Chương 9 - "Đầu teo đít to"


Tướng Văn tiến Dũng, Tổng tư lệnh quân đội Bắc Việt chọn một lùm cây xanh rậm rạp kế cận một đám rừng kè để đặt Bộ Chỉ Huy của mình, cách 35 cây số về hướng Tây của thành phố Ban mê Thuột, và chỉ cách biên giới Cam Bốt có 10 cây số.

Ở vùng Cao nguyên nầy, người ta che dấu dễ dàng một đội tuần tiễu, một trung đoàn và ngay cả một sư đoàn nữa. Cảnh vật tưởng chừng như man rợ, bát ngát dọc theo một bình nguyên rộng lớn cao từ 400 đến 1200 thước, có nơi cao đến 2598 thước với ngọn núi Ngọc Ninh, gần tỉnh Kontum, nơi đó quân lực Hoa Kỳ đang chờ một cuộc tấn công. (2)

Sông rạch, hồ, thác nước được thấy rải rác khắp Cao Nguyên, còn đường sá thì chạy dọc theo các thung lũng.. Nếu không chiếm giữ thì cũng phải kiểm soát các con đường cũ nầy của Pháp vì đây là những trục lộ chiến lược. Vùng nầy tuyệt đối không có dân cư, nhưng rất giàu về gỗ, về tre nứa, một vùng rất thơ mộng và cũng rất hùng vĩ..Từ nhiều thế kỷ rồi, người dân ở đây được gọi là dân Thượng (3) . Họ đã từ vùng đồng bằng chạy lên đây trồng bắp trồng khoai, sắn, họ không có cùng ngôn ngữ quốc gia với người dân Việt Nam . Khi đã ổn định rồi thì họ trồng lúa, chăn nuôi và săn bắn, nhưng sống từng cộng đồng riêng lẻ xa lạ đối với đất nước.. Người Việt Nam dù là Nam hay Bắc đều có "vấn đề" với đồng bào Thượng nầy.

Tướng Dũng rất thích phong cảnh quá thơ mộng ở đây. Ông thích nghe tiếng lá vàng khô xào xạt dưới chân ông. Các lá vàng nầy đẹp thiệt nhưng rất nhạy lửa.. Các anh bộ đội thì không như ông tướng của mình, vì mỗi lần có cháy ở đâu đó, là các nhân viên truyền tin lại phải đi thiết lập các đường dây điện thoại lại .

Trong cánh rừng nầy thường có nhiều đoàn voi đi, nên người ta phải đi dây thật cao. Đoàn voi thường lôi các đường dây xa đến vài trăm thước. Trong khu rừng nầy người ta cũng gặp vài con cọp. Để dấu kín 3 sư đoàn không cho ai dò tìm được, tướng Dũng đã cho lệnh liên lạc với nhau toàn bằng điện thoại, tuyệt đối không dùng máy vô tuyến.

Ông ta so sánh thử tương quan lực lượng của chiến trường. Bộ binh của ông không có ưu thế tuyệt đối. Nhưng nếu ông tập trung được tất cả vào một điểm chính thì ưu thế không thể chối cãi được :

- bộ binh thì 5,5 chống 1 ,

- chiến xa thì 1,2 chống 1;

- pháo binh nặng thì 2,1 chống 1.

Trong quyển nhật ký của ông, tướng Dũng không thấy nghĩ đến những khó khăn của mình như : chiến xa và pháo binh sẽ bị lầy, thiếu thợ máy lành nghề, vài đại đội đi lạc mà không được dùng vô tuyến của họ. Ông phàn nàn về một vài khuyết điểm : khả năng hợp đồng tác chiến không đồng đều của các sư đoàn . Bộ đội chánh quy Miền Bắc lại không có kinh nghiệm "tác chiến trong thành phố" và đối với một vài nhóm sự "hợp đồng binh chũng" trong một bình diện lớn là một chuyện quá mới mẻ.

Tướng Dũng rút được kinh nghiệm trong hai cuộc tấn kích năm 1968 và 1972.

Năm 1968, mặc dầu có thừa can đảm, bộ đội, nhất là Việt Cộng, không có giữ được thị trấn mà họ đã chiếm được ..

Năm 1972, không có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ binh, chiến xa và pháo binh.

Cộng sản thường hay tự phê bình, nên trong suốt 3 năm qua Bộ Tổng Tham Mưu Bắc Việt đã tiến hành phê bình và tự phê bình các trận hành quân vừa qua.

Trong năm 1972 và nhất là năm 1968 các đơn vị cộng sản gặp những khó khăn về định hướng. Họ đến từ Miền Bắc và thường đi lạc trong những thành phố xa lạ đối với họ. Còn các tân binh Việt Cộng phần lớn là nông dân nên không quen với địa hình địa vật của các thành phố.

Trong năm 1975 nầy, dù là Sài Gòn hay Ban Mê Thuột , Bộ Tham Müu Bắc Việt chỉ có nhiều chiến cụ tối tân của Liên Xô nhưng không có được bản đồ tham mưu. Để biết rõ hơn về Ban Mê Thuột, tướng Dũng đã gởi một cán bộ, sĩ quan mặc thường phục và vài người với nhiệm vụ trà trộn vào thành phố. Họ đã trở ra với một nét mặt kinh hoàng. Người cán bộ sĩ quan có vẻ hoa mắt, nói:

- ‘’Thành phố quá lớn, lớn như Hải Phòng vậy.’’

Các anh bộ đội trong toán tiền sát bị xúc động khi nhìn thấy các tòa nhà lầu cao ngất trời sáng rực với ánh đèn nê-ông ở ngoại ô.

Ở ngay Bộ Tham Mưu tại Hà Nội, người ta đã nói sai hết. Sự phân biệt không đứng vững. Ban Mê Thuột có nhiều nhất 150.000 dân. Hải Phòng có ít nhất 1 triệu dân. Những tin tức nầy được các báo cáo của các nhân viên thuộc hệ thống nhân dân cách mạng bổ túc , đôi khi cũng do phỏng vấn tù binh.



Đã có ưu thế về nhân số, tướng Dũng muốn thêm vào yếu tố "bất ngờ" nữa. Ông giới hạn số lượng các toán tuần tiễu để không ai có thể nhận ra sự hiện diện của quân đội của mình. Tướng Dũng cũng ghi nhận là địch quân ở Ban mê Thuột dù yếu và lẽ loi, nhưng đã chiếm một vùng rộng lớn gồm các nhà cửa ở ngoại ô, và đó là một trở ngại lớn cho bộ đội Bắc Việt vì đâu đâu họ cũng đã có tổ chức phòng ngự. Cộng sản đã chiếm và giữ Phước Bình. Bây giờ ở Ban mê Thuột một thành phố lớn hơn nhiều chắc rồi họ cũng phải làm như vậy,

Tướng Dũng chấp nhận là : ‘’tấn công một thành phố lớn và hợp đồng tác chiến trong một phạm vi rộng lớn .. đều là những điều quá mới mẻ đối với bộ đội cộng sản’’ và ông tạm quên là trong năm 1972, bộ đội Bắc Việt đã từng tiến chiếm các thành phố lớn mà chưa từng giữ được bao giờ. Tướng Dũng cũng lo ngại về con số quá nhiều chướng ngại vật, những sông rạch hay những vị trí phòng thủ mà pháo binh nặng và các đơn vị chiến xa phải vượt qua.

Người tổng chỉ huy phải có một mục tiêu chiến thuật: ‘’Trong một trận chiến, điều hay nhất để chấm dứt trận đánh nhanh chóng là phải giải quyết và bắt ngay Bộ Chỉ Huy địch’’ Do vậy tướng Dũng muốn đưa ngay các đơn vị xung kích cơ giới tiến tới thật nhanh. Trong một bình diện (đẳng cấp) khiêm nhường, đây là lần đầu tiên, chiến lược của Blitzkrieg được đem ra áp dụng ở Việt Nam. Là thành viên của Bộ Chánh Trị, tướng Dũng suy nghĩ đến những bài toán của ‘’Giải Phóng’’ hay đúng hơn là ‘’Chiếm Đóng’’: Ban mê Thuột là một trung tâm chánh trị, kinh tế quốc gia và tôn giáo của Cao Nguyên. Sự hiện diện của dân tộc thiểu số người Thượng, của những người Ky Tô giáo, Tin Lành, Phật Giáo, của gia đình đại tư bản, của những nhà trồng tỉa, của ngoại kiều. .. đã từng sống nhiều chục năm trong cái khí hậu bán thuộc địa nầy, tất cả đều là những bài toán rất phức tạp. Bộ đội Bắc Việt phải ‘’có một thái độ đứng đắn’’ mới được . Và người ta cho lệnh hướng dẫn tất cả mọi cấp trong mọi đơn vị. Tướng Dũng dự kiến là ‘’đối với tài sản của giới tư bản’’ sẽ cho áp dụng đúng đắn ‘’chương trình của mình’’. Ở điểm nầy tướng Dũng cũng còn mơ hồ lắm. Trái lại, ông dự kiến phải ‘’xử dụng ngay những tù binh chiến tranh cho dịch vụ chiến trường’’ . Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chưa bao giờ ký văn kiện quốc tế nào có liên quan đến lãnh vực nầy.



Ban mê Thuột là thủ phủ của một trong 12 tỉnh thuộc Vùng II ChiếnThuật của Miền Nam Việt Nam, một vùng tương đối rộng bằng cả 3 Vùng khác nhập lại. Nhưng cũng là một Vùng có ít dân cư nhất. Sự tùng phục của dân chúng với Sài Gòn không được vững chắc lắm. Ở Phước Bình các đơn vị Địa Phương Quân có đồng bào Thượng, Trong cuộc chiến ở Việt Nam gần như có một cái lệ: càng xa thủ đô hay các đô thị lớn bao nhiêu thì dân chúng càng ít trung thành với Chánh Phủ bấy nhiêu . Những người nông dân chất phác thường ‘’bị đưa đi’’ đào đường ban đêm dưới sự giám sát của Việt Cộng, và ban ngày thì lại ‘’phải đi’’ lắp lại theo lệnh của binh sỉ Miền Nam.

Tất cả những chuyện sau đây đều xem ra có lợi cho tướng Dũng: địa thế hiểm trở, với những ngọn núi dựng đứng, những thung lũng hẹp, với những hố trũng ăn sâu khắp nơi trong rừng.. tất cả không giúp gì được cho công cuộc phòng ngự của địch, hay các cuộc phản công yểm trợ của Không Quân địch. Người ta có thể ẩn nấp dễ dàng và thoãi mái ở đây hơn là ở vùng đồng ruộng ở Miền Nam .

Thật là một lợi thế quân sự cho Dũng ! trước mặt ông ta là sư đoàn 23 bộ binh và 6 liên đoàn Biệt Động Quân của Miền Nam. Còn phía ông ta có cả 3 sư đoàn : sư đoàn 320, 316 và sư đoàn 10, dàn trận đánh thẳng vào Ban mê Thuột theo thế gọng kềm. Tướng Dũng rất mến sư đoàn cũ của ông ta, sư đoàn 320. Với sư đoàn nầy hồi năm 1952, ít người hơn, ông ta cũng đã hành quân giống như hôm nay, tấn chiếm thị trấn công giáo Phát Diệm, ở Bắc Việt . Ông đã len lỏi xuyên qua các đồn của người Pháp, đi vào tận trung tâm của thành phố và làm nổ tung Bộ Chỉ Huy của địch, chiếm giữ thị trấn trong 24 tiếng đồng hồ. Trên đường rút lui các đơn vị của ông ta đã quấy rối các đồn Pháp chung quanh thành phố trong suốt 20 cây số. Lần nầy, ông ta không có ý định phải rút lui, nhưng ông ta sẽ tái diễn lại kiểu hành quân mà ông gọi là ‘’theo lối nở của hoa sen’’



Cũng như mọi tổng tư lệnh đều phải để lại một cái gì đó cho đời sau, trước khi trận chiến bắt đàu, , tướng Dũng có một bài diễn văn lịch sữ ngắn cho sĩ quan và binh sĩ thuộc sư đoàn 316:

- ‘’Tôi muốn đọc lại mấy câu thơ mà tôi không nhớ là của thi sĩ nào, những vần thơ nói lên một sự cay đắng trong lòng người Việt Nam chúng ta mà chúng ta phải vứt bỏ:

- - Từ 30 năm rồi khi chúng ta biết cầm súng

- - Vành trăng đã bị cắt làm đôi

- - Nửa trên đất Bắc, nửa ngồi phía Nam !



Để cho địch tin chắc rằng ông ta sẽ tấn công Pleiku, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Vùng II Chiến Thuật, tướng Dũng có 3 cuộc hành quân ‘’Dương Đông Kích Tây’’ để đánh lạc hướng địch.

- Thứ nhất là Cảnh sát Miền Nam nhận được tin tức sai lạc do CPLTCHMN tung ra, theo đó thì quân kháng chiến đang chuẩn bị những cuộc biểu tình ở Pleiku và Kontum để đón mừng ‘’giải phóng quân’’

- Thứ hai là tướng Dũng muốn cho địch biết là sư đoàn 968 từ Lào đang tiến về Pleiku, nên đã cho lệnh làm ồn ào tối đa để cho địch phải ‘’chú ý’’

- Thứ ba là ông ta tổ chức hành quân trên làn sóng vô tuyến: cho người ta có cảm tưởng rằng sư đoàn tinh nhuệ 320 đang đóng quân gần đâu đây, ém quân trong một góc nào đó. Chỉ cần có một đài phát tuyến, một máy phát điện và vài người là quá đủ để bày ra một hệ thống liên lạc vô tuyến quan trọng giữa các đơn vị rồi !



Ở Sài Gòn cơ quan tình bào CIA cũng biết được nhiều tin tức lắm. Phân tích gia Frank Snepp theo sát tình hình, ông ta biết rõ là có một sự điều quân quan trọng của Bắc Việt ở phía Tây và phía Bắc của Ban mê Thuột . Ông ta chỉ dự kiến là cộng sản sẽ cô lập thành phố Ban mê Thuột . Trong lúc nầy cơ quan tình báo CIA có rất ít tin tức liên quan đến các cuộc điều quân ở vùng Cao Nguyên. Trước đó hơn một năm rưởi, nhân viên đặc trách vùng nầy phạm lỗi về ngân quỹ nên giờ nầy họ không có đủ tiền trả cho các điệp viên. Hơn thế nữa vì muốn tiết kiệm nên họ đã bỏ cơ quan ở Ban mê Thuột , và người ta chỉ còn trông cậy vào những người Việt ở cơ quan tình báo của Miền Nam . Trong vùng Cao Nguyên nầy có rất nhiều nhân viên tình báo nhị trùng, nhưng cuối cùng thì họ chỉ phục vụ cho Hà Nội và CPLTCHMN. Chính Frank Snepp nhìn nhận là phúc trình của ông ta ngày 7/3 là một ‘’sai lầm to lớn’’. Không phải chỉ có một Frank Snepp mà còn có những người khác nữa, không ai để ý hay chịu tin vào những tin tức của một bộ đội Bắc Việt đào ngũ, hắn ta xác quyết là sư đoàn 320 thật sự đã di chuyển từ Pleiku đến Ban mê Thuột.

Trong số các nhân viên CIA ở Việt Nam , Snepp là một nhân vật quan trọng. Cũng giống như ông Martin, Frank Snepp là dân của tiểu bang Bắc Carolina. Anh ta theo học ở Đại học Columbia , khoa bang giao quốc tế. Năm 1968, một trong những giáo sư của anh ta, ông Philip Mosley thuộc khoa Nga ngữ, đã nói với Snepp rằng:

‘’ Con ơi, con thiếu sự linh hoạt để có thể làm việc ở Bộ Ngoại Giao, Cơ quan tình báo CIA hợp với con hơn.’’.

Giáo sư Mosley đã nhận thấy như vậy trong khi chính anh ta lại nghĩ rằng cách hay nhất để khỏi phải sang phục vụ ở Việt Nam là nên cột chặc số phận của mình với CIA. Ngay buổi chiều khi anh ta được thu nhận vào CIA, anh đi xem phim James .Bond (007 chống bác sĩ No) thì anh tự nhũ: ‘’rồi thì ta cũng sẽ lái những xe kiểu thể thao như vậy thôi !’’ Sự tình cờ trong vấn đề bổ nhiệm đã đưa anh ta sang Việt Nam sống nhiều năm ở Sài Gòn.

Trẻ, đẹp trai, có một trí nhớ tốt, nói cũng hay mà viết lách cũng giỏi, anh là người mà cả ông Polgar và ông Martin đều rất thích. Họ thườg dùng anh ta trong các buỗi thuyết trình. Ông Martin cũng thấy đôi khi anh có vẻ hài hước, nhưng từ lâu rồi ông rất tin tưởng anh ta. Ông Martin thường mời Snepp dùng cơm với ông. Snepp chơi thân với một người con gái của Martin, cô Ginette, đã ly dị rồi nhưng còn đẹp. Snepp không mấy thiên về chánh trị nhưng anh vẫn biết rằng trong lãnh vực tình báo, con người càng có tinh thần đạo đức bao nhiêu càng nguy hiểm bấy nhiêu. Snepp không chống đối đường lối chánh trị chánh đáng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam .



Trước sự điều quân của cộng sản Bắc Việt, các nhà quân sự của Miền Nam Việt Nam rất hoang mang và không có cùng một nhận định. Cũng như người Mỹ ở Sài Gòn, tướng Phú (tư lệnh Vùng II) nghĩ rằng mục tiêu chính của Bắc Việt là Pleiku. Tin tức từ Sài Gòn cho biết là nổ lực chính của Miền Bắc sẽ nhằm vào Ban mê Thuột. Tin tức thu lượm được từ cơ quan tình báo, từ kiểm thính, từ các tài liệu tịch thu được, từ các lời khai của tù hàng binh.. .. quá nhiều nhưng không giống nhau. Cuối cùng tướng Phú sau khi phân tích lần chót đã khẳng định là Bắc Việt sẽ tấn công vào Pleiku. Hơn nữa một số công điện của Sài Gòn đã khuyến cáo rằng : ‘’cuộc tấn công vào Ban mê Thuột chỉ là một khả năng có thể xảy ra mà thôi’’. Do đó tướng Phú nói với các sĩ quan tham mưu của ông:

- ‘’ Có quá nhiều mục tiêu, Ban mê Thuột rồi Pleiku, rồi Kontum !’’

Theo ông, thường thì thì địch tập trung nổ lực chính vào điểm trọng yếu nhất. Mà điểm trọng yếu ở đây là Pleiku.

Tại đây quân lực Miền Nam có sẳn cơ sở Tổng hành dinh của người Mỹ đã để lại. Trước kia người Pháp đã chọn Ban mê Thuột , một vị trí trung tâm của vùng Cao Nguyên để đặt Tổng hành dinh. Còn người Mỹ không đặt nặng vấn đề địa lý, họ thích Pleiku hơn, dù đó là một thành phố nằm ở chệch xa về hướng Bắc. Nhưng họ có quá nhiều trực thăng, họ có khả năng di động cao, nên xa hay gần không còn là vấn đề đối với họ nữa.



Tướng Phú là Tư lệnh Vùng II từ năm 1994. Lúc bấy giờ ông Thiệu đã thay đổi một số tướng tá, trong đó có 3 vị Tư Lệnh Vùng. Tướng Phú xuất thân từ Quân Đội Pháp. Ông đã từng là tù binh của cộng sản Bắc Việt ở Điện Biên Phủ, cho nên ý nghĩ sẽ bị cộng sản bắt lại một lần nữa đã luôn ám ảnh ông. Lúc nào ông cũng tự xem mình là một sĩ quan tham mưu. Trong trường hợp nầy, người sĩ quan tham mưu lại một lần nữa có vẻ do dự. Ông không muốn vì Ban mê Thuột mà phải rút bớt lực lượng phòng ngự của Pleiku. Trên phương diện quân sự, Pleiku là một vùng bằng phẳng, rất có lợi cho chiến xa địch. Trên phương diện chánh trị, mất Pleiku là một điều tai hại khủng khiếp. Vì tướng Dũng đã cho lệnh tấn công một số đồn bót chung quanh Pleiku và Kontum, nên tướng Phú càng tin chắc là Pleiku sẽ là mục tiêu chính của Bắc Việt . Nếu Ban mê Thuột có bị đánh thì ông ta sẽ xin không trợ và sẽ dùng trực thăng gởi quân đến đó tăng cường, tướng Phú luôn luôn nghĩ đến chiến thuật trong khuôn khổ hành quân theo kiểu của người Mỹ ,là người ta có thể điều động một số đơn vị quan trọng đi xa bằng trực thăng,

Nhưng thong thả nghĩ lại, tướng Phú có cảm giác là địch đang đánh lạc hướng mình. Nhưng ở đâu đây ?



Trưa ngày 9/3, tướng Dũng tin cho Chánh Trị Bộ, Quân Ủy Trung Ương, và tướng Giáp, bộ trưởng Quốc Phòng: ‘’chúng tôi sẽ tấn công Ban mê Thuột ngày 10/3’’.

Ông ta nói là từ quân số , tiếp liệu, chiến cụ, súng ống đạn dược của ông ta tất cả đều rất là khả quan . Tinh thần binh sĩ theo ông cũng là tuyệt hảo. Cũng trong ngày đó lúc 19.00 giờ, ông đã dùng điện thoại liên lạc với các chỉ huy trưởng đơn vị chính của ông để được biết chắc chắn là họ đang nằm ở tuyến xuất phát. Người ta đã giải quyết xong các bài toán cuối cùng về tiếp liệu. Họ đã dùng các bè tre lớn để đưa pháo binh vượt qua sông Sre Pok. Trong sự yên tĩnh của đêm tối trùm khắp núi đồi, hàng chục ngàn bộ đội tiến tới mục tiêu của họ. Các đơn vị trưởng mà nhiều người tóc đã bạc, duyệt lại lần chót kế hoạch hành quân của đơn vị trên bản đồ,



Trước hết tướng Dũng cho cắt hết các trục lộ chính dẫn đến Ban mê Thuột, và nhất là đường 14 nối liền giữa Ban mê Thuột và Pleiku. Để tránh một cuộc không trợ hữu hiệu của Không Lực VNCH, và tận dụng đêm tối có lợi cho bộ đội tấn công hơn quân phòng ngự, tướng Dũng cho lệnh tấn kích lúc 2 giờ sáng. Nhờ có pháo binh bắn dọn đường yểm trợ, bộ binh và chiến xa thuộc sư đoàn 10 tiến quân rất thoải mái.

Tướng Dũng có 25.000 quân, còn quân trú phòng Ban mê Thuột chỉ có 1200.

Đến 7g. 30 sáng các chiến xa đầu tiên của Bắc Việt đã xuất hiện ở vùng phía Bắc và Tây Bắc của thành phố. Họ đã nhanh chóng chiếm và phá hủy ngay một phần của kho đạn dược và một nhà xe của đơn vị thiết giáp, để bọc vòng qua đài phát thanh. Bốn mươi lăm phút sau đó, các chiến xa bắn trực xạ vào Bộ Tư Lệnh sư đoàn 23 bộ binh . Các toán quân thuộc trung đoàn 53 (QLVNCH) đã giữ vững phi đạo chính nằm về phía Tây của thị trấn. Tướng Dũng cho áp dụng chiến thuật ‘’hoa sen nở’’, bọc vòng phi đạo chính nầy và tiến chiếm phi đạo nhỏ hơn nằm về hướng Bắc của thị trấn.

Không quân Miền Nam Việt Nam bắt đàu đến can thiệp. Bắc Việt vẫn không bao giờ xử dụng không quân của họ. Lực lượng Phòng Không Bắc Việt hoạt động rất mạnh. Các phi công Miền Nam vẫn còn bay thật cao và họa vô đơn chí bom họ lại thả lầm xuống trung tâm truyền tin của Bộ Tư Lệnh sư đoàn 23 bộ binh . Và do đó đã làm xáo trộn hết công tác phòng thủ thị trấn Ban mê Thuột, mất hẳn liên lạc vô tuyến với Bộ Tư Lệnh Vùng II Chiến Thuật. Lúc bấy giờ Pleiku mới biết đâu là mục tiêu chính của Bắc Việt . Tướng Phú quyết định gởi quân tiếp viện đến Ban mê Thuột , trước hết là trung đoàn 44 là trung đoàn trực thuộc của sư đoàn 23 bộ binh . Để chuyển 2 tiểu đoàn, tướng Phú mới biết được là mình chỉ còn có 7 chiếc trực thăng Chinooks. Mỗi chiếc chỉ chở được 40 người , nhưng sau đó có 2 rồi 3 rồi 5 chiếc bị trục trặc kỹ thuật không thể xử dụng được .



Tại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn , không khí quá căng thẳng, người ta dự trù cho tướng Phú mượn 2 chiếc trực thăng của CIA, thuộc Hàng Không Air America. Nhưng đó là một hành động vi phạm rõ rệt Hiệp Định Paris.

Dĩ nhiên không thể nào gởi viện quân đến Ban mê Thuột bằng đường bộ rồi. Mà chuyển quân với 2 trực thăng cũng là điều rất khó khăn. Bài toán tiếp vận nầy xem ra tướng Phú không thể giải quyết được .



Hầu hết các đơn vị chánh quy của Miền Nam Việt Nam từ sĩ quan đến binh sĩ thường có thói quen là đem gia đình theo sống gần họ, ở hậu cứ của đơn vị. Từ lâu rồi Ban mê Thuột là hậu cứ của sư đoàn 23 bộ binh , nhất là các đơn vị có nhiệm vụ phòng thủ thị trấn như trung đoàn 53, và các đơn vị ở Pleiku như trung đoàn 44. Chỉ trừ những đơn vị thuộc binh chủng Nhảy Dù, Biệt Động Quân và Thủy Quân Lục Chiến thì họ không mang theo gia đình lúc họ có nhiệm vụ từ tỉnh nầy sang tỉnh khác hay từ Vùng nầy sang Vùng khác. Các cố vấn Hoa Kỳ đã chấp nhận sự có mặt của gia đình quân nhân, trước hết vì lương bổng của họ quá thấp. Một binh sĩ Miền Nam chỉ lãnh 25.000/ tháng (khoản trên dưới 400 quan Pháp, hay trên dưới 25 mỹ kim), nên gia đình họ phải sống gần họ thì họ mới nuôi được.

Viện quân từ Pleiku được trực thăng đổ xuống chung quanh thị trấn Ban mê Thuột. Một số binh sĩ chỉ lo chạy đi tìm cha mẹ vợ con và những người thân của họ. Khi họ gặp được rồi thì có khi họ vứt cả súng ống quân phục và tìm cách rời khỏi thị trấn. Chỉ có các đơn vị Biệt Động Quân là còn giữ được kỷ luật và còn chiến đãu.

Tướng tư lệnh sư đoàn 23 bộ binh Lê trung Tường quen lối chỉ huy kiểu Mỹ, nên đã ngồi trên một chiếc trực thăng để điều động các đơn vị. Kỹ thuật nầy chỉ giúp người chỉ huy nhìn thấy rõ chiến trường, nhưng không giúp ông ta gần gũi binh sĩ của mình . Vợ con của tướng Tường đang đợi ông ta ở trung tâm huấn luyện, nằm về phía Đông Nam của thị trấn. Ông cho lệnh cho tiểu đội Biệt Động Quân chuẩn bị bãi đáp cho ông ở gần trung tâm huấn luyện. Và như vậy là chính ông tướng nầy cũng lo cho gia đình hơn là lo cho các đơn vị đang chiến đấu với cộng sản . Một tràng tiểu liên đã bắn trúng chiếc trực thăng. Ông Tường bị thương nhẹ ở gò má. Và ông tự tản thương về nằm luôn ở bệnh viện.



Viên Tổng tư lệnh Bắc Việt đã dự trù là ông sẽ phải tốn cả tuần lễ mới hoàn toàn chiếm được Ban mê Thuột . Nhưng đại khái thì ông coi như ngày 10/3 lúc 17g.30 là bộ đội Bắc Việt đã chiếm xong thành phố Ban mê Thuột.

Ngày đầu tiên, các đơn vị Bắc Việt đã phải chịu gần 200 cuộc không tập của Không Lực VNCH. Và những ngày kế tiếp cứ mỗi ngày khoản 60 lần. Một vài đại đội và nhất là Biệt Động Quân, vẫn còn tiếp tục chiến đấu. Các phi công Miền Nam không có tin tức đày đủ nên không biết vị trí các đơn vị Bắc Việt ở đâu nên không thể yểm trợ được, vì quân hai Bên đối diện nhau rất gần. Hoặc là họ rụt rè không dám thả bom vào thành phố hay những vùng ngoại ô đang có quá nhiều thường dân lánh nạn. Các đơn vị Địa Phương Quân người Thượng ít tham gia vào công tác phòng thủ thị trấn. Một vài người thuộc tổ chức FULRO, một phong trào trung lập đòi tự trị, không mạnh như Hà Nội đã tưởng, đã được Bắc Việt dùng như trinh sát dẫn đường cho các đơn vị . Trong vùng Ban mê Thuột cũng như ở Cao Nguyên, các đơn vị chánh quy Miền Nam Việt Nam coi thường người Thượng, có dùng trong các đơn vị phụ lực thì cũng không tin cẩn họ lắm.



Tổng thống Thiệu cho lệnh tướng Phú chiếm lại Ban mê Thuột. Ông còn cho lệnh cho Lê vĩnh Hòa, Giám đốc đài truyền hình gởi một toán quay phim lên Ban mê Thuột để thu hình trận tái chiếm thị trấn nầy. Trong lúc tướng Phú lại có kế hoạch khác.

Tại Ban mê Thuột , bộ đội Bắc Việt bắt giữ 8 nam nữ mục sư người Mỹ, 1 người Úc, 1 người Phi luật Tân, và một nhân viên thuộc Lãnh Sự quán Hoa Kỳ là ông Paul Struharik. Tuy họ được đối xử tử tế nhưng họ được đưa ngay về Miền Bắc.



AFP là cơ quan truyền thông duy nhất có một văn phòng tại Sài Gòn và một tại Hà Nội. Tại thủ đô Sài Gòn trưởng văn phòng là ông Jean Louis Arnaud. Trong thời gian trận chiến xảy ra ở Ban mê Thuột thì ông Arnaud đang ở Bangkok. Một điện tín do Paul Léandri gởi đi từ Sài Gòn giải thích rằng một số người Thượng thuộc lực lượng Fulro đã dẫn đường cho các đơn vị Bắc Việt. Báo chí quốc tế đã cho đăng lại bản tin nầy, nên bức điện tín của Léandri làm cho cả Tổng thống Thiệu và Thủ tướng Khiêm không vừa lòng. Dưới nhãn quan của họ,bức điện tín nầy coi như gợi ý cho lực lượng đối lập ở Cao Nguyên Trung Phần hợp tác với lực lượng xâm lăng Bắc Việt .

Ở Việt Nam đã hơn một năm rồi, ông Léandri thường hay chỉ trích Chánh Phủ VNCH. Léandri săn tin từ một phóng viên được yêu cầu dấu tên. Hai ông cảnh sát trưởng đến văn phòng của AFP. Họ muốn biết tên của người linh mục đã đưa tin cho Léandri. Ông nầy từ chối. Cảnh sát khẻ cho lịnh Léandri trình diện ở Sở Di Trú. Léandri báo cho sứ quán Pháp và bạn bè của anh ta biết việc nầy.

Anh Léandri là một người Pháp gốc Corse, 38 tuổi, mặt mày cũng dễ coi, nhưng cứng đầu, dễ nổi giận. Chiều hôm đó, anh lái chiếc Peugeot của hảng thông tấn AFP, cùng với người tài xế, anh đi vào sở Di Trú ở Chợ Lớn. Chỗ mà anh đến trình diện và Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia nằm đối diện nhau. Một người cảnh sát trưởng mà anh đã gặp ban sáng vẫn còn đòi hỏi Léandri phải cho ông ta biết tên của ‘’nguồn tin’’. Leandri phản đối và đòi cho gặp một cấp trên. Đại tá Phạm kim Quy, Chánh sở Cảnh Sát Tư Pháp ? Dĩ nhiên là có thể lắm, tại sao không ? Ông đại tá không có mặt ở văn phòng trong Bộ Tham Mưu Cảnh Sát, ở ngay phía bên kia đường. Không biết ông ta có ở trong Sở Di Trú hay không ? Leandri không biết mình phải đi đâu, lòng vòng quá, anh trở về văn phòng AFP của mình, xong trở lại sở Di Trú. Cũng chưa gặp được đại tá Quy. Leandri lái qua lộ, vào đậu xe trên một con đường nhỏ trong Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát. Vào lúc 19 giờ, Lảnh sự Pháp, ông Patrice Le Carruyer Deuvais đến sở Di Trú. Người ta không có nói cho ông nầy biết là Léandri đang còn đợi cách đó chỉ vài trăm thước, ở ngay Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát.

Léandri lúc đầu còn bình tỉnh đi đi lại lại trong sân, rồi không bình tỉnh được nữa, đâm ra cáu kỉnh: 21 giờ rồi . Người ta sẽ giữ anh suốt đêm ở đây chăng ?. Anh leo lên xe, đóng cửa lại, cho nổ máy , lui lại và chạy ra cổng. Trong đêm tối, có tiếng kêu báo động của cảnh sát, có vẽ náo động. Léandri nhấn ga. Ngay tại cổng, một cảnh sát bắn một phát vào xe Peugeot, xe lủi vào tường. Léandri chạy được 300 thước, đạn trúng ngay màng tang, chết tại chỗ. Sau đó, các luận cứ của người Pháp, của người Mỹ và của Việt Nam đều không giống nhau. Dưới con mắt của người Việt Nam anh Leandri là một Việt lai Pháp. Cảnh sát có thật dám bắn anh ta hay không khi nghĩ rằng Leandri là một người da trắng ? Thà là anh Leandri có cảm tình với chánh quyền Miền Nam.

Tin anh Leandri chết được loan đi thật nhanh. Tất cả các nhân viên của sứ quán Hoa Kỳ đều được lệnh không nên xen vào việc đáng tiếc nầy. Dù vậy, Thomas Polgar cũng phải có một công hàm cho Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Việt Nam để được giải thích rõ hơn nội vụ. Cảnh Sát thì thề rằng họ đã có lên tiếng cảnh cáo trước và người lính gát đã bắn vào lốp xe. Cái chết của anh Léandri gây mất cảm tình ở Hoa Thạnh Đốn , Ba lê và ngay cả Sài Gòn . Nhiều người coi đó là một sự thanh toán của cảnh sát đối với anh Léandri. Hoặc đối với báo chí nói chung, hay đối với nước Pháp.

Mối giao hảo của ông Thiệu và những người quốc gia với nước Pháp hay với cộng đồng người Pháp ở Việt Nam không được tốt đẹp lắm. Những người quốc gia cùng thế hệ với Tổng thống thì thân Pháp hơn là thân Mỹ. Nhưng trên phương diện chánh trị thì ông Thiệu không có thân Pháp. Các vị Tổng Thống Pháp theo sự ước tính của ông đã không nâng đỡ ông. De Gaulle thì quá chống Mỹ, gần như thù nghịch. Ông Pompidou thì đã gởi trả lại quân đội trước kia một vị đại sứ đương nhiệm ở Sài Gòn . Còn bây giờ Tổng Thống Valery Giscard d’Estaing và các nhà ngoại giao của ông ta rõ ràng đang chơi lá bài ‘’lực lượng thứ ba’’, mà theo ông là một lực lượng thân cộng trá hình. Ông Thiệu và những công chức trong guồng máy hành chánh và quân sự của ông không hiểu được cái nhìn thù nghịch của các nhà báo trong vùng. Các phóng viên thật ra nếu không phải là cộng sản thì vô Việt Nam rất dễ dàng, muốn đi đâu thì đi rất là tự do. Các đơn vị thuộc QLVNCH còn giúp chuyên chở họ trong khả năng phương tiện mà họ có được tuy ít hơn quân đội Mỹ trước kia. Đối với báo chí ngoại quốc thì không có kiểm duyệt, vậy mà các nhà báo nầy cứ chỉ trích chế độ Miền Nam trong khi họ hết sức khoan dung đối với Hà Nội . Họ ca tụng nào là sự can đảm, nào là sự bền chí của Việt Cộng mà họ quên rằng những người đó chính là bộ đội chánh quy của Bắc Việt. Họ không bỏ lở một cơ hội nào để nêu lên những sự yếu kém và hơn thế nữa còn bình luận về sự nhát gan của binh sĩ Miền Nam Việt Nam. Họ luôn luôn nêu lên những sự đào ngũ ở Miền Nam mà không bao giờ nói đến hành động nầy ở Miền Bắc. Tuy nhiên ông Thiệu rất hãnh diện về quân đội của ông, họ thường đánh rất hăng. Có mấy ai đã từng tỏ lòng kính trọng binh sĩ của Miền Nam ? Năm 1972, họ đã từng tái chiếm Quảng Trị sau 45 ngày chiến đấu. Hoàng đức Nhã thường khuyến khích ông Thiệu nên có hành động lấy lòng báo chí quốc tế, nhất là báo chí Pháp. Thường thì ông Thiệu rất là thất vọng với giới báo chí..

Mối giao hảo với những người Pháp cư ngụ tại Việt Nam tốt hơn là với giới báo chí ở Pháp, tuy nhiên cũng vẫn còn phức tạp lắm. Các chủ hãng xưởng, như ông Patrick Hays của hãng Michelin, đều là những người chộng cộng. Nhưng phần đông thường tỏ thái độ không thích chánh trị khi nói đến tình hình nội bộ của Việt Nam. Tuy vậy vẫn có một vài người Pháp còn có thái độ chống Mỹ khi họ nhấn mạnh đến các phúc trình của tướng Quang trình lên cho ông Thiệu. Kẻ thù của bạn tôi là kẻ thù của tôi ! Tất cả đều qua đi giống như những người Pháp chống cộng đó đã từng nói: ‘’chúng tôi không thắng được Việt Minh thì không có lý nào người Mỹ lại thắng được Việt Cộng và bộ đội Miền Bắc . Ông Thiệu tự cho mình là một người chống thực dân và ông ta nghi ngờ người Pháp muốn trở lại đô hộ Việt Nam. Những người khờ dại đó tưởng rằng họ có thể tính toán được với cái gọi là CPLTCHMN và với Hà Nội !!

Sự việc Léandri đương nhiên tạo ra một sự đoàn kết công khai rộng lớn trong giới truyền thông, và điều nầy đã gây bối rối cho ông Thiệu. Đã từng có nhiều phóng viên ngoại quốc chết ở Việt Nam rồi, nhưng đây là lần đầu tiên cảnh sát Miền Nam bắn chết một nhà báo Pháp.

Đại sứ Pháp xin được vào gặp Tổng Thống. Ông Thiệu tiếp ông Jean Marie Mérillon. Ông có vẽ buồn, ông thấy đây là một sự hiểu lầm đến ghê sợ. Đối với ông Mérillon, ông Thiệu gần như nói lên lời xin lỗi. Ông không có lợi lộc gì để mà có hành động không tốt với nước Pháp. Ông Mérillon ghi nhận là ông ta có một trái tim nhạy cảm. Bằng cớ là không bao giờ ông giải quyết việc cho lệnh hành quyết các tử tội.

Báo chí và đài phát thanh Hà Nội bình luận về cái chết của anh Léandri rằng; ‘’những người Miền Nam Việt Nam là bọn phát xít !’’

Tờ ‘’Nhân Dân’’ của Hà Nội cho đăng một bài phóng sự về ‘’cuộc giải phóng Ban mê Thuột ‘’:

- ‘’ Cờ xí , biểu ngữ, hình ảnh và thông cáo được treo, dán khắp các đường phố trong thị trấn. Khắp các dường phố, dân chúng tiếp đón chánh quyền mới, giáo sư và học sinh các trường trung học, sinh viên trường kỹ thuật và sư phạm tập họp vui vẻ trong trường. Họ nói với nhau :’’Không còn vui nào bằng !!’’ Thật vậy, sự tuyên truyền của Sài Gòn khác hẳn với thực tế như ngày với đêm ! Có nhiều học sinh và dân chúng ra quét đường phố, gở bỏ hết các tàn tích văn hóa Mỹ.. .. và đi lùng sục địch quân còn ngoan cố phá rối trật tự, Ở trường trung học Bồ Đề hàng ngàn sĩ quan, binh sĩ và công chức của bộ máy bù nhìn ra trình diện.. ..’’ (20/3)



Ngày 11/3, trong bữa ăn sáng, ông Thiệu có một phiên họp với 3 tướng lãnh, tướng Khiêm, Thủ tướng, tướng Viên, Tổng Tham mưu trưởng và tướng Quang, cố vấn an ninh. Bữa ăn sáng được dọn ra ở lầu 3 Dinh Độc Lập. Theo ông Thiệu thì nơi đây tránh được sự kiểm thính hay nghe lén của Hoa Kỳ . Ông Thiệu hình như không mấy xúc động đối với diễn tiến trận tấn công của Bắc Việt vào Ban mê Thuột :

-‘’ Với lực lượng mà chúng tôi đang có, chúng ta không thể phòng thủ hết lãnh thổ của chúng ta được . Nếu chúng ta cứ khăng khăng muốn giữ từng đồn lẻ tẻ thì lãnh thổ của chúng ta sẽ bị gậm nhấm hết.’’

Trên một bản đồ Việt Nam, ông Thiệu phác họa một chiến lược mới: Cần phải giữ và tăng cường một ‘’Việt Nam hữu ích’’, đại cương là Vùng IV Chiến Thuật ở Đồng bằng sông Cữu Long, và Vùng III Chiến Thuật, chung quanh Sài Gòn . Ở đây có đủ tài nguyên của đất nước, như lúa gạo và các mỏ dầu ở ngoài biển. Tổng thống giải thích :

-‘’ Phải ấn định lại trận tuyến, ở hướng Bắc, nhất là ở Vùng 2. Chúng ta sẽ bỏ phần đất phía trên cao , cũng rộng lắm. Nhưng chúng ta giữ lại một số cứ điểm thật mạnh như Hué, Đà Nẵng, Chu Lai. Những cứ điểm nầy có một giá trị tượng trưng hơn là chiến lược. Cứ điểm Đà Nẳng sẽ là một cứ điểm quan trọng. Ở đó quân đội Hoa Kỳ đã đổ bộ hồi năm 1965. Nếu họ có trở lại trong một tháng hay một năm nữa, thì họ cũng phải tính đến căn cứ nầy.



Lạ lùng chưa? ông Thiệu so sánh các cứ điểm nói trên với những đầu cầu mà Hoa Kỳ đã dùng để đổ bộ trong trận chiến ở Normandie (Thế chiến 2 ở Pháp). Không biết ông có lẫn lộn giữa kẻ xâm lăng với người bị xăm lăng hay không ?

Ông Thiệu yêu cầu Thủ Tướng Khiêm và Tổng Tham mưu Trưởng Viên nghiên cứu một kế hoạch phòng thủ: tuyến phòng ngự mới mà ông đã chọn, đi từ Tây Ninh và Dalat, xuống đến bờ biển Nha Trang.

Thủ tướng Khiêm không còn lạ gì với điều nầy. Ý định ‘’tái phối trí’’ nầy Tổng thống Thiệu đã có nói qua mấy ngày trước rồi, thoáng qua thôi, cho tướng Ngô quang Trưởng,Tư lệnh Vùng 1 Chiến Thuật. Trước đó 3 tháng, tướng Charles Timmes và Đề đốc Chung tấn Cang cũng đã nghĩ tới giải pháp nầy rồi. Bây giờ để thay đổi một chút, Tổng thống gợi ý lại khả năng hành động mới nầy, một ‘’chiến lược mới’’ trong khuôn khổ một cuộc ‘’duyệt xét lại chiến lược’’ với các tướng lãnh của ông. Một trong những cố vấn bất ngờ của ông là tướng hồi hưu người Úc, Ted Sarong, một người mà nhơn viên sứ quán Hoa Kỳ cho là không đáng tin cậy, đã đề nghị một ít thay đổi trong kế hoạch rút quân tái phối trí nầy.

Để trung thực gọi đây là một cuộc ‘’tái phối trí’’, ông Thiệu đưa ra những chứng minh về mặt ngân sách. Ông đã tính toán với Thủ Tướng và Tổng Tham mưu trưởng của ông: Trước kia với 1, tỷ rưởi mỹ kim chúng ta có thể phòng thủ được 4 Vùng Chiến Thuật. Như vậy với 700 triệu chúng ta chỉ có thể giữ được 2 Vùng mà thôi là Vùng III và Vùng IV. Ông cũng giã thiết hay hy vọng rằng khi phải bỏ đi một nửa lãnh thổ cho cộng sản, ông có thể tạo ra hai xúc động tâm lý. Bị báo động, người Mỹ sẽ sẳn sàng bỏ phiếu thuận để viện trợ bổ túc cho Miền Nam Việt Nam . Tổng trưởng kế hoạch Nguyễn tiến Hưng bảo đảm với ông Thiệu là Hoa Kỳ có một số tiền khá lớn thuộc ‘’quỹ đen’’ còn chưa xài tới, như Ngũ Giác Đài còn dự trử 850 triệu.

Ở Sài Gòn có nhiều người lẫn lộn giữa ngân sách quốc gia của Việt Nam với kế toán công khai của Hoa Kỳ . Dư luận của người dân Mỹ có thể thay đổi. Phải có một loại biến cố như Trân Châu Cảng mới có thể lật ngược được thế cờ. Một cú sốc cần thiết khác : Miền Nam Việt Nam có mất hồn thì phải trấn tỉnh lại. Hậu quả lớn lao là bỏ đất, trái ngược với nguyên tắc ‘’bốn không’’ của chính mình : ‘’không nhượng một tấc đất nào cho cộng sản ‘’

Theo dự kiến mới nầy, ông Thiệu nghĩ là phải rút các đơn vị ưu tú về Sài Gòn. Đó là sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến và sư đoàn Dù, cả hai đang trấn giữ phần đất phía Nam vĩ tuyến 17, ở Vùng I ChiếnThuật.

Binh chủng Dù được người Pháp thành lập và binh chủng Thủy Quân Lục Chiến được người Mỹ thành lập.

Ý định nầy được nhen nhúm trong đầu các tướng lãnh Việt Nam ở Sài Gòn , nhưng người Mỹ thì không biết gì cả. Nhiều tướng tá nghĩ là ông Thiệu muốn có sẳn trong tay, tại thủ đô, các đơn vị tinh nhuệ của ông để làm nản lòng những ai có ý muốn đảo chánh ông ta. Ông Thiệu muốn có một sự ổn định cả về chánh trị lẫn quân sự, Trên phương diện quân sự, kế hoạch của ông cũng không có gì gọi là vô lý. Ông sẽ có lợi thế là có thể tập trung lực lượng đối phó với các sư đoàn Bắc Việt càng ngày càng đông. Dài hạn thì kế hoạch nầy cũng có lý. Còn ngắn hạn, cấp bách hơn là có thể tiến chiếm lại Ban mê Thuột , vì Ban mê Thuột nằm trong phần lãnh thổ của một ‘’Việt Nam hữu ích’’



Ý kiến hay chiến thuật ‘’cứ điểm’’ nầy đã từng được tướng Hoa Kỳ là James Gavin tung ra từ lâu. Ông dùng cứ điểm như là nơi đồn trú cho binh sĩ Mỹ để tránh rải các đơn vị ra quá rộng.

Ông Thiệu không có nói ra cho người Mỹ biết kế hoạch nầy. Cũng có thể ông cho ông Martin biết nếu ông nầy có mặt ở Sài Gòn. Đại sứ là người duy nhất mà ông Thiệu thường hay trao đổi và thích trao đổi vì ông gần như không có chút tin tưởng nào đối với những người khác trong sứ quán Hoa Kỳ. Ở đó có quá nhiều người chống lại ông. Hơn nữa ông không muốn kế hoạch của ông bị tiết lộ ra ngoài.

Ông Dan Ellerman, cố vấn kinh tế của sứ quán Hoa Kỳ phân tích tình hình với ông Nguyễn văn Hão, Phó Thủ Tướng đặc trách về kinh tế. Ông Hão trong một thoáng đã nói qua về kế hoạch thu hẹp hệ thống bố phòng của Miền Nam Việt Nam. Ông Ellerman đã từng làm việc ở Việt Nam trong các cơ quan tình báo Hải Quân, cho nên những sự tiết lộ của ông Hão có liên hệ đến tình hình chánh trị và quân sự không lọt khỏi ông được.(9/3). Lập tức ông báo cáo mọi việc cho ông Wolfgang Lehmann. ÔngPhó Đại Sứ xin một phúc trình chi tiết của Dan Ellerman và gởi thẳng cho ông Martin ở Hoa Kỳ . Rất tiếc là ông Đại sứ Martin lại không chú ý chút nào đến sự kiện nầy (4)



Ngày 12 tháng 3, ông Thiệu gọi ông Nguyễn bá Cẩn đến gặp ông. Ông Cẩn thuộc đảng Dân Chủ của ông Thiệu và hiện là Chủ tịch Quốc Hội. Ông Thiệu muốn lưỡng viện Quốc Hội tuyên bố ‘’tình trạng khẩn cấp’’ trên toàn quốc để khích động mạnh vào dư luận quần chúng ở Miền Nam .

Rồi ông Thiệu trở lại biến cố quân sự tối khẩn của Miền Nam . Ông sẽ đi ngay đến Bộ Tư Lệnh Vùng II Chiến Thuật ở Pleiku. Cố vấn an ninh của ông can ngăn ông: Phòng không của Bắc Việt rất nguy hiểm , chúng ta không biết hết vị trí của chúng ở đâu, Và ai mà biết được là phi cơ củaTổng Thống có thể bị chiến đãu cơ của Bắc Việt tấn công, xuất phát từ căn cứ Không Quân nằm ngay phía Bắc của vĩ tuyến 17 ? Do vậy ông Thiệu đi gặp tướng Phú ở Cam Ranh, nằm trên bờ biển giữa Pleiku và Sài Gòn .



Sáng ngày 14 tháng 3, ông Thiệu lên chíếc phi cơ DC 6 cùng với Thủ tướng Khiêm, tướng Viên, Tổng Tham mưu trưởng và tướng Quang, cố vấn an ninh của ông. Ông gặp Tướng Phú tại Cam Ranh, không có sự hiện diện của bất cứ một sĩ quan nào khác. Phiên họp được diễn ra trong một ngôi nhà trắng mà người ta đã từng sửa soạn , dự trù để đón tiếp ông Lyndon Johnson năm 1966.

Ở Cam Ranh, người ta cảm thấy xa được không khí chánh trị ồn ào của Sài Gòn và không khí xôn xao của Pleiku. Cam Ranh đã từng là một căn cứ Hải Quân và Không Quân quan trọng của Hoa Kỳ, là một vị trí chiến lược hai chìu. Với Cam Ranh, người ta kiểm soát được một phần lãnh thổ của nước Việt Nam . Trên bình diện quốc tế, tuần tự Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên Xô ai cũng ngấp nghé Cam Ranh. Hải cảng Cam Ranh có bến nước sâu cho tàu bè vào đậu. Ở Việt Nam, người Mỹ đã xây cấy 55 phi cảng quan trọng, mà phi cảng Cam Ranh là một trong những phi cảng được trang bị tốt nhất. Trong hiện tại, một phần của Cam Ranh không còn được hệ thống ra đa bảo vệ: hệ thống nầy bắt đầu từ Ban mê Thuột . Đây là một vị trí hùng vĩ nhưng rất yên tịnh, tuyệt đẹp với những bãi cát trắng dài hàng cây số và san hô dưới biển. Người Mỹ đã có một trung tâm nghĩ mát và giải trí cho binh sĩ của họ tại đây . Họ có thể trượt nước, xem chiếu bóng, thưởng thức món bít tết ngon tuyệt có khi nặng cả nửa kí lô, và các món ăn hải sản như tôm hùm, cua bể, sò huyết v.v.. và sau đó nghỉ ngơi thoãi mái trong những phòng ngũ sang trọng trang bị đày đủ tiện nghi, từ máy điều hòa không khí đến hệ thống truyền thanh truyền hình, phòng tắm, nhà vệ sinh,.. Từ sau ngày Hoa Kỳ rút quân về nước, các trung tâm nầy đã không còn như xưa nếu không muốn nói là đã gần như hoang tàn, nhưng nhìn chung Cam Ranh vẫn còn có một không khí yên tĩnh tuyệt diệu !

Trước hết tướng Phú có vẽ mất tinh thần , nóng nảy, trình bày trên bản đồ, vị trí đóng quân của các đơn vị thuộc Vùng II Chiến Thuật của ông. . Ông nói:

- ‘’ Tình hình rất xấu trên khắp vùng Cao Nguyên. Tất cả các trục giao thông chính đều bị cắt đứt. Ban mê Thuột thì đã bị mất rồi. Bây giờ thì Pleiku coi như đang bị bao vây và uy hiếp. Được thấy có thêm nhiều sư đoàn Bắc Việt khác đang xuất hiện. Chúng tôi không có khả năng giữ được Pleiku trong vòng một tháng hay 6 tuần lể nữa.’’

Ông Thiệu nghĩ ngay đến chiến lược mới của ông, chiến lược mà ông gọi là ‘’ đầu teo đít to’’ . người Mỹ dịch lại là ‘’Nhẹ ở trên, Nặng ở dưới’’. Ông Thiệu hỏi tướng Phú:

- - ‘’ Giờ nầy chúng ta có thể tái chiếm Ban mê Thuột được không ?

Tướng Phú trả lời quanh co, đòi viện binh, phương tiện chuyển vận và đạn dược. ông Thiệu quay sang tướng Viên. Tổng Tham mưu trưởng không có quân trừ bị, và thiếu trực thăng. Trên giấy tờ, ông có 430 trực thăng, nhưng đã có hơn phân nửa bất khiển dụng, vì thiếu phụ tùng thay thế. Phần còn lại thì có một số bị hỏa tiển Strella, một loại hỏa tiển mới của Liên Xô, bắn hạ hay bị hư hại trong trận chiến ở Phúc Long , Ban mê Thuột và một vài chỗ khác.

Theo ông Thiệu thì: nếu Miền Nam tái chiếm được Ban mê Thuột và nếu ông thực hiện được cuộc lui quân lớn theo chiến lược ‘’tái phối trí’’ của ông thì chúng ta có thể đóng quân lại ở Pleiku và Kon Tum, tạm thời đang được triệt thối .

Một cuộc bàn cãi bắt đầu , trong mơ hồ và lộn xộn. Ông Thiệu thì có cảm tưởng rằng mình đã cho lệnh tướng Phú tái chiếm Ban mê Thuột . Tướng Phú thì đinh ninh rằng người ta đã cho lệnh ông rút khỏi Pleiku và Kon Tum.

Các cuộc nói chuyện với ông Thiệu được biết là thiếu sự chính xác. Thông thường ông Thiệu có thói quen hay dùng những câu trả lời mơ hồ như: Sẽ coi lại; Tại sao không ? Đâu phải là không được ?

Có điều chắc chắn là cuộc triệt thoái khỏi Pleiku đã được quyết định. Cả Thủ Tướng và Tổng Tham mưu trưởng không có ai phản đói. Ông Thiệu chấp nhận phải mất Pleiku để cứu Ban mê Thuột , tướng Phú thì chấp nhận mất Pleiku để cứu Bộ Tư Lệnh Vùng II mà ông sẽ chuyển đến một nơi khác.

Người ta tìm một con đường để rút quân. Con đường tốt nhất là quốc lộ 19 nối liền Pleiku và bờ biển không còn xử dụng được nữa. Quân Bắc Việt đã cắt đứt nó rồi. Hai bên đường là nơi tập trung pháo binh, các đội phòng không, hỏa tiển, và các toán chống chiến xa . Tướng Phú đề nghị dùng một liên tỉnh lộ cũ, đường 7 B. Con đường nầy dài 200 cây số ngoằng ngoèo lên núi xuống ghềnh, trước kia được thợ rừng xử dụng để đi đến Tuy Hòa, một thị trấn nằm sát bờ biển. Bắc Việt không có kiểm soát và chưa từng kiểm soát con đường nầy. Lần nầy quân lực Miền Nam được yếu tố ‘’bất ngờ’’. Người ta sẽ cho công binh đi trước. Họ sẽ sửa chửa hay tăng cường vài chiếc cầu. Một lợi thế khác là vùng nầy không có bao nhiêu cư dân. Và Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa sẽ không bao giờ gặp khó khăn nào với dân chúng ở đây. Các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân sẽ phải ở lại để tiếp tục nhiệm vụ phòng thủ Pleiku và Kon Tum. (5) Và sau cùng các công chức cũng phải được giữ lại để tránh một sự hoảng loạn cho dân chúng và kế hoạch không bị tiết lộ.(6).

Trong bộ đồ lớn màu xanh đậm, với sơ mi xanh và chiếc cà vạt màu đỏ mà vợ ông quả quyêt đó là màu đem lại may mắn cho ông, Thủ tướng Khiêm không có một phản ứng nào về điều nầy dù là công chức là những người mà ông phải có bổn phận đối với họ. Như thường lệ, ông có vẻ hờn rỗi, bực tức điều gì đó, trong khi ông rất thận trọng, không thích và không bao giờ muốn nói lên ý kiến của mình, thậm chí đến ra lệnh cũng không . Ông rất chậm chạp trong công việc, hay thoái thác và trầm ngâm bất động đến khó hiểu như đang chờ thời vậy. Người ta gán cho ông có tham vọng làm Tổng Thống. Nhưng ông chỉ thích vai trò của nhân vật thứ hai, núp sau lưng Tổng thống mà thôi. Ở đây thực sự ông là một tướng lãnh với 4 sao trên vai, nhưng ông lại có cái mũ của một ông Thủ Tướng. Hai câu trả lời mà ông thích dùng là : ‘’ Anh hảy trình thẳng với Tổng Thống đi ‘’ hay là ‘’ Anh hảy xét việc đó với người Mỹ đi ‘’ Do đó mà cả Dinh Độc Lập và sứ quán Mỹ đều thích ông.

Tướng Tổng Tham mưu trưởng trình bày với những sự dè dặt thường lệ của ông. Ông nhắc lại:

- ‘’ Ở Đông Dương nầy, người Pháp luôn luôn gặp khó khăn trong các cuộc hành quân triệt thối. Cuộc lui binh ở Lạng Sơn được kết thúc bằng một cuộc tàn sát. Hai cánh quân vừa binh sĩ vừa quân xa dưới quyền của hai đại tá Lepage và Charton đều bị tiêu diệt dưới các ngọn đồi dọc theo quốc lộ số 4. Trên một địa hình gần giống như con đường rừng 7 B, một đơn vị thiện chiến của người Pháp là ‘’chiến đoàn lưu động 100’’ (GM 100) cũng đã bị đánh tan. Họ bị tiêu diệt trên quốc lộ 14, ở đèo Chu Drek.’’

Tướng Phú bàn cải:

‘’Dĩ nhiên là bất cứ một thiếu úy nào cũng biết rằng lui binh là một cuộc hành quân khó khăn nhất. Nhưng địa hình địa vật ở trên con đường 7 B xem chừng như thuận lợi hơn trên con đường 19. Hơn nữa, còn có sự yểm trợ của Không Quân .’’

Thật ra, họ không còn sự lựa chọn nào khác, không còn có con đường nào khác.

Phiên họp sắp kết thúc. Tướng Phú khẩn khoản xin cho một trong những sĩ quan phụ tá của ông là đại tá Phạm văn Tất, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Biệt Động Quân, được thăng cấp thiếu tướng. Người sĩ quan nầy chưa bao giờ tỏ ra là một sĩ quan có khả năng đảm trách một nhiệm vụ chỉ huy quan trọng nào hết. Tướng Viên không biết anh ta. Ông Thiệu lưỡng lự. Tướng Phú là người được tướng Khiêm che chở, và đại tá Tất thì được tướng Phú đở đầu. Cần phải để cho ông tướng Tư Lệnh Vùng II có một chút tự do trong quyết định của ông ta, cho nên cả Tổng Thống và Tổng Tham Mưu trưởng đều đồng ý.

Ngay chiều hôm đó, sau khi rời khỏi Cam Ranh, về đến Sài Gòn ông Thiệu dùng cơm tối với Hoàng đức Nhã. Ông phác họa chiến lược mới của ông, với những lợi và hại của nó cho ông Nhã nghe. Ông nói:

-’Tướng Phú có xin tôi một lữ đoàn Dù và một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Về lực lượng trừ bị, chúng ta chỉ có non một lữ đoàn Dù. Tướng Phú phải tự xoay sở lấy với những gì ông ta đang có.’’

Hoàng đức Nhã không thích ông Khiêm và không bao giờ đánh giá cao tướng Phú là người do tướng Khiêm đở đầu.

Rất mệt mỏi, ông Thệu thú nhận:

- ‘’ Phú là một tướng lãnh tốt nhưng chỉ tới cấp sư đoàn thôi, tôi không biết ông ta xoay sở thế nào trong nhiệm vụ chỉ huy trưởng của một quân đoàn.’’

Ngày hôm sau, ông Thiệu tiếp ông Wolfgang Lehmann và ông không nói gì tới quyết định trọng đại trong phiên họp ở Cam Ranh. Ông muốn dùng chiến trường Ban mê Thuột để tiêu diệt những đơn vị chủ yếu của địch.

Lehmann hỏi:

- ‘’ Liệu ông có thể tập trung đủ lực lượng cho vùng Ban mê Thuột mà không để trống các Vùng khác ?’’

- ‘’ Dĩ nhiên đây là một bài toán thật khó. Phải bỏ trống phần chủ yếu phía Bắc của Cao Nguyên.’’

Điều bất ngờ nầy đã làm cho nhân vật số 2 của sứ quán Mỹ lo ngại.

- Chiến trận ở Ban mê Thuột sẽ rất là ác liệt, Nó có thể được kéo dài lâu lắm.’’, ông Thiệu nói tiếp.

Từ sau ngày ký Hiệp Định Paris, tất cả những người có trách nhiệm ở Miền Nam đều có xu hướng tiết kiệm đạn dược. Ông Thiệu cho ông Lehmann biết là ông đã ra lệnh cung cấp cho tất cả các đơn vị đang chiến đấu ở Vùng II Chiến Thuật, đầy đủ đạn dược mà họ đang cần. Ông cũng đang chờ đợi một cuộc tấn công trực diện nặng nề của Bắc Việt vào khu vực Huế và Đà Nẵng. Và hình như ông cũng thấy là Bắc Việt sẽ tấn công tỉnh Tây Ninh, cách Sài Gòn khoảng 150 cây số về hướng Tây Bắc .

Về đến sứ quán, ông Lehmann yêu cầu vị sĩ quan tùy viên quân lực Hoa Kỳ đến gặp vị Tổng Tham Müu trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, để biết nhu cầu thực sự của Miền Nam .

Trong một công điện gởi cho tướng Brent Scowceroft ở Nhà Trắng, ông Lehmann báo cáo về cuộc hội đàm vừa qua với Tổng Thống Thiệu. Ông cũng đã có dự liệu trước trong báo cáo là: ‘’Kontum có khả năng sẽ thất thủ nếu bị Bắc Việt tấn công, và Pleiku cũng vậy nếu bị 2 sư đoàn Bắc Việt tấn kích. Ông Lehmann nói rõ là tướng Phú đã triệt thoái Bộ Tham Mưu của ông về Nha Trang.

Ông Lehmann đã có biện pháp để tất cã những người Mỹ ở Pleiku và Kontum được đưa về Nha Trang. Một điểm chiến lược chót trong công điện : ‘’ Các tù binh Bắc Việt trong đó có một thượng sĩ, đều được nhận diện thuộc sư đoàn 341, một trong những sư đoàn trừ bị chiến lược của Hà Nội ‘’

Về phía mình, ông Thomas Polgar cũng có một công điện cho cơ quan tình báo trung ương CIA ở Hoa Thạnh Đốn :

- ‘’ Miền Nam Việt Nam đang đứng trước một trong những khủng khoản trọng đại về quân sự cũng như về tâm lý. Không thể so sánh được với năm 1972. Vì lúc đó Miền Nam Việt Nam còn được sự yểm trợ của quân lực Hoa Kỳ . Bây giờ thì Bắc Việt có quá nhiều phương tiện hơn trước, nên có thể đạt được nhiều kết quả hơn , Và họ đang đạt được nhiều kết quả hơn, với nhiều phương tiện hơn đây. Sức tiến quân của Bắc Việt nhanh hơn và có ảnh hưởng mạnh hơn lúc nào hết, so với bất cứ thời điểm nào của năm 1972.’’



Ông Polgar đã có gặp tướng Nguyễn khắc Bình, Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, kiêm Chỉ Huy Trưởng Cơ Quan Tình Báo Trung Ương CIO, một cơ quan hoàn toàn Việt Nam nhưng tương đương với CIA và FBi của Hoa Kỳ . Tướng Bình xác nhận là không tránh khỏi là Bắc Việt sẽ kiểm soát toàn bộ Vùng Cao Nguyên Trung Phần. Theo tướng Bình thì cả ông Thiệu và Chánh Phủ của ông "dù là đã được cải tổ như trong hiện tại, không ai có thể nuốt nổi sự mất mác nầy. Một suy sụp tinh thần toàn diện đang ló dạng ở chân trời... "

Ông Polgar nói thêm rằng:

-"Mới có một tuần lể đầu của cuộc tổng tấn công mà kế hoạch tồn trử đạn dược và xăng dầu đã bị xáo trộn rồi. Dự trử đạn dược đã khô cạn trước khi năm tài chánh chấm dứt."

Năm tài chánh của Hoa Kỳ bắt đàu từ tháng 10 năm nay đến tháng 10 năm tới. Ông Polgar nghĩ tới những cuộc tranh luận và quyết định của Quốc Hội về viện trợ bổ túc cho Việt Nam :

-" Miền Nam Việt Nam sẽ có những khó khăn lớn lao vì quyết tâm của Bắc Việt muốn tìm một giải pháp quân sự, và vì thái độ của Quốc Hội Hoa Kỳ muốn đơn phương chấm dứt hay hạn chế sự viện trợ cho Miền Nam Việt Nam mà không cần biết tới hành động của cộng sản Bắc Việt".

Không còn nghi ngờ gì nữa về kết quả cuối cùng bởi vì Miền Nam Việt Nam không thể tồn tại được nếu không có viện trợ quân sự của Hoa Kỳ bao lâu mà khả năng của bộ máy chiến tranh của cộng sản Bắc Việt đã chẳng những không được Liên Xô và Trung Quốc hảm lại mà còn được họ thúc đẩy mạnh tới nữa, Vì họ là cấp trên, là cấp chỉ huy trực tiếp của Bắc Việt ‘’

Tất cả người Mỹ ở Sài Gòn dù là dân chính hay quân nhân, đều không một ai được chánh thức thông báo về quyết định của ông Thiệu. Khi họ thấy mình được đặt trước một việc đã rồi thì tướng Homer Smith than phiền với tướng Viên. Ông Tổng Tham mưu trưởng chỉ còn nước giải thích:

- ‘’Đó là lệnh của Tổng Thống. Ông ấy muốn giữ kín các cuộc hành quân.



============================== ================

CHÚ THÍCH của Dịch Giả:

(1) Tác giả dùng chử Việt không dấu chữ nghiêng, nguyên tác ‘’ dau be dit to’’.

Dịch giả xin dịch lại cho đúng hơn : ‘’Đàu teo đít to’’

(2) Đây là luận điệu của cộng sản Bắc Việt, cho đúng với chiêu bài "Chống Mỹ Cứu Nước" mà họ đã tuyên truyền để khích động người dân Miền Bắc . Tác giả Olivier Todd vẫn dư biết điểm này sai hoàn toàn, nhưng có lẻ tác giã muốn nói lên tư tưởng và quan niệm về cuộc chiến của người cộng sản Miền Bắc lúc bấy giờ. Tác giã vẫn biết rất rõ là quân lực Hoa Kỳ đã rút hết về nước ngay từ sau ngày 28 tháng giêng năm 1973, sau khi Hiệp Định Paris có hiệu lực. Thời điểm mà tướng Dũng đặt Bộ Chỉ Huy tại Cao Nguyên cho chiến dịch 275 để tiến chiếm Miền Nam là tháng 3 năm 1975, tức là thời điểm không còn một binh sĩ Hoa Kỳ nào trên khắp lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa vì họ đã rút hết quân về nước từ hơn 2 năm mấy trháng rồi !

(3) Người dân Miền Nam gọi họ là ‘’Đồng Bào Thượng’’ hay ‘’Dân Tộc Thiểu Số’’, trong khi người dân Miền Bắc thì gọi họ là ‘’Dân Tộc Ít Người’’

(4) Theo tác giả Olivier Todd thì cuộc tiếp xúc giữa Phó Thủ Tuớng Nguyễn văn Hão và ông Dan Ellerman xảy ra vào ngày 9/3/75, còn ý định ‘’tái phối trí chiến lược’’ của ông Thiệu chắc chắn phải có từ trước ngày 9/3, nên cả Thủ tướng Khiêm và Phó Thủ tướng Hão mới biết được . Có nghĩa là trước ngày Ban mê Thuột bị tấn công (10/3/75) ?

(5) Bắt các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân (phần lớn là đồng bào Thượng) phải ở lại với trách nhiệm phòng thủ Pleiku và Kontum là một điều đáng bị phê phán, nếu không muốn nói là quá vô trách nhiệm của Vùng II .

(6) Bắt buộc các công chức người Việt Nam phải ở lại mới chính là nguyên nhân tạo sự hoảng loạn.