Chương 3 - Những bức thơ của ông Nixon


Tất cả những binh sĩ Hoa Kỳ , những cố vấn Mỹ trong các đơn vị QLVNCH, những chuyên viên, những tổ chức bán quân sự Hoa Kỳ, tất cả đều rời khòi Việt Nam từ tháng ba năm 1973. Hoa Kỳ tôn trọng điều 5 của Hiệp Định Paris: điều nầy qui định là tất cả các lực lượng của họ phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 60 ngày. Dư luận chánh trị , Quốc Hội và những người Mỹ nhắm mắt giữ đúng luật đều chống lại mọi vi phạm quá rõ rệt Hiệp Định. Trước khi ký Hiệp Định, người Mỹ cũng đã có gian lận phần nào khi họ tăng cường thêm đạn dược và một số vũ khí tối tân cho Miền Nam Việt Nam : Ngũ Giác Đài dĩ nhiên không muốn mang tiếng xấu là đã để lại cho Miền Nam quân dụng không tốt. Bây giờ thì chỉ còn khoản 8000 công dân Mỹ ở Miền Nam Việt Nam . Riêng Tòa Đại sứ đã có danh sách 2300 người rồi. Bây giờ họ chỉ là người đỡ đầu thôi, với ít quyền lợi và bổn phận hơn. Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, một trung tâm đầu não cũa người Mỹ, nằm cách Dinh Dộc Lập của Tổng Thống Thiệu chừng vài trăm thước, trông giống như một cái đồn. Trong cuộc tấn công hồi Tết Mậu Thân 1968 có một toán đặc công cộng sản đã đột nhập vào được một góc trong vài tiếng đồng hồ.

Từ văn phòng của ông ở lầu 2, nằm giữa ban kinh tế và ban chánh trị , Đại sứ Graham Martin cai quản rất nhiều cơ quan trực thuộc ở khắp SàiGòn và 4 tòa Lãnh sự. Ở các tỉnh thì ông cũng có nhiều tai mắt, phần lớn các ông "phó lãnh sự" đều là nhân viên của cơ quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ (CIA). Những người nầy báo cáo thẳng về văn phòng của ông Thomas Polgar, trưởng lưới CIA, nằm ở lầu 4 của Tòa Đại sứ, bên cạnh một trung tâm truyền tin tân tiến. Trực thuộc Tòa Đại sứ còn có Phòng Thông Tin Hoa Kỳ nằm ở lầu 1, ngay trên thư viện Lincoln, và cơ quan Nghiên Cứu & Phát Triển nằm ở những dãy nhà gần Câu lạc bộ thể thao SàiGòn.

Tòa Đại sứ có hai cơ quan thiết yếu vừa có đông nhân viên vừa có nhiệm vụ quan trọng. Đó là Phòng Trung Ương Tình Báo CIA và Phòng Tùy Viên Quân Lực Hoa Kỳ . Ngay tại SàiGòn không thôi, cơ quan CIA đã xử dụng 300 nhân viên tính luôn cả thơ ký và nhân viên mật mã. Nhiều người phải ra ở khách sạn DUC, ở đây thường có đông người ở quầy rượu, hồ bơi và bãi tắm nắng.

Phòng Tùy Viên đặc trách về phòng thủ (DAO : Defense Attache Office) một tổ chức duy nhất trên thế giới nầy, là một cơ quan lớn nhất, gồm có 50 quân nhân và 1200 nhân viên dân chính, dưới quyền của tướng Homer Smith, chuyên viên về tiếp vận. Có khoản 100 người là binh sĩ ở trong tình trạng giải ngũ tạm thời làm việc như nhân công khế ước . Tướng Smith là một tùy viên quân sự đặc biệt trực thuộc thẳng với Đại sứ. Nhưng là một cấp tướng, ông còn trực thuộc với Bộ Tham Mưu Liên Quân ở Ngũ Giác Đài, Hoa thạnh Đốn, một hệ thống chỉ huy nặng nề trong không gian và thời gian đã có từ khi có chiến tranh. Tướng Smith rất hợp với ông Martin, còn Alan Carter , trưởng Phòng Thông Tin, thì lại lạnh nhạt với Đại sứ của mình, vì bị chỉ trích là nói quá nhiều với các nhà báo. Nhà cầm quyền ở SàiGòn cũng như ở Hà Nội đều biết về cái tổ hợp ngoại giao nho nhỏ đầy thương yêu lẫn tỵ hiềm kín đáo nầy.

Phòng Tùy Viên của tướng Smith và các ban ngành trực thuộc đã chiếm đóng lại hết các cơ sở của Bộ Tư Lệnh Quân lực Hoa Kỳ ở Việt Nam, từ Tổng hành dinh đến các rạp chiếu bóng, hồ bơi, phạn điếm, câu lạc bộ... ở ngay sân bay Tân sơn Nhứt. Tướng Smith coi về việc cấp phát quân dụng và gởi người đến thanh tra các đơn vị thuộc quân đội Miền Nam Việt Nam . Một công việc rất phức tạp. Bắc Việt thì báo cáo láo với Liên Xô và Trung Quốc về tình trạng tồn kho của mình, còn Miền Nam thì cũng không khác gì đối với người Mỹ. Dựa theo các báo cáo từ hơn 10 cơ quan ở các tỉnh gởi về, Phòng Tùy Viên Quân Lực soạn thảo phúc trình về tình hình vi phạm Lệnh ngừng bắn của Hiệp Định Paris, một việc mà Ủy Ban Quốc Tế ít khi chịu làm.

Cơ quan CIA cũng có mặt ở phi trường Tân sơn Nhất, rất dễ nhận với các chiếc phi cơ và trực thăng sơn màu sậm và trắng của hàng không Air America. Vào những năm cuối thập niên 60, thời kỳ tốt nhất, Air America có tới 5600 nhân viên. Các phi công, thường là cựu quân nhân rất hiểu biết về Việt Nam . Lương của những người nầy thường lên đến 45.000 kỹ kim một năm (khoản 200.000 quan Pháp) mà một nửa khỏi bị trừ thuế.

Từ ngày ký Hiệp Định, Air America thường được dùng để chuyên chở nhân viên của Ủy Ban Quốc Tế, kể cả các thành viên Ba Lan và Hung gia Lợi. Kể từ khi Ủy Ban đến SàiGòn, Polgar giải thích là nếu các thành viên của Ủy Ban Quốc Tế gồm có Gia nã Đại (sau nầy được Iran thay thế), Nam Dương, Ba Lan và Hung gia Lơị, mang theo phi cơ của họ nữa thì chắc chắn sẽ có nhiều tai nạn xảy ra lắm. Do đó ông đề nghị dùng phi cơ của hàng không Air America. Mọi người ai cũng biết phi cơ nầy là của CIA. Đại sứ Ba Lan đầu tiên của Ủy Ban trước kia là giám đốc hàng không LOT của Ba Lan nên rất am tường vấn đề và thúc đẩy các đồng chí Hung gia Lơi của ông nên chấp nhận đề nghị của Polgar. Đề nghị nầy giúp hai phái đoàn nầy tiết kiệm được ngoại tệ mà các nước Đông Âu nầy vốn thiếu. Và như vậy cũng tránh được tai nạn. Nhưng có một lần người của Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đã bắn hạ hai trực thăng của Ủy Ban Quốc Tế. Một trong hai chiếc đó có chở một sĩ quan Bắc Việt .

Ủy Ban Quốc Tế có một Tổng hành dinh ở trong thành phố và các cơ sở khác thì đóng ở sân bay Tân sơn Nhứt. Nhiệm vụ của Ủy Ban là Kiểm soát và Giám sát việc ngừng bắn, nhưng họ không kiểm soát gì hết và cũng không giám sát được bao nhiêu. Do đó phía Gia nã Đại nhanh chóng mĩa mai chuyển danh từ tiếng Pháp CICS (Comité internationale de Controle et de Surveillance) ra tiếng Anh ICCS (International Committee of Control and Survey) để họ đọc trại ra là "I Can't Control Shit" (Tôi không kiểm soát được gì hết, tôi chỉ kiểm soát mấy cục gạch chơi thôi !) Người Miền Nam Việt Nam hằn học hơn dịch ra là "Im Cho Coi Sao" (ngồi yên lặng chơi để coi cái gì sẽ xảy ra !)

Hiệp Định Paris dành trọn 18 điều khoản cho cơ cấu pháp lý nầy, trên nguyên tắc CICS ( Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát và Giám Sát Ngừng Bắn) thay thế cho CIC (Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến), một ủy ban "hữu danh vô thực " có mặt ở cả SàiGòn và Hà Nội từ 1954 cho đến 1973 mà không có làm gì hết. Phái đoàn Gia nã Đại thấy rõ là Ủy Ban không hữu hiệu nên họ nhanh chân rút lui khỏi Ủy Ban, và họ được phái đoàn hoàng gia Ba Tư (IRAN) thay thế. Như vậy Hoàng đế Ba Tư coi như bước vào sân khấu quốc tế.

Các thành viên của Ủy Ban Quốc Tế nầy có nhiệm vụ phải đi điều tra mỗi lần một trong Hai Bên có báo cáo hay phản kháng về vi phạm Hiệp Định của phía Bên kia. Và trên nguyên tắc tất cả các quyết định của Ủy Ban đều phải đạt được sự "đồng thuận". Hai phái đoàn Ba Lan và Hung gia Lợi luôn luôn khước từ mọi sự điều tra vi phạm do Chánh Phủ SàiGòn yêu cầu, Từ đó hai phái đoàn Nam Dương và Ba Tư chán nản vì họ thường đơn phương đi điều tra. Dù công việc có trịnh trọng thì trên phương diện pháp lý những bản phúc trình của họ cũng không có giá trị (vì thiếu chữ ký của Ba Lanvà Hung gia Lợi).

Ngày 10 tháng giêng 1975, một người Ba Lan và một người Hung gia Lợi cùng hai cộng sự viên Ba Tư và Nam Dương đồng ký tên trong một bản phúc trình xét thấy bất lợi cho Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam , trong quận Long Khánh nằm về hướng Đông Bắc SàiGòn 80 cây số. Khi về đến SàiGòn, được cấp trên của họ khiển trách và nhắc nhở, hai người Ba Lan và Hung gia Lợi nầy khai là họ bị bắt buộc phải ký vào văn kiện nầy mà không hiểu gì hết.

Hiệp Định Paris dự trù triển khai 7 toán Quốc Tế ở địa phương để giám sát quân dụng khi có sự thay thế. Các thành viên của Ủy Ban Quốc Tế đều biết rằng phần lớn những toán địa phương nầy không bao giờ được thành lập và không bao giờ có mặt đầy đủ ở những địa điểm hay địa phương được quy định. Khởi đầu quân số của Ủy Ban Quốc Tế tính chung là 3.300 người . Tổ chức nầy lần lần trở thành một cơ cấu hành chánh nặng nề, tự nuôi sống lấy. Họ không có quan sát viên ở tỉnh Phước Long. Trường hợp rất điển hình: Việt Nam Cộng Hòa yêu cầu họ có thái độ, Phái đoàn Ba Lan và Hung gia Lợi thì đổ thừa là họ "thiếu tin tức" , Phái đoàn Nam Dương và Ba Tư đề nghị gởi các toán quan sát lên xem, Phía Ba Lan và Hung gia Lợi từ chối hẳn, viện lẽ "không có an ninh". Cho nên ở SàiGòn không có ai ngạc nhiên hết.

Sỹ quan của Ủy Ban thường tổ chức tiệc tùng ăn uống, chơi tennis hoặc bơi lội ở Câu lạc bộ Thể Thao SàiGòn nhưng lúc nào cũng làm ra vẻ tài phán. Các báo cáo phản kháng vi phạm thì luôn luôn bị xếp xó bằng phủ quyết để không đi đến đâu cả. Trong những phiên đại hội, người ta không bàn cải về Phước Long, trừ khi để lấy một quyết định quan trọng và nhanh chóng là người ta không thể làm gì hết. Người ta dùng thì giờ để bàn cãi những chuyện thiết thực hơn như : tại sao hồ bơi ở Tân sơn Nhứt không chịu thay nước mỗi ngày ? Tuần nầy chúng ta được cấp bao nhiêu xăng ? Giá mỗi phần ăn ở Câu lạc bộ có cao lắm không ? Làm sao cho sửa chữa các máy điều hòa ? Chiều nay phái đoàn nào sẽ đại diện cho Ủy Ban chúng ta ở Tòa Đại sứ Pháp ? và ngày mai ở Tòa Đại sứ Úc Châu ? Các phái đoàn sẽ cho trình chiếu phim gì ở phòng chiếu bóng ?..... v.v...

Đối với người Ba Lan và Hung gia Lợi thì đây là chuyến du hành đầu tiên ra nước ngoài của họ. Họ chóa mắt về đồng lương được trả bằng mỹ kim cho họ. Họ di chuyển trong thành phố bằng những xe buýt có lưới che ngừa lựu đạn, thăm viếng các đình chùa, mua sắm nữ trang và vàng, chơi gái và học cách chơi bóng bầu dục của Hoa Kỳ . Trong những buổi dạ hội ở SàiGòn tướng Czeslaw nặng nề và đại sứ Fijalkowski mảnh dẻ hơn, đều tỏ ra bình dân. Họ hôn tay kiểu Ba Lan rất là vui vẻ và lịch thiệp. Tướng Dega còn làm ngạc nhiên nhiều người khi ông cất tiếng ca tụng "cuộc cách mạng trắng của hoàng đế Ba Tư " và những "dự án cải cách đầy cao vọng" của Ngài. Tướng Dega chơi thân với Tùy viên Quân lực của Pháp, Đại tá Yves Gras, một sử gia chu đáo về trận chiến tranh của người Pháp ở Đông Dương nhưng hiểu rất ít về cuộc chiến hiện tại. Hai sĩ quan nầy thảo luận về Nã phá Luân, về bà Walewska, về ông tướng Foch. Đại tá nầy khá đấy chứ. Ông ta tâm sự với tướng Ba Lan :

-" Bài toán Việt Nam quá rắc rối để người ta có thể giải quyết bằng "chánh trị đô la"

Người Ba Lan biết rành Việt Nam hơn người Hung gia Lợi. Họ có đại diện ở Miền Bắc và ở Miền Nam từ hơn 20 năm nay rồi. Nhiều người Ba Lan đã dùng phi cơ của Ủy Ban Quốc Tế trên các chuyến bay con thoi nối liền SàiGòn và Hà Nội mỗi thứ sáu hàng tuần. Còn người Hung gia Lợi thì chuyên lo tìm tin tức có lẽ vì họ cần phải theo kịp các đồng chí Ba Lan của họ về mọi sự hiểu biết. Họ cứ mang máy ảnh đi quanh quẩn các cầu, các trại lính, các căn cứ không quân, các kho đạn v.v.. Người dân Miền Nam giận lắm, họ khiếu nại. Làm gì được họ ? Các thành viên của Ủy Ban Quốc Tế đều có quyền đặc miễn ngoại giao. Người Ba Tư thì rất là mềm mỏng và hiếu khách. Họ cung cấp cho mọi người món trứng "caviar" để nhậu với rượu vodka của Ba Lan hay với rượu vang của Hung gia Lợi. Riêng người Nam Dương thì làm việc hoàn toàn trong tinh thần của Hiệp Định Paris. Họ luôn luôn có mặt bất cứ chỗ nào có nhận tiếp tế từ viên đạn thường đến viên đạn pháo, họ đánh giá và so sánh lực lượng , và tính sổ hết các vi phạm.

- " Tại sao các ông hoạt động tích cực như vậy ? Polgar hỏi thử một sĩ quan cao cấp Nam Dương.

- "Chúng tôi có lẽ phải chiến đấu với người Việt Nam , không phải trong hiện tại đâu, mà có lẽ một ngày nào đó ....

Trong hai năm, người Ba Lan, Hung gia Lợi và người Mỹ, dân chính hay quân nhân, họ đều gắn bó với nhau. Dù sao họ cũng đều là người da trắng, đối diện với người Việt Nam dù họ là người quốc gia hay cộng sản thì cũng khó mà nắm được họ lắm khi người ta từ Budapest (Hung) hay từ Varsovie (Ba Lan) hay từ Hoa thạnh Đốn xa xôi tới. Hơn nữa, giữa những người công chức cao cấp hay những quân nhân nhà nghề vẫn có sự tương quan với nhau. Mặc kệ ý thức hệ hay sự rủ rê của người nầy người kia. Các phái đoàn của Ủy Ban Quốc Tế đầy sĩ quan tình báo. Họ lùng bắt những người đào ngũ nhưng không bao giờ thành công. Ở trong Ủy Ban Quốc Tế người ta không giám sát chiến sự ở Việt Nam mà người ta giám sát kỹ người nầy người kia trong nội bộ. Các sĩ quan Ba Lan và Hung Gia Lợi canh chừng các đồng chí đảng viên cộng sản của họ, điều nầy làm cho CIA nhẹ lo. Polgar nói: " Có việc làm cho tất cả mọi người . Ngay như anh có tiểu tiện vào đại dương thì anh cũng có thể làm tăng mực nước biển lên được vậy .

Ông Đại sứ Graham Martin cũng tỏ ra một thái độ lịch sự với người Ba Lan. Khi Đại sứ Ba Lan tới SàiGòn ông ta có đến chào người bạn đồng sự Hoa Kỳ . Trái lại Đại sứ thô kệch Hung gia Lợi kia đã coi thường thủ tục nầy, cho nên ông Martin không gặp ông ta bao giờ.

Trái lại ông Polgar thì liên lạc chặt chẻ và rất tốt với người Hung gia lợi, nhất là với đại tá Janos Toth và cố vấn chánh trị Antyon Tolgyes. Polgar gốc người Hung gia Lợi. Đại tá Toth chỉ huy cơ quan tình báo Hung. Là đồng nghiệp với nhau hai người thích nhau lắm, mà cũng rất dè dặt nhau. Để thấy rõ trong lãnh vực mênh mông của ngành tình báo nầy, và để giúp đỡ lẫn nhau, Polgar và Toth đặt ra một phương thức tài tình mới lạ lắm: vào một giờ nào đó, ở hai địa điểm tại SàiGòn , một nhân viên CIA và một sĩ quan tình báo Hung mỗi người thuyết trình cho nhau nghe về tình hình của phe bên kia. Một phương pháp rất kín đáo: người Hoa Kỳ và người Hung không thể gạt nhau hay báo cáo sai với nhau được hay dùng lại những gì họ tin cậy trao đổi cho nhau. Nhưng trong tiến trình cuộc chơi nầy hình như phía Ba Lan muốn lợi dụng. Sỹ quan của họ mặc thường phục, đi vào Tòa Đại sứ Hoa Kỳ và được Frank Snepp, một cộng sự viên của Polgar tiếp.

Theo chỗ riêng tư mà nói thì trước mặt người Mỹ người Ba Lan chê người Hung, và ngược lại người Hung cũng chê người Ba Lan. Rất có lễ độ, người Mỹ than phiền giùm cho Miền Nam . Các sĩ quan thuộc hai phái đoàn Hung và Ba Lan thật thà thú thật rằng họ cũng khó xử với những đồng chí cộng sản Việt Nam .

- " Những đồng chí Việt Nam của chúng tôi can đảm thiệt, bướng bỉnh và cương quyết lắm, nhưng rất khó mà hiểu được họ lắm.

Mặc dầu họ cố nài nỉ nhưng các sĩ quan Hung và Ba Lan không thể biết được một tin tức nào từ các đồng chí cộng sản Việt Nam về sự kiện họ chiếm tỉnh Phước Long. Niềm nở hơn, người Mỹ đã cho các thành viên của Ủy Ban biết diễn tiến của sự việc.

Các đồng chí cộng sản Việt Nam của họ cũng có mặt ở SàiGòn, với một số không ít hành trang, và một vài vũ khí, đóng ngay sân bay Tân sơn Nhứt từ năm 1973 : 250 binh sĩ và sĩ quan việt cộng - có nghĩa là thuộc CPLTCHMN- và lối 50 bộ đội và sĩ quan Bắc Việt , khó tiếp cận lắm vì nụ cười của họ không khác biểu ngữ bao nhiêu. Họ đóng trong những dảy nhà thẳng hàng nhau, có kẽm gai và bao cát bao quanh, dĩ nhiên dưới sự dòm ngó canh chừng từ các chòi gác của binh sĩ Miền Nam . Họ là thành phần thuộc Hai trong Bốn Bên có liên quan đến cả 19 điều trong Hiệp Định Paris. Binh sĩ thuộc CPLTCHMN thì mặc quân phục màu xanh lá cây, còn bộ đội Bắc Việt thì mặc quân phục màu be, gọn ghẽ hơn chút. Các đại diện CPLTCHMN thì nói toàn giọng Bắc.

"Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên" gồm có Hoa Kỳ, quân đội Miền Nam , Miền Bắc , và bộ đội của CPLTCHMN. Họ có nhiệm vụ tìm người chết và mất tích.

"Ban Liên Hợp Quân Sự 2 Bên" chỉ gồm có đại diện của SàiGòn và của CPLTCHMN

Cả hai Ban Liên Hợp nầy phải đi theo các Tổ Quốc Tế khi được họ chánh thức báo cho biết lộ trình và khi được yêu cầu. Trong hai năm nay, hai Ban Liên Hợp nầy coi như không còn hoạt động gì hết. Khi các sĩ quan Ba Lan và Hung Gia Lợi hỏi các sĩ quan việt cộng tin tức của trận chiến ở Phước Long thì họ chỉ cười trừ : "chúng tôi không hay biết gì hết "

Cộng sản ít khi ra khỏi trại của họ, được gọi là "trại Davis". Tên của một binh sĩ Mỹ tử trận đầu tiên ở Việt Nam . Trong tài liệu, báo chí sách vở của họ, cộng sản cũng gọi là "trại Davis". Có hai dãy trại, một cho bộ đội Bắc Việt, một cho CPLTCHMN. Khi mới tới đây, cộng sản và nhất là tướng Trần văn Trà, đại diện cho CPLTCHMN, (về sau nầy là người có trách nhiệm các cuộc hành quân ở Phước Long) thấy nhiều bộ phận thâu âm được gắn cùng khắp, từ ngoài sa lông đến phòng ngũ phòng tắm. Toàn là của người Mỹ.

Hiền hậu quá, nên tướng Trà được tướng Hoàng anh Tuấn thay thế, cương quyết hơn. Nhưng trên thực tế, nhân vật quan trọng ở trại Davis năm 1975 là đại tá Võ đông Giang. Đó là nguyên tắc ngoại giao bôn sơ vích: người số 2 chánh thức có trách nhiệm hơn người số 1. Binh sĩ cộng sản tổ chức trồng rau, trồng bông và trồng cây trong trại, và cũng làm công tác gián điệp nữa. Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Bắc Việt , tướng Văn tiến Dũng đã thường nói : " Các đồng chí của chúng ta ở Tân sơn Nhứt giữ một vị trí đặc biệt, ngay giữa lòng địch. Điểm quan sát triền tiêu đó là biểu tượng của cuộc cách mạng của chúng ta, và từ vị trí tốt đó họ sẽ giúp chúng ta biết được dư luận hằng ngày và những phản ứng của địch trước giờ hấp hối của họ".

Phái đoàn cộng sản ở trại Davis không ngừng trao đổi điện tín với Hà Nội . Tướng Văn tiến Dũng giải thích một cách chân thật : " Ban Quân Sự Hỗn Hợp của tướng Hoàng anh Tuấn cho Hà Nội tin tức trong ngày thật nhanh về những cuộc điều động binh sĩ mà phái đoàn nhận được từ nhiều nguồn tin kể cả từ công tác quan sát trực tiếp." Thật vậy, không chỗ nào có thể quan sát được hết các chuyến bay bằng vị trí nầy .

Nỗi ưu tư chính của phái đoàn cộng sản ở trại Davis là được bảo đảm từ phía người Mỹ không quấy nhiễu bằng cách chen vào phá mật mã của họ. Hoạt động chánh yếu của họ là cuộc họp báo vào mỗi sáng thứ bảy hàng tuần, ngay dưới chân dung Hồ chí Minh hay dưới các ảnh bán thân của các cấp lãnh đạo của họ. Báo chí chẳng biết được gì cả. Sau tuần trà, nuớc cam hay thuốc lá, (thuốc lá Điện Biên Phủ loại đen trong các bao xanh, hay thuốc vàng trong bao đỏ), các sĩ quan cộng sản đem chuyện phản kháng ra trình bày với cái lưỡi cây truyền thống của họ: SàiGòn và Hoa Thạnh Đốn vi phạm Hiệp Định. Họ phải chịu trách nhiệm về các vi phạm lệnh ngừng bắn. Họ không tôn trọng tinh thần Hiệp Định, Họ không cho những binh sĩ cộng sản của chúng tôi vô ra dễ dàng trại Davis v.v....

- "Ở Phước Long, lực lượng của chúng tôi đang trả lời cho những khiêu khích của chế độ SàiGòn ", họ xác nhận như vậy.

Tuy nhiên, trong tỉnh Phước Long bộ đội Bắc Việt đã vi phạm rõ ràng các điều khoản chính của Hiệp Định Paris. Từ năm 1973, bộ đội Bắc Việt không bao giờ tôn trọng lệnh ngừng bắn. Hà Nội đã cho quân đội "xâm nhập" và đưa quân dụng vào Miền Nam tự do không bao giờ kiểm soát được.. Quân đội Bắc Việt dùng các căn cứ Lào và Cam bốt. Chỉ có một điều khoản duy nhất mà Hà Nội không vi phạm : đó là vùng phi quân sự ở vĩ tuyến 17 không bị họ tràn qua như trong năm 1972 .

Chuyện hết sức lạ lùng là Trại Davis đã có ghi trong Hiệp Định. Những người cộng sản ở trại Davis nầy đã đến từ Hà Nội và từ chiến khu của họ ở Miền Nam, trì chí, dạn dày, đã xác nhận về trận tấn công của họ vào Phước Long, như một "đêm giữa ban ngày". Họ sống ở đây từ gần 2 năm rồi, chỉ cách Văn Phòng Tùy Viên Quân Lực Hoa Kỳ và các dinh thự của các tướng lãnh Miền Nam có vài trăm thước. Một sự hỗn độn lạ kỳ, kiểu SàiGòn. Chúng ta hãy tưởng tượng xem trường hợp của một toán truyền tin quân sự Hoa Kỳ hay Nga Sô ở ngay tại thủ đô Bá Linh của Đức trước ngày chấm dứt Thế Chiến Hai. Hay vài đại đội của Đức Quốc Xã ở ngay tại thủ đô Luân Đôn năm 1944 !

Ở Hà Nội người ta gặp các sĩ quan Ba Lan và cũng có vài sĩ quan liên lạc Hoa Kỳ , chỉ trong vài tiếng đồng hồ thôi không hơn không kém.

Sự có mặt của cộng sản ở trại Davis chọc tức ông Thiệu, người ta biết như vậy. Hồi năm 1973 khi những binh sĩ cộng sản nầy tới Tân sơn Nhất (SàiGòn), chánh quyền muốn họ phải điền vào các phiếu nhập cảnh. Nhưng họ từ chối vì họ không muốn đương nhiên công nhận chủ quyền của Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa . Và vì thế mà họ không được cho nhập cảnh. Sau nhiều giờ ngồi trên phi cơ chờ đợi, và sau nhiều áp lực của phía Hoa Kỳ, hai phái đoàn Hà Nội và CPLTCHMN mới được ra khỏi phi cơ (Mỹ) và được chở thẳng vào trại Davis.

Sau khi tỉnh Phước Long bị hoàn toàn thất thủ, ông Thiệu nghĩ tới chuyện trả thù những người cộng sản ở trại Davis. Chỉ có một phương thức bắt bí bọn nầy thôi: cúp nước. Nhưng ông không làm như vậy được , vì lý do nhân đạo.

Tổng Thống Thiệu còn nhiều việc khác phải lo, cấp bách hơn, về hành chánh cũng như quân sự. Chánh Trị Bộ Hà Nội còn những toan tính gì nữa đây ? Họ còn có hành động gì nữa để khích động được một bước "nhảy vọt" ở Miền Nam ?



Với một gương mặt tròn, trán hơi vồ nhưng không có vết nhăn, tóc chải keo sát, ông Thiệu không tỏ vẻ mệt mỏi chút nào và giữ vững lòng tin. Ông Thiệu tự xem mình là người được "Ơn Trên" giao cho sứ mạng giữ nước và cứu nước, có sự bảo đảm và ủy thác của người Mỹ. Ông đã chứng tỏ là ông cũng chống cộng như họ. Ông cảm thấy không được thoải mái lắm với giới lãnh đạo Hoa Kỳ , nhưng ông thấy gần gũi hơn với hai người đã từng đương đầu với quân đội cộng sản : Bạch sùng Hy của Đại Hàn và Tưởng giới Thạch của Đài Loan. Ông đã bổ nhiệm người anh ruột là ông Nguyễn văn Kiẽu sang làm đại sứ với ông thống tướng nói trên.

Ông Thiệu có một sự tin tưởng tuyệt đối : trong bất cứ trường hợp nào Hoa Thạnh Đốn cũng sẽ không bỏ rơi mình. Tuy nhiên ông vẫn biết rằng những người có trách nhiệm Hoa Kỳ có thể phản bội đồng minh của họ. Họ chẳng đã một lần buông bỏ Tổng Thống Diệm năm 1963 đó hay sao? Ông Thiệu đã thấy thi hài của ông Diệm. Năm 1968 ông Thiệu đã lo sợ đến lượt mình sẽ bị ám sát với thỏa ước Hoa Thạnh Đốn .

Ông sanh năm 1924, tuổi tý, tháng tý, ngày tý và giờ tý,. đó là một điềm không tốt. Nhưng ông đã 52 tuổi đầu rồi, một thành công có một không hai ở cái quốc gia đầy biến cố nầy. Ông lên nắm quyền từ hơn 8 năm rồi. Sự ổn định vững vàng của ông chứng tỏ một sự khôn khéo mà người Mỹ đánh giá cao. Và nhất là Đại sứ Martin.

Là con út trong 7 anh chị em trong một gia đình bình thường ở Miền Nam , ông Thiệu có đi vào kháng chiến với Việt Minh mấy tháng trong năm 1944. Sau đó ông chọn phía quốc gia. Ông suýt trở thành một sĩ quan hải quân. Theo học trường Vỏ bị Coetquidan (Pháp), ông Thiệu theo con đường quân sự và tiến lần đến đỉnh cao quân sự và sau cái chết của Tổng Thống Diệm ông lại leo lên tuyệt đỉnh chánh trị. Người tiền nhiệm của Đại sứ Martin là ông Đại sứ Ellsworth Bunker, đã thích chọn ông Thiệu là ứng viên Tổng Thống hơn là người phi công nhanh nhẹn Nguyễn cao Kỳ. Ông Thiệu có vẻ già dặn hơn, và bề ngoài có vẻ mềm mỏng hơn. Can đảm trong chiến trận, sĩ quan tham mưu không kém lắm, người có tham vọng , ông biết tránh tai tiếng để chờ thời. Ông là một Phật tử nhưng đã trở về Ki tô giáo thời ông Diệm, một người công giáo cực đoan. Trong thư viện ở Dinh Độc Lập ông Thiệu còn giữ một bộ sưu tầm về "niên Giám của Vatican" có gáy da màu đỏ, một di sản của ông Diệm. Sự theo đạo của ông Thiệu hình như vì hoàn cảnh. Và cũng nhờ đó mà ông cưới được cô Nguyễn thị Mai Anh làm vợ, cô nầy là con của một người công giáo dòng. Tính vui vẻ và tự chủ, ông dấu kín tư tưởng của mình bằng những tràng cười như pháo nổ, theo đúng theo lời dạy của Khổng Tử : "Giận là hạ sách, Cười là một phương pháp tốt nhất để không ai đoán được ý mình" . Từ SàiGòn đến Hà Nội những người lãnh đạo Việt Nam ai cũng có nụ cười khỏa lấp, thường không ai đoán nổi .

Cộng sản Bắc Việt thường dùng danh từ "tay sai", "phản động" và "phát xít" hay "đầy tớ của Mỹ" để chửi ông Thiệu trên báo chí hay trên hệ thống truyền thanh. Khác hơn nhiều chánh trị gia ở SàiGòn Tổng Thống Thiệu không bao giờ đi gặp một người Mỹ nào. Ông không chịu làm thân với người nào, khác với người em họ của ông là Hoàng đức Nhã, lịch thiệp hơn. Ông Thiệu thường tiếp Đại sứ Mỹ, hay vị cố vấn ngoại giao ông Lehmann, và một vài phái đoàn. Ông cương quyết không có thái độ quy lụy của một người nô lệ.

Đường lối hành động trong hiện tại: nếu Ông Thiệu nói nhiều quá về sự kiện Phước Long, thì ông ngại sẽ gây sợ hãi cho những nhà đầu tư ngoại quốc., nhất là người Mỹ và người Nhật . Còn nếu ông không nói gì hết thì dư luận quần chúng và Quốc Hội ở Hoa Thạnh Đốn không thấy được mối nguy đang đe dọa đất nước Việt Nam . Là một quân nhân, đi theo con đường chánh trị , lại không phải là một nhà ngoại giao giỏi, ông Thiệu không bao giờ tạo dựng cho mình được một đường lối chiến lược quốc tế, mặc dầu có sự cố vấn của người em là ông Nhã và của đại sứ lưu động Bùi Diễm thúc đẩy. Trong hai năm ngoài những người khách Hoa Kỳ người ta còn thấy có một người ngoại quốc có danh tiếng, một tổng trưởng phi châu. Ở thủ đô SàiGòn chỉ có hai Tòa Đại sứ là đáng kể: Tòa Đại sứ Hoa Kỳ và ngay sau lưng là Tòa Đại sứ Pháp. Hoa Thạnh Đốn nhấn mạnh để các Tòa Đại sứ khác, của Anh Quốc, của Đức, của Ý và của Bỉ phải có mặt ở SàiGòn. Các Tòa Đại sứ nầy gần như bất động.

Đối với báo chí, ông Thiệu có một yêu cầu, thường trực: khi nói tới Hiệp Định Paris thì họ cần phải nói lớn lên: đó là một sự phản bội, một trò gian lận. Đó là một sự đầu hàng, một án tử hình! Thay vì không nhìn nhận Hiệp Định, ông Thiệu không chịu tìm cách luồn lách để khai thác Hiệp Định. Đối với các nhà ngoại giao người ta gọi như vậy là không thấy xa. Dù là thù hay là bạn của ông, ai cũng cho là nếu không thích ông Thiệu thì họ cũng phải kinh nể ông ta. Dù có tinh ranh và đa nghi nhưng ông rất có uy quyền mà không phải là độc tài. Các nhóm đối lập phát biểu tự do ở Hạ Viện, ở Thượng Viện, qua hệ thống tư pháp hay trong gần 30 tờ nhật báo hay tuần báo. Cái mà một chiến binh chống cộng nhân từ như ông Thiệu đang thiếu đó là không chịu nhìn thẳng vào sự việc, nhất là đối với những truyền thuyết của lãnh đạo Bắc Việt . Đối với tướng Võ nguyên Giáp, Tổng trưởng quốc phòng Bắc Việt ông Thiệu nói là " ông ấy muốn chơi trò Nã phá Luân Việt Nam " rằng "ông ấy là một giáo sư lỗi thời"

Ở Miền Bắc đồng chí Lê Duẫn , Tổng bí thư đảng là nhân vật số 1, đầy huyền thoại. Ông Thiệu thì hay gặp gỡ các nhà báo, còn Lê Duẫn thì tuyệt đối không . Ở Hà Nội họ áp dụng nguyên tắc chỉ huy tập thể, nên không thấy có tư tưởng khác biệt giữa những người có trách nhiệm . Còn ở SàiGòn thì các đối thủ đều ra mặt , công khai, mạnh được yếu thua . Ông Thiệu không tin tưởng cộng sự viên và thường hay coi rẻ họ. Ông chỉ định một ông tướng khác bốn sao làm Thủ Tướng. Ngày bầu cử Tổng Thống sấp đến, tháng 10 năm 75, ông Thiệu tự hỏi không biết ông tướng Khiêm nầy có ra ứng cử như ông hay không ? Ở SàiGòn giới trí thức lớn tiếng tuyên bố là Miền Nam Việt Nam là một quốc gia mà cái gì cũng chỉ có một nửa, nửa dân chủ nửa độc tài, với một chánh phủ chỉ có biện pháp nửa vời. Ông Thiệu không đánh bóng công dân của mình. Những người dân tị nạn từ Phước Long đã chứng tỏ rằng họ không nổi dậy để chạy theo Bắc Việt. Trong khi Hà Nội cũng nói rằng dân chúng không nổi lên chống họ, mà cũng không phải họ theo chế độ của Thiệu .

Mặc dầu đứng trong hàng tướng lãnh, ông Thiệu không nắm quân đội như đảng cộng sản nắm quân đội của họ ở Miền Bắc . Ông Thiệu đã phong cho tướng Cao văn Viên là Tổng tham mưu trưởng liên quân bởi vì ông Viên không có một chút tham vọng chánh trị nào. Ngoài ra ông ta còn để cho ông Thiệu trực tiếp chỉ huy ông nữa. Ông Thiệu biết chỉ huy mà không biết điều khiển. Đối với quân đội của mình, ông Thiệu cũng vẫn sợ sẽ là nạn nhân của một cuộc đảo chánh. Bản thân ông ta là người đã có tham gia vào cuộc đảo chánh ông Diệm. Sau vụ Phước Long, các tướng lãnh tham khảo với nhau, và mỗi lần mà cố vấn an ninh báo cáo cho ông rằng các ông tướng hai hay ba sao đã có gặp nhau, thì Tổng Thống đâm lo. Ông thích để yên không muốn có hành động nào, đó là bản tánh của ông Thiệu. Khi các cộng sự viên có đề nghị đưa lên thì ông trả lời "có thể" hay "để xem đã " để ông khỏi bận trí. Cũng giống như nhiều chế độ quân phiệt trong thế giới thứ ba, ông ước tính là Tự Do Dân Chủ chỉ phải được tiến tới từ từ, một cách tiệm tiến .

Ông Thiệu thiếu môn chánh trị học. Mặc dầu ông Nhã có chỉ cho ông luật lệ về hiến pháp, ông Thiệu không hiểu Chánh Phủ Hoa Thạnh Đốn điều hành ra làm sao. Mặc dầu đã có cả hai viện ở Quốc Hội, Tổng Thống Thiệu vẫn tùy tiện tháo khoán được hàng triệu đồng . Ông không tưởng tượng được rằng Tổng Thống Hoa Kỳ không thể làm như vậy được vì không thể qua mặt Hạ viện và Thượng Viện ở Hoa Thạnh Đốn được . Gặp trường hợp nguy kịch như trường hợp Phước Long bị chiếm, ông Thiệu chỉ trông cậy có mỗi một ông Gerald Ford.

Tướng Quang là người tín cẩn của ông Thiệu, là một cố vấn, là người tâm phúc, là người quan sát tình hình chánh trị tổng quát, là một thủ hạ thông minh và trung thành với ông chủ của mình. Ông Kỳ đã từng là Thủ Tướng rồi. Người ta cách chức Tư Lệnh Vùng 4 Chiến Thuật của ông Quang, vì cho ông là tham nhũng. Ông Thiệu bổ nhiệm ông Quang vào chức vụ Bộ Trưởng Kế Hoạch, và sau đó Phụ tá hay là cố vấn đặc biệt về an ninh quốc gia . To con với cặp mắt sắc sảo, ông Quang có bộ vó như một kẻ gian trong loại phim hạng xoàng. Thiếu bằng chứng, nhưng ở Saigon ai cũng biết ông là một người không tốt. Điều hơi lạ : ông muốn gởi con gái ông sang học ở đại học Mỹ, nhưng không đủ sức trả học phí. Ông nhờ các cơ quan giáo dục Hoa Kỳ để xin học bổng, nhưng không được , con gái ông đành phải đi qua Úc Châu ở với một người bà con của ông đang làm việc ở Tòa Đại sứ Việt Nam ở đó. Bà Quang không khi nào đeo nữ trang khi đi ra ngoài, không làm áp phe. Và cũng lạ lùng nữa, ông Quang vô ra Dinh Độc Lập lúc nào cũng được , vẫn được toán gác dinh mang găng trắng chào kính . Văn phòng ông rất sang trọng với bàn tủ ghế sơn vẹt ni đen bóng loáng, với những tấm bình phong cẩn xa cừ, bàn làm việc loại tối tân với ghế bành bọc da, lẫn lộn nửa xưa nửa nay không tương hợp nhau lắm.

Ông Quang cho ông Thiệu hay là một chiến dịch đang bắt đầu nhen nhúm nhắm vào Tổng Thống đấy. Người ta muốn nhắm vào gia đình Tổng Thống, bổn củ soạn lại thôi : tham nhũng ! Bà Thiệu làm áp phe, đó là quyền của bà. Nhưng luân lý ở đây muốn đệ nhất phu nhân, hay bất cứ người nào có chồng làm lớn, là phải đứng trên cái giới áp phe thường núp dưới các hoạt động từ thiện hay công tác xã hội. Tổng Thống thường làm việc với giới dân sự, nhất là với ông Lý long Thân, một thương gia người Tàu Chợ Lớn, chủ xưởng Vinatexco, một công ty dệt lớn. Người ta nói bà Thiệu và bà Thân có nhiều quyền lợi trong việc thu hồi "sắt vụn" như đồng, thép và nhôm. Chiến tranh đã để lại biết bao sự điêu tàn, những phế liệu,sắt vụn được thu lượm để xuất cảng trên những thương thuyền của Đại Hàn hay của Panama. Người ta tố cáo bà Thiệu đầu cơ đồng bạc. Bắc Việt đã không nghe lời khuyên của Liên Xô để in bạc giả và nếu cái Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam của họ cần tiền thì Hong Kong là nơi tốt nhất để Hà Nội tìm đủ tiền Miền Nam cho đám tay sai mà họ đã tạo dựng lên.

Hồi xưa, bà Thiệu thường hay lui tới với ông Nguyễn cao Thăng, chủ nhà bào chế thuốc Tây, mà cũng là người nắm độc quyền nhập cảng nhiều loại hàng đặc biệt. Ông Thăng người cộng sự ưu ái của ông Thiệu, là người ảnh hưởng và điều động được các dân biểu ở Hạ Viện và cả Nghị sĩ ở Thượng Viện. Ông vừa là môt lý luận gia vừa là một túi tiền của ông Thiệu. Một chuyến bầu cử cho các ông nầy tốn cũng phải từ 1000 đến 2000 mỹ kim. Ông Thiệu ước tính là bài toán tham nhũng chỉ sẽ được giải quyết sau chiến tranh mà thôi. Người ta nói nhiều về tham nhũng ở Miền Nam và rất ít khi nói tới những chuyện nầy ở Miền Bắc .

Vấn đề nầy được báo chí quốc tế nói tới nhiều nhưng ông Thiệu biết là quan điểm của ông Martin không có gì khác lạ,: những gì mà người phương Đông gọi là tham nhũng, theo ông Martin chỉ là một chứng bệnh về kinh tế, một hiện tượng khó tránh khỏi trong thời kỳ chiến tranh. Tình trạng chợ đen ở Việt Nam ngày nay đâu có nặng hơn hồi thế chiến II ở Âu Châu . Ông Thiệu có thể an tâm về điều nầy. Tướng Quang báo cáo là ông Martin đã không cho các cơ quan của Tòa Đại sứ gởi về Hoa thạnh Đốn những phúc trình sơ suất về vấn đề nầy. Ông Martin thì đòi hỏi phải có những bằng cớ xác thực, mà những tay buôn lậu, những người ăn hối lộ có bao giiờ ký biên nhận đâu và cũng không để cho ai chụp được hình trong những cuộc dàn xếp giao dịch . Họ dùng tên giả, và những thủ tục vô hình. Và tướng Quang nghĩ là chiến dịch chống ông Thiệu sẽ không trầm trọng lắm.

Ông Thiệu đã lưu giữ 25 bức thư của Tổng Thống Richard Nixon trong phòng ngủ của ông ở Dinh Độc Lập như một hồ sơ mật, một loại vũ khí riêng của mình. Những bức thơ nầy là những bản chánh hay bản sao của các công điện được một viên chức ngoại giao Mỹ chuyển giao cho ông. Đối với ông Thiệu, nội dung của những bức thư nầy và một vài lời tuyên bố của ông Nixon còn quan trọng vững vàng hơn là những điều khỏan của Hiệp Định Paris. Đối với các tổng trưởng, ông Thiệu không nói rõ nội dung của những bức thơ nầy nhưng đã có cho thấy những cam kết của ông Nixon. Ông vừa nói vừa mân mê bao súng của ông coi như ông hiện đang có những bức thư trong đó vậy: "Tôi có lời hứa của ông Nixon ở đây nè !".

Khi ông Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa từ chối không chịu ký vào văn bản đầu tiên của Hiệp Định Paris một cách giận dữ, thì ông Nixon nói với ông Kissinger: " Lời nói đó không có gì hung dữ đâu, ông sẽ thấy là ông không phải là "con chó đẽ" đâu."(nguyên văn của tác giả Tood Olivier). Dù ông Nixon có bị gì thì ông Thiệu vẫn tin tưởng ông ta, nhưng ông vẫn nghi ngờ ông Kissinger, vì ông nầy vẫn còn tại chức. Ông Nixon đã từng hứa là sẽ có phản ứng ngay nếu có những cuộc tấn công nghiêm trọng của Bắc Việt.

Ngày 16 tháng 10 năm 1972, ông Nixon viết cho ông Thiệu : " Ông có thể hoàn toàn tin chắc rằng chúng tôi tiếp tục cung cấp cho Chánh Phủ ông một sự yểm trợ đầy đủ, gồm có viện trợ kinh tế dài hạn và tất cả viện trợ quân sự đúng như Hiệp Định Paris đã quy định. "

Cũng trong thơ nầy, đối với Bắc Việt, ông Nixon viết : " Tôi có thể bảo đảm với ông rằng chúng tôi sẽ coi việc họ không thực hiện đúng theo lời hứa quan trọng của họ sẽ dẫn tới những hậu quả tối nguy hiểm cho họ."

Ông Thiệu thấy bị ông Kissenger chơi xỏ, vì ông ta âm thầm và đương nhiên chấp nhận sự có mặt của quân đội Bắc Việt ở Miền Nam sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Ông Thiệu tin chắc rằng Kissinger đã dối gạt ông Nixon về nội dung những cuộc nói chuyện ở Paris giữa ông ta và Bắc Việt. Ông Kissinger đã nhượng bộ cho Bắc Việt nhiều hơn là ông Nixon đã chấp nhận. Tuy vậy, ông Thiệu chỉ tính tới những gì ông Nixon đã viết và nói với ông, với tư cách là một tổng tư lệnh của quân lực Hoa Kỳ .

Ngày 14 tháng 11 năm 1972, đặc phái viên của ông Nixon và Kissinger , tướng Alexandere Haig yêu cầu ông Thiệu nên nhượng một vài điều trong Hiệp Định. Trong bức thư kèm theo ông Nixon đã cam kết với ông Thiệu như sau : " Điều quan trọng hơn những điều mà chúng tôi nói trong Hiệp Định, là chúng tôi sẽ hành động thế nào trong trường hợp Bắc Việt tiến hành các cuộc xăm lăng mới của họ." Hai ông Nixon và Thiệu cùng gập nhau trên một tần số: "Hình thức không bằng nội dung". mặc kệ các điều khoản của Hiệp Định muốn nói gì thì nói ! ông Thiệu nhìn thấy trước nhất là sự cam kết từ cá nhân một vị Tổng Thống Hoa Kỳ về phần pháp lý của một bản văn. Không thể có một sự hiểu lầm được . Ông Nixon còn viết thêm: " Ông có một sự bảo đảm tuyệt đối của tôi (nguyên văn của tác giả Olivier Todd: you have my absolute assurance) là nếu Hà Nội không tôn trọng lời văn trong Hiệp Định thì tôi có ý định sẽ dùng trở lại những sự trả đủa nhanh chóng và khốc liệt."

Ngày 14 tháng giêng năm 1973 cũng trong luận điệu đó, ông Nixon đã cho oanh tạc Bắc Việt và thả mìn ở các hải cảng Miền Bắc Ông không ngần ngại phải hành động cứng rắn như vậy. Sau đó ông đưa bàn tay sắt cho ông Thiệu khi ông nói rằng:"'Việt Nam Cộng Hòa có ký hay không ký, thì Hoa Kỳ cũng sẽ ký Hiệp Định Paris."" nhưng ông viết tiếp cho ông Thiệu : "'Chúng tôi không nhìn nhận quyền có mặt của quân đội ngoại quốc trên lãnh thổ Miền Nam Việt Nam .... Chúng tôi sẽ có phản ứng mạnh nếu Hiệp Định bị vi phạm.""

Năm ngày sau đó ông Nixon lại viết tiếp cho ông Thiệu. Ông nhắc lại hai đề tài đã nói và viết : ""Hoa Kỳ chúng tôi nhìn nhận Chánh Phủ của ông như một Chánh Phủ hợp pháp duy nhất ở Miền Nam Việt Nam ." điều nầy làm vui lòng ông Thiệu.

Rất tự tin, khẩn thiết,và cương quyết, ông Nixon vuốt ve để rồi sau đó cũng hăm doạ ông Thiệu. Để cho ông Thiệu phải ký vào Hiệp Định, ông Nixon không ngần ngại cho thấy Quốc Hội Hoa Kỳ có thể sẽ cắt hết mọi viện trợ cho Miền Nam . Nhưng ông Nixon lúc nào cũng hứa những hành động trả đủa đối với Bắc Việt .

Thêm một bằng chứng mới, ông Thiệu mân mê những kỷ niệm của ông sau khi ký Hiệp Định Paris: tháng 4/1972, ông được ông Nixon mời sang Tiểu Nhà Trắng San Clemente ở California - không mời đến Hoa Thạnh Đốn vì sợ các cuộc phản đối-, và ông Nixon đã nói với ông Thiệu trong cuộc gặp gở nầy : " Ông có thể tin ở chúng tôi ." ông Kissinger tinh ranh kia lại nói thêm rằng "sẽ có những "phản ứng dữ dội và nặng nề" nếu Hà Nội vi phạm Hiệp Định. Đại sứ lưu động Bùi Diễm cũng có mặt ở San Clemente. Ông Martin từ lâu cũng đã thường tiết lộ với Tổng Thống Thiệu là người Mỹ tiếp tục giúp ông. Trong trường hợp bị tấn công mạnh thì sự trả đủa sẽ như sấm sét.

Trong bức thư đề ngày 13 tháng 6 năm 1973, ông Nixon viết : "Chuyện nầy không còn là một đề tài liên quan đến những nhà thương thuyết , hay những luật gia, hay những chuyên viên nữa. Bây giờ là một đề tài trực tiếp giữa hai chúng ta." (This is now a matter directly between the two of us. " (nguyên văn của tác giả Todd Olivier)

".... hay những luật gia..." ông Thiệu diễn dịch là: những điều khoản của Hiệp Định, là những tờ giấy lộn, là dẻ rách. Ông biết cách nhìn các Hiệp Ước của những người cộng sản chính thống lê nin nít và sít ta lin nít. Nếu họ vi phạm thì chúng ta cũng phải làm như vậy mới được . Ông Nixon hiểu như vậy và ông Thiệu hiểu ông Nixon. Những cam kết dù bằng lời nói hay trên giấy trắng mực đen, lập đi lập lại nhiều lần công khai hay được hiểu ngầm, thì lời nói của ông Richard Nixon với ông Nguyễn văn Thiệu đều nhắm vào Hiệp Định: những chữ "trả đủa", "phản ứng", trong những bức thư (bản chính) của ông Nixon được ông Thiệu gạch đít, dưới mắt của ông Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa ít nhất cũng ám chỉ một sự can thiệp của các oanh tạc cơ Hoa Kỳ.

Bằng chứng phụ thêm : NKP (NaKhom Phanom),là một mật hiệu cho tất cả các vị Tư Lệnh Quân Đoàn Miền Nam , là một tổng hành dinh của Đệ Nhất Không Đoàn Hoa Kỳ ở Thái Lan. NKP là một công thức mầu nhiệm. Mặc cho những lời phê bình hơi chua chát hay những dè dặt hơi độc ác của ông Nhã, ông Thiệu vẫn tin rằng vào giờ chót Hoa Kỳ vẫn cứu ông ta. Ở NaKhon Phanom, các oanh tạc cơ B.52 vẫn còn nằm chờ tại đó....

Đối với ông Thiệu, Tổng Thống Ford là người kế thừa cả nhiệm vụ và những cam kết của ông Nixon. Tất cả những thơ từ của Richard Nixon bắt buộc ông Ford phải hành động như thế. Ông Thiệu nghĩ rằng Tổng Thống Ford vì thiếu tin tức nên ước tính rằng việc mất tỉnh Phước Long chưa phải là mức độ nguy ngập.

Ông Thiệu tự hỏi bây giờ có phải là thời điểm để ông công khai hóa những bức thư cuả ông Nixon hay không ? Một sự lo sợ hay một sự dè dặt đã kềm ông lại ? có lẽ vì tôn trọng những gì cần phải được giữ ở độ "mật kín" của những tài liệu nầy