Chương 2 - HẠnh PHÚC


Ở cổng vào trường Bảo-hộ, Liên đứng chờ tin-tức kỳ thi vấn đáp của chồng. Nàng vẫn đoán chắc thế nào Minh cũng đậu nhưng lòng nàng vẫn không tránh khỏi thấp-thỏm, băn-khoăn lo-lắng. Tâm trí luôn luôn bị những sự nghi ngờ không đâu vây kín. Và không biết bao nhiêu lần, nàng tự nhắc thầm một câu vỏ-vẹn hai tiếng nhưng vô cùng ghê sợ: “Biết đâu?”

Phải, biết đâu! Ở đời luôn có những sự bất ngờ xảy ra. Đã có lúc Liên toan trở về nhà. Rồi phân vân, nàng ở lại. Vừa do dự, vừa lúng túng, hết đứng núp cổng nhìn vào trong sân trường lại ngồi lánh ra vệ cỏ bên đường chờ đợi. Nàng chỉ sợ ngộ nhỡ chồng nhìn ra bắt gặp thì nàng sẽ bị chàng mắng. Vì ngay từ khi bắt đầu vào thi Minh đã dặn nàng đừng đến cổng trường mong ngóng hỏi han tin-tức để làm chàng sốt ruột.

Đó cũng chẳng qua là một cái cớ mà thôi. Kỳ thực là vì Minh bẽn lẽn, nhút nhát như đa số thiếu-niên hàng ngày. Họ không muốn bạn bè học chung biết họ đã có vợ rồi. Chỉ vì tiêm nhiễm những tư-tưởng phóng đãng của thời-đại, đối với chủ nghĩa gia-đình họ cố làm ra vẻ lãnh-đạm khinh xuất. Vì thế, tuy rất yêu quý vợ, nhưng hễ gặp ngoài đường thì Minh lại không dám vồ vập, hỏi han bao giờ. Ở ngoài đường còn thế, huống hồ là ở nơi công cộng, đông đủ các anh em bạn học.

Liên thì hiểu theo một ý khác. Nàng cho rằng chồng nàng là thư-sinh, một bậc trí-thức mà nàng lại là một kẻ hạ-tiện vai mang đầu đội. Nếu ở trước công chúng nàng nhận là vợ Minh tức là làm giảm mất giá-trị của chàng đi. Ý nghĩ ấy đã có trong đầu từ lâu chứ chẳng phải vì lời dặn cặn kẽ của Minh gợi ra trong tâm trí nàng. Tuy vậy, nàng cũng không cho rằng như thế là bị chồng hất hủi vì nàng vẫn tin ở tấm lòng yêu mến của Minh.

Những ý tưởng ấy chỉ thoáng qua trong trí của Liên thôi vì bao nhiêu tinh-thần nàng để cả vào sự chờ đợi kết quả kỳ thi của chồng. Bước chân sột soạt trên sỏi, chỉ cần một tiếng dộng cũng đủ làm cho nàng giật mình hoảng hốt.

Tiếng cười ha hả ở trong trường đưa ra làm cho nàng đứng phắt dậy như bị một động cơ sai khiến. Hai người qua cổng trường đến bắt ay một người thứ ba đứng đợi ở gần chỗ Liên rồi vui cười cùng nói:

− Chúng tôi đỗ cả rồi.

Liên mặt tái xanh, thấy lạnh cả người, cuống quít hỏi một câu ngớ ngẩn:

− Thưa hai ông, thế nhà tôi có đỗ không?

Tiếng trả lời là một tràng cười khanh khách. Một người trong đám hỏi nàng.

− Chồng cô là ai? Ai biết được chồng cô là ai!

Người đứng bên ý chừng đã kịp nhìn kỹ lại dung nhan đẹp đẽ của Liên mỉm cười vỗ vào ngực đáp:

− Đỗ rồi! Chồng cô đỗ rồi!

Vì bối rối không kịp nghĩ ngợi, Liên tưởng thật.

− Thế à! Nhà tôi đỗ rồi à?

Trong lúc quá sung sướng, hai chàng chỉ biết đùa bỡn pha trò, nhưng chợt nghĩ ra rằng chồng người kia là bạn học của mình thì bỗng đâm ra hối hận. Hai người liền đổi thái-độ, ân cần trịnh trọng hỏi Liên:

− Xin lỗi chị, chúng tôi cợt nhả như thế thật là bất nhã. Vậy anh ấy tên là gì thế chị?

Liên ngần ngại không dám nói sợ làm mất thể diện chồng. Nhưng lòng trông ngóng vượt qua được tất cả các sự rụt rè.

− Anh Minh, Nguyễn Minh.

Liên lo lắng đợi câu trả lời, nhưng nào họ có trả lời ngay cho! Một người có vẻ kinh-ngạc hỏi lại:

− Anh Nguyễn Minh à?

Liên cất giọng run run:

− Vâng, tên anh ấy là Nguyễn Minh. Sao... thế... ông...?

− Vậy chị là chị Nguyễn Minh phải không ạ?

− Vâng, tôi không dám. Thưa ông...

− Thôi, thế thì chị về mà chuẩn-bị ăn mừng đi. Anh Minh đỗ rồi, mà còn đỗ đầu nữa là đàng khác!

Liên thở dài như trút hết được bao nhiêu phiền muộn lo âu trong lòng. Nàng chắp tay chào nói lời cảm tạ khách sáo rồi cắm đầu chạy.

Trưa hôm ấy, sau khi lang-thang một hồi, tán gẫu với các bạn trúng tuyển, Minh lững thững trở về nhà. Chàng định bụng trêu vợ, cố làm ra vẻ buồn rầu để nàng lầm tưởng rằng chàng thi trượt. Song vừa tới cổng, chàng đã gặp Liên tươi cười hớn hở đứng chờ. Minh thở dài không nói gì. Liên cũng đoán ra phần nào ý định của chồng nên nàng cũng giả vờ hỏi:

− Mình làm sao thế?

Minh cố làm ra vẻ chán nản trả lời:

− Chả sao cả, mình ạ.

Liên pha trò:

− Nhưng sao trông mặt mình cứ như đồ tể đánh chết trâu vậy!

Minh không nhịn được nữa, mới phì cười:

− Thế nào là mặt đồ tể đánh chết trâu?

Chợt trông thấy bên hàng rào có cái lồng nhốt một con gà mái liền hỏi:

− Mình mua gà để nuôi đấy à?

Liên đáp gọn:

− Không, để ăn.

− Mình hoang phí thế kia?

Liên bèn làm mặt giận:

− Mình đã thấy em hoang phí bao giờ chưa? Chẳng lẽ hôm nay mình thi đỗ lại không đáng ăn mừng một con gà ư?

Minh vờ hoảng hốt hỏi:

− Sao em biết anh đỗ? Anh đỗ thật à?

− Rõ hỏi ngớ ngẩn chưa!

− Ừ, nhưng mà sao mình lại dám đoán rằng anh đỡ kia chứ? Nếu như anh bảo rằng anh thi trượt thì mình nghĩ sao?

− Thì em không tin.

− Sao em lại không tin?

− Vì đã có thần nhân báo mộng cho em biết rồi. Thần nhân bảo không những anh thi đậu, mà còn đậu thủ-khoa nữa kìa!

Minh không nhịn nổi, phá lên cười:

− Vâng, thì chịu thua ‘thần’ rồi! Nhưng này, hỏi thật nhé, làm sao em biết hay vậy?

Nghĩ tới lời dặn dò của chồng trước khi đi thi Liên chợt nơm nớp lo sợ, đứng im không dám trả lời. Minh cười, nhắc lại câu hỏi:

− Sao em biết tin? Anh hỏi sao không chịu nói gì cả?

Liên nũng nịu:

− Nhưng em sợ anh mắng.

Minh cười, giọng âu yếm:

− Cứ nói đi. Không lẽ anh là hạng người đi mắng vợ lo lắng cho anh à?

Liên vẫn do dự, ngẫm nghĩ rồi vừa cười vừa chạy vào trong nhà nói thật mau:

− Em đến trường xem bảng.

Liên nói vậy cho xong chuyện để khỏi phải thuật lại lúc nàng bị mấy người bạn học của chồng bỡn cợt ra sao trước khi cho biết sự thật. Minh nghe xong cả cười nói:

− Có thế thôi mà phải giấu với diếm!

− Tại mình dặn em đừng đến đợi tin-tức nên...

Liên bỏ dở câu nói vì chợt nhớ ra mình chưa làm cơm. Nàng đổi đề-tài nói với chồng:

− Quên nữa! Ông Hoạt bận việc nhà nên xin nghỉ hôm nay thành ra chưa có ai thổi cơm. Thôi, mình chịu khó ăn tạm bữa cơm xoàng sáng nay nhé, để đến chiều em làm tiệc ăn mừng thết mình, chịu không?

Minh sung sướng, cười nói:

− Thì ra mình mua gà là để làm tiệc thết anh đấy hả?

Hai vợ chồng cùng đi với nhau lại nhìn lồng gà. Liên cúi xuống bắt gà ra cầm hai chân dốc ngược xuống trước mặt chồng như để phô trương một vật quý giá. Chị gà mái hình như nghĩ đến cái chết gần kề nên kêu lên những tiếng hết sức bi ai, giọng khàn khàn chẳng khác một người bệnh trong cơn hấp hối. Minh ngắm gà buộc miệng khen:

− Con gà đẹp quá mình nhỉ?

Liên cười hài lòng:

− Em mua có hai hào tám thôi đấy.

− Ồ, rẻ nhỉ!

− Mình cũng biết là rẻ à?

Minh nhìn con vật vỗ cánh giẫy giụa thì đem lòng thương hại. Chàng lắc đầu, chép miệng:

− Tội nghiệp! Thế mà chiều nay phải chết rồi! Anh có ngờ đâu con vật đáng thương này phải trả giá cho niềm vui sướng của chúng mình bằng chính mạng sống của nó!

Liên nhìn chồng ái ngại. Bằng một giọng thật tình, Minh nói:

− Hay để nuôi hay hơn mình ạ!

− Nhưng còn bữa tiệc mừng?

− Cần gì phải mừng! Có em vui bên anh thì còn gì phải mừng hơn nữa chứ!

Liên tỏ vẻ không bằng lòng:

− Không! Bữa tiệc ấy em đã nghĩ đến từ lâu, thế nào cũng phải có mới được!

Minh suy nghĩ một hồi rồi đề-nghị:

− Hay là chúng ta đi cao-lâu ăn một bữa đi?

Liên giẫy nẩy:

− Trời ơi! Ăn cao lâu thì tốn tiền quá mình ạ!

− Không tốn bao nhiêu đâu, nếu mình chọn hiệu nào nhỏ thôi.

Liên nghe nói mừng rỡ:

− Thế mình đi ăn ngay bây giờ có được không?

− Có gì mà không được!

− Nhưng ăn ở đâu đây mình?

− Ở phố Hàng Buồm.

− Ở mãi tận phố Hàng Buồm kia à? Thế thì mình phải đi ngay thôi!

Minh ngắm vợ, giọng hơi ngại ngùng:

− Em nên thay bộ quần áo khác thì hơn. Bộ này dây đất dây cát trông lôi thôi lắm.

Liên cúi xuống nhìn, quả thấy lấm láp và nhem nhuốc. Nàng hơi ngượng nói với chồng:

− Chết chửa! Nếu mình không bảo thì em quên mất! Em vừa làm vườn xong dính toàn bùn lầy của trời mưa hôm qua.

Liên vào nhà thay quần áo. Minh đứng bên hàng giậu ngắm vườn. Những luống đất vàng mới xới trông rất gọn gàng vuông vắn lấm tấm chen chúc những cây cúc xanh non mới gieo. Trong lòng Minh tràn ngập niềm vui. Chàng thấy mọi vật đều trong sáng, hoa cỏ đẹp đẽ tươi tốt, thơm ngào ngạt hơn nọi ngày. Ngẫu nhiên, Minh nhớ tới lời nói của Liên mấy tháng trước đây: “Sự sung sướng ở tự trong đáy lòng ta chứ không phải từ ngoài vào”.

Lúc đó, chàng cho là một lời nói ngây thơ khả ái. Nhưng giờ đây, chàng nhận thấy vợ mình thật sâu sắc, không thua gì một triết-gia lỗi-lạc. Quan-niệm của nàng rất bình thường không cầu kỳ, nhưng không phải ai cũng nhận-thức và giác-ngộ được.

− Mình ngắm gì thế?

Minh quay lại. Liên mặc áo nâu non, quần lĩnh thâm. Thấy chồng nhìn thì ra chiều bẽn lẽn cúi xuống lấy tay vuốt nhẹ tà áo. Minh hỏi:

− Sao mình không đi đôi dép anh mua cho độ nọ?

Liên lẳng lặng ngoan ngoãn vào buồng lấy đôi dép quai da bóng láng rồi đi rửa chân. Lát sau nàng trở ra ‘trình-diện’ chồng cười nói, giọng nửa đùa nửa thật:

− Thôi nhé, đừng làm tội em thêm nữa nghe mình!

Minh vội vàng cắt nghĩa cho vợ hiểu:

− Nào anh có muốn làm phiền em đâu. Chẳng qua là mình ra ngoài thì cũng nên ăn mặc cho chỉnh tề một chút.

Liên buột miệng hỏi:

− Thế mọi hôm em đi bán hoa thì sao?

− Mọi hôm khác!

Trả lời xong Minh mới thấy mình thật quá vội vàng, nói năng một cách thiếu suy nghĩ. Chàng đứng thộn thừ ra, tự nói với mình:

− Ừ nhỉ! Sao mọi hôm lại khác với hôm nay? Hay là vì mình sợ đi cạnh một người ăn mặc đơn sơ giản-dị khiến cho thiên-hạ cười chăng? Hoặc là bởi vì mình vừa thi đậu sắp sửa nên ông này ông nọ nên thành ra đã bắt đầu ‘phú quý sinh lễ nghĩa’ rồi!

− Mình nghĩ điều gì vậy?

Câu hỏi bất ngờ của Liên làm Minh trở nên lúng túng.

− Không, anh có nghĩ gì đâu.

− Hay là mình sợ ngượng?

Minh vờ như không hiểu, hỏi lại:

− Em bảo vì sao anh lại ngượng? Mà ngượng cái gì?

− Vì anh đi với em ngoài đường. Điều ấy em đã nghĩ tới rồi anh ạ. Anh cứ đi trước cách em một quãng, để em theo sau là được.

Minh nhìn vợ mủi lòng, ứa nước mắt:

− Em thật quá lẩn thẩn rồi! Anh mong muốn từ nay trở đi em đừng bao giờ nghĩ như thế nữa nghe chưa! Thôi, mình đi!

Dọc đường, hai vợ chồng được nghe không biết bao nhiêu lời chúc tụng của dân làng. Liên sung sướng, vô cùng hãnh-diện bên cạnh chồng. Đi nửa giờ đồng hồ hai vợ chồng mới đến được vườn Bách-Thảo vì cứ vài bước lại gặp người quen giữ lại hỏi chuyện. Nào là chuyện thi cử, nào là chuyện xin việc làm... Lại có người đùa, đòi Minh làm một chầu khao bạn bè.

Rốt cuộc, phải một giờ sau hai người mới tới được một tiệm cao lâu nhỏ của người Tàu ở phố Hàng Buồm. Minh đưa Liên vào cái buồng nhỏ duy nhất dành cho thượng-khách của nhà hàng.

− Anh chỉ biết có mỗi một hiệu này thôi vì có một lần anh Văn rủ anh đến đây ăn.

Liên nghe nói lộ vẻ luyến tiếc, giọng thật thà:

− À quên nhỉ! Giá mà mình mời anh Văn đi chung thì vui quá.

Minh cười:

− Nhà anh Văn giàu có sang trọng thì thế nào mà chả có tiệc linh-đình cho anh ấy.

− Anh Văn cũng đỗ chứ?

− Dĩ-nhiên. Anh ấy học giỏi kém gì anh!

− Thích nhỉ!

Câu khen ngợi của Liên vô tình làm cho Minh khó chịu vì thấy vợ quá lưu ý đến bạn. Tuy chàng không ghen, nhưng không khỏi nghĩ ngợi bâng quơ.

− Mình sao vậy?

Minh mỉm cười gượng gạo.

− Không, anh có sao đâu!

Vừa lúc ấy, người chạy bàn, một người đàn ông đứng tuổi đến hỏi:

− Thưa, ông bà dùng gì?

Cả Minh và Liên nhìn nhau chẳng biết ăn món gì, mà cũng chẳng biết có những món gì để gọi. Người chạy bàn cười, nói với hai người.

− Hai ông bà cứ từ từ suy nghĩ đi. Một phút nữa tôi sẽ trở lại.

Đoạn ông ta chạy sang bàn khác phục-vụ cho hai vợ chồng được tự-nhiên, có chút thì giờ để quyết-định. Liên hỏi Minh:

− Mình ăn gì đây anh?

Minh cau mày ngồi nặn óc.

− Anh chỉ biết có mỗi một món mì bò, hào hai một bát.

− Thế thì chỉ mới có 24 xu thôi. Anh muốn ăn thêm gì cứ ăn, nhưng không được quá một đồng đấy nhé!

Minh cười:

− Thế nhỡ anh muốn ăn bóng?

Liên tưởng chồng nói thật, ngớ ngẩn hỏi:

− Thứ đó thì mất bao nhiêu tiền?

− Cũng chẳng bao nhiêu, chỉ độ hai đồng thôi.

Liên nhớn nhác nhìn Minh khiến chàng phải phì cười. Khi ấy, người chạy bàn đã trở lại. Ông ta hỏi:

− Ông bà đã nghĩ ra chưa? Định gọi gì đây?

Minh lại nhìn Liên. Nàng đành cố bạo dạn hỏi:

− Có những món gì, bác?

Người chạy bàn chống hai tay ngửa mặt nhìn lên trần nói:

− Cánh gà rán này... Cá sông cả con này... Các loại cháo dùng buổi sáng này...

Liên bỗng ngắt lời:

− Cánh gà rán thì bao nhiêu? Bán ra làm sao?

− Bảy hào nửa đĩa.

Liên nhìn chồng rồi lại đánh liều, hỏi tiếp:

− Bác ạ, chúng tôi chỉ muốn dùng đại-khái những món nào rẻ tiền thôi.

Người chạy bàn vui vẻ đáp:

− Vậy thì có thịt bò xào cải làn, thịt bò áp chảo, mỗi thứ chỉ có hai hào thôi.

Liên mừng quýnh vì nàng không ngờ ở cao lâu lại có những món ăn rẻ tiền như vậy. Nàng luống cuống, gật lia gật lịa.

− Vâng, thế thì tốt lắm.

Người chạy bàn lại hỏi:

− Có lấy cơm không?

− Có chứ!

− Vậy thì ông bà nên lấy hai hào cơm và một hào canh đi. Vừa rẻ mà ăn cũng ngon và no.

Dĩ-nhiên là Minh và Liên đồng ý. Liên cẩn thận ‘đi chợ’:

− Như thế vị chi tất cả là bảy hào phải không bác?

Người chạy bàn gật đầu. Ông ta lại hỏi:

− Có uống rượu không?

Minh xua tay đáp:

− Thôi, khỏi cần. Cám ơn bác.

Liên xoay sang nói với chồng:

− Còn những ba hào nữa kia mà! Sao mình không uống tí rượu cho vui?

Minh nhìn vợ cười đáp:

− Anh không biết uống rượu.

− Nhưng hôm nay là ngày vui đáng mừng. Em muốn mình uống một tí. Có rượu mới ra tiệc chứ phải không mình!

Hai người bàn luận một hồi. Sau cùng Minh đành chiều ý vợ, đồng ý gọi thêm một hào rượu. Miễn rượu là được rồi, không cần biết phải là loại nào.

Bữa cơm tuy bình dân nhưng đôi vợ chồng xem như một bữa tiệc linh đình vậy. Hơn nữa cả hai người đều đói nên càng ăn càng thấy ngon miệng. Lại thêm chút hơi men chuếnh choáng vào nên mặt cả hai nóng bừng lên, nhưng trong lòng họ vui vẻ không biết nói sao cho hết lời.

Bữa ‘tiệc’ kéo dài hơn một tiếng. Khi trả tiền xong, Minh lấy 5 xu lẻ tặng cho người chạy bàn. Liên ngạc-nhiên hỏi:

− Ủa, có lệ phải đãi người chạy bàn nữa sao?

Minh lắc đầu, mỉm cười:

− Không. Nhưng vì anh thấy bác ta tử tế, tận tình chỉ cách cho mình gọi các món ăn vừa rẻ, vừa ngon, lại vừa no. Hơn nữa, hôm anh đi ăn với anh Văn thấy anh ấy vẫn cho vậy.

Trên đường trở về nhà thì ‘hai anh chị’ quên cả giữ gìn ý tứ. Liên đi sát bên chồng hỏi chuyện luyên-thuyên, hết nói lại cười. Chính ở niềm vui đã làm cho con người quên hết những muộn phiền, những điều e lệ thẹn thùng.