Chương 21


Ngày đầu, cơn sốt rét hành hạ Mai bím vào đúng ngọ. Khi đội đã nhiều đứa ngủ thì Mai bím rên hừ hừ, đắp hai, ba cái mền nó vẫn rét run, co quắp, dẫy run cả sàn tre. Nó bảo lạnh thấu xương vì kéo mền trùm kín mặt. Tôi mượn thêm mền đắp cho Mai bím. Nó không chịu nổi cơn sốt quái ác, nẩy tung người. Tôi phải nằm đè lên nó. Mấy đứa nằm cạnh, vụt thức, giúp tôi đàn áp cơn sốt rét rừng. May cho Mai bím, đội tôi được lệnh làm chuồng gà bên cơ quan nên không đi thông tằm. Vì thế tôi có thì giờ săn sóc cho Mai bím. Nửa tiếng đồng hồ vật vã với cơn sốt, Mai bím thôi giẫy giụa, thôi rên. Nó tung mền, ngồi dậy. Mồ hôi nó chảy ướt sũng quần áo. Khuôn mặt nó thảm não vô cùng. Tôi lau mặt Mai bím, thay quần áo mới và chạy lên y tế xin thuốc.
Cán bộ trại vốn nương tay và nương tình với bọn lâm sản nên đã phát Chloroquine thay vì phát Xuyên tâm liên. Mai bím uống hai viên. Lúc này nó tỉnh táo. Nó sợ chết và tự trách đã ăn nhiều rau tàu bay, rau cải trời, bị mất máu và khó chống cự sốt rét. Tôi an ủi Mai bím, dặn nó nằm nghỉ, chiều tôi sẽ đi xin gạo nấu cháo đem về. Chúng tôi lại sang cơ quan làm chuồng gà. Tôi trình bày bệnh trạng của Mai bím. Cán bộ quản giáo cho mấy lon gạo và Chloroquine. Tôi hy vọng Mai bím khỏi bệnh, hy vọng thôi, chứ vẫn bị những hồi tru của đám chết hồi trước ám ảnh. Tôi phải đợi một tuần lễ. Bây giờ, từng giây từng phút đều chậm chạp, đáng ghét. Đội và nhà thấy tôi săn sóc Mai bím tận tình, chúng lại ngạc nhiên như hôm Mai bím và tôi ẩu đả, giận nhau, không thèm nói chuyện, nhìn mặt nhau. Bé Hai cũng chịu khó tới lui xem Mai bím có nhờ vả gì khi tôi xuất trại.
Ngày thứ hai, vẫn đúng ngọ, Mai bím lại lên cơn sốt rét. Hôm qua nó đã uống sáu viên Chloroquine mà chưa nhúc nhích. Cơn sốt giống hệt ngày đầu. Nó quần Mai bím tơi tả. Chịu đựng đủ nửa tiếng, cơn sốt tự ý rút lui, con bệnh mệt mỏi một lát rồi tỉnh táo bình thường. Cán bộ y tế trại khám bệnh cho Mai bím, tiêm thuốc Quinine đàng hoàng. Cán bộ bảo đảm Mai bím chỉ sốt sơ sơ rồi dứt hẳn. Mai bím ăn cháo hai bữa. Cán bộ cấm nó ăn... sắn! Ngày thứ ba, vẫn đúng ngọ, cơn sốt thách thức cán bộ y tế, vật vã Mai bím ròng rã nửa tiếng. Cán bộ tiếp tục tiêm Quinine, cho uống Chloroquine. Đến ngày thứ tư thì không tin ở khả năng y dược Tây phương nữa, cán bộ quyết định cho Mai bím uống Xuyên tâm liên. Và sang ngày thứ năm, cán bộ y tế nói để tự nó dứt, khỏi cần chữa mà liên lạc cầu cứu nữa. Mai bím cứ việc sốt rét, chừng nào khỏi thì đi lao động!
Tôi thật sự sợ Mai bím chết. Mai bím luôn luôn nói với tôi rằng sống chết có số, nó không sợ chết. Nhưng từ hôm bị sốt rét, nó sợ chết lắm. Qua ngày thứ sáu, cơn sốt không tăng mà cũng không giảm cường độ đánh phá sức khỏe của Mai bím, nó hỏi tôi:
- Liệu tao chết không, Vũ?
Tôi đau điếng tim phổi mà phải cười thật tươi, trả lời Mai bím:
- Làm gì có chuyện đó, Mai. Mày khổ nhiều rồi, mày phải được sống, sống thật lâu để hưởng sung sướng, Mai ạ!
- Mày đừng an ủi tao.
- Tao nói thật.
- Nói thật là mày sợ tao chết đi!
- Tao sợ mày chết, nhưng tao cam đoan mày không chết.
- Mày lấy gì cam đoan?
- Tao cầu Chúa, bé Hai cầu Chúa. Anh em trong đội cầu Trời khấn Phật độ trì mày.
- Tầm phào, tao không tin gì cả, Vũ ạ!
- Mày không nên thất vọng.
- Tao không tin luôn cả cái sự có tao trên đời này. Mẹ kiếp, sao tao lại có mặt trên đời này nhỉ? Tao sinh ra ở đâu, ai sinh ra tao, tao sống ở vỉa hè hồi nào nhỉ, tao đếch biết, vậy tao đéo tin ai, đéo tin cái gì.
Tôi để mặc Mai bím chửi thề, văng tục. Chợt, nó nắm chặt cánh tay tôi:
- Nhưng tao tin mày, tao tin mày thương tao.
Nước mắt nó ứa ra:
- Còn Chúa, Phật, tao đéo tin. Tao đéo tin cả Người nữa, nếu tao không gặp mày, Vũ ạ!
Tôi xích gần Mai bím:
- Bình tĩnh, Mai, đâu sẽ vào đó, mày hay an ủi tao thế mà.
Mai bím đưa ống tay áo thấm nước mắt:
- Nếu tao không gặp mày, tao đéo sợ chết. Gặp mày tao đâm ra sợ chết, sợ đủ thứ. Tao đéo dám làm cái gì theo ý tao nữa. Tại sao vậy, Vũ?
Tôi vòng tay khoác tay nó:
- Tại mày thương tao.
Mai bím òa lên khóc. Tôi đập nhè nhẹ vai nó:
- Mày mệt rồi, nằm nghỉ đi. Mày không thể chết được.
Nó cố hỏi:
- Chắc tao không chết chứ?
Tôi đáp:
- Mày không chết, mày còn phải làm anh hùng dân tộc rồi mới chết. Nhưng muốn sống, mày phải nghe tao, nằm nghỉ và đừng nghĩ đến chết chóc nữa.
Tôi khẽ đẩy Mai bím nằm xuống. Nó ngoan ngỗn để tôi đắp mền lên bụng và kéo gối cho nó gối đầu. Mai bím nhắm mắt. Tôi ngồi cạnh nó. Ngày mai, Mai bím còn phải chịu đựng cơn sốt quyết định vận mạng của nó. Ngày mai, ngày thứ bảy định mệnh. Nếu sang ngày thứ tám, Mai bím không hú, chỉ cần nó không hú thôi, còn sốt thì kệ, là nó sống. Mai bím phải sống. Cả trại này chết cũng được nhưng đứa trẻ có tâm hồn như Mai bím không thể chết. Tôi hiểu tại sao Mai bím “còn kẹt” chưa dám trốn trại. Nó đã dựng vở kịch tài tình song vẫn không tâm, vẫn sợ tôi bị liên lụy nên mới chần chừ và ở lại chịu sốt rét. Bé Hai đã cầu nguyện cho Mai bím. Thằng nhóc vừa cầu vừa khóc, chỉ lo anh Mai của nó chết. Mai bím sợ chết vì trên đời còn bé Hai và tôi thương nó và làm khổ nó.
Sang ngày thứ bảy, Mai bím hốc hác thảm não. Trông nó giống tội nhân Do Thái trong trại tập trung của phát xít Đức trên màn ảnh. Bảy ngày ăn cháo trắng với muối, Mai bím rộc hẳn. Mấy năm lao động quá sức người, ăn toàn ngô, sắn, khoai, bo bo, gạo hẩm, mà lại ăn đói, Mai bím kiệt sức chống chọi với lũ vi trùng sốt rét phá tan hồng huyết cầu của nó. Thêm vào nữa là rau cải trời, rau tàu bay, bọ cạp, rắn mối, cắc kè, cóc nhái, dế, cào cào, châu chấu tích lũy chất độc để chờ Mai bím quỵ là vùng lên đánh hội với vi trùng sốt rét. Mai bím xanh rờn. Mắt trũng sâu. Gò má nhô ra. Bàn tay khô đét. Môi tím tái. Nó cởi trần thì y hệt bộ xương cách trí. Đúng ngọ, Mai bím gồng sức tàn chịu đựng cơn sốt tàn nhẫn không kém những ngọn roi dây điện quất veo véo lên da thịt con nít, không kém những cái báng súng nện bừa bãi lên thân thể con nít, không kém những cái đạp, những cú đá hận thù vô duyên cớ mà con nít cam đành lãnh đủ trong cải tạo tư tưởng, sau chiến tranh ý thức hệ!
Chịu đựng xong cơn sốt thứ bảy, Mai bím chỉ còn là cái xác khô với một linh hồn ám khói. Nó mệt phờ, hỏi tôi câu hỏi nó đã hỏi tôi nhiều lần:
- Liệu tao chết không, Vũ?
Tôi lắc đầu:
- Không, mày không chết.
Nó nhìn tôi trừng trừng. Đôi mắt nó vàng úa tội nghiệp.
- Mày nói láo, tao chết sẽ làm ma bóp cổ mày.
- Tao nói thật, Mai ạ!
- Tao không chết, hả?
- Chết đâu dễ, mày.
- Tao không thích chết, Vũ ơi, tao thích sống về với mày. Nếu ba mày biết tao là dân vỉa móc túi, ổng có đuổi tao không?
- Không.
- Tao sẽ làm tặng ba mày cái thánh giá bằng i nốc, tặng má mày tượng Đức mẹ. Tao nhớ rồi, Đức mẹ bồng quả dưa hấu ở nhà thờ Đức Bà.
- Không phải quả dưa hấu.
- Quả gì?
- Quả địa cầu.
- Tao đã nhớ mặt Đức mẹ rồi, bả hiền và đẹp thấy mồ.
Mai bím nói năng như Mai bím năm xưa, nó quên rằng nó đã mười tám tuổi. Càng nói chuyện, Mai bím càng vui và đôi mắt vàng úa của nó long lanh nỗi niềm thèm khát cuộc sống.
- Má mày hiền không, Vũ?
- Hiền.
- Ba mày ham nhậu không?
- Không
- Tao ghét dân nhậu, ưa lèm bèm gây sự. Tao không chết hả, Vũ?
- Không, mày nằm nghỉ, tao sắp đi lao động đấy.
- Ờ tao nằm nghỉ, tao nằm mơ căn nhà ở Sài Gòn. Tao có thể học nghề vẽ được chứ, Vũ?
- Mày học nghề điêu khắc.
Mai bím cười rồi nằm xuống, nhắm mắt. Tôi lại thở dài, lo lắng ngày mai, ngày quyết định sự sống chết của Mai bím, người bạn thân nhất đời tôi. Không có gì buồn hơn, sợ hãi hơn khi mình biết trước cái chết của người thân yêu mình. Mình biết từng ngày, từng giờ, từng phút. Mình nghe rõ bước chân của tử thần và hồi chuông báo tử. Và mình đang buông thõng đôi tay, không dám khóc thành tiếng. Mình được lệnh phải vui lên, cười to lên, hồ hởi và phấn khởi. Vì nếu mình khóc, mình buồn là chưa an tâm cải tạo, tư tưởng mình còn ủy mị, lãng mạn, không chịu đổi cũ thay mới.
Hôm sau, ngày thứ tám, đúng ngọ, Mai bím lên cơn sốt. Tôi hồi hộp từ giây phút đầu tiên. Cơn sốt tàn bạo hơn bảy cơn sốt cũ. Tim tôi đập mạnh rồi muốn bung khỏi lồng ngực khi Mai bím tru lên. Mai bím bị sốt rét tru rồi. Chết rồi! Nó tru từng hồi dài như tiếng tru của chó sói, của chó dại, của ma quỷ. Cả nhà thức giấc, sợ hãi. Tử thần rình rập gần đây. Đêm qua, bầy chim lợn bay ngang mái nhà kêu eng éc. Sáng nay, bọn phát hoang thấy con cú đậu trên cành cây sau nhà. Toàn là điềm gở. Mai bím tru ba hồi. Mắt nó đỏ ngầu. Miệng nó chảy dãi. Tóc nó bù xù rối tung. Nó như phù thủy, như thần rừng. Vi trùng sốt rét ăn vào óc nó rồi. Tru xong, Mai bím ngồi dậy ngơ ngác:
- Tao vừa làm gì đấy, Vũ?
- Mày vừa lải nhải mày không chết. - Tôi nói dối.
- Ừ, tao khó chết lắm. Có thằng nào coi bài vỉa hè đoán tao sống tám mươi tuổi. Tao thích sống về ở gia đình với mày. Tao chỉ cần ở với gia đình mày một ngày thôi. Tao chưa biết gia đình nó ra sao.
- Mày sẽ ở hết đời mày. Bố mẹ tao sẽ lấy vợ cho mày.
- Tao ham lấy con bán thuốc lá. Mẹ kiếp, hút thuốc thả giàn. Nhưng không... vị anh hùng dân tộc không thể lấy con bé bán thuốc lá.
- Lấy được.
- Được à?
- Được.
- Còn...
- Còn gì?
- Thôi, tao nằm nghỉ đây, Vũ ạ! Tao may mắn lắm, tao khó mà chết, mày nhỉ?
- Ừ.
Tôi đã dặn cả nhà giấu kín, trong khi Mai bím tru, nên không đứa nào cho Mai bím biết nó đã tru. Nếu Mai bím biết nó đã tru, hoặc nó sẽ khổ cùng độ, nó đợi chết, hoặc nó làm ẩu để bị bắn vỡ đầu. Nhưng Mai bím kiệt sức rồi, nó không dám làm ẩu, không thể làm ẩu. Chúng tôi im lặng để nó hy vọng thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Ngày thứ chín như ngày thứ tám, Mai bím sốt rồi tru đúng giờ giấc. Tru xong, nó tỉnh táo ngay và thích nói chuyện với tôi.
- Em gái mày tên là gì, Vũ?
- Hiền, Nguyễn Thị Hiền.
- Nó học trường nào?
- Trường các xơ.
- Nó đẹp không.
- Tao không biết.
- Còn đứa nữa tên gì?
- Hậu.
- Nó ngoan không?
- Dữ như bà chằng.
- Tao sẽ chọc nó tối ngày cho nó khóc nhé. Nhà mày rộng chứ?
- Rộng lắm. Có sân, có cây ăn trái nữa.
- Tụi mình sẽ đóng cái bàn bi da chơi nghe, mày.
- Ừ.
- Tao đóng cho em mày cái bàn ping pong. Tao làm đủ thứ. Ba má mày sẽ phải thương tao. Vũ ạ...
- Gì?
- Tao đổi họ tên là Nguyễn Hữu Mai được không?
- Được.
- Tao đi học khắc tượng Chúa nuôi ba má mày.
- Ba má chúng mình.
- Ở vỉa hè cực lắm.
- Tao biết.
- Tao thèm có ba má.
- Mày sắp có rồi.
- Tao thèm ở nhà.
- Mày sắp có nhà, có em gái, có đủ thứ.
Mai bím biến thành đứa con nít. Và tôi đóng vai anh nó. Trận sốt rét kéo dài, biến chứng và biến đổi cả tâm hồn Mai bím. Những cơn tru dài đã tống khứ mọi đau thương và tội lỗi vỉa hè của Mai bím. Đã gội sạch cái dĩ vãng lầm than và nhơ nhớp khỏi cuộc đời nó. Mai bím hoàn lương. Mai bím trở về với cái bẩm sinh thánh thiện của nó. Nó đã được cứu rỗi toàn vẹn khỏi qua một lời phán xét. Nó đã nhắm mắt ngủ. Nó sung sướng hay, ít ra, nó sắp sung sướng. Còn tôi, tôi khổ sở chờ đợi ngày cuối cùng. Tôi khai bệnh nghỉ ở nhà. Buổi trưa, vẫn đúng ngọ, Mai bím sốt rồi tru. Những hồi tru của nó đỡ man rợ hơn hai hôm trước. Nó đòi ăn cháo, đòi tắm gội. Tôi phải xách nước cho Mai bím tắm gội. Nó thay quần áo mới, kéo bi thuốc lào dành dụm từ lâu.
- Tao hết bịnh rồi. - Mai bím nói. - Tao cảm thấy trong người khỏe khoắn vô cùng.
- Mừng cho mày, Mai ạ!
Nó bảo tôi dắt nó ra sân, dìu nó đi vài vòng, qua thăm bé Hai. Khi về nhà, nó ngồi tầng dưới. Nói chuyện với những đứa trực nhà. Nó cười đùa chẳng mệt mỏi chút nào. Tôi chợt nghĩ tới phép lạ. Nó nhờ tôi đỡ nó leo lên tầng trên. Hai chúng tôi ngồi dựa lưng vào tường.
- Tao sung sướng quá, tao hết bệnh, tao không chết.
- Tao đã cam đoan mày sống mà.
- Mày đã cầu Chúa cho tao, hả?
- Bé Hai và tao và anh em cầu Trời, Phật.
- Tao có xứng đáng làm con ba má mày không?
- Xứng đáng.
- Tao chỉ ở nhà ít lâu thôi, Vũ ạ!
- Rồi mày đi đâu?
- Tao xin phép ba má đi lo chuyện đục bọn nó. Hết bọn gian ác ấy là hết đồi Fanta.
- Tao đi với mày.
- Sẽ thiếu gì đứa theo chúng mình. Sống vậy mới đáng sống, mới có ý nghĩa.
Nghĩ ngợi giây lát, Mai bím lại hỏi:
- Mày đã cầu Chúa cho tao, hả?
Tôi đáp:
- Tao cầu hàng đêm.
- Có lần mày nói Chúa thương cả dân vỉa hè móc túi?
- Ừ.
- Chúa thương tao?
- Chứ gì nữa.
- Mày bảo có ngày tao sẽ tin Chúa?
- Ừ.
Mai bím nắm tay tôi:
- Tao xin lỗi mày nhé, vì tao đã nói bậy tao đéo tin Chúa. Hôm nay tao tin cả mày lẫn Chúa.
Tôi lần bàn tay Mai bím, đan bàn tay của tôi chặt với bàn tay của nó:
- Chúa ban phúc cho mày.
Mai bím gật đầu:
- Tao tin Chúa.
Nó chớp mắt:
- Con tin Chúa, Chúa ơi!
Rồi Mai bím nằm vật xuống sàn tre ghép, chân tay co quắp, giẫy giụa một lúc. Và nhắm mắt tắt thở. Tôi rờ ngực nó. Trái tim ngừng đập. Tôi vuốt ve tóc nó, má nó, mũi nó, mắt nó. Nước mắt tôi ứa ra, rơi xuống khuôn mặt xanh lè của Mai bím. Mai bím đã chết đúng hẹn của tử thần. Người bạn thân nhất của đời tôi đã chết. Vị anh hùng dân tộc đã chết. Người không thể cưới cô bé bán thuốc lá ở vỉa hè. Tôi đau đớn gấp nghìn vạn lần nỗi đau đớn dưới hầm biệt giam, hầm phân. Tôi nằm cạnh xác Mai bím, kể lể với nó giấc mơ về với gia đình.
- Ngủ ngon, Nguyễn Hữu Mai, tao sẽ đưa mày lên đồi Fanta.
Tôi bỏ Mai bím nằm một mình, không cần báo cáo vội. Tôi kiếm giấy cứng viết hàng chục mẫu sau: “Nguyễn Hữu Mai tự Mai bím chết ngày 19 tháng 11 năm 1979 tại trại lao cải Phú Văn.” Tôi bọc những mẫu giấy bằng ni lông, ép miết dao hơ nóng và cắt rời từng mẫu. Đợi đội về, tôi báo tin đội trưởng Mai bím đã chết. Cả đội khóc thầm thương Mai bím đã anh hùng, đại lượng. Đội phó chạy đi báo cáo cán bộ trực trại. Người ta lập nhanh chóng một cái biên bản và ra lệnh cho tổ chôn cất hoàn thành nhiệm vụ ngay tối nay. Tôi xin cán bộ cho Mai bím được bó chiếu. Cán bộ đồng ý. Chúng tôi gom năm chiếc chiếu, trải dưới sàn nhà rồi khiêng xác Mai bím xuống, đặt lên. Chúng tôi dùng lạt tre bó xác Mai bím rất gọn, rất cứng. Tôi, một thằng nữa khiêng xác Mai bím trên vai. Ba thằng vác cuốc xẻng theo sau. Chúng tôi xuất trại.
Lúc ấy, nắng đã tắt. Hai bên đường, cây khuynh diệp tươi tốt, lá rũ buồn như thể hàng cây chịu tang Mai bím. Chim hôm thoi thóp về tổ. Trời đất hiu quạnh, thê lương. Chúng tôi không thèm đi nhanh. Chúng tôi muốn kéo dài thời giờ được vác xác Mai bím. Những thằng khác, khi chết, bị buộc dây hai bên nách kéo lê lết lên đồi. Đó là lệnh! Người ta chiếu cố thằng lâm sản tích cực để người ta dụ dỗ bọn nhãi tích cực. Hãy tích cực như Mai bím, chết sẽ bó chiếu, khiêng vác trịnh trọng. Khi chúng tôi lên tới đồi thì bóng tối mênh mông chụp bủa không gian. Chúng tôi nhẹ nhàng đặt xác Mai bím trên lớp cỏ. Tôi bảo anh em lượm củi khô chất đống đốt cho sáng. Dân lâm sản luôn luôn có lửa và rành nghề. Chẳng mấy chốc, đống lửa đã bập bùng cháy trên ngọn đồi Fanta oan nghiệt.
Chúng tôi chọn chỗ đất quang đãng, phạt cỏ và đào huyệt. Lâm sản chôn lâm sản thì phải tận tình. Cái huyệt thật sâu, hơn một thước. Đống lửa gần đó cháy lốp bốp, gió thổi tạt về chúng tôi làm mồ hôi chúng tôi chảy như vã. Chúng tôi đưa xác Mai bím xuống huyệt, lấp đất, nện chặt. Bốn đứa còn đào thêm đất, đắp mộ Mai bím cao vượt lên, không để mưa cuốn bằng mặt mộ. Tôi tìm cành cây chắc, đẽo nhỏ, chùi, vẩy khô rồi nhét những mẫu giấy bọc ni lông vào. Tôi dộng ngược vỏ chai, để miệng vỏ khít vô cành tre như đút kín cách xa mặt đất. Hơi ẩm không xông vào chai được. Tôi quỳ xuống, làm dấu và nói:
- Mày đừng sợ cô đơn, có Chúa ở chung với mày, Mai ạ!
Năm đứa tôi lặng lẽ về trại. Nửa đường, tôi vẫn thấy ngọn lửa bập bùng cháy trên ngọn đồi Fanta, trên ngọn đồi nghĩa trang mà, ở đó, tội ác được dấu biến không nhân chứng. Người ta đã nghĩ thế. Ngọn lửa đã thắp sáng ngọn đồi. Nó sẽ thắp sáng lương tâm nhân loại trước khi nó sưởi ấm những linh hồn tuổi dại co quắp dưới đất lạnh. Người ta thường hay nói về linh hồn và thể xác. Chết đi, thể xác tan rã nhưng linh hồn còn lại. Như vậy, hàng tỷ người chết, hàng tỷ linh hồn còn lại thì ở đâu? Không lẽ biến hết thành cô hồn húp cháo lú rằm tháng bảy! Và linh hồn những đứa độc ác, những đứa xảo quyệt, gian dối ở đâu? Tôi nghĩ chết là thể xác tan rã và linh hồn là ý nghĩ tốt đẹp nào đó về đời sống mà trước khi chết, người ta để lại.
Linh hồn Mai bím là cái ý nghĩ vùng dậy đòi lại phẩm cách làm người, đòi quyền sống tự do, no ấm, hạnh phúc và thương yêu mà nó để lại cho tôi. Ý nghĩ tốt đẹp của Mai bím mới chính là linh hồn nó còn tồn tại sống với một người. Còn những kẻ tầm thường, đố kỵ nhỏ nhen, hẹp hòi thiển cận, ưa phán xét bậy bạ, thích bôi bẩn người khác, độc ác, gian dối thì chết là tiêu luôn thể xác lẫn linh hồn. Ngọn lửa bập bùng cháy trên ngọn đồi Fanta cũng soi sáng ý nghĩ tuyệt vời của đời sống Mai bím và linh hồn nó.
Ngọn lửa rồi sẽ tắt. Đêm nay. Sáng mai. Nhưng nó không bao giờ tắt trong trái tim tôi. Vì trên đồi Fanta có Mai bím vẫn uẩn ức, chưa lo xong “chuyện đục bọn nó”...