Chương 5 - Lưỡi rìu và gốc cây


Cơ quan sưu tầm tin tức của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đều biết rằng Bộ Chánh Trị và Quân Ủy Trung Ương, cơ quan quyền lực tối cao về chiến tranh của Bắc Việt, đang họp ở Hà Nội, họp liên tục từ ngày 18/2/1974 cho đến ngày 8/1/75, ngay tại Hà Nội .



Ngày 8/1 đó, ở Hà Nội cũng như ở SàiGòn mọi người đều biết kết quả sau cùng của trận chiến ở tỉnh Phước Long: tiếng súng đã hoàn toàn chấm dứt.



Các lãnh đạo đảng cộng sản đều có mặt đầy đủ trong tất cả các buổi họp giữa đại diện Bộ Tổng Tham Mưu Bắc Việt và Bộ tham mưu chiến trường Miền Nam gồm cả thành phần chánh trị và quân sự của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Về phía chánh trị thì có Lê Duẫn, Trường Chinh, chủ tịch Quốc Hội, Phạm văn Đồng, Lê đức Thọ. Phía quân nhân thì có các tướng Võ nguyên Giáp, Tổng trưởng Quốc Phòng, Văn tiến Dũng, Tổng tư lệnh, Lê ngọc Hiền Tham mưu trưởng hành quân, và Trần văn Trà, Tư lệnh chiến trường B2 ở Nam Bộ.



Trừ hai tướng Trần văn Trà và Lê ngọc Hiền , còn thì tất cả đều là thành viên của Bộ Chánh Trị. Đảng kiểm soát Quân Đội và các tướng lãnh đều nằm trong guồng máy chánh trị của đảng. Cho nên không thể nào có chuyện "đảo chánh" nhau được vì không ai lại đi lật đổ chính mình được .



Các quân nhân cũng có tham gia vào chánh quyền nhưng với mức độ vừa phải thôi để không có ai vô công rỗi nghề được ở thủ đô Hà Nội .



Các lãnh đạo quân chánh đang hình thành một kế hoạch chiến lược cho hai năm 1975 và 1976. Văn tiến Dũng đã ghi lại như sau :



" Tất cả đều xoay quanh việc đánh giá tình hình của chúng ta ở trong nước cũng như tình hình ở nước ngoài. Nếu chúng ta tấn công mạnh quá thì bọn bù nhìn sẽ phản ứng ra sao ? Câu hỏi căn bản là : Hoa Kỳ sẽ hành động thế nào ?Họ có dám can thiệp hay không ? Hay họ sẽ có kế hoạch nào khác ? Họ có toan tính gì khác không ? Chúng ta sẽ có phương thức nào phù hợp và tốt nhất cho cuộc cách mạng của chúng ta? chúng ta sẽ có kế hoạch nào trong 2 năm sấp tới ?" Các cuộc bàn cãi đã kéo dài rất lâu.



Phạm văn Đồng vừa đi tới đi lui vừa nói:



- " Nếu phải đánh giá địch, chúng ta vừa phải trả lời nhiều câu hỏi, vừa phải tránh những nhận định cũ. Chúng ta đang ở trong một giai đoạn mới. Hoa Kỳ đã rút hết quân của họ theo đúng Hiệp Định Paris rồi. Với Hiệp Định, họ thấy đó là một thắng lợi của họ. Thế nhưng đây là một thất bại của họ."



Khi người cộng sản nói với dân chúng thì họ quả quyết rằng Bắc Việt hoàn toàn chiến thắng. Nhưng giữa họ với nhau, những người có ý thức trách nhiệm thì có khác, thắng lợi chỉ tương đối thôi.



Ôg Đồng lại nói tiếp,



- " Bây giờ, Hoa Kỳ không có cách nào can thiệp lại bằng cách gởi quân sang đây nữa đâu. Họ chỉ có thể yểm trợ hỏa lực bằng không quân hay hải quân mà thôi. Mà yểm trợ hỏa lực thì không thể quyết định được thắng hay bại đâu. "



Ông ta cười:



- " Tôi lại nói đùa nữa rồi đây ! Nhưng lần nầy tôi nói thật; Tôi quả quyết rằng Hoa Kỳ không trở lại đây nữa đâu. Cho ăn kẹo cũng không dám !"



Nhờ các công điện của Liên Xô từ Hoa thạnh Đốn chuyển tin về Hà Nội qua trung gian chuyển tiếp của Mạc tư Khoa, và chỉ cần đọc qua các báo Mỹ, Thủ tướng Bắc Việt đã biết rõ là Hoa Kỳ sẽ không còn xử dụng lục quân ở đây nữa.



Trường Chinh, to con, một lý thuyết gia nặng ký của cánh bảo thủ giáo điều, đã phát biểu thật chậm rãi. Với một quyển sổ nhỏ cầm trên tay, ông trịnh trọng khai triển những gì ông đã ghi chú trong đó, thật khoan thai và bình tỉnh như cần phải đánh từng dấu phết cho từng đoạn trong từng câu... Ông nói:



- "Địch đang bị áp lực của chúng ta đè nặng trên ba mặt: các cuộc tấn công trên phương diện quân sự, khó khăn kinh tế và kỹ thuật, và phong trào nổi dậy của nhân dân..."



Các lãnh đạo đảng biết rất rõ họ đang nói gì khi họ nhắc tới phong trào nổi dậy của nhân dân. Công thức nầy được moi ra từ giáo điều. Các biên bản và các hồ sơ lưu trữ phải được bám chặt vào các điều tuyên bố nặc mùi tuyên truyền nầy. Sự nổi dậy của dân chúng Miền Nam chống lại chế độ SàiGòn hả ? Đó chỉ là một loại "dĩa bay" trong thời chiến: lúc nào người ta cũng nói đến nó mà không bao giờ người ta thấy được nó !



Trường Chinh lại nói tiếp:



- " Như vậy là địch sẽ yếu đi một cách nhanh chóng. Quân đội của họ không bao giờ giải quyết nổi cái mâu thuẫn giữa việc rải quân đóng đồn để giữ dân giữ đất với việc tập trung tác chiến lưu động . Tuy nhiên họ vẫn còn mạnh đó. Họ chưa mất bao nhiêu quân số đâu vì họ còn có khả năng tuyển mộ."



Điều nầy thấy rất rõ: trên chiến trường Miền Nam, Bắc Việt có 350 ngàn quân chánh quy. Họ có thể tập trung toàn bộ để hướng mũi dùi tấn công vào một vài điểm. Còn quân lực Việt Nam Cộng Hòa và lực lượng Bảo An tính chung là 1triệu 300 ngàn nhưng bị phân tán mỏng trải rộng ra trên toàn lãnh thổ.



Trường Chinh cũng đặt câu hỏi về một sự can thiệp có thể xảy ra của Hoa Kỳ , một ám ảnh không nhỏ đối với cộng sản :



- " Người Mỹ còn để lại 25.000 cố vấn quân sự ở Miền Nam ."



Nhà cầm quyền Miền Bắc cuối cùng có tin vào những con số mà họ đã dựng lên hay không? Nếu có thì họ tự đầu độc họ mà thôi ! Ở đây cũng vậy, những chuyện hoang đường đó đã trở thành sự thật trong các hồ sơ lưu trữ, và hồ sơ lưu trữ nầy biến thành Lịch Sử (danh từ Histoire được tác giả viết hoa).



Đối với người cộng sản , Lịch Sử không phải là một chuỗi dài sự việc nối tiếp nhau, mà là những gì đúng theo đường lối, tiên liệu và tuyên ngôn của đảng, đúng theo các giáo điều Mác xít cứng ngắt của đảng. Trường Chinh hình như ít theo sát những diễn biến trên sân khấu chánh trị của Hoa Kỳ bằng Phạm văn Đồng, nên ông nói:



- " Nếu Hoa Kỳ cảm thấy có cơ nguy thì họ sẽ can thiệp. Nhưng họ sẽ gặp khó khăn khi xử dụng lục quân, và họ phải hết sức cẩn thận và bị hạn chế phần nào trong việc xử dụng hải quân hay không quân"



Xuyên qua các biên bản chánh thức của những cuộc thảo luận, người ta ngửi thấy một sự khác biệt bàng bạc giữa một Phạm văn Đồng tinh tế hơn và một Trường Chinh giáo điều hơn, mặc dầu ngôn ngữ của hai người đều giống nhau.



Trong các phiên họp thì mỗi người đều được phát biểu quan điểm của mình, có người phát biểu dài tràng giang đại hải hàng giờ làm như chuyện lập đi lập lại một lời đoan chắc nào đó phải được đánh giá là nặng ký hay phải được coi như một thực tế vậy. Người ta không đắn đo gì khi phải dùng lại lời nói nào đó của một đồng chí khác trong khi họ ngấm ngầm tỏ thái độ không đồng ý. Về sự can thiệp của Hoa Kỳ, một giả thuyết hơi nguy hiểm, thì có một sự thỏa hiệp chung là: có thể có nhưng xác suất không cao. Phải tiếp tục tấn công. Tổng bí thư Lê Duẫn, một nhân vật đầy uy quyền trong Ban Lãnh đạo Bắc Việt đã kết thúc các buổi họp :



- " Hai năm thì mau, mà cũng là quá chậm. Chúng ta phải tiến hành cùng một lúc hành động quân sự, chánh trị và ngoại giao. Đó là phương thức mà chúng ta phải áp dụng, phương thức đặc thù của chúng ta."



Ông ta rất có lý . Đó là phương thức của cộng sản Bắc Việt: cùng lúc mở ba mặt trận, ba gọng kềm hay là "ba mũi giáp công"



Để giúp cho vị trí chánh trị và ngoại giao của CPLTCHMN của họ được thêm phần vững chắc, họ dự định phải chọn một thành phố ở Miền Nam để làm thủ đô. Tây Ninh hay An Lộc ? người ta gác lại quyết định nầy, một phần vì nếu " thủ đô mới" nầy bị không lực Hoa Kỳ tàn phá thì trên phương diện chánh trị đó là một điều rất phiền.



Dĩ nhiên với sự đồng thuận, người ta chọn kết luận của Lê Duẫn để đưa vào nghị quyết cuối cùng: "Không bao giờ chúng ta còn có những điều kiện quân sự và chánh trị hết sức thuận lợi hơn để đưa chúng ta đến sự thống nhất trong hòa bình."



Các sư đoàn Bắc Việt vừa nuốt trọn một tỉnh của Miền Nam Việt Nam. Điều khoản về "thống nhất trong hòa bình" của Bắc Việt không thiếu vẻ khôi hài và vô liêm sĩ ! Những người lãnh đạo cộng sản chưa biết họ phải chơi cái trò nào trước , chánh trị ?ngoại giao? hay quân sự ?



".......Chúng ta có đủ quyết tâm và phương tiện để chiến thắng và ngăn cản Hoa Kỳ không cho họ tiếp cứu chánh quyền SàiGòn ..."



Quyết tâm thì hiển nhiên đã có rồi, còn ý chí thì luôn luôn là cuồng tín !



Tại Hoa Thạnh Đốn , chánh phủ mạnh nhất thế giới luôn góp mặt hay có hành động khắp năm châu, đang có vô số việc phải lo và phải làm. Các nhân vật có trách nhiệm thường xuyên chú ý khắp mọi nơi. Họ canh chừng Trung Đông, ÂuChâu, Trung Mỹ, Phi Châu, nhưng Kissinger thì hơi xao lảng.



Tai Hà Nội chánh phủ chỉ thấy có đoàn kết : chỉ có một mục tiêu từ 30 năm nay, chỉ có một chân trời chánh trị duy nhất là giải phóng cả Đông Dương khỏi sự cai trị của ngoại bang, thống nhất hai Miền Nam Bắc, và xây dựng xã hội chủ nghĩa . Ban lãnh đạo Miền Bắc đã qua được một giai đoạn khó khăn: họ đã thuyết phục được với nhau rồi; và năm 1975 họ còn phải khuyến dụ dư luận quốc tế rằng sự thống nhất hai miền Nam Bắc là lẽ sống còn của người cộng sản Việt Nam.



Bản tuyên bố trong nghị quyết cuối cùng có câu:



"Chúng tôi có trách nhiệm đối với dân tộc chúng tôi và đối với các dân tộc trên thế giới" Người ta ngửi thấy ngay bàn tay của Lê Duẫn, một cây cổ thụ trong ban lãnh đạo đảng. Ông ta nói đi nói lại một câu mà không cần biện luận.



Đi đứng hơi nặng nề, phong thái không nhanh nhẹn lắm, Lê Duẫn là một trong những sáng lập viên lịch sử của đảng. Ông ta không có tánh tình xuề xòa nhưng thâm độc như Hồ chí Minh, lại không được duyên dáng như Phạm văn Đồng, hay hòa nhã như Võ nguyên Giáp. Ông là lý thuyết gia, chiến lược gia, sĩ quan tình báo, và phụ trách văn phòng của đảng cộng sản Việt Nam. Ông sanh quán ở Miền Trung Việt Nam , biết rất rõ Miền Bắc và Miền Nam là nơi ông đã tham gia kháng chiến chống Pháp. Là Tổng bí thư đảng cộng sản 15 năm nay , ông đã thay thế Trường Chinh bị hạ tầng công tác xuống làm Chủ Tịch Quốc Hội, vì bị quy trách sát hại trên 40.000 nạn nhân trong chiến dịch cải cách ruộng đất đẫm máu năm 1956. Cộng sản Việt Nam thanh toán những người thù trốt kít hay thuộc các đảng phái quốc gia khác, nhưng không bao giờ họ thanh toán lẫn nhau.



Lê Duẫn đã có đi Liên Xô và Trung Cộng. Ông ta chưa từng biết thế giới phương Tây bao giờ. Ông là giáo sư của cách mạng, chịu ảnh hưởng kiểu cách ăn nói của Staline, nên cứ nhắc đi nhắc lại là " cộng sản Việt Nam có trách nhiệm trước các dân tộc của thế giới", hoặc "phải biết khai thác sự mâu thuẫn trong hàng ngũ địch". Đối với ông ta, biện chứng pháp là một quyền lực siêu linh, là một hấp lực chánh trị để nhào nặn và uốn nắn thế giới nầy. Vào tháng đầu năm 1975 nầy, chiến thắng đã được thấy rõ rồi nhưng phải làm thế nào đây để tránh những sự thất vọng như những cuộc tấn công năm 1968 và 1972. Việc khai thác mâu thuẫn đã không được tiến hành đến nơi đến chốn. Đối với Lê Duẫn sự thay đổi xã hội ở Việt Nam phải thông qua sự biến chuyển quân sự. Đã có nhiều thời điểm đúng với biện chứng pháp rồi, như năm 1968, 1972 và 1976. Chế độ của ông Thiệu không thể nào không sụp đổ được . Trận tấn công hồi Tết Mậu Thân là một chiến thắng chánh trị nhưng lại là một thất bại về quân sự của cộng sản. Võ nguyên Giáp đã thú nhận là cộng sản đã bị thiệt hại trên 40.000 chiến binh của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam - điều nầy đã giúp Hà Nội giải quyết xong bài toán: số lượng quan trọng về nhân sự của Mặt Trận. Cho tới lúc các cán bộ của Mặt Trận bị nghiền nát hết thì Lê Duẫn mới thấy được là Lịch Sử đã chuyển động. Hơn tất cả các lãnh tụ cộng sản khác, theo Lê Duẫn thì định mệnh của các quốc gia Đông Phương chuyển theo số mệnh nào đó của Tây Phương. Lê Duẫn dường như bị lời tiên tri của bản tuyên ngôn cộng sản lôi cuốn mạnh hơn Hồ chí Minh và sâu hơn cả Phạm văn Đồng. Tất cả những bản văn của ông ta đều chứng minh điều đó:



"Những điều kiện khách quan cho thấy sự thành công của cách mạng ở Việt Nam đã gần kề, mặc dầu đảng chưa được mạnh lắm , quân đội còn có nhiều khó khăn và nhân dân đã uể oải. Còn hàng chục thứ khác nữa, nhưng chiến thắng đã lộ rõ ra rồi, không có gì lay chuyển nổi."



Hiệp Định Paris ư ? Chỉ là hợp thức hóa cho cộng sản mua thời gian không hơn không kém, một loại nguyên liệu mà họ đang cần, lại dẫn tới sự rút quân của Hoa Kỳ, một giai đọan gần như cuối cùng của tiến trình chiến thắng. Lê Duẫn có thể cho thấy rõ sự kiêu hãnh phi thường của đảng cộng sản Việt Nam đối với các đồng chí của mình và ngay cả với các đồng chí Liên Xô, Trung Quốc, Nam Tư hay Đông Đức nữa. Nếu cần ông ta sẽ chỉ trích cả Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh, những nước đang chơi trò đu đưa mất thì giờ với Hoa Thạnh Đốn . Ông ta thuyết phục các cán bộ đảng rằng chỉ có người Việt Nam mới nắm giữ đúng phương thức Mac xít nhất. Ông ta không bao giờ tin ở thuyết "sống chung hòa bình", mà ông gọi là một phát minh buồn nôn của Khrouchev. Ông ta tuyên bố là cách mạng thế giới đã ở trong tầm tay. "Cuộc chiến đấu của dân tộc Việt Nam là mủi dùi tấn công của quân đội cách mạng thế giới" . Ông lái con thuyền Việt Nam giữa sự chệnh hướng của Liên Xô và những sự lầm lỗi của Trung Quốc, và ông giữ vững tay lái.



Nghị quyết tháng giêng năm 1975 công bố một "nhiệm vụ lịch sử" của cộng sản Việt Nam trong cộng đồng các dân tộc trên thế giới. Khi ông Phạm văn Đồng tiếp các khách ngoại quốc, thì ông tự chứng minh trước hết ông là một người quốc gia, còn Lê Duẫn, đặc biệt khi nói với những người cộng sản khác thì ông không cần dấu diếm gì cả: ông đang suy nghĩ và đang hành động như là một người cộng sản quốc tế.



Sau các phiên họp về chánh trị, hội nghị ở Hà Nội bắt đầu xem xét các bài toán quân sự. Cũng nhiều.



Tướng Trần văn Trà nêu lên các khó khăn trong hiện tại cũng như trong thời gian đã qua, Ít có cấp lãnh đạo quan trọng nào chân thật như vậy:



- " Vì phải hoạt động liên tục từ tháng 4/1972, cán bộ và binh sĩ của chúng tôi đã mệt mỏi, chúng tôi không có thời gian để thay thế cán bộ được . Tất cả các đơn vị của chúng tôi đang xao xuyến, chúng tôi đang thiếu nhân công, thiếu thốn lương thực và đạn dược. Do đó thật rất là khó khăn khi phải đương đầu với các cuộc tấn công của địch. Có đôi lúc chúng tôi phải tháo chạy để cho địch có cơ hội kiểm soát lại một số dân"



Đây là ông nói về tình hình chánh trị và quân sự sau khi Hiệp Định Paris được ký kết.



Tướng Lê quang Đạo Ủy viên chánh trị trong Quân Ủy Trung ương, ngắt lời tướng Trà và đưa ra một loạt đề tài cũ rích:



(1) Chúng ta phải giải quyết mâu thuẫn thường xảy ra giữa cấp chỉ huy quân sự và chánh trị viên trong đơn vị.



Loại đề tài nầy làm cho tướng Giáp bực bội, ông thích nghe phần trình bày kế tiếp của tướng Đạo.



(2) Một số lớn sĩ quan thiếu sự hiểu biết về kỹ thuật khi đối diện với loại chiến tranh mới của thập niên 70. Khi bộ đội Bắc Việt chúng ta dùng chiến xa năm 1972, họ đã vấp phải nhiều lỗi lầm. Họ đánh giá thấp sự tác chiến của binh sĩ Miền Nam .



(3) 90 % bộ đội chánh quy của chúng ta ở trong Nam cần phải tác chiến tốt hơn trong hợp đồng binh chủng, vì có cả bộ binh, pháo binh và chiến xa trên chiến trường.



(4) Cần phải làm tốt hơn khâu tiếp vận, và các chiến cụ phải được đồng nhứt với nhau. Bắc Việt chúng ta không có sản xuất chiến cụ được . Các quốc gia xã hội chủ nghĩa bạn giao cho mình đủ loại đạn dược mà có những loại đạn không đúng với lòng súng.



(5) Và cuối cùng dĩ nhiên là phải hoàn tất khâu huấn luyện cho mọi người , từ sĩ quan cho tới anh bộ đội."



Mười năm trước, năm 1965, trong quân đội nhân dân, cứ 8 anh bộ đội thì có 1 cán bộ. Bây giờ thì 1 cán bộ cho 6 bộ đội. Phẩm chất phải chạy theo số lượng. Từ tháng giêng năm 1973, bộ đội Bắc Việt ở trong Miền Nam được tăng lên gấp đôi, và tướng tư lệnh được một số xe thiết giáp 7 lần nhiều hơn, 700 chiến xa, hầu hết là T 54 và T 55.



Về tiếp vận, thì đường mòn Hồ chí Minh đang trong tình trạng tốt - người Miền Bắc giữa họ với nhau thường gọi là hệ thống đường 559, vì người ta bắt đầu xây dựng năm 1959- Có những đoạn còn khó xử dụng sau tháng tư vì lúc đó trời mưa.



Người ta quyết định chuyển nhiều đơn vị công binh đang giữ đường mòn Hồ chí Minh nằm trong địa phận Lào và Cam Bốt về trực thuộc vào các đơn vị tác chiến ở chiến trường Miền Nam. Quyết định quan trọng: tướng Văn tiến Dũng sẽ chỉ huy các cuộc hành quân ở Miền Nam trong những tháng tới.



Trong trận chiến ở Phước Long, đã có nảy sanh ra nhiều bất đồng về chiến thuật. Tướng Trà không nhận được đủ số chiến xa mà ông đòi hỏi. Tướng Lê ngọc Hiền giữ lại gọi là dự trữ một số vũ khí, đạn dược nhất là chiến xa và pháo binh -giống như các tướng lãnh của Miền Nam Việt Nam - Tướng Dũng nhìn xa tới năm 1976 nên chấp thuận ý kiến của vị tư lệnh hành quân của mình - .



Các chiến lược gia của Hà Nội phân năm 1975 ra làm 3 giai đoạn:



- giai đoạn đầu: tới tháng 2, thuộc chiến trường của B2.



- giai đoạn hai: từ tháng 3 đến tháng 6, phải tiến hành một số cuộc hành quân bao gồm khắp cả lãnh thổ Miền Nam



- giai đoạn ba: từ tháng 7 trở đi, là một giai đoạn hoạt động hạn chế để chuẩn bị cho năm 1976.



Trong viễn ảnh một "cuộc tổng tấn công và tổng nổi dậy đi tới chiến thắng năm 1976" tướng Hiền đã thiết lập kế hoạch phân phối đạn dược loại súng lớn: 10 % cho năm 1975, 45% cho năm 1976, còn lại là dự trữ. Người Miền Bắc đúng là tiết kiệm và lo xa như những con rái cá. Nhưng sau chiến thắng Phước Long, họ bắt buộc phải thay đổi hết các sự toan tính nầy. Tướng Trà sẽ nhận được nhiều đạn dược hơn dự trù, 27.000 tấn thay vì 11.000 tấn cho năm 1975.



Tầm quan trọng của chiến thắng Phước Long đẩy các nhà lãnh đạo Bắc Việt phải kéo dài thêm hội nghị sau ngày 8 tháng giêng.



Tướng Văn tiến Dũng giải thích quan điểm của Bộ Tổng Tham Mưu Bắc Việt . Ông đề nghị tập trung một lực lượng hùng mạnh, quét mạnh để mở một "hành lang Kontum" từ đó dẹp tan địch để giải phóng tỉnh Kontum. Sau đó sẽ đè nặng áp lực lên Bộ Tư Lệnh Vùng II Chiến Thuật ở Pleiku. Như vậy họ sẽ giải phóng được một phần lớn Miền Tây Nguyên. Pleiku và Kontum nằm rất gần vĩ tuyến 17, biên giới của 2 nước Việt Nam và rất gần với hậu cứ Bắc Việt của họ, dưới 100 cây số. Như vậy họ có thể tập trung dễ dàng chiến xa trong vùng nầy."



Ý tướng Dũng là muốn giữ những đường tiếp vận càng ngắn càng tốt. Do đó ông ta chọn mục tiêu Pleiku và Kontum. Tướng Trần văn Trà, tuy là tướng của Bắc Việt nhưng hiện là đại diện cho binh sĩ ở trong Nam, không có cái nhìn giống tướng Dũng:



- " Ông đánh giặc theo lối vua chúa ! Ông chỉ quan niệm là dùng một quân số khổng lồ và hàng tấn đạn cho một trận tấn công. Khác hẳn với chúng tôi, những người lính khổ ở một chiến trường xa xôi rất khó khăn khi phải đếm từng viên đạn. Tấn công Kontum và Pleiku là đưa mình vào một điểm cực mạnh của địch . Ở đó địch đã phòng thủ kỹ lâu rồi, họ đang chờ chúng ta trong thế mạnh đó.



Tướng Trà đề nghị một phương án khác:



- "Tấn công vào Ban mê thuột là đánh một đòn bất ngờ mà địch không thấy được . Đó là ta đánh sau lưng địch, đánh vào hậu phuơng của địch, nơi mà họ không có chờ chúng ta. Đó là cách ta đốn cây bằng lưỡi rìu ngay ở sát gốc. Sau đó cành lá tự chúng nó sẽ rơi rụng thôi.



Những cuộc bàn cãi về các phương án quân sự cần phải theo tiếp theo chiến thắng Phước Long được tiếp tục tiến hành. Ngày 15 tháng giêng, tướng Trần văn Trà và Phạm Hùng bí thư đảng bộ Miền Nam, tức là lãnh đạo về mặt chánh trị, cả hai đi gập Lê Duẫn (các bản phúc trình gọi là anh Ba). Cũng chưa quyết định. Lê Duẫn nhấn mạnh phải tấn công vùng Đồng Bằng sông Cửu Long, phía Nam SàiGòn , nhắm vào các thành phố. Ông có hàm ý nhìn nhận rằng sự nổi dậy của dân chúng vẫn còn là một bài toán:



- "Trong địa bàn thành thị, ta phải đặt hết trọng tâm vào phong trào quần chúng để biến họ thành dòng thác. Phải dùng đàn bà con nít, học sinh sinh viên , thợ thuyền.. làm mũi dùi của cuộc đấu tranh nổi dậy."



Tướng Trà lại thuyết phục Lê Duẫn về ý định tấn công Ban mê Thuột. Bộ Chánh Trị họp xét. Tại Bộ Tổng Tham Mưu, và ở Quân Ủy Trung ương người ta cũng họp để thảo luận. Một điều chắc chắn là Hoa Kỳ sẽ không can thiệp bằng bộ binh.



Ngày 20 tháng giêng, Phạm Hùng và tướng Trà, đại diện CPLTCHMN đi gặp Lê đức Thọ. Ông nầy thông báo cho hai người biết là đã có quyết định. Mục tiêu tấn công sấp tới sẽ là Ban mê Thuột.



- " Tôi đã đến họp với Quân ủy Trung ương để cho họ biết là Bộ Chánh Trị đã quyết định mục tiêu cuộc tấn công nầy rồi. Tình hình quốc tế rất là phức tạp. Chúng ta phải giới hạn các cuộc đánh nhau trong năm 1975.



Các nhà chánh trị quyết định. các quân nhân chỉ có việc thi hành. Với Văn tiến Dũng và bộ tham mưu, thì binh sĩ của họ sẽ ở khá xa các căn cứ không quân của vùng SàiGòn . Bắc Việt cũng có không quân nhưng họ không bao giờ xử dụng dưới vĩ tuyến 17.



Ngày 24 tháng giêng, tướng Trà lên đường trở về Nam Bộ, về Bộ Tư Lệnh chiến trường B2 của ông ta. Tướng Trà và Phạm Hùng đã cân nhắc để xin được quyết định tấn công vào Ban mê Thuột.



Họ đã suýt không tham dự được phiên họp ở thủ đô Bắc Việt. Vào tháng chạp, tư lệnh hành quân Bộ Tổng Tham Mưu ở Hà Nội đã gởi cho họ một công điện để cho họ biết là khỏi cần lên Thủ Đô. Họ không nhận được công điện đó. Trên đường ra Bắc, dọc theo đường mòn Hồ chí Minh, họ không gặp được người của Bộ Tổng Tham Mưu, Lương văn Nho, người có nhiệm vụ phải trao cho họ công điện đó và cả chỉ thị "liên quan đến kế hoạch cho năm 1975", kế hoạch nầy sơ khởi không có dự trù một cuộc hành quân qui mô nào.



Tướng Trà rất thỏa mản khi nhận được vũ khí và đạn dược bổ túc. Các phiên họp đã làm ông phát khùng lên. Là một tướng hai sao của quân đội chánh quy Miền Bắc, vì đại diện cho CPLTCHMN, ông phải giữ đường hướng và những quyền lợi của tổ chức nầy đến một mức độ nào đó thôi.



Dáng người trung bình, mặt tròn, tánh tình vui vẻ, 57 tuổi, tướng Trà vừa bồn chồn khi phải dậm chân tại chỗ trong thời gian ở trại Davis, vừa phải đương đầu dụng mưu đấu trí với Ủy Ban Quốc Tế và các Ban Liên Hợp 4 Bên và 2 Bên.



Trần văn Trà là người đã tổ chức trận tấn công vào SàiGòn hồi Tết Mậu Thân 1968, và ông vào Nam chiến đấu từ năm 1959. Trong cái CPLTCHMN trong Nam Bộ, ông là nhân vật số 2 sau Phạm Hùng. Trong hệ thống cộng sản Việt Nam ở cấp nào cũng thế, chánh trị vẫn đứng trước quân sự. Nhưng lúc ở mặt trận, từ cấp sư đoàn trở xuống đến trung đội, thì quân sự có quyền hơn chánh trị . Trong thời gian ở trại Davis, để trả lời cho các phóng viên Tây Phương, ông Trà đã dùng những câu hóm hỉnh hơn là những công thức cứng đờ như cái lưỡi cây của cộng sản. Ông rất thích chụp ảnh như ông Thiệu. Ông rất thích thú khi nhờ mua được hai máy Polaroid, một loại máy chưa được biết ở Hà Nội. Ông sẽ dùng máy nầy cho chiến dịch sấp tới của ông nhưng chỉ là phim đen trắng thôi.



Sau mấy tháng ở trại Davis, tướng Trà lại trở vô bưng. Hồ sơ của ông trong các cơ quan tình báo Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa chỉ thấy toàn là dấu hỏi. Ông vốn là con nhà chài lưới, đi làm công nhân hỏa xa. Ông phục vụ trong đảng bộ cộng sản Nam Bộ, sau Hiệp Ước Genève 1954 ông tập kết ra Bắc và theo học các trường quân sự để trở thành Sư trưởng sư đoàn 320. Ông là thành viên trong Quân Ủy Trung Ương, nhưng không có chân trong Bộ Chánh Trị. Vì nhu cầu giữ bí mật trong các hội kín nên những người cộng sản Việt Nam thường dùng bí danh, mà Hồ chì Minh là người đầu tiên. Tướng Trà có nhiều bí danh như Tư Chí, Mười Trí.. Đôi khi để đánh lạc hướng ông còn chơi ngông dùng ngay tên thật của những tướng lãnh Bắc Việt khác, như của tướng Trần nam Trung.



Trên đường về Bộ Tư Lệnh của ông, ông nhận thấy đường mòn Hồ chí Minh, hay đường 559, giờ đây ở trong tình trạng rất tốt. Khởi thủy, vào những năm 50, con đường nầy chỉ là con đường đất. Từ 1959 nó đã trở thành một hệ thống đường rộng lớn. Hai đường lớn song song nhau chạy về hướng Nam. Trong 3 năm sau cùng, công binh Bắc Việt đã thiết lập thêm nhiều đường ngang từ Tây sang Đông, dẫn tới sát bờ biển Huế và Đà Nẵng. Có nhiều đoạn có thể bọc vòng quanh một vài thị trấn hay các vị trí quân sự của quân lực VNCH . Trong vòng 16 năm các đường mòn đã biến thành đường đất, đường đất thành đường lộ, và đường lộ đã trở thành xa lộ. Các xe vận tải có thể chạy ba bốn hàng. Song song bên cạnh đó còn có đường cho người đi bộ. Cứ cách 8 tiếng đi bộ là có các trạm nghỉ, trạm gác, trạm tiếp tế. Bộ tham mưu đã điều về đây nhiều tiểu đoàn phòng không để giữ an toàn cho con đường nầy nhất là từ tháng giêng 1974.



Tướng Dũng nói là "Miền Bắc đã dùng hằng ngàn cơ giới đủ loại như xe ủi đất, hằng chục ngàn binh sĩ, thợ thầy, kỹ sư và những người tình nguyện trẻ " Tình nguyện hay không tình nguyện thì khối người làm đất, công binh, thợ điện nầy đều gập rất nhiều khó khăn như oanh tạc cơ B52, gió mùa, hay tiếp tế không đủ ăn, bệnh rét rừng trong lúc Bắc Việt lại không có đủ thuốc ký ninh cho họ. Với một sức chịu đựng dẻo dai và lòng kiên nhẫn phi thường, khối người đó đã bạt núi san bằng những đoạn tưởng chừng không thể vượt qua được , vận chuyển các tảng đá, đốn cây, xây cầu, làm phà, và đào cả hầm trú ẩn nữa. Người Việt Nam thật là dẻo giai, chịu đựng hết mọi thứ mệt nhọc. Họ được huấn luyện, khuyến khích, ghép thành đội ngũ và có kỹ luật sắt, họ làm việc rất hăng say và tận tụy. Đám lao công nầy đàn bà cũng như đàn ông đều hy sinh một cách cuồng tín như đám dân công trước kia đã từng vác súng đạn xuyên rừng núi đến Điện Biên Phủ vậy.



Tướng Dũng hãnh diện mô tả công tác sửa sang đường 559, và những lời nói của ông ta được xác nhận qua các không ảnh mà phi đội thám sát Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đã chụp được .



- " Đường nầy rộng 8 thước. Các xe vận tải lớn, các quân xa hạng nặng đều chạy được cả 2 chiều, với tốc độ cao. Họ đã chuyên chở đêm ngày hàng ngàn tấn đến tận chiến trường để yểm trợ cho chiến dịch lớn." Bộ tham mưu Bắc Việt hình như rất bằng lòng với cách thức họ đưa được xăng dầu vào Nam Bộ:



Dọc theo con "đường chiến lược nầy" chạy dài một ống dẫn dầu nối liền Quảng Trị đến Lộc Ninh, đủ sức tiếp tế cho hằng chục ngàn xe đủ loại đang xử dụng con đường nầy . Thật là một điều nghịch lý, quân đội của một nước nhỏ chậm phát triển, thiếu thốn đủ mọi thứ, lại có một đường ống dẫn dầu quân sự tốt nhất thế giới .



Tướng Võ nguyên Giáp và Văn tiến Dũng trước hết là những người tiếp vận giỏi, lại có binh sĩ hy sinh phục vụ tận tâm. Còn người Mỹ không bao giờ thành công trong việc vô hiệu hóa con đường nầy, đó là một thất bại lớn về mặt chiến lược của họ. Đứng trước một kẻ địch có quyết tâm như vậy , với tất cả kỹ thuật hiện đại trong tay mà họ không làm sao cắt đứt được một hệ thống giao thông ngang dọc trên 10.000 cây số của đường 559 nầy. Từ năm 1959, người Mỹ thất bại trong việc bẽ gãy đường mòn Hồ chí Minh, dù đã xử dụng phương tiện điện tử tối tân hiện đại nhất. Thì làm sao Việt Nam Cộng Hòa làm được việc đó trong năm 1975 ?



Trong tuần lễ cuối cùng của tháng giêng, tại Hà Nội, Lê Duẫn tiếp tướng Văn tiến Dũng tại nhà riêng. Ông tổng bí thư hỏi tướng tổng tư lệnh: " liệu lực lượng mà ông có trong tay có đủ để tấn công Ban mê Thuột hay không ? "



- " Với những gì chúng ta có, cũng được rồi, tướng Dũng trả lời. Nếu biết xử dụng thì có thể phần may mắn sẽ về phía chúng ta.



Ông Tổng bí thư xem chừng như chưa tin chắc lắm về chiến thắng nầy.



Sau đó tướng Dũng đi gặp ông Lê đức Thọ. Bộ Chánh Trị đã có quyết định là đưa vào Nam nhân vật đã từng thương thuyết ở Paris. Cũng vẫn một phương thức cũ : một quân nhân được một nhân vật chánh trị theo kèm bên cạnh. Nói về cuộc tấn công sấp tới, mà dưới nhãn quan của mình ông thấy chưa phải là cuộc tấn công cuối cùng, ông Thọ nói:



- " Nếu ta thắng ván bài lớn nầy, chúng ta sẽ tạo được một thời cơ mới rất có lợi cho chúng ta ." Và vẫn nhã nhặn ông nói tiếp:



- " Anh hãy giữ mình cẩn thận nghe !



Lê đức Thọ hiện là một nhân vật khá quan trọng trong đảng và là một trong những người có thể thay thế cho Lê Duẫn. Năm nay ông ta 64 tuổi. Ở Paris trong suốt gần 5 năm mật đàm hay thương thuyết công khai vừa là kẻ thù vừa a tòng với Kissinger, ông ta đã mê hoặc ông tổng trưởng ngoại giao Hoa Kỳ qua thái độ ngạo mạn rất lạ kỳ của ông mà Kissinger đã nhận ra được . Ông ta còn tự cho phép mình lên mặt thầy đời với Kissinger nữa. Trong một pha mật đàm ở nhà của ông Jean Sainteny, ông Kissinger lên giọng giáo sư, nói oang oang lên : " Tôi nói là.... ông Tổng Thống muốn..... Ông đòi hỏi phải......" Như một lãnh chúa, trong bộ áo cổ cao, rất thản nhiên Lê đức Thọ lắng nghe Kissinger nói. Xong ông trả lời rất nhẹ nhàng:



" Thưa ông Kissinger, ông có thấy tóc tôi đã bạc hết rồi hay không ? Tôi đã có tuổi đời lâu rồi, Tóc của ông vẫn còn đen quá. Ông còn phải học nhiều nữa. Những gì mà ông vừa nói với tôi, tôi cũng đã nghe qua rồi, nhưng bằng một ngôn ngữ khác. Ông hãy nghe đây: Người Pháp đã nói với tôi y như giọng của ông hôm nay vậy đó, người ta đã nói với tôi những chuyện đó, bây giờ ông lại nói lại với tôi nữa." Ông Kissinger không bao giờ luống cuống, ông ta hạ thấp giọng và nói một câu "Thưa Ngài" với một ông Lê đức Thọ đang thích thú.



Người Mỹ được bầu lên thì chỉ làm việc trong một thời gian có hạn định vài năm thôi, còn Lê đức Thọ cũng như những người trong ban lãnh đạo đảng ở Bắc Việt , ông ta đã làm việc quá lâu rồi. Hồ chí Minh đã từng xác nhận là người cộng sản phải phục vụ trong 10 năm, 20 năm, 30 hay 50 năm là thường. Ban Lãnh đạo đảng đã tránh những cuộc thanh trừng đẫm máu trong nội bộ của họ.. Lê đức Thọ là người sanh trưởng ở Miền Bắc, vào đảng từ năm 16 tuổi, ông được người Tây Phương biết nhiều từ khi ông đạt được nhiều thành quả ở Paris. Lê Duẫn chỉ huy chiến trường trong Nam cho đến năm 1953, thì Lê đức Thọ vào thay ông. Thành viên của Bộ Chánh Trị từ năm 1955, Lê đức Thọ đề ra một chiến lược tổng quát, đúng theo phương thức của Bắc Việt là "vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh, đánh đánh đàm đàm". Đây là một dấu hiệu đang đi lên của ông: tên ông đứng trước tên ông Giáp trong danh sách tiểu ban lo về đám tang Hồ chí Minh.



Thời cơ đến với ông vào năm 1975. Một người có tầm cỡ như ông Thọ được đưa vào Miền Nam . Hơn hẳn các người khác ở Hà Nội ông Thọ có đủ thông số quốc tế.



Trước khi Lê đức Thọ lên đường đi vào chiến trường Miền Nam, Lê Duẫn nói với ông ta:



- " Đừng trở về đây trước khi thắng trận nầy nghe ! Bây giờ chúng ta đang gặp một cơ may lịch sử. Cơ may nầy không bao giờ ta gặp lại trước 10 ngàn năm nữa đâu"



Ít nhất điều nầy cũng đã đảng xác nhận về sau.







Tây Phương còn nói nhiều đến ông Võ nguyên Giáp. Năm 1975, yếu đau, ông bị gạt ra ngoài các cuộc hành quân. Trong lúc tướng Văn tiến Dũng trẻ hơn với tuổi 58, đã là đại tướng bốn sao hồi năm trước. Ông Giáp cũng là đại tướng bốn sao. Là một nông dân thật sự - thấy rõ qua giọng nói của ông- Văn tiến Dũng đã làm việc trong một nhà máy dệt như là một thợ điện, một người thợ giỏi, một quý tộc của giai cấp vô sản. Ông vào đảng cộng sản Đông Dương lúc còn trẻ. Bị bắt, ngồi tù, được thả ra, bị bắt lại và lợi dụng việc chuyển trại ông trốn khỏi nhà tù, đến trốn trong một ngôi chùa, ở đó ông sống hai năm như một nhà sư Phật giáo. Sau đó ông là chánh trị viên và tiếp đó chỉ huy trưởng một trong các sư đoàn việt minh có tiếng nhất , sư đoàn 320. Năm 1972 ông là thành viên Chánh trị bộ và chỉ huy chiến dịch lớn đánh chiếm Quảng Trị. Nhưng nhờ oanh tạc cơ



B 52, Miền Nam Việt Nam đẩy lui được cuộc tấn công. Từ đó tướng Dũng lo canh tân quân dội Miền Bắc , rút ra được những bài học từ những thất bại và đã đi thực tập ở các trường cao đẳng quân sự Liên Xô. Ông đã học được phương thức chỉ huy và tác chiến hợp đồng binh chủng cấp sư đoàn. Các tùy viên quân sự ở Hà Nội cho rằng ông là người dễ mến, có sáng kiến và có kiến thức hơn tướng Giáp. Các nhân viên ngoại giao đều thì thầm với nhau là tướng Dũng và tướng Giáp đều nghiêng về Liên Xô hơn. Tướng Dũng là một quân nhân nhà nghề. Liên Xô cung cấp tới 95% chiến cụ nặng gồm máy bay, pháo binh và chiến xa. Dĩ nhiên tướng Dũng với tư cách là tổng tư lệnh phải rút tỉa ra những bài học cần thiết cho quân đội Bắc Việt trong việc xử dụng chiến cụ nầy. Nhiều cuộc tranh luận giữa phe nghiêng về chuyên nghiệp quân sự và phe nghiêng về ý thức hệ, (bên Hồng bên Chuyên). Cũng như đa số các sĩ quan cấp tá và cấp tướng, Dũng nghiêng về bên Chuyên: kỹ thuật quân sự đối với ông là quan trọng hơn các tài liệu của Mác. Trước khi đi vào Nam, tướng Dũng đã có một buổi nói về quy tắc về chuyên ngành trong quân đội. Ông nói:



- "Sau khi nghiên cứu về những đặc tính của chiến tranh hiện đại, Lénine đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thành lập một quân đội chánh quy cho một nhà nước của giai cấp vô sản. Trong đại hội đảng kỳ 8 của đảng cộng sản Liên Xô, Lénine đã đánh bại hết những đối thủ quân nhân trong nội bộ đảng, những người muốn binh vực một quy chế nhằm bầu lên các vị chỉ huy, nhằm giữ một kiểu cách và hành động du kích chiến , những người chống đối kỷ luật quân sự, những người chống đối lại việc thành lập một quân đội chánh quy của giai cấp công nông, một quân đội đỏ mà Lénine đang binh vực. Tướng Dũng đã thận trọng nêu lên truờng họp của Lénine, muốn mỗi người sĩ quan trước hết phải là một kỹ thuật gia, phải chuyên hơn là hồng. Danh từ chính yếu phải dùng là "quân đội chánh quy". Kỳ dư nào là "chánh quyền của giai cấp vô sản" nào là "quân đội của giai cấp công nông" tất cả đều là chất độn. Tướng Dũng rất dứt khoát với quan điểm của mình. Tuy nhiên để tránh khỏi bị gán cho là thành phần "xét lại" ông ta kết luận một câu rất lạ kỳ : " Tính nhà nghề của quân đội chánh quy của tất cả quân đội phản ảnh trước tiên là bản chất của giai cấp của quân đội đó"



Giống như tất cả các quân nhân lên đến một cấp nào đó, ở quân đội Miền Bắc cũng như ở quân lực VNCH tướng Dũng biết rõ tác phẩm của Tôn Tử, một người Trung Hoa, đã viết về nghệ thuật chiến tranh cách đây hai ngàn năm. diễn tả những quy củ của chiến tranh mà ông coi là một nghệ thuật chớ không phải một học thuyết , nhưng nghệ thuật đó phải căn cứ trên những dữ kiện khoa học. Tôn Tử là một người Trung Hoa. Hầu hết những người Việt Nam không thích nhắc tới món nợ đối với nền văn hóa của Trung Hoa. Do vậy mà tướng Dũng mới ám chỉ đến Carl von Clausewitz, hiện đại, ông lại lợi dụng lý thuyết của Lénine -trong đó có cả Marx và Engels. một tính chính thống quyết phải có ở Hà Nội. Ngoài giáo điều chính thống đó, người ta còn học Clausewitz trong các trường đại học của Liên Xô. Sự kết hợp chánh trị và quân sự của ông tướng người Phổ đã cảm hóa được một người cộng sản Việt Nam, nhứt là ý kiến cho rằng : "chiến tranh là một sự tiếp nối của chánh trị quốc gia với những phương tiện khác hay với sự pha trộn với các phương tiện khác"



Tôn Tử nói : " Hãy tìm một con đường gián tiếp đồng thời phải đánh lạc hướng địch bằng cách dùng mồi nhử địch. Như vậy ta có thể đi sau địch mà lại đến trước họ. Người nào biết hành động như vậy là hiểu được chiến lược trực tiếp và gián tiếp."



Clausewitz viết : "Chiến thắng không nhất thiết chỉ thắng địch trên chiến trường., mà là sự tiêu diệt tiềm năng vật chất và tinh thần của họ, một sự tiêu diệt mà người ta thường chỉ thực hiện được sau khi hoàn tất chiến thắng trên chiến trường. "



Tướng Dũng là một người chăm chỉ đọc Tôn Tử và Clausewitz.