Chương 2


Sáng hôm sau, Ngọc đương ngủ say, bỗng tiếng chuông chùa inh ỏi đánh thức. Ngọc giật mình, mở choàng mắt, ngơ ngác, không nhớ mình nằm ở đâu. Thấy chú tiểu Mộc bưng đặt thau nước trên chiếc ghế đẩu, Ngọc chợt nhớ ra và hỏi:

- Mấy giờ rồi chú?

- Thưa ông, vào khỏang cuối giờ dần, sang đầu giờ mão.

Ngọc nghe nói, mỉm cười, súng sính bộ quần áo "pijama" ra hiên rửa mặt. Trong vườn trước sân, các lá sắn hình hoa thị còn đọng giọt sương lóng lánh. Dưới chân đồi một dòng nước bạc thấp thoáng lượn trong sương mù.

Mặc xong quần áo, Ngọc vội vàng lên chùa.

Trên chiếc bục gỗ, trải chiếu đậu, sư cụ ngồi tụng kinh, mắt đâm đâm nhìn thẳng vào quyển sách có chữ to đặt trên cái kỷ nhỏ gỗ mộc. Tay phải sư cụ gõ mõ như để chấm câu, cứ đọc bốn chữ lại đánh một tiếng. Tay trái sư cụ đặt trên quyển Kinh, thỉnh thoảng lại rời trang giấy, nhắc chiếc dùi gõ vào thành cái chuông con hình dáng như cái lon sành.

Sư cụ có vẻ tôn nghiêm lắm. Bao nhiêu tâm trí thu cả vào quyển Kinh, không hề thấy cụ liếc mắt ra chỗ khác. Các pho tượng ngồi trên bệ gạch như đương lắng tai nghe, có vẻ trầm tư mặc tưởng.

Tiếng kinh du dương, mùi trầm ngào ngạt, Ngọc tưởng tượng sống trong một thế giới khác, thế giới mộng ảo thần tiên... Bỗng một tiếng chuông. Ngọc giật mình ngỏanh lại. Theo tiếng ngân, chàng lần tới một cái bậc gạch bên tả, rón rén lần từng bước leo lên cái gác chuông con. Tới bận thượng cùng, vừa nhô đầu lên, chàng nghe có tiếng "đà Phật" rồi kế tiếp một tiếng chuông. Ngước mắt nhìn, chàng gặp chú Lan tay cầm chiếc vỗ gỗ.

Thấy Ngọc, Lan hơi đỏ má, mỉm cười ngả đầu chào.

Đôi bạn mới gặp nhau hôm qua nay đã như có chiều thân mật. Song chú tiểu vẫn chăm chú vào phận sự: đọc đứt một câu lại đánh chuông. Những câu niệm Phật ấy dần dần ngắn bớt, và những tiếng chuông kế tiếp một lúc một thêm gần nhau cho tới khi đổ hồi.

Ngọc đứng chờ đến mười lăm phút cho chú tiểu đánh xong hồi chuông cuối cùng, đặt vồ xuống gác.

- Sao chú phải cầu kinh thế mới đánh được chuông?

Lan cười:

- Đánh chuông phải đọc thần chú, chứ.

- Thần chú! Hay nhỉ?

- Nghĩa là mười câu niệm Phật, ba hồi, một trăm hăm ba tiếng.

- Vậy nhớ được cũng khó lắm nhỉ?

- Phải học thuộc lòng chứ.

- Những ba hồi, một trăm hăm ba tiếng! Thảo nào mãi bây giờ mới dứt hồi. Tiếng chuông thứ nhất của chú làm tôi thức giấc. tôi tiếc quá, vì đương giở cái chiêm bao.

Lan dịu dàng hỏi:

- Thưa ông, chiêm bao lành hay dữ?

- Chiêm bao thú lắm. Tôi thấy tôi đi với một người sư trẻ tuổi, chỉ vào trạc tuổi chú mày mà thôi. Chúng tôi đi trên con đường quanh co ngoắt ngoéo, ở giữa hai trái đồi. Cây cối um tùm, ánh trăng chiếu sáng qua những khe lá, bóng in xuống đất như gấm như hoa. Một lát sau chúng tôi đến một cảnh bồng lai. Dưới chân một ngọn núi, dòng nước chảy róc rách như tiếng gõ mõ, tên cành, chim hót véo con, bên mình, ai cười khanh khách. Tôi quay đầu lại, thì lạ quá! Bạn tôi đã biến thành một trang tuyệt thế giai nhân... Ấy chính lúc đó, tiếng chuông của chú làm tôi thức giấc.

Chú Lan bẽn lẽn:

- Mộng mị của ông đầu Ngô, mình Sở đến buồn cười!

- Lạ nhất là người con gái ấy lại là chú.

Chú tiểu hai má ửng đỏ. Chú cười sằn sặc như muốn giấu hổ thẹn rồi đáp lại:

- Nam mô A di đà Phật! Kẻ đã quả quyết xuất gia tu hành thì trai cũng thế mà gái cũng thế, có khác chi. Vậy bây giờ giá đức Thích già có dùng phép mầu nhiệm bắt tiểu này hóa ra làm gái, cũng không có gì thay đổi cả, kia mà. Tôi còn nhớ một hôm sư tổ giảng sự tích Phật, có dạy rằng:

"Phật bình sinh đối với đàn bà, con gái vẫn có bụng nghi ngờ, cho rằng bọn họ không những không đủ tư cách để tu hành được trọn vẹn mà lại thường làm sự ngăn trở sự tu hành của những kẻ thành tâm mộ đạo. Cho nên ngài thường dạy các môn đồ đối đãi với đàn bà con gái rất nên cẩn thận, phải xa lánh họ và ra công ngăn ngừa cho khỏi mắc vào lưới dục tình."

Sư tổ lại theo gương Phật mà dạy chúng tôi rằng: "Đối với đàn bà con gái phải coi họ như mẹ mình, khi họ hơn tuổi, hay bằng tuổi mình, và nếu họ kém tuổi mình thì nên coi em ruột mình, lúc nào cũng phải yên tâm yên trí như thế mới mong tránh được sự cám dỗ."

Tôi đã hết sức luyện tâm trí tôi được như lời sư tổ dạy, nên tôi coi đàn ông hay đàn bà không khác nhau chút nào, và ví phỏng bây giờ tôi hóa ra làm con gái, tôi cũng không biết là trai hay gái, chỉ nhớ rằng mình là người xuất gia tu hành mà thôi."

Ngọc ngờ Lan là gái, nên bịa đặt ra câu chuyện chiêm bao để dò ý tứ. Khi nghe Lan cố lấy giọng tự nhiên, diễn lời Phật dạy, Ngọc lại càng ngờ lắm. Chàng vừa cười vừa bảo chú tiểu:

- Chú cứ dốc lòng cầu nguyện được cãi nam vi nữ đi, đức Thích già sẽ chuẩn y cho sự ước vọng của chú được thành sự thật đấy.

Lan có vẻ ngẫm nghĩ, rồi đột nhiên hỏi Ngọc:

- Đời nay có thể có bậc Quan Âm Thị Kính không nhỉ?

Ngọc ngơ ngác hỏi lại:

- Thị Kính là ai thế, chú?

Lan mỉm cười:

- Vậy ra về đạo Phật ông kém cỏi lắm nhỉ? Thế mà muốn đi tu sao được! Bà Thị Kính tức Quan Âm, là một người Triều Tiên cải dạng nam trang để xuất gia đầu Phật...Chắc nay trong đám phụ nữ chả ai có gan dám cải dạng như thế.

Ngọc ngẩn người ra, nghĩ vơ nghĩ vẫn có ý buồn rầu. Quay lại thì Lan đã bước xuống thang.

- Chú xuống đấy à?

- Vâng, tôi đi thắp hương.