Cháu Ái


Ái chơi ô tô ở chung quanh nhà. Trí tưởng tượng của trẻ con rất dễ dàng mà rất có tài khiến một vật hay một việc trở nên sự thực như ý muốn. Ái chỉ một mình lượn vòng tròn trong miếng đất, mà mắt nó trông thấy biết bao thứ vô thanh. Mồm nó kêu luôn: "Bí bo? Bí bo!" là một cái kèn ô tô rất tốt, hai tay nó khùynh ra làm như hệt người tài xế lái ô tô, chân nó giậm xuống đất bành bạch đề bắt chước tiếng bánh xe lăn trên đường đá. Thỉnh thoảng nó dừng lại quay ra hỏi một cái thân cây bên hàng giậu:
- Có lên xe không?

Nó lại trả lời ngay một câu hỏi tưởng tượng:
- Đây đi Phủ Đoan Sáu hào... Không được! Giá nhất định sáu hào, không bớt một xu, không đi thì thôi.

Rồi nó cắm đầu chạy.
- Bác tài ơi, cho tôi lên với.

Ái đứng lại quay cổ nhìn sang hai bên, hỏi:
- Ai gọi xe đấy?

Có tiếng trả lời ở cổng:
- Tôi!
- Mấy người.

Sau một dịp cười, bà Án - vì người ấy chính là bà Án, - đáp:
- Có hai người thôi.
- Vào mà đi!
- Nhưng cửa đóng khóa vào sao được?
- Vậy đứng ngoài đợi một tí để em gọi ông Hạnh cho nhé.

Ái lại mồm kêu bí bo, chân giặm bành bạch lượn về lối sau. Một lát nó cùng ông Hạnh đi ra. Ông lão bộc nhác trông thấy bà khách có một người đàn ông vận áo lương theo hầu, thì đoán chắc là quý khách, liền cung kính chắp tay chào:
- Lạy bà ạ! Thưa bà hỏi gì à?
- Không dám. Ông giáo có nhà không, ông?
- Thưa bà, cậu giáo tôi đã đi dạy học, cũng sắp về đây. Vì tàu đã ngược thì cũng đến quá mười giờ rưỡi rồi.
- Lúc bấy giờ chiếc ô tô hàng chạy qua cổng.

Ông Hạnh liền trỏ vào bà Án:
- Đấy, xe Tuyên đấy! Gần mười một giờ.

Rồi ông ta vừa mở khóa vừa nói:
- Thưa bà, vì cả nhà đi vắng tôi lại bận dọn cơm ở dưới bếp, nên phái đóng khóa cổng, sợ em Ái ra đường.

Bà Án có vẻ thất vọng, ngơ ngác hỏi người lão bộc:
- Vậy cô.. Vậy bà chị... ông giáo cũng đi vắng à?
- Thưa bà, cô Mai?

Bà Án chưa kịp trà lời, ông Hạnh đã tỏ ý buồn rầu và nói luôn:
- Thưa bà, kể thì là bà Tham cơ đấy, nhưng cô tôi không cho gọi là bà Tham, bắt cứ phái đọc tên tục ra như thế.

Bà Án làm bộ không hiểu:
- Thế à? Vậy cô... Vậy bà ấy đi Vắng ư?
- Nhưng mời bà cứ vào chơi. Ý chừng bà nuốn mua sơn hẳn thôi. Cô tôi cũng sắp về.

Ông Hạnh đưa khách vào và anh người nhà vào sàn rồi lại toan khóa cổng, thì bà Án vội gạt đi:
- Thôi được, ông để tôi coi cháu cho, chả cần phải đóng cổng.
- Thưa bà chả dám... Nhưng mời bà vào chơi trong nhà. Thưa bà, bà hỏi cậu giáo tôi có việc gì thế? Hay bà đến mua sơn?

Bà Án đương ngẫm nghĩ tìm câu trả lời, thì Ái lượn ở phía sau ra, vẫn cái mồm "bí bo! bí bo!". Thấy bà Án đứng cười, nó vội kêu:
- Kìa! Xe ô tô bóp còi mà không tránh!

Bà Án cúi xuống toan bế Ái lên, nhưng Ái giật mạnh tay ra:
- Ô kìa! Sao lại ôm ô tô?

Bà Án cười:
- Ô tô ngoan nào, tôi hôn cái nào!

Ái vỗ tay cười hét lên:
- Ô tô lại ô tô ngoan! Mà ai lại hôn ô tô bao giờ?

Dứt lời, nó lại chạy lượn về sàn sau. Bà Án quay ra vờ hỏi người lão bộc:
- Con ông giáo đấy à?
- Thưa không. Cháu Ái là con...

Ông ta như nghẹn lời không nói được dứt câu. Bà Án tiếp luôn:
- Con bà Tham, phải không?
- Vâng, con bà Tham.
- Nó ngoan lắm nhỉ. Cháu lên mấy thế ông?
- Thưa bà, cháu lên sáu.

Bà Án đứng ngẩn người ra, nghĩ ngợi. Bà hồi tưởng lại năm năm trước, hôm bà đến nhà con... Bà chỉ còn nhớ mang máng diện mạo, cử chỉ, ngôn ngữ của Mai mà thôi. Nhưng mà biết ra Mai đẹp, đẹp dịu dàng phúc hậu. Bà lẩm bẩm nói một mình:
- Giống quá, khuôn mặt giông như đúc!

Ông lão Hạnh hỏi:
- Thưa bà, bà biết cô tôi?

Bà Án giật mình, quay lại trả lời mấy câu ấp úng. Song cũng như lần trước, tiếng còi ô tô của Ái đến giúp bà ra khỏi sự khó khăn. Ông lão Hạnh thấy Ái có dáng mệt, vừa chạy vừa thở thì giữ lại:

- Thôi, không được chạy nữa. Nghỉ còn ăn cơm chứ.
- Ông Hạnh để Ái chạy nốt cho đến Tuyên Quang đã chứ.

Bà Án cười, cũng cúi xuống giữ Ái lại:
- Thôi đến Tuyên Quang rồi, cho ô tô nghỉ thôi, chẳng có mệt.

Ái phụng phịu không bằng lòng. Ông Hạnh ghé tai nói thầm:
- Ái đưa bà vào chơi trong nhà đi... Chóng ngoan, không có chốc cậu về, tôi mách cho đấy.

Nghe nói mách cậu, Ái sợ hãi nhớn nhác nhìn ra cổng. Rồi hình như nhớ tới giờ cậu sắp về nó ngoan ngoãn dắt bà khách lên thềm vào nhà. Bà án đăm đăm nhìn Ai nghĩ thầm: "Trời ơi! cặp mắt nhanh nhẹn với cái trán cao rộng, sao mà giống cậu nó thế! Lại cái mồm nữa".

Lúc bấy giờ bà Án tìm ra nhiều cái giống lắm. Nói cho đúng Ái cũng giống Lộc thật. Song cái ý tưởng dự định trong tâm trí ngay từ lúc ở huyện Thạch Hà bước ra đi khiến bà trông Ái càng hệt con bà. Thốt nhiên bà hỏi:
- Mợ cháu đi chơi đâu?

Ái cười như chế nhạo bà khách:
- Không có mợ... Chỉ có cậu thôi... với lại có mẹ thôi.
- Ừ, thế mẹ Ái đâu?
- Mẹ Ái đi chợ.

Bà Án trông thằng bé con xinh xắn đáng yêu quá, ôm ghì vào lòng hôn lấy, hôn để. Ái đẩy ra không được, kêu to:
- Ông Hạnh ơi!
- Cái gì thế? Cái gì mà hét ầm lên thế? Nghe tiếng cậu hỏi, - vì Huy vừa về. Ai lấy tay chùi má, vừa mếu vừa nói:
- Cậu ơi, cậu! cái bà này bà ấy làm đau Ái đấy.

Bà Án thấy Huy, đứng dậy gật đầu chào, Huy chắp tay đáp lễ, rồi hỏi:
- Thưa cụ, cụ tha thứ cho, chúng tôi không được hân hạnh nhớ cụ. Xin cụ chỉ giáo cho chúng tôi được biết.

Bà Án trù trừ rồi hỏi lại:
- Ông có nhận được bức thư của cậu... huyện Lộc nó không?
- Thưa cụ, có.
- Vậy... tôi là mẹ... cậu huyện Lộc....
- Thưa cụ, chúng tôi vô tình không biết, xin cụ đại xá cho. Thì ra, thưa cụ, cụ là cụ Án, thân mẫu anh... thân mẫu quan huyện tôi đó... Rước cụ ngồi chơi.

Rồi Huy quay lại bảo Ái:
- Em xuống bảo ông Hạnh đun cho cậu ấm nước nhé.

Ái vâng lời, ngoan ngoãn xuống nhà. Bà án ngồi ngẫm nghĩ, muốn hỏi chuyện Mai, nhưng chẳng biết xưng hô thế nào. Gọi là bà Tham hay bà Huyện thì ngượng mồm, và sợ Huy cười, mà gọi là cô thì cũng bất tiện. Chẳng có chuyện gì nói, Huy vịn ghế im lặng đứng nhìn. Bỗng bà Án tìm được một cách xưng hô mà bà cho là rất ổn liền cất tiếng hỏi:

- Thưa ông, lệnh tỉ đi chơi vắng?
- Thưa cụ, chị cháu cũng sắp về. Chị cháu sang bên làng Cao Du mua mấy lường sơn.
- Buôn sơn kia đấy à?

Huy mỉm cười:
- Thưa cụ, làm giáo học lương bổng ít ỏi lắm, chị cháu phải buôn bán cho được dư dật đồng tiền. Và như thế cũng có việc đỡ buồn.
- Cũng phải. Tôi nghe buôn sơn lãi lắm thì phải.
- Thưa cụ, thỉnh thoảng mới được một năm lãi, còn thì làng nhàng thôi. Huy lại nói luôn:
- Thưa cụ, chả mấy khi cụ quá bộ lên chơi, xin mời cụ xơi với chị em cháu một bửa cơm xoàng.
- Cám ơn ông, nhưng tôi đã ăn cơm trên xe lửa rồi.
- Thưa cụ, nhưng chắc ăn cơm sớm thì bây giờ đói rồi.
- Qủa thực tôi no lắm.

Bà Án làm ra thân mật nói tiếp:
- Chỗ ông với anh Lộc thì ông cho ăn can chi mà phái từ chối... Nếu đói thì tôi ăn ngay chứ.

Huy nghe bà Án gợi đến chuyện cũ, tình xưa biết chắc rằng bà lên Phú Thọ có mục đích ích lợi. Nghĩ tới chị, nghĩ tới quãng đời đầy đọa, khổ sở, Huy căm tức, muôn nói mấy câu cho hả dạ, song đôi với một bà khách đến chơi nhà, chàng cho rằng xử như thế rất bất lịch sự. Và dẫu sao chị em chàng cũng vẫn là người chịu ơn Lộc, điều ấy không bao giờ chàng quên.

Hai người ngồi đối diện nhau, đăm đăm nghĩ ngợi như đương tìm một câu chuyện thù ứng thì Ái rón rén đứng sau lưng cậu kéo áo nói:
- Cậu ơi-i... c-h-a-u sắc đ-o-i sắc r-ô-i huyền.

Câu nói đánh vần mà Ái cho là một câu nói lóng, khiến khách và chủ phái bật cười Bà Án hỏi Huy.
- Cháu đã đi học.
- Thưa cụ, vâng, cháu đã học hết vần quốc ngữ.
- Cháu ngoan lắm.... Ái đến đây tôi nào.

Nhưng Ái nhớ tới cử chỉ của bà khách ban nảy, nên không dám lại gần, lo lắng đứng nấp ở sau lưng cậu.
- Kìa bà gọi Ái!

Bà Án nghe Huy kêu mình là "bà" thì hiểu theo nghĩa bà với cháu. Bà sung sướng quá, hây hây đỏ hai má răn, híp cặp mắt nheo cười ứa lệ. Huy thây cháu vẫn ngần ngừ không dám đến, liền dắt tay đưa lại bên bà Án.

Ái sợ cậu phải đứng im, nhưng trong lòng áy náy không yên. Bà Án xoa đầu hỏi:
- Ái có yêu mẹ không?
- Có
- Ái có yêu cậu không?

Ái ngước mắt nhìn Huy, mỉm cười đáp:
- Có
- Thế Ái có yêu tôi không?

Ái không trà lời. Bà An lại hỏi:
- Ái không yêu tôi à?

Ái lắc đầu, Huy ngượng, nhưng lấy làm sung sướng rằng cháu đã trả thù cho chị. Chàng vờ mắng:
- Hổn nhé!

Ái phụng phịu, nước mắt chạy quanh. Bỗng nó giật tay bà Án, chạy vội ra và vui vẻ vui mừng:
- A! mẹ đã về!

Nghe tiếng thằng bé, bà Án bối rối lo sợ, nghĩ tới khoa ngôn luận, tài ngoại giao sắp phải cùng Mai thi thố.

Nhìn Mai, tay dắt con, ở ngoài ung dung đi vào, bà luống cuống trong vài giây, ngập ngừng chưa biệt bắt đầu câu chuyện ra sao. Bỗng nhờ có thói quen về sự thù tiếp, bà cất tiếng hỏi một cách rất tự nhiên:
- Kìa, chào mợ! Mợ đi chơi về?

Mai chắp tay đáp lễ, rồi ngây người đứng im. Bà Án cười, vui vẻ hỏi:
- Mợ quên tôi rồi!

Mai cũng cười, cười chua chát trả lời:
- Bẩm cụ, bao giờ con quên được cụ... Con chỉ hơi lấy làm lạ một tý thôi.

Bà Án hiểu rằng bên địch đã khai thế công mà mình thì chưa sẵn sàng để tiếp ứng, liền dùng kế hoãn binh:
- Nhưng đi ăn cơm đã chứ? có phải không Ái? Vì Ái đ...o...i sắc rối kia mà.

Ái quả thực đói lắm, nghe bà khách nói trúng ý nghĩ của mình thì mỉm cười ngước nhìn, tỏ ý cám ơn, còn Mai thì nàng đưa mắt hỏi ý kiến em xem có nên mời khách ăn cơm không. Bà Án như hiểu cách bàn định lặng lẽ của hai người, giục luôn:
- Mợ với cậu giáo xơi cơm cho cháu ăn xong bữa đi! Tôi ăn cơm trên xe hỏa roi.

Mai nói:
- Chả mấy khi cụ lên chơi, thế nào cũng xin cụ chiếu cố xơi với chị em cháu một bữa cơm xoàng.
- Tôi cảm ơn mợ. Nhưng quả thực tôi no lắm, tôi không làm khách đâu.

Huy bảo chị:
- Ấy em đã hết sức mời cụ nhưng cụ một mực từ chối.

Mai mỉm cười:
- Hay cụ chê nhà chúng cháu nghèo, cụ khinh chúng cháu là con nhà hà tiện.

Lần thứ hai, Mai khiêu chiến, lần thứ hai, bà Án tạm lui:
- Thôi, chỗ quen biết chẳng nên khách sáo. Đi ăn cơm rồi ra đây nói câu chuyện.

Mai kính cẩn chắp tay chào:
- Vâng, mời cụ ngồi chơi, chúng cháu xin vô phép cơm cụ.

Mai, Huy cúi đầu chào một lần nữa rồi dắt Ái vào trong nhà. Ái hỏi Mai:
- Mẹ ơi! Sao bà ấy gọi mẹ bằng mợ?

Câu hỏi bất thình lình của thằng bé khiến Mai buôn rầu. Còn bà Án thoáng nghe thấy cũng lây làm ngượng ngùng.

Ngồi một mình trong phòng khách, tìm sẵn hết các ý tưởng đề chốc nữa có thể đối phó với Mai, bà nghĩ thầm: "Ta lên đây, mục đích là đề bắt thằng cháu về... Trời ơi! Thằng bé mới kháu khỉnh làm sao!... Nhưng muôn bắt cháu về thì chỉ có hai cách... Phải cần phái khôn khéo lắm mới được?"
- Mời cụ xơi nước ạ?

Bà Án quay lại. Ông lão Hạnh ở sau lưng chắp tay đứng hầu. Bà chắc là Mai đã dặn ông ta nói như thế, vì lúc bà mới tới, ông lão chỉ kêu bà là bà thôi. Nhưng Mai cẩn thận dặn người lão bộc như thế là điềm hay, hay điềm dở. Mai muôn mua chuộc lòng bà hay đó chỉ là một câu riêu cợt? Bà tự hỏi, trong lòng phân vân, nửa mừng nữa lo...

Bỗng một nụ cười nở trên cặp môi khô khan của bà, bà vừa nhác trông thấy ở trên tường ngay sát chỗ bà ngồi, treo xòe hình quạt, những ảnh của Ái từ năm Ái lên một cho tới năm ái lên sáu tuổi. Mỗi cái chụp một kiểu, hoặc ngồi, hoặc đứng, hoặc đi, cái nào cũng rõ ràng phân hắc bạch và tô điểm đẹp thêm ra bởi một ông thợ ở nơi tỉnh lỵ nhỏ... Tình yêu lại ngùn ngụt trong lòng bà Án:
- Cụ xem anh cháu có giống không?

Bà Án quay lại, Mai đã đứng sau lưng.
- Mợ ăn chóng thế! Thật thà đấy chứ? Hay là nhà có khách lại ăn vội ăn vàng?

Bà Án trỏ ghế bảo Mai:
- Mợ ngồi tôi nói câu chuyện.

Mai vẫn đứng:
- Được ạ, cụ mặc con.
- Ngồi xuống chứ đứng thế mỏi, vì câu chuyện tôi sắp nói tới đây hơi dài.

Mai kéo ghế ngồi:
- Bẩm cụ, chuyện gì thế? Cụ làm cho con lo quá?

Bà án quay lại, thấy tên người nhà mình đứng hầu liền vẫy tay khẽ bào:
- Cho mày xuống nhà.

Tên kia vâng lời đi ngay. Mai trên lặng ngôi chờ. Còn bà Án thì ngẫm nghĩ tìm câu để mở chuyện. Bỗng bà ngửng phắt đầu lên, trên nét mặt tỏ rõ sự quả quyết.

Bà thong thả hỏi Mai:
- Mợ có biết tôi đến đây làm gì không?

Mai chưa kịp trả lời thì bà Án lại nói luôn:
- Hôm nay tôi thân hành lên đây là vì bổn phận cũng có, nhưng điều thứ nhất là vì... là vì... thôi có mình mợ với tôi đây, can gì phái úp phái mở... Tôi lên đây là vì sự hối hận bắt buộc phải xin lỗi mợ.

Mai vội vàng đáp:
- Ấy chết! cụ dạy quá lời, con đâu dám.
- Không, mợ cứ để tôi nói dứt câu đã. Phải kể ra tôi già nua tuổi tác thế này mà hạ mình, xin lỗi mợ thì cũng hơi quá thật. Song thiết tưởng, bất cứ bề trên đối với bề dưới, hay bề dưới đối với bề trên, ai ai cũng nhận biết lỗi mình. Tôi, thì tôi biết lỗi ngay, tôi hối hận ngay hôm sau... khi cô... khi mợ... bỏ nhà ra đi.
- Được, cụ lớn cứ gọi con là cô cũng được.

Bà Án bắt đầu kể một chuyện đã xếp sẵn từ trước... Bà nói bà không ngờ đâu lại xảy ra như thế khiến dòng dã sáu năm, ngày đêm đã bị lương tâm cắn rứt. Ngay tối hôm Mai từ biệt con bà một cách kín đáo, lặng lẽ, bà hối hận quá vì thấy Lộc đau đớn, khổ sở, nên bà đã đi tìm Mai khắp các nơi không thấy. Bà tưởng thế nào Mai cũng trở về, ngờ đâu Mai lại quyết liệt như thế.

Rồi bà khen ngợi Mai, lấy làm khâm phục lòng hy sinh của Mai, lòng nhẫn nại của Mai, lòng trinh tiết cao thượng của Mai: bao lâu sống trong cảnh lầm than mà vẫn giữ được trong như ngọc, trắng như ngà. Bà ví Mai với cây sen mọc trong bùn mà không nhiễm mùi bùn.

Mai yên lặng ngồi nghe không hề ngắt câu, không hề đáp một lời. Bà Án ngừng lại để dò ý Mai, nhưng sắc mặt Mai vẫn không thay đổi. Bà nói tiếp:
- Nay tôi muốn chuộc lại những điều lẫm lỗi của tôi, mà ở đời chỉ có mình mợ mới có thể giúp tôi được việc ấy.

Mai thành thực, kính cẩn trả lời:
- Bẩm cụ, cụ dạy thế chứ con đâu dám.
- Không, tôi nói thực đấy. Mợ không nên để tôi hối hận suốt đời, vì một điều lẫm lỗi trong giây phút...

Mai làm bộ như không hiểu:
- Nhưng, thưa cụ, có điều gì cụ cứ cho biết, nếu có thể giúp được thì thực con không dám từ chối.

Bà Án do dự một chút rồi quả quyết bảo Mai:
- Mợ ạ, một ngày cũng là nghĩa. Huống hồ đã ăn ở với nhau có con, có cái. Mợ cũng chẳng nên giận cậu ấy, chẳng nên oán tôi nữa.

Mai ngơ ngác hỏi:
- Ô hay! Sao cụ biết con oán giận? Mà con có quyền được oán giận ai đâu?
- Vậy có bao giờ mợ nghĩ tới sự tái hợp không?

Mai hai má đỏ bừng, đầu nóng như sốt, ngồi im không đáp. Bà án lại hỏi:
- Mợ nên nghĩ đến cậu ấy, trong sáu năm nay không một chút nào là không nhớ, không thương mợ.

Mai giận đến cực điểm rồi, không nhịn được nữa:
- Tôi xin cụ đừng gọi tôi là mợ. Tôi không phải, tôi không còn là con dâu cụ, mà cũng không bao giờ cụ thèm nhận tôi là con dâu cụ, cụ nhớ điều ấy cho. Vậy cụ cứ dùng chữ cô cũng đủ lắm rồi.

Bà Án ngượng nghịu lúng túng, không tìm được câu gì để đối phó, đành nhắc lại câu đã nói:
- Mợ chớ nên thế, một ngày củng nghĩa.

Mai mắt đỏ ngầu hỏi lại:
- Chớ sao hôm cụ đuổi tôi, cụ không nhớ đến câu ấy?

Bà Án mỉm cười:
- Có cô không nhớ đấy chứ? Còn tôi trước sau tôi vẫn muốn cô với Lộc lấy nhau, - chẳng se vào thì chớ, ai nỡ chia rẽ duyên người bao giờ, không bằng lòng là tự cô đấy thôi.

Mai cười một cách rất chua chát:
- Phải! Bà lớn khuyên tôi lấy lẽ cậu Lộc, lấy lẽ con bà.
- Lấy lẽ củng ba bảy đường lấy lẽ. Lấy lẽ làm nàng hầu củng có, lấy lẽ làm chị, làm em với vợ cuõng có.

Mai không nói, hai mắt căm tức nhìn thẳng ra sân. Bà Án tiếp luôn:

- Vậy nếu bây giờ tôi rước cô về làm chị làm em với mợ huyện, nói thì cô nghĩ sao?
- Thưa cụ, sáu năm về trước hình như tôi đã trình cụ biết rằng nhà tôi không có mà lấy lẽ. Đối với kẻ khác (Mai đăm đăm nhìn bà Án) đối với kẻ kia rồi lên làm cô huyện rồi cô Phú, cô Thượng, nay mai là một vinh dự. Nhưng tôi, tôi cho làm cô Thượng không bằng, không sung sướng bằng làm chị xã, chị bếp chị bồi, mà được vợ một chồng yêu mến nhau, khi vui có nhau... khi buồn có nhau, khi hoạn nạn có nhau... Cô Huyện! Cụ lớn không nên đem cái mồi cô Huyện ra nhử tôi. cô Huyện!

Bà Án thong thả ung dung trả lời:
- Sao lại cô Huyện, bà Huyện chứ?

Mai cười mũi:
- Phải bà Huyện hai.
- Chứ sao! Các đấng đế vương ngày xưa có đông cung và Tây cung Hoàng hậu, thì sao! Nói hơn nữa, Dương quí Phi có là Hoàng Hậu đâu, có là bà vua chính thức đâu?
- Vâng tôi biết, các bà vỡ lẽ bao giờ củng chỉ có hai đường: một là họ bị áp chế, hai là lấn áp cả quyền vợ cả, lúc đó thì họ trở nên hạng đắc Kỷ, Bao Tự.

Mai cười nói tiếp:
- Đó, cụ coi, cụ nhớ sử, dễ tôi không nhớ sử. Song có điều này tôi xin thưa ngay hầu cụ! cụ đừng vào con đường ấy để dụ tôi, con đường vinh hoa, phú quy....

Bà Án nghiêm sắc mặt dõng dạc nói:

- Thế thì cô lầm. Tôi chỉ đi vào đường bổn phận. Tôi có lỗi, tôi cam chịu lỗi, nhưng tôi phải ăn năn sửa lỗi. Bởi vậy, tôi không muốn vì tôi mà cô mang tiếng... mang tiếng là một người không chồng... không chồng... mà... mà có con...

Mai cũng dõng dạc đáp lại:
- Xin cảm ơn cụ. Nhưng nếu chỉ vì tôi mà cụ muốn sửa lỗi thì tôi sẵn lòng - xin cụ miễn thấp - tôi sẵn lòng tha thứ cho cụ, tha thứ cho cụ đày đọa tôi, đã... trong bao lâu...

Mai chỉ cố làm ra cam đảm được như thế. Trí Mai ôn lại cuộc đời quá khứ, thì thốt nhiên, lòng Mai tủi cực thổn thức. Mai cảm thấy nghị lực tiêu tán không còn để tranh luận được nữa. Như một cái xác không hồn, Mai gục đầu xuống ta vịn ghế nức nở khóc, khóc không ra tiếng.
- Ô hay! Bà lão này, sao bà lại chòng mẹ cho mẹ khóc?

Mai ngửng đầu lên thấy em dắt con đứng bên cạnh. Gượng cười, nàng ẵm Ái vào lòng hôn hít. Bà Án buồn rầu bảo Huy:

- Ông giáo, ông nghĩ tôi nói có phải không? Ông ngôi xuống đây, tôi thưa câu chuyện. Ai chả có lúc lầm lẫn, huống chi tôi tuổi tác thì lại càng hay lâm lẫn lắm. Bây giờ tôi nghĩ lại, tôi biết tôi lầm, tôi hối hận, tôi thân hành lên tận đây để đón mợ và cháu về, ông là người học rộng, biết nhiều, nên khuyên mợ cháu một câu.

Huy lạnh lùng đáp:
- Thưa cụ, việc đó là việc riêng của chị cháu. Tùy ý chị cháu cư xử. Cháu không có quyền lạm bàn tới, tuy đối với chị cũng như đối với quan huyện Lộc, cháu vẫn là người chịu ơn.

Mai như nói một mình:
- Mẹ con tôi tưởng được yên thân ở nơi hẻo lánh này, ai ngờ cụ chưa tha, cụ còn theo đuổi cho bằng được để cụ hành hạ.

Bà Án thở dài, cất giọng phàn nàn, cố là ra thành thực:
- Khổ cho tôi chưa! Người ta không hiểu tôi. Ở nhà thì con tôi không hiểu tôi. Con tôi cũng vậy, mà cô cũng vậy, các người cho tôi là một hung thần giời sai xuống để phá cuộc hạnh phúc của các người.

Bà Án đưa khăn lên lau nước mắt:
- Nhưng nào tôi có ác nghiệt gì, tôi chỉ là một người bao giờ cũng nghĩ tới hạnh phúc của con, cháu, nghĩa là nghĩ tới bổn phận của một người mẹ, của một người bà.

Huy đứng lạng nhìn bà Án, lấy làm thương hại. Chàng thong thả nói:

- Cụ cho phép cho cháu tỏ bày cùng cụ vài điều. Cụ là người rất tốt, bao giờ cũng nghĩ tới bổn phận. Cháu biết lắm. Không bao giờ cháu ngờ vực cụ, cụ dung thứ cho mấy lời sông sượng của cháu, cụ tức là cái biểu hiện, tức là một người đại diện cho nền luân lý cũ. Mà tâm trí chúng cháu đã trót nhiễm từng tư tưởng mới. Hiểu nhau khó lắm, thưa cụ. Cụ với bọn hậu sinh chúng cháu như hai con sông cùng như một nguồn, cùng chảy ra bể, nhưng mỗi đằng chảy theo một phía dốc bên sườn núi, gặp nhau sao được. Vậy chị em chúng cháu không dám tranh luận với cụ nữa, chỉ xin cụ ban cho một cái ơn tối hậu, cũng như khi xưa chị cháu vì cụ mà hy sinh hết hạnh phúc, lạc thú gia đình... Aái ân tối hậu ấy, là cụ và ông Huyện quên hẳn chúng cháu đi, đừng bận lòng nghĩ tới chúng cháu nữa.

Bà án vội ngắt.
- Cô Mai đã vậy. Nhưng còn cháu tôi?... Khi nào tôi nỡ để cháu tôi... cháu tôi nó mang tên họ chồng tôi, tên họ con tôi...

Mai cười gằn:
- Cái đó cụ không lo.

Rồi nàng cúi xuống hỏi con:
- Tên con là gì?

Ái nũng nịu, âu yếm, ôm lấy cổ Mai:
- Tên con là Ái.
- Vậy Ái họ gì?

Ái chẳng tru trừ, trả lời luôn:
- Ái họ Dương.

Bà Án kinh hoảng:
- Cô dạy nó thế à? Cô dám dạy cháu tôi những điêu trái luân thường, đạo lý như thế ư?

Mai mỉm cười:
- Thưa cụ, cụ lầm, nó là con tôi. Tôi muốn dạy nó điều gì mặc tôi. Cũng như cụ đã dạy con cụ quyến rũ người ta, rồi khi người ta thai nghén, lại ruộng rẫy người ta ra.

Bà án đứng phắt dậy, tức giận quát tháo:
- Cô không được hỗn. Cô không được phép khinh tôi!

Mai vẫn ôn tôn:
- Thưa cụ, ở đây là nhà tôi, chớ không phải là dinh quan tri huyện, xin cụ nhớ cho.

Bà Án lại ngồi xuống ghế, nghĩa là tự để rơi xuống ghế. Mất hết cam đảm và biết rằng khó lòng cãi lý với Mai được nữa, bà quay ra giọng van lơn:
- Cô Mai ơi, cô nên thương tôi già yếu... cho tôi được cùng cháu tôi sum họp...

Mai ái ngại nhìn bà Án không nỡ dày vò quá nữa. Nàng ôn tôn thưa lại:
- Bẩm cụ, cụ thiếu gì cháu, nào con bà Huyện, nào con các cô, cháu nội, cháu ngoại đủ cả. Thêm một cháu Ái có làm gì mà bắt mẹ con phải xa nhau.

Bà Án gắt:
- Thì tôi có muốn chia rẽ mẹ con cô đâu, trước sau tôi vẫn xin đón cô về ở với chồng cô kia mà...

Lòng căm tức, Mai cố nén, chỉ chực bùng bốc lên. Về phần bà Án thì bà hết sức giấu nhược điểm của mình, là bà chưa có cháu nội, chưa có người nối dõi tông đường. Lòng ích kỷ của bà vẫn ngờ rằng nếu Mai biết sự thực là nàng sẽ bắt bí.

Bỗng chợt nghĩ ra một điều, bà Án tươi cười bảo Mai:
- Nếu tôi đền ơn cô một nghìn bạc thì cô nghĩ sao?

Mai không hiểu:
- Thưa cụ, ơn gì ạ?
- Ơn cô nuôi nấng cháu tôi.

Mai cười nhạt:
- Thưa cụ, cụ cho tôi là một người vú em nuôi cháu cho cụ phải không?

Bà Án như mê mẩn, không nghĩ tới câu hỏi của Mai.
- Vậy hai nghìn nhé?

Mai đứng phắt dậy, dắt con đi ra cửa phòng quay lại nói:
- Cháu xin phép cụ, cháu phải đi đằng này có chút việc cần!

Rồi nàng bảo Huy:
- Cậu ở nhà hầu chuyện bà nhé.

Bà Án và Huy còn ngơ ngác nhìn theo thì thoăn thoắt, Mai đã cùng Ái bước lên con đường giốc.