Chương 4 - Ngọn lửa đấu tranh của Hà Nội


Khi bà ký giả Mỹ Frances FitzGerald viếng thăm Hà Nội thì bà xếp ông Thiệu thuộc cánh "cực hữu" của cầu vòng chánh trị Việt Nam. Là một giáo sư đại học và nhà báo, bà đã phát hành 3 năm trước quyển " Ngọn Lửa Trên Hồ Nước" , một quyển sách rất thú vị về người Việt Nam và người Hoa Kỳ ở Việt Nam. Quyển sách đã thành công và được xếp vào danh sách các tài liệu bắt buộc tất cả các nhà ngoại giao và giới quân nhân Hoa Kỳ phải đọc qua . Hiện vẫn còn một vài quyển ở Tòa Đại sứ Mỹ tại SàiGòn , trrong thư viện của Phòng Thông Tin, và trong phòng Tùy Viên Quân Lực Hoa Kỳ với một vài tác phẩm của Bernard Fall, của Sir Robert Thompson, của Mao, của Giáp v.v... Bà không cho cộng sản Việt Nam là thiên thần tiến bộ, nhưng chỉ trích thái độ, phương tiện và mục đích của người Mỹ ở Việt Nam và phân tách các xung đột mâu thuẫn cao độ của các nền văn hóa Đông Tây. Đối với bà, cộng sản Việt Nam cứng rắn thật nhưng mà chính thống, mặc họ ! Họ ít tham nhũng hơn người Miền Nam, bà có ý nghĩ của một người tự do và cấp tiến. Bà biết rõ sự liên hệ giữa Hà Nội và CPLTCHMN nhưng bà cho là cái CPLTCHMN nầy cũng có phần nào độc lập tự chủ.. Rất tự nhiên, bà viết lên một cách vô ý thức đến độc ác: " Ngọn lửa cách mạng dù mỏng mành nhưng đủ sức thanh lọc xã hội tham nhũng ở Miền Nam Việt Nam cũng như sự vô trật tự của chiến tranh của người Mỹ."



Ông Mai văn Bộ, một công chức cao cấp ở Bộ ngoại giao Hà Nội , cựu Đại sứ Bắc Việt ở Paris, đã ca tụng quyển "Ngọn Lửa Trên Hồ Nước " khi duyệt qua các phong trào và dư luận ở Hoa Kỳ. Bà trí thức trưởng giả tốt bụng Hoa Kỳ nầy kết luận rằng: " Nếu Việt Nam phải được độc lập, thì nước Việt Nam phải có một Chánh Phủ thống nhất . Bây giờ muốn có hòa bình phải cần làm cách mạng." Bà FitzGerald chúc phúc cho sự thống nhất bằng cách mạng." !



Ông Mai văn Bộ nghĩ rằng quan điểm của bà FitzGerald đúng đắn, cần thiết và trong sáng. Rất xứng đáng được cấp chiếu khán. Sau một thời gian dài chờ đợi, bà nhận được chiếu khán. Bà viếng Hà Nội vào đầu tháng giêng với một phái đoàn trong đó có Fred Bransman, đồng chủ sự của tổ chức "Tài nguyên ở Đông Dương", một tổ chức "vì hòa bình" mà ông đại sứ Graham Martin rất ghét.



Ở Hà Nội, người ta cho khách ngoại quốc ở khách sạn Thống Nhất. Khách sạn nầy giống như khách sạn Continental ở SàiGòn, hai khách sạn nầy trước kia cùng một chủ. Cũng những phòng rộng rãi, đẹp nhưng cũ kỹ, cũng những chiếc quạt máy chạy chầm chậm. Nhưng ở đây không có sân thượng như ở Continental, điện nước hơi trục trặc, vải trải giường thì vá víu, và nhân viên của sở an ninh ở cả tầng trệt. Họ giám sát các sự di chuyển và thư từ của khách . Khách được cho ăn đầy đủ lắm nhưng thấy ngay là thiếu cà phê, bơ và thịt. Khách ngoại quốc luôn luôn được chú trọng, coi như có đặc ân, không bao giờ thiếu thuốc hút. Một hệ thống tuyệt hảo, nhưng khách coi như bị giam lỏng: mỗi phái đoàn luôn luôn lúc nào cũng có người bên cạnh, một tài xế, một nhân viên tổ chức, thường là công an, và một thông dịch viên, trong trường hợp cho phái đoàn Mỹ lần nầy là ông Long.



Bà FriztGerald thấy Hà Nội "không hấp dẫn lắm" nóng bức và không sáng sủa nữa.



Mặt tiền phố xá ở thủ đô Bắc Việt thì nứt nẻ, hồ vữa rơi vỡ từng mảnh vụn, những người cỡi xe đạp không tin tưởng vào luật giao thông. Họ chỉ tự tin vào tài nghệ của mình như những người cỡi xe đạp ở Miền Nam. Trung tâm thành phố già nua của người Pháp thuở nào giờ đây nom cũng còn có vẻ sạch .



Dân chúng ở thủ đô Bắc Việt không lúc nhúc như ở SàiGòn. Họ chen chúc nhau đi một cách vô trật tự. Có ít xe cộ và lính tráng trên các con đường chính, Xe đạp thì vô số kể, người thì đi xe Phénix của Liên Xô, người thì xe MIR của Trung Cộng, nhưng người ta thích xe Peugeot hơn. Vào sáng sớm hay buổi chiều thì có nhiều quân xa hơn. Đây là giờ đoàn kết của tất cả các nước dân chủ nhân dân: xe cam nhông, xe nước, xe cần trục, xe jeep và xe chỉ huy Liên xô, xe Molotova, Zis, Zil, Aurochs vĩ đại... Nhưng người ta cũng thấy được xe Gia Phong của Trung Quốc, với ca pô dài và tròn, các xe Star 20, 25, 27 của Ba Lan và những xe Praga và Tatra của Tiệp Khắc, xe Ipha của Đông Đức, hay Hirondelle của Bắc Hàn. Rồi người ta cũng thấy những chuyến xe điện cũ kỹ màu đọt chuối hay màu xanh đỏ gì đó chở đầy người chạy ngược chiều với các xe trâu.



Trong những khu công thự của thủ đô cũ, và cả khu gia cư bình dân đều có những hầm núp cá nhân, những hố tròn bằng xi măng, sâu chừng 2 thước tất cả đều ngập nước bùn. Ý chừng người ta không còn sợ các oanh tạc cơ Hoa Kỳ trở lại nữa hay sao ? Ở nơi khác thì người ta đã làm sạch các hố núp bom nầy rồi .Có lẽ người ta sợ Hoa Kỳ lại tái leo thang oanh tạc.



Nếu không có chế độ phân phối lương thực thực phẩm, không thấy những bộ đội có võ trang, những khẩu pháo phòng không , những hỏa tiễn SAM lộ thiên,, những mẩu chuyện về chiến sự... thì ở đây người ta đã quên mất chiến tranh rồi. Người Mỹ không bao giờ oanh tạc trung tâm thủ đô Hà Nội, một vài quả bom rơi lạc vào thôi, gây tử thương một nhà ngoại giao Pháp hay một trung sĩ của Ủy Ban Quốc Tế (CIC). Trung tâm Hà Nội vẫn được bảo vệ. Chiến tranh chỉ bắt đầu ở ngoại ô giống như ở SàiGòn .



Bên bờ hồ, một số bạn trẻ đang uống bia ngoài sân của các quán cà phê. Trong khu thủ công ở phố tàu cũ không náo nhiệt như Chợ Lớn, gần cầu Long Biên - tức cầu Paul Doumer cũ- , bị phá ,sửa đi làm lại cả hai chục lần, trên con đường dẫn tới bệnh viện Bạch Mai, đâu đâu cũng có hệ thống phóng thanh oang oang các khẩu hiệu và từ 6 giờ sáng là giờ trực tiếp truyền đi các buổi phát thanh của đài Hà Nội



Bà FitzGerald hơi khó chịu về sự "úp mở". Phái đoàn của bà được "Ủy Ban Đoàn Kết Với Nhân Dân Hoa Kỳ " mời, mà qua đây bà chỉ gập toàn là viên chức của chánh quyền. Toàn là nghi thức giống nhau trong một không khí tối ư lịch sự và các phái đoàn phải kiên nhẫn, ngồi nghe hàng loạt thuyết trình không biết bao giờ chấm dứt, những "báo cáo" loại trả bài Mác xít. ("bao cao" nguyên văn chữ việt không có dấu của tác giả)



Trên một cái bàn kiểu cổ của Pháp thời thập niên 30 hay 40 gì đó, chủ nhà bày ra nào là trà, chuối, bánh tây, kẹo và thuốc lá để đãi khách. Với những cử chỉ hết sức vồn vả và rất trân trọng họ mời khách, làm như kẹo trà đó là những món tối cần thiết, không dùng không được vậy. Họ vồn vã hỏi thăm về sức khỏe của khách, của gia đình và bạn bè của khách, cố tạo ra một bầu không khí thân mật từ ông khách ở New York đến ông bạn ở Paris hay ở Stockholm .... Họ nhắc đi nhắc lại đến cả chục lần rằng ở Hà Nội lạnh hơn ở SàiGòn nhiều... rồi từ từ họ cũng lái được người ta vào đề tài chánh trị, không đến đỗi chậm chạp lắm như con mèo thò chân vào nước đá đâu.



Cũng có lúc toán hộ tống thay đổi người. Nhờ vậy mà phái đoàn Hoa Kỳ mới khám phá ra người thông dịch viên ở Viện Đông Nam Á là vợ của tướng Võ nguyên Giáp, tổng trưởng Quốc Phòng. Có điều không may mắn là phái đoàn không gặp được ông tướng nầy.



Theo bà FitzGerald, nhân vật chánh thức và quyến rũ nhất có lẽ là ông Hoàng Tùng. Vóc người nhỏ thó và hoạt bát, tóc bạc trắng và húi cua, lúc nào cũng có khăn quấn trên cổ và luôn luôn mặc áo choàng, ông Tùng là chủ nhiệm tờ Nhân Dân, nhật báo của đảng. Ông là ủy viên dự khuyết Trung ương đảng, là đầu cầu mà các nhà trí thức có tiếng tăm khi đến Hà Nội bắt buộc phải đi qua. Vì ông là gạch nối liền trực tiếp với hệ thống đảng cũng như chánh quyền, một hệ thống chịu trách nhiệm phân phối khách thăm viếng và các nhân viên trong công tác phục dịch và tuyên truyền.



Ông Tổng bí thư Lê Duẩn tiếp các thành viên quan trọng của các đảng cộng sản anh em, Thủ Tướng Phạm văn Đồng thì tiếp các nhà ngoại giao, các giáo sư, các ông Cha, các Mục sư và báo chí ngoại quốc. Ông Hoàng Tùng thì chuyên tiếp giới trí thức có chút ít tiếng tăm.



Vẻ chân thật, hay nói thẳng và giản dị của ông, đôi lúc hơi tếu, dù gì cũng không che dấu được sự trung thành tuyệt đối của ông đối với ý thức hệ cộng sản . Người ta có thể liên tưởng ông ta là một khúc gỗ lim, một loại gỗ cứng rắn nhất ở rừng Việt Nam. Khác hẳn với các nhân vật chánh thức ở đây, ông Hoàng Tùng không sợ những câu nói bóng gió. Muốn nói tới " kháng chiến quân" ở chiến khu thuộc CPLTCHMN hay các anh bộ đội chánh quy của Miền Bắc đang ở trong Nam, ông không tránh né, dùng ngay danh từ "lực lượng giải phóng quân" để nói với quan khách Hoa Kỳ:



" Có người gọi họ là "quân đội Bắc Việt", có người gọi họ là "việt cộng", có người gọi họ là "cộng quân"... các ông muốn gọi họ là gì cũng được. "



Ông không dấu diếm gì cả, nói thẳng rằng "các sư đoàn Bắc Việt đã cung cấp phần lớn binh sĩ cho Miền Nam.



Ông sẵn sàng kể lại một cách thích thú vài mẩu chuyện về ông Kissinger :



- " Ông tiến sĩ triết học nầy gần đây lại thích chuyện gián điệp. Quý vị có biết là trong thời gian thương thuyết ở Paris, ông Lê đức Thọ - cố vấn đặc biệt của Phái Đoàn Bắc Việt- có hỏi ngay ông Kissinger là : "ông có gặp khó khăn nào trong việc xin Quốc Hội thông qua đạo luật viện trợ cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của chúng tôi hay không ?"



Thì ông Kissinger trả lời ngay:



-" Các ông không biết đâu, Chánh Phủ Hoa Kỳ thường gập khó khăn khi xin ngân khoản nho nhỏ cho một vài dự án cụ thể nào đó thí dụ như về an sinh xã hội chẳng hạn, Tuy nhiên mỗi năm Quốc Hội chấp thuận một ngân khoản lớn cho Ngũ Giác Đài. Chánh Phủ có thể trích ra từ ngân khoản nầy một số nào đó để viện trợ cho Bắc Việt được."



Sự thật không phải vậy và không đúng như vậy đâu. Câu chuyện nầy thật quá sáng tỏ: ý nghĩ về một ngân khoản hàng tỷ mỹ kim để tái thiét Miền Bắc gọi là "hàn gắn vết thương chiến tranh" đã ám ảnh những người có trách nhiệm ở Miền Bắc. Người cán bộ cộng sản như ông Tùng hay người quốc gia chống cộng như ông Thiệu đều tưởng là Tổng Tống Hoa Kỳ nào cũng có thể "qua mặt" được Quốc Hội về vấn đề tiền bạc.



Để trả lời cho bà FitzGerald về câu hỏi : " Chiến tranh Việt Nam có vai trò gì trong "Lịch Sử" ? , ông Hoàng Tùng dã say sưa thích thú đi vào giải đáp lý thuyết loại ngay :



" Cuộc chiến đã góp phần làm thay đổi cán cân lực lượng trên thế giới".



Người ta thấy là ông đã trả lời như một nhà thông thái, nhanh gọn và rất khiêm nhường.



Những lý thuyết gia cộng sản của Hà Nội đều biết và tin rằng cuộc cách mạng thế giới đang được tiến hành, mà cộng sản Việt Nam là một trong những động cơ chính yếu, cũng như Cuba vậy. Nước VNDCCH là "đội quân tiền phong" của giai cấp vô sản. Nhưng theo Mạc tư Khoa thì đạo quân tiền phong là Liên Xô. Ngưòi Việt Nam đã nhớ rất rõ là khi mới được khai sanh, nước VIT NAM DCCH không được Liên Xô nhìn nhận ngay đâu.. Người cộng sản VIệT NAM cũng không bao giờ tha thứ cho Trung Quốc khi nước nầy giao hảo với Hoa Kỳ nhờ Nixon và Kissinger. Hà Nội cũng không khi nào quên đưọc lúc ký Hiệp Ước Geneve 1954, Liên Xô và Trung Quốc đã ép người đồng chí VIT NAM nhỏ bé của mình phải chấp nhận vĩ tuyến 17 là biên giới quốc cộng : Cộng sản ở phía Bắc và Quốc gia ở phía Nam. Lãnh đạo Bắc Việt cũng không khi nào tha thứ cho Liên Xô khi họ chỉ phản đối lấy lệ lúc Hoa Kỳ phong tỏa Hải Phòng vào tháng 4/1972 hay dội bom Bắc Việt tháng 12/ 1972. Trong thời gian khó khăn nầy của cuộc chiến, trong giai đoạn đang có sự căng thẳng giữa Hà Nội và Hoa thạnh Đốn, Liên Xô đã có thái độ quá dè dặt .



Báo chí Bắc Việt nhận định rằng cuộc họp thượng đỉnh giữa hai ông Nixon và Breijev vào tháng 5/1972 là "đi ngược với nguyên tắc". Lãnh đạo đảng cộng sản VIT NAM biết là Mạc tư Khoa và Bắc Kinh đang chơi trò "thư giản" với Hoa Kỳ, như vậy là coi như họ muốn dời cuộc cách mạng thế giới lại một ngày khác rồi "



Tất cả những nhận xét của ông Hoàng Tùng trên đây tuy có vẻ nhẹ nhàng nhưng nhân vật Hoàng Tùng muốn cho khách người ngoại quốc thấy: có một khoảng cách giữa Hà Nội, Bắc Kinh và Mạc tư Khoa, và cuộc tranh chấp nầy có vẻ khá nặng nề..



Đôi khi Hoàng Tùng lợi dụng những cuộc thảo luận tổng quát nầy để gợi lên cho khách thấy sự dị đồng. Như vậy về mặt lý thuyết trong cái thế giới cộng sản người ta đặt một câu hỏi xét ra thật là căn bản: " trên con đường dẫn tới thiên đường xã hội chủ nghĩa có thế nào "giáo điều, ý thức hệ vượt lên khỏi nhu cầu phát triển kinh tế hay không ? "



Nước Việt Nam chưa phải là một nước kỹ nghệ. Cộng sản Việt Nam bắt buộc phải đi theo con đường của Trung Quốc, có nghĩa là ý thức hệ phải được coi như ưu tiên hơn là phát triển kỹ nghệ. Ông Hoàng Tùng nhấn mạnh : " Những người kế thừa Hồ chí Minh đã chọn một đường lối sát với cộng sản chính thống Liên Xô. Đất nước chỉ tiến được lên xã hội chủ nghĩa khi nào nền kinh tế của quốc gia đã ở trong tình trạng phát triển."



Trong văn bản của ông, Lê Duẫn đã nhấn mạnh vị trí quan trọng của sự phát triển kỹ thuật (ông Tùng nhận xét). Tại Hà Nội, chủ thuyết Mao trạch Đông chẳng những không được coi trọng nếu không muốn nói là quá lạnh nhạt, xa cách, mà lại còn kèm theo các nụ cười khó chịu nữa. Tòa Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội có đầy những quyển tiểu luận màu đỏ bằng tiếng Việt nhưng vì một sự tình cờ nào đó mà không thấy một quyển nào được thấy xuất hiện ra ngoài.



Đi lần xuống từ đỉnh cao của ý thức hệ đó, bà FitzGerald nêu lên câu hỏi về bài toán tế nhị của những sự thay đổi trong nội bộ đảng cộng sản.



Đối với người cộng sản Việt Nam, cái gì mới là quan trọng : Hồng hay Chuyên ?



ông Tùng trả lời:



" Đường lối của chúng tôi khác hẳn của người Trung Quốc, chúng tôi tin tưởng rằng "Phải biết làm và Làm có kỹ thuật" đó mới là ưu tiên, là quan trọng. Có ý chí là một điều cần thiết đấy, nhưng cũng chưa đủ. ". Tùng lại nói tiếp :



- " Trong nội bộ đảng CS VIT NAM cũng đã có những sự tranh luận, nhưng không có sự dị biệt về ý thức hệ, từ thế hệ nầy đến thế hệ khác, từ cấp trên xuống tới cấp dưới. Đảng và Chánh Quyền gồm có những người lớn tuổi từ cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất. Họ không có đủ phẩm chất cần thiết để canh tân nước Việt Nam . " Và ông lại giải thích:



-" Chúng tôi vấp phải một xu hướng nào đó, có chủ trương cứ để cho lịch sử của quá khứ dắt mình đi, cứ coi như sự thiếu khả năng trong hiện tại là cần thiết. Tôi đã nói đùa với ông Lê Duẫn là "nếu chúng ta sống trong chế độ hồi xưa thì tôi sẽ chấp thuận ban cho rất nhiều người một quy chế quý tộc rồi, quý vị thấy tôi muốn nói gì chớ ? một quy chế danh dự thôi mà !



Trong thời gian 19 ngày phái đoàn Hoa Kỳ thăm viếng Hà Nội, họ đã đi tham quan các đền đài, viện bảo tàng và các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng. Đâu đâu và lúc nào người ta cũng giải thích là Miền Bắc cần phải nâng cao sản lượng lúa gạo, than đá, sắt thép, điện lực, xi măng và phân hóa học. Người ta đã làm việc quá nhiều cho kế hoạch sắp tới, cho thời gian chuyển tiếp sau khi thống nhất được hai Miền Nam Bắc. (họ đã nói như vậy). Các doanh gia ở Miền Nam sẽ được mời, nếu họ muốn mua than đá và bán gạo cho Miền Bắc. Việc thống nhất nầy phải còn tốn rất nhiều thời gian. Có thể 5 năm hay 10 năm không biết chừng. Đâu đâu và lúc nào phái đoàn cũng nghe thấy họ nhắc đi nhắc lại thời khóa biểu nầy. Ngay như Thủ Tướng Phạm văn Đồng cũng vậy, đích thân ông đã tiếp phái đoàn Hoa Kỳ nầy, rất ngắn thôi, nhưng cũng đủ để ông gieo vào đầu họ ý nghĩ nầy khi ông tuyên bố:



- " Sẽ có thống nhất thôi, ai cấm ? Cứ hỏi ngay ông Gerald Ford xem ! Trước hết, phải thi hành Hiệp Định Paris. Chúng tôi phải có được "Hòa Bình, Dân Chủ và Hòa Hợp Quốc Gia" và một Chánh Phủ mới ở Sài Gòn. Sẽ có thống nhất thôi ! chừng đó tôi là người sẽ trở về Miền Nam."



Ông Phạm văn Đồng là người sanh trưởng ở Miền Trung, trong tỉnh Quảng Ngãi. Năm nay ông 79 tuổi có cặp mắt sáng rỡ, đẹp và sâu nom hết sức quyến rủ, luôn tiết ra một luồng nhiệt độ có lẽ từ bịnh rét rừng. Ông có đôi môi dày, nước da ông ngâm ngâm đen và đôi tay ông dài, ông nói tiếng Pháp rất cứng với người ngoại quốc. Với tướng người cao ráo, ông thường mặc đồ lớn, nửa dân sự nửa quân sự, vùa thực dụng vừa thơ mộng của một ông thủ tướng hay nói về Diderot, về Victor Hugo hay về Zola, để tán tụng họ. "Hết Ý" là một trong những từ rất đắc ý của ông ta. Khi nói tới sự thống nhất giữa hai Miền Nam Bắc, ông làm như cần phải dời ngày đó lại một thời điểm nào đó xa xôi hơn, không đoán trước được. Ông vừa cười vừa nói với bà FitzGerald:



-" Về ngày đó hả ? Chắc tôi phải hỏi lại một chiêm tinh gia mới được !"



Thật là nhịp nhàng và ăn khớp với nhau quá !



Không có lúc nào mà người Mỹ trong phái đoàn của bà FitzGerald thấy được tầm vóc của trận đánh chiếm tỉnh Phước Long, cũng giống như những nhà ngoại giao đương nhiệm ngay tại Hà Nội !



Trong một giác thư, viên xử lý thường vụ Úc Châu, ông G.C. Lewis không sao rút ra được một kết luận nào gọi là thê thảm của diễn tiến quân sự ở Miền Nam. Gần đây nhất ông ta đã có nói chuyện với các đồng nghiệp Liên Xô và Ba Lan ở Hà Nội. Họ cũng đã quả quyết với ông rằng VNDCCH bây giờ chưa dự tính thống nhất hoàn toàn hai Miền Nam Bắc vì họ coi đó là một mục tiêu dài hạn, nếu họ thật sự muốn như vậy .



Ở Miền Nam Chánh Phủ VNCH của ông Thiệu và CPLTCHMN (GRP) có thể từ từ sát nhập với nhau dưới một hình thức "Liên Hiệp" để rồi một ngày nào đó sẽ đương nhiên trở thành một thành phần trong Liên Bang với Miền Bắc."



Các nhà ngoại giao Liên Xô giải thích cho người Úc là CS VIT NAM đang nghỉ xả hơi :



" Hai nền kinh tế của Miền Nam và Miền Bắc quá chênh lệch nhau để có thể kết hợp ngay với nhau được , dù là có thể hợp tác với nhau giữa một Miền Nam nông nghiệp với một Miền Bắc kỹ nghệ.



Vui tính, nhà ngoại giao Úc Châu tiếp lời:



- "Nhìn từ đây, ngay bây giờ mà VNDCCH muốn sát nhập công ty Honda của Miền Nam cũng không phải thật sự là một đề nghị có thể đi đến thành tựu được.". Ngoài ra theo ông Lewis, các lãnh tụ Miền Bắc còn nghi ngờ về ảnh hưởng của người Miền Nam đối vói người Miền Bắc".



Nhà ngoại giao Úc Châu chỉ lập lại những gì mà Miền Bắc đã nói với các dồng chí Liên Xô của họ mà thôi.



Hai vị cố vấn trong tòa Đại sứ Liên Xô, ông Trigoubemko và Markow đã đánh tiếng trong ngoại giao đoàn là Liên Xô đã cắt giảm viện trợ quân sự cho Hà Nội trong năm 1974. Hai nhân vật Liên Xô nầy giải thích là chính người Trung Quốc là những ngưòi muốn theo đuổi chiến tranh và muốn đi tới mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến. Họ khuyến khích Hà Nội phải tiến hành một cuộc tấn công vào Miền Nam. Ông Trigoubemko nói thêm rằng Trung Quốc có thể "gởi quân đội của họ qua tham chiến" giúp Miền Bắc. Dĩ nhiên ông xác nhận đây chỉ là ý kiến riêng của ông. Ông ước tính là các nhà lãnh đạo của Hà Nội thực tế đang mơ ước có được một Liên Bang Việt Nam hơn là một nước Việt Nam thống nhất. Ông nói tới hai nước VIT NAM giống như hai nước Nam, Bắc Hàn, Đông và Tây Đức.. ông đổ lỗi cho Trung Quốc là một "bá quyền thực dân mới", một bá quyền có ảnh hưởng rất xấu đối với các chiến sĩ cách mạng Cam Bốt.



Đại ý của các nhà ngoại giao Liên Xô là :



-" Các đồng chí VIệT NAM lúc nầy cần phải tâp trung tài nguyên vào việc tái thiết đất nước và xây dựng xã hội chủ nghĩa."



Tất cả những người thuộc Ban Lãnh đạo đảng CS VIệT NAM nào có liên lạc với Tây Phương ở Hà Nội đều loại trừ khả năng tấn công của lực lượng giải phóng ở Miền Nam trong năm 1975. Họ cũng không loại trừ khả năng can thiệp của oanh tạc cơ Hoa Kỳ. Những người có trách nhiệm nầy tuyên bố là họ muốn tránh phản ứng mạnh của Hoa Kỳ:



- "Chúng tôi không muốn làm hỏng lễ kỷ niệm 30 năm ngày lập quốc của VIệT NAM Dân Chủ Cộng Hòa vào tháng 9 / 1975 nầy".



Tất cả những luận điệu và phân tách nói trên lan rộng ra bất kể trong trường hợp hay hoàn cảnh nào, càng ngày càng vững chắc thêm lên, cùng khắp ở Hà Nội để đi tới thủ đô của các quốc gia Tây Phương. Những mẫu chuyện có tính cách "hòa hoãn" này đã ăn sâu vững chắc vào tư tưởng của cả những người ít nhạy cảm nhất.



Người Tây Phương vốn không cho là quan trọng và ít khi tin vào những gì mà người Liên Xô hay Bắc Việt nói ra, nhưng những đòn loạn ngôn lừa bịp nầy cứ được nói đi nói lại liên tục, lại có kèm theo chứng tích trong giới ngoại giao đoàn, một thế giới thu hẹp vừa bé nhỏ vừa bị bưng bít ở Hà Nội. Hơn thế nữa CS VIệT NAM đã khôn khéo giới hạn mức độ phổ biến vừa đủ với ý định nào đó của họ muốn mà thôi : "kiến tạo hòa bình có lợi cho họ hơn là tiếp tục theo đuổi chiến tranh". Clausewitz đã có nói; "Kẻ xâm lược lại là những người thích có hòa bình". Họ muốn vào nhà anh mà không muốn gặp bất cứ một trở lực nào ! do đó mà Bắc Việt sẳn sàng chờ đợi...



Vào đầu năm 1975, họ than phiền là đồng minh của họ không tiếp tục viện trợ đúng mức và đúng lúc cho họ. Họ đánh tiếng cho các nhà ngoại giao Tây Phương và cả Đông Phương rằng các đoàn xe tiếp vận từ Trung Quốc thường quá trể nãi. Người ta đổ lỗi cho công nhân Hỏa xa Trung Quốc đình công. Các công điện ngoại giao của Tây Phương gởi đi từ Hà Nội đều cho thấy rằng cộng sản VIệT NAM đang theo chánh sách bước đi từng bước một...mà bước nào cũng vững chắc.



Như vậy là tất cả đều trùng hợp, Bộ Chánh Trị CS VIệT NAM đặt vấn đề kinh tế lên hàng đầu, ưu tiên hơn vấn đề chánh trị. Họ chuẩn bị một cuộc chiến lâu dài, có thể kéo dài trong nhiều năm nữa.



Nhưng ít nhất cũng có 2 nhà ngoại giao không chia xẻ phân tích nầy, một của Tây Phương và một của Đông Phương.



Từ tháng 12/74 ông Domogola của Ba Lan, đương nhiệm ở Hà Nội 3 năm rồi, nghĩ là Bắc Việt đang chuẩn bị mở một cuộc tấn công vào Miền Nam. Ông không thấy có một giải pháp chánh trị nào khả dĩ có khả năng thành tựu được. Không có một lãnh tụ ôn hòa nào có khả năng vươn lên để thay thế ông Thiệu. Ông Domogola giữ liên lạc chặt chẽ với những nhân viên dân chính cũng như quân sự của phái đoàn Ba Lan đang có trách nhiệm ở Miền Nam, những người đang biết rõ các cuộc chuyển quân của Bắc Việt hơn những người khác.



Người thứ hai là ông Philippe Richer, một người đã từng là cựu tù binh bị lưu đày ở Buchewald, một cựu sĩ quan hiện dịch đã có 2 năm phục vụ trong quân đội hoàng gia Lào. Ông là đương kiêm Đại sứ Pháp tại Hà Nội. Ông cũng có nhận định như ông Domogola. Là một nhà ngoại giao rất bén nhạy, ông biết rất rõ từ Mạc tư Khoa đến Bucarest, và ông tới Hà Nội đúng vào tháng giêng năm 1975 . Ông không có một ảo tưởng nào về mọi khả năng giải quyết Miền Nam Việt Nam bằng một giải pháp chánh trị.







Vài tuần lễ trước đó Thủ Tướng Phạm văn Đồng qua trung gian ông Francois Missofle, một đặc phái viên của Chánh Phủ Pháp ở Á Châu, đã nhờ Chánh Phủ Pháp nhấn mạnh với Hoa Kỳ để họ ép buộc ông Thiệu rời khỏi chức vụ. Hiệp ước Paris đã mặc nhiên chấp nhận giữ ông Thiệu lại ở Miền Nam, bây giờ Bắc Việt lại tìm cách để bứng ông Thiệu ra khỏi Miền Nam. Như vậy là họ đâu có muốn nghỉ xả hơi như họ đã nói đâu ?



Thủ Tướng Phạm văn Đồng tiếp ông Richer lần đầu tiên vào tháng giêng và nói với ông Richer rằng:



- " Tôi hy vọng là ông đem tới cho tôi một câu trả lời".



Nhà ngoại giao Pháp không hề nhận được một chỉ thị chính xác nào trước khi đi, nên ông ta phân vân trong một sự mơ hồ...



Trừ trường hợp ngoại lệ, còn thì tất cả các tin tức khắp các nơi đưa về đều giống nhau, từ Hà Nội và từ các nhiệm sở ngoại giao của Bắc Việt trên khắp thế giới, từ hệ thống tình báo và phản tình báo hùng mạnh của cộng sản, tất cả đều cho biết là "không nên quan trọng hóa vấn đề Phước Long, dù đó là một biến cố không phải nhỏ. Bộ Chánh Trị công sản chỉ muốn giữ một tình trạng căng thẳng nào đó thôi ở Miền Nam để cho bộ đội của họ vui chơi, không hơn không kém"!



Rất ít có chuyên viên nào nghĩ rằng tất cả các nguồn tin dù đến từ Đông hay Tây cũng đều có một xuất xứ duy nhất là Hà Nội !



Hơn nữa, vào trung tuần tháng giêng, tất cả các chuyên viên đều có trong tay một bản tài liệu từ tháng 12/74 : bản nghị quyết 08/CT74 do Bộ Tư Lệnh Quân Đội của CPLTCHMN phổ biến. Nghị quyết nầy có nội dung duyệt xét các mẫu số của cuộc đấu tranh cho những năm sắp tới: " Chánh Phủ và Quân Đội bù nhìn của Nguyễn văn Thiệu nếu không sụp đổ ngay thì cũng tiếp tục gặp nhiều khó khăn trực diện trên mọi lãnh vực và sẽ suy yếu lần lần về phẩm cũng như về lượng".



Cộng sản thường mắc bệnh giấy tờ nên họ thường cung cấp tin túc đều đặn cho cán bộ các cấp ngay cả trên mặt trận. Do đó mà đôi khi cán bộ cộng sản còn biết tin tức chính xác trước cả ông Thiệu nữa, như trường hợp nội dung thảo luận ở Paris giữa ông Kissinger và Phái đoàn Bắc Việt. Cơ quan tình báo của Việt Nam Cộng Hòa phân tách kỹ các tài liệu tịch thu được trên xác chết của bộ đội hay của tù binh bắt được. Một cuốn sổ tay tịch thu được của một cán bộ Việt Cộng trong tháng giêng có bản phân tích nghị quyết 08/CT74:



" Các đồng chí phải ý thức được sự cứng đầu của địch khi họ muốn tiêu diệt giai cấp thợ thuyền. Đó là nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng trong hiện tại. Do đó trong năm 1975 chúng ta phải tăng cường nỗ lực gắp ba hay gấp năm lần. Chúng ta phải chiến đấu trên cơ sở của sự đau thương nầy bởi vì chúng ta còn phải tiếp tục một trận chiến lâu dài."



Cộng sản Việt Nam không bao giờ buông bỏ mục đích cuối cùng của họ là thống nhất nước VIệT NAM, nhưng trong hiện tại rõ ràng họ đang dự kiến một cuộc chiến lâu dài.



Đối với dư luận quốc tế, VIệT NAM DCCH và CPLTCHMN được coi là hai thực thể riêng biệt. Dù họ có để lộ cho dư luận thấy một vài điểm dị biệt, nhưng họ chỉ có một tiếng nói chung, giống nhau. Còn người Mỹ, từ chánh quyền đến quân đội, cấp nào cũng vậy, họ không bị bó buộc phải có một quan điểm giống nhau, cả trên hai lãnh vực ngoại giao và truyền thông.



Ngày 8 tháng giêng, vị Tư Lệnh các lực lượng Hoa Kỳ ở Thái bình Dương (bao gồm chiến trường Việt Nam), Đô đốc Noel Gayler, có thực hiện một cuộc phỏng vấn cho đài truyền hình tại trại Smith ở Honolulu.



Trước khi cho phát hình cuộc phỏng vấn nầy, đại tá Sheldon Godkin đánh tiếng cho biết rằng Đô Đốc Gayler không loại trừ khả năng một cuộc can thiệp của Hoa Kỳ để ngăn chận một sự "sụp đổ" của Miền Nam Việt Nam, sau khi Phước Long bị Bắc Việt chiếm.



Cuộc phỏng vấn truyền hình được đài NBC phát đi trong chương trình "today show" một chương trình có rất nhiều người theo dõi. Đô Đốc đưa ra một quan điểm khác biệt với quan điểm của ông lúc ban đầu:



Trước hết ông tuyên bố là : Hoa Kỳ sẽ xử dụng chiến cụ chớ không dùng quân lính để tăng cường cho Chánh Phủ của ông Thiệu. Ông nói :



- " Có khả năng có một sự can thiệp, nhưng cơ hội dẫn tới đó hình như còn quá xa vời".



Có vẻ ngần ngừ và hơi ấp úng,ông nói tiếp :



" Cần phải giúp đỡ cho Miền Nam Việt Nam chiến cụ để họ có thể xử dụng tùy theo nhu cầu của họ." - "Không đến độ quá phi lý đâu. Dĩ nhiên là hợp lý, không đến đổi nào đâu... Tôi muốn nói là về đạn dược.... phải có đủ để họ có thể tự bảo vệ, và ....về lương thực cũng phải có để họ có đủ ăn, họ và gia đình họ,... và... cả vải bạt nilon nữa... để họ che mưa ..! " Những ý kiến của nhân vật quan trọng nầy đã làm cho những người ở Sài Gòn mất hết cảm tình: Những tấm vải nhựa che mưa có thể chống được T.54 sao ? Và ở Hoa thạnh Đốn cũng vậy, người ta cũng không vui vẻ gì. Cần phải hết sức thận trọng về viễn ảnh của một sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ. Không có mấy ai nghĩ tới việc nầy. Ông Kissinger đã có nói về một sự can thiệp ở Trung Đông. Đối với kẻ địch, người ta không bao giờ nên nói là sẽ không làm việc nầy hay việc nọ, nhất là việc không gởi quân... Hai mươi lăm năm trước Bắc Hàn đã tấn công Nam Hàn chỉ vì ông Tổng trưởng Ngoại Giao Dean Acheson vừa tuyên bố là tuyến phòng thủ của Hoa Kỳ không bao gồm Nam Hàn. Ở Bộ ngoại giao hầu hết các chuyên viên đã có "đường lối" riêng của họ rồi: ''Sự việc Phước Long là một sai lầm không thể được tái diễn lại nữa vì đó cũng chỉ là một hành động quân sự hạn chế mà thôi ". Người ta không thể kết luận cho đó là một hành động có tính cách chiến lược được.... Và dĩ nhiên sự chống trả của lực lượng của Miền Nam lẽ ra phải mảnh liệt hơn mới phải "".



Một nhóm chánh trị gia chuyên nghiên cứu về kế hoạch dài hạn, dưới quyền ông Kissinger ước tính rằng cần có một sự can thiệp, nhưng rất khó có thể thi hành được việc nầy. Ngũ Giác Đài cũng nghĩ rằng Hoa Kỳ không thể gởi oanh tạc cơ tới đó dù các kế hoạch xử dụng oanh tạc cơ vẫn còn trống. Ngũ Giác Đài thường có kế hoạch yểm trợ cho khắp nơi, như can thiệp ở Việt Nam, Trung Đông, Đức v.v.. cả ở vùng Nam băng Dương nữa.



Không thể được ? Tại sao ? Tổng Thống Ford, vị Tổng Tư Lệnh của Quân Lực Hoa Kỳ bị đạo luật 93-50 và 93-52 và nghị định 542 của Quốc Hội lưỡng viện tháng 11/1973 ràng buộc. Theo đó Tổng Thống chỉ được phép xử dụng quân lực Hoa Kỳ sau khi có sự tuyên chiến của Quốc Hội; hay trong những trường hợp thật chính xác, như lãnh thổ hay chính quân lực Hoa Kỳ bị tấn công. Trong trường hợp nầy, mọi quyết định của Tổng Thống (về việc xử dụng quân lực) phải được thông báo ngay trong vòng 48 tiếng đồng hồ cho Quốc Hội Hoa Kỳ . Thời gian xử dụng được giới hạn là 60 ngày. Ông Kissinger có chủ trương gởi Hạm đội Mỹ đến vùng biển Việt Nam để cho Hà Nội hiểu rằng họ phải ngưng ngay các cuộc tấn công. Ông Ford đương nhiên phải nghiêng về sự thận trọng nên đã chống lại ý kiến nầy.



Tất cả những màn tranh luận hay bàn cãi của Chánh Phủ Hoa Kỳ được diễn ra một cách công khai, để cho dân chúng ai cũng thấy biết. Tòa Đại sứ Liên Xô ở Hoa thạnh Đốn xuyên qua Mạc tư Khoa đã cho Hà Nội biết hết toàn bộ những sự do dự, những màn căng thẳng và phản đối ngay trong Chánh Phủ Hoa Kỳ. Chánh sách của Hoa Kỳ được bàn tới bàn lui ở Nhà Trắng, ở Quốc Hội và ở các Bộ trong Chánh Phủ. Cả ở trên vô tuyến truyền hình nữa !



Ông Nixon không dám chen vào. Các cố vấn của ông Ford thì muốn cho ông lên truyền hình. Ngày 13 tháng giêng Tổng Thống Ford nói chuyện trên 13 kênh trên truyền hình, nhơn ngày ông đọc diễn văn về đoàn kết quốc gia. Các cố vấn của ông đã nhấn mạnh với ông là "Việt Nam mãi mãi vẫn là con số không" Cho nên ông không có một chữ nào về vấn đề Việt Nam. Chiến lược của các cố vấn nầy thật là quá rõ ràng:



- Hoặc là sự kiện một tỉnh lẻ của Việt Nam rơi vào tay của Bắc Việt sẽ chìm xuống lần lần: như vậy im lặng là điều cần thiết



- Hoặc tình hình chiến sự ở Việt Nam sẽ xuống thang : Hãy để cho ông Kissenger lo dọn dẹp các mảnh vụn thạch cao của ông ta.



Các cử tri, các ông nghị sĩ, dân biểu hiện đang quá bận tâm về nền kinh tế của Hoa Kỳ, không ai còn nghĩ tới số phận của Sai Gon hết.



Tại Quốc Hội, khi nói tới Việt Nam, các nhóm có nhiều ảnh hưởng đang gây áp lực ở đây là những người thiên về "hòa bình", không có ai thiên về ông Thiệu cả.



Trên đường về Hoa Kỳ, sau khi rời khỏi Việt Nam, phái đoàn của bà FitzGerald ghé qua Lào. Fred Bransman tường trình về chuyến đi Việt Nam của ông ta với Đại sứ Mỹ tại Vientiane. Một cố vấn ngoại giao đã viết tờ trình về Hoa Thạnh Đốn, nội dung thật là rất buồn cười!



" Ông Bransman rất xúc động. Theo ông thì ở Bắc Việt có một không khí hài hòa ! Chánh quyền luôn luon thỏa mãn nhu cầu của dân chúng, không một ai trong Bộ Chánh Trị lợi dụng chức vụ để làm giàu, các đồng ruộng đều được gia nhập vào các hợp tác xã một cách vui vẻ. Người dân ở Bắc Việt không có gì gọi là theo ý thức hệ cộng sản, trái lại họ theo thuyết thực dụng. Họ rất mong có được một giải pháp chánh trị."



Ngày 19 tháng giêng, vừa về đến Hoa thạnh Đốn là ông Bransman và thuộc hạ của ông ta đã tràn ngập các hành lang của Quốc Hội. Họ tích cực vận động để Quốc Hội chống lại mọi hình thức viện trợ cho Chánh Phủ VIệT NAM CH. Ông Bransman đã làm việc thật là quá dắc lực !



Tổng Thống Ford lúc nào cũng đo kỹ nhiệt độ cũa Quốc Hội và phản ứng của báo chí. Một bản nghiên cứu của Bộ Ngoại Giao, xuyên qua các bài bình luận của 36 tờ nhật báo đã cho thấy là 16 tờ cương quyết chống viện trợ cho Việt Nam, 13 tờ nếu không có cảm tình với Chánh Phủ VNCH thì ít nhất cũng có ý kiến là phải viện trợ cho họ.



Được bước lên ghế Tổng Thống Hoa Kỳ một cách bất ngờ từ sáu tháng nay, ông Ford đã tỏ ra là một nguời có dũng khí. (người ta cũng thật sự chưa biết được có phải như vậy hay không ). To con, mũi gảy, càm vuôn, ông Gerald Ford "Jerry" có vẻ mạnh khỏe, thành thực. Ông không có vẻ gì ở tuổi 62 hết. Trước khi ông nhậm chức Tổng Thống, báo chí nhắc đi nhắc lại "ông Jerry là một người liêm khiết". Người ta rất mong ông được như vậy. Chắc ông sẽ không hành động bừa bãi đâu trước khi ông tham khảo ý kiến với người tiền nhiệm của mình. Trước khi ông tuyên thệ nhậm chức đã có 350 người điều tra , xem xét cẩn thận cuộc đời của ông rồi. Theo truyền thuyết nghe thấy được ở Hoa thạnh Đốn thì ông Nixon thích tiền và hay khinh người. Còn ông Ford trái lại đã có một mối giao hảo tốt với mọi người. Ông có khoản 250 ngàn mỹ kim tiền túi và trong chương mục ngân hàng của ông. Ông Tổng Thống nầy không có dấu diếm gì cả bởi vì ông không có gì để mà che dấu, nhất là về trình độ trí thức của ông mà những người có ác ý thường đòi hỏi . Đầu óc ông rất trong sáng, không mảy may vẫn đục, và tánh tình ông thật giản dị. Ông không thiết tha lắm với tầm nhìn lịch sử. Tóm lại, về ông "Jerry" chỉ có một chữ thôi : đứng đắn. Khía cạnh hướng đạo sinh của ông làm cho một số người ưa thích ông và một số người khác tin tưởng ông. Ông không giàu tưởng tượng lắm nhưng khéo léo. Sự có mặt của ông gần 25 năm ở Hạ Viện đã chứng minh điều đó. Phải có một tinh thần dung hòa cao độ ông mới trở thành một lãnh tụ thiểu số của đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện. Giỡ đây liệu ông có phải là một ông Tổng Thống có tầm vóc hay không ? Trước kia ông Harry Truman không có tầm vóc lúc đầu nhưng đã trở thành một Tổng Thống rất lỗi lạc. Muốn vào Nhà Trắng (Mỹ) hay điện Elysée (Pháp) hoặc ở đường Downing (Anh) trước tiên cần phải có nhân cách. Trong những tháng đầu, ông Ford coi như còn ở trong thời kỳ của tuần trăng mật mà ông còn hưởng được, báo chí đã nương tay cho ông hoặc che chở cho ông. Dĩ nhiên nếu không có ông Ford nầy thì người ta cũng nặn ra một ông Ford khác được vậy. Ông vẫn biết rằng người ta không mong gì hơn "ông Jery là một ông Tỏng Thống bình thường thôi, không cần như các trào Tổng Thống khác, từ ông Roosevelt tới ông Johnson, hay từ ông Kennedy tới ông Nixon.



Theo tất cả mọi cuộc thăm dò và bình luận, thì ông Ford đưọc coi như một ông Tổng Thống Cộng Hòa bảo thủ. Vốn là một người đã từng hưởng ứng cuộc chiến ở Việt Nam, ông đã chỉ trích tính cách điều hành cuộc chiến dưới thời ông Johnson, về phương tiện chớ không phải về cứu cánh.



Ông chấp nhận mọi sự bất đồng ý kiến. Ngay cả trong gia đình ông cũng thế. Hai đứa con trai của ông, Mike và Jack chống đối cuộc chiến tranh nầy. Ông không cầu mong có được một khả năng vượt bực trong những lãnh vực mà ông chưa từng quen thuộc. Vài tuần trước ông đã có gặp ông Valery Giscard d’Estaing (Tổng Thống Pháp) ở đảo Antilles. Ông đã để cho ông Kissinger ăn nói nhưng ông cũng không đến đổi tệ lắm đâu. Ông Giscard đã cho biết là đã có khả năng dàn xếp với Hà Nội. Ông Kissinger có vẻ hoài nghi nhưng nghĩ là nên cứ để người ta thử xem sao.



Ông Ford không muốn bị lôi cuốn trở lại vào cuộc chiến ở Việt Nam nữa. Có lẻ nhờ Quốc Hội hạn chế quyền hành của Tổng Thống trong lãnh vực nầy chăng? Ngoài ra ông còn bị áp lực của ông James Schlesinger, Bộ Trưởng Quốc Phòng : tới giai đoạn nầy ông bộ trưởng không muốn có một hành động can thiệp nào nữa cả. Trong một cuộc họp báo ngày 14 tháng giêng, ông Schlesinger tuyên bố:



-" Chúng tôi không thể tin được rằng Bắc Việt đã sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công qui mô trên toàn quốc. Họ chỉ muốn lũng đoạn sự kiểm soát của Chánh Phủ VNCH thôi. Tôi không dự kiến một cuộc tấn công quy mô nào kiểu như cuộc tấn công mà chúng ta đã biết hồi năm 1972. Tôi tin rằng Bắc Việt vẫn còn phải nể sợ sức mạnh của Hoa Kỳ ".



Sau đó để chứng tỏ ông là một thành viên trung thành với Chánh Phủ, ông tuyên bố tiếp :



" Trên phương diện lịch sử, dư luận Hoa Kỳ sẽ có một phản ứng giận dữ đối với một cuộc xăm lăng bạo tàn. Trong trường hợp dó, Tổng Thống sẽ thỏa thuận với Quốc Hội để có được sự chuẩn y trong việc xử dụng quân lực hùng mạnh của mình."



Liên quan đến những phê bình trên bình diện chánh trị về một thảm họa có thể xảy ra ở Việt Nam thì ông Schlesinger lại giả bộ ngây ngô, đùa qua hết cho Bộ Ngoại Giao, cho ông Kissinger !



Trong cái không khí hỗn tạp chánh trị ở Hoa thạnh Đốn, ông Kissinger và ông Schlesinger giống như hai con cá sấu thù nghịch đang gờm nhau, vừa khinh nhau mà cũng vừa nể nhau. Ông Schlesinger là người duy nhất trong Chánh Phủ có thể cạnh tranh được với ông Tổng trưởng ngoại giao trên lãnh vực học vấn. Ông Kissinger thường sấp xếp để lúc nào ông Schlesinger cũng phải đứng ngoài mọi quyết định quan trọng. Các cựu quân nhân từng phục vụ ở Việt Nam đều có làm việc trong cả 2 Bộ ngoại giao và quốc phòng của 2 ông. Các nhà ngoại giao không có được nhãn quan bén nhạy của giới quân nhân nhà nghề. Người thì muốn giữ được lòng tin đối với Hoa Kỳ trên sân khấu quốc tế. Người khác thì muốn di tản hết các sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ Mỹ cuối cùng đang còn hiện diện ở một vài tỉnh ở Việt Nam. Ông Schlesinger chỉ mới đảm trách chức vụ Bộ trưởng quốc phòng từ 18 tháng nay nên chưa phải là hiện thân của cuộc chiến ở Việt Nam. Còn ông Kissinger là đồng tác giả của Hiệp Định Paris nên không thể tự tách rời ra khỏi việc nầy được. Đối với dư luận thì vấn đề Việt Nam đè nặng trên cả hai vai của ông.



Ông Ford nghĩ là cần phải xin Quốc Hội 300 triệu đô la viện trợ quân sự bổ túc cho Việt Nam. Chiều ngày 23 tháng giêng, trên hệ thống truyền hình, đài NBC, ông bị hai bình luận gia trứ danh John Chancellor và Tom Brokaw chất vấn ông,. Họ đi thẳng vào vấn đề Việt Nam. Ông Brokaw đua ra một câu hỏi thật là giản dị:



" Thưa Tổng Thống, xin ông cho biết mục tiêu mà ông cần phải đạt được ở Đông Nam Á, và đặc biệt là ở Việt Nam ?"



Ông Ford hơi vụng về nhưng đã tỏ ra rất chân thật :



- "Ở Việt Nam, sau những mất mát về nhân mạng ..."... - trên 50 ngàn công dân Hoa Kỳ- và sau quá nhiều phí tổn phi thường của chúng ta tính bằng đồng đô la Hoa Kỳ .."... thường thường trên 30 tỷ mỗi năm- ..".. tôi thấy hình như chúng ta phải thử cho người dân Miền Nam Việt Nam trách nhiệm tự bảo vệ "lối sống của họ" bằng viện trợ quân sự của Hoa Kỳ " (nguyên văn câu tiếng Anh của tác giả: "the way of life").



Khi ông Ford nói chuyện trên hệ thống truyền hình và nhất là sau bữa cơm tối, người ta có cảm tưởng lời nói của ông ta có đệm nhạc, giống như một bài hát đạo thoang thoảng nghe được trong các thang máy của các cửa hàng!



Sau đó ông Ford nói về những quan điểm tổng quát về truyền thống của Hoa Kỳ từ thế chiến 2, về sự viện trợ cho các quốc gia đồng minh. Ông phân tách rõ rệt giữa viện trợ nhân đạo với viện trợ quân sự. Ông lại tiếp tục nói về truyền thống và đức độ của Hoa Kỳ trong tương lai làm ông Brokaw phải kéo ông về đề tài:



- " Sự cam kết của Hoa Kỳ sẽ kéo dài trong bao nhiên năm nữa, và nó sẽ đi đến đâu ?



Tổng Thống Ford nói :



- " Tôi không tin là sẽ có một sự cam kết lâu dài. Thật ra Đại sứ Hoa Kỳ ở bên đó, ông Graham Martin, có nói với tôi giống như ông Kissinger, là ông ta nghĩ nếu có một số lượng viện trợ (bằng đô la) đầy đủ đổi ra thành vũ khí đạn dược và trợ giúp kinh tế, ...".. và viện trợ nầy được đặt dưới quyền xử dụng của họ, thì trong vòng 2 hay 3 năm, Miền Nam Việt Nam sẽ qua khỏi được thời kỳ khó khăn của họ".



Những lời tuyên bố nầy thiếu căn bản, ông Ford cũng hiểu như vậy:



-" Tôi tin chắc là người ta đã nói với ông điều nầy rồi, ...



người dân Miền Nam đã có nhiều tiến bộ lắm rồi, bây giờ thì họ bắt đầu thiếu chút ít về đạn dược, và nạn lạm phát đã bắt đầu tăng trong những tháng gần đây..."



Ông Ford xác nhận là đã ban khen đại sứ Martin của ông, một người rất tận tụy và rất thiết thực ".



Vừa có khuyết điểm lại vừa có đức độ, Tổng Thống Ford quả thật là một nhân vật giản dị và ngọt ngào như chiếc bánh ngọt nhân táo chua vậy.



Với các chánh trị gia chuyên nghiệp, với các cử tri, thì những cuộc tranh luận, bàn cãi và những pha căng thẳng thần kinh trong bộ máy chánh quyền Hoa Kỳ được coi như rất sáng tỏ.



Và đối với Hà Nội cũng vậy thôi, thật là quá rõ ràng !!



Ngày 28 tháng giêng, rất long trọng, ông Ford đã gởi một công hàm đặc biệt cho Quốc Hội Hoa Kỳ để xin một ngân khoản viện trợ bổ túc là 300 triệu đô la cho Việt Nam; và 222 triệu đô la cho Cam Bốt. Tổng Thống Ford không có khẳng định là với sự viện trợ này Cam Bốt sẽ thắng trận giặc ở đó hay chiến cuộc Việt Nam sẽ chấm dứt, tuy nhiên theo ông, ít ra trên bàn cờ quân sự mà họ đang chơi, người ta có thể buộc kẻ địch phải thôi đi để trở lại bàn hội nghị thương lượng về một giải pháp chánh trị.



Những người thân cận ông Ford hy vọng là ông sẽ là một vị Tổng Thống thời "hậu chiến tranh Việt Nam", nhưng thực tế cho thấy ông đang ở trong cái vũng lầy, ngập đến tận cổ, mà bản thân ông lại không hay biết gì hết!



- "Ông Ford đang ngồi trên một đống phân", một công chức cao cấp trong Bộ Ngoại Giao đã nói như vậy, dĩ nhiên câu nầy không sao đến tai ông Kissinger được !