Chương III


Sáng hôm ấy, trước giờ đi dạy học, Thanh nhăn nhó bưng bát cháo nóng lên gần miệng húp một thìa rồi lại đặt bát xuống thở dài và rên se sẽ. Bác Cả cắp rổ ra chợ đứng lại hỏi thăm một câu lấy lệ:

- Thế nào ông giáo, hôm nay ông đỡ sốt rồi chứ?

- Cám ơn bà, tôi đã khá.

Thanh trả lời thế cho xong chuyện, vì biết bác Cả cũng chẳng lưu tâm cũng chẳng săn sóc gì đến mình. Thực ra, bệnh sốt của chàng từ chiều hôm trước đã tăng quá mau.

Chàng bỗng bỏ giở bát cháo, đứng dậy lấy mũ trắng đội. Nhưng đầu gối run lẩy bẩy chỉ chực khuỵu.

Chàng tức tối vứt mũ xuống giường, ngồi suy nghĩ, và rút chiếc đồng hồ vỏ sắt ở túi áo ra xem giờ. Rồi lắc đầu phàn nàn:

- Giời ơi! Khổ thân tôi chưa!

Giữa lúc ấy, Ve xách ấm nước chè nụ từ dưới bếp đi lên để bỏ vào giỏ. Lần đầu tiên, nàng nghe thấy ông giáo kêu khổ, người mà nàng tưởng không phút nào không vui vẻ, sung sướng, lúc làm việc cũng như lúc nhàn rỗi, vì nàng thường liếc mắt ngắm trộm ông giáo và thấy nụ cười luôn luôn nở trên cặp môi tươi, dù khi ông ta cặm cụi ngồi chấm bài học trò, hay gặp ngày nghỉ, ông ta chắp hai tay sau lưng, lững thững đi bách bộ bên rặng ổi bờ ao.

Thương hại, nàng hỏi:

- Thưa, ông mệt lắm?

Thanh quay lại ngơ ngác nhìn. Ve thoáng trông thấy đôi mắt đỏ ngầu, và bộ mặt xanh tái.

- Giời ơi! Thầy sao thế kia?

- Không, tôi có sao đâu.

Thanh với mũ, cắp cặp, cố gượng đi. Nhưng, lần được đến cửa, chàng thấy chóng mặt, phải vội víu lấy cánh cửa để khỏi ngã. Ve kinh hãi chạy lại. Nàng không dám đỡ, chỉ áy náy đứng nhìn.

- Thưa ông, dễ ông không đi dạy học được... Phải nghỉ...

- Không sao...

Thanh lại cố gượng đi. Nhưng lần này chàng ngã khuỵu xuống ngưỡng cửa. Không kịp suy nghĩ, giữ gìn, Ve đưa tay ra nâng Thanh đứng dậy, rồi thong thả dắt chàng lại giường.

- Đấy, thầy coi, thầy... không đi được.

Nghe lời nói cảm động và hơi thở mau, Thanh ngước mắt nhìn, mỉm cười cám ơn.

- Cô cũng ốm đấy à?

- Thưa thầy ... không.

Ve bẽn lẽn cúi đầu. Nàng xấu hổ. Thực ra nàng cũng nhận thấy mặt tai và chân tay nàng nóng rực lên. Lần đầu nàng được nâng đỡ một người đàn ông trẻ tuổi, và người đàn ông ấy lại là ông giáo Thanh, người mà nàng vẫn kính trọng, mến yêu thầm kín. Nàng sung sướng để thân thể Thanh uể oải đè nặng lên cánh tay nàng, và hơi thở hổn hển của Thanh nàng tưởng như lướt qua gáy và ngực nàng. Tim nàng hồi hộp đập mạnh, miệng, lưỡi nàng khô rát và tiếng nàng run run;

- Ông... ngồi xuống... Con đi... rót nước... ông xơi nhé?

Nàng bưng lại đưa cho Thanh một chén nước trà khói ngát bốc lên. Thanh mỉm cười:

- Cám ơn cô... Không bao giờ tôi sốt nặng như lần này.

- Có lẽ ông bị cảm thử... Hôm qua nóng bức quá... Ông nghỉ thôi.

Thanh nằm vật ra giường vừa thở vừa đáp:

- Không... thể được, cô ạ... Mấy chục học trò... đương đợi.

Suy nghĩ một lát, Thanh lại nói:

- Giá anh Nghĩa anh ấy dạy hộ một buổi...

- Anh Nghĩa nào thế, thầy?... Cô phải anh Nghĩa con ông lang Đạo không?

- Phải đấy.

- Thế thì được rồi, thầy để con đến bảo anh ấy dạy giúp thầy.

Ve toan chạy đi ngay. Thanh gọi giật lại, nói để đợi viết thư đã. Rồi vừa viết chàng vừa nói:

- Cô Ve này, tôi đã bảo cô đừng xưng con với tôi, sao cô không nghe.

Ve đứng im lặng đưa tay lên kéo mái tóc: mấy hôm trước, khăn sổ, nàng soi gương vấn lại. Ngẫu nhiên nàng ngắm thấy mái tóc xõa gần mắt không những làm cho khuôn mặt nàng bớt rộng mà lại loáng thoáng che được cả cái sẹo ở mi bên phải. Từ đó nàng vẫn có ý kéo thấp mái tóc xuống.

- Nếu cô còn xưng con với tôi, thì... từ rầy tôi không dám nhờ cô một việc gì nữa.

Bắt đầu ngay lúc ấy, bệnh Thanh tăng gấp. Rồi trong luôn ba hôm, chàng sốt mê man, chẳng biết gì.

Hôm nay, chàng như thức một giấc ngủ liên miên đầy chiêm bao, đầy mộng mị. Chàng đưa tay lên trán gạt mồ hôi, nghĩ thầm: "Giời ơi! Mình ngủ say quá? Nhớ mới buổi sáng viết thư cho anh Nghĩa dạy học giúp. Thế là mất hai buổi rồi. Chẳng biết học trò có kêu ca gì không?"

Cái buồng hẹp và tối như làm cho Thanh bứt rứt khó thở. Chàng toan đứng dậy chống cánh phên cửa sổ trông ra ao cho sáng, và thoáng hơn một chút. Nhưng vừa sẽ trở mình, chàng thấy gân cốt đau đớn, và đầu nặng như gắn chặt xuống gối. Chàng cố sức ngồi dậy mà không sao nhúc nhích được chân tay: "Chết chửa! bệnh mình nặng đến thế kia à?"

Chàng định thần nhìn kỹ cái hòm ở chân giường, và bát thuốc cạn đặt trên mặt hòm. Thốt nhiên một giấc mộng dần dần nối tiếp hiện ra trong trí nhớ:

"Chàng ốm li bì, nằm thiêm thiếp, chập chờn nửa tỉnh nửa mê. Trong buồng, mọi vật lờ mờ, và dưới sức nặng buổi trưa, không khí nóng như than hồng bên lò sưởi

"Bỗng một cơn gió mát thổi qua. Hương thơm ngào ngạt đầy phòng. Rồi một nàng tiên yểu điệu, nhẹ nhàng bước vào, một nàng tiên với bộ y phục trắng và trong.

"Thanh mỉm cười nghĩ thầm: "Ta chiêm bao rồi. Chứ thời nay làm gì còn tiên". Nhưng kinh dị xiết bao! Nàng tiên đặt tay mát rợi lên trán chàng. Cái cảm giác mát ấy nhắc chàng biết rằng chàng thức. Chàng sợ hãi, kêu ú ớ rồi ngất đi.

"Lúc tỉnh dậy, chàng vẫn thấy nàng tiên đứng bên giường. Nàng thì thầm nói với chàng những lời dịu dàng êm ái rồi đỡ đầu chàng, đưa bát thuốc đến tận miệng cho chàng uống. Từ lúc đó, luôn luôn nàng tiên hiện đến thăm chàng. Có khi nửa đêm nàng cũng đến đưa tay xoa trán chàng, lắng tai nghe ngóng vài phút, rồi khi thấy chàng ngủ yên lại biến đi ngay... Kỳ thực, Thanh vẫn thức, nhưng chàng vờ lim dim cặp mắt làm như ngủ say để được ngắm nghía nàng tiên trong khi nàng bất ý..."

Ôn lại giấc chiêm bao, Thanh tưởng như nằm chiêm bao một lần nữa và muốn liên miên kéo dài mãi những cảm giác êm đềm trong giấc mộng đẹp. Một tiếng động khẽ ở cửa buồng. Có ai rón rén bước lại gần giường. Chàng nằm im chờ đợi. Một bàn tay mát đặt lên trán chàng. Chàng tưởng ngửi thấy hương thơm và se sẽ như nói mê: "Nàng tiên đã đến." Chàng sung sướng ngước mắt nhìn lên, và chỉ thấy Ve đầu tóc rối bù, quần áo lếch thếch. Chàng thở dài, thất vọng, chán nản.

Ve vui mừng hỏi:

- Thưa ông đã tỉnh?

Thanh cáu kỉnh nghĩ thầm; "Ngủ dậy thì tất là phải tỉnh, rõ hỏi lẩn thẩn!?" Nhưng Ve nói tiếp:

- Mấy hôm nay, ông sốt nặng quá, nói mê sảng luôn mồm.

- Mấy hôm nay?

- Vâng, ba hôm nay.

Thanh lo lắng tự nhủ "Ba hôm! Thế mà mình tưởng một nửa buổi". Vơ vẩn chàng nghĩ đến truyện thần tiên: "Mình mộng gặp tiên có khác vì ở tiên giới có lẽ một ngày dài gấp ba ở nhân gian".

Thầy Thanh nằm im, Ve đã bỏ xuống bếp. Một lát nàng bưng bát thuốc đến bên Thanh.

- Thưa ông, thuốc tôi hãm vừa uống, xin mời ông xơi ngay chẳng nguội.

Thanh mỉm cười mỏi mệt và thì thào câu cám ơn. Rồi chàng cố ngồi dậy, nhưng không sao cử động được chân tay. Ve phải cúi nâng đầu chàng lên chàng mới uống được thuốc. Trong lúc sốt sắng trông nom người ốm, Ve chẳng kịp nghĩ đến giữ gìn và hổ thẹn.

Đầu Thanh nóng bừng đặt vào trong cánh tay và cái ngực béo mát của Ve. Cảm giác êm đềm ấy làm cho trí Thanh liên miên nhớ tới giấc mộng ôn lại giở chừng. Và Thanh mơ màng tưởng tượng ra một cách rõ rệt, với những màu, những nét tươi sáng dịu dàng, cái dung nhan kiều diễm, cái dáng điệu tiên nga của người đương âu yếm nâng niu chàng. Mắt chàng như được trông thấy hai bàn tay trắng nõn, mềm mại, nhẹ nhàng đỡ hai bên tay chàng để đặt đầu chàng xuống gối.

- Ve!

Lần thứ hai giấc mộng đứt. Ve lẩm bẩm:

- Làm gì mà gọi ầm lên thế không biết?

- Ve! Con chết tiệt, mày có đi dọn cơm không? Gần tối rồi, còn gì.

Ve thì thầm bảo Thanh:

- Ông nằm nghỉ. Lát nữa tôi bưng cháo vào ông xơi nhé.

Rồi Ve tất cả chạy ra ngoài. Tiếng bác Cả lọt vào tai Thanh:

- Con bé thế thì thôi. Rúc cổ xó nào hết ngày hết buổi.

Tiếng Ve đáp khẽ, Thanh không nghe rõ, nhưng bác Cả vẫn oang oang:

- Rồi hỏi thầy ta xem quê quán thầy ta ở đâu, hay thầy ta có bà con nào ở Hà Nội không để nhắn đến mà đưa thầy ta về. Nhỡ thầy ta chết ra đấy, thì sao?

- Ô hay! Bu nói khẽ chứ!

*
* *

Đêm khuya, Thanh thét lên một tiếng trong giấc chiêm bao dữ dội. Chàng vừa mơ thấy chàng chết. Họ hàng thân thích không ai. Bên giường, nàng tiên đứng khóc, nước mắt rỏ lên mặt chàng. Bỗng bác Cả hung tợn bước vào lớn tiếng thét:

- Khiêng vứt xác thầy ta ra đường kia.

Thanh sợ hãi níu lấy vạt áo nàng tiên và tỉnh dậy.

Bên ngoài, mưa gió, sấm chớp. Trong buồng ai vừa thoáng hiện ra lại vụt biến đi.

Và Thanh sung sướng tưởng tới nàng tiên xinh đẹp.