Cô Hàng Quà


Về buổi chiều vào giờ tan học và giờ đóng cửa các nhà máy, Các cửa hàng, người ta trông thấy từ đường Quan Thánh tới sở thuộc da rải rác từng tốp bốn năm người hay chín mười người hoặc đi chân, hoặc đi xe đạp. Màu trắng, màu chàm, màu nâu của bộ quần áo xen lẫn nhau, và tiếng Pháp tiếng Việt ồn ào lẫn tiếng cười khanh khách.

Đó là bọn học sinh với bọn lao động đi về làng Thụy Khuê xưa nay vẫn là nơi ăn trọ của hai hạng người: cắp sách, và làm thợ.

Làng Thụy Khuê sáu, bảy năm về trước không giống hệt làng Thụy Khuê ngày nay, vì ngày nay cái trại trồng hoa của thành phố về phía đường bên hồ đã làm mất hẳn cái đặc sắc của làng: Cái đặc sắc ấy là cái hố rác khổng lồ về mùa hè bốc mùi ô uế rất nồng nực khó chịu.

Song ngoài sự thay đổi về hình thức ra, tính cách bản nguyên của làng Thụy không hề xuy xuyển: làng ấy vẫn và sẽ mãi mãi là nơi ẩn trọ của bọn học sinh và bọn thợ thuyền cho đến ngày trong hai hạng ấy không còn người nghèo, nghĩa là không bao giờ. Vì thế, dù ngày nay hai mươi năm về trước, những tên "xóm Ổi", "xóm Đồng Bản", "xóm Hàn Lâm" đều là những tên quen tai các bác mặc màu chàm hay các cậu cặp sách vở.

Chiều hôm ấy trên con đường từ trường Bưởi tới làng Thụy Khuê, họ chuyện trò vui vẻ khác thường. Vì mới xảy ra một sự lạ lùng, rất không ngờ trong cái đời ít thay đổi của anh em học sinh. Buổi sớm người gánh hàng quà bánh đến bán ở cửa trường không phải là bà Cán, mà lại là cô con gái. Bà Cán, người bán hàng cho các cậu, cho những người học trước các cậu không biết từ đời nào, còn ai dám đến đấy cướp mối hàng của bà. Thế mà bỗng thấy một cô con gái ung dung gánh một gánh quà đến ngồi bán ở cổng trường thì phỏng có lạ không, gánh cũng giống gánh hàng quà của bà Cán, một bên quang thúng đựng bánh dầy, xôi, giò chả, và một quang một nồi cháo đậu.

Trước buổi sáng, các cậu học sinh phần còn bỡ ngỡ, phần thấy cô hàng quà có nhan sắc, nên bẽn lẽn và vì nể không muôn vội hỏi lôi thôi.

Những buổi trưa, anh em đã quen quen, không bảo nhau mà cũng đến thường sớm lắm, y chừng để nhìn cô hàng xinh đẹp, cũng như, buổi sáng cô hàng đặt gánh dưới bóng mát cây bàng, rồi mỉm cười cúi đầu xuống lẩm nhẩm đếm những nắm xơi trên mẹt.

Một cậu đứng trong giậu găng thò tay ra ngoài vẫy hỏi:

- Cô có bán chịu đây chứ?

Cô hàng lắc đâu đáp:

- Không, tôi biết cậu là ai mà tôi bán chịu?

Anh em bạn đứng gần cô hàng cất tiếng cười to, nhưng cậu kia không chột dạ, không thẹn thùng, hỏi lại:

- Vậy là bà Cán xóm ổi đâu lại không đến và cô là người nào dám đến bán tranh. Cô phái biết tôi ăn quà chịu bà Cán đã ba bốn năm nay, không bao giờ tôi thèm quịt một đồng xu, và hiện giờ tôi còn nợ bà Cán đến bốn năm hào. Nay vì lẽ gì mà cô không bán chịu cho tôi?

Bài diễn thuyết của cậu học trò khiến mọi người lại cười vang. Cô hàng cũng cười nói:

- Nếu thế thì càng không nên bán chịu cho cậu lắm. Cậu hãy trà nợ cũ đi đã.
- Trà cô à? Tôi nợ gì cô?
- Trả nợ bà Cán chứ. Vì đây chính là hàng của bà Cán.
- A, ra cô bán hộ bà Cán, bà Cán ốm à?

Cô hàng mỉm cười:

- Không, tôi là cháu bà Cán.

Thế là từ ngoài đường vào đến trong sân trường, anh em học sinh họp nhau từng tốp, chỗ nọ thì thào, chỗ khi thì khúc khích, bảo nhau:

- Chúng mày ạ, bà Cán có con cháu kháu ra phết!
- Tình lắm!
- Nó láu dữ chúng mày ạ!

Luôn năm hôm, cô hàng xinh xắn gánh hàng đến bán ở cổng trường, mà hôm nào cũng bán chạy rầm rầm. Nhà hàng và khách nghe chừng đã quen nhau, vì đã có dăm sáu cậu mua chịu.

Hôm thứ năm, đương lúc anh em xúm xít chung quanh gánh hàng, thì một ông lão già hớt hơ hớt hải chạy lại hỏi:

- Thưa các thầy, đây có phải là trường Bưởi không?

Một cậu đáp:

- Không phải đâu, ông cụ ạ, đây là trường Bảo hộ.

Ông lão buồn rầu:

- Vậy trường Bưởi ở đâu, nhờ thầy làm ơn bảo dúm.

Ba bốn cậu vỗ tay cười:

- Mãi tận dưới chợ Cam kia, cụ ạ.
- Nhưng chợ Cam ở đâu kia thầy?
- Chợ Cam ở gần đường Quýt ấy.

Một Cậu ra dáng hiền lành trách bạn:

- Các anh cứ đùa cụ ấy thế.

Rồi quay sang ông lão, ôn tồn bảo:

- Phải đấy, cụ ạ. Chính đây là trường Bưởi. Vậy Cụ muốn hỏi gì?

Ông lão mừng rỡ:

- Cám ơn thầy, thưa thầy làm ơn tìm hộ tôi cậu Huy.

Cô hàng nghe thấy tên Huy, ngửng lên nhìn rồi không kịp giữ gìn, buột miệng kêu:

- Kìa ông Hạnh!

Ông Hạnh cũng vừa nhận được ra cô hàng:

- Giời ơi! Cô Mai!

Các cậu học sinh tò mò xúm chung quanh cô hàng với ông lão. Một cậu hỏi:

- Thầy cô đây à?

Nhưng Mai chỉ ứa nước mắt đứng lặng nhìn người lão bộc.

- Sao cô lại đến nông nỗi này?
- Thôi chốc về nhà hãy nói chuyện.

Rồi cô thản nhiên bán hàng tươi cười đáp những câu hỏi ngớ ngẩn của các bạn hàng.

Sau một hồi trông anh em học sinh vội vàng kéo tới nhau vào trường. Mai thong thả đặt gánh hàng lên vai quay lại bảo ông Hạnh:

- Bây giờ ta về.

ông lão ngớ ngẩn hỏi:

- Về đâu, cô?
- Về nhà nhưng trước hết tôi hãy hỏi ông:
- Ông đến đây làm gì?

Ông Hạnh buồn rầu thuật lại cho Mai biết rằng hôm trước ông ta nhận được thư của ông Tham Lộc gởi về nói Mai và Huy bỏ nhà đi đâu không biết, và hỏi thăm ông ta xem có về làng không. Ông ta nhờ người đọc thư rồi lo sợ đâm bổ đi tìm. Ông lão nói tiếp:

- Nhưng còn cô thì vì duyên cớ gì lại ra nông nỗi này?

Mai cười:

- Chả vì nông nỗi gì cả. Tôi đi bán hàng đề kiếm ăn.
- Thế ông Tham Lộc?
- Thì mặc ông ấy! Ông nên nghĩ đến em Huy còn hơn, vì em đương ốm nặng.

Ông Hạnh lo sợ nhớn nhác hỏi:
- Ốm ra sao? Giời ơi, rõ khổ tôi quá!

Mai buồn rầu đáp:

- Em nó ho, đau ngực. Mà giờ không có chỗ ở, không có tiền ăn, chứ đừng nói đến tiền uống thuốc nữa. May mà còn có người tử tế giúp đỡ, không thì cũng chưa biết tính mệnh ra sao rồi.

Nguyên ngay chiều hôm bà Án đến nhà thì Mai và Huy quả quyết ra đi, dù Huy đã bắt đầu ốm nặng.

Nhưng đi đâu? Chị hỏi em. Em nhìn chị. Bạn của Huy cũng nhiều, khốn nỗi chả nhẽ đưa chị đến ở nhờ. Dù thế nào mặc lòng, cũng phải rời bỏ ngay cái nhà mà mẹ con người ta hình như đồng lòng đuổi mình ra khỏi cửa.

Huy chợt nghĩ đến Trọng, nay cũng không còn là học sinh lưu trú nữa và vì lý tài eo hẹp đã xin ra ngoài, trọ nhà bà Cán bán hàng quà cho học trò. Lúc cấp bách còn biết sao, thì cũng đành liều.

Vừa tới nhà trọ, Huy lên cơn sốt nặng nằm liệt giường ngay.

Chị em Trọng hết sức cùng Mai trông nom săn sắc, ba hôm sau bệnh Huy hơi thuyên giảm.

Nhưng tiền không có một đồng, biết làm sao, chẳng lẽ ăn bám chị em Trọng cũng đương gặp lúc quẫn quách. Nghĩ tìm vật quý đem đi cầm, bán thì bao nhiêu đồ nữ trang Lộc sắm cho, trước khi đi, Mai đã trút hết ra để trả lại rồi.

May sao, bà Cán nghe Trọng thuật cho nghe chuyện đau đớn của chị em Mai thì đem lòng thương hại. Bà ta tuổi đã già, chồng đã chết, được một đứa con gái lại lấy chồng xa, nên bà ta nghĩ ngay đến nuôi chị em Mai làm con nuôi. Nhưng bà ta chưa dám ngỏ ý, định hãy cứ ăn ở tử tế với hai người đã.

Bà ta liền nghĩ cách gây dựng cho Mai, giao gánh hàng cho Mai đi bán. Mà Mai ở một hoàn cảnh khác hẳn với hoàn cảnh phú quý vừa rời bỏ, cũng muốn theo ngay cách sinh hoạt mới. Bởi vậy nàng tươi cười cảm ơn nhận lời bà Cán ngay, rồi vận áo nâu tứ thân, quần vải thâm, ngày ngày hai buổi gánh hàng quà đền cổng trường Bưởi ngồi bán.

Bà Cán thấy Mai mới buổi đầu đã thạo nghề bán hàng lại chạy hơn mình thì đem lòng quý mến, chia lãi cho. Mai từ chối, chỉ xin được ăn, ở nhờ ít bữa để khi về làng cầm hay bán được nhà sẽ đem tiền lên hoàn lại.

Giữa lúc Mai luống cuống lo sợ về bệnh trạng của Huy, về cách xoay tiền thuốc thang thì ông lão Hạnh tới Hà Nội.

Mai tuy cũng biết ông lão bộc chẳng có tài cán gì cứu được mình ra khỏi vòng quẫn song lúc khôn cùng gặp người thân thuộc thì vẫn nhẹ được vài phần khổ sở.

Hai người yên lặng đi bên cạnh nhau, không ai nói nửa lời, và cùng có dáng suy nghĩ đến những sự xảy ra hay sắp xảy ra. Bỗng ông Hạnh quay lại hỏi:

- Cô ở tận đâu mà đi xa thế?

Mai đáp:

- Gần đến nơi.

Rồi trỏ về phía trái nói tiếp:

- Đây là Xóm Đồng Bản. Xóm Ổi kia kìa, ở ngay trước cửa đình làng Thụy Khuê.

Một lát sau, ông lão bộc đi theo Mai, rẻ vào một cái ngõ, qua một cái cầu nhỏ làm bằng hai tấm ván bắc qua rãnh nước bùn, mà Mai kêu là sông Tô Lịch khiến cho ông lão phải mỉm cười.

Cuối ngõ ấy, mãi trong cùng xóm, là nhà bà Cán: Một nếp nhà bằng tre lợp lá, năm gian khá rộng, và một cái nhà ngang ba gian ngăn khu đất nhỏ ra làm hai mảnh, mảnh trước là sân, mảnh sau là hàng quà. Cái cơ nghiệp ấy, anh em học sinh trường Bưởi và anh em thợ thuyền các nhà máy đã gom góp bằng mấy chục năm tiền quà để gây dựng cho bà Cán.

Vì nhà trong lúc bấy giờ không có ai, Mai đưa thẳng ông Hạnh xuống nhà ngang làm ở dưới bóng mát một cây roi xinh tột lấm chấm rất nhiều hoa trắng.

Trên một chiếc giường lát tre buông màu nâu và đầy những mụn vài tây điều, Huy đang nằm vẫn vơ nghĩ ngợi.... Bỗng nghe rõ tiếng người quen ở ngoài hiên, Huy ngồi nhỏm dậy. Thấy Mai và ông Hạnh bước vào. Huy mừng rú kêu to:

- Ồ! Ông Hạnh!

Mai vội vàng chạy lại gần:

- Em nằm xuống, không ngồi dậy như thế lại ho bây giờ.

Huy dịu dàng vâng lời. Ông Hạnh đứng bên đưa tay sờ trán Huy, nói:

- Cậu gầy và xanh lắm! Có uống nước không?

Mai ứa nước mắt cúi đầu không đáp.

Khốn nạn! Ông lão bộc còn chưa rõ tình cảnh ra sao! Lấy tiền đâu mà uống thuốc! Ông Hạnh sau nghe chừng như cũng hiểu, thì thầm hỏi:

- Thế ông Tham! Ở đâu?

Mai cười ngất đánh trống lảng, quắc mắt nhìn ông Hạnh, rồi trỏ tay Vào Huy có ý bảo đừng nhắc đến cái tên Lộc ở trước mặt em. Mấy hôm nay, hễ ai nói động đến cái tên ấy, Huy lại lên cơn sốt dữ dội ngay. Mai ngắm Huy có dáng mệt là, da đã xanh lại phản chiếu sắc lá cây roi trồng ngay bên cạnh nhà nên càng xanh thêm.... Nàng khẽ bảo người lão bộc:

- Thôi ta ra ngoài nói chuyện cho em nó nghỉ.

Lên đến nhà trên, ông Hạnh bỡ ngỡ hỏi:

- Vậy cô thuê cái nhà này?
- Không, ở trọ đấy, Cả nhà đi vắng, mỗi người một việc. Nhưng bây giờ, ông bàn nên làm thế nào?
- Thế ông Tham?

Mai gắt:

- Ông Tham, ông Tham mãi! Ông cứ coi như ông Tham chết rồi, mà tôi cấm ông không được đả động đến ông Tham ở trước mặt em Huy đấy. Bây giờ chúng tôi không có một xu nhỏ, vậy ông tính làm thê nào? Tôi chỉ hỏi ông có thế.

Ông Hạnh ngẫm nghĩ rồi thong thả đáp:

- Được!... Được!... Mai tôi về tàu sớm.
- Nhưng về làm gì mới được chứ?
- Được, cô cứ yên lòng. Thế nào chuyến này tôi cũng bán được nhà cho cô, không ít ra cũng cầm được. Cô cứ vững tâm và tin cậy ở tên đầy tớ già này.... Ngày xưa tôi can cô đừng bán nhà, nhưng lần này thì ta phải quả quyết bán, mà linh hồn cụ Tú khôn thiêng chắc cũng giúp cho công việc ta được chóng xong xuôi.

Mai cảm động ứa nước mắt cười gượng bảo người lão bộc:

- Ông Hạnh ạ, ở đời chỉ có một sự đáng quý, là lòng tốt của con người ta. Còn ngoài ra, vứt đi hết.

Hai hôm sau cũng đương lúc Mai bán hàng quà cho học trò, người lão bộc tươi cười đi tới, trên vai vác một cái tay nải nâu nặng trĩu, Mai hớn hở:

- Thế nào, ông Hạnh, có xong không?
- Xong rồi, cô ạ!

Mai vui mừng:

- Thôi, về nhà ông thuật lại chuyện cho tôi nghe.

Rồi quay lại chỗ anh em học sinh, Mai xin lỗi:

- Các cậu cho phép tôi về thôi, tôi có việc cần lắm.

Một cậu tò mò hỏi:

- Việc gì thế cô?

Mai cười:

- Việc bí mật không thể nói được.

Một cậu nữa hỏi:

- Có phải thầy cô đấy không? Thầy cô lên tìm cô gả chồng cho cô chứ gì?

Mai đã đặt gánh hàng lên vai. Nghe cậu kia nói chuyện gả chồng, nàng vừa tức giận, vừa bẽn lẽn cúi nhìn xuống bụng, nghĩ tới Lộc, tưởng nhớ đến đứa con khốn nạn mai sau.

Mắt ướt lệ, nàng rảo bước trên đường. Đi đã được một quãng xa, nàng hãy còn nghe rõ tiếng nói đùa chế riễu ở sau lưng. Ông lão Hạnh cười bảo Mai:

- Nhất qủy, nhì ma, thứ ba học trò, câu tục ngữ không sai.

Mai cũng cười gượng đáp:

- Không đâu ông ạ, họ thế mà tử tế lắm!

Rồi Mai thở dài nói tiếp:

- Họ đương tuổi và tư lự, sung sướng thực! Còn em Huy...

Ông Hạnh an ủi:

- Cô cứ nghĩ làm gì thêm đau lòng. Có tiền thuốc thang, rồi cậu Huy khỏi bệnh đi học, đỗ đạt ra làm quan, làm tư chứ lo gì!

Mai hớn hở quay lại hỏi:

- À, thế nào, việc bán nhà thế nào ông?
- Không, có bán được đâu.

Mai cau mặt:

- Sao ban nãy ông bảo xong rồi!
- Nghĩa là không bán được, chỉ cầm được thôi.

Mai hơi hoàn hồn thở dài:

- Ông làm tôi lo sợ quá. Thế cầm được bao nhiêu cầm cho ai?

Ông Hạnh liền đem đầu đuôi câu chuyện kể cho Mai nghe:

- Vừa về tới làng, tôi đi khắp nơi giàu có hoặc khá giả dạm bán, dạm cầm nhưng họ đều từ chối, kẻ thì nói không sẵn tiền, kẻ thì nói không nỡ mua nhà của cụ Tú, tôi đã nản chí, thất vọng thì bỗng tôi lại nhớ đến ông Hàn Thanh....

Nghe tới tên Thanh, Mai mỉm cười ngắt lời:

- Cái ông Hàn ba vợ ấy à?
- Vâng. Khi tôi không dạm bán đâu được thì tôi liền sang liều bên ông Hàn. Ông ấy thế mà khó cô ạ. Ông ấy săn sóc hỏi thăm cô, cứ tiếc cho cô không nghe lời ông ấy. Ông ấy ba?o giá cô bằng lòng lấy ông ấy thì nay sung sướng biết bao.

Mai hơi cau mày:

- Chuyện cũ, ông nhắc đến làm gì?
- Ông Thanh lại nói nếu bây giờ cô muốn về lấy ông ấy, ông ấy cũng bằng lòng:

Mai gắt:

- Thê nghĩa là không bán được nhà phái không?
- Vâng không bán được nhà.
- Thế mà ông kể lôi thôi mãi.
- Thưa cô bán không được, nhưng cầm được.
- Cầm cho ai?
- Cho ông Hàn Thanh mà lại. Ông ấy không mua chỉ bằng lòng cho cầm thôi, vì ông ấy muôn để sau này cô chuộc lại, nên lãi ông ấy lấy rất nhẹ, chỉ có hai phân. Cô phải biết ở quê ta không mấy khi lại có người lấy lãi hai phân như vậy.

Mai nói đùa:

- Sao tự nhiên ông ấy lại giở chứng đâu ra tử tế thế nhỉ?
- Thì ông ấy vẫn tử tế đấy chứ!

Mai cười:

- Chừng ông ấy nhờ ông đến ca tụng ông ấy với tôi đấy chứ gì?

Ông Hạnh giận thở dài:
- Cô ngờ vực tôi thì còn giời đất nào?

Mai hôi hận, nói chữa:

- Tôi nói bỡn đấy mà. Thế cầm được bao nhiêu tiền, ông Hạnh?
- Cô thử đoán xem.
- Độ trăm bạc nhé?
- Hai trăm cô ạ.
- Ồ! Khá nhỉ. Thế có tiền rồi đấy Chứ?

Ông Hạnh cười:

- Có tiền làm sao chóng thế được! Còn phải làm văn khế đã chứ.

Mai buồn rầu hỏi:

- Thế độ bao giờ thì có?
- Cũng phải dăm ba hôm nữa. Đây, Văn khế tôi đã mượn người viết rồi. Tôi cầm lên lấy chữ ký của cô với cậu Huy, rồi về chỉ điền một chữ giả vào nữa là có tiền.
- Chữ giả gì?
- Nào tôi biết? Thấy chú khóa Vạn chú ấy nói thế thì cũng biết thế.
- Đâu ông đưa văn khế xem.

Ông Hạnh đặt tay xuống bên đường mở túi lấy đưa cho Mai một tờ giấy tín chỉ có viết chữ nho, Mai đọc một lượt rồi nói:

- Được để tôi ký. Thôi mọi việc nhờ ông trông nom cả cho đấy nhé!

Nàng nhìn cái tay nải hỏi:

- Những vật gì mà nghe loảng xoảng thế?
- Về nhà tôi mở cho cô xem.

Mai cười:

- Cái gì mà bí mật thế, ông Hạnh?

Về tới nhà, hai người gặp bà Cán đương ngồi bên giường nói chuyện với Huy.

Bà lão vui mừng đứng dậy hỏi:

- Kìa ông Hạnh. Công việc xong chứ?

Ông lão bộc đặt cái đẫy xuống đất:

- Chào cụ, vâng xong rồi.

Mai vội ngồi xuống cởi đẫy ra xem thì thấy một cái nôi, một xanh, một cái chậu thau và một đôi hạc thờ bằng đồng. Nàng cười hỏi:

- Ông đem những vật này lên đây để làm gì thế?

Ông Hạnh ngần ngừ đáp:

- Vì tôi lo cô cần tiền ngay.... Hôm nọ tôi nghe thấy cô gì cô ấy hỏi, cô có cật gì đem cầm không... nên tôi nghĩ đến những thứ này để ở nhà cũng vô ích.

Mai giọng cảm động:

- Ông Hạnh ơi, ông thật là người giời đưa lại giúp chúng tôi, ông nghĩ chu đáo quá! Lại đánh cát cẩn thận. Trông sáng nhoáng đẹp quá!

Bà Cán cũng ngồi xuống ngắm nghía các thứ nói:

- May ra cầm được dăm đồng đây!

Mai hỏi:

- Cầm ở đâu được bà?

Bà Cán cười:

- Rõ cô quê mùa quá! Không biết cầm ở đâu à? Cầm ở Vạn Bảo chứ ở đâu?

ông Hạnh nhớn nhác:

- Nhưng tôi biết Vạn Bảo đâu?
- Được, để tôi đưa đi. Phải đấy! Tôi đi cho. Chứ ông ngờ nghệch, họ bắt bí mất!

Mai cũng nói vào:

- Phải đấy, bà đi giùm.
- Vậy cô ở nhà trông coi cậu Huy nhé. Cầm được tiền, khi về qua phố hàng Thiếc tôi mời cụ lang Giao luôn thể....

Huy đương nằm, nghe nói mời thầy thuốc thì ngồi nhỏm dậy:

- Thôi, bà đừng mời ai hết. Họ chẳng biết gì đâu.

Bà Cán cười:

- Cậu khéo lẩn thẩn lắm! Ốm thì phải uống thuốc chứ!
- Nhưng tôi tin thuốc tây thôi.
- Khéo vẽ, thuốc tây nhiệt, người Việt Nam mình uổng sao chịu.

Huy nghe Bà Cán nói, im lặng nằm cười thầm.