuồng đến nhểu nước miếng của mấy mẹ sồn sồn và biết đâu trong đó có... Lồng ngực tôi bỗng bị thúc mạnh! Chả lẽ người đàn bà kiêu hãnh, nhất mực uy quyền kia cũng là một thứ con mồi của hắn ư? Cái lối xưng hô bỗ bã giữa nhân viên và thủ trưởng ấy là cái gì vậy nếu không phải là cái lối xưng hô của một cặp tình nhân cái đực? Phải chăng câu nói tưng tửng của thằng Quân, phản ánh cái khía cạnh này? Chà!... Nếu thế thì...

“Thì sao nào?” - Giọng gã Phản ngực như tiếp nối được cái mạch nghĩ đang rối rắm trong đầu tôi. “Cô mất gì nào? Chỉ mất một chữ ký như cô đã từng mất mà đổi được cả danh dự, uy tín và đường công danh rộng mở mai này”.

Trong phòng im lặng một chút rồi người đàn bà từ từ đứng lên, giọng nói mất hẳn đi cái vẻ khẽ khàng cam chịu lúc đầu, nghe rõ những âm tiết cuối vuốt nhỏ như tiếng kim khí va nhau:

- Anh Địch! Anh nói thiệt đi! Trong chuyện này anh được gì? Người ta hứa trả cho anh bao nhiêu?.

- Hả? - Gã ngớ ra, hơi lùi lại - Cô nói cái gì? Ai trả và trả cho ai? Tôi làm việc này và ráo trọi những việc trước là vì em, vì... tình yêu của chúng ta.

- Tình yêu ư? - Người đàn bà cười nhạt (Trời ơi! Vẫn cái kiểu cười khi cãi vã về chuyện tù binh năm nào!) - Tình yêu!... Vậy trong trái tim gớm guốc kia, ông đang chứa chấp mấy chục loại tình yêu cỡ như vậy? Thôi được, tôi nghe anh bấy lâu thế là đủ rồi. Bây giờ anh về đi. Đã đến lúc tôi nghĩ không hiểu có nên gắn bó tiếp với anh nữa hay không? Một thứ duyên máu chứ không phải duyên nợ. Còn chuyện hai trăm héc-ta điều nghèo kiệt cũng như mọi chuyện khác về uy tín, về danh dự, tôi sẽ có cách lo của tôi, lo đàng hoàng. Và nếu không lo được, tôi sẽ sẵn sàng trả giá. Thực chất ngay từ khi gặp lại anh, cái gọi là danh dự của tôi đâu có còn nữa. Anh phá huỷ nó đi từng ngày và tôi cũng tự phá huỷ nó, phá huỷ mà không cần viện đến những công chuyện làm ăn nọ kia.

Đột ngột cái thân hình cao chừng một mét tám mươi, và nặng cũng chừng tám mươi ký của gã óp xọp lại, gã gần như quỳ xuống:

- Tư Lan!... Chị Tư Lan! Đồng chí Tư Lan!... Đồng chí nghĩ lại đi! Đây đâu có phải chỉ là hai trăm héc ta rừng làm ăn thua lỗ mà nó còn có khả năng làm đổ bể toàn bộ công chuyện của tôi, của... chúng tạ Khách sạn ba sao đang có nguy cơ rạn nứt chân móng, bốn bản hợp đồng ký tắt với Hong Kong, Singapore có nhiều dấu hiệu mất cả chì lẫn chài, chuyến tàu chở hàng điện tử đổi bằng ba ngàn khối gỗ đang bị bọn đặc nhiệm trung ương... ”.

- Thôi, đủ rồi! - Tiếng nói người đàn bà vang lên ảo não - Cái gì thuộc về anh, anh chịu. Cái gì thuộc về tôi, tôi không chối từ. Tuy vậy tôi cũng xin nói trước, tất cả mọi chuyện đều vẫn có thể cứu chữa được phần nào nếu ta biết dừng lại, biết chỉnh lại cái cách làm ăn điên cuồng chỉ chạy theo lỗ lãi của mình. Anh về đi! Tôi đang mệt...

Gã Phản ngực nhao người lên định nói một điều gì nữa nhưng thấy nét mặt của người đàn bà quá mệt mỏi nên đành phẩy tay quay ra. Tới cửa, gã còn nói vớt lại:

- Tùy bà. Nhưng bà chỉ cần nhớ rằng, nếu có chuyện gì xảy ra thì người chết đầu nước sẽ là bà chứ không phải là tôi. Không bao giờ là tôi, một bóng ma quá khứ như bà thường nói. Chào! Chúc ngủ ngon. Sáng mai tôi sẽ quay lại và khi đó, tin rằng bà sẽ tỉnh táo, biết điều hơn.

Mải nghe, mải nhìn, đến khi gã đột ngột xoay nắm đấm cửa thì tôi không còn kịp lánh đi đâu hết nếu như chẳng lanh chân tạt vào sau cánh cửa vừa được bung ra phía ngoài... Không hề hay biết, gã thở phì phì, sặc mùi bia rượu, văng tục một tiếng rồi nhảy từng ba bậc thang một xuống tầng dưới, dáng bộ hệt một nhà thể thao hay một tên găng-xtơ có hạng. Hú vía! Đang lúc cáu sườn u uất, chẳng may bắt gặp tôi, chưa biết chừng gã có thể tiện tay quẳng nhẹ cái thân xác không đầy 45 kilogram này qua cửa sổ xuống dưới đường như một chiếc bao tải tã lắm!

Chờ cho tiếng giày hắn im hẳn ở phía dưới, hít một hơi dài cho đầy ngực rồi nhè nhẹ thở ra, tôi lặng lẽ bước vào... Bà ta đang ngồi bên cửa sổ, xoay lưng lại phía tôi, điếu thuốc thơm cặp hờ giữa hai ngón tay toa? khói thơm ngậy khắp phòng. Tôi khép cửa lại, gài chốt thật khẽ. Chà! Cũng đã hút thuốc rồi kia đấy. Trước đây... tôi còn nhớ cứ mỗi lần ngồi bên cạnh người hút thuốc là cô lại muốn nôn khan cơ mà? Hay là không phải? không phải cô ấy?... Vớ vẩn! Để tránh cái phân vân phải hay không phải trở đi trở lại trong đầu dai nhách như một chú vắt xanh bám nhằng vào trí não bao ngày nay, tôi lạnh tanh mặt trong một sự xác định thẳng thừng: Đã lọt chân vào vòng rồi, phải hay không phải, không quan trọng, cái chính lúc này là tiến đến đích.

- Anh vẫn chưa về à?

Chắc bà ta tưởng tôi là thằng cha kia quay trở lại. Tôi không trả lời. Im lặng... Chờ cho cái khoảnh khắc im lặng ấy kéo dài vừa đủ, tôi bất thần cất tiếng gọi:

- Ba Sương!

Cái bóng kia khẽ giật lên rồi nhớn nhác quay mặt lại... Trong cái thoáng nhớn nhác đó, tôi thú vị nhận ra rằng có cả sự đóng góp không thể không quan trọng của bộ cánh, cái tóc và cặp kiếng mát hợp thời trang của tôi.

Nhưng liền đó rất nhanh, nét mặt kia cùng một lúc chuyển dịch qua ba trạng thái: sửng sốt... kinh ngạc... và cuối cùng là giễu cợt hay cố làm ra vẻ giễu cợt.

- À! Lại ông đó à?

- Vâng! Lại tôi đây! - Khó khăn lắm tôi mới giữ được cho tiếng nói của mình khỏi rung lên.

- Mời ông khách ngồi! Ông tới có việc gì vậy? Hay là vẫn cái chuyện lầm lẫn ấy?

Khẩu khí thì có vẻ khoan thai nhưng những âm tiết cuối lại có vẻ hụt hẫng thế cô bạn? Tôi nhếch mép cười, tiến sát lên một bước nhìn thẳng vào mắt bà ta, lặng lẽ lắc đầu. Trong giây lát đó, tôi thấy rõ con ngươi trong mắt bà ta co thắt lại, bợt bạt đi rồi nở phình ra chứa đựng tất cả những ánh sáng đèn rọi tới. Toàn thân bà cũng co rúm lại... Khi ấy, trước mặt tôi mọi cảnh vật đều biến đi, chỉ còn dáng hình kia trẻ trở lại mười sáu năm về trước, vận bà ba đen, khăn rằn, đôi vai chim sẻ, nón tai bèo, thân thể mỏng mảnh đi giữa những cánh rừng dông gió...

Phiên họp quân chính thời chiến bất thường có cả ông bí thư tỉnh uỷ và ông phó chính uỷ phân khu đến dự đó đáng ra sẽ trôi qua rất nhanh nếu ngay từ đầu tôi nhận tất cả lỗi lầm về mình và làm bộ nhận một hình thức kỷ luật nặng nhẹ nào đó mặc dù biết rằng dẫu có nặng nhất, người ta cũng không thể cách chức tôi, nhổ tôi ra khỏi cái địa bàn trọng điểm ấy. Bởi lẽ, người ta đang cần tôi. Nếu tìm được ai thay thế, họ đã thay tôi từ lâu rồi.

Song tôi không thể hèn như thế. Danh dự lính chiến và nhân phẩm buộc tôi không thể phản bội lại chủ thuyết lý tưởng trong sạch, phản bội lại bạn bè thân yêu.

Do thế phiên họp kéo dài đến gần cả ngày. Đại loại các đồng chí ấy phê phán tôi là kiêu ngạo, có một chút thành tích, một chút cống hiến đã đâm ra chủ quan, coi thường mọi người, coi nhẹ tổ chức, vi phạm chính sách tù hàng binh nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công tác binh địch vận toàn Miền, có chủ đích chống lại mệnh lệnh cấp trên (cụ thể là trận đánh giữa đêm rằm), coi thường và xúc phạm đến cán bộ Đảng. Cuối cùng ông chính trị viên tỉnh đội kết luận: Ngoài tất cả những sai lầm không thể tha thứ được đó ra, tôi còn nêu gương xấu cho bộ đội trên các mặt sinh hoạt, tác phong, phát ngôn và tư tưởng, động cơ anh hùng cá nhân suy thoái...

Tóm lại, các đồng chí ấy nói nhiều lắm, có cái đúng, có cái... chưa thật đúng, có giọng truy chụp nhưng có cả giọng ôn hoà nhân ái, song tựu trung là họ muốn tôi phải thuần chủng, biết thân biết phận và thề nguyện từ đây sẽ là một sinh vật cầm súng khác hẳn những ngày đã quạ Phải nói thật, từ đáy lòng, tôi cảm ơn và xúc động trước mối thâm tình của những người trong cùng một cảnh ngộ chiến tranh đó nhưng cũng tự đáy lòng, tôi không thể thực hiện một hành vi giả trá khác mình cốt để yên thân. Nếu có thể sống khác mình, gần chục năm trời làm sao tôi có thể trụ vững với tư cách người cầm súng trên một địa bàn hóc hiểm? Nếu khác mình, giờ đây tôi đã có thể ngồi êm đềm dưới mái lá trung quân của một cơ quan nhàn nhã nào đó ở phân khu hay ở tỉnh đội chứ đâu đến nỗi mới chớm bước vào tuổi hai mươi bảy mà tóc đã bạc đi từng đám, thần kinh hư hỏng quá nửa và vài ba tháng lại vĩnh biệt bạn bè trong thảm hoa. bị xoá phiên hiệu một lần? Chao ôi! Những sai lầm không thể tha thứ được đổi bằng những năm tháng như vậy đấy ử...

Cơn u trầm tựa một dòng tham thạch ngàn độ chảy dọc sống lưng lên đầu. Không còn nghĩ đến chuyện kiềm chế nữa, tôi đứng thẳng dậy, nói liền mạch những suy nghĩ chất chứa bấy lâu như một tràng đại liên nã thẳng:

- Là người lính, là một đảng viên cộng sản, tôi xin được nói một lần để hy vọng không bao giờ phải nói nữa. Chúng tôi, những con trai con gái từ hậu phương lam lũ và đau thương tình nguyện từ trái tim chân thật vào đây để thực hiện ý tưởng giải phóng quê hương chứ không phải là quân viễn chinh Bắc Việt mở cuộc hành chính đi tiếm quyền, tiếm đất. Như vậy, chúng tôi là công cụ của Đảng chứ không phải là công cụ vô tri của một Đảng bộ riêng tư nào. Chúng tôi đã ngã xuống, sẽ còn ngã xuống và có thể ngã xuống tới người cuối cùng nhưng không hề oán thán, không hề đánh mất đi lòng kiên trung và sự lãng mạn trong tâm hồn mình. Song, không phải vì thế mà chúng tôi đi cam tâm chấp nhận mình là nạn nhân của một thứ chủ nghĩa địa phương hẹp hòi. Nó sẽ có tác dụng đau xót là làm thuyên giảm nhuệ khí chiến đấu, làm chậm tiến trình đi đến thắng lợi của cuộc kháng chiến hôm nay và nguy hại hơn, nó có thể làm rệu rã lòng người, làm tan nát cơ đồ ngày mai. Không thể có sự vô lý nào hơn một khi hàng triệu thanh niên ưu tú ngã xuống để cho bờ cõi nối liền nhưng lòng người lại chia hai! Thử hỏi, bao đau thương xảy ra ngày hôm nay phỏng còn có ý nghĩa gì?

Vâng! Tôi đã phạm những lỗi lầm, thậm chí có những lỗi lầm không nhỏ nhưng với tư cách người lính cách mạng, tôi không hề hổ thẹn. Tôi chính thức xin từ chức đơn vị trưởng đơn vị đặc nhiệm vùng sông. Từ chức nhưng không phải để lui về phía sau làm kẻ cầu an bảo mạng trong một cơ quan tham mưu, chính trị hay hậu cần nào. Tôi từ chức để xin được xuống làm người lính ở vùng vành đai sát Sài Gòn, nơi mà con người ít khi tồn tại được quá ba tháng, nơi không mấy ai dám xuống và các đồng chí bao năm nay vẫn chưa tìm được ai để điều xuống cả. Hết!

Cuộc họp bỗng chìm đi trong không khí ngột ngạt, nghe rõ tiếng những tàu buông sắc cạnh cọ lá vào nhau... Ông bí thư tỉnh uỷ trắng trẻo và đẹp trai cúi xuống với điếu thuốc rê trên tay quấn mãi không tròn. Ông tỉnh đội trưởng day mặt nhìn ra sông hắng giọng khan, đồng chí phó chính trị viên tỉnh đội khịt khịt mũi, luôn tay lần giở đống giấy tờ. Chỉ có ông phó tham mưu trưởng gầy gò là ân cần đưa cho tôi một điếu thuốc Bastô mồi lửa sẵn, con mắt lành nhấp nháy nhìn tôi như muốn nói: “Bình tĩnh! Bình tĩnh chú em! Chuyện đã có gì đâu mà làm ồn lên thế?”... Khoảng cách ngột thở ấy, tôi chợt thấy lòng mình mềm lại, yếu đuối. Tôi vừa nói những điều gì ấy nhỉ? Có căng quá, có cạn tầu ráo máng quá chăng? Có làm cho những con người đang ngồi đây, những con người mà xét đến cùng cũng tận cùng gian khổ như tôi phải đau lòng không? Tự dưng muốn nói một câu gì đó làm chùng không khí lại, một câu xuê xoa, một câu xin lỗi chẳng hạn nếu như không có cô ấy ngồi bên cạnh tôi, hơi thở dồn dồn, hai bàn tay đan xoắn vào nhau, cặp mắt buồn thăm thẳm như một sự thương tình lại như một sự thách thức. Tôi im lặng. Và tình thế nếu có phải nói thì tôi chỉ nói một câu, nói riêng với em thôi: “Vì em đấy. vì em tất cả đấy Sương ạ! Sao ư? Vì dù em có thay lòng đổi dạ, em không còn là của tôi nữa nhưng trước em, tôi cần phải khẳng định tôi là một thằng người biết cầm súng chứ không phải là cái máy biết nhả đạn”.

Đúng lúc ấy thì Sương đứng dậy, mặt hơi tái đi một chút... Nào! tôi biết rồi thế nào em cũng sẽ nói và tôi cũng đang có ý chờ em phê phán đây, phê páhn rõ mạnh vào, chỉ nghe một mình em thôi. Là người trong cuộc, lại hiểu biết tận cùng căn nguyên những khuyết tật gan ruột của tôi, chắc rằng tiếng nói của em sẽ có sức thuyết phục đáng kể với những đồng hương của em đang im lặng ngồi kia. Xin mời! Bất giác tôi hơi vươn người ngồi thẳng lên như sẵn sàng hứng đón.

- Thưa các chú... Các anh, các đồng chí! - Cô mở đầu nghèn nghẹn, những âm tiết cuối cùng vuốt mỏng ra, run rẩy - Cháu không biết gì về tác chiến cũng như về những nguyên nhân động cơ, tư tưởng gì sâu xa nhưng có nhiều dịp được cùng sống, cùng đánh giặc với đồng chí... với đơn vị đồng chí Hùng, cháu thấy đồng chí ấy được hết thảy bộ đội du kích, bà con trong ấp chiến lược hết sức thương yêu, kính trọng và tin cậy. Nhiều bà má, ông già đòi được mang đầu heo củ kiệu ra rừng tế sống ảnh. Nói thiệt tình, nếu thời gian ác liệt qua không có anh thì cháu nghĩ đơn vị đặc nhiệm đã mất sức chiến đấu từ lâu rồi và phong trào giành dân giữ đất ở dưới đó có nguy cơ bị tan rã. Còn... Còn... thú thiệt! Cháu không biết sao mà nói nhưng lúc này mà không có ảnh ở dưới thì cháu e rằng mọi việc sẽ... sẽ hư hết. Còn... Còn... ba cái chuyện đụng độ với cấp trên, chuyện phát ngôn, chuyện sanh hoạt gì gì đó, đề nghị mấy anh mấy chú nghĩ lại giùm. Dạ!... Phải ở trong hoàn cảnh ấy kia, hoàn cảnh mà người ta cứ phải ráng cười lên cho khỏi khóc thì mới hiểu được. Dạ, cháu xin nói vậy... Còn chuyện này nữa: việc vi phạm chính sách tù binh, cháu cũng chịu trách nhiệm vô đó một phần, phần lớn. Vì cháu đã thay mặt xã đội và địa phương... tán thành. Nếu không thế thì bữa nay cả cháu, cả đồng chí Hùng và hết thảy anh chị em dưới kia đều đã nằm sâu dưới ba thước đất rồi. Nếu... Nếu có kỷ luật, cháu... cháu xin chịu chung với ảnh. Và tất cả đơn vị đặc nhiệm cũng như xã đội cũng chịu chung luôn. Dạ!... đây là chữ ký của mọi người dưới đó.

Nghe Sương nói, tôi đã lặng người đi, lúc này nhìn tờ giấy ố vàng Sương đưa ra với những con chữ loằng ngoằng quen thuộc, mắt tôi nhoà hẳn... chao ôi! Phải chăng đây chính là niềm an ủi thiêng liêng và ngọt ngào vô giá cho suốt những năm tháng nhọc nhằn của tôi?... Cám ơn! Cám ơn em! Cám ơn tất cả bạn bè! Tôi không muốn trắng án, tôi không cần được nhẹ tội nhưng những con chữ chân thật này mới là tất cả đối với tôi.

Cuộc họp tạm nghỉ mười phút để lãnh đạo hội ý, giống như giấc nghỉ giữa chừng của một phiên toà để cho các vị chánh án, thẩm phán luận tội bị can.

Và lời luận tội được gói gọn vào mấy từ sau của đồng chí chính trị tỉnh đội: “Bàn giao đơn vị cho cấp phó rồi nhanh chóng lên khu nhận nhiệm vụ khác”. Nhiệm vụ gì? Hơi sững người, tôi hỏi nhưng nó đúng nguyên tắc, không một ai trả lời.

Trời ơi! Nếu lúc ấy tôi biết rằng tôi sẽ rời bỏ đồng đội, rời bỏ em, rời bỏ những cánh rừng quen thuộc, rời bỏ tất cả vĩnh viễn để lếch thếch đeo bồng lên rừng già nhận một cái chân thu dung, cái chân phế thải, treo giò, ngồi đếm thời gian trôi trên nương rẫy thì tôi đã nổi cơn điên khùng và khổ đau tuyệt vọng đến thế nào! Nhận công tác khác... Nhanh chóng bàn giao... Vậy đó! Tôi cay đắng nghĩ. Xét đến cùng người ta đâu có thật cần tôi. Họ sẵn sàng hy sinh tôi, bỏ quên một vùng đất, thẳng tay san bằng một tư tưởng một chiều để khẳng định uy quyền và tính nguyên tắc bất di bất dịch của mình kia mà. Biết thân phận chưa hả cái thằng tôi chỉ khư khư đi ôm lấy cái giá trị trung thành với lý tưởng mà lơ đi biết bao điều vặt vãnh khác!

Trên đường trở về địa bàn hôm ấy sao bầu trời ảm đảm thế? Dường như đi sau tôi, Sương chỉ cúi đầu im lặng đếm bước chân. Và đi trước tôi, cậu giao liên tên Quân cũng chẳng hề răng nói một lời, chỉ thỉnh thoảng khẽ liếc nhìn tôi ái ngại.

Đến một cái muội nước nằm xa toa. độ pháo, Quân cho đoàn tạm dừng lại nghỉ. Gió mát quá, cảnh vật về đêm trải ra mênh mang thật thái bình. Không dừng được, tôi đến bên em, ngồi xuống.

- Sương!... Sắp xa nhau rồi. Lần này có thể xa lâu... Xa mãi. Muốn hỏi em một câu, trả lời hay không tùy em: Tại sao em lại làm thế trong cuộc họp vừa rồi?

Sương cúi xuống giây lâu rồi hất nhẹ mái tóc nhìn lên, đôi mắt to đựng cả bầu trời đêm địch hậu buồn vời vợi. Tiếng em nhỏ như gió thoảng:

- Sắp có trăng rồi!... Trăng đêm nay mồng năm. Giá mà được ngồi đây nhìn trăng khi nó từ từ lên? Chắc là đẹp lắm!

- Sương chưa trả lời câu tôi vừa hỏi?

Lúc này em mới quay lại, ánh trăng xanh ngà như từ khuôn mặt em toa? ra, chờm ngợp... Em nói như đang chờ để nói, như đã ủ dấm sẵn từ lâu trong lồng ngực:

- Vì em thương anh!... Khi nào cũng chỉ thương có một mình anh.

Tôi lặng người đi trước câu nói tôi không hề chờ đợi nhưng lại hằng mong muốn đó. Cầm lấy tay em, tôi thoắt run người lên trong một cảm giác mình có thể sắp tan chảy:

- Sương... Tại sao đến bây giờ... Người ta bảo em...

Em vội đưa bàn tay gầy gầy có những ngón lạnh buốt, thoảng mùi dầu sả lên bịt ngang miệng tôi.

- Đừng! Đừng nói nữa... Em hiểu! Không có chuyện đó đâu. Không bao giờ có hết. Tự em tung ra để anh giận, anh điên, anh sẽ từ bỏ em.

- Tại sao?

- Em sơ... Sợ anh cứ dính đến em hoài, anh sẽ... sẽ chết mất như miệng thế gian rủa độc.

Một trái cối nổ tung trong ngực tôi. Bất chấp sự có mặt của Ba Tiến, của cậu bé giao liên và của một vài người khách đang đứng ngồi lố nhố gần đó, tôi ghì chặt lấy vai em, nước mắt ứa ra...

- Trời ơi! Chỉ có vậy thôi ư? Tội nghiệp em! Chỉ có vậy mà em nỡ làm khổ em, làm khổ tôi. Khổ lắm! Mà sao tới tận lúc này em mới nói, lại nói?

- Mai mốt anh lên an toàn khu, chắc sống rồi, chẳng còn sợ nữa nên em...

- Anh hiểu! - Tôi càng ghì chặt em hơn.

- Kìa! Bỏ em ra! Người ta...

- Mặc người ta! Mặc tất cả! - Tôi cúi xuống siết chặt vào môi ướt lạnh của em một cái hôn tức tưởi và ngùn ngụt yêu thương chất chứa lâu nay - người ta có cần biết sự có mặt của anh, của em, của hai đứa mình trên đời này đâu. Em biết không? Cuộc họp vừa rồi đã tước đoạt của anh đi rất nhiều nhưng lại trả lại cho anh một cái còn nhiều hơn. Đó là em. Lúc này đây, chỉ cần có em, có tình yêu chân thật và không bao giờ có thể mất đi nữa của em, một mình anh cũng sẵn sàng tiến hành cả một cuộc chiến tranh, sẵn sàng lập ra cả một chủ thuyết chính trị, một tổ chức siêu quần của riêng hai đứa mình để tôn thờ và để chết cho nó.

Tuấn đứng bực dậy, con mắt trợn trừng lên. - Không! Không thể có chuyện như thế được! Nếu người ta nhất quyết điều anh đi thì tất cả bọn em cũng sẽ tự động rời bỏ vùng sông này theo luôn. Rồi muốn ra sao thì ra. Buồn cười! Vô lý hết sức!

Tôi im lặng nhìn Tuấn rồi nhìn vào từng khuôn mặt bạn bè... Thế là lại chỉ còn có bảy! Vẫn bảy! Đơn vị chưa khi nào nhích được lên con số chuẩn ba mươi. Và may mắn có lên tới thì chỉ ít ngày, rất ít, chiến tranh lại bỡn cợt giật xuống những con số ít ỏi như thế này, hơn thế này. Bảy người! Trong bảy người chỉ mình Tuấn là còn sống sót lại với tôi từ ngày đầu. Bảy người cho cả mười năm. Bảy người cho cả chiều sâu lẫn chiều rộng của một địa bàn ác liệt nhất miền Đông. Đứng đằng sau con số bảy này là bao nhiêu những con số bảy thê lương khác? Ẩn đừng sau bảy khuôn mặt thân yêu đây còn biết bao khuôn mặt khác không bao giờ còn hiện diện trên đời này nữa? Nếu hôm nay về tựu về đây đông đủ quân số của cả mười năm thì sẽ là bao nhiêu con người? Cái vạt rừng cháy sém này có chứa đủ không hay là phải đứng lên gò, đứng tràn xuống mí sông? Hai trăm, ba trăm hay bốn trăm? Bốn trăm chỉ còn lại bảy! Bốn trăm trừ đi bảy là bao nhiêu? Rồi chia đi cho mười là bao nhiêu nữa? Mai mốt tôi đi rồi, cái con số bảy ngậm ngùi nay sẽ còn rút xuống bao nhiêu? Ai sẽ dò tìm được những nấm mồ vô danh trong sâu lùm bụi, hang hốc một khi cả bảy con người còn lại này không một ai sống sót?...

- Không! Em không nhận nhiệm vụ thay anh đâu - Tuấn vẫn đứng sừng sững - Bất cứ ai làm thay anh lúc này đều là phản bội cả. Không phải chỉ phản bội anh mà còn phản bội hết thảy những thằng đã nằm xuống.

Cũng may nói tiếng choác choác của Tuấn đã có tác dụng ngăn không cho những giọt nước mắt của tôi chực chảy ra. Tôi ghìm giọng để tiếng nói khỏi oà vỡ:

- Đừng nói thế, Tuấn! Việc gì ra việc đó, đừng nên nhập vào. Chính vì mình, vì đơn vị, vì những thằng sống và những thằng chết, Tuấn phải thay mình. Chúng ta, dù cuộc sống có khốn nạn đến dường nào đi nữa thì cũng không được quên rằng, bọn mình là những thằng lính cách mạng có ý thức chứ không phải là đám tứ chiếng giang hồ. Nhé!

Tuấn quay đi, hai má chảy ra. Tôi biết nó chưa chịu nhưng giờ phút này nó không muốn cãi tôi. Sáu anh em kia cũng vậy, họ chỉ im lặng bập thuốc, đăm chiêu không nói, không cả nhìn vào người chỉ huy sắp từ giã họ ra đi của mình. Rồi đây... những con người này, liệu tôi có một lần được nhìn lại, được thấy lại hay là...

Mới chỉ kịp nghĩ đến đó, nước mắt tôi đã trào ra không thể kìm được nữa. Thấy tôi khóc, họ cũng khóc, khóc âm thầm, có người khóc nấc lên, người khác bỏ chạy ù vào hầm...

Bạn đọc thân mến! Nếu như tôi ra đi ngay buổi sáng hôm ấy, cái buổi sáng ướt đầm nước mắt của những tay súng thiện chiến hầu như không bao giờ biết nhỏ nước mắt, mà đừng nghe Sương khuyên nên nán lại một đêm để vào ấp chào hỏi bà con cô bác lần cuối thì cái mốc câu chuyện, cái sự việc đau thương đó chắc sẽ không xảy ra.

Vâng! Tức là tôi đang đi vào điểm mấu chốt của câu chuyện xuất hiện ngay vào buổi sáng hôm sau, khi tất cả vừa từ ấp chiến lược trở về.

Xin lỗi! Không hiểu trong số các bạn đã có ai trong cuộc đời từng đột ấp chiến lược một lần chưa? Đột rất dễ chết nhưng nếu không chết thì đó lại là cả một ngày hội của những năm tháng rừng ảm đảm. Được sống lại một khoảnh khắc thân thương của đời thường với mái lá, tiếng chó sủa, mùi rơm rạ, phân trâu bò, nhang khói, tiếng trẻ thơ, cái cười của những bà má, đôi mắt của những cô gái dậy thì nhìn lên anh Việt Cộng với sự tò mò đến nao lòng... Đó là bát cơm nóng ăn với cá kho tiêu, lát dưa leo mát rượi chấm với nước mắm thứ thiệt, điếu thuốc Ru-bi thấm nồng hút với ly cà phê sữa pha đặc quẹo, bánh tráng cuốc khổ qua, bánh tráng cuốn nhân dừa... Chính cái món bánh tráng cuốn nhân dừa đặc sản phía nam này đã làm cho miệng lưỡi chúng tôi bị lừa. Càng ăn càng thèm, càng chấm càng mềm môi, đến khi hơi ngan ngán rồi thì bụng dạ đã chình ình ra không thể đi lại bình thường được nữa. Càng chình ình càng khát nước. Uống bao nhiêu khát bấy nhiêu. Nước và bột thay nhau bóp nặn, làm tình làm tội cái dạ dày vốn xưa nay chỉ quen với lá cây ngọn cỏ trong rừng. Và dường như mọi hiểm hoa. sáng hôm ấy cũng bắt đầu từ cái miếng bánh tráng mỏng dính này mà ra.

Gần sáng, công việc chào hỏi từ biệt đã tạm xong xuôi, lại mỗi đứa mỗi bồng đầy nhóc những đồ ăn thức uống, chúng tôi tính ra về thì bất chợt một cô bé cơ sở hớt hải chạy đến báo xung quanh ấp lính đã bao vây đen đặc vòng trong vòng ngoài rồi! Mọi người nhìn nhau sững sờ. Chết rồi! Trời sắp sáng, đi không được, ở lại không xong, làm sao đây? Mà tại sao chúng lại biết chúng tôi lọt được vào ấp mà bao vây nhỉ? (Lý do này mãi về sau tôi mới được biết chứ lúc ấy tâm trí hoàn toàn rối bời, không phân tích được cái gì đến đầu đến đũa cả). Kiểu này chỉ càn một vài giờ nữa thôi, khi trời đã sáng hẳn, từng đứa chúng tôi dù có giỏi giang cỡ nào cũng lần lượt bị đối phương lượm về bắn bỏ ngon lành như lượm con cá con cua trong hom, trong giỏ! Cha trời! Vì một phút ngẫu hứng mà phải trả một cái giá như thế này thì đắt quá! Tôi tránh không nhìn vào mắt Sương, đôi mắt lúc ấy đang tỏ ra ân hận đến khổ sở. Không sao đâu Sương ạ! Tôi an ủi em và tự an ủi mình, chuyện đi ấp đêm nay cũng là ý của anh, của mọi người kia mà. Yên tâm đi! Để cho anh tĩnh trí một chút là sẽ tìm ra cách ngay thôi. Đây vẫn chưa phải là tình huống nan giải nhất. Sương không nói gì, chỉ khẽ gật gật đầu.

Và không đầy mươi phút sau, không phải tôi mà là chính em đã tìm được cách xử lý táo bạo, bất ngờ. Ém lại ngay trong lòng ấp anh ạ! Sương nói. Ém bằng kiểu nào? Tôi hỏi. Tại bìa vườn sầu riêng còn bốn căn hầm đào từ năm Mậu Thân em còn nhớ được. Anh! Trong khi em theo má Sáu ra kiểm tra lại, anh nhớ dặn mọi người nếu xuống hầm thì phải tuyệt đối bí mật. Cứ hai người một, xen kẽ bộ đội và địa phương thành một cặp kèm nhau. Hầm nào biết hầm đó, hầm nào lộ hầm ấy tự chịu, không biết được hầm thứ hai để nếu trong trường hợp bị tra tấn quá dữ buộc phải khai báo ra. Còn em? Tôi hỏi. Em sẽ... Sương thoắt bối rối rồi nói lướt đi, người chỉ huy lực lượng sẽ ở chung hầm với người chủ trì địa phương để tiện bàn bạc công việc. Rõ! Tôi nói. Và không thể không nhìn theo bóng hình em khuất vào bóng tối đầy chết chóc với một chút xao xuyến rất lạc lõng trước tình thế mỏng manh này.

Thật là may khi Sương trở lại báo tin cả bốn căn hầm đều còn dùng được. Và vào lúc tiếng xe bò đầu tiên lăn bánh lọc cọc ra bưng để vô tư bắt đầu một ngày đồng áng, chúng tôi đã nhanh chóng thực hiện xong cái công việc độn thổ bất đắc dĩ của mình. Một lát nữa đây chúng sẽ xộc vào, sau vài giờ lùng sục, sau mấy câu tra hỏi bà con gọi là, không thấy gì, chúng sẽ tiếc ngẩn người cho rằng Việt Cộng đã tìm được đường riêng thoát hiểm và đành hậm hực bỏ đi. Lúc đó, chao ôi, tôi sẽ có một ngày hay ít nhất là một buổi với em trong lòng đất êm đềm, sẽ nói với em tất cả những gì đáng nói để rồi khi màn đêm buông trùm, tất cả sẽ trở lên mặt dất, ra khỏi ấp, thong thả về rừng tiếp tục cuộc chia tay chưa biết bao giờ gặp lại vừa bị kẻ thù làm gián đoạn. Thế thôi. Chỉ cần một giờ, một ngày như thế thôi cũng đủ thay cho cả một đời...

- Ngủ đi một chút anh! Thức cả đêm rồi, mệt lắm! Tối nay anh còn phải... đi.

Giữa lòng đất bốn bề ảm tối, tiếng Sương càng ngậm ngùi dìu dịu. Ngủ? Trời! Làm sao có thể ngủ được khi có em sát cạnh thế này? Tôi khẽ cựa mình nằm ngửa, nhìn trân trân lên hầm. Bên tôi, Sương vẫn ngồi ôm gối, thu nhỏ mình hết cỡ để khỏi đụng chạm vào tôi. Cả hai dường như chỉ còn nghe thấy hơi thở của nhau, hơi thở nhọc nhằn và dập dồn hơn trên mặt đất... Trong các căn hầm chiến tranh đã trải qua, chưa có thứ hầm nào gợi cho tôi nhiều xúc cảm trái chiều nhau như loại hầm mật này. Nằm lọt thỏm giữa dân, giữa địch, cả căn hầm chỉ rộng bằng nửa tấm chiếu con, nằm một người hơi rộng, nằm hai người lại quá chật, nằm tráo trở đầu đuôi thì tạm gọi là. Tối lạ lùng! Toàn bộ ánh sáng chỉ trông vào mấy cái lỗ thông hơi nhỏ bằng đồng xu từ đỉnh hầm rọi xuống lúc có lúc không, lúc mờ lúc ẩn. Cửa hầm đã đóng kín, khít khao như người ta nút cái nút chai bằng mút để nếu có ai đi qua, ngồi lên, thậm chí nằm xuống cũng không hề biết ở dưới mình là cái gì. Và nóng. Nóng kinh khủng! Giữa cái lòng đất ẩm mà nóng nóng như trong lò nung mới lạ! Cái nóng của đất hay cái nóng của thân thể đàn bà còn trinh nguyên toa? ra, tôi không thật rõ nhưng chỉ hay rằng, một con người bình thường mà phải sống liên tục ở loại hầm này chừng ba tháng, khi lên, chân tay bỗng trở nên thừa thãi, da thịt trắng hếu như bạch tạng.

- Anh cười gì thế? - Sương hỏi nhỏ.

- Anh đang mường tượng ra cảnh hai đứa mình nếu nửa năm nữa mới lên khỏi đây thì chắc hoá thành ông Tây bà Đầm.

Sương không cười. Em cúi xuống có vẻ đang mải nghĩ ngợi một điều gì đó không thấy ngẩng lên nữa. Tôi nắm lấy tay em, bóp nhẹ:

- Nằm xuống đi em! Nằm nghiêng, quay mặt vào nhau hay cùng quay mặt vào vách cũng được. Vừa đó.

Em lắc đầu.

- Hay anh ngồi dậy cho em nằm nhé! Hai đứa cứ thay nhau, một đứa gác, một đứa ngủ và ngược lại có được không?

Em vẫn lắc đầu. Cái lắc đầu âm thầm đó đã kéo tôi ngồi dậy, nhẹ kéo đôi vai gầy mảnh của em vào ngực mình. Ở nơi đó, tôi cảm nhận rõ có một rẻ xương của em tì vào ngực tôi nhói đau.

Này! - Tôi cố nói một câu vui vui để em cười lên - Ước gì hai đứa cứ ngồi thế này mãi, ước gì cửa hầm đẫ bị nêm chặt như cửa hầm Thạch Sanh, ước gì chiến tranh đừng bao giờ kết thúc trên miệng hầm, anh và em hai đứa sẽ hoá thạch hay thành bộ xương khô ôm cứng lấy nhau nhỉ? Nói đùa, có khi thế lại hay hơn đấy nhé! Được không?

Em vẫn im lặng.

- Em sao vậy? Hay lại linh cảm thấy một điềm gở gì chăng? Thôi, bỏ quách những cái linh...

- Không phải thế - Đến lúc này Sương mới khẽ cựa mình, giụi giụi mặt vào cổ tôi, hơi thở bỏng rát và tinh khiết như hơi thở trẻ thơ - Em thương anh.

Siết chặt em hơn, môi tôi cuống quýt lần tìm môi em nhưng em vội lấy tay che miệng lại:

- Đừng... Em sợ lắm!

- Sợ gì? - Tôi nói trong nhịp đập bấn loạn của trái tim trong ngực - Giờ đây trên thế gian này, trong cả lòng đất mênh mông này chỉ có hai đứa mình.

- Không... Không phải thế đâu.

- Anh yêu em!

Lần đầu tiên tôi nói ra câu đó bằng tất cả sự dồn nén ngột ngạt bấy lâu trong lòng. Em hơi rướn ngực lên một chút rồi thở dài nhè nhẹ:

- Anh có trách em giữ anh lại để bây giờ phải đến nỗi như thế này không?

- Anh ngược lại phải cảm ơn em, cảm ơn đất trời thần phật mới đúng.

- Cảm ơn?

- Nếu không, làm sao anh có được em ở bên cạnh thế này.

- Còn giận em gần một năm qua làm mặt lạnh với anh không?

- Không! Càng yêu hơn. Yêu nhiều lắm!

- Em... Em thương anh! Yêu anh.

Yêu! Cũng là lần đầu tiên em nói ra với tôi câu đó và thả nhẹ bàn tay che miệng ra. Tôi nhột nhạt cúi xuống... Em khẽ rùng người, lả đi trong vòng tay nhớp nháp mồ hôi của tôi và để mặc cho hai đôi môi gắn chặt vào nhau ngỡ ngàng, run rẩy, vội vàng, tức tưởi...

Bị nỗi đam mê lâu lắm mới lại có đốt cháy, tôi bất giác lần mở khuy áo ngực em. Chính lúc đó em choàng tỉnh, đẩy mạnh tay tôi ra, giọng hổn hển hụt hơi:

- Không!... Chưa nên. Đêm nay anh đi rồi, em sơ... sợ lỡ xảy ra chuyện gì, mình em ở lại, tội nghiệp!

Chỉ cần một câu ấy thôi cũng đủ làm tôi tỉnh táo hoàn toàn trở lại.

- Sương!... Anh hỏi thật: đây là lần đầu tiên em va chạm với đàn ông phải không?

Sương không trả lời, chỉ cầm bàn tay tôi đưa lên miệng cắn cắn... Vết răng con gái, vết răng của sự vụng dại, trinh trắng lan nhanh vào thân thể tôi mát lạnh. Tôi lại ngả người xuống, nhắm mắt... Ở đây, trong căn hầm này, cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào, trưa nay, chiều nay, lát nữa... nên thương nhau quá, trân trọng nhau quá mà không nỡ làm điều gì xúc phạm đến nhau. Nhưng cũng vì trưa nay, chiều nay, lát nữa hoặc ngay bây giờ có thể chết mà tiếc gì cho nhau, không nỡ làm nhau thất vọng. Có lẽ tôi sẽ chọn mệnh đề thứ nhất. Mệnh đề không thật phù hợp với tôi nhưng lại thích hợp với con người như em. Vì em, vì những kỷ niệm ngọt ngào và cả cay đắng đã có với em, vì những ngày xa cách mịt mùng trước mắt, tôi buộc phải nén đi cái phần thật nhất đang sôi réo trong con người mình. Để thực hiện được ý định quá đỗi khó khăn ấy, tôi xoay người giụi mặt vào vách hầm ẩm mốc mong tìm được sự trợ lực của đất.

- Anh ngủ một tí đây - Tôi nói - Em có thể yên tâm.

Em nhìn xuống tôi lâu lắm, môi mím chặt, không gật đầu. Và đến đây hậu quả cái món bánh tráng với cà phê khi đêm bắt đầu xuất hiện, như một sự đến trước dự báo cái tai hoa. sắp sửa giáng xuống. Tôi trằn trọc mãi, thực lòng muốn chợp mắt một chút nhưng không sao chợp được. Cà phê đêm qua pha quá đặc lại một bọng nước óc ách có nhu cầu đòi được phóng toa? ra ngoài nên hết nằm ngửa lại nằm nghiêng mà mắt cứ trơ thao láo. Cuối cùng tôi dán chặt bụng vào vách đất có ý nhường chỗ cho em rồi đành nhắm mắt để đấy. Thời gian lãng đãng trôi qua những lỗ tròn thông hơi. Giọt sáng đã có vẻ gắt hơn, tức là đã quá nửa buổi rồi mà trên mặt đất vẫn chưa thấy có động tĩnh gì. Vẫn tiếng gió thổi mơ hồ, tiếng bò kêu, tiếng trẻ con gọi nhau í ới, một vài tiếng chân người qua lại và tiếng cành khô rơi lạo xạo xuống miệng hầm... Vô lý! chả lẽ bọn đói ăn này lại dễ dàng buông tha con mồi béo bở đến thế? Hay chúng đã biết chắc chúng tôi không thể thoát được nên giở cái trò dền dứ phong toa? của con đười ươi khi vớ được mồi? Được thôi! Cứ dền dứ, cứ phong toa? đi các chú lính! Phong toa? một ngày, hai ngày... bao nhiêu ngày cũng được, càng dài càng tốt miễn là chớ có đánh điểm vào một căn hầm nào. Như thế tớ càng được ở bên cô bạn gái của tớ nhiều hơn, cám ơn lắm chứ!

Tôi chợt thấy một bên lưng ấm sực lên rồi từ từ mát lạnh như có một chiếc khăn ướt vừa dấp vào... Không cần nhìn lại tôi cũng biết đó là em. Em đã lén nằm xuống bên tôi theo lối nằm tráo trở đầu đuôi quen thuộc. Tức là chân tôi ở phía đầu em và chân em chạm nhẹ vào vai tôi. Cái ấm sực rồi lại mát lạnh ấy chính là nơi bắp đùi của em kê khẽ vào. Tôi nằm cứng người và để em có thể chợp mắt được một chút lấy sức lực dự trữ cho cả ngày nay nếu tình huống xấu xảy ra, tôi giả vờ ngáy nhè nhe... Em cũng thở đều đều dù rằng tôi thừa biết em chưa hề ngủ.

Thường trong một căn hầm ngột ngạt và chật chội như thế này, làm thằng đàn ông nhiều bề dễ xử hơn. Hắn ta cứ việc cởi trần, vận quần đùi thoải mái. Còn đàn bà con gái ư? Thật trăm sự rườm rà. Nằm cạnh thằng đàn ông xa lạ không phải là chồng mình, đâu có thể hở hang thoải mái được dù có bức sốt như thế nào. Chỉ còn một cách là nén chờ anh bạn cùng hầm ngủ say đi cái đã rồi mới dám từ từ rón rén vén bớt quần áo lên. Nhưng quần cũng chỉ dám vén lên đến trên đầu gối, còn áo thì hất lên đến ngang bụng, thế thôi, miễn là cho dịu thoáng hơn một chút.

Tuy đã gí cái mũi vào thật sát vách đất nhưng nghe tiếng sột soạt thật nhẹ đằng lưng, nhẹ như gió lùa ngọn tóc, tôi cũng đoán được em đang thực hiện cái động tác thông thường và muôn thủơ của những người ít nhất trong đời cũng có đôi lần chui hầm mật đó... Kỳ lạ! Trong mùi đất mốc mác bị bỏ quên lâu ngày dường như tôi ngửi thấy cả cái mùi ngai ngái của phần da thịt đàn bà để hở. Chao! Cái phần da thịt ấy chắc là trắng lắm, tròn lắm, mát lắm và... gần xiết bao nếu tôi chỉ quờ tay qua một chút, một chút thôi... Nhưng tôi vẫn nín thở nằm yên. Hơn lúc nào hết tôi hiểu rằng nếu giờ đây tôi chỉ vô tình hay cố tình đụng chạm em thêm một lần nữa hoặc giả cựa mình quay lại là chiếc cầu dao điện dòng cao thế sẽ được bung nổ ngay mà thực lòng tôi lại chưa muốn bung nổ gì cả hay chí ít cũng là vào lúc này. Hãy để cho nó êm trôi qua cái giờ tử này đã. Sau đó chúng tôi còn cả một buổi trưa và một buổi chiều kia mà. Khi đó, cái gì cần xảy ra nó sẽ xảy ra, đừng ép.

Có lẽ đã nắm bắt được cái mạch nghĩ xốn xang trong đầu tôi hay là chính trong đầu em cũng cùng chung mạch nghĩ đó, Sương khẽ thở dài rồi nắm nhẹ lấy tay tôi, giống như một tín hiệu ma-níp:

- Ngủ đi!... Ngủ đi anh! Chóng ngoan.

Không ngờ cái tín hiệu buồn buồn giống như một lời ru đó đã khiến cho tôi tĩnh lặng và thiếp đi một chút thật. Khi chợt tỉnh hoặc tôi buộc mình phải tỉnh vì kẻ thù đang còn ở phía trên, thời gian được thức bên em là quý giá khôn cùng, tôi vô tình đạp phải cái ống lon để ở đằng chân kêu cái reng!... Đây chính là ống sắt tây dung tích chừng một lít dùng để chứa nước tiểu trong trường hợp cần thiết mà chưa thể lên được.

Chết thôi! Tiếng lon kêu kích thích cái bụng đang óc ách của tôi đòi giải toa? dữ dội. Khẽ liếc nhìn sang, tôi thấy hai mắt em đang nhắm hờ, nhịp thở đều đều, thỉnh thoảng lại vấp nhẹ trong thanh quản hệt một đứa bé lăn ra sau khi đã bú no sữa mẹ. Đoán chừng mệt quá em đã thiếp đi, bằng những động tác hết sức gượng nhẹ, tôi chống tay rón rén ngồi dậy. Em vẫn thở sâu. Tốt rồi! Tôi hơi quỳ xuống, kê nhe... cái của mình lên thành lon rồi nín thở... Dòng nước thải do được kê kích, được định hướng đàng hoàng nên dẫu rằng không gian ắng lặng đến mấy, nó cũng chỉ phát ra những âm thanh ri ri rất nhỏ không nhận biết được loang thành lon rồi tản dần xuống đáy. Tuy vậy tôi vẫn chỉ có thể cho ra cầm chừng. Thả rồi bóp... Bóp rồi thả... Trong đầu xốn lên cái ý nghĩ hài hước: Đúng là vừa... đái vừa run! Đâu có, dĩ nhiên là đâu có dám thoải mái phóng ra hết, tôi lại làm động tác mèo vờn chuột trên mái nhà hạ lưng... không, hạ cánh sườn xuống cho trở về trạng thái ban đầu, bụng dạ nhẹ tênh tang như cả thế kỷ nay chưa hề nhồi nhét một thứ gì vào đó cả.

Em vẫn nằm nguyên trong tư thế cũ, phần da thịt để trống miết vào lưng tôi rờn rợn. Tôi nằm im để cho cái rờn rợn đó lan chảy khắp người, rôn rốt xuống tới tận đầu ngón chân... Và con mắt cay xè của tôi không thể không dừng lại ở mấy cái rẻ xương sườn mỏng mảnh đang nhô lên, đôi bắp chân một bé gái mới chớm bước vào tuổi dậy thì đang duỗi thẳng của em. Tim tôi thắt lại! Tội tình và bé bỏng làm sao một dáng nằm con gái thời chiến tranh như thế! Đoán rằng em chưa ngủ, em không ngủ, ngủ thế nào được khi Hai Hợi đã có lần nói rằng em thường mắc bệnh mất ngủ cả đêm. Nhưng tôi không muốn, không nỡ đánh động em dậy chỉ vì những cử chỉ, những lời nói yêu thương đang từng đợt, từng đợt dội lên trong lòng mình. Tôi hôn nhẹ vào mấy cái rẻ xương đó và ngả đầu xuống.

Trên kia vẫn lặng tờ. Một sự lặng tờ khác lạ mà kinh nghiệm bám trụ vùng ven lâu ngày đã cho tôi biết nó đang chứa đựng những hiểm nguy không thể lường trước được.

Sương khẽ cựa mình... Lại cựa mình nữa... Em muốn nói chuyện với tôi chăng? Hay em cũng đang cùng một dự cảm kinh hoàng về hiểm hoa. như tôi?... Không phải! Cái cựa mình của em không hàm chứa một sự giao cảm tâm lý. Nó là một thứ cựa mình hoàn toàn mang tính chất sinh học, bất an, bồn chồn... Tôi chợt hiểu: cái hậu quả của cà phê và bánh tráng mặn cũng đang làm tình làm tội em, có thể làm tội từ lúc đầu nhưng vì là đàn bà con gái nên em không thể tùy tiện hành động như tôi được. Thế là tôi chỉ còn một cách lại giả vờ ngủ, ngủ thật saỵ Và tôi bắt đầu cất tiếng ngáy. Ngáy to dần, ngáy cả bằng mũi lẫn bằng mồm, ngáy thật sâu, ngáy nhọc nhằn như thật, ngáy sao cho ra cái phường úy tử phàm phu càng tốt, thỉnh thoảng lại đệm một tiếng è è trong cổ, vài tiếng hự hự trong mồm...

Đúng như tôi dự đoán. Chỉ một lát sau, tôi bỗng thấy lưng mình trống trếnh, dường như có cả hơi mát thổi vào. Tôi biết rằng em đã ngồi dậy. Tiếp liền là một chút sột soạt của vải, một chút lục cục của khớp xương va nhau, một chút dừng lại... Và sau đó là im lặng. Im lặng giả tạo đến nỗi gai người. Rồi giữa cái im lặng mênh mông đó, một tiếng xoè bật ra hân hoan, nới mở nhưng lại tắt ngaỵ Im lặng sâu hơn. Như vĩnh cửu. Như không cùng... Rồi lại xoè. Tiếng xoè dài hơn một chút. Rồi lại tắt... Lại xoè... Tắt... Xoè... Xoè... Tắt! Khốn khổ! Có ai hiểu thấu cho người đàn bà trong chiến tranh phải chịu cơ cực như thế. Một cái ống lon trong hầm mật? Chuyện thật đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp đối với họ. Đã vậy, cái âm u huyền bí trong lòng sâu lại cứ đùa dai, khuyếch đại lên ngàn lần thứ âm thanh quỷ quái đáng lẽ phải xoá chìm đi ấy. Tắt xoè, tắt xoè... Thử hỏi trên hành tinh này, trong mọi cuộc chiến tranh của mọi quốc gia, của mọi thời kỳ lịch sử, đã có nơi nào xuất hiện và tồn tại những âm thanh tức tưởi và nao lòng đến rã rời tâm can như thế không? Không, chắc chắn là không! Tôi có thể quả quyết như vậy.

Tôi không ngáy được nữa. Chẳng phải vì cái cổ đang có chiều hướng rát bỏng lên mà chính vì sự nhọc nhằn mang tính chất trẻ thơ của âm thanh ấy vừa làm tôi thương cảm lại chút nữa thì khiến tôi phì cười.

Càng nhịn cùng với tiếng tắt xoè mỗi lúc mỗi dồn dập hơn kia, tiếng cười càng muốn bùng ra. Và cuối cùng, không nhịn nổi nữa, tôi đã để mặc cho tiếng cười phì ra khỏi miệng. Phì rung cả người... Tiếng xoè đột ngột ắng lại như từ nãy đến giờ, từ ngàn xưa đến nay, chưa hề có thứ tiếng động nào như thế. Một cái véo vào đùi tôi đau điếng, tiếp liền là một cú phát vào lưng rát bỏng... “Đồ quỷ! Vậy mà làm người ta... ” Em nói và mặc dầu không nhìn lại, tôi cũng biết chắc mặt em đang đỏ rần lên.

Tôi không cười nữa:

- Trời! Làm thì làm đại đi mà! Cứ tắt xoè, tắt xoè mãi, nghe như tiếng rút chốt tạc đạn, ớn cái xương sống lắm!

- Kỳ! Ai bảo nghẻ Ngáy ngủ mà nghe tinh thế? Dơ!

Lại một cái véo chết người nữa. Lại đỏ mặt. Thế là cười xoà.

Chẳng ngờ cái âm thanh đó, cái phát, nhéo, câu chữa ngượng đồ quỷ và cái cười xoà đó đã xoá nhoà đi cả mọi lằn ranh giới tính, đã đốt cháy mọi đắn đo sau trước, đã xích hai đứa lại gần nhau trong một sự cuồng nhiệt đợi chờ có sẵn trong tâm tưỏng. Tôi ngồi nhanh dậy, không cần biết cái gì sẽ xảy ra trên kia. Cái gì sẽ xảy ra sau đó, cồn cào ghì siết em vào người, hối hả đỡ em nằm xuống và lấy băng đạn kê đầu cho em khỏi lấm tóc. Em chỉ kêu rên khẽ lên một tiếng sâu thẳm trong lồng ngực rồi duỗi dài chân ra, nhắm mắt lại... Hàng khuy áo được bong dần từng cái. Chao ôi! Dưới ánh sáng huyền ảo mơ màng của ba giọt thông hơi, tôi hoàn toàn không thể ngờ ngực em lại đẹp thế! Nhỏ nhắn, no tròn và trắng đến loá mắt. Dường như toàn bộ sức sống tuổi hai mươi nơi em đều dồn tụ vào cả khuôn ngực trinh nữ này? Tôi gục mặt vào đó, nghẹt thở, yên bình, ngào ngạt hương thơm cây trái và tan rã... Gục mặt vào màu trắng tươi nguyên, màu trắng khổ đau và màu trắng của sự thanh cao tuyệt đỉnh. Tôi khóc...

Thế rồi chính trong khoảnh khắc đôi mắt được rửa sạch bằng những giọt nước mắt chân thành đó, bất thần tôi đã nhìn thấy đôi nốt ruồi đen, nhỏ, nằm e ấp trên khuôn ngực trái của em như hai con mắt hiền lành, nhỏ xíu của con chim câu đang sắp vỗ đôi cánh trắng bay vút lên khỏi hầm.

Tôi phủ nhanh người xuống cái màu trắng đó, để ràng níu, để giữ buộc, để không cho nó bay tan đi mất, bắt nó phải là sự thật chứ không thể là ảo ảnh trong lòng sâu. Lặng lẽ và mềm mại, bằng một cử chỉ vị tha khắc khoải, em hơi rướn người lên, thẳng căng cái độ căng của dây cung sắp cho mũi tên rời khỏi ná rồi liền ngay đó lại chùng xuống... chùng xuống nữa, chìm nghỉm, vô hình... Buổi sáng hôm đó, với tất cả sức lực của tuổi trẻ, của mười năm dồn nén, của hết thảy những khổ đau, mất mát và dịu ngọt đã trải qua, sắp trải qua hay không bao giờ còn dịp được trải qua nữa, chúng tôi, hai sinh vật của thời loạn đi vào nhau trọn vẹn, đam mê tột cùng và cũng ngậm ngùi tột đô... Một giọt sáng hay một chút màu hồng tươi vương dính vào góc chiếc khăn rằn rải dưới đất đã thúc mạnh vào mặt tôi sự chói gắt của trinh tiết và lòng biết ơn sâu thẳm không thể nói ra được. Em khóc... Những giọt nước mắt cũng rơi ra lặng lẽ, âm thầm.

- Sương ơi!... Cầu mong cho mọi việc qua đi, chiến tranh rồi sẽ tới ngày cùng, khi ấy dù thế nào, ở đâu, anh cũng sẽ tìm đến em để xin cưới em làm vợ.

Tôi hôn cạn những giọt nước mát trên má em mằn mặn rồi cúi xuống, rên trên ngực em lời nguyện cầu chắt ra từ máu.

- Em chết mất! - Em thốt lên rồi cắn vào bả vai tôi đến rớm máu.

Phải chăng đó chính là câu trả lời tuyệt diệu nhất của người đàn bà trong những trường hợp như thế này? Không nói gì nữa, cả hai ngồi im lặng, trần truồng, nhơm nhớp mồ hôi, lắng nghe hơi thở và nhịp tim đập thật mệt mỏi nhưng cũng thật êm ả nơi ngực nhau...

Thời khắc bồng bềnh lãng quên đi tất cả đó, ai dè đôi cánh nghiệt ngã của số phận đã qua lỗ thông hơi để lạnh lẽo đậu xuống bờ vai của cả hai đứa chúng tôi! Sau một loạt những tiếng xăm hầm sột sột như thuốn vào chính màng tai mình, là một tiếng nói âm âm khoái trá vang lên từ loa điện trên mặt đất: “Lên đi các bạn Việt Cộng! Chúng tôi đã biết các bạn đang ở dưới đó rồi. Tốt nhất là tự mở nắp hầm chui lên đầu hàng để tránh cho chúng tôi khỏi phải dùng đến những biện pháp cứng rắn. Lời hứa danh dự của người lính quân lực Việt Nam cộng hoà sẽ bảo đảm an toàn tính mạng cho hết thảy mọi người, cả nam lẫn nữ, cả địa phương lẫn chủ lực, cả Việt Cộng lẫn cộng sản Bắc Việt, hết thảy! Trung úy đồn trưởng đang kêu gọi các bạn đây... ”.

Giống như bị quẳng từ trên độ cao ngàn mét xuống nước, chúng tôi sững sờ nhìn nhau... Vậy là cái điềm báo xấu nhất đã xảy ra, xảy ra ngay sau khi, bằng cánh tay thần bí của mình, thần phật đã đẩy chúng tôi nhập vào với nhau! Đểu thật! Nhưng tại sao chúng lại tìm rả Ai chỉ điểm? Hay đã có một hầm nào bị lộ rồi?... Trời đất! Thì ra chính cái lúc chúng tôi đang cuộn chặt lấy nhau để mơ những giấc mơ vĩnh cửu thì thần chết đã ngồi chồm hỗm ở ngay trên miệng hầm rồi! Sao đây? Tôi siết chặt bàn tay của em đang run run mặc lại quần áo vào người. Cái lãng mạn đang vón cục lại thành cái nặng nề quá tải. Sự chơi vơi từ bên trong đã thoát ra thành sự hoảng loạn ụp từ bên ngoài vào...

“... - A lô! Các bạn còn chần chừ gì nữa? - Vẫn cái tiếng nói khoái trá và hãi hùng lọt xuống từng chập như tiếng gào của ma quỷ dưới địa ngục - Dù muốn hay không, các bạn cũng chỉ có một con đường đầu hàng hay tan xác? Ba trái mìn cực mạnh đã được đặt trên nắp hầm, dây đã ròng xong, chỉ còn chờ thái độ của mấy người là phát nổ... ”.

Lửa bừng lên trong đầu cùng với hình dạng những trái mìn clâymo bay lãng đãng như những chiếc quan tài màu xanh. Giơ thử tay đẩy nhẹ nắp hầm thấy nặng trịch, tôi biết chúng không đùa. Thế là cùng đường. Chỉ cần một chứ không cả ba trái mìn hình cong như viên gạch kia thổi vào cửa hầm là chúng tôi cũng đủ vỡ óc, giập ngực, lòi con ngươi chết ngaỵ Đã bao phen chúng tôi đánh vào giữa giấc ngủ của kẻ thù để đến bây giờ, kẻ thù lại đánh vào chính cuộc tình của chúng tôi. Như một luật chơi sòng phẳng, lại như một sự báo oán khắc nghiệt. Chỉ buồn một nỗi, nếu như trước kia phải đánh cho chủ thuyết, đánh vì lý tưởng thì tôi lại hoàn toàn ở trong thế chủ động, lúc này tôi mới có dịp đánh cho em, cho tình yêu của tôi thì lại phải đánh trong tư thế thúc thủ.

Bất giác tôi nhếch mép cười. Mẹ mày! Con ạ! Chết đối với tao nào có nghĩa gì mà mày dậm doa. thế? Đáng lẽ thằng cha mày phải chết rồi, chết từ lâu rồi kia, bây giờ mới tới lượt là hơi chậm, quá chậm, quá lãi rồi các con ạ! Nhưng còn Sương?... Mặt tôi nhăn quắt lại. Tôi không đành lòng để em cùng tan biến vào cái thế giới hư vô nhọc nhằn tất yếu của tôi được, nhất là sau mọi chuyện đã xảy ra vừa rồi.

“... Đù mẹ bọn mọi ăn đất cát! - Bây giờ là tiếng chửi tục tằn vọng xuống - Nhẹ không ưa, ưa nặng. Cơm không muốn ăn, ăn cứt! Thân con lừa! Vậy tao cho bọn bay chết mẹ luôn. Lính đâu? Tao đếm từ ba đến một, không lên, bấm!".

Gấp rồi, không thể chần chừ được nữa, tôi rút chốt sẵn hai trái dự án láng USA cầm ra hai tay rồi nói nhanh với Sương:

- Lên nhé! Đằng nào cũng chết, thử lên xem. Anh bật nắp hầm tung tạc đạn xong, em nhảy lên ngay, cứ hướng suối mà chạy, anh sẽ lần sau... Không! Anh phải lên trước dẹp đường, em lên sau, hết sức nhanh.

(Thế là cái sai lầm thứ nhất đã xảy ra ở ngay cái cách phân công sau trước như thế! Trời ơi! Nếu như tôi nói ngược lại thì kết cục đâu đã đến nỗi bi thảm như vậy?)

Không rõ em nghe có hiểu thấu lời tôi dặn không mà chỉ thấy đôi mắt to nhìn lên tôi vời vợi như tách thoát ra khỏi hoàn cảnh, như là em đang đứng với tôi trong một bầu trời lộng gió giữa đồi trăng. Em hỏi:

- Thế... Thế chúng mình gặp nhau ở đâu?

- Anh chờ bên kia suối, chỗ ruộng khổ quạ Nhớ rằng bằng giá nào anh cũng chờ. Cầm lấy cây súng này, vừa chạy vừa bắn thật mạnh. Nào, chuẩn bị nhé! Thật bình tĩnh nhé! - Tôi đặt vào tay em khẩu K.54 mát lạnh rồi đặt vội một cái hôn vào môi em - Em là sự sống của anh. Em không được chết. Vĩnh biệt!

Đến lúc này thân thể em mới run lên như đã cảm nhận thấy hết tầm nguy hiểm của sự việc. Em cuống quýt kéo tôi lại, vừa khóc vừa hôn lên khắp mặt tôi. Một giọt nước mắt chảy vào miệng tôi mặn như máu.

- Nhớ chờ em với nhé! Em sẽ chạy kịp anh, không chết đâu! - Em nói.

Nhớ chờ em với... Tôi sẽ suốt đời mang theo lời nói non nớt này vào trong ký ức buồn đau của mình mà không tài nào dứt ra được.

“... Bắt đầu! - Tiếng loa trên kia rền lên như bão - Ba!... Hai!... ”

Con mẹ mày! Nữa đi! Tôi nghiến chặt răng để nuốt đi sự bất lực gần như tuyệt vọng... Một! Không để cho thằng đồ tể kia đếm tiếp đến tiếng sau cùng, vẫn với hai trái dự án láng nắm chặt, tôi vận sức dùng cả hai tay đấm mạnh nắp hầm lên. Một vuông sáng táp vào mắt chói loà. Chỉ chờ có thế, tôi vươn tay tung mạnh hai trái tạc đạn có sức công phá dữ dội sang hai bên, về phía những thằng người có lẽ đang đứng ngồi lố nhố trong cảm nhận trực giác rồi tung người vọt lên theo...

Tôi chạy giữa đất trời nắng gió chan hoà... Trong cái trạng thái cuồng nhiệt đó, tôi vẫn còn kịp nhìn thấy những thằng người màu xám chì hoảng loạn giạt ra, rẽ ngược, kêu thét, lăn lông lốc, bẹp xuống... để tránh xa cái chết từ hai khối tròn lành hiền đang lọc cọc lăn tới. Lựa cái thế thông thoáng nhất thời đó, tôi phóng giò chạy thêm được mươi bước nữa rồi mới chịu nằm xuống, để mặc cho thân thể gần như tung lên khỏi mặt đất trong một sự hứng khoái khác lạ do hai tiếng nổ chát chúa vừa tạo ra. Đất đá bay như ngày tận thế, không gian mù mịt khói vàng, khói xanh, khắp mọi nơi khét lẹt mùi pháo đêm giao thừa. Ngon rồi! Ít nhất cũng đốn gọn dăm con. Tôi hét lạc giọng trở lại: "Lên lẹ đi Sương ơi!... ” rồi lao người ra khỏi chỗ trống, nơi rất dễ hứng đủ đạn của đối phương một khi chúng tỉnh lại. Trước lúc chạm được bìa suối, kỳ lạ, cái tôi nhìn thấy cuối cùng không phải là em mà lại là một khuôn mặt quen quen, trẻ trung đeo kính trắng trong đội hình chúng nó đang la hét nhau lồm cồm chồm dậy. Anh ta là người duy nhất đủ điều kiện để kịp rê mũi súng bám theo tôi nhưng không hiểu sao, do khói đạn hay đất đá bay lên che chắn, khi bốn mắt đụng nhau, cái họng súng toang hoác đen ngòm kia lại từ từ hạ xuống?...

Từ hầm đến suối chỉ ước chừng hai trăm mét. Chạm suối rồi, lợi dụng một bụi tre gai xoắn bện đạn bắn cũng không lọt qua, tôi thảng thốt đôi mắt lại tìm em... Trời! Em kia rồi! Sương của tôi kia rồi! Em mới vừa lên khỏi hầm và đang cố gắng lao về phía tôi.

Cái dáng người nhỏ nhắn trong bộ bà ba đen lúc ẩn lúc hiện trong đám khói đang tan loãng như bay như lượn, tóc xoã tung, hai ống quần giạt về sau đập phần phật... Và khẩu súng nhỏ xíu trên tay em thỉnh thoảng lại nảy lên một phát đi đâu đó như cô nữ sinh tinh nghịch đang bày trò chơi trận giả với đám con trai. Lồng ngực tôi muốn vỡ tung trong nỗi vui sướng và lo sợ đến tột cùng. Đội hình chúng chưa hoàn hồn, em còn có thể chạy được nhưng mà nhanh, nhanh nữa, thật nhanh lên mới được! Và bắn, bắn mạnh vào, cứ nhác thấy thằng nào đang chĩa súng vào em mà bắn! Trời ơi!... Kìa! Phải chạy dích dắc chữ chi chứ ai lại cứ lao thẳng thế! Hay lắm! Cố lên! Ráng lên! Sắp tới rồi. Năm chục thước... bốn chục thước... ba mươi lăm thước... Ba mươi... Còn một đoạn nữa thôi. Nào, sắp tới rồi. Anh đang ở đây. Sang được bên kia bờ, lẩn vào ruộng mướp đắng bạt ngàn thì có mà trời tìm...

Nhưng tất cả đều đã không kịp! Chính cái gấu quần bà ba gợi một nét lãng mạn ấy đã hại em. Em đã không kịp xắn lên, dưới đó tôi đã quên không nhắc em xắn lên, để bây giờ sức lực con gái yếu mềm, em đã không kịp nhảy tránh cái gốc tầm vông tệ hại chìa ra cản đường, đã không kịp làm gì cả... Sau một tiếng soạt não nùng, thân thể em đang bay là là đến cõi sống bỗng đập mạnh người xuống đất, khẩu súng văng bắn sang bên... Khi em trở dậy được thì hàng chục mũi AR15 và đế giày bốt- đờ-sô đen trũi đã bao quanh mất rồi!...

Hộc lên một tiếng đau đớn, tôi dằn mạnh trán xuống đá sỏi để biết rằng đó là sự thật, là mình đã hoàn toàn bất lực. Cái sai lầm thứ hai của tôi lại nằm chính ở chỗ đó. Giá như cái lúc vừa nhìn thấy em vật xuống, tôi phải bung ra, phải la hét, phải ào tới đỡ em dậy, nhặt lấy cây súng của em, phải bắn chí chạp về mọi phía, thậm chí phải chạy ngược lại để thu hút hoa? lực của chúng, làm chậm bước xung phong của chúng và như vậy biết đâu sẽ kịp cho em vọt qua được bờ suối bên này, rồi cùng lắm có hy sinh thì hy sinh cả hai. Vậy mà tôi vẫn nằm im, mắt mở thô lố, lầm rầm tin ở một phép lạ nào đó sẽ đến cứu giúp em, sẽ sà xuống đỡ nâng em ra khỏi cái vòng tục luỵ. Khốn nạn!... Khi tôi mở được mi mắt nhức bỏng ra thì em đã bị trói giật cánh khuỷu lại rồi. Những báng súng, những đế giày, những tiếng gầm rít hận thù cứ nhằm cái thể xác mảnh mai của em mà đổ ập xuống, nghiêng ngả... Lần này thì trái tim rách nát của tôi không còn chịu nổi nữa, không thể tin vào một cái gì khác ngoài mình nữa, tôi quyết định lao ra đấm đá, phanh đập, cắn xé bằng bất kể thứ gì, sẽ trả lại vào thể xác chúng tất cả những gì em đã phải nhận nhưng... từ khuôn mặt sưng húp, đầm đìa những máu, một tia sáng còn sót lại trong mắt em hướng về tôi, ngăn cản tôi, vừa khắc khoải van nài, vừa nghiêm nghị đến rợn người. Chính cái tia sáng thôi miên đượm vẻ đau buồn đó đã làm tôi tê dại hoàn toàn. “Anh không được ra, không có quyền ra, nếu thật lòng thương em, anh hãy chạy đi, hãy trả thù cho em! Em yêu anh! Xin vĩnh biệt anh!... ”.

Vừa lúc các làn đạn nhọn, đạn cầu vồng và cả những bóng xám nhằm thẳng vào tôi phóng đến...

Ba ngày sau, mặc kệ cho nhiều người can gián, mặc kệ cho chiếc điện đài PRC25 đã nhắc nhở tôi ít nhất là hai lần phải có mặt đúng ngày trên phòng chính trị phân khu, mặc kệ cho tâm trạng đang rơi vào khoảng chán ngán, bã bời, thấy mọi sự Ở đời đều vô vị, vô nghĩa và vô cùng, tôi vẫn quyết định nán lại để đi lấy xác... không, ai cho mày lấy? Đúng hơn là đi cướp xác em.

Cơ sở mật báo ra xác em đang bị chúng phơi trên mặt lộ, giữa ngã ba chợ đông người để răn dạy, để trả thù những tên phiến Cộng khác còn đang ẩn nấp ở trong rừng rắp tâm phá hoại hiệp định Hoà bình mà cả bốn bên đã ký kết một cách rạch ròi, nghiêm túc.

Chao! Kể lại cái đêm đi cướp xác này lại cả một đoạn đường thê thảm mà tôi không muốn nhớ lại nữa nếu như không có cái chuyện hoang đường về người đàn bà bí hiểm kia ám ảnh. Chỉ biết rằng, nhờ có lực lượng của Tuấn (thực chất tôi đâu có còn là chỉ huy, là quân số của đơn vị nữa) tình nguyện hỗ trợ, mặc dù tôi muốn thực hiện một mình như hoàn tất một hành vi cá nhân, một trách nhiệm tình cảm hoàn toàn riêng tự Sau đó có một đêm chúng tôi đã mang được xác của em về rừng. Trận ấy chỉ một mình em là ngã xuống và lúc đó, em không còn là em nữa. Sưng tấy, rách nát, bầm máu và bắt đầu đã có mùi hôi khẳm... Trong trời đêm địch hậu lất phất mưa bay, ôm xác em gói tròn trong tấm nilon dã chiến, mắt tôi khô cạn, không dám nhìn sâu vào cái vật thể mới cách đây có mấy chục tiếng đồng hồ đối với tôi còn là tất cả! Trời!... Con người ta khi sống sao nhiều buồn tủi, khổ đau lẫn thật nhiều trăn trở mà khi chết lại ngon lành nhẹ thỏm, lại chỉ còn lại một đống những thứ bùng nhùng như thế này thôi ư?

Chúng tôi âm thầm đào hố chôn em ở bìa rừng. Bẻ một cành bằng lăng làm dấu xong, lợi dụng bóng đêm còn đang chìm sâu thẳm, lợi dụng cả tình cảm của anh em trước nỗi đau thống khổ của mình, tôi đưa nòng súng AK lên trời nã đủ một băng. Ba mươi mốt viên đạn mang theo ba mươi mốt phần máu thịt của tôi xé lửa vào không gian im lặng...

Sáng hôm sau, uống với đồng đội mỗi người một nắp bi đông rượu nhạt, tôi thất thểu như kẻ mất hồn theo giao liên về nơi có một cái án kỷ luật đang chờ. Và để lại đằng sau một cái án số phận đã được thực hiện xong theo lời tiên đoán của Viên - Em đã chết trước tôi.