Thượng Đế Thử Thách Abraham

Thanh Hải Vô Thượng Sư , Đạo Tràng Tây Hồ , Formosa
Ngày 10 tháng 6 , 1990 (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)



Ngày xưa có một gia đình nọ . Trưởng tộc của gia đình này tên là Abraham . Ông tu hành rất cao và cũng là bạn của Thượng Đế . Có một ngày Thượng Đế nói ông nên rời khỏi quê hương và hứa rằng : "Nếu nhà ngươi theo các chỉ thị của ta , rời bỏ quê hương của nhà ngươi và làm những gì ta nói nhà ngươi làm , ta sẽ cho người làm lãnh tụ của nhiều quốc gia ." Ý nói là Thượng Đế sẽ cho ông làm quốc phụ của nhiều nước . Thượng Đế cũng hứa là sẽ cho ông một đứa con trai , và nhiều con cái khác để thành một đại gia đình . Ngài nói : "Nhà ngươi sẽ có nhiều cháu chắt , đông như sao trên trời ." Tuy nhiên lúc đó Abraham và vợ ông đã quá già . Tuy ông bà rất tin tưởng nơi Thượng Đế , họ đã thắc mắc : "Làm sao điều này có thể xảy ra được ? Chúng ta đã quá già đâu có thể sanh con được ?"

Nhiều năm trôi qua , mỗi đêm khi Abraham nhìn lên bầu trời đầy sao xa , ông lại nhớ những lời hứa hẹn của Thượng Đế , rồi cảm thấy băn khoăn , tưởng rằng Thượng Đế chỉ nói đùa với ông thôi ! Cuối cùng , Abraham và vợ ông đã không còn hy vọng gì nữa .


Đứa Con Do Thượng Đế Ban Cho


Nhưng có một ngày , đột nhiên vợ ông mang thai và đã hạ sanh một đứa con trai . Ông bà rất vui mừng và đặt tên cho con trai là Isaac . Nhiều năm tiếp theo , Isaac trưởng thành , trở nên vạm vỡ , khỏe mạnh và đẹp trai . Rồi Thượng Đế có ý định muốn khảo nghiệm Abraham .

Có một ngày , Thượng Đế hiện ra và nói : "Abraham , ta muốn nhà ngươi mang đứa con duy nhất , yêu quý nhất của ngươi là Isaac đến một nơi gọi là Moriah , rồi cúng dường nó cho ta ." Cúng dường ý nói là giết , đem đứa con trở thành vật tế hy sinh . Người cổ xưa đều cúng dường quỷ thần như vậy , có khi dùng đồng nam hoặc đồng nữ , có khi dùng bò , ngựa , heo v.v...

Abraham không thể nào tin được điều này . Ông tự hỏi : "Thượng Đế thật muốn giết đứa con duy nhất của ta sao ? Ngày trước Ngài đã hứa với ta là sẽ cho ta con cháu đầy đàn , sao bây giờ Ngài lại muốn giết đứa con duy nhất của ta ?" Ông bị giằng co . Nhưng cả cuộc đời của ông đã tin tưởng vào Thượng Đế . Người ta chỉ tin một nửa vào Thượng Đế , còn ông thì tin tưởng trọn vẹn nơi Thượng Đế . Cho nên sáng sớm hôm sau , ông chuẩn bị rất nhiều củi , mồi lửa và đem đứa con trai duy nhất đến nơi đó .

Từ nơi ông ở đến chỗ đó mất ba ngày đường , đường đi rất xa , rất xa mới đến được . Ngày đêm trôi qua , Abraham càng cảm thấy đau khổ và buồn bã , mặc dù ông rất tin tưởng nơi Thượng Đế . Ông vẫn cảm thấy giằng co , không can tâm trực diện với giây phút mà họ đến Moriah . Mặc dù ông rất đau đớn , nhưng ông không thố lộ một điều gì với Isaac . Không một ai biết gì về chuyện này ngoại trừ ông .


Abraham Cúng Dường Con Cho Thượng Đế


Khi sắp tới nơi , Issac mới hỏi ông : "Thưa cha , chúng ta đã chuẩn bị củi , mồi lửa để cúng dường cho Thượng Đế , nhưng con cừu đâu ?" Thời xưa họ thiêu sống cừu non để cúng dường Thượng Đế . Vì vậy Isaac đã hỏi cha nó cừu non đâu , mà tại sao chỉ có củi và lửa . Lúc đó Abraham mới thở một hơi dài và trả lời : "Không sao đâu con ! Thượng Đế sẽ tìm cho chúng ta một con cừu non ."

Khi đến nơi , họ dựng lên một cái bàn thờ và mồi lửa đốt bốn phía chung quanh . Sau đó Abraham trói chân tay của Isaac lại , để nó lên trên bàn và sửa soạn cúng dường Thượng Đế . Ông nói với Isaac : "Con là con cừu để cúng dường Thượng Đế . Ngài muốn con là vật cúng dường !" Sau đó ông cầm con dao lên để giết đứa con .

Nhưng đúng lúc đó , ông nghe tiếng Thượng Đế gọi tên ông và nói : "Abraham , hãy dừng tay! Giờ này ta đã biết lòng tin của ngươi nơi Thượng Đế rất là vững mạnh . Ngươi rất tin tưởng vào Thượng Đế . Đây chẳng qua là một sự khảo nghiệm mà thôi ! Ta đã hiểu lòng ngươi , biết nghe lời ta như thế nào . Ngươi không cần phải giết con ngươi . Cạnh đó có một con cừu , ngươi hãy dùng nó để cúng dường cho ta là được rồi !" Con cừu đó là do Thượng Đế hóa ra , cho nên Thượng Đế thật sẽ tự tìm con cừu của mình . Vì Ngài hóa ra nó mà , không phải là con cừu thật !

Lúc đó đương nhiên Abraham và đứa con trai Isaac rất mừng rỡ , và họ đã cảm tạ Thượng Đế . Cũng từ ngày đó , những lời hứa của Thượng Đế ban cho Abraham đều thành sự thực . Abraham có rất nhiều con cháu , đời này sang đời khác . Câu chuyện đến đây là hết .

Quý vị có thấy Abraham là người cha tốt không ? (Mọi người đáp : Có !) Có thể là tin tưởng Thượng Đế đến mức độ như vậy thật là quá tốt ! Bởi vì bất cứ cái gì cũng là do Ngài tạo ra ! Nếu Ngài muốn lấy lại thì cứ biếu cho Ngài , bởi vốn là của Ngài . Quý vị thấy như Abraham và vợ ông , đã quá lớn tuổi , không có hy vọng gì để có con , kết quả lại sanh được một đứa con , thật là hy hữu ! Đó là vì Thượng Đế muốn ban cho ông ! Đến từ Thượng Đế tức nhiên là nên trở về với Thượng Đế , có gì là không được ? Đúng không ? (Mọi người đáp : Đúng.)


Bài Học Buông Bỏ


Tại sao đa số chúng ta sống trong đau khổ ? Bởi vì không xả bỏ được . Xả bỏ không được bất cứ một thứ gì . Một đôi giày đã rách nát , chúng ta cũng không chịu bỏ đi , hà huống một đứa con ! Cho nên đôi lúc , khi cuộc tình của chúng ta chia lìa , khi gia đình phải cách biệt , thì chúng ta sẽ cảm thấy rất đau khổ , bi đát . Đó là tại chúng ta nghĩ không thông , không hiểu được là có một ngày mọi người chúng ta đều phải chết , không có ai có thể sống mãi được . Ngay cả những người chúng ta rất thương yêu , hoặc rất yêu một người nào , nhưng nếu như ngày mai vạn nhất họ chết đi , quý vị có vì người đó mà chết theo không ? (Mọi người đáp : Không.) Đúng vậy ! Phải tiếp tục sống .

Xưa kia trong những câu chuyện tình yêu , có ghi chép về chuyện của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài , nghe nói họ trở về đầu thai với nhau bảy đời , lần nào cũng muốn làm vợ chồng với nhau , nhưng kiếp nào cũng bị cản trở cả . Chỉ có đời cuối cùng , tuy không bị cản trở , nhưng một người thì chết trước , còn người kia vì quá đau khổ mà ngã bệnh rồi chết luôn . Sau đó biến thành hai con bướm . Phải đợi đến khi biến thành bướm mới khỏi bị người đời cản trở , cũng là việc rất gian nan . Cho nên , khi chấp nhất bất cứ vấn đề gì , đều là làm hại đến linh hồn của chúng ta , trói buộc sự tự do của chính mình . Làm thân con bướm xem ra rất là tự do , nhưng trong chúng ta có ai thích bỏ xác thân quý giá của mình và thành bướm đâu ? Cũng tại vì họ quá bám víu vào tình yêu , và cũng vì ý chí của hai người quá mãnh liệt , dính chặt với nhau nên mới biến thành bướm . Họ đã thích như vậy nên Thượng Đế cũng không hà khắc với họ làm chi , và nếu đầu thai lên làm người nữa , thì nhất định là sẽ bị đau khổ và bị cản ngăn nữa , vì số của họ là không được sống chung với nhau mà .

Trong các loại chuyện như vầy , người ta nợ nần với nhau hay có tình duyên ngang trái với nhau thường thích bám lấy nhau , trong khi những người có mối lương duyên trôi chảy với nhau thì lại không thích nhau lắm . Người ở trước mắt thì không ưa , lại ưa người ở xa xôi . Duyên càng nghịch chúng ta lại càng thích . Đó là tâm lý của con người , ưa thích những thứ tương đối phức tạp hơn , tự mình phấn đấu để đoạt được , mới cho là có giá trị . Có lẽ vì vậy nên thế giới mới đau khổ , vì người ta không biết rằng thật ra không có gì phải đau khổ . Ngay cả khi mất đi cái tánh mạng này . Chúng ta cũng không cần phải đau khổ , bơ vơ , khi mất đi cái tánh mạng của người khác . Con cái đời đời kiếp kiếp đều có rất nhiều , vợ chồng đời đời kiếp kiếp đều có . Nếu mà không có , Thượng Đế cũng sẽ cho mình một người khác .

Quý vị có thể thấy nhân số thế giới lúc nào cũng quân bình giữa số đàn ông và đàn bà . Đừng nghĩ rằng có nhiều nữ hơn nam . Không , không đúng . Có thể là chỗ này nhiều nữ hơn nam , và chỗ kia ít nữ hơn , nhưng tổng số nam và nữ trên thế giới luôn quân bình . Thí dụ , ở quốc gia này có nhiều nữ hơn , trong khi ở quốc gia khác lại có nhiều nam hơn . Nếu hợp lại thì không còn vấn đề gì nữa . Nhưng nếu có vấn đề là tại người đời không thể ngồi lại với nhau mà thôi . Không phải là Thượng Đế không cho những gì chúng ta cần .

Nghe nói khi chiến tranh loạn ly , rất nhiều người nam bị bỏ mạng , nhưng lúc đó lại càng có rất nhiều phụ nữ mang thai , sanh ra rất nhiều bé trai nữa , đặc biệt là nhiều hơn nữa . Có đúng không ? (Có người đáp : Đúng) Đây là những sự thống kê nói , họ đã nghiên cứu rất lâu rồi mới có kết luận này . Là như thế này , xưa nay vẫn luôn luôn có một nam cho một nữ . Vì thế mà Thượng Đế đặt ra quy luật này : Một người không thể có hai người phối ngẫu cùng một lúc , vì nếu anh có hai người phối ngẫu , thì người khác sẽ không có . Hoặc nếu anh tham lam có đến hai người vợ , thì kiếp sau sẽ không có người nào , vì phải bồi đền mà . Do đó , Thượng Đế mới nói rằng mỗi người chỉ được một người phối ngẫu mà thôi , để kiếp sau sẽ lại có một người nữa .

Có thể Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài trước kia mỗi người đều có hai ba người phối ngẫu không chừng , nên kiếp này mới không có một người nào . Theo luật nhân quả thì kể cả người yêu thương nhất mà cũng không kết hợp được . Âu cũng là nhân quả cả ! Nếu muốn ra khỏi cái vòng nhân quả thật sự , thì phải làm chúng sanh khác mới được , nếu ý chí mãnh liệt như vậy , thật sự muốn thoát ra vòng nhân quả , thì chỉ có đi làm bướm thôi .


Giới Luật Cung Ứng Một Đời Sống Quân Bình Cho Chúng Ta


Giới luật thực ra là để cho chúng ta có một cuộc sống quân bình , không được một lần mà có quá nhiều , rồi những lần kế tiếp thì quá ít . Cũng như chúng ta ăn cơm , ăn uống hoặc xài tiền cũng vậy , không tiêu xài quá nhiều , coi chừng ngày mai lại thiếu . Bất cứ dùng gì , chúng ta nên dùng cho có chừng mực . Tương tự như vậy , giới luật được làm ra để giúp chúng ta được âm dương quân bình , thoát khỏi cảnh khổ , không phải để áp bức hoặc trói buộc chúng ta .

Như câu chuyện thứ nhất , tôi kể cho quý vị nghe về Eva và Adam , tại sao Thượng Đế lại giữ một trái táo mà không cho họ ? Vì họ đã có quá nhiều rồi , cả một vườn Địa Đàng cũng cho họ rồi . Vườn Địa đàng nghĩa là thiên đường , trong đó cái gì cũng có , không cần phải nhọc công tìm kiếm , đầy đủ để xài rồi . Kết quả , ăn một trái táo khiến họ phải đau khổ nhiều .

Nếu điều mà gọi là tổ tông của chúng ta không ăn trái táo đó , không chừng hôm nay chúng ta khỏi phải đau khổ như thế này . Phải rồi , nếu mà họ không ăn trái táo đó , thì tâm tương đối đơn thuần hơn , không biết tốt xấu , và cũng chẳng nổi lên cái tâm phân biệt .

Họ muốn được giống như Thượng Đế . Tôi không hiểu được giống như Thượng Đế sẽ có điểm hay ở chỗ nào , Thượng Đế có phải là một người đau khổ không ? Tôi nghĩ Ngài rất đau khổ , vì Ngài phải tạo ra vạn vật , một mình phải lo chăm sóc bao nhiêu quả tinh cầu , vô số người , vô số chúng sanh như thế này , mệt chết ! Người nào muốn làm Thượng Đế là một nguời ngu dại nhất đó .

Cho nên tôi khuyên quý vị , không cần phải làm Thượng Đế cũng không sao , không thành Phật cũng không sao . Tâm tình quý vị được vui vẻ , bình an là đủ rồi , tâm được bình thường là đủ rồi , hà tất phải cầu cho được sự vui sướng vĩnh hằng để làm gì chứ ? Chúng ta càng cầu mong , chúng ta càng đau khổ . Cầu bất cứ việc gì đều là đau khổ cả , vì thiếu thốn mới cầu , càng cầu mong thì càng khổ .

Như chuyện tình của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài , nếu họ không mong muốn nhất định phải kết hôn với nhau , thì đâu có đau khổ như thế ? Kết hôn với người khác thì có sao đâu ? Từ từ kiếm thì cũng được , nếu như tìm không được thì làm thầy tu , đi tu cũng được mà ! Phải , những sự đau khổ này đều vì sự tham cầu , vì ước muốn . Vì một người để làm gì ?

Chúng ta là người tu hành cũng vậy , đừng ham muốn quá nhiều , từ từ tu , thời giờ điểm là sẽ có kết quả . Đương nhiên chúng ta cũng phải rất nghiêm chỉnh , cố gắng , nhưng điều tối quan trọng là thành tâm . "Phật tại tâm" nên chúng ta tu hành hay bất cứ làm việc gì đều là vì Ngài , thì một ngày nào đó , chúng ta sẽ nhận thức được Ngài rồi trở thành đồng nhất thể với Ngài .


Ba Loại Người Tu Hành


Người tu hành có ba loại : Loại thứ nhất thì rất tin tưởng Thượng Đế , rất phục tùng Thượng Đế ; loại thứ hai là làm việc cho Thượng Đế ; còn loại thứ ba thì cao nhất , là đồng nhất thể với Thượng Đế . Đồng nhất thể với Thượng Đế là trở thành những người như Thượng Đế , đó là việc tự nhiên mà được , chứ không phải do sự cầu mong mà được , đương nhiên phải rất thành tâm , chứ không phải là do lòng ham muốn . Thành tâm và lòng cầu mong khác nhau , tôi cũng không biết cách nào để phân tách cho quý vị hiểu . Đó là sự tự nhiên mà thành , không thể giải thích bằng ngôn ngữ được một cách dễ dàng . Đôi khi chúng ta bị lẫn lộn , cho rằng lòng cầu mong là đạo tâm , nhưng thật là không giống nhau .

Loại người thứ nhất rất thích tôn sùng và phục tùng Thượng Đế , làm như vậy là anh ta đã vui mừng lắm rồi . Hàng ngày được thờ phượng Thượng Đế , chỉ biết có một Thượng Đế là cao cả hơn anh ta , chăm sóc anh ta , rồi hàng ngày được van cầu với Ngài , là anh ta đã vui sướng lắm rồi , không muốn cầu những thứ gì khác , đó là loại thứ nhất .

Loại người thứ hai , vì nhận ra được Thượng Đế , nên anh ta rất ưa thích làm việc cho Thượng Đế , làm bất cứ việc gì đều vì Ngài mà làm , nhưng sau khi làm việc một thời gian , anh ta lại yêu công việc hơn là yêu Thượng Đế , càng làm càng tìm thêm việc để làm , quên hẳn đi cái mục đích chính là tìm Thượng Đế . Những người này có rất nhiều công đức , làm được rất nhiều việc , như độ chúng sanh , đi thuyết giảng , xây cất chùa chiền , xuất gia , cùng làm những việc thiện v.v... Nhưng sau một thời gian dài lâu , vì mọi người đều thích anh ta , tôn sùng anh , nghĩ anh ta là người rất có đạo đức , nên họ luôn luôn tán thán . Càng nghe những lời tán thán , anh ta càng làm việc hăng say hơn , rồi mê mẩn luôn trên phương diện làm việc từ thiện , mà vĩnh viễn không có cách nào để đến cùng với Thượng Đế . Cả hai loại tín đồ này đều không đạt được cảnh giới tối cao . Một người thì mê mẩn vào việc sùng bái Thượng Đế , còn một người thì mê mẩn vào làm việc , để làm vui lòng Thượng Đế .

Còn loại người thứ ba kia , có thể anh ta tôn sùng Thượng Đế , cũng làm việc thiện để cho Thượng Đế vui , nhưng anh ta biết rõ rằng những công việc này chỉ là thứ yếu . Điều anh ta vui thích nhất là muốn biết "Thượng Đế là ai ?" Anh ta không những muốn tôn sùng Thượng Đế , muốn làm việc cho Thượng Đế vui mà thôi , mà anh ta còn muốn nghiên cứu "Thượng Đế là ai ?", muốn bắt cho được Ngài . Loại người này có thể trở thành đồng nhất thể với Thượng Đế . Rất hiếm có người đạt đến cảnh giới này . Nói thì dễ , nhưng thật sự làm thì không dễ đâu .

Hàng ngày ngồi thiền chúng ta thấy được cảnh giới gì , ấy là thể hiện cái phẩm chất của chúng ta . Chúng ta thấy ánh sáng , thì biết chúng ta là ánh sáng . Thấy đen tối , thì biết phẩm chất của chúng ta còn đang ở trong bóng tối , cho nên không thể nói nghỉ tu hành ngày nào , mà phải luôn tiếp tục tìm kiếm , cũng như hàng ngày phải ăn cơm vậy , không thể nghỉ ngày nào . Chỉ nghỉ một ngày thì được , chứ nghỉ quá nhiều ngày thì không xong .

Tu hành cũng vậy , có thể chúng ta nghĩ rằng ngày nào cũng ăn chay , ngồi thiền hai tiếng rưỡi đồng hồ , chán làm sao ! Nhưng mà hàng ngày , chúng ta đều phải ăn cơm , sao lại không thấy chán ? Thức ăn và cơm mỗi ngày đều giống nhau , cần phải ăn vì cơ thể của chúng ta cần những thứ này mới nảy nở được , mới có thể nuôi dưỡng các tế bào của mình , đồng nghĩa với chúng ta tu hành , hàng ngày ngồi thiền hai tiếng rưỡi đồng hồ , làm một công việc giống nhau hàng ngày , là vì linh hồn của chúng ta cần những thứ đó thì mới phát triển được . Không nên nghĩ tu hành thì phải phức tạp , hôm nay làm thủ ấn này , ngày mai làm túc ấn kia , mới gọi là tu hành . Không nên đâu ! Như chúng ta ăn cơm , nên đơn giản là được rồi ! Càng phức tạp càng làm phiền nhiễu cho chính mình , vì tựu chung cũng chỉ muốn bảo dưỡng cái thân thể này mà thôi , ăn càng phức tạp càng nhiều nghiệp chướng , không chắc là bổ khỏe như mình nghĩ . Bao tử có thể không chịu nổi , không tiêu hóa được , rồi sanh bệnh . Khi chúng ta gặp phải những sự việc đau khổ , đừng nên cứ trầm ngâm trong sự bi thương đó mãi , mà hãy thử nghĩ : Nếu không có cái này thì mình có thể chết không , có cái gì khác để thay thế cái này không , có thể nó còn tốt hơn cái này mà . Trong thực tế cũng vậy , có khi chúng ta nghĩ người nào đó tốt nhất , khi anh ta đi mất rồi , chúng ta mới từ từ kiếm lại , kiếm được một người khác lại càng tốt hơn , càng hợp ý hơn , phải không ? Vì khi chúng ta bắt được cái này rồi thì quên nhìn cái khác đi . Thật ra nó có thể còn tốt hơn nếu chúng ta chịu bỏ thời giờ tìm kiếm một cái gì đó tốt đẹp hơn .


Bám Víu Là Một Thói Quen


Không có một thứ gì mà không buông bỏ được , tất cả đều do vấn đề thói quen của chúng ta , vì cái tâm chấp cứ của chúng ta quá nặng . Chúng ta bị dừng ở chỗ đó , không muốn di chuyển , thích người nào là cặp với người đó , không muốn thay đổi . Nếu là vợ chồng hoặc là bạn của nhau , hai người đều rất tốt với nhau , đương nhiên phải trung thành với nhau , nhưng nếu có một trong hai người mất đi , hoặc họ không còn thương yêu mình nữa , thì chúng ta phải bảo vệ cái tâm bình thường của mình , không thể vì một người nào hay một lý do gì mà mất đi chính mình .

Khi chúng ta bị đau thương quá , có phải chúng ta sẽ quên mất niềm tin không ? (Mọi người đáp : Phải .) Khi chúng ta vì một người mà bi ai quá đỗi , chúng ta sẽ quên đi vạn vật đồng nhất thể , quên đi "bản lai vô nhất vật", quên đi vạn vật đều cùng một nơi mà ra . Chúng ta không nên chấp cứ vào hình tướng của một người , nó tiêu mất ở đây , rồi nó sẽ đi đến một nơi khác , hãy chọn lấy một hình tướng khác .

Thí dụ đôi khi mình rất thích hoa hồng hoặc bất cứ một loại hoa gì , khi cái hoa đó tàn rồi , có phải mình cảm thấy tiếc lắm , cảm thấy nhớ nhung nó , thích nó sống mãi , nhưng nếu mỗi hoa hồng đều sống mãi , thì nó làm sao có thể mọc ra đóa hồng khác ?

Hoặc có một trái xoài đẹp , chúng ta cứ tiếc mà không ăn . Chúng ta cứ nghĩ rằng trái xoài đẹp như vậy phải rung rinh trên cành mãi mãi , cho nên chúng ta không ăn nó . Tuy nhiên , nếu không ăn nó thì cái hột bên trong sẽ không rớt xuống đất được . Nếu không rớt xuống đất được , đợi đến khi những cây xoài kia già đi rồi thì không sanh ra trái nữa , sau đó chúng ta cũng không có cây xoài mới nào để mà thay thế cả .

Cho nên bất cứ một việc gì trên thế giới này , chúng ta không nên quá bi thương . Nếu mình đánh mất đi bất cứ một cái gì , không chừng ngày mai chúng ta sẽ có được một cái còn giá trị hơn nữa . Người Trung Hoa chúng ta có câu chuyện "Tái ông mất ngựa" mà quý vị đã đọc đi đọc lại gần nát sách , cuối cùng cũng còn chưa hiểu trong sự khổ đau và tai nạn đều có điều tốt trong đó sao ?

Mỗi lần tôi đi giải phẫu hoặc bị bệnh , sự thật là được tiêu bớt nghiệp chướng rất nhiều . Tôi cảm tạ lắm , điều này quý vị không tin đâu ! Thậm chí đôi khi tôi nói : "Nếu thật là tiêu tai , tiêu nạn , tiêu nghiệp chướng được nhiều như vậy , thì hãy để tôi bệnh nhiều hơn chút nữa cũng không sao ." Thật ra tôi cũng vui . Đương nhiên khi đau bệnh thì chịu không nổi , quá đau , đau đến nỗi có khi phải kêu la , nhưng không phải là không sung sướng , không vui vẻ để chấp nhận tình trạng đó . Đau là đau, nhưng vẫn vui để chấp nhận . Vì khi bệnh hoạn , là thời gian mà chúng ta được huy hoàng nhất , được tiêu trừ rất nhiều , rất nhiều cảnh giới đen tối , cùng các thứ nghiệp chướng nặng nề . Nếu mà suốt cuộc đời tôi không bi tai , không bệnh , không khổ , chà , chắc tôi chịu không nổi đâu ! Tôi thật không tiêu hóa hết được nghiệp chướng của chúng sanh , cho dù là người có công đức rất cao , nhưng cũng không thể tiêu hóa hết cùng một lúc nhiều nghiệp chướng như vậy . Từ từ còn có thể được , nhưng từ từ là đến chừng nào ? Chúng sanh thì quá nhiều , ở đó mà từ từ cũng không xong nổi .

Cho nên Thượng Đế làm việc theo hệ thống của Ngài , Ngài sẽ giúp chúng ta tiêu nghiệp chướng , mặc dù để cho chúng ta mang nhiều rác rến như vậy , nhưng Ngài cũng giúp chúng ta một tay , cho xe đến , cho người khác đến để phụ khuân vác giùm . Cho nên khi có tai nạn , có bệnh khổ , chúng ta đừng nên oán than mà phải cảm ơn Thượng Đế . Không có sự bệnh khổ này thì quả vị của chúng ta không thăng cao được , vì nghiệp chướng của chúng ta quá nhiều . Mà nếu như không có nghiệp chướng của mình , thì chúng ta vẫn có nghiệp chướng của tổ tiên chúng ta vậy .