Chương 2 - Charlie


Tên nghe quá lạ
Quả tình nếu không có trận chiến mùa Hè 1972, thì cũng chẳng ai biết đến Charlie, vì đây chỉ là tên quân sự dùng để gọi một cao độ nằm trong chuỗi cao độ chập chùng vùng Tân Cảnh, Kontum. Charlie, “Cải Cách” hay “C,” đỉnh núi cao không quá 900 thước trông xuống thung lũng sông Pô-kơ và Đường 14, đông-bắc là Tân Cảnh với mười hai cây số đường chim bay, đông-nam là Kontum, thị trấn cực bắc vùng Tây Nguyên. Charlie bị bao vây bởi Căn Cứ 5, Căn Cứ 6 ở phía bắc, những mục tiêu quân sự nổi tiếng, những vị trí then chốt giữ cửa ngõ vào Tân Cảnh mà bao nhiêu năm qua, bao nhiêu mùa hè, mùa mưa rào, báo chí hằng ngày trong và ngoài nước phải nhắc tới khi những hạt mưa đầu mùa rơi xuống vùng núi non, cạnh sườn cực tây địa giới nước Nam.
Năm nay, sau bao nhiêu lần thử thách từ mùa mưa 1971 qua đầu xuân 1972, Bắc quân vẫn không vượt qua được cửa ngõ hai căn cứ số 5, số 6, thế nên cộng quân đổi hướng tiến, lòn sâu xuống phía nam hai căn cứ trên để tiếp tục sự nghiệp “giải phóng” với mục tiêu cố định: Tân Cảnh, cắt Đường 14.
Vòng đai Lữ Đoàn II Nhẩy Dù nằm về phía trái quốc lộ có hình cánh cung bắt đầu bởi căn cứ Anh Dũng ở cực bắc đến Yankee hay Yên Thế, ngã lần xuống nam với Charlie, Delta, Hotel, Metro và chót hết là Bắc Ninh, phía đông Võ Định, nơi đặt bộ chỉ huy lữ đoàn. Vòng đai này có nhiệm vụ che chở phía trái đường 14, phát hiện sự di chuyển từ đông sang tây của địch xong dùng phi pháo để tiêu diệt. Đây là lý thuyết chiến thuật,quan niệm hành quân của phía cộng hoà đối với mục tiêu và hướng tiến của phía cộng sản hằng bao nhiêu năm. Nay địch thay đổi đường đi và quân ta lập vòng đai nhẩy dù... Yankee, Charlie, Delta bắt đầu được đặt tên để tiếp nhận định mệnh tàn khốc trong cuộc chiến trùng trùng. Đoạn sau kể về trận đánh ở Charlie, trận đánh nhỏ của một tiểu đoàn nhẩy dù, nhưng điển hình cho toàn thể bi hùng cực độ về người Lính Chiến Việt Nam.


Đến đây,
Người gặp Người
Đường mòn trên đất Lào khi chạy đến vùng Ba Biên Giới phía đông cao nguyên Boloven chia ra hai nhánh; nhánh thứ nhất từ Chavane đâm thẳng biên giới Lào-Việt xuyên qua dãy Chu Mon Ray để nhắm vào Darkto; nhánh thứ hai từ Bản Tasseng qua trại Lệ Khánh, và Kontum là mục tiêu cuối cùng của quan niệm chiến thuật Bắc quân: Phải chiếm giữ thị trấn cực bắc nầy để làm bàn đạp lần tấn công Pleiku, rồi từ đây tiến về phiùa đông, xuống bình nguyên tỉnh Bình Định. Gọi nhánh thứ nhất là nhánh Bắc và nhánh thứ nhì là nhánh Nam. Trong chiến dịch Xuân-Hè 72 của Mặt Trận B3 (chiến trường Tây Nguyên), đường rẽ phía Bắc được sử dụng, từ đỉnh 1773 của núi Chu Mon Ray, con đường không thể gọi là một nhánh nhỏ của “đường mòn ****” nữa, nhưng phải gọi đó là một “Bypass” của một cải lộ tuyến phẳng phiu trơn láng, chạy ngoằng ngoèo qua các cao độ, đổ xuống những thung lũng hun hút của dãy Big Mama Mountain rồi bò theo hướng đông đến đỉnh Kngok Kon Kring. Đỉnh núi này cao quá, con đường phải quẹo qua trái, đi lên cao độ 960 và tạm dừng lại. Dừng lại, vì phía đông, hướng trước mặt chỉ cách mười cây số, con sông Pô-Kơ dậy sóng... Con sông ầm đổ qua ghè đá, ào ào đi giữa rừng xanh núi đỏ. Bên kia sông, Quốc Lộ 14 chỉ khoảng trên dưới sáu cây số và đầu con đường là Tân Cảnh, mục tiêu của bao chiến dịch.Từ ngày chiến tranh “giải phóng” bùng nổ.
Đây rồi, “...nồi cơm điện National” đây!! Tân Cảnh hấp dẫn ngon lành như cô gái yếu đuối hớ hênh thụ động nằm dưới thung lũng bát ngát ở đằng kia. Bộ đội ta tiến lên! Nhưng không được nữa, con đường đã bị dừng lại, và bộ đội ta dù được “tùng thiết”, dù được đại pháo “dọn đường” cũng phải dừng lại, vì đỉnh 960 chính là bãi đáp C, là cứ điểm Charlie và Tiểu Đoàn 11 Nhẩy Dù đã xuống LZ (*) này từ ngày 2-4. Con cháu Bác và Đảng phải ngừng lại bố trí trận địa.Nỗ lực kinh khiếp kéo dài trên năm mươi cây số đường núi, từ ngả rẽ đất Lào phải dừng lại vì chạm phải “sức người”.Ở đây - Người đã gặp nhau.
Vực thấp, đỉnh cao, bạt núi, xẻ đèo, những con người cuồng tín và tội nghiệp của miền Bắc đã làm được tất cả. Con đường núi của Tướng Stiwelle từ Miến Điện đến Trùng Khánh, Trung Quốc năm 1945 đã là một sự khủng khiếp - Đường xuyên sơn vạn dậm, dài thật dài, quanh co khúc khuỷu lớp lớp giữa núi rừng nhiệt đới, con đường nổi tiếng đúng như tầm vóc và giá trị của nó - Cả nước Tầu sống bám vào cái ống cứu nguy thậm thượt hun hút này. Vào thời điểm đầu thế chiến, nước Tầu, đồng minh “tuyệt vời cần thiết” của người Mỹ dễ thương cần phải sống để chống đỡ trục Bá Linh - Đông Kinh. Con đường quả đáng tiền và đáng sợ. Nhưng đường này làm bằng máy, dưới sự yểm trợ và che chở của các “Ong Biển” hảo hạng, những người lính công binh chiến đấu hãnh diện của Mỹ Quốc giàu sang hùng mạnh. Năm mươi cây số đường xuyên sơn của “bộ đội ta” thì khác hẳn. Bộ đội đào bằng tay trong đêm tối. Bộ đội lấp hố dưới tấm lưới lửa thép của B52, trên những giải thảm tử thần dầy lềnh bom bi CBU. Sức người và lòng cuồng tín ghê gớm đã vượt qua giới hạn. Đấy không còn là người với thịt da biết mệt mỏi đau đớn, cũng không là người với trí óc biết nguy biến và sợ hãi. Bắc quân, khối người vô tri tội nghiệp chìm đắm trong ảo tưởng và gian nguy triền miên. Con đường sạn đạo vào đất Ba Thục tân thời được hoàn thành từng phân từng thước... Bắc quân theo đó đi về Đông.
Nhưng đến đây, ở cao độ 960, người lính Bắc Việt không tiến được nữa vì đã gặp “người”- Người rất bình thường và giản dị. Người biết lo âu, sợ nguy biến. Người có ước mơ và ham muốn vụn vặt. Những người không thần thánh hóa lãnh tụ và tin tưởng Thiên Chúa cũng chỉ là bạn tâm tình. Nhưng đó cũng là những người lính đánh giặc “tới” nhất của Quân Lực Miền Nam, chỉ huy bởi những sĩ quan miệt mài trên dưới mười năm trận địa. Những sĩ quan biết đánh hơi rất chính xác khả năng và ý định của đối phương. Bắc quân dừng lại giữa đường, ảo tưởng bị công phá và tan vỡ- Họ gặp lính Nhẩy Dù Việt Nam.