Bất Hạnh
Tác Giả: Thủy Lâm Synh


Sau hai năm kể từ khi chồng nàng bị chứng tai biến mạch máu qua đời, không thấy Quyên lấy chồng khác. Không hiểu cái gia sản gần nửa triệu bảo hiểm ấy có véo ra chút nào để chia cho các mỹ viện hay không mà nhan sắc của nàng lộng lẫy rất nhanh. Mặc dù đã có con, nhưng rất nhiều người vẫn nghĩ rằng Quyên hãy còn là con gái. Điều nầy dễ hiểu, bởi Quyên có cái thú đi chung với những cô gái chưa hề lấy chồng, nhất là trong những lần cộng đồng người Việt ở đây tổ chức các buổi lễ dân tộc hoặc các chương trình đại nhạc hội, dạ vũ hoặc những tiệc cưới của bạn bè. Mà rất lạ, những buổi dạ tiệc Quyên không bao giờ ra sàn nhảy, nàng thừa biết rằng chỉ cần gật đầu thôi sẽ có lắm “ong non ngứa nọc châm hoa héo" hoặc "dê cụ buồn sừng húc giậu thưa”. Cho nên, đi chơi thì đi nhưng gương mặt Quyên lúc nào cũng trầm buồn, làm y như chồng chết đã để lại lòng nàng nỗi đau đớn vô biên. Chưa ai có thể đoán được nàng buồn vì lý do gì. Có bà thì bảo tại đang lo giữ của, hí hởn quá có nhiều thằng nó nhào vô bất tử không kịp trở tay. Có cô cho rằng buồn là một bí quyết chinh phục đàn ông hữu hiệu nhất. Lại cũng có người khẳng định rằng phụ nữ đôi khi cần buồn một tí để tăng thêm vẻ đẹp. Thôi thì bá bánh, bá bao tử hơi đâu suy nghĩ cho mệt.

Ba Quyên là ông Tần, một sĩ quan trước năm bảy lăm. Sau khi ở tù về cuộc sống gia đình ông lâm vào tình trạng khó khăn. Bà Tần lại quá ư chậm lụt, việc buôn gánh, bán bưng để kiếm sống cho gia đình lúc bấy giờ bà làm không xuể. Vì cảnh sống chật vật nên ông Tần cứ vô đá chó, ra đá mèo, khiến gia đình lúc nào cũng lục đục. Ông Tần buông ra không tiếc những lời lẽ đại khái dành cho người đàn bà vụng về. Nếu ông Tần đau khổ bởi cuộc đổi đời vì không còn ai khúm núm, bợ đỡ, thì bà Tần cũng vì lý do nầy mà không còn những bổng lộc bất ngờ như trên trời rơi xuống để gia đình bà có cuộc sống quá phong phú. Lẽ ra ông Tần phải hiểu điều nầy, lúc còn trẻ chính ông không muốn bà Tần làm gì cả, chỉ sống ung dung như một mệnh phụ đúng nghĩa. Công việc duy nhất của bà Tần là tiếp những người cần sự giúp đỡ của chồng. Bây giờ già rồi lại bảo bà Tần chạy ăn cho cả gia đình trong một xã hội giành giựt, bon chen như thế bà làm không nổi là phải.

Thời gian sau, chế độ di dân hợp pháp. Chương trình HO đã đưa hoàn cảnh ông Tần qua một khúc quanh khác. Ông sung sướng ra đi chỉ có vài bộ quần áo và người thân duy nhất là đứa con gái tên Quyên đã 23 tuổi. Quyên nấn ná chưa chịu lấy chồng vì sợ khi đã lập gia đình, Mỹ sẽ không chấp thuận cùng đi với đương đơn. Vợ ông Tần thì đã bỏ đi sau những đay nghiến thường xuyên như cơm bữa. Nhưng cái tin đồn quân, cán VNCH bị ở tù hơn ba năm là chính phủ Mỹ phải liên đới chịu trách nhiệm nhận cho định cư cả gia đình tại quốc gia của họ đã lan đi tới hang cùng ngõ hẹp. Nếu nghe tin nầy chắc trong thâm tâm bà Tần hối tiếc lắm vì đã không ráng chịu đựng thời gian nữa để cùng đi định cư tại một nước được coi là giàu có nhất thế giới mà hưởng phước. Khi xuống phi trường Mỹ quốc là họ phải có bổn phận giao chìa khóa nhà, chìa khóa xe và số tiền truy lãnh kể từ ngày bất đắc dĩ bỏ ngang đơn vị.

Lòng tốt của đồng minh được khuếch đại như thế đã kích thích một số người. Có ông ở tù chưa đủ ba năm cũng chạy chọt cho có giấy phóng thích hơn ba năm ở tù. Lại cũng có ông chưa hề là sĩ quan ngày nào cũng mánh mung cho được một số giấy chứng minh mình đã từng chỉ huy đơn vị nầy, đơn vị khác. Dĩ nhiên cũng có vài người lọt sổ qua được Mỹ, còn phần lớn những người man khai như thế đều bị loại với nỗi đau tiền mất tận mang.

Ông Tần là sĩ quan thứ thiệt, ngoài những tốn kém căn bản vẫn còn phải có những chi phí lặt vặt cho bao nhiêu nơi để bước đường định cư của ông thuận buồm xuôi gió. Chuyến đi nầy sẽ lấp đi cái hố mặc cảm thân phận với chòm xóm bởi họ thường nhìn ông bằng cặp mắt khinh bạc và ông cũng hả hê cơn giận đối với bà Tần vì đã ngu xuẩn bỏ chồng, bỏ con ra đi. Quyên cố thuyết phục ông Tần tìm lại mẹ nàng để cùng đi cho bà đỡ vất vả. Thực tế, Quyên vẫn thường liên lạc với mẹ nàng, nhưng ông Tần là người quá khó chịu khiến Quyên không cho ông biết chỗ ở của bà Tần. Khi ông vui, Quyên có úp mở đề cập đến bà Tần, nhưng đúng như Quyên tiên đoán – ông Tần cứ gạt phăng đi. Ông Tần xưa nay vẫn thế, cái máu tự tôn đã luân lưu trong huyết quản: những quyết định của ông, ông muốn người khác phải theo, mặc dù đôi khi chính ông cũng nhận thấy cực kỳ phi lý. Ông vẫn nghĩ rằng đây là cơ hội rất tốt để ông không còn gặp lại người đàn bà già nua đó nữa. Tuy vậy, trong suốt bao nhiêu năm chồng vợ lúc còn son trẻ, những đòi hỏi tự nhiên lúc bên nhau của người đàn bà sung sức đã khiến lòng ông Tần chợt nỗi lên nghi kỵ. Ông nghĩ rằng từ ngày bà Tần bỏ đi, thể nào cũng có ăn nằm với ai đó trong cái thành phố ngót bảy triệu dân nầy. Nhưng chỉ một thoáng mà thôi, ông Tần trở lại với trạng thái bình tĩnh ngay vì ông đã có nghe lúc xưa bạn bè đi thụ huấn về kể rằng đàn bà bên Mỹ dễ dãi lắm, mà có lẽ thật; trên màn ảnh TV đã cho ông cái lạc quan thích thú – nhìn trai gái mới gặp gỡ nhau lần đầu, đã hôn hít túi bụi và còn rủ nhau lên giường một cách tự nhiên. Nhìn được khía cạnh thực tế ấy của người tây phương nên ông Tần cũng hí hởn cho rằng biết đâu đây không là cơ hội để ông trả mối thù dân tộc. Và để tạo thêm vài dấu ấn cho những ngày cuối cùng trước khi rời khỏi quê hương thân yêu, ông Tần cũng đã tham quan khá chu đáo vài khu có chị em sinh hoạt.
Suy nghĩ về đàn bà tây phương đúng hay không giờ nầy ông Tần mới vỡ lẽ. Một xã hội mà luật sư nhiều hơn kỹ sư thì bất cứ những sỗ sàng của nam giới đều được các bà liệt kê vào hành động sách nhiễu tình dục cần trừng trị. Đến cả cái việc lửa hương của vợ chồng cũng rắc rối không kém. Khi bà xã chưa sẵn sàng mà ông thì nằng nặc là coi chừng các bà mướn luật sư thưa về tội hiếp dâm. Chỉ khi nào các bà muốn mà các ông dù chưa sẵn sàng cũng phải tìm cách sẵn sàng. Còn nếu lơ mơ, chểnh mảng việc chung đụng dễ bị coi là không phục vụ đúng mức thì cũng có thể xảy ra tố tụng.

Từ ngày đặt chân lên đất Mỹ và sống cuộc đời cô đơn để tìm cách hội nhập, ông Tần chán nản hết sức. Nỗi buồn không tên cứ đeo đẳng theo ông như hình với bóng cho nên ông đâm ra lầm lì ít nói. Trong thời gian nhận trợ cấp xã hội, ông Tần sống lêu bêu, đi học thì học không vô, đi làm thì chẳng ai nhận. Ông Tần lang thang rồi vớ được một công việc nhẹ như lặt rau, cắt cá, sắp những lon đồ hộp lên các kệ của tiệm tạp hóa gần nhà. Đôi ba phút nghỉ, ông Tần cứ mơ màng về cái quá khứ vàng son, lòng chợt quặn đau rồi oán hận người bạn đồng minh. Những lời hứa của tổng thống Nixon không bao giờ bỏ rơi Việt Nam như còn văng vẳng bên tai, thế mà giờ đây ông đã trở thành người chiến binh thua cuộc. Càng nghĩ càng căm tức, ông Tần chém mạnh cái dao làm cá đang cầm trên tay xuống mặt tấm thớt, tiếng “phập” vang lên khiến người đồng nghiệp đang cắt thịt từ phía xa trố mắt nhìn ông lắc đầu. Ông Tần vì tự ái với hoàn cảnh “trâu chậm uống nước đục” nên rất ít liên lạc với bạn bè. Trước đó, khi các sòng bài hợp pháp Casino chiêu dụ người ta bằng những lần đến chơi được tặng phiếu để đổi lấy năm đồng thì ông Tần chịu khó kẹp theo ổ bánh mì thịt nguội, nhào lên xe bus xuống tàu. Ông không kéo máy, nhưng tham gia kiểu nầy mỗi ngày ông Tần kiếm thêm vài chục, cho đến khi chương trình tặng năm đồng bãi bỏ. Chiến thuật bỏ năm đồng để dụ người ta xuống tàu kéo máy, thì cũng có người bỏ ổ bánh mì thịt nguội để lấy vài chục. Ai thua không biết nhưng ông Tần đã thắng.

Hai cha con ông Tần lục đục về chuyện bà Tần nên Quyên đã dọn ra ngoài ở với bạn cả năm trước. Quyên rất có chí, nên đã chịu khó đi học. Khi có được cái bằng cao đẳng AAS, (Associtate Applied Science), Quyên được nhận vào làm việc trong một phòng thí nghiệm. Sau đó Quyên lấy chồng mà ông Tần có lẽ là người được biết sau cùng. Chao ôi! Cái văn minh tây phương đã mau chóng ảnh hưởng đến lớp người trẻ, nó xoáy mòn niềm hãnh diện dân tộc mà ông hằng ôm ấp. Sau đám cưới ông Tần mới biết mặt chàng rể. Trung, chồng Quyên qua Mỹ có một mình. Trung ở trại tạm cư Nam Dương hơn bốn năm, sau khi những người cùng thuyền vượt biên với anh đã đi định cư gần hết. Trung là loại người ít nói, vai u thịt bắp, chỉ biết đi làm rồi về nhà. Sở thích của Trung là ăn rồi ngồi trước màn ảnh lớn uống bia, coi football. Mặc dù Quyên và Trung sống chung đã có đứa con, ông Tần rất ít lui tới nhà con gái. Cha con ông Tần không được thân thiện như những gia đình khác. Cũng có thể Quyên không thân với ba vì ông Tần chối bỏ bà Tần chăng? Đôi khi ông Tần nhớ con, nhớ cháu muốn đến chơi thì Quyên thường tránh né bằng cách phải đi đây, đi đó khiến lòng ông Tần càng nghe nỗi cô đơn dày xéo.
Cho đến một ngày nghe tin Trung nghẽn mạch máu qua đời, ông Tần ngạc nhiên lắm. Trung còn quá trẻ lại vóc dáng vạm vỡ mà chết là thế nào?! Quyên cũng chỉ tin cho ông Tần hay khi xác chồng đã đưa về tới nhà quàn. Việc ma chay xong xuôi, ông Tần thấy con gái mất chồng, nên vin vào cơ hội nầy tới lui nhà Quyên để chơi với cháu ngoại cho khuây khỏa và đồng thời an ủi con gái. Cũng nhân dịp nầy, ông Tần muốn cho Quyên biết là ông rất hối hận về việc không chấp nhận để bà Tần cùng đi định cư. Quyên cũng đã nhận ra điều đó nên cha con ông Tần dạo nầy gần gũi hơn trước. Tuy vậy, không cần sáng suốt lắm cũng thấy được hai cha con ông Tần có hai nỗi cô đơn tương phản. Ông Tần thì nhỏ giải vẫn không tìm được một bà vá tâm sự; Quyên thì có hàng tá kẻ theo nhưng có lẽ nàng cảm thấy chưa đúng lúc, hoặc cũng có thể dưới mắt Quyên, những người đến với nàng đều có ý đào mỏ.

Một buổi chiều tại nhà Quyên, ông Tần vừa uống xong ngụm trà, để tách xuống bàn, hai ngón tay xoay xoay cái tách hỏi Quyên:
“Hồi thằng Trung còn sống, nghe mầy đóng bảo hiểm nhân thọ cho nó đôi ba nơi vậy khi nó chết họ có đền không?”
Quyên nhìn ba dò xét, vì dạo nầy nghe nói ông rất ghiền đi Casino, không khéo ông hỏi mượn tiền thì nguy, nàng đáp:
“Cũng có chút đỉnh để lo cho cháu chứ ba.”
“Ừ, vậy cũng đỡ. Mầy cũng khôn, chứ như chú gì... gì... S & T sửa “body” xe hơi, chết đi chẳng có gì cho vợ con hết.”
Quyên vốn đã tự phong cho mình có bộ óc lanh lợi hơn người, nhưng lại sợ ông Tần biết quá ít, nàng thêm:
“ Đâu phải một người, chị bạn con, vợ của anh Trứ chủ tiệm vàng cũng có đồng nào của bảo hiểm đâu!”
Ông Tần gục gặc đầu:
“ Tao phục mầy quá, mầy biết lo xa.”
Quyên đắc chí cười khanh khách, nhưng nụ cười ấy tắt ngụm. Trong một thoáng rất nhanh, Quyên nghĩ ngay đến những lời tâng bốc của ba mình, biết đâu ông lại có ý đồ lợi dụng tiền nong, nàng muốn lái câu chuyện sang hướng khác. Thế nhưng sau đó ông Tần không hề đá động gì đến việc vay mượn nên nàng yên tâm tiếp tục câu chuyện:
“Chưa hết đâu, con có tài khác nữa nhưng không thèm nói cho ba nghe chi.”
Ông Tần nói khích:
“Tài gì? Mầy là con tao, ngoài tài đi học, bây giờ đi làm như mọi người bình thường, mầy còn tài gì nữa.”
Quyên ngập ngừng một giây, nàng nghĩ rằng không nói ra thì cái trung tâm vũ trụ nầy không lấy gì chứng minh và dù sao thì ông Tần cũng là ba ruột của nàng nên Quyên không ngần ngại:
“ Ba biết không, anh Trung lẽ ra không nỗi nào phải chết. Trong máu anh ấy chỉ có chất mỡ - cholesterol - khá cao mà thôi. Nếu uống thuốc đều đặn thì có thể kiểm soát được.”
Ông Tần nhíu mày:
“Vậy tại sao không uống thuốc?”
Quyên trả lời ba không suy nghĩ:
“Con có lý do của con. Ba biết không? những giấy kết quả thử máu lấy ở phòng mạch đều do con sửa từ cao (high) xuống tốt (normal) nên anh ấy chẳng cữ kiêng gì cả. Đã vậy con cứ cho anh ấy ăn toàn bún bò giò heo, nấu phở con luôn làm cho anh ấy tô đặc biệt có nước béo, cứ vài ngày con lại cho anh ấy ăn gỏi cuốn tôm, thịt ba chỉ. Con liên tục cho ăn như thế gần hai năm; thỉnh thoảng ảnh có than hơi xây xẩm thì con cứ cho uống thuốc cảm xoàng, cho đến một ngày việc gì đến đã đến.”
Nghe xong mặt ông Tần nóng phừng, ông không ngờ đứa con gái hiền hậu của ông lại có tâm địa ác độc đến như vậy. Nhưng sau đó ông nhận ra ngay Quyên nói dóc, trong vụ chồng nó chết, chắc có gì bí ẩn hơn là chỉ cho ăn. Ông liên tưởng đến Quyên ngoại tình, nó đã âm mưu giết chồng. Ông lấy lại bình tĩnh để dò la thêm:
“Mầy tưởng thằng Trung nó ngu lắm sao. Sức khỏe nó thế nào nó tự biết chứ”
“ Ba cũng biết anh Trung rồi, học hành chẳng tới đâu. Gia đình ảnh sống lênh đênh với ghe trái cây trên sông Phụng Hiệp từ những năm bao cấp. Qua đây nhảy vào chương trình ESL (English as Second Language) một thời gian có ra trò trống gì đâu. Quà cớm cho giám thị người Việt, được nhận Vào hãng Optical Cables Products thì chỉ nói tiếng Việt với bạn đồng nghiệp nên cũng không có cơ hội trau giồi tiếng Anh. Khi gặp con, con cứ khuyên ảnh đi học, nhưng không có căn bản nên chẳng học được rồi bỏ luôn. Từ thông dụng ảnh chỉ hiểu lờ mờ huống chi những từ chuyên môn y khoa, kỹ thuật. Giấy tờ, hồ sơ thuế má, tiền điện, nước, ký trả bills đều do con hết.
Ông Tần hồ nghi:
“Tao thì không rõ chỗ mầy làm, nhưng vấn đề sửa kết quả các giấy tờ thử nghiệm là một điều theo tao nghĩ không dễ dàng gì, đã vậy còn bị thưa nếu cùng lúc máu của bệnh nhân được đưa đi phòng thí nghiệm khác.
Quyên hạ giọng thật nhỏ, làm như sợ có người khác nghe thấy:
“Dĩ nhiên là sai trái, nhưng con làm được; để con giải thích cho ba nghe: trong phòng thí nghiệm con làm có bốn ngành đại khái như: Microbiology (vi sinh vật học) thì phân tích vi khuẩn, phân tích dược tính trị liệu... Còn Chemistry (hóa thụ thể) thì xem chất khoáng trong máu, trong gan... Hematology (huyết học) thì xem các cell của hồng và bạch huyết cầu, và department Blood bank (ngân hàng máu) thì xem loại máu A,B,O, AB v.v... Con đang làm trong ngành hóa thụ thể. Phần lớn các phòng mạch thường gởi máu về nơi con để phân tách. Khi nhìn thấy tên anh Trung gởi đến, đây chỉ là việc tình cờ trùng hợp, con mới bắt đầu ý định. Con xem kỹ thấy chất mỡ cholesterol rất cao, sau computer yêu cầu accepted (chấp nhận) con chỉ cần denied (từ chối) và cho vào con số mình muốn. Cũng giống như những bệnh nhân ung thư máu, computer không tính được thì tụi con phải tính bằng kính hiển vi.
Đang nói chuyện với ông Tần, Quyên liếc mắt nhìn ảnh Trung trên bàn thờ với cặp mắt như trở nên oán hận nhìn nàng; Quyên bối rối nói với ba bằng một giọng không còn hăm hở nữa: “ Nói thì nói vậy, chứ có thể anh ấy vắn số ba ạ. Nhưng dù sao thì ba không được đem chuyện nầy nói cho ai biết. Dù không có một bằng chứng nào cho thấy con đầu độc.”
Ông Tần ngồi trầm ngâm suy nghĩ: "Tôi có làm những điều thất đức thật, nhưng so với con tôi nó còn ghê gớm hơn, lòng dạ đàn bà sao thâm độc quá." Hành động Quyên khiến ông Tần liên tưởng đến người đàn bà sinh ra nó.

Ly trà nguội ngắt từ lâu, miệng ông Tần đắng chát. Bên ngoài, ánh nắng chiều yếu ớt đang thoi thóp rơi trên vạt cỏ úa. Ông đưa mắt nhìn lên di ảnh thằng Trung trên bàn: nó vẫn nhoẻn miệng cười dưới chân tượng Chúa Jesus đang chịu cực hình trên cây thánh giá, ông nhìn thấy ở Quyên một hình ảnh Judas.
Nhìn ông Tần suy nghĩ, Quyên rất hối hận vì đã đem câu chuyện kể cho ba mình nghe mà lẽ ra dù thân cách mấy cũng không nên kể.
Quyên kéo ông Tần về thực tại bằng cách vô phòng mở ví lôi ra tờ giấy 100 đô dúi vào túi áo ba rồi hỏi: “Ba đang nghĩ gì vậy?”
Không trả lời thẳng câu hỏi Quyên, ông Tần hỏi lại: “Mầy không yêu thương gì thằng Trung à?”
Câu hỏi của ông Tần đẩy tư tưởng Quyên vụt trôi về quá khứ’: Thực tế Quyên lấy Trung chỉ vì muốn gắn cho anh cái nhãn làm cha đứa con đầu lòng vốn không biết của ai. Hồi mới qua tới Mỹ, Quyên tự khoác lên người cái vỏ văn minh. Trong những tháng cuối cùng của chương trình học, Quyên tích cực tham gia nhiều buổi tiệc tùng của sinh viên VN tổ chức. Một hôm nàng đã uống nhiều rượu, khi về tới nhà không hiểu sao Quyên lại tự dễ dãi cùng lúc với hai người bạn cùng trọ chung nhà. Sáng hôm sau, khi hai người kia còn đang say ngủ, Quyên thấy khô cổ, nàng nhẹ nhàng xuống nhà bếp lấy nước uống. Khi đi ngang qua phòng khách để về lại phòng mình, Quyên chợt thấy trên bàn cái gạt đầy tàn thuốc và nhiều vỏ bia nhôm bóp méo. Trên sofa, chiếc máy quay phim nhỏ nằm lơ đễnh nửa trong, nửa ngoài như gần rơi xuống đất. Quyên nhoài người đến định đẩy chiếc máy vào trong. Ánh đèn xanh nhỏ như hạt gạo chớp – tắt liên tục như mời gọi, Quyên tò mò đưa mắt vào ống nhắm, hình ảnh không cử động cho đến khi Quyên bấm nút play thì nàng á khẩu và xấu hổ tột cùng, nàng giận sôi gan chưởi thầm: “Tổ cha hai tên thô lỗ này dàn cảnh để quay phim chuyện xảy ra tối hôm qua”.
Quyên tức cành hông, lấy phim ra khỏi máy về phòng cất vào ví ngồi suy nghĩ đến một vụ kiện. Nàng ghi tất cả chi tiết cần thiết trên một mặt giấy. Nguyên ngày hôm đó, Quyên không nói một lời nào với hai người bạn share phòng nên họ mơ hồ đoán rằng Quyên có lẽ đang giận vu vơ; tuy nhiên cả hai đều nhún vai: cho rằng việc đêm qua do cô ấy tình nguyện. Họ quên rằng quay phim trụy lạc trái phép có thể đưa đến việc ngồi bóc lịch vài năm tại tiểu bang nầy. Mấy ngày sau đó Quyên đi gặp một luật sư nhờ cố vấn. Ông luật sư Mỹ nầy thực tế lắm, ông ta hỏi:
“Hai người kia có những tài sản gì, lương mỗi tháng họ làm bao nhiêu?”
Câu trả lời của Quyên khiến ông ta xịu mặt. Những người vô gia cư, vô địa táng như thế có ngồi chật nhà tù thì với ông cũng không có được chút lợi nhuận nào. Tuy vậy ông vẫn níu kéo:
“Hoặc cô phải trả cho tôi mỗi giờ 75 đô, cho đến khi vụ án kết thúc.” Để cho chính xác Quyên hỏi thêm:
“Theo ông thì mất bao nhiêu giờ vụ án mới kết thúc?”
“Cái đó còn tùy phía bị cáo có mướn luật sư biện hộ hay không, nhưng chắc không nhiều lắm đâu, khoảng 50 giờ là cùng”.
Không cần tính toán, Quyên vẫn biết mình không có tiền. Nàng quyết định dẹp vụ luật sư. Hôm đó sau buổi cơm chiều, trước mặt hai người bạn share phòng, Quyên đưa ra lời hăm dọa là hai người đã bỏ chất say để cưỡng hiếp, bằng chứng là cuộn băng và hồ sơ vụ kiện hiện cô đang nhờ luật sư thụ lý. Nghe thế hai ông share phòng mặt mày tái ngắt. Họ không ngờ trong một phút tinh nghịch phàm phu ấy đã đẩy cuộc đời “người di tản buồn” xuống tận cùng rắc rối. Đến nước nầy hai ông cũng không biết mở lời gì để xin lỗi, họ lặng lẽ bàn với nhau phương thức đối phó. Đã vậy, mấy bữa nay tin tức trên màn ảnh cứ lặp lại, lặp đi tin toà án California phán quyết 105 năm tù cho hai anh em người Việt nào đó vì tội cưỡng hiếp cô gái da trắng 17 tuổi khiến hai ông sahre phòng với Quyên liên tưởng đến những song sắt lạnh buốt đang chờ đón họ.
Chưa đầy tuần lễ, mà mặt mày ông nào, ông nấy chảy xệ như cái bánh xèo. Hai ông mỗi người một phòng trùm chăn hối hận. Không khí trong nhà đang phủ ngất lên một màu tang. Không hiểu hai ông đã tính toán điều gì, nhưng đùng một cái họ biến khỏi thành phố Chicago, bỏ luôn công trình hai năm cao đẳng, trước khi nhận bằng tốt nghiệp. Quyên cũng dọn ra vì không cách gì nàng trả nổi tiền thuê nhà.

Khôn ba năm, dại vài chục phút. Chuyện đời không luôn luôn bằng phẳng. Cũng từ đó Quyên mất kinh, triệu chứng mang bầu đã làm nàng lo lắng. Chuyện cái thai là con ai không còn cần thiết nữa, mà ai là ba nó mới là điều đáng nói. Trung sà đến như cái phao để hợp thức hóa hòn máu chẳng rõ lai lịch là Quyên bằng lòng lắm rồi. Nhưng dĩ nhiên muốn làm thế Quyên phải sắp xếp gấp một lễ hôn phối tại nhà thờ. Vị cha xứ người Việt đòi hỏi hôn phu của Quyên phải học giáo lý nhưng Quyên lấp liếm rằng anh ấy không đọc được chữ Việt.
Sau khi lấy Trung, Quyên nhận ra thêm sự chênh lệch quá đáng về trình độ và tâm tính hai người ít hạp nhau nên nàng quyết định không để cho có thêm đứa con nào nữa. Những toan tính của Quyên đã giúp nàng giải quyết tinh vi một công đôi việc -- Giải phóng đời nàng khỏi Trung và tiền bảo hiểm nhân thọ.
Ông Tần lặp lại câu hỏi:
“Bộ mầy không thương thằng Trung sao?”
Câu hỏi ông tần kéo Quyên trở về thực tại, nàng trả lời ba:
“Có chứ ba, nhưng chẳng lẽ con phải nghèo suốt đời nầy sao ba?” Ông Tần nghiêm nghị: “Mầy phải tu tâm dưỡng tính lại, đừng tiếp tục làm bậy tổn đức con ạ.” “Con phải ngước mặt nhìn đời. Con phải có tiền, chỉ có tiền mới làm được tất cả.” Quyên trả lời cương quyết.
Vừa nói, Quyên vừa lẩm nhẩm trong miệng cái câu mà nàng học được lúc còn lăn lộn trong xã hội Việt Nam: “Tiền là tiên là phật, là sức bật lò xo, là thước đo lòng người, là nụ cười tuổi trẻ, là sức khỏe cụ già, là cái đà danh vọng, là chiếc lọng che thân, là cán cân công lý, tiền ôi thôi hết ý”
Ông Tần lắc đầu ngao ngán. Ông không ngờ đứa con gái yêu quý của ông lại có thể hành động tàn nhẫn như thế. Ông hỏi một câu thừa thải: “Mầy có định lấy chồng nữa không?” Quyên đùa: “ Nếu có ai chịu bỏ tiền cho con mua vài cái bảo hiểm nhân thọ như anh Trung thì ba sẽ thấy con làm đám cưới với người đó.”
Ông Tần trợn mắt nhìn con, ông thấy hai chiếc răng nanh của Quyên như dài hơn. Ông không nói được lời nào, đứng dậy bước nhanh ra cửa. Bước chân ông hụt hẫng như đang trốn chạy một ác quỷ hiện hình.

Khi các hãng bảo hiểm đã đền đầy đủ tiền trên dưới nửa triệu cho Quyên vì cái chết của chồng nàng, Quyên không thèm đi làm nữa. Dân gian có câu “no cơm thì ấm cật”. Hơn lúc nào hết, Quyên cảm thấy cô đơn, nàng lục tìm điện thoại Khải, người con trai đã yêu nàng lúc còn ở trung học. Khải theo gia đình qua Mỹ trước Quyên, hiện sống ở California. Khải vừa là tình đầu vừa là người cùng xóm với Quyên. Những năm đầu Khải thường gởi thư, quà về cho Quyên, nhưng sau đó Quyên mất liên lạc. Khi qua tới Mỹ, Quyên liên lạc với Khải bị vợ Khải chửi cho một trận tơi bời. Rồi Quyên lấy chồng nên hai người không còn dịp nào nói chuyện với nhau. Đây là lần đầu tiên sau khi chồng chết Quyên gọi cho Khải. Quyên đã chuẩn bị lời lẽ đối đáp nếu gặp vợ Khải như lần trước. Nhưng may mắn vô cùng cho Quyên khi nghe Khải đã li dị vợï. Theo Khải kể thì anh có nhà rộng nên cho người “share”. Vợ Khải nấu cơm tháng cho anh chàng ở chung nầy. Khải đi làm ngày hơn mười tiếng. Người share phòng làm ca đêm; khi Khải về thì người kia đã đi mất và khi anh ta chưa dậy thì Khải đã đi làm. Chuyện gì đã xảy ra trong thời gian vợ Khải ở nhà với người đàn ông share phòng thì không biết nhưng chỉ một thời gian sau vợ Khải cuốn gói theo gã share phòng mà bỏ Khải. Khải đau như hoạn nhưng chẳng biết làm gì hơn vì đã nuôi ong tay áo. Sau đó, Khải mua bán cổ phiếu và làm việc ở nhà, nhưng quá trễ vì “ai đưa con sáo sang sông”.
Qua nhiều lần tâm sự, chắc rất tâm đầu ý hợp nên Quyên rủ Khải dọn về đây ở chung. Lý do đơn giản lắm: Khải bây giờ là một broker chuyên mua bán cổ phiếu. Trong những năm gần đây, nhờ nước bọt mà Khải đã trở nên giàu có, ít nhất là trên giấy tờ.
Những đêm nằm bên nhau, Khải cho Quyên xem những báo cáo gởi về của những công ty mua bán chứng khoán, và dĩ nhiên những con số lợi nhuận đập vào mắt Quyên bởi Khải đã cẩn thận highlight. Khởi đi từ vài chục ngàn đô nay lên đến cả nửa triệu. Quyên làm ngay một hạch toán kinh tế. Có Khải bên cạnh như một viên cố vấn già dặn. Quyên bây giờ say sưa với thị trường chứng khoán, chỉ số stock. Suốt ngày nàng cũng ngồi trước máy vi tính để theo dõi Dowjones / Nasdaq. Chụp ngay cơ hội - chứng khoán của Enron, một công ty dầu nổi tiếng đang ở mức thấp, theo kinh nghiệm trong nghề, Khải giải thích cho Quyên về vấn đề mua cổ phiếu khi nó đang ở giá thấp và sẽ bán ra khi nó lên cao. Quyên đã không ngần ngại chuyển hết số tiền bảo hiểm đầu tư vào công ty nầy với hi vọng thời gian sau một vốn mười lời. Nếu thế, chỉ vài năm sau là nàng có hàng nhiều triệu như chơi. Quyên mơ hồ đến một ngày nào đó nàng trở thành một trong những người di dân thành công nhất.

Thời gian trôi khi mau khi chậm. Hơn tám tháng nay ông Tần không liên lạc với con gái. Ông chỉ nghe người ta bàn tán về Quyên mua nhà mới và đưa về một gã đàn ông. Dù sao ông cũng còn hi vọng con gái ông ngày nào đó đổi đi tính nết. Ông định bụng đến thăm Quyên và cháu ngoại song nay cóù thêm người lạ mặt trong nhà nên ông đổi ý.
Đêm nay, một đêm mưa gió tơi bời, mưa như trút nước, gió cuốn theo từng đợt lá rụng trôi lềnh bềnh về các lỗ cống hai bên đường. Có tiếng gõ cửa đột ngột, hấp tấp bên ngoài và tiếng đối thoại với nhau nghe không được rõ. Ông Tần ngồi phắt dậy, đi nhẹ ra cửa dòm qua lỗ nhỏ gắn ngay tầm mắt dành cho người ở trong nhìn ra thì thấy hai viên cảnh sát. Trong bỗng chốc, ông Tần có linh cảm đến việc không lành. Ông Tần đưa tay mở khóa cửa, hai người cảnh sát không vào nhà, chỉ đứng ngoài cửa hỏi ông Tần về lai lịch của người bạn trai hiện đang sống với con gái ông ta. Ông Tần thật lòng trình bày việc không thuận hòa cho lắm với con gái nên nhiều tháng nay hai cha con không liên lạc, thành ra ông không biết gì về người đàn ông đó. Ông Tần hỏi thăm chuyện gì đã xảy ra thì cảnh sát cho biết con gái ông đã bị bắn ngay ngực, hiện cô ta đã được đưa vào bệnh viện Swedish Covenant và tình trạng hết sức nguy kịch. Cảnh sát đang lùng kiếm hung thủ. Người ở giúp việc cho Quyên đã chứng kiến cảnh cãi vã giữa Quyên và Khải về tiền cổ phiếu mất hết sao đó rồi người kia dùng súng bắn vào người Quyên. Nghe súng nổ, bà sợ quá lôi tay con của Quyên vào trốn trong tủ đựng quần áo.
Nghe thế ông Tần xót xa. Đợi hai viên cảnh sát đi rồi, ông Tần đóng cửa lại quay vào liệng người lại xuống giường định ngủ lại nhưng không làm sao ngủ được. Trong bóng đêm, ông cầu nguyện Chúa xuống phước cho con ông chóng bình phục. Ông chưa hiểu tại sao cảnh sát lại biết ông là người liên hệ máu mủ với Quyên. Cũng có thể Quyên đã cho cảnh sát biết!? Nghĩ thế, ông Tần ngồi phắt dậy, khoác lên người chiếc áo đi mưa lững thững bước từng bước chậm chạp xuống bực thang lầu. Dù gì thì ông cũng phải đi thăm con gái một chuyến; nếu không, rủi có mệnh hệ gì ông sẽ ân hận. Trên đường từ nhà ông đến bệnh viện, ông Tần cứ băn khoăn về hai chữ nhân quả mà trong cuộc đời và cả niềm tin của ông hình như cố tình tránh né hoặc ít khi nhắc tới.


Thủy Lâm Synh