Chương 3 - MÙA XUÂN SỚM


Oki đứng trên đỉnh đồi ngắm ráng chiều đỏ rực. Hôm nay, ông đã ngồi bàn giấy đến một giờ trưa. Viết xong đoạn truyện nhiều kỳ cho nhật báo chiều, ông đứng dậy đi ra khỏi nhà.
Phía tây, trời mỗi lúc một rực đỏ. Màu tía nhiều cung bực đến nỗi ông nghĩ phải có lớp mây mỏng hay sương khuếch xạ mới ra như vậy. Ráng trời hừng hực làm lòng ông thao thức. Rồi màu nhạt tối dần chuyển sang màu đậm, nhòe nhoẹt như ai cầm cây cọ lướt trên mặt giấy ướt. Ông nghe mùa xuân sắp tới.
Có chút hồng tại một khoảng chân trời, có lẽ chính nơi mặt trời vừa lặn. Oki nhớ đến chuyến tầu đầu năm đi thăm Kyoto, mặt trời lặn làm đường rày đỏ như son suốt một khoảng dài. Tầu chạy ven biển, khi rẽ vào bóng râm của núi, màu đỏ của đường rày tắt đi. Khi tầu vào đến trong khe thì chiều đổ xuống.
Oki nhớ đến cuộc tái ngộ với Otoko chuyến đi ấy. Ông lại cảm thấy mình chưa thành người dưng, dù nàng có đem học trò và hai cô ca kỹ theo để tránh gặp lại ông một mình. Ông nhớ trên đường từ tu viện Chion ngang qua đại lộ số bốn, mấy người đàn ông say rượu làm bộ muốn sờ búi tóc cao của hai cô ca kỹ. Thường thường ở Kyoto đàn ông không bờm xơm như vậy. Để che chở cho đám phụ nữ, Oki bước sát bên các cô, dành cho Otoko và Keiko đi sát đằng sau.
Ông nhớ hôm Tết khi sắp lên tầu, ông đang tự nhủ Otoko chắc bận sẽ không tiễn ông, thì Sakami Keiko bước tới.
- Chúc mừng năm mới! Cô Ueno em cũng muốn đi tiễn ông lắm, nhưng như mọi năm, sáng mồng một, cô em phải đi thăm người nọ người kia. Lại còn phải đón tiếp khách khứa tại nhà. Em được thay mặt cô em ra ga tiễn ông.
- Vậy sao? Em thật là ngoan.
Nhan sắc của cô gái làm đám hành khách thưa thớt của ngày đầu năm chú ý. Ông lại nói:
- Đây là lần thứ hai mà tôi phiền em. Bữa trước đã đến khách sạn đón, hôm nay lại ra ga đưa.
- Không, ông không có gì phiền em cả.
Keiko mặc nguyên chiếc kimono xa-tanh xanh hôm qua có minh họa mấy con choi choi chơi đùa trong tuyết. Màu lông chim tươi vui, nhưng với tuổi cô bé, y phục như vậy thì hơi kín đáo và tẻ cho ngày Tết. Ông khen:

- Áo em đẹp quá! Cô Ueno vẽ cho em phải không?
Thoáng đỏ mặt, Keiko nói:
- Dạ thưa không. Chính tay em vẽ đấy, nhưng em biết em vẽ cũng còn xoành xĩnh lắm...
Thật ra màu áo hơi nhũn lại làm khuôn mặt cô gái đẹp hơn. Có gì rất trẻ trung trong sự hòa hợp các màu, trong hình thể những con chim, và ngay trong những bông tuyết như đang nhảy múa.
Keiko trao ông gói đồ ăn Otoko biếu, cùng ít dưa muối đặc sản của Kyoto.
- Cô em gửi để ông dùng trên tầu.
Trong mấy phút tầu chưa chạy, Keiko đứng nán lại dưới sân ga. Ngắm bán thân Keiko qua khung cửa sổ, ông thấy người con gái như trái cây chín tới. Ông chạnh nghĩ ông chưa bao giờ được thấy Otoko khi nàng vừa mãn khai. Xa nhau, nàng mới mười bảy, gặp lại hôm rồi nàng đã bốn mươi.
Ông mở gói đồ ăn khi trời còn sáng, lúc mới bốn rưỡi chiều. Trong gói có mấy món ăn ngày Tết, và những nắm cơm nhỏ mà ông đoán nàng đã tự tay nắm với tất cả ân cần. Otoko đã sửa soạn bữa tối này cho con người năm xưa đã hủy hoại tuổi xuân của nàng. Nhai từng miếng cơm nhỏ, ông cảm thấy trong miệng cái vị ngọt ngào của tha thứ. Rồi ông nghĩ đây không phải là tha thứ mà là tình yêu, cái tình yêu còn sống trong tim Otoko.
Từ ngày Otoko theo mẹ về Kyoto, ông chỉ biết là nàng đã thành một danh họa. Có thể nàng đã có những mối tình khác, những liên hệ khác. Tuy nhiên, mối tình tuyệt vọng đam mê tha thiết của cô gái nhỏ, mối tình ấy nàng đã dành cho ông. Còn đời ông, sau Otoko đã có nhiều người đàn bà khác. Nhưng ông chưa yêu ai bằng một tấm tình nặng thương đau như yêu nàng. Cơm nắm của Otoko rất ngon, chắc phải nấu bằng gạo Kansai. Ông ăn hết nắm này đến nắm khác, cơm thật vừa miệng, không mặn mà cũng không nhạt.
Ông lại nhớ mới mười bảy tuổi, hai tháng sau khi đẻ non và toan tự vận, Otoko đã phải vào nhà thương điên và bị nhốt trong căn phòng cửa sổ có chấn song sắt. Bà mẹ cho ông hay tin nhưng không cho ông tới thăm. Bà nói:
- Ông có thể nhìn nó từ hành lang, nhưng tôi mong ông không nên thấy con bé trong hoàn cảnh này... Nếu nhận ra ông, tâm thần nó lại dao động mà bệnh tình nặng ra.
- Bà nghĩ em còn nhận được ra tôi?
- Tất nhiên. Không phải vì ông mà nó ra nông nỗi này sao?
Oki không trả lời. Bà mẹ lại nói:
- Nhưng họ bảo con tôi chưa điên hẳn. Bác sĩ trấn an tôi rằng ông ta sẽ không giữ nó lại lâu... Nó hay làm như thế này này - Bà cong cánh tay làm bộ như đang bế một hài nhi -
Tội nghiệp, nó vẫn nhớ con nó.
Ba tháng sau, Otoko xuất viện. Bà mẹ tới gặp ông.
Bà nói:
- Ông Oki, tôi biết ông đã có vợ con, và con Okoto khi làm bạn với ông cũng không phải không biết điều này. Còn nữa, chắc ông nghĩ là tôi điên, vì chừng này tuổi đầu mà dám xin ông một chuyện vô lý, nhưng mà...
Bà lắp bắp nói tiếp:
- Có thể nào ông lấy con gái tôi được không?
Nói xong bà cắn chặt môi, cúi đầu, nước mắt ứa ra. Oki đau khổ nói:
- Tôi cũng vẫn nghĩ chuyện này.
Tất nhiên là đời sống vợ chồng Oki đã sóng gió vì chuyện Otoko. Fumiko vợ ông hồi đó mới hai mươi tư tuổi...

- Chao ôi, đã bao lần tôi đã nghĩ đến chuyện này...- ông nhắc lại.
Bà mẹ nói:
- Ông hoàn toàn có quyền bỏ ngoài tai điều tôi vừa xin ông, và nghĩ như con tôi, là tôi điên mất rồi. Tôi hứa sẽ không bao giờ nhắc lại lần nữa thỉnh cầu này... Nhưng tôi không muốn nói là tôi xin ông cưới con Otoko ngay bây giờ. Nó có thể đợi ông hai năm, ba năm, năm năm, hay bảy năm cũng vậy. Nó là loại con gái biết đợi. Nó mới mười bảy...
Nghe bà nói, ông nghĩ Otoko đã thừa hưởng được cái đam mê của mẹ.
Chưa đầy năm sau, bà mẹ bán nhà ở Tokyo để dọn về Kyoto với con gái. Otoko theo học một trường trung học nữ, trễ mất một lớp. Tốt nghiệp, nàng ghi tên vào trường Mỹ thuật.
Hai mươi năm sau, ông mới có dịp ngồi với Otoko nghe chuông giao thừa tu viện Chion, và nàng mới có dịp gởi ông mấy món ăn nguội mang theo lên tầu. Gắp đồ ăn lên miệng, ông nghĩ món nào Otoko nấu cũng đúng theo truyền thống Kyoto. Ông đã ăn bữa điểm tâm gọi là tết tại khách sạn Miyako, nhưng món canh bánh dày nóng của họ chỉ tết cho có lệ. Phải nói hương vị tết của ông nằm cả trong bữa ăn nguội nàng gửi cho ông mang theo lên tầu. Còn những bữa cơm ngày tết tân thời người ta dọn cho ăn ở Kamakura thì không còn gì là Nhật nữa, mà làm cho ông liên tưởng đến những tấm ảnh màu của mấy tập san phụ nữ.
Otoko tuy bận rộn như Keiko đã cho hay, vẫn có thể dành mươi mười lăm phút ra ga tiễn ông. Nhưng nàng đã không làm. Cũng như hôm qua trước mặt mọi người, nàng đã không nhắc được chuyện cũ, nhưng rõ ràng là có luồng điện giữa ông với nàng. Bữa ăn nguội hôm nay cũng cùng một ý nghĩa...
Tầu sắp chuyển bánh, ông vỗ nhẹ vào cửa kính. Sợ Keiko không nghe thấy, ông hạ kính xuống vài phân. Ông nói với cô gái:
- Cảm ơn em lần nữa. Có gia đình ở đấy, chắc em thường đi Tokyo phải không? Vậy thì bao giờ có dịp, em ghé thăm ta nhé. Em tìm nhà ta chắc cũng dễ thôi. Kamakura là tỉnh nhỏ, ra khỏi ga, em chỉ cần hỏi đường là tới. À mà em cho ta xem tranh của em nhé. Những tấm tranh mà cô Ueno gọi là tranh điên ấy.
- Ôi, cô em làm em ngượng quá.
Ánh mắt cô gái thoáng vẻ khác thường.
Oki nói:
- Nhưng cô Ueno có muốn vẽ điên như em, chắc gì đã vẽ được, phải không?
Tầu ngừng không lâu, và câu chuyện hai người cũng phải ngắn gọn.

* * * * *


Oki đã viết nhiều truyện, khai triển cái đặc biệt cái bất thường, nhưng cho đến bây giờ, ông chưa sáng tác những tác phẩm gọi là «trừu tượng». Chỉ vì một số từ ông dùng khác với ngôn ngữ hàng ngày mà người ta gọi mấy tác phẩm của ông là «ấn tượng» hay «trừu tượng». Thủa trẻ, Oki đã để tâm chế ngự xu hướng văn học gọi là trừu tượng hay ấn tượng này trong văn ông. Chẳng qua là tại ông thích thơ ấn tượng Pháp, thơ Shin-Kokin-Shu, thơ hài cú, và ông đã tập dùng những từ ấn tượng hay trừu tượng để diễn tả chuyện cụ thể hay hiện thực.
Ông tự hỏi là Otoko bằng da bằng thịt liên hệ thế nào với Otoko nhân vật tiểu thuyết của ông? Sự việc thật ra không giản dị. Trong cả văn nghiệp của ông, tác phẩm sống lâu nhất và vẫn còn nhiều người đọc bây giờ là cuốn tiểu thuyết kể lại mối tình của ông với nàng hồi nàng mới mười sáu mười bảy. Từ khi xuất bản, cuốn tiểu thuyết đã làm Otoko thiệt thòi vì người đời soi mói. Nó đã cản trở không ít những cơ hội hôn nhân của nàng.
Nhưng vấn đề là bây giờ, sau hơn hai mươi năm, nhân vật Otoko vẫn còn quyến rũ độc giả. Nhân vật có lẽ quyến rũ hơn là người mẫu. Nó không hiện thực là chân dung Otoko mà hoàn toàn do ông tạo ra. Là tác giả, ông đã thêm thắt, đã hư cấu, đã lý tưởng hóa nhân vật.
Bỏ sang bên chuyện ai quyến rũ hơn ai, ông không biết cô Otoko nào thật hơn, cái cô ông tạo ra hay cái cô mà chính Otoko sẽ tạo ra nếu nàng tự kể chuyện mình.
Tuy nhiên nhân vật truyện ông vẫn là Otoko. Không có nàng thì cuốn tiểu thuyết này đã chẳng bao giờ ra đời. Chính nhờ nàng, mà tiểu thuyết của ông sau hai mươi năm vẫn tiếp tục được đọc. Nếu không gặp Otoko, Oki đã không được sống với một mối tình như vậy.
Ông không biết gặp nàng, yêu nàng khi ông ba mươi mốt tuổi là may mắn hay tai họa cho đời ông, nhưng phải công nhận rằng cuộc tình đã cho ông những bước đầu thuận lợi trên con đường văn nghiệp.
Ông đã đặt cho cuốn truyện cái tựa «Cô gái mười sáu». Cái tựa bình thường, không chút cầu kỳ, nhưng hai mươi năm trước, mọi người đã kinh ngạc vì chuyện một nữ sinh mười sáu có nhân tình, sanh con thiếu tháng, rồi mất trí một thời gian. Về phần Oki, ông không thấy có gì đáng kinh ngạc. Tất nhiên ông không viết cuốn truyện để làm kinh ngạc mọi người, và ông cũng không dùng Otoko để khêu gợi trí tò mò của độc giả.
Truyện ông dựng một cách bình thường như cái tựa bình thường, với nhân vật Otoko như một cô gái trong trắng và đam mê. Ông đã ráng sức tả khuôn mặt nàng, bóng dáng nàng, cử chỉ nàng. Ông đã đưa vào truyện tất cả cái tươi mát của tấm tình yêu đương son trẻ của ông, và có lẽ vì vậy mà tác phẩm đã thành công đến thế. Truyện ông là mối tình của cô gái nhỏ với người đàn ông trẻ đã có vợ con. Oki chú tâm đến cái đẹp và không đặt vấn đề đạo lý hay không đạo lý.
Thời gian hai người thường lén lút hẹn hò, Otoko có lần bảo ông:
- Anh lúc nào cũng lo người ta nghĩ gì về mình. Anh phải bạo dạn lên thôi.
Ông thành thực trả lời:
- Anh nghĩ thật ra anh là người vô liêm sỉ. Như bây giờ với em, em nghĩ anh chưa đủ vô liêm sỉ sao?
- Không, em không muốn nói chuyện chúng mình. Em muốn nói anh phải bạo dạn với mọi việc trên đời.
Oki không biết trả lời sao. Bao nhiêu năm qua, ông không quên được câu nói. Ông nghĩ vì yêu ông mà cô bé mười sáu đã thấy rõ ruột gan cũng như đời sống của ông.
Sau khi xa nhau, ông đã xử lý mọi chuyện theo ý mình. Mỗi lần bắt đầu e ngại ý kiến người khác, ông lại nhớ lời cô bé dặn, và thấy lại rành mạch trong đầu nét mặt Otoko khi nàng khuyên ông. Hôm ấy Oki đang vuốt ve Otoko, câu nói làm ông khựng lại. Nghĩ mình lỡ lời, cô bé úp mặt vào cánh tay ông và cắn ông ngang chỗ khuỷu tay. Cô bé cắn mỗi lúc một mạnh. Oki cắn răng chịu, không giằng tay ra. Ông nghe nơi cánh tay những giọt nước mắt nóng hổi của cô gái.
- Em làm anh đau!
Sau cùng, Oki kéo tay mình ra. Những vết răng Otoko cắn sâu vào da lấm tấm rướm máu. Otoko liếm vết thương cho ông. Cô nói:
- Anh cắn lại em đi.
Oki ngắm cánh tay cô bé, nhẹ vuốt từ vai xuống mút bàn tay. Cánh tay ông ngắm là cánh tay trẻ con. Ông ôm vai cô hôn, cô gái vặn mình khoái cảm.
Không phải vì Otoko chê ông câu nệ miệng tiếng và khuyên ông phải bạo dạn mà ông khởi sự viết «Cô gái mười sáu». Nhưng khi đã viết thì ông thường nghĩ đến lời cô nói. Cuốn truyện ra đời hai năm sau khi hai người xa nhau. Otoko bấy giờ đang ở Kyoto với mẹ. Bà mẹ đã rời Tokyo có lẽ vì không thấy ông trả lời dứt khoát chuyện hôn nhân với con bà. Mà có lẽ cũng vì bà không chịu nổi cái đắng cay của hai mẹ con tại thành phố quá nhiều ưu phiền này.
Ở Kyoto, hai mẹ con nghĩ gì khi đọc cuốn truyện với Otoko là nhân vật chính, cuốn truyện đã làm ông nổi tiếng, càng ngày càng đông độc giả. Lúc đó, không ai tọc mạch tìm hiểu người mẫu của truyện là ai. Mãi cho đến khi ông năm mươi và thành danh, người ta mới đào sâu vào đời tư của ông và xác định Otoko là nhân vật chính của «Cô Gái Mười Sáu». Lúc ấy bà mẹ đã qua đời.
Bây giờ thì sự liên hệ giữa người và truyện lại càng rõ rệt khi chính Otoko cũng đã trở nên một họa sĩ tiếng tăm. Người ta đăng hình nàng trong các tập san, với thuyết minh đây là nhân vật nữ của «Cô gái mười sáu». Oki nghĩ Otoko có thể từ chối nếu nhà báo chụp nàng như người mẫu của truyện ông, nhưng nàng không thể làm gì khác hơn là chịu trận nếu họ chụp nàng như một danh họa. Tất nhiên nàng đã không tiết lộ cảm nghĩ của nàng về cuốn truyện. Ngay cả lúc sách mới ra, ông không nghe hai mẹ con phản ứng gì.
Phần ông, ưu phiền vì cuốn sách bắt đầu ngay tại gia là chuyện dễ hiểu. Trước khi lấy ông, Fumiko làm thư ký đánh máy cho một hãng thông tấn, nên ông dành ngay cho cô vợ trẻ việc đánh máy bản thảo của mình. Sự việc tưởng như trò chơi yêu đương của đôi vợ chồng, hóa ra phức tạp hơn nhiều. Lần đầu thấy tác phẩm của mình xuất hiện trên tạp chí, Oki đã ngạc nhiên vì sự khác nhau giữa bản thảo viết tay và tác phẩm đã in. Có những đoạn khi còn trong thủ bút tưởng như tầm thường, trở nên khác hẳn khi in ra sách. Về sau nhiều kinh nghiệm viết lách hơn, ông tự nhiên đoán được khi đọc bản thảo viết tay, truyện sẽ như thế nào một khi in ra. Không phải khi viết ông cố gắng hay cố ý, mà ông cũng không mảy may để tâm, sự cách biệt giữa thủ bút và bản in không còn nữa. Ông đã biết cách viết như thể thấy trang truyện đã in đặt ngay trước mắt. Phải chăng ông đã nắm được kỹ thuật nghề văn.
Ông thường nói với những nhà văn trẻ, «Các cậu nên cho in vài trang bản thảo của mình mà xem. Bản in sẽ khác bản thảo hoàn toàn, và các cậu sẽ không ngờ sự khác nhau giữa chữ in và thủ bút lại dạy cho ta nhiều điều hay như vậy...»
Sách vở thời nay in bằng mẫu tự khổ nhỏ li ti. Nhưng Oki đã tìm được thú vui ngược lại. Chẳng hạn như ông đã đọc nhiều lần Truyện Gengi, loại sách bỏ túi in chữ nhỏ, nhưng khi tình cờ tìm được một ấn bản xưa chữ lớn khắc gỗ thì sự thưởng lãm hoàn toàn khác hẳn. Ông tò mò nghĩ những người đọc tác phẩm này vào thời Heian qua một ấn bản tuyệt vời bằng mẫu tự Kana thì đã thưởng lãm như thế nào. Thơ phú thời Heian cũng vậy. Với các tác phẩm về sau, Oki đã gắng tìm đọc những thạch bản của Saikaku, không phải vì hoài cổ mà vì muốn thật gần với bối cảnh hiện thực của văn bản. Nhưng bây giờ mà đọc thủ bút của những tác giả đương thời viết nguệch ngoạc ra để in máy, thì quả thật là tìm cái tinh tế không phải chỗ.
Khi cưới Fumiko thì ông không còn thấy khác biệt giữa bản thảo của mình và sách đã in ra. Chẳng qua là Fumiko có nghề đánh máy thì ông giao cho vợ đánh máy tác phẩm của ông. Chỉ có mỗi lợi điểm là dù sao bản đánh máy lạnh, nên giúp cho ông khách quan để bắt được những khuyết điểm cần hiệu đính. Vì vậy mà ông giao tất cả bản thảo của mình cho vợ.
Nhưng lẽ nào ông để vợ đánh máy «Cô Gái Mười Sáu»? Giao cho vợ bản thảo, ông có thể làm nàng mất thể diện và đau buồn. Như vậy thì tàn nhẫn quá. Khi ông gặp Otoko, vợ ông mới hai mươi hai và vừa sanh con trai đầu lòng. Tất nhiên nàng nghi ngờ và ghen. Có khi ban đêm nàng địu con lên vai đi lang thang dọc con đường hỏa xa gần nhà. Một hôm nàng vắng mặt suốt hai giờ đồng hồ, Oki đi tìm thì thấy vợ ngồi tựa cây mận già ngoài vườn nức nở khóc. Nàng nhất định không chịu vào nhà.
Ông la vợ:
- Em làm gì ngoài này. Con nó cảm hàn mất thôi.
Tiết trời giữa tháng ba còn lạnh giá. Thằng bé sưng phổi phải nhập viện. Fumiko ở luôn nhà thương chăm con. Nàng nói với chồng, «Nó có chết thì càng tiện cho anh. Như vậy, anh có bỏ em cũng dễ.» Ngay cả trong lúc gia cảnh bối rối như vậy, Oki cũng không bỏ lỡ dịp đi gặp Otoko. Vậy mà sau cùng, đứa con cũng được cứu sống.
Năm sau khi Otoko sanh thiếu tháng, Fumiko biết chuyện nhờ tình cờ bắt được lá thơ bà mẹ Otoko gửi cho Oki. Một cô gái mười bẩy sanh con, sự việc tự nó thật ra không có gì ghê gớm, nhưng Fumiko không thể chấp nhận được dù trong chiêm bao. Tràn đầy giận dữ, Fumiko đay nghiến ông thậm tệ rồi cắn lưỡi toan tự tử. Máu trào ra mép. Oki cậy vội miệng vợ đút tay mình vào, cho đến khi Fumiko nghẹn thở, buồn nôn, rồi nhũn người khuỵu xuống. Tay ông đầy vết răng vợ, máu chảy có giọt. Thấy Oki bị thương, Fumiko tỉnh giận. Nàng rửa vết thương cho chồng, đắp thuốc cầm máu, và băng lại. Khi ông viết xong cuốn truyện, Fumiko cũng đã nguôi ngoai vì biết chồng đã bỏ Otoko, và cô gái đã theo mẹ đi Kyoto.
Ông nghĩ để vợ đánh máy bản thảo phải chăng như quậy mũi dao trong vết thương, khơi lại lòng ghen tuông cũng như đau khổ của nàng. Nhưng không để vợ dự phần vào tác phẩm, Oki cảm thấy như còn giấu diếm và không thành thực với vợ.
Làm cũng dở mà không làm cũng dở. Sau cùng ông đưa bản thảo cho vợ vì thiện ý muốn thú thật mọi chuyện. Fumiko đọc tác phẩm một hơi từ đầu đến cuối trước khi đánh máy. Đọc xong, mặt mày tái ngắt, nàng nói:
- Lẽ ra em phải buông cho anh đi. Ai đọc những hàng chữ này tất sẽ xót thương Okoto.
- Anh công nhận anh đã không viết nhiều về em...
- Em biết em không thể so sánh được với người đàn bà lý tưởng.
- Anh không muốn nói như vậy.
- Hồi ấy em ghen đến mất khôn.
- Dù sao thì Otoko đã bỏ đi. Và sự thật là anh với em sẽ sống với nhau những năm dài trước mặt. Vả lại phần lớn tác phẩm là hư cấu của nghề văn, và nhân vật không giống với Otoko ngoài đời. Chẳng hạn đoạn Otoko vào nhà thương điên, anh viết mà nào có tư liệu gì...
- Anh hư cấu được vì anh yêu quý người ta.
Oki gắng thành thật:
- Anh thú nhận là anh đã không viết được tác phẩm nếu hồi ấy anh đã không yêu cô ta... Em có giúp anh đánh máy không? Anh rất khốn khổ khi nhờ em...
- Em sẽ giúp anh. Dù sao thì máy chữ cũng chỉ là một công cụ. Em cũng chỉ là một thứ công cụ khác.
Nói vậy mà Fumiko cũng không sinh hoạt được như một cái máy. Nàng đánh nhiều lỗi, và nhiều lần Oki nghe tiếng vợ xé giấy vứt vào sọt rác. Lúc nàng ngưng tay, Oki có khi nghe nàng nghẹn ngào hay nôn ọe. Nhà chật chội, bàn máy đặt góc phòng khách bốn chiếu rưỡi, sát kề phòng làm việc sáu chiếu của Oki. Ông cảm thấy rõ ràng sự hiện diện của vợ, và ông không còn có thể thoải mái ngồi trước bàn giấy làm việc.
Rồi Fumiko không bàn một lời về tác phẩm. Có lẽ nàng nghĩ đã nhận làm một công cụ thì nàng không có ý kiến. Cuốn truyện ba trăm năm mươi trang, ngay cả một đả tự viên lành nghề cũng phải nhiều ngày mới mong đánh xong. Fumiko trở nên xanh xao, má nàng trũng xuống. Nhiều khi nàng ôm lấy máy chữ, ngồi thẫn thờ nhìn vào hư không như bị ma làm. Một hôm, trước buổi cơm chiều, nàng mửa ra mật vàng và ngất đi. Oki chạy lại xoa bóp cho vợ.
- Cho em ly nước. Làm ơn cho em ly nước, Fumiko hổn hển, lệ ứa ra từ đôi mắt đỏ hoe.
Oki nói:
- Anh thật là có lỗi. Lẽ ra anh không nên nhờ em đánh máy cuốn truyện. Nhưng giấu em, gạt em ra một bên...
Ông muốn nói giấu nàng cuốn truyện tuy gia đình không đến nỗi tan vỡ, nhưng vết thương sẽ âm ỉ khó lành. Gắng nụ cười nhợt nhạt, Fumiko nói:
- Dù có khó khăn, em vẫn sung sướng khi anh đã giao phó nó cho em. Đây là lần đầu tiên em đánh máy một cuốn truyện dài như vậy nên mới đuối sức.
- Truyện càng dài, thử thách càng lớn cho em. Có lẽ số phận vợ nhà văn là như vậy.
- Nhờ cuốn truyện, em hiểu Otoko hơn. Mặc dầu những đau khổ và thiệt thòi em đã phải gánh chịu, em hiểu được cái tốt lành cái thuận lợi cho anh khi gặp được cô ta.
- Chẳng phải anh đã nói với em là anh lý tưởng hóa nhân vật sao?
- Em biết điều đó. Trong thực tế, không có cô gái nào dễ yêu như nhân vật của anh. Nhưng nếu anh viết thêm về em thì em sẽ sung sướng hơn. Dù anh có tả em như một con đàn bà chỉ biết ghen tuông dữ dằn, em cũng sẽ không giận.
Khó khăn lắm, Oki mới nói nên lời:
- Anh chưa bao giờ thấy em như hôm nay.
- Những điều trong tim em, thật ra có bao giờ anh biết.
- Anh không viết về em nhiều là tại không muốn phơi bầy chuyện riêng tư của vợ chồng mình cho công chúng.
- Anh nói không đúng. Anh si mê cô Otoko của anh đến nỗi anh chỉ muốn viết về cô ta. Có phải anh sợ viết về em sẽ làm cho cô bé bớt đẹp và tác phẩm của anh ô nhiễm đi. Nhưng mà một cuốn truyện hay phải đẹp đến thế hay sao?
Không ghi lại những cơn ghen lồng lộn cũ của vợ, Oki lại tạo ra cơn ghen mới. Thật ra Oki có đề cập vắn tắt đến chuyện vợ ghen. Có lẽ vắn tắt như vậy mới hay. Nhưng Fumiko lại tủi thân là chồng đã không đi vào chi tiết. Oki không hiểu được tâm lý đàn bà. Phải chăng nàng nghĩ mình bị sao nhãng, bị coi rẻ để cho Otoko nổi bật hơn. Nàng không hiểu trọng tâm cuốn truyện là cuộc tình bi thương của ông với cô gái, nên nhân vật Fumiko phải nhẹ hơn nhân vật Otoko.
Oki đã thêm những tình tiết mà cho đến bấy giờ vẫn giấu vợ và vẫn sợ bị vợ xét nét, nhưng xem ra điều làm nàng thương tổn nặng nhất là phần dành cho nàng trong tác phẩm quá ít oi. Oki phân trần:
- Anh không muốn lấy sự ghen tuông của em làm chất liệu. Tất cả chỉ có vậy.
- Thật ra anh không viết nhiều về em, chẳng qua là tại anh không thể viết về một người đàn bà anh đã không còn yêu... mà thậm chí cũng không còn ghét. Khi đánh máy bản thảo cho anh, em cứ tự hỏi tại sao em đã không để anh bỏ em...
- Chà, em lại bắt đầu nói nhảm.
- Em không nói nhảm đâu. Em thật là có tội đã không để cho anh đi. Em sẽ tự trách em cho đến chết.
- Em nói cái gì?
Oki vừa nói vừa lắc vai vợ. Fumiko rùng mình từ đầu đến chân, lại nôn ra một vũng nước vàng.
Oki buông vợ ra. Fumiko nói:
- Không sao đâu. Em nghĩ... Em nghi em có bầu.
Oki giật mình. Fumiko ôm mặt nức nở.
- Vậy thì em phải giữ gìn sức khỏe. Phải ngưng đánh máy đi thôi...
- Không, em muốn đánh cho xong. Để cho em đánh tiếp, em xin anh. Em đánh cũng gần xong rồi, vả lại làm việc với mấy đầu ngón tay nào có mệt nhọc gì.
Fumiko không chịu nghe lời Oki. Đánh xong bản thảo ít lâu, nàng sảy thai. Hiển nhiên là tại cuốn truyện, cái mệt thể xác nào có thấm gì.
Nàng nằm nghỉ ngơi vài ngày. Tóc nàng khi khỏe dầy mịn và đánh thành bím, có thưa đi đôi chút, nhưng gương mặt không trang điểm vẫn xinh xắn mềm mại. Nhờ sinh lực của tuổi trẻ, nàng phục hồi dễ dàng.
Oki cất xấp bản thảo đi. Ông không xé nó, không đốt nó, nhưng cũng không muốn đọc lại. Hai sinh mạng đã bị chôn theo tác phẩm trong tăm tối. Nghĩ đến đứa con chết thiếu tháng của Otoko và cái bào thai bị sảy của Fumiko, ông không khỏi nghĩ rằng những trang truyện của ông chứa đựng quá nhiều điều gở. Một thời gian khá lâu, hai vợ chồng tránh không đề cập đến bản thảo.
Fumiko là người đầu tiên gợi lại câu chuyện:
- Sao anh không cho xuất bản? Anh sợ làm khổ em phải không? Làm vợ nhà văn thì không sao tránh được những chuyện như vậy. Nếu anh sợ có người bị tổn thương, thì em nghĩ người đó phải là Otoko.
Fumiko đã phục hồi. Nước da nàng lại bóng bẩy mượt mà như xưa. Phải chăng đây là phép mầu của tuổi trẻ. Nàng cũng say đắm hơn trong chuyện chăn gối với chồng. Khi «Cô Gái Mười Sáu» được xuất bản, Fumiko có thai.
Các nhà phê bình hết lời khen ngợi tác phẩm. Cuốn truyện lại được quần chúng độc giả đông đảo ưa chuộng. Fumiko vẫn còn ghen, vẫn còn đau, nhưng giấu kín cái ghen cái đau trong lòng. Nàng chỉ lộ ra bên ngoài cái vui vì chồng thành công. Cuốn sách kể như tinh hoa văn nghiệp thời trẻ của Oki, lại bán chạy hơn tất cả những tác phẩm khác của ông. Với Fumiko, sự thành công có nghĩa là nàng được sắm thêm quần áo nữ trang, và có thể gửi hai đứa con đi học những trường đắt tiền. Không biết Fumiko có quên được mối tình ngang trái của một cô gái nhỏ với chồng mình, nguồn gốc của tất cả phúc lợi ấy? Nàng có tự thuyết phục được rằng tiền bạc này đơn giản là lợi tức bình thường của chồng? Và sau cùng, mối tình thê thảm của Otoko và Oki chấm dứt đã lâu trong quá khứ, nàng có còn thấy nó thê thảm nữa không?
Oki không có gì than phiền hoàn cảnh mới sung túc và thành công, nhưng đôi khi ông suy nghĩ. Otoko người mẫu cho tác phẩm ông đã chẳng được chung hưởng chút gì. Nàng không trách ông một lời và mẹ nàng cũng vậy.
Khác với họa sĩ hay điêu khắc gia sản xuất ra những chân dung hiện thực, Oki với tư cách nhà văn đã dùng chữ nghĩa đi thẳng vào tư tưởng và cảm nghĩ của Otoko để thay đổi chân dung nàng theo ý mình, cũng như để hư cấu và lý tưởng hóa nhân vật.
Vậy mà cô gái trong truyện vẫn giống Otoko. Chan hòa cái đam mê trẻ trung của mình vào tác phẩm, ông không bận tâm về những phiền toái khó khăn có thể xảy ra cho người đàn bà trẻ chưa chồng. Có lẽ cái đam mê này quyến rũ độc giả, nhưng cũng vì vậy mà lỡ làng những cơ hội nhân duyên về sau của nàng.
Tác phẩm đã đem lại tiền tài danh vọng cho Oki. Fumiko sau cùng như quên chuyện hờn ghen, và vết thương trong lòng nàng kể như khép miệng. Chuyện nàng sảy thai cũng không nặng bằng chuyện Otoko đẻ non. Dù sao thì Fumiko vẫn là vợ. Sau khi tĩnh dưỡng bình phục, nàng lại có bầu và sanh hạ được bé gái, mẹ tròn con vuông. Năm tháng trôi qua, chỉ có cô gái mười sáu trong truyện là vẫn nguyên vẹn như xưa. Oki vì một câu nệ tầm thường của đời sống vợ chồng mà không mô tả kỹ càng sự ghen tuông dữ dội của vợ, có làm cho tác phẩm kém hay. Nhưng có lẽ cũng vì vậy mà truyện dễ đọc và nhân vật nữ hoàn toàn dễ thương.
Ngay cả bây giờ, đã hai mươi năm rồi, người ta vẫn kể «Cô Gái Mười Sáu» là tác phẩm hay nhất của ông. Oki với tư cách nhà văn, không thích được khen như vậy. Nhưng khó mà thay đổi sự thưởng lãm của quần chúng, một khi thưởng lãm ấy lại được các nhà bỉnh bút danh tiếng yểm trợ. Chính tác giả có phản đối cũng không hiệu nghiệm gì. Tác phẩm tự nó có đời sống riêng, không còn ràng buộc gì với kẻ sinh thành ra nó.
Nhưng còn đời sống của cô gái nhỏ Otoko về sau ra sao, ông thỉnh thoảng tự hỏi. Ông chỉ biết cô đã theo mẹ về Kyoto. Oki còn thắc mắc về đời sống riêng tư của cô gái người mẫu phải chăng chỉ vì đời sống của tác phẩm đã bền bỉ trên văn đàn.
Chỉ mấy năm gần đây, Otoko thành họa sĩ nổi danh, ông mới có tin tức của nàng. Thủa chưa tìm lại được, Oki có lúc nghĩ Otoko rồi cũng lấy chồng như thường tình, để lại đổi ý cho rằng chuyện đó khó xảy ra với một người như nàng. Và ông ghi nhận khi không muốn nàng lấy chồng, ông vẫn còn nhiều lưu luyến trong tim.
Ông ngạc nhiên nhiều khi hay tin Otoko đã trở thành họa sĩ. Ông không rõ nàng phải khuất phục những thử thách hay buồn phiền nào để đến được địa vị bây giờ, nhưng ông mừng khôn xiết khi biết nàng đã thành công. Một hôm thấy tranh nàng trong phòng triển lãm, tim ông thót lên trong ngực. Cuộc triển lãm chung cho nhiều họa sĩ, và nàng chỉ góp một tấm tranh lụa độc nhất vẽ hoa mẫu đơn. Nơi phần trên tấm lụa, bông hoa đỏ vẽ trực diện lớn hơn hoa thật rất nhiều. Vài chiếc lá hiếm hoi, và một nụ trắng điểm trên nhánh non phía dưới.
Oki nhận ra nét đài các của Otoko trong bông hoa chủ tâm phóng đại. Ông mua ngay tấm tranh nhưng không đem về nhà, vì họa phẩm mang dấu triện và chữ ký của nàng. Ông đem tranh đi tặng hội nhà văn. Treo cao trên tường, bức tranh tạo ra một ấn tượng khác với khi treo tại phòng triển lãm đông người. Bông hoa mẫu đơn đỏ quá khổ trông như một thực thể siêu hình, và cô đơn như tỏa ra từ nội tâm sâu kín của hoa. Cũng vào thời này, ông thấy ảnh nàng trên tạp chí phụ nữ.

* * * * *


Ở Yamanouchi, phía bắc Kamakura có con đường len lỏi giữa hai rặng đồi trồng nhiều loại cây có hoa. Chẳng mấy chốc bên đường hoa sẽ nở rộ báo hiệu một mùa xuân mới. Oki có thói quen đi tản bộ trên mấy quả đồi phía nam, và hôm nay từ một đỉnh cao ông, đứng ngắm hoàng hôn lai láng sắc tía.
Màu tía của mặt trời lặn bỗng nhường chỗ cho màu xanh lạnh và tối, chẳng mấy chốc chuyển thành màu xám. Mùa xuân vừa chớm như đã vội nhường chỗ cho mùa đông băng giá trở về. Mặt trời trải chút hồng lác đác lên cảnh vật rồi lặn hẳn. Không khí trở lạnh. Oki quay bước xuống lại thung lũng rồi về nhà qua ngả mấy ngọn đồi phía bắc.
- Lúc nãy có cô Sakami từ Kyoto tới thăm,» Fumiko cho chồng hay. - Cô ta mang tới hai bức tranh và ít bánh đặc sản.
- Cô ấy đi rồi à?
- Taichiro tiễn cô ta ra ga. Mà có lẽ hai người lại dẫn nhau đi tìm anh.
- Vậy sao?
- Cô ta đẹp như gái liêu trai. Ai vậy anh?
Fumiko miệng hỏi mà mắt nhìn mặt chồng như dò xét. Oki làm tỉnh, nhưng xem ra, nhờ linh tính phụ nữ, Fumiko đã biết con người này có liên hệ với Ueno Otoko.
Ông hỏi:
- Tranh đâu hở em?
- Trong phòng sách của anh. Tranh còn bao giấy, em cũng chưa coi đấy.
- Vậy sao?
Sakami Keiko xem ra đã giữ lời nàng hứa với ông ở ga Kyoto, và mang tranh tới thăm ông. Oki vào thẳng phòng sách mở tranh ra coi. Tranh đóng khung giản dị. Một tấm có tên Cây Mận, nhưng chỉ vẽ một bông mận độc nhất to như đầu đứa trẻ, không cành, không thân. Còn nữa, cánh hoa màu đỏ lẫn với cánh hoa màu trắng. Màu đỏ của những cánh đỏ gồm nhiều cung bực đậm nhạt khác nhau. Bông hoa không bị họa sĩ làm cho biến dạng, nhưng rõ ràng không phải là một bông hoa để trang trí.
Một nguồn sinh lực kỳ lạ như vận chuyển bên trong, và bông hoa như đang lắc lư. Có lẽ tại cái nền tranh mà mới đầu ông tưởng là những tảng nước đá, nhưng nhìn kỹ hóa ra một dẫy núi tuyết. Phải là núi mới tạo được ấn tượng mênh mông như vậy. Tất nhiên là núi thật ngoài thiên nhiên không sắc cạnh, không rách, không thắt cổ bồng đến thế. Tất cả là cách nhìn trừu tượng riêng của Keiko. Cái nền tranh tưởng là núi hay nước đá này có thể là cảnh trí nội tâm của chính cô gái.
Dù ông có cho là một dãy băng sơn trùng điệp, ý niệm lạnh của tuyết phối hợp với cái ấm của những màu Keiko dùng để vẽ tuyết, tạo ra một thứ âm nhạc riêng. Keiko không vẽ tuyết bằng màu trắng đơn thuần mà bằng những màu khác nhau hợp lại như một hòa tấu, tương phản với hai màu trắng đỏ trên bông mận dị kỳ. Ông có thể cho tấm tranh là nóng hay lạnh nhưng phải ghi nhận bông mận bừng bừng cảm xúc và ăm ắp cái trẻ, cái sức sống của họa sĩ. Có lẽ Keiko chủ tâm vẽ bức tranh để tặng ông, như đồng vọng với mùa xuân xung quanh. Tác phẩm thật ra chỉ bán trừu tượng, vì bông mận vẫn còn là bông mận.
Ngắm tranh, Oki nghĩ đến cây mận già trong vườn mình. Ông chấp nhận giải thích của bác làm vườn là cây mận là một quái dị của thiên nhiên, mà không buồn tìm cách kiểm chứng kiến thức về thảo mộc của bác. Cây mận cho hai thứ hoa trắng và đỏ. Không phải là nhờ ghép, vì cùng một cành có cả hai thứ hoa. Cũng có cành chỉ có một thứ hoa, hoặc trắng hoặc đỏ, nhưng phần đông những cành nhỏ thì cả hai sắc hoa nở chung. Cành nào nở hoa nào, thì mỗi năm lại mỗi khác. Oki rất yêu cây mận già và để ý thấy mấy bữa nay những nhánh non vừa trổ bông.
Thế là Keiko đã tượng trưng cả cây mận kỳ lạ bằng một bông mận độc nhất. Chắc Otoko đã kể cho cô gái nghe về cây mận này. Otoko chưa bao giờ đến nhà ông vì lúc ấy đã có Fumiko. Có lẽ Otoko đã biết câu chuyện qua ông và kể lại cho học trò. Có thể khi kể chuyện cây mận, Otoko cũng kể luôn mối tình bất hạnh của nàng.
- Của Otoko vẽ phải không?
Oki giật mình quay lại. Mải ngắm tranh, Oki không biết vợ đứng bên.
Ông nói:
- Em bảo sao?
- Tranh của Otoko, phải không?» vợ ông hỏi lại.
- Tất nhiên là không. Otoko không vẽ trẻ như thế này. Cái cô bé lúc nãy vẽ đấy. Em không thấy cô ta ký Keiko sao?
Giọng Fumiko cứng nhắc:
- Tranh sao mà kỳ dị.
Oki gắng lấy giọng dịu dàng trả lời:
- Quả là dị kỳ như em nói. Các họa sĩ trẻ bây giờ, ngay trong đám thuộc trường phái Nhật...
- Người ta gọi vẽ như thế này là vẽ trừu tượng sao?
- Có lẽ cũng chưa hẳn...
- Tấm kia còn kỳ dị hơn. Màu sắc trát bừa lên tranh, em không biết là đám mây hay con cá, Fumiko vừa nói vừa ngồi xuống bên chồng.
- Hừm. Anh không nghĩ bức tranh ăn nhằm gì với cá. Mà cũng không phải là mây đâu.
- Vậy thì nó là cái gì, anh nhỉ?
- Em cho nó là cái gì cũng được, thật ra chuyện đó không quan trọng.
Ông cúi xuống nhìn kỹ hơn.
- Tranh vô đề em à.
Không một hình tướng nào phát hiện trong tranh, màu sắc lại còn hung bạo và đa dạng hơn bức Cây Mận. Có lẽ chỉ vì hàng hà những đường ngang mà Fumiko đoán là con cá hay đám mây. Thoáng nhìn, Oki tưởng như chẳng thấy gì hòa hợp giữa các màu. Tuy nhiên một ý niệm đam mê kỳ dị như ứa ra từ tranh. Chi tiết nào cũng có dụng ý. Không đặt tên cho tranh cũng là chủ tâm dành cho người ngắm toàn quyền suy diễn. Vậy mà cảm xúc tưởng như giấu kín của họa sĩ lại hiện ra lộ liễu. Oki đang cố gắng tìm ra cho được cái tâm của bức tranh thì Fumiko hỏi:
- Cô gái này là thế nào với Otoko?
- Một cô học trò ở chung với cô giáo.
- Vậy sao? Em muốn xé, muốn đốt mấy cái tranh này.
- Em đừng nói nhảm! Mà sao lại hung dữ thế?
- Cô ta đã bỏ cả tâm huyết vào hai bức tranh này để tả Otoko! Tranh này không phải để giữ trong nhà.
Ngạc nhiên vì cơn ghen bất thần của vợ, Oki gắng bình tĩnh hỏi:
- Tại sao em nghĩ mấy bức tranh tả Otoko.
- Anh không thấy sao?
- Tất cả là em tưởng tượng ra. Em bắt đầu thấy ma rồi.
Nhưng nói xong, Oki thấy lóe lên trong đầu tia sáng và mọi chuyện tỏ tường. Rõ ràng là Cây mận tượng trưng cho mối tình Otoko dành cho ông. Còn bức tranh không tên xem ra cũng một đề tài. Trong tấm này, Keiko trát phẩm khoáng chất lên bên trái dưới khoảng giữa tranh một chút, và nhỏ phẩm nước xuống. Mảng màu sáng như một ô cửa sổ, nhìn vào đấy, ông thấy được linh hồn bức tranh. Linh hồn ấy là tình yêu còn lửa Otoko đã giữ lại cho ông.
Ông nói:
- Dù sao thì Otoko không phải tác giả. Tranh là của cô học trò.
Ngay từ đầu, Fumiko đã nghi Oki lấy cớ đi nghe chuông giao thừa ở Kyoto để tìm gặp Otoko, nhưng có lẽ vì tết nhất nên hôm ấy nàng đã làm ngơ. Mắt chớp nhanh, môi run lên vì giận, nàng nói:
- Của ai thì hai bức tranh cũng khó thương. Em không muốn chứa thứ này trong nhà.
- Em thương hay không thương, tranh không thuộc về em. Chúng thuộc về tác giả, dù tác giả chỉ là một cô bé con. Em nghĩ em có quyền hủy chúng đi ư? Trước nhất, em có chắc là cô ta muốn biếu tranh mình không, hay chỉ đem lại cho coi?
Yên lặng giây lâu. Rồi như sốt ruột vì con chưa về, Fumiko nói:
- Taichiro ra cửa tiếp cô ta. Chắc nó lại tiễn ra ga. Nhưng mà sao con nó đi lâu quá.
Nàng nói tiếp:
- Bây giờ đến lượt thằng Taichiro bị dụ dỗ. Một đứa con gái đẹp như vậy. Ôi, nó đẹp như ma như quỷ.
Oki đặt hai bức tranh xuống và chậm rãi gói lại. Ông nói:
- Cái gì mà lúc nào cũng quyến rũ với mê hoặc. Anh không thích nghe em nói như vậy. Nếu cô gái xinh đẹp như em nghĩ, thì như cái thói đàn bà thích tự ngắm mình, tranh cô ta phản ánh cái sắc đẹp của cô ta...
- Không, em cho là hai bức tranh phản ánh Otoko...
- Như vậy thì cô gái này và Otoko yêu nhau hay sao?
Fumiko sững sờ hỏi lại:
- Hai người đồng tính luyến ái? Anh nghĩ họ đồng tính luyến ái sao?
- Anh không biết nữa, nhưng nếu có chuyện đó thì anh cũng không ngạc nhiên. Họ chung nhà với nhau, và cả hai bản chất đam mê.
Fumiko tỏ ra rất xúc động vì chuyện hai người đàn bà đồng tính luyến ái. Lát sau nàng nói:
- Dù sao đi nữa, em nghĩ hai bức tranh biểu lộ tình yêu Otoko vẫn còn nuôi dưỡng cho anh.
Nói vậy mà Fumiko giọng đã bớt găng. Oki xấu hổ trong lòng vì đã dùng đề tài đồng tính luyến ái để đánh trống lảng. Ông nói:
- Có thể cả anh lẫn em đều sai. Chúng ta đều ngắm tranh với thành kiến.
- Nhưng mà sao lại đi vẽ những tấm tranh oái oăm vô lý như vậy?
- Thế đấy...
Ông nghĩ mọi bức tranh dù hiện thực hay không, đều biểu lộ những tư tưởng thầm kín thâm sâu của tác giả. Nhưng hèn nhát, Oki không muốn tiếp tục thảo luận với vợ.
Có thể ý nghĩ ban đầu của Fumiko với hai bức tranh lại hóa ra rất đúng. Mà có lẽ ông cũng đúng khi nghĩ hai người đàn bà đồng tính luyến ái với nhau. Fumiko ra khỏi phòng sách, Oki ngồi một mình đợi con trai về.
Taichiro làm giảng nghiệm viên tại một đại học tư. Anh dạy văn chương Nhật. Những ngày không phải giảng bài, anh vào viện đọc sách hay ở nhà làm khảo cứu. Lúc đầu anh tính nghiên cứu văn học Nhật hiện đại, nghĩa là từ thời Minh Trị. Vì cha cản, anh bèn nghiên cứu văn học thời Kamakura và Muromachi. Anh có cái tài hiếm có trong giới chuyên gia văn học Nhật là thông thạo Anh văn, Pháp văn và Đức văn.
Taichiro là một chàng trai có tài, tính trầm lặng có thể đến chỗ trầm buồn. Anh khác hẳn với cô em Kumiko. Cô bé láu lỉnh, lụp chụp, chỉ thạo những chuyện phù phiếm như thời trang, ngọc ngà, quần áo, hay cắm hoa. Cô cho anh là người kỳ quặc. Ngay cả những khi cô rủ đi trượt băng hay đánh quần vợt, không bao giờ Taichiro hăng hái hưởng ứng. Anh không giao du với bạn gái của cô. Khi anh gọi học trò về nhà chơi, anh cũng không thèm giới thiệu với em. Kumiko tuy bản tính không hay hờn, cũng ghen tị chút ít khi thấy mẹ ân cần với đám học trò của anh.
Mẹ cô có lần mắng:
- Khi anh con có khách, con chỉ việc ra mời trà người ta. Vậy mà con không lục tủ lạnh thì gọi điện thoại, ồn ào huyên náo quá chừng.
Kumiko láu lỉnh trả lời:
- Nhưng mà khách của anh con chỉ là mấy đứa học trò ấy mà.
Kumiko bây giờ đã có chồng, còn Taichiro chưa độc lập về tài chánh nên không nghĩ đến hôn nhân.
Oki bắt đầu sốt ruột thấy con đi đã lâu mà chưa về. Ông nhìn ra cửa sổ có ô kính nhỏ. Có đống đất ngay chân đồi sau nhà, nơi ngày xưa thời chiến tranh, người ta đã đào hầm trú ẩn. Đụn đất bây giờ cỏ dại mọc kín. Lẫn trong cỏ là những cụm hoa xanh nở rộ. Cỏ thấp và cằn từ xa không thấy, và những bông hoa tuy nhỏ nhưng lại nổi bật lên vì màu xanh rực rỡ của chúng. Hoa này nở sớm nhất và tàn trễ nhất trong vườn ông. Có thể có nhiều hoa khác nở sớm hơn để báo hiệu mùa xuân, nhưng những bông hoa xanh mọc sát cửa sổ nên có khi Oki muốn ra hái một bông để ngắm cho kỹ. Chưa bao giờ ông thực hiện ý định, và chính vì vậy mà ông càng thích hoa hơn. Tiếp đến là bồ công anh. Hoa này cũng lâu tàn. Giờ đây trong bóng chiều đã xuống, Oki vẫn còn thấy được màu xanh và màu vàng của hai loài hoa dại.
Taichiro con trai ông vẫn chưa về.