Chương 6

Một tuần đã trôi qua kể từ sau cái buổi sáng nắng nóng hôi hám ấy, nhưng cái gọi là “thử dò hỏi tung tích bả coi” của ông cựu đại tá tốt bụng vẫn không có gì hơn chính những điều ông đã nói. Không thật tin lắm, sợ rằng ông chỉ nói phướn đi để bứt tôi ra khỏi cái vòng quá khứ mê hồn trận đó nên tôi quyết định chính mình sẽ làm cuộc dò tìm… Nhưng lượng thông tin cũng vẫn dừng cứng ở đó, thậm chí còn mù mờ hơn. Tôi đã tới phòng thương binh xã hội, thị đội, tỉnh đội để hỏi về sự việc trao trả tù binh, tới ban tổ chức chính quyền, cả ban tổ chức tỉnh uỷ, thậm chí gặp cả hội phụ nữ, ban thanh niên, cả những ông già lăn lộn lâu năm với phong trào nay đã nghỉ hưu… Tóm lại tôi đã mò đến tất cả những nơi có thể đến được, có thể dính líu đến tiểu sử Cô Tạ Rút cuộc vẫn là một số Không to tướng như tôi đã nói.

Lần mò chán, tôi lại quay về cái ngôi nhà đồ sộ năm tầng đó. Mỗi ngày lót lòng một đĩa cơm bụi ngàn rưỡi, toàn bộ thời gian còn lại, tôi dành cho sự lảng vảng quanh nó. Suốt 7 ngày lơ láo, tôi chỉ hú họa gặp được cô ta không quá hai lần. Cũng vẫn là sau tấm kính cửa sổ cao vòi vọi. Và lần nào nhìn thấy tôi, khuôn mặt ấy cũng biến nhanh như hồn ma bóng quế. Không nản lòng, tôi tìm một chỗ thật khuất mai phục với hy vọng sẽ đón gặp được cô ta khi đi ra đường. Mai phục! Đó là sở trưởng của tôi. Ngày xưa mai phục trong đêm tối, trong muỗi mòng, trong chết chóc hàng tuần hằng tháng còn như không nữa là bây giờ. Chuyện vặt! Mai phục đến mọng nhức con mắt, đến chóng mặt, mai phục cũng chả để làm gì, thấy tự nhiên thích phục thì phục thôi. Nhưng kỳ lạ! Con người ấy dường như không có thói quen ra khỏi ổ dù chỉ là đi dạo buổi chiều sau giờ làm việc hay thực thi thú vui đi chợ búa theo bản năng đàn bà. Thảng hoặc nếu có phải đi đâu đó theo chức năng hiện hành, Cô Ta lại ngồi sẵn trong chiếc xe du lịch màu cà phê sữa cho lái xe bon thẳng từ ga-ra ra luôn cổng. Gã lái xe không ngờ lại chính là gã phản ngực! Vừa ngoáy vô lăng một cách điệu nghệ, cái thằng chắc chắn là đang ăn hại lương này vừa chém mắt lục soát khắp nơi về phía trước, hệt cái kiểu vệ sĩ trung thành cho một nữ hoàng phương Đông.

Một nữ hoàng cấm cung.

Chi tiết này càng bổ sung thêm cho niềm tin trong tôi. Độc thân, liêm khiết, buồn, không quan hệ, không lên đài địch truyền hình, không ra khỏi cửa… Tất cả những cái đó là cái gì nếu không phải là hành vi của một kẻ đang muốn giấu biệt đi tung tích của mình. Nhưng… rõ ràng cô ấy chết rồi, chết ngay trước mắt tôi, chính tay tôi đã cướp xác và chôn cất cơ mà? Cướp xác… Hay là… Thôi, nhức đầu lắm! Chỉ cần nghĩ đến chi tiết ấy là đầu óc tôi muốn nhão ra rồi, không còn hứng thú đi tìm nữa. Vậy mà vẫn đi. Đi như thể đi tìm lại chính mình, tìm lại một thời trai trẻ của mình.

Những ngày sau đó, tự dưng xe không thấy, người cũng không thấy nốt. Và trên cao, khuôn cửa sổ chỉ còn là một khoảng trống hoác, bẽ bàng. Tâm trạng tôi cũng trống hoác! Khuôn cửa sổ, dù khi có khi không nhưng những ám ảnh quá khứ, những tương tư kỷ niệm của tôi ít nhất cũng có cái chỗ để móc, để neo vào, nay bỗng dưng biến mất, tôi trở thành bơ vơ giữa đại dương ký ức. Buồn rời rã cả người. Vậy là Cô Ta, sau một thoáng hy vọng nhuốm màu cải lương về sự có thể có một chút mủi lòng nào đó chăng trước kẻ đi tìm tiều tụy ở tôi đã hoàn toàn khép kín. Thì ra, tiều tụy vậy chứ có tiều tụy nữa, thậm chí gục chết ngay tại trước cửa toà nhà cao tầng sáng choang ánh điện này, cái trái tim hãnh tiến của người đàn bà đang chất ngất chức kia đã dễ gì suy chuyển!

Ngày cuối cùng của chuỗi ngày làm vệ tinh bảng lảng quanh toà nhà quỷ ám, vào đầu giờ sáng, ông thường trực đi chéo qua mặt đường đến gặp tôi và ái ngại thông báo:

- Bả đi Sài Gòn họp rồi. Họp dài ngày, không biết chừng nào về? Cô thơ ký của bà ta có nhờ tôi đưa cho chú cái bọc này, không nói rõ là của ai… Theo tôi, chú nên trở lại miền Đông đi. Ở đó chú còn có bạn bè, có người quen, cũng đỡ cô quạnh. Sức khoẻ chú hiện tại tôi thấy rất tồi. Khi đã không khoẻ trong người, con người ta dễ tự kỷ ám thị, dễ ngộ nhận, chả xét đoán được một cái gì ra hồn đâu.

Tôi bần thần lần giở cái gói được bọc bằng họa báo ra: không có gì hết, không một dòng chữ, không một lá thư ngoài năm cọc một trăm ngàn đồng nằm trơ khấc bên cạnh hai bộ quần áo may bằng loại vải đắt tiền.

- Chỉ vậy thôi ư? - Tôi cười hấc lên một tiếng khẽ - Chỉ thế này là đủ để tiễn một bóng ma ra khỏi ký ức ư? Vâng! Với cái bọc này, bà ta có thể trốn chạy khỏi tôi, trốn chạy khỏi quá khứ nhưng còn tôi… Tôi cũng là một con người chứ đâu phải là một mặt hàng nhập khẩu hay xuất khẩu để bà ta đem ra đối lưu, trao đổi? Bác làm ơn trả lại hộ tôi cho bà ta, vâng, chỉ có thể là của bà ta, cái bọc này và nói rằng tôi tuy đang là kẻ đói khát, là đứa trắng tay thật nhưng không phải đến đây để xin ăn.

- Chú bệnh thật rồi! - Ông đại tá già nhìn tôi thương cảm - Nói điều này có thể không hợp tai, chú bỏ quá: Cho dù bà ta có đúng là cái cô Sương nào đó của chú đi nữa nhưng một khi họ đã cố tình ngoảnh mặt không nhận thì mình làm gì được? Nước đời khó lắm, chắc chú chẳng lạ. Huống chi đây…

- Không phải chỉ nhận hay không nhận - Tôi bỗng gắt lên - Nếu đúng cô ấy không chết thì tôi sẽ được cứu rỗi. Còn cô ấy đúng là chết thật rồi thì tôi sẽ tiếp tục bị ám ảnh như đã từng bị ám ảnh vì chính tôi, dù có biện minh thế nào đi nữa, cũng là kẻ phần lớn gây nên cái chết ấy. Lúc đó đáng lẽ tôi có thể quay lại, có thể giúp cho cô ấy được phần nào nhưng tôi lại nằm im…

- Đầu tiên câu chuyện tôi không thật hiểu. Là thằng lính cũng đã từng nếm trải đủ mùi khốn nạn đắng cay, tôi chỉ khuyên chú như thế. Còn chuyện chú nhờ tôi trả giùm cái bọc này, tôi sẽ làm. Nếu ở địa vị tôi, tôi cũng sẽ hành động như thế.

- Vâng ! Tôi xin lỗi bác. Tôi đã…

- Điều này nữa: từ lúc gặp bà ta, đã có khi nào chú tĩnh tâm lần giở đầu mối mọi chuyện chưa? Nhất là cái đêm cướp xác đem đi chôn ấy.

Cướp xác!... Động từ ghê rợn này đã điểm mạnh vào cái huyệt ngầm trong mạch suy nghĩ bấy lâu nay của tôi. Cướp xác… Mọi chuyện chỉ có thể có khả năng xảy ra trong cái đêm mưa gió kinh dị ấy. Như vậy, dù vẫn khuyên tôi nên quên nó đi nhưng chính ông lại thầm chia sẻ nỗi nghi ngờ của tôi có thể là đúng. Bằng câu nói ấy, ông đã khuyến khích tôi cứ quả quyết đi tìm, chớ nản lòng. Cuộc đời một thằng lính già còn có gì khác là không nguôi hướng về dĩ vãng và cầu mong cho cái dĩ vãng đó luôn luôn trong lành, chân thật.

Tôi nắm chặt tay ông và quay lưng đi ra bến xe. Liệu tôi có trở lại thành phố này nữa không? Điều đó chưa có thể nói trước được. Chỉ biết rằng, khuôn cửa sổ trên tầng năm, cho đến tận lúc tôi ngoặt ở đầu phố, nó vẫn đóng kín im lìm như ngàn năm nay chưa hề có ai ở đó.

Và cái bọc quà này là thế nào nhỉ? Phải chăng nó chính là một hành vi thú nhận mơ hồ, nằm ngoài ý thức của chủ nhân (?)