Chương 26


Buổi chiều y hẹn, Vọi đem mảng lại chờ Lưu. Chàng ngồi xổm trong bóng rặng phi lao, lấy ngón tay vẽ lên cát ướt mịn hình con cá mà chàng thường cất lưới được. Mơ mơ màng màng... chàng tưởng đến Hiền đang đứng bên...

Một hôm, Hiền hỏi chàng về hình dáng các loài cá biển. Không có đủ từ ngữ để diễn tả bằng lời nói cho Hiền hiểu được, Vọi dùng ngón tay vẽ xuống cát rất mau và giống hệt loài cá nọ đến cá kia... Cá thủ thế này... Cá đuối thế này... Cá chim thế này... Cá thu thế này... Cứ như vậy, chàng kéo hơn một giờ, cố moi óc tìm ra nhiều loại cá lạ để được vẽ mãi. Hiền tấm tắc khen chàng khéo tay. Có khi nàng gợi ra để nhắc Vọi hoặc bảo chàng vẽ cho xem một giống cá mà chàng đã hai lần vạch hình lên cát rồi. Lần thứ ba, thấy Vọi vẽ hệt như hai lần trước không thiếu một nét, không sai một cái vẩy, Hiền phá lên cười sung sướng bảo chàng rằng:

- Giá anh vào trường Mỹ- thuật mà học thì thế nào cũng trở nên một nhà ‘danh họa’.

......

- Anh Vọi, anh đến sớm nhỉ?

Nghe tiến Lưu, Vọi giật mình tỉnh giấc mộng, lấy tay xóa vội những hình vẽ trên cát.

- Thưa, thầy tắm ngay bây giờ?

- Cái mảng này mọi khi anh vẫn cho cô Hiền thuê đấy chứ?

- Vâng.

Thật ra Vọi đã nói dối. Cái mảng chàng sắp dùng chở Lưu đi xấu hơn, nát hơn nhiều... Cặp mắt chàng đăm đăm không rời nơi chân trời như ngại ngùng áy náy.

- Đi tắm thôi chứ?

Vọi ngơ ngác quay lại nhìn nói:

- Vâng, mời thầy xuống mảng.

Rồi Vọi loay hoay dựng buồm. Lưu định tâm chỉ muốn tắm ở gần bờ thôi, nhưng vì nhớ buổi sáng Vọi khoe Hiền thường dùng mảng ra khơi, và vì sợ anh đánh cá chê mình nhát gan hơn một cô thiếu nữ nên chàng để mặc anh ta muốn đưa mình đi tới đâu tùy ý.

Mảng chạy rất mau, chỉ trong khoảnh khắc đã rời bờ một quãng xa. Hai người ngồi yên lặng, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn nhau. Thấy anh đánh cá trở nên lạnh lùng dữ tợn khác thường, Lưu hơi chột dạ, trở nên lo lắng vẩn vơ. Bỗng Vọi hỏi:

- Thưa thầy, chắc hẳn thầy cũng sắp về Hà- Nội?

Lưu ngẫm nghĩ tìm câu trả lời:

- Phải, có lẽ tôi sắp về... Gần hết mùa tắm rồi còn gì!

Vọi trông càng có vẻ dữ tợn, nhất là chàng lại đứng sững ở bên cánh buồm nâu để tóc rối tung bay lòa xòa xuống trán, xuống tai.

- Anh Vọi!

Vọi nhếch môi, nở một nụ cười bí mật:

- Thầy bảo gì?

- Sao đi xa thế?

Nụ cười bí mật vẫn không rời cặp môi khô của anh dân chài. Hai hàm răng trắng và khít luôn luôn hé ra.

- Thầy muốn dừng lại đây?

- Phải, dừng lại đây.

Vọi cười thét lên khiến Lưu sợ đến dựng tóc gáy vì chàng ngắm thấy anh đánh cá mặt đổi hẳn, không còn ngây thơ hiền lành như mọi khi nữa.

Thật vậy, một ý tưởng ghê gớm đan lởn vởn trong óc anh ta. Anh muốn để mặc cái mảng đưa hai người đi biệt tăm biệt tích.

Hai cặp mặt đối nhau. Vọi bỗng luống cuống. Chàng cố quay đi nơi khác nhưng không làm sao được. Hình như có một sức thiêng liêng huyền ảo ngăn cấm, và rỉ tai bảo chàng không được tưởng nghĩ đến những điều tàn ác, bậy bạ.

Vọi lặn lẽ hạ buồm rồi thả neo cho mảng đứng lại. Lưu mỉm cười nghĩ thầm:

- “Rõ mình ngờ oan cho hắn. Phải! Người nhà quê chất phác khi nào lại có được những tính tình phức tạp!”.

- Thưa, thầy tắm ở đây?

Sự sung sướng như vừa thoát được một ‘tai nạn tưởng tượng’ làm cho Lưu trở nên ‘tốt bụng’. Chàng bảo Vọi:

- Anh cùng tắm với tôi nhé?

Vọi mỉm cười:

- Tôi không dám. Mời thầy tắm.

Lưu nhảy xuống nước bơi. Lội được một quãng ngăn ngắn, chàng lại quay về mảng. Thấy Lưu thở hổn hển, Vọi cười nói:

- Cô Hiền bơi xa hơn thầy nhiều mà ít khi mệt như thầy.

Lấy làm thẹn với anh đánh cá, Lưu bèn tìm cách chống chế:

- Vì tôi vừa ốm khỏi, chứ mọi lần tôi bơi khỏe hơn. Cái lối vòng tay qua đầu 1 tôi học mãi mới được. Nhưng cô Hiền bơi giỏi lắm à?

- Vâng, giỏi lắm! Mà cô ấy biết bơi nhiều lối khác nhau 2. Cái lối vòng tay qua đầu, tôi học mãi mới được.

Lưu nhìn Vọi trân trân hỏi:

- Cô Hiền dạy anh tập bơi?

Vọi nói với giọng đầy tự phụ:

- Con nhà lưới, thầy tính còn phải nhờ ai dạy bơi nữa? Nhưng cái lối ‘bơi Tây’ ấy tôi cũng muốn tập chơi. Mà bơi thế mau thực thầy ạ. Để tôi bơi thử cho thầy coi nhé?

Vọi cởi quần áo, chỉ đóng một cái khố sơ sài, mạnh mẽ nhảy ‘ùm’ xuống nước. Lưu đứng trên mảng gật đầu khen thầm nhưng không khỏi căm tức vì chàng đinh ninh rằng Vọi đã nhiều lần ‘được’ bơi chung hay ‘bơi thi’ với cô ‘bạn gái’ của chàng. Cái thân thể tráng kiện ‘rất đẹp’ của Vọi càng làm tăng lên lòng ghen tuông của chàng.

- “Trời ơi! Trước mặt cô Hiền nó cũng để thân thể ‘lõa lồ’ thế kia ư?”

Chàng bỗng cảm thấy như được hiểu thêm rất nhiều những cái lố lăng của đám phụ- nữ tân thời mà chàng không thể chấp nhận và yêu thương được.

Lúc ấy, Vọi đã nhanh nhẹn trèo lại lên mảng. Mặc quần áo xong, Vọi hỏi Lưu:

- Thưa thầy, thầy coi có mau không?

- Mau lắm! Nhưng giá anh vận ‘may- ô’ vào thì dễ coi hơn.

- Thưa thầy, ‘may- ô’ có phải là bộ áo tắm thầy đang mặc đó không?

- Phải đấy.

- Bữa nọ cô Hiền đưa cho tôi mượn một bộ nhưng chật quá, không sao mặc vừa.

Lưu tức uất người, chỉ muốn ‘tát’ cho anh đánh cá mấy cái nhưng cũng cố gượng cười bảo chàng:

- Tôi chưa thấy ai lố lăng và liều lĩnh như cô Hiền!

- Thưa thầy, tôi chỉ thấy cô Hiền tử tế mà thôi.

Câu nói như thùng dầu đổ vào đống củi đương ngùn ngụt cháy. Lưu cau có nói một mình:

- Sao mà phóng đãng kiêu sa, dâm dật vô lý lạ lùng đến thế!

Vọi ngây người nhìn Lưu vì không rõ Lưu nói những gì. Nhưng chàng cũng đoán biết rằng Lưu tức giận lắm. Nhưng tức giận vì điều gì? Vì cô Hiền về Hà Nội trước chăng? Hay vì cô ấy đã tử tế với mình? Thật Vọi không thể hiểu được!

Bỗng Lưu phá lên cười. Cái ý nghĩ đã bao lần an ủi chàng lại vụt hiện ra.

- “Chính mình cũng vô lý nốt! Ai lại đi ghen với một anh đánh cá bao giờ!”

Vọi thấy Lưu cười chế nhạo, nét mặt lại trở nên dữ tợn. Và ý định man rợ lại lởn vởn trong óc chàng...

Lưu đã nhảy xuống nước bơi xa được mười sải. Vọi định bụng dựng buồm cho mảng chạy vào bờ để Lưu chết đuối. Nhưng chàng chợt lo sợ nghĩ thầm:

- “Thấy ta về thì họ bỏ tù ta, thì họ chặt đầu ta còn gì! Như thế ta chẳng sao thấy được mặt cô Hiền...”

Vọi chợt thấy hình ảnh cô thiếu nữ với bộ áo tắm đỏ tươi hiện ra trong đám mây hồng... Chàng nhớ một lần Lưu khoe với chàng rằng sắp xin cưới cô Hiền làm vợ...

Vọi lạnh lùng tháo con dao nhọn vẫn buộc vào cái nạng gác buồm để có khi bất thần phải dùng đến. Chàng toan chặt đứt các mối lạt cho những cây bương trôi phăng mỗi cây đi một ngả...

- “Rồi ta bơi vào bờ. Từ đây vào bờ chỉ nhá nhem tối là ta đến nơi. Thế là thầy Lưu chết đuối mà ta không bị tội. Ta sẽ nói dối rằng mảng nát quá, nút lạt lại mục mà thầy Lưu cứ bắt giương buồm ra khơi nên khi gặp sóng lớn mảng bị đánh tan. Còn ai ngờ mình giết thầy Lưu nữa mà sợ!”

Vọi ngước mắt nhìn lại đám mây hồng giống ‘hình dáng cô Hiền’ như để hỏi thầm ý kiến. Nhưng chàng kinh ngạc. Màu đỏ bỗng biến thành màu nâu tím, màu đồng sẫm, màu thân thể bọn dân chài... Mà cái hình ảnh cô Hiền đã đổi ra hình ảnh một dân nghề to lớn vạm vỡ...

Tự nhiên Vọi nhớ đến cha mình, đến cái chết đáng thương của ông ta giữa biển khơi... Thi thể cha có lẽ đã táng trong bụng cá mập... Trong một giây, biết bao nhiêu cảnh đau thương xót xa hiện ra... Mẹ Vọi than khóc, anh em Vọi bơ vơ...

Vọi vứt mạnh con dao xuống nước, úp hai tay vào mặt ngồi khóc. Lúc đó, Lưu đã bơi vào tới mảng. Thấy Vọi khóc nức nở, chàng dịu giọng hỏi:

- Anh làm sao thế?

Vọi vẫn như không nghe thấy gì. Lưu vỗ vai chàng hỏi lại:

- Anh đau phải không?

Vọi giật mình, lau nước mắt đáp:

- Không?

- Nhưng anh sao thế?

Vọi luống cuống, cố tìm câu trả lời:

- Không... tôi thương cha tôi...

- Ông cụ làm sao? Ốm nặng à?

- Cha tôi đã mất hơn mười năm nay.

Rồi Vọi bình tĩnh kể câu chuyện cha chết mà đã hai ba lần chàng thuật cho Hiền nghe...

Một lát sau, hai người lại dựng buồm trở vào bờ. Không ai ngờ vì tình... Vì tình, một người suýt bị hại, một người suýt trở thành kẻ sát nhân...


--------------------------------
1 Bơi Sải.

2 Dân chài Việt- Nam thời đó giỏi về lặn. Họ bơi đương nhiên cũng rất ‘cừ’, nhưng chỉ là ‘Bơi Chó’, hay cùng lắm là ‘Bơi Nhái’ [cũ] thôi cứ hoàn toàn không biết các kiểu bơi như chúng ta thường được xem ở Thế- Vận- Hội như: Bơi Bướm (Butterfly); Bơi Ngửa (Backstroke); Bơi Sải (Freestyle) hay bơi Nhái [mới] (Breastroke). Kiểu Bơi Nhái [mới] ngày nay sự thật là sự kết hợp giữa hai kiểu Bơi Chó và Bơi Nhái [cũ] của thời xa xưa.