Chương 12


Định hỏi người lính hầu cận:

- Có chắc hôm nay không?

Người lính lễ phép đáp:

- Thưa thiếu tá chắc. Nhân viên kế toán ở toà hành chánh cho tin thì phải đúng. Chúng em hối lộ thằng cha ngót hài ngàn mà thiếu tá. Nếu sai, dễ gì nó sống nổi.

Định vén tay áo xem đồng hồ. Anh nói:

- Ba giờ rưỡi rồi.

Người lính hiểu Định sốt ruột. Hắn kiếm cách làm yên lòng anh:

- Bắc về mùa này hay bị kẹt lắm thiếu tá ạ!

Định vỗ vai hắn:

- Công xa kẹt sao được.

Người lính cụt hứng. Định kéo hắn ngồi xuống. Bọn anh đã chờ đợi từ trưa. Ngót hai chục người do Định chỉ huy chia ra ba tốp. Định và ba người ở khúc giữa gần bến đò Lăng Gù. Hai tốp kia canh chừng hai đầu, cách Định chừng năm trăm thước. Con đường Long Xuyên - Châu Đốc quãng này vắng vẻ nhất.

Định và người lính ngồi ngay bên vệ đường như người khách bộ hành nghỉ chân. Nhưng sau lưng anh, nấp trong bụi rậm, hai khẩu tiểu liên nạp đạn sẵn sàng đang chỉa thẳng vào mục tiêu.

Định rút thuốc. Người lính vội móc hộp quẹt mồi lửa giùm anh. Định hút một hơi thuốc dài, lắng tai nghe ngóng. Bỗng, anh khẽ lắc đầu. Người lính áp tai xuống đường một lúc rồi nói:

- Xe vận tải thiếu tá ạ!

Định ngạc nhiên:

- Sao chú biết?

Người lính nhe bộ răng vàng, cười:

- Em quen những vụ này quá mà.

- Chú không nhầm chứ?

- Chưa bao giờ nhầm cả thiếu tá ơi.

Định tròn đôi mắt. Anh chưa kịp hết sức ngạc nhiên thì chiếc xe vận tải tư nhận đã lù lù tiến tới. Người lính được thể khoe tài:
- Thiếu tá thấy chưa?

Định quẳng bao thuốc lá thơm. Người lính bắt lấy. Anh nói:
- Thưởng chú một điếu "con mèo" đấy.

Người lính cám ơn rối rít. Để hắn thưởng thức chất khói cho hả hê, Định mới hỏi:

- Thường trên xe có mấy người?

- Thưa thiếu tá hai.

- Những ai?

- Tài xế và phát ngân viên.

- Chắc chắn hở?

- Dạ, bồ nhà cho tin thì phải chắc chớ!

Định thắc mắc:

- Bồ nhà nào?

Người lính giải thích:

- Thằng nhân viên kế toán ở quận hành chánh đó thiếu tá.

- Nó là bồ mình à?

- Dạ, trước nó theo anh Hai. Sau xin lìa bưng về tỉnh mần việc. Anh Hai thương nó còn mẹ già, để nó về. Nó về mần ăn lương thiện nhưng không quên anh Hai. Nó chẳng dám phản bội đâu thiếu tá ơi. Nó nói trúng phong phóc. Rồi thiếu tá coi!

- Các chú có úp vụ nào như vụ nầy chưa?

- Dạ chưa. Anh Hai không nghĩ ra. Chúng em chỉ úp xe đò thôi. Thiếu tá hay thiệt tình. Vụ này ăn gấp mười các vụ xe đò.

Định nhếch mép cười. Tên lích của bọn "phiến loạn" đã hết lời khen anh. Anh rút thêm điếu thuốc đốt tiếp. Chợt Định liệng điếu thuốc đập mạnh vào vai tên lính hầu cận. Hắn lại áp tai xuống đường. Lần này, mắt hắn sáng lên. Hắn nháy mắt, nói đủ nghe:

- Xe nhỏ thiếu tạ ạ! Có lẽ nó đấy.

Hai người đứng dậy tiến ra giữa đường. Chiếc xe đang xả ga chạy nhanh bỗng nhả vơi ga. Người tài xế sang số xe. Xe chậm dần. Định quay lại nhìn. Xe mang biển số VVN734. Đích thực là xe chở lương của tòa hành chánh Châu Đốc. Định dục người lính:

- Ra tay đi!

Người lính giơ tay vẫy. Xe bóp còi inh ỏi. Mặc kệ. Hai người vẫn đứng nghênh ngang giữa đường.

Chiếc xe bắt buộc phải chạy thật chậm. Và dừng lại. Họ chỉ đợi có thế. Mỗi người sang một bên hông xe, rút súng lục nhanh như chớp. Định ra lệnh cho người tài xế ép xe vô lề. Xong, anh mở cửa xe dùng súng nện vào ót người tài xế. Người lính làm theo Định, hạ người phát ngân trong khoảng khắc.
Định huýt sáo. Hai người từ trong bụi rậm băng ra đường. Đã được dặn trước, họ lôi hai cái xác bị đánh ngất dấu vào bụi rậm. Định ra lệnh:
- Không được giết họ.

Sợ bọn thuộc hạ quen giết người, Định dọa thêm:

- Ai giết họ sẽ bị xử tử.

Ngay lúc đó, tiếng động cơ nổ gần. Định dục người lính hầu cận.

- Leo lên xe ngay!

Tên lính hoảng hốt:

- Thiếu tá có biết lái xe không?

Định không trả lời. Anh leo lên xe. Người tài xế hoảng sợ chưa kịp tắt máy nên Định chỉ việc đạp "ămbay- a" sang số từ từ. Chiếc xe sau đang tiến tới là xe nhà binh. tên lính hầu cận quay lại nhìn. Mặt hắn tái mét. Hắn lắp bắp nói:

- Xẹ.. nhà binh... thiếu tá... ạ!

Định lơ là như không nghe rõ hắn nói gì. Người lính nói to hơn:

- Xẹ.. chở... đông... lính quá... thiếu tá... ạ!

Chiếc xe sau bóp còi. Định ép sát bên lề cho nó vượt. Khi nó bỏ rơi xe anh một quãng xa, Định sang số "de", lùi xe về chỗ cũ. Nét mặt Định rất bình tĩnh khiến người lính há hốc mồm kinh ngạc. Hắn càng tin Định là tay tổ trong nghề cướp cạn.

Định thắng xe, tắt máy, rút chìa khóa "công tắc" vất vào bụi rậm. rồi anh mới vỗ vai người lính, chậm rãi nói:

- Bận sau chú đừng la lối om sòm nữa nghe!

Người lính cúi đầu, vân vê mép áo.

- Em xin lỗi thiếu tá.

Định an ủi hắn:

- Lỗi lầm gì, chú lo vác "hàng" xuống xuồng đi.

Tên lính dạ dài. Hắn còn cố dặn anh:

- Thiếu tá đừng nói vụ em la lối với anh Hai nghe.

Định gật đầu. Trong nháy mắt, hai người đã rời chiếc xe, lẹ chân băng vào bụi rậm. Đi một quãng họ tới bờ sông. Nơi đó, một chiếc xuồng máy đang neo chờ họ. Người lính ném bao bạc xuống xuồng. Hắn cởi giây neo, giật máy. Định ngồi trên bao bạc. Chiếc xuồng chạy sang bờ bên kia và men theo bờ cù lao Hòa hảo xuôi về mạn Châu Đốc.

Anh không cần lo cho đồng bọn. Họ đã có phương tiện để thoát thân. Xuồng trôi cách bến đò Lăng Gù khá xa, Định ngả người nằm ôn dĩ vãng.
Định xuống Chợ Mới hôm trước, hôm sau bắt tay vào việc ngay. Anh dạy học ở bên Mỹ Lương. Ở đây buồn lắm. Nắng như thiêu như đốt, bụi bốc mù trời. Mưa ngày này qua ngày khác, đường xá lầy lội. Con gái đi xe đạp không thắng, không chuông. Con trai ngờ nghệch, dốt nát. Đàn ông lầm lì, khó hiểu. Ông già búi tóc hay để lòa xòa dễ sợ. Nhưng tâm hồn mọi người đều chất phác, thành thực, dễ thương.

Bấy giờ, đúng đầu niên học, trường Mỹ Lương thiếu một giáo sư Anh Văn. Trên tấm bích chương, nhà trường đã quảng cáo với học sinh rằng sẽ có giáo sư Đoàn Thu, cử nhân Anh Văn từ Sài Gòn về đây dạy.

Song, giáo sư Đoàn Thu nào đó không về. Và Định, tự nhiên, phải nhận mình là giáo sư Đoàn Thu.

Một giáo sư bằng lòng về xứ khỉ ho cò gáy này dạy học mỗi giờ nhận tiền thù lao bốn mươi đồng bạc là một chuyện không thể tưởng tượng nổi. Thế mà đồng bào Mỹ Lương đã dám tưởng tượng. Nơi đây, người ta thấm nhuần đạo lý từ lâu. Lại không hay tiếp xúc với dân thành thị nên người ta dễ tin. Bởi vậy, chỉ cần một nhóm người biết lợi dụng những tâm hồn thành thực này, họ sẽ có một lực lượng đáng kể làm hậu thuẫn cho họ Ở bất cứ một lãnh vực nào.

Định, tuy thật sự không có bằng cử nhân, nhưng anh tận tâm dạy dỗ học sinh. Và học đến đâu họ hiểu đến đó, nên học sinh rất mến anh. Tình thầy trò đang quyến luyến thì tháng sau, Định nhận được lệnh mới của ông Hiển. Lãnh tụ của anh muốn anh nhập vô sào huyệt của đám loạn quân, làm cố vấn cho họ và biến họ thành một đạo quân tiên phong của cách mạng.
Trước khi rời Mỹ Lương, Định sang Chợ Mới thảo luận cùng anh Đăng, anh Đăng bảo Định:

- Sống với bọn giặc cỏ rất khó mà cũng rất dễ.

Định hỏi:

- Khó ra sao?

Anh Đăng trả lời:

- Nếu chú không có gì hơn họ.

Định hỏi luôn:

- Còn dễ?

Anh Đăng mỉm cười:

- Nếu chú biết chơi trội hơn họ.

Định nói rất tự tin:

- Tưởng gì chứ chơi trội hơn bọn họ, em thừa tài.

Anh Đăng biết chắc thế nào Định cũng trả lời như vậy. Anh hỏi thêm như khích Định:

- Chú sẽ chơi môn gì?

- Đủ mọi môn.

- Nếu chú muốn thành công, tôi khuyên chú nên chơi một món thôi.

Định ngạc nhiên hỏi:

- Môn gì đó anh?

Anh Đăng buông hai tiếng gỏn lọn:

- Cướp cạn!

Rồi anh không nói gì nữa. Mấy hôm sau có người dẫn Định vào sào huyệt của Huỳnh Văn Xiển. Hồi chưa bị Ngô Đình Diệm tảo thanh, Xiển là một trong những cánh tay mặt của Ba Cụt. Nay chủ tướng bị phản bội đến nỗi phải bỏ xác ở một nơi tầm thường hèn hạ. Xiển thương chủ, nhất định không chịu ra hàng. Ông kéo một số tàn quân, lập sào huyệt, gây căm thù và quyết một sống một còn với anh em Ngô Đình Diệm.

Quân lính của Xiển là thứ quân ô hợp. Họ mang trong tâm hồn hai hình ảnh: hình ảnh của hiệp sĩ và hình ảnh của giặc cỏ. Họ không có tâm hồn chiến sĩ cách mạng như họ thường nghĩ là những người làm cách mạng. Thành thử, khi hình ảnh của tên giặc cỏ, che mờ hình ảnh của trang hiệp sĩ trong tâm hồn họ thì họ tàn nhẫn hết chỗ nói. Ngược lại, khi hình ảnh trang hiệp sĩ che mờ hình ảnh tên giặc cỏ tron tâm hồn họ, thì họ cũng thương nước thương nòi. Được cái, ho rất quí mến và trung thành với chủ tướng đến hơi thở cuối cùng. Phản bội, hai tiếng đó không bao giờ ám ảnh họ. Chủ tướng bảo họ lao vào chỗ chết, họ lao ngay, chẳng cần hỏi sự hy sinh đó sẽ đem lại kết quả gì.

Huỳnh Văn Xiển hãnh diện vì có đám thuộc hạ này. Năm nay ông ta chừng ba mươi sáu tuổi. Chưa lấy vợ. Thoạt trông bộ tóc đạo sĩ kiểu Ba Cụt và đôi mắt diều hâu sắc như nước, người ta tưởng ông hung bạo lắm. Thực ra, Huỳnh Văn Xiển không đến nổi nào. Bắt được đúng kẻ thù, ông ta không cắn cổ uống máu, mổ bung moi tim nhậu rượu, cũng không dùng dao phóng giữa ngực rồi ngắm kẻ thù dẫy dụa mà ngồi cười ngất như một vài đàm em của Ba Cụt. Ông ta chỉ dùng súng bắn nát ngực kẻ thù rồi sai thủ hạ quẳng giữa rừng.

Huỳnh Văn Xiển chưa học hết lớp ba. Nên ông thường tỏ vẻ khao khát học và rất quý trọng người có học. Đối với đám thuộc hạ, ông coi như anh em. Tuy ông tự xưng là đại tá nhưng ông không bắt họ gọi ông là đại tá. Ông cho phép họ gọi ông là "anh Hai". Hai tiếng này nghe nó thân mật và nặng tình huynh đệ.

Buổi đầu tiên gặp Định, Huỳnh Văn Xiển đã quý mến anh ngay. Ông ta cho rằng là người của ông Hiển lại làm giáo sư tất anh phải học giỏi. Định không biết mối giây liên lạc giữa Huỳnh Văn Xiển và lãnh tụ của anh ra sao. Song, cứ nghe Xiển nhắc tới tên ông Hiển bằng một giọng cung kính thì anh cũng đoán được Xiển đã phục người lãnh tụ già này sát đất. Có thể, chỉ qua một sự trung gian mà Huỳnh Văn Xiển đã bị Ông Hiển chinh phục.

Xiển phong luôn cho Định chức thiếu tá! Anh từ chối cách nào cũng không được. Đành nhận. Hôm ra mắt đám thuộc hạ của Huỳnh Văn Xiển, anh đã phải dở chút tài mọn. Y như một giang hồ mã thượng biểu diễn vài đường võ gia truyền để được giới lục lâm kết nạp vào đồng đảng. Ngón phóng dao tuyệt tác của anh làm lé mắt đám thuộc hạ của Xiển. Họ hoan hô anh ầm ỹ và bắt anh dạy họ sử dụng dao.

Hôm bàn chuyện "quốc sự" với anh, Huỳnh Văn Xiển tỏ ý rất lo lắng tầm hoạt động của ông ta càng ngày càng bị khép lại. Những nơi ông ta thu thuế, góp lúa nuôi quân đều bị lính của ông Diệm đặt chân tới. Để cứu vãn tình thế, Huỳnh Văn Xiển chỉ còn cách xua quân đánh cướp những chuyến xe đò hay tàu chở hàng trên sông Cửu Long. Nhưng những vụ cướp cạn này cũng dần dần gặp trở ngại. Huỳnh Văn Xiển đang phân vân thì vớ được Định tới giúp một tay. Ông ta mừng ra mặt.

Xiển tưởng đảng của ông Hiển hợp với ông ta. Ông ta không mảy may nghĩ rằng, ông Hiển ngấp nghé cái lực lượng quân sự, tuy chẳng đáng kể song cũng có ích cho ông sau này. Xiển là một tướng cướp không thủ đoạn, nên bao nhiêu tâm sự, ông ta trút hết với Định. Anh nắm được những kẽ hở của Định để chinh phục ông ta.

Định thổi một niềm tin tưởng mới vào tâm hồn Huỳnh Văn Xiển. Anh nói đến nghệ thuật đánh du kích khiến Xiển khoái chí vô tả. Theo Định, với số quân của Xiển, nếu áp dụng chiến thuật du kích, muốn tiêu diệt, ông Diệm phải huy động cả thủy, lục, không quân đánh hàng mấy năm liền. Yếu tố chính của chiến tranh du kích là chiến tranh tâm lý. Định đề nghị Huỳnh Văn Xiển đừng xua quân lôt đồng bào nữa. Cũng đừng chận đánh xe đò hay tầu đò. Như thế không hợp chính nghĩa. Mà không có chính nghĩa thì dễ bị kẻ thù làm cho cô lập. Và, bấy giờ chỉ còn nước tan rã.

Anh đem kinh nghiệm phá rừng, trồng tỉa của các anh ở Ban Mê Thuột và khuyên Xiển bắt đám thuộc hạ trồng ngô khoai trong những ngày nhàn rỗi để có lương thực dự trữ, đề phòng một cuộc bao vây lâu dài. Huỳnh Văn Xiển đồng ý. Tuy nhiên, ông ta vẫn phân vân chưa chịu dứt khoát chuyện cướp xe đò.

Hiểu ý Xiển, anh hứa với ông ta rằng sẽ có những vụ cướp lớn hơn thay thế vào những vụ cướp xe đò vừa kết quả ít, vừa bị dân chúng thù ghét, vừa dễ nguy hiểm.

Huỳnh Văn Xiển không tin chuyện này mấy. Ông ta muốn biết sự thật. Định phải ra tay. Chuyến cướp xe chở bạc của Tòa hành chánh Châu Đốc là chuyến làm ăn đầu tiên của Định. Nó sẽ làm thay đổi hết nếp sinh hoạt của đám thuộc hạ Huỳnh Văn Xiển. Nó sẽ làm lé mắt mọi người và bếin tất cả thành những chiến sĩ tiên phong của cuộc vận động cách mạng chống Diệm, chống Mao-Hồ, chống thực dân quốc tế.

Điều đó là điều của lãnh tụ anh mong ước.

Chiếc xuồng máy vẫn chảy miết về miệt Châu Đốc. Định ngồi dậy rút thuốc lá châm hút. Anh nghĩ tới Thái, Hạo, Sơn, Huấn, Thịnh... Sơn thường chê anh nhiều tình cảm. Sự chùn tay không dám hạ người tiều phu trong khu rừng vắng mấy tháng về trước là một bằng chứng. Đến phút chia tay. Sơn vẫn còn chê anh.

Định nhớ như in vào dạ những lời đối thoại giữa anh và Sơn:

- Tớ phải vô mật khu của loạn quân Ba Cụt.

- Tớ nói Định đừng buồn nhé!

- Buồn gì?

- Cậu chưa đủ bản lĩnh sống chung với bọn ấy đâu.

Hôm ấy Định đuối lý. Anh đã nín thinh. Tự nghĩ, mình khó mà sống chung với đám loạn quân. Và, con dao vấy máu của anh chỉ dùng để giết cá lóc miền Tây. Nhưng Định đã sống nổi với Huỳnh Văn Xiển, đã chinh phục được đám thuộc hạ của ông ta, đã một lần dẫn thuộc hạ rời sáo huyệt đi cướp cạn. Con dao của anh không phải để giết cá lóc mà dùng để trở nên một bậc thầy.

Chính Định cũng không ngờ anh nhiều bản lĩnh thế. Bất giác, Định lại suýt soa cảm phục ông Hiển.

Chỉ có ông Hiển mới đưa một người tầm thường đặt vào chỗ phi thường. Không được lãnh tụ khuyến khích, có khi nào Định nghĩ tới chuyện vùng vẫy biên thùy với Huỳnh Văn Xiển.

Người lính hần cận chận hỏi anh:

- Bao giờ làm nhiệm vụ khác, thiếu tá cho em theo với nhé!

Định gật đầu. Người lính nói:

- Hôm nay anh Hai mừng quá trời!

Và hắn khen anh:

- Thiếu tá tài số dzách!

Định mỉm cười nhìn sang bên kia sông. Giòng nước Cửu Long êm êm không gợn sóng. Người lính cao hứng cất giọng hát một bài hành khúc đã quá cũ kỹ. Định thổi sáo theo. Xuồng qua Châu Đốc, xuôi miệt Tân Châu và rẽ vào con rạch nhỏ về sào huyệt.