Chương 13 - Ba sọc đỏ


Để đón phái đoàn của tướng Weyand đến Sài Gòn , Tổng Thống Thiệu đã cho thực hiện và treo một số biểu ngữ mới. Bằng tiếng Anh, nội dung có ý nghĩa : "Dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu đến cùng nếu được giúp đỡ"

Tướng Weyand đến phi trường lúc 3 giờ ngày 27 tháng 3, với Đại sứ Graham Martin, ông Eric von Marbod Phó Tổng Trưởng Quốc Phòng, hai kiện tướng của cơ quan Tình Báo Trung Ương CIA Ted Shackley và George Carver, một lô Phụ tá, và nhiếp ảnh viên của Tổng Thống Ford. Người ta có cảm tưởng đây là một đoàn vũ nhỏ nào đó : Vì địa vị của mình ở đây, ông Martin đã xin được là người đầu tiên bước xuống phi cơ. Ông cảm thấy các bản phúc trình về tình hình ở Đà Nẳng được phóng đại nhiều quá:

- " Tôi phải đích thân đi xem lại chuyện nầy mới được .

- " Không thành vấn đề đâu, " ông Lehmann trả lời

Tướng Weyand đi gặp tướng Cao văn Viên, Tổng Tham mưu Trưởng của Việt Nam, người mà ông đã thường gặp từ lâu rồi. Tướng Frederick Weyand đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ chỉ huy ở Việt Nam . Ông đã có sư đoàn 25 bộ binh dưới quyền ông, Sau đó ông là tướng Tổng chỉ huy, thay thế tướng Creighton Abrams. Ông nói được tiếng Việt Nam , ông biết sức mạnh cũng như yếu điểm trong hệ thống quân sự của QLVNCH. Ông không thể tin được rằng Hoa Kỳ phải thất trận qua thất bại của Việt Nam Cộng Hòa. Ông Thiệu và các tướng lãnh của ông không tin tưởng những chánh trị gia loại Kissinger, cũng không tin lắm với những quân nhân như tướng Weyand hay tướng Haig. Trong tất cả các quốc gia dù dưới chế độ nào, hầu hết các tướng lãnh đều không tin tưởng những chánh trị gia dân sự.

Những người như tướng Weyand thường giải quyết các vấn đề quan trọng như vũ khí đạn dược, đâu có lo gì về các tù chánh trị hay những chuyện "bá láp" khác.

Tướng Viên trình bày các khó khăn của ông ta:

- "Hoa Kỳ nên gởi các pháo đài bay B - 52 qua Việt Nam để triệt tiêu các điểm tập trung của quân đội Bắc Việt ".

Tướng Weyand trả lời ngay là: "mọi hành động tái can thiệp quân sự đều phải có sự chấp thuận của Quốc Hội , và những đòi hỏi loại nầy có rất ít cơ may được họ thỏa mãn."

Các phiên họp tổng quát hay có giới hạn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được tiếp tục. Ông Weyand rất mong được gặp riêng ông Thiệu, nhưng ông Martin thì muốn có sự hiện diện của mình trong hầu hết các buổi tiếp xúc như vậy.

Buổi tiếp kiến quan trọng nhất được ông Thiệu chủ tọa trong một gian phòng lớn có các bản đồ treo trên tường. Ông Thiệu ngồi giữa, bên phải là ông Martin, bên trái là Phó Tổng Thống Hương, hàng ghế bên phải của ông Martin là tướng Weyand, ông Von Marbod và ông Carver, hàng ghế bên trái đối diện là tướng Viên Tổng Tham Mưu Trưởng, Thủ Tướng Khiêm, và ông Nguyễn tiến Hưng Tổng trưởng Kế Hoạch và các vấn đề kinh tế . Trước đó báo chí đã nói nhiều rằng : Dân chúng phải hiểu rằng Tổng Thống Ford rất quan tâm đến số phận của Miền Nam Việt Nam .

Người ta bàn về những vấn đề dân sự và quân sự . Hoa Kỳ nhấn mạnh là phải giải quyết bài toán dân tỵ nạn, và nhất là gia đình của binh sĩ. Không nên để cho các gia đình nầy ở trong các vùng đang có giao tranh. Tướng Viên phản đối ngay; không nên đặt vấn đề tách rời binh sĩ và gia đình họ, nếu không sẽ có nguy cơ giảm sút tinh thần chiến đấu. Ông nói:

- " Trong cuộc tấn công của cộng sản hồi Tết Mậu Thân (1968), trong các đồn bót hẻo lánh, người ta thấy đàn bà và trẻ con đã giúp các binh sĩ chồng cha của họ như tiếp đạn, hay tản thương, và có khi còn xử dụng các khẩu đại liên nữa."

Nhiều người Mỹ nghĩ rằng họ đang nằm mơ, vì chuyện không thể tưởng tượng được . Ông Carver, nhân viên CIA, tự hỏi : người ta đang nói chuyện gì vậy ? Phải chăng họ đang bàn chuyện sấp ghế xích đu trên bon tàu Titanic trong lúc tàu đang chìm?"

Phái đoàn Hoa Kỳ muốn Chánh Phủ phải giải thích tình hình cho dân chúng biết. Cần tránh cho người dân khỏi bị những tin đồn thất thiệt của cộng sản đầu độc . Các cấp lãnh đạo ở Miền Nam Việt Nam nên xử dụng truyền hinh thường hơn. Người Mỹ rất tin tưởng hệ thống truyền hình.

Họ cũng đòi hỏi phải có một chiến thắng nào đó, dù là khiêm nhường. Như thế sẽ giúp đạt được vài trăm triệu mỹ kim. Có thế nào giáng một đòn nặng vào sư đoàn 5 Bắc Việt trong vùng Mỏ Vịt ở phía Tây Sài Gòn ? sư đoàn 5 nầy dù sao cũng chưa phải là một sư đoàn ưu tú đâu.

Dĩ nhiên, Chánh Phủ cũng muốn có được một chiến thắng nào đó lắm chứ ! Không phải chỉ để gây cảm giác cho giới Lập Pháp và dư luận dân chúng Hoa Kỳ, mà là để chận đứng bọn cộng sản xâm lăng Bắc Việt , Nhưng khổ nỗi Bộ Tổng Tham Mưu không còn quân trừ bị, nếu muốn có thì phải lấy lực lượng phòng thủ của Sài Gòn. Người ta lại nói đến pháo đài bay B.52. Người Mỹ hiện diện ở đây không tin rằng trong giai đoạn nầy các B.52 sẽ giúp được gì . Hơn nữa không nên bàn vấn đề nầy ở đây. Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH cho biết là các phi cơ C.130 A chở 24 trái bom loại 750 cân anh, đã trút hết xuống quân địch từ cao độ 15 đến 24 ngàn bộ. Anh em binh sĩ ở Miền Nam gọi các phi cơ vận tải đó là các "B52 loại nhỏ". Bom thả như vậy cũng tàn phá được một diện tích khoản 400 thước vuông.

Ông Von Marbod nói là binh sĩ Miền Nam không được tiếp tế đạn dược. Được ông Martin đốc thúc, ông ta mới nói rõ là đạn dược bổ túc chỉ sẽ được gởi đến nhanh chóng nếu Quốc Hội chấp thuận dự án của Tổng Thống Ford:

- "Chúng tôi có nhiều dự trữ quan trọng ở Okinawa và ở Nam Hàn.

Ông Von Marbod cũng có mặt ở Việt Nam với nhiệm vụ di tản chiến cụ.

Người Việt Nam đang tìm kiếm vũ khí loại "Phép Mầu" ! Có thể nào giao cho họ loại bom 15 ngàn cân anh hay không đây ? Người Mỹ dùng loại bom nầy để dọn bải đáp cho trực thăng. nhưng Hiệp Định Paris cấm đem loại vũ khí mới vào Việt Nam . Mặc kệ ! Tướng Weyand hứa là sẽ cho gởi đến 27 trái bom loại nầy và cả chuyên viên cần thiết cho việc xử dụng.

Ông Carver đang tự so sánh sự giống nhau giữa QLVNCH năm 1975 với Quân đội hoàng gia Anh năm 1940 .

- " Đúng là một trận Dunkerque, ông nói, làm cho Đại sứ Martin phải nhăn mặt:

- "Đứng trước Tổng Thống ta nên tránh không nên nêu lên những bài toán nóng bỏng, một sự cần thiết để tìm được sự thỏa thuận về trách nhiệm quan trọng cho Bộ Tổng Tham Mưu Việt Nam. Cơ quan nầy phải có nhiều quyền hạn hơn và không nên để bị Tổng Thống chen vào mãi như thế."

Trong cuộc tiếp xúc nầy, hầu hết nhân viên của phái đoàn Weyand đều có cảm tưởng là Tổng Thống Thiệu chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình .

Trong một buỗi họp khác, Tổng Thống mạnh niệng giải thích rất chi tiết là sau cuộc bầu cử tháng 10 1975 tới, khi ông được tái đắc cử - ông tin chắc như vậy- thì ông sẽ cho phép các đảng phái chánh trị khác được thành lập và hoạt động. Lần nầy thì ông sẽ cho phát triển thật sự đường lối dân chủ.

Ông Thomas Polgar xin phép được đề nghị là : 'tất cả những chuyện đó rất rất tốt và rất hứa hẹn nhưng trước hết là chúng ta nên nghĩ tới những bài toán quân sự trong hiện tại."

Và ông trình bày trở lại tình hình, nhấn mạnh đến những cuộc tiến quân của Bắc Việt , những điểm yếu của guồng máy chánh quyền , sự sụp đổ của Đà Nẳng. Thình lình, trước mặt trưởng cơ quan tình báo CIA/Sài Gòn và ông Sed Shackley, đại diện của cơ quan tình báo CIA / Hoa thạnh Đốn, Tổng Thống Thiệu bật lên khóc .

Rất nhiều nhân viên thuộc phái đoàn Weyand tiến hành các cuộc điều tra trong Nam, trong vùng đồng bằng sông Cữu Long. Tại Nha Trang, họ gặp được tướng Phú phờ phạc!

Có nhiều phiên họp Mỹ Việt rất căng thẳng và gay gắt. Người Mỹ thì cho rằng phía Việt Nam thiếu thực tế. Phía Việt Nam thì cho rằng người Mỹ không hiểu những khó khăn của họ.. Phái đoàn Weyand đã làm việc ở Việt Nam đến ngày 4 tháng 4/1975.

Ông Nguyễn tiến Hưng trao cho ông Von Marbod phóng ảnh của các bức thư của ông Nixon gởi cho ông Thiệu, và nhấn mạnh là Tổng Thống Ford nên đọc.

Tướng Weyand thảo một tờ trình dài 28 trang. Trong phần mở đầu, tướng Weyand viết :

- "Tình hình quân sự hiện tại rất nguy kịch. và Miền Nam Việt Nam có khả năng tồn tại như là một quốc gia thu gọn vào những tỉnh vùng Đông Nam hay rõ hơn là sát bờ biển (ý nói vùng 4 ở miền Tây). Chánh Phủ VNCH thì gần như thất bại hoàn toàn. Tuy nhiên Miền Nam vẫn chuẩn bị tiếp tục chiến đấu tự vệ với những phương tiện mà họ đang có. Hoa Kỳ cần phải giúp đở họ. Không quân Mỹ sẽ giúp ích cho họ trên cả phương diện vật chất cũng như tâm lý và tinh thần, nhưng tôi ghi nhận có nhiều rắc rối về mặt pháp lý và chánh trị rất dễ xảy ra khi áp dụng đề nghị nầy".

" Một vấn đề khác mà chúng ta phải quan tâm, đó là Hoa Kỳ phải sẵn sàng để di tản 6000 công dân Hoa Kỳ và hàng chục ngàn người dân Miền Nam, những người quốc gia mà chúng ta phải có bổn phận phải giúp đỡ họ. Bài học tại Đà Nẳng cho thấy là công tác di tản nầy đòi hỏi tối thiểu phải có một "lực lượng đặc nhiệm Mỹ", một sư đoàn tăng cường, với sự yểm trợ của Không Quân Chiến Thuật để chống lại pháo binh và Phòng Không Bắc Việt ."

Tướng Weyand cũng đề nghị phải dứt khoát cho Hà Nội biết rằng : đến "lúc thuận tiện nào đó" thì Hoa Kỳ dự định sẽ dùng sức mạnh, bất chấp mọi trở ngại, để di tản nhơn viên của mình. " Tổng Thống Ford phải có được những quyền hạn cần thiết để "trừng phạt Bắc Việt bằng quân sự" nếu họ cản trở công tác di tản nầy. (1)

Tướng Weyand kết thúc phần mở đầu trong tờ trình của mình bằng một tiếng chuông như thường lệ :

-" Ở Việt Nam người ta đang xét lại lòng tin đối với người bạn đồng minh Hoa Kỳ" . Chắc chắn diều nầy sẽ làm cho Kissinger bằng lòng và thích thú !

Cũng trong tờ trình nầy, tướng Weyand tổng kết tình hình trong 3 tháng qua tại Việt Nam :

- " Có rất nhiều đơn vị Miền Nam đã chiến đấu rất anh dũng, đáng ngợi khen. Còn sự rút quân khỏi Kon Tum và Pleiku ? Đó là một "ý định hành quân" đúng, và Tổng Thống Thiệu có thể đã có lý khi ông ước tính đó là điều cần thiết phải làm, nhưng phần thực hành đã rất tồi tệ.. "

Đôi với dân chúng bị kẹt trong vùng chiến sự thì tướng Weyand cho đó là miếng mồi ngon của Bắc Việt .

Theo tướng Weyand thì quân đội Bắc Việt với 152.000 bộ đội có mặt trong Miền Nam là những quân nhân hiện diện chiến đấu thật sự , tổ chức thành 74 trung đoàn bộ binh , 5 trung đoàn thiết giáp, 14 trung đoàn pháo binh, và 33 trung đoàn phòng không. Con số nầy không tính số quân nhân thuộc các đơn vị yểm trợ và tiếp vận. Phía Miền Nam Việt Nam chỉ có 59.000 quân, thuộc 19 trung đoàn bộ binh, 2 lữ đoàn thiết giáp, 5 chiến đoàn Biệt động quân, 4 lữ đoàn Dù và 2 lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Sài Gòn cũng có lực lượng Không quân, Hải Quân, lực lượng Địa phương Quân. Nhưng tướng Weyand ghi nhận là lực lượng Địa phương Quân không hữu hiệu bằng lực lượng của MTGPMN (hay của CPLTCMN) . Tóm lại, lực lượng cộng sản Miền Bắc nhiều hơn lực lượng Miền Nam Việt Nam với tỷ lệ ba trên một.

Tướng Weyand gạch chữ thập tréo lên Vùng 2 và Vùng 1. Chỉ còn lại 2 vùng ở Miền Nam . Mặc dầu có nhiều áp lực lên vùng Tây Ninh và Xuân Lộc, Chánh Phủ Sài Gòn phải cố giữ Vùng 3 Chiến Thuật "như hiện trạng ngày 1 tháng 4, ít nhất cũng trong tương lai gần đây.". Tại Vùng 4 Chiến thuật cũng vậy, nếu không có sự xuất hiện nào của bộ đội Bắc Việt .

Với đẳng cấp của mình, tướng Weyand phải nghĩ đến cả tình hình quân sự lẫn chánh trị . Ông ước tính có 2 khả năng:

1.- Bắc Việt sẽ có thể khai thác tối đa lợi thế chiến thuật trên chiến trường để có thể đi tới một "chiến thắng cuối cùng, hoàn toàn quân sự"

2.- hoặc họ sẽ củng cố những thắng lợi chiến thuật của họ cộng với chiến thắng đạt được trong tỉnh Tây Ninh, để đòi hỏi một cuộc thương thuyết. "

Ở đây, tướng Weyand có ý nghĩ tới một người đàn bà trong trạng thái lưỡng ước :không biết mình đang có mang hay không ?

Tướng Weyand mạnh dạn nói với Tổng Thống Ford những gì ông đã không dám đề nghị với Tổng Thống Thiệu:

- " Tình hình nầy đòi hỏi một người lãnh tụ có khả năng về hành chánh giỏi như Churchill và Chánh Phủ chiến tranh của ông ta đã giúp cho Anh Quốc sau trận rút quân ở Dunkerque và sau khi nước Pháp thất thủ". Tới ngày hôm nay người lãnh tụ chưa thấy xuất hiện,. Hơn nữa không có một biển Manche để có thể tập trung quân về một chỗ trú an toàn. Các sĩ quan Miền Nam xác nhận là tinh thần của binh sĩ ở Vùng 4 rất tốt. Khi bị tấn công, họ chiến đấu "một phần bởi vì đây là phần đất cuối cùng không còn chỗ nào để họ có thể lui về nữa". Ở chỗ riêng tư mà nói, các tư lệnh đơn vị xác nhận là nếu Vùng 3 Chiến Thuật mà thất thủ như Vùng 2 và Vùng 1 thì tinh thần binh sĩ sẽ bị suy sụp theo"

Tướng Weyand cũng giải thích là : ngoài xã hội cũng như ở các cấp hành chánh, quân sự, người Miền Nam tin chắc là "họ đã bị đồng minh Hoa Kỳ bỏ rơi và phản bội họ nữa". Đẳng cấp càng cao bao nhiêu lòng oán hận Hoa Kỳ càng mãnh liệt bấy nhiêu.

Có một số quân nhân đã bắn lên trực thăng trên đó có nhiếp ảnh viên của Tổng Thống Ford. Tuy nhiên cho tới giờ nầy, ngoài một vài trường hợp ngoại lệ, người dân Miền Nam không có gì chống người Mỹ. Có tin đồn ở Sài Gòn là một số sĩ quan của Miền Nam đang toan tính sẽ bắn hạ các trực thăng hay phi cơ Mỹ nếu Hoa Kỳ di tản các viên chức của họ.



Tướng Weyand có cảm nghĩ không thuận lợi lắm về Tổng Thống Thiệu và những cố vấn chính của ông ta mà ông gọi là "một Chánh Phủ thật sự của Tổng Thống ", (bao gồm Tổng Tham Mưu Trưởng, Thủ Tướng và cố vấn an ninh tướng Đặng văn Quang). Theo tướng Weyand thì hầu hết người dân Miền Nam đều cho đây là những người dơ bẩn, không có khả năng hoặc là thành phần xấu."

Không có một Churchill nào xuất hiện ở chân trời ! Ở Sài Gòn người ta nói nhiều về một cuộc đảo chánh . Nhưng theo tướng Weyand thì đó sẽ là một "thảm họa" ! Dầu sao thì tướng Weyand cũng dự kiến là trong những tuần lễ sắp tới, nhóm tướng lãnh thật sự kiểm soát được Quân đội , sẽ nói với Tổng Thống Thiệu là "ông nên ra đi".

Rõ ràng tướng Weyand rất lo ngại, khi ông nhận thấy rằng Bộ Tổng Tham Mưu Miền Nam thực sự không có một kế hoạch chiến lược nào. Tổng Thống Thiệu không thể tự mình điều hành cuộc chiến từ Dinh Độc Lập, và "không một người nào khác có quyền làm việc đó " Vì thế mà tất cả hệ thống công chức của Miền Nam gần như ở trong tình trạng "khó chịu".

Trái lại, Miền Bắc hình như không có một bài toán nào quan trọng: Họ có thể chuyển vào Miền Nam những sư đoàn còn lại của mình còn nhanh hơn Chánh Phủ Miền Nam phối trí lại các sư đoàn mới thành lập của họ nữa..

Tướng Weyand nghĩ là phải cần đến 722 triệu đô la viện trợ quân sự , dựa trên những mất mát trong những tuần lễ cuối cùng nầy. Ông lên danh sách những mất mát đó như sau:

- Đạn dược (duy nhất trong kho ) 107 triệu đô la

- Vũ khí cá nhân và cộng đồng ......................... 24 .6 "

- Pháo binh .............................. .......................... 16.1

- Xe kéo .............................. .............................. 85.0

- Quân xa thường .............................. .............. 67.0

- Dụng cụ truyền tin .............................. ........... 15.6

- Xăng dầu .............................. ........................ 4.8

- Dụng cụ y tế .............................. ................. 7.9

- Công Binh .............................. .................... 1.8

- Dự trữ tổng quát......................... .........................67.4

Tổng cộng ..............397.2 triệu

Ngoài ra Không Quân Miền Nam Việt Nam đã bỏ lại 268 phi cơ, 66,8 triệu đô la cơ phận thay thế, và 48 triệu đô la đạn dược. Hải Quân VNCH đã bị mất 3 chiến hạm và một số trang thiết bị. Chưa tính đến gíá trị của một số đạn dược mà các đơn vị mang theo và bỏ lại, và những căn cứ Hải và Không quân.



Tại tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, có một số người, như Frank Snepp, nhắc đi nhắc lại là sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam trước hết không phải là vì vấn đề vũ khí đạn dược. Những con số của tướng Weyand đích thân đưa ra chỉ có tính chất xác nhận điều đó thôi .

Dường như là để cho được đầy đủ, hơn là có một sự niềm tin vững chắc, tướng Weyand trình bày qua về kế hoạch của Miền Nam : là chỉ cần giữ vững một phần Đông Nam của Vùng 2 Chiến Thuật, 2/3 của Vùng 3 Chiến Thuật và cả Vùng 4 Chiến Thuật.

Đây là một lập luận quá xưa của tướng Weyand: Vùng lãnh thổ nầy là phần đất có nhiều dân chúng nhất, là "thực thể chánh trị và kinh tế để có thể sống còn". Nhưng lạ lùng ở chỗ là (tướng Weyand trình bày tiếp ) "sau khi tình hình quân sự được ổn định rồi, Chánh Phủ sẽ tái tổ chức và tái thành lập nhanh chóng cơ cấu quân đội lại " Làm cách nào ổn định được chiến tuyến mà không có sự tái tổ chức lực lượng ? Tướng Weyand trình bày lập luận của Tổng Thống Thiệu:

- "Nếu người Miền Nam tập trung lại được thì các phương tiện giao thông sẽ ngắn hơn và sẽ không có nhiều chỗ yếu hơn. Về phần địch, họ sẽ có quá nhiều lãnh thổ, họ sẽ phải yếu hơn vì lực lượng kháng chiến hay vì những mũi tấn công đột kích của lực lượng quân sự Miền Nam "

Sự tái tổ chức của các đơn vị của Miền Nam Việt Nam chỉ nằm trên lý thuyết. Bộ Tổng Tham Mưu nói là sẽ tái tổ chức lại 4 sư đoàn bộ binh, chuyển 12 chiến đoàn Biệt Động Quân thành 4 sư đoàn khác, và biến cải 27 chiến đoàn Địa phương Quân thành nhiều sư đoàn bộ binh . Không thấy có kết quả nào nào, người Mỹ đã giải thích là chỉ nên tăng cường thêm binh sĩ thiện chiến vào các đơn vị đang hình thành .

Kết luận của tờ trình cho Tổng Thống Ford rất là dè dặt một cách khéo léo. Tướng Weyand không thể bảo đảm rằng " một hay những biện pháp" mà ông đề nghị sẽ hữu hiệu để ngăn chận hay có thể làm chậm lại chiến thắng toàn bộ của Miền Bắc . Bản phúc trình nầy đưa ra một nguyên tắc mà bất cứ cấp nào trong quân đội Hoa Kỳ cũng đều biết rõ , để tự bảo vệ "cái đầu của mình" (sát nghĩa) : đừng có hành động phiêu lưu nguy hiểm, đừng có hứa hẹn gì nhiều , hảy nghĩ tới tương lai của chính mình.

Trước khi rời Sài Gòn tướng Weyand có một cuộc họp báo ngắn. Ông làm các nhà báo ngạc nhiên khi ông tuyên bố :

- " QLVNCH vẫn còn mạnh, vẫn còn đủ tiềm lực cần thiết và lòng dũng cảm để chiến đấu với kẻ thù Miền Bắc "



Cơ quan tình báo của quân đội Hoa Kỳ đã có một tờ trình dự kiến là VNCH sẽ sụp đổ trong vòng "không quá 30 ngày".

Tướng Weyand gặp lại Tổng Thống Ford ở California. Tổng Thống Ford thiếu hẳn tế nhị, trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng nầy (nguyên tác :thời điểm nguy kịch và bi thảm nầy) mà ông còn đi chơi gôn (golf) ở Palm Springs được ! Những người đồng hương của ông còn nhìn thấy ông khều trái banh nhỏ vào lỗ, và một vài giây sau đó qua tin tức truyền hình, họ chứng kiến cảnh di tản của các thành phố Việt Nam ! Có một số hình ảnh được phổ biến rộng rãi cho thấy ông Ford với chiếc sơ mi ngắn tay đã chạy nhanh lên phi cơ ở phi trường Bakersfield dể tránh các nhà báo.

Một nhà báo đã nói ngay với Ron Nessen, tùy viên báo chí của Tổng Thống rằng:

-"Ông ấy chạy còn nhanh hơn quân đội Miền Nam Việt Nam !

Bị các chuyên viên cao học về giao tế nhân sự bao vây, toàn là những bậc thầy trong ngành truyền thông, ông Ford có những vụng về chồng chất. Nhờ ông Bob Hartmann một cố vấn chuyên soạn diễn văn cho ông, Tổng Thống mới tránh khỏi một bữa ăn với diễn viên Frank Sinatra. Diễn viên có mùi "băng đảng" nầy rất nổi tiếng vì thường hay gặp ông Nixon .

Ông Ron Nessen đã cho biết thẳng thừng là Tổng Thống Ford không hề có ý định trong việc cho tái oanh tạc để yểm trợ cho QLVNCH:

- " Luật pháp cấm ông ta làm như vậy.Vả lại ông cũng có khuynh hướng chống lại việc đó. Và ông không có một kế họch nào dự trù cho việc đó.

Nessen nói tiếp:

- " Tổng Thống có nhiều cảm tình và lòng thương hại đối với dân chúng Việt Nam .

Lòng thương hại không đúng chỗ ! Còn nhớ ông Phó Tổng Thống Rockerfeller lúc đi thăm viếng vùng Đông Nam Á Châu và dự đám táng của Tưởng giới Thạch trở về, đã công khai tuyên bố : - " Tôi tin là thật sự đã quá muộn để chúng ta có thể làm được một việc gì đó...

Lúc nào cũng vậy, ông Rockefeller là người không bao giờ có một nhiệm vụ gì trong vấn đề Việt Nam.



Vậy là Hà Nội rất vui vẻ được thông báo và bảo đảm là các pháo đài bay B.52 không bao giờ trở lại Việt Nam nữa.

Ông Kissinger đã có mặt trong buổi gặp gỡ của Tổng Thống với tướng Weyand tại Palm Springs ở California. Không có đối thủ của ông, Tổng Trưởng Quốc Phòng James Schlessinger.Buổi họp ở đây người ta xoay quanh ý kiến một ngân khoản viện trợ quân sự có thể cung cấp cho Miền Nam Việt Nam 744 khẩu pháo binh, 100.000 khẩu súng trường, 6000 súng liên thanh, 11.000 súng phóng lựu, 1300 đại bác ( ?) và 120.000 tấn đạn dược. Xuyên qua các cuộc thảo luận, bênh vực lập luận của ông trong tờ trình, tướng Weyand đã cố ý cho thấy là người ta còn có thể cứu vãn được tình hình bằng quân sự , và khi trở về đến Hoa thạnh Đốn, ông đã cho ông Bùi Diễm biết rõ sự đánh giá đó của ông.

Ông Kissinger không có một ảo tưởng nào. Nhưng dù gặp tình hình khó khăn, thì phải hành động như mình đã nắm chắc vấn đề . Ở đây thì như mình đã có thể cứu được Miền Nam Việt Nam được vậy. Do đó ta phải xin Quốc Hội 722 triệu mỹ kim viện trợ. Thật tâm hay giả dối thì chiến thuật nầy cũng có lợi. Nếu Quốc Hội từ chối không chấp thuận viện trợ, và nếu mọi việc trở nên quá tồi tệ ở Đông Dương thì dư luận sẽ phê phán các ông nghị sĩ và dân biểu.

Các cố vấn của Tổng Thống Ford như Robert Hartmann và Ron Nessen thì không đồng quan điểm với cách tính toán nầy. Họ không muốn cứu Miền Nam Việt Nam . Họ chỉ muốn cứu ông Ford ra khỏi vũng lầy Việt Nam . Nhưng ông Kissinger thắng. Tổng Thống Ford sẽ xin Quốc Hội 722 triệu mỹ kim viện trợ quân sự và 250 triệu viện trợ kinh tế và nhân đạo cho Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh đến số phận đau thương của các dân tộc ở đó.

Nhiếp ảnh gia David Kennerly mang về rất nhiều hình ảnh thu được ở Đông Dương. Anh trình lên cho Tổng Thống Ford để Tổng Thống cho treo ở các hành lang trong Nhà Trắng. Anh nói với Tổng Thống :

- " Campuchia chắc chắn sẽ không còn. Đừng nghe những gì các tướng lãnh trình bày với Tổng Thống . Họ chỉ kể chuyện tào lao nếu họ nói là Việt Nam chỉ còn tồn tại chừng ba bốn tuần lễ nữa mà thôi !.

Sau buổi họp "tiểu thượng đỉnh" ở Palm Springs, ông Kissinger tuyên bố với báo chí :

- " Hoa Kỳ đang đứng trước một bài toán về đạo lý. Đó là phải thẩm định xem khi một quốc gia đồng minh đã sát cánh với mình trong 10 năm mà muốn tự vệ thì chúng ta có thể nào dám quyết định ngưng hết mọi cung cấp chiến cụ cho họ hay không ?

Những giới chức Hoa Kỳ có trách nhiệm đều tin rằng VNCH không tái chiếm lại các tỉnh đã mất. Nhiều lắm là VNCH có thể giữ vững vòng đai phòng thủ Sài Gòn để buộc Hà Nội phải đàm phán. Trong hiện tại cần phải nghĩ đến việc di tản các công dân Mỹ và người Việt Nam .

Về phần mình, ông Schlesinger thấy là phải trao cho hệ thống truyền hình phần giải đoán tối thiểu của những biến cố ở Miền Nam Việt Nam:

- " Cuộc "tổng tấn công" của Bắc Việt đã quá rõ ràng. Đó là một danh từ mà chúng ta cần phải để vào hai dấu ngoặc kép. Chúng ta đang chứng kiến cảnh sụp đổ từng mảng của Quân Lực VNCH."

Ông giải thích rằng, từ sau Ban mê Thuột, đã không có thêm những cuộc giao tranh quan trọng. Không phải là một chiến thắng quân sự của Bắc Việt mà đúng ra là một cuộc bại trận của Miền Nam Việt Nam .

Đó là một sắc thái đặc biệt về ngữ nghĩa. Với đề nghị là Quân Lực VNCH không đáng được viện trợ, như dư luận khá phổ biến ở Hoa Kỳ , ông Schlesinger không trợ giúp được gì cho ông Tổng Thống ford và ông Kissinger.

Vậy ai là người có trách nhiệm trong sự thảm bại của Quân Lực Miền Nam Việt Nam ? Câu hỏi nầy được nêu lên trong giới chánh trị . Ông Schlesinger tuyên bố là người ta không thể đưa ra câu trả lời ngay một cách đơn giản được. Hình như ông gián tiếp nhắm vào Tổng Thống Ford và ông Kissinger, đồng thời cất cao giọng xác nhận rằng Hoa Kỳ thật sự không có nhu cầu phải có một sự đối đầu quan trọng giữa Hành Pháp và Lập Pháp" trong lúc nầy.

Một Chánh Phủ mà các thành viên quan trọng nhất gần như công khai đối chọi nhau thì làm sao chế ngự được một cơn khủng khoảng ? và dĩ nhiên không thể gây được niềm tin cho ai hết.

Để làm tăng thêm các bài toán của Nhà Trắng, người ta bắt đầu rĩ tai là ông Nixon đã có những cam kết mật, và các tin phao đồn thì đi rất nhanh . Đó là những bức thư của ông Nixon đã gởi cho ông Thiệu. Cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ đã gần kề rồi, vào năm 1976 tới đây. Ngón đòn nào dường như cũng tốt hết. Ông Eric Von Marbod đã nói về các bức thơ đó cho ông Schlesinger là cấp trên của ông ta . Ông Tổng trưởng Quốc Phòng lại đem ra thảo luận với thượng nghị sĩ Henry Jackson, ông nầy lại nói công khai là : "đằng sau Hiệp Định Paris, còn có những "thỏa thuận mật ".

Đọc được những bức thư đó, Tổng Thống Ford đâm ra rối trí...



Sau khi Vùng 2 Chiến THuật bị thất thủ, về đóng ở Nha Trang, tường Phú lấy lại phần nào sức khỏe sau một phen nản chí. Ông cũng đang nghĩ là phải lập lại tuyến phòng thủ từ phía Bắc của Nha Trang. Nhưng với các đơn vị nào đây để thực hành ý định nầy ?

Thành phố Nha Trang đang yên ổn.

Một buổi sáng nọ, không báo gì trước cho tướng Phú, cũng không báo cho người Mỹ, ông tỉnh trưởng cho lệnh các phòng sở trực thuộc đóng cửa văn phòng. Tướng Phú đã đặt Tổng Hành Dinh của ông trong một dinh thự trong đó có một số phòng sở của Tỉnh. Trước đó ông không chú ý đến sự ra đi của các công chức dân chính của Tỉnh. Nhưng vào khoản giữa trưa, thình lình tướng Phú chạy qua các phòng làm việc của Quân Đoàn trên các tầng lầu, vừa chạy vừa la lớn:

- " Ta chạy đi thôi !

Vẻ mặt lơ láo, ông bảo người phi công lái trực thăng riêng của ông :

-" Ta đi thôi "

Và cứ thế ông rời khỏi Nha Trang. Vào lúc 1 giờ trưa, tin nầy chạy khắp thành phố làm sửng sốt mọi người .

Nha Trang không hề bị tấn công. Có một số người nào đó đã thề là họ đã thấy các đơn vị Bắc Việt đã ở ngay cửa ngỏ vào thành phố, một số người khác thì lại nói rằng Chánh Phủ Miền Nam Việt Nam đã chia thành phố Nha Trang cho cộng sản Bắc Việt từ lâu rồi. Thế là dân chúng gồng gánh hành lý ùn ùn chạy lên phi trường, hy vọng tìm được chỗ lên phi cơ, hay chạy ra bến tàu để tìm tàu thuyền.... Trong thành phố, binh sĩ tông cửa và cướp các kho hàng, súng cầm tay họ tấn công dân chúng đòi lương thực, đòi tiền bạc , đòi nữ trang... Binh sĩ của Nha Trang trà trộn với binh sĩ chạy từ Đà Nẳng hay từ Huế về. Tại bến tàu, có quá nhiều người đến độ họ phải đứng xuống nước để chờ đợi, có chỗ ngập đến nửa thân mình . Các bô lão, phụ nữ và trẻ con bị chết ngộp, và thi thể của họ còn đó, tại chỗ, đôi khi được nằm trong chiếc túi ny- lông.

Lại một cảnh tượng của Đà Nẳng nữa !....

Cảnh hỗn loạn lan dần.. Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ông Moncrieff Spear tâm sự với viên Lãnh sự phó người Pháp Henri Strahlheim là ông không còn biết nói gì hơn được nữa.. Người Pháp thì được di tản bằng một phi cơ do Tòa Đại sứ thuê bao. Ba vị Linh mục và một Dì Phước thuộc Hội Truyền Giáo Ngoại Quốc phải tình nguyện ở lại tại chỗ.. Họ không thể rời bỏ đám con chiên Việt Nam mà họ thấy họ còn có trách nhiệm . Trong Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ còn có 200 công dân Mỹ và một số đông nhân viên người Việt Nam . Và trong số các sĩ quan hiện diện đang công tác ở Nha Trang còn có thêm một số dân đến từ Pleiku, Huế hay Đà Nẵng . Người ta chờ đợi các phi cơ của hảng Air America, của Bird Air và của World Airways hay của Continental....

Trong sân của Lãnh sự quán Hoa Kỳ , hằng trăm nhân viên chen chúc nhau với gia đình của họ. Họ muuốn rời khỏi đây và cũng muốn lãnh lương nữa . Nhưng điều bất hạnh là phát ngân viên đã di tản trước rồi với cả ngân quỷ.. Binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đang ra sức ngăn cản, đôi khi làm bị thương những người Việt Nam khác muốn vào Lãnh sự quán để được bốc đi.. Phải cần đến một số trực thăng để làm con thoi giữa Lãnh sự quán và phi trường chỉ cách đó có 6 cây số ngàn !

Anh Howard Archer, một nhân viên của cơ quan CIA phải chạy hết lầu 4 của Lãnh sự quán và với sự giúp sức của 4 người đồng đội để thiêu hủy tất cả máy móc truyền tin. Mặc dù đã cố gắng nhưng cơ quan CIA nầy cũng phải còn để lại vô số hồ sơ, tài liệu và một số nhân viên. Cuộc di tản đã được tổ chức quá dở đến độ chuyến bay C.46 cuối cùng còn trống quá nửa khi rời khỏi phi trường . Anh John Lewis, một nhân viên khác của cơ quan nầy đã rất kiên trì và can đảm đi tìm khắp Nha Trang những người cộng sự viên của anh ta.. Vì thế anh bị bỏ quên lại và bị Bắc Việt bắt làm tù binh.

Ông trưởng cơ quan CIA của Nha Trang chỉ lo cho những người Mỹ mà thôi. Ông giải thích là đã nhiều tuần lễ nay, người Việt Nam đã bỏ chạy mà không bao giờ nhớ đến người Mỹ.

Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn phải nhận phần nào trách nhiệm về sự lộn xộn nầy. Vào lúc 17giờ rưỡi ngày mà tướng Phú rời khỏi Nha Trang, một phụ tá đặc biệt của Tòa Đại sứ là ông George Jacobson, không biết vì thiếu tin tức hay vì mất cả bình tĩnh, đã cho lệnh vị Lãnh sự như sau :

- " Ông hãy rời khỏi thành phố ngay đi, các người Mỹ khác cũng vậy ".

Khi trực thăng cuối cùng rời khỏi lãnh sự quán, một ông già van nài đưa một em bé cho mấy người Mỹ đang ngồi trên trực thăng. Thì có một người dùng chân đạp vào mặt ông già, làm đứa bé rớt xuống đất...

Cuộc di tản nầy rất là vô ích, vì quá sớm ! Sự thật không có một đơn vị Bắc Việt nào đến cửa ngỏ của thành phố Nha Trang. Vị tổng tư lệnh Bắc Việt lần nầy quá táo bạo, đã quyết định bỏ Nha Trang lại đằng sau lưng mình, cho lệnh sư đoàn 316 và 320 bọc vòng thành phố nầy để tiến thẳng vào hải cảng và Vịnh Cam Ranh, cách Nha Trang 35 cây số vế phía Nam.

Căn cứ Cam Ranh còn ở cách Sài Gòn 260 cây số.



Tại văn phòng của cơ quan CIA ở Sài Gòn người ta đang tiêu hủy giấy tờ hồ sơ mà họ quên rằng Cảnh Sát Việt Nam còn lưu giử một bản sao. Thomas Polgar đang bị bối rối. Vô tình ông đã cho gởi bà vợ ông về Bangkok. Và sau đó ông đã viết thư cho bà ta đại ý cho biết là tình hình cũng chưa có gì đáng lo ngại. Tin chắc như vậy bà ta trở lại Sài Gòn mà không báo trước cho ông chồng, và bà đã bắt gặp chồng mình đang ở với một phụ nữ Việt Nam trẻ tuổi. Khi ông Feydeau xen vào thì bà cảm thấy nhục quá nên quyết định xa chồng và ly dị. Hoảng hốt và quá bối rối, ông Polgar không còn đủ tinh thần và sáng suốt trong việc điều hành và kiểm soát cuộc hành quân di tản đang được tiến hành. Có nhiều cơ quan Hoa Kỳ đã bắt đầu di tản một cách không chánh thức. Và nhờ thế mà người vợ của vị sĩ quan trưởng Phòng Tình báo Miền Nam Việt Nam được gởi đi đến Hạ uy Di với cái tên là bà W. Legros, với sự chấp thuận của Đại Sứ Hoa Kỳ . Nhiều người Việt Nam bâu lại các bạn thân và người quen của họ ở Tòa Đại Sứ.

Các chuyến bay quốc tế hoạt động thường xuyên, nhưng các chuyến bay nội địa của Hàng Không Việt Nam thì từ 40 giảm xuống còn có 4, hằng ngày. Lãnh thổ của VNCH đang teo dần...

Có quá nhiều người xếp hàng dài trước ngân hàng Việt Nam Thương Tín , một ngân hàng tương đối lớn nhứt ở Miền Nam . Người ta muốn có ngoại tệ, muốn có vàng. Giá đồng mỹ kim đang lên. Giám đốc Ngân Hàng tuyên bố:

- " Chúng tôi còn đến 150 tỷ bạc tiền dự trữ, nên chúng tôi không khóa chương mục nào hết "

Giá gạo, giá rau cải tăng gấp đôi. Chợ búa đang thiếu trà, cà phê, những thứ nầy thường đến từ Vùng Cao Nguyên.

Tổng Thống Thiệu cho lệnh thiết lập vòng đai y tế chặt chẽ quanh Sài Gòn . Những người di tản bị chận lại ở các rào cản, và trong số đó có cả binh sĩ chạy lẻ tẻ về, không có vũ khí, Họ sẽ phải bị tước hết vũ khí nếu họ còn giữ súng trường hay súng lục. Thôi thì gián điệp tràn lan, người ta thấy bọn việt cộng khắp nơi. Chánh quyền quân sự ra thông cáo cho biết là bất cứ người nào từ chối lệnh bị bắt giữ lại sẽ bị bắn tại chỗ.

Hoa Kiều của Chợ Lớn thì hấp tấp xin chiếu khán ở sứ quán Đài Loan. Người ta cũng kể lại là người Úc cũng có phân phát một số chiếu khán một cách rộng rãi. Lãnh sự Úc có nhờ Cảnh Sát dẹp bớt các nhóm quá đông đang tụ tập quanh văn phòng của lãnh sự.

Các chuyến bay đến Âu Châu và Hoa Kỳ lúc nào cũng đầy ấp. Các chuyến bay đi Bangkok, Tân gia Ba, Hong Kong và Đài Bắc không còn một chỗ trống .

Đại sứ Martin cho chỉ thị tìm cách thắng bớt sự hoảng hốt lại. Các hảng Mỹ có những biện pháp để giúp ông Martin. Họ cho các phụ nữ và trẻ con di tản từ cuối tháng 3 nhưng họ tuyên bố chánh thức là họ không nhúc nhích gì cả. Hảng "Training Co." tuyên bố là "chúng tôi đang trong tình ttrạng chờ đợi", hảng IBM thì nói: "Chúng tôi sẽ ở lại đây lâu chừng nào hay chừng nấy". Hãng MobilOil vẫn tiếp tục công tác khoan dầu ngoài biển Đông,và các nhân viên của hai hãng Exxon và Caltex vẫn ở nguyên nhiệm sở của họ.

Về báo chí thì những tin "Rao Vặt" đã cho thấy là còn nhiều người Việt Nam vẫn còn quan tâm thực sự đến tài sản của họ. Như trong tờ Saigon Post đã có rao:

- " Xin lưu ý tất cả các công ty dầu khí

Khẩn: Bán 6 phòng lớn, có các phòng phụ thuộc (trên 1000 thước vuông, kể cả 2 phòng ở và làm việc, nhà xe, hồ tắm và sân thượng) Khu vực an ninh (quận 2) Giá : trên 100 triệu đống.

Liên lạc: 315/21 Hai Bà Trưng. Điện thoại: 22806 "

Về nhà cửa thì rao bán nhiều hơn rao mua. Tuy nhiên cho đến tháng 3 người ta vẫn còn tiếp tục xây cất như điên. Và ngay tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ người ta cũng vừa cho ngưng các buổi họp nhắm vào việc xây khách sạn Hyatt.

Những "Rao Vật" vẫn xuất hiện bình thường như dạo nào. Cũng trong tờ SaiGon Post, dưới tấm ảnh của mình, với bộ râu quai hàm rậm rạp và chiếc khăn truyền thống Ấn độ trên đầu, Giáo sư G. Singh một chiêm tinh gia nổi tiếng của Á Châu, quảng cáo về sự bói toán chính xác và lạ lùng của ông về quá khứ, hiện tại , và tương lai bằng khoa đọc trên lá cây, bằng khoa Tử vi và xem sắc tướng.... .Ông xác định là ông đã " thấy trước sự ra đi của Tổng Thống Hồi Quốc" (mà ông nói là ông Marcos!) Trong số thành tích của ông đưa ra trong quảng cáo, có một lá thư cám ơn của Tổng Thống Phi luật Tân. Liên lạc với Giáo Sư ở khách sạn Pasteur, phòng 401, điện thoại 91236 từ 10 giờ đến 18 giờ, và ông chỉ sẽ tiếp khách trong vòng 2 tuần lể.... v.v...

Tại Sài Gòn không một ai không biết là Phnom Penh đang bị vây khổn, và Tổng Thống Cam Bốt là tướng Lon Nol cũng sắp ra đi "để trị bịnh ở ngoại quốc".

Thủ đô Miền Nam có quá nhiều tin đồn, mơ hồ, đối nghịch nhau, rồi thanh minh rồi cải chính, rồi lại tung ra.....Ngay như tướng Dương văn Minh tuyên bố là có một số sĩ quan Việt Nam đã nghi ngờ là Tổng Thống Thiệu và người Mỹ ở Hoa thạnh Đốn đã ký một Hiệp Định mật với cộng sản Việt Nam. Ông tướng được gán cho là thủ lãnh của lực lượng thứ 3 đã tuyên bố:

- " Vừa đòi hỏi Tổng Thống Thiệu phải ra đi, cộng sản Việt Nam cũng vừa muốn khuấy động người Mỹ, những người đang bị rơi vào bẫy của cộng sản."

Thật ra, sự có mặt của tướng Thiệu là điều rất thích nghi cho Bắc Việt trong chiến dịch của họ . Hoa Kỳ lại hiểu theo từng chữ mà cộng sản Bắc Việt đã nói, và họ vẫn giữ Tổng Thống Thiệu trong chánh quyền . Thật là quanh co rắc rối !

Một vài sĩ quan đã tâm tình với tướng Dương văn Minh :

- " Một ngày đẹp trời nào đó chúng tôi sẽ thấy ông Thiệu trong bộ quân phục cộng sản ."

Một điều hoàn toàn vô nghĩa !

Rồi người ta lại đồn là sắp có một cuộc đảo chánh quân sự. Rồi mặc dầu rất ít khi tuyên bố về chánh trị , tướng Tổng Tham Mưu Trưởng lại hiểu thị là "Đã bắt đầu một cuộc chiến đấu để sống còn.Thời điểm lịch sử đã đến. Nếu chúng ta quyết tâm chiến đấu, thì chắc chắn chúng ta sẽ thắng."

Rồi người ta đón nghe tin tức từ Hoa thạnh Đốn. Một chỉ dấu cho thấy là ông Kissinger đã có lưu tâm trở lại về vấn đề Việt Nam . Ông bỏ chuyến du hành xuống Nam Mỹ. Lẽ ra ông phải đi Á căn Đình, Ba Tây, Pérou và Vénézuela.

Trong một buổi phát thanh sáng trên hệ thống CBS, vị Đại Sứ VNCH tại Hoa thạnh Đốn đã tuyên bố :

-" Hoa Kỳ không ở được đúng tầm vóc của Hiệp Định Paris. Thế giới đã có thể kết luận là tốt hơn nên chọn cộng sản làm đồng minh hơn là chọn Hoa Kỳ "

Bình luận về điều nầy, Tổng trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đã tỏ ra hiểu biết:

- " Chúng ta phải cần có lòng thương hại cho người Việt Nam "

Đã bắt đầu có những rạn nứt trong guồng máy chánh quyền Miền Nam Việt Nam . Lần nầy thì trong cơ quan Lập Pháp. Thông thường rất dễ dãi hơn Hạ viện, Thượng viện vừa chấp thuận một quyết nghị chống Chánh Phủ , "cáo buộc Tổng Thống Thiệu lạm dụng quyền hành và tham nhũng" . Các nghị sĩ tuyên bố là Tổng Thống Thiệu cũng phải chịu trách nhiệm về những bất công xã hội . Đức Tổng Giám Mục địa phận Sài Gòn , Đức Cha Nguyễn văn Bình, cũng lên tiếng kêu gọi sự ra đi của Tổng Thống Thiệu. Lại có nhiều tin tức độc hại đến từ Âu Châu: Phó thủ tướng Trần văn Đôn vừa trở về từ Phi Châu là nơi ông đi thăm các nước để vận động dư luận ủng hộ cuộc chiến đấu tự vệ của VNCH, Khi ông ghé lại Paris ông được tin chắc chắn rằng: "Cả 3 siêu cường Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc đều đã đồng thuận là hai nước Việt Nam nên thống nhất lại dưới sự kiểm soát của Hà Nội ". Xuất xứ của nguồn tin mật nầy ? Một người bạn của ông Jacques Chirac, Thủ tướng Pháp. Ông Chirac không bao giờ gập tướng Đôn.



Tại Sài Gòn, mặc dầu không hề có tiếp xúc nào với cộng sản Trung Quốc, một vài nhân vật chánh trị ước mong rằng Bắc Kinh sẽ có một ành hưởng nào đó đối với Hà Nội . Tướng Đôn ghé lại Hong Kong trên đường về. Tại đây ông có gặp được Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ . Hai người đã ước tình con số người Việt Nam cần được di tản. Phải đưa đi khoản một triệu người . Ông Tổng lãnh sự nầy chuyễn con số đề nghị của ông Đôn về Hoa Thạnh Đốn , ở đó rủi thay họ đã chánh thức đưa ra con số là 250.000 người . Sự lộn xộn nầy lẽ ra chỉ có trên Hỏa Tinh mới thấy được, thì Mạc tư Khoa, Bắc Kinh và Hà Nội đều nhận được hết......

Hong Kong là thủ đô của các quan sát viên thượng thặng của Trung Hoa Cộng sản . Tại đó, rất nhiều viên chức của chánh quyền cộng sản núp bóng trong các ngân hàng và các công ty của Bắc Kinh. Họ nói năng rất tự do hơn nơi khác và những tin tức thuờng rất tốt. Ngày 4 tháng 4, tổng biên tập viên tờ Tạp Chí Kinh Tế Viễn Đông (Far Eastern Economic Review), một trong những tờ báo, hay ít ra là tờ tuần báo hay nhất của Á Châu , ông Leo Goodstadt đã dùng cơm trưa với Tỗng Lãnh sự Hoa Kỳ . Ông Goodstadt có nhiều tiếp xúc với những người cộng sản ở Hong Kong, những người nầy phản ảnh rõ quan điểm của Bắc Kinh. Cộng sản Trung Quốc rất quan ngại về sự toàn vẹn lãnh thổ của hai nước Cam Bốt và Lào. Họ không thích cái lối mà những người của Hà Nội lúc nào cũng muốn tự nhận là phát ngôn viên của toàn cõi Đông Dương. Thủ Tướng Bắc Việt không bao giờ chịu trả lời về đòi hỏi của Bắc Kinh là muốn bảo đảm sự độc lập của tất cả các quốc gia ở Đông Dương. Trung Quốc nhận rất nhiều đòi hỏi của Hà Nội về nhu cầu lương thực và áo quần cho những vùng do quân đội của họ "giải phóng" .Bắc Kinh không làm sao nhận được từ phía Hà Nội là phải có một hội nghị ở đó sẽ thảo luận tất cả những bài toán về Á Châu, trong đó có quy chế của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc và VNCH đang tranh chấp về vấn đề nầy.

Quần đảo Trường Sa được Trung Quốc ghép vào bản đồ của họ. Còn về quần đảo Hoàng Sa thì khoảng cách từ quần đảo nầy đến bờ biển của Trung Quốc và bờ biển Việt Nam tương đối bằng nhau. Trên các đảo nầy có vô số phân chim, nhưng chung quanh đó chắc chắn có mỏ dầu khí. Ngày 12/4 đã không còn nghe thấy nói gì về toán binh sĩ QLVNCH đồn trú trên đảo san hô

Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa nữa, Tàu chiến của Bắc Việt đã cho đổ bộ bộ đội Bắc Việt lên đảo nầy và họ dựng cờ của CPLTCHMN trên đảo. Trưóc đó mấy tháng, đã có những cuộc giao tranh giữa binh sĩ VNCH và cộng sản Trung Quốc. Bộ đội cộng sản Trung Quốc sau khi đánh chìm một số tàu chiến của VNCH, đã lên chiếm đóng một số đảo nhỏ ở đó. Tình hình lại trở nên rắc rối vì Phi luật Tâm và Đài Loan cũng có gởi binh sĩ đến đồn trú tượng trưng trên một số đảo khác của quần đảo nầy. Đây là cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các quốc gia Á Châu không cộng sản .

Điểm chánh là : cộng sản Việt Nam và cộng sản Tàu đang tranh chấp ở đây. Ông Thiệu không bao giờ khai thác các mối bất hòa nầy mà ở Hà Nội và Bắc Kinh người ta gọi là các mâu thuẩn. Vào lúc mà những căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh trở nên quyết liệt, thì tại Sài Gòn người ta đồn là cộng sản Tàu đã sẳn sàng giao Miền Nam Việt Nam cho Bắc Việt .



Ngày 4 tháng Tư Tổng Thống Thiệu tiếp Thủ tướng Khiêm và Bác sĩ Nguyễn lưu Viên, Phó ThủTướng không giữ bộ nào, trưởng phái đoàn VNCH ở hội nghị La Celle-Saint-Cloud. Tướng Khiêm tuyên bố là một cuộc cải tổ nội các chưa đủ để đối phó với những bài toán nội bộ, Bác sĩ Nguyễn lưu Viên nói:

- " Thưa Tổng Thống , nếu bây giờ ông ra đi thì có thể có nội loạn. Nếu ông ở lại và vẫn tiếp tục đường lối chánh trị như cũ thì Chánh Phủ sẽ bị cô lập....Nếu Tổng Thống cho phép thì chúng tôi xin đề nghị với Tổng Thống 3 biện pháp.

- Để chận đứng hẳn dư luận xôn xao, Tổng Thống hãy tuyên bố là ông không ra ứng cử Tổng Thống nhiệm kỳ thứ ba tới nữa.

- Để lấy lại lòng tin trong quân đội , Tổng Thống nên triệu tâp một hội đồng tướng lãnh. Và giao cho hội đồng nầy toàn quyền hành động. Họ phải điều hành các cuộc hành quân.

- Sau cùng, để cho Chánh Phủ được hữu hiệu hơn, Tổng Thống hảy giao cho họ thêm quyền hành.

Tổng Thống Thiệu bình tĩnh trả lời:

- "Trở lại theo thứ tự. người ta muốm tôi phải ra đi ?- Tôi được dân chúng bầu lên, tôi chỉ ra đi khi nào dân chúng bảo tôi phải ra đi . Chớ không phải một nghị quyết của Thượng Viện hay của một nhóm nào đó bắt tôi phải ra đi. Các Anh sẽ hỏi tôi : làm thế nào để cho dân chúng trình bày ý kiến của họ ? - sẽ tổ chức một cuộcTrưng cầu dân ý.

- Bác sĩ Viên nói nhỏ nhẹ:

- Trong thời buổi nầy khó mà tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lắm.

- Như vậy là lúc nào tổ chúc được thì ta sẽ tổ chức vậy, Tổng Thống Thiệu nói.

Các anh bảo tôi hãy tuyên bố là tôi sẽ không ra tranh cử Tổng Thống một nhiệm kỳ nữa. Bên Âu Châu hay ở Hoa Kỳ thì được . ông Johnson đã ngồi ở ghế Tổng Thống của ông cho đến hết nhiệm kỳ. Ở Việt Nam, nếu hôm nay tôi tuyên bố là tôi không ra tranh cử nữa, thì các anh sẽ biết chuyện gì sẽ xảy ra không ? Ngay ngày mai là không còn ai làm việc nữa, không còn ai tuân lệnh tôi nữa. Tôi không còn bảo tướng Bình (Chỉ huy trưởng cảnh sát) là phải giải tán đám biểu tình nào được nữa. Sẽ có một sự vô trật tự khắp nơi. Còn tệ hơn là tôi đi nữa đó.

Một hội đồng tướng lãnh hả? Tại sao ? Tướng Kỳ đã có nói rồi, các anh lại đề nghị như vậy nữa. Tất cả các anh muốn gì đây ? Về vấn đề quân sự thì chúng ta đã có Bộ Tổng Tham Mưu Liên Quân là đủ rồi. Thêm một hội đồng tướng lãnh nữa chỉ làm phức tạp thêm tất cả. Chuyện nầy làm tôi nhớ lại hội đồng tướng lãnh hồi năm 1964 và 65, với những cuộc đảo chánh liên hồi. Đừng nói chuyện đó với tôi nữa. Cứ để cho ông Tổng Tham Mưu trưởng làm việc. Cho tới giờ nầy ông ấy làm việc tốt lắm rồi.

Tổng Thống Thiệu ít khi khen vị Tổng Tham mưu trưởng của ông lắm. Còn Chánh Phủ dân sự thì sao ? Tổng Thống nói:

- Chánh Phủ đã có đầy đủ quyền hành. Chánh Phủ không biết xử dụng đó thôi, không có những biện pháp xét thấy cần thiết phải có.

Thủ tướng không nói lớn tiếng trước Tổng Thống nhưng lần nầy ông buông ra một câu :

- " Thưa Tổng Thống , chúng ta đã mất 14 tỉnh rồi. Ở các nơi khác thì không một Chánh Phủ nào được tồn tại với một biến cố lớn như thế. Không có một hình phạt nào đối với Chánh Phủ cũng như đối với Bộ Tham Mưu. Tôi muốn đứng ra gánh hết tội ..."

Tổng Thống Thiệu nói không do dự:

- " Anh muốn từ chức ? Tôi chấp thuận... Tôi sẽ tuyên bố chuyện đó chiều nay trong bài diễn văn truyền hình . Tôi sẽ nói gì đây ? .... Tôi sẽ không giải thích là Anh không thể thành lập một Chánh Phủ mới được ..."

Tướng Khiêm cười, Tổng Thống Thiệu nói lại:

- " Xét kỹ lại tại sao ta phải nói lý do ? Tôi sẽ thông báo tên của người kế vị Anh, nếu không thì người ta đâm ra suy luận. Ở đất nước nầy cái gì họ cũng suy luận được hết. Bây giờ chúng ta hảy xem coi là ai sẽ thay thế Anh được đây ...

Tổng Thống Thiệu lấy ra một bản danh sách các nhân sĩ, dĩ nhiên do tướng Khiêm đã lựa chọn.

- Trước hết có Bác sĩ Trần văn Đỗ. Ông ta chắc chắn sẽ nhận ngay. Tướng Kỳ sẽ bằng lòng lắm đây, bởi vì anh ta muốn thay vào chỗ của tôi lắm.. Và khi ông Đỗ trở thành Thử Tướng thì ông ta sẽ giúp đở ứng cử viên Kỳ trong cuộc bầu cử sấp tới. Họ liên kết với nhau lắm. Không, không có ông Đỗ.

Tổng Thống Thiệu biết rõ là tướng Kỳ và Linh mục Thanh thường họp ở Câu lạc bộ sĩ quan Không Quân trong vòng 10 ngày nay. Họ đòi hỏi một Chánh Phủ quốc gia cứu quốc.. Rất khéo léo, ông ta không đứng tên vào ủy ban được thành lập trong dịp nầy, mà chỉ lo việc liên lạc với các chánh trị gia mà thôi.

- Còn Giáo sư Huy thì sao ? Tổng Thống lên tiếng hỏi. Ông ta là một lý thuyết gia giỏi nhưng không có kinh nghiệm. Ông chưa từng giữ một Bộ nào thì không thể là một Thủ Tướng khá được

Ông Lắm (Chủ Tịch Thượng Viện) được không ? Ông nầy làm việc được lắm đó, nhưng trong chuyến du hành sang Hoa Kỳ vừa rồi, người Mỹ đã có nói nhỏ với ông ta điều gì đó. Khi về đến nhà, ông đã làm cách nào đó mà Thượng Viện đã chấp thuận một nghị quyết bất tín nhiệm tôi. Có thể chức vụ Thủ Tướng sẽ dọn đường cho ông ta ra tranh cử Tổng Thống kỳ nầy. Tôi không có dại gì đâu.. Còn lại ông Cẩn, Được lắm, Ông nầy thanh liêm, lại có kinh nghiệm, đã điều hành Hạ Viện trong 2 năm, một nhiệm vụ không dễ dàng đâu. Và ông đã được huấn luyện nhiều về hành chánh trong nhiệm vụ tỉnh trưởng. Để tôi đi giọi ông ta."

Tổng Thống Thiệu bước qua phòng bên cạnh và lúc trở lại ông tươi cuời nói :

- Ông Cẩn rất kinh ngạc, thật sự ! Ông sẽ tới ngay.

Một lát sau, sĩ quan tùy viên bước vào thông báo :

-" Có Chủ Tịch Hạ Viện tới"

Ngay chiều hôm đó, Tổng Thống Thiệu thông báo bổ nhiệm tân Thủ Tướng ông Nguyễn bá Cẩn, một nhân vật không ai ngờ tới, một nhân vật vô danh.

Cũng trong tuyên bố được trực tiếp truyền thanh truyền hình nầy, Tổng Thống Thiệu "hứa sẽ "tái chiếm lại các tỉnh đã mất về tay Bắc Việt " . Không bao giờ ông chấp nhận một Chánh Phủ Liên Hiệp với cộng sản . Chỉ có một giải pháp duy nhất để có được hòa bình: đó là tổng tuyển cử theo đúng Hiệp Định Paris 1973. Các thất bại quân sự trong những tuần lễ vừa qua là do tinh thần chủ bại trong quân đội, có sự không trung thành của binh sĩ người thượng, do âm mưu phá hoại của bọn nằm vùng cộng sản và do các buỗi phát thanh của đài BBC và VOA. Và nhất là do Hoa Kỳ vì họ không thi hành những cam kết của họ"



Đúng hai giờ 15 phút sau phiên họp giữa Tổng Thống Thiệu và Thủ Tướng Khiêm, một biến cố nghiêm trọng đã làm cho việc cải tổ nội các phải bị lùi lại ở hành thứ yếu.

Một trong những bức thư chánh thức cuối cùng mà tướng Khiêm nhận được trong cương vị Thủ Tướng là một bức thư của Bác sĩ Phan quang Đán, một trong những vị Phụ Tá của Thủ Tướng đặc trách về Y tế. Nội dung bức thư như sau :

Đề tài: Cuộc di tản của 1400 trẻ mồ côi sang Hoa Kỳ

Kính thưa Thủ Tướng,

Ở Sài Gòn hiện có 1400 trẻ mồ côi, được các tổ chức từ thiện quốc tế bảo trợ. Các trẻ nầy đang đợi để được đưa sang ngoại quốc, nơi đó sẽ có các cha mẹ nuôi sẵn sàng nhận nuôi chúng. Tổng trưởng Y tế và Ủy Ban Quốc Tế Cứu Người muốn giải quyết ngay vấn đề nầy để còn lo cho một số vấn đề khác quan trọng hơn. Hơn thế nữa, vấn đề di tản các trẻ mồ côi sẽ gây ra một xúc động lớn trên thế giới, nhất là ở Hoa Kỳ và là một hành động từ thiện rất tốt cho Việt Nam Cộng Hòa .

Hiện giờ hai chiếc phi cơ Boeing 727 của hàng không World Airways đang sẵn sàng. Ông Daly, chủ tịch của công ty hàng không nầy là một người có tiếng tăm trong giới chánh trị . Ông có lưu ý chúng ta là cuộc di tản của trẻ mồ côi nầy và hàng triệu dân chúng đã bỏ chạy khỏi những vùng bị cộng sản đánh chiếm sẽ là một sự tuyên truyền (cổ xúy) rất thuận lợi cho Việt Nam , nhất là khi được các đài truyền hình và báo chí Hoa Kỳ khai thác về chiều sâu.

Do vậy, tôi trân trọng xin Thủ Tướng chấp nhận đề nghị nầy"



Trên phương diện pháp lý, không một vị thành niên, một trẻ em hay một hài nhi Việt Nam nào được quyền rời khỏi đất nước mà không có chiếu khán xuất ngoại. Do đó cần phải có một quyết định tập thể và đặc biệt cho nhóm trẻ mồ côi . Nản lòng vì sáng kiến của ông Daly đề nghị, Đại sứ Martin sấp xếp để đưa tới một chiếc phi cơ Galaxy, chiếc C-5 A của quân lực Hoa Kỳ, một loại phi cơ vận tải lớn nhất thế giới. Chiếc Galaxy nầy khi đến Tân sơn Nhứt sẽ đổ xuống một số vũ khí và đạn duợc.

Tại phi trường Tân sơn Nhứt, trên những chiếc xe buýt quá nóng, 243 trẻ mồ côi trong đó có một số bị tật nguyền,đang ngồi chờ quyết định chánh thức cho phép chúng ra đi. Các chức trách đều nghĩ rằng bức thư của Bác sĩ Phan quang Đán gởi cho Thủ tướng có giá trị như là một chiếu khán tập thể. Báo chí được gọi tới. người ta bốc vũ khí đạn dược xuống, và cho các em lên phi cơ : đẹp quá ! Một đề tài quá tốt cho báo chí: đúng là một cuộc hành quân di tản để bốc trẻ mồ côi ! Đại sứ Martin còn cẩn thận cho đi theo nhóm trẻ mồ côi nầy nhân viên y tế Hoa Kỳ và những bà vợ của các viên chức Tòa Đại sứ nữa. Để đưa các gia đình đi một cách kín đáo, người ta tìm mọi lý do như bệnh, đi phép v.v.. và như thế là có hơn 60 người nữa đã lên thêm trên chiếc Galaxy. Một trăm sáu chục em chiếm hết từng trên của phi cơ cứ từng hai đứa một nịch vào một ghế ngồi. Còn các em khác thì ngồi chen chúc nhau dưới khoang hành lý, trùm kín trong mền. Phi cơ chưa cất cánh nên nóng quá làm mấy đứa nhỏ khóc lên. Các người có phận sự đi theo trông chừng các em tháo vác lăng xăng dỗ dành. Các máy quây phim tha hồ mà làm việc, quay gần quay xa đủ các góc cạnh.Phi cơ cất cánh lên nặng nề. Mười phút sau người ta nghe một tiếng nổ lớn. Một nhân viên phi hành đoàn cho biết là các cánh cửa sau bị rớt ra khỏi phi cơ. Chiếc Galaxy mất cao độ bay thấp xuống, lượn một vòng trên mặt biển. Các ống thở dưỡng khí từ trên trần rơi xuống, nhưng làm sao đủ cho các đứa trẻ ? Hơn nữa làm sao các em bé hài nhi biết tự xử dụng được ? Phi trường gần nhất lúc đó là phi trường Vũng Tàu, nhưng phi cơ trở về Sài Gòn và rớt xuống một miếng ruộng.. Các bờ đê cứng như xi măng đã bóc đi gần nửa chiếc phi cơ. Một chiếc trực thăng đang bay trên vùng phi trường đã báo động sự việc cho căn cứ. Các trực thăng khác bay ngay lại nơi xảy ra tai nạn. Một số trẻ bị hất tung xuống bùn. Người ta tìm lại được trên sáu mươi, còn thì đều bị tử nạn hết.

Tại Tân sơn Nhứt, ông Jim Eckes, giám đốc hàng không Continentai Air Services hỏi anh phi công phụ của chiếc Galaxy:

- "Tại sao các anh không đáp xuống Cap Saint Jacques ở Vũng Tàu ?

- Vũng gì ? người phi công đáp lại ....

Nhiều bà y tá chuyền tay nhau các đứa trẻ đầy bùn sình, rửa sạch cho chúng nó:

- Đứa nầy chết nè, đứa nầy sống.. Còn đứa nầy..?

Đại sứ Martin điện thoại cho Eckes:

- Jim, anh thử xem đã có bao nhiêu người trên chiếc Galaxy ?

Ông Eckes đã chạy khắp các văn phòng dân sự và quân sự , tìm danh sách . Không có danh sách nào giống danh sách nào. Vì vào giờ chót người ta còn cho một số những người đi theo trẻ mồ côi mà tên tuổi thì không thấy ghi... Ông ta gọi ông Martin:

- " Tôi không thể cung cấp cho ông một danh sách nào được cả"

Văn phòng của Eckes nằm ngay trong phi trường, gần Câu lạc bộ hàng không Pháp. Cũng như các chuyên viên khác, ông tự hỏi.

"Tại sao phi hành đoàn của chiếc Galaxy không biết là có một phi trường ở Vũng Tàu ? Tại sao phi công trưởng lại chấp nhận chở các trẻ em nầy trong những điều kiện quá xấu như thế ? Tại sao người ta không cho một phi cơ Boeing của Hàng Không Pan Am đến Sài Gòn để đảm trách việc chuyên chở nầy ?. Trong khi một chiếc 707 đang sẳn sàng với trang bị hoàn toàn tốt đang chờ đợi ở Guam với phi hành đoàn và các tiếp viên tự nguyện ?

Phải chăng "chiến dịch bốc trẻ" nầy có một đường hướng tượng trưng, nếu được thực hiện bằng các chuyến bay quân sự như chiếc Galaxy nầy ? Qua tin tức được chiếu trên các hệ thống truyền hình trên khắp Hoa Kỳ, người Mỹ được thấy một cảnh tượng đau lòng. Sau đó họ cũng thấy được Tổng Thống Ford đã có mặt ở phi trường San Francisco để tiếp đón những đứa trẻ mồ côi khác khi các chuyến bay đem chúng đến Hoa Kỳ . Thật hết sức là khó chịu khi ông Ford tiếp nhận đứa trẻ do chuyến bay đầu tiên thuộc "chiến dịch bốc trẻ" mang đến.

Tại Sài Gòn một người Việt Nam đã nói với người Mỹ bằng một giọng chua chát, thất vọng hay trách
- Các trẻ em đó hả, Thật là một kỷ niệm tốt, Cũng giống như các "con voi sành sứ" mà các anh thích vậy.Rất tiếc là có nhiều con bị gảy bể. Các anh đừng lo, còn các con khác nữa không sao!"



Tướng Khiêm họp Hội đồng Nội các lần chót. Sau đó ông đến dinh Độc Lập để dùng cơm với Tổng Thống và một số đông quan khách được mời. Tổng Thống Thiệu có vẻ thoải mái, vui nữa là khác!

Ông già Hương, Phó Tổng Thống nóng giận:

- "Phải treo cổ những anh đại tá hay tướng lãnh nào đã bỏ nhiệm sở trong thời gian mấy tuần qua "

Tổng Thống Thiệu trả lời một cách lạnh lùng,

- Ngay như họ đào ngũ, chúng ta cũng không thể xử họ như vậy được . Mình còn phải điều tra, và đưa họ ra tòa án xử họ chớ "

Bác sĩ Nguyễn lưu Viên đề nghị là mình phải công khai hóa dự tính của Chánh Phủ trừng phạt những người có trách nhiệm trong các cuộc lui quân liên tiếp đó. Có thể lập một tiểu ban có sự tham gia của các nghị sĩ và dân biểu của những tỉnh bị mất.

Tổng Thống Thiệu có một phản ứng của một quân nhân không thích thấy những người dân sự chen vào công việc của quân đội , nên ông trả lới :

- " Đó là bài toán của Bộ Tổng Tham Mưu. Họ đang tiến hành một cuộc điều tra...

Thật ra đã có nhiều cuộc điều tra đang được tiến hành, nhưng các cuộc điều tra nầy đều nhắm vào các sự mất mát hơn là tìm ra những người có trách nhiệm hay có tội trong sự sụp đổ nầy.

Bửa cơm kết thúc. Một vài quan khách đi theo Tổng Thống . Ngoài hiên của tầng dưới ,trước một lá quốc kỳ Việt Nam màu vàng với ba sọc đỏ Tổng Thống Thiệu dừng lại, chỉ vào lá quốc kỳ:

- " Các ông thấy không ? Tất cả đều được viết lên đây. Tôi không biết người nào đó đã có ý để ba sọc đỏ vào lá quốc kỳ. Có lẽ ta sẽ phải có 3 nước Việt Nam .

Khi nói điều nầy, tướng Thiệu chắc không nghĩ đến "Ba Kỳ" là Nam, Trung, Bắc ....