Chương 20


Hạo sống trong mật khu của Huỳnh Văn Xiển đã được một tháng. Suốt thời gian này, Huỳnh Văn Xiển bị đau nên ông ta giao quyền chỉ huy lại cho Định. Lương thực đã cạn. Mùa màng không thể làm nổi vì quân đội của ông Diệm không để cho đám thuộc hạ của ông Huỳnh Văn Xiển rảnh tay. Bất đắc dĩ, hôm nay Định phải xuống núi.

Định kéo một đại đội đi. Hạo và Chấn nằm nhà. Định đi từ sáng sớm, đến chiều tối anh mới kéo đám tàn quân mệt mỏi trở về. Dạo này "làm ăn" thất bại luôn. Bảo an đồn trú tại vùng kiểm soát của Huỳnh Văn Xiển cũng đủ sức làm cho ông ta điêu đứng.

Quân của Định không đủ sức chống đỡ. Hỏa lực bên bảo an mạnh gấp ba gấp bốn. Kết quả, phía Định, năm tên chết bỏ xác tại chỗ. Bách và Khải bị thương, khiêng về tới nơi thì hai anh tắt thở.

Tuy chạy thục mạng, Định vẫn vồ được mấy tờ báo đem về cho Hạo. Tối hôm đó, Định và Sơn đều buồn nên hai anh trình bầy sự việc với Huỳnh Văn Xiển rồi đi nằm. Hạo thắp nến đọc báo. Vừa cầm tờ "Tin Sớm", mắt anh bỗng hoa lên. Hạo dụi mắt hai ba lần mới đọc rõ cái tin tám cột mặc dù tít đó sắp chữ thật lớn:

"Những con cá mập của đảng Cách Mạng Dân Tộc đã mắc lưới". Hạo run rẩy. Tay anh cầm không muốn nổi tờ báo, tim anh đạp thình thịch. Máu trong cơ thể dồn hết về tim. Hạo nhắm mắt một lúc thật lâu rồi mới lại nâng tờ báo đọc. Bài báo nói lại quá trình hoạt động của đảng "Cách Mạng Dân Tộc" rồi nói tới sự hoạt động phi pháp chống chính phủ Ngô Đình Diệm. Sau đó kê khai những tên bị bắt. Trong đó hơn một trăm người có anh Luyến, anh Đăng, cô Vang, anh Bính, anh Tường và 90 anh em do Hạo và Thái kết nạp gài vào các công sở làm việc để gây quỹ cho Đảng. Bài báo cũng nói tới những vụ lột, tống tiền, cướp nhà băng, rải truyền đơn chống chính phủ, tổ chức diễn thuyết đả kích Thủ tướng Ngô Đình Diệm v.v.. rồi kết luận đó là những hoạt động phá phách của đảng "Cách Mạng Dân Tộc". Theo tờ "Tin Sớm", cơ quan ngôn luận chính thức của chính quyền, đây mới là mẻ lưới đầu. Tờ báo còn đề cập tới những đảng viên trẻ tuổi nòng cốt của đảng "Cách Mạng Dân Tộc" hiện đang làm cố vấn cho những đám loạn quân của Ba Cụt, cướp bóc, đánh phá miệt Hậu Giang...

Hạo mở căng mắt ngắm bốn con cá mập nguy hiểm mà báo "Tin Sớm" viết dưới chân ảnh: Luyến, Đăng, Vang, Bính, Tường. Hạo chỉ quen mặt ba người. Còn anh Bính và Tường, Hạo chưa được tiếp xúc.

Lạ lùng nhất không thấy nói đến ông Hiển, ông Bình. Hạo tự nghĩ có lẽ hai ông lãnh tụ già đã lọt lưới.

Nhưng tại sao bọn "Tin Sớm" biết các anh đang trà trộn trong đám loạn quân của Ba Cụt?

Hạo vùng dậy, anh tắt nến bước ra ngoài. Trời cuối tháng mù mịt. Khí núi lành lạnh thấm vào cơ thể anh. Hạo kéo cổ áo cao gây ấm áp. Anh thong thả bước ra khu nghĩa địa nơi anh em vừa bó vải kín mít hai cái xác của Bách và Khải và đặt họ yên nghỉ dưới lòng mộ không lấy gì làm sâu lắm.
Hạo đứng rất lâu. Anh mơ hồ thấy Thảo, Danh, Thái. Chắc chắn, Thái đã bị tra tấn chết rồi. Thế là trong số mười người cũ và ba người mới, các anh chỉ còn bốn. Chín người đã hy sinh cho lý tưởng cách mạng. Hơn một trăm người vừa bị bắt. Rồi cũng chết mòn trong ngục tù sau khi bị tra tấn dã man. Hạo rùng mình. Nước mắt Hạo ứa ra, thương hai người bạn nằm hiu quạnh giữa những cái xác của bọn giặc cỏ.

Sương đêm thấm ướt vai Hạo. Anh trở lại. Một giọng hét lên:

- Ai?

Biết là lính tuần phòng, anh đáp:

- Tôi, Hạo đây!

Năm tới thuộc hạ của Huỳnh Văn Xiển đã tới gần. Nghe tiếng Bắc, chúng hiểu ngay là bạn của trung tá Định. Một tên hỏi:

- Thiếu tá đi đâu đấy?

Nó phong bừa cho anh chức thiếu tá. Anh đáp:

- Tôi ra thăm mộ những người chết hôm nay.

Bọn họ không hỏi thêm. Một lát, một tên nói:

- Thôi mời thiếu tá về.

Hạo nghe lời hắn. Thay vì về căn nhà riêng của mình, Hạo tới căn nhà của Sơn. Anh ném cho Sơn tờ báo, bắt Sơn đọc nhanh để còn hỏi ý kiến Định và hoạch định hướng đi mới.

Sơn đọc xong bài báo toát mồ hôi trán ra. Anh thẫn thờ một lát rồi nói:
- Đàn anh mình bị thộp mấy người, không chừng tối hôm nay chúng đã thộp hết.

Hạo không đáp lời bạn. Anh kéo Sơn sang tìm Định. Hai anh lại đưa tờ báo cho Định, bắt Định đọc.

Cảm tưởng của Định khi đọc xong bài báo nói về Đảng mình thật rã rời chua xót. Anh cố mím môi khỏi buột ra một tiếng than phẫn uất. Ba người tuổi trẻ ngồi im. Ngọn nến cháy leo lắt.

Nước mắt Định ứa ra. Anh nghĩ tới vợ con của "con chó biển" Luyến. Anh nghĩ tới cô Vang, nghĩ tới tất cả. Anh muốn có một đoàn quân hùng hậu bách chiến bách thắng, tiến thẳng về thủ đô giải phóng cho đồng bào và đập tan cửa tù cứu các đồng chí của mình ra. Đau khổ cùng độ, người ta mơ mộng. Khi giấc mơ thoáng qua, sự thật hiện rõ ràng, Định thở dài. Anh hỏi các bạn:

- Bây giờ mình phải làm gì?

Phải làm gì? Sơn và Hạo cũng chưa biết các anh phải làm gì. Chắc chắn là phải chờ lệnh mới của ông Hiển. Hạo đáp:

- Chẳng cần làm gì nữa. Tạm thời bỏ ý định thủ tiêu Huỳnh Văn Xiển đi.
Sơn nói:

- Chúng mình còn có bốn mống. Có lẽ từ hôm nay đừng xuống núi nữa. Để mặc Huỳnh Văn Xiển lo liệu.

Hạo ném tờ báo xuống đất, cau có:

- Tớ rất lạ chuyện này!

Định hỏi:

- Chuyện gì?

Hạo trả lời:

- Tại sao ông Hiển, ông Bình không bị bắt?

Sơn nói:

- Chắc ông ấy lọt lưới.

Hạo lại hỏi:

- Ông Bôi cũng lọt lưới à?

Sơn đáp:

- Tại sao không? Cậu cứ yên chí đi, độ hai ba ngày nữa thế nào chúng mình cũng nhận được tin tức của ông Hiển. Thôi giờ về ngủ. Một ngày truy kích mệt nhọc quá. Mai chúng mình nói tiếp.

Ba người chia tay. Ai về nhà người ấy. Cả đêm Hạo không ngủ được. Câu hỏi "Tại sao ông Hiển, ông Bình và ông chánh tổng Bôi không bị bắt?" cứ luẩn quẩn trong đầu óc anh. Anh cố xua đuổi nó đi để ngủ.

Mà chẳng được. Đến nằm giờ sáng, mệt quá, Hạo thiếp đi. Khi anh thức, mặt trời đã lên khá cao. Quang cảnh trong mật khu buồn hết sức. Những người "lính của cách mạng" bị thương hôm qua, hôm nay mới rên la đau đớn. Mật khu thiếu thuốc, thiếu phương tiện cứu thương.

Hồi trước, khi Ba Cụt chưa bị chết chém và kh lính Bảo An chưa được phép đồn trú tại làng Hòa Hảo, sau mỗi trận kịch chiến, Ba Cụt thường chở thương binh về bệnh viện thiết lập tại làng Hòa Hảo để cứu chữa. Bệnh viện không có bác sĩ, nhưng có nhiều y tá giàu kinh nghiệm, thuốc thang cũng nhiều. Bây giờ làng Hòa Hảo đặt dưới quyền kiểm soát của Bảo An, đám tàn quân của Huỳnh Văn Xiển, dẫu bị thương gần chết cũng không dám bén mảng về.

Hạo chạy đi kiếm Định và Sơn. Anh muốn ngược Sài Gòn xem tin tức ra sao. Không lẽ các đồng chí bị bắt mà mình ngồi yên ở mật khu của Huỳnh Văn Xiển. Anh ngỏ ngay ý định cho các bạn hay. Định ngăn:

- Cậu không nên về.

- Tại sao không nên?

- Về để nạp mạng cho chúng nó à?

Hạo cười khinh bạc:

- Bắt được tớ, ít ra chúng nó cũng lãnh đủ vài tên.

- Đừng chủ quan quá Hạo ạ! Chúng ta đã chủ quan nên mới bị mắc lưới chúng nó. Giờ ở ngoài vòng cương tỏa chỉ còn mấy thằng chúng mình. Cậu bị tóm nữa, lấy ai điều khiển công việc.

Hạo xua tay:

- Không, tớ tìm ông Hiển.

Định hỏi:

- Chắc cậu có gặp ông ấy không?

- Tớ phải gặp.

Biết không can ngăn được bạn, Sơn hỏi:

- Bao giờ cậu về?

- Sáng sớm mai. Tối nay các cậu cho người đưa tớ đến bến đò Lăng Gù.

- Rồi cậu có xuống đây với chúng tớ nữa không?

- Có chứ. Tớ gửi cậu Chấn cho các cậu.

Hạo hỏi thêm:

- Viết thư cho các cậu cứ gửi về bến đò Lăng Gù, đề tên lão Lê Văn Lời được chứ?

- Được.

Sơn nói:

- Nếu ông Hiển cũng đã bị thộp cổ, cậu có xuống đây không?

Hạo cười:

- Đã trót bước vào con đường tranh đấu, dễ gì tớ bỏ được. Cậu cứ tin tớ đi. Tớ sẽ xuống với các cậu.

Ngay tối hôm ấy, Định, Sơn và ba tên thuộc hạ của Huỳnh Văn Xiển bơi chiếc ghe máy chở Hạo ra bến đò Lăng Gù để sớm mai Hạo đáp xe từ Châu Đốc về Sài Gòn.

Hạo trở lại Sài Gòn, công việc đầu tiên của anh là đi tìm ông Hiển. Căn nhà cũ của ông Hiển đóng cửa im ỉm. Tấm bảng các tông ghi chữ "nhà cho mướn". Hạo hỏi thăm người hàng xóm của ông Hiển, họ không biết tên ông là gì nhưng xác nhận ông đã dọn đi rồi.

Ông Hiển đi đâu? Sợ động rừng nên ông phải trốn tránh chăng? Có thể lắm. Mẻ lưới của ông Ngô Đình Diệm tung ra thật xứng đáng. Cỡ như anh Luyến, anh Đăng mà cũng vướng lưới thì ông Hiển, ông Bình có lọt lưới khó mà sống yên ổn được. Nhưng ông Hiển đi đâu? Người lãnh tụ già của đảng "Cách Mạng Dân Tộc" đi đâu? Hạo rất thắc mắc. Song anh đành để cho nỗi thắc mắc dày vò tâm hồn mình.

Hạo thả bộ lang thang trên những con đường vắng. Đến một công viên. Hạo tìm chiếc ghế ở những chỗ vắng ngồi hút thuốc lá. Anh nghĩ đến những kỷ niệm niên thiếu của đời mình. Hồi còn học lớp nhì trường huyện, một hôm thầy giáo ra bài luận quốc văn:

"Sau này lớn lên em làm nghề gì? Nói rõ tại sao em làm nghề ấy." Bấy giờ Hạo chưa biết cách mạng là gì. Hai tiếng cách mạng còn xa lạ với đôi tai của chú học trò trường huyện. Với mớ kiến thức tiểu học, Hạo chỉ biết trên đời có nghề làm quan, nghề đi buôn, nghề dạy học, nghề làm ruộng. Và, Hạo đã chọn nghề dạy học. Hạo cho rằng nghề dạy học là nghề cao quý, vì thế anh chọn. Thầy giáo của Hạo - hôm nay Hạo vẫn còn nhớ tên - đọc bài luận của Hạo đã phải mỉm cười và bảo rằng:

- Thầy dạy học lâu rồi, chả thấy cao quý gì mà chỉ thấy bạc bẽo thôi. Cái nghề này không bắt người ta phải tiến bộ. Ngày này sang tháng nọ, cho tới mãn một đời người, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có bằng ấy bài vở. Con nên tìm nghề khác mà chọn.

Hạo ngây thơ hỏi:

- Các bạn con chọn hết nghề rồi, còn mỗi nghề dạy học nên con phải chọn. Thưa thầy, thầy khuyên con về sau nên làm nghề gì ạ?

Thầy âu yếm nói:

- Con muốn làm nghề gì cũng được, trừ hai nghề là làm quan và dạy học.
Hạo đã làm lại bài luận. Anh chọn nghề đi buôn. Nghĩ lại Hạo buồn cười. Sự chọn lựa ở tuổi thơ, chẳng có nghĩa gì hết. Bây giờ Hạo tiếc hồi đó chưa biết "nghề làm cách mạng". Giá biết, Hạo thử chọn nghề này xem thầy giáo khuyên bảo ra sao. Thủa bé chọn nghề đi buôn, lớn lên làm nghề cách mạng! Bất giác Hạo thấy thiếu cái gì quanh đời mình. Một bậc thầy chẳng hạn. Anh đã có người lãnh tụ già kính mến.

Nhưng giờ đây, không hiểu người lãnh tụ của anh đi đâu?

Hạo ngồi thật lâu. Hết nghĩ tới kỷ niệm cũ lại nghĩ tới những người bạn đã chết vì lý tưởng cách mạng.

Hạo đưa tay vuốt mặt. Vô tình, bàn anh anh đụng phải những sợi râu đâm tua tủa trên cằm. Hạo giật mình. Anh không còn trẻ nữa. Tuổi trẻ của anh sắp mất. Sự nghiệp anh chưa có gì. Hạo nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ em... Lâu lắm rồi, từ ngày bỏ nhà đi biệt tích, Hạo chưa có dịp nào về thăm nhà. Anh cũng chẳng viết thư về thăm hỏi gia đình. Nay chợt nhớ nhà, Hạo nghĩ cũng nên về qua một chút. Biết đâu, gia đình chả truyền hơi nóng vào cơ thể anh để anh mạnh dạn chiến đấu tới đích thành công.

Hạo bỏ công viên, anh gọi chiếc xích lô đạp. Món tiền bớt của vụ cướp nhà băng Hạo vẫn giữ. Anh có thể trích một nửa tặng mẹ và em. Hạo thấy lòng mình đỡ tủi. Nhưng ngồi trên xích lô, Hạo lại nghĩ ngợi.

Và anh quyết định không dùng tiền xương máu của anh em vào việc riêng nữa.

Hạo bước xuống xe theo con ngõ nhỏ, anh lần về nhà mình. Một bài nhạc ngoại quốc thu thanh ngoài lộ lùa vào ngõ hẹp. Tiếng vĩ cầm rít lên tê tái. Hạo rùng mình. Bài nhạc ám ảnh Hạo. Tới nhà mình, Hạo đứng im nhìn cánh cửa khép kín. Anh muốn gõ cửa, gõ thật mạnh. Rồi không hiểu sao, Hạo lại vội vàng thoát khỏi con ngõ nhà mình.

Anh tự nhủ:

"Mai mốt làm nên chuyện gì trở về cũng chưa muộn". Hạo rảo cẳng bước. Anh đi tìm lãnh tụ Hiển, đi tìm sự nghiệp cách mạng.

Hạo đã tìm thấy người lãnh tụ già.