Chương 17


Chiều hôm sau, vẫn tại một căn nhà nhỏ ở khu Bầu Sen, nơi trú ngụ của hai anh, Hạo đang nằm hút thuốc lá ôn lại chuyện sáng hôm trước thì Chấn gõ cửa tới. Anh mong Chấn lắm. Để hỏi thăm xem bọn Thái đã bị thộp cổ hay trốn thoát mà chưa muốn về vì sợ cảnh sát theo dõi. Chấn rầu rầu nét mặt vất tờ báo mới cho Hạo:

- Anh đọc bài bốn cột bên tay trái ấy. Tít hơi sôi nổi "Táo bạo như găng tơ Hiệp Chủng Quốc". Bọn mình lên mặt báo cả rồi. Và có tin buồn đấy anh ạ!
Hạo giật mình. Anh ngồi nhỏm dậy dụi thuốc lá:

- Tin buồn sao?

Chấn thẫn thờ:

- Thì anh cứ đọc xong bài báo đi.

Hạo dở tờ báo gấp tư ra. Anh tìm bài "Táo bạo như găng tơ Hiệp Chủng Quốc".

Bài báo như sau:

"Sài Gòn - Vào hồi 8 giờ 30, một bọn cướp chừng năm tên đã tới chi nhánh của ngân hàng "The bank of Paris" úp một mẻ lớn. Bọn chúng dùng súng tiểu liên và súng lục kiểu ám sát uy hiếp nhân viên và khách hàng của ngân hàng. Một tên lái chiếc Chrysler đậu ngay trước cửa của ngân hàng, một tên vớ vẩn tới cầm chân cảnh sát và canh phòng bên ngoài. Ba tên vào trong ngân hàng vơ vét, bịt mặt nạ hết.

Lợi dụng lúc chúng mãi cuổm tiền, một nhân viên chạy tới bấm chuông báo động. Nhân viên này bị một tên hạ ngay bằng súng tiểu liên. Cảnh sát và người chà-và gác cửa thấy súng nổ, chạy vào. Nhưng đều bị chúng dùng nhu đạo quật ngã. Sau đó, bọn cướp chuồn gấp. Cả năm tên leo lên chiếc Chrysler tẩu thoát. Bất ngờ, đúng lúc xe tuần tiểu của cảnh sát tới. Hay sự thể, xe cảnh sát rượt theo chiếc Chrysler ngay.

Cuộc rượt bắt sôi nổi không kém gì những phim trinh thám, găng tơ trên màn ảnh. Tên lái xe của bọn cướp quả nhiên là một tài xế hữu hạng. Đường Đồng Khánh đông xe cộ như thế mà hắn rồ hết ga lách tránh rất tài tình không gây một tai nạn nào. Tới cuối đường Đồng Khánh, chiếc Chrysler rẽ bên phải sang đại lộ Nguyễn Tri Phương rồi rẽ phải luôn sang đại lộ Hùng Vương. Đặc biệt chạy ngược chiều. Không biết đây là sự cố ý hay quýnh quá tên lái chiếc Chrysler không nhận ra hướng đi.

Bắt buộc chiếc xe cảnh sát cũng chạy ngược chiều. Tới khúc này chiếc Chrysler bỏ hơi xa xe cảnh sát.

Cảnh sát đâu chịu mất con mồi lớn. Nhưng vừa lo bắt cướp vừa sợ gây ra tại nạn nên tốc lực của xe cảnh sát kém hẳn xe Chrysler. Nhân viên cảnh sát đã thông tin cho các đồn bót hay bằng máy siêu tần số. Họ tin rằng bọn cướp khó mà thoát khỏi lưới cảnh sát.

Bọn cướp chừng hiểu ý đó. Tên lái xe đương nhấn hết ga, bỗng nhả ga, lùi xe lại và bất thần quay ngang. Xe cảnh sát chạy thật nhanh, không đề phòng nên húc vào chiếc Chrysler. Một sự va chạm nẩy lửa. Xe cảnh sát tung lên và bốc cháy. Xe Chrysler lật nghiêng. Nhân viên cảnh sát chết hết tại chỗ. Phía bọn cướp, tên lái xe vỡ ngực chết liền. Còn hai tên ngất được xe cứu thương chở gấp tới bệnh viện cấp cứu. Lạ lùng nhất là không biết hai tên nữa đã ẵm bạc thoát khỏi xe lúc nào. Cuộc điều tra của nhà chức trách đang tiến hành.

Theo sự dò hỏi của bổn báo phái viên thì sở dĩ khi tiếng súng nổ trong ngân hàng, dân chúng không ai hay gì cả vì lúc ấy có chiếc xe vận tải chết máy gần đó. Xe vận tải rồ ga ầm ỹ át cả tiếng súng. Đấy chỉ là một lý do. Lý do thứ hai là bọn cướp đã bọc nòng súng bằng nỉ thật dầy nên tiếng nổ có phần bớt to. Còn vụ hai tên ẵm bạc thoát nạn, có lẽ nhân khi xa xe cảnh sát, chúng đã nhảy đại xuống trốn mất.

Tuy nhiên, phải đợi hai tên cướp tỉnh táo, thẩm vấn chúng thì mới biết rõ nội vụ. Một điểm đáng lưu ý là bọn cướp còn trẻ tuổi lắm. Độ ngoài hai mươi. Người ta ngỡ rằng tổ chức này rất chu đáo, biết tính toán kỹ lưỡng để khỏi lộ bí mật, biết cách úp lưới tại một nhà băng ít nhân viên và dám úp ban ngày. Đây có thể coi như vụ làm ăn của bọn găng tơ Mỹ. Táo bạo và sôi nổi như phim ảnh.

Nghe đâu số bạc bị chúng vét hết vào khoảng ba bốn triệu. Chúng tôi sẽ theo dõi vụ này và loan tin đầy đủ hiến bạn đọc".

Hạo đọc xong bài báo, nước mắt anh ứa ra. Hạo cúi gầm mặt. Mãi lâu anh mới nói:

- Bọn khốn kiếp giết cậu Thảo rồi.

Chấn ngồi im. Nỗi buồn từ từ đi vào lòng anh. Bạn anh chết. Bạn anh sa lưới cảnh sát. Chấn cảm thấy mình hơi hèn đã thoát thân trong khi Thảo chết một cách hãi hùng. Anh hỏi Hạo:

- Giờ tính sao anh?

Hạo đáp:

- Không tính sao cả. Cứ tiếp tục hoạt động. Cậu nản chưa?

Chấn xoắn chặt đôi bàn tay:

- Nản thế nào được trong lúc thằng bạn thân của tôi chết. Anh cứ tin tôi đi, nội nhật đêm nay nhất định tôi phải hạ mấy thằng cảnh sát.

Hạo đưa cánh tay áo chấm nước mắt. Anh ngẩng nhìn Chấn:

- Khoan hãy tình chuyện đó, chưa có lợi đâu. Theo bài báo thì mình đang giữ ba triệu.

Chấn cáu sườn:

- Tụi nhà báo biết cái chó gì, chỉ nói phét!

Hạo đứng dậy, bước tới gần chỗ Chấn ngồi, vỗ vai Chấn:

- Hay chúng mình đếm cho rõ sự thật. Tôi nghĩ nhà báo nói đúng vì họ đã hỏi nhân viên ngân hàng.

Chấn nói:

- Vậy đếm làm gì nữa mất công anh ạ!

Hạo đồng ý. Anh suy nghĩ một lát rồi hỏi:

- Cậu biết rõ gia đình Thảo và Danh không?

Chấn trả lời:

- Tôi biết Thảo thôi vì tôi với nó chơi với nhau lâu rồi. Nhưng anh hỏi để làm gì?

- Nhiều việc cần lắm.

- Anh có thể cho tôi hay được không?

Được chứ, cậu cần phải biết.

- Chuyện gì đấy anh?

- Tôi muốn cấp cho gia đình Thảo một món tiền.

Chấn tròn đôi mắt:

- Anh lấy tiền của đảng à?

Hạo lắc đầu:

- Không, tiền của chúng mình.

Chấn càng ngạc nhiên:

- tại sao anh lại bảo là tiền của chúng mình?

Hạo đưa bàn tay vuốt mặt:

- Vì đó là công lao của chúng mình. Giản dị lắm Chấn ạ! Khi tiền còn ở đây, nó chưa thuộc quyền đảng đâu. Chúng ta được phép chi dụng. Cậu thắc mắc à?

- Không. Sở dĩ tôi hỏi anh vì sợ anh lấy tiền cấp cho gia đình Thảo sẽ bị lãnh tụ khiển trách.

Hạo gật gù:

- Có thể bị khiển trách đấy. Nhưng đôi khi mình cũng nên tự ý quyết định. Gặp lãnh tụ mất thì giờ quá.

Vả lại ngoài anh em mình, ai biết túi bạc kia bao nhiêu. Cậu đồng ý không?
Chấn chớp mắt thật mau:

- Tôi chưa phản đối anh điều gì mà.

- Cám ơn cậu. Vậy nhờ anh mang tiền tới nhà Thảo nhé! À quên, tình trạng gia đình Thảo ra sao?

Giọng Chấn buồn buồn:

- Bố Thảo từ Thảo rồi. Mẹ cậu ấy sống riêng với hai cô con gái. Cô lớn mới mười sáu. Bố Thảo lấy vợ lẽ. Thảo bất mãn chuyện này nên cậu ấy mới làm du đãng. Cũng như tôi, tâm hồn nổi loạn, cần chống đối nhưng không biết chống ai. Cuối cùng chúng tôi chỉ có một lối thoát:

đi đánh lộn. May gần đây gặp các anh chúng tôi mới thấy cuộc đời mình chưa hư hỏng. Tôi thương Thảo lắm. Cậu ấy đầy nhiệt tình và tha thiết với công việc của các anh. Mẹ cậu ấy không ngờ cậu ấy đã chết đâu anh ạ!
Hạo cảm thấy nỗi đau khổ lại hiện về. Nó len lén bò vào mắt anh khiến nước mắt anh lại ứa ra. Anh nói nhỏ:

- Nhờ cậu nói dùm với bà cụ cho thật khéo.

- Vâng, tôi sẽ nói Thảo đã nên người.

Hạo tưởng tượng mẹ Thảo là mẹ mình. Và chiều nào đó, bà cụ cũng được Thái tới an ủi rằng "Hạo đã nên người". Lòng anh se sắt. Hạo chỉ tay về phía góc nhà:

- Túi bạc ở đàng kia, cậu đếm đủ một trăm ngàn đem tặng bà cụ.

Chấn phân vân:

- Nhiều thế anh?

- Nhiều gì so với mạng sống một thanh niên tài hoa như Thảo. Tôi muốn tặng bà cụ hết nhưng không thể được.

Chấn cảm động nói:

- Anh xử sự tốt quá, chắc linh hồn Thảo sẽ phù hộ cho sự nghiệp của chúng ta.

Chấn lặng lẽ tới chỗ túi bạc, bật đèn và đếm tiền. Hạo uể oải đặt mình xuống ghế bố. Anh rút thuốc toan châm hút. Nhưng nghĩa sao, anh lại vò nát điếu thuốc, vất đi. Hạo quăng bao "Lucky" và hộp diêm cho Chấn:

- Thuốc đấy, hút đi cậu!

Một lát, anh gọi bạn:

- Này Chấn!

Đang thắt túi bạc, Chấn quay lại:

- Gì thế anh?

Hạo không nhìn Chấn. Anh vẫn nằm ngửa, một tay vắt lên trán:

- Tôi nghĩ rằng cậu sẽ cần tiền.

Chấn lạnh lùng đáp:

- Tôi không cần đâu. Anh nghĩ sai rồi đó.

- Cậu sẽ cần mà.

Chấn trở lại chỗ cũ, gần ghế bố của Hạo:

- Căn cứ vào đâu mà anh bảo tôi cần tiền?

Hạo chỉ tờ báo:

- Vào tờ báo của tên phái viên chết dấp này.

Chấn ngẩn người ra, chẳng hiểu gì. Hạo giảng giải:

- Hiện giờ Thái và Danh chưa biết sống chết ra sao nên chúng nó chưa biết manh mối gì cả. Nhưng có thể, chúng nó sẽ kiếm ra manh mối. Thứ nhất là khuôn mặt cậu. Tên chà-và và gã cảnh sát nhà băng rõ mặt cậu quá rồi. Thứ hai là không chịu nổi đòn, Danh sẽ khai hết. Cậu hiểu chưa?

Chấn đưa tay bẻ bão răng rắc:

- Nghĩa là tôi phải lánh mặt.

Hạo nghiêng người về phía Chấn:

- Đúng, cậu phải lánh mặt. Cả tôi nữa.

- Tôi đi đâu?

- Mùa này ở Nha Trang đông người tắm lắm đấy.

Chấn chụp lấy câu nói của Hạo:

- Tôi sẽ đi Nha Trang hở anh?

Hão ngồi dậy tiếp lời Chấn:

- Và sẽ cần tiền. Các em ngoài ấy khá xinh. Tại sao cậu không nghỉ xả hơi vài tuần nhỉ?

- Còn anh?

Tôi bịt mặt nạ không đứa nào nhìn rõ. Nhưng rồi chúng mình cũng rời Sài Gòn...

- Về đâu?

- Về miền Tây.

- Trốn à?

- Không, chiến đấu trả thù cho Thảo, Danh và Thái.

- Bao giờ rời Sài Gòn?

- Cậu đem hai chục ngàn ra Nha Trang, ăn tiêu hết rồi về miền Tây.

- Hẹn gặp anh ở đâu?

- Cậu cho địa chỉ gặp cậu đi.

- Anh cứ tới nhà tôi. À, tôi còn một thắc mắc muốn hỏi anh.

- Thắc mắc gì?

- Tại sao anh chỉ bảo Danh không chịu nổi đòn khai hết mà không bảo Thái?

- Vì Thái đã tuyên thệ!

Chấn không hỏi nữa. Hạo dục anh:

- Cậu lấy hai chục ngàn đi.

Chấn hơi nghiêng đầu, một cử chỉ bộc lộ sự đồng ý.

- Bao giờ tôi đi Nha Trang?

- Ngay chiều hôm nay.

Suy nghĩ giây lát, Chấn nói:

- Một tuần say tôi về đấy nhé! Tôi không thích Nha Trang.

Hạo cho Chấn địa chỉ liên lạc ngoài ấy. Chấn chia tay Hạo. Còn lại một mình, Hạo nhớ mẹ, nhớ em khôn tả. Anh muốn về thăm nhà nhưng "chưa thành thân" nên đành gói ghém nỗi nhớ thương thật chặt.

Tối hôm ấy Hạo xuống nhà ông Bôi ở Hòa Hưng. Tình cờ anh gặp ông Hiển. Mọi bận muốn gặp ông Hiển phải nhờ ông Bôi đi tìm. Hôm nay thì không. Ông Hiển vẫn dang rộng đôi tay ôm lấy anh. Ông lại móc hộp thuốc ba số 9 châm lửa mời anh hút. Sau đó, người lãnh tụ già trầm giọng:

- Anh chia buồn với các chú.

Nước mắt người lãnh tụ ứa ra. Khiến tâm hồn Hạo nao nao. Anh nói:

- Lỗi tại chúng em chơi dở quá.

Ông Hiển an ủi anh:

- Các chú đâu có dở, bằng chứng là tiền nhà băng vẫn bay mà.

- Nhưng Thảo đã chết thảm khốc, Danh và Thái bị thộp cổ. Số phận của hai cậu ấy chưa biết ra sao.

Ông Hiển móc trong túi quần ra một tờ nhật báo gấp nhỏ trao cho Hạo:
Báo sáng mai đấy. Chú đọc chưa?

Hạo giở tờ báo. Lại tờ "Tin Sớm" mà chú Chấn đã cho anh đọc. Nhưng số này có đăng đầy đủ hình ảnh về vụ cướp nhà băng. Anh nói:

- Số này em chưa đọc.

Ông Hiển hất hàm:

- Thì đọc đi.

Hạo dán mắt vào cái tít bốn cột:

"Bọn cướp nhà băng là người của nhóm hoạt động chính trị?". Tuy có dấu hỏi sau cái tít lớn nhưng Hạo vẫn giật mình đánh thót một cái. Làm sao bọn nhà báo có thể biết rằng các anh thuộc một nhóm hoạt động chính trị?
Anh chăm chú đọc bài báo:

"Như chúng tôi đã hứa hẹn với bạn đọc, số báo hôm nay chúng tôi tiếp tục điều tra vụ cướp táo bạo tại chi nhánh nhà băng "The bank of Paris". Hẳn quý vị còn nhớ, cách đây mấy tháng, một vụ tống tiền không kém phần sôi nổi đã xẩy ra giữa buổi trưa tại tiệm vàng Vạn Lịch. Thủ phạm vụ này lọt lưới một cách êm ru. Mặc dù chủ nhân tiệm vàng Vạn Lịch đã trình cảnh sát nhưng tới nay, màng lưới cảnh sát vẫn chưa chịu bủa. Hoặc đã bủa nhưng chỉ dính mấy tay "mõi lòi vì! Nghĩ cũng buồn cho cảnh sát xứ mình.

Giở lại hồ sơ vụ tống tiền tiệm vàng Vạn Lịch, chúng tôi nhận thấy một điểm đáng lưu ý cảnh sát. Đó là tuổi trẻ. Vâng, vụ tống tiền này do những người tuổi chưa tới ba chục chủ mưu. Và vụ cướp táo bạo tại nhà băng "The bank of Paris" cũng do những người tuổi chưa tới ba chục chủ mưu. Phải chăng họ chỉ là một nhóm?

Chúng tôi gặp ông chủ tiệm vàng Vạn Lịch, hỏi han ông những chi tiết mà ông chưa kể hết cho cảnh sát. Ông chủ Vạn Lịch phân vân mão mới nói.
- Đúng như các ông nghĩ, cón một chi tiết quan trọng mà tôi không dám khai với cảnh sát.

Chúng tôi liền vồ lấy chi tiết quan trọng đó:

- Thưa ông, chi tiết đó ra sao ạ?

Ông chủ nói:

- Những người tống tiền khuyên tôi đừng khai báo và hứa sẽ có ngày đền tôi số vàng họ tạm mượn.

- Họ có nói bao giờ đền không?

Ông chủ suy nghĩ giây lát rồi đáp:

- Có.

- Thưa ông bao giờ?

Ông chủ đưa ngón tay lên miệng, kẹp vào giữa hai hàm răng, dè dặt trả lời:
- Các ông đừng bắt tôi nói nữa.

Chúng tôi khuyến khích ông:

- Chúng ta đang sống giữa thời tự do, dân chủ. Ông đừng sợ một áp lực nào đe dọa. Đã có pháp luật và báo chí che chở ông.
Ông chủ tiệm vàng gượng cười:

- Họ không đe dọa tôi.

- Ông không tin họ là người lương thiện à? Biết đâu đấy chỉ là thủ đọan của lũ bất lương. Chúng sợ pháp luật nên mượn chiêu bài đảng nọ, phái kia quyên tiền ông chứ gì?

Ông chủ tiệm vàng tròn xoe mắt:

- Sao ông biết?

Chúng tôi cười:

- Vì chúng tôi gặp những vụ này hoài.

Tới lúc này ông chủ tiệm vàng mới chịu khai:

- Vâng, quả thế, họ bảo tới ngày cách mạng của họ thành công họ sẽ trả lại số vàng đã mượn.

Căn cứ vào những lời tiết lộ của ông chủ tiệm vàng Vạn Lịch, chúng tôi nêu một nghi vấn:

Phải chăng, bọn người cướp nhà băng "The bank of Paris" ở Chợ Lớn thuộc một nhóm hoạt động chính trị? Và nếu họ thuộc nhóm hoạt động chính trị thì thuộc nhóm nào? Chống đối hay Việt Cộng? Điều này cảnh sát sẽ trả lời nay mai. Tuy nhiên chúng tôi sẽ cố gắng vén màn bí mật trước ngày cảnh sát vén màn. Độc giả đón coi." Hạo giở lại trang nhất. Mắt anh dán vào những tấm ảnh. Chiếc Chrysler của các anh nằm ngang, lật nghiêng và chiếc xe cảnh sát bốc cháy trông rất hãi hùng. Thảo được lôi khỏi xe. Người ta đặt anh nằm trên chiếc băng ca. Phóng viên tờ "Tin Sớm" chụp được kiểu này. Dưới chân ảnh ghi:

"Một trong năm thủ phạm vụ cướp nhà băng đã chết". Mắt Hạo hoa lên. Ông Hiển ngồi cạnh Hạo, vỗ vai anh:

- Chú đọc xong chưa?

Hạo giật mình:

- Thưa anh xong rối ạ!

Ông Hiển có vẻ suy tư:

- Rắc rối chứ không phải giản dị đâu. Tôi ngại chú Danh quá.

Hạo hiểu ý ông Hiển, nhưng anh vẫn hỏi:

- Thưa anh, anh ngại điều gì?

Ông Hiển đáp:

- Tôi sợ chú ấy không chịu nổi đòn của cảnh sát.

Hạo trao tờ báo cho ông Hiển. Anh nói:

- Điều ấy kể cũng đáng ngại song không đáng sợ lắm. Em đã đề phòng cả rồi.

- Chú đề phòng ra sao?

- Tạm thời em để Chấn đi Nha Trang.

- Chú ấy đi chưa?

- Có lẽ giờ này cậu ấy đã tới Biên Hòa.

Ông Hiển đưa tay lên cằm xoa những chiếc râu mọc ngắn. Ông trầm ngâm một lát rồi mới hỏi Hạo:

- Còn chú?

- Mai em rời xóm Bầu Sen.

Ông Hiển khen anh:

- Anh biết mà, anh tin em lắm, lúc nào em cũng sáng suốt. Chỉ có em mới xứng đáng ngôi vị lãnh tụ sau này.

Hạo đang buồn rầu chán nản, tự nhiên ông Hiển xua đuổi hết nỗi chán nản vây quanh tâm hồn anh.

Anh khẽ mỉm cười, cúi đầu nhìn dây giày. Bây giờ ông Hiển vào đề chính:

- Hàng hóa chủ để đâu?

- Ở Bầu Sen.

- Sao chú không mang lại đây?

- Đọc báo, em đâm ngại. Nếu để một người đứng tuổi, công an đỡ để ý.

Ông Hiển vỗ đùi đét một cái:

- Hậu sinh khả úy. Chú hơn anh thật rồi.

Hạo khiêm tốn:

- Anh dạy quá lời.

Ông Hiển trở lại chuyện "hàng hóa":

- Nghe báo chí nói thì mẻ này các chú kéo được ba, bốn triệu hở?

- Chúng em không đếm. Báo chí mới chỉ phỏng đoán.

- Nếu đúng như báo chí đoán, anh em mình sẽ có một mớ súng đạn bắn nhau với ông Diệm.

- Em cũng mong vậy.

Chợt ông Hiển hỏi:

- Ngõ của chú chiếc xe hai ngựa của tôi vô lọt không?

- Lọt anh ạ!

- Vậy anh em mình chở món hàng ấy đi.

- Ngay bây giờ.

- Ừ, ngay bây giờ.

Luôn luôn ông Hiển để câu "ngay bây giờ" vào cuối câu chuyện. Ông không cần vội vàng, hấp tấp. Và luôn luôn ông thành công. Người lãnh tụ già dìu đàn em ra khỏi căn nhà của ông Bôi. Hai người leo lên chiếc xe hai ngựa chạy về miệt Chợ Lớn:

Ngồi trên xe, Hạo hỏi:

- Chuyện về miền Tây thế nào anh?

Ông Hiển nói:

- Đã tới lúc rồi đấy.

- Tuần này liệu chúng em bỏ Sài Gòn được chưa?

- Nếu chú muốn, bỏ lúc nào chẳng được.

- Vậy thì em đợi cậu Chấn về rồi cùng xuôi Hậu Giang. Anh có ý kiến gì không?

- Tôi có một ý kiến.

- Anh cho em biết được chứ?

- Ý kiến này bí mật lắm. Nhưng chú thì tôi cho biết. Một mình chú thôi đấy nhé!

- Vâng, xin anh cho em biết.

Ông Hiển lạnh lùng nói:

- Tôi muốn cướp mật khu của Huỳnh Văn Xiển.

Hạo tròn mắt:

- Huỳnh Văn Xiển là đồng minh của mình.

Ông Hiển cười:

- Ai bảo chú thế?

- Em tưởng.

- Anh em mình đâu có thể hạ mình làm đồng minh với tụi giặc cỏ. Hạ mìh một giai đoạn là quá lắm rồi.

Anh nói chú hiểu chứ?

- Dạ, sẽ thủ tiêu Huỳnh Văn Xiển?

- Đúng.

Hạo không hỏi thêm. Ông Hiển cũng không nói thêm.

Chiếc xe tới đại lộ Thành Thái thì rẽ bên phải, chạy ngay vào con ngõ nhỏ. Ông Hiển ngồi chờ trên xe.

Hạo mở cửa vào nhà xách túi bạc. Khi nân túi bạc, Hạo chợt nhớ tới Danh và Thái. Chưa biết số phận ra sao. Nhưng Hạo biết, họ sẽ bị tra tấn để khai mọi chi tiết. Mà cái chi tiết đáng "ăn đòn" đau nhất là chi tiết chính trị. Hạo không thể để họ thiệt thòi. Anh nghĩ rằng, nếu họ hy sinh tính mạng, gia đình họ phải được đền bù. Hoặc nếu họ mang cái thể xác bệnh hoạn trở về, họ cũng phải cần có tiền để bồi dưỡng lại sức khỏe.

Nghĩ thế, Hạo bật đèn, mở túi bạc móc ra bốn năm kẹp giấy năm trăm. Anh gói vào mảnh giấy dầu và cất trong rương hành lý. Xong Hạo tắt điện rồi xách túi bạc ra.

Ông Hiển vẫn để máy chạy. Hơi sốt ruột một tí vì ông ngỡ Hạo dấu túi bạc ở chỗ kín đáo hoặc phải ngụy trang. Tới khi Hạo ra ông hỏi:

- Sao lâu thế?

Nhanh trí khôn, Hạo đáp:

- Em phải dồn bạc vào cái túi khác.

Người lãnh tụ già dục:

- Lên xe đi!

Hạo từ chối:

- Anh về một mình.

Ông Hiển ra lệnh:

- Không được. Tôi muốn nói chuyện với chú một lát.

Hạo vâng lời. Chiếc xe từ từ ra khỏi ngõ hẹp của khu Bầu Sen. Ông Hiển bớt hồi hộp. Lái xe một tay còn một tay móc thuốc lá, ông mời Hạo:

- Hút cho ấm lòng chú.

Hạo chìa tay. Anh châm lửa hút. Chiếc xe rẽ vào Chợ Lớn và rẽ hết phố này sang phố khác, không chịu ngừng. Đợi Hạo hút hết điếu thuốc, ông Hiển nói:
- Anh em mình bước vào sự nguy hiểm rồi đấy Hạo ạ!
Hạo gật đầu.

- Bao giờ mình chẳng cảm thấy nguy hiểm, thưa anh?

Ông Hiển cười:

- Nhưng bây giờ nguy hiểm tột độ. Chú đọc kỹ bài báo rồi chứ?

- Vâng.

- Chẳng lẽ cảnh sát lại ngu hơn nhà báo!

- Em cũng nghĩ vậy.

- Thế nào chúng nó cũng phải khám phá ra manh mối. Tôi sợ vụ này vượt khỏi tầm khai thác của cảnh sát.

Hạo hỏi:

- Có thể chúng nó chuyển các cậu ấy sang sở "nghiên cứu chính trị" không?

- Chắc chắn thế rồi. Từ đó sẽ lân la tới những vụ truyền đơn, diễn thuyết, vân vân...

Hạo nhìn ra ngoài cửa xe. Anh mường tượng ra quang cảnh tra tấn thật dã man. Lúc ấy con người chỉ là con chó. Một con chó hèn hạ, đê tiện không chịu nổi sự hèn hạ của thể xác. Và con người chó đó sẽ làm bất cứ việc gì để sống. Mặc dù đã tuyên thệ, Hạo không tin rằng Thái sẽ giữ nguyên vẹn sự bí mật cho Đảng. Đằng nào Thái cũng nguy. Nếu Thái khăng khăng không nói, sông an sẽ đánh anh đến chết.

Nếu Thái nói, cơ sở vỡ lở, Đảng sẽ kết án tử hình Thái.

Đang suy nghĩ miên man, chợt ông Hiển hỏi:

- Chú nghĩ gì thế?

Anh lặng lẽ đáp:

- Em nghĩ tới Thái.

Ông Hiển rẽ sang bên phải, vào một con phố nhỏ. Ông cho xe chạy chậm chậm:

- Chú có tin rằng chú Thái giữ đúng lời thề không?

- Em không tin.

- Nghĩa là chú Thái sẽ phản bội?

- Không hẳn thế.

Ông Hiển có vẻ cáu. Người lãnh tụ già dằn giọng:

- Vậy thế nào?

Hạo nhìn thẳng vào khuôn mặt ông Hiển. Nhưng lúc ấy ông đang chăm chú lái xe nên anh chỉ thấy một bên. Anh không biết đôi mắt người lãnh tụ lúc ấy có sáng rực như sao hay không. Hạo trả lời:

- Thưa anh hơi khó nói một chút.

- Chú cứ nói đi.

- Thưa anh, hồi còn trẻ, anh đã bị bắt lần nào chưa?

Người lãnh tụ cười gằn, đầy kiêu ngạo:

- Tôi vào tù như đi chợ.

- Thưa anh, có bị tra tấn không?

- Chú hỏi làm gì thế?

- Thưa anh, hỏi để biết.

- Chú cần biết lắm à?

- Vâng.

- Chúng nó đánh tôi sống lên chết xuống.

- Anh không được thưởng thức đòn nào "êm ái" cả phải không?

- Sao lại "êm ái"?

Hạo đưa bàn tay lên xoa mặt:

- Có lẽ hồi ấy chưa có đòn "êm ái". Em nghe nói, dạo này công an tiến bộ lắm. Đánh đấm nát người mà vẫn không chịu khai, chúng nó sẽ cho uống "thuốc khai sự thật". Uống thuốc này, tội nhân mê man tưởng chừng như mình sống một kiếp khác và nhớ lại hết dĩ vãng của mình. Tội nhân sẽ vừa nhắm mắt vừa kể vanh vách cái dĩ vãng đó ra. Thưa anh, một con người bằng xương thịt, đâu chống nổi khoa học. Em sợ chúng nó sẽ cho Thái ăn đòn "êm ái".

Ông Hiển giật mình:

- Có thể lắm.

- Vâng, có thể lắm. Vì em biết Thái sẽ không khai gì cả nếu chúng nó chỉ hành hạ thể xác. Nhưng Thái sẽ bị nếm đòn "êm ái" mà khai hết, anh nghĩ sao?

Ông Hiển bối rối:

- Nghĩ sao nữa. Chú ấy tuyên thệ rồi mà.

- Vậy theo anh nghĩ, Thái sẽ chết?

- Trường hợp này, chú để tôi nghĩ lại. Nhưng anh em mình phải đề phòng ngay từ bây giờ.

- Sự đề phòng thì anh khỏi lo. Em muốn biết số phận của Thái ra sao nếu cậu ấy bị dồn vào chỗ phải nói sự thật?

Ông Hiển thoái thác:

- Tôi không có quyền quyết định.

Hạo hơi bất mãn:

- Vậy ai có quyền?

- Trung ương.

Ông Hiển trầm giọng:

- Tôi hiểu chú thương bạn. Nhưng chú hãy bình tĩnh, mọi việc chưa xảy ra như chú phỏng đoán cơ mà.

- Em xin lỗi anh.

Ông Hiển đưa tay phải vỗ vai anh:

- Chú có lỗi gì đâu. Thôi, giờ mình nói chuyện khác. Chú định làm gì trong khi chờ đợi tin tức của Thái?

- Đầu tiên em bỏ khu Bầu Sen.

- Đồng ý.

- Em kiếm một chỗ khác đợi Chấn ở Nha Trang về, rồi chúng em xuống miền Tây. Như vậy nếu có lộ bí mật, công an cũng khó lòng bắt em. Trừ khi chúng nó theo quân đội đi tảo thanh phiến loạn.

- Đồng ý. Kể từ nay, chúng ta hủy trạm liên lạc tại nhà ông Bôi.
- Trạm liên lạc mới anh định đặt ở đâu?

- Tôi sẽ báo cho chú biết sau.

- Còn ông Bôi?

- Ông ấy cũng sẽ dọn nhà đi nơi khác nội nhật ngày mai.
Im lặng một lát, ông Hiển nói:

- Khi chú Chấn về, hai chú cứ xuống Chợ Mới. gặp anh Đăng. Rồi từ đấy, các chú sẽ bắt liên lạc với bọn Định, Sơn. Khỏi cần gặp tôi nữa. Chú đồng ý không?

Hạo hỏi:

- Anh không ra chỉ thị gì nữa à?

- Thì các chú hãy thủ tiêu Huỳnh Văn Xiển đi đã.

Hạo không hỏi thêm nữa. Ông Hiển chạy xe và phố chính. Hạo xuống ở đường Đồng Khánh. Anh nhìn chiếc xe hai ngựa chở túi bạc khuất trong những chiếc xe khác rồi mới cất bước. Hạo tìm một tiệm cơm Tàu nổi tiếng. Ăn uống xong, anh leo lên taxi về Sài Gòn. Lại chui vào rạp chiếu bóng thường trực. Đến khuya Hạo mới trở về Bầu Sen. Công việc Hạo phải làm trước khi đi ngủ là gói lại những kẹp giấy bạc thành những gói nhỏ.
Sau đó, Hạo đặt mình trên ghế bố. Anh không sao ngủ. Vừa chớp mắt là Hạo thấy Thái hiện ra. Đau đớn.