Chương 8 - Chiến dịch 275


Bắc Việt đã tiến hành được rất nhiều việc trong ba tuần lễ. Họ đã gởi tướng Văn tiến Dũng,Tổng tham mưu trưởng Quân Đội Nhân Dân vào Nam Bộ, với tư cách là Tổng Chỉ huy Chiến dịch.



Trong một xã hội khép kín và quân phiệt như Bắc Việt thì người ta có thể theo dõi hành tung của một sư đoàn, nhưng hành tung của một cá nhơn thì không thể được . Tướng Dũng đã rời khỏi căn nhà số 33 đường Phạm ngũ Lão ngày 5 tháng 2 lúc 10 giờ sáng để ra phi trường. Ông ta ghi nhận là các cây đào đã bắt đầu trổ bông.



Ông ta đã kỹ lưỡng dàn cảnh chuyến đi vào Nam của ông cũng như của Sư đoàn:



- Ông đã ký trước những công hàm để ở nhà chúng sẽ được gởi cho Mông Cổ, cho Đông Đức, cho Liên Xô, mừng ngày thành lập Quân Đội của các quốc gia nầy.



- Sau khi tướng Dũng rời khỏi Hà Nội thì báo chí ở đây phải đăng những tin tức liên quan đến hoạt động của ông như thanh tra, hội họp với sĩ quan các cấp...v.v....



- Mỗi ngày lúc 7 giờ sáng và 2 giờ chiều, chiếc xe Volga của ông phải chạy từ nhà đến Bộ Tổng Tham Mưu, rèm xe kéo kín. Và chiếc xe cũng phải trở về nhà lúc 12 giờ trưa và 5 giờ chiều. Ngoài ra người ta thường thấy tướng Dũng hay chơi bóng chuyền với bộ đội gác nhà ông, do đó mỗi buổi chiều các anh bộ đội cũng phải tiếp tục hoạt động thể thao nầy như thường lệ trong sân bóng của tư dinh .



- Hơn thế nữa, một ngày trước khi ông rời Hà Nội, người thư ký của tướng Dũng lên cơn sốt - thật hay giả không ai thấy được - và một xe cứu thương được gọi đến tận tư dinh đưa người bịnh đi.



Tướng Dũng bí mật bay vào Nam trên chiếc Antonov 24.



Người Mỹ không biết được sự có mặt của tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Bắc Việt ở Miền Nam trước tháng 4/75. Toán tham mưu cùng đi với tướng Dũng có mã số là A.75, tướng Dũng lấy bí danh là Tuấn, tướng Giáp là Chiến. Trong hai người ai quan trọng nhất ? Chiến hay là Tuấn ?



Máy bay đáp xuống Đồng Hới, trên lãnh thổ Bắc Việt . Từ đây toán A.75 được đặt dưới sự điều động của các đơn vị chỉ huy thuộc "559", Bộ Tư Lệnh đường mòn Hồ chí Minh. Tướng Dũng và đoàn hộ tống đi xe tới Bến Hải, dùng ca nô máy vượt vĩ tuyến 17, làn ranh phi quân sự của hai Miền Nam Bắc . Sau đó đoàn A.75 dùng cả quân xa và xe vận tải thuộc Bộ GiaoThông Vận Tải để đi tiếp xuống Miền Nam .



Trên đường xuôi Nam, dù đôi lúc phải còn dùng con đường mòn, quang cảnh làm cho tướng Dũng thích thú khi nghĩ rằng không có gì khích lệ bằng nhìn thấy "bộ đội của mình di chuyển bằng phương tiện cơ giới" . Người dân Miền Bắc đã tiết kiệm được từ ngày nầy qua ngày khác, từ tháng nầy qua tháng khác, để dành tất cả cho chiến trường Miền Nam , và chờ một cơ hội lớn. Họ đã che dấu được tất cã những gì mà họ đã trử trong 10 năm nay mà các cơ quan của Miền Nam của Hoa Kỳ , thậm chí đến Liên Xô và Trung Quốc cũng không thể biết được . Các sĩ quan Liên xô và Trung Quốc không được tự do đi lại được ở Miền Bắc , dĩ nhiên không bao giờ vào trong Nam được . Nhữntg ước tính của họ không bao giờ chính xác được vì người cộng sản Việt Nam có kỹ thuật phân tán, mà họ gọi là "sơ tán". Thường là họ để một tấn đạn dược ở đây, hai tấn ở chỗ kia, trong những thôn ấp và được che dấu và nghi trang cẩn thận. Họ cũng có những kho lớn mà chỉ có họ mới nhận ra được mà thôi. Nhưng đối với các đồng chí Liên Xô và Trung Cộng, cũng như đối với Hoa Kỳ và Miền Nam Việt Nam , họ có thể dấu kín hàng ngàn tấn đạn dược bằng lối sơ tán nầy.



Khi tới Bộ Tư Lệnh 559, tướng Dũng nghỉ trong một nhà tranh và không thể nào chợp mắt được với quá nhiều câu hỏi trong đầu :



" Làm sao biến ý chí "giải phóng Miền Nam " của Bộ Chánh Trị thành hành động ?, Làm thế nào để giật được chiến thắng ở vùng Cao Nguyên?... Làm sao chiếm được Ban mê Thuột ? Làm thế nào để cho Miền Nam Việt Nam phải sụp đổ trong một thời gian ngắn đây ?"



Tướng Dũng cũng nghĩ đến lề lối tác chiến độc đáo của bộ đội Bắc Việt trong hơn 30 năm qua: " Đánh bất ngờ, đập thật mạnh vào trung tâm đầu não.... "



Tôn Tử có nói : "Địch phải không biết được tôi sẽ đánh chỗ nào. Vì như thế họ mới phải chuẩn bị đối phó ở nhiều nơi. Và khi mà họ phân tán lực lượng ra nhiều nơi như vậy thì chỗ tôi định đánh họ sẽ không có nhiều quân. Và khi mà họ đưa quân ra nhiều nơi tiền tuyến thì hậu cứ của họ sẽ yếu, còn nếu họ muốn giữ cho hậu cứ mạnh thì tiến tuyến của họ sẽ yếu đi. Nếu họ chuẩn bị đề phòng ở bên tả thì bên hữu của họ sẽ yếu, và ngược lại nếu họ lo phòng vệ bên hữu thì bên trái sẽ không có nhiều quân.... Mà khi họ muốn phòng thủ khắp mọi nơi thì chỗ nào họ cũng yếu "



Còn Clausewitz thì lại nói ngắn gọn hơn : " Chúng ta nói "bất ngờ" là yếu tố căn bản của mọi hành động, không có ngoại lệ."



Sự độc đáo trong tác chiến của bộ đội Bắc Việt không phải chỉ có yếu tố bất ngờ mà còn phải chuẩn bị cho sự bất ngờ đó trong nhiều năm chớ không phải chỉ trong nhiều tháng. Một trong những lợi khí không thể đo lường được của họ là thời gian, lợi khí khác là sự bền chí.



Là một nhà tiếp vận thận trọng, đi đến đâu tướng Dũng cũng phải biết chắc là các sư đoàn của ông ta có đủ xăng nhớt, có đủ quân xa, vũ khí và đạn dược cần thiết, ông ta cần phải nhìn rõ và muốn được nhìn rõ. Lúc bấy giờ ông ta không thể tin chắc vào khả năng hiện có của mình: "Có thể đập mạnh được hay không đây ? trong những điều kiện như thế nầy, ta có đủ khả năng hay không đây ?"







Để cho cuộc di chuyển của ông được dễ dàng, người ta có gắn thêm vào bảng số xe của ông bản hiệu "T.50". Điều nầy có nghĩa là xe của ông ta được ưu tiên số 1, và xe của ông cũng dễ được nhận dạng. Ở một đoạn nào đó, có nhiều toán nhân công nữ tình nguyện hay được chỉ định. Họ đang sửa đường. Tướng Dũng ngừng xe lại. Một số nữ quân nhân nói với ông :



- Thủ trưởng ơi, Tết sấp đến rồi mà thư từ vẫn chưa đến !



Mỗi khi Tết đến là họ trao đổi quà cáp với nhau. Một thành viên của đoàn A.75 cho toán nữ quân nhân nầy một gói "kẹp tóc" . Ở một đoạn khác, đoàn xe của tướng Dũng gập những xe trống, đi ngược chiều về hướng Bắc. Một người tài xế nói :



- " Thủ trưởng ơi, gần ngàyTết rồi mà chúng tôi không có một điếu thuốc ! Những người đi với tướng Dũng không thiếu thuốc lá, và ông ta đem ra phân phát cho nhóm tài xế nầy. Ở một chỗ khác đoàn xe bắt kịp sư đoàn 316, hoàn toàn cơ động. Sư đoàn có trên 500 quân xa và nhiều chiến xa, nhiều xe bọc sắt. Vốn khởi đầu cuộc chiến 30 năm về trước bằng loại súng trường bắn từ phát một, tướng Dũng cảm thấy thỏa mãn lạ thường khi thấy các xe Zil.31 kéo những khẩu đại bác 122 và 130 ly, các xe tăng T.54 và những pháo đội hỏa tiển SA 2. Tất cả sĩ quan thuộc sư đoàn 316 đều được lệnh tuyệt đối im lặng vô tuyến, Nếu không thì khó mà làm cho trên 10.000 người phải giữ im lặng, nhưng quân đội Miền Bắc có kỷ luật. Đối với một vị tư lệnh chiến trường, muốn đạt được sự bất ngờ thì cần phải có 2 điều: một là không để bị người ta dò tìm được lực lượng của mình ở đâu , và hai là cho người ta có cảm tưởng rằng lực lượng của mình hiện ở đâu đó xa lắm. Trong hiện tại các cuộc hành quân dự trù có một cái tên rất dản dị không văn hoa: chiến dịch 275.



Từ các đơn vị tác chiến hiện đang có mặt ở trong Nam cho đến báo chí ở Hà Nội , người ta không tiên đoán được chiến thắng. Các mục tuyên truyền chỉ nhắm vào "năm" làm mốc. Tờ báo của đảng là tờ Nhân Dân lập lại là "năm 1975 là một năm đánh dấu những bước quan trọng của cách mạng Việt Nam : đảng chúng ta vừa tròn 45 tuổi, đất nước chúng ta 30 tuổi, và năm nay chúng ta tổ chức ngày sinh nhật thứ 85 của người đã sáng lập đảng và khai sanh nước Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam của chúng ta ."



Người ta không thấy được hình của Hồ chí Minh ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương. do đó làm cho người ta nghĩ rằng ở chỗ khác cũng không có. Nhưng người ta chỉ nghe thôi về sự tôn sùng cá nhân ở Mạc tư Khoa hay ở Bắc Kinh . Những câu châm ngôn và thơ phú của bác Hồ nhiều khi còn mạnh hơn là vấn đề tôn sùng cá nhân. Tất cả binh sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan đều nghe mãi một câu được nhắc đi nhắc lại cả ngàn lần : "Không có gì quý hơn Độc Lập Tự Do ". Hồ chí Minh được sanh vào tháng 5 dương lịch.







Tổng Thống Gerald Ford có một định kiến rất là Mỹ: nhất là cho các thành viên của Quốc Hội, ông tin rằng nếu người ta trình những sự kiện dưới một ánh sáng mới, các sự kiện đó có thể làm thay đổi dư luận và kế đó là thay đổi luôn số phiếu bầu. Ông Ford đặt tin tưởng vào phái đoàn các nghị sĩ và dân biểu quốc Hội đang đến SàiGòn để có thể chuyển đổi tư tưởng của một số lớn dân cử trong Quốc Hội.Thơ mời được ông Philip Habib, Phụ tá Tổng Trưởng Ngoại Giao đặc trách Đông Nam Á Châu gởi đi. Ông nầy dự trù một phái đoàn khoảng 20 vị. Thông thường thì các vị được người dân bầu lên ở Hoa Kỳ cũng như các nơi khác trên thế giới, đều thích đi chơi đó đây với ngân khoản của những người đóng thuế, nhưng sau nhiều vòng đàm phán tay ba giữa Bộ Ngoại Giao, Nhà Trắng và Quốc Hội, thì người ta chỉ chấp thuận một phái đoàn 10 người gồm : 1 nghị sĩ Dân Chủ ông Dewey Barlett, hướng dẫn phái đoàn, và các dân biểu gồm 1 chủ tịch, ông John Flynt và các thành viên Bella Abzuzg, William Chappel, Donald Fraser, John Murtah, Samuel Straton thuộc đảng Dân Chủ, và Millicent Fewnwick, Jack Kemp, Paul McCloskey thuộc đảng Cộng Hòa. Đối với Nhà Trắng thì đây không phải là một thành phần lý tưởng. Vì trong số 9 vị dân biểu, đã có 4 vị thuộc đảng Dân Chủ đã cùng ký vào một cái văn bản với 78 vị khác để đòi hỏi phải giảm dần viện trợ cho Việt Nam .



Tại SàiGòn, ở Dinh Độc Lập và Tòa Đại sứ Mỹ, người ta nhìn phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ như là một cơ may cuối cùng cho 300 triệu mỹ kim mà Tổng Thống Ford đã đòi hỏi. Ông Philip Habib và đại sứ Martin không mấy ưa nhau. Ông Graham Martin không vui vẻ gì lắm khi được biết là ông Habib đi theo phái đoàn với Eric Von Marbod.



Ông Thiệu chuẩn bị đón rước và tiếp tân phái đoàn với tất cả sự lưu tâm và lo lắng. Ông đọc cẩn thận các phiếu tiểu sử của từng thành viên do Tòa Đại sứ Hoa Kỳ cung cấp. Bà Bella Abzug, dân biểu của tiểu bang Nửu Ước, là một người khó nuốt, rất nặng ký và thiên về "hòa bình", bà Millicent Fenwick, một người to con mà hút một ống điếu quá nhỏ...



Hội đồng nội các nhóm để bàn về phương cách đối phó với phái đoàn. Thủ tướng Khiêm thì muốn tổ chức một chuyến đi thăm viếng xã ấp rất thiết thực. Nhưng ông Thiệu không chịu, và quyết định là mình sẽ đáp ứng mọi đòi hỏi của các thành viên phái đoàn. Để đùa giỡn chơi, ông tiến cử luật sư Vương văn Bắc , Tổng trưởng ngoại giao, một người vui tính và bảnh trai hảy theo sát và o bế bà Abzug, làm mọi người đều cười ầm lên.



Theo tinh thần của bức thư mà ông Ford vừa gửi tới cho ông, ông Thiệu vẫn còn nhận thấy sự cam kết của Hoa Kỳ . Ông không biết được là Tổng Thống Ford không đọc hết các bức thư của ông Nixon. Ông không nắm được câu chuyện Watergate ở Hoa Thạnh Đốn đã làm tổn thương quyền lực và sức mạnh của Tổng Thống Hoa Kỳ đến mức độ nào. Ông Thiệu không thấy được việc Quốc Hội muốn lấy lại một số quyền hạn của Nhà Trắng, liên quan đến lãnh vực chánh trị đối ngoại, ông cũng không biết là các cố vấn của ông Ford mong muốn tách rời Tổng Thống của họ ra khỏi bài toán Việt Nam . Vượt ra ngoài các sự kiện nêu trên của các giới chức Mỹ, ông Thiệu tiếp tục đặt niềm tin mù quáng quá dễ dàng : ông Ford là ông Nixon, người nào cũng như người nào, ai cũng đại diện và cam kết cho Hoa Kỳ .







Ông Thiệu không biết ông có cần trưng ra những bức thư của ông Nixon và ông Ford hay không ?Ở sứ quán Hoa Kỳ cuộc viếng thăm bắt đầu không được tốt đẹp lắm. Có vẻ không được trôi chảy. Có trên một chục vị phụ tá hộ tống phái đoàn. Ngoài chương trình do các phòng sở của ông Martin bố trí, các ông phụ tá trẻ nầy chạy lăng xăng khắp SàiGòn lục soát lung tung. Một số người tìm gặp các nhân viên của sứ quán không lạc quan lắm về lãnh đạo. Có những người thuộc cơ quan CIA như Frank Snepp, từ lâu đã nghĩ rằng Hiệp Định Paris là một sự thất bại của Hoa Kỳ, một sự thất bại mà người ta che đậy không khéo. Hơn nữa, anh Snepp nầy không tin là Miền Nam Việt Nam thiếu súng đạn.



Đại sứ Martin có cảm tưởng là nhiều thành viên của phái đoàn đã có định kiến rồi, điều nầy đôi khi được chứng thực. Họ đã biết trước những gì mà họ đến tìm kiếm rồi, đặc biệt là bà Bella Abzug hung tợn nầy. Họ không có tính cởi mở. Ngay như những dân biểu diều hâu đều thấy ông Martin sắc bén nhưng kém thực tế. Đương nhiên các phòng sở của sứ quán phải có nhiều buổi thuyết trình cho phái đoàn, kể cả Đại Sứ và Phó Đại sứ cũng vậy. Có nhiều chuyện không hay thường xảy ra trong các buỗi thuyết trình. Có một lần vào lúc bắt đầu buổi hội, bà Bella Abzug vừa xuất hiện vừa to tiếng vì muốn gặp trưởng cơ quan tình báo :



- " Anh Polgar là anh nào ?



Ông Đại sứ bực mình khó chịu. Ông không thích người ta điểm danh thuộc cấp của ông như thế. Ông thừa biết là các phụ tá của cả ông nghị sĩ và mấy vị dân biểu muốn tìm gặp những người khác hơn là những người mà sứ quán đã dự trù. Ở văn phòng của Tùy viên Quân lực, phái đoàn đã gặp ông đại tá William le Gro. Ông nầy trao cho phái đoàn một tài liệu làm cho phái đoàn chú ý. Tài liệu nầy đánh giá về sự đe dọa của Bắc Việt . Tài liêu nầy vượt quá những sự dè dặt. Đó là điều18 : "người ta chờ đợi một chiến dịch tổng tấn công trên toàn lãnh thổ Miền Nam trong những ngày sắp tới. Một số lớn "nguồn tin" (1) đã cho biết là các sư đoàn trừ bị chiến lược Bắc Việt sẽ được gởi vào Miền Nam" Các vị dân cử hình như đã quen quá với những bản phân tách và đánh giá bi quan , nhất là của giới quân nhân. Họ đã quen thuộc với loại kỷ thuật nầy ở Hoa Kỳ quá rồi, mấy tuần trước khi bàn cãi về ngân khoản quốc phòng, vô tình người ta thấy trong báo một số bài đánh giá quá cao về mối đe dọa của Liên Xô. Người ta mãi đặt vấn đề tại sao mối đe dọa của Bắc Việt ở đây lại không giống như vậy ? Mà người ta không nghĩ rằng nếu tình hình thật sự đúng như vậy thì có cần phải viện trợ cho Miền Nam hay không ? Phúc trình của đại tá Le Gro nói rõ quan điểm của ông . Điều 46: "Trong ngắn hạn, cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được nhiều chiến thắng khi họ chiếm giữ được một số quận hay thị xã, nhưng về lâu về dài sự tổn thất của Miền Bắc cũng có thể sẽ là một trở ngại cho họ..."



Khi ra khỏi SàiGòn vốn có không khí yên tỉnh, các nhà điều tra muốn tìm thú vui ở chiến trường, cũng không thể nắm được những nhận xét rõ ràng và chính xác hơn giới quân nhân đâu. Ông Paul McCloskey dân biểu California, một cựu sĩ quan hải quân, người vậm vở, đi ra ngay vùng chiến trường mà ông ta đã từng biết được ở Miền Trung. So sánh với tình hình mà ông ta đã từng được biết thì ông nghĩ là tình hình bây giờ có vẻ sáng sủa hơn. Điều nầy không ăn khớp chút nào với những dự đoán của một anh Frank Snepp.



Khi phải đánh giá về thế lực của ông Thiệu đối với xã hội Việt Nam thì phái đoàn không theo ông Martin hay Lehmann hay Polgar. Những người nầy xác nhận là ông Thiệu nắm vững mọi vấn đề . Bà Bella Abzug và Dewey Bartlett thì quan tâm đến các tù nhân chánh trị và sự việc bắt bớ các nhà báo. Họ đã được trả tự do hết chưa ? ông Martin thẳng thắng xác nhận là ở Miền Nam Việt Nam không bao giờ có tù chánh trị. Ông nói là ở SàiGòn hệ thống Tư Pháp ít nhất cũng hữu hiệu không thua gì ở Nữu Ước. Người ta nói với ông Martin về những cái gọi là "chuồng cọp" trứ danh để nhốt tù ở Côn Sơn. Ông khẳng định rằng trong vùng khí hậu nhiệt đới, thì các phòng giam nầy rất sáng sủa và sạch mát hơn những buồng tối. Khi Sứ quán không đồng ý về con số 35.000 tù hình sự ở Miền Nam thì ông McCloskey trả lời rằng :



- "Hơn phân nửa số tù bị nhốt mà không có bản án. Như vậy thì phải coi như số nầy là tù chánh trị"(2)







Sứ quán Hoa Kỳ mở tiệc khoản đãi phái đoàn. Một số thành viên của phái đoàn tẩy chay không dự. Bà Bella Abzug lớn tiếng tung ra những chỉ trích mà báo chí ghi nhận:



- "Chánh Phủ nầy là Chánh Phủ thối nát, Bà nói. Vì thế không còn ai muốn chiến đấu hết. Phải tính toán thế nào để loại trừ ông Thiệu đi."



Được một số nhà ngoại giao cấp trung gian khuyến khích, các thành viên của phái đoàn thố lộ với giới báo chí Hoa Kỳ :



- " ông Martin quá nghiêng về ông Thiệu nên không thể đánh giá một cách khách quan không khí chánh trị ở đây.



Hay là :



- " Ông Đại sứ nầy là một thảm họa !"



Bà Bella Abzug đi lại nhà bà Ngô bá Thành (3), có nhiều phóng viên báo chí tháp tùng. Bà Thành là một thành viên đối lập không cộng sản thuộc lực lượng thứ ba. Cảnh sát không cho bà ra ngoài nhưng người ta có thể nói chuyện với bà trong nhà . Chánh phủ SàiGòn đã có biện pháp phạt "trọng cấm" bà.



Một cách bất thần, không thông báo trước , bà Bella Abzug đến trụ sở của "Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến". Cảnh sát giữ an ninh tại đó không cho bà vào. Nhưng cuối cùng sau một vài rắc rối khác, rồi bà cũng gặp được hai sĩ quan thuộc phái đoàn Hung gia Lơi và Nam Dương. Nhưng hai sĩ quan nầy không cò gì để phải "khai báo" với bà hết.



Biết được việc nầy ông Martin phát cáu:



- " Thật là bẽ mặt !



Dai như đỉa, hai ông Bartlett và McCloskey được gặp một số nhà báo đã từng bị bắt. Cảnh sát trưởng SàiGòn bám sát hai ông nầy. Ba nhà báo nhìn nhận rằng họ là Việt Cộng nằm vùng. Hai ông giận lắm, đòi phải cho hai ông gặp riêng những người nầy. Một người đã nói nhỏ rằng: " Họ đánh chúng tôi dữ lắm"



Phái đoàn có nhiều cuộc tiếp xúc với một số chánh trị gia. Linh mục Thanh, người tranh đấu chống tham nhũng tuyên bố :



- " Một phần ba tiền viện trợ mà quý vị chấp thuận sẽ bị ăn cắp. Quân Đội sẽ bị bán cho kẻ thù cộng sản. Ngân khoản sẽ được dùng để trả lương cho lính ma ! số binh sĩ chỉ có tên trên giấy tờ." (4)



Cuộc thăm viếng ở Thủ Tướng Phủ còn chán hơn nữa. Tướng Khiêm và Tổng trưởng ngoại giao của ông có mặt ở buỗi tiếp xúc, đều cảm thấy bị đứng tim. Ở tư gia của ông Vũ văn Mẫu, Bella Abzug và Donald Fraser gặp những người phật tử thuộc nhóm chủ trương hòa hợp hòa giải với ba nghị sĩ và 5 dân biểu đối lập. Các phật tử nhấn mạnh:



-" Quý vị không nên bỏ phiếu chấp thuận viện trợ để họ xây cất nhà tù ! (4)



Bà Bella Abzug lầm bầm :



-" Tôi chỉ bỏ phiếu cho viện trợ nhân đạo mà thôi."



Thiếu tướng Không quân, cựu Thủ tướng Nguyễn cao Kỳ tiếp nghị sĩ Bartlett. Ông chỉ nói nhẹ nhàng:



- " Cho đến khi người ta tìm được một giải pháp đúng đắn, chúng tôi rất cần được có viện trợ của Hoa Kỳ "



Các ông Flynt, Chappel, Fraser và Fenwick đã tiếp xúc rất lâu với ông Trần quốc Bửu, Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, một loại Công đoàn như của ông André Bergeron chống cộng tới cùng từ năm 1945, khi mà Hà Nội đã đuổi, bắt, cầm tù và giết một số thành viên của liên đoàn. Ông xác nhận là Tổng Liên Đoàn của ông là tổ chức duy nhất có thể thực hiện một cuộc đình công ở Việt Nam . Đối với ông Trần quốc Bửu thì những người như Cha Lãng hay Vũ văn Mẫu không đại diện cho bao nhiêu người . Ông Thiệu phải tìm cách thử đưa họ vào guồng máy chánh trị , nếu không thì họ sẽ rơi ngay vào tay của cộng sản. Theo ông Bửu, tìm cách bứng ông Thiệu đi, đó không phải là một giải pháp :



- " Sau khi chúng tôi loại được Tổng Thống Diệm thì chúng tôi đã phải chịu một loạt khủng khoảng chánh trị . Chúng tôi cần có một sự liên tục và một số thay đổi quan trọng về chánh trị nội bộ."



Ông trao cho các thành viên nầy những bản văn được quây "rô nê ô". Đó là bản diễn văn mà ông đã đọc năm tháng trước trong đó ông vạch trần và tố cáo cái mà người ta gán cho là tham nhũng.



Ông cũng nghĩ rằng một số nhà báo bị bắt có dính líu đến cộng sản . Ông không chắc rằng họ đã có bị đánh đập. Ông thở dài và nói :



- " Tất cả các nơi trên toàn thế giới nầy, cảnh sát đâu có hiền đâu !



Về bà Ngô bá Thành, ông Bửu tỏ vẽ giận dữ :



- " Tôi biết bà nầy lâu rồi. Tôi đã từng yễm trợ bố của bà vào chức vụ Tổng Trưởng Lao Động từ năm 1954. Bà cũng giống như các phụ nữ khác, thích đi từ thái cực nầy đến thái cực khác.



Ông Bửu không phải là một ứng cử viên vào chức vụ Tổng Thống. Ông nói :



- " Người Việt Nam chúng tôi ai cũng sớm chọn một hướng đi và một mục đích cho đời sống của mình. Chúng tôi phải giử vững nó mới được . Khuynh hướng của tôi thiên về Nghiệp Đoàn chớ không thiên về chánh trị . "







Phái đoàn thực hiện một chuyến viếng thăm chớp nhoáng 12 tiếng đồng hồ thủ đô Phnom Penh. Tình hình đã bắt đầu tan rả ở thủ đô Cam Bốt nầy. Trong khi phái đoàn đang dùng cơm trưa, một hỏa tiển rơi và phát nổ ở cách họ khoản 800 thước. Ông Đại sứ Hoa Kỳ John Dean tỏ vẻ rất bi quan. Theo ông thì Thủ tướng Lon Nol sẽ từ chức "nếu người ta ước tính ông là một hàng rào ngăn cản con đường dẫn tới hòa bình" : Ông nói thêm rằng:



- " Hoa Kỳ chúng ta không nên dính vào một cá nhân nào hết."



Và cách Phnom Penh 200 cây số, ở SàiGòn liệu Hoa Kỳ có dính với ông Thiệu hay không ?







Chiều ngày 1 tháng 3, ông Thiệu đãi cơm tối phái đoàn. Trong khi nâng ly chúc mừng phái đoàn, ông nhắc tới nhiều vị Tổng Thống Hoa Kỳ đã từng cam kết yễm trợ và giúp đỡ Việt Nam trong cuộc chiến chống cộng. Nhưng ông Thiệu không nói gì đến các bức thơ của ông Nixon. ông Thiệu nói thật chậm rãi:



- "Sự long trọng cam kết đó đã được nhắc lại trong dịp ký kết Hiệp Định Paris,. Liệu những lời cam kết đó của Hoa Kỳ có còn giá trị hay không ? Liệu chúng tôi có tin vào lời nói của Hoa Kỳ hay không ? Đó là thông điệp mà tôi rất vui mừng khi được thấy quý vị chuyển giùm đến Quốc Hội thứ 94 của Hoa Kỳ ."



Ông Thiệu ghi nhận thái độ chống đối đương nhiên của bà Bella Abzug. Trong khi ông Thiệu nâng ly chúc mừng phái đoàn, bà ta giả bộ không nghe. Các câu chuyện trao đổi có vẻ ngượng ngùng, giữ kẽ với nhau, không được vui, trong một không khí khó thở. Nghị sĩ Bartlett cảm thấy có cảm tình với Việt Nam Cộng Hòa, nhưng ông cũng nói tới sự việc ông đã tiếp xúc với các nhà báo bị bắt. Có người cho ông Thiệu là quá vụng về, có người cho là ông quá cộc cằn.. khi ông gạt phắt nhận xét đó bằng một câu:



- " Đương nhiên! những người cộng sản lúc nào cũng phải nói là họ bị tra tấn...



Do đó mà cả Sứ quán và Dinh Độc Lập, hình như không thể chuyển " thông điệp" của ông Thiệu được .



Cho tới năm 1973, một trong những lo âu của dư luận chánh trị ở Hoa Kỳ là số phận của các tù binh Mỹ ở Bắc Việt. Bây giờ thì họ đã được trở về Hoa Kỳ rồi nên dư luận đó lại nghĩ tới nhiều hơn cho số phận các binh sỉ, hạ sĩ quan và sĩ quan bị ghi nhận lá mất tích trong chiến đấu, một đề tài mà các thành viên của phái đoàn đã có dự định là nói thẳng với đại diện của chánh quyền Miền Bắc và CPLTCHMN ở trong trại Davis , trong sân bay Tân sơn Nhứt. Đối với một số đại diện nầy, điều tốt nhất là có thể dùng ngay báo chí của họ trong vùng chiếm đóng hay trong quốc gia của họ để nói về số quân nhân mất tích nầy. Cứ hai năm Hoa Kỳ lại cử một người để thường xuyên thực hiện công tác quảng bá nầy.



Ngay lúc họ đến trại Davis, phái đoàn Hoa Kỳ có cảm tưởng rằng các phát ngôn viên của Hà Nội chuyển một cuộc bàn cãi có tính cách xây dựng thành một sự tuyên truyền quảng cáo cho khoảng 70 nhà báo, phóng viên, toán quây phim, và các chuyên viên về âm thanh có mặt hôm đó. Các sĩ quan cộng sản ngồi ờ đầu bàn dài dưới bức tượng bán thân của Hồ chí Minh hình như tạc từ một khối mỡ heo bóng loáng. Một trung tá Bắc Việt phó trưởng đoàn Hà Nội lập tức châm ngay ngòi lửa. Ông ta thích đưa ra một câu trả lời chung chung hơn là trả lời tuần tự ngay vào các câu hỏi. Thế là có một sự tranh luận về thủ tục phải theo. Ông trung tá nầy đọc một bản văn dài dòng trong hai mươi phút:



-" Chánh Phủ Ford phải chịu trách nhiệm về sự đeo đuổi tiếp tục cuộc chiến, điều nầy làm cho không thể áp dụng được điều 8 B của Hiệp Định, liên quan đến những người mất tích. "



Để cắt đứt những lời tổng quát rổng tuyếch nầy, nghị sĩ Bartlett đưa một tấm thẻ bài ghi tên họ của đại úy Clifford Fieszel, số quân 462-56-6781, phi công bị bắn rớt trên không phận Bắc Việt và được ghi nhận là mất tích ngày 30 tháng 9 năm 1968.



Nghị sĩ Bartlett muốn biết về số phận của vị đại úy nầy. Vì theo một quyết nghị của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thì Chánh Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Việt Nam phải cung cấp những chi tiết chính xác.



Trung tá cộng sản từ chối, không trả lời.



- Tôi phải trả lời sao cho bà đại úy Fieszel đây ? Tôi sẽ có mặt ở OKlahoma trong 2 tuần nữa. Tôi phải nói gì với bà ta đây ? khi mà Chánh Phủ Hoa Kỳ chúng tôi phải cung cấp mỗi tuần một chuyến bay liên lạc giữa SàiGòn và Hà Nội ? những sĩ quan trên chuyến bay đó có nhiệm vụ trước hết là thảo luận với chánh quyền Miền Bắc về công tác tìm kiếm liên quan đến những quân nhân mất tích." nghị sĩ Bartlett nói. Rồi ông nghị sĩ Hoa Kỳ chấm dứt bằng một câu kết luận của ông :



- " Ở Oklahoma chúng tôi , có một danh từ .đó là "hogwash" ! cốt để nói lên đặc tính của những nhận xét của ông.



Trong số các nhà báo có ông Cao Giao hỏi ông bạn Xuân Ẩn của ông ta hogwash nghĩa là gì . Xuân Ẩn dịch ngay :



- " Có nghĩa là "đồ bỏ", đồ bá láp không ra gì , đồ cặn bả để cho heo ăn !



Ông Bartlett nhìn người trung tá cộng sản kết luận:



- " Cũng tốt thôi ! sự im lặng của ông chứng tỏ là ông từ chối không trả lời cho tôi ."



Ông dân biểu Millicent Fenwick trở lại những từ ngữ trong bài diễn văn của trung tá cộng sản . Ông ta đã có nói là Chánh Phủ của ông sẳn sàng giải quyết mọi bài toán qua thương lượng. Bằng cách nào đây ? Trung tá cộng sản nầy trả lời cho các câu hỏi là :



- " Tôi sẽ chuyển các đòi hỏi của quý vị cho Chánh Phủ của chúng tôi "



Gay gắt và vô ích, cuộc thảo luận tiếp tục trong sự ồn ào gần như bất tận. Những cuộc cải vả nầy đáng được thu hình lắm đấy, và người ta nghe tiếng máy quay phim chạy rào rào với vài chỉ thị của các nhà báo, và thỉnh thoảng những tiếng than phiền của ông Milicent Fenwick:



- " Ông ta có trả lời câu hỏi của tôi đâu? ông ta không có trả lời câu hỏi của tôi !"



Ông Mc Closkey cố giải thích cho ông trung tá cộng sản nầy là có vài dân biểu trong Quốc Hội không muốn tiếp tục giúp cho Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng nếu Chánh Phủ Miền Bắc cứ chống lại công tác tìm kiếm những người Mỹ mất tích, thì ngọn gió có thể đổi chiều thổi ngược lại .



Nhưng đây là một cuộc đối thoại giữa những người điếc, mặc dầu vậy ông Frasier cứ tuyên bố là cuộc nói chuyện nầy rất hữu ích.



Trng tá cộng sản vẫn giữ vững đường hướng tuyên truyền đến cùng:



- " Quý vị phải trở về Mỹ để khuyến khích nhân dân và Quốc Hội Hoa Kỳ hãy bác bỏ dường lối chánh trị của ông Ford, tức là phải chấm dứt sự ủng hộ tập đoàn Nguyễn văn Thiệu."



Ông dân biểu Chappel, với một giọng nói thật chẩm rải và cương quyết tuyên bố:



- " Cá nhân tôi, tôi đến Việt Nam với một tinh thần và một chủ đích là xem xét tận mắt "tình hình cụ thể" ở đây để lúc về tôi có thể bỏ phiếu "thật đúng đắn" cho bài toán quan trọng: đó là viện trợ cho Miền Nam Việt Nam . "



Để cho trung tá cộng sản nầy dễ hiểu, ông Chappel dùng ngay những danh từ cộng sản mà ông nầy đã dùng như " tình hình cụ thể" , "thật đúng đắn"..... Và ông nói tiếp:



- " Bây giờ khi đã gặp được các ông rồi, thì tôi đã đi tới được một vài kết luận.. Tôi tin rằng cộng sản các ông không bao giờ có ý định tôn trọng lịnh ngừng bắn... Các ông cũng không tôn trọng nghĩa vụ của các ông liên quan tới tin tức của những người bị mất tích. Các ông than phiền, các ông nói rằng ở đây người ta không tôn trọng quyền đặc miển ngoại giao của các ông, Các ông nói là ở SàiGòn nầy người ta cúp nước cúp điện của các ông, nhưng tôi thấy là các ông sống ở đây rất là thoải mái và đầy đủ tiện nghi."



Ông dân biểu đưa tay chỉ cây quạt máy trên trần nhà (đang chạy), chỉ các cây cối và sân cỏ chung quanh trại, rồi nói tiếp:



- " tất cả những thứ nầy đều do hai Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đài thọ....



Khi tôi về đến Hoa Kỳ ... tôi có ý định sẽ bỏ phiếu chấp thuận 300 triệu mỹ kim viện trợ bổ túc cho Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa. "



Nhưng các nhà báo Việt Nam đều lấy làm thích thú mà ghi nhận rằng người thông dịch cộng sản không có thông dịch lại câu nói sau cùng nầy của dân biểu Chappel.



Bà Bella Abzug muốn cho không khí bớt găng, buông ra một câu :



-" Sự trao trả 23 hài cốt của quân nhân Hoa Kỳ chết trong thời gian bị bắt ở Bắc Việt và sự việc mà trung tá Bao đã chấp nhận hỏi lại Chánh Phủ của ông về tin tức của đại úy Fieszel cũng đã chứng tỏ được tinh thần khả dĩ có thể an ủi được nổi đau của các gia đình có con em quân nhân bị coi là mất tích ở đây.."



Bà ước mong rằng Chánh Phủ Bắc Việt sẽ cung cấp thêm tin tức liên quan đến các quân nhân bị mất tích...



- " Đó sẽ là một bước tiến lớn, Thiện chí tốt.. Bình thường hóa quan hệ....



Tất cả những gì mà cả Sứ Quán Hoa Kỳ và Dinh Độc Lập cho tới giờ nầy không thể đạt được đối với phái đoàn, thì giờ đây một cách không chủ tâm chỉ trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ họ đã đạt được với thái độ của một số dân biểu và vì thái độ của những người cộng sản. Các thành viên của phái đoàn Hoa Kỳ tỏ ra rất giận dữ.



Họ đi qua trại của CPLTCHMN, cách đó 50 thước.



Tướng Hoàng anh Tuấn, thuộc Ban Liên Hợp Quân Sự 2 Bên, ra tiếp phái đoàn. Thấy đã quá trể như đã dự trù , ông hỏi phái đoàn:



" Chúng ta có nên họp trong một giờ hay không ?



Hai ông Barlett và Flint bàn với nhau:



- Có lẽ nửa giờ cũng quá đủ rồi.



Tướng Hoàng anh Tuấn sẽ đọc một bản văn. Đã nghe một lần bên kia cũng quá đủ rồi. Nghị sĩ Barlett ngắt lời ông Tuấn:



- Tại sao CPLTCHMN không chịu làm gì hết, đúng theo điều mà Hiệp Định Paris đã có ghi rõ, liên quan đén những người mất tích ? (điều 8 B trong Hiệp Định)



Nhưng tướng Tuấn vẫn cứ tiếp tục đọc:



- "Người Mỹ phải chịu trách nhiệm về sự không thi hành Hiệp Định Paris và về điều mà người ta không thể giải quyết được bài toán của những người mất tích"



Phái đoàn Mỹ đưa ra những câu hỏi thật chính xác. Nhưng cũng giống như đồng chí cộng sản Bắc Việt của ông lúc nãy, tướng Tuấn cũng chỉ nói chung chung. Ông Flynt muốn có thêm chi tiết liên quan đến 41 xác chết của người Mỹ không được trao trả cho Hoa Kỳ.



Tướng Tuấn nói:



- " Sau khi ký Hiệp Định Paris, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục theo đuổi cuộc chiến. Không thể thi hành Hiệp Định được .... Mỗi tuần đã có hằng ngàn người Việt Nam chết ...."



Ông Flynt ngắt lời:



- "Tôi không muốn nghe chuyện đó, Tôi muốn biết 41 xác chết đó bây giờ đang ở đâu ?"



Tướng Tuấn đáp:



- "Không ai bắt buộc tôi phải trả lời cho câu hỏi nầy, và tôi tưởng rằng nhân dân Hoa Kỳ sẽ hiểu tại sao."



Nói xong ông ta nhìn đồng hồ



- "Ba chục phút của chúng ta hình như đã hết rồi !"



Vừa nói ông ta vừa đứng dậy và bỏ đi.



Trên đường ra xe đi về, bà Millicent Fenwick tâm sự với các nhà báo rằng : bây giờ thì bà ta sẽ bỏ phiếu cho cả viện trợ nhân đạo và viện trợ quân sự nữa.



Ngay sau đó đài phát thanh Hà Nội và đài phát thanh Giải Phóng đều lên tiếng là "’phái đoàn nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ đã có những lời tuyên bố không đứng đắn và không xứng đáng với địa vị của họ."







Người ta ghi nhận là không có một sự giao tranh nào trong thời gian phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ có mặt ở Việt Nam. Người ta không thấy có một cuộc hành quân nào trên cấp đại đội hay ít nhất cũng không có một cuộc chạm súng nào quan trọng hết.



Ngày chúa nhật 2 tháng 3, trước khi đáp phi cơ về Hoa Thạnh Đốn, nghị sĩ Barlett mở một cuộc họp báo tại phi trường. Thêo ông : "Muốn chấm dứt cuộc chiến, phái đoàn sẽ khuyến cáo Tổng Thống Ford nên thúc đẩy ông Kissinger tiếp tục thương lượng với Liên Xô ,Trung Cộng và Bắc Việt ." Ông Nghị Sĩ Barlett có biết đâu rằng ông Tổng trưởng Ngoại Giao không có một chút hứng thú nào khi phải đàm phán với cộng sản trong tư thế yếu.



Khi phái đoàn sửa soạn lên phi cơ thì Đại sứ Martin chạy tới :



- Tôi có thể tháp tùng với quý vị về Hoa Thạnh Đốn hay không ?



Nghị sĩ và các vị dân biểu đã gặp ông Martin nầy quá nhiều trong những ngày gần đây rồi. Viễn cảnh có thêm vài giờ nữa với ông cũng không mấy ai thích thú nhưng làm sao từ chối cho được đây ?



Sau khi phái đoàn rời khỏi Sài Gòn, nhân vật số 2 của sứ quán Hoa Kỳ gởi một điện tín về cho Bộ Ngoại Giao, có đoạn kết luận như sau :



- Sứ quán nghĩ rằng ít nhất cũng có một số đông thành viên của phái đoàn đã được thấy một khía cạnh có ích lợi, tổng quát về sân khấu chánh trị ở Việt Nam, dù chuyện đó rất là mới mẻ đối với họ. (ký tên Lehmann)







Đến Hoa Thạnh Đốn, ông Martin nhận thấy một không khí bất lợi khắp nơi, cho đến ngay cả các phòng sở trong Bộ Ngoại Giao. Bản phân tách tin tức sau cùng của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương và của Bộ đều xác nhận rằng:



" Quân đội Bắc Việt ở phía Nam vùng phi quân sự, dù có mạnh hơn lúc nào hết, nhưng không có khả năng đánh bại quân lực VNCH một cách dứt khoát được."



Chỗ nào cũng thấy có ý kiến tương tự:



‘’Quân Lực VNCH sẽ không dễ gì bị đánh bại trong mùa khô nầy’’



Ông Martin ở nhà của cô con gái, đường 42, và bắt đầu đi vận động. Bộ Ngoại Giao cấp cho ông một chiếc xe, các nhân viên trẻ trong khối Đông Nam Á Sự Vụ đi lấy hẹn cho ông.



Ở Sài Gòn ông là nhân vật số 2 của thủ đô, sau ông Thiệu. Nhưng ở Hoa Thạnh Đốn thì ông chỉ là một ông Đại sứ như những người đại sứ khác thôi, không có tiền hô hậu ủng. Ngay ở Bộ, ông có cảm tưởng là những người công chức đều biết rằng ‘’dính vào vấn đề Việt Nam không có lợi cho việc thăng quan tiến chức được đâu.’’ Ông Martin tự nhủ: ‘’chắc chắn là họ không muốn đưa đầu ra cho Jane Fonda tát đâu’’.



Ông Martin không muốn mất thì giờ để mà thuyết cho các vị dân biểu của đảng Công Hòa theo hướng đi của ông. Vậy mà ở đó ông cũng đụng phải những sự im lặng. Robert Gialmo, một dân biểu Cộng Hòa trong tiểu bang quan trọng nhất là tiểu ban Ngân Sách, hình như đang lưỡng lự:



Vậy có những ai sẽ là đồng minh của ông Martin đây? Trong hàng nghị sĩ thì có Barry Goldwater. Từ lâu rồi, ông Graham Martin không hy vọng thuyết phục được một trong những người bạn già của ông, Mike Mansfield, lãnh tụ khối đa số Dân Chủ ở Thượng Viện. Ông Martin thấy thật là cả một sự khó khăn để cho người ta nghe và hiểu được mình ! Và coi như ông hoạt động xuyên qua một bãi mìn ! Tất cả những người trẻ, cộng sự viên hay làm việc cho các nghị sĩ và dân biểu đều là những người chủ bại, chủ trương ‘’hòa bình’’, cho nên ông Martin nghĩ là mình đang bơi ngược dòng !



Ông biết là nhiều thành viên trong phái đoàn đã loan truyền những chỉ trtích gay gắt về cá nhân ông như Doinald Fraser đã nói công khai và thẳng thừng:



- ‘’Chừng nào mà Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn vẫn còn đi với Chánh Phủ của ông Thiệu, chừng đó khó mà nhận thức được đâu là thực chất quyền lợi của Hoa Kỳ .’’







Ông Graham Henderson Martin vốn là một người có ý thức nghiêm trọng về nhân phẩm và những đặc quyền của mình nên ông cảm thấy mình bị lăng nhục ở Hoa Thạnh Đốn . Vào tháng 3 năm 1973 khi nhận nhiệm sở ở Sài Gòn, ông đến Việt Nam chậm hết mấy ngày vì muốn có được một chuyến bay chánh thức đưa ông thẳng đến thủ đô VNCH, Vì riêng chuyện đó thôi đã thừa nhận rằng ông Đại sứ Mỹ là đại diện của cá nhân ông Tổng Thống Hoa Kỳ .



Ông là một người cao lớn, 63 tuổi, tóc ngâm đen, có cái nhìn sắc bén, sức khỏe hơi kém, hút thuốc mỗi ngày phải đến vài gói, có dáng điệu của một người quý phái mà có một số người cho đó là kiêu căng, và một số người khác thì thấy đó là kiểu cách đứng đắn. Ông Martin gốc ở tiểu bang Bắc Carolina, thuộc một trong những gia đình lớn ở bờ biển Miền Đông Hoa Kỳ như họ tộc Cabot, họ tộc Lodge, Kennedy...Ông rất hãnh diện về người cha của mình, một ông mục sư, người đã từng dạy ông rằng : ‘’ Nói thật là một điều rất dễ và rất là hữu ích hơn là nói dối..’’ Đứng trước các nghị sĩ và dân biểu, Đại sứ Martin sẳn sàng cho thấy lòng ngay thẳng chân thật của ông hon là sự thông minh hiểu biết của cá nhân mình.



Ông không phải xuất thân từ những trường đại học danh tiếng như Harvard, Princeton, hoặc Yale, mà từ trường Wake Collège không có tiếng tăm gì hết. Ông nghĩ rằng môn Lịch Sử, La tinh, và Hy Lạp đã giúp ông có một ‘’ quan niệm rõ ràng về quá khứ’’



Lên Hoa Thạnh Đốn , ông là nhà báo trong một thời gian ngắn, chưa đủ lâu để hiểu rõ về nghề nầy nhưng cũng lâu vừa đủ để thấy ‘’không ưa’’ được nghề nầy . Ở Sài Gòn ông chia giới truyền thông ra làm 2 nhóm. Một phần lớn trong số nầy (nhóm thứ nhứt) là những người không thích nghi với đường lối chánh trị chánh thức của sứ quán. Số ít còn lại thuộc nhóm thứ hai. Ông Martin khẳng định rằng một người làm báo có lương tâm thì không được làm hại gì đến quyền lợi của Hoa Kỳ . Nếu có cảm thấy một sự thật không thuận lợi cho mình thì cũng phải nín lặng mới đúng.



Ông Martin là hiện thân của những giao tiếp thường trực và đối nghịch lẫn nhau giữa một nhà báo và một nhà ngoại giao, và đôi khi giữa các thế hệ nữa. Ở Việt Nam cũng như ở các chỗ khác, những Đại Sứ có tuổi ít khi nào hòa hợp được với các phóng viên trẻ. Ngắn gọn hơn, ông tin rằng rằng hầu hết các nhà báo ở Sài Gòn và Hoa Thạnh Đốn dù là dị đồng, họ vẫn ‘’thiên về Hòa Bình của Hà Nội ‘’, nếu không muốn nói là ‘’chống Thiệu’’. Giờ đây, ông Martin không có được bao nhiêu người là đồng minh trong giới báo chí. Trước kia thì có Cyrus Sultzberger, một nhân vật quan trọng của tờ New York times là bạn của ông. Bây giờ thì tờ Times đó lại quay ra chống phá sứ quán của ông, đó là điều mà ông Martin trung thực nghĩ như vậy. Ở Sài Gòn ông chấp nhận tiếp một nhà báo, ông George McArthur, phóng viên của tờ Los Angeles Times, bạn thân của một nữ nhân viên sứ quán. Ông Martin có thể chứng tỏ là mình cùng đứng về phía tự do báo chí để có dịp bênh vực cho giới truyền thông. Lúc ông James Markham đi vào khu Việt Cộng, ông Martin đã kịp gặp ông Thiệu để bênh vực cho phóng viên nầy, nếu không thì ông ta đã bị ông Nhã trục xuất rồi. Đến giờ nầy thì ông Martin không còn thấy hứng thú chút nào để mà bênh vực những người phóng viên ‘’bẩn thỉu’’ loại đó nữa.



Ông đã cho lệnh dứt khoát: không lẩn tránh mà cũng không liên lạc dù là bán chánh thức với báo chí. Ở Sài Gòn thuộc cấp của ông đã phản bội ông trong lúc phái đoàn của Quốc Hội Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam và do đó giờ đây ở Hoa Thạnh Đốn sứ quán mới phải nhận lấy những hậu quả đó.



Ông Martin bước vô nghề vào thời ông Roosevelt, ông lo về An Sinh Xấ HộI . Ông tự nhận mình thuộc đảng Dân Chủ. Vì trong thời chiến ông là Đại tá, một sĩ quan tình báo chuyên viên đặc trách về Đông Nam Á , thường hay lui tới với ông Alan Dulles, sáng lập viên của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA), nên ông Martin tự hào rằng mình hiểu biết nhiều trong lãnh vực tranh tối tranh sáng của "tin tức" hơn hẳn một Polgar hay một Snepp. Tất cả những bản phúc trình không rõ ràng nói trên về dự tính của Bắc Việt đã làm cho ông bực mình. Nhưng cuối cùng về tình hình thì riêng ông cũng có một cái nhìn tổng hợp rồi.



Là một người có trách nhiệm về hành chánh của sứ quán Hoa Kỳ ở Paris từ năm 1947 đến 1955, ông biết rõ về những tay cộng sản Việt Nam nầy. Ông Martin theo dỏi sát về ông Phạm văn Đồng ở Genève năm 1954. Nhất là ông đã thấy Chánh Phủ Pháp thương thuyết và nhượng bộ với Việt Minh. Ở Paris, ông đã có liên lạc chặt chẻ với những cơ quan tình báo đặc biệt. Nhờ sự liên lạc thân hữu với ông Roger Wybot mà ông Martin mới có được những tin tức mà CIA không lượm lặt được về những người Mỹ chủ trương "hòa bình" và những hoạt động của họ khắp nơi ở Âu Châu. Trong lần thăm viếng sau cùng của Phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ, niềm vui đầu tiên và duy nhất của Đại Sứ Martin là được biết Chánh Quyền Sài Gòn đã từ chối không cho một thành viên của phong trào đòi hòa bình là ông Don Luce được tháp tùng nghị sĩ và các dân biểu Mỹ.



Ông Martin vẫn còn phần nào là một người thân Pháp. Sự thiết lập bang giao của Hoa Kỳ sau bài diễn văn của tướng De Gaulle ở Phnom Penh là một điều không bình thường. Là một con người ít giao du, nên ở Sài Gòn ông Martin chỉ tới lui với Đại sứ Pháp là ông Jean Marie Mérillon mà thôi.



Ông rất thành công trong nghề: Đại sứ ở Thái Lan từ năm 1963 đến 1967, ông giành được cho Hoa Kỳ một quân cảng và 6 phi trường mà không hề ký một văn kiện chánh thức hay môt khế ước nào. Ông khinh ra mặt những người có óc quân sự thiển cận, nên đã từng chống Ngũ Giác Đài về dự án đưa quân vào Thái Lan, và ông đã yêu cầu cho triệu hồi tướng William Stillwell về, vì ông nầy không chia xẻ quan điểm của ông Martin. Cũng ở ngay tại Bangkok, ông Martin đã gặp ông Thiệu.



Một người con nuôi của ông Martin là phi công lái trực thăng, đã tử trận ở Việt Nam . Từ dạo đó nhiều người cho rằng ông Martin đã trở nên cứng rắn hơn. Khẳng định rằng Hoa Kỳ không nên xử dụng Hải Quân của mình ở Thái Lan - và những nơi khác -, ông Martin đã gởi về Bộ Ngoại Giao nhiều công hàm "khó ngửi" mà TổngTrưởng Ngoại Giao lúc đó là ông Dean Rusk không thể chấp nhận được, nên ông Martin phải rời khỏi nhiệm sở Bangkok, trở về Bộ với chức vụ Phụ Tá đặc biệt phụ trách về di cư và những người tỵ nạn. Một chức vụ trong tủ kính ! Nhưng may mắn cho ông là lúc còn ở Bangkok, ông đã từng trải thảm đỏ tiếp rước một luật sư của hảng Coca Cola, một người đã từng là chánh trị gia của đảng Cộng Hòa, ông Richard Nixon.



Khi đã trở thành Tổng Thống, ông Nixon nhớ tới những sự lưu ý của ông Martin và gửi ông sang Rô Ma (Ý). Ở đó ông Martin không nói tiếng Ý mà chỉ nói tiếng Pháp của thành phố Ba Lê, nhưng với tư cách trưởng phái bộ ngoại giao, ông theo sát và chỉ huy hết các phòng sở, kể cả cơ quan tình báo CIA, giám sát sự phân phối ngân khoản cho các đảng phái của người Ý, trong đó có đảng xã hội của Bettino Craxi. Tin chắc rằng chính ông đã ngăn cản không cho đảng cộng sản Ý nắm được chánh quyền, ông Martin cũng sẽ làm như vậy đối với những người cộng sản Việt Nam . Nhưng kìa! Hảy xem lại coi, ai là người thật sự va chạm với tính chất phức tạp và tế nhị của người Việt Nam hơn ông ở Sài Gòn hay ngay cả ở Hoa Thạnh Đốn ? Có thể là ông Kissinger, người mà ông đã từng phục vụ như một trong những phụ tá trong thời gian thương thuyết ở Ba Lê. Ngồi đối diện với Lê đức Thọ, ông Martin nhận rõ ông nầy là người có một lòng tin mảnh liệt vào đảng cộng sản , kiên định hoàn toàn, khó mà lay chuyển nổi. " Những người cộng sản khẳng định rằng họ là những người thừa kế của quả địa cầu nầy." Ông Martin đã từng nói như vậy. Trong những lúc nghỉ giải lao uống trà ở Ba Lê, ông Martin và Lê đức Thọ đã có nói chuyện với nhau về những đứa cháu của họ. ông Martin đánh giá cao Lê đức Thọ nhưng ít hơn ông Kissinger.



Ông đã có mua một trang trại ở Tostane, sửa soạn để về hưu. Vào tháng 12 năm 1972, ông Alexander Haig báo cho ông biết là ông Nixon muốn chỉ định ông đến Sài Gòn . Nhưng ông lưỡng lự. Ông muốn chấm dứt nghiệp vụ. Ở Sài Gòn sẽ chịu nhiều búa rìu lắm, nhưng ông Haig nhắc tới Nhiệm Vụ và Danh Dự:



- " Nếu Tổng Thống đã nói là ông ta cần đến ông, thì ông nên đi. Ông không thể làm việc 8 năm ở Ba Lê và 4 năm ở Rô Ma, để rồi sau đó lại từ chối một nhiệm sở khó . "



Và ông Martin đã nhận lời. Vào tháng 6 năm 1973, trong lúc Thượng Viện chấp thuận sự bổ nhiệm nầy, ông Martin đã tuyên bố :



- " Chúng ta phải chấm dứt sự cam kết của Hoa Kỳ ở Việt Nam càng sớm càng tốt, nhưng bằng cách nào, đó là một điều cực kỳ quan trọng. Chúng ta phải chấm dứt ở đó nhưng phải để lại một nước Việt Nam sống được với nền kinh tế vững chắc."



Ngay trên chuyến bay về Hoa Thạnh Đốn ngày 2/3 nầy nhà biện luận Martin vẫn tán tụng với phái đoàn Quốc Hội về tương lai sáng lạng của nền kinh tế ở VNCH.



Ngay tại thủ đô cũng vậy, ông cứ nhắc đi nhắc lại chuyện nầy khi thì ở chỗ nầy khi thì ở chỗ khác, nhưng xem chừng như không có kết quả gì lắm. Dư luận và tin đồn được các nhà báo và các nhơn viên ngoại giao ở Sài Gòn được loan truyền từ trước đã bao vây ông và vô hiệu hóa ông. Người ta không bao giờ cáo buộc là ông không làm việc, nhưng đã làm việc không đúng. Người ta biết ông đã đọc tất cả các công điện, rất chính xác và rất tỷ mỷ. Có người đã nói là ông chỉ nhìn thấy cây mà không thấy được đám rừng. Người khác thì nhấn mạnh là ông đã bao che cho ông Thiệu và Chánh Phủ của ông nầy quá nhiều, mặc dầu ông biết Thủ Tướng Khiêm là một người quá xoàng. Khi người ta nhắc tới vấn đề tham nhũng thì ông Martin gợi ý "đó là chất dầu trong tiến trình phát triển kinh tế" hay là "trong thời chiến chuyện đó cũng khó tránh được ". Ông nói tới việc xuất cảng dầu, ngư hải sản... có thể giúp cho Miền Nam Việt Nam cơ hội tốt để sống còn.



Ông Martin thường nhắm vào Hoa Thạnh Đốn trong những tháng gần đây. Theo ông, đây là mặt trận thứ hai của cuộc chiến ở Việt Nam .



Trong khi ông Martin vắng mặt, ông giao quyền xử lý thường vụ cho ông Wolfgang Lehmann, vị phó dại sứ tín cẩn của ông. Ở Hoa Thạnh Đốn Đại sừ Martin mở mặt trận chiến đấu ở hậu phương, mà theo ông là chính yếu và rất quan trọng, đó là 300 triệu mỹ kim viện trợ bổ túc cho VNCH. Quá mệt mỏi, lả người vì bị quá nhiều thử thách, lại bị đau răng, ông phải về nhà ông ở Bắc Carolina để nhờ người em họ chửa cho mình.



Đối với ông Hoa Thạnh Đốn đã xa, mà Sài Gòn còn quá xa hơn nữa !



-------------------------------------------------------------------------



CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DịCH:



(1) "Nguồn tin" : danh từ "nguồn tin" được giới tình báo định nghĩa là những người cho tin, hoặc do họ cài cấy vào lực lượng địch quân, hoặn nhân viên tình báo đi săn tin tức ở những vùng xôi đậu. Nói cách khác "nguồn tin" là "người" chớ không phải là "tin tức".



(2) "tù chánh trị": Côn Sơn và Biên Hòa là nơi giam giữ các tù binh cộng sản bắt được tại mặt trận, hoặc những cán bộ đảng viên cộng sản ở cơ sở do Phòng Nhì của các Tiểu Khu bắt được , có quy chế riêng, khác với tù hình sự. Phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ có ác ý gọi đó là tù chánh trị. Số tù cộng sản nầy (trên 7000) được trao trả cho Bắc Việt và CPLTCHMN như Hiệp Định Ba Lê đã quy định.



Dịch giả biết rõ nhờ may mắn được phục vụ trong Phái Đoàn Quân Sự VNCH thuộc Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên Trung Ương, nên đã được đi thăm các trại tù cộng sản nầy trước khi trao trả họ cho cộng sản Bắc Việt .



(3) Bà Ngô bá Thành: Bà nầy là vợ của luật sư Ngô bá Thành. Tiếng là thuộc "lực lượng thứ ba" nhưng bà là một thành phần thân cộng, hoạt động phản chiến ngay trong nước, xách động dân chúng bằng mọi hình thức (biểu tình hay bất hợp tác với chánh quyền), đòi hỏi Việt Nam Cộng Hòa phải ngưng chiến đấu, đơn phương chấm dứt cuộc chiến để có "hòa bình". Dĩ nhiên bà không bao giờ đòi hỏi Bắc Việt và Việt Cộng cũng phải làm như vậy. Thời gian trước 30/4/75 bà thường đi vào các vùng của MTGPMN, liên lạc với cộng sản , nên Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa phải có biện pháp "cấm cung" bà. Sau 30/4/75 bà là dân biểu Quốc Hội của CSVN suốt mấy khóa cho tới ngày nay (2001). Do đó xếp bà vào thành phần đối lập không cộng sản là hoàn toàn không đúng sự thật.