Chương 20 - Cùng là anh em một nhà


Ông Eric von Marbod đi một vòng quanh Việt Nam với một chủ đích, cứu vãn chiến cụ được bấy nhiêu hay bấy nhiêu, và phá hủy những gì không thể di tản được . Ông đến căn cứ lớn nhất của Biên Hòa sáng ngày 27 tháng 4. Không có một hoạt động nào hết hoặc đang ở trong tình trạng bối rối, các hạ sĩ quan và binh sĩ Miền Nam đi lang thang ngoài phi đạo. Không thấy có một sĩ quan nào ở đâu hết .

Dụng cụ điện tử của Bộ Chỉ Huy Không Quân Việt Nam, các cơ xưởng sửa chữa máy móc và điện, các thiết bị vô tuyến, các dụng cụ đo đạc tối tân nhất..., tất cả đều còn nguyên vẹn. Muốn thu nhặt hết cũng phải tốn vài ngày. Tức giận quá, ông Eric trở lại Sài Gòn. Ông cực lực phản đối với tướng Đồng văn Khuyên đang thay thế tướng Cao văn Viên trong chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng vốn đã xin Tổng Thống Hương được từ chức. Sợ bị ám sát, ông thay đồ dân sự để kín đáo ra đi.. Ông von Marbod nói chuyện với các phi công, trong số đó có tướng Kỳ. để biết xem liệu họ có thể phá hủy được các chiến cụ đã được bỏ lại hay không ? Họ trả lời rằng hệ thống phòng không của Bắc Việt , nhất là các hỏa tiễn Strella, rất là chình xác và rất là nguy hiểm, nếu muốn phá hủy mục tiêu thì phi cơ phải bay thật thấp, rất là nguy hiểm vì sẽ bị bắn rớt ngay.

Ngày hôm sau, ông Von Marbod đến gặp đại sứ Martin. Ông nầy coi thường những hoạt động của Von Marbod. Ông cho rằng lại có thêm một người đến làm tăng thêm sự hoảng loạn nữa đây. Ông Martin chưa có hủy bỏ một trong những lệnh của ông, nhằm cấm di tản tất cả mọi phi cơ hay trực thăng của Miền Nam Việt Nam . Cũng giống như những người có trách nhiệm ở Ngũ Giác Đài, ông Von Marbod vốn là một người bi quan ; nhưng ông Martin thì không . Ông Martin cho ông Von Marbod biết là người ta đang hướng đến một cuộc "hưu chiến tại chỗ" và một Chánh Phủ Liên Hiệp của tướng Dương văn Minh. Ông Martin tin chắc là người Mỹ còn thì giờ, ít nhất là một tháng, để kiểm kê, phân loại, dán nhãn, và chở đi các chiến cụ quân sự , trong an toàn sau lằn ranh ngừng bắn.

Ông Von Marbod không chú ý đến những cảm tưởng của ông đại sứ. Ông ta yêu cầu Bộ Chỉ Huy của Không Lực Hoa Kỳ ở Thái Lan hãy chuẩn bị để tiếp đón tại phi trường một số lớn trực thăng hay phi cơ của Miền Nam Việt Nam . Khoảng 200 chiếc sẽ đến các phi đạo ở Thái Lan.

Càng ngày lệnh lạc càng mâu thuẫn nhau, giữa người Mỹ và người Việt Nam . Ở phi trường Tân Sơn Nhất , hai ngàn dân tỵ nạn người Việt Nam đang sẵn sàng để được bốc đi. Trong số nầy có cả các công chức và quân nhân mặc thường phục. Tuy nhiên Tổng Thống Trần văn Hương chẳng những cấm không cho họ đi mà còn bắt buộc các quân nhân và công chức ở ngoại quốc phải trở về Việt Nam trong vòng 30 ngày. Tỉ mỉ hơn, ông còn cho biết là nếu họ không thi hành lệnh nầy thì những người Việt Nam đó sẽ mất hết quốc tịch Việt Nam và tài sản của họ sẽ bị tịch thu. Tổng Thống Hương còn cho bắt đầu thiết quân luật lúc 6 giờ thay vì 7 giờ như trước .

Qua đài truyền thanh và truyền hình, ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Trần văn Đôn đã cùng các tướng lãnh thuộc Bộ Tổng Tham Mưu và thuộc Vùng III Chiến Thuật ở Sài Gòn đã lên tiếng triệu tập một buổi họp của các nghị sĩ và dân biểu .

Trước một trăm ba mươi tám thành viên của Lưỡng Viện Quốc Hội , ông Đôn trình bày tình hình quân sự rất là chi tiết. Các tin tức đã quá chính xác đến độ người ta phải tự hỏi xem liệu Bộ Tham Mưu Bắc Việt có cố ý gởi các điện tín bằng bạch văn hay không , để gây hoang mang cho Bộ Tham Mưu của Miền Nam Việt Nam ? :

- Ở đây, về phía Đông Nam của Tây Ninh, chỉ để đối diện với sư đoàn 25 của chúng ta thôi, Bắc Việt đã có tới 4 sư đoàn, các sư đoàn 320, 316, 70 và 968 .

............Và cứ lần lượt đến các mặt trận khác chung quanh Sài Gòn . Tổng kết quá thảm : 5 sư đoàn phải chống cự với ít nhất 18 sư đoàn. Đường đến Vũng Tàu bị cắt đứt. Người ta không thể điều động binh sĩ ở đó được . Ngay như các đoàn xe của dân tỵ nạn cũng không qua được Đêm hôm qua, các hỏa tiễn 122 ly đã rơi vào vùng ngoại ô của Sài Gòn.

Ông Chủ Tịch Thượng Viện chấp nhận là ông Dương văn Minh có thể nắm lấy quyền hành, tất cả quyền hành. Lại bàn cãi thêm nữa ở Quốc Hội . Vẫn luôn luôn có mặt ông Brochand ở đó. Ông ta giúp ông Lý quý Chung, cố vấn của ông Minh, để hoàn chỉnh một vài phương thức. Đưa ra lấy biểu quyết ở Quốc Hội cũng là một điều rất có ích. Người ta biểu quyết lúc 20 giờ 30.

Câu hỏi được đặt ra là : Liệu các nghị sĩ và dân biểu có đồng ý cho Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa chuyển giao tất cả quyền hành cho tướng Dương văn Minh để ông nầy tìm phương tiện lập lại hòa bình ở Việt Nam hay không ?

Có 136 phiếu thuận và 2 phiếu trắng, như vậy là nghị quyết được chấp thuận. Chỉ có một chút khó khăn đó mà đã tốn quá nhiều thì giờ. Tổng Thống Hương mong rằng buổi lễ bàn giao quyền hành sẽ được tiến hành ngay ngày mai, chớ không phải ngay bây giờ. Lúc đó thì thời gian ngồi ở ghế Tổng Thống của ông sẽ được đúng một tuần tròn.

Thế là đường lối ngoại giao của Pháp đã đạt được mục đích. Ông Martin điện về ông Kissinger :

-"Cũng như người Ba Lan và người Hung gia Lợi, người Pháp đã chuyển tiếp tất cả những tin tức cần thiết cho cộng sản để "phía bên kia" ngừng tấn công"

Để chứng tỏ rằng ông không phải là người Mỹ lạc quan duy nhất, ông Martin còn viết thêm :

- "Tất cả mọi nhân viên cấp cao của tòa đại sứ đồng nghĩ rằng Sài Gòn sẽ không bị tấn công"

Điều nầy mặc nhiên cho thấy là các nhà ngoại giao cấp thấp không có ý nghĩ khích lệ như vậy Hơn nữa các cơ quan tình báo từ Honolulu đã cho biết là họ đã bắt được nhiều điện tín bằng bạch văn của Bắc Việt, nhiều tiêu lệnh liên quan đến tác xạ của pháo binh nhằm vào sân bay Tân Sơn Nhất . Chuyện đó không gây xúc động cho ông Martin chút nào. Các chuyên viên về kiểm thính truyền tin đã giải thích cho ông Martin rằng trong vòng 15 năm cuối cùng , chưa bao giờ các lệnh lại rất quan trọng như thế nầy lại được chuyển thẳng bằng bạch văn. Từ đó ông Martin cho rằng đây là một đòn đe dọa của Bộ Tham Mưu Bắc Việt .

Đại sứ Martin báo cáo về sự tiến triển của kế hoạch di tản:

"Nhìn chung diễn tiến rất tốt. Đến trưa ngày 27 tháng 4, đã có 35 ngàn 425 người đã được di tản, Chỉ còn chờ lễ nhận chức của ông Dương văn Minh mà thôi."

Ông Kissinger cho phép liên lạc với những người trong trại Davis, nhưng chỉ duy nhất để giải quyết "tình hình ở địa phương" mà thôi. Những người của trại Davis họ rất là giữ kẽ. Không có việc gì quan trọng hết, tất cả chuyện đó sẽ phải được giải quyết ở cấp cao. Tại Ngũ Giác Đài ở Hoa Thạnh Đốn cũng như ở Bộ Tư Lệnh Lực lượng Thái bình Dương ở Honolulu, người ta không hề bị ý định của Hà Nội ru ngủ. Chỉ có những người làm chánh trị , những người như ông Martin mới tin vào cuộc hưu chiến. Không cần phải hỏi ý tòa đại sứ, Ngũ Giác Đài lấy một quyết định căn bản :

- "Ngay sau khi sân bay Tân Sơn Nhất bị tấn công, tất cả mợi cuộc di tản bằng phi cơ đều được đình hoãn. Trực thăng sẽ bốc những người tỵ nạn ra các tàu ở ngoài khơi. Và chính tướng Homer Smith - chớ không phải người chỉ huy trực tiếp của ông là đại sứ Martin- sẽ là người ra lệnh di tản các nhân viên quân sự Hoa Kỳ ra khỏi Sài Gòn ".

Trong một vài ngày nào đó, những quân nhân có trách nhiệm ở Honolulu đã tưởng rằng sẽ có một cuộc hưu chiến. Nhưng một bức điện tín gởi cho ông Martin ngày 27 tháng 4 đã cho thấy rõ là không hề có chuyện đó:

- " Lực lượng cộng sản đã bắt đầu một cuộc hành quân có thể được xem là cuộc tấn kích cuối cùng vào Sài Gòn "

Đối với tướng Homer Smith thì thật là tế nhị, bởi vì theo hệ thống quân giai ông cũng phải trực thuộc với Bộ Tư Lệnh quân sự ở Honolulu.

Ông Martin ngồi suy luận về một bức điện tín dài của ông Kissinger :

- " Về diễn tiến chánh trị ở Sài Gòn tôi nghĩ rằng sau khi ông Minh thành lập Chính Phủ, thì không chóng thì chầy sẽ có những cuộc thương lượng có thể dẫn đến một thỏa hiệp cho một Chánh Phủ Liên Hiệp 3 thành phần.... mà hai phần ba là cộng sản và một phần ba còn lại do cộng sản giật dây.... Như vậy, câu hỏi được đặt ra là phải cần biết xem tòa đại sứ của chúng ta sẽ làm cái gì ? Có thể sau đó Bắc Việt sẽ cố gắng ngăn cản mọi cuộc di tản của người Việt Nam . Khi chuyện đó xảy ra, tôi tin rằng chúng ta phải giảm xuống tối đa nhân số, chỉ cần giữ lại một số người thật sự tối cần thiết ở tòa đại sứ mà thôi. Lúc bấy giờ câu hỏi được đặt ra là: phải biết xem liệu chúng ta phải rút đi hoàn toàn, hay phải ở lại, để giữ sự có mặt tượng trưng với một vài nhân viên của tòa đại sứ...?. "

Hoa Kỳ có quyền lợi gì để giữ lại một tòa đại sứ ? Trong hiện tại chỉ duy nhất có một , đó là : sự giao hoàn hài cốt của quân nhân Mỹ và tìm người Mỹ còn bị xem là mất tích

Ông Martin không chấp nhận ý kiến cho rằng Việt Nam Cộng Hòa bị hoàn toàn sụp đổ trên cả hai phương diện chánh trị và quân sự . Người Pháp thì sẽ ở lại. Tại sao những Mỹ sẽ không ở lại tại chỗ ? Ông Martin không thấy có gì mà phải đánh bóng sự ra đi khỏi Phnom Penh của ông bạn đồng nghiệp của mình là Đại sứ John Dean. Ông Martin tin tưởng - hay giả bộ tin tưởng- vào giải pháp Dương văn Minh.

Trong buổi tối ngày 27 tháng 4, ông Eric von Marbod ngồi uống trà xanh và rượu mạnh ở nhà tướng Kỳ. Xa xa có tiếng nổ của đạn pháo và có tiếng còi hụ trong thành phố. Tướng Kỳ cho rằng người ta đang lo gom các đơn vị quân sự lại :

- " Chúng tôi có thể chiến đấu ở đồng bằng sông Cửu Long, và có thể giữ vững một vài tháng. Liệu Chánh Phủ Hoa Kỳ có yểm trợ cho chúng tôi được hay không ? không phải về nhân sự mà chỉ là về súng đạn ?

- Rất tiếc là không ," ông Marbod trả lời

Ông khuyên tướng Kỳ nên rời khỏi Việt Nam với ông ta trong hai hay ba ngày nữa. Tướng Kỳ có thể định cư ở Hoa Kỳ . Nhưng gia đình của Kỳ là phải nên cho đi tức khắc.



Ông Trần văn Hữu, cựu Thủ Tướng, người đã đến Bộ Ngoại Giao Pháp hôm tháng giêng, đã có gởi đại diện đến Sài Gòn trong số nầy có ông Lê quốc Túy và viên cựu phi công Hành . Họ đến tiếp xúc với Đô đốc Chung tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam . Không thông báo cho Bộ Tổng Tham Mưu, Đô đốc Cang chuẩn bị cuộc triệt thoái của các đơn vị khả dụng để ra biển. Ông cho chở dầu, lương thực, đạn dược và gia đình của sĩ quan , binh sĩ Hải Quân. Ông nghĩ là phải tạm đổ đàn bà, trẻ con và người lớn tuổi lên đảo Phú Quốc trong vịnh Thái Lan. Ở đó có một căn cứ Hải Quân Việt Nam hoàn toàn dễ phòng thủ. Sau đó ông Cang sẽ đưa đoàn tàu và các thủy thủ về đồng bằng sông Cữu Long. Ông sẽ đặt bản doanh trên một trong những chiếc tàu tuần duyên, chiếc HQ.03, một loại hộ tống hạm cũ của Hải Quân Pháp.

Đô đốc Cang và hai sứ giả của ông Hữu cùng đi đến nhà ông Dương văn Minh.

- "Ở Ba Lê chúng tôi đã có gặp người của Hà Nội và của CPLTCHMN . Họ đồng ý để thành lập một Chánh Phủ chuyển tiếp. Lê quốc Túy còn nói thêm:

- "Phải mời ông Trần văn Hữu trở về nước và trao quyền cho ông ta để ông ta thương lượng với cộng sản.

Ông Minh thấy dự án nầy không hấp dẫn. Đô đốc Cang hỏi :

- " Có được một tiến triển nào trong vấn đề bàn thảo với "phía bên kia "không ?

Ông Dương van Minh đáp :

-" Những người đại diện ở trại Davis không có muốn thương thuyết đâu. Họ nói họ chỉ làm một nhiệm vụ quân sự của phái đoàn quân sự mà thôi và họ không có quyền thương lượng những vấn đề chánh trị

- "Như vậy tại sao ông đã nhận lấy quyền hành, mà không có một bảo đảm nào không chắc chắn là Bắc Việt họ muuốn gì ? Bây giờ phải mời ông Trần văn Hữu về để tìm một giải pháp. ông Túy nói.

-"Đó là vì Chánh Phủ Pháp đã thúc đẩy việc nầy và họ đã chuẩn bị tất cả. Hai ông Mérillon và Trần văn Đôn luôn luôn nói với tôi là đã có sẵn một kế hoạch, và rằng tôi sẽ có sáu tháng để dàn xếp. Và bây giờ thì không có gì hết ! Tôi biết các ông đại diện cho ông Trần văn Hữu, và tôi tin rằng ông ta có thể làm được một vài việc.... Tôi kính trọng ông ta.... Làm thế nào để yêu cầu ông giúp chúng ta bây giờ ?

Đô Đốc Cang:

- " Ông khỏi cần lo gì hết, tôi sẽ lãnh làm việc nầy cho. Tôi có nhân viên. Trong khi chờ đợi, dù có chuyện gì xảy ra, mình cũng phải cầm cự đến cùng . Trường hợp tình hình quá nghiêm trọng, tôi đề nghị với Tổng Thống phải rời Sài Gòn và lui về ở Cần Thơ, là thủ đô của vùng đồng bằng. Tướng Nguyễn khoa Nam, Tư Lệnh Vùng 4, đã vừa điện thoại cho tôi chiều hôm qua để nói với tôi là tình hình ở đó rất là bình thường. Ông có trong tay 3 sư đoàn tốt, một Không lực và tất cả lực lượng hải quân. Ngoài ra còn có lực lượng Phật Giáo Hòa Hào và Cao Đài, và Nhân Dân Tự Vệ nữa Chúng ta có thể kháng chiến và bàn thảo ở vị thế mạnh.

Tướng Minh :

- " Bây giờ thì các ông hãy về đi. Khi các sự bố trí kỹ thuật đã hoàn tất, thì tôi sẽ tuyên bố trên đài phát thanh, trong một giờ nữa đây.

Đô Đốc Cang:

- "Vậy là kế hoạch của ông như thế nào ?

Tướng Minh:

- "Tôi không có kế hoạch nào hết.

Đô Đốc Cang cố nhấn mạnh:

- Lúc nào mà chúng ta còn ở Sài Gòn, thì chúng ta sẽ bị bao vây. Chúng tôi .... Ông có dự trù một cuộc điều động nào hay không trong lúc Hải Quân chúng tôi còn ở lại đây. Phải tuyên bố bỏ ngỏ Sài Gòn và sau đó chuyển Chánh Phủ về Cần Thơ. Ở đó, vị thế của ông không mạnh lắm, nhưng ít nhất cũng là một vị thế. Và mình có thể tận dụng được truyền thanh truyền hình để cho lệnh tất cả các đơn vị hãy tập họp nhau lại ở thủ đô lâm thời.

Tướng Minh đáp lời một cách mệt mỏi:

- "Chiến tranh ! Lúc nào cũng chiến tranh ! Với chiến tranh thì chừng nào người ta mới chấm dứt được nó đây ?

Thật quá rõ ràng là ông Diương văn Minh không thích dự án nầy. Đô Đốc Cang đặt một câu hỏi chót:

- "Như vậy thì mỗi người chúng ta đều chuẩn bị cho kế hoạch riêng của mình ?

- "Ông muốn làm gì đó thì làm.

Tính kiên trì của giới hành chánh thật đáng khen. và đây là bằng chứng: nền hành chánh vẫn tiếp tục chạy đều, ông tổng thơ ký Tổng Thống Phủ loan báo là "các cơ quan công cộng sẽ làm việc ngày 1 tháng 5.".

Đồng mỹ kim hiện có giá là 4000 đồng.

Các cộng sự viên của tướng Kỳ khuyên ông ta nên liên lạc với tướng Dương văn Minh. Ông Kỳ điện thoại cho trung tá Đẩu, tùy viên của tướng Minh. Trung tá Đẩu trả lời :

- " Xin cám ơn thiếu tướng đã gọi, nhưng bây giờ thì Tổng Thống không thể nói chuyện với ông được . Ông đang bận lo thành lập Chánh Phủ . Chúng tôi sẽ gọi lại ông sau.

Từ giả tướng Minh, Đô đốc Cang và hai đại diện của ông Trần văn Hữu trở về Bộ Tư Lệnh Hải Quân.. Giải pháp Trần văn Hữu xem ra cũng hay hay. Ông nầy không thể bị Hà Nội cáo buộc là nằm trong "tập đoàn của ông Thiệu" được . Và ở Sài Gòn hồi xưa người ta nhắc lại là ông suýt trở thành Chủ Tịch của MTGPMN. Ông cũng từng là ứng viên đắc ý của Lê Duẫn, tổng bí thư đảng CSVN .

Đô Đốc Cang và hai người của ông Hữu chờ ông Minh. Ông không đến và Đô Đốc cũng không thể đến ông Minh được . Đô Đốc gọi thử ông Mérillon để nhờ ông gởi về Ba Lê một điện tín của ông Minh, nhưng vô ích. Ông đành phải nhận xét :

- "Tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể làm được, nhưng hiện giờ chúng ta không còn có một nhân vật chánh trị nào có giá nữa hết . Ngay như người ta lật đổ ông Minh xuống, cũng là một chuyện dễ thôi vì tướng Minh không còn chỉ huy ai nữa cả, thì tôi thấy cũng không có giải pháp nào. Tôi còn một nhiệm vụ phải làm : di tàn và cứu vãn ba chục ngàn người với các tàu chiến của tôi.

Do đó giải pháp Trần văn Hữu bị chết trong trứng nước .

Đến gần nửa đêm, gần 20 người có trách nhiệm ở tòa đại sứ họp nhau lại. Người ta phải xem lại các danh sách của người Việt Nam bắt buộc phải cho di tản, nhất là những người sẽ gặp nhiều nguy cơ trong trường hợp cộng sản Bắc Việt chiếm được Sài Gòn . Phải di tản ít nhất mười ngàn người ngày mai. Không thể được ư ? Vậy thì là hai ngàn...

Trong lúc đó, ở Hoa Thạnh Đốn , ông đại sứ Liên Xô, Dobrybine xem xét các câu hỏi mà ông Kissinger đã yêu cầu ông chuyển cho Hà Nội:

1.- Bắc Việt có sẳn sàng thương thảo với tướng Dương văn Minh không ?

2.- Bắc Việt có sẳn sàng chấp nhận sự hiện diện tối thiểu của người Mỹ ở Sài Gòn không ?

3.- Bắc Việt có sẳn sàng để cho cuộc di tản của người Mỹ được dễ dàng không ?

a)- một hành lang không phận đến Sài Gòn

b)- quốc lộ từ Sài Gòn đến Vũng Tàu phải được lưu thông tự do.

Những câu trả lời thẳng thắng và trực tiếp đã được nghe. Sau đó không lâu Đài phát thanh giải phóng xác nhận trong một bản tin là :" Giữ lại tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, dù là với nhân số tối thiểu, không có nghĩa là một sự bất can thiệp của Hoa Kỳ" Nói như vậy là có ý nghĩa gì đây?

Ở Hoa Thạnh Đốn cũng như ở Sài Gòn người ta gợi lên một sự "tắm máu" trong tương lai. Dường như ở Đà Nẵng các cảnh sát đã bị chặt đầu, ở Ban Mê Thuột thì các công chức bị xử bắn. Còn các chỗ khác nữa, các sĩ quan của Miền Nam bị trói tay và bị hành quyết bằng lựu đạn . Các công chức cao cấp nhận xét là trong thập niên 50, sau khi làm chủ được Miền Bắc, cộng sản đã hành quyết trên năm chục ngàn người . Ông Wolfgang Lehmann thì nghĩ rằng các cuộc hành quyết hay thanh toán đó sẽ được cộng sản thi hành trong dài hạn.

Trong những ngày sau cùng nầy, tòa đại sứ đã nặng tay đối với báo chí. Các ký giả của tờ Newsweek đã phỏng vấn nhiều người dân tỵ nạn và đã đi đến một kết luận rằng người ta thấy rất ít nhân chứng trực tiếp của những hành động tàn bạo nầy. Để cho họ thấy sự thật, ông Martin ra lệnh cho họ xem những công điện trong đó có nêu rõ các cuộc hành quyết ở Đà Nẵng , ở Ban Mê Thuột và ở các nơi khác. Các nhà ngoại giao thú thật với các nhà báo là người ta đã chọn cho họ những điện tín có tính gây lo sợ. Có người lại còn nói họ có hơi nghi ngờ đề tài của các bức điện tín đó. Dù sao thì hiển nhiên là phải di tản những người Việt Nam đã từng làm việc với người Mỹ ở Sài Gòn và ở Cần Thơ và nhất là những cộng tác viên của Trung Ương Tình Báo CIA. Hình như không có gì dự trù cho nhân viên ngành Thông Tin. Ông Alan Carter tỏ ra rất lo ngại cho 50 nhân viên người Việt Nam của ông.

Trừ tòa đại sứ Pháp, các tòa đại sứ khác đã dọn trống, hầu hết đều dùng phi cơ. Ông John Bushell, đại sứ Anh Quốc, muốn ở lại tại chỗ, sau khi đã di tản hết nhân viên và khoảng 12 binh sĩ hoàng gia đã từng giữ an ninh cho tòa đại sứ của mình. Thủ Tướng Anh, ông James Callaghan đã thân mật bảo ông phải chuồn đi. Ông John yêu cầu cho ông một tàu phóng ngư lôi. Thật là quá phù phiếm !. Nhưng nếu người ta đánh chìm chiếc tàu nầy trên sông Sài Gòn thì hậu quả sẽ rất là tai hại. Người ta gởi cho ông 4 phi cơ Hercules của Không Lực Hoàng Gia Anh, được quá cảnh ở Tân gia Ba. Được bỏ trống, tòa đại sứ Anh được xử dụng như chỗ trú của các công chức Miền Nam và cảnh sát. Có một số tòa đại sứ đã bỏ quên nhân viên người Việt Nam của họ lúc nào cũng mong muốn được ra đi, họ đã xử sự không tốt như một số công ty tư nhân ngoại quốc. Những công ty nầy đã tỏ ra lo lắng cho nhân viên người Việt của mình, đó là các cơ quan báo chí, truyền hình và truyền thanh, các nhật báo và các tuần báo. Những người có trách nhiệm đã có biện pháp thận trọng, từ tháng 2 /75. Có nhiều người đã thuê bao phi cơ của công ty công Eckes, Hảng Dịch Vụ Hàng Không Continental. Các công ty thuộc giới thông tin rất cần phi cơ chẳng những để thu hình hay gởi ra ngoài những hình ảnh đã rửa hoặc chưa rửa, mà cũng còn để di tản nhân viên của mình vào giờ chót. Họ không hề bỏ nhân viên của mình hay gia đình của nhân viên ở lại. Các hãng CBS, ABC, NBC đã dự trù một cầu không vận để đưa họ về Tân Gia Ba hay Hong Kong. Hãng Associated Press đã gởi một phi cơ loại nhỏ đến Phnom Penh, để bốc các phóng viên người Cam Bốt của họ, lúc Cam Bốt bị thất thủ. Một vị Phó Chủ tịch của hãng NBC đã đích thân lo lắng cho một anh tài xế và cả gia đình đông con của anh ta.

Tại phi trường, tất cả các người có thiện chí đều được hoan nghênh. Những người tình nguyện như ông Jim Eckes, đã lên danh sách, đưa những người tỵ nạn ra tận phi cơ vốn phải cất cánh từng 45 phút một. Khi những người tỵ nạn không có đủ giấy tờ hợp lệ thì có những người tình nguyện và ngay những công chức hộ tống họ đến các phi cơ bay đi Guam hay đi bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Hoa Kỳ . Như vậy một khi được đến nơi rồi thì họ không thể nào bị đuổi về lại Việt Nam được . Thí dụ như khi đến Phi luật Tân, người tỵ nạn sẽ gặp nhiều nguy cơ sẽ có nhiều vấn đề mới được vào nước Mỹ.

Trong ngày 28 tháng 4, các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ có nhiệm vụ phải bảo vệ cuộc di tản, đã có cảm tưởng là đã bị tòa đại sứ quan trọng hóa vấn đề .Một toán Thủy Quân Lục Chiến gồm có một trung úy, một hạ sĩ quan , 36 binh sĩ và 2 y tá đến Tân Sơn Nhất theo lệnh của Ngũ Giác Đài.. Từ lúc đến phi trường, các Thủy Quân Lục Chiến nầy rất lấy làm thất vọng. Mấy ngày trước đó, 4 sĩ quan và 1 hạ sĩ quan thuộc nhóm tiền đạo đã thấy tại chỗ là những sự chuẩn bị cho cuộc di tản rất là "mù mờ". Thủy Quân Lục Chiến thì chỉ biết có một việc di tản thôi, và họ trực thuộc thẳng Bộ Tư Lệnh của họ về mặt quân sự . Nhưng tòa đại sứ thì phải chịu trách nhiệm về sự di tản nhân viên của họ. Ông Martin lại không muốn tạo ra một cảm tưởng triệt thoái để tránh tình trạng hoãng loạn cho dân chúng Việt Nam . Có rất nhiều cuộc bàn thảo giữa tòa đại sứ và các sĩ quan nầy, rất là cần thiết, để Thủy Quân Lục Chiến có thể chuẩn bị những bãi đáp trực thăng ở Tân Sơn Nhất , như phá bỏ các sân quần vợt, và bố trí lại các hàng rào kẽm gai. Ông Martin thì lại ngăn cản.. Từ lâu rồi, Bộ Tư Lệnh tối cao ở Honolulu đã soạn sẳn nhiều đường lối hành động.(1)

Lệnh di tản ồ ạt những người Mỹ bằng phi cơ đã được ban hành ngày 22 tháng 4. Thủy Quân Lục Chiến phải dự trù một cuộc di tản, căn cứ duy nhất trên việc xử dụng trực thăng mà thôi: đó là phương thức có tên là "Cánh Thông Thường". Tên mật mã cũ "Như Gót Chân" đã được thay đổi vì đã bị tiết lộ. Kế hoạch khuyến cáo nên có 13 điểm tập trung trong thành phố, để bốc đi những người Mỹ cuối cùng và đưa họ ra phi trường. Là những người chuyên môn nên Thủy Quân Lục Chiến họ muốn gắn những cọc tiêu chiếu sáng trên các nóc nhà liên quan đến 13 điểm bốc đó. Tòa đại sứ phản đối cũng luôn luôn chỉ vì vấn đề sợ dân chúng hoãng loạn. Trong một bản phúc trình cuối cùng của mình, tướng Richard Carey, chỉ huy trưởng toán lực lượng Thủy Quân Lục Chiến nầy đã viết:

"Có nhiều việc đã được thực hiện mà không có sự phê chuẩn chánh thức" (nguyên tác: được diễn dịch ra là không có phép của ông Graham Martin). Có một chi tiết quan trọng, đó là kế hoạch di tản không lúc nào có dự trù là các trực thăng loại lớn sẽ đáp xuống nóc tòa đại sứ. Người ta dự trù tiến hành cuộc di tản như thể các đường bay ở phi trường còn xử dụng được trong dài hạn, tức là xử dụng phi cơ."

Người ta có cảm tưởng rằng ông Martin, bị dính cứng vào ý nghĩ của một cuộc hưu chiến, nên ông ta tưởng rằng cuộc di tản sẽ được bảo vệ, do lực lượng an ninh trật tự chung gồm có Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ , binh sĩ của Miền Nam Việt Nam và , tại sao không , luôn cả cảnh sát và bộ đội Bắc Việt ?

Ông Dương văn Minh cho người gọi điện thoại báo cho tướng Kỳ.

- " Đại tướng Minh muốn gặp Thiếu tướng vào sáng ngày mai ở Dinh Tổng Thống ."

Tướng Kỳ đã đổi ý. Hầu hết các sĩ quan của ông đều khuyên ông không nên đến Dinh Độc Lập theo lời mời đó. Vì nếu họ muốn bắt giữ để cô lập ông thì sao ? Hay nếu họ muốn trao ông cho Bắc Việt thì sao ? Thật ra, tâm địa của tướng Minh và tướng Kỳ hoàn toàn khác nhau để hai người có thể nghe lẫn nhau. Bốc đồng và sôi sục, tướng Kỳ luôn nghĩ về một sự chiến đấu hơn là một sự thương thảo mà ông không bao giờ tin. Còn ông Minh thì huởn đãi và hay tránh né, nên nhắm vào một cuộc hưu chiến. Trong giới có nhiều thủ đoạn chánh trị ở Sài Gòn, hai ông Minh và Kỳ nương nhau, người trẻ thì kính nể người lớn tuổi hơn mình, nhưng không người nào ưa người nào. Họ còn nghi ngờ nhau đến tuyệt đỉnh. Do vậy ông Kỳ sẽ không có đến gặp ông Dương văn Minh.

Lễ bàn giao quyền hành giữa Ông Trần văn Hương và ông Dương văn Minh được dự trù vào 9 giờ sáng. Nhưng theo lời yêu cầu của Tổng Thống Hương, buổi lễ được dời lại vào buổi trưa. Ông muốn buổi lể được tổ chức một cách trọng thể, nên ông đã nói là gần như hai người còn có nhiều tuần lễ trước mặt họ vậy :

- " Người ta không thể bàn giao trách nhiệm và quyền hạn như trao một khăn tay được " (nguyên tác: pas comme un mouchoir)

Ở các vùng ngoại ô của Sài Gòn, binh sĩ còn dựng lên những bức tường phòng thủ bằng bao cát, và bố trí các ổ súng liên thanh và bách kích pháo. Dân tỵ nạn tràn vào thành phồ ngàn nầy sang ngàn khác. Trên quốc lộ Sài Gòn- Biên Hòa các đoàn xe quân sự và dân sự lẫn lộn với các xe bò, đã làm tê liệt lưu thông. Các đơn vị quân cảnh, vốn chưa hề hấn gì, nhận được quá nhiều lệnh, lệnh nầy mâu thuẩn với lệnh kia..

Các tiệm buôn bán nữ trang ở đường Tự Do đã đóng cửa. Vàng lá càng ngày càng khó tìm. Ở phi trường, những Mỹ đi dạo chơi, tay lo le cầm hằng xấp tiền và mỹ kim để tán tỉnh các lính gác và cảnh sát. Việc phân phát thư từ vẫn còn rất bình thường.

Ở tư thất của ông Dương văn Minh, điện thoại cứ reo không dứt. Hồi 15 giờ, ông Minh nói với tướng Timmes rằng ông nghĩ là cộng sản sẽ thương thảo với ông ta. . Sau đó không lâu, ông Minh nhận được điện thoại từ Băng Cốc của Ngô công Đức, chủ nhiệm báo Tia Sáng, cho biết là anh ta từ Ba Lê về mà không đến Sài Gòn được :

- "Ông đừng nên nhận ghế Tổng Thống , đã quá trễ rồi. Cộng sản không có một ý định nào về chuyện thương thảo đâu."



Buổi lễ bàn giao được tổ chức vào lúc 17 giờ. Cổng rào của Dinh Độc Lập được mở rộng, và gần như không có lính gác. Các dân biểu, nghị sĩ, các quân nhân, nhà báo vào thong thả, không có bị kiểm soát . Trên hàng ghế đặt trước khán đài người ta thấy sự có mặt của các sĩ quan , các cựu Tổng Trưởng và công chức cao cấp, hàng giáo phẩm Công Giáo, và các lãnh đạo Phật Giáo, với đồng phục rất chỉnh tề đầy màu sắc... Đại tá Hòa đích thân coi về công tác thu hình của các toán nhân viên truyền hình.. Trời đang nóng bức bắt đầu có vẻ ẩm ướt. Cơn gió mạnh thường thổi trước khi có giông bão làm lay chuyển các cây dừa nước ngoài bãi cỏ và những tấm màn trắng treo ở cửa sổ của phòng tiếp tân ..

Ông Trần văn Hương, tay chống gậy, được một cộng sự viên dìu ra, lên tiếng đầu tiên lác 17 giờ 15 phút. Ông nói :

- " Tuổi tác và sự bệnh hoạn của tôi không cho phép tôi điều khiển được đất nước trong giờ phút khó khăn nầy...

Trời đã bắt đầu mưa. Hướng về ông Dương văn Minh, ông nói tiếp :

- " Thưa Đại tướng, nhiệm vụ của ông rất nặng..

Sau đó là một sự yên lặng kéo dài. Khán đài vẫn trống, Không một ai nhúc nhích. Mọi việc diễn tiến gần như không có dự trù trong nghi thức của buổi lễ. Ông Dương văn Minh thì vẫn ngồi yên tại chỗ. Tất cả cử tọa nhìn nhau. Một nhân sĩ người của ông Minh đứng dậy và đi đến khán đài. Một người lính trẻ gỡ cờ hiệu cũ của nền đê nhị Cộng Hòa xuống, thay vào đó một tấm biển trên đó có khắc tượng trưng một hoa mai nở trên hai cánh âm dương kiểu Tàu -hai lực đối trọng nhau của Trời Đất- , với ý nghĩa là 2 lực lượng chống đối nhau của Việt Nam trên con đường hòa hợp hòa giải chăng ?

Ông Dương văn Minh đứng dậy, và với một giọng cứng cỏi hơn của ông Hương, ông nói :

- Chúng ta không hề có một ý định trả thù, và không có một lý do nào cấm cản những anh em cùng trong một nhà hòa giải với nhau.... Tôi có trách nhiệm tìm kiếm một sự hưu chiến.... Luật sư Nguyễn văn Huyền trong chức vụ Phó Tổng Thống là người đã chấp nhận sẽ giúp tôi trong công tác thương lượng. Ông Vũ văn Mẫu sẽ giữ ghế Thủ Tướng... Thưa đồng bào và anh chị em, trong những ngày cuối cùng nầy tình hình quá trầm trọng nên đã có nhiều nhóm Tôn Giáo và nhiều tướng lãnh đã yêu cầu tôi đảm nhiệm chức vụ Tổng Thống .... Một trong những quyết định chánh trị cấp thiết là trả tự do cho tất cả các tù nhân chánh trị và ngừng tất cả mọi kỳ thị phân biệt ngay trong giới truyền thông báo chí.

Ông Minh cất cao giọng lên để át tiếng sấm sét và tiếng mưa rơi nặng hột bên ngoài cửa sổ đang được mở rộng :

- " Sự thành công của Chánh Phủ sẽ tùy thuộc vào sự bình tĩnh và sự ủng hộ của đồng bào. Tôi kêu gọi tất cả những đảng phái chánh trị và tất cả các Giáo Hội Tôn Giáo. Hãy quên đi sự hận thù và sự nghi kỵ....

Anh em binh sĩ, tôi đã dâng gần hết cuộc đời của tôi cho Quân đội . Hơn tất cả mọi người, tôi biết rõ những khó khăn của các anh trong những tuần lễ sau cùng nầy. Bây giờ thì trang sử cũ đã được lật qua. Các anh có một bổn phận mới, gìn giữ lãnh thổ để bảo vệ hòa bình... Đừng buông bỏ vũ khí của mình và hãy tuyệt đối tuân lịnh cấp chỉ huy của mình. Mọi hành động vô kỷ luật sẽ bị trừng phạt ngay tức khắc.

Bây giờ một vài câu nói với các bạn ở "phía bên kia", CPLTCHMN :

Ông Minh tránh nói tới Hà Nội hay những sư đoàn Bắc Việt bởi vì cộng sản Việt Nam chưa bao giờ công nhận sự có mặt của họ ở Miền Nam . Không nên làm mất lòng họ.

- " .... Thật tình, chúng tôi muốn hòa giải. Các anh cũng biết là hòa giải đòi hỏi mỗi người chúng ta trong đất nước nầy đều phải tôn trọng quyền lợi của nhau...

Thưa đồng bào, thưa các bạn, trong những ngày sau cùng nầy, chúng ta tự hỏi tại sao có quá nhiều người đã lặng lẽ bỏ nước ra đi . Tôi muốn nói với các bạn là đừng bỏ đất nước thân yêu của chúng ta . Tôi van xin các bạn hãy can đảm lên. Hãy ở lại đây và hãy chấp nhận đệnh mệnh đã được Thượng Đế an bài. Tôi yêu cầu các bạn hãy ở lại và sống đoàn kết với nhau. Hãy cùng nhau xây dựng một Miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ và thạnh vượng để người Việt Nam có thể sống cùng chung với nhau trong tình anh em huynh đệ."

Tổng Thống Dương văn Minh đã nói trong vòng 20 phút.

Đối với nhiều khán thính giả Việt Nam của đài truyền thanh và truyền hình , cơn mưa và sấm sét trước gió mùa, là những điềm bất tường.

Cũng có một số người cố lấy lại sự can đảm. Kỹ sư Văn tự nhủ: về phương diện quân sự thì chúng ta đang ở thế yếu, nhưng cộng sản mà chiến thắng thì biết đâu họ sẽ tỏ ra nhân đạo hơn.

Ọng Minh chấm dứt diễn văn của ông hồi 17 giờ 48 phút.

Một giờ sau đó, trong khi các nhà ngoại giao, các chánh trị gia và các nhà báo còn đang phân tích bài nói chuyện của ông thì đài Giải Phóng đã bình luận về buổi lễ bàn giao nầy như sau :

- " Sau khi tên phản quốc Nguyễn văn Thiệu ra đi, thì những người lên thay ông ta, được biết là tập đoàn Dương văn Minh, Nguyễn văn Huyền và Vũ văn Mẫu, vẫn khăng khăng muốn vừa tiếp tục chiến tranh để giữ lãnh thổ hiện có, vừa hô hào thương thuyết. Rõ ràng là tập đoàn nầy tiếp tục ngoan cố muốn kéo dài chiến tranh để duy trì chế độ thực dân mới của Mỹ. Nhưng tập đoàn nầy không gạt được ai hết. Chiến trận chỉ sẽ chấm dứt khi nào tất cả binh sĩ của Sài Gòn buông súng xuống hết và các tàu chiến của Mỹ đã rời hết khỏi lãnh hải của Miền Nam Việt Nam . Hai điều kiện nầy của chúng tôi phải được thi hành thì mới có được ngừng bắn."

Con trai của Dương văn Minh cố gắng liên hệ với tòa đại sứ của CPLTCHMN ở Ba Lê, nhưng vô ích.

Lần đầu tiên, đài gải phóng đã tuyên bố rất rõ ràng là Dương văn Minh và các cộng sự viên của ông ta không phải là những người lãnh đạo được lực lượng thứ ba chấp nhận:

- "Các thành viên thuộc lực lượng thứ ba phải suy nghĩ kỹ lại lời kêu gọi của CPLTCHMN ... và tìm ra mưu mô của các tay sai của đế quốc Mỹ... Họ phải gia nhập vào lực lượng cách mạng ..."

Diễn dịch, và mọi người đều hiểu : không có một người nào ở Miền Nam Việt Nam ủng hộ Dương văn Minh như là kẻ được CPLTCHMN hay Hà Nội nhìn nhận như một người đối thoại.

Ông Trần văn Hương gọi điện thoại cho tướng Kỳ:

- " Chúng nó buộc tôi phải ra đi. Bây giờ thì ông muốn làm gì đó thì làm."

Như vậy những đề nghị chua chát nầy có ý nghĩa gì đây ? Một người như ông già Hương, hay bắt bẻ có thể nào lại chính là người đi xúi giục một cuộc đảo chánh ?



Vào lúc 18 giờ 15, sau buổi lễ trao quyền Tổng Thống cho Dương văn Minh, có 5 chiếc phi cơ loại A.37 (của Miền Nam) được phát hiện trên trục các đường bay chánh của Tân Sơn Nhất . Đài kiểm soát không lưu hỏi :

- "Các anh thuộc phi đội nào đây ?

Một phi công trả lời lạ lùng:
- Các phi cơ nầy đều được sản xuất ở nước Mỹ."

Các phi cơ bổ nhào xuống và thả bom gần khu thể thao và những văn phòng của tướng Homer Smith, nơi có 3000 người tỵ nạn Việt Nam đang chờ để được xe đưa lên phi cơ di tản, gây một phen hoảng sợ.

Ông Jim Eckes lúc đó đang dứng gần dảy hăng-ga của hãng Dịch Vụ Hàng Không Continental. Ông đã gọi một phi cơ loại nhỏ từ Băng Cốc đến, chiếc Baron, và đang sửa soạn ra đi.. Ông phải nhảy xuống một hầm trú ẩn đầy nước . Ở đâu cũng có tiếng súng nổ, có những tràng đại liên ròn rã. Từ Dinh Độc Lập và từ các chiến hạm đậu ở bến Bạch Đằng, các cao xạ phòng không đang bắn lên. Phi công của chiếc Baron giục ông Eckes lên phi cơ.

- "Jim, ta đi thôi !

Ngoài phi trường, có nhiều thiệt hại quan trọng. Có cả những trực thăng và phi cơ quân sự, 3 chiếc AC-119 và 4 chiếc C.47 bị phá hủy. Chiếc Baron đang đậu trên một đường bay nhỏ gần hăng-ga của hãng Hàng Không Air America. Ông Eckes và viên phi công lên xe chạy thẳng đến chiếc Baron. Có nhiều binh sĩ Việt Nam bắn vào họ. Họ tưởng rằng bộ đội Bắc Việt tấn công phi trường. Các phi cơ địch bay trở lại. Chiếc Baron cất cánh bay lên cao, đạn phòng không nổ chung quanh họ . Phi cơ bay vút lên cao và lấy hướng trường đua ngựa để vào Chợ Lớn.

Hai phi công Việt Nam đã bay lên với 2 chiếc F.5A để săn đuổi các phi cơ địch, nhưng họ đã bay đi mất hút.

Ông Dương văn Minh vừa mới yêu cầu ngừng bắn, là Bắc Việt đã leo lên thêm một nấc thang chiến tranh, vì giờ đây họ đang xử dụng phi cơ. Phi tuần tấn công được một phi công Miền Nam Việt Nam đào ngũ hướng dẫn, người phi công nầy đã bay vào thả bom xuống dinh Độc Lập cách đây mấy ngày. Tướng Văn tiến Dũng nói :

- " Một cuộc tấn công được phối hợp rất tốt, một cuộc hành quân liên quân rất là hoàn hảo do tất cả các lực lượng của chúng ta thực hiện. "

Tướng Tư Lệnh quân Bắc Việt đã nói quá lời. Có rất nhiều trái bom đã rơi trên đồng ruộng. Nhưng người trung úy phi công đào ngũ cũng đã dạy các phi công lái những chiếc MIG của Bắc Việt cách xử dụng các chiếc phi cơ A.37. Cuộc hành quân nầy được đặt tên là "Quyết định để thắng", có cả 2 mục tiêu chánh trị và quân sự . Rất rõ ràng cho những ai còn nghi ngờ: đó là không bao giờ có chuyện thương thuyết. Bây giờ thì tướng Tư Lệnh Không Quân Miền Nam Việt Nam đã đồng ý với ông Eric Von Marbod, ra lệnh cho tất cả phi cơ của Việt Nam Cộng Hòa bay hết sang Thái Lan.

Vài giờ sau bài diễn văn của ông Dương văn Minh, đại diện của CPLTCHMN ở Ba Lê loan báo rằng "dân chúng ở Sài Gòn đã đồng loạt nổi dậy.... Binh sĩ Sài Gòn đã buông súng xuống và đã đầu hàng..."

Phịa và Phịa lại gặp nhau: ở Sài Gòn đã có nhiều người quả quyết là binh sĩ người Pháp đã đổ bộ.

Tại thủ đô nước Pháp, đại sứ Bắc Việt Võ văn Sung và đại diện của CPLTCHMN Phạm văn Ba được ông Tổng Trưởng Ngoại Giao Jean Sauvagnargues tiếp. Vừa ra khỏi Thủ Tướng Phủ, người ta hỏi đại sứ Bắc Việt tại sao ông Dương văn Minh không được xem là một người đối thoại có giá . Một nhà báo ghi nhận là ông Minh đã thỏa mãn hai điều kiện tiên quyết đã được CPLTCHMN đưa ra từ 48 giờ trước , "thi hành đúng theo Hiệp Định Balê, và bãi bỏ chánh quyền Sài Gòn ".

- "Không phải là trường hợp đó", đại sứ trả lời cụt ngủn, vô nghĩa

Ông Tổng Trưởng Ngoại Giao Pháp buộc miệng phát biểu:

- " Tất cả các điều kiện cho một giải pháp chánh trị hình như đã được thực hiện. Chúng tôi rất ngạc nhiên là giải pháp đó không được tiến hành...

Các đơn vị thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hòa ở chung quanh Sài Gòn và ở Đồng Bằng sông Cửu Long đã liên lạc với Bộ Tổng Tham Mưu Sài Gòn để yêu cầu được đặt trực tiếp dưới sự chỉ huy cùa Bộ. Trong các đơn vị nầy người ta nhận thấy họ thuộc các binh chủng Thiết Giáp Biệt động Quân , Nhãy Dù .

Về phía Bắc của thủ đô, các kho đạn và kho xăng đang bốc cháy với những ngọn lửa cao màu đỏ và tím...

Bộ máy hành chánh còn đang chạy. Các sĩ quan thuộc cơ quan hành chánh tài chánh của tướng Homer Smith đang họp. Để thanh toán hết các chương mục, vị sĩ quan tài chánh cần có 300 triệu đồng bạc Việt Nam . Phải đến nhận số tiền nầy ở tòa đại sứ. Biết rằng phải cho các nhân viên Việt Nam thuộc các cơ quan của tướng Smith nghỉ việc, người ta đã sẳn sàng mọi thủ tục hành chánh về chuyện bồi thường cho nghỉ việc. Nhưng một phần của sở tài chánh đã được chuyển về Honolulu năm ngày trước rồi với một số hóa đơn chưa được thanh toán và những giao kèo đang thực hiện. Hóa đơn chót nhất ký ngày 17 tháng 4 về 45 ngàn chiếc áo mưa với trị giá là 220.500 mỹ kim.

Vào buổi chiều, ông Martin quyết định là "ngày mai sẽ di tản mười ngàn người . Ông ta đã nhận được một công điện từ Hoa Thạnh Đốn của ông Kissinger:"

- "Sáng nay, trong buổi họp của toán "hành động đặc biệt" (2), tất cả các đại diện của các cơ quan, ngành đều nghĩ rằng chúng ta chỉ còn tối đa từ một đến 3 ngày trước sự sụp đổ hoàn toàn về quân sự và trước khi phi trường Tân Sơn Nhất không còn xử dụng được nữa."

Ông Kissinger mong muốn đích thân ông Martin phải rời khỏi Sài Gòn trên chuyến bay cuối cùng "chuyến 130 chót". Ông Tổng Trưởng lo lắng cho số phận của các nhân viên tòa đại sứ Hoa Kỳ . Ông không phải là người thích giữ lại một sự hiện diện quan trọng dưới một chính phủ bị cộng sản thống trị. Các nhà ngoại giao và các nhân viên nào bị kẹt ở lại đều có thể "biến thành con tin". Phải hết sức thận trọng :Tôi nghĩ là chúng ta không thể phí thì giờ khi mà Sài Gòn sấp rơi từ một thể chế trung lập vào tay của người cộng sản.... Đến lúc đó, chúng ta sẽ không còn một nghĩa vụ nào nữa hết, và chúng ta phải nhìn tất cả sự việc với một nhãn quan mới."

Tối hôm đó, cũng hơi khuya, có nhiều chiếc phi cơ vận tải C.130 chở đầy vũ khí đạn dược đáp xuống Tân Sơn Nhất . Trên đường về mỗi chiếc chở theo 180 hành khách, tất cả đều là dân tỵ nạn người Việt Nam .

Tại Băng Cốc ông Jim Eckes cùng đến với những người Mỹ khác, sau khi đã tránh không bay qua ngang không phận Cam Bốt. Ông sực nhớ tới tất cả những người Việt Nam , hằng trăm người , mà ông không thể giúp cho di tản được . Nhất là ông nhớ đến Tân Sơn Nhất là một trong những sân bay có nhiều hoạt động tích cực nhất trên thế giới, nhớ tới những công trường mà thợ thuyền còn đang làm việc cách đó vài phút trước cuộc tấn công của các phi công Bắc Việt , nhớ tới những dãy nhà và những công trình đang được xây , nhớ tới những cảnh sát viên, những nhân viên hải quan luôn tươi cười nhưng lãnh đạm, nhớ đến những hồ sơ đầy bụi, nhớ cái điện thoại và cả cuộc đời mấy tháng dài sống ở đó,,,,

Cũng giống như hằng ngàn, hằng trăm ngàn người Mỹ khác, cả dân sự và quân sự đã từng đến ở Việt Nam ,ông Jim Eckes tự hỏi bây giờ làm thế nào để ông có thể đưa đi môt người bạn nầy hay một người bạn Việt Nam khác, những người đã không kịp trốn đi khỏi đất nước Việt Nam ?