Mùa Hè Đỏ Lửa
Tác giả: Phan Nhật Nam


Chương 1


Mùa Hè, những cơn mưa bất chợt ùn ùn kéo đến, ào ạt chụp xuống núi rừng Kontum, Pleiku... Trời thoắt trở lại xanh, cao khi mưa dứt, nắng hanh vàng ấm trong không khí gây gây lạnh, những đồi cỏ xanh dọc Quốc Lộ 14 bắt đầu óng mượt, cánh cỏ non lớn dài phơi phới dưới sau trận mưa đầu mùa và thung lũng xa vàng rực hoa hướng dương. Không khí, gió, trời mây và cỏ cây thay đổi hẳn, mới mẻ toàn khối, toàn sắc, vùng cao nguyên lộng lẫy, triền miên với từng hạt nắng vàng ối tan vỡ trên đồng cỏ xôn xao gió thổi...
Mùa Hè, gió Lào miền Quảng Trị, Thừa Thiên thổi từng luồng, từng chập, đưa “con trốt” chạy lừng lững trên cánh đồng cát chói chang, những đồi hoa sim, hoa dủ dẻ rung rinh bốc khói dưới mặt trời hạ chí. Giòng nước sông Hương, sông Đào, sông Bồ, Mỹ Chánh, Thạch Hãn đục hơn, thẫm màu hơn, lăn tăn từng sợi sóng nhỏ len lỏi khó khăn qua kẽ đá, bãi cát, chầm chậm chảy về phía Tam Giang, cuốn trôi theo đám lá tre già khô úa.
Mùa Hè, những con đường thành nội Huế lốm đốm ánh trăng xuyên qua cành lá, cô gái chuyển tấm lưng sau lớp tóc dài dày kín, nâng khối tóc xôn xao lên khỏi chiếc gáy để cơn gió ngắn len qua hàng rào chè xanh thổi khô đi lớp mồ hôi rịn trên những lông tơ nõn.
Mùa Hè, mưa rào tăm tắp đổ xuống kín trời An Lộc, chập chùng ẩn hiện những thân cây cao su nhoà vào nền trời xám tối, khu rừng biến thành khối đêm đen trong khoảng khắc, khối đen chuyển dịch, vẫy vùng ào ạt theo từng cơn lốc gió... Mưa tan, trời tạnh, ánh trăng lạnh nhô lên từ phương tây, cuối bình nguyên lồng lộng, núi Bà Đen ấn một nét đen thẫm thần bí trên nền trời xanh ánh trăng. Và đàn nai bắt đầu tung tăng từ đầu nguồn, cuối lạch... Đàn nai chạy vun vút qua rừng cây, trên đồng cỏ mượt sóng, chạy và ngừng lại, “bép” mấy tiếng âm u cùng ánh trăng chập chờn trên sóng cỏ.
Mùa Hè, mùa đẹp đẻ, tươi gắt căng sức sống, ngày ngày nỗ lực trên mặt nước loáng ánh nắng hay đồng lúa nặng hạt. Hạt ngọc của trời, và người dân cất cao tiếng hò...
Được mùa chớ phụ môn khoai,
Đến năm Thân, Dậu lấy ai bạn cùng...
Tiếng hò chạy dài trên lúa, theo cơn gió đưa ra đến đầu ghềnh, cuối cửa sông, tan biến vào cùng sóng nhỏ... Trên mặt nước, con đò xuôi về Thế Chí, Đại Lộc dọc Phá Tam Giang(*), lại vang dội một giọng hò khác phảng phất nét tàn tạ bi thảm của hơi Nam Ai thê thiết... Hò... ơ... ai...về...ạ... ạ... Đại...Lộc...ạ... ạ... ai vượt... ạ..ơ..Kế Môn...
Đã từ lâu...Lâu lắm, người dân của ba miền đã qua những mùa hè trong cạn đáy khắc khoải để hy vọng tiếp tục đời sống với mơ ước chỉ đầy chén cơm. Nhưng mùa Hè năm nay, 1972 tất cả hy vọng và mơ ước nhỏ nhoi tội nghiệp kia tan vỡ trong tận cùng kinh ngạc. Bao năm qua, chiến tranh đã quá nặng độ, chiến tranh quá dài, dài thê thảm, dài đau đớn tràn ngập. Người dân Việt mong mỏi đi qua thêm một mùa, một năm, chiến tranh lắng dịu và được sống sót. Nhưng, 30 tháng 3 ở Đông Hà, 24 tháng 4 ở Tân Cảnh, 7 tháng 4 ở An Lộc, 1 tháng 5 cho Huế và Quảng Trị... Hoài Ân, Tam Quan, Bồng Sơn, Bình Giả, Đất Đỏ... Toàn thể những địa danh nơi hốc núi, đầu rừng, cuối khe suối, tận con đường, tất cả đều bốc cháy, cháy hừng hực, cháy cực độ...Mùa Hè 1972, trên thôn xóm và thị trấn của ba miền đồng bốc cháy một thứ lửa nhân tạo, nóng hơn, mạnh hơn, tàn khốc gấp ngàn lần, vạn lần khối lửa mặt trời sát mặt. Lửa ngùn ngụt. Lửa bừng bừng. Lửa kêu tiếng lớn đại pháo. Lửa lép bép nức nở thịt da người nung chín. Lửa kéo dài qua đêm. Lửa bốc khói mờ trời khi ngày sáng. Lửa gào chêm tiếng khóc của người. Lửa hốt hoảng khi cái chết chạm mặt. Lửa dậy mùi thây ma. Lửa tử khí trùng trùng giăng kín quê hương thê thảm khốn cùng.
Kinh khiếp hơn Ất Dậu, tàn khốc hơn Mậu Thân(**), cao hơn bão tố, phá nát hơn hồng thủy.Mùa Hè năm 1972- Mùa Hè máu. Mùa Hè của sự chết và tan vỡ toàn diện. Mùa Hè cuối đáy điêu linh. Dân tộc ta sao nỡ quá đọa đày!
Ba sư đoàn bộ binh 304, 308, 324B, cùng sáu trung đoàn địa phương của Khu 5, ba trung đoàn chiến xa, hai trung đoàn đặc công và một sư đoàn pháo nặng 130 ly, cho mặt trận Trị-Thiên. Ba sư đoàn 5, 7, 9, tăng cường sư đoàn Bình Long, hai trung đoàn 202 và 203 chiến xa, được yểm trợ bởi một sư đoàn pháo nặng tại mặt trận An Lộc. Hai sư đoàn 320 (Thép) và Sao Vàng, một trung đoàn chiến xa tấn công vào Tân Cảnh, Kontum; hướng tiến được dọn đường bởi một trung đoàn pháo đặt từ rặng Big Mama Mountain, vùng Ba biên giới Việt-Miên-Lào. Cộng quân chơi trò chơi máu, mở đầu những “ngày hè đỏ lửa”, trận cuối cùng để tìm kiếm kết thúc cho mười năm chiến tranh “giải phóng” cạn lực, sau “tổng-công-kích thất bại Mậu Thân 1968”.
Quân ta phải chống lại.Chống giữ để tự vệ. Chống trả nơi biên giới cuối cùng: Tự Do hay Nô Lệ. Sống hoặc Chết. Trận đấu quyết tử và trận chiến cực điểm. Ba tháng hay 100 ngày chiến trận, những kỷ lục chiến trường thay đổi từng nấc, từng bậc lớn, từ 2,000 quả đạn cho cứ điểm Charlie, Kontum đến 8,000 quả cho An Lộc.Bắc quân đi bước tàn nhẫn không nương tay và quân dân Miền Nam đồng đương cựvới nổ lực cao nhất tại “Điểm đứt hơi - Điểm vỡ của chiến trận”. Chúng ta đã chiến đấu giữ vững và kiêu hùng chiến thắng.
Hôm nay, ngày đầu tháng 8, cuộc đại chiến đã bước qua tháng thứ tư, và có cơ kéo dài thêm một thời gian nữa, nhưng quân dân ta cắn răng, ngậm chặt, hứng hết tai họa, đựng đầy khổ nạn... Chịu thêm nữa cũng thế, đánh thêm nữa cũng được. Trong nguy nan, Dân tộc biến thành “Thánh chịu nạn”. Dân tộc kiêu dũng, quật cường, vượt qua, bất chấp tất cả để tồn tại. Ngọn lửa Mùa Hè 1972 nung độ nóng cao nhất trui rèn chúng ta - Người Việt Nam muốn sống đời đáng sống của Người - Người Tự Do.
Được đi, chứng kiến và dự phần vào ba mặt trận, ba vùng đất quê hương, người viết không mong gì hơn ghi lại một vài khía cạnh của cuộc chiến - Cuộc chiến vĩ đại vượt mọi chiến tranh - Mà phải một ủy ban quân sử, trong thời gian dài mới có khả năng, điều kiện thâu tập và đúc kết toàn thể. Vì chỉ ghi được biến cố qua một vài khía cạnh, với những người, đơn vị lâm chiến quen thuộc; người viết xin tạ lỗi do những thiếu sót mà một cá nhân không thể nào tránh khỏi, và đã phải viết lại từ một khoảng ngày tháng quá gấp rút.


(*): Phá lớn giữa hai tỉnh Quảng Trị-Thừa Thiên, do ba sông Thạch Hãn, sông Bồ và Sông Hương đổ vào.

(**): 1945; 1968.


Viết lại,
Ngày Quân LựcVNCH,
Tháng 6, 1998.
Mùa Hè, Đất Mỹ.