Chương 7 - Long mạch


Ở SàiGòn ngày 27 tháng giêng, ngày kỷ niệm 2 năm ký Hiệp Định Paris đã lặng lẽ qua đi, không có một ai nghĩ tới... .



Khoảng 100 phật tử, trong số nầy có chừng 20 ni sư khất thực, có ý định biểu tình, xuất phát từ chùa Ấn Quang. Cảnh sát thẳng tay giải tán. Theo quan điểm bán chánh thức của hai Chánh Phủ Việt Mỹ thì người dân SàiGòn coi chuyện mất tỉnh Phước Long cũng không phải là một thảm kịch.



Phạm xuân Ẩn, người cộng sự viên chính của tờ Time, người lúc nào cũng biết nhiều tin tức nhất đã nói là: - "Hà Nội muốn có một cán cân lực lượng mới thuận lợi hơn trong việc thương nghị. (1)



Ông ta phân tách như vậy với hai người bạn là Cao Giao và Vượng tại quán cà fé Givral. Ông ta cũng đã nói ngắn gọn như vậy với bà Trần thị Nga, thư ký hành chánh thuộc văn phòng của tờ Time. Bà nầy không bao giờ chú ý đến vấn đề chánh trị . Bà muốn có hòa bình để bà được về thăm lại Miền Bắc của thời thơ ấu, nơi mà bà đã chứng kiến và trải qua một thời kỳ đói khát kinh khủng nhất của lịch sử (thập niên 40), dưới thời Nhật thuộc, và nơi mà bà đã bị ép duyên với một tướng người Tàu Quốc dân đảng (bà đã có một người con với ông nầy). Sau đó ông tướng bị giết và bà đã chấp nối với người em rể. Bây giờ bà có 4 người con. Sau một thời gian làm việc cho Bộ Xã Hội, bà được chuyển luôn qua văn phòng của tờ Time.



SàiGòn bây giờ không có nhiều nhà báo ngoại quốc như trước. Trưởng văn phòng của tờ Time hỏi bà Nga tại sao bà quá buồn như vậy ?



Bà Nga nói:



-" Cộng sản còn tiến tới nữa đó, "



Sau đó bà cũng không biết tại sao bà lại nói tiếp :



- Tôi nghĩ là tôi sẽ tự sát.



- Có lẽ bà nên tìm cách thu xếp khác, tốt hơn. Người chủ sự nói như vậy.



Đi chăng ?



Nhà văn Duyên Anh cũng là người di cư từ Miền Bắc như bà Nga, nhưng ông không thấy gì khó khăn hết. Là một nhà báo, có biệt danh là "nhà văn của bọn trẻ", Duyên Anh đã xuất bản trên 50 quyển tiểu thuyết, thơ, văn.... Ông đã để lại ở Miền Bắc cả cha mẹ và 5 người anh chị em. Mẹ ông đã tử nạn trong một vụ dội bom . Nhà văn nầy từ lâu đã gia nhập vào một đảng chống ông Diệm, chống Pháp và chống Hoa Kỳ, chống tòa thánh Vatican , và chống cả những người Việt Nam nào chạy theo người ngoại quốc.nữa. Mặc dầuvậy nhưng nhà văn nầy không thíchvà cũng không bao giờ thích chánh trị. Văn ông thường tả cảnh hỗn loạn, hay sự cô đơn của giới trẻ Việt Nam . Nếu không được thù lao bằng đô la như ông Ẩn của tờ Time thì người ta phải làm rất nhiều việc trong các tờ báo Việt Nam mới sống được . Nhà văn Duyên Anh thấy vừa lòng khi ông Nguyễn văn Hão cho ông làm tổng biên tập của 3 tờ báo được phát hành ở SàiGòn, Cần Thơ và Đà Nẵng, chuyên về kinh tế và giáo dục. Ông nói:



- " Tôi nhận vì dù được thù lao nhưng những tờ báo nầy không chạy theo chánh quyền."



Ông cũng viết cho tờ "Cách mạng xanh" một tạp chí nói về cải cách ruộng đất. Trong lãnh vực nầy ông Thiệu không đến đỗi nào. Trong tháng ba nầy nhà văn Duyên Anh chuẩn bị cho một ngày gọi là " người cày có ruộng"



Nhà sư Thiện Huệ, 23 tuổi, sống với một số nhà sư khác ở một ngôi chùa nằm về hướng Đông Bắc của SàiGòn, cách sân bay chừng 10 phút lái xe. Qua báo chí ông được biết tin Bắc Việt đã chiếm tỉnh Phước Long . Hầu hết các nhà sư Phật Giáo không bao giờ bàn đến vấn đề chánh trị. Nhưng ngôi chùa Quan thế Âm cao 3 tầng của vị sư trẻ nầy đã có một thời nổi tiếng. Vào tháng 6 năm 1963, dưới trào Tổng Thống Ngô đình Diệm, để phản đối chủ trương bài Phật Giáo của chánh quyền, một vị sư đã tẩm xăng và tự thiêu ở đây. Bà Nhu, em dâu của ông Diệm đã cho là "ông Sư đã bị quay". Còn bây giờ ngôi chùa nổi tiếng nhất mà các nhà báo và chánh trị gia thường lui tới là chùa Ấn Quang. Ở đây, Thượng Tọa Thích Trí Quang đang say đắm trong vấn đề chánh trị .



Kỹ sư Văn nghĩ rằng thua một trận không phải là một chuyện quan trọng. Ông đã gặp những người dân lánh nạn, những quân nhân đã từ Phước Long chạy về. Tất cả từ binh sỉ, hạ sỉ quan và cả sỉ quan đều nói rằng họ thiếu súng đạn để có thể tái chiếm Phước Long. Nhiều người còn khẳng định rằng họ không có phương tiện hữu hiệu để chống lại các xe tăng của Bắc Việt . Ông kỹ sư nầy chỉ tin có phân nửa thôi . Trong thời gian du học ở Paris, ông kỹ sư công chánh nầy đã có gặp ông Nguyễn khắc Viện, một người cộng sản có trách nhiệm trong "Hội Việt kiều Yêu Nước" , ông nầy lo tuyển mộ cán bộ cho Bắc Việt. Lúc đó kỹ sư Văn đang còn mơ ước sự hình thành của một xã hội bình đẳng. Suýt tý nữa là ông đã đi về Hà Nội rồi ! Ông xem một cuốn phim tuyên truyền của Miền Bắc nói về phong trào "cải cách ruộng đất" với những tòa án nhân dân, với những cảnh điền chủ bị chôn sống và bị chặt đầu bằng lưỡi cày. Hoảng hốt, kỹ sư Văn trở về SàiGòn . Vào những năm của thập niên 50 việc lựa chọn Miền Nam hay Miền Bắc của người Việt Nam đôi khi rất hời hợt....



Là một công chức của Bộ Công Chánh, kỹ sư Văn hy vọng rằng đồng bào Việt Nam của ông sẽ đi theo thuyết trung dung của Đức Khổng Tử. Trung lập và Hòa giải là hiện thân của thuyết đứng giữa. Ông Văn là thành viên của Hội Ái Hữu cựu học sinh sinh viên các trường trung học Petrus Trương vĩnh Ký, Marie Curie và Chasseloup-Laubat. Trong tổ chức nầy người ta ca tụng hai nhân vật trung lập: người thứ nhất là Trịnh đình Thảo, Chủ tịch "Lực Lượng Liên Hiệp Quốc Gia Dân Chủ Và Hòa Bình", ông nầy đã chạy theo CPLTCHMN. Người thứ hai cũng trung lập là ông Minh Dương, đang ở SàiGòn .



- Tại sao hai nhân vật trung lập, một người ở thành và một người ở ngoài bưng lại không hợp tác với nhau ? ông Văn nói. Người ta phải biết vượt qua mọi sự chia rẽ về chánh kiến để cho các gia đình được đoàn tụ với nhau.



Trong các giới trung lưu, có nhiều người Miền Nam có thân nhân ở Miền Bắc và ngược lại. Chúng ta đều là người Việt Nam hết. Ngay như tướng Minh Dương cũng có một người em là Dương văn Nhật, một sĩ quan quân nhu của Miền Bắc (2). Có nhiều đường dây liên hệ vô hình như vậy ngay ở cấp cao. Ở SàiGòn người ta nói là bà Tổng Thống Thiệu bao che cho con gái của một thành viên quan trọng trong CPLTCHMN và bà đã đưa cô gái nầy sang du học ở Hoa Kỳ với tiền riêng của chính bà. Phía người Mỹ cũng than phiền không ít. Có những cuộc dàn xếp ở địa phương giữa Việt Cộng và binh sỉ Miền Nam . Vậy tại sao bây giờ người ta không dàn xếp với nhau ở cấp cao ? Tất cả những chuyện nầy người Mỹ không thể nào hiểu nổi.



Mặc dầu cộng sản Bắc Việt đã tàn sát dân chúng Miền Nam ngoài Huế vào Tết Mậu Thân (1968) , nhưng kỹ sư Văn nghĩ là cộng sản cũng là một bộ phận, một thành phần của quốc gia. Và với danh nghĩa đó, chuyện người cộng sản điều hành đất nước cũng là một chuyện bình thường thôi ! Họ cũng đã hy sinh nhiều rồi. Con đường đi đến "trung dung" hình như không tránh khỏi trên phương diện kinh tế, Miền Bắc rất cần có ruộng của Miền Nam và Miền Nam cũng cần có quặng mỏ của Miền Bắc !



Ông Tổng trưởng Giao Thông Công Chánh mở một phiên họp với các chủ sự phòng và giám đốc các công ty liên hệ như Hàng Không Việt Nam , Điện Nước, Chuyển Vận đường bộ đường sông và đường biển, để phân tách vấn đề Phước Long. Ông Tổng trưởng nói:



- " Đây là cộng sản muốn trắc nghiệm xem phản ứng của Hoa Kỳ có can thiệp hay không và xem chúng ta có tiếp tục chiến đấu hay không ?



Ông Tổng trưởng để cho các nhân viên của Bộ được tự do phát biểu sáng kiến của mình: theo đúng lương tri của mỗi người ....



Có nhiều phiên họp khắp nơi, chánh thức hoặc bán chánh thức trong các bộ, hay các công ty. Phiên họp ở Bộ Công Chánh kết thúc, các nhân viên ra về vui vẻ. Trong sự ồn ào người ta nghe được câu:



- "Người Mỹ đã đầu tư quá nhiều cho Miền Nam chúng ta rồi, nên đâu có dễ gì bỏ chúng ta được "



Hoặc :



- "Hoa Kỳ biết rõ là người Miền Bắc không đủ khả năng khai thác hạ tầng kiến trúc ở Miền Nam ....



Kỷ sư Văn không tin chắc như vậy.



Cũng như bà Nga, nhà văn Duyên Anh, và vị sư kia, cũng như tất cả những người dân Việt Nam ở SàiGòn , kỹ sư Văn chuẩn bị ăn Tết, một thời điểm rất tốt để mọi người thử đoán xem vận mạng tương lai của mình ra sao. Năm Dần sắp hết, năm Mẹo sẽ đến. Dù là Tổng Thống hay nông dân, thương buôn hay binh sỉ, học trò hay tài xế tắc xi, thợ thầy hay giáo chức, dù được đào tạo ở Tây Phương hay chưa từng xuất ngoại, người Việt Nam nào cũng tin vào khoa học huyền bí với một thái độ hết sức nghiêm túc khiến cho người Âu Châu phải ngạc nhiên và người Mỹ phải rởn tóc gáy ! Bài bác cái gì siêu phàm hay phi lý ư ?, người Việt Nam sẽ trả lời ngay:



-" Các ông thì tin vào những lời tiên tri theo khoa học, còn chúng tôi thì tin ở định mệnh theo kiểu của chúng tôi. Muốn đoán được tương lai, chúng tôi có những phương pháp để giải đoán các điềm báo trước."



Và như thế người ta đi "coi Thầy". Ở Miền Nam cũng như ở Miền Bắc chánh quyền và báo chí cố đả phá tập tục nầy. Người ta đến một ông Thầy bói toán. Ông nầy dùng bốn đồng tiền và một cái bát, xem bao nhiêu sấp ngửa để đoán cho thân chủ. Người ta thường tìm đến các ông thầy mù. Các thầy tướng số thường là học giả nên đắt lắm. Các nhà nghiên cứu người Mỹ nghĩ rằng khoa tướng số xứng đáng hơn lòng thương người. Gương mặt của con người lộ rõ những nét có thể đọc được . Theo một số bác sĩ thì sự thay đổi sắc diện trên gương mặt là dấu hiệu báo trước cho biết trạng thái rối loạn tim mạch.



Ở SàiGòn người ta vẫn tiếp tục đầu tư. Trước khi xây thêm phòng ốc cho một biệt thự hay muốn cất lại một căn nhà, dù là nhà lá, người ta phải biết rõ việc xây cất đó có cắt đứt "long mạch" nằm ngay dưới lòng đất hay không . Thầy địa lý nào cũng bắt buộc phải làm như vậy. Người ta tin vào những lời chỉ bảo đúng nhất và cũng đắt tiền nhất từ các chiêm tinh gia. Tổng Thống Thiệu thường tin tưởng vào các chiêm tinh gia nầy. Nếu có một người Tây Phương nào hỏi ông tại sao vậy, tại sao một người Ki tô giáo lại phải đi hỏi ý những chiêm tinh gia ? thì ông Thiệu dấu kín sự không bằng lòng của ông bằng một nụ cười nắc nẻ :



- " Tôi không hỏi ý kiến các chiêm tinh gia mà tôi thỉnh ý các thầy tử vi. Tử vi là một khoa rất chính xác , nhưng không phải tất cả các Thầy Tử vi đều là thầy giỏi.



Năm 1974, ông Thiệu hỏi một chiêm tinh gia:



- " Nếu tôi từ nhiệm thì ai sẽ thay thế tôi ? Đừng quên ông Minh Dương nghe !



Sau một hồi suy nghĩ kỹ, ông thầy trả lời :



- Nếu ông từ nhiệm thì không có ai thay thế ông cả.



- Như vậy là cộng sản sẽ thay thế tôi !



Các tướng lãnh cũng vậy, họ cũng hỏi ý các Thầy chiêm tinh trước khi hành quân, một điều mà các cố vấn Hoa Kỳ không mấy thích. Các sĩ quan Bắc Việt thì không làm như vậy nhưng CPLTCHMN thì không ngần ngại xử dụng các ông thầy bói để đánh lạc hướng dư luận ở Việt Nam hay ở ngoại quốc.



Tôn Tử có nói: "Những gì mà người ta gọi là tiên đoán thì không một trời thần nào có thể biết trước được hết. Cũng không thể suy luận hay dự đoán bằng những sự việc đã qua được Mà phải do những người nào biết và nắm chắc được tình hình của kẻ địch."



Mỗi năm Thầy Huỳnh Liên đều có xuất bản và bán được trên 5000 quyểnTử Vi, và người ta có thể tìm thấy các quyển tử vi nầy tận ở Paris.



Huỳnh Liên là một thầy Tử Vi giỏi, đoán được số mệnh của quốc gia và của từng cá nhân mỗi người. Ông đã tiên đoán tương lai của nước Việt Nam. Năm nay là năm mẹo (1975), là một năm mà ông Thiệu sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì ông Thiệu tuổi Tý. Bất cứ người nào dù dốt đến đâu cũng biết là chuột với mèo không phải là bạn của nhau (mèo là khắc tinh của chuột). Những người tuổi Tý thì hợp với người tuổi Ngọ. Ai cũng hiểu đó là tuổi của bà Thiệu. Để tránh bớt chuyện không may thì vần phải làm việc thiện, và nếu được thì người ta vào chùa tu phước. Ông Huỳnh Liên thấy trước là năm 1975 sẽ có nhiều chuyện xung đột nhau như nước với lửa vậy.







Các cơ quan hành chánh hình như đang ngái ngũ vì thủ đô quá yên tỉnh.



Ngày 1 tháng 2, ông Giám đốc Bưu Điện loan báo là ông đã có những đường dây điện thoại liên lạc được với Cộng Hòa Nam Phi, với Botsvana, với Lesotho, với Rhodesie qua ngả Paris. Uy tín bắt buộc ! và trong vài ngày nữa đây, người ta sẽ liên lạc với Pretoria còn dễ dàng hơn với Paris nữa.



Du khách tản bộ dạo chơi khắp thủ đô, và người ta tin chắc rằng năm tới đây con số khách du lịch còn nhiều hơn nữa. Tờ báo anh ngữ "Sai Gon Post" một nhật báo đã có nhiều độc giả hơn nhật báo tiếng Pháp Le Courrier d'Extrême Orient trong những năm gần đây đã loan một bản tin sau đây vào ngày 2/2 :" Một trai người Đức, 27 tuổi, muốn kết bạn với một bạn gái Việt Nam , có thể đi đến hôn nhân. Có ảnh gởi tới được càng tốt. Sẽ trở lại SàiGòn trong những năm tới, 1976



" Ông Hartensuen, 7000 Stuggart, Wannenstrasse 88, Allemagne"



Ban điều hành Thảo cầm viên SàiGòn rất hãnh diện ghi nhận đã có "137.000 khách viếng thăm, trong số đó có 98.000 người lớn và 38.400 trẻ em" . Ở Việt Nam những con số thống kê liên quan đến người chết , bị thương , người tỵ nạn hay khách viếng thăm sở thú v.v.. thường không được chính xác lắm.



Tổng Thống Thiệu đang chuẩn bị một thông điệp cho người dân Việt Nam vào dịp Tết, đúng theo truyền thống. Năm nay ông nhấn mạnh 3 điểm :



1.- "Phải yểm trợ mặt trận quân sự, tối đa"; Không biết có bao nhiêu mặt trận ở đất nước Việt Nam nầy ?



2. - "Phải tăng cường sản xuất". Đối với điểm nầy thì hai Miền Nam Bắc Việt Nam gặp nhau, nhưng Miền Bắc có lẽ phải đôn đốc mạnh hơn Miền Nam



3. - và cuối cùng là "Hậu phương phải được ổn định", ông mong có một sự đoàn kết và hợp tác mạnh hơn nữa trên mặt trận chánh trị .



Chánh Phủ cần phải giải quyết 3 cuộc khủng khoảng về chánh trị nội bộ.



- Những người Hòa Hảo ở phía Nam SàiGòn . Giáo phái nầy theo triết lý Phật Giáo. Họ có tổ chức một lực lượng bán quân sự với một đường lối chánh trị quốc gia chống cộng rõ ràng hơn lực lượng của giáo phái Cao Đài. Người Pháp , rồi người Mỹ cũng như Đệ Nhị Cộng Hòa đều xử dụng lực lượng nầy. Còn Việt Minh trước kia và bây giờ là Việt Cộng không làm ăn gì được hết trong vùng quê thuộc đồng bằng phì nhiêu của Miền Tây, có quân dân cán chánh gốc Hòa Hảo tham gia kiểm soát. Với gần 2 triệu tín đồ và trên 50.000 được võ trang, họ thực sự là một lực lượng đáng kể. Có lúc họ thỉnh cầu Chánh Phủ nên cử những người của họ vào các chức vụ tỉnh trưởng và quận trưởng. Nhưng ông Thiệu không muốn nới lỏng quyền uy của Chánh Phủ : Các tỉnh trưởng và quận trưởng phải là những quân nhân do ông chọn lựa. Với những người nầy Chánh Phủ sẽ giữ được quyền lực và kiểm soát chặt chẻ quân đội cũng như dân chúng hơn.



Các đại diện Hòa Hảo được mời đến Dinh Độc Lập để thương nghị. Ông Lương trọng Tường, đại diện cho Tổ Đình yêu cầu ông Thiệu xét lại các thỉnh cầu của lực lượng Phật Giáo Hòa Hảo mà lúc nào ông cũng bảo đảm là vẫn trung thành với Chánh Phủ . Cuối cùng rồi thì đâu cũng vào đó, người ta xoa dịu các đại diện bằng một vài hứa hẹn nhưng chỉ khi nào thanh bình được vãng hồi (3)



- Ngay tại SàiGòn ông Thiệu phải đối đầu với nhóm đối lập không cộng sản . Nhóm nầy tuy có ồn ào nhưng không được bao nhiêu người , gồm có Phật giáo và cả Kitô Giáo nữa.. Tuy ông Thiệu là người mới trở lại Ki tô giáo, nhưng ông không trông đợi hay nhờ vả gì người công giáo cả. Sau Hiệp ước Genève năm 1954, có nhiều làng công giáo cùng với Cha xứ đã bỏ Miền Bắc di cư vào Miền Nam, những người công giáo nầy rất tốt. Nhưng trong số những người công giáo ở Miền Nam trong thời gian gần đây có những thành phần gọi là "cấp tiến" lại không có tinh thần vững chắc. Ông Thiệu tin rằng giáo hội Ki tô đã bị nhiễm độc đến tận Vatican rồi. Đức Giáo Hoàng Joan XXIII đã cứng rắn đối với cộng sản . Nhưng khi ông Thiệu được tiếp kiến ở La Mã, thì Đức Thánh Cha Phao Lồ đệ Lục lại khuyên ông nên tìm cách dàn xếp với cộng sản Việt Nam . Ông Phao Lồ đệ Lục cũng đã tiếp bà Nguyễn thị Bình, Bộ trưởng ngoại giao của cái gọi là CPLTCHMN. Cho nên ông Thiệu cũng nghi ngờ luôn những người công giáo.



Linh mục Trần hữu Thanh thuộc dòng Chúa Cứu Thế, một người nhỏ con nhưng hơi nóng tính đã cao hứng thành lập "Phong Trào Dân Chúng Chống Tham Nhũng" đã chĩa ngọn lửa đấu tranh vào cá nhân Tổng Thông Thiệu. Ông phân phối những lời kêu gọi của Phong Trào cho văn phòng báo chí trong nước và cho cả nhà báo ngoại quốc. Vị linh mục nầy tố cáo ông Thiệu ngày hôm qua thì gian lận trong cuộc bầu cử để nắm chánh quyền và ngày hôm nay thì khuyến khích tham nhũng. Theo linh mục Thanh thì ông Thiệu là một người được sanh ra trong chiến tranh và ông ta muốn kéo dài cuộc chiến nầy. Có nhiều nhân sĩ ở SàiGòn tham gia vào Phong Trào Chống Tham Nhũng nầy, như Nghị sỉ Trương tiến Đạt, và những người công giáo khác như linh mục Thanh Lãng, Chủ tịch Hội Văn Bút, chủ tịch Hội Đồng Báo Chí, và Hội các nhà báo Việt Nam, một người rất có uy tín trong giới trí thức



Linh mục Thanh của Dòng Chúa Cứu Thế viết văn rất đễ dàng nhưng rất độc ác. Ông viết và phát hành "Bản Cáo Trạng số 1" , không mập mờ, đánh thẳng vào trí tưởng tượng của người đọc, nhất là giới bình dân. Những lời công kích nẩy lửa của ông có hơi lúng túng vì thiếu bằng chứng. Ông xác quyết rằng tài sản quan trọng của ông Thiệu gồm có bất động sản ở Việt Nam và ở ngoại quốc ; rằng ông Thiệu dính sâu vào đường dây buôn ma túy; rằng bệnh viện "Vì Dân" mà bà Thiệu là Giám đốc hành chánh đã trở thành một ổ mua quan bán tước; rằng gia đình của ông và bà Thiệu có hàng trăm "áp phe". Ông anh rể của bà Thiệu giữ độc quyền nhập cảng phân bón, việc bán phân bón nầy có một lợi tức quá lớn. Rất thận trọng, ông Thiệu có phản ứng lại theo đường lối riêng của ông. Ông không lý gì tới tác giả của "Bản Cáo Trạng số 1", không truy tố tác giả về tội phỉ báng, một tội danh có dự liệu trong Hình Luật của Việt Nam, mà Tổng Thống nhắm vào các tờ báo đã đăng bản cáo trạng nầy với tội danh: có hoạt động thân cộng.



Lại thêm một sai lầm chánh trị tai hại: ông Thiệu đổ tội luôn cho các nhân sĩ công giáo và chánh trị cũng như các nhà báo.



Như vậy chiến thuật và biện pháp của Chánh Phủ cần được giải thích: thì đây, ông Bộ trưởng Nội Vụ họp báo, có bộ trưởng Thông Tin, và Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát kiêm Trung ương Tình Báo đồng tham dự, theo đúng cung cách của chánh phủ, vừa có uy quyền vừa đúng theo luật pháp. Ông Bộ trưởng Nội Vụ tuyên bố:



- " 16 nhà báo và 2 tổng biên tập kiêm chủ báo bị bắt giữ. Những người nầy làm việc có lợi cho cộng sản. Họ hoạt động nhằm lật đổ Tổng Thống Thiệu. Chánh Phủ không thể xem họ là thành phần đối lập hợp pháp được .



Năm tờ báo bị đình bản. Một số tờ báo khác bị tịch thu vì Chủ bút của các báo nầy không chịu cắt bỏ những đoạn văn trong phần bình luận của họ có tính cách bôi lọ vị nguyên thủ quốc gia . Chánh phủ tung ra một cáo buộc không giải thích được : " Các bài báo nầy tìm cách đầu độc dư luận quần chúng". Trong cuộc họp báo ông Bộ trưởng đưa ra hai người "phạm tội" không được minh xác lắm : Tô minh Trung thì khai rằng anh ta "làm theo lịnh của Lê Duẫn" và Vũ trọng Lượng thì xác nhận là " người ta cho lệnh anh khai thác tối đa những tin tức nào có hại cho Chánh Phủ " .



Thành phần dự buổi họp báo hầu hết là nhà báo, ai cũng cười. người ta tưởng tượng sai về người lãnh đạo đảng cộng sản ở Hà Nội : làm gì có chuyện ông ta chuyển thẳng lệnh cho một nhà báo ở SàiGòn được ? "Khai thác tối đa" là một nhóm chữ mơ hồ, và không thiếu gì những tin tức xấu. Nói về trạng huống đó thì một nhà báo có ý thức nếu muốn chỉ trích Chánh Phủ thì đâu có cần lệnh lạc gì của ai đâu?



Linh mục Thanh Lãng đại diện cho Hội các ký giả, không sợ gì cả lên tiếng lớn hỏi ông Bộ Trưởng:



- " Ông có nói là ông đã biết những hoạt động của các người nầy từ lâu rồi, vậy tại sao ông chờ cho đến giờ nầy ông mới cho bắt họ ?



Ông Bộ trưởng hơi lúng túng không trả lời đúng câu hỏi :



- " Chúng tôi làm việc trong khuôn khổ của một Chánh Phủ Dân Chủ, Báo Chí phải được Tự Do, nhưng chúng tôi không chấp nhận những người công tác với cộng sản lợi dụng sự tự do đó để dùng báo chí như một phương tiện để tuyên truyền có lợi cho cộng sản . Những lời giải thích đầy tính nguyên tắc đó không đánh lừa ai được cả. Một đại diện của nhật báo Điện Tín bênh vực ký giả Vũ trọng Lương, một nhân viên trong ban biên tập của mình:



- " Ông Lương coi về tin tức văn hóa trong tờ báo của chúng tôi. Trước đó anh đã phụ trách mục "Thi Văn" trên đài phát thanh SàiGòn. Nếu trước kia Chánh Phủ không biết anh ta đã cộng tác với cộng sản, thì bây giờ chúng tôi làm sao biết được chuyện đó ?



Thính giả bình luận ồn ào. Có người to tiếng hỏi:



- Ai đã bị bắt ?



- Đọc tên lên, đọc tên lên..



Ông Chỉ huy trưởng Cảnh Sát đọc một lô tên những nhà báo bị bắt, không nói họ là cộng sản thiệt hay là tình nghi cộng sản .



Ông Cao Giao , một trong "ba chàng ngự lâm pháo thủ" đưa ra câu hỏi :



- Còn anh Choé thì sao ?



Choé là một họa sỉ có tài. Ông ta được ghi nhận là mất tích. Những hí họa của anh ta có tánh cách chống cộng sản dữ dằn lắm mà đối với Chánh Phủ cũng không kém gì hơn. Anh ta đã có đề phòng trước nên không bị bắt. Ở Hà Nội thì cộng sản muốn bắt giam ai cũng được nhưng ở SàiGòn thì chánh quyền phải làm việc cẩn thận hơn.



Sự việc nầy làm náo động cả thủ đô. Người ta họp nhau lại, rồi người ta đưa ra những kiến nghị trong tinh thần đoàn kết. Một phát ngôn viên của Phật Giáo tranh đấu Ấn Quang tuyên bố là : "chúng tôi sẳn sàng yểm trợ giới báo chí" . Có bốn tờ báo không dính líu vào vụ nầy đã có quyết định tự đình bản một ngày . Ba tờ báo có trợ cấp của Chánh Phủ thì đăng một bản thông cáo chánh thức không đặt thành vấn đề : "Các ký giả bị bắt giữ là cộng tác viên bí mật của cộng sản "



Đến lượt Thượng viện cũng thấy nóng lên. Bốn mươi tám nghị sỉ thuộc nhóm đối lập không cộng sản ở Quốc Hội cáo giác sự tịch thâu báo chí của chánh quyền viết đầy lên tường quy lỗi cho ông Thiệu đã dùng những phần tử thối nát. Lá thư của nhóm người nầy không chĩa mủi dùi vào ai hết , ngoại trừ tướng Quang, cố vấn an ninh của Tổng Thống. Họ khéo cẩn thận không nói gì tới vị nguyên thù quốc gia hết, không cáo buộc cá nhân ông ta. Để làm tăng vẻ quan trọng của vấn đề tất cả đều ký tên bằng máu.



Đại sứ Hoa Kỳ cho biết là việc bắt bớ các nhà báo đã gây một hậu quả không hay ở Hoa Thạnh Đốn . Chánh Phủ bèn lui một bước. Các vị Bộ trưởng giải thích là có một sự hiểu lầm. Hầu hết các nhà báo bị bắt giữ dĩ nhiên không thể nào và không phải là cộng sản. Chánh Phủ sẽ coi lại vấn đề và chắc chắn họ sẽ được trả tự do vì họ chỉ là "nạn nhân của sự đầu độc của cộng sản "



Ông Minh Dương họp các bạn bè của ông lại. Đến lượt ông đại diện của lực lượng thứ ba lên tiếng:



- " Bắt giữ các tổng biên tập và những ký giả nhà báo, đóng cửa những tờ báo đang ủng hộ cuộc chiến đấu của chúng ta, đó là Chánh Phủ đã đụng vào chúng ta rồi đó. Một hành động ngạo mạn và coi thường quần chúng. Chánh phủ độc đoán nầy muốn bóp nghẹt tiếng nói của chúng ta. Chúng ta còn vui vẻ gì nữa mà ăn Tết? Cuộc tranh đấu của chúng ta sẽ gặp khó khăn rồi. Thưa các bạn, tôi muốn nói tới sự hòa giải mà tôi đã từng tranh đấu lâu rồi, chỉ có sự hòa giải mới đem lại hòa bình mà thôi " (4)



Còn gì chính xác hơn nữa ! ông Minh Dương đã ám chỉ tới nhu cầu trao quyền hành lại cho những người "được sự hậu thuẫn của quần chúng", cho những lực lượng chánh trị "của quần chúng".



Giả bộ khiêm nhường ông Minh Dương không muốn đi tới nữa. Ông ta cũng thận trọng không nói tới thái độ độc đoán, và không tấn công đích danh ông Thiệu. Ông ta khôn ngoan lắm. Giữa hai người tướng lãnh hình như có một thỏa thuận ngầm với nhau. Mười hai năm trước cùng với mấy người khác, họ đã từng hợp tác với nhau trong cuộc lật đổ Tổng Thống Diệm. Đúng theo truyền thống thì ông Thiệu phải kính nể ông Minh Dương vì ông nầy vừa cao tuổi hơn vừa đã từng là cấp chỉ huy của ông. Vì quyền lợi, bắt buộc ông Thiệu phải có thái độ nể nang và ngó lơ cho ông Minh Dương vì có như thế thì coi như trên sân khấu chánh trị ông Thiệu chấp nhận có một đối thủ ít nhất cũng có sức mạnh bề ngoài, còn có bộ mặt đa nguyên đúng ý muốn của người Mỹ nữa. Bù lại ông Minh Dương cũng tiết chế những mối bất đồng hoặc có phát biểu thì cũng nhẹ nhàng kín đáo để tránh khỏi bị loại ra khỏi vòng chiến bằng một sự bắt bớ không hay.



Năm mươi chín tuổi, người cao lớn (do đó mới có biệt danh là Big Minh), tướng Dương văn Minh có một vai trò lạ lùng lắm, một vai trò mà ông không thể tin được là của chính mình. Ngay những người thân cận với ông cũng thừa nhận là ông không có khiếu về chánh trị . Giống như Kác Mác đã từng nói là ở miền đồng bằng thì một ngọn đồi nhỏ cũng có vẻ như là một ngọn núi vậy. Lạ lùng lắm, vì lực lượng thứ ba nhìn nhận ông là đại diện của họ nhưng ông Minh Dương nầy chưa từng bao giờ tuyên bố như vậy. Gần như ông làm nấc thang cho người khác đi, những người có nhiều tham vọng và không được bình dân như ông. Vậy cái bản chất bình dân mà bạn bè ông thường nói đúng ra nó là cái gì ?. Ở SàiGòn không có người nào và cũng không có cơ quan thăm dò dư luận . Ông Minh Dương luôn luôn rụt rè khi phải xuất hiện trong những cuộc bầu cử, mà thường ông không biết điều động. Còn số mệnh của ông ? có thể là số mạng của người thất bại trong danh dự. Là con của một giáo chức, ông chỉ mơ ước được làm một công chức và được biết Âu Châu. Ông không thể vào trường đại học Sorbonne (Pháp) được , cũng không thể vào trường võ bị Saint Maixent của Pháp. Vào đầu Thế chiến 2, ông nhập ngũ và trở thành quân nhân ở Việt Nam . Vừa mới thoát khỏi một trại tù binh Nhật bản, ông lại bị Việt Minh bắt . Sau đó ông được kết nạp làm giáo viên, phục vụ trong Đệ Tứ Cộng Hòa Pháp quốc.. Năm 1954, với cấp bực trung tá, ông Minh đầy tình cảm nầy đã được lệnh thanh toán thẳng tay lực lượng Bình Xuyên hung dữ. Được Tổng thống Diệm đỡ đầu, ông Minh được thăng cấp đại tướng bốn sao năm 1957, và sau đó lại tham gia vào nhóm quân nhân lật đổ ông Diệm vào năm 1963, có sự đồng ý của Hoa Kỳ. Ông Diệm bị hạ sát theo lệnh của tướng Minh Dương. Ông thành lập và trở thành chủ tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng trong một thời gian ngắn, nguyên thủ quốc gia danh dự . Tướng Minh Dương lại là nạn nhân của một nhóm sĩ quan trẻ đảo chánh ông năm 1964 và ông được đưa qua sống lưu vong ở Bangkok (Thái Lan) từ đó.



Ông trở về SàiGòn vào tháng 10 năm 1968. Khi thuộc cấp cũ của ông là tướng Thiệu lên làm Tổng Thống, ông nầy đề nghị ông làm cố vấn đặc biệt. Ông Minh từ chối đề nghị hấp dẫn nầy cũng như ông đã từ chối lãnh đạo một đảng của Phật Giáo. Sự trong sáng của tướng Minh mà nhiều người tán tụng ông về sự thanh liêm và khôn ngoan.. đôi khi trở thành vẩn đục . Dinh ông ở số 3 đường Trần quý Cáp, rất khiêm nhường cho một đại tướng bốn sao. Nơi đây ông thường tiếp các chức sắc của chế độ, những nhà ngoại giao không tên tuổi, những bình luận gia nổi tiếng và những nhân viện mật vụ có xưng danh hay không cũng vậy. Năm 1971 kết quả bầu cử của ông tại SàiGòn cũng tốt lắm.



Đã từ lâu rồi,ông Minh Dương đã nói khéo lắm:



-" Chánh Phủ SàiGòn và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (sau nầy là CPLTCHMN) bên nào cũng đều có cái hay của họ. VNCH có lực lượng quân sự, cảnh sát v.v.. nhưng CPLTCHMN không có. Họ chỉ dựa vào nhân dân mà thôi."



Vậy nhân dân nầy là những ai ? và họ đang nghĩ gì ? Có thể nào tướng Minh Dương sẽ nỗi danh hơn là bình dân ở khắp các đô thị ? và trước nhất là ở SàiGòn ?



Năm 1971, người ta muốn là các cuộc bầu cử phải được tiến hành công khai, hay ít nhất cũng có vẻ như vậy . Tòa Đại sứ Hoa Kỳ đề nghị ông Minh Dương ra tranh cử đối đầu với ông Thiệu. Ông Minh lưỡng lự rồi từ chối. Chán nản, người Mỹ không còn chạy theo ông nữa. Lúc bấy giờ, nhân vật duy nhất giữ liên lạc với ông Minh là tướng hiện dịch hồi hưu Charles Timmes . Ông đã làm việc cho Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ đặc trách liên lạc với tất cả các tướng lãnh ở Miền Nam Việt Nam .



Đệ nhị cố vấn của Tòa Đại sứ Pháp, Pierre Brochand thường gặp tướng Minh Dương .Ông Minh tính hòa nhã thích nuôi cá, trồng lan và chơi quần vợt ở Câu lạc bộ thể thao SàiGòn, nơi mà ông Brochand thường đến. Tướng Minh thường nói : "tôi không có tham vọng gì cả" và người ta tin như vậy. Rồi ông lập lại: "Đối với tôi, chánh trị trước hết là vấn đề luân lý". Luân lý của tôi là luân lý Khổng Mạnh. Và người ta ca tụng ông. Người Mỹ họ không thấy một chương trình hành động nào trong cái vắng thiếu luân lý Khổng Mạnh đó, họ nhận thức đó là một sự thiếu nghị lực. Nhiều người sau khi đến vấn kế tướng Minh Dương đều trở về với câu hỏi trong đầu, giống như Staline đối diện với tòa thánh Vatican vậy : lực lượng thứ ba có bao nhiêu sư đoàn ? Bản thân ông Minh cũng có câu hỏi tương tự. Ông tướng nầy đi dây giữa CPLTCHMN và Chánh Phủ SàiGòn . Ông có mặt khắp nơi mà cũng không có mặt nơi nào hết. Ông thản nhiên giữ liên lạc tốt với Thủ tướng Khiêm, một ông tướng bốn sao như ông. Trong giới lăng xăng chạy theo tướng Minh, người ta thường thấy những tài tử nhưng cũng có nhiều người tài trí lỗi lạc.. Một trong những người cố vấn chánh trị của ông là ông Tôn thất Thiện, lại có những lời nói bất lợi cho ông Minh về khía cạnh chánh trị :



" Ông Minh là người Nam, là một Phật tử, ông được khắp Miền Nam Việt Nam ủng hộ, từ Huế đến SàiGòn. Ông là một quân nhân liêm chính, uy tín không hề bị sứt mẻ trong quân đội, ông không có một cao vọng nào cả.."



Sao lạ vậy ?, Một người làm chánh trị mà lại không có một ước vọng hay một tham vọng nào hết ! được sao ?



Chung quanh ông Minh, có vài người chờ đợi ông ta phải có quyết định, hoặc mong có những tình huống bắt buộc ông ta phải nắm chánh quyền : ông Vũ văn Mẫu, tiến sĩ luật, đã từng là Tổng trưởng ngoại giao. Ôn nầy chủ trương hòa bình hơn ai hết, bảo trợ cho "lực lượng hòa giải", một phong trào, một chủ trương chớ không phải là một đảng. Một người nữa là ông Nguyễn văn Huyền, một tín đồ Ki tô giáo thuần thành hơn là một chánh trị gia, một người thần học hơn là một người có tinh thần thực tế, ông từ chức nghị sĩ Quốc Hội để phản đối đường lối chánh trị của ông Thiệu. Ông Huyền đã đánh bại một người của ông Thiệu trong Quốc Hội để lên đảm nhiệm chức vụ Chủ Tịch Thượng Viện. Người ta thấy ít sợ nhưng kính nể ông Minh Dương và những người của ông ta. Qua phát biểu hay những bản tuyên bố, ông Minh đòi hỏi quyền hội họp và nhu cầu phải có những tổ chức chánh trị thật sự, của cả hai Bên. Ông Minh Dương không nuôi một ảo tưởng nào đối với chế độ Hà Nội, tuy nhiên ông nhân danh "hòa hợp hòa giải", ông thường tránh không trực diện nói tới cộng sản Bắc Việt trong những phát biểu chánh thức của ông. Ông cũng không xem thường những chi tiết rất quan trọng của giới tiểu tư sản và tư sản ở Miền Nam. Ông đòi hỏi phải bải bỏ chiếu khán xuất ngoại hay nhập cảnh cho mọi công dân Việt Nam . Trong cố gắng là "một người của tất cả mọi người ", ông không thành "một người nào" của ai hết ! Có thể ông ta đang tiến từng bước một để đợi thời cơ thuận tiện chăng ?



Trên lý thuyết thì Chánh Phủ VNCH và CPLTCHMN đang tiến hành thương lượng, đàm phán với nhau tại La Celle-Saint-Cloud (Pháp) về tương lai và thành phần của một Chánh Phủ ở Miền Nam , nhưng trên thực tế thì các phiên họp đã ngưng lâu rồi. Nếu ở đó hai Bên thỏa thuận về cái tên của ông Minh Dương, thì ông nầy sẽ có hành động gì ? Ông ta không khi nào dám trả lời một cách rõ ràng. Ông thì thầm một vài câu bâng quơ như là "Tôi muốn phục vụ Tổ Quốc của tôi với sự yểm trợ của dân tộc tôi .." . Người ta đồng ý chấp nhận điều nầy rồi, nhưng cho tới giờ nầy điều đó không thấy có gì thực tế hay hữu hiệu cả. Trong vụ tịch thâu báo chí, ông Minh Dương đã cho là mình đã tích cực can dự vào, nhưng ông Thiệu không hề ghi nhận được điều gì hết.



Mặc dầu bị cấm nhưng đó đây người ta đã nghe tiếng pháo truyền thống nổ vang.... báo hiệu SàiGòn cũng đã "ăn Tết". Các Phật tử rập riều đi chùa, cố tìm một niềm vui vừa phải thôi ! Không một người Việt Nam nào mà không nghĩ tới ngày Tết năm Mậu Thân (1968). Lúc bấy giờ trái với truyền thống Việt Nam , không tôn trọng lệnh hưu chiến mà họ đã thỏa hiệp, cộng sản đã tiến hành một cuộc tấn công khắp Miền Nam Việt Nam. Cho nên cứ mỗi lần Tết đến là người ta tự hỏi : Liệu cộng sản có dở lại cái trò đó nữa hay không ?



Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa đã có tiên liệu nên đã không cho công chức nghỉ, và cấm quân nhân nghỉ phép dài hạn. Mỗi người chỉ có một ngày rưỡi phép thôi. Dè dặt hơn, Bộ trưởng Giáo Dục cho học sinh sinh viên nghỉ hai tuần để tránh các cuộc biểu tình ủng hộ các nhà báo.



Ngày 17 tháng hai, Chánh Phủ rút lại một số cáo buộc đối với báo chí. Ngày 18, một phiên tòa đã tha bổng các nhật báo từng bị tố cáo là vi phạm luật báo chí, mà ông Thiệu nghĩ là phải cần được tu chỉnh lại. Ngành Tư Pháp ở Miền Nam hoàn toàn không lệ thuộc vào Hành Pháp: Tòa án buộc Bộ Nội Vụ phải bồi thường 200.000 đồng thiệt hại cho nhật báo Sóng Thần.



Cuối cùng rồi người ta thấy Chánh Phủ giải quyết một cách êm đẹp cuộc khủng khoản nầy. Cuộc xáo trộn lắng xuống ngay. Những phán quyết cuối cùng của Tòa án đã làm dịu ngay cảm tưởng của ủy ban đại diện Thượng Viện Hoa Kỳ , một điều mà cả ông Thiệu và các Bộ trưởng của ông đã trông chờ.



Một phái đoàn của Việt Nam Cộng Hòa đã đến Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Hoa Kỳ để giải thích lập trường của Miền Nam . Ông Kisinger đã rời khỏi Hoa Thạnh Đốn từ ngày 13 tháng hai, đi một vòng sang Ai Cập, Syrie, Do Thái, Arabie Saoudite, Cộng hòa Liên bang Đức, và cuối cùng sẽ đến Genève để gập ông André Gromyko Ngoại trưởng Liên Xô. Chuyến đi nầy có thể giúp ích cho Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa . Người ta nói tới một sự viện trợ của Arabie Saoudite cho Miền Nam vì Quốc Vương Faysât của quốc gia nầy ca tụng sự chiến đấu chống cộng sản của quân dân Miền Nam Việt Nam .



Tại thủ đô Hoa Thạnh Đốn, phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa do một nhà ngoại giao khôn ngoan và thận trọng là ông Trần văn Lắm, Chủ tịch Thượng Viện hướng dẫn, đã được Tổng Thống Gerald Ford tiếp kiến. Tổng Thống Ford nói :



- " Tôi muốn tỏ lòng khâm phục của tôi đối với cuộc chiến đấu hào hùng của quý vị và đồng bào Miền Nam của quý vị, trong cuộc chiến để gìn giữ sự Tự Do của dân chúng Miền Nam ... Tôi tin chắc rằng quý vị đã biết được nỗ lực của cá nhân tôi để đạt được một sự viện trợ và một sự giúp đõ hữu hiệu cho đất nước của quý vị. Tôi mong rằng cuối cùng rồi Chánh Phủ Miền Bắc cũng phải thấy được lòng kiên trì và quyết tâm của quân dân Miền Nam để họ chấp nhận thi hành đúng đắn Hiệp Định Paris."



Liệu ông Ford có tin vào những gì ông đã nói hay không ? Đặc phái viên của ông Thiệu và những người đồng viện của ông ta có cảm giác rằng phần đông những nhân vật mà họ đã gặp và nói chuyện ở Hoa Thạnh Đốn đều không còn muốn nghe đến hai chữ Việt Nam nữa. Những tiếng thở dài mệt mỏi và những hứa hẹn mơ hồ không thế nào dối gạt ai được hết....



Tại Câu lạc bộ Báo Chí quốc gia, ông Trần văn Lắm đã phát biểu :



- " Đúng ra bài toán không phải ở vấn đề viện trợ bổ túc. Trong những năm trước , người ta phải chi 100.000 mỹ kim mỗi ngày lúc đang có gần 500.000 lính Mỹ hiện diện ở Việt Nam. Bây giờ Tổng Thống Ford chỉ xin có 300 triệu mỹ kim, một con số đâu có gì là thái quá đâu ?



Tại Hoa Thạnh Đốn ông Trần văn Lắm đã nhìn thấy quá rõ , người ta không ngừng nhắm vào tánh chất chuyên quyền của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, một luận cứ mà những người phản chiến đang tạo ra và đang đẩy mạnh trên mặt trận truyền thông. Một số thành viên của phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ sắp qua SàiGòn , nhất là bà Bella Abzug, dân biểu của tiểu bang New York, đã nêu lên mối bận tâm của họ đến vấn đề tù chánh trị ở Miền Nam .



Ông Trần văn Lắm nói :



- " Quốc gia chúng tôi thực tế được sanh ra từ trong chiến tranh. Cho nên nước Việt Nam không bao giờ có khả năng thực hành hoàn toàn Dân Chủ. Dù thể chế chúng tôi có một vài khuyết điểm, nhưng ít nhất điều nầy cũng giúp được chúng tôi nhiều khả năng để chuyển đổi..



Những lời nói của ông Lắm không ra ngoài tầm nhận xét của những người ủng hộ chế độ Miền Nam . Trong thâm tâm ông muốn nhấn mạnh rằng sự chuyên quyền hay độc tài của cánh hữu còn có thể chuyển đổi được , khác hẳn với sự độc tài ở cánh tả của cộng sản ở Miền Bắc .



Ông Lắm và các bạn đồng viện của ông rất là khó chịu. Trong sự chú tâm của Hoa Thạnh Đốn về Đông Nam Á , người ta chỉ nghỉ tới Cam Bốt mà thôi.







Ngày 13 tháng hai, phúc trình phân tách cập nhật của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương nêu lên hai dự đoán là cộng sản có ý định "chiếm toàn bộ tỉnh Tây Ninh như họ đã chiếm tỉnh Phước Long tháng trước " và "SàiGòn sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc phòng thủ tỉnh Tây Ninh."



Có rất nhiều chuyên viên trong guồng máy chánh quyền cũng như trong những cơ quan nghiên cứu tư ở Hoa Kỳ đã có nhiều dự đoán trong gần 20 năm qua. Các ông nầy xem chừng như rất thích thú khi họ muốn đem những dữ kiện khoa học ra xử dụng để tìm đáp số xuống thang cho cuộc chiến . Họ quên rằng không thể có vấn đề khoa học trong số lượng hành động của con người , nhất là trong chiến tranh. Đó chỉ là giấc mơ của khoa xã hội học và của tất cả khoa nhân loại học, thường không phải thuộc lãnh vực khoa học mà cũng không liên quan đến nhân loại. Nhưng từ trào của ông Robert Mc Namara ở Ngũ Giác Đài, thì ý muốn của mấy ông nầy trở thành bất biến !



Sự ám ảnh nầy đã được thấy rõ ràng trong một báo cáo của một nhà nghiên cứu tên là Warren Phillips, được trình lên trong một buổi gặp gỡ thường niên của "Hội Nghiên Cứu Quốc Tế" ở Hoa Thạnh Đốn từ ngày 18 đến 23 tháng hai. Bản báo cáo có tựa đề là " ông Henry có thành công một mình được không ? ". Ông Henry Kissinger có thể nào ép buộc Bắc Việt phải thương lượng hay không ? Ông Phillips dựa trên thuyết của ông Markov và những tiến bộ kỹ thuật của ông ta. Ông Phillips cho rằng :" muốn thấy được hành động của một nước nào đó đối với một quốc gia khác, thì phải phóng chiếu tới tương lai xem nước đó đã có hành động nào trong cùng một lãnh vực trong quá khứ gần nhất." Người ta giả dụ là những thay đổi và những triệu chứng phản ảnh hành động trong quá khứ có thể dùng để phỏng đoán được những bước hành động trong thời gian sấp tới. Đắm chìm trong cái lối nhìn cuộc chiến theo toán học, một lớp trí thức của Hoa Kỳ trong các bộ tham mưu hay trong các viện nghiên cứu tư nhân, say mê với các con số lũy thừa, các đường cong diễn biến (pa-ra-bol) lô-ga-rít của đại số học, để thiết lập đồ thị dẫn giải về lịch sử, về thuyết tương quan, đa dạng v.v....



Theo chiều hướng đó, ông Phillips xem xét lối cư xử và hành động của Miền Bắc trong những năm từ 1971 đến 1973, để thiết lập những phương trình khá lạ lùng : Hảy tưởng tượng một quốc gia "Q" nào đó, với những mẩu số đã có X (đầu vô), và những mẩu số Y (đầu ra) ...



"X---------------------Q-----------------------Y"



Và ông Philipps chọn những con số để phân loại các phản ứng của Bắc Việt đối với Hoa Kỳ , Liên Xô, và Trung Cộng:



- 3 (trừ 3) = rất "không thân thiện"



- 2 (trừ 2) = "không thân thiện"



- 1 (trừ 1) = "không thân thiện" ít thôi



0 = trung lập (trung dung, không thân thiện, không chống đối)



+ 1 (cộng 1) = "thân thiện" ít thôi



+ 2 (cộng 2) = "thân thiện"



+ 3 (cộng 3) = rất "thân thiện"



Ông Philipps thiết lập một lô phương trình trên 31 trang giấy và sự nghiên cứu theo dõi của ông dẫn tới một kết luận quá vô vị : kết quả quan trọng của sự nghiên cứu nầy cho thấy phản ứng của Bắc Việt thay đổi từng thời kỳ, và ông nói một cách ngây thơ rằng "trong hiện tại, không hiểu tại sao Bắc Việt lại từ chiến lược nầy nhảy sang một chiến lược khác ? " Tại sao một lúc nào đó họ đàm phán để rồi lại tiếp tục đánh nhau, và ngược lại? Do đó ông Philipps thú nhận là "chúng ta cần rất nhiều tin tức về các quyết định trong nội bộ đảng cộng sản Bắc Việt trước khi có thể quyết đoán được họ sẽ có hành động nào đối với quốc tế.""



Trong những năm gần đây đã có rất nhiều bản nghiên cứu loại nầy, nhưng bản nghiên cứu của ông Warren Philipps không được hai Bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng Hoa Kỳ để ý tới. Vì giống như một bức tranh biếm họa, bản nghiên cứu loại nầy chỉ đại diện cho một khuynh hướng của một số trí thức nào đó ở Hoa Kỳ đối với bài toán Việt Nam mà thôi.



Clausewitz đã có nói : " Đây cho thấy tại sao các công trình nặng về lý thuyết và phê bình của chúng ta thay vì phải sáng sủa và giản dị, vì có như thế thì tác giả mới biết mình viết cái gì và độc giả mới biết mình đọc cái gì... thì có những danh từ kỹ thuật, tối nghĩa, trừu tượng làm cho người viết và người đọc phải xa cách nhau. Tệ hơn nữa đó lại chỉ là những chiếc thùng rỗng ! Ngay như tác giả cũng không nắm rõ thực nghĩa của các danh từ đó, và phải chấp nhận một trạng thái mập mờ mà ông ta cũng không hài lòng lắm khi phải dùng ngôn ngữ để nói lên những danh từ đó.



Người dân Hoa Kỳ có quan niệm lạc quan hơn là bi quan: Họ muốn rằng Lịch Sử, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình đều phải hợp lý. Trong thập niên 70, Hoa Kỳ sống trong một giai đoạn mà kỹ thuật đang tiến vượt bực gồm các sự phát triển có tính cách quyết định về tin học. Thì làm sao họ không có thể đánh gục được một quốc gia nhỏ bé chậm phát triển như Bắc Việt khi mà họ đã lên được cung Trăng ?



Các máy điện toán (vi tính) đã cho những kết quả rất thú vị khi được đối chiếu với những thông số thường, như thuyết "hấp lực" của ông Newton . Các loại máy nầy chắc cũng phải cung cấp được nhiều loại dữ kiện hơn nữa để hiểu được xã hội và các lãnh đạo chánh trị . Kỹ thuật và phương pháp tin học trong khoa nhân chũng học đã rất thịnh hành ở Phương Tây, nhất là ở Hoa Kỳ , nơi mà ngành tin học đã tiến triển vượt bực. Đó đây có những người như Warren Philipps và những máy vi tính đã cho ra những kết quả vô nghĩa vì các dữ kiện hoàn toàn sai lạc hay quá đơn giản. Các máy điện toán không va chạm được với thực tế. Với một ông Philipps tự tin là nắm được thái độ và hành động của Bắc Việt xuyên qua thuyết của ông Markov, thì chiến tranh là một chuyện không thực tế, càng không thực tế hơn vì đối với một sử gia của thế kỷ 20 thì đó là là một cuộc chiến của thời Trung cổ.



Người ta không thể nào hiểu được người cộng sản Miền Bắc đã tính phải làm gì trong những năm 1963, 1965, 1968, 1972, 1973 . Người ta cũng không biết bây giờ họ sẽ có hành động thế nào trong tháng hai 1975. Với một trình độ hiểu biết tối thiểu về chánh trị, sau một thời gian tiếp xúc có thể nói là cạn cợt với Lenine, người ta phải biết và phải dự đoán được là Bắc Việt sẽ không bao giờ tôn trọng Hiệp Định Paris. Những nhà sưu tầm nghiên cứu Hoa Kỳ ở Trung Ương Tình Báo hay các chỗ khác đã có những tin tức chính xác, nhưng cũng giống như ông Philipps họ không thể nào nắm bắt được ý nghĩ trong đầu củaTổng bí thư Lê Duẫn ở Hà Nội hay của các tướng lãnh Bắc Việt. Một yếu tố căn bản là ý chí độc tôn, một sự tình nguyện cuồng dại có tăng mà không có giảm của lãnh đạo đảng ... những yếu tố nầy không thể đưa được vào một phương trình hay một máy vi tính nào được hết.







Ngày 23 tháng hai, ở phiên họp cuối cùng của Hội Nghiên Cứu Quốc Tế, ông James Schlesinger vẫn không loại trừ một sự can thiệp của Hoa Kỳ , nhưng khi được đài ABC phỏng vấn trên hệ thống truyền hình, ông tổng trưởng Quốc Phòng phải giữ sự dè dặt :



- " Đó là một khả năng hành động còn xa lắm....



Ông ta cũng chỉ nghĩ đến Cam Bốt :



-" Chắc chắn là Cam Bốt sẽ rơi vào tay cộng sản , nếu Quốc Hội không chấp thuận một ngân khoản viện trợ quân sự bổ túc.."



Ngày hôm sau, Tổng Thống Ford viết cho ông Thiệu, để trả lời cho những bức thư mà ông Thiệu đã gởi cho ông ngày 24 và 25 tháng giêng, theo đó ông Thiệu muốn biết ý định của Hoa Kỳ sau khi cộng sản chiếm tỉnh Phước Long.



Ông Ford chỉ nói chung chung để cá nhân ông khỏi bị dính vào cam kết nào cả:



- " Tôi chia xẻ nổi ưu tư của ông. Tôi muốn đoan chắc với ông rằng Chánh Phủ của tôi tiếp tục nhấn mạnh để Hiệp Định Paris được thi hành đúng đắn"



Nói chuyện thi hành Hiệp Định Paris sau khi Miền Nam bị cộng sản Bắc Việt chiếm cả một tỉnh, đã cho thấy một sự giả nhân giả nghĩa quá ngây ngô hoặc một sự ngu đốt không thực tế chút nào của Hoa Kỳ .



Ông Ford còn viết tiếp :



- " Một lần nữa, quân dân Miền Nam đã chứng tỏ quyết tâm của họ trước các cuộc tấn công của Hà Nội . Mặc dầu thiếu thốn về đạn dược và bị tràn ngập cả ở tỉnh Phước Long và ở ngọn núi Bà Đen vì địch quân có một số lượng quá áp đảo về quân số, nhưng sự chiến đấu dũng cảm của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã làm cho tôi rất khâm phục. "



Ông Ford nhìn nhận rằng bài toán chính yếu của quân dân Miền Nam là : thiếu thốn vũ khí và đạn dược. Núi Bà Đen, một ngọn núi nhỏ thuộc tỉnh Tây Ninh, nằm sát biên giới Cam Bốt đã bị cộng sản tấn chiếm, là một trạm tiếp vận truyền tin rất quan trọng. Bộ chỉ huy Bắc Việt hay nói đúng hơn là tướng Trần văn Trà đã tổ chức một cuộc tấn công dương Đông kích Tây đánh lạc hướng , nhằm làm cho người ta lầm tưởng rằng cộng sản Bắc Việt sẽ mở các cuộc tấn công quy mô vào vùng nầy .



Ông Ford còn giải thích thêm cho ông Thiệu để ông nầy phải tin chắc rằng là nếu cuộc chiến còn kéo dài, phần lỗi sẽ thuộc về phía Bắc Việt:



- " Chúng tôi tiếp tục tin rằng việc thi hành Hiệp Định Paris qua việc đàm phán trực tiếp giữa hai Bên Việt Nam là phương cách nhanh nhứt, thích hợp nhất và hữu hiệu nhất để chấm dứt cuộc đổ máu.... "



Lá thhư cũng nhắc lại một cách mơ hồ :



- " Chúng tôi sẽ làm hết sức của chúng tôi để cung cấp sự giúp đở tối cần thiết cho sự chiến đấu của quân dân Miền Nam cho tới khi đạt được nền hòa bình."



Nói gì thì nói, vẫn không có vấn đề gởi pháo đài bay B.52 hay chiến đấu oanh tạc cơ "Con Ma" (Phantom), dĩ nhiên là không thể có bộ binh ! Ông Ford chỉ có một cam kết duy nhất là "xin Quốc Hội ngân khoản"



Ông Thiệu đang ở trong một trận chiến mà ông không sao thấy được phần kết cuộc. Còn ông Ford nói về "hòa bình" như là một vật gì đó đang nằm ở góc đưòng, mặc dầu ông ta vẫn nói : con đường đi tới hòa bình không bao giờ dễ dàng đâu. Từ lâu rồi, con đường nầy ở Việt Nam rất là dài và rất là khó khăn. Biết là nó đã như thế từ lâu rồi ? Vậy trong tương lai con đường nầy có còn như thế hay không ?



Ngày 27 tháng hai; những người có trách nhiệm ở Nhà Trắng có trong tay một bản báo cáo phân tách tổng hợp của tất cả các cơ quan tình báo : "Bắc Việt sắp chuyển vào Nam một trong những sư đoàn trừ bị, đó là sư đoàn 341. E. "



------------------------------------------------------------------------------------





Chú Thích của dịch giả:



(1) Câu nói của Phạm xuân Ẩn, một cán bộ cộng sản cao cấp nằm vùng, có chủ ý rõ ràng là: che dấu kế hoạch tổng tấn công của cộng sản Miền Bắc .Sau ngày 30/4/1975, Phạm xuân Ẩn lộ nguyên hình là Đại tá cộng sản đặc trách Tình Báo của Hà Nội, nằm vùng tại Miền Nam. Trước 30/4/75 không hiểu tại sau ông lại cho Mỹ bốc cả vợ con ông sang Mỹ, nhưng sau 30/4/75 cộng sản buộc vợ con ông phải về lại Việt Nam nên họ phải trở về qua ngã Đông Âu, rồi Liên Xô để từ đó về lại SàiGòn . Đến cuối thập niên 80, ông được Hà Nội tuyên dương công trạng và được vinh thăng Thiếu tướng, hiện vẫn phục vụ trong ngành Tình Báo quốc nội, cho đến ngày hôm nay. Sau 1975 hai người ký giả bạn trong "ba chàng ngự lâm pháo thủ" là Cao Giao và ông Vượng mới biết được mặt thật của Phạm xuân Ẩn. Hai ông nầy đều đã qua đời.....



(2). (nguyên tác :général Dương văn Nhật). Sau 30/4/1975 mới biết được ông nầy không phải cấp tướng mà chỉ là một trung tá việt cộng tập kết ra Hà Nội năm 1954, không thuộc hàng ngũ của quân đội Bắc Việt, nhưng được cộng sản đưa trở về Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và được cộng sản bố trí, cho kín đáo vào nằm phục ngay tại nhà ông anh ruột là tướng Minh Dương tại góc đường Trần quy Cáp SàiGòn, như một sĩ quan liên lạc của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, qua Dương văn Nhật cộng sản đã hướng dẫn tướng Minh Dương cách thức"đoạt" lấy quyền hành từ tay ông Thiệu và ông Trần văn Hương. Chỉ với tư cách tổng tư lệnh ông mới ngăn cản mọi nỗ lực tiếp tục chiến đấu của QLVNCH (nhất là ở Vùng IV Chiến Thuật), ra lịnh cho quân đội buông súng, và tuyên bố đầu hàng, dâng Miền Nam cho giặc cộng!



(3) Phần nói về giáo phái Phật Giáo Hòa Hảo nầy dịch giả có bỏ bớt một đoạn nhỏ (2 câu). Vì hoặc tác giả không nắm vững vấn đề hoặc nghe theo luận điệu của nhóm nào đó nên đã viết không đúng sự thật. Phần lớn có lẽ tác giả dựa trên một số dữ kiện cũ, từ Đệ Nhất Cộng Hòa thời Tổng Thống Diệm. Những dữ kiện nầy đến thời Đệ nhị Cộng Hòa đều không còn giá trị nào nữa. Vì lực lượng Hòa Hảo đã hợp tác chặt chẻ với Chánh Phủ của ông Thiệu từ Lập Pháp đến Hành Pháp và trong lực lượng bán chánh quy trong công tác chống cộng mà không có một đòi hỏi nào cả cho đến ngày 30/4/75, Sau khi tiếp thu Miền Nam, bằng những cuộc hành quyết dã man cộng sản đã trút tất cả hận thù lên biết bao nhiêu là viên chức quân sự và hành chánh gốc Phật Giáo Hòa Hảo, kể cả dân biểu (cấp tổng, xã và ấp) như dùng búa đập đầu hay mã tấu chặt đầu sau khi đánh đập hành hạ dã man thay vì xử bắn.. thậm chí đến người đã chết rồi từ lâu cũng đào mả đem cả hòm ra giữa chợ để đấu tố. Dân chúng các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long là nhân chứng sống cho thái độ tàn ác và dã man của cộng sản vì lực lượng nầy đã hợp tác quá tích cực với các cấp chánh quyền và QLVNCH trong công tác chống cộng, cũng như đã cung cấp một phần nhân lực bổ sung cho tất cả các đơn vị chánh quy và Bảo An của Miền Nam nói chung và Miền Tây nói riêng.



(4) Đúng là cộng sản đã mớm cho ông những danh từ "hoà giải", "hòa hợp" từ lúc nầy rồi, có nghĩa là từ lúc ông sống "lưu vong" ở BangKok (Thái Lan 1964-1969) vì từ trước 1963 làm gì ông biết nói chuyện "hòa hợp hòa giải" ?